LỜI VÀNG CỦA THẦY TÔI

Nguyên Tác: O-rgyan-'jigs-med-chos-kyi-dban-po

(Kunzang Lama'i Shelung)

Bản dịch Anh ngữ: The Words of my Perfect Teacher/Patrul Rinpoche

Của Nhóm Dịch thuật Padmakara

Nhà Xuất bản Shambhala

Bản dịch Việt ngữ: Nhóm Longchenpa 2004

----o0o---- 

PHẦN II 

NHỮNG CHUẨN BỊ PHI THƯỜNG HAY BÊN TRONG

-------------------

CHƯƠNG 3

SỰ THIỀN ĐỊNH VÀ TRÌ TỤNG VỀ VỊ THẦY NHƯ VAJRASATTVA ĐỂ TẨY SẠCH MỌI CHE CHƯỚNG.[172]

 

Vượt lên sự bị ô nhiễm bởi hai che chướng,* dường như Ngài vẫn đang tịnh hoá chúng.

Đã chắc chắn đạt tới cùng đích của con đường cao cả, Ngài tự nhận là vẫn đang học hỏi.

Vượt lên những thái cực của Sinh Tử và Niết bàn, Ngài vẫn còn hiển lộ trong sinh tử luân hồi.

Hỡi Bậc Thầy Vô song, con xin đảnh lễ dưới chân Ngài. 

Hãy lắng nghe chương này với thái độ tương tự như ở trước.

 

I - LÀM THẾ NÀO CÁC CHE CHƯỚNG CÓ THỂ ĐƯỢC TỊNH HOÁ NHỜ SỰ SÁM HỐI.

 

Các chướng ngại chính ngăn trở mọi kinh nghiệm và chứng ngộ phi thường của con đường sâu xa không phát sinh được là những hành động tiêu cực, che chướng và những tập khí. ** Giống như cần thiết phải lau sạch mặt một tấm gương để các hình sắc được phản chiếu trên đó, thì cũng thế, ta cần loại trừ các che chướng để sự chứng ngộ có thể xuất hiện giống như một phản chiếu trong một tấm gương Nền tảng của Mọi Sự.*** Vì mục đích này, Đấng Chiến Thắng đã giảng dạy vô số các phương pháp tịnh hoá, nhưng phương pháp tuyệt hảo nhất trong số đó là sự thiền định và trì tụng liên quan tới Đạo sư như Đức Vajrasattva[173] (Kim Cang Tát Đỏa).

Không có hành vi ác hại nào mà không thể tịnh hoá được nhờ sự sám hối. Như các bậc thầy vĩ đại ngày xưa đã quả quyết:

 Chẳng có gì tốt đẹp trong các hành động tiêu cực - trừ việc chúng có thể được tịnh hoá nhờ pháp sám hối. 

Trong tất cả các hành động tiêu cực – chúng là những vi phạm bên ngoài các giới nguyện pratimoksa (Biệt giải thoát giới), những vi phạm bên trong tu tập Bồ Đề Tâm, hoặc những vi phạm bí mật các samaya (hứa nguyện) Mật thừa – không có hành động nào dù trầm trọng tới đâu mà không thể tịnh hoá được bằng pháp sám hối.

Trong các kinh điển, Đức Phật đã kể vài câu chuyện minh chứng điều này. Ví dụ, có câu chuyện về người Bà la môn Atapa, được gọi là Angulimala, “Vòng hoa các ngón tay”. Angulimala đã giết chín trăn chín mươi chín người,[174] nhưng về sau đã tự tẩy sạch những hành vi đó nhờ pháp sám hối và đạt được quả vị A La Hán ngay trong đời đó. Cũng có trường hợp của vua Ajatasatru (A Xà Thế), ngài giết cha mình, nhưng về sau chuộc lại tội lỗi bằng pháp sám hối và đạt được giải thoát, sau khi đã kinh nghiệm những nỗi khổ của địa ngục chỉ bằng thời gian một trái banh nẩy lên một lần. Đấng bảo trợ Nagarjuna (Long Thọ) nói: 

Một số người đã hành động buông lung

Nhưng về sau trở nên nghiêm cẩn và chú tâm

Thì tươi đẹp như vầng trăng sáng nhô lên từ những đám mây,

Như Nanda, Angulimala, darsaka và Sankara.[175] 

Tuy nhiên, sự tịnh hoá chỉ xảy ra khi bạn sám hối một cách chân thành theo sự tư duy đúng đắn, sử dụng bốn năng lực như những pháp đối trị. Quá trình tịnh hoá sẽ không bao giờ tiến triển nếu mắt và miệng bạn bị xao lãng vào việc khác, hoặc nếu bạn chỉ đọc to những từ “Con thú nậhn…Con sám hối..” trong khi tâm bạn bận theo đuổi những niệm tưởng khác. Và việc nghĩ tưởng: “Trong tương lai, cho dù tôi có làm điều quấy cũng không thành vấn đề bởi sau đó tôi có thể hoàn toàn sám hối.” sẽ ngăn cản khiến sự tịnh hoá không tiến triển chút nào, cho dù bạn có phát lồ sám hối.

Ngài Jetsun Mila nói: 

Bạn có thể nghi ngờ sự sám hối đó có thể thực sự tịnh hoá các hành vi tiêu cực,

Nhưng nếu tư tưởng của bạn trở nên tích cực, bạn sẽ được tịnh hoá. 

Điều tuyệt đối căn bản là bất kỳ sự sám hối nào cần bao gồm tất cả bốn năng lực như các pháp đối trị.

 

II - BỐN NĂNG LỰC

Bốn năng lực là năng lực hỗ trợ, năng lực ân hận đã làm điều quấy, năng lực quyết định và năng lực hành động như một cách đối trị. 

1- Năng lực hỗ trợ

Trong phạm vi này, sự hỗ trợ được chuẩn bị bằng cách quy y (nương tựa) Đức Vajrasattva và nuôi dưỡng các phương diện ý định và áp dụng của Bồ Đề Tâm. Trong các trường hợp khác, sự hỗ trợ sẽ là đối tượng đặc biệt ở đó bạn phát lộ sự sám hối của bạn. Ví dụ như, khi bạn trì tụng bài sám hối trong Kinh Ba Phần, năng lực hỗ trợ được Ba mươi lăm vị Phật gia hộ. Cũng có thể đó là một vị Thầy, hoặc một đại diện cho thân, khẩu và ý của chư Phật – tóm lại, bất kỳ ai hay sự vật gì mà bạn sám hối trước sự hiện diện của họ.[176]

Trước bất kỳ sự sám hối nào, việc phát khởi Bồ Đề Tâm ý định và Bồ Đề Tâm áp dụng là cần thiết. Đức Phật đã dạy rằng việc sám hối các hành vi xấu ác và các vi phạm của bạn mà không có sự phát khởi Bồ Đề Tâm, thì mặc dù bạn có thể áp dụng bốn năng lực, sẽ chỉ có thể giảm bớt các lỗi lầm của bạn chứ không hoàn toàn tịnh hoá chúng. Tuy thế, việc phát khởi Bồ Đề Tâm một cách chân thành tự nó sẽ tịnh hoá tất cả hành vi xấu trong quá khứ cho dù chúng là hành vi gì.[177] Trong Bồ Tát Đạo, ngài Santideva nói về Bồ Đề Tâm:

Như thể họ trải qua những nguy hiểm mà được một anh hùng che chở,

Ngay cả những người bị đề nặng bởi sự độc ác khủng khiếp

Sẽ lập tức được giải thoát nhờ có Bồ Đề Tâm.

Như thế ai không đặt tín tâm vào nó?

Các trọng tội hoàn toàn bị Bồ Đề Tâm thiêu đốt

Giống như bởi những ngọn lửa lúc cuối thời đại. 

2-Năng lực ân hận đã làm điều quấy

Năng lực ân hận đã làm điều quấy hình thành từ một sự hối hận đối với tất cả các hành vi tiêu cực bạn đã làm trong quá khứ. Không thể có sự tịnh hoá nếu bạn không thấy các hành vi xấu của bạn là điều sai lầm và sám hối chúng với sự ân hận mãnh liệt, không cheo đậy bất cứ điều gì.[178] Chúng ta trì tụng trong Kinh Ba Phần

Con sám hối tất cả chúng, không dấu diếm hay giữ lại bất cứ điều gì. 

Bậc thiện tri thức và thành tựu giả Karma Chagme đã nói:

Bởi các hành động xấu trong quá khứ giống như một độc tố nằm sâu trong tâm thức,

Sám hối mà không hối hận thì không thể tịnh hoá chúng.

