CHƯƠNG II
ÐỨC
PHẬT TỪ ÐẢN SANH ÐẾN THÀNH ÐẠO
Vua Tịnh-phạn và Ma-da phu nhân đều khát khao có một hoàng tử kế vị. Sau đó không lâu, hoàng hậu mang thai nên xa giá về quê ngoại để chuẩn bị ngày nở nhụy khai hoa. Vào một buổi sáng tinh mơ ngày rằm tháng tư, lúc mọi vật đang còn say nồng trong bầu không khí lắng đọng, Ma-da phu nhân từ tốn dạo bước trong vườn Lâm-tỳ-ni rực rỡ những đóa hoa Vô ưu. Thấy cảnh đẹp, lòng phu nhân ngập tràn niềm hân hoan, liền đưa cánh tay phải vịn vào nhành cây vô ưu, bỗng nhiên hào quang tỏa chiếu khắp mọi nơi, ánh sáng trang nghiêm đẹp đẽ lạ thường chẳng khác gì ánh ban mai vừa tỏa rạng, và thái tử đản sanh. Trong kinh có ghi rằng: Thái tử sinh ra liền đi bảy bước, một tay chỉ trời một tay chỉ đất nói câu: “Trên trời dưới trời, chỉ có Ðại ngã (sự giác ngộ) là cao quý nhất”.
Lúc thái tử đản sanh có rất nhiều điềm lạ xuất hiện, nên vua Tịnh-phạn đã đặt tên cho con là Tất-đạt-đa, nghĩa là thành tựu mọi sự tốt lành. Sau khi thái tử chào đời không bao lâu, Ma-da phu nhân đã vội lìa trần nên việc nuôi dưỡng Tất-đạt-đa được giao lại cho dì là Ma-ha-ba-xà-ba-đề.
Trong nước có một đạo sĩ tên A-tư-đà là một bậc tu luyện lâu năm trong núi tuyết. Ông nghe thái tử đản sanh nên vội từ xa đến diện kiến. Thấy thái tử, Ông vội nói cho vua Tịnh-phạn biết rằng: Nếu ở đời, thái tử sẽ trở thành một vị vua nhân từ tài giỏi, còn nếu xuất gia tu đạo thì sẽ giải thoát sanh tử, thành bậc Chánh Giác và cứu độ tất cả mọi loài.
Thái tử Tất-đạt-đa diện mạo khôi ngô tuấn tú, bẩm tánh thông minh, đặc biệt rất hòa nhã lễ phép với mọi người nên trên thì được vua cha hết mực yêu thương, dưới thì nhân dân một lòng tôn kính.
Phụ vương cho Tất-đạt-đa rất nhiều đồ chơi, nào là xe, ngựa, thuyền với đủ loại kích cỡ, kiểu dáng. Vua xây cho thái tử các cung điện thích hợp với ba mùa: cung điện mùa lạnh, mùa nóng và mùa mát để thái tử đến ở theo từng mùa. Thái tử Tất-đạt-đa có một thời niên thiếu đầy hạnh phúc và sung sướng.
CỨU CHIM
Một hôm, khi ngoài trời ánh nắng chan hòa ấm áp đang quyện lẫn trong làn gió, Tất-đạt-đa tung mình chạy nhảy trong vườn hoa. Bỗng nhiên từ trên cao, một chú chim nhỏ bị trúng tên, đau đớn lảo đảo gượng vỗ đôi cánh yếu, rơi dần xuống đất. Thái tử vội chạy đến bế chim con lên rồi dùng nước ấm rửa sạch vết thương và cho nó nghỉ ngơi trong một cái tổ mềm mại thoải mái, ngày ngày mớm thóc gạo cho chim ăn. Qua nhiều ngày hết lòng săn sóc, chú chim nhỏ bắt đầu bình phục trở lại. Sau đó, thái tử Tất-đạt-đa mang nó đến rừng cây và thả chim về với thiên nhiên.
Lúc Tất-đạt-đa được bảy tuổi, vua Tịnh-phạn cho mời những bậc thầy uyên bác đến dạy. Tất-đạt-đa được học rất nhiều môn, nào là văn học, toán số, thường thức v.v... lại còn học vô số kiến thức như: triết học, y học, kiến trúc học v.v...
