THỰC
TẠI HIỆN TIỀN
Viên Minh
--- o0o ---
[04]
TẬP ĐẾ - KHỔ ĐẾ
(Nói tiếp về sự vận hành của căn
+ trần + thức
và nguyên nhân tạo ra sự đau khổ luân
hồi sinh tử).
20-11-1993
XÚC VÀ THỌ:
Căn + trần + thức là
nói chung cho lục căn + lục trần + lục thức.
Khi ba cái này tương tác với nhau, tức là xúc, thì sẽ phát sinh khổ
thọ, lạc thọ và xả thọ. Phần này chúng ta đã
nói nhiều trong đoạn trước, vậy chúng ta tóm
tắt nó như sau:
Căn + trần + thức |
→ |
khổ, lạc |
Xúc |
|
Thọ |
TƯỞNG:
Khổ, lạc, xả sẽ đưa đến
khâu thứ ba là tưởng: hiện tưởng, hồi tưởng và tưởng tượng.
* Hiện Tưởng:
Tức là nhận biết căn,
trần, thức (xúc) và khổ, lạc, xả (thọ) một cách trung
thực (trên bình diện liên đới, chứ không
toàn diện). Thực đây là
thực ngay khi nó xuất hiện thôi. Chỉ thực khi pháp là pháp
đang là. Mà
đang là thì
đâu có gì dừng lại. Ta vừa mở miệng
hỏi pháp là gì thì nó đã qua mất rồi,
phải không? Ví dụ véo một cái thì mình đau.
Cái đang đau đó nếu mình nhận thức
đúng, nghĩa là mình không chồng lên nhận thức
đó một ảo giác, một hồi tưởng trong quá khứ,
hoặc một tưởng tượng trong tương lai, thì cái
đang là
được nhận biết bằng tri giác hiện tưởng.
Vậy hiện tưởng là nhận biết
đối tượng đúng như gốc độ tương đối, mà
nó trình diện. Nếu được trí tuệ soi sáng thì
tưởng nó phản ánh đối tượng một cách trung
thực và toàn diện.
* Hồi Tưởng:
Là chồng lên nhận thức hiện tại một cái tướng của quá
khứ, làm cho phức tạp thêm đối tượng hiện
tại. Ví dụ cái vỗ vai của anh bạn thân và của người thù mà tôi ví
dụ hôm trước. Cùng một cảm thọ mà tưởng nhận
định khác nhau, đó là do hồi tưởng xen vào, làm sai lệch cái cảm
thọ thực, khách quan.
* Tưởng Tượng:
Là dự phóng hình ảnh của
đối tượng ở tương lai. Thực ra hình ảnh
được tưởng tượng ra trong tương lai cũng chỉ
được ráp nối bằng những ý niệm quá khứ do hồi tưởng cung cấp
TƯỞNG VÀ TƯ:
Tùy theo sự trung thực hay bóp méo của các tưởng mà nó
sẽ sinh ra:
Dục ái, hữu ái, phi hữu ái → Tư
Trong Duy Thức và Vi Diệu Pháp gọi nó là tư, hay
để dễ hiểu ta gọi nó là tư tác.
Hồi tưởng và tưởng tượng nếu
được trí tuệ hướng dẫn lại trở thành
cái dụng của đạo. Nhờ nó mà người giác
ngộ không chỉ thấy pháp trên bề mặt tiếp xúc qua hiện tượng, mà còn các
thuộc tính phong phú hơn nhiều.
Ở đây chúng ta chỉ nói
phần sai của 3 tưởng khiến đưa đến tạo tác
- Hiện tưởng: cục bộ, hạn hẹp trên bề mặt.
- Hồi tưởng + tưởng tượng: bóp méo.
Vậy ở đây chúng ta có:
- Hiện tưởng, hồi tưởng và tưởng tượng → Tưởng.
- Phi hữu ái, hữu ái, dục ái → Tư.
Hai cái này gộp lại thành tư tưởng. Vậy tư tưởng sai
lầm chính là đầu mối bóp méo sự thật. Do tư
tưởng chủ quan mà mình đã biến
sự vận hành khách quan - khách quan nghĩa là chưa bị chủ quan bóp méo -
làm tăng hay giảm cảm thọ hiện thực (chúng ta
đang nói tưởng đối với thọ).
Chúng ta tạm đặt tên
cho tư tưởng (tư + tưởng) sai lầm, chủ quan là ảo tưởng hay
vọng niệm để dễ trình bày vấn
đề.
