Bốn mùa hoa giác

 

Tỳ Kheo Ni Huệ Hải  biên soạn 

 

 

I,KHOÁ TIẾT CẦN YẾU

 

1, Tán Lễ Tổ Sư

 

NIỆM HƯƠNG

 

Vầng dương rực rỡ, ánh sáng chói chang.

Xét mặt trời không đứng mãi

Nên chiếu phạm, lục hoà tăng chúng.

Cõi không, lễ các bậc Thánh Hiền.

Ngũ phần hương thơm lừng pháp giới.

Hương này âm dương kết tụ,

Trời đất hợp thành.

Vun trồng nào phải công nhất thế,

Gìn giữ trông mong ở sức bách thần.

Cỗi cành tươi tốt vì đã thấm nhuần mưa pháp.

Thể chất thanh cao nhờ cậy mây từ che phủ.

Hương này lấy ở rừng thiền,

Trồng trong vườn tuệ thiên nhiên ngạt ngào.

Dao giới vót hình núi cao,

Đốt lò tâm nguyện kính dâng cúng dường.

 

DÂNG HOA

 

Hoa tâm nở mau tốt tươi

Mùi thơm sực nức hoa trời kém xa.

Kính Phật con dâng đoá hoa

Muôn thu gió nghiệp chẳng hề động lay.

 

LỄ TỔ

 

Bông hoa hiện điềm lành

Năm cánh lạc phương xa,

Trao pháp tạng đất Ấn,

Tôn thờ tại Trung Hoa,

Việt Nam trồng giống Thánh,

Kết quả hằng hà sa.

 

-         Chí tâm đảnh lễ: Nam mô Tây Thiên Đông Độ Việt Nam, lịch đại nhất thiết chư vị Tổ sư. (3 lạy)

 

Đức tướng đoan nghiêm như vàng thắm,

Đầu là khổ hạnh giữ chung thân.

Lưu truyền Như Lai chánh nhãn tạng,

Kê Túc trong non đợi Từ Tôn.

 

-         Chí tâm đảnh lễ: Ma-ha Ca Diếp tôn giả, THIỀN TÔNG liệt vị Tổ sư.( 3 lạy)

 

Được độ đầu tiên tám vương tử,

Thân tâm thanh tịnh tợ hoa sen,

Hoằng truyền luật giáo Tỳ Ni tạng,

Phật pháp do đây trụ thế lâu.

 

-         Chí tâm đảnh lễ: Ưu Ba Ly tôn giả , LUẬT TÔNG liệt vị Tổ sư.( 3 lạy)

 

Đa văn trong chúng tôn đệ nhất,

Lăng nghiêm hội thượng chứng viên thông,

Kết tập Như Lai chánh pháp tạng,

Vĩnh tại nhân thiên độ thế gian.

 

-         Chí tâm đảnh lễ: Ananđà tôn giả, GIÁO TÔNG liệt vị Tổ sư.(3 lạy)

 

Tây phương cổ giáo Thế Tôn tuyên.

Đông độ khai tông hiệu Bạch Liên,

Mười tám đại hiền làm thượng thủ,

“ Hổ Khê tam tiếu” tới nay truyền:

 

-         Chí tâm đảnh lễ : Huệ Viễn tôn giả, TỊNH-ĐỘ TÔNG liệt vị Tổ sư.(3 lạy)

 

Phước đức trí tuệ diệu trang nghiêm,

Nữ nhân xuất gia bậc thượng thủ,

Bát kính thắng pháp thành thọ giới,

Truyền thừa Ni luật độ thế nhân.

 

-         Chí tâm đảnh lễ: Ma-ha Ba Xà Ba Đề, Kiều Đàm Di Mẫu, Đại Ái Đạo tôn giả, Ni giới liệt vị tổ sư.(3 lạy)

 

 

PHỤC NGUYỆN

 

Tông phong vĩnh chấn,

Tổ Ấn trùng quang.

Giác hoa hương biến khắp rừng thiền.

Mưa pháp tưới nhuần người sơ học.

Cành cành lá lá tiếp nối không ngừng.

Tổ đường rực rỡ, chánh pháp dương minh.

 

-         Chí tâm đảnh lễ: Nam mô Độ Nhân sư Bồ-tát.(3 lạy)

 

2. Tổ Quảng Bá

 

HUẤN LỄ TỪ XUẤT GIA

Ngày 19/09/1981

 

Quý hoá thay! Quý vị phát tâm xuất gia làm đại trượng phu, không còn là nữ nhi nữa. Trượng phu sự không phải ai cũng làm được. Trượng phu có nghĩa là: Phú quý không rực rỡ, nghèo khổ không đổi lòng, thế lực không khuất phục. Thế gian phỉ báng, đủ các thứ khen chê, vẫn tu. Ăn đói mặc rách, làm nhiều học nhiều, bị mắng bị phạt có khi bị đòn, vẫn vui tu. Phải tập làm sao cho 8 gió không động. Tám gió là thịnh lợi suy vi, hạ giá đề cao, khen ngợi chê bai, đau khổ an vui. Luôn giác tỉnh vô thường, biết thân mỏng manh chợt còn chợt mất nên chẳng màng sung sướng thế gian. 

Có người thân xuất gia, tâm còn tại gia vì ham ưa thế sự. Có người thân tại gia đình nhưng tâm thật trượng phu. Mong rằng các cháu đã xuất gia thì cả thân và tâm đều xuất gia.

Thân khoác cà sa, tâm tròn giới phẩm. Để tổ tiên ông bà cha mẹ nhân đây giải thoát. Chủ yếu tự mình ra khỏi luôn hồi để rồi trở vào sáu đạo đưa chúng sanh ra. Như người ở trong nhà cháy, mau mau làm sao tự cứu được mình để còn lo cứu người. 

Tình cha mẹ thương con như biển hồ lai láng nhưng chính ái ân là gốc trầm luân. Mê hoặc tạo nghiệp mới cho sanh tử nhiều kiếp. Đến nỗi nước mắt chứa lại thì bốn biển còn chưa đủ. Xương những kiếp trước nếu trữ lại thì được chất cao như núi Tu-Di. Cho nên phật dạy xuất gia để tìm đường giải thoát. Xong xuất gia cần nhất phát tâm Bồ-Đề:

 

1) Thiện tâm:  Phiền não vô tận thệ nguyện đoạn,

                        Pháp môn vô lượng thệ nguyệnhọc,

2) Bi tâm:       Chúng sanh vô biên thệ nguyện độ.

3) trực tâm:     Phật đạo vô lượng thệ nguyện thành 

Các cháu cố gắng hàng ngày ghi nhớ câu: Kia trượng phu, ta cũng trượng phu. 

 

3. Bát Kính Pháp 

 

Ni chúng suốt đời phải tôn trọng , tán thán vâng giữ bát kính pháp. 

1)      Tỳ-kheo-ni dù 100 tuổi hạ, thấy Tỳ-kheo Tăng mới thọ giới, phải nghênh tiếp lễ bái, nhắc ghế thỉnh ngồi.

2)      Không được chê bai mắng nhiếc Tỳ-kheo-Tăng.

3)      Không được nói lỗi lầm và cử tội Tỳ-kheo-Tăng.

4)      Thức xoa ma na phải theo đại Tăng cầu thọ đại giới.

5)      Tỳ-kheo-ni phạm Tăng tàn phải cầu đại Tăng xuất tội

6)      Nửa tháng phải đến đại Tăng cầu giáo thọ.

7)      Không được kết hạ an cư ở nơi không có Tỳ-kheo Tăng.

8)      An cư xong phải đến đại Tăng cầu tự tứ.