Vì thế hãy sám hối với sự hổ thẹn, rung động và ân hận lớn lao.

 

3-Năng lực quyết định

Năng lực quyết định có nghĩa là nhớ lại các lỗi lầm bạn đã mắc phạm và quyết định từ giờ trở đi không bao giờ tái phạm một lần nữa, cho dù phải trả giá bằng mạng sống yêu quí của mình. Trong Kinh Ba Phần chúng ta đọc:

 

Từ giờ trở về sau, con nguyện chấm dứt.

Lời Cầu Nguyện của Sukhavati nói:

 

Không có một thệ nguyện từ giờ trở đi, thì không có sự tịnh hoá,

Vì thế con lập lời thệ nguyện từ nay đến mãi về sau

Là cho dù phải trả giá bằng mạng sống, con sẽ không còn làm điều ác.

 

4- Năng lực của hành động như một cách đối trị

 

Năng lực này đòi hỏi phải hoàn thành nhiều hành động tích cực trong mức độ bạn có thể như một cách đối trị các hành động tiêu cực của bạn trong quá khứ. Nó đặc biệt đề cập tới các hoạt động như sự lễ bái chư Phật và Bồ Tát, sự hoan hỉ trước công đức của người khác, sự hồi hướng các công đức trong tương lai của bạn để đạt được giác ngộ, sự nuôi dưỡng Bồ Đề Tâm trong ý định và áp dụng, và sự an trụ trong bản tánh của trạng thái tự nhiên bất biến.

Một ngày kia một thiền giả, là một đệ tử của Đức Dagpo Rinpoche vô song, nói với Thầy mìh rằng ông hối tiếc khi nhớ lại có lần ông đã kiếm sống bằng cách bán các kinh điển.

“Vậy hãy in các cuốn sách,” Đạo sư bảo ông ta.[179]

Vì vậy ông ta lao vào công việc, nhưng nhận ra rằng công việc này khiến ông bị thu hút trong quá nhiều phóng tâm. Bị vỡ mộng, ông trở lại gặp vị Thầy.

“Việc in các bản văn này đem lại quá nhiều phóng tâm,” ông ta nói. “Không có phương pháp sám hối nào sâu xa hơn việc an trụ trong bản tánh cốt tuỷ*, điều này không đúng sao?”

Ngài Dagpo Rinpoche vui thích và nói rằng ông hoàn toàn đúng. “Cho dù con phạm vào các hành động tiêu cực khổng lồ như Núi Tu Di,” Ngài nói, “chúng được tịnh hoá lập tức khi thấy được bản tánh đó.”

Quả thực, để tẩy sạch các hành vi xấu của ta trong quá khứ thì không có cách thức nào sâu xa hơn sự thiền định về Bồ Đề Tâm và việc duy trì dòng chảy của trạng thái tự nhiên bất biến. Hãy ghi nhớ hai điều này trong tâm khi bạn hoàn thành các chi tiết của sự thiền định về Vajrasattva - sự tịnh hoá bởi dòng suối cam lồ, sự trì tụng thần chú một trăm âm, và v.v…

Để thực hành sự thiền định và tịnh hoá thực sự, hãy thực hiện như sau, trong khi luôn luôn nhớ tưởng ý nghĩa thuần tịnh đặc biệt[180] của từng yếu tố trong phạm vi của bốn năng lực như các pháp đối trị.

 

III - THIỀN ĐỊNH THỰC SỰ VỀ VAJRASATTVA

 

Đối với sự quán tưởng tiếp au đây, hãy tự coi bạn như đang ở trong thân tướng bình thường.[181] hãy quán tưởng một hoa sen trắng ngàn cánh mở lớn lơ lửng tron không gian ở trên đầu bạn bằng độ dài của một mũi tên, và ở trên nó là đĩa mặt trăng tròn đầy. Chúng ta nói: “một mặt trăng tròn đầy” ở đây không chỉ rõ cái đĩa phải lớn cỡ nào, nhưng để biểu thị rằng nó tròn trịa, đều đặn thật toàn hảo và giống như mặt trăng tròn đầy vào ngày rằm. Trên đĩa mặt trăng này, hãy quán tưởng một chữ hum** trắng chói lọi. Trong các truyền thống khác thì chữ này phóng ra và thu rút lại các tia sáng, nhưng nó không phải là trường hợp ở đây.

Trong chốc lát chữ hum được chuyển hoá thành vị Thầy gốc vinh quang của bạn, nguồn bi mẫn vô song đó tự bản chất là bản tánh của tất cả chư Phật trong quá khứ, hiện tại và tương lại tụ hội trong một người. Ngài xuất hiện trong thân tướng của Báo Thân Phật,[182] Đức Vajrasattva, sắc trắng, trong giống như một đỉnh núi phủ tuyết được một trăm ngàn mặt trời chiếu sáng.

Ngài có một mặt và hai tay. Ở trước ngực, Ngài cầm trong tay phải chày Kim cng năm chấu của Giác tánh và tánh Không. Với tay trái, Ngài đặt cái chuôn của hình tướng và tánh Không bên hông trái của Ngài.[183] Hai chân bắt chéo trong tư thế kim cương, Ngài được trang điểm với mười ba món trang sức của Báo thân – năm trong phục bằng lụa và tám châu báu.

Năm trang phục bằng lụa là: 1/một dải buộc đầu, 2/một thượng y, 3/một khăn choàng dài, 4/một dây lưng và 5/một hạ y.

Tám châu báu là: 1/một vương miện, 2/ các hoa tai, 3/một chuỗi hạt ngắn, 4/ các vòng đeo ở mỗi cánh tay, 5/hai chuỗi hạt dài, một cái dài hơn cái kia,[184] 6/một vòng ở mỗi cổ tay, 7/một cái nhẫn ở mỗi bàn tay và 8/một vòng ở mỗi bàn chân.

Đức Vajrasattva đang ngồi trên đầu bạn, quay mặt cùng hướng với bạn. Ngài ôm vị phối ngẫu Vajratopa cũng màu trắng trong sự hợp nhất bất khả phân.[185] Thân tướng các Ngài là sự xuất hiện từ tánh Không, hiện diện sống động như không có bất kỳ bản chất nào của riêng chúng, giống như ánh trăng trong nước hay các hình sắc phản chiếu trong một tấm gương.

Sự quán tưởng này đem lại năng lực hỗ trợ. Nó không là một hình ảnh bằng phẳng như một tangka hay một tranh bích hoạ. Nó cũng không trơ lì và vô hồn như một bức tượng đất sét hay vàng, là cái gì rắn chắc và cụ thể. Nó xuất hiện: mỗi một chi tiết xuất hiện trong sáng và rõ ràng. Tuy thế nó trống không: đối với nó không có một chút thể rắn chắc nào, không thịt, không máu, không các cơ quan nội tạng. Nó như một cầu vồng xuất hiện trong không gian hay một cái bình pha lê tinh khiết. Và nó thấm đẫm trí tuệ: Đức Vajrasattva trong bản chất thì đồng nhất với vị Thầy bi mẫn của riêng bạn, và tâm Ngài đi tới bạn và tất cả chúng sinh với lòng từ ái vĩ đại.

Bằng năng lực ân hận, trong sự hiện diện của Ngài hãy nhớ lại tất cả những hành vi tiêu cực bạn có thể nghĩ tưởng về những gì bạn đã tích tập cho tới ngày nay, trong một hiện hữu sinh tử theo sau hiện hữu khác từ vô thuỷ; mười hành động tiêu cực của thân, khẩu và ý, năm trọng tội với quá báo tức thời, bốn lỗi trầm trọng, tám hành vi sai lầm, tất cả những vi phạm các giới nguyện Biệt biệt giải thoát cá nhân bên ngoài, các giới luật Bồ Tát bên trong hay các Samaya (hứa nguyện) Mật thừa bí mật của các Vidyadhara (Trì Minh Vương), tất cả các lời hứa thông thường mà bạn không giữ, mọi điều dối trá bạn đã nói và mọi điều đáng hổ thẹn và ô nhục bạn đã làm. Hãy nghĩ tưởng rằng bạn đang sám hối tất cả những lỗi lầm ấy trước sự hiện diện của vị Thầy Vajrasattva, toàn thân bạn nổ tung, da bạn sởn gai ốc với nỗi xấu hổ, sợ hãi và ân hận. Bạn có thể tin chắc rằng trải qua vô hạn cuộc đời trong sinh tử đó bạn đã từng làm nhiều hành động tiêu cực mà bạn không thể nhớ hết, vì thế cũng hãy sám hối tất cả chúng và nói:

“Con không giữ điều bí mật, con không che dấu điều gì hết. Con sám hối thẳng thắn và xin được tha thứ. Xin hãy thương xót con! Ngay lập tức, ngay lúc này và chính nơi đây, xin tẩy sạch và tịnh hoá con về mọi hành động tiêu cực và che chướng của con khiến không còn sót lại điều gì.”

