Chương IV
QUY Y TAM BẢO
Tất cả chúng sanh từ vô thỉ đến nay do nghiệp lực dẫn dắt, có lúc sanh lên cõi trời cõi người, có lúc đọa xuống địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, lưu chuyển sanh tử trong sáu đường hết đời này sang đời khác. Cảnh vô thường biến hóa này thống khổ vô biên, biển nghiệp mênh mông, ai có thể làm nơi cho chúng ta quy ngưỡng ? Ai có thể dẫn dắt chúng ta đến nơi an lạc cứu cánh? Cầu mong trời và các quỷ thần thì có thể khiến chúng ta thỏa mãn nguyện vọng này không? Không thể được! Bởi vì, chư thiên còn đam mê năm dục; Phạm vương (thượng đế) ngạo mạn, cống cao; quỷ thần ưa thích sự giết hại, hung bạo. Tự bản thân họ vẫn còn bị phiền não trói buộc, vẫn còn sanh tử luân hồi trong ba cõi. Lo chính mình chưa xong, thì làm sao họ có thể cứu độ cho chúng ta?!
Từ trước, xem xét biết rằng, tất cả chúng sanh trong ba cõi sáu đường đều hy vọng được giải thoát. Nhưng chỉ có quy y Tam bảo: Phật – Pháp – Tăng mới là phương pháp giải thoát rốt ráo.
I. Thế nào là quy y Tam bảo?
1. Thế nào là quy y: Quy tức là quay về; y tức là nương tựa.
Quy, tiếng Phạn dịch là Nam mô, nghĩa là nương tựa, tôn kính. Tín đồ Phật giáo quy y Tam bảo cũng như chú cừu non lạc đường, gặp lại chủ nhân của mình, cũng như kẻ lãng tử nay đây mai đó nhờ giác ngộ mà nhớ lại, trở về bên cha mẹ hiền hòa.
2. Thế nào là Tam bảo?
Tam bảo là Phật, Pháp, Tăng. Ba bậc này vì sao gọi là bảo? Bảo có hai thứ: một là của cải vật chất, hai là tinh thần. Tiền của thuộc vật chất, tuy nhiên nó hỗ trợ cho đời sống vật chất của chúng ta được thuận tiện, song không thể dùng nó để giải quyết hết mọi việc, nhất là đối với sự thống khổ do các phiền não sanh tử đem lại, không thể nào dùng tiền bạc mà có thể làm vơi bớt khổ đau, huống chi tiền của vật chất còn khiến cho chúng ta đau khổ khó lường. Sở dĩ, chúng ta cần tinh thần quí báu trên là vì chỉ có Tam bảo: Phật – Pháp – Tăng mới có khả năng giải quyết chỗ thiếu sót của con người. Không những khiến cho chúng ta xa lìa phiền não mà còn khiến cho chúng ta đạt đến sự an lạc vĩnh cửu. Vì thế, Phật – Pháp – Tăng được gọi là ba ngôi báu. Dưới đây sẽ phân biệt, giải thích rõ ý nghĩa của Phật – Pháp – Tăng .
- Phật, tiếng Phạn là Buddha, dịch âm là “Phật Ðà”, dịch ý là bậc giác ngộ, tức là bậc giác ngộ chân lý vũ trụ nhân sinh. Ðức Phật là người đã tự mình trải qua sự giác ngộ và có thể khiến cho chúng sanh có duyên được giác ngộ. Hơn nữa, Ngài đã đạt đến giác hạnh viên mãn.
Vì sao phải quy y Phật? Vì đức Phật có ba đức:
a. Trí đức: Là bậc phá trừ vô minh, có đầy đủ đại trí Bát nhã.
b. Ðoạn đức: Cắt đứt tất cả phiền não không còn mảy may sót lại.
c. Ân đức: Tâm đầy đủ đại bi, cứu giúp tất cả chúng sanh.
Gọi là “Quy y Phật – Lưỡng túc tôn” vì đức Phật là bậc giác ngộ tôn quý cao tột nhất, đầy đủ viên mãn phước đức và trí tuệ, nên gọi làø “Lưỡng túc tôn”. Quy y Phật là lấy Phật làm mô phạm, hy vọng một ngày nào đó, chúng ta cũng có thể đầy đủ phước đức, trí tuệ như Ngài.
