Phật Học - Chuyện số mệnh

 

 

Chuyện số mệnh

(Một câu chuyện lý thú ngộ nghĩnh)

Hòa Thượng Thích Thiện Siêu

  

GIỚI THIỆU CHUYỆN

Sáng nay một đạo hữu đem sách này trao tôi, nhờ đọc xem có tham phá Phật pháp không. Sau khi đọc hết tôi nhận thấy trừ vài chi tiết, phần chủ yếu của sách chẳng có chi trái nghịch Phật pháp, theo những nhận định dưới đây:

1. Sách đi từ thuyết Số mệnh an bài, bất khả di dịch và vô căn cứ, đưa dần đến thuyết Nghiệp báo phát xuất từ vọng tâm chúng sanh và có thể cải biến. (Tất cả các pháp chỉ do vọng niệm mà có sai biệt, nếu rời vọng niệm đi thì không có tất cả cảnh giới - Luận Khởi Tín). Nếu do thuyết số mệnh người ta thường yên trí rằng giàu hay nghèo, sang hay hèn, sướng hay khổ, thông hay dốt, thọ hay yểu đều do số định, thì với thuyết Nghiệp báo cũng cho người ta sự yên trí tương tự: khi gặp lành người ta liền bảo tại trước kia đã ở hiền, khi gặp dữ người ta liền bảo vì kiếp xưa đã vụng đường tu. Nhưng xét kỹ nội dung thuyết Nghiệp báo đã không giống với thuyết Số mệnh ở chỗ có thể thay đổi tùy theo ý muốn của con người vì số mệnh, hay đúng hơn phải nói là nghiệp báo không phải ở đâu ngoài năng lực con người. Mỗi người chính là kẻ thụ hưởng mà cũng chính là chủ nhân sáng tạo ra đời mình, ra số mệnh mình. Số mệnh (cũng gọi là định mệnh) không phải là một tự nhiên mà là một chế tạo của nhân duyên tâm hành.

2. Sách phân tách rõ ràng, khúc chiết các điều thiện đã được thi thố xưa nay, nhờ đó ta có được một nhận định chân xác về tính chất các điều thiện tự làm hoặc ở người khác làm, để có thể giúp ta bớt phần thắc mắc đối với lý nhân quả báo ứng lắm lúc như vô căn cứ, mâu thuẫn. Tại sao có người được thiên hạ cho là hiền lành lại hay lâm tai họa trắc trở, còn kẻ bạo ngược hung tàn lại thường gặp điều tốt đẹp thuận lợi?

3. Sách chỉ cách lường công xét tội, đem điều lành trừ tính điều ác để cầu tiến bộ, làm cho điều lành nhiều hơn điều ác hầu đó biến cải nghiệp cũ, ảnh hưởng thụ quả mới theo ý chí cố gắng của mình.

4. Sách trình bày bốn mục, toàn là lời tự thuật để khuyến giáo gia đình của ông Liễu Phàm (người tỉnh Giang Tô, đời Minh, đậu tiến sĩ), song xét ra tính chất vẫn là lời khuyên nhủ chung cho tất cả mọi người trên đường hướng thiện với chủ tâm cải tiến cuộc đời mỗi ngày mỗi xứng đáng hoàn hảo.

Đạo hữu lại hỏi: Theo Thuyết nghiệp báo, người ta có thể thay đổi vận mệnh tùy ý muốn, song trên thực tế ai cũng cảm thấy mọi người như tuồng phải sống theo dòng đời đã định sẵn, không tài nào cưỡng chống. Như thế mà nói không phải do số mệnh định sao chịu vậy, số bắt phong trần phải phong trần, thì là gì?

Tôi đáp: Nghiệp có định nghiệp và bất định nghiệp. Định nghiệp là nghiệp đã quy hướng vào một chiều chờ thọ kết quả, hay đã thành quả, như do bao nhiêu tiền nghiệp nhất định mà một chúng sanh phải sinh làm người, và đã sinh ra làm người thì không thể biến đổi thành hình thú hay tướng mạo phi thiên. Trong khi làm người vẫn mang trong mình bao nhiêu nghiệp nhân chờ hưởng thụ quả báo hoặc giàu nghèo, thông dốt, thọ yểu v.v... Trong những nghiệp nhân này lại cũng có định và bất định. Nếu là nghiệp bất định, thì có thể cải đổi tùy theo nặng nhẹ, cạn sâu, nếu là nghiệp định thì thật khó lòng cải biến. Do đó dù trên nguyên tắc nghiệp báo có thể biến cải, song lắm lúc người ta phải nhắm mắt xuôi theo như theo một quyền năng khắc nghiệt khó cải chống. Nói khó cải bởi vì ít người có được một tâm hạnh sáng suốt, quyết liệt, sâu xa, bền bỉ tương xứng hoặc mạnh hơn nghiệp nhân đã đầy đủ sức để cải tạo nó, vì lẽ đó không làm sao hòng biến cải những hành nghiệp đã thành cố định? Chính trên phương diện này, khiến người ta khó thể không lầm nhận nghiệp báo chẳng khác gì số mệnh là bao nhiêu! Và nếu luận đến biệt nghiệp và cộng nghiệp thì còn có thêm những lý lẽ để giải đáp cho câu hỏi trên.

Đạo hữu lại hỏi: Thế thì sách này có thể dịch in ra để phổ biến cho nhiều người cùng đọc được không?

Tôi đáp: cứ như ý kiến vừa trình bày, sách này không ngại phổ biến cho nhiều người cùng đọc. Có thể nhờ đọc nó, người ta có cơ hội bước vào cửa ngõ Chánh pháp, mạnh dạn tiến trên đường hành thiện đúng với nhận định chính xác luật nhân quả báo ứng hiển nhiên.

Đạo hữu lại thiết tha mong tôi chuyển ra Việt văn. Tôi chấp nhận. Với nội dung khuyến thiện trên, tôi tin rằng những trang tiếp sau sẽ đem lại cho bạn đọc nhiều lý thú.

Phật lịch 2506 - 1962.

* * *

CHUYỆN SỐ MỆNH

1. Cái học lập mạng:

Tôi bị mồ côi cha từ nhỏ. Mẹ tôi cho theo nghề Y học và nói với tôi rằng: Học nghề làm thuốc vừa có thể nuôi sống vừa có thể giúp người. Vả lại luyện tập một nghề cho tinh vi có tăm tiếng, chính là sở nguyện của cha mày khi trước.

Sau đó, có một hôm tôi đến lễ chừ Vân, nhân gặp một cụ già râu dài tướng đẹp, dáng mạo phơi phới như tiên, tôi đem lòng kính mộ. Cụ nói với tôi: "Ta coi cậu là người trong chốn quan trường, sang năm đã đến khoa thi tấn học, sao cậu không chịu đọc sách?". Tôi trình bày lý do và hỏi thăm tên họ quê quán của Cụ.

Cụ bảo: Ta họ Khổng, người đất Vân Nam. Ta được chánh truyền phép lý số trong sách Hoàng Cực của Thiệu Ưng tiên sinh. Ta muốn truyền lại cho cậu.

Tôi liền dẫn Cụ về nhà giới thiệu với mẹ tôi, mẹ tôi dạy tiếp đãi Cụ rất hậu, và yêu cầu Cụ thử chấm số của tôi xem ra thế nào, thì quả nhiên từ những việc mảy may đều được Cụ đoán trúng rành mạch. Từ đó tôi nảy sanh ý muốn đọc sách, và đem chuyện bàn với người anh cô cậu là Trầm Sinh. Anh ấy bảo tôi: hiện nay có Úc Hải Cốc tiên sinh đang mở khóa giảng tại nhà ông Trầm Hữu Phu, để anh gởi em tới đó học, rất tiện. Sau đó tôi trở thành học trò của thầy Úc Hải Cốc.

Khổng tiên sinh chấm số tôi như vầy: Lúc nhỏ thi huyện đậu thứ 14, thi phủ đậu thứ 71, thi tỉnh đậu thứ 9. Quả nhiên năm sau tôi đi thi cả ba nơi đều có tên đậu đúng như lời đoán.

Cụ lại đoán cả việc lành dữ trong suốt đời tôi, rằng năm nào thi đậu thứ mấy, năm nào được bổ Bẩm sinh năm nào được bổ chức Cống sinh, sau đó năm nào được bổ Tri huyện tỉnh Tứ Xuyên, nhưng làm tri huyện đủ ba năm rưỡi lại nên cáo thối và thọ đến 53 tuổi, chết vào giờ sửu ngày 14 tháng tám. Chỉ đáng tiếc số người không con. Các lời đoán này tôi đều ghi lại và nhớ cẩn thận. Từ đó về sau, phàm mỗi lần thi cử, tên tuổi đậu đạt đứng trước đứng sau của tôi thế nào đều đúng như lời tiên sinh dự đoán, duy có điều này làm tôi hơi nghi là tiên sinh đoán tôi ăn lộc trong thời gian Bẩm sinh đủ số 91 thạch 5 đấu gạo thì được bổ Cống sinh, nhưng cập kỳ tôi mới tiêu hết số gạo 71 thạch, đã được Đồ Tôn sư phê chuẩn cho tôi bổ Cống sinh, nên tôi nghi điều này tiên sinh đoán sai, không ngờ sau đó tôi bị quan đại lý Dương Công bác khước, phải kéo dài thời gian mãi đến nãm Đinh mão mới nhờ Minh Tôn sư thấy quyển văn thi của tôi tại khoa trường, khen rằng: Năm thiên sách này chính là năm thiên tấu nghị lên triều đình, người có tài văn bài thế này há lại để vùi lấp mãi ở chỗ song môn sao? Rồi ông trình văn bài của tôi lên quan huyện và tôi được phê chuẩn bổ Cống sinh. Kiểm điểm lại số gạo tiêu trong thời gian này cộng với số gạo 71 thạch khi trước thì vừa đủ số 91 thạch 5 đấu không sai; do đó tôi càng tin chắc đời người tiến thối có số mạng, mau chậm có vận thời, nên tôi cứ dửng dưng không còn để ý mong cầu một điều gì.

