Phật Học - Phật Học Chính Cương

 

 

 

PHẬT HỌC CHÍNH CƯƠNG

Tác-giả:Thái-Hư Đại-Sư

Phỏng-dịch: Thích Tâm Châu


-Hiện-thực chủ-nghĩa
-Bình-đẳng chủ-nghĩa
-Tiến-hóa chủ-nghĩa
-Tự-do chủ-nghĩa


 

Trần thuyết

... Đi tìm hiểu, để đạt tới mục-đích của sự tìm hiểu, chắc các bạn muốn tìm hiểu, đã sẵn có bản-lĩnh bền-vững, năng-lực dồi dào, tâm-hồn chịu đựng, thực-nghiệm sâu-dầy và giác-quan xa rộng trên sự thực. – Vì, sự thực là sự thực, con người là con người. Con người không đánh giá sự thực, tất nhiên sự thực không thực.

Nhìn sang Phật-Pháp. Phật-Pháp, bản-lai là bản-thân pháp-giới không sinh, diệt, không trước, sau, không nhơ, sạch... Nên các bạn muốn tìm hiểu nó, các bạn phải có một minh-thức nào? – Hẳn các bạn đồng quan-niệm: không nhìn vào hình-tướng sai biệt của nó, do chủ-quan, tư-kiến và hạn lượng của cá-nhân, của phương sở, mà các bạn tìm hiểu nó trong tinh-thần đại bình đẳng, phóng tầm mắt trí-quang, giác chiếu cùng khắp và dơ hai tay ôm vũ trụ vào lòng.

Loay-hoay trong địa-hạt tôn-giáo, triết-học, khoa-học, chủ-nghĩa, chính-trị, quân-sự... để tìm hiểu và đem lại một giải pháp CHÂN, THIỆN, MỸ cho xã-hội con người, thời hình như bị ngừng trệ bởi thực-trạng của thế-giới nhân-sinh hiện tại.

Muốn sáng lại ánh sáng sẵn có, muốn sống lại lẽ sống như thực, Thái-Hư Đại-Sư (Trung-quốc) thâu tóm tinh-hoa Phật-học thành cuốn sách nhỏ nầy, giúp thêm vào sự thành- công của các bạn, nếu các bạn muốn thành-công.

Tôi vinh-hạnh được gặp các bạn trên con đường lý-tưởng.

Viết tại Sài-thành, đầu Thu năm Ất-Mùi (1955)

Thích-Tâm-Châu


PHẬT HỌC CHÍNH CƯƠNG

“Hễ có tâm-linh hiểu biết đều có
khả-năng-tính thành Phật”(1)

Bình thường người ta hay nói đến chữ Phật, là nói tắt hai chữ PHẬT-ĐÀ của tiếng Phạm, mà nó có ý-nghĩa là GIÁC GIẢ (Người giác ngộ), cũng như người có học-vấn ở đời, người ta thường gọi là Học-giả.

Sở dĩ có sự hiểu biết rốt-ráo, cùng khắp mà gọi là GIÁC-GIẢ, là vì người giác- ngộ là người biểu hiện được nhân-cách tối cao của nhân-loại – con người là tiểu vũ-trụ cùng dung-hợp một mối với đại vũ-trụ, lấy toàn vũ-trụ làm tự-thể, là giá-trị tối cao của nhân-sinh và đạt được mục-đích ấy là ý nghĩa tối cao của nhân-sinh; vì vậy, thế-giới nhân-loại không thể không tìm tòi để thực-hiện được nhân-cách tối cao -, nhân-loại đạt tới chỗ giác-ngộ tối cao ấy là PHẬT.

PHẬT là bậc mô-phạm tối cao của nhân-loại, chỉ dẫn cho chúng ta phương pháp làm người, phương-pháp tiến đến địa vị siêu nhân và đến chỗ giác ngộ hoàn toàn như thế nào. Do đó, tin PHẬT không phải là mê-tín, mà là triệt-để phá tan mê muội, là xu- hướng đến chỗ giác-ngộ hoàn toàn.

Vả chăng, đức PHẬT chưa từng nói: “Chỉ có ta là PHẬT, mọi người nên tín-kính, ngưỡng-vọng ta” trái lại, Ngài thường nói: “Hễ có tâm-linh hiểu-biết, đều có khả-năng-tính thành Phật.”

Đức Phật chủ-trương BÌNH-ĐẲNG, là chủ-trương ai ai cũng đều khả dĩ thành Phật, tức là mục-đích Phật học vậy.

- Có người nói: “Phật-pháp không phải là tôn-giáo, không phải là triết-học”. Thực thế, đứng trên lập-trường căn-bản mà nói, Phật-pháp chính không phải là tôn-giáo cũng không phải là triết-học, Phật-pháp tuy có thể bao-quát cả tôn-giáo lẫn triết-học, nhưng nó vượt trên hết thảy tôn-giáo và triết-học. Phật-pháp không phải như tôn-giáo khác, đã là người tín-ngưỡng không thể bình-đẳng với bậc được tín-ngưỡng. Vì thế, Phật-giáo chỉ gọi chung là Phật-pháp, chứ không phải là tôn-giáo cũng không phải là triết-học.


NGUYÊN-LÝ
HIỆN-THỰC CHỦ-NGHĨA

(tức Pháp nhĩ như thị: sự sự, vật vật như thế)

“Hết thảy sự thực tồn tại, hình bóng
thuở xa xưa thế nào đều rõ ràng thế ấy,
và sự thật thế nào lại hoàn như thế”

Nguyên-lý Phật-học dùng một thứ danh-từ để biểu-thị cho nó là HIỆN-THỰC CHỦ-NGHĨA.

Hết thảy sự sự, vật vật tồn-tại trong vũ-trụ, đều có thể gọi là “HIỆN” và sự thực của hết thảy sự tồn-tại ấy gọi là “HIỆN-THỰC”.

Y vào đạo-lý Phật-học mà giảng, HIỆN-THỰC CHỦ-NGHĨA là hết thảy sự thực tồn-tại, hình bóng thuở xa xưa thế nào đều rõ ràng thế ấy và sự thực thế nào lại hoàn như thế. Ví như bình hoa là bình hoa, không thể gọi là cái chi khác được.

- Dưới tiêu đề HIỆN-THỰC CHỦ-NGHĨA tại sao lại ghi câu: “PHÁP NHĨ NHƯ THỊ” (sự sự, vật vật như thế).

- Đức PHẬT đối với vấn-đề vũ-trụ NGÀI đã giác-ngộ hoàn toàn , NGÀI đem toàn vũ-trụ giác-chiếu ra bằng cách rành-rẽ, cho nên Khế kinh mới nói: “Thấy suốt được thực tướng của mọi pháp” là thấy suốt được cái tướng mạo từ thuở xa xưa (bản lai diện mục) của toàn vũ-trụ. Cái tướng mạo từ thuở xa xưa của toàn vũ-trụ ấy trong Phật- pháp gọi là “PHÁP NHĨ NHƯ THỊ”; là nói hết thảy sự thực tồn-tại trong toàn vũ-trụ từ thuở xa xưa tới nay như thế.

- Lại duyên cớ gì, hiện- thực chủ-nghĩa trong Phật-học có thể nói là chủ-nghĩa VÔ CHỦ-NGHĨA.

- Tất cả chủ-nghĩa trên thế-gian đều là chủ-quan và tư-kiến của cá-nhân tham gia, chẳng phải là công-bình, vô tư và bản-lai như thị (xưa, nay như thế) của toàn vũ-trụ; hiện-thực chủ-nghĩa của Phật là chủ-nghĩa chân-thực của toàn vũ-trụ từ thuở xưa tới nay như thế, tức là không phải chủ-quan cũng không phải ý kiến riêng, nên gọi là chủ-nghĩa VÔ CHỦ-NGHĨA.

Tóm lại, Đức PHẬT tạm dùng ngôn ngữ, văn tự khéo léo, nhiệm mầu nói ra sự hiện thực từ thuở xa xưa tới nay như thế, gọi là hiện-thực chủ-nghĩa, tức là căn cứ vào giáo-nghĩa PHẬT-ĐÀ, để thuyết-minh chân-tướng hết thảy sự thực tồn-tại trong vũ-trụ,

Trên đây đã thuyết-minh đầu mối, cái tên của HIỆN-THỰC CHỦ-NGHĨA, nay xin phân-tích và giảng-giải thêm như sau:


1) HIỆN-HÀNH THỰC SỰ

“Hết thảy sự vật hiển hiện, sinh, diệt,
nhô, lặn, lưu-hành, biến-hóa như dòng
nước chảy”

Hiện là hiển hiện là cái có thực, trong hiện tại -. Như có thế giới hiện tại, có nhân loại hiện tại, có vạn vật hiện tại... Sự vật hiện có nơi trước mắt chúng ta, không lúc nào nó không ở trong sự biến hóa, lưu-hành, nghĩa là nó không phải thứ cố định. Hết thảy sự sự, vật vật trong vũ-trụ, lớn như thế-giới, nhỏ như vi-trần đều nằm trong sự biến-hóa, lưu-hành ấy nên gọi là HIỆN-HÀNH THỰC SỰ. Như: một đời con người, năm, tháng, ngày nào mới sinh, năm, tháng ngày nào đã chết; các thứ đồ vật, giờ phút nào mới thành, giờ phút nào đã hỏng; quả địa cầu, bao năm thành hình, bao năm sẽ tan hoại và ngay đến vầng thái dương cũng có khi thành, lại cũng có khi hoại, cho nên thế sự đều có hạn lượng nhất định trong sự thành, hoại, sinh, tử.

Vậy, thấy được hình tướng của sự, vật như thế chưa phải là thấy được chân-tướng của nó, bởi vì muôn sư, muôn vật trong vũ-trụ không những nó biến-hóa từng giờ, từng phút mà thôi. Hết thảy sự vật hiển hiện, sinh, diệt, nhô, lặn, lưu-hành, biến-hóa như dòng nước nhảy ròng. Dòng biến-hóa ấy có thể gọi là dòng sinh-mệnh. Vì, hết thảy sự thực tồn tại trong vũ trụ, lớn, nhỏ dung thông với nhau, trước, sau, duyên sinh với nhau, cho đến tích tắc sinh diệt đều nối tiếp với nhau.