Thái tử đã thông minh lại còn hiếu học, nhất là hay tham vấn với giáo sư các vấn đề có ý nghĩa cho nên sự hiểu biết của thái tử ngày càng phong phú, sự học tiến bộ rất nhanh. Tuy còn nhỏ tuổi nhưng sự học của thái tử đã vang lừng khắp nước. Người nào cũng khen Tất-đạt-đa là người uyên bác đa tài, các vị giáo sư cũng không ngớt lời khen ngợi. Vua Tịnh-phạn cảm thấy rất hãnh diện về thái tử.
Thái tử Tất-đạt-đa vốn ưa thích vận động nên cơ thể rất cường tráng. Vua Tịnh-phạn biết con mình như vậy nên cho mời thêm các chuyên gia võ thuật về dạy. Ở trong khuôn viên luyện tập, thái tử cần mẫn học cỡi ngựa, bắn tên, cử tạ, đấu vật v.v... cùng với võ sư và Ðề-bà.
Lúc mười hai tuổi, thái tử nghiễm nhiên trở thành một võ sĩ anh dũng và trong mỗi lần mở hội thí võ, thái tử Tất-đạt-đa đều đoạt giải nhất. Ngoài việc luyện võ, Tất-đạt-đa cũng hay làm những nghĩa cử dũng cảm khiến dân chúng vô cùng ngưỡng mộ. Ai cũng tin tưởng nước mình sẽ được phồn thịnh nhờ vị thái tử mà họ yêu quý này. Tất-đạt-đa giúp vua cha cai trị việc nước một cách tài giỏi công bằng nên nhân dân vô cùng quý mến.
VẬN HỘI THỂ THAO
Vận hội thể thao các vương quốc được khai mạc. Thế là vương tử quý tộc các nước đều đến tham gia thi đấu. Khi thi môn bắn tên, Tất-đạt-đa đã dùng cây cung quý của tổ phụ để thi. Lúc ấy, chẳng có ai trong vận hội đủ sức giương nổi chiếc cung này. Riêng Tất-đạt-đa giương nhẹ một cái là đã có thể bắn mũi tên mất hút vào trong hư không.
Võ thuật của thái tử rất xuất chúng nên đã dành trọn giải quán quân. Vua nước láng giềng là Thiện Giác rất ngưỡng mộ Tất-đạt-đa. Nhân đó, ông đem cô con gái yêu là Da-du-đà-la gả cho thái tử.
Sau khi Tất-đạt-đa kết hôn, đôi vợ chồng đã sanh hạ một cậu quý tử La-hầu-la đáng yêu. Thái tử vốn gắn liền với thân phận của một vương tử tôn quý, lại là người sẽ nối nghiệp vương vị, lẽ tất nhiên, Tất-đạt-đa có thể thỏa sức thụ hưởng mọi khoái lạc, giàu sang phú quý giữa nhân gian. Nhưng chính những nhân duyên đặc biệt dưới đây đã thôi thúc thái tử từ bỏ vương thành, xuất gia học đạo.
Vào một ngày khí trời hừng hực, ánh nắng như muốn thiêu rụi hết mọi vật, trong một thửa ruộng, anh nông dân đang khom mình làm việc. Trên tấm lưng trần, những giọt mồ hôi lấm tấm nhỏ xuống, còn con trâu thì kéo cái cày nặng trịt đang lờ đờ nhấc từng bước chân để cày đám đất khô. Nó gằn thở từng tiếng, mồ hôi và nước mắt tuôn trào nhưng người nông dân vẫn vút mạnh dây roi bắt nó phải bước tiếp. Cả người lẫn trâu đều vô cùng mỏi mệt nhưng vì sự sống, cả hai đều rán chịu cực nhọc.