Sau khi bổ Cống sinh tôi phải vào yến đô học tại Quốc tử giám. Suốt một năm lưu lại kinh đô, tôi chỉ thường ngồi lẳng lặng, không buồn xem văn thư gì cả. Qua năm Kỷ t#273;i dạo Nam Ưng. Trước khi vào Quốc tử giám, tôi có đến viếng thăm Thiền sư Vân Cốc Hội ở núi Thể Hà. Ngồi chung với Thiền sư một nhà suốt ba đêm ngày liền, mắt không hề nhắm. Thiền sư hỏi tôi: người ta ở cõi đời sở dĩ không làm được Thánh Hiền chỉ vì bị vọng niệm ràng buộc, nay ông ngồi suốt ba ngày mà không thấy khởi lên một niệm nào, là tại làm sao? Tôi trả lời: Thưa Thiền sư, tôi được Khổng tiên sinh chấm số, cho biết mọi điều vinh nhục tử sinh đều do số định, dầu có móng lòng mơ tưởng điều gì cũng vô ích, vì vậy tôi không cần nghĩ tưởng điều gì. Thiền sư cười: Lâu nay tôi đãi ông như bậc hào kiệt, không ngờ ông chỉ là một kẻ phàm phu chay! Tôi giựt mình, hỏi Thiền sư cho biết lý do, Thiền sư dạy: những người chưa được "không tâm" mới phải bị âm dương chi phối, số mệnh buộc ràng. Nhưng số mệnh chỉ câu thúc kẻ phàm phu, không thể câu thúc được người cực thiện cũng như cực ác, ông suốt 20 năm nay chịu bó tay trước số mệnh không chuyển đổi được tí gì, như thế, há không phải phàm phu thì là gì? Tôi hỏi: Thưa Thiền sư, vậy số mệnh có thể tránh được ư? Thiền sư dạy: Số mệnh do ta gây ra, họa phước chính ta tìm lấy. Đó là điều sách vở đã dạy đành rành. Kinh Phổ Môn, Phật dạy: Cần giàu sang được giàu sang, cần con trai con gái, được con trai con gái, cần sống lâu được sống lâu. Ôi! Vọng ngữ là một giới cấm nặng của nhà Phật, há lẽ chư Phật Bồ-tát lại khi cuống người đời mà nói ra câu ấy hay sao! Tôi hỏi tiếp: Thầy Mạnh Tử nói: Hễ cầu thời được, ấy là nói cầu những điều chính nơi tâm mình có thể làm được kia, như điều đạo đức nhân nghĩa thời có thể ra sức mong cầu, còn như công danh phú quí là đều ngoài năng lực mình, làm sao mong cầu được? Thiền sư nói: Thầy Mạnh Tử nói không lầm, chỉ tại ông hiểu lầm thôi. Ông không nghe ngài Lục tổ Huệ Năng nói sao? Ngài nói: Hết thảy phước điền, không ngoài gang tấc, hễ tâm cầu chi đều cảm thông nấy. Cầu ngay nơi ta, không những được đạo đức nhân nghĩa, cũng được luôn công danh phú quý, hễ trong đạt được thì ngoài đạt được, nên càng thấy rõ hiệu nghiệm của tâm hướng nội mong cầu. Người nào không chịu khó ngó lui mình để tu tỉnh, cứ như một bề dong ruổi tìm cầu bên ngoài, tuy họ có lập cách tìm cầu thế nào chăng nữa, kết quả vẫn tùy số mệnh định đoạt cả thôi. Lối mong cầu này hoài công vô ích. Những người không chịu hồi tâm tu tỉnh, lo cầu mong phú quí công danh bằng con đường đạo đức nhân nghĩa, lại chỉ lo tìm cầu mọi thủ đoạn gian ác, rốt cuộc họ phải bị thiệt thòi cả hai mặt, là công danh phú quí không thành mà đạo đức nhân nghĩa cũng hỏng.

Thiền sư lại hỏi tôi về việc chấm số của Khổng tiên sinh, tôi thuật lại đúng cả mọi điều. Thiền sư hỏi lại tôi: Bây giờ ông thử xét lại ông còn có hy vọng thi đậu không? Tôi ngẫm nghĩ một hồi lâu rồi trả lời: Không thể. Người khoa giáp phải là người có phước tướng, còn tôi chỉ là kẻ bạc phước, lại không biết dồn chứa công hạnh làm nền tảng phước đức, không chịu khó giúp ai, không khoan dung đại độ, có khi còn cậy mình tài trí lấn lướt kẻ khác, nghĩ gì làm nấy, nói năng khinh suất dối trá, chẳng nể vì ai. Đấy toàn là những tướng của kẻ bạc phước, làm sao tôi mong cầu được khoa giáp! Vả lại phàm đất nhớp mới có nhiều vi trùng sinh, nước trong thì đâu có cá lội, thế mà xét lại tính tôi vốn ưa tinh khiết, nên tôi không con là phải; phàm khí tiết ôn hòa mới nuôi dưỡng muôn vật, thế mà xét lại tính tôi hay nóng nảy, thế nên không con là phải; phàm nhân ái là gốc sinh hóa, nhẫn tâm là gốc suy tàn, thế mà xét lại tính tôi cứ khư khư danh tiết hảo huyền, chẳng hề hy sinh giúp ai, thế nên tôi không con là phải. Đó là chưa kể tôi còn có tật nói nhiều làm tổn khí, tật ưa uống rượu làm tán tỉnh, tật ưa ngồi suốt đêm không biết bảo tồn khí cốt và nếu kể hết tật xấu của tôi thì hẳn còn nhiều nữa...

Thiền sư nói: Không riêng gì một việc thi cử, chính tất cả mọi việc thế gian này thảy đều nằm trong lý nhân quả. Những người có được sản nghiệp trị giá ngàn vàng tức là người có được cái phước hưởng ngàn vàng đó, những người có được sản nghiệp trị giá trăm vàng tức là người có được cái phước hưởng trăm vàng đó, những người bị chết đói, tức là người có cái nghiệp chết đói đó. Thế mà người đời không nhận rõ lẽ này, cứ đổ dồn cho trời đất xui nên, kỳ thật trời đất bất quá chỉ gia thêm những điều mình đã tạo sẵn, chứ trời đất có bao giờ sanh được mảy may họa phúc nào cho ai đâu. Ngay đến việc sinh con cũng thế. Người nào có công đức trăm đời thời sẽ sinh con cháu trong mười đời kế tiếp gìn giữ; người nào có công đức ba đời, hai đời thời sẽ sinh con cháu trong ba đời, hai đời kế tiếp gìn giữ, còn người nào tuyệt nhiên không con, ấy là người chỉ có công đức mỏng manh vậy. Nay ông đã biết chỗ khuyết điểm của mình, ông hãy tận tình gột bỏ cái tướng không phát khoa giáp và không sinh con kia đi. Và muốn vậy, ông phải lo tích đức, phải mở lòng bao dung, phải giữ niệm hòa ái, phải yêu tiết tinh thần, bao nhiêu việc trước đập tan ngày qua đã chết, bao nhiêu việc sau phát khởi như ngày nay đã sinh, được vậy tức là ông tự làm một cuộc tái sinh đầy nghĩa lý đó.

Cái thân xác thịt còn có vận số, huống cái thân đầy nghĩa lý này lại không cảm thông cùng trời đất? Thiên thái giáp trong kinh Thi có câu: Trời làm ương nghiệt, mình có thể tránh, mình làm ương nghiệt không thể nào tránh. kinh Thi nói: Thường hay nói phối hợp thiên mạng chính là nói tự mình cầu được nhiều phước. Trước đây Khổng tiên sinh đoán số ông không phát khoa giáp, không sinh con, đó là điều ương nghiệt do trời đất gây ra, nó có thể tránh gỡ. Nếu ông mở rộng đức tính, gắng làm việc thiện, dồn chứa âm công, mình gây ra phước, há mình không được hưởng thụ hay sao?

Dịch là bộ kinh mưu tính việc sưu các ty hung giúp cho người quân tử - hạng người biết phản tĩnh tu đức. Nếu thật có cái thiên mạng cố định, ai tốt cứ tốt, ai xấu cứ xấu, thì đâu có thể nói đến chuyện mưu tính sưu các ty hung? Mở đầu kinh Dịch còn có câu: Nhà nào chứa điều thiện sẽ có thừa điều phúc (tất thiện chi gia tất hữu dư khánh), ông có tin nỗi điều ấy chăng?

Tôi tin lời Thiền sư nói, nên thành tâm bái lãnh. Tôi liền đến trước Phật đài tận tình phát lộ sám hối bao nhiêu tội cũ của mình, và dâng một sớ bạch, trước hết cầu được đăng khoa giáp, tiếp phát nguyện làm ba ngàn điều lành, để báo đáp ân đức của trời đất tổ tông.

Thiền sư đưa bảng "Công hóa cách" chỉ cho tôi, khiến cứ mỗi ngày có công việc thiện ghi vào, còn làm ra mấy việc ác thì thối trừ và gắng chuyên trì chú Chuẩn-đề, như thế sở nguyện của ông tất có hiệu nghiệm.

Thiền sư lại dạy tiếp: Một nhà Phù lục thường nói rằng: Người họa phù mà không hiểu cách thức, tất bị quỷ thần chê cười, song bí truyền của cách họa phù không chi lạ, chỉ cốt giữ tâm không lay động mà thôi. Khi cầm bút họa phù, điều cần thiết trước tiên phải dũ sạch muôn mối duyên lự trong lòng, tâm đừng khởi lên mảy may tưởng nghĩ nào cả. Ngay khi tâm bất động ấy, hạ bút chấm một chấm gọi là hỗn độn khai cơ, rồi từ đó tiếp hơ bút họa viết, không để một tư lự nào móng lên, được như thế là điệu phù thành linh nghiệm. Phàm người kỳ đảo trời đất cầu sửa đổi số mệnh cũng phải làm như thế, phải do từ cái tâm không vọng động, không loạn tưởng khởi mới có cảm cách.

