LỜI VÀNG CỦA THẦY TÔI

Nguyên Tác: O-rgyan-'jigs-med-chos-kyi-dban-po

(Kunzang Lama'i Shelung)

Bản dịch Anh ngữ: The Words of my Perfect Teacher/Patrul Rinpoche

Của Nhóm Dịch thuật Padmakara

Nhà Xuất bản Shambhala

Bản dịch Việt ngữ: Nhóm Longchenpa 2004

----o0o---- 

PHẦN I

NHỮNG CHUẨN BỊ THÔNG THƯỜNG HAY BÊN NGOÀI

-------------------

 

CHƯƠNG SÁU 

LÀM THẾ NÀO ĐỂ ĐI THEO MỘT VỊ THẦY TÂM LINH

 

Không có Kinh điển (Sutra), Tantra, hay Luận (Sastra) nào nói rằng đã từng có người đạt được Phật quả viên mãn mà không đi theo một vị Thầy tâm linh. Chúng ta có thể tự mình nhận ra rằng chưa từng có ai phát triển được những thành tựu liên quan đến những giai đoạn và con đường bằng phương tiện của sự khéo léo và can đảm của riêng họ. Thực vậy, tất cả chúng sanh bao gồm chúng ta, phô bày những tài năng đặc biệt trong việc khám phá để đi theo những con đường sai lạc – trong khi đi theo con đường dẫn đến giải thoát và toàn giác thì chúng ta lại bối rối như một người mù lang thang cô độc giữa hoang mạc.

Không ai có thể đem được châu báu về từ một kho tàng trên hải đảo mà không nhờ cậy vào một hoa tiêu lão luyện (ám chỉ những nhà thám hiểm thời xưa khi đi tìm châu báu nơi những hòn đảo xa xôi). Tương tự, một vị Thầy tâm linh hay bạn đồng hành là người hướng dẫn thật sự đưa chúng ta đến sự giải thoát và toàn giác, và chúng ta phải đi theo Ngài với lòng tôn kính. Điều này được hoàn tất trong ba giai đoạn: trước tien khảo sát vị Thầy, sau đó đi theo Ngài, và cuối cùng ganh đua với sự chứng ngộ và hành động của Ngài.

 

I.  KHẢO SÁT VỊ THẦY 

Phần lớn người bình thường như chúng ta dễ dàng bị ảnh hưởng bởi hoàn cảnh và những người quanh ta. Đó là lý do tại sao chúng ta phải luôn đi theo một vị Thầy, một bằng hữu tâm linh (thiện tri thức).

Nơi khu rừng đàn hương trong rặng Malaya, khi một thân cây bình thường đổ xuống, gỗ của nó được thấm đẫm dần dần mùi hương dịu dàng của cây đàn hương. Sau vài năm, thân gỗ tầm thường đó có mùi thơm dịu như những cây đàn hương quanh nó. Cũng tương tự như thế, nếu bạn sống và học tập với một vị Thầy toàn hảo có đầy đủ những phẩm tính tốt lành, bạn sẽ được thấm nhuần hương thơm của những phẩm tính đó và bạn sẽ tương ứng với Ngài trong mọi sự bạn làm. 

Giống như một thân cây tầm thường

Trong rừng núi Malaya

Thấm đượm mùi đàn hương từ những cành lá ẩm,

Cũng thế, bạn tương ứng được với bất kỳ vị Thầy nào bạn đi theo.[93]

 

Trong thời đại suy đồi này, ta khó có thể tìm được một vị Thầy có mọi phẩm tính được mổ tả trong những tantra quý báu. Dù thế nào chăng nữa thì vị thầy mà chúng ta đi theo phải có ít nhất những phẩm tính sau:

Ngài phải thanh tịnh, chưa từng vi phạm những giới cấm liên quan đến ba loại giới nguyện - giới nguyện bên ngoài Pratimoksa (Biệt Biệt giải thoát), giới nguyện bên trong của Bồ Tát, và giới nguyện bí mật của Kim Cương Thừa. Ngài phải uyên bác, sự thấu suốt các tantra, sutra và sastra không thiếu sót. Đối với chúng sinh vô biên, trái tim Nài phải tràn đầy lòng bi mẫn khiến Ngài thương yêu mỗi người trong số đó như yêu thương đứa con duy nhất của Ngài. Ngài phải thông thạo những thực hành  nghi lễ - ngoại điển (Tripitaka) và nội điển là bốn phần Tantra. Bằng cách đưa yếu nghĩa của giáo lý và thực hành, Ngài phải tự thể nhập những thành tựu phi thường của sự giải thoát và chứng ngộ. Ngài phải rộng lượng, ngôn từ dễ nghe, dạy dỗ mỗi người theo nhu cầu của họ, và phải hành động phù hợp với những gì đã giảng dạy. Bốn cách thu hút chúng sinh này có thể giúp vị Thầy tập hợp được những đệ tử may mắn chung quanh Ngài. 

Mọi phẩm tính hoàn hảo theo Giáo Pháp thuần tịnh nhất

Thì khó tìm thấy trong thời buổi suy đồi này.

Nhưng hãy tin tưởng vào vị Thầy, là bậc được đặt nền vững chắc trên sự tuân giữ thanh tịnh ba giới nguyện,

Thấm đẫm sự uyên bác và lòng bi mẫn,

Thiện xảo trong những nghi thức của vô lượng pitaka và tantra,

Và dồi dào trái quả, là trí tuệ thanh tịnh lưu xuất từ sự giải thoát và chứng ngộ.

Được đoá hoa rực rỡ là bốn phẩm tính ngọt ngào của Ngài cuốn hút

Những đệ tử may mắn sẽ tụ hội quanh Ngài như những đàn ong. 

Đặc biệt hơn, đối với giáo lý tinh tuý sâu xa của những giáo huấn cốt lõi của Mantra Kim Cương Thừa thì lại Đạo sư chúng ta nên nương tựa như sau. Như đã trình bày trong những tantra quý báu, Ngài phải được thuần thục bởi một dòng quán đảnh chín mùi, truyền xuống Ngài bởi một dòng truyền thừa liên tục không gián đoạn. Ngài không vi phạm giới nguyện và samaya đã thọ lúc nhận quán đảnh. Không bị những cảm xúc và tư tưởng bất thiện quấy rối, Ngài phải an định và tuân giữ giới luật. Ngài phải thấu suốt toàn bộ ý nghĩa của các tantra thuộc nền tảng, con đường và kết quả của Kim Cương Thừa. Ngài phải đạt được tất cả những dấu hiệu thành tựu trong những giai đoạn tiếp cận và hoàn tất của sự thực hành, như thấy các linh kiến về Bổn Tôn. Ngài đã thân chứng bản tánh của thực tại, bản thân Ngài đã giải thoát. Hạnh phúc của người khác phải là mối quan tâm duy nhất của Ngài, trái tim Ngài tràn đầy lòng bi mẫn. Ngài phải ít ưu tư lo lắng, bởi Ngài đã từ bỏ mọi bám níu vào những sự việc tầm thường của cuộc đời này. Quan tâm kiên định và duy nhất của Ngài thì quy hướng về Pháp và những đời sau. Thấu suốt luân hồi sinh tử chỉ là một nỗi khổ đau, Ngài phải cảm thấy một nỗi buồn vô hạn, và phải khuyến khích những người khác cũng cảm nhận như thế. Ngài phải thiện xảo trong việc chăm sóc đệ tử và phải sử dụng phương pháp thích hợp cho mỗi người trong số đó. Hoàn tất các huấn lệnh của đạo sư của Ngài, Ngài phải trì giữ những ân phước của dòng truyền thừa. 

Vị Thầy phi thường - bậc ban những giáo huấn cốt tuỷ

Đã thọ đảnh, gìn giữ samaya, và an bình;

Thấu suốt ý nghĩa của các tantra nền tảng, con đường và kết quả;

Có mọi dấu hiệu của sự tiếp cận và thành tựu, và giải thoát nhờ sự chứng ngộ;

Có lòng bi mẫn vô hạn và chỉ quan tâm đến người khác;

Ít các hoạt động thế tục và chỉ kiên quyết nghĩ tưởng về Pháp;

Lão luyện trong phương pháp giảng dạy và nhận được những ân phước của dòng truyền thừa.

Hãy đi theo một vị Thầy như thế, và sự thành tựu sẽ đến thật chóng vánh. 

Mặt khác, có vài loại thầy ta nên tránh. Những đặc tính của họ như sau:

Vị Thầy như cối xay bằng gỗ. Những vị thầy này không có dấu hiệu của những phẩm tính phát khởi từ sự học tập, quán chiếu, và thiền định. Cho rằng mình là con hay cháu cao cả của một lạt ma nào đó, họ và con cháu họ phải siêu việt hơn bất kỳ ai khác, họ bảo vệ giai cấp của họ như những người bà la môn. Ngay cả nếu họ đã học tập, quán chiếu và thiền định chút ít, họ không làm những điều đó với bất kỳ ý hướng thanh tịnh nào để làm việc cho những đời tương lai mà làm vì những lý do thế tục nhiều hơn – như vì sợ bị mất chức nên họ ngăn cản các cuộc tấn công phong tu sĩ. Đối với việc đào tạo đệ tử, họ gần như thực hiện để thích hợp với chức năng riêng của họ giống như chiếc cối xay bằng gỗ.

Vị Thầy giống như ếch ngồi đấy giếng. Những vị thầy thuộc loại này không có bất kỳ phẩm tính đặc biệt nào để có thể phân biệt với người thường. Nhưng người khác lại sùng bái họ với lòng tin mù quáng, hoàn toàn không khảo sát họ. Dương dương tự đắc bởi thanh danh và lợi dưỡng nhận được, bản thân họ hoàn toàn không biết tới những phẩm tính thực sự của một vị Thầy vĩ đại. Họ như con ếch sống trong một cái giếng.

Một ngày nọ, một con ếch sống trên bờ một đại dương tới thăm con ếch già luôn luôn sống trong một cái giếng.

“Bạn từ đâu đến?” con ếch sống trong giếng hỏi.

“Tôi từ đại dương tới,” ếch khách trả lời.

“Đại dương của bạn lớn như thế nào?” con ếch dưới giếng hỏi.

“Thật vĩ đại,” con ếch kia trả lời.

“Có bằng một phần tư cái giếng của tôi không?” ếch dưới giếng hỏi.

“Ồ! Lớn hơn nhiều! con ếch ở đại dương kêu lên

“Bằng phân nửa không?”

“Không, lớn hơn vậy,”

“Vậy bằng cái giếng này không?”

“Không, không, lớn hơn nhiều nhiều lắm!”

“Không thể được!” con ếch sống dưới giếng nói. “Tôi phải thấy tận mắt”

Vì thế, hai con ếch cùng đi, và câu chuyện tiếp tục rằng khi con ếch ở giếng nhìn thấy đại dương, nó ngất đi, bể đầu ra mà chết.

Những người dẫn đường điên rồi. Đó là những vị thầy có rất ít kiến thức, chưa bao giờ nỗ lực đi theo một vị Thầy uyên bác và tu tập các sutra và tantra. Những cảm xúc bất thiện cùng với sự chánh niệm và tỉnh giác yếu ớt của họ khiến họ lơ là trong việc giữ gìn giới nguyện. Mặc dù trí lực thấp kém hơn người thường, họ bắt chước những vị thành tựu giả và cư xử như thể hành động của họ còn cao hơn bầu trời.[94] Tràn ngập sân hận và ghen tị, họ phá vỡ huyết mạch của lòng từ bi. Những bằng hữu tâm linh như thế được gọi là những người hướng dẫn điên rồ, và đưa dẫn bất kỳ ai theo họ rơi xuống con đường lầm lạc.

Những người hướng dẫn mù quáng. Đặc biệt, một vị thầy mà phẩm tính không hơn được bạn và thiếu lòng từ bi của Bồ Đề Tâm thì sẽ không bao giờ có thể khai mở cho bạn về những gì nên làm và không nên làm. Các vị thầy như vậy được gọi là những người hướng dẫn mà quáng. 

Giống như những bà la môn, một os61 người bảo vệ giai cấp của họ,

Hay trong vực sâu của nỗi lo âu về danh vọng

Tự dằm mình trong sự học tập và quán chiếu hư ngụy;

Những người hướng dẫn như vậy giống như một cối xay gỗ. 

Một số, dù không khác với tất cả những người bình thường,

Sống được bởi niềm tin ngu dại của con người

Kiêu căng vì lợi lộc, vật cúng dường và danh tiếng,

Những người bạn như vậy giống như ếch ngồi đáy giếng,

 

Một số có chút ít hiểu biết và bỏ bê những samaya và giới nguyện của họ

Trí lực thấp kém mà hành sử lại cao hơn trái đất,

Họ phá vỡ huyết mạch của lòng từ và bi –

Những người hướng dẫn điên rồ như vậy chỉ có thể truyền bá sự xấu ác nhiều hơn nữa.

Đặc biệt, đi theo những người không tốt hơn chính bạn,

Những kẻ không có Bồ Đề Tâm, bị thu hút chỉ bởi danh tiếng,

Sẽ là một lỗi lầm to lớn; và với những lọc lừa như vậy

Là những người hướng dẫn mù quáng của bạn, bạn sẽ đoạ lạc sâu hơn trong bóng tối.

 

Bậc Đạo sư vĩ đại xứ Oddiyana răn dạy: 

Không khảo sát vị thầy

Thì giống như uống chất độc;

Không khảo sát đệ tử

Giống như lao ra ngoài vách đá. 

