.
Năm học giới
Bình Anson
Nền tảng của giáo lý Phật Pháp là
Giới. Trì Giới là nghiêm chỉnh tự khép mình vào khuôn khổ kỷ cương.
Phạn ngữ Sīla, hay Giới, là tác
phong đạo đức và luân lý biểu hiện qua
hành động và lời nói. Giới
được xem là những quy luật tu học,
những hướng dẫn giúp ta thanh lọc tâm ý. Trong Phật Giáo, giới không phải
là những điều răn cấm do một đấng thiêng
liêng tối cao nào đó đặt ra. Ðức Phật
không bao giờ ra lệnh, bắt buộc hàng đệ tử
phải làm điều nầy, hay ngăn cấm không
cho làm điều kia. Thay vì răn
cấm, Ðức Phật giảng dạy định luật
"nhân quả" và khuyên bảo chúng sinh nên sống hòa hợp với lý "nghiệp
báo". Ngài đặt ra những nguyên tắc
giúp chúng sinh nương theo đó để trau giồi
đạo hạnh và tiến hóa. Người Phật tử không bị ép buộc phải tuân hành
những điều "răn cấm", mà trái lại,
hoàn toàn có tự do chọn lựa con đường của mình.
Ngài dạy rằng chư Phật chỉ là những vị đạo sư
đã tìm ra con đường đưa đến giải
thoát, đã thành công thực hiện con
đường đó, và có lòng từ bi chỉ dẫn cho những ai sẵn sàng bước theo
dấu chân của các Ngài.
Trong Bát Chánh Đạo - con
đường giải thoát gồm tám yếu tố chân chánh, Giới có liên quan
đến những lời không nên nói, những
việc không nên làm và những nghề không nên theo
đuổi (Chánh Ngữ, Chánh Nghiệp, Chánh Mạng). Còn
năm yếu tố kia được xếp vào nhóm
Định (Chánh Tinh tấn, Chánh Niệm,
Chánh Định) và nhóm Tuệ (Chánh Kiến,
Chánh Tư Duy). Người cư sĩ tại gia hành trì năm
giới căn bản là: không sát sinh, không trộm cắp, không tà dâm,
không vọng ngữ, và không dùng chất say. Đức
Phật dạy:
"Ai mà có thói sát sinh,
Nói năng gian dối, tánh tình tà dâm,
Say sưa, trộm cắp, hư thân,
Sống đời như thế trầm luân vô vàn.
Xem như ngay cõi nhân gian,
Tự đào bỏ mất thiện căn
của mình". (Pháp Cú, 246-247)
"Tự đào bỏ mất
thiện căn của mình" có nghĩa là bám
chặt, dính mắc vào kiếp sống sinh tử luân hồi, không bao giờ thoát ra khỏi
thế gian đầy đau khổ nầy. Ðức Phật dạy
chúng ta nên cố tránh những hành động tạo
nghiệp bất thiện kể trên, để làm
cho tâm được trong sạch, phát triển
trí tuệ để thoát ra khỏi vòng luân
hồi.
*
Người Phật tử thuần thành thường xuyên tụng niệm câu
kinh thọ trì năm giới - bằng tiếng Pāli và
tiếng Việt - để tự nhắc mình những quy
tắc tu tập, và quyết tâm điều hướng cuộc sống
vào khuôn khổ của giới hạnh. Năm câu
tụng Pāli có cùng chung cụm từ "veramanī
sikkhāpadam samādiyāmi"
nghĩa là "tôi nguyện tuân giữ điều học là
tránh không làm ...", và được tóm lược như
sau:
1. Pānātipātā
veramanī sikkhāpadam samādiyāmi
- Con xin vâng giữ điều học là
cố ý tránh xa sự sát sinh.
Không sát sinh là không cố ý cắt
đứt, ngăn chặn, tiêu diệt, hay làm trở
ngại sức tiến triển của luồng sống hay năng
lực đời sống, không cho nó liên tục trôi chảy. Không sát sinh cũng
hàm ý là không làm tổn thương sự sống của bất luận sinh vật nào, cũng
không sai khiến, xúi giục, dụ dỗ người khác làm những
điều nầy. Trong hình thức thô sơ nhất,
hành động sát sinh gồm đủ năm yếu tố: có một
sinh vật đang sống, có sự hiểu biết rằng con vật ấy đang sống, cố ý cắt
đứt sự sống của sinh vật ấy, chú tâm cố gắng làm cho con vật chết,
và chính hành động giết hại.