Trên lằn đất được cày, những con giun, trùng nhỏ đang trườn mình tìm chỗ núp thì bị các loài chim đậu trên cây tranh nhau sà xuống mổ ăn. Chứng kiến cảnh tượng loài mạnh cưỡng ép giết hại những loại nhỏ như vậy, trong lòng Tất-đạt-đa đau buồn vô hạn. Thái tử trầm ngâm tự hỏi: “Ta phải làm sao để cứu thế gian thoát khổ đây!”.
Tất-đạt-đa muốn quan tâm đến đời sống của dân chúng nên đã đi khắp nơi tìm hiểu. Các chuyến đi của thái tử được người dân đón tiếp rất niềm nở. Người thì hướng về thái tử vẫy tay reo vui, người thì tung hoa khắp mặt đất, cũng không ít người chắp tay cầu phúc còn lũ trẻ thì vỗ tay reo lớn: “Thái tử đến rồi, thái tử đến rồi!”. Tất-đạt-đa vô cùng cảm động, một mặt vẫy tay đáp trả mọi người một mặt trầm ngâm ước nguyện: “Ta nhất định hết lòng cải thiện đời sống nhân dân, xây dựng cuộc sống thái bình, người người được ấm no hạnh phúc”. Vì muốn hiểu hơn nữa về cuộc sống của nhân dân nên thái tử đành bảo người đánh ngựa chạy nhanh ra cửa thành phía đông.
DẠO BỐN CỬA THÀNH
Bên ngoài cửa thành phía đông, thái tử gặp một người đầu tóc bạc phơ, mặt mày nhăn nhúm, tay chống gậy đang quờ quạng bước đi. Người đánh xe nói cho thái tử biết đó là một người già.
Ở cửa nam, thái tử lại nhìn thấy một người tay chân khô gầy đang quằn quại với từng hơi thở ở bên lề đường. Người đánh xe lại bảo đó là một người bệnh và nói thêm rằng: Là con người, dù giàu hay nghèo, không một ai có thể tránh khỏi bệnh tật.
Ngoài cửa tây, thái tử gặp một đám tang đi ngang. Con cháu họ hàng đang rũ rượi bên linh cữu người thân và gào khóc rất thảm thiết. Kẻ hầu lại giải thích: cái chết là kết cục sau cuøng của một kiếp người, không ai tránh khỏi được. Thái tử thầm nghĩ: “Nếu ta có làm vua đi nữa cũng đâu cứu thoát được nỗi gian truân sống chết của ta và của mọi người!”
Ngoài cửa thành phía bắc phong cảnh rất tươi tốt, Tất-đạt-đa dừng chân nghỉ mát dưới cây cổ thụ. Chợt từ xa, một vị tu sĩ đi thẳng đến trước mặt thái tử. Người ấy ăn mặc giản dị, dáng dấp nghiêm trang nhưng tinh thần rất cởi mở. Vị ấy nói:
-Tôi là kẻ học đạo, học những hành vi lương thiện và không làm các việc ác.
-Học đạo như vậy liệu có ích gì không?
-Nếu học đạo thành công thì có thể vượt ra ngoài các sự khổ não của sanh già bệnh chết và sẽ đạt đến sự thảnh thơi an vui.
Trong niềm vui sướng cực độ, Tất-đạt-đa đến trước vị tu sĩ cung kính lạy xuống để tỏ bày lòng biết ơn với lời dạy trên và thốt lên rằng: “Tuyệt diệu thay! Học đạo chính là phương pháp tối thắng nhất”.
Từ đó, Tất-đạt-đa thường một mình đến ngồi nơi vườn cây hẻo lánh, ngày đêm trầm ngâm về chuyện học đạo. Thái tử cầu xin vua cha cho phép mình đi xuất gia nhưng vua Tịnh-phạn một mực chối từ. Tuy vậy, thái tử vẫn tha thiết xin cha: “Hỡi phụ vương yêu quý của con! Cha có thể cởi bỏ cho con những vòng xiết nghiệt ngã đầy khổ đau của sanh già bệnh chết chăng? Nếu như cha bảo không thể thì xin cha hãy cho con được hoàn thành ý nguyện của con”.
Vua Tịnh-phạn lo sợ thái tử bỏ trốn nên phái thêm năm trăm binh sĩ ngày đêm ở trong cung canh giữ. Ðồng thời, nhà vua chuẩn bị nội trong bảy ngày sau đó sẽ lập Tất-đạt-đa lên ngôi vua.