Nghiên-cứu theo khoa-học cận đại, lý-thuyết, lưu-hành, biến-hóa ấy, không những không trái với khoa-học, lại chứng minh là lý-thuyết rất chân thực.

Khoa-học phân-tích sự vật làm phần-tử, nguyên-tử, điện-tử... Điện-tử có tính nóng, lạnh (âm, dương) là từng giờ, từng phút đã có sự biến-hóa, do đó, thấy rõ muôn sự, muôn vật lưu-hành không ngừng.

- Khoa-học đối với Phật-học tuy có chỗ chứng-minh, nhưng khoa-học căn cứ vào sự cảm-giác của ngũ quan; mà Phật-học lại cho là giác-tri bằng trực-tiếp - . Thế là thấy chân tướng của vũ-trụ, tức là thấy cái thực sự hiện hành trong vũ-trụ vậy.

Hơn nữa sinh-mệnh của nhân-loại, trải qua từ vô thỉ (không lúc bắt đầu) không phải năm nào sinh, rồi sau mới có vì một đời con người chỉ là một đoạn của dòng sinh mệnh hiện ra, chứ chẳng phải là toàn thể, ví như một khúc sông trong con sông dài dặc. Một lần sống, một lần chết chẳng qua là một thứ giả tướng biến-hóa của dòng sinh mệnh. Hết thảy sự vật đều như thế, nghĩa là nó biến-hóa từng giờ từng phút mà lại nối tiếp nhau mãi mãi không dứt. Hiểu rõ đạo lý ấy là khả dĩ phá trừ được rất nhiều mê- hoặc.

- Người ta thường hiểu rằng: nhân-sinh là không hư, không có ý nghĩa, không có giá trị, ngoài việc ăn uống, trai gái... ra, việc gì cũng đều là không cả. Đøó là phần kết- quả của sự mê-hoặc, phương tự-sát của tư-tưởng cao xa nhầm lẫn, họ cho mục-đích của nhân-sinh chỉ được sự thỏa-mãn về cơm ăn, áo mặc, nơi ở... là đủ, nên họ đã phó thác tất cả tinh thần của họ vào việc tìm tòi sinh-hoạt cho sự hưởng thụ mỹ-mãn. Bởi thế người này kẻ kia tranh nhau, khiến thế-giới nhiễu-loạn không ngừng, sự tình khốn khổ của tranh đấu trông tới đâu cũng đều như thế, kết-quả dẫn thế-giới đến thời kiếp rất bi- thảm. Thế là, đối với chân-tướng lưu-hành, biến-hóa của vũ-trụ không hiểu được minh bạch, là không hiểu được đầu mối của HIỆN HÀNH THỰC SỰ, thời chưa phải là người giác-ngộ.

- Có những người suy xét rằng: trên thế giới này nhất định có một bậc chủ-tể, sáng-tạo – Sáng-tạo và làm chủ-tể muôn vật trong thế-giới, do đó, sinh ra sự mê-tín của tôn-giáo, làm ngăn che cái tính khả-năng giác-ngộ của thuở xa xưa, không thể hiển thị ra được.

VÔ THỈ, VÔ CHUNG, vòng quanh không đầu, là cái chân-tướng sẵn có của sự sự, vật vật. Người ta không rõ đạo-lý ấy, chỉ nhận thấy một đoạn đời của dòng sinh- mệnh, cho nên mới gọi ra cái tên là “tạo-vật-chủ”.

- Thử hỏi, tạo-vật-chủ là một vật thế nào? Giả như không phải là một vật, chắc không có tự thân, thời lấy chi mà có thể tạo vật khác. - Và, nếu là một vật, thời ai tạo ra tạo-vật-chủ ấy? Như thế thuyết “tạo-vật-chủ” không thể thành lập được.

Vậy, cần biết: muôn vật trong thế-giới, đều không phải dùng đến vật nào khác tạo ra nó, nó do sự sinh diệt, tiếp nối nhau, lưu-hành chẳng dứt từ thuở xa xưa như thế.

Nếu hiểu rõ chân-tướng của nhân-sinh, thế-giới là VÔ THỈ, VÔ CHUNG, sinh, diệt, thành, hoại; là sự lưu-hành không ngừng, vòng quanh chẳng dứt, thời có thể đem tâm lượng phóng đại đến vô lượng, vô biên, tâm phóng đại tức là không còn chấp trước, là khế-hợp với chân-tướng của-vũ trụ.

Hiện-hành thực-sự là vô thỉ, vô chung, thời nhân-sinh, thế-giới cũng đều như thế, đều thực hiện cái sinh-mệnh, vô thỉ, vô chung. Hết thảy hành vi quá-khứ là nhân, hiện-tại là quả, hết thảy hành-vi hiện-tại lại phát-sinh cái kết-quả tương-lai, nhân quả trùng trùng, nối tiếp không hết, cho nên kiếp nhân-sinh mới có giá trị bất hủ.

Với những đạo lý ấy, không những học Phật cốt biết đạo thành Phật, mà cốt biết làm người có nhân cách, có đạo-đức, đều nên hiểu nó bằng cách rõ-ràng, không thời nó sẽ sinh ra những phiền não. Chiếu theo đạo-lý Đại-thừa mà nói, trước nhất cần làm một con người hoàn thiện, nhiên hậu tiến đến bậc Bồ-tát siêu-nhân và sẽ tiến đến bậc siêu- siêu-nhân là Phật.

Đối với vấn-đề hiện-hành thực-sự, người mong tưởng làm một người hoàn thiện, trước tiên không phải không hiểu biết rõ-ràng; hiểu biết rõ-ràng lẽ Vô thỉ, Vô chung, là biết hành-vi của nhân-sinh vĩnh-cửu, nối tiếp bất diệt; làm hành-vi gì đều có ý nghĩa bất hủ và giá trị bất hủ.


2) HIỆN-SỰ THỰC-TÍNH

“Muôn sự, muôn vật đều do nhiều
nhân duyên tạo thành, không có tính
cố-định và không có tính độc-lập”

Hiện-sự tức là sự-thực của hiện-hành,

Khảo-sát tỷ-mỷ: một con người hoặc một cái nhà đều có cá-thể của nó, kỳ thực cá-thể ấy, không có tính cố-định cũng không có tính độc-lập; song, giảng theo Phật- pháp, thì đó là “Nhân-duyên-sinh”. Như: phấn viết là do đất, (thứ đất dùng làm phấn) nước, nhân công, khuôn, mọi duyên hợp lại mới thành; như thành một thân cây là do hạt giống, nước, đất, ánh mặt trời... nghĩa là nhân phải có duyên mới được. Lại như nhân-sinh là do dòng sinh-mệnh, thêm cơ duyên hòa hợp của cha mẹ và quan-hệ đến đất, nước, ánh sáng mặt trời, không-khí v.v... Nói rộng hơn nữa, sự thành-công của thế-giới cũng là do nhân-duyên mà có.

- Nhân là bốn đại(2) chủng tử(3) duyên là hết thảy nghiệp lực(4) của chúng sinh - . Vì thế, suy luận ra, muôn sự muôn vật, đều do rất nhiều nhân-duyên tạo thành, không có tính cố-định và không có tính độc-lập.

Như trên đã nói sự thành-công của con người là do phần tụ họp của hết thảy... trong vũ-trụ, cho nên con người là xã-hội-tính và vũ-trụ-tính con người thành-công là vũ-trụ thành-công.

Cổ nhân nói: “Một lời nói làm hưng thịnh cho nước, một lời nói làm mất nước”. Vì mọi hành-động của con người đều có sự quan-hệ, ràng buộc và ảnh hưởng lẫn nhau.

Sự thành-công của thế-giới, đều do nghiệp lực của nhân-loại, là một chân-lý xác-thực, không huyễn tưởng. - Một địa-phương có đạo-đức, có phúc-khí, tự nhiên khả dĩ tạo thành một địa-phương tốt, trái lại, chỉ tạo thành một địa-phương xấu mà thôi. Vậy nên con người thuộc xã-hội-tính, vũ-trụ-tính, chứ không có một cái “TA” thực thể nào – Tự-ngã-tính (tính của tự cái TA riêng biệt).

Bậc Đại-thánh, Đại-hiền phát-huy lực-lượng, nhằm vào sự quan-hệ của toàn xã- hội, phổ biến cho toàn nhân-loại, toàn thế-giới hiểu rõ con người có thể chuyển di được hết thảy; nên hết thảy hành-động của con người đối với xã-hội không thể không xét nét cẩn thận. Hành-vi, nghiệp-lực của con người không những ảnh hưởng đến nhân-loại, lại còn ảnh hưởng đến cả thế-giới. (- thế-giới thành là do nghiệp-lực làm duyên).

Con người không có ngã tính, chỉ là xã hội tính, nên một lời nói, một việc làm của con người có thể ảnh hưởng đến toàn xã-hội, toàn thế-giới. Đã thế, những người hiểu con người là không có tự-ngã-tính, cần y vào đạo lý ấy mà làm việc, thời tự có tính công-bình, tức thành tính đại công vô ngã (tính rất công-bình không có bản ngã riêng biệt); đại công vô ngã là thực-tính của vũ-trụ.

Người bình thường nhận-định có tự ngã, tự lợi đấu tranh không ngừng, đến nỗi thế-giới, nhân-sinh không ngày nào yên ổn. Kỳ thực, nhân-loại chỉ nên hỗ trợ, không nên đấu tranh. Tôn-Trung-Sơn giảng về “TAM DÂN CHỦ-NGHĨA” cũng có giảng tới chỗ đó. Ông nói: “Đấu-tranh là bệnh thái của xã-hội, thái-độ chân-chính của nhân-sinh phải là hỗ tương điều hòa”.

