Bốn mùa hoa giác

 

Tỳ Kheo Ni Huệ Hải  biên soạn 

 

V MÙA XUÂN TỪ 16-01 ĐẾN 14-04

 

1. NGÀY 16-01 THỈNH PHÁP

 

Kính thưa sư cô Pháp sư!

Mùa đông, mai vàng rực rỡ mừng hải hội Di Đà vừa tàn thì hôm nay mùa xuân Lăng Nghiêm đã trở về trên miền cao nguyên với thông xanh trúc biếc. Chúng con nỗ nực phấn khởi đón mừng xuân Lăng Nghiêm, đem ánh sáng trí tuệ tăng trưởng Bồ-đề cho hàng hậu học. 

Chúng con vô cùng cảm động khi thấy ngay trên giường bệnh, Thầy vẫn hết sức cố gắng soạn thảo ghi chép. Quý Sư cô phụ Thầy thâu đêm suốt sáng làm việc, những mong bộ Lăng Nghiêm hoàn hảo để truyền tói lớp trẻ chúng con. 

Hôm nay trong khung cảnh trang nghiêm của bảo điện. Chúng con đảnh lễ cung thỉnh Sư cô Pháp sư thay Thầy khi giảng bộ Lăng Nghiêm, chúng con nguyện cố gắng giúp đỡ lẫn nhau, kiên trì tinh tấn tu học để khỏi phụ lòng trên Thầy và Sư cô trong muôn một. Từ bàn tay trăm phước trang nghiêm, Thầy đã bao năm nuôi nấng, ân cần đùm bọc để măng non thành cứng cáp, những mong sau này vận chuyển guồng máy Tăng già, bảo tồn mang mạch Phật Pháp. 

Chúng con nhất tâm đảnh lễ mười phương chư Phật, chư đại Bồ-tát, thiên long bát bộ, Hộ Pháp tôn thần ngày đêm ủng hộ cho lớp học Lăng Nghiêm được vuông tròn, chúng con đủ sức trí tuệ thâm nhập pháp môn đại thừa, hoa Bồ-tát tươi nở, quả Bồ-đề sớm viên mãn. 

Nguyện cầu Thầy vô lượng thọ. 

Sư cô Pháp Sư vô lượng quang và toàn chúng vô biên công đức.

Nam mô Lăng nghiêm hội thượng Phật Bồ-tát.

Nam mô Nhĩ căn viên thông đại bi Quán Thế Âm Bồ-tát.

 

Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật

Nam mô Phật Đảnh Thủ Lăng Nghiêm Tôn Pháp.

Nam mô Khải Giáo Ananđà tôn giả.

 

Một nén chiên đàn hương

Khói toả khắp mười phương,

Thỉnh sư lên bảo toạ

Phật pháp rộng tuyên dương.

 

Hàng phục ma lực oán

Trừ kết tận không dư,

Đàn tràng dung chuông khánh

Thỉnh Pháp Sư an toạ.

Chúng con cầu nghe Pháp

Mong qua biển sanh tử,

Ngày nay đủ duyên lành

Khấu đầu cung kính thỉnh.

 

Kính Bạch Sư cô pháp sư! 

Ai cũng biết từ xưa Mật tông vẫn cấm nghiệt không cho truyền bá bừa bãi giáo pháp của mình. Các vua Ấn Độ hộ pháp, phạt tử hình những ai không tuân lệnh. Nên bộ Lăng Nghiêm không được tự do truyền bá ra nước ngoài. Mãi đến đời Đường mới có Samôn Bát Lặc Mật Đế lấy một thứ mực không chi làm phai được, viết trọn bộ Lăng  Nghiêm vào một thứ lụa thật mỏng, rạch vế đùi nhét vào rồi khâu lại, giả làm vết thương, theo các lái buôn đi đường biển, vào Trung Quốc. Do đây Phật giáo châu á mới có kinh Lăng Nghiêm để ngày nay truyền bá đến chúng con. 

Như vậy các bậc tiền bối đã vì đạo xả thân, chịu đau chịu khổ bao nhiêu để có Pháp bảo lưu truyền hậu thế. Cũng bởi vì Kinh Lăng Nghiêm là chìa khoá mở kho tàng giáo lý đại thừa. lại có lời huyền ký rằng:” Thời mạt pháp kinh Lăng nghiêm sẽ mất đầu tiên, Kinh A Di Đà còn lại đến cuối cùng”. Như vậy có nghĩa là nơi nào còn kinh Lăng nghiêm nơi ấy còn chánh pháp. 

Kính thưa Sư cô! Khế kinh còn dạy:” Bị thiêu đốt trong địa ngục chưa gọi là khổ. Chỉ ngu si chưa biết hướng đi mới thật là khổ. Vì ngu si là gốc nguồn tội”. Lại dạy: Thân người khó được, Phât pháp khó gặp, thời khắc dễ qua, đạo nghiệp khó thành. 

Nay chúng con đã có đại phước được sanh vào một gia đình Giàu Phật pháp. lại tới thời tiết nhân duyên được quỳ trước Tổ đường thỉnh pháp. Cầu mong sư cô khai kinh Thủ Lăng Nghiêm, chỉ mở đường Bồ-đề cho chúng con phân biệt được cái giả và cái thật ở ngay thân tâm mình, để chúng con sống hợp với lẽ phải, ngõ hầu vĩnh viễn thoát khổ, hưởng vui Thánh Hiền. Ngưỡng nguyện thiên long bát bộ Hộ Pháp tôn thần thuỳ từ gia hộ Sư cô Pháp sư của chúng con Pháp thể khinh an, lớp học thành tựu viên mãn.

 

Nam mô Độ Nhân Sư Bồ-tát ( 3 lần).

 

 

2. NGÀY 08-02 ĐỨC BỔN SƯ XUẤT GIA

(Xem Kinh BẢN HẠNH TẬP)

 

3. NGÀY 15-02 PHẬT NHẬP NIẾT BÀN

 

Hôm nay ngày trăng tròn tháng 2, chúng ta làm lễ kỷ niệm đức Phật nhập Niết-bàn. Lắng nghe lời di giáo:

“Này Anan, sau khi ta Niết-bàn, ông phải siêng năng đem diệu pháp dạy răn hậu lai. Ai còn thống khổ trong ba cõi, phải mau cầu giải thoát. Ngũ trược ái dục rất đáng chán. Không có cách nào giải thoát được móng vuốt quỷ vô thường. Một khi mất thân người, vạn kiếp chưa được trở lại. Phải điều phục, đưa tâm vào đạo quả. Ba nghiệp thanh tịnh mới hy vọng sanh về cảnh giới tốt đẹp. Chớ để đời này luống qua, về sau ăn năn không kịp”.

Ngài Anan té xỉu. Ngài A Na Luật Đà an ủi:” Hôm nay dầu còn được nghe Phật nói, sáng mai đã thành không. Ta chớ để mất chút thời gian vàng ngọc này, mau mau thưa Phật. Mai đây vắng bòng Phật

1.Chúng con thờ ai làm Thầy?

2.Các Tỳ-kheo ác tánh, làm sao chuyển hoá?

3.Chúng con làm sao cùng họ ở chung?”

Ngài Anan bạch Phật. Đức Phật dạy:

Sau này giới Ba la đề mộc xoa là đại sư của các ông, nương đây tu hành sẽ được định tuệ xuất thế.

Này Anan, dùng thiện phương tiện có thể cải hoá những ác tánh. Hành khổ đầy tràn ba cõi. Cỗi gốc là vô minh. Nếu được trí tuệ Bát Nhã huân ướp thì vô minh dứt. Sanh, lão, bệnh, tử, ưu bi khổ não sẽ không còn. Giáo pháp chánh quán 12 nhân duyên đưa các Tỳ-kheo đến thanh tịnh thượng quả. Như Lai là đấng chân ngữ. Đây là nơi phó chúc tối hậu, các ông phải vâng theo.

Này các Tỳ-kheo, sau khi Phật nhập Niết-bàn, các ông phải nương Tứ Niệm Xứ mà an trụ. Quán, thân, thọ, tâm pháp vô thường, vô ngã, khổ và không, sẽ diệt hết ưu lo, viên mãn giới định tuệ, 3 vô lậu học.

Anan lại bạch:” Sau này tín tâm đàn việt cúng dường Như Lai thời phải xử trí thế nào?”

Tạo tượng Phật, sắm các thứ hương đèn phan lọng. Ai lạm dụng phạm tội ăn trộm của Phật.

Anan lại hỏi: Cúng dường Như Lai hiện tiền và cúng dường tượng Phật. Phước đức nào hơn?

-Đáp: như mau không khác. Trên trời, cõi người, ai cung kính lễ bái tán thán cúng dường Như Lai công đức vô lượng vô biên. Anan nên biết Tam-bảo vẫn thường trụ, làm chỗ nương tựa vĩnh viễn cho tất cả chúng sanh.

Lúc đó đức Thế Tôn vạch y Tăng-già-lê để lộ ngực hoàng kim bảo đại chúng:” Hãy chí tâm nhìn kỹ thân vàng Như Lai! Ai thấy hình Phật, gặp ánh sáng Phật đều sẽ được giải thoát”.

Ba phen ân cần khuyên bảo như vậy rồi bay lên hư không, bảo đại chúng:” Hãy chí tâm nhìn kỹ thân vàng của Như Lai”. Từ hư không xuống lại bay lên, tất cả 24 lần ân cần bảo đại chúng:” Hãy chí tâm nhìn sắc thân vàng Như Lai. Người khát nước phải uống đến no. Sau này biết bao giờ mới lại được thấy thân Như Lai. Thấy thân Như Lai thì bao nhiêu tội ác, bát nạn, tam đồ đều được tiêu trừ”.

Giữa đêm ấy đức Như Lai nhập trí thiền, yên  lặng Niết-bàn trong rừng Ta La.

Mười phương thế giới chấn động. Mười phương biển cả cuộn sóng. Đêm tối mịt mù, gió gào khắp rừng sâu:” Thương thay, từ nay thế gian không còn con mắt Tuệ”.

Ngài Anan lại té xỉu. Ngài A La Luật Đà an ủi:” Phật dù đã Niết-bàn nhưng còn xá lợi và Pháp bảo. Ông và tôi có bổn phận phải thay Phật hoằng dương đạo giải thoát. Đưa chúng sanh ra khỏi biển khổ là báo đền ơn Phật trong muôn một”.

Xá lợi Phật được chia làm tám phần. Tám vua thỉnh về nước mình xây tháp cúng dường. Thế là cõi Diêm-phù-đề có tám tháp thờ xá lợi.

Khi ấy chư Bồ-tát, Thanh-văn, trời rồng, 8 bộ quỷ thần, ai nấy cúi đầu đảnh lễ phụng trì.

