.
Cư
Trần
Lạc
Ðạo
(Trọn
bộ 3 tập)
Toronto, Canada
1999 - PL 2543
---
o0o
---
Tập
1
(2)
Bát Chánh Ðạo
Trong cuộc đời đau khổ trên thế
gian này, khi gặp những việc tai biến, những sự bất trắc, những
chuyện bất như ý, con người thường có khuynh hướng cầu nguyện van
xin tổ tiên ông bà, thánh thần thiên địa, ngọc hoàng thượng đế, Bồ
Tát Phật Tổ, từ bi gia hộ, thương xót cứu giúp, tai qua nạn khỏi, cho được
bình yên. Nhưng thực ra, chúng ta ai ai cũng hiểu rằng việc cầu
nguyện chỉ có tác dụng giúp cho con người được an tâm trong giây phút
cầu nguyện đó thôi. Có mấy ai cầu gì được nấy? Cầu xin không được
đáp ứng, chẳng lẽ thiên địa không bác ái, Bồ Tát không từ bi? Còn Ðức
Phật cứu độ chúng sanh bằng cách nào, như thế nào?
Ðạo Phật không chỉ dạy cầu nguyện như là cứu
kính. Theo quan niệm của Phật giáo, cầu nguyện được xem như những lời
chúc lành, những mong muốn thiết tha, với mục đích vị tha bất vị kỷ,
vì người không vì mình, một cách phát tâm đại từ bi. Chẳng hạn như chúng
ta cầu nguyện cho quốc thới dân an, chúng sanh an lạc. Chúng ta làm được
việc tốt gì, có được công đức hay phước báu nào, cũng hồi hướng,
cầu nguyện cho tất cả chúng sanh đều trọn thành Phật đạo. Chẳng
hạn như chúng ta cầu nguyện cho cha mẹ được mạnh khỏe bình yên, sống
lâu trăm tuổi. Song việc đó có được hay không, còn tùy phước duyên
của cha mẹ. Tuy nhiên, việc cầu nguyện như vậy cũng nói lên được
lòng hiếu thảo chân thành của chúng ta.
Trong Kinh Pháp Cú, Ðức Phật có dạy: "Hãy tự
thắp đuốc lên mà đi. Thắp lên với Chánh Pháp". Nghĩa là mọi
người hãy tự mình tích cực chuyển hóa thân tâm của mình, bằng cách cố
gắng học hiểu giáo lý của đạo Phật, đó là ngọn đuốc Chánh
Pháp, soi đường chỉ lối, giúp con người thoát ly phiền não và khổ đau
của cuộc đời, khi thực sự đem áp dụng vào đời sống hằng ngày. Ðó là
cách duy nhất thập phương tam thế chư Phật cứu độ chúng sanh. Người
Phật Tử chân chánh cần nên nhớ kỹ điều này.
* * *
Theo giáo lý của đạo Phật, con người can đảm nhìn
nhận sự thực là: cuộc đời khổ nhiều vui ít, nhưng không tư tưởng
tiêu cực, không bi quan yếm thế, không ngán ngẩm chán chường. Trái
lại, con người tích cực tìm phương cách để được giác ngộ và giải
thoát, không thụ động chấp nhận, không cầu nguyện van xin. Ðể
giúp chúng sanh được sống an vui, xả trừ triền phược, cắt đứt trói
buộc, dẹp tan phiền não, thoát ly đau khổ, trong tam tạng kinh điển,
Ðức Phật thuyết minh "Bát Chánh Ðạo".
Bát chánh đạo là phương pháp giản dị, thích hợp với
đời sống hằng ngày của chúng sanh, nhằm mục đích cải thiện tâm lý,
ngôn từ và hành động, giúp đỡ con người bỏ tà đạo theo chánh đạo. Bát
chánh đạo giúp chúng sanh hướng về, tiến đến một đời sống chí
diệu cao siêu, hay ít ra cũng xây dựng được đời sống an lạc và hạnh
phúc. Vì vậy, "Bát Chánh Ðạo" còn được gọi là "Bát Thánh
Ðạo".
Bát chánh đạo là con đường đưa chúng sanh đến
chỗ giác ngộ và giải thoát, gồm tám điều chân chánh, đó là: chánh
kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh
tấn, chánh niệm, chánh định.
1.- Chánh Kiến:
Trước hết, chúng ta nhận thức mọi sự sự vật
vật hiện hữu, tức là muôn pháp trên thế gian, khắp pháp giới,
đều do nhân duyên sinh, không trường tồn và sẽ biến diệt. Ðó là
"Lý Nhân Quả" và "Lý Vô Thường", hai chánh kiến
quan trọng mọi người cần thấu triệt.
A. - Thế nào là chánh
kiến? - Chánh kiến là kiến thức chân
chánh. Nghĩa là con người cần có sự hiểu biết và sự nhận thức sáng
suốt và hợp lý. Chánh kiến có ích lợi giúp con người không sống
trong mê lầm, điên đảo. Người có chánh kiến thấy như thế nào thì
nhận đúng như thế ấy, không thay đổi trắng đen, không kỳ thị xấu tốt,
không phê phán hay dở. Chánh kiến là sự hiểu biết và nhận thức
không bị tập quán, thành kiến, dục vọng hay tâm phân biệt, ngăn
che và làm sai lạc. Người có chánh kiến hiểu biết tường tận
thế nào là chánh tà, chơn ngụy, đại tiểu, thiên viên, nhưng với tâm
bình thường, tâm chính trực và tâm bất tùy phân biệt.
a) Lý nhân quả: Chúng ta ai ai
cũng biết: "Gieo nhân nào gặt quả nấy". Thí dụ như có hột cam
gieo xuống đất, gọi là "nhân", cộng thêm nước tưới, ánh sáng,
phân bón, công chăm sóc, gọi là "trợ duyên", chúng ta sẽ
gặt hái được "quả cam", sau một thời gian nào đó. Không thể
nào gieo hột cam ngọt lại gặt quả chanh chua được, hay ngược lại. Lý
nhân quả còn được gọi là lý nhân duyên.
* Không bao giờ có quả mà không có nhân. Có mây mới
có mưa, có lửa mới có khói, gieo gió mới gặt bão, sinh sự thì sự sinh.
Không thể có chuyện tự nhiên có cái cây mọc lên, mà không có
hạt giống trong đất. Không thể có chuyện tự nhiên chúng tới chửi
mình, mà mình chẳng có làm gì hết, trong kiếp này hay những kiếp
trước! Ðó là chân lý. Ðó là lý nhân quả hay lý nhân duyên.
Nhận rõ quả báo của hành vi, ngôn từ và ý niệm của chính mình như
vậy, chúng ta sẽ không trách người, trách trời, trách đất gì hết, chỉ
biết trách mình, cho nên không còn phiền não và khổ đau nữa. Trái
lại, chúng ta tích cực sửa đổi tâm tánh, làm sao cho mỗi ngày một tốt
đẹp hơn, để cuộc đời được sáng sủa hơn, gia đình được hạnh phúc
hơn.