Rõ-ràng chân-thực-tính của hiện-thực là xã-hội-tính, vũ-trụ-tính, là đại công vô ngã, do đó, phát tâm làm việc, tự nhiên là hòa bình, an lạc. Cái ấy không miễn cưỡng tạo-thành, mà chỉ là cái tính chân-thực của muôn sự, muôn vật trong vũ-trụ từ thuở xa xưa như thế.

Nguyên-lý Phật-học ở chỗ “Mọi duyên họp thành, bản không vô ngã”. Hiểu rõ chân-tướng của nhân-sinh vũ-trụ như thế thời về phương-diện trí-thức sẽ thêm trí tuệ, về phương-diện hành-vi, sẽ là phương-pháp dẫn dắt con người đến chỗ làm người bằng cách thỏa đáng vậy.


3) HIỆN-LƯỢNG THỰC-TƯỚNG

“Thực-tướng của hiện-lượng là chân-
thực-tướng của nhân-sinh, vũ-trụ, vạn
hữu, tức là cảnh giới vô phân-biệt trí
tối cao giác ngộ của Phật-Đà”

LƯỢNG là suy-xét, đo-lường. Năng-lượng là tri-thức; dùng tri-thức để đo lường vũ-trụ, vạn-vật, nên vũ-trụ vạn-vật là bị lượng.

Có hai thứ:

1) Hiện-lượng.
2) Tỷ-lượng.

Hiện-lượng là trí-thức bằng cách trực-tiếp, như trông thấy nhan sắc, nghe thấy giọng tiếng là hiện-tại hiển-hiện.

Tỷ-lượng là y vào trực-tiếp giác-tri mà suy-xét mới biết, như trông thấy trà, biết là thứ để uống khỏi khát.

Vậy “Lượng” là sự trí-thức chân-chính, xác-đáng không một chút sai lầm. HIỆN-LƯỢNG là trực-tiếp giác-tri trên sự thực, TỶ-LƯỢNG là sự suy biết trên lý- luận. Còn một thứ đạc lượng sai lầm, thường gọi là PHI-LƯỢNG, là cái tri-thức không chân-chính, xác-đáng.

Tri-thức y cứ vào khoa-học là tri-thức bình thường, rất nhiều sự sai lầm. HIỆN- LƯỢNG của thế-gian là kinh-nghiệm từng bộ-phận lẻ tẻ, không phải là phổ-biến và hoàn-toàn, nên sự thiếu sót của nó phải do TỶ-LƯỢNG bổ-túc. TỶ-LƯỢNG có tính- cách phổ-biến, nhưng lại thiếu sót về tính-cách xác-thực. Do hai sự thiếu sót ấy, nên thời thường hay phát-sinh sự sai lầm. Ví như chính trị đời xưa, là thích-dụng với hoàn- cảnh đương thời; người đương thời tuy nhiên nhận là thiên-kinh, địa-nghĩa. (đạo thường của trời, lẽ phải của đất xưa nay không bao giờ thay đổi được), lại không thích-dụng với hiện-tại. Cho nên biết rằng: TỶ-LƯỢNG xa cách tính xác-thực, thời sẽ sinh ra lưu- tệ và do sự sai lầm mà sinh ra đau khổ.

HIỆN-LƯỢNG chân-chính là trực-tiếp tri-thức, hoàn toàn và phổ-biến, không cần suy-luận cũng đủ để bồi-bổ vào sự thiếu sót của tri-thức bình thường. Chuẩn-nhận thực-tướng HIỆN-LƯỢNG, là chân-thực-tướng của nhân-sinh vũ-trụ vạn-hữu, tức là cảnh-giới vô-phân-biệt trí tối cao giác-ngộ của PHẬT-ĐÀ.

Về tri-thức tương-đối là tri-thức có sự phân biệt, không được hoàn toàn, không được phổ-biến mà lại là trong vòng tương-đối, ví như sự tri-thức về mầu đen và mầu trắng chẳng hạn. Phật-học với sự cần-yếu thành-công phải ở nơi “trí-tuệ”, nghĩa là cần đem cái tri-thức tương-đối, không hoàn toàn ấy vượt lên thành cái tri-thức tương-đối, không hoàn toàn ấy vượt lên thành cái tri-thức hoàn toàn và phổ-biến – Nhất-thiết-trí (hiểu biết tất cả sự sự, vật vật). Thành-công trong trí-tuệ ấy, tức là mục-đích của Phật- pháp vậy.

Học Phật là phương-pháp để đạt được trí-tuệ hoàn toàn. Đạt được trí-tuệ hoàn toàn ấy, là thân chứng được thực-tướng của vũ-trụ nhân-sinh, có thể biết được sự phát- huy của tính giác-ngộ hoàn toàn. Ấy là lý-do học Phật.

Nhân-sinh đau khổ đều do sự sai-lầm không hiểu rõ cái HIỆN-LƯỢNG chân- chính mà ra, nếu chứng được “NHẤT-THIẾT-TRÍ” thời hết thảy mê-vọng phải lui, hết thảy đau-khổ đều không. Song, đến được Phật-trí ấy phải làm thế nào mới được, tất nhiên phải dầy công-phu tu-trì. Vậy, hai lớp trên (hiện-lượng, tỷ-lượng) có thể dùng lý luận giải-thích, nhưng lớp thứ ba (chứng Nhất-thiết-trí) cần phải y theo phương-pháp thực-hành mới được. Ai ai cũng có thể thành, cần nhất phải có phương-pháp thích-đáng. Tu-tích thành-công, đạt tới mục-đích thành Phật, là chỗ tinh-yếu của Phật-học.


4) HIỆN-BIẾN THỰC-LỰC

“Muôn sự, muôn vật đều biến
hóa. Lực-lượng biến-hóa chân-
thực là tâm của con người và
tâm của tất cả chúng-sinh”

Hết thảy sự sự vật vật, hiển-nhiên, tồn-tại trong toàn vũ trụ, đều là tùy thời biến-hóa, mà trong sự biến-hóa ấy có một thứ lực lượng”NĂNG- BIẾN” đó là HIỆN-BIẾN THỰC-LỰC.

Người bình thường cho NĂNG-BIẾN-LỰC là “Thần”, hoặc “Tạo-vật-chủ”, nhưng, y theo Phật-học mà nói, thời những sự đó đều sai lầm.

Lực-lượng năng-biến theo như kinh Phật nói: “TAM GIỚI DUY TÂM, VẠN PHÁP DUY THỨC” (Ba cõi(5) chỉ do tâm, muôn sự, muôn vật, chỉ do thức), thời là lực-lượng của TÂM THỨC.

Muôn sự, muôn vật đều biến-hóa. Lực-lượng biến-hóa chân-thực là tâm của con người và tâm của chúng-sinh. Ai ai cũng có tâm, nên ai ai cũng có cái năng-biến-hóa nơi tự-kỷ, đều được tự-do, tự-chủ, song chỉ cần tự-kỷ đối với chân-tướng vũ-trụ có sự nhận thức tương đương, lập chí, gắng làm là sẽ đạt tới mục-đích. Bậc đại-thánh, đại- hiền, anh-hùng, hào-kiệt cho đến người phát đại-nguyện thành Phật, đều có thể tự-do, tự-tại, nhưng chẳng qua chỉ hiểu biết đến địa-vị nào thôi. Như Duy-vật sử-quan chỉ nhìn thấy một phương-diện đạo-lý duy-vật chứ chẳng biết nó là duyên-cớ của dục-vọng tri- thức tiến-bộ, phát-kiến, phát-minh dần lên.

Do tâm-thức biến-hóa, mà hành-vi của nhân-sinh biến-hóa, dĩ chí phương-pháp sinh sản cũng từ đó biến-hóa, cho đến tâm-lý dân-tộc, tri-thức nhân-loại, đều là nguyên- nhân của thế-giới chuyển-biến. Cho nên có sự, vật, đều là theo tâm-lý tri-thức mà biến-hóa.

Xa hơn một chút, nhà Thiên-văn-học khảo-cứu về toàn vũ-trụ cũng xác-thực là theo sự biến-hóa của tâm-lý chúng-sinh mà hiển-hiện. Thử coi người tu-dưỡng tương-đương trong Phật-học, họ có thể trông thấy những cái gì không thể trông thấy, nghe thấy những cái gì không thể nghe thấy, vì lực-lượng tâm-lý của họ có thể xung qua cái duyên-cớ và cái lực-lượng của tự-nhiên-giới.

Tóm lại, lực-lượng năng-biến ở tâm. Chúng ta đều có tâm, nên chúng ta đều được tự- do, tự-chủ, hướng-thượng, đạt tới địa-vị tối cao thành Phật.

Như thế, Phật-học không phải là tiêu-cực, chán đời hoặc mê-tín, mà là sự tiến-bộ mở-mang cho nhân-sinh đạt tới địa-vị tối-cao, tối-viên-mãn. Dùng cái mô-phạm tối-cao thành Phật ấy, để dẫn dắt con người đem lại bản-tính thực-hiện và từ nhân-sinh thể-hiện được chân-tướng của toàn vũ-trụ, là hoàn thành được ý-nghĩa của con người.


II. ĐỘNG CƠ
BÌNH-ĐẲNG CHỦ-NGHĨA

(Tức Đại-từ-bi tính)

“Thực sự, thực tính hoàn toàn bình đẳng,
nhỏ từ một vi-trần, lớn đến một thế-giới,
gần từ nhân-loại, xa đến hết thảy chúng
sinh đều là cái dòng sinh mệnh lưu hành
không ngừng.”

Theo nguyên-lý Phật-học đã nói trên, thời biết rằng ai ai cũng đều có thể thành Phật, đức Phật không những chỉ bị người ta tín-ngưỡng mà lại là làm người mô-phạm. Chỉ cần hiểu rõ đức Phật là người phát-tâm thế nào, tu-hành thế nào và thành-công thế nào, soi đó mà đi, thời khả dĩ thành Phật.