Khi thầy Mạnh Tử luận đến cái học lập mạng có câu: yểu và thọ không hai. Thực tế ta thấy chết yểu và sống lâu hai điều khác xa nhau, tại sao thầy Mạnh lại nói khác? Nên biết khi tâm không vọng niệm, thì ngay đó đâu có phân chia số mạng thọ yểu, giàu nghèo, cùng thông... Chỉ từ tâm móng khởi thiện ác mới tạo nên những số mệnh sai khác giữa giàu nghèo v.v... Nhưng phàm đã sinh ra ở đời, ai không coi việc chết sống là quan trọng, nên trên đây chỉ nói đến việc sống lâu và chết yểu, kỳ thật ý đã bao gồm tất cả mọi sự thuận nghịch xảy ra trên suốt cả đời người.

Đến như câu "Tu thân dĩ sĩ chi" mà Mạnh Tử đã nêu lên, là cốt nhắc người đời nhớ lấy điều tích đức tu nhân làm hệ trọng.

Hễ tu được nhân đức thời dầu có mọi tội lỗi vẫn cải bỏ được hết, và nói chờ đợi (sĩ) tức có ý nói gắng lo tu nhân tích đức đến khi công phu sâu dày, tự nhiên số mệnh thay đổi, chớ không phải chỉ đem cái hy vọng suông cầu cho được thế này thế kia mà được kết quả thế này, thế kia. Người thông đạt đạo lý, dù một mảy may hy vọng cũng chẳng để dính mắc trong lòng, được như thế mới đạt đến cảnh giới bất động niệm hồn nhiên, mới đạt đến chỗ thật học cao siêu.

Nay Ông chưa được "không tâm", Ông hãy trì niệm chú Chuẩn-đề, cần niệm mãi không gián đoạn, không cần kể số ít nhiều, trì niệm đến khi nào được thuần thục, trong trì niệm mà không trì niệm, trong không trì niệm mà trì niệm, thì bây giờ được tâm không lay động, mà có sự ứng nghiệm rõ ràng.

Sau khi được Thiền sư chỉ dạy, tôi liền đổi hiệu Học Hải trước kia để lấy Liễu Phàm, vì từ đây đã hiểu cái lý nghĩa lập mạng là thế nào, không muốn để mình rơi vào sào huyệt phàm phu nữa. Từ nay trở đi, suốt ngày gìn giữ cẩn thận, do đó tôi tự thấy ngày nay khác xa ngày trước. Ngày trước tôi chỉ là con người lêu lỏng buông xuôi, nhưng từ nay tôi đã biết lo gìn lòng giữ ý, cẩn thận từng khắc từng giờ, dẫu ở chỗ kín đáo riêng tư, lòng vẫn sợ lỡ làm điều chi sai quấy, mắc tội với trời đất, hoặc dẫu gặp ai ganh ghét, phá phách, tôi cũng cố giữ tánh điềm nhiên hỷ xả.

Bước sang nãm sau, bộ Lễ mở khoa thi, Khổng tiên sinh đoán bộ sẽ khảo thí từ tên đậu ba trong khóa trước trở xuống, nhưng nay bộ lại khảo thí từ tên đậu nhất. Thế là lời dự đoán của Khổng tiên sinh lần này không ứng nghiệm; và Tiên sinh không đoán tôi được đậu Cử nhân thế mà tôi đã đậu Cử nhân trong kì Hương thí mùa thu!

Tuy nhiên tôi tự xét việc hạnh nghĩa mình làm chưa thuần thục, sai sót còn nhiều. Hoặc có khi thấy việc lành mà làm không hăng hái, hoặc có khi cứu giúp người mà tâm còn do dự, hoặc có khi thân gắng làm lành mà miệng có nói ác, hoặc khi tỉnh thì tháo vác mà khi say lại phóng dật... tôi đem tội chiết tính bù trừ với công, thì thấy hẳn có nhiều ngày mình sống uổng! Tôi phát nguyện từ năm Kỷ tà mãi đến năm Kỷ mão, suốt 10 năm, mới hoàn thành ba ngàn việc thiện! Khi rời Lý Tiệm Am tiên sinh để vào Bản bộ Trung Quốc, tôi chưa kịp làm lễ hồi hướng ba ngàn việc thiện kia, năm Canh thìn có dịp trở lại Nam Biên, tôi mới thỉnh các Hòa thượng Thánh Không, Huệ Không đến Đồng tháp Thiền đường chứng minh cho lễ hồi hướng, nhân đó tôi lại phát nguyện làm thêm ba ngàn điều lành khác để cầu sinh con, và đến năm Tân ttôi đã may mắn hạ sinh một quý tử.

Mỗi lần làm một việc gì, tôi liền lấy bút ghi vào sổ, vợ tôi không viết được, nên hễ làm được việc gì thì lấy nắp bút chấm son ấn vào tờ lịch một khoanh tròn. Chẳng hạn như bố thí cho người nghèo, mua vật phóng sinh, tính ra mỗi ngày có đến mười khoanh. Sang tháng tám năm Quí mùi, tính lại đủ số ba ngàn điều lành, sau khi đã khấu trừ các điều ác. Tôi lại thỉnh các Hòa thượng Thánh Không, Huệ Không đến nhà chứng minh lễ hồi hướng. Ngày 13 tháng 9, tôi lại phát nguyện làm thêm một vạn điều lành, cầu thì đậu Tiến sĩ, quả nhiên năm Bính tuất tôi thi đậu và được bổ làm Tri huyện Bửu Đê.

Trong lúc làm Tri huyện, tôi sắm sẵn một tập sách để ghi thiện ác, đặt tên là Trị Tâm Thiền (sách sửa lòng). Cứ mỗi sáng dậy, gia nhân đem nó giao lính hầu đem đến để trên án làm việc. Nếu trong ngày, tôi làm được điều lành điều dữ nào dù lớn dù nhỏ đều ghi rõ ràng vào sách, đêm đến thiết án giữa trời, bắt chước ông Triệu Duyệt Đào thắp hương cáo với trời đất (1). Vợ tôi thấy đã lâu mà chẳng làm được bao nhiêu việc lành, mới châu mày buồn bã nói: Trước Ông ở nhà có tôi giúp sức, nên Ông đã làm đủ ba ngàn điều lành theo sở nguyện. Nay Ông nguyện làm thêm một vạn điều, nhưng ở tại công đường chẳng có việc gì để làm, thì biết bao giờ Ông mới làm đủ số ấy.

Đêm đó, mộng thấy một Thần nhân, tôi mới than thở về lý do khó là đủ các điều lành minh đã hứa. Thần nhân bảo: Chỉ một việc giảm khinh tiền thuế cho dân của Ông vừa rồi, cũng đủ sánh bằng một vạn điều lành. Nghe lời Thần nhân bảo, tôi liền xét lại nhớ mình có làm việc đó thật. Vì khi trước thuế ruộng của huyện Bửu Đê, mỗi mẫu phải đóng 2 phân 3 ly 7 hào, xét ra quá nặng đối với muôn dân nên tôi đã khu xữ làm cho giảm xuống mỗi mẫu chỉ đóng 1 phân 4 ly 6 hào. Tuy vậy, tôi vẫn hồ nghi không hiểu tại sao việc làm đó lại có thể sánh bằng một vạn điều lành, may đâu gặp được Huyền Như Thiền sư vừa từ núi Ngũ Đài đến, tôi đem chuyện nằm mộng ra hỏi có đáng tin không, Thiền sư trả lời: Hễ có thiện tâm chân thiết, thì một việc lành có thể đương được muôn việc lành, huống chi giảm thuế cho cả một huyện, muôn dân đều chịu ơn. Tôi liền cúng một số tiền lương, nhờ Thiền sư đem về Ngũ Đài trai Tăng một vạn vị sư, gọi là để làm lễ hồi hướng cho tôi.

Khổng tiên sinh trước kia đoán tôi đến nãm 53 tuổi gặp tai nạn, nhưng đến năm đó chẳng có gì xảy ra, dù tôi không hề cầu đảo xin tăng thọ, và nay thì tuổi tôi đã 69 rồi. Trong Kinh Thi có câu: Trời không dễ tin, mạng không định thường, lại có câu: Vận mạng chẳng nhất định. Những câu ấy đâu phải là lời dối trá! Do đó tôi biết chắc rằng, họa phúc đều phải cầu ngay nơi mình, đó mới thật đúng ý của Thánh Hiền, ngược lại người nào nói họa phúc do mệnh trời, thì đó là lối suy luận thông thường của kẻ thế tục.

Hiện tại số mệnh mỗi người thế nào chưa dễ biết được. Vậy đang khi được hiển vinh hãy tưởng như gặp điều không vừa ý, đang khi được thuận lợi hãy tưởng như gặp điều trái nghịch, đang khi được sung túc hãy tưởng là thiếu nghèo, đang khi được mọi người ái kính hãy tưởng khi bị khuất phục, đang khi gia thể trọng vọng hãy tưởng như mình ở hạng thấp hèn, đang khi có chút học vấn uyên thâm hãy tưởng mình còn thiển cận. Xa về trước, nghĩ tới công đức tổ tiên để lo kế tuyên dương, gần hiện tại, nghĩ tới lầm lỗi của mẹ mà tìm cách bồi bổ, trên lo đền ơn trước, dưới lo tạo phước gia đình, ngoài thì giúp người tai nạn, trong thì lo ngăn ngừa tà ác chính mình. Cốt phải ngay thấy chỗ sai quấy của mình để lo toan hối cải. Nếu một ngày không tự biết mình quấy tức một ngày an lòng tự cho mình là phải, một ngày không ăn năn hối quá tức một ngày không tiến bộ.

Hạng người thông minh tuấn kiệt trong thiên hạ đâu phải hiếm, nhưng nếu họ không gắng lo tu đức, mở mang thiện nghiệp, họ cũng chỉ sống một đời đình trệ, an phận dật dờ gặp chãng hay chớ mà thôi!