Khi ảo tưởng chiếu lên các cảm thọ
đơn thuần (khổ, lạc,
xả) thì nó sinh ra khổ khổ, hoại khổ và hành khổ. Cho nên khổ khổ,
hoại khổ, hành khổ chỉ là ảo giác. Ta có thể tóm tắt chúng như sau:
Chính khổ, lạc, xả mới là cảm thọ
đơn thuần tự nhiên, còn cảm thọ nơi
khổ khổ, hoại khổ, hành khổ, là mình đã
bóp méo qua sự tạo tác của tư và tưởng rồi. Nhưng nếu các tưởng phản ánh
trung thực và tư tác đi đôi với bát nhã
(paññā) thì vấn
đề lại hoàn toàn khác (điều
này chúng ta sẽ nói sau).
Khổ, lạc, xả dẫu là cảm thọ
đơn thuần, tự nhiên và khách quan -
cảm thọ đúng - nhưng ở nơi mỗi
người vẫn mỗi khác. Vì sao?
Ví dụ một người có tu tập trong quá khứ, có hành thiện
trong quá khứ thì sinh ra ít bệnh hoạn, mạnh khỏe, hoàn cảnh nhiều may
mắn, do đó trong đời sống hiện tại họ có
nhiều cảm thọ lạc hơn cảm thọ khổ. Ngược lại một người không tu tập lại làm
nhiều việc bất thiện trong quá khứ thì sinh ra lại bệnh hoạn, tàn tật và
hoàn cảnh nhiều bất hạnh, do đó trong đời
sống hiện tại, anh ta cảm thọ khổ nhiều hơn cảm thọ lạc. Tất nhiên
những thọ khổ, lạc ởù hai trường hợp trên đã
gieo mầm sẵn từ quá khứ rồi (nhân quá khứ và quả hiện tại), cho nên
bây giờ chỉ gặt quả, gọi là dị thục, và không tạo nhân gọi là vô nhân.
Có điều cần lưu ý ở đây là:
nếu có một người đã làm nhiều việc bất
thiện trong quá khứ, thì đời này bị
nhiều khổ thọ. Nhưng trong đời này, vị
ấy tu tập, thấy được pháp, tâm hồn hoàn
toàn giải thoát, thì cái khổ (khổ thọ) vị ấy phải nhận chịu, lại
hoàn toàn không ảnh hưởng gì đến giải thoát
của vị ấy cả. Trong kinh có kể khá nhiều chuyện những vị Tỳ kheo đạt đạo
trong tình trạng hết sức đau khổ.
Những vị ấy đang bệnh chịu không nổi, nhưng nhờ thiền quán, các vị ấy thấy
ngay cái bệnh khổ ấy, thấy thực tướng cái khổ ấy, nên vị ấy
đạt đạo. Khổ hoàn toàn không ảnh
hưởng. Cho nên, vấn đề là ta có thấy
cái khổ, cái lạc đúng thực tướng của nó
không, chứ đừng có ham muốn tìm lạc bỏ khổ mà rơi vào lầm lạc. Nếu
có bỏ khổ thì phải bỏ cái khổ ảo giác do ảo tưởng sản sinh - tức là khổ
khổ, hoại khổ, hành khổ - chứ không phải bỏ cái khổ trong "khổ,
lạc, xả" bình thường. Xin nhớ cho điều
ấy, rất quan trọng. (Lần sau chúng ta sẽ nói về sự thoát khổ ấy
là thoát như thế nào).
Bây giờ chúng ta thử duyệt lại toàn bộ diễn biến
để xem đâu mới là khâu cần phải giải
quyết.
Xúc - thọ và tưởng thực ra
đều thuộc về vô nhân dị thục, chỉ là kết quả thụ
động, nên không phải là khâu
để giải quyết. Bậc trí chỉ giải quyết nhân
chứ không giải quyết quả.
Xúc - thọ thì dễ hiểu, nhưng vì sao tưởng lại cũng
không phải là vấn đề giải quyết, chính nó cùng
với tư (= tư tưởng) trở thành nguyên nhân của sự tạo tác kia mà?
Thực ra, nói là tư tưởng nhưng trong đó
tư đóng vai tạo tác, còn
tưởng chỉ cung cấp dữ kiện thôi. Ví dụ cung cấp cái dao cho người
sử dụng người đó dùng dao
để giết người thì người giết có tội
chứ cái dao không có tội.
Tưởng chỉ đóng vai tiếp
nhận, suy đạc, xác định đối tượng chứ không phán đoán và quyết
định thái độ phản ứng trên
đối tượng như tư.