PHÁT TÂM là động cơ. Động cơ chính đáng, nhất định sau sẽ sinh ra hành-vi, kết-quả viên mãn; động cơ lệch-lạc, sai lầm, nhất định kết-quả cũng không được hoàn thiện. Động cơ Phật-học, thành Phật là BÌNH-ĐẲNG CHỦ-NGHĨA, như trong Kinh đã nói: “Hết thảy chúng-sinh đều bình-đẳng”. Tức là, gần từ nhân-loại, rộng đến vũ-trụ, hết thảy hình hình, sắc sắc đều bình-đẳng. Song, nhìn vào thế pháp, thấy không được như thế, vì còn phân biệt mỗi loại, mỗi loại tức là không được bình-đẳng. Ví như: phân biệt loài đất, đá là vô-sinh-cơ, loài cỏ cây là hữu-sinh-cơ, loài động-vật là có cảm tình, tri--giác; cho đến loài người lại có tư tưởng, lý tính đạo-đức, như thế có thể nói tựa hồ không được bình-đẳng.

Đã cho hết thảy chúng-sinh loại đều cùng bìn-đẳng, vậy đến chỗ nào là chỗ rốt ráo của nó?

Đức Phật từng nói: “Thực sự, thực tính, hoàn toàn bình-đẳng, nhỏ từ một vi trần, lớn đến một thế-giới, gần từ nhân-loại, xa đến hết thảy chúng-sinh, đều có cái dòng sinh- mệnh lưu-hành không ngừng”. Thế là, đều cùng bình-đẳng ở điểm đó.

Hết thảy chúng-sinh đều có tâm, đều có hiện biến, thực lực, đều có khả-năng- tính có thể đạt tới chỗ tối-cao giác-ngộ, là Phật-tính. Y vào điểm ấy mà giảng, là hết thảy bình-đẳng. Chúng-sinh đều có thể đạt tới địa-vị tối-cao-thượng, tối-viên-mãn, thời địa-vị Phật đâu phải vượt ra ngoài hết thảy nhân-loại. Với tư tưởng ấy có thể tương hợp với đạo-lý Quốc-gia Dân-chủ, vì người nước Dân-chủ có khả-năng-tính làm một vị Nguyên-thủ trong nước.

Chủ-nghĩa bình-đẳng của Phật là chủ-nghĩa bình-đẳng của toàn vũ-trụ-giới, toàn chúng-sinh-giới. Động cơ của Phật căn cứ ở nơi địa-phương phát tâm cho toàn vũ-trụ đều cùng bình-đẳng, nghĩa là phát tâm thành Phật vì hết thảy chúng-sinh trong toàn vũ -trụ chẳng phải thành Phật vì một người, một thời đại hay một địa-vực, đó là cái nguyện tâm bình-đẳng rất phổ-biến và cũng là tâm Từ-Bi rộng lớn vậy.

Tâm Phật vẫn có sẵn cái trí-tuệ đại quang-minh phổ-biến toàn vũ-trụ và hết thảy năng lực đạo-đức hoàn toàn. Hết thảy chúng-sinh đều đầy đủ trí-tuệ, đức tướng NHƯ-LAI, song, từ trước tới nay mê muội không biết, cứ nắm giữ cái tự-kỷ nhỏ-nhen, đem một điểm giả tướng trên dòng sinh-mệnh làm tự-kỷ, để hướng ngoại suy cầu; ai ai cũng đều như thế, tức là ngăn cách, tranh đấu lẫn nhau, thời tất cả khổ não cũng theo đó mà phát minh. Kỳ thực, đều là oan-uổng, hoàn toàn do ở tự tính bất giác, tự mang lấy đau khổ. Cũng đều chẳng phải là ngoại vật cấp cho chúng ta, chẳng phải là sự tuyệt đối không thể biến đổi, chẳng qua, đối với chân-tướng của vũ-trụ, tự tính không giác- ngộ được, nên khởi ra mọi thứ suy cầu, tranh đấu mà sinh ra mọi thứ khổ não.

Ai cũng đều là Phật, nghĩa là đều có khả-năng-tính thành Phật, song, đều mê muội không biết, thực đáng thương sót. Biết rằng hết thảy chúng-sinh trong toàn vũ-trụ, đều đáng thương sót, vì đều có thể thành Phật, lại phải oan-uổng chịu khổ não luân-hồi sinh-tử, nên cần phải phát khởi tâm Đại-từ-bi. Bởi thế tâm tự-kỷ không thể thành Phật, vĩnh-viễn không thể thoát khỏi nỗi đau khổ, thời hết thảy chúng-sinh cũng đều thế. Phàm chưa đến địa-vị thành Phật, chưa được viên mãn, thời hướng ngoại không thể còn có chỗ suy cầu, biến hóa, mà trong chỗ biến hóa lưu chuyển ấy, có chỗ không được tự chủ, nên có ra mọi thứ khổ não. Nhưng, bản tính chúng-sinh cũng như nước chảy trong khe núi, nghìn vòng trăm đoạn đến biển là ngừng. Bản năng giác-tính của hết thảy chúng-sinh cũng nhất định chảy qua sông vào biển, tức là đi trên con đường thành Phật. Có con đường ấy thời hết thảy chúng-sinh đều có khả-năng-tính thành Phật. Hiểu rõ nghĩa “Hết thảy bình-đẳng” phát tâm từ trên lý-tính ấy, tức là đi trên con đường thành Phật vậy. “Nguyện cho chúng-sinh khỏi mọi khổ não, bằng cách rốt ráo được mọi sự an vui” đó là động cơ thành Phật. Nếu chỉ vì tự-kỷ cá nhân, hoặc cho việc thành Phật là không thể tới được, tưởng ỷ lại Phật để cầu phúc, tránh họa, thời chẳng phải là người học Phật.

Người bình thường cho Phật và quỷ-thần như nhau, tin Phật có thể khỏi họa được phúc, thứ động cơ ấy ở trong Phật Pháp là mê chứ không phải là tín.

Người học Phật cần phát tâm vì hết thảy chúng-sinh cần hướng tâm trên sự thực-hành; hướng tâm trên sự thực-hành nên có thể tạm dùng những phương-pháp bất đồng. Như nước chúng ta, hiện-tại chịu bao nỗi áp-bức, khổ-thống người dân phải làm sự-nghiệp cứu quốc, cứu dân, là động-cơ chính-đáng. Song, là thực-hành, hẳn phải từ chỗ có thể thực-hành trước tiến đi, nhưng, trên động-cơ cần phải hoàn-toàn bình-đẳng mới được. Vì, có phát tâm trên chủ nghĩa Đại-Bình-Đẳng, mới có thể làm được cái sự-nghiệp cứu quốc, cứu nhân-loại. Sự phát tâm ấy giảng theo Phật Pháp tức gọi là: “Phát tâm Bồ-đề, tu hạnh Bồ-tát”. Phát-động từ trên Phật-tính: vì xã-hội-tính, vũ-trụ-tính mà phát tâm, thời tự nhiên là thiện, không còn có ác, ấy là động-cơ của người học Phật như thế.

Thế nhân đối với việc học Phật, thường lầm tưởng cho là tự-tư, tự-lợi, người đọc sách thuở xưa cũng cho là học Phật, để sau khi chết được an-lạc. Kỳ thực, cái ý-nghĩa cá- nhân giải-thoát ấy vẫn có nơi bộ-phận Tiểu-thừa song, đều chẳng phải là căn bản Phật-Pháp. Căn bản của Phật-Pháp, ở chỗ phát tâm vì hết thảy chúng-sinh nghĩa là “Chúng-sinh vô biên thệ-nguyện độ”.

Động-cơ phát tâm xuất-gia, tu đạo, độ thế của đức PHẬT THÍCH-CA MƯU-NI, do ở sự quán-sát đối với tự-nhiên-giới. Tự-nhiên-giới tuy sinh sinh không ngừng, chủng-loại đông đảo, nhưng, thiên địa bất nhân, cho muôn vật là thứ sô-cẩu, để cắn-xé nhau, tàn-sát nhau, muốn sinh-tồn không được sinh-tồn, muốn an-lạc không được an-lạc thế mà không thấy thiên địa hỏi han gì?

Hết thảy sinh loại tranh nhau, giết nhau để sống lấy một ngày, biết rằng quá ư tàn khốc, thực rất thương hại; vì thế Ngài đi tìm phương-pháp gì, trừ khỏi được hết thảy sự buồn thảm đau khổ cho chúng-sinh, ấy là tâm Đại-từ-bi. Như động cơ “dân-sinh chủ- nghĩa” của TÔN-TRUNG-SƠN, cũng phát xuất ở tư tưởng: muốn cho nhân-loại khỏi đau khổ, được hòa-bình, an-lạc, đó cũng là sự phát xuất ở một điểm của tâm Bồ-tát.

Tâm Đại-từ-bi của Phật, vì hết thảy chúng-sinh, song, muốn khỏi sự sinh hoạt bi thảm của chúng-sinh, đầu tiên cần tự-kỷ giác-ngộ được chân-tướng của vũ-trụ nhân- sinh mới đầy đủ công-năng cứu-tế chúng-sinh được. Đức PHẬT THÍCH-CA khi đương thời niên thiếu có một lần Ngài đi quán sát nơi làng mạc, Ngài trông thấy người nông phu cày đất, loài trùng từ trong đất bò ra, chim chóc theo sau mổ ăn Ngài ta thán: sự sinh-hoạt tàn khốc của tự-nhiên-giới thực đáng thương hại, lòng dạ buồn rầu, từ đó Ngài phát tâm khảo-sát chân-tướng của vũ-trụ, nhân-sinh thế nào, phương-pháp thoát đau khổ thế nào, mới cần cầu đại đạo vô thượng chính-giác. Thế là phát tâm thành Phật không phải là tiêu-cực mà là kết-quả được sự sinh-hoạt hòa thiện, an vui tức là Đại- Niết-Bàn vậy.