 

ỨNG TẬN HOÀN NGUYÊN

 

Ứng thân đức Bổn sư đã viên mãn sự nghiệp độ sanh. Nay nhập Niết-bàn là trở về thể tánh chân thật, trở về Pháp-thân. Đức Thế Tôn phổ cáo đại chúng:” Ta dùng mắt Phật xem khắp ba cõi sáu đạo chúng sanh, chánh báo y báo, tướng đều hư vọng như hoa đốm. Nhưng thể táng vẫn thường trụ thanh tịnh bất động như hư không”. Phàm phu không giác biết nghĩa này, cho rằng Phật nhập Niết-bàn là mất hẳn. Sự thật Phật nhập Niết-bàn là trở thành bổn tánh vô lượng quang, vô lượng thọ.

Chúng sanh quen sống với sự tướng, khó tin được những gì gì mắt không thấy, tai không nghe nên Đức Phật giáng thần về xứ Ấn Độ, hiện thân tu hành chứng quả. Phật giáo dạy các đệ tử phải quan sát tánh chất thế gian vô thường, vô ngã, khổ và không. Phàm có hình tướng đều hư vọng. Ai lấy âm thanh, sắc tướng cầu Phật đều là tà đạo, không thể thấy Như Lai. Cho nên đích thị Phật cũng hiển thị vô thường. Đúng pháp lý thế gian, Phật nhập Niết-bàn. Thật ra vạn pháp chẳng chỗ nào, chẳng thời gian nào không phải là Phật. Phật bảo thươngf trụ ở khắp mười phương suất quá khứ, hiện tại, vị lai. Chỉ vì không hình không tướng nên thế gian không ngờ là Phật vẫn ngày đêm ở trước mặt mình, ở ngay trong tâm mình, ở khắp quanh mình. Vì thế những ai cung kính, tán dường, lễ bái tán thán hình tượng Phật, được phước như cúng dường Phật tại thế không khác.

Ngài A Na Luật Đà hiểu rõ ý chỉ này nên đã vững tâm an ủi Anan. Thân ứng hoá dù có đổi thay nhưng Pháp-thân vẫn thường trụ. Trí thân Phật vẫn thấy rõ chúng ta, hộ trì chúng ta. Bổn phận chúng ta phải thờ phụng xá lợi để bảo tồn phước điền cho thế gian. Chúng ta phải thay Phật hoằng dương chánh pháp, làm chỗ quy y cho chúng sanh. Chúng sanh nương pháp bảo tu hành, sẽ được thấy Pháp-thân Phật. Như thế mới là chân thật báo ơn Như Lai.

Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.

Nam mô đại thánh A La Luật Đà tôn giả.

Nam mô đại thánh Ananđà tôn giả.

Nam mô Hộ Pháp chư tôn Bồ-tát ma-ha-tát, thiên long bát bộ Hộ Pháp tôn thần thuỳ từ minh chứng.

 

4. NGÀY 19-02 QUÁN ÂM QUẢNG TRẦN

(Đọc bài giải nghĩa trong kinh Lăng Nghiêm)

 

5. NGÀY 21-02 LỄ ĐỨC PHỔ HIỀN

 

-Kinh Hoa Nghiêm nói về nhân Hạnh Phổ Hiền.

-Kinh Pháp Hoa nói về quả đức Phổ Hiền.

Nhân hạnh thể hiện rõ nét trong Phẩm Nhập Pháp Giới. Thiện Tài diện kiến người thừa kế đức Thích Ca là Di Lặc Bồ Tát. Di Lặc giữ bảo tạng Như Lai mới đủ tư cách mở cửa Tỳ Lư Giá Na cho Thiện Tài vào đảnh lễ  đức Pháp-thân thường trụ. Thâm nhập Tỳ Lư Giá Na tánh rồi, hành giả chấm dứt giai đoạn 1, hiểu giáo lý qua kinh nghiệm sống trên 52 chặng đường học đạo. Qua giai đoạn 2, hành giả tự phát triển thực hiện những việc của đức Phật đã thành tựu. Việc này không đơn giản nên Di Lặc khuyên Thiện Tài phải tìm Văn Thù. Ở giai đoạn một, hành giả gặp Văn Thù, để trang bị cho mình trí tuệ vô lậu, thấy biết diễn tiến sự vật bằng trực giác của bản tâm thanh tịnh.

Bấy giờ Văn Thù đứng cách 110 do tuần, vươn tay  xoa đỉnh đầu Thiện Tài, nêu biểu dù cách xa Thầy  muôn dặm hành giả vẫn nghe và nhận được pháp âm vi diệu của Thầy truyền qua bản tâm thanh tịnh. Còn giai đoạn 1 cần có Thầy ở bên cạnh để dìu dắt.

Văn Thù đưa Thiện Tài nhập pháp giới để gặp Phổ Hiền. Thiện Tài không thấy Phổ Hiền bằng mắt. Phải quan sát Phổ Hiền hạnh mới thấy. Nhờ thiện căn phúc đức nhiều đời, Thiện Tài thấy thân Phổ Hiền trùm khắp pháp giới. Ba đời chư Phật đều nằm trong một chân lông của Phổ Hiền. Phổ Hiền có khả năng phân thân mười phương và thu gọn tất cả vào một chân lông ( trí phàm chỉ đứng ngoài lề, không thể nào giải thích được cảnh giới Phổ Hiền).

Phổ Hiền có khả năng chẻ các thế giới thành bụi, uống cạn nước bốn biển mà chúng sanh trong đó không hề biết là mình đã vào trong bụng Phổ Hiền. Phổ Hiền Bồ-tát tuyên bố chỉ duy nhất có một việc ngài không làm nổi là nói được hết công đức của Như Lai. Phải vào Phổ Hiền hạnh môn, tu Phổ Hiền hạnh nguyện mới hiểu được thế nào công đức Như Lai. Trước hết phải ngộ Tỳ Lư Na tánh.

Phổ Hiền hạnh mênh mông bát ngát trùm khắp pháp giới, thu gọn lại mười điều. Thành tựu 10 hạnh nguyện Phổ Hiền, chúng ta sẽ đạt quả vị Như Lai. Thực tế ta không thấy Phổ Hiền nhưng hiện hữu tác động của ngài vô cùng, không đâu ngài không đến, tuỳ yêu cầu của chúng sanh. Yêu cầu hình gì ngài hiện thân đó. Nếu cố chấp Phổ Hiền với một loại hình cố định, chúng ta sẽ không có Phổ Hiền. Người ta thờ đức Phổ Hiền cưỡi voi sáu ngà. Theo lời Hoà-thượng Trí Quảng trong Pháp Hoa Lược Giải:” Sáu căn tiếp xúc với sáu trần tạo vô biên tội. Nay tu theo lời Phật dạy, sáu căn chuyển thành sáu ngà giúp ngài tạo muôn vàn công đức. Sáu ngà là sáu thần thông. Voi là loài có khả năng chở nặng đi ngược dốc không gì chướng ngại. Sức mạnh của voi nêu biểu bất tư nghị lực, hàng phục được tất cả ác thế gian, làm được tất cả những việc khó làm”.

 

KINH HOA NGHIÊM

PHẨM 40-Phổ Hiền Hạnh Nguyện

 

Phổ: đức trùm pháp giới.

Hiền: thuận theo hạnh lành.

Hạnh: xứng tánh tu hành.

 

Phổ có mười nghĩa:

 

1.Cầu chứng tất cả chỗ chứng của Như Lai.

2.Giáo hoá tất cả chúng sanh trong Pháp Giới.

3.Đoạn trừ tất cả phiền não, không để sót một vi trần.

4.Không một hạnh lành nào, dù nhỏ như mảy lông, dù lớn như hư không, mà không làm với tất cả tận tình.

5.Tất cả sự hạnh trên đều triệt nguồn lý.

6.Hạnh vô ngại: Lý sự giao triệt.

7.Hạnh dung thông: Mỗi hạnh dung nhiếp vô tận.

8.Chỗ khởi dụng: Không dụng nào không biến khắp pháp giới.

9.Chỗ hành xứ: Tám môn trên như đế võng thiệp nhập trùng trùng.

10.  Thời gian hành: Cùng tận ba đời, không hạn kỳ.

 

CHÁNH VĂN KINH

 

Phổ Hiền Đại Bồ-tát khen ngợi công đức thù thắng của Như Lai rồi bảo Thiện tài rằng: Này thiện nam tử! Mười phương Phật nói công đức của Như Lai trải số kiếp nhiều như cực vi trần trong bất khả thuyết bất khả thuyết cõi Phật, cũng không nói hết được. Ai muốn trọn đủ công đức ấy pahỉ tu 10 đại hạnh nguyện.

 

1-LỄ KÍNH CÁC CHƯ PHẬT

 

Mười phương ba đời tận pháp giới có bao nhiêu đức Phật, tôi nương hạnh nguyện Phổ Hiền, thâm tâm tín giải như đối trước mặt, đều dùng ba nghiệp thân, miệng, ý thanh tịnh mà lễ kính. Tôi hoá hiện thân nhiều như số cực vi trần trong bất khả thuyết cõi. Mỗi thân khắp lễ các đức Phật nhiều như số cực vi trần trong bất khả thuyết, bất khả thuyết cõi. Hư không kia hết, cõi chúng sanh hết, phiền não chúng sanh hết thì sự lễ kính của tôi mới hết. Nhưng cõi hư không cho đến phiền não chúng sanh không hết thì sự lễ kính của tôi cũng không cùng tận. ba nghiệp thân, miệng, ý, thanh tịnh, niệm niệm hằng lễ kính, không bao giờ chán mỏi.

 

2-KHEN NGỢI NHƯ LAI

 

Mười phương ba đời tận pháp giới có bao nhiêu đức Phật. Vị nào cũng có rất đông Bồ-tát vây quanh. Tôi nương hạnh nguyện Phổ Hiền, thâm tâm tín giải như đối trước mặt, đều dùng lưỡi vi diệu hơn Biện tài thiên nữ. Mỗi lưỡi phát xuất biển âm thanh vô tận. Mỗi âm thanh diễn xuất biển lời nói, để ca ngợi công đức Như Lai. Như thế, hư không giới, chúng sanh giới, chúng sanh nghiệp, chúng sanh phiền não hết thời sự khen ngợi của tôi mới hết. Nhưng cõi hư không cho đến phiền não chúng sanh không hết thì sự khen ngợi của tôi cũng không cùng tận. ba nghiệp thân, miệng, ý, thanh tịnh, niệm niệm hằng khen ngợi, không bao giờ chán mỏi.

