Nhân qủa hiện bày trong cuộc sống
Lòng thành mờ mịt lối đi về
Thoáng mất niềm tin miên mang mộng
Mơ màng trục lợi kiếp đam mê
Ánh nắng buôỉ trưa còn đang như thiêu đốt thì
những cơn mưa vội vã lùa về làm dịu bớt những nóng bức ngột ngạt của khí
trời vào Hạ. Thế là mùa Phật Đản thoáng hiện sân chùa, như thúc giục ai đó
chuẩn bị đón chào sự ra đời của một bậc vĩ nhân. Lễ Phật Đản là truyền thống
mang nét đẹp văn hóa đi vào cuộc đời, đến với Phật Đản chúng ta có thể lần
tìm về cội nguồn của Phật Giáo đầy đủ những chứng tích hùng hồn và vẻ vang.
Bao thế kỷ trôi qua, bánh xe lịch sử của Phật giáo đã và đang lăn qua từng
thời đại, lăn theo dòng tiến hóa của con người và lăn mãi đến hôm nay. Những
nơi nào có tổ chức lễ Phật Đản tức là những nơi đó đang thấm nhuần giáo pháp
của Đức Phật, hương vị giải thoát hầu như lan tỏavào cuộc sống. Những người
nào khi đã bước chân vào chùa trong mùa Phật Đản sẽ cảm thấy hòa nhịp sống
vào dư âm của thanh thoát, từng bàn tay búp măng thon dài chắp lại như hoa
sen vươn lên giữa bùn dơ nước đọng, ngát hương của lời kinh như nhắc nhở
chuyển hóa những tâm hồn còn đang vẫn đục chuyện thế nhân. Lắng nghe lời cầu
nguyện của các em nhỏ, lời thì thầm vái van của các cụ, chúng ta sẽ không
thể phủ nhận tính thiêng liêng của ngày lễ Phật Đản, nó đã trở thành chất
liệu sống mang theo bản sắc dân tộc, mang theo cả một hoài bão được thể hiện
trong lời cầu nguyện trầm hùng. Thế thì lời cầu nguyện đối với Phật giáo là
chánh tín hay mê tín?
Thật vậy khi chúng ta đang đuổi theo một mục
đích nào đó nhưng lại không tự tin vào khả năng của mình, thiếu vắng niềm
tin, chúng ta sẽ yếu đuối trước hoàn cảnh, bất lực trong mọi việc làm. Khi
đang bị bế tắc từ những công việc khó khăn, chúng ta lại không thể làm ốc
đảo cho chính mình, bị hụt hẫng, vô vọng. Thay vào đó là sự than van khiếp
nhược, lời than van đang muốn tìm cầu chỗ dựa bên ngoài, mong rằng sẽ giải
quyết vấn đề một cách dễ dàng hơn, chính vì thế họ hướng đến Phật trời,
tưởng tượng như thần linh, cầu nguyện để giúp cho họ có một sức mạnh, một sự
sáng suốt vượt qua mọi chướng ngại khó khăn. Khi con người đã đạt đến niềm
tin tuyệt đối đôi khi cũng tạo nên một sức mạnh cho tâm hồn. Nhưng khi chúng
ta dựa vào một thần quyền nào đó tức là chúng ta không thể vươn lên bằng
chính khả năng phấn đấu của bản thân, mất đi ý chí, từ đó mọi sự thành công
hay thất bại cũng nhờ vào sự trợ giúp của bàn tay vô hình nào đó. Như một
anh chàng sinh viên chuẩn bị thi vào đại học, nhưng vì không tin vào khả
năng học vấn của mình, cho nên mỗi ngày đi chùa cầu nguyện Phật trời gia hộ
giúp cậu ta vượt qua kỳ thi này. Nếu cậu ta chỉ cầu nguyện suông, không nỗ
lực ôn thi và chuẩn bị tốt những điều cần thiết thử hỏi cậu ta có đậu được
hay không ?