Cái thuyết lý an thân lập mạng của Vân Cốc Hội Thiền sư trao dạy trên đây thật là chí tình, chí lý, chí chân, chí chánh. Nếu biết ngẫm kỹ và thực hành sẽ khỏi một đời luống trôi vô ích vậy.

* * *

2. Hối cải lỗi lầm

Những quan đại phu thời Xuân Thu, thường quan sát sự nói năng hành động của mọi người để đoán định điều họa phúc của họ, phần nhiều đúng nghiệm cả. Những điều này đều có ghi trong các bộ Tả truyện, Quốc ngữ, hãy đọc đến tất thấy. Hầu hết những triệu chứng tốt xấu, đều manh nha từ trong tâm ý rồi hành động ra tay chân. Nếu một người thiên hẳn về phúc hậu họ thường gặp phước, một người thiên hẳn về khắc bạc họ thường mang họa. Song người phàm mắt tục ít ai thấy rõ điều này, mới vội cho họa phúc báo ứng mâu thuẫn khó lường!

Hễ người nào đem tâm thành tín làm việc thiện tất yếu việc làm của họ hợp cùng chân lý, mà hạnh phúc sẽ đến với họ, trái lại thì tai họa theo chân. Cứ xem ở điều lành điều ác của họ làm, người ta cũng biết trước việc đó. Nhưng những người muốn lánh họa cầu phúc, hãy lo ăn năn cải quá, trước khi nói tơi việc làm lành.

Theo pháp cải quá, đầu tiên phải có tâm biết hổ thẹn, nghĩ rằng ta cũng là bậc trượng phu nam tử như cổ Thánh tiên Hiền, thế sao các ngài làm thầy cả thiên hạ, được muôn đời tôn thờ, còn ta lại cứ lẹt đẹp thấp hèn một đời ngói bể, cứ lo say đắm dục tình, thầm lén làm điều bất nghĩa, còn cho là không ai biết, Vễnh mặt ngạo nghễ không chút thẹn thùng, đến đổi mỗi ngày mỗi sa đọa xuống hàng cầm thú mà không tự biết, thật chẳng còn chi hổ nhục cho bằng! Thầy Mạnh Tử nói: Điều lớn lao khẩn yếu nhất đối với con người là tâm biết hổ. Vì rằng hễ người nào giữ được tâm đó thì trở nên Thánh Hiền, kẻ nào bỏ mất tâm đó thì chẳng khác chi cầm thú. Cho biết tâm hổ thẹn là động cơ chính trong việc cải quá tự tâm.

Thứ hai, phải có tâm sợ hãi. Hãy nghĩ rằng mình làm việc gì đều có Thánh thần ở trên mình, xung quanh mình biết rõ, không dối trá được. Dẫu mình có phạm tội lỗi nhỏ nào, người đời đều không thấy, Thánh thần đâu có mù mờ. Hễ tạo tội nặng, có trăm họa kéo theo, gây tội nhẹ thì giảm mất phước báo hiện tiền. Như vậy sao được không dè dặt sợ hãi.

Chẳng những thế thôi, ngay lúc nhàn cư, thần linh càng thấy rõ. Mặc dù ta có che dấu những điều mình làm kín đáo đến đâu, trau chuốt khéo léo thế nào, oan trường vẫn bị bại lộ, cuối cùng không thể tự dối; huống chi đã bị mọi người dòm thấy thì dù một chút giá trị chẳng còn, như vậy há không đáng cẩn thận sao?

Vả lại, khi còn hơi thở, dù có gây ác tày trời vẫn còn mong hối cải, nên lắm người một đời tạo ác, đến phút lâm chung biết hối ngộ, nhất một niệm thiện tâm mãnh liệt, họ vẫn có thể hưởng được một cái chết an lành. Cổ đức nói: Một niệm lành mãnh liệt đủ rửa sạch tội trăm năm, ví như cái hang sâu tối ngàn năm, chỉ rọi một ngọn đèn, tối kia liền biến mất. Vậy không kể tội lỗi đã tạo lâu hay mới tạo, miễn biết thành thật hối cải là tội hết. Trần thế vô thường, mạng người chẳng mất, khi hơi thở ra không vào, dù muốn hối cải chẳng kịp nào. Kẻ làm ác đã phải mang tiếng ác suốt trăm ngàn năm trên dương thế, không con hiền cháu thảo nào rửa sạch, lại phải chịu ngục báo trầm luân muôn vạn đời, dù Thánh hiền, Phật, Bồ-tát cũng khó lòng cứu vớt. Như thế là không kiêng sợ được ư?

Thứ ba, phát tâm dõng mãnh: những người không ăn năn hồi quá, phần nhiều là những người dần dà có tánh thụt lui. Biết vậy, ta cần phải dũng mãnh hăng hái, đừng nên do dự, đừng nên chần chờ, hãy xem tội nhỏ như bị mũi nhọn châm làm thúi thịt, mau mau khoét vất, sợ tội lớn như bị rắn độc cắn tay, mau mau cắt bỏ, không được trì trễ phút nào. Càng trễ càng nguy, càng mau càng có lợi.

Những người có đủ ba thứ tâm nói trên, dù có tội lỗi đến đâu vẫn cải đổi được như băng sương gặp ánh mặt trời làm sao không tan biến. Nhưng nên biết có những tội lỗi được cải đổi do việc làm thực sự, có những tội lỗi được cải đổi do triệt ngộ đạo lý, có những tội lỗi được cải đổi do tận tâm. Công phu không đồng nên hiệu quả cũng khác. Chẳng hạn ngày trước sát sanh nay sẽ răn dè đừng giết, ngày trước nóng giận nay phải răn dè đừng nóng... đó là cách hối lỗi do việc làm thực sự. Lối này chỉ mới là lối cưỡng chế bên ngoài, khó lòng sạch tội, vì bệnh căn còn chất chứa trong lòng, thì tội dù diệt bên Đông lại mọc bên Tây, nên lối cải quá này chưa phải là hoàn hảo cứu cánh. Vậy muốn dứt lỗi triệt để, trước khi cưỡng chế sự việc phải thấu rõ đạo lý. Như muốn chừa bỏ tội sát sanh trước hãy rõ lẽ này:

Trời đất vốn hiếu sinh, muôn loài đều tiếc mạng, giết vật để nuôi mình, làm sao yên lòng được. Vật bị giết đã đành phải chịu cắt xẻ, nếu đau đớn tận xương tủy, ảo não muôn phần, mà ta ăn vào dù béo bổ ngon bùi đến đâu hễ nuốt khỏi cổ liền trở thành đồ hôi thối rồi tiêu ma, chi bằng rau dưa vẫn no bụng, còn tránh khỏi cái tội sát sanh làm tổn phước mình không ít.

Vả chăng, phàm là loài huyết khí đều có tính linh tri, đã có tính linh tri thì cùng ta không khác (vật ngã nhất thể). Ví bằng không thực hành nổi những điều chí đức khiến chúng nó kính ta, thân ta, thì cũng chớ nên mỗi ngày sát phạt sinh linh, khiến chúng nó mãi oán ta thù ta đời kiếp! Người nào đã nghĩ được như thế thì dẫu muốn giết vật ăn thịt, cũng thấy thương tâm chẳng ham ăn nữa.

Lại nếu muốn trừ bỏ tật hay nóng giận thì trước hãy suy nghĩ: Người có chỗ hư hỏng không bằng ta là người đáng thương, còn người trái lẽ xâm phạm ta, lỗi ấy thuộc về họ, chớ ta can dự gì mà nổi cơn giận dữ. Huống hồ trong thiên hạ không đáng hào kiệt nào là người nặng tánh tự thị, cũng không bậc học thức nào là người hay oán trách tha nhân, vì họ biết rõ việc mình làm không thành là bởi đức tu của mình chưa thấu đáo, cho cảm ứng chưa tới nơi, họ luôn luôn phản tĩnh, nên đối với họ dù gặp những điều hủy báng, cũng xem như cơ hội tốt để mà luyện tâm đức, mà luôn luôn hoan hỷ đón nhận không hề phẫn nộ. Khi nghe lời hủy báng mà không phẫn nộ thì dù ngọn lửa bài báng cao ngất trời xanh cũng tự nhiên tắt biến như phóng lửa đốt hư không. Trái lại hễ nghe lời dèm chê vội nóng giận thì dù có khôn ngoan xảo biện đến đâu, cũng chỉ như tằm xuân kéo kén, càng kéo lại càng buộc chặt mình. Nóng giận, chẳng những vô ích mà còn gây nên tai hại đến thế.

Ngoài các tính nóng giận còn bao nhiêu tính xấu khác đều có thể suy biết, và hễ rõ thấu lẽ này thì tội lỗi nào cũng trừ diệt được.

Thế nào là tội từ tâm cải? Tội lỗi vô vàn đều do tâm tạo, tâm không vọng động thì tội lỗi dựa vào đâu phát sinh? kẻ học thức không cần phải phanh tìm từng bệnh hiếu sắc, hiếu danh, hiếu tài, hiếu nộ, nhưng chỉ cần nhất tâm hành thiện, giữ gìn chánh niệm tự khắc tiêu tan như vầng thái dương chiếu giữa hư không, mọi thứ ma mị đều bặt dấu. Tội lỗi do tâm tạo tất cũng do tâm cải đổi, như muốn chặt cây độc, chỉ chặt ngay gốc nó, chớ cần chi phải tỉa từng nhánh lá nhọc công lâu lắc.

Đại để cách đối trị tâm bệnh hay nhất là giữ lòng cho thanh tịnh. Hễ tâm vừa móng động liền giáo biết, biết tất liền tiêu. Hoặc nó không tiêu, hãy quán xét lý lẽ nói trên để trừ đoạn, nếu cũng không trừ được, thì lại lấy sự để cấm chỉ. Trước lo tu tâm sau lo khởi công hạnh sự. Như thế mới là lối sửa chữa tội lỗi đắc sách nhất.