* Việc này sinh ra do việc kia đã sinh ra. Không
có chuyện gì xảy ra, dù lớn hay nhỏ, dù quan trọng hay bình thường,
mà không do có chuyện khác xảy ra trước đó. Thí dụ như chúng ta có cái
bánh để ăn, nguyên do trước đó có bột, có đường và có công thợ, dĩ
nhiên cũng do chúng ta có tiền mua. Thí dụ như: Cơ thể phát phì
nguyên do ăn uống quá độ. Nghèo túng nguyên do làm biếng. Bệnh tật
nguyên do thiếu vệ sinh. Con cái không có tình thương đậm đà nguyên
do cha mẹ không thường xuyên chăm sóc, gần gũi. Thiên hạ thù ghét nguyên do
lời nói khó nghe. Vợ chồng lục đục nguyên do thiếu sự cảm thông,
thiếu sự hiểu biết, thiếu sự hòa hợp.
* Muôn sự muôn vật trên thế gian này đều do
nhân duyên sinh. Mọi sự mọi việc không do ông trời, không do một
đấng tạo hóa đầy quyền năng nào tạo ra cả. Có người cho rằng: chính
con người sinh ra thượng đế, bởi vì thượng đế chỉ là sản phẩm do
con người tưởng tượng mà thôi. Mỗi đạo giáo, mỗi dân tộc, mỗi
thời gian, có mỗi quan niệm khác nhau về thượng đế. Thượng
đế, nếu có thực, không thể để cho các người thế gian lợi
dụng danh nghĩa và phải là đấng chí công vô tư. Tại sao lại có những
chuyện: trời thương người này hơn người kia, cho người này sung sướng
hơn người kia, người này sinh ra khỏe mạnh, trong cảnh giàu sang, người kia
sinh ra tật nguyền, trong cảnh nghèo khó, dân tộc này giàu sang sung sướng,
dân tộc khác nghèo nàn khổ cực?
Theo giáo lý của đạo Phật, sở dĩ người này
khác người kia về phương diện này hay phương diện nọ, bởi vì
mỗi người tạo tác nghiệp nhân khác nhau, cho nên nhận nghiệp quả
khác nhau. Cũng như người làm bánh thì ăn bánh, người nấu chè thì ăn chè.
Chính mình làm mình hưởng. Chính mình làm mình chịu. Ðó mới thực là chí
công vô tư vậy.
b) Lý vô thường: Chúng ta ai
ai cũng biết: "Có sinh ắt có diệt". Nghĩa là muôn sự muôn
vật trên thế gian này đều không tồn tại vĩnh viễn. Trong Kinh Kim Cang,
Ðức Phật có dạy: "Phàm sở hữu tướng giai thị hư vọng".
Nghĩa là bất cứ vật nào có hình tướng, nhìn thấy được bằng cặp mắt
thường, lớn như quả núi, tòa nhà, nhỏ như tấm thân chúng ta, như hạt cải,
hạt cát, tất cả đều hư vọng, đều trải qua bốn giai đoạn: "sinh,
trụ, dị, diệt". Mọi vật sinh ra, trụ thế một thời gian ngắn
dài, rồi cũng biến dị và cuối cùng cũng bị diệt mất! Thí dụ như:
Cây bông hồng từ hạt giống trong đất sinh ra, mọc lên, trổ hoa. Hoa hồng
khoe hương sắc, ít ngày sau héo úa, tàn lụi, trở thành phân bón cho bông
hồng khác sau này. Cuộc đời cứ như thế tiếp diễn không ngừng, đạo
Phật gọi là "sự luân hồi", cũng như bánh xe quay mãi, quay mãi
vậy.
Hiểu được như vậy, khi của cải vật chất, xe hơi
đồ đạc bị mất mát hư hao, khi con cái lỡ tay đập bể hay làm hư hại
vật gì, dù quí giá đến đâu, thậm chí khi người thân đến lúc qua
đời, chúng ta sẽ không khổ đau nhiều. Hiểu được như vậy, khi gặp
một việc tai biến, một sự bất trắc, một chuyện bất như ý,
thậm chí tán gia bại sản, người thân biến thành kẻ thù, chúng ta cũng
sẽ không đau khổ nhiều. Chuyện gì rồi cũng sẽ qua, có gì tồn tại
mãi mãi đâu mà cố chấp, tranh đua hơn thua, cái mạng sống này còn không
giữ được nữa, huống là thứ gì khác trên đời này? Có ai sống mãi không
chết? Có ai trẻ mãi không già? Có ai khỏe mãi không đau? Ðó là lý
vô thường. Có câu: Bèo hợp rồi tan, trăng tròn rồi khuyết. Cuộc đời cứ
như thế xoay vần đổi thay, không bao giờ dừng. Thường xuyên quán
chiếu, tin sâu "Lý Nhân Quả" và "Lý Vô Thường",
cuộc đời của con người sẽ an lạc và hạnh phúc hơn.
Trong Kinh Thủ Lăng Nghiêm, Ðức Phật có dạy: "Nhân
duyên hòa hợp hư vọng hữu sinh. Nhân duyên ly tán hư vọng hữu
diệt". Nghĩa là: Muôn sự muôn vật trên thế gian này do nhân
duyên hình thành, tạm gọi là sinh. Muôn sự muôn vật do nhân duyên tan rã,
tạm gọi là diệt. Thí dụ như: Một chiếc xe mới được hình thành
do tất cả các bộ phận, các phụ tùng ráp lại, tạm gọi là sinh. Ðến
khi xe hư, các phụ tùng, các bộ phận được tháo rời ra, chiếc xe không
còn nữa, tạm gọi là diệt. Thí dụ khác: Tấm thân tứ đại của chúng
ta cũng vậy, hình thành do đất, nước, gió, lửa, tạm gọi là sinh. Sống
đời một thời gian nào đó, khi hết nhân duyên, thì cát bụi trở về
với cát bụi, tạm gọi là chết. Tại sao vậy? Bởi vì khi đó, chính là
lúc chúng ta bắt đầu một kiếp khác. Bánh xe luân hồi đang chuyển
động đó vậy.
B. - Thế nào là tà
kiến?
- Ngược lại, tà kiến là sự hiểu
biết và nhận thức sai lầm. Theo quan điểm của Phật giáo, cho sự
hiện hữu của tự thân và hoàn cảnh đều là tự nhiên, không có quả
báo cùng nhiều duyên khác tập hợp, đó là tà kiến và mê tín. Chấp
thượng đế tạo vật, phủ nhận nhân quả nghiệp báo, chủ trương định
mệnh, phủ nhận kết quả của hành nghiệp, đó là tà kiến và mê
tín. Quan niệm thương ghét khác biệt giữa người và người, giữa
người và vật, coi thú vật sinh ra để nuôi sống con người, đó là tà
kiến và mê tín.