Tưởng có thể đúng hoặc sai
nhưng chưa phải là thiện ác. Thiện ác thuộc về tư.
Tưởng là tấm ảnh thu được
đối tượng, nếu tưởng tốt thì ảnh rõ, nếu tưởng xấu thì ảnh mờ. Còn
tư mới là người ngồi phê phán, chọn lọc, nói xấu, nói
đẹp, sinh ưa, sinh ghét v.v...
Dầu tưởng sai lầm hay mờ ảo cũng không quyết
định thái độ của tư. Nhưng vì tư bị vô
minh ái dục chi phối nên không phân biệt được
đúng hay sai mà thành ra vọng động tạo
tác. Nếu tư được trí tuệ hướng dẫn nó sẽ biết tưởng đúng hay sai ngay nên
nó vẫn không vọng động tạo tác.
Trong thành phần của một cái bánh có bột, có
đường, có nước... chẳng hạn. Nhưng người làm
bánh tùy theo ý thích của mình tạo ra hình chim, hình hoa, hình vuông,
hình tròn... hoặc ngon, hoặc dở... khác nhau. Tại sao cũng bột, cũng
đường, cũng nước... mà cuối cùng bánh
lại khác nhau? Đương nhiên khác nhau
là do nơi sở thích và trình độ hiểu biết của
mỗi người, nhưng thành phần bên trong cũng là
đường, là nước, là bột mà thôi.
Cũng vậy, ở nơi Phật, ở nơi chúng sinh, cơ cấu vận hành
đều giống nhau nhưng Phật khác chúng sinh vì
do trí tuệ và sở hành không giống nhau. Cũng xúc, thọ, tưởng mà Phật Niết
Bàn còn chúng sinh thì luân hồi sinh tử. Vì tư của Phật là Minh Hạnh Túc,
còn tư của chúng sinh là vô minh ái dục. Tư giống như thủ tướng của "nội
các hành", nếu được cố vấn bởi vô minh ái
dục thì chủ yếu là tạo nghiệp bất thiện, nếu
được cố vấn bởi trí tuệ thì tạo nghiệp
thiện, bất động hoặc siêu thế. Riêng
đối với chúng sinh thì tư quyết
định cõi giới: ác
đạo hay thiện đạo, hoặc dục giới, sắc giới
hay vô sắc giới. Tư tạo nhân để rồi tạo quả nơi xúc - thọ - tưởng.
Vậy tư mới là khâu nhân cần
được giải quyết, còn xúc -
thọ - tưởng chỉ là quả, không nên trước ý giải quyết mà
tạo tác thêm luân hồi sinh tử. Tu mà điều
chỉnh tư là đúng, còn tu hành
mà lăng xăng điều chỉnh xúc - thọ - tưởng là
hoàn toàn sai. Vì điều chỉnh tư
tức là điều chỉnh xúc - thọ
- tưởng rồi. Người tu hành cần phải hiểu rõ
điều đó.
Có người hỏi:
- Nếu vậy khi căn tiếp
xúc với trần, ta chỉ kham nhẫn với cảm thọ, và chỉ biết (tưởng)
vậy thôi, chứ đến tư ta
đừng khởi tâm, thì như vậy là
đã giải quyết vấn
đề được chưa?
- Điều này chúng ta
đã nói một lần rồi, nhưng lần này có
lẽ chúng ta đã thấy sâu hơn do
đã thấy
được mấu chốt của tư. Để dễ hiểu tôi xin lấy một ví dụ:
Ví dụ con chó, nó chỉ phản ứng theo bản năng
sinh lý hoặc cảm tính như đau nó chỉ kêu ẳng ẳng vậy thôi. Nó không
suy nghĩ tính toán đầy lý tính và ý
chí như con người. Như vậy tư của nó rất đơn
giản muội lược. Thường là ở dưới dạng tâm si. Như vậy chẳng lẽ nó
hơn con người sao?
Thực ra, tâm chúng ta trừ phi ở trạng thái thụ
động như lúc ngủ yên chẳng hạn, còn
thì luôn luôn có thái độ này hoặc thái
độ khác, nghĩa là có khởi tâm, chứ
không thể nào tâm không khởi được.
Vậy vấn đề không phải là
tâm đừng khởi, mà khởi sao cho
đúng. Cho nên Ngài Huệ Năng
mới bảo: "đối cảnh tâm sổ khổ". Còn
Đức Phật khi có người hỏi: "Bạch
Đức Thế Tôn, nếu tất cả tâm không khởi thì
sẽ không có tất cả khổ". Đức Phật bảo: "Chớ
có nói vậy, chỉ không nên khởi tâm bất thiện mà thôi".
