1. Sáng tạo ra cuộc đời của mình
Theo tinh
thần thuyết Nghiệp trong đạo Phật, thì chính con người chứ không phải thần
linh hay Thượng đế, sáng tạo và an bài cuộc đời của mình, bằng ý nghĩ, lời
nói và hành động của chính mình. Trong quá khứ, trong hiện tại và cả trong
tương lai nữa, tình hình là như vậy, không thể khác được, dù con người có
muốn hay không muốn cũng thế.
Có người
hỏi, và câu hỏi của họ rất chính đáng! Thế thì niệm Phật và Bồ tát, cầu sự
gia hộ của Phật và Bồ tát là không đúng hay sao? Câu trả lời có thể là thế
này: Ai bảo niệm Phật và Bồ tát, cầu sự gia hộ của Phật và Bồ tát là không
đúng? Niệm Phật và Bồ tát, quán tưởng hình ảnh từ bi và đầy đủ tí tuệ của
Phật và Bồ tát là một phương pháp tu hành rất tốt, có thể đối trị cái tâm
phàm phu hay nghĩ bậy và bay nhảy không yên của chúng ta.
Nhưng nếu
hỏi, ai suy nghĩ, ai nói, ai hành động, ai tạo nghiệp và chịu kết quả
nghiệp báo thì phải nói rằng chính chúng ta, chứ không ai khác. Chúng ta
làm thì chúng ta chịu, chứ không ai chịu thay cho chúng ta cả.
Đức Phật
dạy:
"Không
trên trời dưới biển,
Không
lánh vào động núi,
Không chỗ
nào trên đời,
Trốn được
quả ác nghiệp”.
(Kinh
Pháp Cú, kệ 127)
Thi hào
Nguyễn Du, trong các vần thơ kết thúc Truyện Kiều, cũng đã viết:
"Đã mang
lấy nghiệp vào thân,
Xin đừng
trách lẫn trời gần trời xa”.
Lời dạy
của Phật thật là minh bạch rõ ràng trong vấn đề tạo nghiệp và chịu kết quả
của nghiệp. Chúng ta không nên nghĩ rằng, cứ làm điều ác, cứ tạo nghiệp ác
nơi ý nghĩ, nơi miệng nói, và thân hành động, rồi chỉ cần đảnh lễ Phật là
tất cả mọi nghiệp ác tức khắc được tiêu trừ! Ông thầy nào dạy chúng ta như
vậy có khác nào nói Phật không công minh, can thiệp vào sự vận hành của
luật nhân quả, cưu mang kẻ làm ác, tạo nghiệp ác, có khác chi khuyến khích
tội ác!
Lời dạy
của Phật là: Mọi người hãy chịu trách nhiệm, làm chủ nhân của cuộc đời
mình, làm chủ nhân cuộc sống của mình, hãy xem đó là sự sáng tạo lớn nhất,
cao quý nhất của con người.
2.
Sáng tạo ra cuộc sống của mình, bắt đầu từ nội tâm
Có thể
khẳng định, vấn đề rất quan trọng này, Phật và Nho giáo là hoàn toàn nhất
trí:
Khổng Tử
từng nói rằng, Kinh Thi có đến 300 thiên, nhưng có một câu bao quát cả 300
thiên đó, tức “tư vô tà”! Nghĩa là đừng có nghĩ bậy!(1).
Tâm nghĩ
bậy, hại như thế nào cho người, Đức Phật đã nói thật rõ ràng:
"Kẻ thù
hại kẻ thù,
Oan gia
hại oan gia
Không
bằng tâm hướng tà
Gây ác
cho tự thân!”.
(Kinh
Pháp Cú, kệ 42)
Tâm hướng
tà, cũng như đoạn câu của Khổng Tử “tư vô tà” có nghĩa là nghĩ bậy.
Có thể
nói công phu tu hành của chúng ta tập trung vào ba chữ “Đừng có nghĩ bậy”.