Cố chấp thành kiến, quan niệm phân biệt phải
trái, đúng sai cố định, đi tới kết luận, người nào không tin theo tín
ngưỡng như mình, đều phải bị trừng trị nghiêm khắc, phải bị đọa
địa ngục đời đời, đó là tà kiến và mê tín. Chấp theo thần thoại,
đồng bóng bói toán, xem sao giải hạn, định hướng nhà cửa, tin bướng tin
càn, tin vô căn cứ, làm bể cái gương, điềm không may mắn, đầu năm
quét nhà, tài lộc ra cửa, mùng năm mười bốn hăm ba của dân ta, con số 13
của dân tây, cho là xui xẻo, đó là tà kiến và mê tín. Ðốt vàng mã,
tiền bạc, xe hơi, nhà lầu, áo quần, hình nhơn bằng giấy, cho người
chết xài dưới âm phủ, đó là tà kiến và mê tín. Không may đau
bệnh, không khám bác sĩ, không đi bệnh viện, không muốn uống
thuốc, không chịu kiêng cữ, lại đi xem bói, thỉnh bùa chú giấy, đem về
đốt uống, nước tiên nước thánh, nước suối nước sông, chẳng hạp vệ
sinh, cũng đem về uống, đó là tà kiến và mê tín.
Nói chung, những điều gì phản khoa học, trái
với chân lý, không theo lý trí, chẳng thể xét suy, không thể
kiểm chứng, đều được gọi là tà kiến và mê tín. Tà kiến
và mê tín thường có nơi những người có lòng cố chấp nặng nề, chấp
ngã và chấp pháp, dù người bình dân, hay kẻ học thức, ở ngoài thế
gian, cũng như trong đạo. Ðức Phật ra đời, thuyết pháp độ sinh, phá màn
vô minh, dẹp tan tà kiến, mê tín dị đoan, chỉ nhằm mục đích, khai thị
chúng sanh, ngộ nhập trí tuệ bát nhã, trong Kinh Pháp Hoa, gọi là
Tri Kiến Phật, để được giác ngộ và giải thoát.
2. - Chánh Tư Duy:
Sách có câu: "Bình an dưới thế cho người
thiện tâm". Người thiện tâm luôn luôn nghĩ tốt, nghĩ đúng, nghĩ
thiện, cho nên làm tốt, làm đúng, làm thiện, và nói tốt, nói đúng,
nói thiện. Người thiện tâm là người có tâm trí luôn luôn được
bình an, thảnh thơi, thư thái.
A. - Thế nào là chánh
tư duy? - Chánh tư duy là sự suy nghĩ chân chánh. Nghĩa là
con người cần phải nghiệm xét, nghĩ suy, quán chiếu một cách đúng
đắn, hợp với chân lý, không trái với lẽ phải, có lợi cho mình và cho
người. Chúng ta thường xuyên suy nghĩ đến "giới, định, tuệ"
để tu tập giải thoát, suy nghĩ nguyên nhân gây đau khổ cho chúng sanh,
để giải thích và khuyến tu, suy nghĩ những hành vi lỗi lầm, những
lời nói sai trái và những tâm niệm xấu xa của chính mình để sám hối
và cải đổi. Tất cả những điều đó gọi là chánh tư duy. Chư Tổ có
dạy: "Phản quan tự kỷ bổn phận sự". Nghĩa là quay lại chiêm
nghiệm, suy xét, quán sát tự tâm chính mình là phận sự của chúng ta.
Chánh tư duy có ích lợi giúp con người không sống trong đen tối, không phạm
lỗi lầm do mê tín dị đoan.
Ngày xưa, thời Ðức Phật còn tại thế, có một
người con của vị quốc sư, tên là Ma Ha Ca Chiên Diên, đến với Ðức Phật
xin được xuất gia tu hành. Ðức Phật hỏi nguyên do nào ông phát tâm như
thế. Ông trả lời rằng: Bởi vì ông chiêm ngưỡng 32 tướng tốt, 80 vẻ
đẹp của Ðức Phật. Ðức Phật bèn nói: Như vậy, sau này khi thân tướng Như
Lai già yếu, ông không còn phát tâm nữa sao? Lần thứ hai, ông lại
đến xin được xuất gia. Ðức Phật lại hỏi nguyên do. Lần này ông đáp:
Bởi vì ông tôn trọng pháp âm vi diệu của Ðức Phật. Ðức Phật bèn
nói: Như vậy, sau này khi Như Lai không thuyết pháp, ông không còn phát
tâm nữa sao? Lần thứ ba, ông lại đến xin được xuất gia. Ðức Phật cũng
hỏi nguyên do. Lần này ông đáp: Bởi vì ông kính phục chư tăng tu hành
nghiêm túc, cẩn mật. Ðức Phật bèn nói: Như vậy, sau này khi tình cờ thấy
vị tăng nào tu hành không như ý ông, ông không còn phát tâm nữa sao?
Ba lần xin được xuất gia đều không toại
nguyện, dù ông hết lòng tán thán tam bảo bên ngoài: Phật, Pháp, Tăng.
Lần sau cùng, ông đến với Ðức Phật và bạch rằng: Bạch Ðức Thế
Tôn, từ lâu con đã nghe Thế Tôn thuyết pháp, con đã suy nghĩ tường
tận chín chắn. Sau đó, đem áp dụng cho bản thân, áp dụng trong gia đình, con
thấy có ích lợi thiết thực, tâm được khinh an, gia đạo được yên vui.
Cho nên con phát tâm xuất gia để tu hành rốt ráo, cho đến giác ngộ
và giải thoát, để tự lợi và lợi tha. Ngưỡng mong Ðức Thế Tôn rủ
lòng từ bi hứa khả. Lần đó, Ðức Phật chấp nhận. Sau này, Ðại Ðức Ma Ha Ca
Chiên Diên trở thành vị đệ tử nghị luận bậc nhứt trong tăng đoàn thời
Phật.
Lời tác bạch của Ðại Ðức Ma Ha Ca Chiên Diên mang
ý nghĩa sâu sắc trong nhà Phật: Ngài đã nghe Ðức Phật thuyết giảng
giáo lý, đã suy nghĩ một cách chín chắn tường tận, mới đem áp dụng
vào đời sống của Ngài và của gia đình. Ðó chính là ba bước "văn,
tư, tu" để phát triển trí tuệ bát nhã. Văn có nghĩa là nghe,
là học hỏi, là nghiên cứu. Tư có nghĩa là tư duy, là suy nghĩ chân
chánh. Tu có nghĩa là sửa đổi, là thực hành, là áp dụng. Còn được
gọi là "Tam Tuệ Học" trong Phật giáo. Ba lần đầu, Ngài
hướng lòng tôn kính đến tam bảo bên ngoài, nên chưa được chấp nhận.
