2. Từ "Duyên sinh":
Thế Tôn tuyên bố: "Hết thảy các Pháp là
vô ngã", "Hết thảy các hành là vô thường và khổ đau" (Dhp,
277, 278, 279). Ðây gọi là "Ba Pháp ấn".
Nhìn thấy các pháp (hữu vi và vô vi) đều vô ngã
(anatta) là cái nhìn độc đáo nhất trong lịch sử của tôn giáo và triết
học, gây sửng sốt cả thế giới.
Chính gốc của mọi khổ đau, mọi tranh chấp,
mọi tù ngục là sự chấp trước ngã, là ý niệm sai lầm về ngã.
Cái nhìn vô ngã của trí tuệ vô ngã của Thế Tôn quả nhiên là cái
nhìn giải phóng khổ đau, tù ngục... Chính ở đây, chúng ta nhận ra Tuệ
giác của Thế Tôn.
Chỉ khi nào loại trừ hết vô minh, ái, thủ thì cái
nguyên nhân đưa đến sinh tử (các lậu hoặc) mới bị chặt đứt, và bấy
giờ mới đắc "Lậu tận minh", một quả vị hoàn toàn không thể có
ở ngoại đạo.
Từ điểm khác biệt nền tảng này, phát sinh
rất nhiều điểm khác biệt nổi bật khác, nói lên sắc thái độc
đáo gọi là Phật giáo. Ðấy là con đường trí tuệ của nhận thức vô
ngã, của thực tại vô ngã, mà không phải là của Hữu thần, Nhất thần, Ða
thần, hay Phiếm thần, cũng không phải là sản phẩm của giáo lý
"mặc khải" từ một đấng tối cao nào. Ðây là con đường hoàn toàn
của trách nhiệm tự thân, của tự độ, tự giác, mà không phải của sự ban
ân cầu nguyện, thưởng phạt, bùa chú hay hành xác nào. Ðây là con
đường vắng mặt chủ trương "Duy Tâm", "Duy linh", "Duy
vật", "Duy thần" v.v..., và là con đường của Duyên sinh vô ngã.
Nếu phải miễn cưỡng gọi nó là Duy thức, Duy linh, Duy vật v.v... thì
phải hiểu rằng Thức, Linh, Vật v.v... ấy là vô ngã, khác hẳn với chủ
trương của ngoại đạo. Ðây là con đường cho rằng gốc của sanh tử, khổ đau
và ái, thủ, vô minh, mà không phải là gì khác của thế giới bên ngoài.
Ở đây không chủ trương rằng cuộc đời này là hoàn toàn mộng ảo, phi
thực, cần phải từ bỏ để đi tìm cõi chân thực ở bên kia thế giới,
mà chỉ chủ trương loại bỏ ái, thủ, vô minh. Tất cả đều là phi thực,
nếu vướng mắc ai, thủ, vô minh... Tất cả đều là chân thực, nếu
xa rời hẳn ái, thủ, vô minh.
Nói tóm, con đường Tuệ giác vô ngã của Thế
Tôn là con đường "Trung đạo" của hai mặt: nhận thức và hành động.
Từ nghĩa "Trung đạo" ấy, Thế Tôn vạch mở
lối đi "Bát Thánh Ðạo", con đường đi vào giải thoát, rốt ráo dứt
sạch sinh tử, khổ đau.
Ðây là điểm giáo lý độc đáo khác của Phật
giáo mà không thể tìm thấy trong bất cứ hệ thống giáo lý nào
khác. Con đường này xây dựng trên căn bản của Giới (gồm Chánh ngữ, Chánh
nghiệp và Chánh mạng), Ðịnh (gồm Chánh Tinh tấn, Chánh niệm và Chánh
định) và Tuệ (Gồm Chánh Kiến và Chánh Tư duy) do từ chính Tuệ
giác của Thế Tôn.
Tự mình chứng nhập chân lý mà trước đó chưa
từng có người chứng (trừ chư Phật quá khứ) là một sự kiện biểu
hiện Tuệ giác vô thượng, nhưng tự mình mở đường cho hàng đệ
tử chứng nhập chân lý cũng là một sự kiện của Tuệ giác vô
thượng.
Từ đây, chúng ta sẽ hiểu rõ rằng từ Tuệ Giác
vô thượng, Thế Tôn thiết lập giáo lý giải thoát của Ngài, nên
từ giáo lý ấy, ta có thể tìm thấy Tuệ giác vô thượng kia. Ðó
là những gì có mặt trong Giới, Ðịnh, Tuệ, Giải thoát, và Giải thoát tri
kiến.
Giới, được xây dựng trên cơ sở của chánh trí và từ
bi, nhằm mục đích đem lại an lạc, hạnh phúc cho mọi loài trong hiện
tại và tương lai. Căn bản của Giới là Giới bổn Patimokha (Skt. Pratimoksa),
Hán dịch là Ba-la-đề-mộc-xoa (hay Biệt giải thoát, hoặc Xứ giải
thoát). Ðấy là sự giải thoát do nhiếp phục các hành động của thân, lời
và ý, là kết quả của Tuệ giác của Thế Tôn.
Về Ðịnh, hay Thiền định, có thể nói Ba
mươi bảy phẩm trợ đạo (Ðạo đế) như là giáo lý của Ðịnh, là con
đường đưa đến loại trừ hết khổ đau. Con đường nầy được
thiết lập trên căn bản của Giới (Tương Ưng Bộ Kinh, IV), như các loài
động vật di chuyển trên nền tảng đất.
Các giáo lý về Tuệ như Duyên khởi, Vô ngã,
Năm uẩn, Nhân quả, v.v... thì nhắm đến ly tham, đoạn trừ các lậu hoặc.
Toàn bộ giáo lý đạo Phật thực sự đều đưa
đến ly tham, ly sân, ly si, giải thoát và tri kiến giải thoát. Tất cả
đó phải là sản phẩm của Tuệ giác vô thượng, của một sự chứng nhập
Pháp giới táng vô thượng. Trí tuệ ấy Thế Tôn đạt được ở thời
điểm gọi là Thành Ðạo, thành Phật hay đắc Niết-bàn.
Chúng ta hãy tiếp tục tìm hiểu ý nghĩa của
Thành Ðạo, thành Phật, Niết-bàn trong các tiết mục tiếp theo./.
-oOo-
Bài trước
|
Mục lục |
Bài kế
--- o0o ---
Trình bày : Nhị
Tường
Chân thành cảm ơn Đạo hữu Bình Anson đã gởi tặng
phiên bản điện tử tập sách này
( Trang nhà Quảng Đức, 01/2002)
--- o0o ---
| Thư
Mục Tác Giả |
Nguồn: www.quangduc.com
Về danh mục