.
Vô Ngã và Pháp Hành Thiền
Đại đức Bodhesakho
Bình Anson lược dịch
Giới thiệu: Sau đây là một bài phỏng vấn
Đại đức Bodhesakho, một tu sĩ Mỹ, cộng tác viên Hội Xuất Bản Phật Giáo
Tích Lan (Buddhist Publication Society), do đài phát thanh Tích Lan thực
hiện năm 1986.
-oOo-
Hỏi: Chúng tôi rất hân hạnh được Đại
đức Bodhesakho, một vị tăng sĩ người Mỹ, tham dự vào cuộc phỏng vấn hôm
nay. Kính thưa Đại đức, Thầy đã xuất gia, tu học trong hơn 5 năm qua, và
Thầy đã có nhiều quan tâm trong các lĩnh vực học tập, hành trì, và truyền
giảng các lời dạy của Đức Phật. Một trong những chủ đề quan trọng và sâu
sắc nhất của Đạo Phật là giáo thuyết Vô Ngã, mà người phương Tây thường
cảm thấy rất khó thông hiểu cho tường tận. Thưa Đại đức, tại sao như thế?
Đáp: Trước hết, tôi nghĩ rằng bất cứ
người nào tìm kiếm một lời giải thích cho Vô Ngã cũng đều tìm cách áp đặt
giáo thuyết nầy vào những nhu cầu và tham muốn của họ, cho dù lời giải
thích đó có đúng với Phật Pháp hay không. Con người luôn luôn tìm kiếm lời
giải đáp cho các câu hỏi, luôn luôn tìm kiếm phương cách giải quyết cho
mọi tình huống. Sự kiện nầy không phải chỉ xảy ra trong thời đại bây giờ
mà cũng không phải chỉ riêng cho người Âu Mỹ, nó xảy ra trong mọi thời và
cho mọi người. Con người lúc nào cũng tìm kiếm câu trả lời cho mọi câu
hỏi.
Bây giờ, nếu có
người nào đến với Đạo Phật, họ được cho biết Đức Phật dạy rằng dù họ có
hoài công tìm kiếm, họ sẽ không bao giờ tìm thấy bản ngã hoặc những gì đưa
đến tự ngã. Và họ sẽ tìm một lời giải thích nào đó mà họ có thể hiểu được
trong khung kiến thức của họ. Từ đó, vì lời dạy của Đức Phật hoàn toàn
khác hẳn những gì mà các người phương Tây đã từng quen thuộc, họ sẽ tìm
cách biến cải Phật Pháp để lồng vào trong khung kiến thức của họ.
Thật ra, điều họ
cần phải học tập là không biến cải Phật Pháp để thích nghi với quan kiến
của họ, mà ngược lại, họ phải biến cải quan kiến của họ để thích nghi với
Phật Pháp. Đây là Tín hạnh, Saddha - lòng tin, có nghĩa là đưa mình vào
Phật Pháp mặc dù Phật Pháp có thể trái ngược lại những định kiến của mình
về bản thể của sự vật. Điều này có nghĩa là chúng ta, thay vì tìm lời giải
đáp, chúng ta cần phải tự hỏi là tại sao chúng ta lại có nhu cầu để đặt
các câu hỏi đó. Đây là những gì Đức Phật đã dạy, là chúng ta phải cần phải
khám nghiệm tự thân.
Khi chúng ta thấy
được nhu cầu để đặt câu hỏi, chúng ta phải tìm cho ra cội rể của nhu cầu
đó và những động lực nào để khởi sinh nhu cầu đó. Khi chúng ta chú tâm vào
câu hỏi thay vì vào câu giải đáp, chúng ta thật sự hành trì lời Phật dạy.
Hỏi: Về thuyết Vô Ngã, thuyết nầy hầu
như đã được nhiều triết gia và khoa học gia chấp nhận, ở phương Đông lẫn
phương Tây, rằng không có một cái gì có thể trường tồn vĩnh viễn, không
thay đổi trong cõi đời nầy. Tất cả đều là những con xoáy của năng lượng.