 

3-RỘNG TU CÚNG DƯỜNG

 

Mười phương ba đời tận pháp giới có bao nhiêu đức Phật, vị nào cũng có rất đông Bồ-tát vây quanh. Tôi nương hạnh nguyện Phổ Hiền, thâm tâm tín giải như đối trước mặt, đều kính dâng cúng dường thượng diệu mây hoa, mây hương, mây âm nhạc, mây tàn lọng.v.v...Lại dâng cúng các thứ đèn, đèn dầu thơm, đèn tô lạc.v.v...Tim đèn lớn như núi Tu-di, dầu nhiều như nước biển cả.

 

Này thiện nam tử! Trong các thứ cúng dường, pháp cúng dường là hơn hết. Pháp cúng dường là: Tu hành đúng như lời Phật dạy, làm lợi ích chúng sanh, chịu khổ thay cho chúng sanh, nhiếp thọ chúng sanh, siêng năng tu tập căn lành, không bỏ hạnh bồ-tát, không rời tâm Bồ-đề.

 

Vô lượng tài cúng dường như trên sánh với một niệm pháp cúng dường, thời công đức không bằng một phần trăm, không bằng một phần ngàn, một phần toán, một phần số, một phần ưu ba ni sa đà. Vì sao? Vì Như Lai tôn trọng chánh pháp. Vì tu hành đúng lời Phật dạy mới thành Phật. Bồ-tát pháp cúng dường mới trọn vẹn sự cúng dường. Pháp cúng dường mới là đại cúng dường. Như thế, hư không giới, chúng sanh giới, chúng sanh nghiệp, chúng sanh phiền não hết thời sự cúng dường của tôi mới hết. Nhưng cõi hư không cho đến phiền não chúng sanh không hết, thì sự cúng dường của tôi cũng tận. Ba nghiệp thân miệng ý thanh tịnh, niệm niệm hằng cúng dường, không bao giờ chán mỏi.

 

4-SÁM HỐI NGHIỆP CHƯỚNG

 

Từ vô thuỷ, thân miệng ý đã tạo bao nhiệp ác, vì ba độc tham sân si. Những tội ác này nếu có hình tướng thì khắp hư không chẳng đủ chỗ chứa đựng. nay xin đem ba nghiệp trong sạch, đối trước mười phương tận pháp giới chư phật, thành tâm sám hối, không dám tái phạm. Nguyện hằng an trụ nơi pháp giới tanh tịnh đầy đủ công đức lành. Như thế, hư không giới, chúng sanh giới, chúng sanh nghiệp, chúng sanh phiền não hết, thời sự sám hỗi của tôi mới hết. Những cõi hư không cho đến phiền não chúng sanh không hết thì sự sám hối của tôi không cùng tận. Ba nghiệp thân miệng ý thanh tịnh, niệm niệm hằng sám hối, không bao giờ chán mỏi.

 

5-TUỲ HỶ CÔNG ĐỨC

 

Mười phương ba đời tận Pháp giới bao nhiêu đức Phật từ sơ phát tâm cầu nhất thiết trí, siêng tu cội phước không tiếc thân mạng, trải qua số kiếp như cực vi trần trong bất khả thuyết, bất khả thuyết cõi. Mỗi kiếp đều thí xả đầu mắt tay chân nhiều như số cực vi trong bất khả thuyết bất khả thuyết cõi Phật, làm tất cả những hạnh khó làm, đầy đủ các môn ba la mật, chứng nhập các trí địa, viên mãn Vô-thượng Bồ-đề, cho đến nhập Niết-bàn, phân chia xá lợi. bao nhiêu căn lành tôi đều xin tuỳ hỷ.

 

 Sáu thú bốn sanh mười phương có bao nhiêu công đức, dù nhỏ như mảy bụi, tôi cũng đều xin tuỳ hỷ.

 

Tất cả các Bồ-tát tu hạnh cần khổ khó làm, chí cầu quả Vô-thượng chánh đẳng Bồ-đề, bao nhiêu công đức rộng lớn, tôi đều xin tuỳ hỷ. Như thế, hư không giới, chúng sanh giới, chúng sanh nghiệp, chúng sanh phiền não hết, thời sự tuỳ hỷ của tôi mới hết. Nhưng cõi hư không cho đến phiền não chúng sanh không hết thì sự tuỳ hỷ của tôi không cùng tận. ba nghiệp thân miệng ý thanh tịnh, niệm niệm hằng tuỳ hỷ, không bao giờ chán mỏi.

 

6-THỈNH PHẬT THUYẾT PHÁP

 

Mười phương ba đời tận pháp giới có bao nhiêu vị thành đẳng chánh giác, chúng Bồ-tát vây quanh, tôi đều đem ba nghiệp thân miệng ý thanh tịnh, dùng đủ phương tiện ân cần cung thỉnh nói pháp nhiệm mầu. Như thế, hư không giới, chúng sanh giới, chúng sanh nghiệp, chúng sanh phiền não hết, thời sự cung thỉnh của tôi mới hết. Nhưng cõi hư không cho đến phiền não chúng sanh không hết thì sự cung thỉnh của tôi không cùng tận. ba nghiệp thân miệng ý thanh tịnh, niệm niệm hằng cung thỉnh chuyển diệu pháp luân, không bao giờ chán mỏi.

 

7-THỈNH PHẬT TRỤ THẾ

 

Mười phương ba đời tận pháp giới các đức Phật, Bồ-tát, Thanh-văn, Duyên-giác, hữu học, vô học cho đến tất cả các thiện tri thức, tôi đều cung thỉnh đừng nhập Niết-bàn. Xin Phật trụ thế trải vi trần kiếp lợi ích chúng sanh. Như thế, hư không giới, chúng sanh giới, chúng sanh nghiệp, chúng sanh phiền não hết, thì sự cung thỉnh của tôi mới hết. Nhưng cõi hư không cho đến phiền não chúng sanh không hết thì sự cung thỉnh của tôi cũng không cùng tận. ba nghiệp thân miệng ý thanh tịnh, niệm niệm cung thỉnh, không bao giờ chán mỏi.

 

8-THƯỜNG THEO HỌC PHẬT

 

Đức Tỳ Lư Giá Na Phật ở cõi Ta Bà, từ sơ phát tâm tinh tấn bá thì bất khả thuyết bất khả thuyết thân mạng, lột da làm giấy, chẻ xương làm bút, lấy máu làm mực, biên chép kinh điển chất cao như núi Tu-di. Tôn trọng chánh pháp, thân mạng không tiếc, huống là ngôi vua thành ấp cung điện vườn rừng. Bao nhiêu việc khó làm cho đến thành đại Bồ-đề, các thứ thần thông biến hoá, hiện thân trong các chúng hội đạo tràng, Bồ-tát, Thanh-văn, Duyên-Giác, Chuyển Luân Thánh Vương, tiểu vương, cư sĩ, trưởng giả, bà-la-môn, sát-đế-lợi, hoặc các đạo tràng của thiên long tám bộ, tuỳ cơ giáo hoá. Dùng viên âm thành thục chúng sanh, như đại lôi chấn. Tất cả hạnh đức như vậy cho đến thị hiện Niết-bàn, tôi đều học tập theo. Như hiện nay học theo Thế Tôn Tỳ Lư Giá Na, tôi học theo mười phương ba đời các đức Phật cũng vậy. Như thế, hư không giới, chúng sanh giới, chúng sanh nghiệp, chúng sanh phiền não hết, thời sự theo học của tôi mới hết. Nhưng cõi hư không cho đến phiền não chúng sanh không hết thì sự theo học của tôi cũng không cùng tận. Ba nghiệp thân miệng ý thanh tịnh, niệm niệm theo học, không bao giờ chán mỏi.

 

9-HẰNG THUẬN CHÚNG SANH

 

Mười phương ba đời tất cả chúng sanh trong pháp giới, loài sanh thai, sanh trứng, ẩm thấp, hoá sanh, các thứ sắc thân, hình trạng, tướng mạo, các thứ tộc loại tâm tánh tri kiến, các thứ dục lạc ý hành oai nghi, các thứ ăn uống y phục cư ngụ. Cho đến thiên long tám bộ, loài không chân, 2 chân, 4 chân, nhiều chân, loài có tâm tưởng, không tâm tưởng, phi phi tưởng...Tôi đều vâng thờ cúng dường như kính cha mẹ, như trong sư trưởng, phụng sự như đức Thế Tôn. Làm thầy thuốc với bệnh nhân, chỉ đường cho kẻ lạc lối, đem đuốc sáng cho đêm tối, đem của báu cho người nghèo. Bồ-tát bình đẳng lợi ích chúng sanh. Bởi vì tuỳ thuận chúng sanh chính là cúng dường Như Lai. Làm cho chúng sanh vui mừng chính là làm cho tất cả Như Lai vui mừng. Bởi vì nhân chúng sanh mà khởi lòng đại bi. Nhân đại bi mà phát tâm Bồ-đề. Do đây thành Vô-thượng chánh đẳng chánh giác.

 

Trong cõi sa mạc sanh tử mênh mông này có cây Bồ-đề thọ vương. Dùng nước đại bi tưới gốc rễ chúng sanh thì sẽ trổ bông trí tuệ Bồ-tát mà kết quả Phật toàn giác. Cho nên Bồ-đề thuộc về chúng sanh, không có chúng sanh tất cả Bồ-đề không thể thành đạo Vô-thượng chánh đẳng chánh giác.

 

Này thiện nam tử, nơi nghĩa này phải hiểu rõ: Có bình đẳng đối với chúng sanh mới viên mãn lòng đại bi. Đem tâm đại bi tuỳ thuận chúng sanh mới thành tựu pháp cúng dường Như Lai. Như thế, hư không giới, chúng sanh giới, chúng sanh nghiệp, chúng sanh phiền não hết, thời sự tuỳ nhuận của tôi mới hết. Nhưng cõi hư không cho đến phiền não chúng sanh không hết, thì sự tuỳ thuận của tôi cũng không cùng tận. Ba nghiệp thân miệng ý thanh tịnh niệm niệm tuỳ thuận, không bao giờ chán mỏi.

 

10.KHẮP ĐỀU HỒI HƯỚNG

 

Từ sự kính lễ kính ban đầu đến tuỳ thuận chúng sanh, có bao nhiêu công đức thảy đều hồi hướng tất cả pháp giới chúng sanh. Nguyện đều an vui không bệnh khổ. Pháp ác đều không thành. Pháp lành mau thành tựu. Đóng chặt cửa ác thú, mở rộng lối nhân thiên Niết-bàn. Chúng sanh nào lỡ tạo nghiệp ác, phải chịu quả khổ. Tôi xin chịu thay, khiến được giải thoát, cho đến chứng quả Vô-thượng Bồ-đề. Như thế, hư không giới, chúng sanh giới, chúng sanh nghiệp, chúng sanh phiền não hết, thời sự hồi hướng của tôi mới hết. Nhưng cõi hư không cho đến phiền não chúng sanh không hết thì sự hồi hướng của tôi cũng không cùng tận. Ba nghiệp thân, miệng y thanh tịnh, niệm niệm hồi hướng, không bao giờ chán mỏi.

