.
KHÁI NIỆM CƠ BẢN VỀ NIỀM TIN PHẬT GIÁO
Biên Soạn:
Pháp Sư Quảng Tịnh
Việt dịch: Thích Ðạo Cơ
--- o0o ---
Chương II
GIÁO
CHỦ PHẬT GIÁO
LỊCH SỬ
ÐỨC PHẬT THÍCH CA MÂU NI
(Từ đản sanh đến thành đạo)
Dẫn Nhập
Tín ngưỡng tôn giáo, không chỉ phải hiểu rõ
giáo lý mà còn phải nhận thức về giáo chủ, tìm hiểu nhân cách của Ngài có
vĩ đại hay không? Tôn chỉ truyền dạy có chính xác không? Như vậy mới là
tín ngưỡng chân chánh, còn không thì mê tín.
Trong bài này sẽ kể về cuộc đời giáo chủ của
Phật giáo là đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Vì sao Ngài đi xuất gia? Khi xuất
gia Ngài làm gì?
Chánh Ðề
I. Cha mẹ
và thời thơ ấu của đức Phật Thích Ca Mâu Ni
1. Vua Tịnh-phạn và phu nhân Ma-da
Ðức Phật Thích Ca Mâu Ni đản sanh cách đây
trên hai ngàn sáu trăm năm. Ðương thời, Ấn Ðộ phân làm nhiều quốc gia. Phụ
thân của Ngài là vua Tịnh-phạn (Shuddhdara) trị vì vương quốc Ca-tỳ-la-vệ
(hiện nay ở phía nam nước Nepal, lúc bấy giờ thuộc lãnh thổ Ấn Ðộ). Vua
hiệu Kiều-đạt-ma (Gautama), thuộc dòng tộc Thích Ca anh dũng nhân từ,
siêng năng chăm lo việc chính trị, thương dân. Mẫu thân là phu nhân Ma-da
– công chúa thành Thiên Tý (Devadaha), thuộc dòng tộc Câu-lợi (Koliya)
xinh đẹp lại hiền lương, là chị em cô cậu với vua Tịnh-phạn. Sau khi kết
hôn, họ sống cuộc sống tràn đầy hạnh phúc, nhưng lại không có con. Mãi đến
khi phu nhân Ma-da bốn mươi tuổi, một hôm bà nằm mộng thấy có một con voi
trắng sáu ngà từ trên trời cao giáng xuống, nhập vào hông bên phải của
bà, không bao lâu bà có mang. Mọi người trong cung cho đến dân chúng trong
cả nước đều hi vọng phu nhân sanh thái tử.
2. Thái tử đản sanh
Thời gian trôi qua, trong sự vui mừng chờ đợi
sắp đến ngày phu nhân Ma-da khai hoa nở nhụy, theo phong tục của người
trong nước, bà phải về nhà mẹ chờ ngày sanh nở. Vua Tịnh-phạn sai nhiều
thị vệ, người hầu hộ tống phu nhân Ma-da về thành Thiên Tý. Trên đường đi
ngang qua vườn Lâm-tỳ-ni (Lumbini) thuộc vùng ngoại ô nước Ca-tỳ-la-vệ,
phu nhân Ma-da muốn nghỉ một lúc, bèn dừng chân dưới bóng cây Vô ưu
(Asoko) trong vườn; bà đưa tay bẻ một cành hoa, lúc ấy liền đản sanh thái
tử. Bấy giờ là năm 624 trước Công nguyên, âm lịch nhằm ngày rằm tháng tư.
Vua Tịnh-phạn và tất cả bá tánh nghe thái tử đản sanh, vui mừng hớn hở,
đều đến chúc mừng. Có một vị tiên nhân tên A-tư-đà (Asita) yêu cầu
được xem tướng thái tử. Vua Tịnh-phạn liền cho thỉnh vào cung. Sau khi xem
tỉ mỉ dung mạo kỳ vĩ của thái tử, thầy tướng A-tư-đà rất lấy làm cảm
động, phấn khởi, đoán rằng: “Thái tử tướng mạo xuất chúng, tương lai nếu
ở tại gia nhất định sẽ dùng đức để thu phục người, thành bậc Chuyển luân
thánh vương thống nhất thế giới. Còn nếu xuất gia tu đạo thì nhất định sẽ
thành tựu trí huệ vô thượng triệt ngộ chân lý vũ trụ nhân sinh, thành vị
cứu tinh của nhân loại. Ðáng tiếc tuổi ta đã cao không thể sống lâu đến
khi Ngài thành chánh giác để nghe và thọ nhận giáo pháp của Ngài”. Vua
Tịnh-phạn nghe xong lời tiên đoán của tiên nhân, buồn vui lẫn lộn. Một
mặt, vui mừng vì thái tử sẽ làm được việc phi thường, mặc khác buồn vì
không nỡ để cho thái tử xuất gia tu đạo.