Bằng năng lực quyết định, hãy nghĩ: “Bởi sự vô minh và mê lầm của con, cho tới lúc này con đã tích tập các hành động tiêu cực ác hại đó. Nhưng giờ đây, nhờ lòng bi mẫn của bậc Thầy tốt lành của con, con đã hiểu điều gì lợi lạc và điều gì ác hại, và sẽ không bao giờ con tái phạm chúng, cho dù phải trả giá bằng mạn sống của con.”

Khi ghi nhớ trong tâm ý nghĩa thuần tuý của sự quán tưởng. hãy trì tụng bản văn gốc, bắt đầu từ:

Ah! Con đang ở trong thân tướng bình thường của con, và trên đầu con…

xuống tới chữ:

…Xin hãy tịnh hoá con cho tới khi không còn sót lại điều gì!

Sau đó trong trái tim của Vajrasattva, Ngài được hợp nhất bất khả phân với vị phối ngẫu của Ngài, hãy quán tưởng một đĩa mặt trăng không lớn hơn một hột giống mù tạc được làm bẹt ra, và trên nó là một chữ hum trắng, mảnh, như thể nó được vẽ với một sợi tóc duy nhất. Khi bạn đọc một lần thần chú trăm âm “Om Vajrasattva Samaya..” và tiếp tục, hãy quán tưởng các chữ của nó được xếp quanh chữ hum trong một vòng tròn. Không có chữ nào trong chúng đụng lẫn nhau, như những sừng trâu bò khi chúng đứng sát liền nhau.* Sau đó hãy trì tụng một trăm âm như một sự cầu nguyện, đồng thời tưởng tượng rằng một chất cam lồ đại bi và trí tuệ nhỏ xuống từ mỗi chữ, từng giọt lấp lánh sau giọt kia, giống như nước nhỏ xuống từ nước đá khi nó tan chảy gần một ngọn lửa. Trút xuống qua thân Vajrasattva, chất cam lồ thoát ra từ điểm hợp nhất của Bổn Tôn với vị phối ngẫu, và đi qua đỉnh đầu bạn, chảy vào bạn và cũng chảy vào tất cả chúng sinh khác.

Giống như những hạt bụi đất được gội sạch bởi một giòng suối mạnh, mọi bệnh tật của thân thể bạn được tẩy trừ trong hình thức của máu và mủ hôi thối. Mọi thế lực xấu bị trục xuất trong hình thức của những con nhện, bọ cạp, những con cóc, cá, rắn, nòng nọc, chấy rận và những con thuộc loại đó, cùng mọi hành động ác hai và che chướng như chất nước đen, bụi đất, khói, mây và hơi nước. Mọi thứ này bị dòng thuỷ triều cam lồ cuốn đi không thể cưỡng lại được và chảy tràn ra ngoài thân thể bạn như một trận mưa rào đen qua các lỗ bên dưới, gót chân và mọi lỗ chân lông trên da bạn. Mặt đất dưới chân bạn mở ra và tận đáy sâu Thần Chết, hiện thân của các hành động của bạn trong quá khứ, xuất hiện. Ông ta được vây quanh bởi tất cả chúng sinh nam và nữ mà bạn mắc các món nợ nghiệp với họ và tất cả những chúng sinh này cố đòi bạn món nợ máu. Khi trì tụng thần chú một trăm âm, hãy quán tưởng tất cả những chất bất tịnh đó trút xuống các miệng mở ra của họ và xuống các bàn tay và cánh tay mong đợi của họ hướng về phía bạn.

Nếu có thể, hãy đồng thời quán tưởng toàn bộ tiến trình. Nếu không thì bạn có thể quán tưởng tuần tự. Khi trì tụng thần chú, thỉnh thoảng hãy tập trung nơi thân tướng Vajrasattva, khuôn mặt, đôi bàn tay Ngài và v.v…, đôi lúc tập trung trên các vật trang sức và y phục Ngài; thỉnh thoảng trên dòng cam lồ đang tịnh hoá các bệnh tật, các thế lực tiêu cực, các hành động xấu ác và các che chướng; và đôi khi tập trung trên sự hối hận về những gì bạn đã từng làm và sự quyết tâm không bao giờ lập lại những điều đó.

Sau cùng, hãy tưởng tượng rằng Thần Chết, hiện thân của các hành động trong quá khứ, và tất cả những chúng sinh khác dưới mặt đất - mọi loại chủ nợ nghiệp báo và tất cả những kẻ cố gắng đòi bạn trả món nợ máu - được mãn nguyện. Các vết tích quá khứ được thanh toán, nợ nần được trang trải và hận thù được tẩy sạch. Bạn được thanh lọc mọi hành động tiêu cực trong quá khứ và các che chướng. Thần Chết khép miệng cùng đôi bàn tay lại và hại hai tay xuống. Mặt đất cũng khép lại. 

Hãy tưởng tượng rằng giờ đây bên trong và bên ngoài thân thể bạn trở nên trong suốt, và là một thân ánh sáng. Hãy quán tưởng kinh mạch trung ương chảy thẳng xuống vào thân, ở bốn điểm dọc theo bề dài của nó là bốn luân xa** ở đó các kinh mạch[186] toả ra hết cỡ như những nan của một cái dù. Ở ngang rốn bạn là luân xa biểu lộ, với sáu mươi tư kinh mạch toả ra hướng xuống dưới. Trong cổ họng bạn là luân xa hỉ lạc, và mười sáu kinh mạch toải ra hướng lên trên. Trên đỉnh đầu bạn là luân xa đại lạc, với ba mươi hai kinh mạch toả ra hướng xuống dưới.

Sau đó chất cam lồ lại bắt đầu chảy xuống như trước. Bắt đầu với luân xa đại lạc trên đỉnh đầu bạn, nó làm ngập đầy kinh mạch trung ương và mỗi một trong bốn luân xa rồi tràn ra ngoài, đầy ngập toàn thân bạn cho tới đầu các ngón tay và bàn chân bạn. Tràn ngập chất cam lồ trắng, bạn giống như một cái bình thuỷ ngân đựng đầy sữa.

Hãy quán tưởng rằng bạn đang nhận lãnh bốn quán đảnh:[187] quán đảnh cái bình, quán đảnh bí mật, quán đảnh trí tuệ và quán đảnh ngôn từ quí báu. Bạn cũng được tịnh hoá bốn loại che chướng: các che chướng về nghiệp (nghiệp chướng), các che chướng thuộc về những cảm xúc tiêu cực (phiền não chướng), các che chướng thuộc ý niệm (sở tri chướng) và các che chướng thuộc những khuynh hướng tập quán. Trí tuệ của bốn hỉ lạc xuất hiện trong bạn: hỉ lạc, hỉ lạc siêu xuất, hỉ lạc phi thường và hỉ lạc bẩm sinh. Các cấp độ của bốn thân được thiết lập trong bạn; Hoá Thân, Báo Thân, Pháp Thân và Thân Tự Tánh.

Sau đó hãy trì tụng bài cầu nguyện, bắt đầu là: 

Ô Đấng bảo trợ, trong sự vô minh và mê lầm… 

Và chấm dứt: 

..Con cầu khẩn Ngài, xin tẩy sạch và tịnh hoá con!

Hãy tưởng tượng rằng vào giây phút bạn trì tụng những giòng này, Đạo sư Vajrasattva vui lòng và đang mỉm cười ban cho sự cầu nguyện của bạn những lời này:

Hỡi người tín tâm, mọi hành động tiêu cực, các che chướng, các phá rối và các vi phạm của con đã được tịnh hoá. 

Rồi Ngài tan ra thành ánh sáng và tan hoà vào bạn, khiến cho bây giờ bản thân bạn được chuyển hoá thành Vajrasattva, giống như bạn đã quán tưởng Ngài trước đây.

Hãy quán tưởng trong trái tim Ngài một đĩa mặt trăng có kích thước của một hột giống mù tạc được làm bẹt ra. Ở giữa đĩa có một chữ hum xanh dương. Phía trước chữ hum là một chữ om trắng; bên trái nó là chữ vajra màu vàng; phí sau là chữ sa màu đỏ; và bên phải nó là chữ tva màu lá cây.  