Khi phát nguyện cải quá cần phải nhờ thiện hữu đề huề, cầu Hiền Thánh chứng tri. Nhất tâm sám hối ngày đêm không giải đãi, trải qua một thất (bảy ngày), hai thất, cho đến một tháng, ba tháng, tất sẽ có hiệu nghiệm rõ ràng, hoặc tự thấy tâm thần thoải mái, trí tuệ mở mang, hoặc đang trong chỗ phiền toái rối ren mà gặp đâu thông suốt đó, hoặc gặp oán cừu mà họ bỏ giận làm lành, hoặc mộng thấy khạc nhổ vật đen, mộng thấy được các bậc Thần, Thánh, Tiên, Hiền đề huề tiếp dẫn, hoặc mộng thấy bay đi giữa hư không, mộng thấy tràng phan bảo cái đưa rước, tóm lại là gặp được các chuyện tốt lành nhờ lỗi tiêu, tội diệt hiện ra. Tuy nhiên, không được cố chấp lấy đó để tự cao tự đại, lãng quên bề tiến hóa.

Xưa ông Cừ Bá Ngọc, đang lúc 20 tuổi đã biết xét tội lỗi lúc thiếu thời để lo chừa bỏ, đến lúc 21 tuổi vẫn thấy rõ lỗi trước chưa sạch, đến 22 tuổi lại thấy lúc 21 tuổi còn như kẻ ở trong mộng. Cứ mỗi năm lại mỗi năm, ông không ngớt cải đổi, đến lúc 50 tuổi ông còn thấy gì sai quấy lúc 49 tuổi. Cái lối cải quá của người xưa như thế thật đáng phục thay! Chúng ta hiện mang thân phàm tục, tội ác dập dồn, thế mà ít ai xét thấy, đó phải chãng là vì tâm còn thô và mắt bị lòa? Dù thấy không thấy mặc lòng, hễ đã tạo tội ác sâu dày tất không tránh khỏi những điều bất hảo, hoặc tâm thần hôn muội, chưa nhớ đã quên, hoặc thường sinh phiền não dẫu không việc gì xúc động, hoặc gặp người quân tử thì hoảng sợ mặt đỏ hồn tiêu, hoặc chẳng ưa nghe lời hay lẽ phải, hoặc giúp người mà lại bị người oán, hoặc mộng thấy điên đảo, đến nỗi nói cuồng thất chí... đó toàn là các tướng quái nghiệt của tội ác hiện ra, người nào gặp cảnh như thế này cố gắng dõng mãnh cải quá tự tân, may ra mới khỏi điều mê hoặc.

* * *

3. Chứa đức làm lành

Kinh Dịch nói: Nhà nào chứa lành sẽ có dư phúc. Xưa nhà họ Nhan trước khi muốn gả con gái cho Thúc Lương Ngột đã không quên tra xét công việc chứa đức của Tổ tông nhà ấy để suy xét con cháu về sau chắc chắn hưng xương. Đức Khổng Tử có lời khen vua Thuấn là đại hiếu rằng: Ông Thuấn mà tế Tổ tông thì Tổ tông chứng hưởng, phước để con cháu thì con cháu được trông nhờ.

Ông Thiếu sư Dương Vinh người đất Kiên Ninh, nhà đã nhiều đời sống với nghề đưa đò, có một lần xảy ra cơn mưa lụt nước ngập tràn phá hại dân cư, nhiều người bị trôi theo dòng nước. Trong lúc đó, mọi kẻ khác lo bơi thuyền vớt của, riêng ông cố và ông nội của Thiếu sư lại lo tìm vớt người, chẳng chút để tâm tới tài vật, người chung quanh thấy thế chê là ngu, nhưng từ ngày thân phụ Thiếu sư ra đời, nhà ông dần dần thịnh vượng. Có một Thần nhân gia hình Đạo sĩ đến nói với ông rằng: Tổ phụ nhà người có âm đức, con cháu sẽ nên quý hiển. Quả thật sau sinh Thiếu sư, mới 20 tuổi đã đậu đại khoa, làm quan tới chức tam công, và cả ông cố, ông nội và thân phụ của Thiếu sư đều được phong chức quan lớn. Ai cũng biết dòng dõi nhà này đến nay vẫn phát nhiều người hiền tài xuất chúng.

Ông Dương Tự Trưng, người huyện Cần, lúc đầu được làm huyện Lại, giữ lòng nhân hậu, xử đoán công minh, nhân một lần ông gặp quan Tri huyện đánh khảo một tên tù máu tuôn lai láng mà vẫn chưa đã giận. Dương Tự Trưng mới quỳ gối khuyên giải, ông Tri huyện trả lời: Những kẻ làm điều vượt pháp trái lẽ thế này, khiến ai không giận được. Dương Tự Trưng cúi đầu nói: quan trên đã bỏ rơi pháp luật, khiến dân lý tán lâu ngày rồi, nay giả sử quan huyện xét thấy người kia quả có tội phạm, động lòng thương xót buồn bã, thế mà xử trị sợ còn chưa được công minh, huống lại nổi giận đùng đùng, làm sao công minh được. Nghe câu ấy quan huyện liền dịu lòng thôi giận.

Dương Tự Trưng tuy nhà rất nghèo, nhưng ai tặng biếu gì cũng không nhận. Hễ gặp tù nhân thiếu thốn ông thường tìm cách giúp đỡ. Một lần nọ có vài người tù đang đói đến xin, gặp lúc nhà ông thiếu gạo, nếu giúp cho tù thì người nhà phải nhịn đói, còn để cho người nhà ăn thì cảnh tù đói đáng thương, ông mới thương lượng với vợ. Vợ ông hỏi: Các người tù ấy đâu đến? Ông đáp: Từ Hàng Châu đến. Nhận thấy họ đi xa đói khát, mặt mày xanh xao hốc hác đáng thương, vợ chồng ông liền đem phần gạo của mình nấu cháo cho họ ăn. Về sau hai vợ chống sinh được hai trai, một tên Thủ Trần, một tên Thủ Chí. Cả hai đều làm quan tới chức Lại bộ tả hữu thị lang. Cháu trưởng làm Hình bộ thị lang, cháu thứ làm chức Liêm hiến tỉnh Tứ Xuyên, toàn là những vị triều thần tên tuổi còn để tiếng đời nay.

Khoảng niên hiệu Chánh Thống đời Minh, có Đặng Mậu Thất nổi loạn tại tỉnh Phúc Kiến, sĩ dân trong xứ theo rất đông, triều đình cử quan Ngự sử Trương Giai dùng mưu bắt giặc, sau ông này lại ủy quan Bố chánh họ Tạ làm chức Đô sự tìm giết đảng giặc. Tạ xét trong sổ hễ thấy người nào nghi không thực sự oan phạm, thì âm thầm trao cho một lá cờ nhỏ vải trắng, dặn khi nào quân binh đi đến thì cắm cờ ấy ra trước cửa, đồng thời ra lệnh cho quân lính không ai được giết càn, nhờ đó hàng vạn người sống sót khỏi bị chết oan. Về sau con của Tạ là Thiên, thi đỗ Trạng nguyên, làm Tể tướng, cháu Tạ tên Phỉ, thi đỗ Thám hoa.

Nhà họ Lâm ở huyện Phố Điển, nhiều đời trước trong nhà có một là lão ưa làm việc thiện. Bà thường lấy bột gạo làm thành từng vắt để bố thí. Hễ ai đến xin là cho, không hề tỏ vẻ buồn chán. Có một vị Đạo nhơn hằng ngày đến xin sáu, bảy vắt, bà lão vẫn vui lòng cho, suốt ba năm liền như thế. Vị Đạo nhân biết bà ta thật có lòng thành, mới bảo rằng: Tôi ăn của bà suốt ba năm, bây giờ biết lấy gì báo đáp, thôi tôi chỉ cho bà biết ở sau phủ bà ở có chỗ đất tốt, bà hãy dặn con cháu say này đem bà đến đó, chôn, tất con cháu sẽ phát tước lộc lớn. Về sau con cháu y lời dặn chôn bà. Quả thật đời thứ nhất có tới chín người đỗ đạt, và tiếp tục nhiều đời nhà này trở thành một nhà thế kiệt trâm anh, đến đỗi tại tỉnh Phúc Kiến có câu ca dao: Thiếu mặt người họ Lâm thì bảng vàng không nở.

Tóm lại những điều trên, tuy thi hành với nhiều lối, nhưng rốt lại đồng là việc thiện. Những việc thiện này nếu gia tâm xem xét kỹ sẽ thấy có chân có giả, có thẳng có công, có âm có dương, có thị có phi, có thiên có chánh, có nửa có toàn, có lớn có nhỏ, có khó có dễ. Nếu làm lành mà không thấu đạt lý lẽ này, nhiều khi khổ công nhọc trí, chẳng đem lại lợi ích gì.

Việc lành có chân có giả là thế nào? Xưa có mấy Nho sinh đến hỏi Trưởng lão Trung Phong Hòa thượng rằng: Nhà Phật dạy điều thiện ác báo ứng như bóng theo hình, nhưng tại sao hiện thấy có những người làm lành mà con cháu không phát đạt, còn những người làm ác mà gia đình thịnh vượng, thế Phật nói nhân quả chẳng có bằng cớ gì xác đáng? Hòa thượng Trung Phong trả lời: Vì phàm tình chưa sạch, chánh nhãn chưa bày, người đời thường nhận lầm thiện ra ác, ác ra thiện, ít ai biết tự trách điều thị phi điên đảo của mình. Mấy Nho sinh nói: Thiện là thiện, ác là ác, làm sao tương phản được? Hòa thượng bảo họ chỉ cho xem ít việc. Một người nói: đánh mắng người là ác, kính trọng người là thiện. Hòa thượng nói: không hẳn như thế. Một người khác nói tiếp: Tham tài vọng phú là ác, liêm khiết thủ thường là thiện. Hòa thượng vẫn nói: Không hẳn như thế. Mấy Nho sinh lần nữa nói đủ tướng trạng thiện ác. Hòa thượng vẫn một mực: Không hẳn thế. Nhân đó mấy Nho sinh cầu ngài chỉ dạy. Ngài dạy: giúp ích người gọi là thiện, chỉ vì ích mình gọi là ác. Vì giúp ích người cho nên dù có đánh mắng cũng vẫn là thiện, trái lại chỉ vì ích mình nên dù có kính trọng người cũng vẫn là ác (1). Vì vậy người làm thiện đem lại ích lợi cho người là công, mà công tức là chân, còn vì lợi mình ấy là tư, mà tư tức là giả. Lại việc thiện tự lòng phát ra là chân, tập theo thói cũ là giả, không trước tướng mà làm chân, trước tướng mà làm giả...