Ðức Phật dạy:
"Sợ thay gậy gộc, gươm
đao,
Yêu thương mầm sống, khát khao cuộc đời.
Suy lòng mình ra lòng người,
Chớ nên giết hại hoặc xui giết người." (Pháp Cú, 130)
Khi giảng về hạnh Trì Giới Ba-la-mật (Sīla
Parami) trong quyển "Đức Phật và
Phật Pháp", Hòa thượng Nārada viết:
"Mọi người đều quý trọng
đời sống của mình. Không ai có quyền cướp sự sống của kẻ khác.
Bồ-tát rải tâm Từ đến tất cả chúng sinh, cho
đến những con vật bé nhỏ đang bò dưới chân, và không khi nào sát
hại hoặc làm tổn thương một sinh vật nào.
"Con người vốn sẵn có một thú tính xúi giục giết hại
những chúng sinh khác để ăn thịt mà
không chút xót thương. Cũng có khi sát sinh, như săn
bắn hay đi câu, để tiêu khiển thì giờ. Dù
để nuôi sống thân mạng hay để tìm thú
vui, không có lý do nào chánh đáng để giết
một sinh linh hoặc làm cách nào khác cho một sinh linh bị giết. Có
những phương pháp tàn nhẫn, ghê tởm, cũng có những phương pháp mà người ta
gọi là "nhân đạo" để sát sinh. Nhưng làm
đau khổ một chúng sinh khác là thiếu
lòng từ ái. Giết một con thú đã là
hành động bất chánh, nói chi đến giết một
người, mặc dù nhiều lý do đã
được viện ra gọi là chánh
đáng, có khi gọi là cao quý,
để con người tàn sát con người."
2. Adinnādānā veramanī
sikkhāpadam samā-diyāmi - Con xin vâng
giữ điều học là cố ý tránh xa sự trộm
cắp.
Không trộm cắp, tức không cố ý lấy, hoặc nhờ người khác
lấy vật có chủ mà không được cho đến mình.
Ðức Phật dạy: "Người ấy cố tránh lấy vật gì không
được cho đến mình, những gì - dù ở
giữa rừng hoang hay trong xóm làng - thuộc quyền sở hữu của người khác,
người ấy không nên lấy với dụng ý đem về làm
của riêng." (Tăng Chi, X. 176)
"Lấy một vật gì không được
cho đến mình" ở đây có thể bao gồm
nhiều hình thức như: trộm cắp, lén lút lấy của người; công khai lấy
của người bằng vũ lực hoặc bằng cách hăm dọa;
gian lận, giả dối tráo trở, lường gạt, v.v... Tất cả những hình
thức trên đều là trộm cắp. Loại tâm
nằm phía sau hành động trộm cắp, tức là
tác ý thúc đẩy, đưa mình
đến hành
động phạm giới thường là tâm tham, nhưng cũng có thể là tâm sân, và
trong mọi trường hợp, đều có tâm si.
Người thanh tịnh trì giới lánh xa mọi hình thức trộm
cắp, dù là trộm cắp hiển nhiên, lộ liễu, hay trộm cắp vi tế, kín
đáo, ẩn núp dưới một hình thức nào
khác. Trái lại, người ấy luôn luôn cố gắng phát triển những
đức tính thanh bạch, liêm khiết, chân
thật và chánh trực. Chẳng những không lấy của người mà cố gắng mở rộng tâm
quảng đại bố thí, đem của mình ra cho
người khác.
3. Kāmesu micchācārā
veramanī sikhāpadam samādiyāmi
- Con xin vâng giữ điều học là cố ý
tránh xa sự tà dâm.
Không tà dâm là gìn giữ
đời sống gia đình trong sạch, không lang chạ phóng túng. Ðức Phật
dạy: "Người giới đức trong sạch cố tránh tà
hạnh và cố gắng tự chế. Người ấy không lăng
loàn lang chạ với người còn sống dưới sự bảo bọc của cha, mẹ, anh,
chị, hay họ hàng, với người đã có
chồng hay vợ, với người đã hứa hôn,
hoặc với người mà xã hội không cho phép." (Tăng
Chi, X. 176)
Về phương diện luân lý, giới nầy nhằm bảo vệ hạnh phúc
gia đình, không
để cho người ngoài xâm phạm vào tình
trạng an lạc trong nhà, tạo niềm tín cẩn lẫn nhau, và siết chặt tình nghĩa
vợ chồng. Về mặt đạo đức, giới nầy giúp làm
giảm thiểu năng lực tự nhiên có chiều
hướng lan rộng của dục vọng và mặt khác, tăng
trưởng đức hạnh từ khước và tự chế của lối sống thanh cao.