Nếu không khởi tâm thì làm sao có chuyện hạnh nguyện Bồ
Tát, có thuyết pháp độ sanh? Vậy khởi là
phải có. Khởi mà đúng đắn, đúng pháp, đúng
với sự thật thì cái khởi ấy được gọi là
chánh tư duy, chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh
định v.v... Đừng tưởng định là không
khởi. Định cũng là một dạng khởi tâm.
Nó khởi trạng thái định nên gọi là
khởi định. Cái tâm là vậy, khi nó
yên là yên, khi nó khởi là khởi, đó là
định luật của nó. Khởi hay không
khởi đều có tốt, có xấu chứ không
phải không khởi là tốt mà khởi là xấu.
Cũng như cái thân hình đây
không phải nằm là tốt mà đứng dậy là
xấu. Không phải vậy, tốt xấu... thật ra tùy theo cái dụng của nó. Thí dụ:
đúng cái lúc mà mình cần phải khởi tâm
thì mình lại không, vậy là mình tầm bậy rồi. Có mấy chục người
đang đói đến xin ăn, mình có gạo,
nhưng mình lại không khởi tâm gì cả. Khi ấy có
đúng không? Mình phải khởi tâm lo
đi lấy gạo nấu cơm cho người ta ăn chứ, phải
không? Mình phải biết lúc nào nên khởi, lúc nào không nên khởi, mỗi
cái tác dụng gì, nó có lợi ích gì, hay có tác hại nào. Vì cái thấy các
pháp là quan trọng, còn pháp thì không xấu, không tốt, nhưng tùy mình mà
cái nào cũng có tốt có xấu, đến cả Niết Bàn
mà mình cũng biến nó thành xấu thành tốt
được. Quý vị nghe có lạ không? Niết Bàn thì không tốt không xấu
rồi, nhưng quý vị chấp Niết Bàn là bản ngã thì chết rồi! Chẳng thà không
biết Niết Bàn chi cả, đang đau khổ, nhưng
thấy đau khổ chỉ là một sự vận hành như thực thì lại giải thoát.
Còn mình đạt được Niết Bàn an ổn hoàn
toàn, nhưng mà mình chấp nó thì thành xấu phải không?
Điều này không phải tôi bày
đặt ra đâu. Trong kinh Mūlapariyāyasuttam,
Majjhimanikāya nguyên thủy, Đức Phật
dạy: "Này các tỷ kheo, Như Lai Bậc A-La-Hán, Chánh
Đẳng Giác, biết rõ (abhijānāti)
Niết Bàn là Niết Bàn. Với thắng trí (abhiññāya)
Niết Bàn là Niết Bàn, Như Lai không nghĩ tưởng (maññati: tưởng tượng)
đến Niết Bàn, không nghĩ tưởng trên
Niết Bàn, không nghĩ tưởng từ Niết Bàn, không nghĩ tưởng Niết Bàn là (của)
ta, không quá vui thích (abhinandati) Niết Bàn. Vì sao vậy? Vì biết
rằng vui thích (nandā) là căn
bản của khổ, là hữu, là sanh tử của chúng sinh".
Trở lại vấn đề, bây giờ
chúng ta đi sâu thêm vào tiến trình để
thấy rõ dần dần từng khâu vận hành của nó. Ở
đây không phải dùng một quan
điểm để giải thích, không phải dùng
Duy Thức hoặc Vi Diệu Pháp, kinh điển gì
đó để làm việc ấy. Chúng ta cứ chiêm
nghiệm tiến trình diễn tiến của chính nó như thế nào trước, rồi lấy kinh
điển ra mà minh họa sau như là chứng
lý mà người xưa đã thấy rồi.
Căn + trần + thức = Xúc
Xúc tức là sự giao tiếp, tương giao giữa 3 yếu tố căn
- trần - thức.
Hôm tôi dạy môn Duy Thức - Vi Diệu Pháp tỷ giảo, có
người Phật tử hỏi rằng:
- Có phải căn tiếp xúc với
trần sinh ra thức không? Ví dụ nhãn căn
tiếp xúc với sắc trần sinh ra nhãn thức phải không? Nếu vậy thầy
cho con được hỏi: căn là một yếu tố
vật chất, trần cũng là vật chất, thì làm sao cả hai cái vật chất tiếp xúc
với nhau lại sinh ra thức được?
