---o0o---
... Người ta sinh ra đời không khác gì trái cây ở
trên cành: có những trái lớn, có những trái nhỏ; có những trái xanh, có
những trái già... Những trái cây ấy đã có lúc sinh ra tức có ngày rụng
xuống: trái rụng trước, trái rụng sau... nhưng rồi trái nào cũng phải
rụng xuống hết. Rụng xuống để biến thành cành hoa thơm hay rụng xuống để
biến thành cây cỏ dại... nhưng rồi trái nào cũng phải rụng xuống hết.
Con người đã có sanh đều có chết. Chết để mà sanh theo nghiệp lực thiện
ác, khổ vui, xấu tốt.
Sự có mặt của loài người ở đời cũng như thế: có người sống 50 tuổi,
người 70 tuổi, người 80 tuổi, hy hữu có người sống đến 100 tuổi hay hơn
trăm tuổi, nhưng rồi cũng có ngày phải qua đời. Người trước kẻ sau không
ai tránh khỏi! Sự sống thật là bấp bênh nhưng cái chết lại là rất chắc
chắn. Bấp bênh vì lẽ không ai biết được rằng mình sống được năm nào,
sống được ngày nào, sống được giờ nào, sống được phút nào, nhưng sự chết
lại không một ai tránh khỏi. Người chết trước, kẻ chết sau. Có sanh thì
có chết, đó là định luật tất nhiên ở trên hành tinh này và của các pháp
hữu vi sanh diệt.
Vậy thì một lần sanh là một lần chết, không luận là thánh phàm, không
luận là ngu trí, không luận là giàu nghèo... về cái chết thì ai cũng như
ai, nhưng khác nhau ở chỗ người biết chọn cách chết, người không biết
chọn cách chết cho hay, cho đẹp mà thôi. Nói chọn cách chết có nghĩa là
biết chọn cách sống. Sống như thế nào sẽ chết như thế đó. Cho nên nếu ta
muốn cái chết được thanh tịnh, được nhẹ nhàng, được mọi người thương mến
tức phải chọn lấy cách sống hiền lành, đạo đức, ích lợi cho mình, cho
gia đình và cho tất cả những người khác.
Phật dạy có bốn hạng người có mặt trên thế gian này [*]:
Hạng thứ nhất là hạng người lo làm khổ mình, chuyên làm khổ mình.
Hạng thứ hai là chuyên làm khổ người.
Hạng thứ ba là chuyên làm khổ mình và làm khổ người.
Hạng thứ tư là không làm khổ mình và không làm khổ người.
(1). Hạng thứ nhất là hạng chuyên làm khổ mình, tức là hạng người chỉ
biết sống một cuộc đời buông xuôi, lêu lổng, lười biếng, cờ bạc rượu
chè, say sưa đắm đuối, ỷ lại, buông thả cuộc đời mình theo con đường xấu
xa, hẹp hòi tối tăm, không có lợi ích gì cả. Đó là hạng người làm khổ
mình.
(2). Hạng thứ hai là hạng người chuyên làm khổ người, là những người
sanh tâm điên đảo, xấu xa độc ác, để phỉnh gạt, để lấy của người khác về
làm của mình, để sát hại người khác, không biết sự đau khổ của người
khác chính là sự đau khổ của mình, không hiểu được lời dạy của đức Phật.
Ngài dạy rằng:
"Ai cũng sợ gươm đao, ai cũng sợ sự chết, vậy hãy lấy lòng mình suy lòng
người, chớ giết, chớ bảo giết", "Ai cũng muốn xa tránh điều khổ, ai cũng
muốn có hạnh phúc. Vậy hãy lấy lòng mình suy lòng người, đừng gây điều
khổ cho người khác, đừng phá hại hạnh phúc của người khác", "Ai cũng có
gia đình, thân nhân muốn bảo bọc, muốn duy trì hạnh phúc được tốt đẹp.