Vì rằng, nghĩ bậy là đầu mối của bất hạnh và khổ não, cũng như nghĩ thiện
là đầu mối của an lạc và hạnh phúc. Để minh họa sinh động hơn nữa vai trò
của tâm hay ý đối với cuộc sống hàng ngày của chúng ta, Đức Phật nói hai
bài kệ 1 và 2, mở đầu kinh Pháp Cú như sau:
"Ý dẫn
đầu các pháp
Ý làm
chủ, ý tạo,
Nếu với ý
vô nhiễm,
Nói lên
hay hành động.
Khổ não
bước theo sau,
Như xe
chân vật kéo”.
"Ý dẫn
đầu các pháp
Ý làm
chủ, ý tạo,
Nếu với ý
thanh tịnh,
Nói lên
hay hành động,
An lạc
bước theo sau,
Như bóng
không rời hình”.
Kinh Pháp
Cú dùng chữ ý ở đây, cũng như ở bài kệ 42, đã dẫn, dùng chữ tâm vậy. Sách
Duy thức dùng từ ý thức hay thức thứ sáu là chỉ cho lớp tâm thức rất năng
động, có phạm vi hoạt động rộng rãi nhất trong các lớp tâm thức của chúng
ta. Tuy sách Phật phân biệt có tám thức, nhưng lớp tâm thức hoạt động mạnh
mẽ hơn cả, có phạm vi hoạt động rộng hơn cả chính là ý thức hay là thức
thứ sáu này. Đầu mối nghĩ bậy, tạo nghiệp ác cũng là ý thức này. Nhưng đầu
mối tạo nghiệp lành, nghiệp thiện cũng là ý thức này.
Có thể
nói, toàn bộ công phu tu hành của người Phật tử, một khi đã am hiểu cơ chế
của nghiệp, chính là luôn luôn tỉnh giác với mọi hành động, mọi diễn biến
của ý thức, cột chặt ý thức vào chánh niệm.
Đừng nghĩ
rằng đây là chuyện dễ dàng. Trong kinh Pháp Cú (phẩm Tâm), Đức Phật từng
ví tâm người (tức ý thức), như con cá bị quăng ra khỏi nước, nó vùng vẫy,
nó hoảng hốt, dao động rất khó hộ trì, khó nhiếp phục, vì sao? Vì cái tâm
ấy quay cuồng chạy theo các dục, v.v...
Trong
Kinh tạng Nguyên thủy, kinh sách các bộ phái và trong kinh điển Đại thừa,
có cả một kho tàng kinh nghiệm và biện pháp quý báu vô cùng, mà Phật tử
chúng ta tha hồ lựa chọn, thực hành tùy theo trình độ, căn cơ, bối cảnh
của mỗi người. Đó là kho tàng kinh nghiệm và biện pháp “biện tâm”, điều
hòa tâm, nhiếp phục tâm được thử thách và tổng kết qua hơn 2.500 năm đạo
Phật tồn tại và phát triển ở Ấn Độ cũng như ở khắp các nước mà đạo Phật đã
du nhập.
3.
Nắm vững cơ chế vận hành của nghiệp
Một khi
đã làm chủ được nội tâm, cột chặt được tâm vào chánh niệm, thì dần dần tâm
chúng ta được yên, được bình lặng. Mà tâm yên, tâm bình lặng, đó là hạnh
phúc, là trí tuệ, là sự sáng suốt, là thấy được sự vật như thật, không còn
bị mê hoặc.
"Lắng
lòng đối cảnh, hỏi chi thiền”
(Đối cảnh
vô tâm mạc vấn thiền)(2).
Đó là câu
thơ kết thúc bài thơ chữ Hán của vua Trần Nhân Tông, trong bài phú “Cư
trần lạc đạo” nổi tiếng. Cốt lõi của Thiền chính là làm cho tâm lặng. Tâm
đã lặng thì sáng, đã sáng thì không còn bị mê hoặc bởi tham, sân, si. Đó
là giác ngộ và giải thoát.