Bạn đặt niềm tin vào vị Thầy tâm linh cho tất cả những đời sau của bạn. Chính Ngài là người sẽ dạy cho bạn những gì nên làm và không nên làm. Nếu bạn gặp một vị thầy giả mạo mà không khảo sát đúng đắn, bạn sẽ ném đi khả năng của một con người tin tưởng là phải tích tập công đức trong cả đời, và những sự tự do và thuận lợi của đời người mà bạn đang có sẽ bị tiêu phí. Điều đó cũng giống như chỉ vì lầm tưởng là cái bóng cây nên bạn bị một con rắn độc cuộn tròn dưới một thân cây giết chết khi bạn tới gần.

Bởi không khảo sát vị thầy một cách cẩn trọng

Những kẻ sùng mộ lãnh phí công đức tích tập

Giống như nhận lầm rắn độc là bóng cây,

Bị lừa gạt, họ đánh mất tự do mà cuối cùng họ tìm thấy. 

Sau khi khảo sát vị Thầy cẩn thận và đánh giá không sai lạc, từ lúc bạn nhận ra rằng vị Thầy có tất cả những phẩm tính tích cực đã được đề cập tới, bạn phải không ngừng coi Ngài là một vị Phật trong thân tướng con người.[95] Tất cả những phẩm tính trong vị Thầy này đều toàn thiện. Ngài là hiện thân của trí tuệ bi mẫn của thập phương chư Phật, xuất hiện trong thân tướng của một con người bình thường chỉ để làm lợi lạc cho chúng sanh.

Vị Thầy với những phẩm tính toàn hảo vô hạn

Là trí tuệ và lòng bi của tất cả chư Phật

Xuất hiện trong thân người vì lợi ích chúng sanh.

Ngài là suối nguồn vô song của mọi sự thành tựu. 

Vì vậy, một vị Thầy chân chính như thế có thể khéo léo hướng dẫn người bình thường cần Ngài giúp đỡ, cách hành sử hàng ngày của Ngài thích ứng với hành sử của những người bình thường. Nhưng trong thực tế, tâm trí tuệ của Ngài là trí tuệ của một vị Phật, vì thế Ngài hoàn toàn khác biệt với mọi người. Mỗi hành động của Ngài đơn thuần là hoạt động của một bậc giác ngộ được hoà hợp với bản tánh của những người mà Ngài muốn đem lại lợi ích cho họ. Do đó, Ngài là đấng tôn quý độc nhất vô nhị. Khéo léo chặt đứt những do dự và nghi ngờ, Ngài kiên nhẫn chịu đựng tất cả sự bội ơn và ngã lòng của đệ tử, giống như một người mẹ xử sự đối với đứa con duy nhất của mình. 

Để dẫn dắt chúng sinh, Ngài hành sử lih hoạt hoàn toàn giống tất cả chúng ta.

Nhưng thực ra Ngài hoàn toàn khác biệt.

Sự Giác ngộ của Ngài khiến Ngài là bậc tôn quý nhất.

Khéo léo chặt đứt những hoài nghi của chúng ta, Ngài chịu đựng với sự nhẫn nại

Mọi sự ngã lòng và vô ơn của chúng ta. 

Vị Thầy với tất cả những phẩm tính này giống như một chiếc thuyền lớn vượt qua đại dương luân hồi mênh mông. Giống như một hoa tiêu lão luyện, Ngài luôn luôn vạch ra con đường dẫn tới sự giải thoát và toàn giác cho chúng ta. Như một giọt cam lồ, Ngài dập tắt ngọn lửa dữ của hành động và cảm xúc bất thiện. Giống như mặt trời và mặt trăng, Ngài chiếu rọi ánh sáng của Giáo Pháp và xua tan bóng tối dầy đặc của sự vô minh. Giống như đất, Ngài kiên nhẫn chịu đựng sự vô ơn, ngã lòng và năng lực của Kiến và Hành của Ngài thì hết sức bao la. Như một cây như ý, Ngài là suối nguồn của mọi sự cứu giúp trong đời này và tất cả hạnh phúc trong đời sau. Giống như một chiếc bình toàn hảo, Ngài là một kho tàng của mọi thừa và giáo lý mà người ta từng mong ước. Giống như ngọc như ý, Ngài hiển lộ những khía cạnh vô hạn của bốn hoạt động phù hợp với những yêu cầu của chúng sanh. Giống như người mẹ hay cha, Ngài yêu thương mỗi một trong vô lượng chúng sanh một cách bình đẳng, không có bất kỳ dính mắc nào với những người thân cận Ngài và ghét bỏ những người khác. Giống như một con sông lớn, lòng bi của Ngài bao la tới nỗi dung chứa được tất cả chúng sanh vô tận như không gian, và nhanh chóng tới nỗi cứu giúp được tất cả những chúng sanh đang đau khổ và không người che chở. Như sơn vương, sự hoan hỷ của Ngài trước hạnh phúc của người khác thì kiên cố tới nỗi không thể chuyển dời bởi sự ghen tị, hay bị dao động bởi những ngọn gió của sự cả tin vào các hiện tượng. Giống như trận mưa đổ xuống từ một đám mây, tâm vô phân biệt của Ngài không bao giờ bị xáo trộn bởi sự bám chấp hay ganh ghét. 

Ngài là con thuyền chở chúng ta vượt quan biển luân hồi,[96]

Là vị hoa tiêu lão luyện vạch ra chính xác con đường tối hảo,

Là trận mưa cam lồ làm mát dịu nỗi khốn khổ của những cảm xúc và hành động bất thiện.

Là mặt trời, mặt trăng xua tan bóng tối vô minh.

Ngài là mặt đất, nhẫn nại vô biên,

Là cây như ý, suối nguồn của sự cứu giúp và hạnh phúc,

Là bình toàn hảo chứa đựng kho tàng Giáo Pháp.

Ngài cung cấp mọi sự, còn hơn cả một viên ngọc như ý.

Ngài là cha và mẹn, yêu thương tất cả ngang bằng.

Lòng bi của Ngài bao la và mau chóng như sông lớn.

Lòng hoan hỷ thì bất biến như vị sơn vương.

Tâm vô phân biệt của Ngài không thể bị nhiễu loạn, giống như trận mưa đổ xuống từ một đám mây. 

Một vị Thầy như thế ngang bằng với tất cả chư Phật bởi lòng bi mẫn và ân phước của Ngài. Những người có mối liên hệ tích cực với Ngài sẽ đạt được Phật Quả chỉ trong một đời. Ngay cả những người đã tạo nên sự liên hệ bất thiện với Ngài cuối cùng cũng sẽ được đưa dẫn ra khỏi luân hồi sinh tử. 

Một vị Thầy như vậy ngang bằng với tất cả chư Phật,

Nếu ngay cả những kẻ gây tổn hại cho Ngài vẫn được đặt trên con đường hạnh phúc,

Thì những người chân thành tin tưởng nơi Ngài

Sẽ được ban tặng thật nồn hậu cảnh giới thanh tịnh và sự giải thoát.

 

II.  ĐI THEO VỊ THẦY 

Hỡi người cao quý, bạn phải nghĩ tưởng rằng chính mình đang bị bệnh.. 

Vì thế hãy bắt đầu những loạt so sánh được bắt đầu trong Kinh Sắp Xếp Như Một Thân Cây. Những bệnh nhân tự đặt mình dưới sự chăm sóc của một thầy thuốc khéo léo. Những lữ khách trên con đường nguy hiểm đặt niềm tin nơi những người bảo vệ can trường. Đối mặt với hiểm nguy từ những quân thù, kẻ trộm cướp, dã thú, người ta mong đợi một người bạn đồng hành để được bảo vệ. Những thương nhân vượt đại dương hướng tới những miền đất giao phó thân mạng cho vị thuyền trưởng. Những lữ khách dùng thuyền phà qua sông giao phó bản thân cho thuỷ thủ. Cũng thế, để được che chở trước cái chết, sự tái sanh và những cảm xúc bất thiện, chúng ta phải đi theo một vị thầy, một bằng hữu tâm linh. 

Như bệnh nhân nương cậy nơi thầy thuốc,

Lữ khách nương cậy người bảo vệ,

Kẻ khiếp sợ nương cậy bạn đồng hành,

Thương nhân nương cậy nơi thuyền trưởng,

Và khách qua sông nương cậy người lái đò –

Nếu sinh, tử và cảm xúc bất thiện là những kẻ thù mà bạn hãi sợ,

Hãy giao phó bản thân cho một vị Thầy. 

Một đệ tử can đảm được trang bị đầy đủ sự quả quyết sẽ không bao giờ làm vị Thầy phiền lòng, cho dù phải trả bằng cuộc đời họ. Tâm họ kiên cố tới nỗi không bao giờ bị lay động trước những hoàn cảnh khắc nghiệt, họ phụng sự vị Thầy mà cần quan tâm tới sức khoẻ hay mạng sống của mình và tuân thủ mọi huấn lệnh của vị Thầy không miễn trừ điều gì - một người như vậy sẽ được giải thoát chỉ nhờ lòng sùng kính vị Thầy. 

Những người được trang bị đầy đủ và có lý trí kiên định,

Phụng sự một vị Thầy bất luận sức khoẻ hay mạnh sống của mình,

Tuân theo những giáo huấn của Ngài không màng tới bản thân,

Sẽ được giải thoát chỉ nhờ năng lực của lòng sùng kính. 

Để đi theo vị Thầy, bạn phải có nhiều lòng tin nơi Ngài tới nỗi xem Ngài đích thật là một vị Phật. Bạn phải có sự phân định và thấu suốt giáo lý tới nỗi có thể nhận ra được trí tuệ ẩn tàng dưới những hành động thiện xảo của Ngài, và nắm bắt bất kỳ những gì Ngài truyền dạy cho bạn. Bạn phải cảm thấy lòng bi mẫn bao la đối với tất cả những ai đang đau khổ vì không được che chở. Bạn phải tôn kính những giới nguyện và samaya mà đạo sự dạy bạn phải giữ gìn, và phải an định và tự chủ trong mọi hành vi, ngôn ngữ và tư tưởng của bạn. Quan điểm của bạn phải rộng lớn tới nỗi có thể chấp nhận bất kỳ những gì vị Thầy và những bằng hữu tâm linh có thể làm. Bạn phải rộng rãi tới nỗi có thể cúng dường vị Thầy bất kỳ những gì bạn sỡ hữu. Nhận thức của bạn về mọi sự phải thanh tịnh, chớ luôn luôn chỉ trích và bị nhiễm ô. Bạn phải tự chế không làm bất kỳ điều ác hại hay bất thiện nào, và e sợ khi làm Ngài không hài lòng. 

Hãy có niềm tin, sự phân định, trí thấu suốt và lòng bi mẫn lớn lao.

Hãy tôn kính giới nguyện và samaya. Hãy làm chủ thân, khẩu, ý.

Hãy khoáng đạt và rộng rãi.

Hãy có thị kiến thanh tịnh và một ý thức tự - chế. 

Kinh Sắp xếp như một Thân Cây và những văn bản khác cũng dạy rằng khi đi theo một vị Thầy chúng ta phải giống như con ngựa toàn hảo,[97] luôn luôn hành động phù hợp ý muốn của Ngài trong mọi tình huống, khéo léo tránh làm mọi sự khiến Ngài phật lòng, và không bao giờ giận dữ hay phẫn uất ngay cả khi bị Ngài quở trách nặng nề. Giống như một con thuyền, chúng ta không nên mệt mỏi khi tới lui mang những thông điệp hay làm những công việc khác để phục vụ Ngài. Giống như một cây cầu, không gì mà chúng ta không thể đảm đương dù những nhiệm vụ Ngài yêu cầu chúng ta làm có dễ chịu hay không. Giống như một cái đe thợ rèn, chúng ta phải chịu đựng nóng, lạnh và mọi nỗi gian khó khác. Giống như một người hầu, chúng ta tuân theo mọi mệnh lệnh của Ngài. Giống như một người quét đường, đừng bao giờ kiêu căng mà hãy giữ vị trí thấp nhất. Giống như một con bò bị gẫy sừng, chúng ta nên từ bỏ kiêu mạn và hãy kính trọng mọi người. 

Hãy khéo léo đừng bao giờ làm phật lòng Thầy,

Đừng phẫn uất vị bị Ngài khiển trách, hãy như con ngựa toàn hảo.

Như một con thuyền, đừng bao giờ mệt mỏi khi qua lại,

Hãy chịu đựng tất cả những gì xảy đến, dù xấu hay tốt giống như một cây cầu.

Hãy chịu đựng nóng, lạnh hay bất kỳ gì khác, như một cái đe.

Hãy tuân theo mọi mệnh lệnh của Ngài, giống như một người hầu.

Hãy vứt bỏ mọi sự tự phụ, như một người phu quét đường,

Và thoát khỏi mọi kiêu mạn, như con bò gẫy sừng.

Các Pitaka* nói rằng đó là cách thức để đi theo vị Thầy. 

Có ba cách làm hài lòng vị Thầy và phụng sự Ngài. Cách tốt nhất ta được biết là thực hành cúng dường, nó bao gồm việc đưa vào thực hành bất kỳ điều gì Ngài dạy bảo với sự quyết tâm bất chấp mọi gian khổ. Cách thức trung bình là phục vụ bằng thân, khẩu, kể cả việc phụng sự Ngài và thực hiện bất kỳ những gì Ngài muốn bạn làm thuộc thân, khẩu hay ý. Cách thấp nhất là cúng dường vật chất, có nghĩa là làm vị Thầy của bạn vui lòng bằng cách dâng lên Ngài của cải vật chất, thực phẩm, tiền bạc, v.v.. 