Câu hỏi thật hay, phải không?
Căn, trần, thức tác dụng
với nhau gọi là tương tác, giao tiếp với nhau gọi là tương giao mà
thành xúc. Trong 3 yếu tố thiếu một thì không thành xúc
được, chứ không phải hai cái này sinh
cái kia. Lát nữa mình sẽ thấy điều đó rõ
hơn.
Xúc - thọ - tưởng - tư là nội dung tất yếu, cơ bản của
một tiến trình tâm (tôi tạm mượn danh từ của Duy Thức học và Vi Diệu
Pháp).
Xin lưu ý rằng thức ở trong căn
- trần - thức không phải là nhận thức, nó chỉ mới tiếp nhận
đối tượng mà thôi. Tưởng mới là biết,
mới là nhận thức ở mức độ tri giác. Tưởng đó
biết là sắc, tưởng đó biết là
khổ v.v... còn nhãn thức, nhĩ thức... thân thức chỉ như máy ảnh mà mình
vừa bấm một cái là nó ghi nhận hình liền, còn
đen trắng, to nhỏ, vuông tròn chi
đó... nghĩa là nhận biết nó là hình gì, sắc gì thì là chức năng
của tưởng.
Vậy khi tiếp xúc thì thọ liền phát
sanh, đấy là
điều tất yếu xảy ra. Khổ, lạc, xả là ở
cảm giác tất yếu. Khi mà mình dường như không có cảm giác gì cả thì nó là
xả thọ, chứ không phải là không thọ gì cả như nhiều người lầm tưởng. Dễ
chịu là lạc thọ, khó chịu là khổ thọ. Đến khi
ấy thì tưởng mới nhận biết thọ này.
Khi mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý tiếp xúc với sắc,
thanh, hương, vị, xúc, pháp thì sau thọ khởi lên, tưởng hoạt
động như sau:
Tưởng
↓
Diễn ra tiến trình phân tích
để nắm bắt biệt tướng
(atītaggahana vīthi)
↓
Diễn ra tiến trình tổng hợp
để nắm bắt tổng tướng
(samāhaggahana vīthi).
↓
Khởi khái niệm hình sắc, tướng trạng v.v...
(attha paññatti).
↓
Khởi khái niệm danh ngôn
(nāma paññatti)
Như chúng ta đã
nói, tưởng có thể đúng có thể sai, có thể rõ,
có thể mờ, nhưng nó vẫn là vô nhân. Đến tư
mới có vấn đề phản ứng, phê phán, tạo tác, trừ phi tư có Thánh tuệ
soi sáng nó mới không còn tạo tác.
Nếu ngang tưởng mà kiểm soát
được thì vẫn chưa có tạo tác gì. Nhưng
đến tư, đến phi hữu ái, hữu ái và dục
ái là bắt đầu có vấn đề, có tạo tác, có
nghiệp.
Phi hữu ái, hữu ái, dục ái có thể thiện, có thể bất
thiện, có thể bất động, nó luôn luôn đi kèm
với vô minh:
Thiện là gì? Thiện xuất phát từ các yếu tố tâm (tâm
sở) trong lành. Khi tư có chủ ý tốt đẹp
gọi là thiện. Khi tư có chủ ý xấu xa gọi là bất thiện. Còn khi tư
có chủ ý trên các tâm sở thiền chi thì gọi là bất
động. Dầu thiện, dầu bất thiện, dầu bất động
thì cũng đều tạo tác. Thiền định (bất
động) cũng là một cách bóp méo
thực tại, giống như mang kính màu thì thấy cảnh sắc
đẹp hơn. Thiền định chỉ có tác dụng lợi ích
trong giới hạn nào đó, chẳng hạn chế
ngự 5 yếu tố ngăn che tâm (triền cái). Trừ phi Thánh
định mới là duy tác, mới là Niết Bàn,
mới là hiện tại lạc trú của các bậc Thánh. Phàm
định chỉ là phương tiện chứ không phải
là mục đích tối hậu. Phàm
định không thể đưa đến giải thoát hoàn
toàn. Trong phàm định cũng có giải thoát,
nhưng chỉ giải thoát ra khỏi dục giới để an trú vào các tầng thiền
sắc giới, hoặc giải thoát sắc giới để an trú
ở các rầng thiền vô sắc giới. Nhưng những giải thoát này vẫn còn
nằm trong giới hạn của tưởng, do tưởng sinh.