Việc lành có thẳng có cong là thế nào? Thế thường thấy kẻ mềm mỏng lừ đừ không khí khái quật cường, ai cũng hoan hỉ cho là người lành, nhưng Thánh nhân lại ưa hạng người có chí khí cao xa, hoặc an phận thủ kỹ, vì hạng này dễ khai hóa, còn hạng trên tuy được mọi người khen tặng, xét kỹ họ chỉ là giặc của nền đạo đức tiến bộ. Thiện ác của người đời tương phản với thiện ác của Thánh nhân như thế, đủ thấy những điều thiện ác thủ xả theo chỗ nhận xét của thế thường làm sao không bị sai lạc! Vậy nên người nào muốn tích tập thiện căn, quyết không thể bằng vào các điều thiện ác bề ngoài mắt thấy tai nghe, nhưng cốt ở chỗ ẩn nhiệm của tâm tư, lo vun bồi gột rửa. Nếu quả thật thuần có lòng cứu người giúp đời ấy là thẳng, còn hễ xen vào mảy may mị thế là cong, thuần một lòng yên người là thẳng, hễ xen chút ghét giận là cong, thuần một lòng kính người là thẳng, còn xen vào ý nghĩ cốt làm đẹp lòng người là cong....

Việc lành có Âm có Dương là thế nào? Phàm làm việc lành mà người ngoài biết được là dương thiện, làm việc lành mà người ngoài không biết được là âm đức. Âm đức được phúc báo, dương thiện hưởng danh thơm. Nhưng danh thơm thường khi là điều đáng húy kì xưa nay biết bao nhiêu người vì háo danh thành thử bị danh làm hại, lâm vào cảnh tai họa, ngược lại những người không tội lỗi mà cứ bị thiên hạ chê oan, thì lắm lúc con cháu họ được phát đạt. Cái lẽ âm dương như thế, phải để tâm nhiều mới hiểu hết.

Việc làm có thị có phi là thế nào? Nước Lỗ có lệ hễ người nào bỏ tiền chuộc người nước Lỗ khỏi tay các chư hầu địch thì được lãnh lại số tiền tại quan phủ. Tử Cống giàu có, bỏ tiền ra chuộc được nhiều người song không chịu lãnh lại số tiền vì ông thầm nghĩ mình chỉ làm việc nghĩa mà thôi. Đức Khổng Tử nghe được chê Tử Cống là sai, vì đại phàm bậc Thánh nhân làm gì cũng cốt hy vọng cải tiến thói đời thế tục, giúp cho ai nấy làm theo, chớ không phải cốt để thỏa chí riêng mình. Hiện nay trong nước Lỗ người giàu ít, người nghèo đông, nếu cho rằng kẻ nào chuộc người rồi còn trở lại lãnh tiền ở quan phủ là không liêm chính, thì chắc từ này không còn mấy ai dám nghĩ tới việc chuộc người khỏi tay địch nữa! Thầy Tử Lộ vớt người bị đắm, được người ta tạ ơn một con trâu. Đức Khổng Tử nghe được mừng rằng: Từ này nước Lỗ sẽ có nhiều người để ý vớt kẻ chết chìm.

Cứ lấy mắt thường tình mà xem, việc Tử Cống không nhận tiền bồi thường là cao quí, Tử Lộ nhận trâu là thấp hèn, nhưng Đức Khổng Tử lại khen Tử Lộ mà chê Tử Cống. Cho biết khi làm lành không nên kể sự trạng trước mắt mà nên kể ảnh hưởng lan truyền sâu xa, không nên kể một thời mà nên kể đến lâu dài, không nên kể một thân mình mà nên kể cả thiên hạ. Những việc đang làm tuy là thiện nhưng nếu lưu tệ tại người thì đó là tợ thiện chớ không phải chơn thiện, những việc đang làm tuy như bất thiện mà lưu ích giúp người thì nó in tuồng phi thiện mà thật ra là thiện. Cứ thế suy rộng ra những điều nghĩa phi nghĩa, lễ phi lễ, tín phi tín, từ phi từ, đều không ngoài cách thức đó.

Việc lành có thiên có chánh thế nào? Xưa ông Lã Công là người đức độ, cả nước đều kính ngưởng ông như Thái Sơn Bắc Đẩu, sau khi từ chức Tể tướng về ở quê nhà, một hôm có người say rượu đến mắng ông dữ dội, ông vẫn thản nhiên và bảo người nhà đóng cửa lại, không nên cạnh tranh với kẻ say. Năm sau người ấy vì say phạm tội sát nhân bị bắt bỏ ngục. Lã Công biết được ân hận lắm: Cơ chi năm trước nó đến mắng ta, ta cho nó vài hèo rồi bắt tống giam quách để trị, chắc nó được tránh khỏi mối đại họa hôm nay. Nhưng lúc đó chỉ nghĩ việc bảo tồn tâm nhân hậu, không ngờ đó là cách dưỡng ác cho nó, nên nỗi ngày nay nó mới ra người phạm trọng tội (1). Đây là một việc chứng tỏ trong tâm lành mà hành sự ra ngoài ác. Lại có khi đem tâm ác mà hành sự ra ngoài lành, như có nhà nọ rất giàu, gặp năm đói khó, đem lúa ra chợ bán, bị dân nghèo cướp ngay giữa chợ, nhà nọ cáo quan, quan bỏ qua không xử, dân nghèo được thế làm già, nhà ấy rình bắt ít tên làm khổ nhục, bấy giờ cả bọn mới chịu yên, nếu không thì đã loạn cả chợ. Cho hay thiện là chánh mà ác là thiện, điều ấy ai cũng biết, nhưng ít người để ý tới có khi tâm lành mà hành sự lại ác, thì việc lành đó là thiên trong chánh chớ không phải chánh trong chánh, có khi tâm ác mà hành sự lại lành, thì việc lành đó lại là chánh trong thiên chớ không phải thiên trong thiên.

Việc lành có nửa, có toàn là thế nào? Kinh Dịch có câu: không chứa lành không đủ để nên danh, không chứa ác không đủ để diệt thân. Kinh Thi nói: Tội nhà Thương như xâu tiền đầy. Chứa lành chứa ác như chứa vật vào kho, hễ siêng chứa thì đầy, nhát chứa thì lưng, sư đã quá rõ ràng vậy. Xưa có người đàn bà vào Chùa, muốn cúng mà nghèo, chỉ được có hai tiền đem cúng, vị Trú trì thân hành làm lễ kỳ nguyện, sau bà ấy được đưa vào chỗ sang giàu, lại đem vài ngàn lượng vàng vào chùa cúng, lần này vị trú trì sai đồ chúng làm lễ. Bà ta lấy làm ngạc nhiên hỏi: Ngày trước tôi chỉ cúng có hai tiền mà ngài thân hành lễ sám, nay tôi cúng tới đôi ngàn lượng vàng sao ngài lại không thân hành lễ sám cho tôi? Vị trú trì đáp: ngày trước vật tuy đạm bạc mà lòng rất chân thành, phi lão Tăng lễ sám không đủ để báo đức bà, nay vật tuy hậu song tâm cúng dường không thiết tha bằng trước, nên người thay lão Tăng làm lễ cũng đủ rồi. Ấy, ngàn vàng là nửa là lưng, mà hai tiền là toàn là đầy vậy.

Lại, Tiên Chung Ly khi trao dạy phép luyện đơn cho Lã Tổ có dặn rằng: Khi đơn luyện thành có thể đem chấm trên tiền thì tiền biến ra vàng, giúp cho người nghèo khổ tiêu dùng được. Lã Tổ hỏi: cuối cùng nó có biến mất không? Chung Ly đáp: Sau năm trăm năm nó biến lại tiền như cũ. Lã Tổ nói: như thế thì hại cho người ở đời sau khoảng năm trăm năm, tôi thề không làm điều đó. Chung Ly khen: Pháp tu tiên cần phải chứa đủ ba ngàn công hạnh, nay ngươi nói được câu đó thì ba ngàn công hạnh ngươi đã đủ rồi. Đây lại một cách xét việc lành đầy, lưng, nửa, toàn vậy.

Lại làm lành mà tâm không chấp trước thì mỗi việc đều được viên mãn, trái lại tuy làm suốt đời mà việc lành cũng chỉ có được một nửa. Ví như đem của giúp người mà trong không thấy mình giúp, ngoài không thấy người nhận, trung gian không thấy vật đem giúp thì được gọi là bố thí tam luân không tịch hay nhất tâm thanh tịnh. Bố thí như vậy, dù một Lon gạo cũng có thể gây vô lượng phước, một đồng bạc có thể tiêu ngàn kiếp tội. Nhược bằng tâm khư khư chấp trước, thời tuy bố thì từng thoi vàng, phước đức cũng chỉ có được một nửa. Đây lại một cách xét việc lành đầy, lưng, nửa, toàn vậy.