Cúng dường của cải bạn có thể có cho đệ Tứ Bảo,

Tôn kính và phụng sự Ngài với thân và ngữ

Sẽ chẳng bao giờ có cái nào trong ba hành động này bị lãng phí.

Nhưng trong ba cách làm Ngài hài lòng, sự thực hành là tối hảo. 

Do không thấu hiểu những gì vị Thầy có thể hành sử, hãy luôn luôn duy trì tri giác thanh tịnh, và nhận ra rằng cách Ngài làm là những phương pháp thiện xảo của Ngài.

Đại học giả Naropa đã là một học giả uyên thâm và thành tựu giả cao cấp. Nhưng Bổn Tôn của Ngài bảo Ngài rằng vị Thầy những đời trước của Ngài là Tilopa vĩ đại, và Ngài nên đi tới miền đông Ấn Độ để tìm ra vị Thầy. Naropa lập tức lên đường, nhưng khi tới miền Đông Ấn Ngài không biết phải tìm Tilopa ở đâu. Ngài hỏi dân địa phương nhưng họ cũng không biết. 

“Trong vùng này, có ai tên Tilopa không?” Ngài nài nỉ.

“Có một người tên là Tilopa Vô Giai cấp, hay Tilopa Hành Khất.”

Naropa nghĩ, “Hành vi của những bậc thành tựu thì không thể nổi. Chắc hẳn là Ngài.” Ngài bèn hỏi Tilopa Hành Khất sống ở đâu.

“Ở bức tường đổ đằng kia, nơi có khói bóc lên,” họ trả lời.

Khi đến nơi được chỉ, Ngài thấy Tipola ngồi trước một cái chậu gỗ đựng cá, một số con còn sống và một số đã chết. Tipola lấy một con các đem nướng, cho vào miệng, và búng ngón tay. Naropa đảnh lễ và xin Tipola nhận Ngài làm đệ tử.

“Ông nói gì?” Tipola nói. “Ta chỉ là một kẻ hành khất!” Nhưng Naropa nài nỉ nên Tipola nhận Ngài.

Lúc đó Ngài Tipola giết những con cá hoàn toàn không phải vì Ngài đói hay không tìm được thứ gì khác để ăn. Loài cá hoàn toàn vô minh không biết điều gì nên làm và điều gì nên tránh, là những sinh vật có nhiều hành vi bất thiện, và Tipola có năng lực giải thoát chúng. Bởi ăn thịt cá, Tipola đã tạo nên một sự kết nối với tâm thức của chúng, nhờ đó Ngài có thể chuyển thức chúng vào cõi Phật thanh tịnh (việc búng ngón tay là một phần của sự thực hành chuyển di tâm thức chúng sinh khác vào một cõi tịnh thổ. Sự thực hành chuyển di (‘pho-ba) được bàn luận trong Phần Ba). Tương tự, Ngài Saraha làm thợ rèn mũi tên, Savaipa là một thợ săn, và phần lớn những thành tựu giả vĩ đại khác của Ấn Độ cũng đã nhận những cách sống rất thấp thỏi, thường là đẳng cấp thấp nhất. Do vậy, điều quan trọng là không nhận định bất kỳ hành động nào của vị Thầy là sai lạc, hãy tu tập bản thân để chỉ có tri giác thanh tịnh. 

Đừng ngộ nhận cách vị Thầy hành động

Hầu hết những thành tựu giả Ấn Độ đã sống

Như những kẻ dung tục làm điều ác, tầm thường phi giai cấp,

Còn tệ hại hơn kẻ cùng đinh trong tầng lớp thấp kém 

Những kẻ không biết đến điều này, tiếp tục ngộ nhận và chỉ trích những gì bậc Thầy của họ làm, thì như Kinh văn có nói, họ sẽ tìm thấy lỗi lầm ngay cả trong một vị Phật nếu họ sống với Ngài đủ dài lâu.

Nhà sư Sunaksatra là anh em họ của Đức Phật. Ông phục vụ Phật trong 24 năm, và thấu suốt tất cả 12 loại giáo lý trong các pitaka. Nhưng ông ta lại thấy tất cả những gì Đức Phật làm là giả dối, và cuối cùng đi đến kết luận sai lầm là giữa ông ta và Phật không khác biệt. 

Ngoại trừ vầng hào quang rộng sáu bộ (1,8m) quanh Ngài,

Suốt hai mươi bốn năm phục dịch, tôi chưa từng thấy trong Ngài,

Thậm chí những phẩm tính chỉ đáng giá một hạt mè

Về Giáo Pháp, tôi cũng biết nhiều như Ngài – nên tôi sẽ chẳng làm người phục vụ Ngài nữa! 

Nói như thế xong, ông ta bỏ đi. Sau đó, Ngài Ananda trở thành thị giả riêng của Đức Phật. Ngài hỏi Phật rằng Sunaksatra sẽ tái sanh ở đâu.

“Trong thời gian một tuần,” Đức Phật trả lời, “Sunaksatra sẽ chết và tái sanh làm một ngạ quỷ trong một vườn hoa.”

Ngài Ananda đến gặp Sunaksatra và thuật lại những gì Đức Phật đã nói. Sunaksatra tự nghĩ: “Đôi khi những lời dối trá đó của Đức Phật trở thành sự thật, vì thế tốt hơn ta phải hết sức thận trọng trong bảy ngày. Đến cuối tuần ta sẽ bắt ông ta nuốt lại những lời này.” Ông ta chay lạt trong một tuần. Vào buổi chiều của ngày thứ bảy, ông cảm thấy họng rất khô nên uống một ít nước. Nhưng uống vào không tiêu được nên ông ta chết và bị tái sanh làm một ngạ quỷ trong một vườn hoa với đầy đủ chín tướng xấu xí.

Bất cứ khi nào bạn thấy những lỗi lầm trong bất kỳ điều gì vị Thầy siêu phàm của bạn làm, bạn phải tự cảm thấy ngượng ngùng và xấu hổ sâu sắc. Hãy quán chiếu rằng chính cái thấy của tâm thức bạn là bất tịnh, và mọi hành động của Ngài thì không tì vết và không lầm lỗi, hãy củng cố vững chắc nhận thức thanh tịnh đối với Ngài và tăng trưởng đức tin của bạn.  

Không làm chủ những nhận thức của riêng bạn,

Tìm kiếm những lỗi lầm của người khác là một sự sai lầm vô hạn.

Mặc dù thấu suốt mười hai loại giáo lý,

Tăng sĩ Sunaksatra bị năng lực của sự xấu ác thiêu đốt,

Bởi thấy haàh động của Đức Phật là giả dối.

Hãy cẩn thận suy ngẫm điều này và chỉnh sửa bản thân bạn. 

Khi vị Thầy có vẻ giận dữ với bạn thì đừng nên tức giận. Thay vào đó, hãy tự nhắc rằng hẳn là Ngài đã thoáng nhận ra lỗi lầm nào đó trong bạn và thấy rằng đây là lúc để chỉnh sửa nó bằng thái độ giận dữ như vậy. Khi cơn giận của Ngài giảm đi, hãy tới sám hối những lỗi lầm của bạn với Ngài và hứa không tái phạm chúng. 

Nếu vị Thầy của bạn nổi cơn tức giận, hãy kết luận rằng Ngài đã thấy,

Một lỗi lầm trong bạn, đã tới lúc phải sửa chữa bằng lời khiển trách của Ngài.

Hãy sám hối và nguyện không bao giờ tái phạm nó.

Như thế, người minh trí sẽ không rơi vào ảnh hưởng của Mara (Ma vương). 

Khi vị Thầy hiện diện, lập tức đứng lên bất cứ khi nào Ngài còn đứng, thay vì cứ ngồi yên vị. Khi Ngài ngồi, hãy vấn an sức khoẻ của Ngài. Khi bạn nghĩ có thể Ngài cần một điều gì đó, ngay lập tức hãy đem lại những gì làm Ngài vui lòng.

Khi làm một thị giả đi theo vị Thầy, hãy tránh đừng đi trước Ngài bởi như thế bạn sẽ quay lưng lại với Ngài. Tuy nhiên không nên đi phía sau Ngài vì bạn có thể đạp lên dấu chân Ngài.* Bạn cũng không nên đi phía bên phải Ngài, vì đó là vị trí dành cho sự tôn kính. Thay vào đó, hãy kính cẩn đi bên trái và hơi lui lại phía sau Ngài. Nếu đường đi có sự nguy hiểm, thì sẽ không lầm lỗi nếu bạn xin phép Ngài được vượt lên trước

Đối với toà ngồi và chổ giảng dạy của Ngài, đừng bao giờ dẫm lên tấm nệm và không leo lên hoặc cưỡi ngựa của Ngài. Không nên đóng hay mở cửa mạnh tay; hãy làm nhẹ nhàng. Hãy hạn chế mọi biểu lộ sự phù phiếm hay bất mãn khi có mặt Ngài. Cũng tránh nói lời dối trá, thiếu cân nhắc hay nói những lời không thành thật, cười giỡn, làm trò hề, và nói chuyện văn không cần thiết hay không thích hợp. Hãy học cách cư xử trong một thái độ tự chế, đối xử với Ngài bằng lòng tôn kính, và không bao giờ buông thả tuỳ tiện. 

Không nên cứ ngồi khi vị Thầy đứng dậy;

Khi Ngài ngồi, hãy quan tâm đem lại mọi thứ Ngài cần.

Không nên đi bộ phía trước, phía sau hay bên phải Ngài.

Không tôn kính ngựa cưỡi hay toà ngồi của Ngài sẽ khiến công đức của bạn bị hao tổn.

Không nên đóng sầm cửa; đừng ra vẻ tự phụ hay cau có;

Tránh noó dối, cười đùa, nói năng thiếu thận trọng và không chính đáng.

Hãy phục vụ Ngài với sự điềm tỉnh, chuẩn mực của thân, khẩu, ý. 

Nếu có người chỉ trích hay thù ghét vị Thầy của bạn, đừng nên cư xử với họ như những người bạn. Nếu bạn có khả năng thay đổi thái độ của bất cứ ai không có niềm tin hay xem thường Ngài thì bạn nên kết bạn với họ. Nhưng nếu không thể, hãy tránh nói chuyện quá cởi mở hay thân mật với những người như thế. 

Không nên cử xử như bạn bè với những người chỉ trích,

Hay thù ghét vị Thầy của bạn. Hãy chuyển hoá tâm họ nếu bạn có thể.

Nếu bạn trò chuyện thoải mái với họ, ảnh hưởng mạnh mẽ

Của những hành động sai lầm của họ sẽ làm tổn hại samaya của riêng bạn. 

Dù tốn nhiều thời giờ với đoàn tuỳ tùng của vị Thầy hay với những huynh đệ, tỉ muội kim cương của bạn, đừng bao giờ cảm thấy mệt mỏi buồn chán hay phát cáu với họ, hãy dễ dàng thoải mái như một sợi dây lưng tiện lợi. Hãy kềm chế tánh tự tôn của bạn và hội nhập trong mọi hoạt động, hoà hợp dễ dàng như muối tan trong thức ăn. Khi người ta nói nặng lời hay gây chuyện với bạn, hoặc khi bạn phải đảm nhận trách nhiệm quá lớn, hãy sẵn sàng chịu đựng mọi sự giống như một cây cột. 

Giống như dây thắt lưng, hãy là một người đồng hành thoải mái;

Giống như muối, hãy dễ dàng hoà hợp;

Giống như cây cột trụ, hãy chịu đựng không mỏi mệt bất kỳ gánh nặng nào;

Vì thế, hãy phục vụ những huynh đệ kim cương và các thị giả của vị Thầy bạn.

 

III.  GANH ĐUA VỚI SỰ CHỨNG NGỘ[98] VÀ HÀNH ĐỘNG CỦA VỊ THẦY 

Khi bạn hoàn toàn thành thục trong các thức đi theo vị Thầy, bạn phải giống như một con thiên nga lướt nhẹ nhàng trên mặt hồ tinh khiết, vui đùa trong nước mà không làm nó vẩn đục; hay giống như một con ong trong vườn hoa, hút mật từ những cánh hoa nhưng không làm tổn hại màu sắc hay hương thơm của chúng. Hãy làm bất cứ điều gì Ngài nói mà không bao giờ cảm thấy chán nản hay mệt mỏi. Hãy lãnh hội từ vị Thầy của bạn và bằng niềm tin và sự kiên định hãy quả quyết rằng bạn hấp thu được tất cả những phẩm tính thuộc trí tuệ, sự quán chiếu và thiền định của Ngài, giống như những gì chứa đựng trong một cái bình hoàn hảo được rót sang một bình khác. 

Giống như một con thiên nga bơi trên mặt hồ tuyệt hảo.

Hay con ong nếm thưởng mật hoa,

Không bao giờ phàn nàn, mà luôn luôn lãnh hội lời Ngài,

Hãy luôn hầu hạ vị Thầy với hành sử mẫu mực.

Nhờ lòng sùng kính như vậy, bạn sẽ kinh nghiệm mọi phẩm tính của Ngài.

Bất cứ khi nào vị Thầy siêu phàm của bạn tích tập những cơn sóng vĩ đại công đức và trí tuệ qua những hoạt động Bồ Tát của Ngài, thì sự tham gia của riêng bạn với những phẩm vật cúng dường tối thiểu hay với sự nỗ lực của thân hay khẩu, hoặc thậm chí chỉ với vật cúng dường là sự hoan hỷ của bạn trước sự việc nhỏ bé nhất Ngài đã làm, cũng sẽ đem lại cho bạn nhiều công đức như những suối nguồn phát sinh từ ý hướng vô song của Ngài.