Thái tử Tất-đạt-đa thấy cuộc đời như ngôi nhà lửa đang bốc cháy mà sự khổ lụy của sanh già bệnh chết như là ngọn lửa dữ, và con người ở đời luôn bị các điều này bức bách. Thế là thái tử quyết định rời xa gia đình đi cầu phương pháp giải thoát khổ đau với các bậc thức giả.
Vào một đêm tối, thái tử lặng lẽ ra khỏi thành với người hầu và một con ngựa trắng. Lúc đi, thái tử thầm chúc phúc cho tất cả người thân và thề rằng: “Nếu không thành đạo thì ta vĩnh viễn không trở lại đây nữa”. Từ đó, thái tử Tất-đạt-đa bắt đầu sống đời sống khổ hạnh. Khi ấy, thái tử mới được mười chín tuổi.
Rừng khổ hạnh là một khu rừng với cây cối rất to lớn và cũng là nơi tụ tập rất nhiều người tu luyện. Tất-đạt-đa đến đây và chứng kiến một loạt các cách tu khổ hạnh rất kỳ quái. Có người thì lạy mặt trời, lạy nước, lạy lửa, có người lại mặc toàn lá cây, nằm trên gai nhọn, cũng không ít người cả ngày không nói chuyện, tất cả họ đều cho rằng mình chịu khổ như vậy thì sau khi chết sẽ được sanh lên trời thụ hưởng khoái lạc. Nhưng, Tất-đạt-đa bảo họ rằng: “Mục đích và cách khổ hạnh của các người đều sai lầm cả. Vì cho dù được sanh lên trời đi nữa thì bất quá cũng chỉ hưởng thú vui trong một đời, nhưng sinh mạng vẫn còn luân hồi đến vô tận. Rũ sạch lòng tham lam, sân hận, si mê để đời mình khỏi trôi dạt trong luân hồi mới là an lạc nhất”.
Chính vì thế, thoát khỏi luân hồi sanh tử là tư tưởng trọng tâm của Phật giáo.
Sau khi Tất-đạt-đa rời bỏ vương cung, vua Tịnh-phạn rất đỗi nhớ thương nên sai quan quân chở mấy xe lương thực quần áo đi tìm thái tử để khuyên thái tử trở lại hoàng cung nhưng thái tử vẫn một mực từ chối và bảo rằng:
-Ta đã lập chí học đạo, hễ là việc làm có ý nghĩa thì cần phải tận tâm tận lực làm cho xong, không thể giữa đường thối chí, càng không nên để vật chất lôi kéo. Ta nhất quyết tu học thành công rồi mới trở về.
Năm vị quan trong nhóm nghe những lời thiết tha như vậy, trong lòng rất ngưỡng mộ nên tự nguyện theo tu học với thái tử. Biết không thể lay chuyển được thái tử, số người còn lại đành trở về cung.
Tất-đạt-đa vân du khắp nơi, tham học với rất nhiều vị đạo sĩ nổi tiếng của các môn phái, cùng đàm luận về phương pháp tu hành với nhiều vị thầy nhưng thái tử nhận thấy phương pháp của họ đều không thể giải thoát luân hồi sanh tử.
Trong nỗi thất vọng, Tất-đạt-đa vượt sông Ni-liên-thiền đến dưới chân núi Già-da và bắt đầu nghiêm túc tu khổ hạnh. Ròng rã suốt sáu năm, mỗi ngày Ngài chỉ ăn một hạt mè hoặc một hạt gạo, nên dẫn đến tình trạng gầy mòn cơ thể và suy kiệt tinh thần.