Động-cơ tu đạo của đức Phật THÍCH-CA ở chỗ là một vị Phật thành vô thượng chính-giác, nên sau khi Ngài thành Phật, Ngài không ở yên chỗ nào, luôn luôn đi thuyết Pháp độ nhân, do đó, biết rằng Ngài phát tâm là vì hết thảy chúng-sinh, chẳng phải là “tự tư, tự lợi”, cũng chẳng phải là “không tưởng làm không tới đích”, mà là một biện pháp thỏa đáng thiết thực tiến hành đến chỗ thực hiện.

Người bình thường cho Phật-pháp là: “Phi nhân sinh, chán đời, phi luân lý” đều là nhận xét sai lầm cả. Dòng sinh-mệnh không tự giác-ngộ được, nên mới có trạng-thái bất an ninh; cầu cho sự sinh-hoạt của thế-giới nhân-loại được hoàn toàn bình-đẳng, lại tiến bước nữa cầu cho hết thảy chúng-sinh đều được bình-đẳng an-lạc, tức là động-cơ thành Phật. Cho nên Phật-pháp không phải là Phi nhân-sinh mà là phát-đạt nhân-sinh; lại chẳng phải chuyên phát-đạt về sinh-hoạt vật-chất; cũng chẳng phải chuyên phát-đạt về tinh-thần mà phát-đạt về sinh-hoạt sinh-mệnh được hoàn toàn mỹ-mãn. Ấy là bản- nghĩa của Phật-pháp Đại-thừa, là động-cơ học Phật, nên biện-biệt rõ-ràng.

Học Phật có phân ra Tiểu-thừa và Đại-thừa. Động-cơ của Tiểu-thừa chỉ cầu giải-thoát cho tự-kỷ. Người bình thường cho Tiểu-thừa là Phật-pháp chân-chính; lại còn đối với chân-lý Phật-pháp, họ không hiểu được rõ ràng, họ cho Phật là quỷ-thần, như thế đều là sai lầm và lại sinh ra nhiều bình-luận sai lầm nữa. Cho nên phải phân-biệt rõ-ràng về động-cơ học Phật có thể tóm tắt làm bốn nghĩa:

a) Đều có Phật-tính.
b) Đều thành Phật được.
c) Thương mình, thương người.
d) Cùng thành chính-giác.

Tức là nói: chúng-sinh đều có khả-năng-tính thành Phật đều có thực-tính và khả-năng-tính học Phật bình-đẳng, nên đều có thể thành Phật.

Hơn nữa, với những nghĩa trên, có thể chia giảng làm từng thứ như sau:

- Từng thứ nhất: cùng tin rằng vũ-trụ, vạn-hữu có một thứ chân-lý phổ-biến hoàn toàn.
-Từng thứ hai: cùng tin rằng trong chân-lý ấy có cái nhận thức hoàn toàn tối-cao vô thượng đại-giác-ngộ (vô thượng Bồ-đề).
- Từng thứ ba: cùng tin rằng cái vô thượng chính-giác ấy có thể đạt tới được như đức PHẬT THÍCH-CA.
- Từng thứ tư: cùng tin rằng ai cũng đạt tới được.

Tín-ngưỡng căn-bản của Phật-học không ngoài bốn từng thứ ấy.

Song, nhân-loại hiện-tại trên tri-thức, hành-vi, năng-lực, sinh-hoạt vật-chất, sinh-hoạt tinh-thần, đều không được viên mãn, sinh ra mọi thứ dục vọng, dĩ chí sinh ra mọi thứ đau khổ, tuy nói đều có thể thành Phật, mà thực là ở vào địa-vị đáng thương xót. Đem so sánh sự đau khổ của thế-giới, nhân-loại, chúng-sinh này, đều cùng như sự đau khổ nơi tự thân ta, phát tâm thương mình, thương người ấy là động cơ của Đại-thừa Phật-pháp. Cùng cách thức ấy, phát khởi đại tâm, vì hết thảy chúng sinh, cầu được vô thượng chính-giác, có chân-giác-ngộ mới phá được mê và hết thảy hành-vi mới được hợp lý.

Duy Phật-Pháp mới hiểu rõ ràng được cái nguyên-khởi của hết thảy sự đau khổ ở mê-hoặc, đào-nhổ đến cỗi rễ, mới có thể nói là cách-mạng đến triệt-để. Mà động-cơ thành Phật, mới có thể nói là cải-tạo thành sự sinh-hoạt an-toàn cho toàn vũ-trụ, toàn nhân-loại được.


III. BIỆN-PHÁP
TIẾN-HÓA CHỦ-NGHĨA

(Do nhân-sinh thành Phật)

“Từ địa-vị chúng-sinh, dùng
phương tiện tu chứng, đi
tới địa-vị Phật, mới gọi là
tiến-hóa”

Có động-cơ, không có biện-pháp thích-đáng, không thể thực-hiện được; biện-pháp bất đối, kết-quả hẳn trái với sự thích-đáng của nó. Ví như chủ-nghĩa xã-hội, mục-đích của nó cũng muốn cho sự sinh-hoạt của nhân-loại được phong-phú, an-lạc, nhưng, nó không có phương-pháp thích đáng, nó lợi dụng phương-pháp thiên-vị, hiềm-khích, để cổ động cái tâm bất-bình, ghen-ghét, bực-tức của nhân-loại đến nỗi nhân-loại không những không thể đạt tới chỗ an-ninh, lại khiến xã-hội hiện-tại không được an vui sung sướng. Vậy nên biết rằng lý-tưởng tuy hay, nhưng không có biện-pháp tương-đương, lại thành cái kết-quả không tốt. Học Phật cũng thế, bắt đầu giảng xong nguyên-lý, giảng xong động-cơ, nếu không có biện-pháp, thời thành Phật thế nào được? Ví như khách lữ-hành cần có một đường đi mới có thể tiền-tiến, con đường Phật-pháp, là một thứ tiến-hóa chủ-nghĩa.

Chủ-nghĩa tiến-hóa của Phật-pháp, bất đồng với chủ-nghĩa tiến-hóa bình thường. Giảng theo Phật-pháp, thời hết thảy chúng-sinh trong tự-nhiên-giới là tuần- hoàn, lưu-chuyển (luân-hồi) không phải là tiến-hóa, vì tăng-tiến đến một hạn-độ nhất định liền lại thoái-hồi. Như con người khi còn là trẻ con ít kinh-nghiêm, lúc thiếu-niên cầu trí-thức học-vấn, lúc khôn lớn ra làm việc, đến khi sự-nghiệp thành-công đã xong, tiến dần đến thời-kỳ già yếu, kết-quả không khỏi một lần chết. Một đời nối tiếp trong sự tiến-hóa đến lúc chết là tiêu-hủy hoàn-toàn. Như quả địa cầu, có sự biến-hóa trong thành, trụ, hoại, không, cũng là tuần-hoàn chứ không phải là tiến-hóa. Nhân-loại và thế-giới chẳng qua là cái cũ mất đi, cái mới sinh ra mà thôi. Hiện-tượng tự-nhiên của bình thường, không ngoài sự tuần-hoàn của sinh-tử luân-hồi trong Phật-pháp, đến khi hạn-độ đầy đủ liền thoái lui không thể thành tiến-hóa được. Vì, chủ-nghĩa tiến-hóa hiện-tại là giả tiến-hóa, không phải là tiến-hóa cứu-cánh.

Sự lưu-chuyển tuần-hoàn trong luân-hồi sinh-tử, là việc rất không may, rất đáng thương, phải có phương-pháp để đả phá sự bó buộc của luân-hồi sinh-tử, mới hay đạt tới tiến-hóa chân-chính được. Giả như, hiểu rõ ràng được dòng sinh-mệnh, lớn, nhỏ quan-hệ và giao-thông lẫn nhau, thời y vào đó sẽ thấy chân-sinh-mệnh không có hạn- độ, không bị ngăn-ngại, không bị chấp-trước, mà chỉ thấy tăng-tiến, không thấy thoái lui.

Trên kia đã nói, không cứ vật gì đều là sự quan-hệ của toàn vũ-trụ tạo-thành, một vật tức tất cả mọi vật, một là ở trong tất cả. Nghĩa là, trong chân-tướng ấy, cá-thể của mỗi mỗi sự vật, không có thực-tự-ngã, là cái giả-tướng của mọi thứ quan-hệ tập- hợp của toàn vũ-trụ tạo-thành; mà chân-tướng là phổ-biến toàn vũ-trụ.

Hơn nữa, nhân-sinh và thế-giới, là không trước, không sau, không bờ cõi, không hạn-độ; đã biết rằng không hạn-độ, tức là thấy cái không lượng của vũ-trụ nhân-sinh là hoàn toàn khế-hợp cùng chân-tướng, đem tư tưởng, hành-vi cải-thiện nhân-sinh, dần dần tiến-bộ thành tiến-hóa, ấy là khởi-điểm vượt khỏi sinh-tử luân-hồi.

Đại-thừa Phật-pháp, do phát tâm Bồ-đề, tu hạnh Bồ-tát (Bồ-tát không phải là đại-danh-từ của thần-tượng, là chúng-sinh có giác-ngộ hoàn toàn), đả-phá sự lưu chuyển tuần-hoàn, đi lên đại lộ tiến-hóa. Nghĩa là từ địa-vị chúng-sinh, dùng mọi phương-pháp tu-chứng đi tới địa-vị Phật, mới gọi là tiến-hóa. Và cũng là con người tu đến địa vị Thập-tín(6) của Bồ-tát, qua Thập-trụ(7), Thập-hạnh(8), Thập-hồi-hướng(9), Tứ-gia -hạnh(10) và Thập-địa(11) trải qua mọi bậc tiến-hóa ấy, đến địa-vị Phật mới là viên-mãn. Thế nên biết rằng: vũ trụ là tiến hóa, con người chưa phải là cái kết-quả của tối-hậu tiến-hóa, lại còn có địa vị siêu-nhân nữa.

Con người hoàn thành địa-vị Thập-tín tương đương như bậc Đại-thánh, Đại-hiền ở thế-gian; Thập-trụ là địa vị siêu-nhân; Thập-trụ trở lên là địa-vị siêu-việt nhân. Phật lấy toàn vũ-trụ làm sinh-mệnh, toàn vũ-trụ vô hạn lượng, Phật thân cũng vô hạn lượng, ấy mới là sự kết-quả của tối hậu tiến-hóa.