Trở lại tư, trừ phi tư
được hướng dẫn bởi Thánh Tuệ, nó chỉ tạo tác trong vòng tam giới:
dục giới, sắc giới và vô sắc giới. Dục giới, sắc giới và vô sắc giới lại
xuất phát từ dục ái, sắc ái và vô sắc ái, cấp cao của dục ái, hữu ái và
phi hữu ái mà thôi. Từ dục ái (cấp thấp) mình khởi tâm tu
để đạt những hạnh phúc cõi trời dục
giới (6 cảnh trời) gọi là dục ái (cấp cao). Từ hữu ái (cấp thấp)
mình muốn tu thiền định để đắc các tầng thiền
ở cõi trời sắc giới (4 tầng thiền) gọi là sắc ái (cao cấp).
Từ phi hữu ái (cấp thấp) mình muốn tu thiền
định với các đối tượng vô sắc để đạt cõi
trời vô sắc giới gọi là vô sắc ái (cấp cao). Tất cả những cái
đó đều là tư, là tạo nghiệp.
Đức Phật Ngài dạy:
"Cetan'āham
bhikkhave kammam vadāmi".
(Này các tỷ kheo! Như Lai nói tư tác chính là nghiệp).
Nhưng "ba cõi bất an ví như nhà lửa", nên hạnh
phúc thiên lạc ở các tầng trời dục giới, sắc giới, vô sắc giới vẫn bất an,
nghĩa là không thoát khỏi khổ đế (như
nhà lửa).
Tư Thiện và Tư Thiền Sắc giới còn
được gọi chung là Phúc hành.
* Dục giới gồm các cõi:
Bất thiện: địa ngục,
ngạ quỷ, súc sanh, a-tu-la.
Thiện + bất thiện: cõi người.
Thiện: các cõi trời dục giới: Tứ
đại thiên vương,
Đao lợi, Dạ ma, Đâu xuất, Hóa lạc, Tha hóa
tự tại.
* Sắc giới gồm các cõi:
- Sơ thiền:
Phạm chúng thiên.
Phạm phụ thiên.
Đại phạm thiên.
- Nhị thiền:
Thiếu quang thiên.
Vô lượng quang thiên.
Quang âm thiên.
- Tam thiền:
Thiếu tịnh thiên.
Vô lượng tịnh thiên.
Biến tịnh thiên.
- Tứ thiền:
Quảng quả thiên.
Vô tưởng thiên.
Phước sanh thiên [*]
[*] Riêng Phước sanh thiên chia làm 5 cõi: Vô phiền
thiên, Vô nhiệt thiên, Thiện hiện thiên, Thiện kiến thiên và Sắc cứu cánh
thiên. (nơi đây chỉ có bậc Anahàm (đã
đắc tứ thiền hay ngũ thiền nếu phân chia theo
Vi Diệu Pháp) tục sinh và sẽ chứng Alahán quả tại
đây).
* Vô sắc giới gồm các cõi:
- Không vô biên xứ thiên.
- Thức vô biên xứ thiên.
- Vô sở hữu xứ thiên.
- Phi tưởng phi phi tưởng xứ thiên.
Sở dĩ kể ra như thế để
chúng ta thấy rằng tư có thể tạo tác nghiệp trong tam giới đa diện như
vậy.
Nhưng giải thoát, giác ngộ là phá hết tạo nghiệp, phá
hết tư tác trong tam giới, vì tam giới vẫn còn khổ
đế. Dù ở các cõi trời có hỷ, lạc,
định, xả nhưng vẫn là khổ
đế. Chúng ta tu hành là
để giải thoát khổ đế chứ không phải là
để được hỷ, lạc, định, xả phải không? Làm
thiện để mà
được lên cõi trời dục giới, thiền
định để mà
được lên trời sắc giới và vô sắc giới
thì khổ đế vẫn cứ còn y nguyên, vẫn do
dục ái, hữu ái và phi hữu ái tạo ra, mà nguồn gốc của nó vẫn là vô minh.
Đúng vậy không?
Ở đây ta có thể rút ra một
điểm như thế này: khổ đế không phải
chỉ là khổ thọ mà phần lớn khổ đế
lại là lạc thọ hay xả thọ. Tuy vậy nó sẽ di hại lên trên thân
biến thành khổ thọ.