 

Này thiện nam tử! Bồ-tát tu hành 10 năm đại nguyện như trên, có thể thuần thục tất cả chúng sanh, có thể chon đủ biển hạnh, nguyện của Phổ Hiền Bồ-tát.

 

Thiện nam, thiện nữ, là dùng 7 báu thượng diệu và các thứ vui đẹp của cõi trời cõi người đầy khắp mười phương, trên cúng dường tất cả chư Phật, dưới bá thí tất cả chúng sanh, trải vi trần kiếp liên tiếp không ngừng. So với người một phen nghe mười đièu nguyện vương, công đức không bằng một phần trăm, không bằng một phần ngàn, cho đến không bằng một phần ưu ba ni sa đà.

 

Nếu đem lòng tin sâu biên chép đọc thọ trì, dù chỉ một bài kệ bốn câu, sẽ trừ năm nghiệp vô gián. Tất cả thân bệnh, tâm bệnh, khổ não ác nghiệp đều được tiêu tan. Dạ-xoa, La-sát, Cưu- bàn- trà, tỳ-xá-xà, bộ-đa...các ác quỷ thần đều lánh xa. Nếu có tới gần là để ủng hộ.

 

Người trì tụng, mười nguyện vương này đi trong thế gian không bị chướng ngại, như mặt trăng ra khỏi mây mù. Các đức Phật Bồ-tát khen ngợi, trời người kính lễ. Tất cả chúng sanh đều nên cúng dường. Thiện nam tử này trọn đủ công đức Phổ Hiền. Chẳng bao lâu sẽ thành tựu sắc thân vi diệu, dủ32 tướng đại trượng phu, sanh về cõi trời, dù có ở cõi người cũng sanh trong dòng cao quý. Phá hoại tất cả đường ác, xa lìa bạn xấu, chế phục tà ma ngoại đạo, giải thoát tất cả phiền não. Như sư tử vương dẹp phục bầy thú, kham lãnh thọ sự cúng dường của tất cả chúng sanh.

 

Lâm chung, căn thân hư hoại, quyến thuộc xa lìa, oai thế tiêu tan, tiền của ngựa xe, không một thứ nào đem theo được, chỉ có mười đại nguyện vương này dẫn đường về cực lạc, thấy Phật A Di Đà cùng các Bồ-tát Văn Thù, Phổ Hiền, Quán Tự Tại, Di Lặc ...sắc tướng đoan nghiêm. Người này tự thấy gá sanh nơi ao sen báu, được Phật thọ ký. từ đó trải vô số trăm ngàn muôn ức na do tha kiếp, đi khắp mười phương. Dùng sức trí tuệ tuỳ thuận lợi ích tất cả chúng sanh, chẳng bao lâu sẽ ngồi đạo tràng hàng phục quân ma, thành đẳng chánh giác, giáo hoá chúng sanh trong vi trần cõi Phật cùng tận vị lai.

 

Này thiện nam tử, công đức người thọ trì đọc tụng giảng nói 10 nguyện vương này chỉ có đức Phật mới biết rõ, ngoài ra không ai hiểu thấu. Thế nên ai đã được nghe, chớ có nghi ngờ. Phải nên thọ trì biên chép giảng nói. Tất cả ước mong đều sẽ được như nguyện, có thể ở trong biển khổ cứu vớt chúng sanh, đưa về cõi cực lạc của đức Phật A Di Đà.

 

 

6.NGÀY 16-03 THẦN CHÚ CHUẨN ĐỀ YẾU NGHĨA

 

Kinh chuẩn đề chép: Đức Phật ở thành Vương Xá, tinh xá Kỳ Hoàn, vườn Cấp Cô Độc, 4 chúng và tám bộ vây quanh. thương xót chúng sanh đời mạt pháp phước mỏng nghiệp dày, đức Thế Tôn nhập dịnh Chuẩn Đề tam muội rồi nói thần chú :” Nam mô tát đa nẫm, tam miểu tam bồ đề câu chi nẫm, đát điệt tha. Ám chiết lệ chủ lệ chuẩn đề sa bà ha”.

 

Phật dạy: trì tụng đủ 90 vạn biến có thể diệt được những tội 10 ác, 4 trọng và năm nghịch. Bất luận tịnh hay uế, tăng hay tục, chỉ cần chí thành trì tụng thần chú sẽ được tiêu tai giải nạn, hết bệnh, sống lâu, tụng đủ 49 ngày thì đi, đứng, nằm ngồi đều được Tam-bảo ủng hộ.

 

Muốn cầu thần thông trí tuệ cho đến Vô-thượng Bồ-đề, chỉ cần đúng pháp thiết lập đàn tràng, tụng 100 vạn biến. Những người này sẽ được về Tịnh-độ, hầu hạ chư Phật, nghe pháp, trọn sẽ chứng quả Bồ-đề.

 

Cúi đầu quy y Tô Tất Đế,

Đầu mặt đảnh lễ thất câu chi,

Con nay xưng tán Đại Chuẩn Đề,

Duy nguyện từ bi thuỳ gia hộ.

 

Trên đây là bài kệ của Long Thọ Bồ-tát, mở đầu tụng thần chú Chuẩn Đề.

 

Tô Tấ Đế: Bộ kinh lớn của mật tông. Tàu dịch là Diệu Viên Thành ( khéo thoả mãn tất cả ước nguyện thế gian và xuất thế gian).

 

Khể thủ quy y Tô Tất Đế: Đem lòng chí thành quy y pháp bảo.

 

Thất câu chi: 700 ức.

 

Đầu diện đảnh lễ thất câu chi: Thân chí thành lễ 700 ức đức Phật đã nói bài thần chú này. Tức là đem thân nghiệp chí thành đảnh lễ Phật bảo.

 

Chuẩn đề: Tiếng Phạn gọi là Căng-đi, nghĩa là đúng với chân lý, dùng đại trí để dứt vọng hoặc ( thật trí). Vì vậy mới có đủ các nhân hạnh để thành thục chúng sanh ( quyền trí).

 

Ngã kim xưng tán Đại Chuẩn Đề: Con nay đem khẩu nghiệp chí thành ca ngợi thần chú Chuẩn Đề. Những ai trì tụng thần chú Chuẩn Đề là Tăng Bảo. Có nơi gọi là chuẩn đề Phật mẫu bởi vì 700 ức đức Phật do pháp Chuẩn Đề tam muội đã chứng quả. Chúng sanh nào thọ trì thần chú này sẽ được chứng quả Phật.

 

(Rút trong NHỊ KHOÁ HIỆP GIẢI)

 

7. NGÀY 16-03 PHÓ PHÁP TÔN SƯ

GIỖ SƯ CỤ TUỆ NHUẬN

( Văn Quang Thuỳ)

 

Hồi ấy Thầy chưa xuất gia, không nhớ năm tháng nào, cùng bà Dì đi qua chùa Quán Sứ. Bỗng bà nói:” Ta vào kia xem ông cụ nói gì mà đông người ngồi nghe thế”. Miệng nói chân bước, bà vào chùa. Thầy đi theo. Nghe lạ lạ, hay hay, sẵn có giấy bít, Thầy ghi tất cả, về chép lại thành một bài giảng chương Đại Thế Chí Bồ-tát niệm Phật. Ngày hôm sau, Thầy lại tới, được nghe bài Quán Âm Quảng Trần. Thầy cũng viết thành bài. Các Sư nữ mượn xem rất hoan hỷ. Bởi vì còn ở thế gian, chưa ai học hai chữ vô thường. Nên thầy đâu dám nghỉ học trường đời. Vì là học sinh nội trú nên phải đợi một ngày lễ lớn mới được ra. Tới Quán Sứ hỏi lớp Lăng Nghiêm thì cụ giáo đã về quê, không ai biết ở đâu.

Từ đó gặp ai theo đạo Phật, Thầy cũng hỏi Kinh Lăng Nghiêm nhưng ai cũng lắc đầu. Sau khi gặp cụ Tú vừa có kinh vừa giỏi chữ Nho, đọc âm cho Thầy viết sang tiếng Việt. Tình cờ một bà mời Thầy chơi họ, mỗi tháng đóng 25$. Ngày hai buổi đi làm ở sở. Buổi trưa, cơm xong, Thầy mải miết chép, có khi mệt quá ngủ gục. Ngày qua tháng lại lần hồi cũng xong trọn bộ. Nhờ thư kí trong sở đánh máy. Bà cái họ cũng đem dốc ống cho Thầy một số tiền hồi đó gọi là lớn. Thì vừa hay có người mách cụ giáo từ quê lên Hà Nội. Thầy đem sách và tiền đến dâng cụ, xin cho in và khi nào có kinh chữ Việt, xin mở lớp giảng học. Tiếc rằng khi lớp Lăng Nghiêm khai giảng ở chùa Hoè Nhai Hà Nội thì thầy đã phải đổi đi hải Phòng.

Hồi ấy Thầy thưa: Thời giờ con eo hẹp lắm, xin cụ cho một bài kinh nào ngắn nhất để con thọ trì. Cụ cho bản Bát Đại Nhân Giác. Thầy đọc thấy hay nhưng công hạnh mênh mông làm sao vào nổi? Thầy xin cụ cho học một điều thứ nhất thôi: “ Thế gian vô thường, quốc độ nguy biến, bốn đại khổ không, năm ấm vô ngã. Tâm là nguồn ác. Thân là rừng tội. Như vậy quan sát, thoát dần sanh tử”.

Tuổi trẻ ham làm việc từ thiện xã hội, ngoài giờ ở sở cứ chiếc xe đạp chạy rong trong thành phố, chỉ có hai bữa cơm là Thầy có thời giờ suy ngẫm đệ nhất giác ngộ. Riết thành thói quen. Đến khi xuất gia, luật day hai bữa cơm phải quán 5 pháp. Thầy ngày nào cũng kiếm một giờ khác để suy tư bài này, Thầy cảm thấy rõ ràng 3 ngày không suy tư thì trong tâm hai thứ tham sân bắt đầu ngọ nguậy. Nên không ngày nào Thầy dám thiếu. Về sau vào sâu kinh điển mới biết là hàng ngày mình vẫn quán Tứ Niệm Xứ. Thế là vô tình Sư cụ đã trao cho Thầy một pháp môn quan trọng.