                                               Sa 

                                    tva     hum   vajra 

                                              om  

Khi bạn trì tụng “Om Vajra Sattva Hum,” năm tia sáng trắng, vàng, đỏ, xanh lá cây, và xanh dương phát ra từ những chữ tương ứng theo một hướng đi lên. Và ở cuối của những tia ánh sáng này là Nữ Thần Sắc đẹp và các thiên nữ cúng dường khác. Từ bàn tay họ hiện ra vô số vật cúng dường, như tám biểu tượng tốt lành và bảy vật tượng trưng vương quyền, các dù có diền xung quanh, những cờ chiến thắng, các màn trướng, các bánh xe vàng ngàn – nan hoa, các vỏ ốc xà cừ trắng xoắn về bên phải và v.v.. Các vật cúng dường này làm vui lòng tất cả chư Phật và Bồ Tát trong hằng hà sa số các cảnh giới thanh tịnh không thể nghĩ bàn ở khắp mười phương, làm thành tựu các tích tập và tịnh hoá những che chướng của bạn. Lòng đại bi và các sự ban phước của tất cả chư Phật tuôn chảy ngược lại trong hình thức các tia sáng nhiều màu khác nhau tan lẫn vào bạn. Hãy nghĩ tưởng rằng kết quả là bạn đạt được các thành tựu siêu việt và thông thường; bốn cấp bậc của bậc Vidyadhara liên quan tới con đường; và kết quả tối hậu là trạng thái vô học.[188] Sự quán tưởng này thiết lập các mối liên kết qua đó bạn sẽ chứng ngộ Pháp Thân và làm lợi lạc chính mình.

Sau đó, hãy quán tưởng rằng vô số hàng trăm ngàn tia sáng nhiều màu phóng xuống từ năm chữ, chạm vào tất cả chúng sinh đang cư trú trong sáu cõi của tam giới, và tịnh hoá mọi hành động tiêu cực, mọi che chướng, đau khổ và mọi khuynh hướng tập quán của họ giống như ánh sáng mặt trời rạng đông xua tan bóng tối. Toàn thể thế giới trở thành Cõi Phật Hiển Lộ Hỉ Lạc. Mọi chúng sinh trong đó được chuyển hoá thành các đức Vajrasattva trắng, vàng, đỏ, xanh lá cây và xanh dương.[189] Hãy trì tụng thần chú, tưởng tượng rằng tất cả chúng sinh cũng đang tuyên đọc thần chú “Om Vajra Sattva Hum” bằng một âm thanh rền vang xa rộng. Sự quán tưởng này thiết lập các liên kết qua đó bạn sẽ đạt được Rupakaya* (Sắc thân) và làm lợi lạc những người khác.

Về loại quán tưởng này, Sự Thực Hành Pháp Giải thoát Tự nhiên các Bám chấp Quen thuộc nói: 

Khi đem lại lợi lạc cho chính mình và những chúng sanh khác bằng cách phát ra và thu rút lại ánh sáng, ta được tẩy sạch các che chướng thuộc ý niệm (sở tri chướng). 

Khi sử dụng các thực hành quán tưởng như thế, các phương tiện thiện xảo của Mật Chú Kim Cương thừa giúp ta tích tập số lượng công đức và trí huệ không thể nghĩ bàn chỉ trong chốc lát, trong khi đồng thời làm lợi lạc tất cả sinh linh toàn khắp thế gian.

Hãy trì tụng thần chú nhiều lần trong mức độ bạn có thể, và khi kết thúc thời khoá, hãy quán tưởng toàn thể thế giới mà bạn đã nhận thức như Cõi Phật Hiển Lộ Hỉ Lạc, hoà tan vào các hiện thể đang cư trú trong đó, là các Vajrasattva của năm bộ. Rồi bản thân các Bổn Tôn này từ từ tan ra thành ánh sáng và hoà tan vào bạn. Sau đó bản thân bạn tan thành ánh sáng từ bên ngoài hướng vào trong, và ánh sáng đó hoà tan thành chữ OM trong tim bạn. Chữ om hoà tan thành chữ vajra, vajra tan thành sa, sa tan thành tva, tva tan thành shapkyu của chữ hum, shapkyu tan thành a nhỏ, a nhỏ tan thành thân của ha, thân tan thành đầu, đầu tan thành mặt trăng lưỡi liềm, trăng lưỡi liềm tan thành bindubindu tan thành nada.

 

Hum    Gồm các phần  -nàda

                                    -bindu

                                    -trăng lưỡi liềm

                                    -đầu của ha

                                    -thân của ha

                                    -a nhỏ

                                    -shapkyu 

 

Sau đó nada, giống như một cầu vồng tan biến vào không gian, hoà tan thành sự giản đơn trong trẻo thoát khỏi bất kỳ ý niệm và sự tạo tác nào. Hãy an trụ thư dãn trong trạng thái đó một lúc.

Khi các niệm tưởng bắt đầu xuất hiện, hãy thấy một các rõ ràng toàn thể thế giới và chúng sinh trong đó như Cõi Phật của Đức Vajrasattva. Hãy hồi hướng công đức với những câu sau: 

Nhờ công đức của thực hành này cầu mong con mau chóng đạt được giác ngộ như Đức Vajrasattva. 

và v.v.. và đọc những lời cầu nguyện thiết tha khác. 

Trong khi thực hành bất kỳ sự thiền định và trì tụng nào, bao gồm sự thực hành và trì tụng về Vajrasattva này, không được để tâm bạn xao lãng không tập trung trên sự thực hành, và không gián đoạn việc trì tụng bằng ngôn ngữ bình thường. Có nói trong các Tantra:

Trì tụng mà không tập trung

Thì giống như ngâm một hòn đá tận đáy sâu của đại dương;

Cho dù cả một kiếp cũng chẳng mang lại kết quả gì.*

Và cũng nói:

Thanh tịnh thì một ngàn lần tốt hơn sự bất tịnh,[190]

Sự tập trung trăm ngàn lần tốt hơn không tập trung.

Vàng hay bạc, dù chỉ chứa chút xíu đồng thau hay đồng đỏ, được coi là “không phải vàng thật” hoặc “bạc giả”. Cũng vậy, trộn lẫn chuyện tầm phào phàm tục với sự trì tụng các thần chú hoặc việc tiếp cận sự thực hành sẽ làm cho Thần chú bất tịnh. Đó là lý do tại sao đại Đạo sư xứ Oddiyana nói: 

Một tháng trì tụng không lẫn ngôn từ khác

Thì tốt hơn một năm trì tụng bị ô nhiễm. 

Cũng thế, đối với những người cử hành các buổi lễ trong làng thì quan trọng nhất là cần tự chế đừng nói chuyện phiếm trong hàng ngũ của hội chúng khi họ đang tụng các lời cầu nguyện  và thần chú. Nếu các trù tụng như thế bị trộn lẫn với ngôn ngữ bình thường, chúng sẽ mất đi mọi ý nghĩa. Đặc biệt, khi một buổi lễ được cữ hành cho một người đã chết, chúng sinh đó, trong mọi khiếp sợ và đau khổ của trạng thái trung ấm, sẽ chạy xô tới người bảo trợ, các nhà Sư được mời thỉnh và các Lạt ma hành lễ trong hy vọng tìm được sự cứu giúp. Chúng sinh trong trạng thái trung ấm biết rõ những gì đang xảy ra trong tâm người khác. Nếu những người thực hiện buổi lễ mà không tập trung cao độ, nếu họ không giữ các lời nguyện và các Samaya, hoặc nếu những điều họ nói và nghĩ xuất phát từ sự tham muốn và thù hận, chúng sinh trong trạng thái trung ấm sẽ cảm thấy giận ghét họ hoặc có cái nhìn không tốt về họ, và kết quả là sẽ rơi vào các cảnh giới thấp. Người ta sẽ thanh thản hơn khi không có các sự giúp đỡ của những loại người như thế.