Tâm có
lặng, có sáng thì chúng ta mới nắm vững được cơ chế vận hành của nghiệp và
chủ động, một cách có ý thức, không còn nghĩ ác, nói ác và hành động ác
nữa, trái lại thường xuyên nghĩ thiện, nói thiện và hành động thiện.
Ở đây, có
vấn đề đã từng gây hiểu lầm là thuyết Nghiệp của đạo Phật đặt nặng vai trò
của tâm ý có hay không dẫn tới hậu quả là Phật giáo có vẻ bàng quan đối
với xã hội, đất nước hay không. Giáo hoàng Paul II, trong cuốn sách Ngưỡng
cửa của hy vọng cũng đã phê phán đạo Phật chỉ lo đời sống nội tâm mà bàng
quan với tình hình xã hội. Tôi xin phép không nhắc lại ở đây nội dung các
bài trả lời của các nhà Phật học Việt Nam đối với lời phê phán này của
Giáo hoàng.
Ở đây,
tôi chỉ nói, nếu chúng ta hiểu cơ chế vận hành của nghiệp thì chúng ta sẽ
không bao giờ nói như Giáo hoàng. Tuy thuyết Nghiệp đề cao vai trò chủ đạo
của tâm ý trong tạo nghiệp, nhưng đạo Phật cũng không hạ thấp chút nào vai
trò của tạo nghiệp bằng lời (khẩu nghiệp) và bằng thân hành động (thân
nghiệp). Chỉ cần đọc qua những bài tụng của Luận sư Long Thọ mở đầu phẩm
Nghiệp (phẩm 17) trong luận Trung quán, cũng đủ thấy thuyết Nghiệp của đạo
Phật nên nhận thức thế nào mới đúng đắn, và áp dụng vào đời sống như thế
nào mới có hiệu quả. Tôi thấy nên mượn lời của ngài Long Thọ, vốn được học
giả đương thời và cả về sau này ca ngợi như là Đức Phật Thích Ca thứ hai.
"Đại
thánh thuyết nhị nghiệp,
Tư dữ
tùng tư sinh...”
Nghĩa là:
Đại thánh, tức Đức Phật, nói hai nghiệp là tư nghiệp (tức ý nghiệp, nghiệp
do tâm ý tạo), và nghiệp từ tư nghiệp sinh ra. Nghiệp từ tư nghiệp sinh ra
tức là thân nghiệp và khẩu nghiệp. Ngay trong lời Phật dạy về nghiệp, Phật
đã nói ba nghiệp là ý nghiệp, thân nghiệp và khẩu nghiệp. Phật không xem
nhẹ khẩu nghiệp và thân nghiệp, tuy rằng Phật khẳng định chủ đạo là ý
nghiệp.
Và ở các
câu tụng sau:
"Thân
nghiệp cập khẩu nghiệp,
Tác dữ vô
tác nghiệp
Như thị
tứ sự trung,
Diệc
thiện diệc bất thiện
Tùng dụng
sinh phúc đức,
Tội sinh
diệt như thị
Cập tư vi
thất pháp
Năng liễu
chư nghiệp tướng”(3).
Các bài
tụng dẫn chứng trên giải thích bảy loại nghiệp. Long Thọ dựa vào lời giảng
của Phật mà phân tích có bảy loại nghiệp, làm rõ cơ chế vận hành của
nghiệp.