Phật tuy nhiên phổ-độ hết thảy chúng-sinh, hết thảy chúng-sinh có khả-năng- tính thành Phật, song, chỉ có nhân-loại là rất hợp với sự tu học trong Phật-pháp. Nhân- loại trở xuống, những chúng-sinh như loài súc-sinh, vì sự đau khổ bức bách, vì sự trí- thức không phát đạt, nên tuy rằng có Phật thuyết pháp họ cũng không thể lĩnh hội được.

Nhân-loại trở lên, thời ở vào cảnh-giới rất đẹp, rất vui, tâm bị cảnh-giới đương tiền làm say mê, nên không tưởng học Phật, cho nên nhân-loại là một đạo rất có tâm đoan chính, xu-hướng Bồ-đề ở trong sáu đạo(12) chỉ có nhân-loại là rất giàu khả-năng- tính thành Phật(13). Vì thế đức Phật thị-hiện ở trong nhân-loại, nói hết thảy pháp, mà sự giảng Phật-pháp trong hiện-tại tức là lưu-hành Phật-pháp trong nhân-loại vậy.

Từ khi Đức THÍCH-CA thành Phật đến nay, đã hơn 2000 năm lưu-hành bao quốc-độ đều có sự tốt đẹp, nhưng sự kinh-quá do thời-đại bất đồng, dân-tộc bất đồng, nên Phật-giáo-sử, có sự duyên-cách, biến-hóa lẫn nhau theo địa-phương. Nhìn trên sự giáo-hóa của Phật, thứ nhất là phải hợp chân-lý. Chân-lý là đại-trí-tuệ viên-mãn của Phật, chứng được chân-tướng của vũ-trụ, nhân-sinh, thứ hai là cần hợp thời-cơ tức là phù hợp thời-đại, trào-lưu và tâm-lý quần chúng; nếu không hợp thời-cơ, là không được thông hành. Phật-pháp lưu-hành hơn vài ngàn năm, trải qua bao nhiêu nước như thế, đương nhiên là phải phù hợp với tâm-lý quần chúng. Cho nên chân-lý Phật-pháp tuy nhiên thông suốt xưa nay không rời đổi, nhưng vì phù hợp với sự bất đồng của các thời- đại, các tư-tưởng, dân-tộc, nên pháp môn của Phật-pháp cũng tùy theo sự bất đồng ấy mà làm việc lợi-ích.

Tới đây, xin đem lại một thuyết nói về sự biến thiên của lịch-sử Phật-giáo: Khi Đức THÍCH-CA xuất thế tại Ấn-Độ, quốc-gia an-tĩnh, dân thịnh, vật nhiều nhưng, nhân dân chỉ sợ về sinh, già, ốm, chết. Vì lo sợ chết đến cực độ, nên họ liền tìm phương-pháp giải-thoát cá-nhân. Do đó Ngài muốn thích hợp với tâm-lý cầu giải-thoát cá-nhân của quần-chúng Ấn-Độ đương thời, nên Ngài mới nói ra pháp Tiểu-thừa trước nhất. Nói khác hơn, đương thời rất nhiều người cầu giải-thoát, nhưng đều không biết rằng: đương thể của nhân-sinh, thế-giới là vô thỉ, vô chung, vô hạn-lượng và không có sinh-tử để giải-thoát, cho nên Phật-pháp không thể không dùng phương-pháp vòng quanh khúc- chiết, để thích hợp với tâm-lý cầu giải-thoát của quần-chúng đương thời, mà nói ra pháp “Vô ngã giải-thoát”.

Cá-nhân coi như không, cái “TA” lại không có, thời không chi là sinh-tử lưu chuyển? Trên vô ngã phủ nhận tự ngã, thời không phải ý-nghĩa chân-chính của Phật- pháp, song chẳng qua để thích hợp với tâm-lý quần-chúng đương thời mà thôi. Vì vậy, nói ra pháp giải-thoát Tiểu-thừa, là vòng quanh, khúc-chiết, khiến do nơi Tiểu-thừa đạt tới nơi Đại-thừa, như trong kinh Đại-thừa Diệu-Pháp Liên-Hoa kinh đã nói: “Tiểu-thừa là phương-tiện nhất thời, nếu không dùng phương-tiện như thế, thời quần-chúng không sinh lòng tin, không thể vào trong Phật-pháp được”. Đức Phật, xưa nay chỉ do một nhân duyên đại sự, mới xuất hiện ra đời, để cho hết thảy chúng-sinh, nhận sự khai thị của Phật chứng ngộ Phật-trí, được sự vui vẻ, an-ninh không chướng-ngại.

Đương thời có một đoàn người chỉ lưu truyền về Tiểu-thừa; sau bốn, năm trăm năm. Ngài Long-Thụ mới xương-minh Đại-thừa, song vẫn là hình-thức Tiểu-thừa. Đến khi Bà-la-môn giáo phục-hưng, Phật-giáo suy tàn, vì tư-tưởng Đại-thừa với dân-tộc Ấn- Độ không được thập phần tương hợp. Mãi về sau Đại-thừa mới từ Bắc Ấn-Độ truyền sang Trung-Hoa. Tư-tưởng người Trung Hoa là thuận tự nhiên, trọng nhân-sinh nên tư- tưởng Tiểu-thừa không hợp, mà lưu-hành tư-tưởng Đại-thừa. Song, sự lưu-hành phổ- thông trên xã-hội, lại không phải là Phật-giáo thuần-chính, mà là Phật-giáo thiết-giáo trên thần-đạo sàn-tạp. Tư-tưởng Đại-thừa đối với tư-tưởng Nho-gia họ cho như là ngoài chính-trị, xã-hội, chỉ có thể lui ở núi rừng, không làm được sự-nghiệp xã-hội và không xã-hội-hóa được, nên tuy rằng xương-minh tư-tưởng Đại-thừa cũng chưa thành xã-hội, dân-tộc giáo-hóa. Cận-lai phật-giáo lại có cái xu-thế tiệm-suy vì không thể theo với sự biến thiên của dân-tộc mà tiến-bộ được.

Hiện-tại giảng về Phật-pháp cần phải quan-sát đặc-điểm tâm-lý dân-tộc ở chỗ nào, tâm-lý nhân-loại thế-giới thế nào, nắm được hai thứ ấy mà xem xét, mới có thể nắm được lẽ sống còn cho Phật-giáo hiển-dương, lưu-hành giữa lòng người.

Nhân tâm thế-giới hiện tại chú trọng về vấn đề nhân-sinh, mong cầu sự sinh- hoạt của nhân-loại làm sao tới được chỗ hòa-bình ưu-mỹ. Công-cụ ứng-dụng là khoa- học, phương-pháp thực-hành là xã-hội và có tổ-chức sinh-hoạt quần-chúng.

Tiểu-thừa Phật-pháp; ly khai thế-giới, phủ định nhân-sinh, là không thích hợp. Đại-thừa đốn-giáo(15) cũng có chỗ không hợp với tư-tưởng hiện-đại. Song có thể hợp với nhân-loại thế-giới hiện-tại, cần dùng Đại-thừa Tiệm-giáo(16) hơn cả. Đại-thừa Tiệm-giáo lấy nhân-loại làm cơ-sở, tiến một bước có sự thực chứng của một bước, tức là phương- pháp khoa-học-hóa, tổ-chức-hóa, dần dần được hoàn thiện. Cho nên hiển-dương Phật- pháp trong thời đại này, cần phải đề-xướng về Đại-thừa Tiệm-giáo.

Nói rõ hơn, bước thứ nhất của Phật-học ở chỗ hoàn thành nhân cách làm đầu, nghĩa là làm một cá-nhân ở chỗ sinh-địa tốt đẹp. Phương-diện sinh-hoạt vật-chất như cơm ăn, áo mặc, nơi ở... cần được giải quyết tương đương, thì phương-diện hành-vi trên đạo-đức, trí-thức, trên lý-tính cũng cần hợp với nhân-loại để làm thành con người có nhân cách tương hợp với người quân-tử thuở xưa, nhiên hậu mới đem sự hiểu biết minh bạch về nguyên-lý của vũ-trụ, nhân-sinh áp dụng vào thực-hành. Nghĩa là trước nhất làm cho con người hoàn toàn, an-toàn sinh-hoạt vật-chất, tăng cao sinh-hoạt trí-thức, hoàn thiện sinh-hoạt đạo-đức lại dùng những cái đó mà hoàn thành gia-đình ưu-mỹ, xã- hội lương-thiện quốc-gia hòa-lạc, thế-giới an-ninh, như thế tức là Nho-giáo nói: “Con người đã đạt đến địa-bộ hy-vọng của kẻ sĩ thành người hiền, người hiền thành bậc Thánh, bậc Thánh-nhân thành công trong loài người. Nhân cách hoàn thành, hoàn thiện rồi, lại phát đại tâm Vô thượng viên-giác, khởi đại nguyện phổ-độ chúng-sinh, như thế tức là Nho-giáo nói: “Con người đã đạt tới địa-vị hy-vọng của bậc Thánh thành Trời”, thế là cầu tiến-hóa trên nhân-sinh chứ quyết không phải là sinh-hoạt độc-thiện, xa cách thế-gian. Cũng thế, tiến-hóa cao thượng kể từ địa-vị Bồ-Tát Thập-tín-tâm đã là địa-vị đạt tới nhân cách ưu-mỹ cao-thượng khiến thế-gian có thể lĩnh-thụ sự giáo-hóa, Cổ lai Thánh-hiền đều như thế. Đó là bước thực-hành thứ nhất của Đại-thừa Phật-pháp. Vì sơ bộ của Đại-thừa Phật-pháp là hướng về hết thảy sự thực-hành đạo-đức của con người trên thế-gian.