Người ta bảo rằng: Ai theo đạo Phật, tối nào cũng phải tụng kinh. Thầy lên quán sứ thỉnh được một cuốn kinh A Di Đà chữ nho đối chiếu tiếng Việt. Ngày nào cũng đọc một lần suốt từ đầu đến hết. Nhờ cụ Tú giảng. Cụ dạy đúng nghĩa đúng chữ. Nghe xong, Thầy chán quá, thốt ra miệng nhiều lần:” Thế gian này bao nhiêu trẻ mồ côi, bao nhiêu cụ già, bao nhiêu bệnh nhân cần người chăm sóc. Bao nhiêu tù nhân trong các trại giam cần đồng quà tấm bánh, kèm theo đôi lời chân thành khuyến thiện. Ngay đến đạo Phật cũng có bao nhiêu người còn bỡ ngỡ cần sự chỉ dẫn. Tín ngưỡng là món thuốc an thần đệ nhất cho thế gian, đang cần người truyền bá v.v...thế mà kinh lại dạy buông hết bổn phận làm người. Cả ngày chỉ niệm phật. Còn phải nhất tâm không loạn. Mục đích để về Cực Lạc có bờ ao 7 báu, cung điện bằng vàng. Tôi thích ở cõi này, tự thấy mình có ích, còn hơn về cõi ấy để thấy mình vô dụng”. Thế là Thầy ghét cay ghét đắng kinh A Di Đà.

Bỗng cụ được mời về Hải Phòng giảng kinh Kim Cương, hàng ngày Thầy tới nghe. Đến câu:” Quá khứ tâm bất khả đắc”. Thầy bật nói:” À! con hiểu kinh A Di Đà rồi” Ông Cao Bá Sâm liền đứng dậy xin phép cụ hỏi:” Cô học sinh vì sao nghe kinh Kim Cương lại hiểu kinh A Di Đà?”

-Thưa vì cái tâm hàng ngày đã hư vọng, sao không buông nó đi để sống với tâm kim cương chân thật. Nhất tâm bất loạn nghĩa là không còn một niệm lạc về hư vọng nữa. Từ đấy Thầy trở lại tin kinh A Di Đà và được cụ dẫn dắt dần vào tông Tịnh-độ.

Như vậy chỉ có giới luật là Thầy mới học sau khi xuất gia. Còn cả ba môn ngày nay có pháp trao cho các con, đều là từ cụ truyền dạy. Kinh Dược Sư các con hiện đương tụng, kinh A Di Đà Yếu Giải hiện các con đương học, đều do cụ dịch sang Việt văn. Cho nên Chùa chúng ta thờ ngài là Phó Pháp Tôn sư. Và hàng năm vào ngày này chúng ta đảnh lễ nhớ ơn. Tiểu sử và hành ảnh ngài có in ở đầu kinh A Di Đà Yếu giải.

 

8. ĐỨC VĂN THÙ (04-04)

 

Nguyên chữ Ấn Độ là Manjusri.

Phiên âm là Mạn Thù Thất Lợi.

Mạn Thù( Manju): Diệu.

Thất lợi(Sri): Cát tường

Ngài thuộc dòng bà-la-môn, người nước Xá Vệ, theo đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật, xuất gia học đạo. Nên ở Trung Hoa, các nơi tăng đường, trai đường, giới đàn, đều có thờ ngài hình tướng xuất gia. Bởi vì ngài chuyên về đại thừa nên thông thường người ta thờ ngài hình tướng thế tục, để hiển tâm từ bi, hoà quang đồng trần, lấy sự giúp ích chúng sanh, giáo hoá muôn loài làm trọng. Tượng ngài cầm gươm cưỡi sư tử. Gươm nêu biểu trí tuệ phá Phiền não. Sư tử nêu biểu trí tuệ là chúa muôn hạnh.

 

Bồ-tát Văn Thù hầu bên trái đức Thích Ca, chủ về căn bản trí ( tự lợi). Bồ-tát Phổ Hiền hầu bên phải đức Thích Ca, chủ về hậu đắc trí( lợi tha).

 

 

KINH VĂN THÙ SƯ LỢI

 

Như vậy tôi nghe: Một thời Phật ở nước Xá Vệ, rừng Kỳ Đà, vườn Cấp Cô Độc, cùng tám nghìn đại Tỳ-kheo, trưởng lão Xá Lợi Phất, đại mục Kiền Liên.v.v...Làm thượng thủ. 

Bồ-tát Hiền kiếp 1000 vị, đức Di Lặc làm thượng thủ. Lại có mười phương Bồ-tát đến dự, đức Quán Thế Âm làm thượng thủ. 

Cuối đêm, Phật nhập định, hào quang rực rỡ chói khắp rừng Kỳ Đà, xoay quanh vận chuyển, chiếu ngay phòng Văn Thù Sư Lợi Bồ-tát, hoá thành 7 cái đài bằng vàng. Mỗi đài có 500 hoá Phật đi kinh hành. 

Bồ-tát Bạt đà Bà La kính lễ tịnh xá Phật, đến liêu ngài Anan giục báo hiệu cho đại chúng biết. 

-   Kính Thưa Thánh giả, Thế Tôn chưa ban sắc lệnh, tôi làm sao dám đánh kiền chuỳ họp chúng. 

Tôn giả Xá Lợi Phất cũng vừa đến, bảo Anan: “ Pháp đệ! Nên tuỳ nghi nhóm chúng”. Anan liền đánh kiền chuỳ tập chúng. Tiếng vang dội khắp cả nước đều nghe. Trên cõi trời Hữu Đỉnh, Thích Phạm Hộ Thế Tứ Thiên Vương cùng các thiên tử vội hoa hương đến vườn Kỳ Đà. Bấy giờ đức Thế Tôn xuất định, mỉm cười, hào quang 5 sắc từ miệng Phật hiện ra. Rừng Kỳ Đà biến thành ngọc lưu ly. Thánh giả Văn Thù vào trong tịnh xá lễ Phật, dưới mỗi đầu gối bỗng có năm bông sen. Từ trên đầu mười ngón tay chắp lại, hiện ra 10.000 hoa sen vàng. Ngài Văn Thù dùng hoa này tung lên cúng dường đức Phật. Xong ngài nhiễu Phật 3 vòng rồi lui về chỗ ngồi. Bồ-tát   bạt Đà Bà La đảnh lễ thỉnh Phật nói về Thánh giả Văn Thù. Phật dạy: Ngài đã từng gần gũi trăm ngàn chư Phật, nay ở cõi Ta-bà làm Phật sự. Ngài thường biến hiện tự tại khắp mười phương thế giới, về sau lâu xa mới nhập Niết-bàn. 

Phật bảo: Bạt Đà Bà La và đại chúng, thánh giả Văn Thù vô lượng thần thông. Chúng sanh nào được nghe tên ngài, liền dứt trừ 12 ức kiếp sanh tử tội nặng. Ai lễ bái cúng dường, đời đời thường sanh trong nhà Phật. Cho nên chúng sanh phải ân cần nhớ niệm hình tượng Ngài. Nếu quán không được tỏ rõ (bởi vì đời trước đã gây nghiệp chướng nặng nề) thì phải tụng kinh Thủ Lăng Nghiêm xưng niệm danh hiệu Thánh giả từ một đến 7 ngày, cầu nguyện thì sẽ thấy hình tượng ngài trong mộng. Muốn cầu chứng quả, lễ bái Thánh tượng 1 ngày 1 đêm, quán tưởng thấy được hình ngài, sẽ chứng A-la-hán. Ai thâm tín kinh Phương Đẳng, tu pháp thiền định, tâm còn tán loạn, thành kính niệm danh hiệu ngài, thì trong chiêm bao được nghe nghĩa chân thật viên diệu. Tâm người này được kiên cố, bất thoái nơi đạo Vô-thượng. 

Này Bạt Đà Bà La! Ai muốn tu phước nghiệp Bồ-tát, mà thường nghĩ nhớ đến Thánh giả Văn Thù thì ngài hiện thân bần cùng cô độc đến trước hành giả. 

Các bậc trí tuệ phải nhìn xét cho kỹ Văn Thù đủ 32 tướng quí, tám mươi vẻ đẹp. Hằng quán tưởng như vậy. Lại nhờ oai lực chánh định Thủ Lăng Nghiêm, sẽ mau chóng được thấy thánh giả Văn Thù. 

Sau khi Phật diệt độ, ai được nghe danh hiệu Văn Thù, Thấy hình tượng văn Thù thì trăm ngàn kiếp chẳng xa ác đạo. Ai thọ trì danh hiệu Thánh giả, thường sanh về các quốc độ thanh tịnh, gặp Phật nghe pháp, chúng vô sanh nhẫn. 

Này Bạt Đà Bà La! Thánh giả Văn Thù chứng được thân bất hoại. Ông đã nghe những lời ta nói, phải khéo thọ trì, vì chúng sanh rộng bày. 

Bạt Đà Bà La cùng các đại Bồ-tát, tôn giả Xá Lợi Phất cùng Thanh-văn Tăng, Thiên Long Bát Bộ, tất cả đại chúng hoan hỷ phụng hành. 

Phật nói kinh Văn Thù Sư Lợi đã xong. 

Đại Tạng Kinh. Quyển 463.

 

KINH VĂN THÙ SƯ LỢI TUẦN HÀNH

 

(Đời Nguyên Nguỵ, Tam tạng Pháp Sư Bô-đề lưu chi dịch từ chữ Phạn ra chữ Hán. Ni trưởng Huê Lâm việt dịch). 

Như vậy tôi nghe, một thời đức Bạc-già-phạm ở thành Vương Xá, núi Kỳ Xà Quật, cùng 500 đại Tỳ-kheo. 

Mặt trời vừa mọc, đức Văn Thù cùng 500 Tỳ-kheo thứ lớp tuần hành. Trước hết đến trưởng lão Xá Lợi Phất, thấy ngài đang đoan nghiêm an toạ. 

-Thưa ngài Xá Lợi Phất, tâm tịnh tịnh sẵn đủ sao còn nhập thiền để cầu tịnh tịnh? Đại đức Xá Lợi Phất y pháp thiền nào? Y quá khứ, hiện tại hay y vị lai? Y nội thân hay y ngoại cảnh? Y tâm hay y thân mà nhập thiền? 

Ngài đã thông suốt Pháp này chưa? Ngài có hành trì pháp lạc chưa? 

-Nếu chưa nắm được pháp ấy làm sao tôi biết tu? Nếu không có pháp lạc làm sao tôi hành trì? Đây là pháp ly dục, Như Lai vì hàng Thanh-văn giảng dạy. Tôi y lời mà hành thiền. Y theo quá khứ, y theo hiện tại, y theo vị lai cho đến y theo thân tâm mà hành trì. Thiền của tôi tu chánh niệm, gồm cả định và tuệ. 