Việc lành có lớn có nhỏ là thế nào? Xưa có ông Vệ Trọng Đạt làm quan Hàng Lâm, nhân một hôm mộng thấy Minh Quan bắt về âm phủ, Phủ quan sai lại dịch đem trình hai bản ghi thiện ác, thấy bản ghi ác chất một đống to, còn bản ghi thiện chỉ bằng chiếc đũa, nhưng đem cân thì một đống to lại nhẹ, mà bằng chiếc đũa lại nặng. Trọng Đạt ngạc nhiên nói: Tôi chưa đầy 40 tuổi, có đâu đã làm nhiều ác đến thế. Minh Quan đáp: một niệm bất chính là ác rồi, không đợi phải hành phạm. Trọng Đạt bèn chỉ cuốn giấy và hỏi: Trong cuốn giấy bằng chiếc đũa kia ghi gì? Minh Quan đáp: Triều đình hưng đại công làm cái cầu đá ở Tam Sơn, người đã dám thượng sớ can ngăn việc ấy. Cuốn giấy này là bản sớ của ngươi. Trọng Đạt nói: Tôi tuy có sớ can nhưng triều đình bác bỏ, chẳng bổ ích gì thực sự, làm sao nó có hiệu lực thế kia? Minh Quan nói: triều đình không cứ mặc dù, song một niệm lành của ngươi đã làm cho muôn dân cảm mến, giả sử triều đình khi ấy chấp cứ, thời việc tốt của ngươi càng lớn lao hơn nữa. Cho hay hễ chí để vào thiên hạ quốc gia thời việc lành tuy nhỏ mà lớn, nếu chí để vào bản thân thời việc lành tuy nhiều vẫn ít, (việc ác cũng thế).

Việc lành có khó có dễ là thế nào? Tiên Nho thường nói: muốn khắc kỷ phải bắt đầu khó. Đức Khổng Tử khi luận cập điều nhân cũng nói trước phải khó khăn, nghĩa là phải trừ khử tư tâm. Chẳng hạn như ở Giang Tây có Thư Lão Ông làm nghề dạy học, nhân gặp một người nghèo thiếu tiền quan, vợ người ấy sắp bị quan bắt làm tôi tớ, Thư Lão Ông liền bỏ số tiền nhập học của học trò mà ông đã dồn được trong hai năm ra chuộc, nhờ đó vợ chồng người kia khỏi bị ly tán. Trương Lão Ông ở tỉnh Trực Lệ, nhân gặp một người bị nợ khốn, phải đem cầm vợ con. Lão Ông liền bỏ số tiền mình dồn được trong 10 năm ra chuộc, nhờ đó vợ con người kia được an toàn. Bỏ tiền cứu người như hai trường hợp trên thật là hiếm có, ít ai làm nổi. Những kẻ có tiền tài thế lực, họ làm công đức rất dễ, nhưng dễ mà không chịu làm ấy là người tự bao tự hãm, những kẻ nghèo hèn làm được phước rất khó, khó mà gắng làm ấy mới đáng quý.

Tuy những cơ hội giúp người thì vô kể, song ước tóm đại cương thì mười điều này khả dĩ gọi là lớn: 1. Chung với người làm lành; 2. Giữ tâm ái kính; 3. Giúp người nên tốt; 4. Khuyên người làm lành; 5. Cứu người nguy cấp; 6. Gây dựng lợi lớn; 7. Bỏ của làm phước; 8. Hộ trì Chánh pháp; 9. Kính trọng tôn trưởng; 10. Yêu tiếc sinh vật.

Chung người làm lành là thế nào? Ông Thuấn khi chưa làm vua, nhà ở bên đầm Lôi Trạch, nhân thấy những kẻ chài cá trai tráng thì đành chài ở chỗ đầm sâu, nước tụ nhiều cá, còn người già yếu phải chài ở chỗ nước cạn nước chảy phóng cá, ông Thuấn động lòng thương mới cùng họ đi chài. Hễ thấy người nào có tánh tranh giành, ông làm thinh không nói, còn thấy kẻ nào biết tương nhượng thì ông tán dương và bắt chước. Ông làm như thế suốt một năm, sau đó ai nấy đều noi gương ông mà tương nhượng nhau để ai cũng được chài ở chỗ đầm sâu nước tụ. Ôi! Ông Thuấn là bậc minh triết, há lại không đủ lời để dạy kẻ khác sao, thế nhưng ông đã không dạy bằng lời mà lại đem thân ra làm để chuyển hóa. Thật là một cử chỉ cao thượng khó khăn vậy. Xem thế, bọn ta ở đời mạt thế cũng chớ nên ý chỗ mình hay mà lấn lướt người, ỷ điều mình tốt mà làm khó dễ người, ỷ mình tài năng mà khốn ức người, hãy nên thâu liễm tài trí, làm như vụng về, thấy tội lỗi người thì bao dung che dấu, một mặt khiến họ cải đổi, một mặt họ húy k không dám làm càn. Hoặc thấy ai có điều gì hay, điều gì tốt dù nhỏ dù lớn hãy nên hạ mình bắt chước và tán dương phổ biến. Hằng ngày nói lời gì, làm việc gì chớ nên vị kỷ mà cốt để hay để khéo cho thiên hạ. Được vậy tức là người có độ lượng, công bằng, lây thiên hạ làm mình như vị đại nhân vậy.

Sao gọi là giữ lòng ái kính? Cứ xem bề ngoài thì khó biết ai là quân tử, ai là tiểu nhân, nhưng nếu xét thấu tâm can thì thiện ác đôi đàng cách tuyệt như đen trắng, thế nên xưa nay thường nói, quân tử sở dĩ khác người là do chỗ tồn tâm. Cái tâm mà người quân tử bảo tồn là cái tâm yêu người kính người, vì người quân tử thường nghĩ rằng dù ở đời có thân, sơ, quý, tiện, có kẻ trí người ngu, người bất tiếu, vạn vật có sai thù mặc lòng, xét kỹ đều là đồng bào, cùng ta nhất thể, làm sao ta không kính yêu họ được. Hễ ái kính mọi người tức là ái kính Hiền Thánh, cảm thông ý chí mọi người tức như cảm thông ý chí Hiền Thánh. Sao vậy? Vì ý chí Thánh Hiền không ngoài muốn cho đời cũng như người đều đạt sở nguyện thân lẫn mạng, nꮠnếu ta hợp với ý chí Thánh Hiền mà an định cho mọi người tức là ta đã làm việc thay thế Thánh Hiền vậy.

Sao gọi là giúp người nên tốt? Ngọc ở trong đá, nếu không biết mà vất đi thì thành ngói gạch, biết mà dũa mài thì thành khuê chương, vậy hễ thấy ai làm được việc lành, có chí tiến thủ, hãy giúp đỡ khuyên dụ họ mau thành tựu, cố gắng tán trợ duy trì, giải bày hơn thiệt, loại bỏ sàm láng ký thế nào cho họ nên người tốt đẹp mới thôi. Thế thường người ta hay ghét kẻ khác không giống mình, người ác không ưa người lành, thế mà người ác bao giờ cũng nhiều hơn người lành, nên người lành sống nổi giữa người ác là một điều rất khó. Vả người lành là người hào kiệt thường có ý chí cương trực, không ưa trau chuốt bề ngoài, trong khi đó người đời ít kẻ có kiến thức cao, nên những bậc hào kiệt lắm lúc lại dễ bị chê bai. Vì thế việc lành thường dễ hỏng, người lành thường bị chê, chỉ trừ người có lòng nhân, mắt trí mới dám thẳng thắn khuôn phi người có thiện tâm thiện chí, nên hạng người này cũng được công đức không ít.

Sao gọi là khuyên người làm lành? Đã sinh làm người ai chẳng có lương tâm, nhưng vì đường danh nẻo lợi ở đời dễ làm cho vùi lấp, vậy khi cư xử cùng nhau hay tìm cách mở lời mê hoặc, khiến được giác tĩnh giữa chốn đêm trường, làm cho thanh lương trong vòng phiền não. Ông Hàng Dũ nói: dùng lời thì khuyên người được một đời, làm sách thì khuyên người được trăm đời. Việc khuyên người làm lành ở đây đem so với việc cùng người làm lành ở trên có phần sút kém, song theo bệnh cho thuốc, theo thời khuyên răn vẫn thâu được hiệu quả rất nhiều. Nếu khuyên người mà người không theo, hãy kiểm xét lại trí tuệ và lời lẽ của mình để lo bồi bổ.

Thế nào là cứu người nguy cấp? Người đời ai chẳng trải qua những lúc hoạn nạn ngã nghiêng. Vậy khi gặp ai lâm cảnh ách nạn hãy xem như chính mình lâm nạn mà lo vội vã cứu trừ, hoặc lấy lời biện bạch an ủi, hoặc dùng phương chước khôn ngoan giải trừ. Thôi Tiên sinh có câu: Ân huệ không cần phải đợi lớn lao mới làm, chỉ cần cứu kịp người lúc cấp nạn là quý. Đó thật là lời của kẻ có lòng nhân vậy.

Thế nào là gây dựng lợi lớn? Nhỏ thời trong một làng, lớn thời trong một ấp, một nước, hễ thấy việc có lợi thì lo hưng công, như khai rạch đào mương, hoặc đắp đê điều phòng vệ, hoặc xây cầu cống tiện cho khách bộ hành, hoặc thí nước cơm giúp kẻ đói khát. Cứ tùy duyên khuyến hóa, hiệp lực hưng tu, chớ nệ hiềm nghi, chớ từ nhọc mệt.

Thế nào là bỏ của làm phước? Trong muôn hạnh của Phật day, hạnh bố thí đứng đầu. Bố thí là xả bỏ, đem cho. Kẻ đạt ngộ thì trong xả sáu căn, ngoài xả sáu trần, bất cứ điều gì cũng đều xả được, còn kẻ chưa đạt ngộ trước hãy tập xả thí tài vật. Người đời ai cũng lấy cơm áo nuôi sống, nên tiền tài cơm áo là điều tối trọng. Ai xả được tiền tài cơm áo thì bên trong sẽ phá được lòng xan lẫn, bên ngoài cứu được kẻ lâm nguy. Lúc đầu tuy làm miễn cưỡng, nhưng lúc sau thành thói tự nhiên, và kết quả sẽ dũ sạch tính vị kỷ, phát hết tâm chấp lẫn keo rít sâu dày.