Các nhà vật lý học cho rằng nguyên tử được cấu tạo bởi những proton,
electron, neutron, positron, rồi tối hậu, họ cho rằng đó chỉ là tập hợp
các lượn sóng. Một cách triết lý, những nhà khoa học nổi danh như các ông
Newton hoặc Einstein đều công nhận rằng tất cả mọi sự vật đều đang thay
đổi. Thế nhưng, khi trở về bình diện luân lý và đạo đức của Đạo Phật, đây
là một vấn đề rất quan trọng trong những lời dạy của Đức Phật, tại sao con
người lúc nào cũng khư khư bám thủ vào sự vật? Những người Phật tử thông
thường đều biết vạn vật là vô thường, nhưng họ lại không áp dụng được điều
đó vào trong đời sống gia đình và trong xã hội. Xin Đại đức cho biết
nguyên do tại sao như thế?
Đáp: Dĩ nhiên là họ tưởng rằng các sự
vật đó sẽ tồn tại mãi mãi! Nếu ông nhìn vào lối sống của họ, ông sẽ thấy
tư tưởng đó nằm sâu trong đời sống của họ. Thế nhưng, khi bảo họ rằng mọi
sự vật không thể tồn tại mãi mãi, chắc chắn là họ không thể phủ nhận được.
Họ chỉ cần nhìn chung quanh thì họ sẽ thấy ngay sự đổi thay của vạn vật.
Có những sự vật thay đổi nhanh chóng, có những sự vật thay đổi từ từ chậm
chạp, nhưng không chóng thì chày, mọi vật đều thay đổi. Con người sinh ra,
lớn lên, trưởng thành, rồi già yếu. Ngay cả mặt đất này cũng đang thay
đổi. Những người bị tai nạn về động đất, bão lụt, đất lỡ, v.v. đều thấy
được điều đó. Cho nên, chúng ta không nên đặt niềm tin vào sự tồn tại
trường cửu của bất cứ một sự vật nào.
Ngày nay nhiều
nhà khoa học cố gắng tìm hiểu giáo thuyết nầy, học thuyết nọ, và họ cho
rằng thuyết nầy hay thuyết kia có những điểm tương đồng với Đạo Phật. Họ
nói rằng: "Vâng, chúng tôi không thể tìm được một cái gì có thể gọi là
linh hồn, bằng cách này hay cách khác." Thế nhưng, họ không chịu quan sát
ngay chính họ. Họ đang tìm kiếm các câu trả lời, nhưng họ không chịu nhìn
thẳng vào câu hỏi! Lý do họ không tìm ra được một cái gì để gọi là "bản
ngã", không phải là vì họ không nghiên cứu tường tận, nhưng là vì họ không
chịu thực hành thiền quán, họ không chịu quay nhìn vào bên trong. Bây giờ,
nếu họ cố gắng nhìn vào bên trong, họ cũng sẽ không tìm ra được một cái gì
có thể gọi là "bản ngã", nhưng sự thông hiểu nầy đòi hỏi một thái độ hoàn
toàn khác hẳn, một quan kiến khác hẳn, để thực hiện công tác nghiên cứu,
khảo sát đó.
Để làm được điều
trên, chúng ta cần phải biết rõ nhu cầu tại sao chúng phải tìm kiếm một
cái "ngã". Đó không phải chỉ là một câu hỏi lý luận, "Có hoặc không có một
cái gì gọi là 'ngã'?", nhưng thật ra, chúng ta phải tự hỏi rằng tại sao
người ta thấy có nhu cầu để đặt ra câu hỏi đó, để đặt ra một danh xưng, dù
cho đó là Thượng đế, là linh hồn, là bản ngã, là một tên gọi nào đó, để
rồi nếu họ không tìm ra được cái đó, chẳng những họ không thỏa mãn với câu
trả lời phủ định, mà rồi trong thâm tâm họ cũng cảm thấy bất an! Họ có thể
che dấu nỗi bất an đó bằng nhiều phương cách giải trí, chẳng hạn như xem
hát, nghe nhạc, xem ti-vi, hoặc đi ngủ, hoặc một cách nào khác. Nhưng rồi,
họ vẫn cảm thấy chán nản, căng thẳng, và lo sợ. Đây là một trong những vấn
nạn nghiêm trọng trong xã hội tân tiến ngày nay, và cũng đã từng đem ra
thảo luận rất thường xuyên trong các xã hội cỗ xưa. Con người lúc nào cũng
cảm thấy căng thẳng, lo âu, thiếu thốn, bởi vì họ lúc nào cũng hoài công
tìm kiếm một cách vô vọng.