Sau cùng, Ngài biết "phản quan tự
kỷ", hướng về "tam bảo tự tâm", biết đường hướng
tu hành, để phát sanh trí tuệ. Nghĩa là Phật Tử biết hướng
về bản tánh sáng suốt của tự tâm gọi là Phật, hướng về pháp
môn vi diệu của tự tâm gọi là Pháp, hướng về bản thể thanh
tịnh của tự tâm gọi là Tăng. Do đó Ngài được chấp nhận, bởi vì đạo
Phật là đạo giác ngộ và giải thoát, con người đến với đạo Phật bằng
cửa trí tuệ, chứ không phải bằng niềm tin như các tôn giáo khác.
Trong Kinh A Hàm, Ðức Phật có dạy: "Tin tưởng Như Lai mà không hiểu
Như Lai, tức là phỉ báng Như Lai". Ðó chính là chánh tư duy vậy.
B. - Thế nào là tư duy
bất chánh? - Ngược lại, sự suy nghĩ ích kỷ, lợi mình
hại người gọi là tư duy bất chánh. Người nào suy nghĩ đến
chuyện tà thuật để mê hoặc lòng người, suy nghĩ đến những
phương cách sâu độc để hại người hại vật, suy nghĩ đến mưu cơ
để trả thù báo oán, suy nghĩ đến tài sắc danh vọng, đều
gọi là tư duy bất chánh. Người nào luôn luôn suy nghĩ đến chuyện
lợi mình hại người như vậy, chắc chắn cuộc sống không bình an, luôn luôn
bất ổn, hại người nên sợ người hại, gạt người nên sợ người gạt.
3. - Chánh Ngữ :
Trong Kinh Hoa Nghiêm, Ðức Phật có dạy: "Không
nên nói lời vô nghĩa. Phải giữ gìn lời nói. Lời nói phải chân thật, đúng
lúc, hợp Chánh Pháp, ích lợi cho mình cho người". Trong Kinh Pháp Cú,
Ðức Phật có dạy: "Dù nói hàng ngàn lời vô ích, không bằng chỉ nói
một lời đúng Chánh Pháp, có ích lợi làm cho tâm người nghe được an
tịnh".
A . - Thế nào là chánh
ngữ? - Chánh ngữ là lời nói chân chánh. Nghĩa là con
người nên nói lời thật thà lương thiện, công bình ngay thẳng, có ích
lợi chánh đáng. Chánh ngữ là lời nói thành thật và sáng suốt; lời nói ngay
thẳng hợp lý, hòa nhã, rõ ràng và giản dị; lời nói ích lợi, dung hòa,
khuyến tấn và duy nhất. Chánh ngữ là lời nói hợp Chánh Pháp, có ích
lợi, đem lại hòa bình, yên vui cho mọi người mọi nơi. Người giữ gìn
chánh ngữ là người dè dặt khẩu nghiệp, cẩn trọng lời nói, không bao
giờ nói sai sự thực, không thiên vị, không xuyên tạc, không vu oan giá
họa, không hăm he hù dọa.
Cổ nhân có dạy: "Hãy uốn lưỡi bảy lần truớc khi
nói". Uốn lưỡi đến bảy lần thì khỏi nói luôn. Lúc đó gọi là
ngộ đạo, bởi vì: "Ðạo bổn vô ngôn thuyết", bởi vì: "Ngữ
ngôn đạo đoạn". Nghĩa là đạo lý cao siêu, vốn không thể nói,
không có lời nào diễn đạt được. Khi còn nói lên được, đó chỉ là
phương tiện hướng dẫn mà thôi. Cho nên muốn kiến đạo, đừng chấp
lời nói, đừng chấp văn tự. Thí dụ như có người dùng ngón tay để chỉ
mặt trăng cho người khác thấy. Ngón tay chỉ là phương tiện. Mặt trăng
mới là mục đích cứu kính. Thấy được mặt trăng gọi là thấy đạo,
kiến đạo. Cho nên muốn thấy mặt trăng, đừng chấp ngón tay thế này
thế nọ.
Tục ngữ có câu: "Lời nói không mất tiền mua.
Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau". Trong xã hội hay gia đình, nếu
mọi người đều thực hành hai câu trên, xã hội sẽ an vui, gia đình sẽ
hạnh phúc. Vợ chồng con cái trên thuận dưới hòa, cộng đồng trên kính dưới
nhường, cuộc đời tươi đẹp biết là bao nhiêu. Một lời nói nói ra làm
cho người nghe hoan hỷ, nụ cười tươi tắn, tâm trí khinh an, đó gọi
là chánh ngữ vậy.
B. - Thế nào là tà
ngữ? - Ngược lại, lời nói bất chánh hay tà ngữ là lời
nói không chánh đáng, phi lý, tổn hại đến đời sống cùng danh dự
của người. Một lời nói ra có khi làm người nghe phải xức dầu cù là, nhức
óc nhói tim, có khi ngất xỉu tắt thở luôn, đó là lời nói sâu độc,
hiểm ác, đay nghiến, nguyền rủa, nhiếc mắng, thô tục. Một lời
nói ra có khi làm tan vỡ hạnh phúc gia đình người khác, đó là lời nói
đặt điều thêm bớt, thay trắng đổi đen, nước lã khuấy nên hồ, lộng
giả thành chơn, có nói không, không nói có.
Một lời nói ra có khi làm người khác mang họa vào
thân, đó là lời nói vu khống cáo gian, vu oan giá họa cho người. Một lời
nói ra có khi làm người khác lầm lẫn, đó là lời nói không đúng sự thực,
không ngay thẳng, thiên vị, dua nịnh, xuyên tạc, ngụy biện, trau chuốt, với
mục đích thủ lợi. Một lời nói ra có khi làm người khác xung đột oán thù,
thưa gởi kiện tụng, đó là lời nói dối trá, gây chia rẽ, đâm bị thóc
thọc bị gạo, có di hại cho mọi người và muôn vật. Những người có
nhiều tự ái, thường khó lòng nhịn được khi nghe những lời nói trái
ý, không thuận theo ý mình, thường hay tranh cãi bằng mồm hoặc bằng
thư rơi.
Có những lời nói vô nghĩa, nhưng cũng có thể làm
cho người khác bực mình, tức giận, bất an. Chẳng hạn như có người nói mình
ngu như con bò mà bày đặt dạy đời. Lời nói đó thực ra vô nghĩa lý,
bởi vì mình không ngu, mình không phải là con bò, cho nên không cần phải quan
tâm đến những lời nói như vậy. Trong Pháp Tứ Y, Ðức Phật có dạy:
"Y nghĩa bất y ngữ". Nghĩa là chúng ta chỉ nên quan tâm đến
ý nghĩa, không nên chấp vào lời nói. Ðược như vậy, chúng ta bớt
nhiều phiền não trên thế gian này.
4. - Chánh Nghiệp :
Con người thường có ba nghiệp, đó là: thân
nghiệp, khẩu nghiệp và ý nghiệp. Ở đây, chúng ta chỉ bàn
về thân nghiệp. Còn khẩu nghiệp thuộc phần chánh ngữ và ý
nghiệp thuộc phần chánh niệm.