 

 

4. Lục hoà

 

1. Thân hoà đồng ở mọi nơi,

Cùng nhau sửa nghiệp chung vui chung sầu.

Những ngày sống ở bên nhau,

Không tâm chia rẽ, đừng nên mất lòng.

 

2. Miệng hoà lời nói dịu dàng,

Ôn tồn nhã nhặn, thật là vui tươi.

Khuyên ai tránh thói giễu cười,

Chớ nên khiêu khích, dành phần hơn thua.

lời nói không mất tiền mua,

Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau.

 

3. Ý hoà vui đẹp biết bao,

Bể đông tát cạn lời nào có sai.

Cuộc đời sở dĩ chông gai,

Bởi không đồng ý, bởi lòng hoài nghi.

 

4. Giới hoà nhớ nghĩ nghiêm trì.

Tỳ ni thanh tịnh đứng đi nằm ngồi.

 

5. Kiến hoà học hỏi những gì,

Đem ra bàn bạc cùng ghi pháp lành.

Cùng nhau dốc chí thu hành,

Pháp môn thâm nghĩa viên thành quả tu.

 

6. Lợi hoà vui vẻ phân chia,

Dù nhiều dù ít, lấy đều làm hơn.

Chữ lợi cướp mất nghĩa nhân,

Là người con Phật phải hằng không tham.

Kính hoà sáu phép rõ ràng,

Đây là nếp sống của hàng xuất gia.

Hằng ngày tụng đọc thiết tha

Gắng ghi trong dạ, sửa mình tu thân. 

 

5. Tịnh độ ni viện 

Tịnh -độ là đất sạch, vì y báo toàn cảnh tươi đẹp trong sáng, chánh báo toàn thượng thiện nhân. Trái lại cõi Ta Bà y báo đất cát bụi bặm. Chánh báo toàn tham sân si nên gọi là uế độ( cõi đất nhơ bẩn). Kinh Duy Ma Cật dạy tâm tịnh là Tịnh-độ( không có cõi riêng tư nào. Bất cứ ở đâu hễ tâm tịnh đó là Tịnh-độ). Mới nghe tựa hồ khác với kinh A Di Đà. Nhưng thật hai kinh cùng tuyên dương lý nhân quả. Cõi Cực Lạc đất sở dĩ toàn vàng vì tâm địa nhân dân thuần thiện cảm thành. Cây hoa cung điện chói sáng do trí tuệ giác tỉnh cảm thành. Nơi nơi ngọc ma ni( như ý) trang nghiêm do tâm từ bi cảm thành. 

Kinh A Di Đà khế cơ vì chúng sanh cõi Ta Bà 9 tháng tù ngục trong thai nhơ uế, thoát ra để mùa hạ mặt trời thiêu đốt, mùa đông lạnh cóng buốt sương. Ác thế chỉ đem sát đạo  dâm vọng đối xử với nhau. Khiến cho thân đã khổ vì sanh già bệnh chết, tâm đã khổ vì ân ái biệt ly, oán thù gặp gỡ, cầu chi chẳng được, lại thêm trăm cay ngàn đắng trong gia đình ngoài xã hội. Nay nghe cảnh giới an vui, có Thầy là Phật, có chúng bạn toàn Bồ-tát Thánh Hiền, ai đã tin được mà chẳng ham thích cầu về. 

Kinh A Di Đà khế lý vì cõi Cực Lạc có thật. Có những chúng sanh thanh tịnh nên cảm quả báo được Phật là người thanh tịnh đưa về cảnh giới thanh tịnh để chung sống với các bậc thanh tịnh. Hiện nay trên khắp toàn cầu, khoa thiên văn đều công nhận trong hư không vô biên có vô lượng thế giới thể chất khác nhau, nên tin ở phương Tây có cõi Cực Lạc là việc dễ dàng đối với nhân loại ở thế kỷ thứ 20. 

Tông Tịnh-độ có rất nhiều môn. Hiện nay tại Việt Nam chỉ lưu hành có ba Pháp: 

1)      Kinh Vô Lượng Thọ chủ trương đoạn trừ 5 thống 5 thiêu. Năm thống là năm sự đau đớn. Năm thiêu là năm sự đốt nấu. Kinh dạy: Dùng năm giới để thanh tịnh tâm địa. Lấy tịnh giới làm nhân tu cầu vãng sanh về cõi Phật A Di Đà. 

2)      Kinh Quán Vô Lượng Thọ chủ chương thanh tịnh tâm địa để cầu vãng sanh bằng định lực. Kinh dạy 16 pháp quán y báo chánh báo cõi Cực Lạc. 

3)      Kinh A Di Đà dùng tuệ lực buông xả căn trần hư vọng, một lòng niệm danh hiệu Phật A Di Đà. Nhất tâm bất loạn nghĩa là sạch hết kiến-hoặc tư-hoặc thì bảo đảm vãng sanh. 

Chữ A Di Đà, chúng ta đã biết, nghĩa là Vô Lượng Thọ, Vô Lượng Quang, Vô Biên Công Đức. Vô Lượng Thọ Là thường trụ không sanh diệt. Vô Lượng Quang là tánh giác ở khắp mười phương. Niệm danh hiệu Phật A Di Đà  là niệm thật tướng của Phật. Thật tướng của mười phương Phật chính là thật tướng của mười phương chúng sanh. Chư Phật đã chứng ngộ sự thật này. Chúng ta còn mê. Nay niệm Phật, trở về với Phật, tức là trở về với thật tướng của chúng ta. 

a)      Bậc thượng căn y theo lý này niệm Phật, được thượng phẩm thượng sanh, ở cõi Thường Tịnh Quang. 

b)      Bậc trung căn trì giới, tu định, niệm danh hiệu Phật, được trung phẩm vãng sanh, ở cõi Phương Tiện Thánh Cư. 

c)      Bậc hạ căn tránh ác làm lành niệm danh hiệu Phật, được hạ phẩm liên hoa, ở cõi Thánh Phàm Đồng Cư( Cõi An Lạc nói trong kinh A Di Đà). 

Vì kinh A Di Đà dùng một môn trì danh gồm nhiếp cả 3 căn, kiêm thông cả Thiền, Giáo, Luật, Mật...các tông, nên được lưu thông khắp các nước Đại thừa. Tới nay vẫn không kém bề hưng thịnh. 

Núi Lô Sơn bên Tàu, đời nhà Tấn, ngài Huệ Viễn cùng 123 huynh đệ lập thành Liên xã, khắc bia thề rằng:” Buông xả thế gian chìm đắm. Tỉnh ngộ vô thường qua mau. Phiền não chướng, nghiệp chướng, báo chướng bức bách thường xuyên. Ngó xuống cảnh tam đồ  sâu hun hút, nhìn ra sáu đạo luân hồi hiểm nguy. Vòng sanh già bệnh chết thật khó thoát. Thế nên một lòng ngày đêm kính cẩn chuyên cần cầu Phật A Di Đà cứu vớt. Mượn thân phù du giả tạm cố gắng tu hành, dùng diệu quán khai trí giác tỉnh. Nương từ lực Phật bay về cực lạc, uống nước Tám đức, giải thoát lậu nghiệp, quay trở lại Ta Bà hoằng dương đạo thanh lương, đưa tất cả chúng sanh về Tịnh-độ”. 

Chúng ta hiện nay, chùa Viên Thông 26 vị, Liên Hoa 30 vị, Linh Quang 10 vị, Hương Sen 90 vị, Dược Sư 100 vị, Bát Nhã 80 vị, Lăng Nghiêm 10 vị. Tổng cộng 346 người hàng ngày niệm Phật, trừ vọng- hoặc viên thành giới phẩm. Niệm lực tương tục, đúng nghĩa châp trì danh, cố gắng hết sức mình cầu đài sen thượng phẩm. 