Trước
hết, Long Thọ khi nói tới hai nghiệp khẩu và thân, đều kèm theo nói tác
nghiệp và vô tác nghiệp. Về vấn đề này, thân nghiệp và khẩu nghiệp giống
nhau, nghĩa là tác nghiệp và vô tác nghiệp, cho nên chỉ cần giải thích về
thân nghiệp cũng đủ hiểu. Thí dụ, chúng ta đảnh lễ tượng Phật. Đảnh lễ
Phật rõ ràng là có thân hành động, gọi là thân tác nghiệp. Thân đảnh lễ
xong rồi, không đảnh lễ nữa nhưng thân nghiệp vẫn tồn tại dưới dạng chủng
tử, lưu lại trong thức A lại da, gọi là vô tác nghiệp. Nên chú ý cái gọi
là vô tác nghiệp không mất đi đâu, nó vẫn sống dưới dạng tiềm ẩn tương tục
không mất. Sách Phật gọi là dị thục, nghĩa là chủng tử đó tuy không mất,
tức là không bị đoạn, nhưng không phải là thường, bất biến. Nó vẫn biến
đổi không ngừng cho tới khi chín muồi thành quả báo trong đời này hoặc đời
sau. Đó là cơ chế vận hành tương tục của nghiệp.
Thân
nghiệp đó, đứng về hình dạng mà nói thì phân biệt thành tác nghiệp và vô
tác nghiệp, nhưng đứng về tác dụng thiện ác mà nói thì phân biệt thành
thân nghiệp thiện và bất thiện. Trường hợp tôi vừa dẫn chứng là một trường
hơp thân nghiệp thiện. Vì đảnh lễ Phật là một thân nghiệp thiện. Nhưng
phúc đức của việc mình đảnh lễ Phật như thế nào thì cần xét tác dụng thực
tế của nó. Nếu tôi đi lễ Phật ở chùa, mà còn rủ các bạn tôi cùng đi theo;
lễ Phật xong rồi, tôi còn giảng giải cho các bạn tôi về ý nghĩa của lễ
Phật, khuyên họ thực hành lễ Phật không những ở chùa, mà cả ở nhà họ,
trước một bàn thờ giản dị và trang nghiêm... Có thể nói, khi tạo ra một
thân nghiệp thiện hay một khẩu nghiệp thiện, chúng ta tạo ra cả một dây
chuyền phản ứng nhân quả tương tục, khiến công đức chúng ta tăng lên đến
chỗ không nghĩ bàn. Sự phân tích này khích lệ chúng ta làm điều thiện, dù
là những điều thiện rất bình thường, miễn là dụng tâm của chúng ta tốt
đẹp, xuất phát từ tình thương yêu chân thật và mở rộng đối với mọi người,
mọi vật. Nếu xét tác dụng của nghiệp thiện, chúng ta có thể nói, tác dụng
đó là bất khả lượng, chỉ có trí tuệ Phật, con mắt của Phật mới có thể nhìn
thấu suốt được. Trong kinh 42 chương, chương 10, có vị Sa môn hỏi Phật về
hạnh tùy hỷ. Thấy người khác bố thí tài vật hay bố thí pháp, chúng ta hỗ
trợ với tấm lòng hoan hỷ. Phật nói phúc đức của người hỗ trợ đó lớn vô
cùng, không hết được. Phật dạy: “Cũng như đem cho người khác một bó đuốc,
rồi có hàng trăm, hàng ngàn người dùng lửa của bó đuốc đó, người thì dùng
để thắp sáng, người thì dùng để nấu ăn, mà lửa của bó đuốc vẫn như cũ, thì
phúc đức của sự tùy hỷ cũng như vậy”.
Chúng ta
thử nghĩ xem: Thấy người khác làm việc thiện, chúng ta chỉ tùy hỷ mà thôi,
chỉ tỏ lòng hoan nghênh, hoan hỷ mà thôi, phúc đức của chúng ta cũng đã
lớn rồi, huống hồ là chúng ta tự mình nói thiện, thân làm thiện, tâm suy
nghĩ thiện... và cứ làm như vậy cả ngày khi có cơ hội, có nhân duyên thì
làm. Có thể nói đó là phúc đẳng hà sa (phúc nhiều như cát sông vậy)!