Có nói trong các nghi lễ của Kim Cương Mật Chú thừa rằng: “trì tụng các bản văn quán tưởng của giai đoạn phát triển là sử dụng ngôn từ như một phương tiện để đến gần.” Các ngôn từ của sự quán tưởng là để gợi lại trong tâm những chi tiết của giai đoạn phát triển.[191] Nhưng đối với những người cử hành các buổi lễ như thế thì chủ đề thực sự của sự quán tưởng, nó là ý nghĩa của các giai đoạn phát triển và thành tựu, thậm chí cũng không nảy lên trong tâm trí họ. Họ oang oang không suy xét các ngôn từ nghi thức, như “quán tưởng,” “thiền định,” và “tập trung,” sử dụng mọi loại ngôn từ hoa mỹ, thổi kèm trum-pét, đánh các xập xoã và trống. Cuối cùng, thời điểm của vấn đề phải là trọng yếu nhất đã đến, sự thực hành tiếp cận, là lúc mà thần chú được trì tụng – và ở thời điểm đó họ hoàn toàn cảm thấy thoát khỏi bổn phận của họ. Họ không còn nỗ lực nữa dù chỉ để ngồi thẳng lưng. Họ bắt đầu hút thuốc lá, nguồn gốc của hành trăm hành động sai trái, [192] và tuôn ra một kho đầy ắp những lời huyên thuyên vô ích, bàn cãi không dứt mọi chuyện ở địa phương từ các đỉnh núi tới đáy thung lũng, từ các đường đèo tới những vùng đất trũng. Trong khi ấy, họ dùng thì giờ lần chuỗi bằng các ngón tay với tốc độ cao nhất, như thể họ đang làm xúc xích. Về chiều, liếc nhìn bầu trời và ngó chừng vị trí mặt trời, họ bắt đầu hát cùng với tiếng loảng xoảng huyên náo của các xập xõa “Vajra puspe dhupe..”[193] và v.v.. Thậm chí đây không phải là một phản chiếu nhợt nhạt của một nghi lễ đúng đắn, cũng chẳng phải là một phản chiếu của một phản chiếu. Có thể có một chút hoài nghi rằng chỉ trì tụng một lần bài Sám hối các tội phạm Giới hoặc Cầu nguyện các Thiện Hạnh, với động lực hoàn toàn thanh tịnh, sẽ có giá trị hơn nhiều.

Giống như những người này, các Lạt ma mà cách trì tụng bất tịnh và những sự bôi bác các nghi lễ của họ tống khứ người chết tới các tái sanh thấp kém, thì đối với người sống họ cũng sẽ chỉ lạm dụng các sự cúng dường của người khác theo cách này đúng là “nuốt những viên kim khí nóng đỏ.”[194]

Đối với các Lạt ma và Tu sĩ hưởng lợi lạc từ những sự cúng dường của thí chủ và từ những tài sản của người chết, thực hành của họ nên có một sức sống đích thực thay vì chỉ là một sự ước đoán về khối lượng miếng thịt, bề dày miếng pho mát, và phẩm chất của các vật cúng dường họ đang nhận. Dù họ đang làm việc cho những người bệnh hay những người đã mất, thì đối với những chúng sinh này một chốc lát rất quan trọng. Đối với những người đã chết không biết nương tựa nơi đâu để thoát khỏi đau khổ, họ cần được quan tâm và bảo vệ bởi lòng từ và bi của Bồ Đề Tâm của Đạo sư, cùng ước nguyện chân thành muốn cứu giúp. Các vị Thầy nên sử dụng mọi nỗ lực để thực hành bất kỳ điều gì họ có thể thấu hiểu về các giai đoạn phát triển và thành tựu một các thành khẩn và không có bất kỳ phóng tâm nào. Nếu họ không hiểu gì về các vấn đề này thì họ chỉ nên cố gắng nghĩ tưởng về ý nghĩa của các ngôn từ họ đang nói. Và ít nhất, họ nên tập trung toàn thể than, khẩu, ý họ vào lòng từ và bi đối với chúng sinh đau khổ, và lòng tin vào năng lực không vơi cạn của Tam Bảo. Nếu họ cũng quả quyết rằng họ thực hiện nghi lễ một cách đúng đắn bằng cách trì tụng chính xác các bản văn  và thần chú khác nhau, thì không còn nghi ngờ gì là nhờ lòng bi mẫn của nơi nương tựa – Tam Bảo - nhờ năng lực không thể vơi cạn của kết quả của các hành động và nhờ lợi lạc vô biên của Bồ Đề Tâm, họ thực sự có thể giúp đỡ người bệnh hoặc người chết. Đây là những gì họ nên dùng mọi nỗ lực để thực hiện, và nhưng trong thành ngữ “tan hoà các che chướng của riêng bạn trên nệm ngồi của người nào khác,”* họ sẽ đồng thời hoàn tất hai nhánh của sự tích tập cho chính họ và cho những người khác. Họ cũng đưa tất cả những ai có giao tiếp với họ vào con đường đi tới giải thoát.

Hiện nay, những Lạt ma và Tu sĩ là những người mà người ta hy vọng là tốt hơn những người khác một chúg, và là những người hiểu biết nguyên lý nhân quả, đã quá sợ hãi các ô nhiễm bám dính vào vật cúng dường đến nỗi họ từ chối ngay cả việc ban phước hay hồi hướng cho những chúng sinh đau khổ đang bệnh tật hoặc đang chết. Họ chặt đứt tận gốc rễ lòng từ và bi của Bồ Đề Tâm khi hành động như thế.

Đa số đều cực kỳ ích kỷ. Họ tham dự vào các buổi lễ theo thỉnh cầu của những thí chủ. Nhưng thay vì trì tụng điều những gia đình hữu sự cần thì họ lôi những kinh sách cầu nguyện của riêng mình ra, chúng cáu bẩn và sờn rách vì sử dụng lâu ngày, và với lời cáo lỗi rằng họ không được làm gián đoạn sự liên tục trong thực hành riêng của họ, họ trì tụng từ lúc những người khác đang đọc những bài cầu nguyện.[195] Bất kỳ lúc nào họ đọc bài nguyện nhỏ bé nhất để cầu xin mình họ được tốt lành, họ hoàn toàn quá sức thận trọng và cho là đang tịnh hoá các che chướng của riêng mình hay việc họ lạm dụng các vật cúng dường. Nhưng họ lại xem những sự cầu nguyện trong những hội chúng đông đảo vì lợi lạc của những người bảo trợ như một việc vặt vãnh nhọc mệt. Họ luôn luôn nhìn vơ vẩn, nói bất kỳ điều họ muốn, và thậm chí chẳng bao giờ hiến tặng ngay cả một niệm tưởng cho người chết hoặc người còn sống mà họ có nhiệm vụ che chở. Điều này chặt đứt tận gốc rễ lòng từ và bi của Bồ Đề Tâm. Sau này, nếu họ có nỗ lực tự tịnh hoá sự lạm dụng các vật cúng dường này, thái độ xấu xa và ích kỷ của họ sẽ khiến việc tịnh hoá rất khó thành công.

Thay vào đó, hãy sử dụng lòng từ và bi của Bồ Đề Tâm như căn bản cho sự khởi hành đích thực. Đừng bao giờ từ bỏ ước nguyện giúp đỡ người khác. Hãy làm một nỗ lực  chân thành để đưa mọi sự bạn hiểu biết về các giai đoạn phát triển và thành tựu vào thực hành trong khả năng tốt nhất của bạn. Như thế, thiền định về các giai đoạn phát triển và thành tựu cùng trì tụng các thần chú tại nhà những người khác sẽ không có gì khác biệt với việc bạn làm điều đó tại nhà mình. Trong cả hai trường hợp, việc thoát khỏi các tư tưởng ích kỷ và việc quan tâm giúp đỡ người khác thì đều cần thiết như nhau. Bạn rất cần có cả hai thái độ này.

Nếu bạn không phóng tâm và không trộn lẫn sự trì tụng với ngôn ngữ bình phàm, thì không còn nghi ngờ gì nữa, việc tụng đọc không gián đoạn thần chú một trăm ăm một trăm lẻ tám lần sẽ tịnh hoá tất cả các hành vi xấu ác và các che chướng của bạn cùng tất cả các phá rối và vi phạm các lời nguyện và samaya. Hứa nguyện của Vajrasattva là như thế. Tantra sự Sám hối Tinh khiết nói:

Thần chú một trăm âm là tinh tuý của tâm tất cả các Đấng Thiện Thệ. Nó tịnh hoạ mọi sự phá rối, mọi vi phạm, mọi che chướng thuộc ý niệm (sở tri chướng). 

Nó là sự sám hối siêu việt, và việc trì tụng nó một trăm lẻ tám lần không gián đoạn chữa lành mọi sự phá rối, vi phạm, và sẽ cứu chúng sanh khỏi đoạ vào ba cõi thấp. 

Chư Phật trong quá khứ, hiện tại và tương lai sẽ nhìn những hành giả thực hành hằng ngày sự trì tụng thần chú này như đứa con xuất sắc nhất của các Ngài, ngay cả trong chính đời này, và sẽ trông nom và che chở người ấy. 