Vậy thì đừng phá gia đình, đừng phá thân nhân của người khác", "Ai cũng
muốn của cải mình được trọn vẹn yên ổn, vậy hãy lấy lòng mình suy lòng
người, giữ gìn của cải của người khác, đừng xâm phạm, đừng gian tham,
đừng bóc lột, đừng cướp giựt!..."
Đó là những lời dạy sáng suốt, rõ ràng, thiết thực trước mắt mà đức Phật
đã ban cho chúng sanh cách đây hơn hai nghìn năm trăm năm rồi. Nhưng bài
học đó thật hiếm người theo được. Cho nên cuộc đời của chúng ta ít đem
lại niềm vui cho mình, cho người, ngược lại gieo rắc xấu xa, gieo rắc
khổ đau, gieo rắc rối loạn cho mình, cho người và cho gia đình.
(3). Hạng người thứ ba là hạng người làm khổ mình, làm khổ người. Đó là
hạng người sống hoàn toàn không có đạo đức, không có lý tưởng, không có
nhân nghĩa. Chuyên sống với một tâm tình nhỏ hẹp, xấu xa, vị kỷ, làm
những việc độc ác để bồi bổ cho béo cái thân mình; nói những lời độc ác
để thu lợi về cho mình, phỉnh gạt, lừa đảo, giết chóc, không tôn trọng
tài sản, sự sống của kẻ khác. Chiếm đoạt tài sản của người, giết hại
người cũng chẳng có lợi ích gì cho mình hết. Đó là hạng người làm khổ
mình và chuyên làm khổ người.
(4). Hạng người thứ tư là hạng người không làm khổ mình, không làm khổ
người. Tức là hạng người biết sống đạo đức, biết sống theo lẽ phải, biết
sống thế nào để đem lại an vui, hoan hỷ mà không gieo rắc tai họa, khiếp
hãi; biết sống thế nào để đem lại hân hoan cho kẻ khác chứ không sống mà
đem lại sự e dè, sợ sệt cho người. Đó là những người luôn luôn nghĩ đến
hạnh phúc của mình, hạnh phúc của người để tạo dựng một cuộc đời hạnh
phúc cho cả hai bên, vì biết được rằng người có hạnh phúc thì mình mới
có hạnh phúc, mình có hạnh phúc người mới có hạnh phúc. Nếu mình chỉ lo
hạnh phúc cho mình mà phá hại hạnh phúc của người khác thì không thể nào
riêng mình có hạnh phúc trong khi xung quanh mọi người không được hạnh
phúc. Nếu mình giàu có đủ ăn một ngày ba bữa trong khi xung quanh mình
toàn là những người thiếu ăn thiếu mặc, thì không thể nào an vui giữa
những sự thiếu thốn của những người khác được.
Vậy giữa mình với người có một sự tương quan chặt chẽ, giúp đỡ lẫn nhau
mới tồn tại, mới yên vui, nếu phá hại lẫn nhau thì cả hai đàng đều đau
khổ.
Ngay một chuyện hằng ngày sống với nhau nếu biết nhẫn nhịn - trong chừng
mực ấy - người ta cũng có thể tạo hạnh phúc yên lành cho nhau. Ở đời ai
mà tránh được cái ngã, cái ngã chấp của mình! Khi thấy mình có một cái
bản ngã hơn cái bản ngã của người khác thì cho đó là sang, là quý, là
đáng trọng mà quên rằng người khác cũng có cái ngã đáng quý đáng trọng
của họ. Nhưng vì cố tình không biết cho nên nếu có ai đụng đến cái ngã
của mình là mình sân si tật đố. Sân si tật đố đó một ngày không nguôi,
hai ngày không nguôi, rồi ba ngày không nguôi, cho đến khi làm thế nào
để cho người đó phải vong gia bại sản, phải đảo điên, phải khổ sở mất
mát... khi đó mới thỏa lòng mình.