3. Thời thơ ấu của thái tử
Vua Tịnh-phạn triệu tập các học giả nổi tiếng
trên toàn quốc để đặt tên cho thái tử. Mọi
người cân nhắc cẩn thận, cuối cùng đặt
tên là Tất-đạt-đa (Siddhatha), hàm ý tất cả nguyện đều thành tựu.
Sau khi thái tử sanh được bảy ngày, phu nhân
Ma-da chẳng may lâm bệnh qua đời. Em của phu nhân là Ma-ha-ba-xà-ba-đề
tình nguyện nhận trách nhiệm nuôi nấng thái tử trưởng thành. Về sau, bà
trở thành chánh cung của vua Tịnh-phạn.
Lúc nhỏ, thái tử được sự chăm sóc ở trong
cung rất tốt. Ðến khi lên bảy tuổi, vua Tịnh-phạn cho mời các danh sư
trong nước chỉ dạy cho thái tử những môn học như: văn học, nghệ thuật, y
học, tôn giáo, bắn cung, binh pháp. Thái tử thông minh hơn người, tiến bộ
rất nhanh, học các môn kỹ thuật chỉ cần chỉ qua một lần là có thể lãnh hội
thông suốt; nhất định sẽ trở thành một thiếu niên văn võ song toàn.
II. Thời thanh niên của thái tử
1. Kết hôn
Thái Tử học nghề ở đời tỏ ra hơn mọi người và
cuộc sống vinh hoa phú quý trong cung chẳng khiến cho thái tử thấy đó là
nơi an vui cứu cánh. Ngài vui thích nơi thanh vắng, thường ngồi một mình
trầm tư dưới gốc cây, tuệ căn ngày trước ngày càng được hiển lộ một cách
sâu rộng. Chân lý của thế giới sâu kín, rộng lớn đang nung nấu kêu gọi bên
trong Ngài.
Một hôm, theo vua cha quan sát ruộng vườn của
hoàng tộc, thái tử thấy trong đất ruộng xới lên có nhiều côn trùng nhỏ lút
nhút giữa những đường cày bị đàn chim bay lượn xuống tranh nhau mổ ăn. Con
mạnh ăn thịt con yếu. Cuộc sống trước mắt điêu đứng, tàn khốc. Người bình
thường trước cảnh tượng này không động lòng nhưng với thái tử thì từ trong
sâu thẳm tâm hồn, Ngài rất xúc động... Vua Tịnh-phạn thấy dáng vẻ u buồn,
trầm tư của thái tử, nghĩ đến lời tiên đoán của tiên nhân A-tư-đà, bèn tận
lực dùng các thứ dục lạc vinh hoa của cuộc đời để ràng buộc tâm tư thái
tử. Ðến năm thái tử mười bảy tuổi, vua Tịnh-phạn hỏi cưới công chúa
Da-du-đà-la (Yasodhara), con vua Thiện Giác (Suppabubdha) cho thái tử làm
vợ, và xây dựng ba tòa cung điện, bên trong trang hoàng đẹp đẽ, có cung nữ
ca múa... Vua Tịnh-phạn hy vọng cuộc sống trong cung của thái tử sẽ được
hoàn toàn đầy đủ.
Cuối cùng, Da-du-đà-la hạ sanh vương tôn
La-hầu-la rất đáng yêu. Vua Tịnh-phạn có được vương tôn, trong lòng nghĩ:
“Lòng thương con, ai ai cũng đều như nhau. Thái tử yêu con mình chắc cũng
giống như ta thương thái tử, có lẽ sẽ không còn ý bỏ tục xuất gia nữa!”.
Nhưng, thái tử sanh ra vốn là vị thánh ứng thế, lẽ nào Ngài chìm đắm trong
tình cảm riêng tư hay sao?!
2. Những lần du ngoạn ngoài thành
Nhân duyên đã chín mùi, cuộc sống trong cung
của thái tử quá đầy đủ, thái tử xin phép vua cha cho phép dạo chơi vườn
rừng ở ngoài thành. Vua Tịnh-phạn bất đắc dĩ hạ lệnh: “Tất cả những người
già, người bệnh, người ăn xin, không được phép ra ngoài. Ðường cái phải
quét dọn khô ráo, sạch sẽ”. Trên đường dạo chơi, thái tử nhìn thấy rất
nhiều cảnh tượng xã hội mà ởû trong cung chưa từng thấy. Ngài thấy một
người già tóc bạc, lưng gù, gầy gò ốm yếu, lại thấy một người bệnh, thân
thể tàn tật, hình hài tiều tụy. Sau cùng, Ngài thấy một người chết được
khiêng đi chôn cất, thân quyến theo sau khóc lóc thảm thương. Ngài biết sự
sanh, già, bệnh, chết không phân biệt người giàu, kẻ nghèo. Ðó là một quy
luật bình đẳng không có ngoại lệ. Ngài nghĩ, sự phồn hoa trong cung, tuổi
trẻ, sức khỏe, đến sự sinh tồn cuối cùng, tất cả lẽ nào chẳng có ý nghĩa
gì ư?!
