.
Mười Hai Nhân Duyên
Phúc Trung
I.- Dẫn : Ai cũng muốn hiểu do đâu mà chúng ta có, có từ lúc nào,
sống chết. Tất cả những thắc mắc đó đều do nhân duyên mà ra, Phật đã dạy,
có 12 nhân duyên. Hiểu cho được 12 nhân duyên nầy sẽ giúp rất nhiều trên
bước đường tu học, một người có thể chứng đắc quả vị Duyên Giác là người
đã thấu lý về 12 nhân duyên nầy.
II.- Mười hai nhân duyên : Nhân là năng lực chánh phát sanh ra sự
vật; Duyên là năng lực phụ giúp cho năng lực chánh phát sanh. Duyên sanh
là chỉ cho sự vật được sanh ra khi có đủ duyên và duyên khởi là chỉ cho sự
quan hệ làm khởi sanh ra sự vật.
a) Các loại : Có mười hai
loại nhân duyên: Vô minh, Hành, Thức, Danh sắc, Lục nhập, Xúc, Thọ, Ái,
Thủ, Hữu, Sinh, Lão tử.
1) Vô minh : Chân Như và Vô Minh là một thể như là hai
mặt của một đồng tiền, bị mê lầm che lấp Chân như thì là Vô Minh. Vô minh
là nguồn gốc gây nên mọi tội lỗi, làm cho chúng ta bị trôi lăn trong khổ
đau, nó là căn bản của 11 món sau đây :
2) Hành : Nghĩa là hành động, vì có Vô minh nên mới gây
ra sự chuyển dịch thành hành động và những hành động vô minh gây ra nhiều
tội lỗi, từ đó trói buộc chúng sinh vào luân hồi. Hai món Vô minh và Hành
nếu đem phân phối vào nhân quả trong 3 đời thì chúng thuộc về nghiệp nhân
ở quá khứ sẽ có kết quả ở hiện tại.
3) Thức : Vì sự mê mờ và hành động nên tạo ra Nghiệp
thức phân biệt, hiểu biết sai lầm. Vì sự hiểu biết sai lầm nầy, nên chấp
có Năng là mình, có Sở là ngoại vật, từ đó bảo thủ thân mạng, có những cảm
xúc vui buồn, thương ghét...
Thức là một trong ba phần tử " thọ, noãn, thức " để thọ thai và tạo
thành thân mạng.
4) Danh sắc : Danh là danh từ trừu tượng như Thụ,
Tưởng, Hành, Thức uẩn, không có hình ảnh, chỉ là trạng thái tùy theo cảnh
giới mà hiển hiện. Sắc là hình tướng vật thể vô tri có trạng thái tự tiêu
hoại do sức lạnh, nóng của thời tiết. Đây chủ yếu nói về Sắc uẩn là do sự
phối hợp của bốn Đại : Đất, Nước, Lửa, Gió tức chỉ cho tổng báo thân của
loài hữu tình khi còn ở trong thai trạng và dần dần sinh trưởng. Có Nghiệp
thức là có sự luân chuyển, nên khi tâm thức chuyển sự sống qua kiếp khác,
nhờ có tâm thức (danh) và tinh huyết của cha mẹ (sắc) hòa hợp nương tựa
nhau, sự sống nảy nở và tồn tại.
5) Lục nhập : Khi sự sống được hình thành và tăng
trưởng (kết thai), thì 6 quan năng được hình thành (bào thai), đó là Sáu
căn : Mắt, Tai, Mũi, Lưỡi, Thân, Ý có đối tượng Sáu trần là : Sắc, Thanh,
Hương, Vị, Xúc, Pháp. Sáu trần tiếp xúc với sáu căn nên gọi là Lục nhập,
khi bào thai còn trong bụng mẹ thai nhi tiếp xúc gián tiếp qua người mẹ.
6) Xúc : Xúc chạm đối đãi; nghĩa là sau khi thai nhi ra
đời có sự tiếp xúc giữa quan năng với ngoại cảnh, nhưng vì còn nhỏ chừng
1,2 tuổi nên trẻ con chưa biết nhận xét vui, buồn, tốt, xấu ... vì chưa có
đủ lý trí để phân biệt, cảm nhận một cách rõ ràng, tinh tế nên trong giai
đoạn nầy gọi là xúc.