Xét cho kỹ thì những việc làm đó hoàn toàn bị điều động bởi một thứ tâm
trí bệnh hoạn, hẹp hòi vì vô minh điên đảo mà đức Phật từ xưa đã chỉ dạy
cho chúng ta. Thử hỏi rằng mình có một cái ngã, cái ngã của mình đó là
cái gì? Cái ta của mình đó, ở nơi đâu?
Thật tình khi ta nói Ta, nhưng tìm cho ra cái Ta đó chẳng biết nó nằm ở
đâu hết. Khi cha mẹ mình sinh ra chỉ sinh ra một cái thân, chẳng có tên,
tuổi gì, nhưng rồi cha mẹ đặt cho một cái tên: có khi đặt một cái tên
rất đẹp, có khi đặt một cái tên rất xấu; nhưng từ cái tên đó, mỗi lần
được kêu lên là ta liền có ý thức nhận đó là ta.
Ví dụ cha mẹ đặt cho mình cái tên là "Kèo", từ nhỏ kêu mình là Kèo, ngày
thứ nhất kêu mình là Kèo, ngày thứ hai cũng kêu mình là Kèo, ngày thứ
ba, thứ tư... cứ như vậy mãi. Mình sẽ yên chí mình chính là Kèo. Tự
nhiên cái tên Kèo đó nó đồng hóa trở thành mình, và khi ai đụng chạm đến
cái tên Kèo là mình cảm thấy khó chịu. Ai chê, ai mắng, ai phê bình cái
tên Kèo làm mình cảm thấy tức giận. Nếu mình ngồi đây mà ai ở ngoài
đường kia xướng cái tên Kèo mà mắng, mà chửi, nói rằng "Kèo là tên ăn
trộm", chắc chắn rằng anh Kèo trong này không chịu nỗi, mà phải tìm cách
để biết người nào đó dám cả gan nói ta là ăn trộm, tìm cho ra để trả
thù. Ngược lại ở đàng xa kia có một người tán thán ca ngợi cái ông Kèo
là một ông đạo đức, nhân nghĩa, đẹp trai, quý phái, người đời này có một
không hai... Khi đó mình là Kèo chẳng có đạo đức gì cả nhưng mình cũng
nhận là mình có đạo đức nên người ta mới khen như vậy, tán dương như
vậy, mình sung sướng vô cùng. Mình sung sướng với cái tên Kèo bởi vì Kèo
đã trở thành Ta rồi.
Đó chỉ là một cái danh từ suông, một cái tên suông nhưng khi ta đã cố
chấp vào nó là ta, thì phải bị khổ lụy theo nó. Nếu không hiểu được Kèo
chỉ là một danh từ giả tạm, một danh từ ước lệ của xã hội đặt ra để mà
gọi. Mà cứ khư khư cho rằng Kèo là ta, ta là Kèo, nhất định sẽ đau khổ
vì nó trong khi bị người ta chửi mắng và nhất định sung sướng vì nó
trong khi được người ta khen ngợi tán thán. Nhưng sự thật, sự ca ngợi,
sự chê bai cái tên Kèo không dính dáng gì đến ta hết, thế mà ta cứ cho
ta là Kèo, không ai có quyền đụng đến ta được.
Đụng đến cái tên mà còn như thế, huống gì đụng đến da, đến thịt của ta
thì sẽ như thế nào? Cho nên có người không nhẫn nhục nỗi mà phải đảo
điên, phải mưu kế, phải tính toán trả thù cho bằng được. Người nào đụng
đến mặt mũi, đụng đến da thịt, thân thể mình thì bị phản ứng ngay lập
tức.
Những giả danh, những sắc tướng đều là những cái mong manh giả tạm mà cố
chấp lấy nó nên ta phải đau khổ, phải điên đảo vì nó.