3. Xuất gia học đạo :
Nếu chúng sanh vĩnh viễn trầm luân trong luân
hồi, thì rốt cuộc vận mạng sẽ xoay vần nhiều kiếp, phải trở lại tiếp tục
cam chịu sự sanh, lão, bệnh, tử. Mà không cầu giải thoát cứu cánh. Như
thế, đời người có trí tuệ không? Thái tử trăn trở, trầm tư mãi... Vào một
lần ra khỏi thành, thấy một vị xuất gia an lành tự tại, thái tử liền đến
trước chào hỏi: “Vì sao ngài xuất gia tu hành?” Vị tu sĩ trả lời: “Tôi lìa
xa mọi ràng buộc, xuất gia tìm cầu hạnh phúc thật sự trong nhân loại”. Lời
vị tu sĩ vừa dứt, tâm ý thái tử giải tỏa mọi ràng buộc, lòng quyết tâm
xuất gia cầu đạo. Ngài muốn khám phá ra cái mê lớn từ ngàn xưa, vì mình mà
cũng là vì chúng sanh, đi tìm nghĩa lý sâu kín của cuộc sống.
Vào một đêm khuya thanh vắng, khi mọi người
đều ngủ say, thái tử thức dậy, lặng lẽ đến nhìn Da-du-đà-la và La-hầu-la
lần cuối một cách thâm tình nhưng rất kiên định. Nhìn xong, Ngài ra khỏi
tẩm điện (phòng ngủ) đến chỗ ở của người hầu Xa-nặc (Chamdaka), bảo dắt
ngựa Kiền-trắc (Kanthaka), rồi nhảy lên ngựa, cùng với Xa-nặc đi nhanh ra
khỏi thành. Nữa đêm yên tĩnh, hai thầy trò đi đến rừng rậm gần chân núi.
Thái tử cởi bỏ khăn mũ trên đầu và chuỗi ngọc quý trên mình, giao cho
Xa-nặc. Xa-nặc đau khổ nuốt lệ can ngăn, ngựa Kiền-trắc dường như xét biết
chủ bỏ nó mà đi, hý lên một tiếng dài bi thảm. Thái tử rút thanh bảo kiếm
cắt đứt mái tóc đen huyền mềm mại thể hiện lòng quyết tâm xuất gia; lại
chỉ dẫn Xa-nặc trở về thưa báo với phụ vương. Xa-nặc buồn rầu, một mình
lên ngựa Kiền-trắc trở về thành. Lúc này, ác ma đứng chờ hai bên Ngài từ
sớm, nói: “Hãy quay về cung đi! Tất cả những gì của thế giới này đều thuộc
về ông, nên sớm tìm cách trở về cung đi!”. Thái tử cứng rắn trả lời: “Ác
ma hãy tránh ra. Tất cả những sở hữu trong thiên hạ chẳng phải sự mong cầu
của ta”. Thái tử đuổi ác ma đi rồi, tay cầm bình bát đi về phía nam khất
thực.
III. Tìm
thầy học đạo
1. Tiên nhân Bạt-già-bà (Bhagava) :
Có rất nhiều người tu khổ hạnh trú ở trong
rừng sâu, vị tiên nhân lãnh đạo họ tên là Bạt-già-bà. Tuy không biết thân
phận của thái tử, nhưng khi trông thấy phong cách cao quí của Ngài, họ đều
tự động đứng dậy chào đón. Thái tử thiết tha hỏi phương pháp và tông chỉ
tu tập một cách cặn kẽ; hỏi về nguồn gốc các thứ khổ hạnh
kỳ lạ, quái dị để cầu lên cõi trời mà họ phụng hành. Thái tử hiểu rõ mục
đích của họ chẳng phải là con đường cứu cánh. Ngài ở lại một đêm, sau đó
từ biệt ra đi. Có một vị tu khổ hạnh trong rừng bảo Ngài, ở nước
Ma-kiệt-đà tại núi Tằng-đa có vị tiên nhân là A-la-la-a-lam có thể đáp ứng
đầy đủ nguyện vọng của Ngài.