A. - Thế nào là chánh
nghiệp? - Chánh nghiệp là nghề nghiệp và hành
động chân chánh. Nghĩa là con người nên chọn nghề nghiệp chân
chánh, hành động một cách ngay thật, có ích lợi chánh đáng cho mình và cho
người. Chánh nghiệp có ích lợi giúp con người mang lại bình an, hạnh
phúc cho chính mình và cho mọi người xung quanh.
Người giữ gìn chánh nghiệp là người dè dặt thân
nghiệp, luôn luôn thận trọng, giữ gìn mọi hành động, cử chỉ,
cách cư xử của mình, để không làm thương tổn đến quyền lợi,
nghề nghiệp, địa vị, danh giá, hạnh phúc và tánh mạng của mọi
người. Người giữ gìn chánh nghiệp là người hành động theo lẽ phải,
biết tôn trọng quyền sống và hạnh phúc của mọi người và muôn
vật, tôn trọng nghề nghiệp, không xâm phạm tài sản của mọi
người, không trác táng, tận tâm với chức nghiệp, biết hy sinh để
giải thoát khổ đau cho mọi người.
Người giữ gìn chánh nghiệp là người giữ gìn tam
nghiệp được thanh tịnh. Kinh sách có câu: "Tam nghiệp hằng thanh
tịnh. Ðồng Phật vãng tây phương". Nghĩa là nếu biết giữ gìn
tam nghiệp luôn luôn được thanh tịnh, chúng ta cùng với chư Phật,
hiện đời sống trong cảnh giới niết bàn, tự tại giải thoát, không
phiền não, chẳng khổ đau, không sợ địa ngục, chẳng cầu niết bàn.
B. - Thế nào là tà
nghiệp? - Ngược lại, tà nghiệp tức là hành vi hay
động tác không chánh đáng, phi lý bất lương, tổn hại mọi người.
Ðó là các hành vi sát hại bạo tàn, giết người hại vật coi như trò
giải trí, thú vui tiêu khiển, vui thích trên sự đau đớn của con người
và của con thú, trộm cắp của cải, chiếm đoạt tài sản, xúi giục kiện
thưa, thưa kiện kiếm tiền, ăn chơi trụy lạc, xa hoa trác táng,
khuyến khích người khác xa hoa trác táng, thượng đội hạ đạp, giẫm lên
người khác để tiến thân, bất chấp thủ đoạn, sáng tác thư rơi, đe
dọa mạng sống, nặc danh khủng bố, tinh thần người khác.
5. - Chánh Mạng:
Có một vị thiền sư khi tuổi đã cao, vẫn cứ ngày
ngày làm lụng như mọi người khác, các đệ tử thấy vậy bèn đem giấu
các dụng cụ làm việc của thầy. Ngày đó, vị thiền sư không làm
việc được, nên chẳng chịu ăn uống, và dạy rằng: "Một ngày không
làm là một ngày không ăn".
A. - Thế nào là chánh
mạng? -
Chánh mạng là mạng sống chân chánh. Nghĩa là
con người cần sinh sống một cách chánh đáng, có đời sống lương thiện,
ngay thật, trong sạch, không bạo tàn, không hèn mạt. Chánh mạng có ích lợi
giúp con người có cuộc sống bình đẳng, tương kính, không bị rẻ khinh.
Người giữ gìn chánh mạng là người sống một cuộc đời có ý nghĩa, lợi
mình, lợi người, không ăn bám ai, cũng chẳng ăn không ngồi rồi. Người theo
đúng chánh mạng là người sinh sống theo lẽ phải, biết tôn trọng
quyền sống và hạnh phúc của mọi người, tôn trọng nghề
nghiệp, không xâm phạm tài sản, tận lực làm việc, không tổn hại
mọi người và muôn vật, sinh sống với tài năng chân chánh, không giả dối
lừa gạt mọi người, sinh sống thanh cao không luồn cúi, không thượng đội
hạ đạp, sinh sống theo chánh giáo, không mê tín dị đoan.
B.- Thế nào là tà
mạng? - Ngược lại, tà mạng là sinh sống bất lương, gian
tham, không chánh đáng, phi lý, phạm pháp, có tổn hại trực tiếp hay
gián tiếp đến mọi người, làm tổn hại chúng sanh, giết thú
lột da, cưa ngà xẻ thịt, moi óc bẻ sừng, vặt lông làm đồ trang sức, may áo
may quần, cúng trăng cúng sao, tiên đoán vận mệnh, xem quẻ bói xăm, coi
tuổi tình duyên, tương lai gia đạo, ăn gian nói dối, lường gạt mọi
người, giao dịch gạt gẫm, sáng chế vũ khí, giết người hại vật,
chế đồ giả mạo. Quan niệm một ngày ăn cướp bằng ba năm làm, sống
theo lối nước đục thả câu, ngư ông hưởng lợi, đó là tà mạng.
6. - Chánh Tinh Tấn:
Trong Kinh Di Giáo, Ðức Phật có dạy: "Nếu
chuyên cần tinh tấn thì không có việc gì khó. Ví như nước chảy mãi,
đá cũng phải mòn". Trong Kinh Tứ Thập Nhị Chương, Ðức Phật có dạy:
"Người học đạo phải nên kiên tâm, trì chí, tinh tấn, dũng mãnh,
không sợ cảnh khổ trước mắt, phá diệt tà tâm, đạt thành đạo quả".
A.- Thế nào là chánh
tinh tấn? - Chánh tinh tấn là sự siêng năng chân chánh.
Nghĩa là con người siêng năng làm những việc có ích lợi cho mình và cho
người. Chánh tinh tấn có ích lợi giúp con người cải tạo thân tâm ngày một
thanh tịnh, tốt đẹp hơn, cuộc đời có ý nghĩa hơn. Người theo đúng
chánh tinh tấn bao giờ cũng phản quan tự kỷ, quay lại xét mình, siêng năng
chuyển hóa tâm trí, cải đổi tánh tình.
Trong Kinh Ðại Bát Niết Bàn, Ðức Phật có dạy:
"Chư ác mạc tác. Chúng thiện phụng hành. Tự tịnh kỳ ý. Thị chư
Phật giáo". Nghĩa là: Không bao giờ nên làm các điều ác, các
điều bất thiện, dù là nhỏ nhặt. Luôn luôn tinh tấn làm tất cả các
điều thiện, dù là điều thiện rất nhỏ. Tự thanh tịnh tâm
ý của chính mình. Ðó là lời dạy của thập phương tam thế chư Phật.
Người theo đúng chánh tinh tấn bao giờ cũng siêng năng sám hối, trừ bỏ
những lỗi lầm tội ác đã sinh, siêng năng tu tập các pháp lành, ngăn
ngừa tội ác chưa sinh, siêng năng làm việc thiện để tạo thêm
phước, phát triển việc lành, siêng năng tu tâm dưỡng tánh, việc
thiện chưa sinh làm cho phát sinh, dù trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng vậy,
không hề đổi thay, không chút chán chường.