Nếu những
Phật tử chúng ta nắm được cơ chế vận hành của nghiệp như thế, rồi ứng dụng
vào cuộc sống hàng ngày của chúng ta thì chúng ta không còn phải lo gì
nữa. Đời này và cả đời sau, hạnh phúc và an lạc đến với chúng ta như bóng
không rời hình.
Để minh
họa cơ chế vận hành của nghiệp, tôi toàn dùng những ví dụ nghiệp thiện.
Nhưng nếu chúng ta sống phóng dật, chạy theo các dục và làm điều ác, thì
nghiệp báo dị thục dành cho chúng ta đời này và đời sau, cũng là không thể
lường. Tôi lấy lại ví dụ của ngài Thanh Mục ở sớ giải của ngài viết về
phẩm Nghiệp trong luận Trung quán. Ngài dùng ví dụ một người bắn cung với
dụng tâm giết một người. Khi tên vừa bắn ra, trúng hay không trúng, người
đó đã phạm tội bắn tên, với dụng tâm giết người. Nếu anh ta bắn trúng
đích, người trúng tên bị chết, thì người bắn lại phạm thêm một tội nữa là
sát nhân, nếu xét về tác dụng mà luận tội. Không những thế, việc người bị
bắn chết có thể kéo theo sau cả một dây chuyền hậu quả, làm tăng thêm tội
cho người bắn. Như người vợ trở thành quả phụ, các con của bà ta trở thành
cô nhi, không nơi nương tựa, không được giáo dục rồi cũng có thể ra đời,
phạm lỗi lầm hay tội ác. Đó là cả một dây chuyền hậu quả mà người bắn
không lường hết được, tội của người bắn không phải chỉ là tội sát sinh, mà
cộng thêm bao tội khác nữa.
4.
Vài lời kết luận
Có thể
nói thuyết nghiệp của đạo Phật đề cao vai trò chủ đạo của ý thức (tức vai
trò của tư), nhưng cũng không xem nhẹ vai trò của thân nghiệp, của khẩu
nghiệp, xuất phát từ dụng tâm của ý thức. Đồng thời, qua sự phân tích sâu
sắc của ngài Long Thọ về tác nghiệp và vô tác nghiệp, và nhất là dây
chuyền của nghiệp thiện, nghiệp ác, chúng ta, các Phật tử hậu học, có khả
năng một cách chủ động và có ý thức vận dụng cơ chế vận hành của nghiệp để
sáng tạo ra cuộc đời chúng ta, hạnh phúc chúng ta, không những ở đời này
mà cả ở đời sau nữa.
(1) Thi
kinh tam bách thiên. Nhất ngôn dĩ quán chi, thị tư vô tà (Luận ngữ).
(2) Cư
trần lạc đạo thả tùy duyên
Cơ tắc
xan hề khốn tắc miên
Gia trung
hữu bảo hưu tầm mích
Đối cảnh
vô tâm mạc vấn thiền.
(Ở đời
vui đạo hãy tùy duyên
Hễ đói
thì ăn mệt ngủ liền
Trong nhà
sẵn ngọc tìm đâu nữa
Đối cảnh
vô tâm chớ hỏi thiền).
(3) Thân
nghiệp và khẩu nghiệp, tác nghiệp và vô tác nghiệp: Như vậy trong bốn sự
này, có thiện và bất thiện.
Tùy theo
tác dụng mà có phúc đức
Cũng tùy
theo có tác dụng mà có tội
Cùng với
tư là bảy pháp
Có thể
hiểu tướng của các nghiệp.
Thay vì
dùng khái niệm tác nghiệp và vô tác nghiệp như luận Trung quán, ngài Thế
Thân trong luận Câu xá dùng khái niệm biểu nghiệp và vô biểu nghiệp. Biểu
nghiệp là nghiệp biểu hiện thành hành động nơi thân, hay là lời nói nơi
miệng. Ý nghĩa cũng tương tự. Còn tác nghiệp là nghiệp biểu hiện thành có
tạo tác, có hành động nơi thân hay nơi lời nói.