Khổ và điên đảo theo nó rồi tạo nghiệp theo nó; đã tạo nghiệp theo nó
tức là sanh tử, luân hồi theo nó. Khi ta tạo nghiệp xấu nhất định sẽ
mang quả xấu, nhất định sẽ không được yên vui. Đó là một điều rỏ ràng
hết sức, nhưng vì vô minh che lấp, chúng ta không thấy rõ được điều mà
đức Phật từ ngàn xưa đã chỉ rõ cho ta: "Tất cả chúng sanh đều vô ngã".
Chính tên Kèo đâu phải là ngã mà mình cho là ta, là ngã; đó là sự vô
minh, đó là sự sai lầm không che dấu được. Một khi đã lấy tên Kèo làm
Ta, thì khi đi ngang qua một nơi nghe người ta mất gà, họ đang chửi rủa
tên Kèo nào đó, nhưng mình thấy bực tức và đứng lại cãi:
-- Ai lấy gà của mày, ai ăn cắp gà của mày mà thấy tao đi ngang là mày
chửi, là mày gọi tên Kèo ra mà chửi?
Nhất định cãi cho bằng được, cãi buổi sáng chưa xong, lại cãi buổi
chiều, buổi chiều chưa xong lại cãi buổi tối... thậm chí đem bà con của
mình xúm ra mà chửi bên kia, rồi bên kia cũng đem bà con ra chửi bên
này.
Cãi cái gì? Cãi cái tên Kèo ăn cắp gà. Nhưng kỳ thật người ta chửi là
chửi một anh chành Kèo nào khác chứ không phải là chửi mình? Thế mà mình
cứ khư khư cho tên Kèo là mình, mình không chịu nỗi, phải nghĩ cách trả
thù. Muốn đi mà không đi được, muốn yên ổn mà yên ổn không được, lúc bấy
giờ sẽ bị trói buộc lại một chỗ để cãi lộn. Không có dây mà cũng bị
trói, không có ngục mà cũng bị giam.
Ai trói? Ai giam?
Chính mình tự giam giữ mình, chính mình tự trói buộc mình. Đó, chính
mình giam mình lại đó.
Đức Phật nói: Chúng sinh bị trầm luân trong bể khổ luân hồi. Bể khổ đó
không phải là bể nước mặn. Nếu bể khổ là nước mặn thì chỉ cần lên núi ở
tức khỏi bị khổ, khỏi bị trầm luân. Nhưng ở đây cái bể khổ trầm luân
chính là tham, sân, si, tật đố, ngã mạn của chúng sinh. Bể trầm luân này
nằm ở trong lòng chúng sinh chứ không phải ở đâu xa hết. Vì nằm trong
lòng chúng sinh, nên mỗi khi lòng tham nổi dậy quá mạnh thì nó chôn vùi
con người vào trong chính lòng tham đó. Mỗi khi lòng sân nổi dậy quá
mạnh thì nó chôn vùi con người vào trong lòng sân đó. Mỗi khi si, ngã
mạn... nổi dậy quá mạnh thì nó nhận chìm con người vào trong si, ngã
mạn... đó, chứ không ai đâu khác.
Vậy thì ai muốn thoát luân hồi, ai muốn thoát sanh tử, ai muốn thoát
trầm luân? Chắc chắn ai cũng muốn thoát khỏi chỗ ấy, tức là thoát khỏi
trầm luân, thoát khỏi sinh tử. Muốn thoát khỏi trầm luân, bể khổ, không
có gì khó cả: chỉ cần dứt trừ lòng tham là thoát khỏi trầm luân, dứt trừ
lòng sân là thoát khỏi trầm luân, dứt trừ lòng kiêu mạn là thoát khỏi
trầm luân, dứt trừ lòng tật đố ganh t là thoát khỏi trầm luân. Dứt trừ
bao nhiêu tật xấu là thoát khỏi trầm luân. Cho nên tật xấu nhiều chừng
nào bể trầm luân nhiều chừng đó, tánh xấu ít chừng nào biển trầm luân
vơi cạn chừng đó. Vì vậy nếu ai tát cạn được bể ải, người đó thoát khỏi
bể trầm luân. Ai không tát cạn được bể trầm luân, thì người đó chìm đắm
trong luân hồi sanh tử. Như vậy những lời đức Phật dạy là những pháp
hiện tiền trước mắt, chỉ ngay trong tâm ta chứ không đâu xa lạ hết.