Sách có câu: "Có công mài sắt có ngày nên
kim", nói lên sự kiên tâm bền chí, nhẫn nại phi thường, trải qua
thời gian năm tháng, không sờn lòng, không khuất phục, để đạt cho bằng
được mục đích cao cả của mình. Người tu theo hạnh tinh tấn của Bồ Tát
Ðại Thế Chí, làm các việc thiện, cứu người giúp đời, không
biết mệt mỏi, không hề nản lòng, không màng tính toán, không chút
so đo, không chịu ngừng nghỉ, mặc dù đang gặp nghịch cảnh, đang mắc khổ
nạn, đang gặp oán thù, mặc dù có gặp người lấy oán báo ân, cũng vẫn bình
thản. Ðó là chánh tinh tấn vậy.
B.- Thế nào là tinh
tấn bất chánh? - Ngược lại, có rất nhiều người siêng
năng làm những việc bất chánh. Ðó là những người chuyên sát nhơn hại
vật, gian xảo trộm cắp. Có những người siêng năng trong các việc dối trá
hiểm độc, sáng tác thư rơi, dua nịnh xuyên tạc, rượu chè cờ bạc, xa hoa
phung phí, phỉ báng mọi người. Cũng có những người siêng năng bới lông
tìm vết, vạch lá tìm sâu, soi mói đời tư, viết thư nặc danh, ngụy
tạo chứng cớ, thưa gởi kiện tụng, làm khổ chúng sanh.
7. - Chánh Niệm:
Trong Kinh Ðại Tập, Ðức Phật có dạy: "Nếu
thường xuyên giữ được chánh niệm, tâm không loạn động, dứt trừ được
phiền não, thì chẳng bao lâu đắc thành quả vô thượng bồ đề".
Trong Kinh A Hàm, Ðức Phật có dạy: "Không hạnh phúc nào có thể so
sánh với sự yên tĩnh của tâm trí".
A. - Thế nào là chánh
niệm? - Chánh niệm là sự nhớ nghĩ chân chánh. Nghĩa
là con người có những ý niệm chánh đáng, những đạo lý giác ngộ
và giải thoát. Chánh niệm có ích lợi giúp con người sống trong an ổn,
yên vui, không tạp niệm, ngày ăn ngon, tối ngủ yên. Người giữ gìn chánh
niệm là người dè dặt với ý nghiệp, luôn luôn nhớ nghĩ tứ
trọng ân: ân cha mẹ, ân thầy tổ, ân đất nước, ân mọi người, nhớ
nghĩ lỗi lầm để sửa đổi. Người giữ gìn chánh niệm là người
sống trong cảnh giới an lạc và hạnh phúc. Ðể giúp giữ gìn chánh
niệm, Ðức Phật có dạy bốn phương pháp tập trung tư tưởng như sau: quán
thân bất tịnh, quán thọ thị khổ, quán tâm vô thường, quán pháp vô ngã.
Các pháp quán tưởng này được gọi là "Tứ niệm xứ". Tứ
nghĩa là bốn. Niệm nghĩa là thường nhớ nghĩ. Xứ nghĩa là nơi chốn.
a) Quán thân bất tịnh: Nghĩa là
quán tưởng thân mình là tập hợp những thứ bất tịnh, không trong sạch, nhơ
nhớp, được bọc ngoài bởi lớp da cũng chẳng mấy gì sạch sẽ cho lắm. Khi
mạnh khỏe thì còn tạm tạm. Khi ốm đau, tai nạn, bệnh hoạn, già nua, thân
mình nhơ nhớp, máu mủ tanh hôi, ghẻ chốc gớm ghiếc, da dẻ nhăn nhúm,
đến lúc tắt thở, sình chương hôi thúi, không ai chịu nổi! Món ăn dù
ngon, đưa vô miệng rồi, lỡ rớt ra ngoài, không dám ăn lại!
b) Quán thọ thị khổ: Nghĩa
là quán tưởng sự cảm thọ, thọ nhận là khổ. Do tâm tham lam, con
người thọ nhận đủ thứ vật chất của cải để vinh thân phì gia, không
cần biết của thọ nhận chính hay tà, bo bo giữ gìn, đến lúc
chết, sinh lòng tiếc của, nhắm mắt không yên. Do tâm sân hận, con
người thọ nhận đủ thứ lời nói khó nghe, dù vô nghĩa, để bực
dọc, tức tối, bất an, sinh lòng thù oán. Do tâm si mê, con người thọ
nhận những tư tưởng mười năm báo thù không muộn, do điều gì bất như
ý, chạm chút tự ái, cũng hăm he thưa kiện, nhứt định trả thù,
để rồi gây ra biết bao nhiêu đau khổ cho người, dù thân hay thù. Nói
vắn tắt là: Thọ nhiều thì khổ nhiều, chấp nhiều thì mệt
nhiều. Buông xả thì thanh thản, tha thứ thì thư thái. Chuyện rất đơn
giản, thực hành không dễ dàng, nhưng không phải bất khả.
c) Quán tâm vô thường: Nghĩa là
quán tưởng cái tâm nhỏ hẹp của mình luôn luôn thay đổi, mới nghĩ thế
này liền nghĩ thế khác, lúc thương yêu đắm đuối lúc thù hận ngập
tràn, lúc thân lúc thù, lúc vui lúc buồn, lúc thương lúc ghét, lúc hiền
thiện lúc gian tà. Tâm của chúng ta luôn luôn dính với cảnh trần bên
ngoài, kinh sách gọi là tâm phan duyên. Cảnh trần bên ngoài thuận ý,
vừa tai thì vui thích. Cảnh trần bên ngoài nghịch ý, chói tai thì tức
tối. Nếu chỉ chạy theo sự sai khiến của cái tâm vô thường như vậy,
con người tạo tác không biết bao nhiêu nghiệp chướng, cho nên trôi
lăn, trầm luân trong sinh tử không biết bao nhiêu đời, bao nhiêu kiếp!
Trong kinh sách có câu: "Ðối cảnh vô tâm mạc vấn
thiền". Nghĩa là khi nào tâm của chúng ta không còn dính với cảnh
trần nữa, thản nhiên trước sự thịnh suy, thăng trầm của đời sống, bình
thản trước những lời khen tiếng chê, vượt qua được sóng gió của cuộc
đời, tức nhiên tâm của chúng ta sẽ được khinh an, tự tại, niết bàn và
thiền định rồi đó vậy.
d) Quán pháp vô ngã: Nghĩa là
quán tưởng các pháp trên thế gian này đều không có bản thể nhứt
định, gọi là vô ngã. Các pháp, là tất cả sự sự vật vật trên cuộc
đời, không có cái gì cố định. Tất cả chỉ là một dòng chuyển biến
không ngừng. Con người thấy đó mất đó. Chuyện gì rồi cũng đổi thay,
rồi cũng qua mau. Ðừng phí sức, đừng bận tâm với các pháp của thế gian.