 

6. Thanh Quy 

1. Hô cảnh sách lớn tiếng, đúng giờ. Đại chúng chắp tay chí tâm lắng nghe, đồng niệm Phật. Trừ khi có việc cần. 

2. Vào lớp học đúng giờ, không được tự tiện ra vào. Hết sức yên tĩnh, đứng ngồi ngay thẳng. Chú ý nghe giảng, có bệnh hoặc duyên sự cần nghỉ phải xin phép. 

3. Chỉ được  xem những sách chùa đã kiểm duyệt. 

4. Mỗi nửa tháng nhóm chúng đọc quy luật, không được vắng mặt. Có việc cần nghỉ phải xin phép chi trưởng. 

5. Gửi thư hay nhận thư phải trình tri chúng. 

6. Giờ tụng niệm, chuông 2 phải có mặt. Lễ phục y vàng áo tràng lam, y phục tề chỉnh. Quỳ đứng trang nghiêm đều hàng. Âm thanh hoà chúng. Không được cao tiếng cũng không được đọc thầm. Có duyên sự nghỉ phải xin phép. Bất tịnh được nghỉ 4 ngày các khoá lễ, ngồi thiền và thể dục. 

7. Mỗi nửa tháng trước ngày bồ tát, toàn chúng phải như luật sám hối. tri chúng phải kiểm chúng thanh tịnh mới cho bố tát. 

8. Không được nói chuyện tạp. Được hỏi đáp về Phật pháp, nhưng muốn nói quá 10 phút phải xin phép tri chúng. 

9. Thấy khách đến phải chào, mời tri khách tiếp, không được lân la nghe chuyện. Khách của mình phải xin phép tri chúng rồi mới tiếp, không được nói chuyện lâu. 

10. Được chị em cử lỗi, dù đúng dù sai phải chắp tay cảm ơn rồi mới nhẹ lời hoà nhã trình bạch. trường hợp nào cũng phải tâm bình khí hoà. 

11. Không được đem chuyện chùa nói với người ngoài. Không được đem chuyện ngoài vào chùa. Không được đem chuyện này nói với người kia. 

12. Ở trong chúng phải giúp đỡ lẫn nhau, không được riêng lo bản thân. 

13. Tự phạm quy luật phải phát lồ giữa chúng. Biết người khác phạm, không được che giấu. 

14. Không được lấy trái cây của thường trụ ăn hoặc cho riêng ai. 

15. Sau 3 tiếng bảng báo hiệu giờ ăn, phải có mặt ở  trai đường. Tuyệt đối im lặng. Tưởng năm phép quán. Cần ăn riêng phải xin phép tri chúng. Giờ ăn, hành đường không được mặc áo ngắn, ngôn ngữ cử chỉ se sẽ nhẹ nhàng, không được động niệm chị em. Ăn xong đồng chúng tụng kinh rồi mới đứng dậy, trừ có việc cần. 

16. Ba tiếng kẻng báo hiệu giờ trì tĩnh, phải sửa soạn. Sau một hồi kẻng phải có mặt trên đơn. Không được cười nói, đi mạnh, các việc động chúng. Nằm dáng cát tường. Ngồi nằm chỗ của mình. Có việc cần thức sớm phải xin phép.

17. Không được vô cớ vào liêu khác. Không được tự do ngồi nằm trên đơn người khác. 

18. Chấp tác cấm nói chuyện. Phải niệm Phật. Đúng giờ khắc. Tròn nhiệm vụ. Cần nghỉ phải mượn người thay hoặc thưa tri sự. 

19. Chậu và xô của chúng không được ngâm quần áo hoặc chứa nước riêng, chướng ngại sự cần dùng của người khác. Quần áo cần để cách đêm mới giặt, phải xin phép. Tẩy tịch dùng hết nước trong lu phải sách đền. 

20. Phơi quần áo phải đúng nơi quy định, phải có kẹp, cất vào trước giờ lâm thuỵ. Quần áo vật dụng đều phải có tên. 

21. Muốn mượn vật của người, phải hỏi chủ nhân. Dùng xong phải trả về chỗ cũ. Không được tự tiện lục đồ của người khác. 

22. Không được vứt rác ra vườn 

23. Không được phản kháng chức sự, muốn xây dựng không được đột ngột công cử giữa chúng, phải góp ý kiến riêng. Nếu cần thì trình lên Giám viện xét xử, không được sau lưng kể xấu. 

24. Đi đường áo dài tề chỉnh. Không nên đi một mình. Không được đi đêm. Nếu cần phải xin phép, oai nghi đúng luật. 

25. Không được đến chùa Tăng. Nếu thật cần phải xin phép Sư cô Giám Viện. Không được đi một mình, cần 1 hay 2 người làm bạn 

26. Ra ngoài đại giới , phải xin phép tri chúng. Ở ngoài cách đêm hay nhiều đêm, phải xin phép Sư cô Giám Viện. Giới luật oai nghi nghiêm chỉnh như ở trong chúng. 

27. Cãi nhau lần 1 đối chúng sám hối, lần 2 lạy một thời Hồng Danh, lần 3 tuỳ ban chức sự xét xử. 

28. Trừ nhân duyên, ai trái nôij quy, lần 1 quay mặt vào tường niệm phật 5 phút. Lần 2 đối chúng sám hối. Lần 3 tri sự sai làm việc một ngày. Lần 4 tuỳ ban chức sự thẩm định.

 

7. Thanh niên học Phật 

Dù ngoài đời hay trong đạo, thanh thiếu nhi vẫn được gọi là măng non. Măng non chỉ có một nhiệm vụ là thu hút những tinh tuý của trời đất, để dần dần đan dệt thành những thớ tre vững chắc, đợi chờ ngày vươn mình cao vút, thẳng lên trời xanh, ứng dụng vào bao nhiêu nhu cầu của làng xã. 

Nhiệm vụ xây dựng tương lai, nhiệm vụ học tập để thành đạt kết quả, nhiệm vụ gói ghém bao nhiêu hi vọng, nhiệm vụ được tô điểm vì ngậm chứa tất cả ước mong. 

Nói riêng về thanh thiếu nhi đạo Phật chúng ta phải học những gì? Và cách học thế nào?

Toàn bộ vấn đề giáo dục, học vấn và tập luyện là cải tạo ngũ ấm hữu lậu vô minh để xây dựng 5 phần pháp-thân hiền thánh. 

Pháp Bảo Đàn kinh, phẩm Bát Nhã: 

Phật pháp ở tại thế gian

Chẳng lìa thế gian có giác

Lìa thế gian tìm Bồ-đề

Như uổng công tìm sừng thỏ. 

Chính từ thân tâm bất giác mà cầu Niết-bàn. Chính từ gốc rễ chúng sanh mà nở hoa giác tỉnh, kết quả Bồ-đề. 

Cố gắng của thế hệ trẻ là phải nghiên cứu kĩ lưỡng 3 khoen: HOẶC-NGHIỆP-KHỔ. Tin chắc lý nhân quả, luân lí đạo đức nhà Phật căn bản ở giới luật phòng phi chỉ ác. Tin HÀNH là chủ động nghiệp tái sinh, mới có thể hoàn thành chí nguyện giải thoát cho mình và người. 

Dĩ nhiên muốn là Phật tử thì phải học Phật Pháp. Nhưng chúng ta phải nhớ là vàng thường lẫn quặng, nên trong thất giác chi, cành lá đầu tiên của cây Bồ-đề là trí tuệ trạch pháp. Ngay từ bước đầu tất cả nguy cơ đã xuất hiện, nếu chúng ta học lầm hay không biết cách học. 