- Pháp, tiếng Phạn là Dharma, dịch âm là Ðạt-ma. Pháp tức là đạo lý và phương pháp do đức Phật chỉ dạy liên quan đến sự tu hành chứng đắc. “Các hành vô thường, các pháp vô ngã, Niết-bàn vắng lặng”, đây là ba chân lý lớn của Phật pháp. Nếu có thể tuần tự tu tập theo phương pháp lục độ vạn hạnh mà đức Phật Ðã chỉ dạy, thì cuối cùng nhất định chúng ta sẽ chứng đắc quả vị giải thoát. Gọi là “quy y Pháp – Ly dục tôn” vì pháp Phật là pháp thù thắng nhất trong tất cả pháp ly dục giải thoát, cho nên gọi là “Ly dục tôn”.
- Tăng, tiếng Phạn là Sangha, dịch âm là Tăng-già, dịch ý là “hòa hợp chúng”. Tăng là chỉ cho chúng xuất gia từ bốn người trở lên, làm thành một đoàn thể dựa trên tinh thần lục hòa1, cùng nhau tu hành, kính trọng lẫn nhau. Trên phương diện vật chất cũng cùng hưởng bình đẳng. Gọi rằng: “quy y Tăng – Chúng trung tôn” vì chúng Tăng ly dục thanh tịnh, hoằng dương Phật pháp tiếp nối tuệ mạng của đức Phật, trên cầu Phật đạo dưới hóa độ chúng sanh, rất đáng được tôn kính nên gọi là “Chúng trung tôn”.
Tam bảo có ba: Thế gian trú trì tam bảo, xuất thế gian tam bảo và đồng thể tam bảo.
1. Thế gian trú trì tam bảo
a. Thế gian trú trì Phật bảo: Bao gồm Xá-lợi của Phật, tượng Phật bằng giấy, vải, đất, gỗ, vàng, kim loại, tranh vẽ...
b. Thế gian trú trì Pháp bảo: Tam tạng giáo điển như Kinh, Luật, Luận in chép trên lá bối, giấy, vải...
c. Thế gian trú trì Tăng bảo: Tăng chúng đã thọ giới Tỳ-kheo, trên cầu Phật đạo, dưới hóa độ chúng sanh.
2. Xuất thế gian Tam bảo
a. Xuất thế gian Phật bảo: Bậc giác ngộ đã giải thoát tự tại như đức Phật Thích Ca Mâu Ni, đức Phật A Di Ðà, chư Phật trong mười phương...
b. Xuất thế gian Pháp bảo: Chánh pháp của chư Phật có khả năng làm cho chúng sanh thoát khỏi sự ràng buộc của phiền não, dục vọng ở thế gian, như đạo lý Tứ đế, Mười hai nhân duyên, Lục độ...
c. Xuất thế gian Tăng bảo: Các bậc hiền thánh tăng như Bồ-tát Di Lặc, Bồ-tát Quan Thế Âm, Bồ-tát Ðịa Tạng, Tôn giả A-nan ...
3. Ðồng thể Tam bảo
a. Ðồng thể Phật bảo: tất cả chúng sanh đồng một thể sáng suốt như chư Phật
b. Ðồng thể Pháp bảo: tất cả chúng sanh đồng một thể tánh từ bi, bình đẳng như chư Phật...
c. Ðồng thể Tăng bảo: tất cả chúng sanh đồng một thể tánh hòa hợp, thanh tịnh như chư Phật.
Quy y Thế gian Tam bảo là sùng bái sự tướng, nhưng chỉ chú trọng đến Ðồng thể Tam bảo thì không tránh khỏi quá cao sâu, đó không phải là chỗ người bình thường có thể hiểu được trọn vẹn. Cho nên, chúng ta cần phải tuần tự tiến lên dần dần. Trước tiên quy y Thế gian Tam bảo, sau đó mới hướng đến Ðồng thể Tam bảo chân thật.
Quy y có thể phân làm hai loại: Sự quy y và lý quy y.
1. Sự quy y: Là thành kính, phụng trì Tam bảo trên sự tướng, hình thức. Ðây là sự quy y cơ bản tất yếu của tín đồ Phật giáo.
a. Sự quy y Phật bảo: Là thường ngày nhớ nghĩ công đức của Phật, niệm danh hiệu của Phật, chiêm ngưỡng tượng Phật, thành kính lễ bái để biểu hiện lòng tôn kính, trọn đời học tập theo Phật thì gọi là Sự quy y Phật
b. Sự quy y Pháp bảo: Sớm tối tụng kinh, dốc lòng nghiên cứu đọc tụng kinh điển, nếu có thể hiểu được nghĩa lý thâm sâu huyền diệu của Phật thì càng tốt, còn không hiểu rõ ý nghĩa mà chỉ nhất tâm tụng đọc thì cũng không hề uổng công. Khi tụng kinh điển phải thành tâm chuyên chú, không suy nghĩ lung tung thì tâm ý sẽ dần dần chuyển thành thanh tịnh sáng suốt.
c. Sự quy y Tăng bảo: nói rằng: “Kính Phật phải trọng Tăng”, cho nên nếu chúng ta thành tâm kính Phật như thế nào thì cũng phải tôn kính Tăng bảo như vậy. Thấy bậc tu hành chân chính cạo tóc, nhuộm y mặc áo cà sa, tu hành chân chính thì nên kính ngưỡng như kính ngưỡng với Phật. Tóm lại, cung phụng lễ bái tượng Phật, tụng kinh trì giới, nghiên cứu Phật pháp, tôn kính Tăng chúng thanh tịnh là Sự quy y Tăng. Như thế cũng có thể gọi là tín đồ Phật giáo được rồi.