4. Musāvādā veramanī
sikkhāpadam samādiyāmi - Con xin vâng
giữ điều học là cố ý tránh xa sự vọng
ngữ.
Không vọng ngữ, tức không nói lời giả dối sai quấy,
không tạo khẩu nghiệp bất thiện, luôn luôn có lời nói chân chánh và
đồng thời trau giồi khẩu nghiệp thiện.
Thông thường chúng ta có khuynh hướng xem nhẹ khẩu
nghiệp, vì hậu quả của lời nói thường không biểu hiện mạnh mẽ tức khắc như
thân nghiệp. Nhưng nếu chịu khó bình tâm suy tư, chúng ta nhận thức
được rằng lời nói có tầm ảnh hưởng rất quan
trọng và khả năng tạo hậu quả vô cùng
to tát, trong việc thiện cũng như trong điều
bất thiện. Lời nói có thể khơi dậy lòng căm
thù, tiêu diệt đời sống, gây chiến
tranh, mà cũng có khả năng mở mang trí
tuệ, hàn gắn chia rẽ và đem lại thanh
bình an lạc.
Từ ngàn xưa, lời nói vẫn
được xem như lưỡi dao bén cả hai bề mà người sử dụng cần phải hết
sức thận trọng. Ngày nay, với sự tiến bộ của những phương tiện truyền
thông, hậu quả của lời nói -- tốt cũng như xấu -- trổ sinh càng nhanh
chóng và sâu xa không thể lường. Nếu con người có thể kiểm soát
được cái lưỡi không xương của mình thì
nhân loại chẳng những tránh được bao nhiêu
phiền phức rối ren đau khổ, mà
đời sống trên thế gian nầy cũng
được tốt đẹp, thoải mái dễ chịu, đáng sống.
Có bốn loại khẩu nghiệp bất thiện là nói dối, nói
đâm thọc, nói thô lỗ cộc cằn, và nói
nhảm nhí. Như vậy, không vọng ngữ là không nói dối, không nói
đâm thọc, không nói lời thô lỗ và
không nói lời nhảm nhí vô ích.
a) Không nói dối, mà luôn luôn nói lời chân thật. Ðức
Phật dạy: "Ở đây, người trì giới
không nói lời giả dối. Người ấy nói lời chân thật, tận tâm sống chân thật,
chắc chắn, đáng được tín cẩn, không làm
cho người khác hiểu sai sự thật. Giữa buổi họp hay giữa
đám đông, trong giới thân bằng quyến thuộc
hay ngoài xã hội, hoặc trước triều đình
khi được gọi làm nhân chứng cho một
việc gì, người ấy sẽ nói "tôi không biết" nếu thật sự không biết; và nếu
biết, người ấy nói "tôi biết". Người ấy nói "tôi không thấy gì" nếu thật
sự không thấy, và nói "tôi thấy", nếu thật sự thấy. Như vậy người ấy không
bao giờ nói lời giả dối vì lợi ích cho mình, vì lợi ích cho một người
thân, hoặc vì bất cứ lợi ích nào". (Tăng
Chi, X.176)
b) Không nói đâm thọc, mà
luôn luôn nói lời hòa thuận. Ðức Phật dạy: "Người trì giới nầy không
dùng lời lẽ có tính cách đâm thọc.
Ðiều gì nghe ở đây, người ấy không lặp lại
nơi khác nhằm tạo chia rẽ. Ðiều gì nghe ở nơi khác, người ấy không
lặp lại ở đây nhằm tạo chia rẽ. Người ấy có
tinh thần đoàn kết những ai chia rẽ, và khuyến khích những ai
đoàn kết. Không khí thuận hòa là niềm
vui của người ấy. Người ấy hoan hỷ thỏa thích và phấn khởi trong sự hòa
hợp và, bằng lời nói, cố gắng gieo trồng mầm mống thuận hòa". (Tăng
Chi, X.176)
c) Không nói thô lỗ cộc cằn, mà luôn luôn nói lời thanh
tao nhã nhặn. Ðức Phật dạy: "Người trì giới nầy không nói những lời thô
lỗ cộc cằn. Người ấy chỉ thốt ra những lời dịu hiền, thanh nhã, dễ mến,
những lời thành thật và lễ độ, thân hữu và
làm vui lòng nhiều người." (Tăng Chi,
X.176)
Và:
"Đừng nên mở
miệng nói câu,
Cộc cằn, ác độc khiến đau lòng
người,
Người ta cũng nói trả thôi,
Những lời độc địa muôn đời khổ thay!