Một lần kia có hai người du hành đến trung tâm Tây Tạng. Thực phẩm duy nhất của một trong hai người là một nhúm bột tsampa nâu làm bằng đậu. Ông ta đưa bột cho người bạn đồng hành, trộn nó với một số lượng phong phú bột tsampa làm bằng lúa mạch trắng của người kia. Vài ngày sau, người khá giả hơn nói với bạn: “Có lẽ bây giờ bột tsampa của anh đã hết.”

“Hãy nhìn xem,” người kia nói. Họ nhìn thấy vẫn còn một ít bộ tsampa làm bằng đậu. Mặc dù họ kiểm tra nhiều lần, bột tsampa làm bằng đậu vẫn không hết, nên cuối cùng họ phải chia đều tất cả bột tsampa.

Cũng thế, chỉ nhờ cúng dường một phần đóng góp vật chất nhỏ bé cho những hành động tích cực của người khác, hay bằng cách tham gia bằng thân hay khẩu mà bạn có thể đạt được nhiều công đức như họ. Đặc biệt, phục vụ cho những nhu cầu hàng ngài của vị Thầy, đem những tin tức cho Ngài hoặc thậm chí chỉ quét dọn phòng Ngài là một cách tích luỹ công đức không thể sai lầm, vì thế hãy nỗ lực làm những việc như vậy càng nhiều càng tốt trong khả năng của bạn. 

Mọi hành động phù hợp với mục đích của một vị Thầy linh thánh

Được thật sự tiến hành trong phạm vi hoạt động của Bồ Đề Tâm

Và mọi sự nỗ lực cùng sự tích tập công đức và trí tuệ

Để phụng sự Ngài, đem những thông tin hoặc ngay cả quét dọn phòng Ngài,

Sẽ có kết quả - đây là con đường tích tập tốt nhất 

Trong tất cả những suối nguồn cao cả nhất của sự quy y hay những cơ hội tích tập công đức thì không có thứ gì lớn lao hơn vị Thầy. Đặc biệt là trong khi Ngài ban một lễ quán đảnh hay giảng dạy, lòng bi mẫn và ân phước của tất cả chư Phật và Bồ Tát trong mười phương rót vào thân tướng linh thánh của Ngài, và Ngài trở nên bất khả phân với tất cả chư Phật. Vì thế trong một thời điểm như vậy, việc cúng dường Ngài một miếng thực phẩm thì còn giá trị hơn hàng trăm hay hàng ngàn vật cúng dường vào những lúc khác.

Trong thực hành Bổn Tôn của giai đoạn phát triển, có nhiều hình tướng khác nhau của những Bổn Tôn đặc biệt để thiền quán, nhưng bản tánh của tất cả các Ngài không gì khác hơn là chính vị Thầy gốc của bạn.  Nếu biết được điều đó, ân phước sẽ đến nhanh chóng.  Tất cả những cách thức mà trong đó trí tuệ phát triển trong giai đoạn toàn thiện thì tuỳ thuộc duy nhất vào năng lực của lòng sùng kính vị Thầy của bạn và năng lực những sự ban phước của Ngài, và bao gồm cả việc sinh khởi trí tuệ từ sự chứng ngộ của vị Thầy trong bản thân bạn. Như vậy, tinh tuý của những gì được chứng ngộ trong tất cả những giai đoạn thực hành, bao gồm giai đoạn phát triển và toàn thiện, thì được hiện thân nơi chính vị Thầy. Đó là điều tại sao tất cả Kinh và tantra mô tả Ngài như một vị Phật trong thân tướng con người. 

Vì sao Ngài là nơi nương tựa và là ruộng công đức?

Đó là bởi những pháp du già nội và ngoại đã hoàn thiện vị Thầy

Chứa đựng những tinh tuý của những gì được chứng ngộ qua các giai đoạn phát triển và toàn thiện.

Đó là lý do tại sao tất cả Kinh và tantra nói Ngài chính là một vị Phật 

Mặc dù tâm trí tuệ của một vị Thầy siêu phàm thì bất khả phân với tất cả chư Phật, để dẫn dắt chúng ta là những đệ tử bất tịnh của Ngài, Ngài đã xuất hiện trong thân người bình thường. Vì thế, trong lúc chúng ta có được Ngài ở đây trong thân tướng con người, chúng ta phải nỗ lực hết mức để thực hiện bất kỳ điều gì Ngài nói và để hợp nhất tâm chúng ta với tâm Ngài qua ba loại phụng sự.

Có những người, thay vì phục vụ, tôn kính và vâng lời Thầy khi Ngài còn sống, thì giờ đây lại tự cho là Ngài đã viên tịch để thiền định trước một tấm hình của Ngài. Có những người cho là đã thể nhập vào sự thiền định của trạng thái tự nhiên và tìm kiếm tất cả những gì uyên áo cao siêu ở những nơi khác, thay vì với lòng sùng kính, họ cầu xin bản thân họ có thể nhận được những phẩm tính của sự giải thoát và chứng ngộ của tâm trí tuệ của vị Thầy. Điều này được gọi là “thực hành mà mâu thuẫn với sự thực hành.”

Việc được gặp gỡ vị Thầy và được Ngài dẫn dắt trong trạng thái trung ấm chỉ có thể xảy ra do một sự kết nối đã được thiết lập bởi lòng sùng mộ vô biên của chúng ta và năng lực của lòng bi mẫn và cầu nguyện của vị Thầy. Đó không phải là vị Thầy đến với thân vật chất. Vì vậy, nếu bạn thiếu lòng sùng kính thì cho dù vị Thầy có thể toàn thiện tới đâu chăng nữa, Ngài sẽ không hiện diện ở đó để dẫn dắt bạn trong trạng thái trung ấm. 

Hầu hết những kẻ xuẩn ngốc sử dụng hình vị Thầy để thiền định

Mà không tôn kính Ngài khi Ngài hiện diện trong thân người.

Họ quả quyết là thiền định trên trạng thái tự nhiên, mà không thấu hiểu tâm vị Thầy.       

Thật là một tai hoạ khi thực hành mà lại mâu thuẫn với sự thực hành!

Không có lòng sùng kính mà gặp được vị Thầy trong trạng thái trung ấm thì quả là phép lạ! 

Trước hết, bạn phải cẩn thận khảo sát vị Thầy. Điều này có nghĩa trước khi cam kết đi theo Ngài qua những lễ quán đảnh và sự truyền dạy, bạn phải khảo sát Ngài kỹ lưỡng. Nếu bạn nhận ra rằng Ngài có tất cả những phẩm tính của một vị Thầy, thì hãy đi theo Ngài.  Nếu Ngài thiếu một số phẩm tính thì đừng nên theo. Nhưng, từ lúc bắt đầu theo Ngài, hãy học tập để có niềm tin nơi Ngài và nhìn Ngài với nhận thức thanh tịnh, chỉ nghĩ tưởng tới những công hạnh của Ngài và thấy tất cả những gì Ngài làm là tích cực. Việc tìm kiếm những sai lầm nơi Ngài sẽ chỉ đem lại cho bạn những bất hạnh không thể suy lường.

Khảo sát vị Thầy theo ý nghĩa chung có nghĩa khảo sát xem Ngài có tất cả những phẩm tính đã được mô tả trong các Kinh điển và tantra hay không. Đặc biệt là, điều tối yếu là Ngài phải có Bồ Đề Tâm, tâm giác ngộ. Như vậy việc khảo sát một vị Thầy có thể cô đọng thành một vấn đề duy nhất: Ngài có Bồ Đề Tâm không? Nếu Ngài có Bồ Đề Tâm, Ngài sẽ làm bất cứ những gì tốt nhất cho đệ tử trong đời này và những đời tương lai, và việc họ đi theo Ngài không thể mang lại điều gì khác ngoài sự lợi ích.  Giáo Pháp mà một vị Thầy như thế giảng dạy được nối kết với Đại Thừa, và chỉ dẫn tới con đường chân chính. Trái lại, một vị Thầy thiếu Bồ Đề Tâm vẫn còn những tham muốn ích kỷ, và vì thế không thể chuyển hoá đúng đắn những quan điểm của đệ tử. Giáo Pháp mà họ giảng dạy dù có vẻ sâu xa và kỳ diệu cũng chỉ đem lại lợi ích cho những mối quan tâm tầm thường trong đời này. Vì thế vấn đề này cô đọng tất cả những quan điểm khác để khảo sát một vị Thầy. Nếu trái tim vị Thầy tràn đầy Bồ Đề Tâm thì hãy theo Ngài, cho dù ở vẻ bề ngoài Ngài có thể hiện lộ ra sao chăng nữa. Nếu Ngài không có Bồ Đề Tâm thì đừng nên theo, dù cho thoạt đầu sự thoát khỏi ảo tưởng của thế gian, tâm quyết định đi tới giải thoát, sự thực hành tinh tấn và hành sử của Ngài có xuất hiện tuyệt vời tới đâu chăng nữa.

Tuy nhiên, với những người bình thường như chúng ta, không có khối lượng khảo sát kỹ lưỡng nào có thể hiển lộ cho chúng ta những phẩm tính phi thường của những bậc siêu phàm đó, là những vị ẩn dấu chân tánh của mình. Trong lúc đó, lại nhan nhản những kẻ bất tài bịp bợm giả đò làm các bậc thánh, khéo léo trong nghệ thuật lừa gạt. Bậc vĩ đại nhất trong tất cả những vị Thầy là người mà chúng ta được nối kết với Ngài từ những đời trước. Với Ngài, sự khảo sát thì không cần thiết. Hãy chỉ đơn giản hội kiến với Ngài, chỉ lắng nghe giọng Ngài nói - hoặc thậm chí chỉ nghe danh hiệu của Ngài – là có thể chuyển hoá mọi sự trong chốc lát và khơi dậy niềm tin đến nỗi chúng ta phải dựng tóc gáy.

Ngài Rongton Lhaga nói với Ngài Milarepa*: “Vị lạt ma trong những đời trước của ông là bậc tối hảo trong các sinh loài, là vị vua của các dịch giả, có danh hiệu Marpa. Ngài sống ẩn tu tại Trowolung ở miền Nam. Hãy đi và gặp Ngài!”

Chỉ nghe tới tên của Ngài Marpa cũng đủ để khơi dậy trong Milarepa một niềm tin phi thường tận sâu thẳm con người Ngài. Ngài nghĩ: “Ta phải gặp vị lạt ma này và trở thành đệ tử của Ngài, dù phải trả giá bằng cả cuộc đời ta.” Ngài kể lại với chúng ta rằng vào ngày các ngài gặp nhau, Marpa đã ra ngoài đường để tìm Ngài nhưng lúc ấy lại giả vờ đang cày ruộng. Khi thoạt thấy Marpa, Milarepa không nhận ra đó là vị Thầy của mình. Tuy nhiên, trong chốc lát, mọi tư tưởng lăng xăng tầm thường của Milarepa ngưng bặt và Ngài đứng sững cả người.

Nói chung, vị Thầy chúng ta gặp được xác định bởi sự thanh tịnh hay bất tịnh của những nhận thức của chúng ta và năng lực của những hành động của ta trong quá khứ. Vì vậy, cho dù Ngài có thể là loại người nào, đừng bao giờ ngừng coi Ngài là một vị Phật đích thực mà nhờ thiện tâm của Ngài bạn nhận được Giáo Pháp và những chỉ dạy riêng. Nếu không nhờ những nhân duyên tốt lành được tạo nên bởi những hành động của bạn trong quá khứ, bạn sẽ không bao giờ có may mắn gặp được vị Thầy tuyệt hảo. Hơn nữa, nếu nhận thức của bạn bất tịnh, thì cho dù bạn có thể gặp được Đức Phật trong thân người, bạn vẫn không thể nhận ra được những phẩm tính Ngài có. Vị Thầy mà bạn gặp nhờ năng lực của những hành động trong quá khứ của bạn và thiện tâm của Ngài mà bạn nhận được, đó chính là điều quan trọng nhất trong mọi sự.

Trong giai đoạn giữa, hãy thực sự đi theo vị Thầy, tuân lời Ngài trong tất cả mọi sự và bất chấp mọi gian khổ, nóng, lạnh, đói, khát. Hãy khẩn cầu Ngài với niềm tin và lòng sùng mộ. Hãy thỉnh cầu lời khuyên của Ngài về bất kỳ những gì bạn làm. Bất kể điều gì Ngài nói với bạn, hãy đưa vào thực hành, hoàn toàn nương tựa nơi Ngài.

Vào giai đoạn cuối, hãy ganh đua với sự chứng ngộ và hành động của vị Thầy, kể cả trong việc khảo sát kỹ lưỡng cách xử sự của Ngài và hãy làm đúng như Ngài đã làm. Như tục ngữ có nói: “Mỗi hành vi là một sự noi gương; ai noi gương giỏi nhất, thì đó là người hành động tốt nhất.” Có thể nói việc thực hành Giáo Pháp là sự noi gương chư Phật và Bồ Tát trong quá khứ. Khi người đệ tử đang học tập để giống như vị Thầy, anh ta cần phải thực sự đồng nhất với sự chứng ngộ và phương cách hành sử của vị Thầy. người đệ tử phải giống như một tsa-tsa sản xuất từ cái khuôn của vị Thầy. Giống như tsa tsa tái tạo lại một cách trung thực tất cả những hoa văn được chạm khắc trên khuôn mẫu, thì cũng thế, người đệ tử phải quả quyết rằng mình thâu đạt được những phẩm tính y hệt, hay tối thiểu thì cũng rất giống bất kỳ phẩm tính nào mà vị Thầy có. 