2. Lý quy y
Lý tức là thể tánh sáng suốt vốn sẵn có trong chúng ta. “Lý quy y” tức là quy y Ðồng thể Tam bảo bên trong chúng ta. Nếu chúng ta chỉ đặt nặng quy y hình thức bên ngoài thì sẽ không khế hợp hoàn toàn đúng nghĩa quy y. Bên trong của chúng ta cũng có đầy đủ Tam bảo, cho nên chúng ta cần thực hành theo Lý quy y. Lý quy y còn gọi là “Tam tự quy y”.
a. Tự quy y Phật: Là tự mình quy y Phật tánh sáng suốt bên trong của mình, khôi phục Phật tánh sáng suốt của bản thân mình. Mỗi người đều có Phật tánh, cũng đều có thể thành Phật. Nhưng, Phật tánh đó lại bị vọng tưởng chấp trước che lấp nên không thể hiển lộ được. Vọng tưởng như mây đen, Phật tánh như vầng trăng tỏa sáng. Mây đen có thể che lấp mặt trăng nhưng không thể tiêu diệt ánh sáng của nó. Phật tánh của chúng ta mặc dù bị vô minh vọng tưởng che lấp nhưng vẫn không bị giảm đi mảy may ánh sáng nào.
Chúng ta có Phật tánh bên trong mình, mọi người đều cần biết rõ và tự tin như thế. Nếu không biết mình vốn có sẵn Phật tánh mà lại đi tìm cầu những việc bên ngoài, thì giống như gã Cùng tử, tuy được cha mẹ dấu viên ngọc quý trong chéo áo nhưng vẫn không tự biết lại còn đi khắp nơi để xin ăn. Lẽ nào không khiến cho luống uổng?! Lẽ nào chẳng phải tự bỏ, tự hại hay sao?!
b. Tự quy y Pháp: Chúng ta tôn sùng pháp tánh chính mình. Trong tâm chúng ta có đầy đủ vô lượng công đức pháp tánh tâm từ bi, bình đẳng, nhẫn nhục.... Chúng ta phải phát huy hết mức và thuận theo pháp tánh vốn có ấy.
c. Tự quy y Tăng: Tôn sùng tâm hoà hợp thanh tịnh bên trong chúng ta. Tâm này chính là người thầy bên trong chúng ta. Chúng ta vì mê muội nên không nhận biết vị thầy trong tâm của mình. Chúng ta đã thực hành lời dạy của Phật Ðà và đã tự nhận thấy vị thầy thanh tịnh của ta, nên phải quy y vị thầy thanh tịnh đó. Tóm lại, tin tưởng tự mình vốn có thể tánh sáng suốt thanh tịnh, từ đó mà quy y Phật – tánh sáng suốt thanh tịnh vốn sẵn có bên trong của ta, quy y Pháp – tánh công đức từ bi, nhẫn nhục... đầy đủ trong tâm chúng ta, quy y Tăng – bản tánh thanh tịnh hòa hợp bên trong chúng ta, rồi phát huy thêm lên. Ðó gọi là Lý quy y Tam bảo.
Quy y Tam bảo là nương tựa vào Phật, Pháp, Tăng để khiến cho chúng ta đạt được mục đích giải thoát. Vì sao quy y Tam bảo mà có thể đạt được mục đích này? Bởi vì, đức Phật là một bậc đạo sư vĩ đại, trí tuệ sáng suốt, từ bi vô lượng, phước đức vô biên, đức tánh viên mãn; bản thân Ngài có phương pháp và kinh nghiệm giải thoát sanh tử, đã đạt được cảnh giới tự tại vô ngại... Bởi vì chỉ có pháp của đức Phật mới có thể giúp chúng ta tiêu trừ phiền não, thoát ly biển khổ, đạt đến bến bờ giác ngộ. Và cũng vì Tăng là hàng thanh tịnh vô nhiễm, xả bỏ danh lợi địa vị, phát nguyện thay thế đức Phật dẫn dắt chúng sanh, giúp đỡ cho chúng sanh, hướng đến con đường thành Phật.