Vào lúc chết, chắc chắn người ấy sẽ trở thành người xuất chúng nhất trong những bậc kế thừa của tất cả chư Phật. 

Bất kỳ sự phá rối và vi phạm các samaya gốc và nhánh nào bạn có thể mắc phạm sau khi khởi hành trên con đường Kim Cương Thừa, sự trì tụng mỗi ngày hai mươi mốt lần thần chú một trăm âm trong khi thiền định về Vajrasattva tạo thành cái được gọi là “sự ban phước những sa sút.” Nó sẽ ngăn cản các hậu quả của những sa sút này không phát triển hoặc tăng trưởng. Một trăm ngàn lần trì tụng sẽ hoàn toàn tịnh hoá mọi sự sa sút của bạn. Theo Vật Trang Hoàng Tinh tuý: 

Trì tụng đúng đắn hai mươi mốt lần Thần Chú một trăm âm,

Trong khi quán tưởng rõ ràng Đức Vajrasattva

Ngồi trên một hoa sen trắng và mặt trăng,

Tạo thành sự ban phước những sa sút,

Vì vậy các tội này được giữ gìn không cho tăng trưởng.

Các Đại Thành Tựu Giả đã giảng dạy như thế.

Vì thế, hãy luôn luôn thực hành nó.

Nếu bạn trì tụng nó một trăm ngàn lần,

Bạn sẽ trở thành hiện thân đích thực của sự hoàn toàn tịnh hoá. 

Ngày nay ở Tây Tạng không có một Lạt ma, Tu sĩ, Cư sĩ nam hay nữ nào mà chưa từng họ nhận một lễ quán đảnh và vì thế không ai trong số họ không áp dụng Mật thừa. Giờ đây, một khi bạn đã đi vào Mật thừa, nếu không giữ các samaya bạn sẽ đi xuống địa ngục, và nếu bạn trì giữ chúng, bạn đạt được Phật Quả viên mãn. Không có con đường thứ ba. Giống như đối với một con rắn bò theo bề dài trong thân cây tre, có thể nói rằng chỉ có hai cách để ra - thẳng lên hoặc thẳng xuống. Kho tàng các Phẩm tính Quí báu nói:

Một khi đã ở trong Mật Thừa, bạn chỉ có thể đi xuống các cõi thấp

Hoặc đạt tới Phật Quả; không có hướng thứ ba.

Các samaya Kim Cương Thừa thì vi tế, nhiều và khó giữ. Ngay cả một Đại Đạo Sư như Ngài Atisa đã nói rằng sau khi áp dụng con đường Kim Cương Thừa, ngài đã nhanh chóng mắc phạm liên tiếp lỗi này sau lỗi khác. Đối với chúng ta, ngày nay ta có ít cách đối trị. Sự tỉnh giác của ta thì yếu ớt và ta không có sự cẩn mật. Thậm chí chúng ta không thực sự quyết chắc các sự sa sút khác nhau là gì. Bởi không thể nghi ngờ rằng những sa sút đó phải trút xuống chúng ta trong mọi lúc như những trận mưa nên điều tối yếu là ta cần thực hành thiền định và trì tụng Vajrasattva hằng ngày, hoặc ít ra nhất định phải trì tụng thần chú hai mươi mốt lần mỗi ngày như một phương pháp chữa trị.

Ngay cả đối với một người lão luyện trong mọi vấn đề cốt tuỷ của các giai đoạn phát triển và thành tựu, là những người nhờ sự tỉnh giác, cẩn mật và v.v..sau khi đã tránh không mắc lỗi vi phạm các samaya, thì vẫn cần thiết phải kiên trì trong việc sám hối và tịnh hoá. Vì trên thực tế, bất kỳ tiếp xúc nào qua lời nói hoặc hành vi với người từng vi phạm các samaya gốc – cho dù chỉ uống nước trong cùng một thung lũng – là đủ để gây ra các lỗi lầm được gọi là “vi phạm qua giao tiếp” hoặc “vi phạm ngẫu nhiên”. Các Tantra nói: 

Khi đã kết giao với những người vi phạm hay làm thỏa mãn các ước muốn của họ,

Khi đã giảng Pháp cho họ hoặc cho những người không thích hợp để nghe nó,

Khi đã không tránh né tất cả những người vi phạm, chúng con biết chúng con cũng bị ô nhiễm

Bởi các che chướng của những vi phạm đó,

Đem lại nghịch cảnh trong đời này và các che chướng trong đời sau.

Tràn đầy hối hận, chúng con phơi bày và sám hối tất cả các lỗi lầm này. 

Nếu chỉ có một người trong một hội chúng vi phạm các samaya, một trăm hay một ngàn người khác đã giữ các thệ nguyện riêng của họ sẽ bị ô nhiễm tới mức họ sẽ không nhận được sự lợi lạc từ thực hành của họ. Cũng giống như chỉ một giọt sữa chua biến toàn thể hũ sữa tươi thành chua, hoặc một con ếch đã quấy động những buồn phiền làm ảnh hưởng những người xung quanh. Như có nói: 

Một giọt sữa chua

Biến tất cả sữa thành chua.

Một hành giả suy đồi

Làm hư hỏng tất cả hành giả khác. 

Hơn nữa, không có duy nhất một vị Thầy nào, cho dù ông ta là một Đại Đạo Sư hay một Thành Tựu Giả, có thể thoát khỏi loại ô nhiễm do nhưng vi phạm samaya này. Câu chuyện của Đạo Đạo Sư Lingje Repa xác nhận điều này. Khi Ngài đang ở trong thánh địa Tsari, dakini Shingkyong bắt đầu gây các chướng ngại cho Ngài. Vào buổi trưa, bà đem xuống một bóng tối dày đặc đến nỗi các vì sao xuất hiện và chiếu sáng rực rỡ trên bầu trời. Tuy thế không có gì có thể ngăn cản việc Ngài đi tới bờ Hồ Máu Đỏ Sẫm ở đó Ngài nhảy múa một bài Kim Cương, để lại các dấu chân trên tảng đá rắn mà ngày nay vẫn còn có thể thấy. Tuy nhiên, về sau trong đời Ngài, một đệ tử đã gãy bể samaya đến thăm Ngài – và ngay cả một Đạo sư thành tựu như thế vẫn có thể bị ô nhiễm. Ngài trở nên mê cuồng và ngôn ngữ của Ngài bị mất năng lực.

Cũng thế, chúng ta tìm thấy trong các bài ca Kim Cương của Thành tựu giả Urgyenpa:

Ta, Rinchen Pel, kẻ hành khất đến từ Xứ Tuyết,

Bị đánh bại không vì kẻ thù nào khác ngoài sự ô nhiễm bởi vi phạm samaya

Và được che chở không bởi bằng hữu nào khác ngoài Đạo sư của ta. 

Vi phạm các samaya của Kim Cương Thừa là một lỗi nặng, nhưng trì giữ chúng thì cực kỳ khó khăn. Sẽ hoàn toàn sai lầm khi cho rằng bạn đang trung thành trì giữ chúng và cảm thấy tự hào về điều này, mà không kiểm soát một cách thận trọng.

Các Tantra giảng rằng chỉ lãng quên trong giây lát sự đồng nhất thân, khẩu và ý bạn với ba mạn đà la[196] là vi phạm các samaya Kim Cương Thừa. Vì thế trì giữ chúng thì thật khó khăn. Tường tận hơn, ta được cho biết là có tới một trăm ngàn samaya - một con số hết sức lớn. Theo các Tantra, việc vi phạm chúng sẽ đem đến cho chúng ta các tội ác tiếp theo:

Yêu quái Kim Cương sẽ uống sức sống[197]của bạn,

Đời sống bạn sẽ ngắn ngủi và bệnh hoạn, tài sản bạn sẽ tan biến, các kẻ thù sẽ khủng bố bạn,

Trong Địa Ngục Đau đớn Tột cùng cực kỳ kinh khiếp

Bạn sẽ trải qua những đau khổ dài dằng dặc và không thể chịu đựng nổi. 

Vì thế, để cứu chữa mọi vi phạm, lỗi lầm, và các sự sa sút hiển nhiên và ẩn dấu của bạn, hãy luôn luôn làm mọi sự bạn có thể để thực hành sự thiền định và trì tụng Vajrasattva, cùng sám hối tất cả lỗi lầm đó bằng thần chú một trăm âm. Như các bậc Thầy vĩ đại ngày xưa thường nói: 

Trước hết, tốt nhất là không bị làm nhơ bẩn bởi các hành vi xấu ác, nhưng một khi nó đã xảy ra, thì điều quan trọng là phải sám hối. 