Lúc ban đầu, khéo léo khảo sát vị Thầy;

Vào lúc giữa, khéo léo đi theo Ngài;

Vào lúc cuối, khéo léo ganh đua với sự chứng ngộ và hành động của Ngài

Một đệ tử làm như vậy thì ở trên con đường chân chánh. 

Một khi bạn gặp một vị Thầy tâm linh cao quý với tất cả phẩm tính cần thiết, hãy đi theo Ngài mà không quan tâm tới bất kỳ sự an toàn nào – đúng như Bồ Tát Sadaprarudita đã đi theo Bồ Tát Dharmodgata, đại học giả Naropa đi theo Tilopa tối thượng, và Ngài Jetsun Mila đi theo Ngài Marpa xứ Lhodrak. 

Trước tiên, đây là câu chuyện làm thế nào Bồ Tát Sadaprarudita đi theo Bồ Tát Dharmodgata.* Sadaprarudita đang cầu tìm Prajnaparamita (Bát Nhã Ba La Mật), giáo lý trí tuệt siêu việt.

Một ngày nọ, trong lúc tìm kiếm Ngài đi tới một nơi hoang vắng cô tịch, ở đó Ngài nghe một tiếng nói từ không trung: “Ôi, đứa con may mắn, hãy đi về hướng Đông và con sẽ được nghe Prajnaparamita. Hãy đi dù ngày hay đêm, bất kể sự nhọc nhằn, ngủ nghỉ hay mê mệt, nóng hay lạnh của thân xác. Chớ nhìn qua trái hay phải. Chẳng mấy chóc con sẽ nhận được Prajnaparamita, nói được chứa đựng trong Kinh sách hoặc được một nhà sự hiện thân giảng dạy Giáo Pháp. Vào lúc đó, hỡi đứa con may mắn, hãy đi theo và trung thành với bậc đã dạy con Prajnaparamita, hãy nhận Ngài làm Thầy và tôn kính Giáo Pháp của Ngài. Ngay cả nếu con nhìn thấy Ngài hưởng thụ năm khoái lạc giác quan, hãy nhận thức rằng các vị Bồ Tát luôn luôn thiện xảo khi sử dụng phương tiện, và đừng bao giờ đánh mất lòng tin của con.”

Nghe những lời đó, Saraprarudita bắt đầu đi về hướng Đông. Nhưng chưa đi được bao xa thì Ngài nhận ra rằng đã quên hỏi giọng nói là Ngài phải đi bao lâu nữa – và vì vậy Ngài không nghĩ được cách làm thế nào tìm ra vị thầy dạy Prajnaparamita. Ngài than khóc và thệ nguyện rằng sẽ không quản ngại gian khổ, đói khát và ngủ nghỉ, ngày cũng như đêm cho đến khi nào nhận được giáo lý. Ngài xúc động mãnh liệt, như một người mẹ lạc mất đứa con độc nhất của mình. Ngài bị ám ảnh thường xuyên bởi một câu hỏi duy nhất là khi nào thì Ngài được nghe Giáo Lý Prajnaparamita.

Ngay lúc đó, một thân tướng của Tathagata (Như Lai) xuất hiện và tán thán việc cầu Pháp của Ngài. Đức Như Lai nói thêm rằng: “Cách đây năm trăm lý (1 lý khoảng 4,8km), có một thành phố tên là Thành Phố Thoảng Hương. Nó được xây dựng bằng bảy chất liệu quý giá, có năm trăm công viên bao quanh và có mọi phẩm tính tốt đẹp. Ở trung tâm thành phố, nơi giao nhau của bốn đại lộ, là trú xứ của Bồ Tát Dharmodgata. Nó cũng được xây dựng bởi bảy loại chất liệu quý giá, có chi vi khoảng một lý. Ở đó, trong các khu vườn và những địa điểm hỉ lạc khác là nơi cu ngụ của Đại Bồ Tát Dharmodgata cùng quyến thuộc của Ngài. Cùng với sáu mươi tám ngàn nữ nhân, Bồ Tát thụ hưởng những lạc thú của ngũ giác mà Ngài đã hoàn toàn làm chủ và hoan hỉ làm bất cứ điều gì Ngài thích. Suốt trong ba thời quá khứ, hiện tại và vị lai, Bồ Tát giảng dạy Pháp Prajnaparamita cho những ai cư trú ở đấy.  Hãy tới chỗ Ngài, và ông sẽ được nghe từ Ngài giáo lý Prajnaparamita.”

Giờ đây Sadapraudita không thể nghĩ được gì ngoài những điều Ngài vừa nghe. Ngay tại nơi đang đứng, Ngài đã có thể nghe Bồ Tát Dharmodgata giảng dạy Prajnaparamita. Ngài đã trải nghiệm vô số trạng thái thiền định. Ngài nhận thức được những cõi khác nhau trong mười phương thế giới, và nhìn thấy hằng hà sa số chư Phật đang giảng dạy Prajnaparamita. Chư  Phật đang tán thán Bồ Tát Dharmodgata trước khi biến mất. Tràn đầy sự hoan hỷ, niềm tin và lòng sùng kính với Bồ Tát Dharmodgata, Sadapradurita tự hổi làm cách nào tới được trước mặt Bồ Tát.

Ngài nghĩ: “Ta nghèo quá, không có gì để dân cúng Ngài, không y áo hay châu báu, không dầu thơm hay vòng hoa, cũng chẳng có bất kỳ vật gì khác để tỏ lòng tôn kính một vị thầy. Vậy ta sẽ bán thịt mình, rồi lấy số tiền đó cúng dường cho Bồ Tát Dharmodgata. Từ vô thuỷ, trong vòng luân hồi, ta đã từng bán thịt của mình không biết bao nhiêu lần; cũng vô số lần ta bị chặt thành từng mảnh và bị thiêu huỷ trong những địa ngục là nơi ta bị những tham dục lôi kéo xuống – nhưng chưa bao giờ ta nhận lãnh một Giáo lý như thế này hay tôn kính một vị Thầy cả cả như vậy!”

Ngài đến giữa chợ và bắt đầu kêu lên, “Ai cần người? Ai muốn mua một người?”

Nhưng những tinh linh xấu ác ghen tức vì Sadaprarudita đang trải qua những thử thách để làm lợi lạc cho Giáo Pháp, họ đã làm cho mọi người không nghe được những gì Ngài nói. Không tìm thấy người mua, Sadaprarudita đi tới một góc và ngồi khóc, nước mắt lã chã.

Sau đó Thiên Vương Indra quyết định thử thách quyết tâm của Ngài. Mang hình tướng của một người bà la môn trẻ, Thiên Vương xuất hiện trước Sadaprarudita và nói: “Ta không cần cả một thân người. Ta chỉ cần một ít thịt, ít mỡ và một ít tuỷ xương người để cúng dường. Nếu ngươi có thể bán cho ta những thứ đó, ta sẽ trả tiền cho ngươi.”

Vui mừng khôn xiết, Sadaprarudita lấy một con dao bén cắt vào tay phải cho đến khi máu phun ra. Rồi Ngài lóc tất cả thịt ở đùi phải, và khi đang chuẩn bị đập xương vào tường thì cô con gái của một thương gia giàu có từ tầng trên cùng ngôi nhà của cô đã nhìn thấy Ngài, bèn chạy bổ xuống.

“Bậc tôn quý, vì sao ngài gây đau đớn như thế trên thân thể mình?” cô ta hỏi.

Ngài giải thích rằng Ngài muốn bán thịt mình để có thể thực hiện một cuộc cúng dường cho Bồ Tát Dharmodgata.

Khi cô gái trẻ hỏi Ngài sẽ được lợi ích gì từ lòng tôn kính như vậy, Sadaprarudita trả lời: “Ngài sẽ dạy cho tôi những phương tiện thiện xảo của chư vị Bồ Tát và giáo lý Prajnaparamita. Sau này nếu tôi tu tập Giáo Pháp đó, tôi đã đạt được sự toàn giác, sở hữu nhiều phẩm tính của một vị Phật và có thể chia xẻ Giáo Pháp quý báu với tất cả chúng sanh.”

Cô gái nói: “Chắc chắn là mỗi mọt trong những phẩm tính đó hoàn toàn xứng đáng với một cuộc cúng dường gồm những thân mạng nhiều như các sông Hằng. Nhưng đừng nên làm tổn hại thân Ngài như vậy! Con sẽ dâng tặng Ngài bất cứ thứ gì Ngài cần để tỏ lòng tôn kính Bồ Tát Dhrmodgata và sẽ đi cùng Ngài tới gặp Bồ Tát. Khi làm như vậy, con sẽ vun trồng cội công đức, nó cũng gióup cho con đạt được những phẩm tính tương tự.”

Khi cô nói xong, Indra hiện lại hình tướng của mình và nói với Sadaprarudita, “Ta là Indra, Vua của chư Thiên. Ta đến đây để thử thách sự quyết tâm của ông. Chỉ cần ông yêu cầu là ta sẽ ban cho ông bất kỳ những gì ông muốn.”

“Xin ban cho tôi những phẩm tính vô song của chư Phật!” Sadaprarudita trả lời.

“Ta không thể cho ngươi điều đó,” Indra nói, “Những điều như thế không nằm trong phạm vi của ta.”

“Nếu như thế thì Ngài không cần phải nhọc sức làm cho thân tôi toàn vẹn trở lại.” Sadaprarudita nói. “tôi sẽ khẩn cầu ân phước của chân lý. Nhờ ân phước của lời tiên tri của chư Phật mà tôi sẽ không bao giờ quay trở lại vòng luân hồi, nhờ chân lý của sự quyết tâm siêu phàm và bất thối chuyển của tôi, cầu mong thân tôi hồi phục như cũ!”

Với những lời này, thân Ngài trở nên hoàn toàn như trước. Và Thiên Vương Indra biến mất.

Sadaprarudita đi cùng cô con gái của vị thương gia tới nhà cha mẹ cô và kể lại cho họ nghe câu chuyện của mình. Họ cung cấp cho Ngài nhiều phẩm vật cần thiết để cúng dường. Sau đó, Ngài cùng với cô con gái và cha mẹ cô cùng với 500 thị nữ và toàn bộ quyến thuộc của họ khởi hành bằng xe ngựa đi về hướng Đông, và tới Thành Phố Thoảng Hương. Ở đó, Ngài nhìn thấy Bồ Tát Dharmodgata đang giảng Pháp cho hàng ngàn người. Ngài tràn đầy sự quyết tâm và hỷ lạc mà một vị Tăng chứng nghiệm khi đắm chìm trong sự thể nhập thiền định. Tất cả xuống xe và đi tới hội kiến Ngài Dharmodgata.

Vào lúc đó, Bồ Tát Dharmodgata đã xây dựng một điện thờ để tàng chứa và giảng Kinh Prajnaparamita. Nó được làm bằng bảy vật liệu quý, tô điểm bằng gỗ đàn hương đỏ phủ một lớp chạm trổ bằng những viên ngọc. Ở mỗi trong bốn hướng có đặt những viên ngọc như ý giống như những ngọn đèn và những lư hương bạc từ đó những nén nhang cúng dường làm bằng gỗ lô hội đen toả hương nhẹ nhàng. Ở chính giữa điện là bốn tủ ngọc đựng những quyển kinh Prajnaparamita, được làm bằng vàng và viết bằng mực xanh da trời.

Nhìn thấy cả hai loài Trời và người đang cúng dường, Sadaprarudita bèn hỏi thăm rồi cùng với cô con gái của vị thương gia và những thị nữ của cô đã thọ giới nguyện của Bồ Đề Tâm tối thượng. Sadaprarudita hỏi Bồ Tát là chư Phật mà Sadaprarudita đã thấy trước đó từ đâu đến và các Ngài đi về đâu. Bồ Tát Dharmodgata trả lời bằng cách giảng một chương về đề tài chư Phật không đến cũng không đi.* Sau đó Bồ Tát rời toà ngồi và đi tới khu vực riêng, ở đó Bồ Tát an trú trong trạng thái thiền định nhất như trong bảy năm.

Suốt thời gian đó, Sadaprarudita, con gái vị thương gia và 500 thị nữ không nằm và ngồi nữa, mà thường xuyên đứng. Khi đứng yên hay đi kinh hành, họ chỉ chú tâm vào lúc Bồ Tát Dharmodgata xuất định và giảng Pháp một lần nữa.

Khi bảy năm kết thúc, Sadaprarudita nghe chư Thiên thông báo trong bảy ngày nữa Bồ Tát Dharmodgata sẽ xuất định và bắt đầu giảng dạy trở lại. Cùng với 500 thị nữ, Sadaprarudita quét dọn trong phạm vi rộng một lý tại địa điểm Bồ Tát Dharmotdgata giảng dạy. Khi Ngài bắt đầu rải nước trên nền đất cho khỏi bụi, Mara (Ma Vương) làm cho tất cả nước biến mất. Vì vậy, Sadaprarudita cắt mạch máu và rải máu mình trên mặt đất, con gái vị thương gia cùng 500 thị nữ cũng làm như vậy. Thiên Vương Indra chuyển hoá máu cua họ thành gỗ đàn hương đỏ của những cõi Trời.

Cuối cùng, Bồ Tát Dharmodgata đến và ngự trên ngai sư tử mà Sadaprarudita và những người khác đã chuẩn bị thật hoàn hảo, ở đó Bồ Tát thuyết giảng Prajnaparamita (Bát Nhã Ba La Mật). Sadaprarudita đã kinh nghiệm sáu triệu trạng thái thiền định khác nhau và có linh kiến về vô số chư Phật - một linh kiến không bao giờ xa lìa Ngài, ngay cả trong những giấc mơ. Người ta nói rằng giờ đây Sadaprarudita đang an trụ trước sự hiện diện của vị Phật toàn giác có danh hiệu là Đấng Tuyên Thuyết Giáo Pháp với Ngôn Âm Du Dương Vô Tận.