1- Nắm vững những tri kiến Thánh Hiền trình bày trong kinh sách đã là một khó khăn cho các bộ óc phàm phu chúng ta. Nhưng đó mới là Văn tuệ. Nếu không bước thêm thì chúng ta chỉ thành những con mọt sách, huyênh hoang nói đạo nói huyền. Việc học này trở thành tổn thất nguy hại. Kinh thường dụ là ăn bánh vẽ, đếm bạc cho người, mải xem ngón tay quyên mặt trăng v.v... 

2- Cố gắng cần thiết là luyện tập khả năng rời văn tự , thấy kinh ở ngay thân tâm và cảnh của mình. Đây là Tư tuệ. 

3- Tư tuệ tức là thực hành, nếp sống đúng chánh pháp. 

Tệ nạn tai hại nhất là đời sống tách rời giáo lý. Như miệng tụng” thọ thị khổ” mà sinh hoạt cứ chạy theo sáu trần. Sớm chiều đọc Bát Nhã Tâm Kinh mà cả đời chẳng có lấy một phút giây chiếu kiến 5 uẩn huyễn vọng. Sự tu hành trở thành dối trá, người bị lừa đầu tiên chính là mình. Nếu không kịp thời hiểu mối nguy cơ này, không kịp thời sửa chữa mà cứ tự nhận là Phật tử thì sự nghiệp giải thoát không thành. Lại còn gây mối hại cho ngôi Tam-bảo ở thế gian. Như mấy ông lang băm đã làm suy sụp nền y học Đông phương. Vì thế tư tưởng, lời nói, việc làm, 3 nghiệp của chúng ta, đã chẳng được phép mâu thuẫn với kinh sách mà còn phải hình dung kinh sách lên bằng ngàn sắc vạn hình. 

Không có tự giác, giác tha, thì việc học Phật của chúng ta thật vô giá trị. Hoà -thượng Pháp Chủ dạy Giác có 2 nghĩa: 

1) Giác sát: Hồi quang phản chiếu, mỗi động mỗi niệm liền biết ngay. Sắc ấm đã sanh, thọ tưởng ấm đã sanh, không nhận là mình mà phải quán nhân duyên sanh. Không để cho năm ấm này sai sử mình, bắt mình hành động quấy, đến nỗi nghiệp thức phải đi đầu thai vào sáu ngả. Giải thoát luân hồi mới thật là khôi phục lại quyền tự do độc lập. Cổ đức có sách Minh Tâm Bảo Giám. Giám là gương soi. Gương quý báu này chỉ chiếu liễu khi linh tâm minh sáng. Nên thầy không ngớt nhắc răn:” Phải điều hoà thân tâm, phải sinh sống thư thả điềm tĩnh”. Muốn được như thế thì nếp quy luật, thời khoá biểu phải tuân theo triệt để. Kinh nói : Giới sanh Định, Định phát Tuệ là ba vô lậu học. 

2) Giác ngộ: Tỉnh thức, sống với chân tâm. Ngài Văn Thù hỏi căn bản tu hành của chư Phật lúc sơ tâm. 

Bổn sư đáp: Viên giác đà la ni.

Đức Phổ hiền hỏi: Làm sao xoá được vô minh để sống với Viên Giác tánh?

Bổn sư đáp: Quán thân bất tịnh, quán pháp vô ngã. 

Vấn đề trước mắt là phải để ý ngay là Phật tử sơ tâm sẽ có một lỗi lầm nghiêm trọng nếu cho rằng năm ấm hư vọng không cần lưu tâm, chỉ cần chuyên y vào tánh Viên Giác, hoặc nói chỉ tu đại thừa không dùng tiểu thừa. 

Kinh Lăng Nghiêm dạy: Phát giác sơ tâm phải hiểu 2 nghĩa quyết định: 

a) Nhân địa tu hành phải đồng với quả giác. Cầu Niết-bàn vô sanh bất diệt  mà dùng ý thức sanh diệt để tu thì cũng như nấu cát mong thành cơm. Phải y nơi mật nhân Bồ-đề là tánh Biết hằng lưu lộ ở sáu căn thì mới có thể vào bể giác. 

b) Dõng mãnh muốn xả hữu vi, việc trước hết phải xét cho rõ gốc rễ phiền não từ vô thuỷ, chỗ phát nghiệp, cỗ nhuận sanh của tám thức, ai làm? ai chịu? Nếu không rõ chỗ điên đảo  của hư vọng căn trần thì làm sao hàng phục để tiến lên Như Lai quả vị. 

Vì sao đức Phật đã thành công? Vì ngài đã nghiên cứu rõ 12 nhân duyên hư vọng, tìm được tánh thể của vô minh là Phật tánh. 

Phật Pháp không bỗng nhiên có, không phải do các Pháp sư phát minh ra. Ta thật ngu ngôc mỗi khi thuyết pháp ta tự thấy mình là người sáng tạo bài Pháp vừa nói. Phật Pháp có ra là từ công phu giác tỉnh của chư Phật, chư Tổ. Các ngài đã đánh thức chúng ta, khiến nhận ra thống khổ của ách luân hồi từ luỹ kiếp, cần phải lật đổ. 

Cho nên mở đầu nền học vấn, dĩ nhiên chúng ta phải làm giàu trí óc mình bằng những kho tàng tri kiến của các bậc cổ đức, cần mở mang và hoàn thiện tâm hồn bằng những dấu vết bước đi của người xưa. Nhưng không nhắm mắt hấp thụ, không chất đầy đầu óc những văn chương mà luôn luôn vận trí phê phán, am hiểu thực tế, luyện rèn bắt chước. 

Đạo giác tỉnh không cho phép nhắm mắt nghe bừa mà phải nghiền ngẫm sự thật, rút kết luận trên kết quả thực hành. 

Lại nữa, phương ngôn có câu:” Ăn cơm có canh, tu hành có ban”. Tổ dạy:” Hổ ly sơn hổ bại, Tăng ly chúng Tăng tàn”. 

Giọt nước đứng một mình chỉ một thoáng đã thành không, nhưng nếu theo dòng thì dư sức ra biển cả. Sự nghiệp Thánh Hiền vô biên oai đức, nhưng đối với chúng ta còn là ngoại phận rất mong manh. Trong mặt trận chống vô minh, chúng ta chịu tấn công ba mặt:  

a)      Nội phiền não tham sân si, tứ đại sanh não bệnh tử từ trong đánh ra. 

b)      Thầy tà bạn ác, sáu trần cám dỗ, gia đình xã hội buộc ràng, hoàn cảnh từ ngoài đánh vào.

c)      Giữa là nghiệp lực sát đạo dâm vọng, các tập khí si loạn lôi cuốn. 

Trí tuệ xuất thế phải có bạn đồng tâm, đồng chí, đồng nguyện đồng hành, như những giọt nước giúp đỡ sức mạnh cho nhau. Phải ở trong dòng mới hy vọng cùng xuôi về biển rộng. Lục hoà bảo đảm đoàn kết. Vi phạm lục hoà không phải chỉ mệt người khác mà còn tan vỡ đoàn thể, chính mình đã tự phá năm phần Pháp-thân. 

Nếu chỉ đọc bài lấy điểm là đủ an lòng tự đắc mà không chịu nghiêm chỉnh trong bổn phận, không phát tâm phục vụ chị em, thì chúng ta là những Phật tử đáng buồn.

Tứ chánh cần không những khuyên thanh thiếu nhi chúng ta làm cỏ mà còn phải reo lúa. Tấm lòng bi mẫn, nụ cười an ủi, lời nói dịu hoà, bàn tay chăm sóc...như dầu thoa máy, điệu sống dễ nhịp nhàng trong đoàn thể. 