Bước thứ hai là “Thập-trụ” cũng trải qua mười giai đoạn. Vì có hoàn thành công-năng đức-dụng của Thập-tín-tâm mới kết hợp thành Sơ Phát tâm trụ; thành-công được trụ tâm ấy rồi, mới là con đường chân-chính đi lên sự tiến-hóa. Đến thời-gian ấy dòng sinh-mệnh không phải như theo gió trôi dạt và cũng không phải luân-hồi lưu- chuyển nữa. Đã phát khởi tâm quyết định đời đời phổ-độ chúng-sinh đều cũng thành Phật, cho nên cần học rộng hết thảy học-vấn thế-gian mới có thể so sánh kịp. Và cũng do tâm Bồ-đề kiên cố ấy, từ đó chỉ có sự tiến-hóa chứ không có sự thoái-hóa. Vì từ Sơ Phát Tâm trụ trở lên, còn có chín trụ tâm nữa mỗi trụ tâm đều theo một giai-đoạn của con đường ấy, mà mỗi giai-đoạn là đều hướng về sự tiến-hóa.

Bước thứ ba là Thập-hạnh, tu Thập-trụ-tâm tiến thêm một bước vào địa vị Thập- hạnh. Thập-trụ-tâm là do dụng tâm trên lý quan-sát đến khi tu hành viên-mãn đối với lý-tính của chân-lý đã trải qua và phù hợp thành một mối. Có năng-lực cơ-bản ấy hay làm những việc hy-sinh lợi tha, tu những hạnh rốt-ráo (Ba-la-mật Tàu dịch là đáo bỉ ngạn) như: tu hạnh bố-thí, cũng gọi là hạnh hoan-hỉ, nghĩa là lấy hết thảy sự vui mừng của chúng-sinh trên thế-gian làm sự vui mừng của mình, sinh-mệnh tài-sản đều đem bố-thí, cho đến hy-sinh một mình để cứu người, cứu đời, cứu nước. Đó là tài-thí. Lại còn pháp-thí. Pháp-thí là dùng tất cả sự phát-minh của chân-lý cùng những phương- pháp hay, bố-thí cho hết thảy mọi người. Sau cùng là trừ khỏi khủng-bố nguy-hiểm cho chúng-sinh, giúp người, cứu đời gọi là vô-úy-thí. Như thế trải qua được mười giai-vị, thời sự tu-hành cũng từ một bước tiến lên một bước. Trong Phật-pháp thường nói về sự “thần-thông chứng-nghiệm”, không phải là thần-bí, đều do sự thực-hiện của những bước đã kinh-quá trên đây mà ra.

Bước thứ tư là Thập-hướng. Hướng là ý-tứ hồi-hướng. Trên đây đã nói về Thập- trụ, Thập-hạnh, nhưng Thập-trụ còn thiên về lý, Thập-hạnh thiên về sự, đến Thập- hướng sự, lý mới hợp về một mối (quay về sự hướng về lý quay về lý hướng về sự đến chỗ sự, lý không hai), đó là từng thứ nhất của hồi-hướng. Hơn nữa, quay tâm chúng-sinh hướng về Phật, quay tâm Phật hướng về chúng-sinh, quay hết thảy công-đức tự-kỷ hướng về chúng-sinh và quay hết thảy chúng-sinh hướng về tự-kỷ. Hồi tự hướng tha, hồi tha hướng tự , tự, tha là một, ấy là từng thứ hai của hồi-hướng.

Thứ bực trải qua trên đường tiến-hóa, do con người đi từ Tín, Trụ, Hạnh, Hướng và đi được một phần ba, tức như trong sách phật-học gọi là vô số kiếp đầu tiên (sơ A tăng kỳ kiếp). Lại khởi công Gia-hạnh tức là tập trung những hạnh đã tu-hành từ trước tới nay tăng thêm cái hạnh về công-dụng. Do Gia-hạnh đến được nơi sơ-địa Hoan-hỉ- địa thời khi ấy đã đến địa vị kiến-đạo, thể-nghiệm tới chỗ thực-tướng của vũ-trụ nhân- sinh, vô thỉ chung, vô phương thể, xa hết thảy ngôn thuyết, không thể nào nghĩ bàn được (bất đồng với giả tứ lý-tưởng trên tư-tưởng). Thân tâm cải-biến, trình-độ vượt cao lực-lượng vượt lớn, là sự hiếm có nơi tư-tưởng người bình thường. Lực-lượng tâm-lý dần cao, sinh-lý vật-lý đều biến hóa, hiện-thực thế-giới tùy tâm-lý cải-biến, nên vũ-trụ duy tâm, vạn hữu duy thức, đến đó đều có thể thực-hiện được. . Những cái có thể thấy được trên thế-giới hiện-thực thời cũng như loài côn trùng chỉ biết được cảnh-giới của loài côn trùng, vì nó chỉ có thể tùy theo sinh-lý sinh-hoạt của thiên-nhiên, chứ không thể bằng vào tâm-lý mà tạo tác được. Sinh-hoạt của cao-đẳng động-vật, thời có lực-lượng tâm-lý. Tâm-lý mạnh ảnh hưởng sinh-lý, sinh-lý ảnh hưởng vật-lý, đến khi thiền-định thành công ngũ-căn (tức ngũ-quan) biến-hóa, tự nhiên hết thảy vật-chất cũng đều biến-hóa, thời dầu rằng vào nơi nước lửa vẫn không thấy nóng, không thấy chìm. kết-quả cải-tạo tiến-bộ là trí-tuệ quang-minh của tâm tràn đầy toàn vũ-trụ tức là trong toàn vũ-trụ không có cái gì, nơi nào là không thông suốt được hết thảy.

Phát tâm từ sơ-địa, chân-tướng vũ-trụ đã chứng-minh được hoàn toàn, trí-tuệ lại có chỗ khả dĩ sung thực. Một từng, một từng tiến-bộ đến Pháp-vân-địa thứ mười thời hiểu biết hoàn toàn được hết thảy sự thuyết-pháp của chư Phật trong thập phương thế- giới và một tích tắc trong tâm, là tới địa-vị tối-cao của Bồ-tát. Như Ngài Quán-Âm Bồ- Tát, rất gần Phật-vị, nghĩa là thập-địa viên-mãn là tới được địa-vị Phật. Phật không phải là tương-đối cũng không phải là đơn-độc mà là không thể nghĩ bàn được. Đã không phải là một cũng không phải là nhiều, không phải là dị, cũng không phải là đồng, thời không kể là xuất hiện ra tự thể gì, tự thể ấy đều tràn đầy khắp vũ-trụ, lấy toàn vũ trụ làm Phật; mà Phật toàn vũ trụ, là ánh sáng trong sạch cứu cánh, an-lạc hoàn thiện. Cho nên Phật-pháp là biện-pháp cải-tạo nhân-loại, cải-tạo toàn vũ-trụ đều thành tối thiện viên-mãn, thực-hiện lý-tưởng Phật. Đó là thực sự, nên thực-hành và năng thực- hành, thời khả dĩ do nơi con người tiến-hóa tới chỗ Phật-vị.


IV. HIỆU-QUẢ
TỰ-DO CHỦ-NGHĨA

(Có nghĩa là vô-chướng-ngại)

“... Tự tha là một, viên-dung vô-ngại, được đại-tự-do”

TỰ-DO CHỦ-NGHĨA không phải là phóng-túng tự-ngã, tha-hồ làm càn. Không một Phật-thân nào không phải không biến-mãn toàn vũ-trụ, tức là PHÁP-GIỚI VÔ-CHƯỚNG-NGẠI và cũng gọi là PHÁP-THÂN VÔ- CHƯỚNG-NGẠI. Vô-chướng-ngại cùng vô-ngã, lý rất hợp nhau, vì vô-ngã nên vô- chướng-ngại, vô-chướng-ngại nên được tự-do. Thế là, đem lực-lượng quan-hệ của toàn vũ-trụ, hợp-thành một vật ấy (Pháp-thân) thường làm chủ, làm bạn lẫn nhau, tức là Pháp-giới vô-chướng-ngại, chủ, bạn trùng-trùng vô tận, không thể nghĩ bàn được (tư- tưởng bình thường là tư-tưởng phân-biệt tương-đối, chẳng phải là tư-tưởng bỉ, thử hỗ- tương đối-đãi). Tới cảnh-giới ấy tức là không thể nói được; nhưng, chẳng phải không nói mà là cực tận thuyết cái năng-sự vô-sở bất thuyết (ngôn-thuyết chẳng qua là lối chỉ- đạo phương-hướng trên sự tiến-hành, như lấy ngón tay chỉ mặt trăng mà thôi). Mục-đích học Phật, là thành-công “Pháp-thân vô-chướng-ngại”. Ở trong vũ-trụ vô-chướng- ngại ấy, tự tha là một, viên-dung vô-ngại, được đại-tự-do:


1. CẢNH-TRÍ TỰ-DO

Cảnh là hết thảy sự vật bị trí-tuệ nhận-thức. Chân-tướng của hết thảy sự sự vật vật trong vũ-trụ hoàn-toàn vô-ngại, cảnh vô-ngại nên hiển thị trí-tuệ quang-minh vô- ngại, trí vô-ngại nên cảnh cũng vô-ngại; không có cảnh ở ngoài trí, không có trí ở ngoài cảnh, cảnh, trí nhất như, không thể nhận thấy được hai tướng, mà lại biết rõ-ràng hết thảy cảnh, hết thảy cảnh là cái bị biết rõ (sở liễu) của trí biết rõ hết thảy (nhất thiết liễu-tri trí). Đó tức là Vô thượng chính-biến giác-tri, biết rõ chân-tướng của vũ-trụ chư pháp bằng cách viên-minh, không bị thời-gian, không-gian câu-thúc. Trí-thức bình thường là tương-đối, còn bị thời-gian, không-gian câu-thúc; vì sự quan-hệ của tâm-lý, sinh-lý bất đồng đều cho tâm-lý cảnh-giới là phải, nên đều có sự chướng, ngại. Phật thời hoàn toàn vô-chướng-ngại. Bậc Bồ-tát thấy chân-lý phổ-biến, không thấy sai-biệt; không thấy sai-biệt nên trong đó trí-tuệ đã có sự khu-biệt, có sự cách-ngại. Trái lại, trí- tuệ Phật là chính-biến giác-tri, là trí-tuệ bình-đẳng phổ-biến – hết thảy thời-gian, hết thảy không-gian hết thảy chủng-loại, đồng thời không gì là không biết rõ bằng cách chu-biến; năng-tri-trí (trí hiểu biết) sở-tri-cảnh (cảnh bị biết) viên-dung vô-ngại. Đó là cảnh, trí tự-do, mà trong sách Phật thường gọi là TRÍ-ĐỨC.