Lợi ích của quy y Tam bảo :
Chúng sanh chìm đắm trong biển khổ sanh tử, lặn hụp trong bùn lầy dục vọng, mãi mãi không có kỳ hạn ra khỏi. Làm thế nào mới có thể thoát ly? Ở trong biển khổ, nếu nhìn không thấy mục tiêu ánh sáng thì trong lòng sẽ hướng theo một lối không chân chánh. Nếu không có thuyền thì sẽ không vượt qua biển cả sóng cồn. Mà nếu không có thuyền trưởng chỉ lối thì cũng không thể sử dụng thuyền hữu hiệu được. Mục tiêu ánh sáng tức là Phật Ðà, chiếc thuyền phương tiện qua biển cả tức là giáo Pháp, thuyền trưởng dẫn đường tức chỉ cho Tăng-già.
Chúng ta đã biết rõ sự quý báu của Phật, Pháp, Tăng; nếu không kiên định giữ gìn thì chẳng khác nào người đang chìm nổi giữa biển cả mà từ chối thuyền đến cứu hộ. Quy y Tam bảo là giống như bước lên chiếc thuyền cứu hộ đó. Tác dụng của Tam bảo là cứu độ chúng sanh trầm luân trong bể khổ. Có người nói: “Ta tôn trọng Phật vì Phật là đấng toàn tri, toàn giác. Tôn trọng Pháp vì biết pháp Phật có thể đưa chúng ta đến giải thoát. Tôn trọng Tăng bởi vì Tăng là bậc truyền bá Phật pháp”. Vậy, trong lòng biết tôn trọng là được rồi, hà tất gì phải phát nguyện quy y?
Nếu là như vậy thì rõ ràng vẫn chưa hiểu rõ năng lực của sự thệ nguyện. Nếu như chúng ta đã lỡ hứa với người khác một việc gì đó, sau lại nuốt lời thì trong lòng nhất định bất an. Cũng như vậy, nếu chúng ta đã phát nguyện rồi thì phải thực hành, nhưng nếu xem nhẹ, xả bỏ hoặc làm trái lại thì chính mình đã tự xem thường mình. Nhất là lễ quy y được cử hành giữa điện Phật trang nghiêm, trên có chư Phật, giữa có chư Tăng chứng tri, xung quanh có quyến thuộc bạn bè của chúng ta trợ niệm. Phát nguyện trong hoàn cảnh như vậy, đối với chúng ta nhất định có tác dụng rất mạnh; và tất nhiên, chúng ta không được xem nhẹ mà làm trái lại.
Hiểu rõ được tầm quan trọng của Tam bảo thì chúng ta cần phải quy y Tam bảo. Hơn nữa, chúng ta cũng cần phải xem trọng “Lý quy y và Sự quy y”; đồng thời, cũng không nên xem trọng hay xem nhẹ hình thức bên ngoài. Hai đều đó như đôi cánh chim, như hai bánh của chiếc xe không thể bỏ được. Muốn quy y Tam bảo thì trước tiên phải nghiêm túc thành kính, đây là bước thứ nhất của việcï học Phật, nối gót theo Phật mà tiến bước trên con đường hướng đến giải thoát. Làm lễ quy y Phật là thân phận chúng ta chính thức trở thành đệ tử Phật. Ðã phát nguyện quy y thì cần phải học tập theo tinh thần của đức Phật, nỗ lực tu học theo giáo pháp của Ngài, tự mình rèn luyện tâm tánh của mình, tuân thủ giới luật, tiếp nhận lời dạy của chư Tăng; nếu được như thế thì mới có thể hoàn thành mục đích cao nhất của Sự quy y.
Chúng ta thực hành quy y cũng giống như chúng ta phát nguyện. Tuy còn cách con đường giải thoát rất xa, nhưng chỉ cần chúng ta nỗ lực không ngừng thì nhất định sẽ đạt đến mục tiêu. Chúng ta phải luôn luôn ghi nhớ lời dạy cuối cùng của đức Phật “tinh tấn cầu giải thoát!”. Hãy dùng tâm tinh tấn để đi suốt trên con đường hướng đến an lạc cứu cánh.
1 Lục hòa: 1. Giới hòa đồng tu: giới hòa cùng tu; 2. Kiến hòa đồng giải: hiểu biết hài hoà cùng trao đổi; 3. Thân hòa đồng trụ: thân hài hoà cùng ở chung; 4. Lợi hòa đồng quân: lợi hài hoà chia đều nhau; 5. Khẩu hòa vô tránh: Lời nói hài hòa không tranh cãi; 6. Ý hòa đồng duyệt: ý hài hoà cùng vui với nhau.
Nguồn: www.quangduc.com