Giác hoa tươi nở trong tâm, hương công đức sẽ thấm nhuần vạn loại. Như đức A Di Đà từ mỗi chân lông toả ánh sáng và hương thơm đi khắp muôn phương, thâu nhiếp hữu tình về Phật hạnh. 

Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật 

 

8. Cảnh sách hàng ngày 

Thức chúng khuya: 3 giờ 

Muôn tiếng chim im lặng rồi

Canh ba trống đổ hồi

Quốc kêu tiếng tha thiết(1)

Mộng bướm còn miệt mài(2)

Kiến đục trong cây hoè

Cá ngoi mặt nước bơi.

Không hay xem trăng thật

Chỉ đắm đoá hoa cười.

Lạc nhà xa ngàn dặm

Còn ham giấc ngủ hoài.

Không biết thân này ảo

Mê man trọn một đời.

 

Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật (3 lần)

Nam mô A Di Đà Phật (10 lần) 

Tiểu thực : 5 giờ 30 phút 

Đời mộng ảo chuông chùa cảnh tỉnh

Chuông trí tôn gieo khắp nhà nhà.

Con ham giấc ngủ ngon mài miệt

Chẳng quản vầng đông ánh chói loà.

Dằng dặc đêm dài còn có sáng

Mịt mờ lối quỷ khó lần ra.

Nay không gắng gỏi tu hành đạo

Ngày khác làm sao thấy Phật đà.

 

Nam mô đại trí Văn Thù Sư Lợi Bồ-tát (3 lần)

Nam mô A Di Đà Phật ( 10 lần) 

Học sáng: 7 giờ 30 phút. 

Đêm tối vừa lui sáng

Mặt trời dần chiếu ra.

Âm thầm tóc xanh bạc

Má hồng đổi dần dà.

Chẳng biết tuổi xuân ngắn

Còn tranh quả nghiệp mà.

Thân như băng gặp nắng

Mệnh, đèn trước gió to.

Chớ làm khách trọ mãi

Sớm lo trở về nhà.

 

Nam mô đại hạnh Phổ Hiền Bồ Tát (3 lần)

Nam mô A Di Đà Phật (10 lần) 

Ngọ trai: 10 giờ 30 phút 

Chớp mắt mặt trời đã giữa trưa

Còn ham thanh sắc, mãi say sưa.

Ngàn cây đứng bóng, Nam Kha mộng(3).

Vầng nhật trên không, bước chuyển vòng.

Phút chốc hoa tươi đã rũ úa.

Quẩn quanh mệnh nấm thịnh liền vong(4).

Ai ơi sao chẳng hồi tâm lại.

Tự khổ đường mê mãi ruổi rong.

 

Nam mô Hộ Pháp chư tôn Bồ-tát (3 lần)

Nam mô A Di Đà Phật ( 10 lần) 

Thức chúng trưa : 2 giờ. 

 Sanh ra làm tớ cho hình thể,

Già đến tám mươi trí hôn mê,

Bệnh xâm tứ đại đau khôn nhẫn,

Chết xuống ba đường nghiệp nặng nề,

Gặp gỡ ghét hờn vô cùng hận,

Ái ân khôn siết khổ biệt ly,

Muốn cầu chẳng được thêm phiền muộn,

Ngũ ấm lẫy lừng cháy thật ghê.

 

Nam mô đại bi Quán Thế Âm Bồ-tát (3 lần)

Nam mô A Di Đà Phật ( 10 lần)

 

Học chiều : 2 giờ 30 phút 

Mặt trời nghiêng xế bóng

Vườn dâu xanh mát râm(5).

Ngày tháng khó cầm lại

Già bệnh dễ đến tìm.

Giờ chết luyến chẳng được

Kỳ hẹn ai thể ghìm.

Các ngươi mở to mắt

Mê tan, chớ để tâm.

 

Nam mô Đại Thế Chí Bồ-tát (3 lần)

Nam mô A Di Đà Phật ( 10 lần)

 

Ngồi tĩnh tối : 7 giờ 30 phút.

 

Mặt trời vừa lặn tối nhá nhem,

Bối rối đường đi lại tối thêm.

Đốt đuốc chăm lo nhà người rạng,

Đèn nhà mình sao chẳng chịu xem.

Quạ lửa non tây đã chìm hẳn,

Biển đông lấp lánh ánh cung thiềm(6)

Sanh tử thay đổi tuần hoàn mãi,

Tam-bảo quay về hết cảnh đêm.

 

Nam mô đại nguyện Địa Tạng Vương Bồ-tát (3 lần)

Nam mô A Di Đà Phật ( 10 lần)

 

Lâm thuỵ : 9giờ tối.

 

Cảnh bức núi tây mờ

Bao giờ tiếc ngày giờ?

Chỉ hay theo ý ngựa

Đã dừng tâm vượn chưa?

Trời lặn rồi lại mọc

Thân nổi chìm đấy mà.

Già đến khôn với ngu

Chết đi nay như xưa.

Tránh sao được vô thường,

Trốn đâu đại hạn kia.

Ai nấy làm đạo chánh

Chớ lạc lối tà tâm.

 

Nam mô Thanh Tịnh đại hải chúng Bồ-tát (3 lần).

Nam mô A Di Đà Phật (10 lần)

 

9. Ngũ Quán

 

Phàm tới bữa ăn phải tưởng năm phép quán: 

1.      Xét công nhiều ít, chỗ người đem đến. 

Mỗi một hạt cơm bao nhiêu vất vả! Trước hết phải lo ruộng mạ, cuốc cày, nhổ cỏ, tát nước, đắp bờ. Bao nhiêu thức khuya dậy sớm, mưa nắng dãi dầm. lại còn ngâm giống, reo mạ, nhổ mạ, cấy lúa, bón phân ba lần, bắt sâu nhiều buổi. Tới khi hạt lúa ngậm sữa thì cả tháng, ngày canh chim, đêm canh trộm. Lúa chín rồi nào gặt, nào đập, nào phơi, nào xay, nào giã. Chỉ tính một công phu gánh đi gánh lại từ thôn quê lên thành thị, mỗi ngày khuân vác, bao nhiêu mồ hôi. Có hạt gạo rồi còn phải bổ củi, gánh nước, lượm thóc, rửa nồi, vo gạo, đun nấu. Đếm tất cả 72 công việc, vậy mà vừa đặt vào miệng đã thành đờm dãi, cách một đêm biến thành phân tiểu, ai cũng ghét không muốn thấy. Thế gian bao kẻ tạo ác chỉ vì tham ăn, đến nỗi đoạ địa ngục, nuốt hòn sắt nóng, uống nước đồng sôi. Hết nghiệp lên làm súc sanh đền trả nợ người, trâu kéo cày, ngựa kéo xe, đói khát, roi vọt. Mưa nắng dãi dầm, trăm cay ngàn đắng, sống thống khổ, chết đoạ đày.

 

Xét chỗ người đem đến là thế nào? 

Thí chủ cầu phước, giảm miệng bụng mình, bớt phần vợ con, đem của tới chùa. Ta không tu hành, lấy gì đáp lại sự tin kính này? Cho nên có câu:” Hạt gạo nặng như trái núi là vậy”.