BA YẾU TỐ PHỐI HỢP
Cùng xúc, thọ, tưởng, tư còn 3 yếu tố
đi kèm đó
là tác ý, nhất tâm và mạng căn (theo
Vi Diệu Pháp). Theo Duy Thức thì chỉ có thêm tác ý mà thôi. Xúc, thọ,
tưởng, tư và tác ý, Duy Thức gọi là 5 biến hành tâm sở. Vi Diệu Pháp thêm
nhất tâm và mạng căn nên có 7 biến
hành tâm sở. Gọi là biến hành tâm sở vì chúng có mặt trong tất cả các tâm,
tâm phàm tâm Thánh gì chúng cũng có mặt, nhưng nội dung có khác nhau:
- Tác ý phải có mặt thì xúc mới hiện hành. Nếu tác ý
không có mặt thì mắt với sắc, tai với tiếng, mũi với mùi, lưỡi với vị,
thân với vật thể, không tương giao tương tác
được, nghĩa là không thành xúc.
- Tác ý phải có mặt thì thọ mới hiện hành. Nếu tác ý
không có mặt thì khổ, lạc, xả có cũng như không, giống như hét vào tai
hoặc chích vào da của người hôn mê vậy.
- Tác ý phải có mặt thì tưởng mới hình thành, nếu không
thì tri giác không thể hoạt động. Giống như
con mắt của người lơ đễnh vẫn thu hình ở
điểm vàng nhưng không biết
đó hình gì. Âm thanh vẫn làm rung màng
nhĩ nhưng người chết không biết đó là
tiếng gì.
- Tác ý phải có mặt thì tư mới hình thành. Nếu không sẽ
như thuyền có máy mà không có bánh lái, nó sẽ chạy lung tung bất
định. Giống như người bị mất trí không thể
kết tội hành động của họ được.
Tác ý luôn luôn có mặt và hợp tác chặt chẽ với xúc,
thọ, tưởng, tư. Vậy tác ý là gì?
Tác ý (manasikāra) là
công tác lái ý hướng của tâm trên đối tượng.
Nó quyết định khuynh hướng đúng sai của tâm
về đối tượng.
- Nếu tác ý đúng thì
xúc, thọ, tưởng đúng và tư là thiện,
bất động hoặc siêu thế.
- Nếu tác ý sai thì xúc, thọ, tưởng bị bóp méo và tư sẽ
là bất thiện.
Vì vậy có 2 loại tác ý:
- Như lý tác ý (Yoniso manasikāra):
Yoniso có nghĩa là như thế nào thì nó như vậy, như thị. Như lý tác ý là
tâm hướng đúng đắn, tâm hướng như thực.
- Phi như lý tác ý (Ayoniso manasikāra):
tác ý không đúng, tâm hướng sai, tâm hướng
lệch lạc, không như thực.
Ví dụ: mắt thấy sợi dây, do không tác ý
đúng đắn, tâm hướng sai lệch nên tưởng
là con rắn. Thấy người phụ nữ tưởng mẹ mình, tưởng là chị mình, tưởng là
bạn mình v.v... thì 3 trạng thái tâm hướng hoàn toàn khác nhau. Vậy tác ý
của mình như thế nào đối với đối tượng nó rất
quan trọng. Nó lái cả xúc, thọ tưởng, tư.
Còn nhất tâm, mạng căn
vì sao phải có mặt? Tiến trình xúc, thọ tưởng, tư cần phải
đồng nhất từ đầu đến cuối nên cần phải
có nhất tâm. Đồng thời mỗi tiến trình
phải có một thời gian tồn tại riêng, nó xảy ra trong một số sát-na nhất
định nên cần phải có mạng căn.
Nếu không có 2 tâm sở này thì 5 biến hành tâm sở kia (xúc, thọ, tưởng,
tư, tác ý) sẽ tiến hành không đồng nhất và
không tồn tại trong một thời gian cần thiết
để xử lý đối tượng. Vì vậy 7 biến hành tâm sở
đúng hơn là 5.
Thế là chúng ta đã
nói về sự vận hành của 18 giới. Những dữ kiện căn
bản ở trong bài kinh Bát Nhã, đồng
thời chúng ta biết rất rõ đâu là
khổ đâu là nguyên nhân của khổ. Trước
khi chúng ta nói đến một sự kiện liên
hệ, cũng rất quan trọng, đấy là ngũ
uẩn. Trong kinh Bát Nhã, quý vị có ai hỏi
điều gì không?
Có người hỏi:
- Trong phần trước có nói xúc, thọ, tưởng chưa có vấn
đề gì cả,
đến tư mới có vấn đề. Nhưng ở đây, tác ý có từ nơi xúc, thọ, tưởng và
tác ý sai lầm thì xúc, thọ, tưởng cũng sai, làm sao không có vấn
đề được?