Chẳng hạn như có câu: "Hết cơn bỉ cực tới hồi thới lai", hoặc
"Sau cơn mưa trời lại sáng".
Trong Kinh A Hàm, Ðức Phật có dạy: "Chư pháp
tùng nhân duyên sanh. Chư pháp tùng nhân duyên diệt". Nghĩa là
muôn sự muôn vật trên đời tùy theo nhân duyên mà sinh ra, cũng tùy theo nhân
duyên mà diệt đi. Không có cái gì, vật gì có thực tướng, không có cái
gì, vật gì tồn tại vĩnh viễn. Người ta chửi mình do mình gây nghiệp bất
thiện cảm với người. Người ta chửi mãi mõi miệng thì cũng ngưng
thôi, tức giận làm chi cho mệt! Ðừng đưa cái bản ngã của mình, tức là
cái tôi, cái ta, tây phương gọi là "EGO", ra hứng những ngọn
lửa của thế gian, thì mình đâu có bị đốt cháy, đâu có bị nhiệt
não, đâu có bị khổ tâm, đâu có bị ngày ăn không ngon, tối ngủ chẳng yên.
Ngọn lửa không thể đốt hư không được, sẽ tự dập tắt thôi. Vô ngã
đơn giản là như vậy đó!
B. - Thế nào là tà
niệm, tạp niệm, vọng niệm? - Ngược lại, tà
niệm là những ý niệm không chánh đáng, vọng niệm là những
ý niệm hư dối, tạp niệm là những ý niệm lung tung linh tinh
lang tang. Những người luôn luôn nhớ nghĩ lỗi người để phê bình chỉ
trích, nhớ nghĩ oán thù để phục hận trả thù, nhớ nghĩ ngũ dục:
tiền tài, nhan sắc, danh vọng, ẩm thực, thùy miên, luôn nhớ nghĩ
đến những thành tích xấu xa, gian giảo, để tự hào tự đắc, đó
gọi là tà niệm, tạp niệm hay vọng niệm.
Chư Tổ có dạy: "Nội cần khắc niệm chi công.
Ngoại hoằng bất tranh chi đức". Nghĩa là: Bên trong, chúng ta cố gắng
khắc phục tâm niệm lăng xăng lộn xộn, giữ gìn chánh niệm, chăn giữ
ý nghiệp, đó mới là công phu tu tập đúng Chánh Pháp. Bên ngoài,
chúng ta giữ gìn chánh ngữ, canh chừng khẩu nghiệp, không tranh cãi, không
hơn thua, đó là đức độ của người tu theo đạo Phật. Cho dù có bị phỉ
báng, có gặp nghịch cảnh, cũng vẫn bình tĩnh thản nhiên, ngoài mặt cũng như
trong lòng, không khởi lên bất cứ tâm niệm gì cả.
8. - Chánh Ðịnh:
Muốn được cuộc sống an lạc và hạnh phúc, chúng ta
phải khắc phục tâm ý của chính mình. Khắc phục tâm ý và an trụ tâm
ý là mục đích chính yếu của người tu theo đạo Phật. Chế ngự
được, khắc phục được tâm viên ý mã, tức là tâm như con vượn, ý
như con ngựa nhảy nhót lung tung, chúng ta mới đạt được chánh định, đó là
cảnh giới niết bàn, an nhiên tự tại, không khổ đau, chẳng phiền não.
A. - Thế nào là chánh
định? - Chánh định là sự thiền định chân chánh.
Nghĩa là con người tập trung tư tưởng vào một vấn đề chánh đáng,
đúng với chân lý, hợp lẽ phải. Người đạt được chánh định là người
bình tĩnh, thản nhiên trước bát phong của cuộc đời. Chánh định có ích lợi
giúp con người phát triển trí tuệ, mau tiến đến giác ngộ và
giải thoát. Tâm trí của con người thường xuyên lăng xăng lộn xộn, nhớ nghĩ
lung tung, linh tinh lang tang, không có dừng nghỉ, từ đông sang tây, từ cổ chí
kim, từ chuyện lớn đến chuyện nhỏ, từ thế giới năm châu
đến phụ nữ nhi đồng, từ quốc gia đại sự đến hang cùng ngõ hẹp,
hết chuyện gia đình đến chuyện hàng xóm, chuyện xưa
chuyện nay, thương ghét tốt xấu, thị phi phải quấy. Tất cả những
chuyện như vậy làm cho tâm của chúng ta luôn luôn loạn động. Tâm loạn
động thì trí bất an. Ngày ăn không ngon, tối ngủ chẳng yên. Ðể giúp con
người đạt được chánh định, Ðức Phật dạy các pháp quán tưởng sau đây:
a) Quán sổ tức: Nghĩa là quán
tưởng bằng cách đếm hơi thở ra hơi thở vào, để đối trị tâm loạn
động. Ðến khi thuần thục, chỉ cần theo dõi hơi thở, không cần đếm
số như lúc mới bắt đầu, đó gọi là tùy tức quán. Sách có câu:
"Thở vào tâm tĩnh lặng. Thở ra miệng mỉm cười".
b) Quán bất tịnh: Nghĩa là quán
tưởng thân mình là một tập hợp những thứ bất tịnh, không có gì đáng quan
trọng, khi chết thân mình chỉ còn là một cái thây ma không ai dám
đến gần, kể cả những người thân thiết nhất trên đời, để
đối trị tâm tham dục.
c) Quán từ bi: Nghĩa là quán
tưởng mọi người đều bình đẳng, đều có Phật Tánh như nhau,
đều đáng thương như nhau, thương người như thể thương thân,
để diệt trừ tâm sân hận, thù hằn, oán hờn, ganh ghét, ích kỷ,
đố kỵ. Không thể chỉ vì một chút tự ái nhỏ nhặt, một chút mặt
mũi, danh dự nào đó, có thể tạo nghiệp oán thù, kiện tụng thưa
gởi. Cổ nhân có dạy: "Chuyện gì mình không muốn người khác làm cho
mình, thì mình đừng làm cho người khác", cho dù với mục đích trả thù,
trừng trị kẻ khác, vì bất cứ lý do gì!
d) Quán nhân duyên: Nghĩa là
quán tưởng tất cả muôn pháp đều do nhân duyên sinh ra, cho nên giả hợp,
không bền vững, không tồn tại vĩnh viễn, để đoạn trừ si mê, chấp
ngã và chấp pháp. Muốn thực hành pháp quán này, cần thấu triệt và tin
sâu "Lý Nhân Quả" hay "Lý Nhân Duyên".
e) Quán giới phân biệt: Nghĩa
là quán tưởng lục căn tiếp xúc với lục trần sinh ra lục thức, tất cả
đều giả tạm, không thực. Lục căn, là sáu cơ quan của thân, đó là:
mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý, tiếp xúc với lục trần, là sáu cảnh
trên trần đời, bao gồm: sắc tướng, âm thinh, mùi hương, mùi vị, cảm xúc,
ký ức. Sự tiếp xúc đó gây nên những cảm giác, những ấn tượng,
gọi là lục thức. Trong kinh sách, lục căn, lục thức và lục trần gọi
chung là thập bát giới.