 

2.  Xét đức hạnh mình tròn hay khuyết: 

Nếu không giữ giới, ngồi thiền, tụng kinh, làm việc Tam-bảo, thời đức thiếu hạnh khuyết, không nên thọ người cúng dường. Nếu thọ thì vì đây mà đoạ lạc. Đức hạnh thì dù có hoàn toàn thì cũng phải tu năm phép quán mới tiêu của tín thí. Bởi không giác tỉnh, không có giải thoát, không giải thoát tức là đoạ lac, đã đoạ lạc hẳn  phải đền trả nợ xưa. Tổ Thiên Thai dạy:” Bất luận ăn của chúng Tăng hay đi khất thực, đều phải tưởng năm phép quán. Nếu không nhập quán, ắt nhuận sanh tử. học đạo không học lý, thân sau đền tín thí”. Xưa kia ông trưởng giả cúng dường một vị Tỳ-kheo, tin kính một lòng. Chợt ông Tỳ-kheo mắc bệnh chết. Bỗng nhiên một hôm trưởng giả thấy trong vườn có mọc nấm. Thời gian sau nấm không mọc nữa. Phật dạy:” Nấm ấy là ông Tỳ-kheo đền nợ vậy”. Kinh đã nói rành đâu dám không tin,

 

3. Phòng tâm lìa lỗi: 

Từ vô thuỷ bao nhiêu lầm lỗi, gốc đều từ tham sân si. Cho nên ngày nay phải giác sát. Khi ăn gặp món ngon đừng khởi lòng tham, gặp món dở chớ khởi lòng sân, với món ăn bình thường chớ khởi lòng si. Đủ năm phép quán mới nên thọ thực. Ngoài ra mắt thấy sắc, tai nghe tiếng, mũi ngửi hương, thân giác xúc, ý thọ pháp trần, đèu là gốc xuất phát ba độc, cần tuệ minh sát thanh lọc vọng tâm.

 

4. Món ăn đây chính là thuôc hay, chữa bệnh hình khô sắc héo: 

Vì mượn tứ đại làm thân nên có nghiệp đói khát. Nếu không ăn uống thì hình gầy sắc ốm, không do đâu tiến tu đạo nghiệp. Cho nên ăn uống chính là thuốc hay trị bệnh. Nhưng nếu ta tham đắm thì trở thành thuốc độc.

 

Kinh A Dục Vương: Tổ Ưu Ba Cấp Đa đưa bát sữa cho một Tỳ-kheo, bảo rằng:” Ông hãy đợi nguội rồi từ từ uống”. Tỳ- kheo thổi lia thổi lịa, uống một hơi cạn hết. Tổ nói:” Sữa tuy nguội nhưng tâm ông còn nóng, phải dùng phép quán bất tịnh để nguội tâm ông đi”. Tỳ-kheo vâng lời , lặng lẽ quán. Pháp quán đắc lực, ông ói ra đầy bát. Tổ bảo:” Ngươi ăn lại đi”. Tỳ-kheo bạch:” bất tịnh ăn làm sao được nữa”. Tổ dạy:” Ngươi phải quán tưởng các pháp như hỷ mũi khạc đờm”. Nhân đó Tỳ-kheo tinh tấn tư duy quan sát, được quả A-la-hán.

 

5. Vì thành đạo nghiệp mới thọ món ăn: 

Ta vì cầu đạo nghiệp mới tới đây thọ lãnh cơm này. Người cũng vì mong ta thành đạo, mới đem cơm tới đây cúng thí. Vậy hãy tự hỏi” Đạo nghiệp là gì? Đã thành chưa? Dù chưa thành đạo nhưng cũng phải vì đạo. Nếu không thì một hạt gạo cũng khó tiêu. Cho nên phàm khi ăn, phải tưởng năm phép quán, thường sanh lòng hổ thẹn, mỗi miếng thầm tưởng:” Nguyện dứt tất cả ác, tu tất cả lành, hằng thanh tịnh tự tâm, bao nhiêu công đức hồi hướng cho tất cả chúng sanh đồng thành Phật đạo”. Nếu quả được như vậy thì ngàn vàng cũng tiêu.

 

10, Thể dục 

 

-         Hô theo Từ Bi quán.

-         Động tác theo hơi thở thật chậm và dài.  

v     Động tác vươn thở:  Mười phương Sư Tăng .Sống không hiềm hận, An vui mãi mãi

v     Động tác tay: Nguyện cho Thầy tôi. Sống không hiềm hận, An vui mãi mãi

v     Động tác chân: Nguyện cha mẹ tôi. Sống không hiềm hận, An vui mãi mãi

v     Động tác đầu gối: Mười phương tín thí. Sống không hiềm hận, An vui mãi mãi.

v     Động tác vặn mình: Nguyện khắp cõi trời. Sống không hiềm hận, An vui mãi mãi

v     Động tác lườn: Nguyện khắp cõi người. Sống không hiềm hận, An vui mãi mãi

v     Động tác bụng: Nguyện A-tu-la. Sớm mau giải thoát, An vui mãi mãi

v     Động tác lưng: Nguyện cõi địa ngục. Sớm mau giải thoát, An vui mãi mãi

v     Động tác toàn thân: Nguyện khắp quỷ thần. Sớm mau giải thoát, An vui mãi mãi

v     Động tác chạy tại chỗ: Nam mô A Di Đà Phật (10 lần)

v     Động tác điều hoà: Nguyện loài bàng sanh. Sớm mau giải thoát, An vui mãi mãi

v     Động tác thư giãn: Mười phương chúng sanh. Sớm mau giải thoát, An vui mãi mãi.  

( Tuỳ sự cần dùng mỗi mỗi động tác làm từ 4 đến 8 lần)

 

Lợi ích 

-         Thân tập từng động tác, tâm duyên theo âm thanh rải từ bi quán. Đây là phương pháp diệt dần thói hờn giận, huân tập tâm từ bi, đồng thời giải oan gỡ kết với hết thảy chúng sanh. Tâm vốn ở khắp pháp giới nên mỗi niệm từ bi rải đến mười phương khổ não chúng sanh, phước báo vô tận. trái lại mỗi mống nghĩ xấu ác ảnh hưởng cũng cả Pháp giới nên tổn đức không cùng. 

-         Theo từng động tác. chúng ta hít vào thở ra, điều hoà hơi thở. Hơi thở điều hoà thì tim đập điều hoà, thần kinh hệ cũng điều hoà theo. Do đó tâm an định, thân khoẻ mạnh, tinh thần thanh sáng an vui. Đây là một phương pháp tiêu tai giải nạn, bảo đảm đắc lực trong hiện tại và là điều kiện thiết yếu cho sự giác ngộ ngày mai.

 

11, Ba Phẩm Liên Hoa

(năm1983)

 

Phẩm 1. 

Liên hoa lấy Kinh Luật làm căn bản sinh sống. Kể từ năm ngoái quý sư cô mạnh dạn buông bỏ văn tự, sấn vào hành Pháp Tứ Niệm Xứ. Năm nay duyên lành có sư cô Hạnh về trì y, quý Sư cô tiến thẳng vào thiền đại thừa. 

Hai năm chuyên Tứ Niệm Xứ để thấy các pháp sanh diệt vô ngã. Vừa tạm đủ lông đủ cánh, quý Sư cô vào Nhĩ căn viên thông. Đây là bản hoài của Hoà-thượng Pháp chủ. Ăn đến cái bánh thứ ba này mới thật no. Nhưng không phải là không cần hai cái bánh trước. Liên Hoa hiện tại là một Tịnh-độ có 3 phẩm” 

1.      Hạ phẩm học Kinh và Luật để vào hiền vị. 

2.      Trung Phẩm tu Tứ Niệm Xứ để mở đường xuất thế. 

3.      Thượng phẩm phản văn vào tri kiến Phật. 

Kinh Pháp Cú dạy:” Canh phòng tâm nghiêm mật sẽ đi đến an vui”. Quý Sư cô là những dũng sĩ can đảm, quyết xông vào trận chiến nội tâm với mục đích tự tha đồng giải thoát. 