Lời qua tiếng lại đắng cay,
Như bao dao gậy phạt ngay thân mình." (Pháp Cú, 133)
d) Không nói nhảm nhí, mà chỉ nói những lời hữu ích.
Ðức Phật dạy: "Người trì giới nầy không nói lời nhảm nhí vô ích. Người
ấy nói đúng lúc, đúng như sự việc xảy ra, nói
những lời hữu ích, nói về Giáo Pháp và Giới Luật. Lời nói của người
ấy là một kho tàng, thốt ra đúng lúc, hữu lý,
hòa nhã, và đầy ý nghĩa."
(Tăng Chi, X.176)
Lời nói nhảm ắt vô ý nghĩa, nông cạn, và không dẫn
đến lợi ích nào. Những lời lẽ như thế
ấy chỉ khơi động vọng tâm, Ðức Phật
khuyên nên hạn chế những ngôn từ thuộc loại nầy. Lời nói phải là cẩn ngôn,
phải được chọn lọc, và chỉ nói những
lời thích hợp với Giáo Pháp. Ngài dạy: "Nầy chư Tỳ Khưu, khi quý vị tụ
họp đông đảo thì chỉ có hai việc nên
làm: hoặc thảo luận về Giáo Pháp, hoặc giữ sự yên lặng cao thượng."
(Trung Bộ, 26)
Người nghiêm túc trì giới không vọng ngữ là người không
nói lời nhảm nhí vô ích. Không phải nói nhiều mà chứng tỏ rằng mình học
rộng biết xa. Cũng không phải nói nhiều mà tạo nhiều lợi ích cho mình hoặc
cho người khác. Ngài dạy:
"Dù ngàn lời nói với nhau,
Nếu đều vô nghĩa, ích đâu cho đời!
Chẳng bằng chỉ nói một lời,
Đầy đủ nghĩa lý, mọi người mừng thay!
Nghe xong, tâm tịnh lạc ngay." (Pháp Cú, 100)
5. Surā-merayā-majja-pamādatthāna
veramanī sikkhāpadam samādiyāmi
- Con xin vâng giữ điều học là cố ý
tránh xa sự dể duôi uống rượu và các chất say.
"Không dùng chất say" là không uống rượu và không dùng
bất luận chất say nào, như ma túy chẳng hạn, có thể làm cho trí não lu mờ,
mất sáng suốt. Mặc dù uống chút rượu không
đến đỗi là một tệ hại trọng đại, nhưng
trong đa số các trường hợp,
người uống rượu không biết đến lúc nào
phải ngừng, và khi đã quá chén rồi thì
mất lý trí, không còn kiểm soát được lời nói
và hành động của họ. Từ đó, người say
sưa có thể phạm bất cứ giới nào khác mà bình thường họ vẫn cố gắng
gìn giữ.
*
Trên đây là năm
giới căn bản mà mỗi người Phật tử tự nguyện nghiêm trì. Người giữ
gìn trong sạch năm giới nầy là một
phước lành cho những ai sống quanh người ấy, mà cũng tạo thiện nghiệp cho
chính mình. Người ấy sẽ tái sinh vào những cảnh giới nhàn lạc và thọ hưởng
quả lành.
Tuy nhiên, đó chưa phải là
mục tiêu cứu cánh của người tu Phật, vì vẫn chưa thoát ra khỏi những kiếp
sống trong vòng luân hồi, mà chỉ thọ hưởng những phần thưởng thu nhặt trên
con đường hành trì
đưa đến Niết Bàn. Giới chỉ là phương
tiện để thành
đạt mục tiêu. Mục tiêu tối hậu là Giải
Thoát. Toàn thể giáo huấn mà Ðức Thế Tôn truyền dạy
đều chỉ nhằm vào mục tiêu Giải Thoát.
Trong bài kinh Uposatha, Phật Tự Thuyết V.51, Ðức Phật tuyên bố: "Cũng
như các biển lớn chỉ có một vị là vị mặn, Giáo Pháp của Ta chỉ có một vị
là vị Giải Thoát".