Sau chuỗi thất bại này, Ngài vỡ lẽ ra rằng: “Tu khổ hạnh ép xác chẳng phải là phương pháp đúng đắn nhất để tìm ra chân lý”. Nghĩ như vậy xong, Ngài xuống sông tắm rửa sạch sẽ, thay đổi phương cách tu tập và bắt đầu chuyên ròng tu thiền định. Một bữa nọ, cô gái chăn bò đem đến dâng cúng cho Ngài một bình sữa tươi, một chú bé cắt cỏ lấy vài lọn cỏ xanh mềm mại trải trên bệ đá mà Ngài thường ngồi. Tất-đạt-đa thâu nhận xong khen rằng: Những ai vui vẻ giúp đỡ mọi người thì những người ấy sẽ nhận được nhiều phước lành.
Năm vị quan đồng tu thấy Ngài sinh hoạt bình thường trở lại, cho rằng Tất-đạt-đa đã quyến luyến việc hưởng thụ dục lạc nên giận dỗi bỏ đi.
Ngay dưới cội Bồ-đề, Tất-đạt-đa tu tập thiền quán và phát nguyện rằng: “Nếu không thành Phật, ta nguyện vĩnh viễn không rời chỗ này”. Chư thiên và nhân loại đều hân hoan ca ngợi, cầu chúc Ngài sớm thành đạo quả. Nhưng ma vương, chúa tể của mọi sự xấu xa, lại hoang mang kinh hãi vì sợ mọi loài sẽ nghe theo lời Phật làm thiện và những người tin theo chúng nó sẽ ít dần. Vì thế, ma vương liền tức tốc đến trước mặt Ngài lớn tiếng quát mắng, đe dọa phải lập tức rời khỏi cây Bồ-đề. Mặt khác, ma vương lại sai các nữ quỷ xinh đẹp đến ca hát nhảy múa quyến rủ Tất-đạt-đa bỏ thiền định để du hí với chúng. Nhưng với niềm tin tưởng sắt đá, trước sau chẳng bị dao động, Ngài vẫn ngồi yên thiền quán và không vướng tâm đến việc quấy phá của ma vương.
Khi mọi sự dụ dỗ cưỡng bức thảy đều thất bại, ma vương sai âm binh ma quỷ đem đến một loài rắn độc rất hung tợn để đuổi Ngài rời khỏi thiền định. Nhưng Ngài chẳng hề quên mất chí nguyện của mình, vẫn nghiêm trang ngồi tĩnh tọa với ý chí kiên định, không sợ hãi hoang mang cũng không sợ chết chóc. Kết cuộc không còn cách gì để uy hiếp được Ngài, ma vương đành bỏ đi.
Ðây là lời dạy rất bổ ích mà đức Phật muốn nhắn nhủ chúng ta: “Khi gặp bất kỳ khó khăn gì thì điều quan trọng nhất là biết trung thành dũng cảm đương đầu với nghịch cảnh”. Ðó cũng là hành động mà đức Phật thể hiện trước đêm thành đạo.
Phía cuối chân trời ánh bình minh vừa hé, cả trời đất như chìm lặng trong bầu không gian tịch mịch, đâu đó từng làn gió sớm đang nhè nhẹ thổi. Tất-đạt-đa hướng tầm mắt về xa. Trên nền trời ánh sao mai đang lấp lánh toả sáng như khơi dậy trong Ngài điều gì đó. Bỗng nhiên tâm thức Ngài chợt bừng lên nguồn sáng trí tuệ, Ngài hoàn toàn nhớ lại tất cả những việc ở quá khứ, thấu rõ những việc sắp xảy ra ở tương lai, và các việc ở hiện tại cũng hiện rõ mồn một trong Ngài.
Lúc ấy, đức Phật ngạc nhiên thốt lên: “Lạ thay! Lạ thay! Hóa ra, mỗi chúng sanh đều sẵn có khả năng giác ngộ”. Sau khi thành đạo, đức Phật trở thành bậc Ðạo sư của trời người, khi ấy Ngài vừa tròn ba mươi tuổi. Người đời thường gọi Ngài là Thích Ca Mâu Ni Phật, Thích Ca Mâu Ni Thế tôn hoặc Phật Ðà. Thích Ca là họ của Phật, Mâu Ni là danh hiệu của Phật, nghĩa là bậc nhân từ tịch mặc. Ðức Phật còn được gọi là bậc thánh nhân giác ngộ vĩ đại.
Chương III
Nguồn: www.quangduc.com