Biết nói sao cho hết nỗi cảm phục của chúng con khi thấy quý Sư cô khép mình trong kỉ luật nghiêm khắc, chịu đựng những thử thách của thân thể và nội tâm. Hình ảnh quý sư cô nghiêm trang thiền định đập mạnh vào tâm hồn chúng con, khiến tham sân lật đổ của chúng con bớt đi. Chúng con phải làm thế nào để xứng đáng làm em của những người chị đã từng giờ từng phút nhiếp niệm. 

Chúng con cố gắng học, nắm vững giáo lý để sau này cũng được tập tu. Chúng con thúc liễm thân tâm vì ngay trước mắt có các bậc thánh hiền gương mẫu. Mười phương chúng sanh còn được nhờ tư điển của  quý sư cô huống chi chúng con hân hạnh sống liền bên? Chúng con sung sướng được nương tựa vào sư dẫn dắt của chánh pháp. 

Kinh pháp cú dạy: Làng mạc hay rừng sâu, non cao hay trũng thấp nơi nào A-La-hán trú ngụ cũng tịnh lạc. 

Kinh đại bi dạy: Người nhiếp tâm trì trú tắm rửa, nước văng vào chúng sanh nào, chúng sanh này liền tiêu tội được an vui. Hơi miệng người trì chú theo gió nhằm ai, người này sẽ được giải thoát. 

Quý Sư cô miên mật trở về tánh nghe không tạp niệm, soi từng hơi thở, biết từng bước đi. Hôm nay gieo nhân làm Phật, chắc chắn sẽ kết quả Phật. Tương lai chúng con nương nhờ vào sự tu hành của các chị đi trước. Nguyện cầu Tam-bảo gia hộ quý Sư cô bình an sức khoẻ, trí tuệ khai minh, Bồ-đề tâm kiên cố, hoàn thành cảnh giới Liên Trì ngay tại Việt Nam. 

Nam mô Hoan Hỷ mười phương Phật.

 

 

Phần 2 

Đã gọi là Tùng Lâm, rừng tùng, hẳn nhiều tùng bách hiên ngang, lá sanh rợp trời, thân thẳng một gióng, cao vút hư không. Đáng mừng là ban hộ pháp đã lấy tự tha lưỡng lợi làm nhiệm vụ. Tận tâm kiệt lực mà vẫn sợ tâm này chưa tận, lực này chưa đủ. Giúp người chính là giúp mình, cùng nhau biến thành biện sự nghiệp. Tổ dạy: Bổ củi sách nước, không việc nào chẳng phải đạo. Chủng chủng công vụ thiền môn, mỗi mỗi đều có phần quan trọng. 

Tu tĩnh đắc đạo đã đành mà xả thân khổ hạnh danh thơm cũng lắm. Tổ Quy Sơn nấu ăn. Tổ Kính Sơn quét dọn nhà bếp. Tổ thọ xương cầy ruộng. Tổ Bách Trượng một ngày không làm không ăn. Quý ngài đều có tên trên bảng truyền đăng, đều đã được tâm ấn nối Pháp Như Lai. Vì thế chấp lao phục dịch, tự lãnh khó nhọc để phụng thờ Tam-bảo, thật chính là tu đạo. Đây chính là những cây tùng, cây bách đang mong vươn cao, uống ánh quang minh vô tận. Đây chính là sửa soạn ngôi Tổ ngôi Phật. 

Mừng rằng toàn chúng Liên Hoa ai cũng có phần bên Cực Lạc.  

Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.

 

 

12. Huấn Từ Của Hoà -Thượng Pháp Chủ

Nhân ngày lễ tạ 49 ngày đả thất của ban Phản Văn

 

Tổ sư than rằng:” Thời chánh Pháp, người tu dùng mãnh tinh tấn, vì đạo quên thân, nên có tu có chứng. Ngày nay biếng nhác nên ít chứng ngộ”. Bậc tiền bối nhà Nho khuyến khích học sinh rằng:

“Bạch nhật mạc nhàn quá

Thanh xuân bất tái lai

Song tiền cần khổ học

Mã thượng cẩm y hồi”. 

Nghĩa là: 

“ Nắng vàng chớ bỏ qua

Tuổi xanh không trở lại,

Bên cửa cần chăm học

Mai đây ngày vinh quy”. 

Vua Đại Vũ ngày xưa tiếc tấc bóng quang âm hơn thước ngọc. Kinh vô thường dạy:” Thiếu niên dung mạo tạm thời tươi, chẳng bao lâu sẽ thành khô tuỵ”. 

Học sinh thế gian biết quý thời giờ, sớm khuya học tập. Khi thi đỗ rồi, vua ban áo cẩm bào, cưỡi ngựa về quê, làng huyện đón rước, cha mẹ hớn hở, vinh hoa biết biết ngần nào? 

Học sinh xuất thế gian, bái từ cha mẹ vào cửa Thiền-na, lập chí siêu phàm, những mong nhập thánh. Tâm Bồ-đề vừa khai phát, mười phương Phật vui mừng, cõi âm cõi dương hi vọng, quỷ thần ủng hộ. Hàng ngày tự hỏi: Quán thông 3 tạng thánh giáo chưa? Nghiệp chướng đã đào thải hết chưa? Thân miệng ý đã thanh tịnh hết chưa? Làm sao đừng cô phụ bốn ân? Làm sao cứu vớt cả ba cõi? 

Trường thi tuyển Phật, tâm Không đỗ đầu. So với việc làm thế gian thật dễ hơn nhiều. Vì sao? Vì học vấn thế gian là đem những kiến thức bên ngoài vào tâm, luyện tài văn chương, phải dùng sức lực tinh thần rất nhiều. Mà kết quả làm quan phú quý vinh hoa chỉ hưởng may lắm mới được trọn vẹn một đời. 

Còn học sinh xuất thế gian, cưỡi xe bạch ngưu, mặc giáp liên hoa, ngay còn đang tu tập, trời người đã lễ bái huống chi khi tự giác, giác tha, giác hành viên mãn, khiến cho Phật nhật tăng huy, thì quý giá biết chừng nào. Vinh hoa kiếp kiếp đời đời. Cứu độ dân thế, ân đức trời đất biển sông không chi sánh bằng. Mà chỉ cần có một công phu xả ngã pháp, không nhất thiết tướng, thành vạn pháp trí. 

Nay các cháu đã chọn đường xuất thế, con đường vô thượng không chi hơn, còn lời nói nào để tán thán hết thịnh đức? Giới thân tuệ mạng vừa thêm 1 hạ. Lại tròn 49 ngày thiền thất phản văn, công phu viên mãn hứa hẹn tương lai siêu phàm. 

Con đường từ xưa tới đây đã thật là rực rỡ huy hoàng. Vậy khuyên cứ đường này mà đi đến nơi đến chốn.

 

 

13. Lớp Phật Học Phổ Thông

 

Kính bạch trên Thầy!

Kính bạch toàn thể đại chúng! 

Đã ngót ba ngàn năm đạo Phật có mặt ở Việt Nam. Lòng tin tội phước nhân quả đã thấm nhuần khắp các tầng lớp xã hội. 

Khoảng 100 năm gần đây, văn minh Âu Mỹ tràn vào, lớp người hiện đại thờ ơ với đạo Phật. Trong khi ấy, nghiên cứu lí học, sự hành thiền định được thực hành khắp năm Châu. Làm sao lại trái ngược như thế? Bởi vì trên khắp thế giới, pháp luân thường chuyển nên Phật nhật tăng huy. Còn ở Việt Nam, con số Tăng Ni giảng dạy Phật Pháp thật là quá ít. Đạo phật chỉ được học và tu kín đáo trong các ngôi chùa. Giữa thành phố, giáo lý còn được vang lên mỗi tuần chớ  ở các thôn quê thì khoan nói đến ánh sáng chân lý cao xa, 99% người Việt Nam chẳng am tường tam quy ngũ giới. 