-Thưa đại đức Xá Lợi Phất! 

a/Nếu y theo các Pháp quá khứ, Như Lai không có. Hiện tại, Như Lai không có. Vị Lai, Như Lai không có. Pháp này như thế là không, đã không có pháp thì không có chỗ y. 

b/Quá khứ Như Lai, hiện tại Như Lai, vị lai Như Lai không có người an trụ cũng không có sứ sở để an trụ. Đã không có chỗ an trụ thì nương nơi đâu có chỗ sở y? 

c/Nếu nói quá khứ, hiện tại, vị lai Như Lai là chỗ y hay chẳng là y, đều là phỉ báng Như Lai. Bởi vì Như Lai vô niệm vô sở niệm. Chân như bất thoái, chân như vô tướng. 

d/Qú khứ chân như bất khả đắc, hiện tại chân như bất khả đắc, vị lai chân như bất khả đắc cho đến tâm chân như cũng bất khả đắc. 

đ,Không có pháp ngoài chân như để có thể nói. 

-Thưa Thánh giả Văn Thù, Như Lai an trụ chân như mà nói pháp. 

-Chân như chẳng phải có, pháp ấy cũng không có. Như Lai cũng không có.” Có thể được chánh pháp hay chẳng thể được chánh pháp”. Cả hai lời nói này chẳng thể được. 

-Thưa Thánh giả, sau này ai thọ lãnh được đúng nghĩa như ngài dạy? 

-Không chấp thủ pháp hữu vi, cũng chẳng trông mong nhập Niết-bàn, sẽ thọ được pháp này. Không được các pháp quá khứ, hiện tại, vị lai. Không biết các pháp ấy, sẽ được pháp này. Chẳng thấy ô nhiễm thanh tịnh, không tâm thủ xả, sẽ lãnh được pháp này. Chẳng ngã hành trì cũng chẳng vô ngã mà hành trì, sẽ lãnh thọ được pháp này. 

-Thưa Thánh giả Văn Thù, pháp này còn chẳng phải cảnh giới của A-la-hán, huống chi phàm phu ngu si làm sao lãnh hội? 

-Bạch đại đức! Không trụ, không xứ, gọi là A-la-hán. Vậy A-la-hán ở cảnh giới nào? Đối với danh sắc không phân biệt gọi là A-la-hán. Phàm ngu bất khả đắc, pháp của phàm ngu cũng bất khả đắc. A-la-hán bất khả đắc, pháp A-la-hán cũng bất khả đắc. Đã bất khả đắc thì chẳng phân biệt. Chẳng phân biệt thì không có chỗ sở hành, không sở hành thì không có hý luận, không có hý luận thì mới thật là tịnh tịnh. Người tịnh tịnh không chấp có, không chấp không, không chấp chẳng phải không. Không chấp thủ là chứng vô sở đắc, nghĩa là xa lìa tất cả sở đắc, vô tâm, ly tâm. Trụ pháp Thanh-văn phải biết rõ như thế. 

Năm trăm Tỳ-kheo vội bỏ pháp hội ra đi, nói rằng:” Chúng ta chẳng muốn thấy mặt Văn Thù, chẳng muốn nghe đến tên Văn Thù. Nơi nào có Văn Thù chúng ta cũng bỏ đi. Vì ông ấy nói những lời khác với phạm hạnh của chúng ta”. 

Trưởng lão Xá Lợi Phất trách Thánh giả Văn Thù đã nói pháp nghĩa quá cao, khiến các Tỳ-kheo phạm tội phỉ báng. 

-Thưa đại đức Xá Lợi Phất! Các Tỳ-kheo đã nói những lời thật hay, thật quý hoá, thật khéo đúng với Phật pháp. Bởi vì Văn-thù bất khả đắc thì làm sao thấy? Làm sao nghe? Nơi nào còn có chấp văn thù thì dĩ nhiên chúng Tỳ-kheo bỏ đi. Nhưng nếu thật không có Văn Thù thì còn cần gì đến những chuyện gần gũi hay bỏ đi? 

Nghe nói như thế 500 Tỳ-kheo quay trở lại. Thánh giả Văn Thù nói tiếp: Thưa các Tỳ-kheo, pháp này chẳng do nhận thức mà biết được, chẳng do trí tuệ suy tư mà biết được mà chẳng phải chỗ sở niệm. Hàng Thanh-văn đệ tử của đức Như Lai nếu học được như thế, đức Thế Tôn sẽ khen là bậc tối thắng phước điền của thế gian, xứng đáng thọ sự cúng dường của trời người. 

Bốn trăm Tỳ-kheo lãnh đại pháp, sạch hết các kết sử hữu lậu, liền được giải thoát. Còn 100 Tỳ-kheo vì ác tâm đoạ địa ngục. 

Trưởng lão Xá Lợi Phất lại trách Thánh giả Văn Thù không chịu hộ niệm chúng sanh. Đức Phật can rằng: “ Này Xá Lợi Phất! Một trăm Tỳ-kheo vì tội phỉ báng, đáng lẽ phải chịu khổ địa ngục trọn một kiếp. Nhưng vì được nghe đại pháp vô lậu thượng diệu của Văn Thù ( dù là nghe qua tai) nên chỉ thọ nghiệp rất ít rồi liền sanh lên cõi trời Đâu Suất, ở chung một chỗ. Một trăm Tỳ-kheo này, Long Hoa đệ nhất hội của đức Di Lặc, sẽ chứng A-la-hán. Như thế Xá Lợi Phất! Nghe được pháp môn tối thắng này, sẽ chẳng còn phải tu tứ thiền, tứ vô lượng tâm v.v...mà vẫn giải thoát hết thảy sanh, già, bệnh, chết, ưu, bi, khổ, não. 

Trưởng lão Xá Lợi Phất tán thán Thánh giả Văn Thù khéo nói pháp lợi ích chúng sanh. 

Thánh giả văn Thù đáp: Thưa đại đức Xá Lợi Phất! Chân như chẳng giảm bớt, chẳng tăng thêm. Pháp giới chẳng giảm bớt, chẳng tăng thêm. Chúng sanh giới chẳng giảm bớt, chẳng tăng thêm. Bởi vì việc này chỉ có lời nói, không có người y cứ, không có chỗ y cứ. Chẳng phải y hay không y. Thưa đại đức Xá Lợi Phất! Chỗ chẳng y như thế tức là Bồ-đề, Bồ-đề tức là giải thoát. Nếu y nơi pháp là còn phân biệt. Biết chẳng phải hữu vi ( có tạo tác) chẳng phải vô vi ( không tạo tác), tức là Niết-bàn. 

Đức Thế Tôn ấn chứng: Đúng vậy! Đúng vậy! Và muốn cho nghĩa này tỏ rõ kệ rằng: 

Nếu phân biệt quá khứ,

Cùng hiện tại vị lai,

Các pháp, tướng, vô tướng,

Hữu vi hay Niết-bàn,

Phân biệt khiến tạo nghiệp,

Chấp thủ tức chói buộc.

 

Nếu dùng trí quan sát

Ấm, nhập, giới giả danh

Vô tướng không sanh diệt,

Được trí tuệ xuất thế.

 

Dùng trí vô phân biệt

Không chấp thủ giải thoát,

Cảnh giới của hạnh này

Nhàn tịnh như hư không.

 

Của báu đầy ba ngàn

Bố thí được hưởng phước.

Nếu người nghe pháp này

Phước hơn người bố thí.

Bố thí, trì giới, nhẫn,

Thần thông đại tự tại,

Ức kiếp thường tu hành

Chẳng bằng nghe kinh này.

 

Nên biết thắng pháp đây

Đức chánh biến tri nói

Những ai vui nghe kinh

Quyết sẽ chứng quả Phật

 

Phật nói kinh xong, 10.000 chúng sanh xa trần lìa cấu, được pháp nhãn tịnh. Các Tỳ-kheo đều phát tâm Vô-thượng chánh đẳng giác. Thế Tôn thọ ký 500 Tỳ-kheo sẽ thành Phật, đồng một hiệu là Pháp Hoa Như Lai, chánh biến tri...Thánh giả Văn Thù, trưởng lão Xá Lợi Phất, thiên long bát bộ...nghe Phật giảng thuyết, đều tín thọ phụng hành.

Đại Tạng Kinh Quyển 14.

Bộ 4. Số 471

 

9. MÙNG 08-04 CHƯƠNG TRÌNH LỄ KHÁNH ĐẢN

 

1.Lễ Tổ- Lễ Phật

2.Đọc bài ý nghĩa đản sanh.

3.Tắm Phật- Nhiễu Phật.

4.Mừng khánh đản.

5.Lễ đức Bổn Sư.

6.Hồi hướng – Tam quy

7.Nếu có thời giờ giảng bài tắm Phật

 

Ý NGHĨA NGÀY ĐẢN SANH

 

Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.

Cũng ngày này, 2538 năm về trước, vào một buổi bình minh, khu vườn Lâm Tỳ-ni ngạt ngào hương hoa, tiếng chim ríu rít tưng bừng, đón chào vị cứu tinh muôn loại xuất thế, đón chào Thái Tử Tất Đạt Đa, con vua Tịnh Phạn và hoàng hậu Ma Gia. Thái Tử hạ sanh dưới cây Vô ưu. Ngài đi 7 bước, mỗi bước hoa nở dưới chân. Tay trái chỉ xuống đất, tay phải chỉ lên trời, miệng nói :” Thiên thượng thiên hạ duy ngã độc tôn”( trên trời dưới đất chỉ có chân tâm bản tánh thường lạc ngã tịnh mới đáng tôn quý).

Đây là toát yếu toàn thể giáo lý Phật đà.

Ngài trưởng thành nơi cung vàng điện ngọc. Nhưng vợ đẹp con khôn, phú quý vinh hoa trở thành nhạt nhẽo, khi ngài thấy rõ ngoài cổng thành 4 cảnh sanh già bệnh chết. Vạn hữu thành hoại phù hư. Ngài dõng mãnh thoát ly triền phược, quyết tìm ánh sáng chân như. Trải 6 năm phấn đấu với muôn ngàn gian khó, nắng mưa sương tuyết cùng cám dỗ của ma vương. Một buổi sáng, sao mai vừa ló dạng, ngài đắc quả chánh đẳng chánh giác.

Đắc quả Vô-thượng chánh đẳng chánh giác. Nghĩa là chứng được pháp thân chân ngã mà ngay lúc vừa giáng sanh, ngài đã tuyên bố là độc tôn.

Con người từ vô thuỷ vẫn sống vô minh, suốt ngày chỉ lo cho ta mà chưa từng để ý xem thật ta là gì? Ta ở đâu? Ta là thân đất nước gió lửa, hay ta là vọng tâm, bóng ảnh của sáu trần triền miên sanh diệt? Chỉ vì quên mất chân tánh độc nhất tôn quý, lầm sống theo vọng thức nên mới lưu chuyển trong 6 đạo luân hồi, chịu đủ khổ sở. Nay Phật từ bi giáng trần cứu khổ, chỉ có một cách mở đường giải thoát cho chúng sanh, là vạch rõ chỗ mê lầm và chỉ rõ chỗ chân thật.