Hỏi: Thưa Đại đức, Thầy vừa nói là có
nhiều căng thẳng và lo âu trong xã hội ngày nay. Con người sống bận rộn,
vội vàng, vì đời sống bây giờ đang biến chuyển với một tốc độ cực nhanh.
Nhìn quanh, chúng ta thấy các xáo trộn, thay đổi nghiêm trọng đang xảy ra
từng giờ phút, và con người không có đủ nghị lực và sức mạnh tâm linh để
đương đầu với các sự thay đổi nầy. Có người cho rằng trong thời Đức Phật
còn tại thế, đời sống bình an và định tĩnh hơn. Thầy nghĩ như thế nào?
Đáp: Không hẳn như thế đâu! Theo tôi,
chúng ta không thể kết án thời đại của chúng ta hiện nay là xấu tệ hơn
những thời đại ngày xưa. Đọc lại các tài liệu lịch sử thì chúng ta sẽ thấy
được điều nầy. Ngày xưa, triết gia Plato của phương Tây đã từng than thở
là thời đại của ông không còn biết kính trọng người già và nhiều tệ đoan
hơn các thế hệ trước. Nếu chúng ta đọc lại những sự kiện ghi trong tạng
Luật của hệ Pali, chúng ta thấy ngay trong thời Đức Phật cũng có các thầy
Tỳ kheo và cư sĩ có những hành động rất đáng chê, đáng trách. Cho nên, con
người trong thời nào cũng như vậy cả, vấn đề thiếu nghị lực và đạo đức
tinh thần không phải chỉ đặc biệt có riêng trong thời đại của chúng ta.
Thời đại nào cũng
thế, bây giờ cũng như ngày xưa, xã hội có nhiều cám dỗ và con người thường
tìm kiếm những gì có thể thụ hưởng ngay tức khắc mà không chịu làm những
gì để tạo ra một hậu quả vững bền. Họ chọn lối sống để làm thỏa mãn các
giác quan, các cảm tính nhất thời, và họ không thích làm những điều khó để
tạo an định trong tâm thức, để thanh lọc tâm ý, để thoát ra mọi ràng buộc
của tham dục. Bởi vì cần phải có một nỗ lực lớn để làm được như thế, còn
chạy theo nhục dục ngũ trần và làm thỏa mãn chúng thì dễ dàng và nhanh
chóng hơn. Họ lúc nào cũng muốn có một đời sống dể dải, lười biếng, hưởng
thụ.
Hỏi: Tuy nhiên, sự thật hiển nhiên là
khác với thời của Đức Phật, đời sống ngày nay đang chuyển biến một cách
nhanh chóng, thay đổi rất nhanh. Các thay đổi về công nghệ và kỹ thuật
đang có một tác động rất mạnh vào đời sống của con người, và do đó, họ cảm
thấy rất khó giử được một sự an bình trong tâm thức. Thầy có nghĩ rằng
hành thiền có thể sẽ giúp những người nầy gìn giữ sự thăng bằng và bình
thản trong tâm được không?
Đáp: Trong Tương Ưng Bộ Kinh, Đức Phật dạy rằng: "tâm ý nầy sinh
trong một dạng và diệt trong một dạng khác". Có nghĩa là ngay trong thời
đó, Ngài đã tuyên bố rằng tâm ý chúng ta thay đổi cực nhanh, ngày xưa cũng
như ngày nay. Cảnh vật ngoại vi không thay đổi nhanh như thế! Tuy nhiên đó
không phải là vấn đề, bởi vì thật ra, con người không quan tâm đến sự thay
đổi. Đôi khi, chúng ta còn muốn có thay đổi xảy ra cho nhanh, nhất là khi
ta phải đối đầu với những cảnh khó chịu, bực dọc, ta lại muốn nó biến mất
đi, càng nhanh càng tốt.
Điều làm ta lo
ngại, bực dọc là sự bất định của đổi thay, rằng sự vật có thể thay đổi bất
lợi cho ta trong bất cứ lúc nào. Điều đó làm cho ta lo sợ và căng thẳng!