Các vi phạm những samaya Kim Cương Thừa thì dễ sửa chữa, bởi lẽ chúng có thể được tịnh hoá bằng sự sám hối. Trong truyền thống Thanh Văn, mắc phạm một tội trong Ba La Đề Mộc Xoa[198] thì giống như đập vỡ một cái bình bằng đất nung: đơn giản vì không có cách nào để sửa chữa nó. Làm vỡ bể các giới nguyện Bồ Tát thì còn giống hơn nữa việc làm bể một đồ vật bằng kim loại quí. Một đồ vật như thế có thể được sửa chữa nếu được giao phó cho một thợ vàng khéo léo. Cũng thế, giới nguyện bị vỡ bể có thể được tịnh hoá với sự trợ giúp của một Thiện tri thức. Đối với các giới nguyện Kim Cương Thừa, việc mắc phạm các sa sút thì hơi giống việc làm mẻ vật gì làm bằng kim khí quí báu. Có nói rằng bạn có thể hoàn toàn tự tịnh hoá việc sai phạm đó, chỉ đơn giản bằng cách sám hối nó, sử dụng sự hỗ trợ của Bổn Tôn, thần chú và sự tập trung. Nếu lỗi lầm được sám hối lập tức, sự tịnh hoá thật dễ dàng. Nếu như bạn càng trì hoãn lâu dài thì lỗi lầm càng lớn mạnh, và sự sám hối càng thêm khó khăn. Nếu bạn trì hoãn hơn ba năm, sự sa sút được nói là siêu vượt sự sám hối. Ngay cả nếu bạn có sám hối nó thì sự tịnh hoá cũng sẽ không xảy ra.

Một số người có tài có thể sử dụng năng lực và sự ban phước của ngôn ngữ của họ để làm lợi lạc cho cả họ lẫn những người khác bằng cách cung cấp sự che chở, chặn đứng sương giá, ngăn ngừa mưa đá, làm ngưng các trận dịch, chữa làm bệnh người lớn và trẻ em và v.v.. Ngay cả những người như thế, để có thể duy trì khả năng và các sự ban phước đó cũng cần tịnh hoá các che chướng của ngôn ngữ. Để làm điều đó, không có phương tiện nào tốt hơn việc trì tụng Thần chú một trăm âm. Bạn nên trì tụng nó một cách chân thành và liên tục.

Bậc Thầy đáng kính của tôi thường nói đùa rằng những ai che chở những người khác và sử dụng các vật cúng dường rõ ràng là nên bắt đầu tịnh hoá các che chướng về ngôn ngữ của họ bằng cách hoàn tất mười triệu lần trì tụng thần chú một trăm âm. Trong thực tế, nhiều đệ tử của Ngài đã thực sự trì tụng nó mười hoặc thậm chí hai mươi triệu lần, và không có một ai trong số họ không hoàn tất ít nhất hai hoặc ba trăm ngàn lần trì tụng.

Đạo sư Vajrasattva hiện thân một trăm Bổn Tôn trong một thân. Ngài được gọi là “Vajrasattva, Bổn Tôn duy nhất của sự ẩn mật vĩ đại.” Trong toàn thể hằng hà sa số không thể nghĩ bàn các Bồ Tát Bổn Tôn an bình và phẫn nộ, không có vị nào mà Ngài không hiện thân. Khi bạn thiền định về Ngài, hãy xem Ngài là một trong bản chất với Đạo sư gốc của bạn. Đây là sự thực hành pháp Guru Yoga “theo cách viên ngọc quý bao gồm tất cả.”[199] Nó là phương pháp tối hậu, sâu xa nhất trong tất cả các phương pháp. Bởi lẽ, như tôi đã nói, thần chú một trăm âm thì siêu vượt mọi thần chú khác, bạn phải hiểu rõ rằng không có thực hành nào sâu xa hơn thực hành này.  

Con từng nghe những giáo huấn lợi lạc, nhưng đã bỏ mặc chúng như những ngôn từ.

Con từng thực hành tí chút, nhưng đã bị phỉnh lừa bởi tật xao lãng.

Xin ban phước cho con và mọi chúng sinh quỷ quái như con

Để chúng con có thể rút ra được cốt tuỷ của các giai đoạn phát triển và thành tựu.


 

[172] Trước khi dấn mình vào thực hành này ta nên nhận lễ quán đảnh Varasattva từ một bậc nắm giữ dòng truyền thừa có đầy đủ phẩm tính. Nói chung, từ quan điểm này, các thực hành theo sau trong phần còn lại của bản văn chỉ nên được thực hiện dưới sự dẫn dắt của một vị thầy có phẩm tính.

* Những che chướng của cảm xúc tiêu cực và các che chướng thuộc ý niệm (phiền não chướng và sở tri chướng). “Những che chướng” có nghĩa là những yếu tố trùm lấp và ngăn che Phật tánh của ta (xem Thuật ngữ).

** Các kiểu thức tập quán được tạo nên bởi những hành động trong quá khứ.

*** Phạn. alaya. Ý thức tiềm ẩn trong đó những dấu vết nghiệp báo được tàng trữ. Xem thuật ngữ.

[173] Trong các thực hành của Kim Cương Thừa ta coi Bổn Tôn được quán tưởng như vị Thầy gốc của ta, Ngài đại diện cho tất cả chư Phật trong quá khứ, hiện tại và tương lai. Vajrasattva (Tây Tạng: rdo rje sems dpa’) là vị Phật đặc biệt, như một Bồ Tát, Ngài đã thệ nguyện rằng bất kỳ ai trì tụng Thần chú của Ngài sẽ được tịnh hoá mọi hành động tiêu cực và những che chướng của họ. Danh hiệu của Ngài ám chỉ sự thuần tịnh không thể bị huỷ diệt của bản tánh tâm.

[174] Angulimala (Vô Não), người đã được ban cho một giáo lý sai lầm là sẽ được giải thoát bằng cách giết hại một ngàn người và thâu thập một ngón tay từ mỗi người bị giết. Ông đã giết chín trăm chín mươi chín người, và khi đang trên đường đi giết mẹ mình cho đủ số một ngàn người thì gặp Đức Phật, và ông ta cố giết Ngài để thay thế. Do năng lực của Đức Phật mà ông không thể tấn công Ngài. Sau đó Đức Phật thuyết giảng cho ông và chuyển tâm ông hướng về Pháp.

[175] Nanda là tiêu biểu cho loại người cực kỳ tham muốn đạt được giải thoát; Angulimala là điển hình của những người cực kỳ vô minh; Darsaka (tên khác của Ajatasatru, A Xà Thế) là điển hình của tánh cực kỳ thù nghịch; Sankara là điển hình của những người cực kỳ tham luyến và sân hận. Nanda và Angulimala trở thành những vị A La Hán, Darsaka trở thành một Bồ Tát, và Sankara được tái sinh trong một cõi trời và kết quả là đạt được Kiến đạo.

[176] Những Chú thích về Lời Vàng của Vị Thầy của tôi (NT) mô tả điều này như sự hỗ trợ bên ngoài.

[177] NT mô tả sự quy y, phát triển Bồ Đề tâm, và đặc biệt là lòng bi mẫn như sự hổ trợ bên trong.

[178] NT nói về sáu điều suy niệm dùng trong thực hành ân hận: 1)Thời gian: ân hận mọi hành động tiêu cực mà ta đã làm từ vô thuỷ tới nay, trong đời này, trong một tháng đặc biệt, hay trong một ngày, trong chốc lát, v.v..2) Động cơ: ân hận mọi hành vi đã mắc phạm dưới thế lực của tham, sân và si. 3) Sự tích tập: ân hận bất kỳ những gì tiêu cực thuộc thân, khẩu, ý ta đã tích tập. 4) bản chất của hành động: ân hận về những hành động tự bản thân chúng là tiêu cực (chẳng hạn như mười hành động tiêu cực, năm hành vi có quả báo tức thời, v.v..) và những lỗi lầm đặc biệt, những vi phạm thệ nguyện của ta và v.v.. 5) Đối tượng: ân hận về mọi tà hạnh, dù chúng được hướng về sinh tử hay Niết Bàn. 6) Karma (nghiệp): ân hận về mọi hành vi ác hại và những sa sút là những điều khiến ta có một thọ mạng ngắn ngủi, nhiều bệnh tật, nghèo túng, sợ hãi kẻ thù và lang thang không dứt trong các cõi thấp. 