Dù là bài kinh dài hay ngắn, dù là những lời dạy cho
hàng sơ cơ hay những giáo huấn cao thâm, tất cả
đều nhằm vào mục tiêu duy nhất là giải
thoát ra khỏi mọi hình thức khổ đau của kiếp
sống vô thường và vô ngã. Tuy nhiên, không thể có sự bỗng nhiên
giải thoát, hay giải thoát từng đoàn
từng nhóm, mà chỉ có công phu chuyên cần tu tập của từng cá nhân, và do
công phu tu tập cá nhân ấy, mỗi người đần dần
tiến đến sự giải thoát cho riêng mình. Ðức Thế Tôn dạy tiếp:
"Cũng như các biển lớn tuần tự thuận xuôi, tuần tự
thuận hướng, tuần tự sâu dần, không có thình lình như một vực thẳm; Giáo
Pháp và Giới Luật này có các công phu tu tập tuần tự
đưa đến các tiến triển tuần tự, các quả dị
thục tuần tự, không có sự bỗng nhiên giác ngộ"
Năm giới căn bản là
nền tảng của Giáo Pháp. Dựa trên căn bản vững
chắc đó, người Phật tử thuần thành cố gắng dần dần tiến bước.
*
Nghiêm túc trì giới còn có nghĩa là bố thí vô úy
-- bố thí sự an toàn, tình trạng không lo sợ
đến cho người khác. Không ai thích sống chung với những người ăn nói giả
dối, thô lỗ cộc cằn, với hạng người sát sinh, trộm cắp, lăng loàn,
say sưa hư hỏng. Gần họ, ta không cảm thấy an toàn, phải luôn luôn lo sợ,
lúc nào cũng phải đề phòng. Trái lại,
ta thích ở gần những người có giới đức, vì
những người nầy không làm cho mình lo âu, sợ sệt. Người giữ giới trong
sạch mang đến trạng thái an toàn cho
những ai sống quanh mình. Người giữ tròn đủ
năm học giới là người "đem sự không
sợ hãi cho vô lượng chúng sanh, đem sự
không hận thù cho vô lượng chúng sanh,
đem sự không hại cho vô lượng chúng sanh", và
đó là "nguồn nước công
đức, nguồn nước thiện, món ăn cho an lạc, làm
nhân sanh Thiên, quả dị thục an lạc, đưa đến
cõi trời, dẫn đến khả ái, khả hỷ, khả
ý, hạnh phúc, an lạc." (Tăng Chi,
VIII.39)
Có sách giải thích từ sīla
- giới là đồng nghĩa với samadhāna
- hòa điệu, điều hòa, nhịp nhàng hòa
hợp. Ðây là lối sống hòa điệu với chính mình
và với người khác. Người không bao giờ làm tổn thương sự sống của bất luận
chúng sinh nào mà luôn luôn nâng đỡ, giúp cho
luồng sống của mọi chúng sinh trôi chảy dễ dàng, người không trộm
cắp mà luôn luôn mở rộng tâm quảng đại bố
thí, người không lang chạ phóng túng mà luôn luôn có
đời sống gia đình trong sạch, người
luôn luôn chân thật, luôn luôn thanh nhã, luôn luôn có lời nói hữu ích và
đem lại tinh thần hòa hợp, người không
bao giờ say sưa mà lúc nào cũng bình tỉnh sáng suốt, người như thế chắc
chắn tạo cuộc sống hiền hòa trong gia đình,
đem lại sự hòa hợp trong giao tiếp
giữa người với người trong một xã hội mà quyền lợi cá nhân có nhiều khác
biệt, đôi khi còn
đối nghịch. Về phương diện tâm lý, người nghiêm
trì giới luật tránh cho mình những xung đột
tâm trí do tội lỗi gây nên -- những nỗi khổ não khi bị lương tâm
cắn rứt -- và nhờ đó, tâm trí được thăng
bằng, an lạc.
Tóm lại, người Phật tử nghiêm trì giới luật qua hai
mặt: thụ động và chủ
động. Về mặt thụ
động, trì giới là không tạo nghiệp ác
qua lời nói lẫn hành động, và ngăn
chận các tư tưởng uế trược tội lỗi trong tâm ý. Về mặt chủ
động, trì giới là tạo thêm nghiệp
thiện, phát triển tâm ý tốt lành, nhằm tạo
điều kiện và hoàn cảnh thuận lợi, hỗ trợ ta trên con
đường đưa đến giác ngộ giải thoát.
(Viết dựa theo tập sách "Tam Quy, Ngũ Giới" của Bác Phạm
Kim Khánh)
---o0o---
Nguồn:
www.buddhanet.net/budsas
Trình bày: Nhị Tường
Cập nhật: 01-06-2005
Nguồn: www.quangduc.com
Về danh mục