THỰC
TẠI HIỆN TIỀN
Viên Minh
THAY
LỜI NÓI
ĐẦU
Ngày 16-11-1993
Mấy hôm
nay tôi ra đây, có một số Phật tử lên
hỏi Đạo, mà tôi thì cũng hay về nhà thăm
ông cụ thân sinh. Như vậy, thật là mất thì giờ và bất tiện cho tôi
lẫn cho quí vị. Tôi bèn nảy ra cái ý là mở một lớp học. Thật ra, nói là
lớp học thì không đúng. Không biết gọi là
cái gì, nhưng ở đây chúng ta sẽ cùng
nhau khảo sát những vấn đề tinh yếu của đạo
Phật, mà tôi nghĩ rằng, những vấn đề
tinh yếu ấy là nền tảng chung cho tất cả mọi tông phái Phật giáo,
đại biểu là Nam Tông và Bắc Tông.
Có một
điều là, xưa nay Phật giáo Việt Nam
đã thống nhất, nhưng là thống nhất
trên ý chí, trên hiến chương, trên hình thức tổ chức chi chi
đó thôi, chứ có một điều chưa bao giờ thống
nhất được: ấy là tư tưởng Phật học. Mỗi tông phái thường có một số
kinh điển làm tư tưởng nồng cốt cho
tông phái mình, từ đó làm kim chỉ nam
cho sinh hoạt, tu hành, xiển dương phát triển v.v... Như vậy, thì rõ ràng
tính từ xưa đến nay, số kinh điển ấy rất
nhiều, thật không kể xiết.
Người nghiên cứu kinh
điển thường có cái nhìn một phía, một
chiều. Chính vì vậy mới gọi là "mạt pháp". Mỗi người
đều học hỏi được một số điểm giáo lý nào
đó, và họ chợt nhận ra rằng, những cái
thấy của họ đều khác nhau! Không những vậy mà
ngay chính từ một điểm giáo lý trong cùng
một tông phái, cái nhìn mỗi người cũng đã
khác nhau rồi. Tại sao vậy? Tại vì thời của chúng ta là thời mạt pháp. Mạt
pháp tức là cái ngọn. Chánh pháp là cái gốc. Tượng pháp là cành, nhánh.
Còn mạt pháp thì mỗi ngọn một hướng khác nhau!
Có một
điều buồn cười ở thời đại mạt pháp của chúng
ta là tông phái nào cũng bảo mình là Chánh Pháp, mà họ không tự
hiểu rằng, ngay khi phân ra nhánh ngọn là tông phái
đã mang
đủ tính chất cái ngọn, tức là mạt pháp rồi! Tu Phật mà chấp một
tông phái tức là chúng ta theo cái ngọn rồi! Mỗi tông phái thường có một
tông chỉ khác nhau nên khi chúng ta chấp tông phái này thì thường không
đồng ý với tư tưởng của tông phái khác. Thậm
chí còn khen mình chê người nữa. Do đó
kiến giải không làm sao tránh khỏi sự bất
đồng.
Còn người học Phật thì cứ mãi
suy nghĩ về ý nghĩa của một điểm hay
nhiều điểm trong giáo lý. Điều đó thật nguy hại. Tại sao vậy? Tại vì
mình học giáo pháp để mà hiểu nghĩa,
chứ không phải để mà thấy sự thật.
Quả là một lầm lẫn tai hại, một nguy cơ nghiêm trọng trong thời mạt pháp
của chúng ta!
Thuở xưa, khi
Đức Phật thuyết giảng cho một vị nào
đó, một cư sĩ hay một bậc xuất gia, chỉ với
một thời pháp rất ngắn, thậm chí đôi khi chỉ vài câu kệ, mà vị
đó, hoặc là
đắc pháp nhãn hoặc là thành tựu con
đường tu tập của mình ngay tại chỗ.
Chúng ta ngày nay, kinh điển quá nhiều, hết
tông phái này đến tông phái khác.
Chúng ta đọc rất nhiều mà lại thu nhập
được rất ít, nếu không muốn nói là chúng ta không tiếp thu
được cái gì cả. Tại sao vậy? Tại vì
chúng ta kẹt nơi rừng văn tự, chữ nghĩa và
tư kiến. Chúng ta xông xáo bới tìm trong rừng văn
tự chữ nghĩa ấy để mong hiểu nghĩa. Và chính vì kẹt nơi nghĩa ấy mà
chúng ta thực sự không thấy chánh pháp là gì, cái thực là gì!
Đấy là
điều bi đát, những thảm kịch cho hàng muôn người học Phật thời nay,
cả Việt Nam và trên khắp thế giới. Thời mạt pháp thấy
được chánh pháp thì quả là hy hữu! Hy
hữu không phải là không có. Chỉ khi nào chúng ta có
được căn cơ trình
độ rất là tốt, một cái duyên rất là
đầy đủ thì may ra chúng ta mới có thể
từ cành, nhánh, ngọn mà tìm về cái gốc, tìm thấy cái gốc. Cái gốc, xin lặp
lại, là chánh pháp vậy.
Thật ra, chúng ta không cần
phải học nhiều kinh điển. Học ít nhưng mà
phải thấy được cái gốc. Thấy được cái gốc
rồi, chúng ta sẽ có được căn bản vững vàng, sẽ có
được cái nhìn phóng khoáng. Khi ấy,
chúng ta có thể nghiên cứu, tìm đọc bất cứ
tông phái nào, tông chỉ nào, kinh điển
nào mà không còn sợ bị kẹt vào đâu cả.
Ấy là điều chúng ta cần phải thảo luận
với nhau.
Hôm nay ở
đây, trong buổi hội thảo này có
nhiều Phật tử trình độ khác nhau, tông phái
khác nhau, nhưng chúng ta có thể tìm ra
được một cái đồng nhất. Cái đồng nhất đó
chính là cái cốt lõi, cái gốc, cái thực, chánh pháp chứ không phải
tượng pháp hay mạt pháp. Chúng ta hy vọng như vậy.
--- o0o ---
[ Mục
Lục ] [
1 ] [
2]
[ 3
] [
4 ] [
5
] [ 6
] [
7 ] [
8 ]