Ngài vạch rõ sáu căn thật huyễn hoá, 6 trần thật ảo ảnh, 6 thức thật mê lầm. Không phải ta, không pahỉ của ta mà là huyễn vọng vô minh.

Ngài chỉ rõ Pháp-thân thường lạc ngã tịnh là tánh Phật, bản lai ta vẫn có mà vẫn thường quên, nay quay trở về liền tới.

Một đời giáo hoá, đức Bổn Sư dù nói ngàn kinh vạn quyển, dù đặt ra tám vạn bốn ngàn pháp môn, chung quy cũng không ngoài mục đích trên.

“ Thiên thượng thiên hạ, duy ngã độc tôn” đây là bài tựa mở đầu tam tạng kinh điển.

Tới khi sắp nhập Niết-bàn, trong thời Pháp Hoa, ngài tỏ lộ bản hoài:” Mười phương tam thế chư Phật chỉ ra đời với một mụch đích vì chúng sanh khai thị Phật tri kiến”. Phật tri kiến tức là thấy biết “ chân tánh độc tôn”. Đây là văn kết của một đời đức Bổn Sư thị hiển giáo hoá. Cho nên biết câu nói lịch sử này, chính là cửa giải thoát vô thượng. Tất cả những ai đã tự xưng là Phật tử, không thể không suy ngẫm kỹ càng và đỉnh đới thọ trì.

Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.

 

TẮM PHẬT

 

Con nay dội tắm thân Như Lai,

Tịnh khí trang nghiêm công đức tụ.

Ngũ trược chúng sanh lìa trần cấu,

Đồng chứng Như Lai tịnh Pháp Thân.

Thành Tỳ Gia thật chưa từng sanh.

Rừng Ta La thật chưa từng diệt.

Không sanh, không diệt, đức Cù Đàm!

Con mắt xem nhìn càng thêm vọng.

Sáng nay chính là ngày sinh nhật,

Tịnh Phạn Vương cung sanh Tất Đạt.

Chín rồng khắp tưới, mưa nước tắm.

Bảy bông nâng gót, đỡ chân đi.

 

Ám mâu ni. mâu ni, tam mâu ni, sa bà ha.( 3 lần)

 

MỪNG KHÁNH ĐẢN

 

Ngày 08-04, xưa cũng như nay, là mùa hoa nở. 2500 năm về trước, ngày 08-04 trong vườn Lâm Tỳ Ni, hoa Ưu đàm bừng nở, hương thơm toả khắp. Hoàng Hậu Ma Gia ra vườn xem hoa đã đản sanh ra Thái tử, một bông hoa Ưu đàm trong loài người.

 

Thái tử vừa sanh, liền đi 7 bước, một tay chỉ trời, một tay chỉ xuống đất, cất tiếng viên âm vang khắp mười phương:” Thiên thượng thiên hạ duy ngã độc tôn” nghĩa là trên trời dưới đất chỉ có một sự nghiệp cao quý là sống đúng thật với chân tâm bản tánh của mình. Cho nên” khai nhân tánh”, mở bày tánh chất thật của con người, là mục đích của việc Như Lai ứng thế. Vấn đề này đề cập ở khắp các kinh luận đại thừa. Chúng ta hãy nghe Tổ Thanh Lương giảng đề kinh Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm.

 

ĐẠI là lớn. Tâm chúng ta là bản thể hết thảy vạn vật. Vũ trụ núi sông muôn loài đều là những pháp hiện trong tâm ta.

 

PHƯƠNG là vuông. Ta nói “ mẹ tròn con vuông” là cả hai đều đầy đủ sức khoẻ, vạn sự như ý. Tâm chúng ta”phương” vì đủ hình tướng vạn pháp, 4 pháp giới Thánh và 6 pháp giới Phàm.

 

QUẢNG là công dụng vô cùng rộng rãi. Bồ-tát cứu khổ địa ngục, ngã quỷ. Phàm phu bổ củi, gánh nước, đều là thần thông của tâm.

 

PHẬT là giác, đặc tánh linh diệu.

 

Chữ HOA có nhiều nghĩa:

 

1.Vì Đại Phương Quảng nên mới phát ra được những công hạnh rực rỡ tốt tươi như hoa, từ bi hỷ xả, ái ngữ lợi hành, tuỳ thuộc các căn cơ.

 

2.Như hoa báo điềm kết quả, hạnh tu là duyên nhân để mai sau thành Phật

 

3.Giác tâm khai hoa, thì hương thơm khắp gần xa, huân thấm lòng người.

 

4.Hoa quang tịnh dụ cho căn bản trí minh hiển.

 

5.Biết bao khôn khéo của thiên nhiên mới có một bông hồng. Bao nhiêu phước đức nhân duyên, chúng ta mới có được một tâm sở tốt.

 

6.Nước đang nhè nhẹ chảy trong gân mạch của hoa, vốn đồng một thể với thuỷ đại ở khắp pháp giới. Những công hạnh vi diệu của con người, chính từ Phật trí hiện đang có ở thân tâm khắp vạn loài.

 

NGHIÊM: Trong danh đề Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm Kinh thì Đại Phương Quảng Phật là tâm, là cảnh được nghiêm sức. Còn Hoa là những công hạnh đẹp đã trang nghiêm tâm mình. Đức Thích Ca thành công cùng cực trong sự nghiệp Hoa Nghiêm này.

 

Dĩ nhiên là nếu không có bản chất vàng ngọc, thì mài rũa bao nhiêu cũng chẳng thành quý giá. Bởi vì bản chất của tâm là Đại Phương Quảng Phật nên mới có hoa để tự trang nghiêm. Đại Phương Quảng Phật là chánh nhân. Hoa là duyên nhân, để thành Vô-thượng Bồ-đề là liễu nhân, vạn đức oai hùng lợi ích tận vị lai.

 

Ngày 08-04, lễ phẩm quý giá nhất là giác chiếu. Giác tỉnh bừng ngộ trong đêm dày mê nặng, chiếu soi tan khoả những u tượng vọng tình. Tổ Thanh Lương nhắc nhở rằng:” Tăng Ni đem tâm ra ngoài lo học lo nghe. Thiền sinh chuyên trọng nội tâm, một bề chiếu soi nội cảnh đều là thiên chấp. Muốn đạt chân tánh cần học đức viên dung”.

 

Muốn noi theo, trước hết lễ kính. Mười hạnh Phổ Hiền, lễ kính đứng đầu. Xưa vua A Dục hằng ngày lễ Phật. Một đại thần can rằng như thế rất trái với ngôi vị một đấng quân vương. Một hôm vua sai các quan mỗi người đem bán một cái đầu thú vật. Riêng ông đại thần, vua giao cho đầu một tử tù. Tất cả đầu thú vật đều bán được ngay, chỉ có cái đầu người cho không cũng không ai chịu lấy. Vua quở trách, ông quan tâu rằng:” Lúc sống thì đầu người quý hơn đầu súc vật một trời một vực. Nhưng đã chết, thì đầu súc vật còn dùng được chứ đầu người chỉ để thối nát, bẩn mắt thiên hạ, hôi sình lừng đất lừng trời, ai dại gì mà thọ nhận”. Vua hỏi:” Thế đầu ta là đầu đấng quân vương thì mai sau cũng thế ư?” Vua bắt buộc ông đại thần phải nói thật. Thấy ông khổ sở không dám nói. Vua bật cười, kết luận rằng:” Ngươi đã biết đầu người là đáng chán như vậy. Sao ngươi còn can ta, khi ta đổi cái vật vô giá trị này đổi lấy vô biên công đức”.

 

( Thỉnh đại chúng đứng tán)

 

Đệ tử hôm nay

Gặp ngày khánh đản.

Một dạ vui mừng

Cúi đầu đảnh lễ.

Thập phương tam thế

Điều ngự Như Lai,

Bồ-tát Thánh Hiền,

Liệt vị Tổ Sư.

Pháp giới chúng sanh

Bởi thiếu nhân lành,

Nên còn sa đoạ

Tham sân chấp ngã,

Quên hẳn đường về.

Tình ái si mê,

Tù trong lục đạo

Trăm dây phiền não,

Nghiệp báo không cùng.

Nặng kiếp luân hồi,

Đêm dày tăm tối.

 

Phật Tổ năng nhân

Rủ lòng lân mẫn

Thương xót sinh linh,

Đuốc tuệ rạng soi

Nguyện cứu muôn loài,

Dùng pháp phương tiện.

Ta bà thị hiện,

Thích chủng thọ sanh.

 

Thánh Ma Gia mộng ứng điềm lành,

Vua Tịnh Phạn phước sanh con thảo,

Thái tử đủ 32 tướng hảo,

Bảy hoa sen đỡ gót chân đi.

Cất viên âm, tay chỉ đất trời.

“Duy ngã độc tôn” lời lịch sử,

Năm thái tử vừa 19 tuổi.

Xin vua cha dạo bốn cửa thành,

Chứng kiến cảnh sanh già bệnh chết.

Nên phát tâm lập chí xuất trần.

Sáu năm khổ hạnh ẩn rừng già.

Bốn mươi chín ngày tinh nghiêm thiền toạ,

Hàng phục ma quân, thành đạo quả.

Quang minh soi chiếu khắp Ta Bà.

 

CHÍ TÂM ĐẢNH LỄ

 

1) A-Tỳ ngục tốt, phát khởi thiện tâm.

Chúng hoà: Bổn sư Thích Ca Mâu Ni Phật

( Về sau mỗi số là một lễ như đây)

 

2) A-tăng-kỳ kiếp, quả mãn nhân tròn.

 

3) Nhất sanh bổ xứ, trên trời Đâu Suất.

 

4) Ta Bà hoá độ, ứng hiện sanh thân.

 

5) Đâu Suất giáng thần, ứng mộng Ma Gia.

 

6) Hoàng cung thác chất, thị hiện đầu thai.

 

7) Dưới cây Vô Ưu, khánh đản giáng sanh.

 

8) Giả hưởng năm dục, chán cảnh vô thường.

 

9) Dạo chơi bốn cửa, rõ già bệnh chết.

 

10) Nửa đêm vượt thành, tìm đường xuất thế.

 

11) Non xanh cắt tóc, tìm Thầy hỏi đạo.

 

12) Núi tuyết tu hành, sáu năm khổ hạnh.

 

13) Dưới cây Bồ-đề, hàng phục ma quân.

 

14) Sao Mai vừa mọc, đạo quả viên thành.