Thế nào là hộ trí Chánh pháp? Pháp là con mắt của muôn loại hàm linh. Pháp có chánh có tà, thiếu chánh pháp không thể nào tiến hóa cùng trời đất, dinh dưỡng thành muôn loài, thoát lý ngoài triền phược, và an bài thế gian, đạt tới xuất thế. Thế nên thấy chùa miếu kinh sách Thánh Hiền, hãy đem lòng kính trọng tô bồi, và trên hết là phát tâm hoằng dương chánh pháp, báo bổ Phật ân, là điều càng nên cố gắng.

Thế nào là kính trọng Tông trưởng? Ngoài Ông, Bà, Cha, Mẹ, Anh, Chị, phàm gặp người tuổi nhiều, đức lớn, vị cao, kiến thức rộng đều nên để ý kính nhường. Ở nhà thì thờ cha kính mẹ với niềm thân ái nhu hòa, ra ngoài thì bất luận làm việc gì, chớ nghĩ không ai biết mà làm càn, khi đối xử người nào, chớ nghĩ chẳng ai hay mà uy hiếp. Ai để ý một chút, tất thấy xưa nay những kẻ trung hiếu, bao giờ con cháu họ cũng được xương hưng, thành người trung hiếu.

Thế nào là yêu tiếc sinh mạng? Người sở dĩ là người chỉ bởi có tâm trắc ẩn. Người cầu nhân chính là cầu cái tâm đó, người chưa đức cũng chính là chứa cái tâm đó. Sách Châu Lễ có câu: Tháng giêng tế lễ không dùng con nái làm vật hy sinh (con nái là con vật mẹ đang nuôi con). Thầy Mạnh Tử nói: Người quân tử xa chốn bếp núc, sở dĩ để bảo toàn tâm trắc ẩn. Vì thế các bậc Tiên Hiền thường kiêng kốn thứ thịt không ăn: nghe tiếng kêu con vật bị giết không ăn, thấy con vật bị giết không ăn, vật mình nuôi dưỡng không lớn không ăn, vật chỉ vì mình mà bị giết thịt không ăn. Kẻ thức giả hiền nhân ngày nay nếu chưa thể đoạn tuyệt nghiệp ăn thịt, hãy gắng tập theo các điều này. Cứ như thế lần tăng trưởng từ tâm, chẳng những việc sát sanh nên kiêng k#273;ã đành, đến việc nấu tằm lấy tơ, bới đất sát trùng cũng toàn là việc vì cơm áo nuôi mình mà giết lây loài vật. Cho đến để ý đề phòng khi dơ tay cất chân để khỏi giết lầm vô số động vật. Cổ Thi có câu: thương chuột thường để cơm, thương nga chẳng thắp đèn (Ái thử thường lưu phạn, lân nga bất điểm đăng). Đó há không phải những cử chỉ biểu lộ lòng nhân ư.

Việc lành có vô cùng tận không thể kể hết, nhưng do mười việc trên đây suy rộng ra, muôn đức đều bao quát trong đó.

* * *

4. Đức khiêm hư

Kinh Dịch có câu: Thiên đạo thường làm khuy tổn chỗ dinh kiêu mà ích bồi nơi khiêm hư, địa đạo làm biến cải chỗ dinh kiêu mà lưu nhận nơi khiêm hư, quỷ thần thường làm hại trừ chỗ dinh kiêu mà tăng phúc nơi kiêm hư, nhân đạo thường chán ghét chỗ dinh kiêu mà ưa chinh nơi khiêm hư. Thế nên trong một quẻ Khiêm mà sáu hào đều tốt. Kinh Thư nói: người tự kiêu tự mãn thường bị nạn, kẻ khiêm nhượng hư tâm thường đắc ích. Tôi từng cùng bạn bè nghiệm thử, thường thấy kẻ hàn sĩ khi sắp hiển đạt, bao giờ cũng có một lúc đức khiêm tốn hiện trên nét mặt.

Khoa thi năm Tân mùi, tôi cùng mười người bạn ở huyện Gia Thiện đi thi, trong đó có anh Đinh Kính Vũ, người tuy trẻ mà rất có tính khiêm nhượng hư tâm. Tôi nói với anh Phí Cẩm Pha, thế nào khoa này anh Đinh Kính Vũ cũng đỗ. Anh Phí gạn lại: làm sao biết? Tôi đáp: chỉ người có đức khiêm hư mới được phước. Anh thử xem trong bọn mười người chúng ta có ai có tính khiêm nhượng bằng anh Đinh Kính Vũ đâu? Có ai bị chơi chọc mà không đối trả, bị chê bai mà không biện bạch như anh Đinh Kính Vũ đâu? Người có đức nết như thế, thế nào cũng được trời đất hộ độ, làm sao không phát được. Quả nhiên lúc treo bảng thấy có tên anh Đinh đậu cao!

Năm Đinh sửu tôi ở chung với anh Bằng Dữ Chi tại Kinh đô, bỗng thây anh có phong độ khiêm tốn hư tâm khác hẳn tính tình hồi nhỏ. Bạn anh ta, ông Lý Tế Nham, là người cương trực mà thành thực, thưởng thẳng thắn chỉ lỗi anh ngay mặt, nhưng lúc nào cũng thấy anh bình tĩnh nghe theo chẳng hề thốt một lời cãi cọ. thấy vậy tôi nói thầm phước có phước hiện ra sau họa có họa phát ra trước, anh này quả có hư tâm khiêm tốn như thế, anh chắc chắn gặp được điều hay, thế nào anh ta cũng đậu kỳ này. Sau quả thật đúng như lời tôi dự đoán.

Ông Trương Úy Nham người huyện Giang Âm, học rộng văn hay, có nhiều tiếng tăm trong vãn giới. Năm Giáp ngọ ông đến thi Hương tại Nam Kinh, nhân ở lại một ngôi chùa. Khi treo bảng thấy không có tên mình, mới nổi nóng mắng nhiếc giám khảo là đồ lòa mắt chẳng trông thấy văn mình. Một vị Đạo nhân gần bên nghe thấy mỉm cười, Trương giận luôn vị Đạo nhân.

Vị Đạo nhân nói: Văn của tướng công chắc không hay lắm.

Trương càng giận, nộ rằng: Ông không thấy văn tôi, sao biết văn tôi không hay.

Vị Đạo nhân nói: Tôi từng nghe kẻ làm văn quý hồ tâm khí bình hòa, nay thấy tướng công nóng giận mắng nhiếc lung tung, không có chút chí hòa khí thì văn hay vào đâu được.

Trương bỗng đổi giận, tỏ lòng kính phục và xin chỉ giáo.

Đạo nhân nói: thi hỏng hay đậu là do mạng. Mạng không đậu thì dù văn hay cũng vô ích, vậy ông cần để ý chuyển biến mạng mình.

Trương nói: đã là mạng thì làm sao chuyển biến được?

Đạo nhân nói: tạo mạng do nghiệp xưa, lập mạng do nghiệp nay, nếu ông gắng làm việc thiện, dồn chứa âm đức, thì có phước gì mà không cầu được.

Trương nói: Tôi chỉ là một tên bần sĩ, làm sao làm được sự này.

Đạo nhân nói: việc lành, âm đức đều do tâm tạo, thường bảo tồn tâm đó thời công đức vô lượng. Ngay như đức tính khiêm hư đâu phải mất tiền mới làm được, thế mà ông không biết tự tỉnh để mà làm, lại giận trách quan trường dốt nát, phải chăng đó chỉ là tự ông không muốn làm chớ không phải không thể làm?

Từ đó Trương để ý kiềm chế kiêu khí, ngày ngày tu nhân bồi đức. Năm Đinh dậu, Trương mộng thấy đi đến một căn phòng cao lớn, gặp được một bảng ký lục chuyện thi, thấy ở giữa có nhiều hàng bỏ trống không tên. Một người đứng bên nói: đây là bảng ghi chép khoa thi năm nay. Trương hỏi: sao bỏ trống nhiều chỗ không tên? Người ấy đáp: về việc thi cử cứ ba năm xét một lần, hễ người nào chứa nhiều công đức, thì mới có tên vào đó. Chỗ bỏ trống trong bảng ký lục này là tại trước kia người có công đức đáng đậu, sau vi phạm tội ác mà tên bị xóa đi. Cuối cùng lại thấy một dòng chữ rằng: người ba năm lại đây giữ thân cẩn thận, tên ngươi có thể được điền vào bảng này, hy vọng ngươi cố gắng. Quả nhiên khoa ấy, Trương được đậu thứ 105 trên bảng vàng.

Lời xưa nói: Người có chí ở công danh tất được công danh, người có chí ở giàu sang tất được giàu sang. Người có chí như cây có gốc. Khi đã lập chí phải thường nên tập tính khiêm hư, dè chừng mọi điều hành động, được như thế tự nhiên cảm động đất trời mà phúc đức đầy đủ nơi ta vậy.

 

---o0o---

 Source: www.buddhismtoday.com
Trình bày: Nhị Tường

Cập nhật ngày: 05-10-2001


 

Nguồn: www.quangduc.com

Về danh mục

梵僧又说我们五人中 簡単便利戒名授与水戸 看完新闻联播的观后感 丢失菩提心的因缘 中国渔民到底有多强 地藏十轮经 chùa pháp bảo 人生是 旅程 風景 åƒäæœä½ Ï chua phuoc luu ä½ å æ æ 中国佛度 ÃÏ 多彩的活动作文六年级 崔红元 Tấm lòng của mẹ 義交 å BÃi Lửa 栃木県寺院数 TP メス 禅の旋 phan tich ngu uan vo nga làm thế nào để không trở thành nạn Lễ tưởng niệm húy nhật Đức 僧人食飯的東西 大学生贫困证明 义云高世法哲言 ペット僧侶派遣 仙台 Trái tim bất tử Kỳ 4 Sự thật về 即刻往生西方 ä ƒäº ä Làm thức uống bổ dưỡng từ đậu nành 淨界法師書籍 ดวยอำนาจแหงพระพ 天计算器 长寿和尚 Cho sanh tâm vô trú biet song thi thanh tho Ð Ð Ð tÃƒÆ di 永代 墓 净空老法师临终遗言 tản mạn nghìn mắt nghìn tay 地风升 å æžœ