Trong một phương diện khác, do lòng
tham lam cá nhân muốn thu lợi thật nhiều, chúng ta lại hướng đến đức Phật và
cầu nguyện xin các Ngài chiếu cố đến lòng ích kỷ của mình. Đồng tiền sẽ trở
thành vật sở hữu không thể thiếu, đồng tiền sẽ trở thành những ông chủ mà
chính chúng ta là những kẻ tôi đòi. Kẻ đầy tớ mù quáng làm theo mệnh lệnh
của ông chủ, bất chấp mọi thủ đoạn tàn ác, bất kể những hành vi lừa đảo để
kiếm được tiền, vì có tiền là có tất cả. Có ngưòi lại mê mờ đến nỗi hứa hẹn
đủ thứ với đức Phật, nếu cho con trúng một tờ vé số, con sẽ dùng một nữa số
tiền kia vào việc bố thí cúng dường và cất chùa. Hoặc đi buôn lậu hàng quốc
cấm thì cầu nguyện Phật, Bồ tát gia hộ vượt qua trạm hải quan, con sẽ cúng
dường tam bảo. Tệ hại hơn nữa, có người dùng những mánh khóe tinh vi chiếm
đoạt tài sản của người khác, làm cho họ uất ức sống cũng không được mà chết
cũng không xong. Hoặc là đục khoét của công làm cho quốc khố bị hao hụt,
nhân dân đồ thán. Thế rồi họ lại đem những vật phi nghĩa đó cúng dường Phật,
Bồ Tát, nhờ oai lực của qúy Ngài xóa nợ tiêu nghiệp chướng.
Những lời cầu nguyện vớ vẩn như
thế, đã chứng minh rằng chúng ta không hiểu gì về nhân qủa của đạo Phật. Mọi
lời nói hành động đều quy trách nhiệm cho chính mình, không thể đem vật chất
tạm bợ ở thế giaan này để chạy tội hay là trốn tránh những qủa báo do mình
gây ra. Đức Phật không phải là một thần linh hay là một thượng đế, cho nên
không thể nào thuận theo những việc làm xằng bậy, càng không thể nào chấp
nhận những lời hứa vu vơ, tuyệt đối không màng đến những vật phẩm chiếm đoạt
của người khác.
Chính vì thế, chúng ta cầu nguyện
với lòng tham lam ích kỷ, thiếu vắng tự tin, mưu đồ trốn tránh nhân qủa mà
chúng ta lại muốn được thỏa mãn, muốn được linh ứng, muốn được như ý sở cầu
thì những lời cầu nguyện như thế đều là mê tín. Đối với xã hội hiện nay cũng
không thể chấp nhận những điều như thế vì thiếu sự công bằng, đánh mất công
lý. Huống chi đạo Phật đề xướng nhân qủa nghiệp báo, không thể trái ngược
với tông chỉ ban đầu. Nếu chúng ta đến với đạo Phật mà không hiểu giáo pháp
của Phật thì vô tình chúng ta làm vẩn đục đạo Phật theo ý đồ tư lợi của mình,
từ đó dẫn đến sự ngộ nhận về đaọ Phật bày trò mê tín, lừa dối tín đồ, vụ lơị
cá nhân. Ai sẽ gánh lấy trách nhiệm khi đạo Phật không còn thuần túy trong
hương vị giải thoát, không còn ngời sáng bằng tấm lòng vị tha, không còn lan
tỏa bằng sức sống vượt lên trên của thói thường nhân ngã? Vậy thì chúng ta
phải cầu nguyện như thế nào?
Chúng ta không nên tham danh trục
lợi để cầu nguyện với mục đích vì cá nhân, chư Phật Bồ Tát không thể đáp ứng
theo nhu cầu lợi ích thường tình. Một nén nhang, một vài qủa trái cây để bày
tỏ một chút tâm thành của mình đối với các ngài thế là đã qúa đủ, cho nên
cầu nguyện như thế nào mà thuận theo nhân qủa, ý thức rõ từng suy nghĩ và có
trách nhiệm trong lời nói và hành động thì đó là cầu nguyện chánh tín chứ
đừng có bao giờ vì những thứ lặt vặt này mà chúng ta laị cầu nguyện muốn ôm
đồm nhiều thứ khác. Chúng ta không nên sợ hãi những hậu qủa mà trước kia
mình đã vô tình hay cố ý tạo nghiệp. Sợ hãi khiến chúng ta tránh né, không
dám đối diện với qủa báo, nếu như thế chúng ta gián tiếp phủ nhận tinh thần
nhân qủa của đạo Phật.
Hơn nữa, cầu nguyện là một lời
chúc lành đôí với ngươì khác, cũng là tấm lòng của mình hướng đến những bậc
trưởng bối. Những lời cầu nguyện không giống như sự ước muốn của thế nhân.
Vì ước muốn mà không đươcï toại ý thì sẽ đau khổ, nỗi đau khổ này là do
chính mình tự dày vò, đay nghiến. Cho nên vì người khác mà cầu nguyện cũng
là đức tính vị tha, nhưng cũng phải tùy theo nghiệp phước của người đó nữa.