Ngay thôn Phú An chúng ta, nổi tiếng là đông tu sĩ Phật giáo, có tới 50 chiếc am cốc. Nhưng thử hỏi dân chúng, có ai biết đến đức Thích Ca Mâu Ni? Chắc chắn chỉ nhận được những lắc đầu. 

Người ta đến chùa chỉ để cầu an cầu siêu, coi đức Phật như ông thần gốc đa với bổn phận tiêu tai giáng phước. Chữ Phật nghĩa là Đại Giác mà nay đạo phật chỉ đưa người vào mê tín dị đoan. Như thế đối với đàn na tín thí, tứ sự hộ pháp cúng dường, cái im lặng của chúng ta quả thực là tàn nhẫn và độc ác. 

Nóng lòng về tình trạng ấy nên cố Hoà-thượng Thích Thiện Hoa suốt 25 năm, đã đem những kinh nghiệm giảng dạy, đúc kết thành bộ Phật Học Phổ Thông, gồm 12 nấc thang giáo lý, đưa dần người học đạo từ thấp nên cao, từ cạn vào sâu. Mong các đệ tử  xuất gia có tài liệu để mở lời giáo hoá ông bà cha mẹ, trước Phật hoá gia đình, sau khai giác xã hội. 

Riêng chùa chúng ta, khiêm tốn nơi miền quê xa xôi, an tĩnh dưới những tàn cây rừng núi. Hàng ngày vẫn có những đoàn người từ thành phố đổ lên, đi cả ngàn cây số từ xứ Bắc đến, từ nước ngoài về thăm quê hương...bao nhiêu công lao, bao nhiêu vất vả, đem đầu đến trước Tam-bảo, cúng dường các Sư. 

Sư là tiếng Tàu. Tiếng việt dịch là Thầy, nghĩa là người dạy học. Cho nên để tiêu dung hạt gạo tín thí, chúng ta có bổn phận phải có một bài khai tuệ cho những người vì các Sư mà đến đây. 

Chúng con hôm nay thành kính nối gót tiền hiền, vâng lệnh Tôn sư, đảnh lễ Tam-bảo, nguyện nghiên cứu bộ Phật Học Phổ Thông, trên hoằng dương đạo giác, dưới mở đường giải thoát cho ông bà cha mẹ thân duyên cùng mười phương pháp giới hữu tình đồng vào Phật đạo.

 

14. lớp Thập Tín 

Nam mô Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm kinh, Hoa Nghiêm Hội thượng Phật bồ-tát 

Kính bạch trên Thầy, kính bạch toàn thể đại chúng. 

Tuy Phật pháp mênh mông như biển cả nhưng chúng sanh nào cũng có thể tuỳ phận lượng mà hưởng thọ. Bởi vì Phật pháp sẵn đủ trong tâm mỗi chúng sanh. Phật tánh là chánh nhân. Phật pháp là duyên nhân. Liễu nhân Phật đạo do đây viên thành. 

Hoa Nghiêm là bộ kinh hùng vĩ vẽ đường Vô-thượng Bồ-đề. Cổ đức đại từ đại bi đã dạy cho sơ tâm xuất gia chúng con,vừa bước chân vào chùa, liền được học Tỳ-Ni Hương Nhũ( rút từ phẩm Tịnh Hạnh). Một bộ nhật dụng này, sự thì thâu nhiếp thân tâm, lý thì quy viên đốn. Mỗi xúc mỗi trần, mỗi hành vi, tập cho tâm chí sáng suốt, thoát ly tạp tưởng quá khứ vị lai, trở về hiện tại. Nhiếp niệm thành định. Mỗi nguyện mỗi nguyện đều vì chúng sinh. Đọc văn này, phát nguyện này, làm hạnh này, sẽ đồng bậc với Viên Giác, không hai không khác. Bồ-tát Hiền Thủ dùng ngót 400 bài kệ để ca ngợi công đức Thập Tín Bồ-tát. 

Còn Tỳ-kheo-ni Bảo Tâm, đã đủ phước duyên được nhập thất mấy năm chuyên học kinh Hoa Nghiêm Sớ Sao của Thanh Lương quốc sư. Nay công phu hoàn tất, vâng lệnh Tôn sư, cùng một số chị em khai mở lớp học Thập tín. 

Mục đích xuất gia là cầu thành Phật. Bước đầu tiên dĩ nhiên phải vào Thập Tín. Như lai đem quả dụng ứng quần cơ, bủa khắp cõi Ta Bà những tia sáng Bồ-đề. Phật danh, Phật pháp, Phật thân đều là chỗ y cứ để khởi lòng TIN. 

Muốn viên mãn 10 TÂM( 10Tín) cần tu 10 quán pháp. Đây là then chốt, vì muốn tin phải hiểu. Trong phẩm Bồ-tát Vấn Minh, 10 Bồ-tát tên THỦ cùng nhau hỏi đáp, khám phá nghiên cùng giáo lý. Song phải do thắng hạnh mới tiến lên thêm bực ngôi vị. Học hiểu mà không thực hành uổng phí đa văn nên Phật nói tiếp phẩm Tịnh Hạnh. Tuỳ theo sự duyên mà khéo phát nguyện, tăng trưởng Trí Bi, thành tựu Phổ Hiền công hạnh, nội đức sớm viên thành, ta mà chẳng thể quấy. Thần lực pháp nhãn do TÍN mà đầy đủ. 

Chúng ta tự xưng là con Phật, học Phật và cầu thành Phật, hẳn cũng nên nhận rõ Phật là gì? Phật ở đâu? Đấng Đai Giác thường trụ ở khắp mười phương. Thập TÍN là bước đầu viên thông. Hôm nay chúng con đặt chân cất bước trên con đường vạn dặm, cầu mong đại trí Văn Thù, đại bi Quán Thế Âm nhỏ giọt sữa Pháp, nuôi mầm Bồ-đề. 

Nhất thừa viên đốn diệu pháp môn

Để chân thật thấy tánh thành Phật.

Tay cầm mắt xem tâm miệng tụng,

Nên biết đều là đại nhân duyên.

Thấy nghe, tuỳ hỷ, chứng Bồ-đề.

Rốt ráo viên thành đạo Vô-thượng.  

Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật tác đại chứng minh.

 

---o0o---

 

Mục Lục  > 1 > II > III > IV > V > VI > VII

---o0o---

Vi tính: Quảng Tuệ Hương & Quảng Trí Lực

 Trình bày: Anna

Cập nhật: 10-2007

Nguồn: www.quangduc.com

Về danh mục

phật giáo lễ 首座 vì sao vua lương võ đế cả đời xây 崔红元 quen 三年级上册数学应用题 档案管理工作总结 từ thể loại văn bản kinh phật ở ấn anh 放下凡夫心 故事 thiện 少先队大队部工作计划 Ngày ăn chay được ưu đãi 50 giá เทศนาหลวงพอธราชม lan mỗi 五痛五燒意思 七五三 小山 thien Hoạ tập 回向文 tinh cach tuc thoi lan dau cong bo anh ve cuoc dau tranh chong dan ap 高級 霊園 仏壇の線香の位置 元代 僧人 功德碑 º æ 仏壇 浄土真宗 大谷派 丢失菩提心的因缘 ò văn Tạp bút Tham thực sà c ß 清华间谍 å æžœ Mùa Vu lan 律的大篆 大悲咒的威力有多强 禅と世界文化のオンライン講座 tong nguồn gốc của khổ đau cổ Gánh çƒ¹ä½ ç テス យក សច ត តអប រ យ Ð Ð Ð