7) Thọ : Cảm giác, lãnh thọ. Đây là giai đoạn đứa bé
chừng 3 đến 13 tuổi, sự tiếp thọ với ngoại cảnh đã tiến bộ, đứa bé biết
thương ghét, giận hờn, buồn, vui, đam mê ... Năm món: Thức, Danh sắc, Lục
nhập, Xúc, Thọ đem phân phối vào nhân quả ba đời thì chúng thuộc quả hiện
tại, do nghiệp nhân quá khứ là Vô minh và Hành gây ra.
8) Ái : Tham ái . Do biết buồn vui, thương ghét cho nên
sinh lòng tham ái vào khoảng tuổi từ 14 đến 19, đây là tuổi dậy thì. Yêu
cái gì mình thích và ghét cái gì mình không ưa.
9) Thủ : Giành giữ lấy. Từ 20 tuổi trở đi, thân thể
phát triển cường tráng, sự tham ái càng mạnh cho nên yêu thích cái gì thì
muốn giữ lấy cái đó. Chính vì sự giành giữ để thỏa mãn nên có việc lành
việc dữ xảy ra tạo nên thiện và ác nghiệp phải chịu quả báo đời sau.
10) Hữu : Do Ái và Thủ làm nghiệp nhân nên phải có
(hữu) thân sau để chịu quả báo lành dữ.
Ba
món : Ái, Thủ và Hữu đem phân phối trong nhân quả ba đời, chúng thuộc về
nghiệp nhân hiện tại.
11) Sanh : Sanh mạng. Chỉ chung cho tổng báo thân của
loài hữu tình (tâm và sắc), trong ấy gồm cả thể chất (vật lý) và tinh thần
(tâm lý) , sống trong một thời gian do Hành Nghiệp quyết định.
12) Lão tử : Dòng sinh mạng con người đến Già rồi chết.
Hai món : Sinh, Lão tử đem phân phối nhân quả trong ba đời, chúng thuộc về
quả báo ở vị lai.
b) Phân loại
và công năng :
A) Phân
loại : Có ba bộ :
1) Hoặc : Là chỉ cho trạng thái mê mờ của tâm lý nên
nhận định rất sai lầm. Vô minh, Ái, Thủ thuộc loại nầy.
2) Nghiệp : Chỉ cho những hành động sai lầm phát ra ở
thân, tâm; chúng gồm có: Hành và Hữu.
3) Khổ : Quả báo đau khổ do nghiệp nhân mê mờ (vô minh,
ái, thủ) và hành động sai lầm (hành, hữu) gây ra. Thức, danh, sắc, lục
nhập, xúc, thọ, sanh, lão tử chịu quả báo do những nghiệp nhân trên gây
ra.
B) Công
năng :
- Muốn chấm dứt luân hồi, giải thoát khổ đau thì chúng ta phải trừ
những nghiệp nhân hữu lậu : Vô minh, Ái, Thủ, Hành, Hữu. Như vậy sẽ không
có quả báo trong hiện tại và tương lai : Thức, danh sắc, lục nhập, xúc,
thọ, sanh, lão tử.
- Sự chấm dứt những nghiệp nhân hữu lậu, chính là không để cho vọng
tâm làm mê mờ, như thế trí tuệ được sáng suốt.
- Những bậc chuyên quan sát, nghiên cứu tu tập theo Mười hai nhân
duyên, diệt trừ các nghiệp hữu lậu, thoát khỏi luân hồi chứng đắc quả vị
Bích Chi Phật.
III.- Kết luận : Hiểu rõ Mười hai nhân duyên, chúng ta có thể hiểu
vì sao con người chịu những khổ đau, tại sao phải bị luân hồi trong sáu
nẻo. Chúng ta phải nghiên cứu, quan sát chuyên tâm tu học đồng thời khuyến
hóa những người khác, để cùng nhau tu học, cùng nhau tinh tấn, cùng nhau
giải thoát mọi khổ đau, ràng buộc trong vòng sinh tử.
Sách Tham khảo :
MINH CHÂU, THIÊN ÂN, CHƠN TRÍ,
ĐỨC TÂM Phật Pháp THPGVN, Sàigòn, 1951.
Đức nhuận Phật học tinh hoa một
tổng hợp đạo lý, Viện TLVN&THTG, Cali, Hoa Kỳ, 1995.
---o0o---
Trình bày: Linh Thoại
Cập nhật: 01-12-2003
Nguồn: www.quangduc.com
Về danh mục