Nếu trong qúa khứ họ đã vay tạo qúa nhiều nghiệp ác thì những lời chúc lành
của chúng ta làm sao xóa sạch những tội chướng của họ. Vì vậy chúng ta nhất
tâm cầu nguyện là để chuyển hóa tâm ý của họ hướng đến những điều thánh
thiện, còn như cầu nguyện mà họ luôn được phước báo, tiêu trừ nghiệp chướng,
thì điều này trái lại nhân qủa, không phù hợp với đạo Phật. Có khi chúng ta
cầu nguyện rồi sau này họ cũng được một chút phước báo, nhưng những phước
báo này là do đời trước họ gieo trồng nhân lành, chứ không phải vì lời cầu
nguyện của chúng ta mà họ được giàu sang. Nếu những lời cầu nguyện có thể
khiến cho người giàu sang, thì tại sao có những người chúng ta cũng cầu
nguyện như thế mà họ vẫn cứ nghèo khổ cơm không no, áo không ấm. Nếu cầu
nguyện mà có thể được như lòng mong muốn thì tinh thần nhân qủa không thể
tồn tại suốt mấy ngàn năm qua, con người cũng không cần tạo phúc cho đời sau,
cứ mặc tình làm ác, rồi nhờ người khác cầu nguyện có thể tiêu trừ nghiệp
chướng, phú qúy giàu sang.Mặt khác có người cầu nguyện cho cá nhân mình lại
không phải là mê tín. Đó là những người hướng đến chư Phật, Bồ Tát cầu
nguyện sự giải thoát. Cầu nguyện giải thoát là một khao khát thể hội chân lý.
Không phải là lòng tham cầu vật chất, chiếm hữu riêng tư. Muốn thể hội chân
lý đi trên con đường giải thoát là phải xả bỏ tất cả, còn một chút tham đắm
vào vật dục, tức là còn sự phiền trược vương mang, làm sao có thể quẳng gánh
lo âu, thong dong tự tại. Nếu ngoài miệng chỉ là những lời cầu nguyện suông,
trong lòng lại tìm nguồn lợi dưỡng, hưởng thụ cho thỏa mãn nhu cầu về thân
xác, thì cũng là mê tín. Bởi vì chúng ta tự tạo ra mâu thuẫn giữa ngôn ngữ
và hành động, thế thì tâm ý làm sao hợp nhất, làm sao có thể hòa nhập vào
đức tính của chư phật, cho dù chúng ta có cầu nguyện suốt ngày, đảnh lễ cả
một buổi, cũng không thể nào “Năng lễ sở lễ tánh không tịch”.
Còn có một cách cầu nguyện nữa mà
vẫn sáng ngời chánh tín, lời cầu nguyện này như là hành trang đi theo chúng
ta trên suốt lộ trình giải thoát, như nhắc nhở chúng ta cùng tất cả mọi loài
mau quay về ánh đạo trí tuệ từ bi, đồng thời cũng là lời cầu nguyện luôn
sách tấn và tháo gỡ những trói buộc về ngã nhân, đó là lời cầu nguyện hồi
hướng sau cùng trong mỗi thời tụng kinh.
Nguyện đem công đức này
Hồi hướng cho tất cả
Chúng con và chúng sanh
Đều chứng thành phật qủa
Tóm lại, cầu nguyện là đức tính
cao thượng, là mặt hồ thu in bóng lưng trời, là con đường hoàn thành Bồ Tát
đạo dẫn đến phật qủa. Nếu không có cầu nguyện thì chúng ta sẽ không biết “bỉ
ngạn” ở nơi đâu để tìm về. Với công đức tu hành, có bao nhiêu lời cầu nguyện
là có bấy nhiêu chướng ngại vật cần vượt qua. Nhưng bên cạnh đó đã có biết
bao người lạm dụng cầu nguyện để thoả mãn lòng tham lam cho nên biến thành
mê tín. Một khi đã mê mờ nhân qủa sẽ dẫn dắt chúng ta cầu nguyện một cách mù
quáng, không còn tin vào khả năng của mình, né tránh sự thật, sợ hãi qủa báo,
quay lưng với trách nhiệm về lời nói và hành động của bản thân. Nhận thức rõ
cầu nguyện hợp với chánh pháp, chúng ta sẽ không còn lầm lũi đi vào lối mòn
đoạn diệt không nhân qủa. Phán xét đúng đắn cầu nguyện , chúng ta sẽ vạch rõ
tường tận đâu là chánh tín và thế nào là cội nguồn của mê tín. Một bước chân
đi qua bằng sức mạnh kiên định, sẽ là một bước thành công trên con thuyền
bát nhã xuống dòng đổ ra biển giác.