Cho dù sự vật thay đổi nhanh hoặc chậm, chúng ta đều lo sợ rằng nó sẽ thay
đổi thành mức độ xấu tệ hơn, bất lợi cho ta hơn. Đó là vì lòng tham thủ,
và từ đó sinh ra sự sợ hãi, bất an. Đối với vị A-la-hán, các vị đã nhập
dòng Thánh giải thoát, các vị đó cũng phải đối đầu với những thay đổi
trong cuộc đời. Tuy nhiên, vì các vị ấy không còn lòng tham thủ, các vị
không còn lo âu, sợ sệt nừa, và từ đó không còn hoạn khổ.
Hỏi: Trở lại vấn đề hành Thiền. Ngày
nay, pháp hành Thiền của Đạo Phật đã được nhiều người biết đến và có nhiều
chú tâm, nhất là trong các nước Âu Mỹ. Có lẽ đó là vì con người đang có
nhiều căng thẳng trong đời sống hiện đại và bị nhiều ảnh hưởng của các
phương tiện truyền thông đại chúng. Chúng ta thường xuyên bị cám dỗ bởi
các quảng cáo thương mại, kích động ngũ dục qua truyền hình, truyền thanh,
sách báo, hình ảnh, vv. Những điều nầy không xảy ra trong thời Đức Phật,
2.500 năm trước. Vì bị kích động như thế, tâm thức con người ngày nay bị
xáo trộn quá nhiều, rất khó mà tập trung, lắng đọng, và an dịu. Hành Thiền
có giúp được gì không?
Đáp: Ngày nay con người có rất nhiều
phương tiện để giúp chạy trốn thực tại hơn ngày xưa, và vì thế, họ đã quen
lối chạy trốn những sự kiện thực tế hiện hữu trong chính họ. Khi họ thử
quay về nhìn lại thực tại, họ cảm thấy không được nhiều lợi lạc như thời
xưa. Con người thời xưa không có nhiều phương tiện giải trí để giúp họ
chạy trốn sự thật, cho nên họ không còn chọn lựa nào khác ngoài cách phải
duy trì một sự tỉnh giác để nhìn vào sự hiện hữu của chính họ.
Tương tự như vậy,
nếu như họ tìm đến pháp hành Thiền, họ có thể sẽ cảm thấy thấy thất vọng
vì nó không có vẻ gì hấp dẫn hay kích thích. Hành Thiền có một ý nghĩa đơn
giản là tập nỗ lực trực diện với sự hiện hữu của chính mình, sống trong
hiện tại, không để mình bị cám dỗ bởi ngoại cảnh, và giúp mình nhìn sự vật
như thật, thay vì nhìn qua các ánh đèn màu rực rỡ giả tạo. Một người nếu
đã quen với những gì hấp dẫn rực rỡ thì ắt hẳn sẽ không chấp nhận điều đó!
Cũng như khi chúng ta đi xuống phố, nhìn qua khung kính cửa hàng chưng bày
hàng hóa. Chúng ta thấy người bán hàng thường trang trí thêm các loại giấy
bóng, giấy màu óng ánh để tạo sự chú ý của người xem. Tuy nhiên, đối với
một người đã có chủ tâm, đã bị lôi cuốn vào một món hàng nào đó, người bán
không cần phải trang trí thêm các giấy màu rực rỡ, bởi vì sự rực rỡ đó đã
có sẵn trong mắt của anh ta, anh ta nhìn cái gì cũng thấy rực rỡ cả! Hành
Thiền và phát triển Chánh Niệm là để giúp ta thoát khỏi ràng buộc của cái
rực rỡ đó, để giúp ta buông xả, không dính mắc. Phải hiểu như thế thì pháp
hành Thiền của Đạo Phật mới mang lại lợi lạc và hạnh phúc thật sự cho
chúng ta.
Phóng viên:
Chúng tôi xin cám ơm Đại đức đã có thiện tâm đến đây để tham dự buổi nói
chuyện ngày hôm nay. Chúng tôi xin cầu chúc Đại đức đạt nhiều kết quả tốt
đẹp trong sự tu học và trong công tác hoằng dương Phật Pháp.
Binh Anson lược
dịch
Perth, Tây Úc
tháng 11-1999
-oOo-
---o0o---
Trình bày: Linh Thoại
Cập nhật: 01-12-2003
Nguồn: www.quangduc.com
Về danh mục