Trong lúc đi theo Ngài Tilopa, đại học giả Naropa cũng đã trải qua vô số khó khăn. Như chúng ta đã thấy trước đây, Naropa gặp Ngài Tilopa, lúc đó Ngài sống như một người hành khất, và xin Ngài nhận ông làm đệ tử. Tilopa chấp nhận lời khẩn cầu này và đem ông theo bất cứ chỗ nào Ngài đi tới, nhưng chẳng bao giờ dạy ông bất kỳ Giáo Pháp nào.

Một ngày kia, Tilopa đem Naropa lên đỉnh một ngọn tháp chín tầng và hỏi: “Có ai tuân lời Thầy mà nhảy xuống từ ngọn tháp này không?”

Naropa tự nghĩ: “Ở đây chẳng còn ai khác, vậy chắc Ngài muốn nói ta.” Ông bèn nhảy từ đỉnh tháp, thân đổ sầm xuống đất khiến ông đau đớn dữ dội.

Tilopa đi xuống và hỏi, “Ông có đau không?”

“Không chỉ đau,” Naropa rên rỉ. “Con chẳng hơn gì một xác chết” Nhưng Tilopa ban phước cho ông, và thân ông lại hoàn toàn lành lặn. Sau đó Ngài Tilopa lại dẫn Naropa đi theo chuyến du hành.

Một ngày nọ, Ngài Tilopa ra lệnh cho ông, “Naropa, hãy nhóm lửa lên!”

Khi lửa đã cháy, Ngài Tilopa đã chuẩn bị nhiều mảnh tre dài, tẩm dầu và đưa vào lửa đê làm cứng chắc.

“Nếu ngươi vẫn tiếp tục vâng lời Thầy, ngươi cũng phải trải qua những thử thách như thế này,” Ngài nói và thọc các mảnh tre vào dưới móng tay và chân của Naropa.

Mọi khớp xương của Naropa hoàn toàn co cứng và ông kinh nghiệm nỗi đau đớn và khổ sở không thể chịu đựng nổi. Rồi vị Đạo Sư bỏ đi. Vài ngày sau, khi Ngài trở lại, Ngài rút những mảnh tre ra, rất nhiều máu mủ tuôn ra từ những vết thương của Naropa. Một lần nữa, Ngài ban phước và lại cùng ông lên đường.

Một lúc khác Ngài nói: “Naropa, ta đói. Hãy đi xin một ít thức ăn cho ta!”

Naropa đi đến một nơi rất đông nông dân đang bận rộn ăn uống, ông xin được súp đựng đầy một chén sọ người* và mang về cho vị thầy.

Naropa nghĩ, “Ta đã phục vụ Ngài trong suốt một thời gian dài, chưa bao giờ ta thấy Thầy ta hạnh phúc như vậy. Nếu hỏi xin nữa có lẽ ta được thêm một ít.”

Cầm chén sọ người trong tay, ông lên đường đi xin lần nữa. Vào lúc này những người nông dân đã trở lại cánh đồng của họ, để lại món súp dư thừa ở chổ cũ.

“Việc duy nhất cần làm là hãy lấy trộm súp,” Naropa tự nghĩ, rồi lấy súp và bỏ chạy.

Nhưng những người nông dân thấy được. Họ bắt và đánh đập ông bỏ mặc ông cho chết. Trong vài ngày ông đau đớn tới nỗi không gượng dậy nổi. Một lần nữa vị Thầy lại đến, ban phước và cùng ông lên đường như trước.

Một ngài khác Ngài nói: “Naropa, ta cần rất nhiều tiền,[99] hãy lấy trộm về cho ta một ít.”

Naropa bèn đi ăn trộm tiền của một người giàu có, nhưng bị bắt tại trận. Ông bị túm lấy, bị đánh đập và lại bị bỏ mặc cho chết. Vài ngày sau Tilopa tới và hỏi ông: “Ông có đau không?” Khi nhận được câu trả lời như lần trước, Ngài ban phước cho Naropa, và lại cùng nhau lên đường.

Naropa đã trải qua mười hai thử thách chính và mười hai thử thách phụ như thế - hai mươi bốn thử thách mà ông phải chịu đựng trong một đời. Cuối cùng họ cũng đi tới chỗ kết thúc.

Một hôm, Tilopa nói, “Naropa, hãy đi lấy ít nước. Ta sẽ ở đây nhóm lửa.”

Khi Naropa mang nước trở về, Tilopa nhảy ra từ đống lửa và dùng tay trái tóm lấy đầu Naropa.

“Đưa ta xem trán của ngươi.” Ngài ra lệnh.

Ngài lấy tay phải cởi dép và đánh vào trán đệ tử. Naropa bất tỉnh. Khi ông tỉnh lại, mọi phẩm tính của tâm trí tuệ của vị Thầy đã phát khởi trong ông. Vị Thầy và đệ tử đã trở thành hợp nhất trong sự chứng ngộ.

Tóm lại, bởi hai mươi bốn thử thách mà đại học giả Naropa phải trải qua chính là những giáo huấn của vị Thầy cho nên chúng đã trở thành các phương tiện thiện xảo mà nhờ đó các che chướng của ông được tẩy trừ.

Bởi chúng hiển hiện hoàn toàn như những gian khổ vô nghĩa khiến không ai nghĩ rằng đó là Giáo Pháp. Quả thực là vị Thầy không thốt ra một lời giảng dạy và đệ tử cũng chẳng thực hành giây phút nào, ngay cả một lễ lạy duy nhất cũng không có. Tuy nhiên, một khi Naropa đã gặp được một vị Thành Tựu Giả viên mãn, ông đã tuân theo tất cả những huấn lệnh của Ngài bất chấp mọi khó khăn, và khi làm như thế ông đã hoàn tất việc tịnh hoá tất cả những chướng ngại của mình khiến sự chứng ngộ phát khởi.

Không có thực hành Giáo Pháp nào lớn lao hơn việc tuân lời vị Thầy. Những lợi lạc của nó thì vô lượng như chúng ta có thể thấy ở đây. Trái lại, nếu không tuân lời Ngài dù chỉ một chút thôi cũng là một lỗi lầm cực kỳ nghiêm trọng.

Có lần Tilopa cấm Naropa không được nhận trách nhiệm học giả-giữ cổng tại Vikramasila.[100] Nhưng ít lâu sau đó, khi Naropa đến Magadha (Ma Kiệt Đà), một trong những học giả giữ chức vụ đó đã chết. Vì không ai có khả năng tranh luận với những tirthika nên tất cả các học giả van nài Naropa nhận nhiệm vụ bảo vệ cổng phía Bắc, và khăng khăng thúc bách cho đến khi ông chấp thuận. Tuy nhiên, khi một tirthika xuất hiện để tranh luận, Naropa đã tranh luận trong nhiều ngày mà cuối cùng không thể đánh bại ông ta. Naropa cầu nguyện Thầy mình cho tới khi cuối cùng một ngày kia Tilopa xuất hiện và nhìn Naropa bằng cái nhìn như muốn xuyên thủng ông ta.

“Ngài ít từ bi quá – sao Ngài không tới sớm hơn?” Naropa than vãn.

“Không phải ta đã cấm ông nhận chức vụ người giữ cổng hay sao?” Tilopa hỏi vặn lại.

“Tuy vậy, trong khi tranh luận hãy quán tưởng ta ở trên đầu ông và kết án phẫn nộ (hàng phục) trước người tirthika!”

Naropa làm theo lời Ngài, thắng thế trong cuộc tranh luận, và chấm dứt mọi luận cứ của những tirthika. 

Cuối cùng, đây là cách thức Jetsun Milarepa đi theo Ngài Marpa xứ Lhodrak. Trong vùng Ngari Gungthang có một người giàu có tên là Mila Sherab Gyeltsen. Ông có một con trai và một con gái, người con trai tên là Mila Thopa-ga, “Mila Hoan Hỷ Lắng Nghe,” mà sau này trở thành Jetsun Milarepa. Khi hai người con còn nhỏ thì cha chúng mất. Người chú tên là Yungdrung Gyaltsen đã chiếm đoạt tất cả của cải và tài sản. Hai đứa bé và mẹ chúng bị bỏ mặc không tiền bạc và thực phẩm, buộc phải trải qua nhiều gian khổ. Mila đã học chú thuật và tạo mưa đá với nhà huyền thuật Yungton Throgyal xứ Tsang và Lharje Nupchung. Bằng cách làm sập nhà, Mila gây nên cái chết cho con trai và con dâu của người chú cùng với ba mươi người khác. Khi tất cả dân địa phương trở nên giận dữ chống lại Mila, ông tạo ra một trận mưa đá dữ dội tới nỗi lớp nước đá phủ trên mặt đất dày bằng ba lớp tường đất sét.[101]

Sau đó, hối hận về những ác hạnh đã làm, Mila quyết định thực hành Pháp. Nghe lời khuyên của Lạt ma Yungton, ông đã gặp một vị thầy tinh thông Pháp Đại Viên Mãn tên là Rongton Lhaga, và xin được chỉ dạy.

Vị Lạt ma trả lời: “Giáo Pháp ta dạy là Đại Viên Mãn. Gốc của nó là sự chinh phục lúc khởi đầu, ngọn của nó là sự chinh phục của thành tựu và quả của nó là sự chinh phục của pháp du già.[102] Nếu hành giả thiền định về nó trong ngày, hành giả có thể thành Phật trong ngày đó; nếu thiền định về nó trong đêm, hành giả có thể thành Phật ngay trong đêm đó. Những người may mắn mà hành động trong quá khứ của họ đã tạo nên những nhân duyên thích hợp thì thậm chí không cần phải thiền định; họ sẽ được giải thoát chỉ nhờ nghe nó. Vì nó là Giáo Pháp dành cho những người có năng lực xuất chúng lỗi lạc nên Ta sẽ dạy nó cho ngươi.”

Sau khi nhận quán đảnh và những giáo huấn, Mila tự nghĩ: “Ta đã mất hai tuần để học được những dấu hiệu thành công quan trọng trong việc sử dụng bùa chú. Bảy ngày đủ để làm được mưa đá. Giờ đây là một giáo lý còn dễ hơn cả bùa chú và mưa đá - nếu bạn thiền định trong ngày, bạn sẽ thành Phật ngay trong ngày đó; nếu thiền định vào ban đêm bạn sẽ thành Phật ngay trong đêm đó – và nếu hành động trong quá khứ của bạn đã tạo ra những nhân duyên thích hợp, thì thậm chí bạn hoàn toàn chẳng cần thiền định gì hết! Hãy xem ta đã gặp được giáo lý này như thế nào, rõ ràng ta phải là một trong những người có những thiện hạnh trong quá khứ.”

Vì thế, Ngài cứ ở trên giường mà không thiền định, do đó hành giả và giáo lý tách lìa nhau.

Vài ngày sau vị Lạt ma nói với Ngài: “Những gì ta nói với người đều là sự thật. Ngươi thực sự là kẻ đại tội lỗi, và ta đã tán thán giáo lý của ta hơi thái quá. Vì thế bây giờ ta sẽ không dẫn dắt ngươi. Ngươi nên đi đến ẩn thất Trowonglung ở Lhodrak, ở đó có một đệ tử chân truyền của thành tựu giả Ấn Độ Naropa. Ngài là Marpa, bậc xuất sắc nhất trong các vị Thầy, vị vua của các dịch giả. Ngài là một thành tựu giả của Truyền Thống Tân Mantra,[103] và khắp tam giới không ai sánh bằng. Vì ngươi và Ngài có mối liên kết bắt nguồn từ các hành động trong những đời trước nên hãy đi và gặp Ngài!”

Chỉ cần nghe tới âm thanh danh hiệu của Dịch Giả Marpa cũng đủ làm tâm thức Milarepa tràn ngập niềm vui vô tả. Ngài hoan hỷ tới nỗi mọi lỗ chân lông trên thân Ngài đều dựng đứng, và cảm thức sùng mộ bao la ngập đầy khiến mắt Ngài đẫm lệ. Milarepa lên đường, tự hỏi bao giờ mới được diện kiến vị Thầy của mình.

Lúc bấy giờ Marpa và vợ Ngài có nhiều giấc mơ lạ thường, và Marpa biết rằng Jetsun Mila đang trên đường tới chỗ Ngài. Ngài đi xuống thung lũng để chờ Mila tới, giả vờ như đang cày ruộng. Thoạt tiên Mila gặp con trai của Marpa là Tarma Dode đang chăn trâu. Tiếp tục đi xa hơn một chút, Mila thấy Marpa đang cày ruộng. Lúc Mila nhìn thấy Ngài Marpa, Mila kinh nghiệm sự hỷ lạc mãnh liệt vô tả; trong chốc lát, mọi niệm tưởng tầm thường ngưng bặt. Tuy nhiên, Mila không nhận ra được rằng đây là một Lạt ma bằng xương bằng thịt, và giải thích với người rằng mình tới để gặp Marpa.

“Ta sẽ dẫn mi tới gặp Ngài,” Marpa trả lời. “Hãy cày đám ruộng này cho ta.” Để lại cho Mila một bình bia, Marpa bỏ đi. Mila uống cạn bia rồi làm việc. Khi Mila hoàn tất công việc, con trai của vị Lạt ma tới gọi và cả hai cùng đi.