[179] Việc in ấn và phát hành các thánh thư được xem như một thực hành mạnh mẽ để tích tập công đức và tịnh hoá những che chướng, với điều kiện là nó được thực hiện một cách thanh tịnh như một sự cúng dường không chút lợi lạc nào.

* Sự an trụ trong trạng thái nhận biết bản tánh của tâm.

[180] Dag pa dran pa: Thành ngữ Tây Tạng này có nghĩa đen là “nhớ lại sự thuần tịnh”. Nó ám chỉ sự kiện là mỗi yếu tố quán tưởng không chỉ đơn thuần là một hình ảnh mà có một ý nghĩa đặc biệt, và ta rất cần tỉnh giác đối với ý nghĩa này khi thực hành. Cách thế chính xác trong đó các yếu tố của thực hành này liên quan tới bốn năng lực được giảng ít hàng sau này. Mặc dù ở đây chúng ta chỉ đang xử sự với thực hành sơ bộ, nhưng nhiều vấn đề được đề cập tới trong chương này thì hữu ích trong thực hành chính của các giai đoạn phát triển và thành tựu.

[181] Trong thực hành chính (xem Dẫn Nhập), ta thường tự quán tưởng mình trong thân tướng của một Bổn Tôn. Ở đây trước tiên ta coi mình như người bình thường và bất tịnh, và nhờ thực hành mà ta trở nên thanh tịnh. Vì thế, lúc bắt đầu ta nghĩ tưởng thân mình như đang ở trong thân tướng thông thường hàng ngày của nó.

** Chữ hum Tây Tạng được cho thấy ở trang…

[182] ston pa: tính ngữ thông thường này của Đức Phật có nghĩa đen là “người khám phá”, và có ý nghĩa là vị Thầy giảng Pháp lần đầu tiên trong kiếp và thế giới chúng ta. Đức Vajrasattva là vị Thầy đầu tiên của nhiều truyền thống Kim Cương Thừa trong cùng cách Đức Phật Thích Ca Mâu Ni là người sáng tạo ra Thừa của những Đặc tính.

[183]  Ở đây chày và chuông tượng trưng phương tiện thiện xảo và trí huệ.

[184] Chuỗi hạt ngắn xuống tới ngực, chuỗi dài xuống tới rốn.

[185] Nhân vật nữ tượng trưng cho trí huệ, và nhân vật nam tượng trưng phương tiện thiện xảo; ở bình diện khác thì nhân vật nữ tượng trưng tánh Không và nhân vật nam tượng trưng sắc tướng, hoặc các nhân vật này lại có thể tượng trưng Pháp giới tuyệt đối và trí tuệ nguyên thuỷ. Sự phối giao của các ngài biểu thị rằng trong trạng thái giác ngộ tất cả những điều này được kinh nghiệm như cái gì bất khả phân.

* Đó là, sát liền nhau không bị vướng

** Phạn.Cakra

[186] Đây không phải là những kinh mạch vật chất mà là những con đường nhỏ trong đó các năng lực vi tế trong thân lưu thông. Tầm quan trọng của những kinh mạch này trở nên rõ ràng khi ta thực hành các bài tập du già của giai đoạn toàn thiện trong thực hành chính.

[187] Khi chất cam lồ làm ngập đầy từng luân xa, ta nhận lãnh một sự ban phước tương ứng, như được đề cập tới trong mỗi một trong số bốn quán đảnh trong đoạn này.

[188] Nghĩa đen: “trạng thái hợp nhất siêu vượt sự học,” “sự hợp nhất” ám chỉ sự hợp nhất của sắc thân và Pháp Thân. Trong năm con đường của Bồ Tát, con đường siêu vượt sự học là con đường thứ năm, và biểu thị trạng thái Phật Quả tuyệt đối.

[189] Năm màu sắc này tượng trưng cho năm bộ Phật, mỗi màu tượng trưng cho một phương diện đặc biệt của trí tuệ.

* Rupakaya, gzugs sku: sắc thân (xem Thuật ngữ)

* Dù hòn đá nằm ở đó bao lâu chăng nữa, nước sẽ chẳng bao giờ thấm vào nó.

[190]  Ở đây, những từ dagma dag cũng có thể được hiểu trong phạm vi của sự trì tụng tất cả các âm của thần chú một cách đúng đắn hay ngược lại, nhưng bởi sự giải thích trong đoạn theo sau nên chúng được dịch là “thuần tịnh” và “bất tịnh”.

[191] Bskyed rim gsal’debs, sự mô tả những hình ảnh được quán tưởng và những tiến trình khác nhau của sự thiền định được tụng trước khi tiếp tục việc trì tụng thực sự thần chú. Đây là cấu trúc tiêu chuẩn của những bản văn nghi lễ được dùng cho sadhama (sgrub thabs, nghĩa đen: phương tiện của sự thành tựu) của bất kỳ Bổn Tôn nào. Những bản văn như thế không chỉ được sử dụng cho các buổi lễ trong một nhóm bởi các mục đích đặc biệt, mà còn cho sự thực hành cá nhân.

[192] Việc sử dụng thuốc lá gây ô nhiễm hệ thống các kinh mạch và năng lực vi tế và vì thế có một hậu quả tai hại trong tâm thức ở một mức độ sâu xa.

[193] Những từ của phần cúng dường trong sadhana, chúng được lập lại sau khi trì tụng thần chú và trước khi kết thúc.

[194] Hình ảnh àny cho thấy về mặt nghiệp báo việc sử dụng những vật cúng dường như thế thì rất nguy hiểm và có thể dẫn tới việc tái sinh trong các địa ngục.

* Điều này có nghĩa là bất kỳ thực hành nào được thực hiện với ý định giúp đỡ người khác sẽ làm lợi lạc không chỉ người đó mà cả người đang làm sự thực hành.

[195] Khi ta đã nhận một quán đảnh, năng lực của sự thực hành cần được duy trì bởi một thực hành hằng ngày, cho dù nó ngắn gọn. Ở đây các vị Lạt ma đang thực hiện các thực hành như thế trong buổi lễ hơn là trong thời gian công phu riêng của các ngài.

[196]  Ba mạn đà la của thân, khẩu và ý của vị Thầy.

[197]   “Uống sức sống của bạn” có nghĩa là huỷ diệt sinh lực của bạn. Mật Chú Thừa khiến ta tiếp xúc với chân tánh và những năng lực nền tảng nhất của ta. Nếu chúng ta giữ gìn các hứa nguyện samaya thì nhờ đó ta sẽ tiến bộ nhanh chóng. Còn nếu không, ta tạo nên một lực tự huỷ diệt mạnh mẽ. Điều này được gọi là “yêu quái kim cương” và là sự đối kháng của các Bổn Tôn trí tuệ.

[198] Mắc phạm một sự hoàn toàn sa sút gốc là làm gãy bể có chủ ý một trong những giới nguyện tu việc căn bản, trong một tình huống không phải là không thể làm khác được.

[199] Nghĩa là trong đó một nhân vật duy nhất hiện thân tất cả các Bổn Tôn. Điều này được giảng đầy đủ hơn trong chương Guru Yoga.

 

 

----o0o---

 

Mục Lục > 1-1 > 1-2 > 1-3 > 1-4> 1-5 >1-6

 2-1 > 2-2 > 2-3 > 2-4 > 2-5 > 2-6 > 3-1

 

----o0o---

Vi tính: Tường Tâm

Trình bày: Diệu Tường

Cập nhật: 01-2008

Nguồn: www.quangduc.com

Về danh mục

Tạp bút Tham thực sà c ß 清华间谍 å æžœ Mùa Vu lan 律的大篆 大悲咒的威力有多强 禅と世界文化のオンライン講座 tong nguồn gốc của khổ đau cổ Gánh çƒ¹ä½ ç テス យក សច ត តអប រ យ Ð Ð Ð ï½ ç å æžœå žå¾ 大学生申请助学金的申请理由怎么写 墓 購入 願力的故事 bẠgiå 人生是 旅程 風景 nhÃƒÆ 心经全文 六因四缘五果的来源和作用 hãy Tình 佛法怎样面对痛苦 青瓷周传雄歌曲主要想表达什么 túm 忿怒相 塩谷八幡宮 课程表鼓励孩子的话 CẠæˆåšæ năm điều Mách bạn địa chỉ quán cơm chay ngon ในรายาใ 8คมนา Dấu hiệu và một số cách phòng tránh 佛观音 สโตร ส รา 義交 æåŒ ç½ åˆ¹å ³