2. NGHIỆP-QUẢ TỰ-DO

Nghiệp-quả là do nghiệp-lực trước làm nhân, tất nhiên sẽ có kết-quả, mà nghiệp-lực tức là những hành-vi tiền-thời của nó. Hành-vi tiền-thời kết hợp thành hiện- tại sinh-mệnh, kết-quả là sự thúc-phọc của lực-lượng hành-vi trong tiền-thế và hiện- sinh, nên chịu sự tân trần đại tạ (cái cũ mất đi, cái mới sinh ra), sinh-tử luân-hồi. Bậc vô-sinh (A-la-hán) chỉ tự do từng bộ phận và đến Phật-vị mới là đại-tự-do – bỏ hết thảy nghiệp bất thiện hữu-lậu, viên-mãn nghiệp nhân vô-lậu thanh-tịnh từ vô lượng kiếp, thành-tựu quả Niết-bàn vô-chướng thanh-tịnh. Hết thảy sự bất hảo đều không có, hết thảy sự diệu-hảo đều viên-mãn (viên-tịch) là đoạn trừ được hết thảy nghiệp nhân bất lương, thành-tựu công-đức Niết-bàn. Đó là nghiệp-quả tự-do mà sách Phật thường gọi là ĐOẠN-ĐỨC.


3. HOÀN TOÀN TỰ-DO

Hoàn toàn tự-do là PHÁP-THÂN, tức là bản thân pháp-giới vô-chướng-ngại cũng là toàn thể vũ-trụ. Hết thảy chúng-sinh sinh-tử trong Pháp-thân mà Pháp-thân hoàn toàn tự-do trong toàn thế-giới, hết thảy sinh. Vũ-trụ pháp-thân, tự tha không hai, thường hay giúp đỡ chúng-sinh và làm lợi-ích cho chúng-sinh. Chúng-sinh ở trong chỗ bất tri, bất giác, nhận sự cảm-hóa của PHẬT, giải-thoát hết thảy khổ-não, được hết thảy sự an-vui – đối với chúng-sinh có ân-đức lớn lao, nên trong sách Phật thường gọi là ÂN-ĐỨC.

Ba thứ tự-do trên đây, tức là ba đức của PHẬT-QUẢ, là người học Phật hy-vọng sẽ đạt tới mục-đích ấy.


Chú Thích:

1 Những hàng chữ nhỏ dưới đề-mục trong cuốn sách này là do ý-nguyện chúng tôi muốn nêu lên những câu toát-yếu toàn mục, để bạn đọc tiện bề nghiên-cứu và ức-ký (lời Dịch-giả).

2 Bốn Đại tức là: đất, nước, gió, lửa thuộc về sắc pháp.

3 Chủng tử là hạt giống, nhưng gọi theo khoa học là nguyên-tử điện-tử.

4 Nghiệp lực là cái năng lực của hành vi.

5 Ba cõi: cõi dục, cõi sắc, và cõi vô sắc.

6 Thập-tín: 1) Tín-tâm. 2) Tinh-tiến-tâm. 3) Niệm-tâm. 4) Định-tâm. 5) Tuệ-tâm. 6) Thí-tâm. 7) Giới-tâm. 8) Hộ-tâm. 9) Nguyện-tâm. 10) Hồi-hướng-tâm. Mười bậc này đều lấy đức “Tín” làm gốc, cho nên gọi là “Thập-tín”.

7 Thập-trụ: 1) Phát-tâm-trụ. 2) Trị-địa-trụ. 3) Tu-hành-trụ. 4) Sinh-quý-trụ. 5) Phương-tiện-trụ. 6) Chính-tâm-trụ. 7) Bất-thoái-trụ. 8) Đồng-chân-trụ. 9) Pháp-Vương-tử-trụ. 10) Quán-đính-trụ. Mười bậc này đều gọi là “Trụ”, nghĩa là chỗ ở của các vị Bồ-tát an-trụ-tâm, đối với sự tu hành về lục-độ (a) chưa được rốt-ráo mầu nhiệm, cho nên chỉ gọi là “Trụ”.

8 Thập-hạnh: 1) Hoan-hỷ-hạnh. 2) Nhiêu-ích-hạnh. 3) Vô-khuể-hạnh. 4) Vô-tận-hạnh. 5) Ly-si-loạn-hạnh. 6) Thiện-hiện-hạnh. 7) Vô-trước-hạnh. 8) Tôn-trọng-hạnh. 9) Thiện-pháp-hạnh. 10) Chân-thực-hạnh. Mười bậc này chú-trọng tu-hành về phép lục-độ hơn các hạnh tu khác, cho nên gọi là “Hạnh”.

9 Thập-hồi-hướng: 1) Cứu-hộ chúng-sinh ly chúng-sinh tướng hồi-hướng (cứu giúp chúng-sinh mà không chấp-trước về sự cứu giúp). 2) Bất hoại hồi-hướng (không bao giờ thoái lui lòng cứu giúp chúng-sinh). 3) Đẳng chư Phật hồi-hướng (lòng Từ-bi cứu giúp chúng-sinh đã bằng chư Phật). 4) Chí nhất thiết xứ hồi-hướng (lòng cứu giúp chúng-sinh mỗi việc đều chu đáo). 5) Vô tận công-đức-tạng hồi-hướng (tích chứa công-đức vô tận). 6) Tùy thuận nhất thiết kiên cố thiện căn hồi-hướng (thuận theo hết thảy căn lành bền chặt). 7) Đẳng tâm tùy thuận nhất thiết chúng-sinh hồi-hướng (đem tâm bình-đẳng tùy thuận hết thảy chúng-sinh). 8) Như tướng hồi-hướng (làm các công-đức đều hồi-hướng về tự-tính chân-như). 9) Vô trước vô phược giải thoát tâm hồi-hướng (không chấp trước, không ràng buộc một lòng giải thoát). 10) Pháp-giới vô lượng hồi-hướng (hồi-hướng về vô lượng pháp-giới). Mười bậc này đều gọi là hồi-hướng, vì những sự tu-hành của các vị Bồ-tát về bậc ấy, đều đem công-đức mà hồi-hướng vậy.

10 Tứ-gia-hạnh: 1) Noãn-pháp (đây là lời ví dụ, như cưa cây lấy lửa, lửa tuy chưa ra, nhưng đã có nóng; người tu hành tuy chưa được trí-tuệ viên-mãn, nhưng đã có tướng trí-tuệ phát-hiện). 2) Đỉnh-pháp (các căn lành còn bị sao động, bậc này còn ở trong thời-kỳ tiến thoái, như đỉnh núi có thể lên xuống). 3) Nhẫn pháp (có ý-nghĩa là ấn khả và quyết định tiến). 4) Thế đệ nhất pháp (bậc này tuy chưa chứng được chính đạo nhưng, đã được phần tôn trọng thứ nhất của thế gian). Bốn bậc này đã gần kiến-đạo, một mực gia công tu-hành nên gọi là “Gia-hạnh”.

11 Thập-địa: 1) Hoan-hỷ-địa. 2) Ly khổ địa. 3) Phát quang địa. 4) Diêm tuệ địa. 5) Nan thắng địa. 6) Hiện tiền địa. 7) Viễn hành địa. 8) Bất động địa. 9) Thiện tuệt địa. 10) Pháp vân địa. Mười bậc này đều gọi là “Địa”, vì tóm thâu các công đức hữu vi và vô vi dùng làm tự tính, cùng làm chỗ nương tựa chắc chắn hơn cả cho sự tu hành khiến hay sin trưởng cho nên gọi là “Địa”.

(a) Lục độ: Bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tiến, thiền định và trí tuệ.

12 Sáu đạo: Thiên, nhân, a-tu-la, địa-ngục, ngã quỷ, súc sinh.

13 Muốn rõ hơn, cần xem cuốn “Đạo Phật với con người” .

14 Đốn-giáo: Giáo-lý dạy bảo lối tu chứng đốn ngộ, một niệm không sinh tức là Phật, không cần lập ra từng bậc trong khi đoạn hoặc chứng lý.

15 Tiệm-giáo: Giáo-lý dạy bảo lối tu chứng dần dần, để đạt tới chỗ cứu cánh

 

---o0o---

Nguồn: www.anlac.ca 

Trình bày: Nhị Tường

Cập nhật: 7-2007

Nguồn: www.quangduc.com

Về danh mục

biet song thi thanh tho Ð Ð Ð tÃƒÆ di 永代 墓 净空老法师临终遗言 tản mạn nghìn mắt nghìn tay 地风升 å æžœ рикна Thiền rửa chén chờ thần chết 禅诗精选 hạnh phúc và phước đức trong thiền 教师节的对联 净名言警句摘抄 牧牛 仏壇 お手入れ用品 观世音菩萨普门品 五痛五燒意思 biệt 弘一法师 华藏法门 người niệm phật chớ nên nghe nhiều hoÃ Æ Già 护法 ç ºä ç Ÿå æœ å œæ 念地藏圣号发愿怎么说 藥師琉璃光如來本願功德經 青瓷周传雄歌曲主要想表达什么 生日快乐 忏悔 Ngày ăn chay được ưu đãi 50 giá เทศนาหลวงพอธราชม 佛教中华文化 tinh cach tuc thoi lan dau cong bo anh ve cuoc dau tranh chong dan ap ò văn Tạp bút Tham thực sà c ß 清华间谍 nguồn gốc của khổ đau 课程表鼓励孩子的话 佛观音 新学期新展望内容怎么写 hÓng