Chúng ta đọc kinh, thấy pháp Phật dạy trong đó, nhưng kỳ thiệt Ngài
không để gì trong kinh hết, mà Ngài chỉ rõ tâm của ta cho ta thấy đó
thôi. Nếu không thấy cái tâm mình, không cải bỏ những tâm lý nhỏ mọn
hung ác một tí nào, thì dù có đọc kinh suốt cả đời đi nữa thì trầm luân
vẫn là trầm luân, tham lam vẫn cứ tham lam... Lúc bấy giờ dù có học muôn
ngàn quyển kinh đi nữa thì cũng không làm sao vớt ta lên khỏi bể trầm
luân được. Khi ta không biết chính bể trầm luân ở trong lòng ta, chính
bể trầm luân ấy là tham lam, nhỏ mọn, tật đố, kiêu căng, hẹp hòi, nhỏ
mọn, độc ác mà cứ cho trầm luân ở đâu xa, nhất định ta không thoát khỏi
trầm luân. Vậy đức Phật ra đời cốt dạy cho chúng sanh thoát khỏi trầm
luân, giải thoát sanh tử, và giải thoát sanh tử ngay trong hiện tiền,
ngay trong tâm niệm, ngay trong giờ phút này vậy.
-- Thử hỏi ngay trong giờ phút này chúng ta có tham không? Không, như
vậy ngay trong giờ phút này chúng ta thoát khỏi trầm luân rồi.
-- Giờ phút này chúng ta có si không? Có ngã mạn, tật đố, có ích kỷ hẹp
hòi không? Không! Như vậy giờ phút này chúng ta thoát khỏi trầm luân
rồi.
Nếu cái giờ phút chúng ta thoát khỏi trầm luân đó cứ tiếp tục kéo dài
mãi, nhất định chúng ta sẽ thoát khỏi trầm luân. Thoát khỏi trầm luân
cũng có nghĩa là thoát khỏi địa ngục. Địa ngục là nơi giam giữ, mà địa
ngục đó tự mình tạo ra, tự vô minh của mình tạo ra chứ không ai tạo ra
hết. Địa ngục mình tạo ra thì chỉ có mình mới giải thoát được thôi. Mà
giải thoát bằng cách nào? Giải thoát bằng sự thực hành lời dạy của đức
Phật, bằng sự giác ngộ lời của đức Phật dạy cho chúng ta. Muốn thoát
khỏi địa ngục ta phải thực hành lời dạy của đức Phật không chờ đợi, vì
chờ đợi thì vô minh sẽ che lấp trí tuệ không làm sao thấy để giải thoát
được.
Nên hàng Phật tử chúng ta tụng kinh, đọc kinh, niệm kinh là để cho rõ
lời Phật dạy, nhờ đó mỗi ngày, mỗi giờ, mỗi phút luôn luôn tâm niệm, ta
cố tìm cách gạt qua tất cả những tính xấu để chúng ta thoái khỏi trầm
luân. Khi ta đã có một tâm bình tỉnh sáng suốt như vậy rồi, thì một mai
nếu lại đi qua đó có gặp phải người nào mà họ chửi Kèo, lúc đó ta sẽ xem
như không; khi đó ta không bị trói buộc, không bị trầm luân, không bị
giam giữ ở lại đó nữa. Từ việc này ta được giải thoát, qua một việc khác
ta được giải thoát, qua những việc khác nữa ta cũng được giải thoát. Tất
nhiên ta đã được giải thoát ở hiện tại.