 

15) 49 năm tròn, thuyết pháp độ sanh.

 

16) Tam thừa đã đủ, hoá độ vừa xong.

 

17) Ta La song thọ, thị hiện Niết-bàn.

 

18) Lưu bố xá lợi, phước ích trời người.

 

19) Ta Bà giáo chủ, đại từ bi phụ.

 

20) Đương hội đạo tràng thiên bách ức hoá thân.

 

10. TRỊ TÂM

 

I

 

Tỳ-kheo-ni Đan Ti Ka nhân lúc đi núi chứng A-la-hán, ngâm kệ: 

Trên non voi tắm vừa xong,

Bỗng nhiên quản tượng ở đâu tới gần.

Tay quơ chĩa, miệng la rân,

Thét voi bắt phải quỳ chân co giò.

Voi nghe vội vã mọp bò,

Thuận tòng sai khiến, voi ngoan ngoãn về.

Voi kia vốn chúa rừng xanh

Chủ khôn khéo dạy, hoá ra hiền lành

À ra la thét dỗ dành,

Vật dù cứng mấy, do đây cũng mềm.

 

Tâm ra từ kiếp tăng-kỳ

Trần lao đắm trói, dễ gì luyện tu.

Song nhờ chí tuệ quản chu,

Dứt tình ham muốn ngăn ngừa sân si.

Từ đây an tịnh Niết-bàn.

An nhàn suối hát vui ngàn thông reo.

 

II

 

Ngài Budha Ghosa, một đại Tổ sư, đã làm sáng rỡ Phật giáo Tích Lan, khi bàn về tâm giận hờn, ngài luận rằng:

Anh ơi! Anh đã xuất gia lánh tục mà còn giận hờn. Đó là anh còn ôm việc thế tục trong lòng. Xin anh cho biết cái giận đứng chỗ nào mà gọi anh là giận? Tim giận? Phổi giận? Ruột giận hay gan giận? Thật anh là thứ nào để giận hờn người kia?

Còn kẻ kia là thứ nào đang lãnh anh giận hờn?

-   Tóc lông móng răng da? Anh giận xương chăng? Anh giận chất đất hay chất nước? Hay anh giận hơi thở? Trong năm ấm anh giận sắc hay thọ? Tưởng, hành, thức anh phiền thứ nào?

Anh giận cả sáu giác quan hay chỉ giận riêng con mắt, cái tai? Nhỡn thức của người kia đã làm anh giận đến thế ư? Anh ơi! Anh thấy cái giận của anh đứng chỗ nào? Một tu sĩ phân tích toàn thân để tìm chỗ chứa sự giận hờn, sẽ thấy không thể thấy mũi kim mà ghim hạt cải. Sân giận là một thứ chưa hề có chỗ đứng ở trên trái đất này.

 

11. ĐẠO TỪ

 Của Sư Bà Thiên Phước, tỉnh Long An

 

Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!

Kính thưa Ni sư viện chủ, quí sư cô và đại chúng! 

Hôm nay là ngày tạm kết thúc khoá tu A Na Luật. viên mãn y công đức. Lời nói đầu tiên của chúng tôi là lời chân thành cảm niệm công đức Ni sư, đã tận tâm dạy bảo nâng đỡ ni chúng. Cùng chúng tôi chung sức trong những cố gắng giáo dục đào luyện đàn hậu tấn. 

Việc ni sư tổ chức khoá tu học này thật phù hợp với ý nguyện của tôi. từ lâu tôi chỉ mong cho con em có căn bản, có thứ lớp, có đường lối vững vàng. Đối với sự xây dựng tương lai cho Ni chúng cũng như đạo pháp, chúng tôi xin ghi nhận và tán thán công đức của Ni sư. Trong các giờ giảng dạy kinh và luật, Ni sư không quản lao nhọc, bố thí sức khoẻ và thời giờ cho ni chúng. Mỗi ngày ba thời. Khi bệnh cũng như khi mạnh, lúc nào cũng tận tâm, ân cần nhắc đi nhắc lại những lời dạy khế cơ khế lý. Giác tỉnh con em nhận rõ vạn pháp duyên sanh tức vô thường và tiến lên bước nữa là toàn giả tức chân, ngộ lý chân thường. Nhận thức sáng suốt 6 căn, sáu trần và sáu thức đều không thật, để hàng ngày lúc nào cũng y ly. Hướng về nội tâm phản tỉnh, mới có thể đảm bảo sự giải thoát sau này. 

Việc tu hành khó hay dễ đều do tâm mình có dõng mãnh quả quyết hay không. Người thế gian như ông Phạm Quỳnh đã nói:” Đường đi khó không khó vì ngăn sông cách núi, mà khó vì lòng ngại núi e sông”. Việc thé gian còn thế, huống chi việc xuất thế gian vô cùng quan trọng. Tín tâm là chìa khoá mở tan cửa đạo nhiệm mầu. Hy vọng đại chúng từ nay phấn phát tâm thành, cần cầu giác ngộ, nghĩ đáp bốn ân để khỏi phụ công lao chỉ giáo của Ni sư. Tưởng niệm nỗi đau khổ của sáu đường mà dốc chí tu hành không biếng trễ. 

Thưa Ni sư! Đem đôi mắt thực tế nhìn xem tình trạng chung quanh chúng ta, tôi tưởng chừng khó khăn lắm mới thực hiện được ý nguyện toàn vẹn. Vậy mà chúng ta tuy chịu ít nhiều thử thách chướng ngại nhưng nhờ Hồng ân Tam-bảo thầm gia hộ nên đã vượt qua. 

Cổ đức nói rằng: 

“ Trần lao muốn gánh việc phi thường

Nắm chặt đầu giây giữ lập trường,

Ví chẳng một phen sương thấm lạnh

Hoa mai đâu dẽ ngửi mùi hương” 

Tu đạo đòi hỏi nhiều nghị lực và nhẫn nại mới thành tựu mỹ mãn.

Ngày 29-01 Canh Thân (1980)

 

12. THƯ GỬI LIÊN HOA

I

Xã hội nào cũng có các nhân viên trính trị soi xét toàn dân, bắt buộc từng cá nhân vào quy luật. Quốc gia do đây bình an thịnh vượng. Một bà mẹ có nhiều con. Nếu quá cưng chiều, muốn chi được nấy, tha hồ phóng túng buông lung, những đứa con trở thành vô dụng. Bà mẹ về già sẽ khốn khổ vì con. Ngược lại nếu mẹ cứng rắn nghiêm minh. con sẽ lên người. Kết quả mẹ con hạnh phúc.

Mỗi người chúng ta đều có nhiều tâm sở mừng giận, thương lo, yêu ghét, buồn tủi v.v...Nếu để những tâm này tha hồ rông rỡ thì tâm sở thiện ít khi đủ duyên hiện hành, còn các thứ cuống siểm hại kiêu v.v...sẽ mọc um tùm như cỏ dại. Từ vô thuỷ chúng ta đã có biết bao phiền não chướng, nghiệp chướng, báo chướng. Nếu không có trí tuệ nghiêm minh hằng tự soi chiếu, bắt tâm viên ý mã này vào khuôn khổ thì như người ta vẫn nói:” Ngọc kia không giũa không mài, cũng thành vô dụng cũng hoài ngọc đi”.

Tâm nếu được trí rèn luyện thì ngôi Phật, ngôi Tổ còn nắm chắc trong tay, huống chi các quả vị khác.

Điểm chánh yếu là tự hiểu biết mình, luôn luôn tự quán chiếu, luôn luôn thức tỉnh, nhìn thẳng vào thân tâm mình, theo dõi sinh hoạt của nó.

Tu theo đạo Phật, không phải để thành tựu một điều gì mà là để xả bỏ đi tất cả. Bởi vì chân tâm bản tánh chúng ta bản lai đầy đủ hằng sa tánh đức.

Nguyện cầu chị em thân miệng ý hằng thanh tịnh.

Nam mô A Di Đà Phật.

 

II

Con tằm nhả tơ kéo kén cố gắng vất vả một thời. Những mong mai đây kén êm dày kín. Nằm ở trong thật an ổn chắc chắn, chẳng còn lo cái kiến con sâu nào quấy rầy. mặc ai mưa gió bão bùng sương sa gió lạnh, kén ta vẫn bền vẫn ấm.

Dè đâu chính sợi tơ óng ả bền chắc ấy, đã xui con người bỏ tằm vào vạc dầu sôi. Cứ như thế từ ngàn xưa là kiếp sống của Tằm. Hiện tại vẫn thế, loài tằm không thay đổi tri kiến, không thay đổi lối sống.

Loài người cũng vậy, cháu đưa đám ông, con đưa đám cha. Cứ như thế nối dòng đào hố vô thường. Kiếp kiếp đời đời không thay đổi tri kiến, không thay đổi lối sống.

Sách kể chuyện: Con chồn đi ăn vụng, quá no căng bụng, lăn kềnh ra ngủ. Sáng sớm chị bếp la lớn:” Ồ! con chồn chết, ta chặt lấy cái đuôi phơi làm chổi”. Chồn đành giả chết, chịu chặt đuôi. Ai dè bà chủ lên tiếng:” Áo lông cừu đã rách, lột da chồn thuộc đi, vá cũng đẹp”. Chồn liều mạng vùng dậy, chạy biến vào rừng.

Người anh dũng nên như chồn, vùng một cái, chạy thẳng về Cực lạc mới hi vọng an thân vĩnh viễn.

 

---o0o---

 

Mục Lục  > I > II > III > IV > V > VI > VII

---o0o---

Vi tính: Quảng Tuệ Hương & Quảng Trí Lực

 Trình bày: Anna

Cập nhật: 10-2007

 

Nguồn: www.quangduc.com

Về danh mục

首座 vì sao vua lương võ đế cả đời xây 崔红元 quen 三年级上册数学应用题 档案管理工作总结 từ thể loại văn bản kinh phật ở ấn anh 放下凡夫心 故事 thiện 少先队大队部工作计划 Ngày ăn chay được ưu đãi 50 giá เทศนาหลวงพอธราชม lan mỗi 五痛五燒意思 七五三 小山 thien Hoạ tập 回向文 tinh cach tuc thoi lan dau cong bo anh ve cuoc dau tranh chong dan ap 高級 霊園 仏壇の線香の位置 元代 僧人 功德碑 º æ 仏壇 浄土真宗 大谷派 丢失菩提心的因缘 ò văn Tạp bút Tham thực sà c ß 清华间谍 å æžœ Mùa Vu lan 律的大篆 大悲咒的威力有多强 禅と世界文化のオンライン講座 tong nguồn gốc của khổ đau cổ Gánh çƒ¹ä½ ç テス យក សច ត តអប រ យ Ð Ð Ð ï½ ç