- Xin trả lời. Trước đây
tôi có nói chỉ mới xúc, thọ, tưởng thì chưa có vấn
đề gì. Tuy nó có
đúng sai nhưng vẫn chưa tạo tác. Mãi
đến tư mới tạo tác nghiệp trong tam giới (tam
giới duy tâm chính là nói tư vậy).
- Vậy tại sao tác ý lại
đóng vai trò quan trọng đối với xúc,
thọ, tưởng, tư?
- Đúng là tác ý lái
xúc, thọ, tưởng, tư. Nếu đến tư mà bật
đèn trí tuệ lên nó chỉ mới
đúng sai chưa tạo ra thiện ác, chưa tạo
nghiệp.
Tác ý ví như bánh lái, còn tư ví như máy tàu. Bánh lái
dùng bẻ qua bẻ lại mà máy chưa nổ, chưa départ thì cũng chưa gây tác hại
gì, có phải không?
Có người hỏi:
- Trong những biến hành tâm sở, có tác ý. Con tự
đặt câu hỏi: Ai tác ý? Có phải cái nhất tâm,
mạng căn không? Tác ý không phải là cái phát khởi lung tung mà nó
có một quá trình nhất quán. Tự dưng trong đầu
óc con cứ nẩy ra câu hỏi như vậy, không biết ở nơi này nó có thấp
thoáng cái ngã không? Không biết cái ngã này nó nằm ở
đâu đây? Tác ý này không phải tự nhiên
mà xuất hiện, nó do đâu, chẳng lẽ tác ý này
không có chủ từ?
- Vâng, tôi xin trả lời. Ở
đây ta phải xác định được ý nghĩa của tâm sở rồi sẽ thấy. Thường thường
chúng ta tưởng tâm sở là những yếu tố có sẵn, giống như nói là
đường, là bột, là oxy, là hydro v.v...
Theo Vi Diệu Pháp thì tâm sở không phải là cái có sẵn.
Khi nó hình thành một số tâm sở như thế này... thì nó là thiện tâm. Khi nó
hình thành một số tâm sở như thế kia... tâm trở thành bất thiện. Hình
thành tâm sở thế nọ... thì nó là tâm bất
động. Tuy nhiên các tâm sở này nó mang tính chất "tác dụng"
hơn là một thực thể.
Ví dụ cái tay có tác dụng
đánh, cái đánh đó chỉ là tác dụng chứ không phải có một thực thể
đánh. Khi mình
đánh thì cái
đánh xuất hiện, khi mình không
đánh thì cái
đánh đó không xuất hiện.
Vậy, không phải tâm sở này phát sanh tâm sở kia, mà
thật ra, nó chính là điều kiện phát sanh, có
cái này thì có cái kia, như có tư vì có tưởng, có tưởng vì có thọ
v.v... Những điều kiện phát sanh này
chính là sự vận hành tạo tác. Ví dụ mình nói H2 cộng với 02
là thành nước. H2 và 02 ví như tâm sở. Nước ví như
tâm. Đây là tạm ví dụ thôi, chứ nước,
hydro, oxy là những chất cụ thể, là những yếu tố nhất
định, còn tâm thì khác. Tâm sân ở
cường độ này khác với tâm sân ở cường
độ kia, và như vậy thì xúc, thọ,
tưởng, tư, tác ý, nhất tâm, mạng căn đều khác
nhau. Các tâm sở là sự vận hành, là những tác dụng không cố
định. Nghĩa là có tương duyên thì nó
khởi lên, có tác dụng thì nó khởi lên, không tác dụng thì nó không khởi
lên, do đó không phải do ai sinh ra cả.
Mưa do ai phát sinh ra? Hơi nước bốc lên, gặp lạnh
thành mưa, mưa rơi xuống gặp nắng lại bốc hơi... chứ không do ai cả, phải
thế không? Đủ điều kiện như vậy thì nó
phát sanh như vậy.
Tuy nhiên, anh cũng nói
đúng. Khi một người dựng cho mình một bản ngã, lúc bây giờ, tất cả
tâm sở này họ xem là ngã sở của họ, và chính họ
đã sử dụng ngã sở ấy. Nhưng khi vô ngã
thực sự thì nó vẫn tác dụng như thường, mà khi
đó không phải là ngã, nó chỉ là một
dòng biến chuyển của pháp mà thôi, chỉ là sự vận hành mà thôi.
--- o0o ---
[ Mục
Lục ] [
1 ] [
2]
[ 3
] [
4 ] [
5
] [ 6
] [
7 ] [
8 ]