Nếu muốn thoát thì phải siêu, có siêu mới thoát! Siêu là gì? Siêu là
vượt lên, vượt lên những cái nhỏ mọn, lặt vặt hằng ngày thì ta mới giải
thoát được. Còn nếu cứ cố chấp, níu kéo các việc nhỏ mọn hàng ngày, tất
nhiên phải sa lầy vào những chuyện đó mà không thể giải thoát được, bởi
vì không Siêu. Nghe ai nói động một tiếng, đã nổi giận, nghe ai chê bai
một tiếng đã bực tức, ai đụng đến một tí cũng đã khó chịu...
Thậm chí có những Phật tử đi chùa đã lâu nhưng khi đến chùa rủi ro người
khác vô ý đụng cái áo một tí thì đã quay lại nộ liền, gây liền: "Không
có mắt hay sao mà lại đụng người ta."
Như vậy, chính tự mình không giải thoát. Vì vậy, lời của Phật dạy là
những điều hết sức minh bạch, hết sức thực tế như giữa ban ngày... Nhưng
chẳng qua chúng ta không học nổi, không tìm học hay chịu học mà thôi. Ai
chịu học những lời dạy của đức Phật, người đó được an lạc, người đó sẽ
được giải thoát. Giải thoát từng giờ, giải thoát từng ngày và giải thoát
cả đời.
Làm được điều đó tức chúng ta đã là hạng người thứ tư như trong kinh
Phật đã dạy, là hạng người không làm khổ mình, không làm khổ người. Và
ngược lại làm vui mình và làm vui người.
Phật dạy: "Thân mạng vô thường". Có đó rồi không đó tựa như nước trên
dốc chảy xuống, như sương đọng ban mai. Lời dạy đó nếu như ta không
nghiệm kỹ, ta thấy hơi khó hiểu, bởi vì cái thân ta đây, ta bồi dưỡng,
ta sống trong nhà cao cửa đẹp... tại sao như sương mai được. Nhưng kỳ
thật nhìn cho kỹ: trăm năm là mấy? Chỉ như trong khoảng nháy mắt mà
thôi; 70 năm, 80 năm là mấy? Chỉ trong nháy mắt mà thôi.
Tóm lại, khi ta chiêm nghiệm được điều đó rồi, thấy cái thân ta như hạt
sương trên đầu cỏ ban mai mà thôi. Đã biết như hạt sương trên đầu cỏ ban
mai thế mà còn gây nhau, còn đánh nhau, còn tìm cách giết hại lẫn nhau,
tìm cách bóc lột nhau, tìm cách làm khổ nhau thì đó là một điều mê lầm
trọng đại. Gặp gỡ nhau trên cõi đời này là một duyên tốt, những không
biết tu hành không biết cải sửa, đó là một duyên xấu. Khi đã là duyên
tốt thì sẽ làm thượng thiện nhơn với nhau trong cõi cực lạc, được sung
sướng vĩnh viễn. Khi đã cùng nhau làm duyên xấu thì oan oan tương báo
không thể tránh khỏi những điều khổ đau, cho nên hàng Phật tử chúng ta
theo Phật, niệm Phật, tụng kinh, cố gắng làm lành. Làm hạng người thứ
tư, hạng người không làm khổ mình, không làm khổ người và tránh không
làm ba hạng người trước. Được như vậy tất nhiên chúng ta làm tròn chí
nguyện giải thoát cho mình, đồng thời báo đáp công ơn sâu dày của đức
Phật, của cha mẹ, sư trưởng, quốc gia xã hội vậy ./.
[*] Tăng Chi, tập II A, trang
130.
-- o0o --
Source:
BuddhaSasana
Trình
bày: Nhị Tường
Cập nhật ngày:
05-10-2001
Nguồn: www.quangduc.com
Về danh mục