Khi Mila được đưa tới trước mặt vị Lạt ma, Mila đặt hai lòng bàn chân Marpa trên đỉnh đầu mình và kêu lên: “Ôi, Đạo sự! Con là một kẻ đại tội lỗi ở phương tây! Con xin cúng dường Ngài thân, khẩu và tâm con. Xin nuôi dưỡng, cho quần áo mặc và dạy con Giáo Pháp. Xin ban cho con cách thức để thành Phật trong đời này!”

“Không phải là lỗi của ta khi mi tự cho mình là một kẻ xấu xa như thế,” Marpa trả lời. “Ta không yêu cầu mi tích luỹ những ác hạnh vì lợi ích của ta! Vậy mi đã làm những điều gì sai trái?”

Mila thuật lại cho Ngài toàn bộ chi tiết câu chuyện.

“Tốt lắm,” Marpa ưng thuận, “trong bất kỳ trường hợp nào, việc cúng dường thân, khẩu và tâm mi là một điều tốt. Tuy nhiên, về phần quần áo, thực phẩm và Giáo Pháp thì mi không thể có cả ba. Hoặc ta cho mi quần áo và thực phẩm còn Giáo Pháp mi phải đi tìm ở nơi khác, hoặc mi nhận Giáo Pháp của ta và tìm phần còn lại ở nơi nào đó. Hãy quyết định. Và nếu chọn Giáo Pháp, thì việc mi có đạt được Phật Quả trong đời này hay không sẽ tuỳ thuộc vào sự kiên nhẫn của bản thân mi.”

Mila nói: “Nếu đúng như thế thì bởi con tới đây vì Pháp nên con sẽ tìm lương thực và quần áo ở nơi khác.”

Mila ở lại vài ngày và đi xin khắp xứ Lhodrak thượng và hạ được hai mươi mốt thùng lúa mạch. Ông dùng mười bốn thùng để mua một ấm đồng có bốn quai. Đổ sáu bình lúa vào một cái bao, ông trở về cúng dường ấm và lúa cho Marpa.

Khi Mila đặt bao lúa mạch xuống ông làm căn phòng rung chuyển, Marpa thức dậy.

“Mi là một tu sĩ trẻ có sức mạnh, phải vậy không?” Ngài nói. “Bộ mi định giết cả nhà ta ằng cách làm sập nhà với hai tay trần của mi chắc? Đem bao lúc mì đó ra khỏi đây ngay!” Ngài đá cái bao, và Mila phải đem nó ra ngoài. Lát sau, Mila đưa cho Ngài Marpa cái ấm rỗng.[104]

Một ngày nọ, Marpa nói với Mila: “Những người xứ Yamdrok Taklung và Lingpa đang tấn công những đệ tử trung thành ở U và Tsang tới thăm ta, và trộm cướp lương thực cùng đồ cúng dường của họ.  Hãy trút mưa đá xuống chúng! Vì đó cũng là một loại Pháp, sau đó ta sẽ ban cho mi những giáo huấn.”

Mila gây ra những trận mưa đá tàn phá cả hai vùng này và sau đó đi cầu giáo lý.

“Mi nghĩ ta sắp trao cho mi giáo lý đem về từ Ấn Độ có giá trị to lớn như vậyđể đổi lấy ba hay bốn trận mưa đá hay sao? Nếu mi thật sự mong cầu Giáo Pháp, hãy làm mê hoặc dân chúng ở ngọn đồi Lhorak.  Họ tấn công những đệ tử xứ Nyaloro của ta và luôn cư xử với ta bằng thái độ xem thường ra mặt. Khi có dấu hiệu cho thấy thần chú của mi đã có tác dụng, ta sẽ ban cho mi giáo lý khẩu truyền của Naropa, nó sẽ dẫn đến Phật Quả chỉ trong một thân và một đời người duy nhất.”

Khi những dấu hiệu thành công của ác chú xuất hiện, Mila xin được ban Giáo Pháp.

“Hả, Phải chăng để tỏ lòng tôn kính những ác hạnh mi đã tích luỹ mà mi đòi các giáo huấn khẩu truyền còn ấm hơi thở của những dakini này, là những gì ta phải tìm cầu bất chấp những hiểm nguy tới tính mạng và cuộc đời ta hay sao? Ta nghĩ rằng mi đùa, nhưng ta thấy mình đã phải kềm chế quá nhiều. Chính ta chứ không ai khác sẽ giết mi! Bây giờ hãy làm những người trên đồi sống lại và trả lại mùa màng cho dân xứ Yamdrok. Nếu làm được, mi sẽ được giáo lý – còn không, đừng quanh quẩn bên ta nữa!”

Hoàn toàn kiệt sức bởi những lời quở trách này, Mila ngồi khóc nức nở. Sáng hôm sau, Marpa đến gặp ông.

“Tối hôm qua ta có hơi cộc cằn với mi,” Ngài nói. “Đừng buồn. Ta sẽ ban cho mi giáo huấn từng ít một. Hãy kiên nhẫn! Vì mi là một người thợ giỏi, ta muốn mi xây cho ta một căn nhà để cho Tarma Dodé. Khi nào mi hoàn tất, ta sẽ ban cho mi những giáo huấn, và cũng sẽ cung cấp cho mi thực phẩm và quần áo.”

“Nhưng nếu con chết trong thời gian đó, con sẽ làm được gì khi không có Giáo Pháp?” Mila hỏi.

“Ta bảo đảm rằng điều đó không xảy ra,” Marpa nói, “giáo lý của ta không chỉ để khoe suông, và bởi rõ ràng là mi có sự kiên nhẫn phi thường nên khi mi áp dụng những giáo huấn của ta vào thực hành, chúng ta sẽ chờ xem mi có đạt được Phật Quả chỉ trong một đời hay không.”

Sau khi khuyến khích nhiều hơn nữa theo cách thức tương tự, Ngài bảo Mila xây ba căn nhà, cái này sau cái kia: một căn nhà hình tròn ở chân ngọn đồi phía đông, một căn nhà hình bán nguyệt ở phía tây và một căn hình tam giác ở hướng bắc. Nhưng mỗi lần khi căn nhà xây được phân nữa thì Marpa lại nhiếc móc Mila dữ dội, bắt ông phá huỷ những gì đã xây và đem đất đá trở lại nơi Mila đã lấy chúng.

Một vết thương mở hoác trên lưng Mila, nhưng ông nghĩ: “Nếu đưa cho vị Thầy xe, Ngài sẽ chỉ quở mắng ta một lần nữa. Ta có thể cho sư mẫu thấy, nhưng điều đó chỉ gây thêm ồn ào rắc rối.” Thế nên, không đưa cho sư mẫu xem vết thương, ông khóc lóc và van xin bà giúp ông thỉnh cầu giáo lý.

Bà yêu cầu Marpa dạy Mila, và Marpa trả lời: “Hãy cho nó ăn ngon và đem nó tới đây!” Ngài ban cho Mila sự trao truyền và những giới nguyện quy y.

Ngài nói: “Tất cả những điều này được gọi là Giáo Pháp nền tảng. Nếu mi muốn những giáo huấn phi thường của Mantra Thừa Bí Mật thì loại sự việc mà mi sẽ pảhi trả qua là như thế này…” và Ngài đọc một bài kệ tóm tắt về cuộc đời và những thử thách của Naropa. “Mi khó có thể làm được như vậy,” Ngài kết luận.

Nghe những lời này, Mila cảm thấy niềm sùng kính mãnh liệt đến nỗi nước mắt ông chảy mãi không thôi, và với một quyết định mạnh mẽ ông nguyện làm bất cứ những gì vị Thầy yêu cầu.

Vài ngày sau, Marpa đi dạo và đem Mila thoe như thị giả của Ngài. Marpa đi về hướng đông-nam và tới một miếng đất có vị trí thuận lợi. Ngài nói: “Hãy làm cho ta một tháp màu xám, có góc vuông và cao chín tầng ở đây, thêm một đỉnh nhọn nữa thì thành mười tầng. Mi không được hạ thấp tháp xuống, và khi hoàn tất ta sẽ ban cho mi những giáo huấn. Ta cũng sẽ cho mi lương thực khi nhập thất thực hành.”

Mila đã đào xong phần móng và bắt đầu xây thì có ba đệ tử cao cấp của Thầy tới. Để đùa giỡn, họ lăn tới cho ông một tảng đá lớn và Mila dùng nó làm móng nhà. Khi ông hoàn tất hai tầng dưới cùng, Marpa tới thăm và hỏi tảng đá ở đâu tới. Mila kể với Ngài sự việc xảy ra.

“Những đệ tử của ta đang thực hành Pháp du già trong hai giai đoạn, họ không phải là những người hầu của mi!” Marpa la hét: “Hãy lấy tảng đá đó ra khỏi đây ngay và trả nó về chổ cũ!”

Mila phá bỏ toàn bộ cái tháp, bắt đầu tử đỉnh. Ông lôi tảng đá làm móng ra và đem đặt lại chỗ cũ.

Sau đó Marpa bảo ông: “Bây giờ đem nó tới đây và đặt nó vào lại.”

Vì thế Mila lăn tảng đá trở lại và đặt đúng vào chỗ trước đó. Ông tiếp tục xây dựng chođến khi hoàn tất tầng thứ bảy, vào lúc này ông bị một vết thương ở bên hông.

Marpa nói: “Bây giờ hãy bỏ việc xây tháp, thay vào đó hãy xây cho ta một ngôi đền với một đại sảnh mười hai cột và một điện thờ cao.”

Thế là Mila xây ngôi đền, và khi hoàn thành thì một vết thương phía dưới lưng ông bị bể ra.

Vào lúc đó, Meton Tsonpo xứ Tsangrong thỉnh cầu Marpa ban quán đảnh Samvara, và Tsurton Wangé xứ Dol thỉnh cầu ban quán đảnh Guhyasamaja. Trong cả hai dịp này, Mila hy vọng rằng nhờ công việc xây cất mà ông dành được quyền nhận quán đảnh, có được vị trí trong hội chúng, nhưng những gì ông nhận được từ Marpa chỉ là những cú đánh và những lời mắng nhiếc, và cả hai lần ông đều bị ném ra ngoài. Lưng ông giờ đây là một vết thương khổng lồ với máu và mủ chảy ra từ ba chỗ. Tuy nhiên ông vẫn tiếp tục làm việc, thay vì đeo giỏ đất ở lưng thì ông đeo ở phía trước.

Khi Ngokton Chodor xứ Shung tới thỉnh cầu ban quán đảnh Hevajra, vợ Ngài Marpa đưa cho Mila một viên lam ngọc lớn là vật thừa kế của riêng bà. Mila dùng nó như món cúng dường cho lễ quán đảnh, ông ngồi vào hành những người dự lễ, nhưng như lần trước, vị Thầy trách mắng và đánh ông một trận, và ông lại không được ban quán đảnh.

Lần này ông cảm thấy không nghi ngờ gì nữa: ông sẽ không bao giờ nhận được bất kỳ giáo lý nào. Ông đi lang thang vô phương hướng. Một gia đình ở Lhodrak Khok thuê ông đọc quyển Trí Tuệ Siêu Việt trong Tám Ngàn Bài Kệ. Ông đọc đến truyện của Sadaprarudita, và câu chuyện này làm ông suy nghĩ. Ông nhận ra rằng để nhận được lợi lạc của Giáo Pháp, ông phải chấp nhận mọi gian khổ và làm hài lòng vị Thầy bằng cách làm bất cứ những gì Ngài ra lệnh.

Vì thế ông quay trở lại, nhưng một lần nữa Marpa chỉ đón chào ông bằng sự thoá mạ và những cú đánh. Mila quá tuyệt vọng đến nỗi vợ Ngài Marpa phải gởi ông tới Lạt ma Ngokpa, vị này ban cho ông một số giáo huấn. Nhưng khi thiền định thì chẳng có điều gì xảy ra, vì Mila không được vị Thầy cho phép. Marpa ra lệnh cho ông đi về cùng với Lạt ma Ngokpa.

Một ngày nọ, trong một tiệc cúng dường, Marpa khiển trách Lạt ma Ngokpa và những đệ tử khác thậm tệ và sắp sửa đánh họ.

Mila tự nghĩ: “Với ác nghiệp của ta, không chỉ mình ta đau khổ vì những lỗi lầm trầm trọng và những che chướng sâu dày, mà giờ đây ta còn gây những khó khăn cho Lạt ma Ngokpa và phối ngẫu của Đạo sư. Bởi ta chỉ đang chồng chất càng lúc càng nhiều ác hạnh mà chẳng được nhận bất kỳ giáo lý nào, nên cách tốt nhất là ta nên chết đi cho rảnh.”
Mila chuẩn bị tự tử. Lạt ma Ngokpa đang cố ngăn cản ông thì Marpa dịu xuống và gọi cả hai tới. Ngài chấp nhận Mila làm đệ tử, ban cho ông nhiều lời khai thị quý báu và đặt danh hiệu cho ông là Mila Dorje Gyaltsen, “Mila Kim Cương Ngọn Cờ Chiến Thắng.” Khi Ngài ban quán đảnh Samvara cho ông, Ngài làm một mạn đà la với sáu mươi hai Bổn Tôn xuất hiện thật rõ ràng. Rồi Mila nhận danh hiệu bí mật là Shepa Dorje, “Kim Cương Hỷ,” và Marpa ban tất cả những quán đảnh và giáo huấn cho ông giống như rót từ bình này sang chiếc bình khác. Sau đó, Mila thực hành trong những điều kiện khắc nghiệt nhất, và đạt được mọi thành tựu thông thường và siêu việt.[105]

 

Giống như thế, đó chính là cách mà tất cả những học giả, thành tựu giả và Trì minh vương (vidyadhara) trong quá khứ của Tây Tạng lẫn Ấn Độ đã đi theo một vị Thầy tâm linh đích thực, và bằng cách làm bất cứ những gì vị Thầy dạy bảo, các Ngài đã đạt được sự chứng ngộ bất khả phân với chứng ngộ của vị Thầy.