Thí dụ như mắt trông thấy sắc là viên kim cương, bèn
sinh lòng ham thích. Sự ham thích đó chỉ giả tạm, không nên theo. Bây giờ
thấy thích, về sau có thể không còn thích nữa. Nhưng nếu theo nó,
thì chúng ta phải lo tranh giành, lo kiếm tiền, làm việc quần quật,
đầu tắt mặt tối, từ sáng sớm đến khuya lơ, để mua sắm cho bằng
được, cho nên cực khổ tấm thân, mệt nhọc trí óc. Thí dụ như tai
nghe thấy tiếng khen thì khoái chí, thích ý, tối ngủ không được, cứ
nhớ tới hoài. Nếu tai nghe thấy tiếng chê tiếng chửi, thì đâm ra
bực dọc tức tối, càng khó ngủ hơn, cho nên tấm thân cực khổ trăm
bề. Trong kinh sách, có bài kệ như sau:
Mắt trông thấy sắc rồi thôi, (không dính, thôi
được thì tốt)
Tai nghe thấy tiếng nghe rồi thì không. (không mắc, lơ được thì hay)
Trơ trơ lẳng lặng cõi lòng, (bình thản, tâm được khinh an)
Nhẹ nhàng ta bước khỏi vòng trầm luân. (giải thoát, khỏi phiền não và
khổ đau)
B. - Thế nào là tà
định hay tà thiền? - Ngược lại, tà định hay tà
thiền là sự bình tĩnh trong việc làm tổn hại đến mọi người,
lạnh lùng tàn nhẫn khi thấy người khốn khổ đớn đau, không chút xót
thương, không hề tình cảm. Những người tu tập thiền định để
luyện trường sanh bất tử, thiền định để dối gạt người, đều
không phải là chánh định.
* * *
Tóm lại, Bát Chánh Ðạo là pháp môn rất thiết
yếu, rất thực tế, rất thông dụng cho bất cứ ai, không cứ phải là
Phật Tử, trên thế gian này, muốn xây dựng một cuộc sống có ý nghĩa,
muốn sống trong an lạc và hạnh phúc. Bát chánh đạo giúp con người cải
thiện tự thân. Con người do mê mờ nên hành vi bất chánh, ngôn ngữ đảo
điên, ý niệm tà vạy, chạy theo dục vọng, sống theo tà đạo, làm
việc bất lương. Trái lại, nếu con người biết tu theo bát chánh
đạo thì sẽ chuyển hóa được những sự bất chánh nói trên, kiến tạo
được một đời sống chân chánh, ích lợi, an lạc và hạnh phúc.
Bát chánh đạo giúp con người cải tạo hoàn cảnh. Hoàn
cảnh là phản ánh của tự tâm. Tự tâm bình thản thì hoàn cảnh an vui. Tự tâm
rối loạn thì hoàn cảnh bất an. Trong kinh sách, tự tâm gọi là chánh báo,
hoàn cảnh gọi là y báo. Chánh báo thế nào thì y báo thế ấy.
Người có tâm lương thiện thì sống trong cảnh hiền lành. Người có
tâm gian ác thì luôn luôn sống trong cảnh âu lo căng thẳng, thấp thỏm phập
phồng. Trên thế gian này, sở dĩ có những hoàn cảnh khổ đau, bởi vì con
người không biết sống theo bát chánh đạo. Nếu mọi người đều
biết sống theo bát chánh đạo, thì thế gian này chính là thiên đàng,
là cực lạc. Ðừng đứng núi này trông qua núi nọ. Như vậy chỉ khổ thân
và khổ tâm mà thôi. Tùy theo chỗ ở thường an lạc.
Sách có câu:
Tâm buồn cảnh được vui sao
Tâm an dù cảnh ngộ nào cũng an.
Chư Tổ có dạy: "Tu mà không học là tu mù.
Học mà không tu là đãy sách". Nghĩa là người phát tâm thực hành
việc tu sửa thân tâm mình, mà không chịu học giáo lý, không tìm
hiểu Chánh Pháp, ai nói gì cũng nghe, ai bảo gì cũng tin, đúng là mù
quáng. Còn người chỉ biết lo nghiên cứu, học rộng hiểu nhiều,
không lo tu tâm dưỡng tánh, không chịu quán sát tự tâm, chỉ lo phê bình chỉ
trích người khác, đúng là cái tủ, cái đãy, hay cái bị đựng sách mà
thôi, chẳng ích lợi gì cả. Thí dụ như có người suốt ngày đếm tiền
ở nhà băng của chủ, có người suốt ngày chăn trâu ngoài đồng cho chủ,
chiều về đến nhà, tiền không có, trâu cũng không!
Trong Kinh Thủ Lăng Nghiêm, Ðức Phật có dạy: "Tuy
có học rộng hiểu nhiều mà không tu hành, cũng đồng như người
không học không hiểu. Chẳng khác nào người nói ăn mà không ăn,
trọn không thể nào no được". Theo quan điểm của Phật
giáo, không cần phải thờ phượng Ðức Phật Thích Ca, hay bất cứ vị Phật nào,
vị Bồ Tát nào, chỉ cần sống đúng theo tinh thần bát chánh đạo, bất cứ
người nào cũng đều được an lạc và hạnh phúc, cao hơn nữa, đều
được giác ngộ và giải thoát. Bằng như ngược lại, lập bàn thờ Phật tại
gia, đi chùa lễ lạy, mà không sống đúng theo tinh thần bát chánh đạo, dù
là Phật tử tại gia hay xuất gia, cũng chẳng có ích lợi gì! Ðó mới thực là
chí công vô tư, mới thực là chánh đạo vậy.
---
o0o
---
Mục Lục
Tập
1:
1
|
2
|
3
|
4
|
5
|
6
|
7
|
8
|
9
|
10
|
11|
12
Tập
2:
1
|
2
|
3
|
4
|
5
|
6
|
7
|
8
|
9
|
10|
11|
Tập
3:
1|
2
|
3
|
4|
5|
6
|
7
|
8
|
9
|
10|
11|
12|
13|
14
|15|
16
---
o0o
---
| Thư
Mục
Tác
Giả
|
--- o0o ---
Chân
thành
cám
ơn
Cư
sĩ
Chính
Trực
đã
gửi
tặng
phiên
bản
điện
tử
bộ
sách
này
(Trang
nhà
Quảng
Đức,
05-2002)
Trình
bày
:
Nhị
Tường
Cập
nhật
ngày:
01-05-2002
Nguồn: www.quangduc.com
Về danh mục