Trái lại, là một lỗi lầm hết sức trầm trọng nếu không đi theo vị Thầy với một tâm thức hoàn toàn chân thật, không chút giả dối. Đừng bao giờ nhận thức bất kỳ hành động nào của Ngài một cách tiêu cực. Chớ bao giờ nói dối Ngài dù một điều nhỏ nhất.

Có lần, đệ tử của một đại thành tựu giả đang giảng Pháp cho một nhóm đệ tử. Vị Thầy của ông ta đi tới, trang phục như một người ăn mày. Người đệ tử quá bối rối khi phải quỳ lại Ngài trước đám đông, nên ông giả vờ như không thấy. Chiều hôm đó, khi đám đông đã giải tán, ông đi gặp Thầy mình và đảnh lễ.

“Tại sao trước đây ngươi không đảnh lễ?” vị Thầy hỏi.

“Con không thấy Ngài,” ông ta nói dối.

Lập tức, hai mắt ông rơi xuống đất. Ông cầu xin tha thứ và nói sự thật, và với sự ban phước, vị Thầy đã phục hồi lại đôi mắt cho ông.

Có một câu chuyện tương tự về đại thành tựu giả Ấn Độ Krsnacarya. Một ngày kia, khi đang đi tàu trên biển với nhiều đệ tử, tâm ông khởi niệm: “Vị Thầy của ta thực sự là một thành tựu giả, nhưng theo quan điểm thế gian thì ta xuất sắc hơn Ngài vì ta giàu có và có nhiều thị giả hơn.”

Ngay lập tức chiếc tàu chìm xuống biển. Ngụp lặn vô vọng trong nước, ông cầu nguyện Thầy mình, Ngài xuất hiện trong thân người và cứu ông khỏi chết chìm.

“Đó là phần thưởng cho sự kiêu ngạo vĩ đại của ngươi,” vị Thầy nói.

“Nếu ta ráng tích luỹ của cải và thị giả thì ta cũng sẽ có. Nhưng ta đã chọn để không làm như vậy.”

Vô số chư Phật không thể nghĩ bàn đến, nhưng lòng bi của các Ngài không đủ để cứu chúng ta: chúng ta vẫn còn ở trong đại dương đau khổ của vòng sinh tử luân hồi. Vô số không thể nghĩ bàn những bậc Thầy vĩ đại đã xuất hiện từ xa xưa, nhưng chúng ta không đủ may mắn để được hưởng sự chăm sóc đầy bi mẫn của các Ngài, hay ngay cả được gặp các Ngài. Ngày nay, giáo lý của Đức Phật sắp kết thúc. Năm sự suy đồi càng ngày càng hiển nhiên, và mặc dù có được một đời làm người, chúng ta vẫn hoàn toàn nằm trong móng vuốt của những ác hạnh của mình, và lầm lạc không biết điều gì nên làm và điều gì nên tránh. Khi chúng ta lang thang như một kẻ mù loà lẻ loi trong cánh đồng hoang thì những bằng hữu tâm linh của chúng ta, những vị Thầy siêu việt nghĩ tưởng tới chúng ta với lòng bi mẫn vô biên, và tuỳ theo nhu cầu của mỗi người trong chúng ta mà các Ngài xuất hiện trong thân tướng con người. Mặc dù trong sự chứng ngộ thì các Ngài là những vị Phật, nhưng trong hành động thì các Ngài lại hoà hợp với hoàn cảnh của chúng ta. Bằng những phương tiện thiện xảo, các Ngài nhận chúng ta làm đệ tử, giới thiệu cho ta Giáo Pháp đích thực tối thượng, khai thị cho ta về những gì nên làm và không nên làm, và chỉ bày chính xác con đường tối hảo dẫn tới sự giải thoát và giác ngộ. Quả thật, các Ngài không khác biệt với chính Đức Phật; nhưng khi so sánh với Đức Phật thì thiện tâm của các Ngài trong việc quan tâm tới chúng ta thậm chí còn vĩ đại hơn. Vì thế, hãy luôn cố gắng đi theo vị Thầy trong cách thế đúng đắn, với ba loại niềm tin.* 

Con đã gặp một vị Thầy cao cả, nhưng lại để mình sa sút bởi cách hành sử tiêu cực của con

Con đã tìm được con đường tốt nhất, nhưng lại lang thang trên con đường nhỏ cheo leo.

Xin ban phước cho con và tất cả những ai có tánh khí xấu xa như con

Khiến tâm chúng con có thể được thuần hoá nhờ Giáo Pháp.


 

[93] Trong chương này, Ngài Patrul Rinpoche đưa ra một bài kệ tóm tắt về từng vấn đề mà không trích dẫn từ bất kỳ nguốn gốc đặc biệt nào. Những bài kệ này là để giúp người đọc hay người nghe nhớ lại chúng. Sự khẩu truyền trực tiếp luôn luôn có một vị trí quan trọng trong Đạo Phật, và người Tây Tạng ghi nhớ một cách đều đặn toàn bộ những pho kinh điển vào ký ức. Sự tu tập này có thể giúp họ ghi nhớ từng chi tiết những giáo lý khẩu truyền. Chẳng hạn, hệ thống cấu trúc của bản văn này phần nào làm cho các hành giả có được những giáo huấn thường xuyên sẵn sàng để dùng trong tâm thức họ 

[94]  Họ hành động trái với thông lệ, bất chấp những phép tắc cư xử theo tục lệ, như thể hành vi của họ được đặt nền trên trí tuệ vô niệm chân thực. Thật ra, họ chỉ đang tự lừa gạt chính mình. 

[95] Những Chú Thích về Những Lời Vàng của Vị Thầy của tôi chỉ rõ ràng để thấy vị Thầy tâm linh của ta như một vị Phật, ta cần cảm thấy: 1) Ngài là một vị Phật trong thân người trong cả hai ý nghĩa tương đối và tuyệt đối, 2) mọi hoạt động của Ngài dù thuộc tâm linh hay thế gian đều là những hoạt động của một vị Phật, 3) lòng tốt của Ngài đối với ta thì vượt trội lòng tốt của chư Phật, 4) Ngài là hiện thân là bậc vĩ đại nhất trong mọi nơi nương tựa, và 5) nếu hiểu được điều này, ta cầu nguyện Ngài mà không dựa vào bất kỳ sự trợ giúp nào khác trên con đường, ta sẽ phát triển được trí tuệ của sự chứng ngộ. 

[96] srid pa: nghĩa gốc của nó là “sự có thể” bất cứ những gì có thể chuyển hoá thành bất ký những cái gì khác. Vì thế nó tượng trưng tất cả những khái niệm mà chúng ta phóng chiếu vào thực tại và là cái gì trở thành thế giới huyễn hoá mà chúng ta tri giác. Vì thế nó có thể được dịch là: sự trở thành, sự hiện hữu, sinh tử luân hồi, thế giới.

[97] Ngựa hoà hảo (ngựa báu) là một trong những vật sở hữu của Chuyển Luân Thánh Vương. Nó biết được những ước muốn của Ngài trước khi Ngài biểu lộ. Ở đây người đệ tử lý tưởng nhận biết được ý định của vị Thầy và do đó hành vi thích hợp.

* Các Pitaka: Ba phần của Giáo lý Phật Giáo. Xem Thuật ngữ: Tripitaka

* Bởi vị thầy tâm linh là vị Phật nên nơi chân Ngài bước lên được ban phước.

[98] “Học hỏi những tư tưởng và hành động của vị Thầy có nghĩa là đạt được mọi phẩm tính của thân, khẩu, ý của Thầy mình.” Dilgo Khyentse Rinpoche. “Nếu trước tiên ta không đạt được sự chứng ngộ của vị Thầy, việc ganh đua với hành động của vị Thầy là đạo đức giả.” Những Chú Thích về Những Lời Vàng của Vị Thầy của tôi.

* Tiểu sử Ngài Milarapa được thuật lại chi tiết hơn ở cuối chương này.

* Danh hiệu Sadaprarudita có nghĩa là “Hay Khóc” Dharmodgata có nghĩa là “Giáo Pháp Siêu Phàm”

* Điều này có nghĩa là chư Phật không bị trói buộc bởi những khái niệm về nơi chốn.

* thod phor (Phạn: kapala). Một chén sọ người. Đỉnh một sọ người được các yogi dùng làm cái tô. Nó tượng trưng cho sự vô ngã.

[99]  Nor rdzas: nghĩa đen: “của cải vật chất.” Chúng ta thường dịch thuật ngữ này là “tiền bạc” mặc dù nó cũng có thể có nghĩa là bất kỳ những gì quý báu và giá trị, không phải một vài hình thức tiền bạc đặc biệt.

[100] Một trong ba đại học tu viện lớn của Phật Giáo Ấn Độ, hai đại học kia là Nalanda và Odantapuri. Nhiệm vụ “học giả-giữ cổng” của các “cổng,” hay các bộ phận tại mỗi phương chính được giao cho các học giả có khả năng nhất để bảo vệ quan điểm triết học Phật Giáo chống lại những thách thức tranh luận của những tư tưởng gia phi-Phật Giáo. Việc tranh luận mãnh liệt và được đề ra giữa những người đề xướng của những học phái tư tưởng khác nhau là đặc tính của thời kỳ văn minh cao cấp này ở miền Bắc Ấn Độ.

[101] Gyang rim gsum: ba lớp tường đất sét, khoảng ba mét. Trong nhiều vùng của Tây Tạng, tường nhà được xây bằng đất sét (gyang) được kết chặt khi còn ẩm giữa những khuôn gỗ song song được đặt dọc theo tường và để cho khô. Cái khuôn này sau đó được di chuyển lên trên để giữ những lớp (rim) đất sét kế tiếp. Các bảng gỗ được sử dụng như những cái khuôn thường rộng khoảng một mét. Thuật ngữ gyang hoặc gyang rim thường được sử dụng như một cách đo phỏng chừng chiều sâu của tuyết.

[102] Có thể giải thích về ba câu này như sau: “Gốc của nó là sự chinh phục lúc khởi đầu,” có nghĩa là Phật tánh là bản tánh nguyên thuỷ của chúng ta không thể bị ảnh hưởng bởi bất kỳ nguyên nhân hay hoàn cảnh nào. “Ngọn của nó là sự chinh phục của thành tựu” có nghĩa là ta có thể đạt được kết quả tối thượng. “Quả của nó là sự chinh phục của pháp du già” có nghĩa là không có phương pháp du già (yoga) nào có thể đem lại một kết quả tốt đẹp hơn.

[103] Truyền thống dựa trên những giáo lý ban đầu được đưa từ Ấn Độ vào Tây Tạng trong thế kỷ thứ 8 được gọi là Truyền Thống Cũ hay Nyingmapa. Truyền thống được đặt nền trên làn sóng giáo lý mới được mở đầu từ thế kỉ 11 trở về sau gọi là Truyền Thống Mới, hay Sarma. Vị thầy đầu tiên của Milarepa. Ngài Rongton Lhaga, thuộc về phái Nyingma, trong lúc Marpa là một dịch giả và hành giả thành tựu của giáo lý Truyền Thống Mới.

[104]  Jetsun Mila muốn cúng dường bình đầy lúa mạch. Cúng dường một bình rỗng được coi là điều chẳng lành.

[105]  Những thử thách mà Milarepa đã trải qua trước khi nhận giáo lý từ Marpa cũng là một sự tịnh hoá nghiệp quá khứ, sự tích tập công đức và chuẩn bị có tính chất tâm lý. Chúng cũng có một mối liên hệ với tương lại của dòng truyền thừa của Ngài, mỗi chi tiết có một ý nghĩa biểu tượng mà theo nguyên lý tương thuộc (duyên sanh) (rten ‘bral) sẽ ảnh hưởng tới tương lai của chính Milarepa và những đệ tử của Ngài.

* Những niềm tin này được giảng ở đầu chương tiếp theo.

 

 

----o0o---

 

Mục Lục > 1-1 > 1-2 > 1-3 > 1-4> 1-5 >1-6

 2-1 > 2-2 > 2-3 > 2-4 > 2-5 > 2-6 > 3-1

 

----o0o---

Vi tính: Tường Tâm

Trình bày: Diệu Tường

Cập nhật: 01-2008

Nguồn: www.quangduc.com

Về danh mục

văn Tạp bút Tham thực sà c ß 清华间谍 å æžœ Mùa Vu lan 律的大篆 大悲咒的威力有多强 禅と世界文化のオンライン講座 tong nguồn gốc của khổ đau cổ Gánh çƒ¹ä½ ç テス យក សច ត តអប រ យ Ð Ð Ð ï½ ç å æžœå žå¾ 大学生申请助学金的申请理由怎么写 墓 購入 願力的故事 bẠgiå 人生是 旅程 風景 nhÃƒÆ 心经全文 六因四缘五果的来源和作用 hãy Tình 佛法怎样面对痛苦 青瓷周传雄歌曲主要想表达什么 túm 忿怒相 塩谷八幡宮 课程表鼓励孩子的话 CẠæˆåšæ năm điều Mách bạn địa chỉ quán cơm chay ngon ในรายาใ 8คมนา Dấu hiệu và một số cách phòng tránh 佛观音 สโตร ส รา 義交 æåŒ