2. Vua cha truy tìm
Xa-nặc một mình cỡi ngựa về bẩm báo với nhà
vua là thái tử đã vượt thành xuất gia. Vua Tịnh-phạn kinh hãi, ưu sầu
không nguôi, lập tức sai đại thần và binh sĩ tìm kiếm đón thái tử trở về.
Họ vội vã đến rừng khổ hạnh. Có vị khổ hạnh bảo thái tử đã rời khỏi đây,
thế là, họ tiếp tục truy tìm. Cuối cùng, họ thấy thái tử cắt tóc, mặc y
phục giản dị. Họ cung kính xuống ngựa, và sau khi hiểu rõ ý nghĩa xuất gia
của thái tử, họ cảm động tha thiết khuyên thái tử trở về cung thành. Thái
tử điềm tĩnh kiên quyết từ chối không theo họ về.
Biết tâm chí của thái tử đã quyết định
rồi thì rất khó lay chuyển, họ liền cử năm người: Kiều-trần-như,
Ngạch-tùy, Bạt-đề, Thập-lực Ca-diếp, Ma-câu-nam theo hầu thái tử tu hành.
Nhưng không lâu thì năm người ấy đã chia tay với thái tử. Ngài vẫn một
mình đi vào rừng sâu tu hành.
3. Vua Tần-bà-sa-la (Bimbisara)
Thái tử tiếp tục tìm đạo, vượt qua sông Hằng, tiến thẳng vào thủ đô thành
Vương xá, thuộc bờ phía nam sông Hằng. Dân chúng trong thành thấy phong
cách cao quý của thái tử đều cung kính cúng dường. Vua nước Ma-kiệt-đà
nghe tin có một vị xuất gia... cũng sai người thỉnh mời Ngài đến và tuyên
bố muốn chia một nửa hoặc toàn bộ lãnh thổ cho Ngài. Thái tử cảm ơn ý tốt
của nhà vua và bày tỏ ý nguyện xuất gia là tìm cầu con đường hạnh phúc
chân chính để giải trừ nỗi thống khổ cho nhân loại. Vua Tần-bà-sa-la vô
cùng cảm động, cung kính mời thái tử sau khi thành đạo, trước hết về độ
cho ông.
4. Tiên nhân
A-la-la-a-lam (Arada Kalama) và Tiên nhân Uất-đầu-lam-phất (Udraka
Ramaputra) :
Thái tử đi đến rừng
sâu nơi cư trú của tiên nhân A-la-la-a-lam. Ông hướng dẫn cho thái tử làm
thế nào cho phù hợp với phương pháp tu trì Phi
tưởng phi phi tưởng xứ.
Thái tử cảm ơn, xúc động và khiêm cung nhận lời dạy bảo của tiên nhân,
nhưng trong lòng vẫn chưa thõa mãn. Không bao lâu, thái tử từ giã tiên
nhân A-la-la-a-lam đến một nơi khác tham học. Về sau, thái tử lại đến
tham vấn tiên nhân Uất-đầu-lam-phất. Cũng như vậy, ông ta cũng không có
phương pháp nào để giải trừ những nghi hoặc trong lòng của thái tử.
Từ khi xuất gia đến nay, thái tử đã trải qua
năm năm cầu học với nhiều thầy. Ngài hiểu rất rõ tình hình tu hành của họ.
Hơn nữa, Ngài đã thực hành con đường tu tập của họ và cũng trải qua cảnh
giới chứng đắc của họ. Song, cuối cùng Ngài nhận ra được các phương pháp
tu hành này đều không phải con đường đưa đến giác ngộ rốt ráo.
Ngài liền đến phía đông bờ sông
Ni-liên-thiền (nhánh sông Hoàng Hà) chọn một nơi trong rừng sâu núi
Già-da rồi quyết chí tu hành triệt để con đường khổ hạnh.
IV. Ngộ đạo
1. Tu học khổ hạnh
Lúc bấy giờ, năm anh em ông Kiều-trần-như
nghe thái tử tu hành ở núi Già-da liền đến tu hành cùng thái tử. Thái tử ở
trong rừng ăn rất ít, thậm chí một ngày chỉ ăn một hạt mè, một hạt lúa tẻ.
Vì thế, thân thể của Ngài ngày càng gầy gò ốm yếu, mắt hóp sâu, xương gò
má lòi cao. Khổ hạnh như vậy được sáu năm nhưng vẫn chưa khai ngộ, thái tử
tự xét lại mình, biết rằng khổ hạnh không phải là phương pháp cứu cánh. Vì
vậy, Ngài ra khỏi rừng sâu, đến bên bờ sông Ni-liên-thiền tắm rửa cấu bẩn
trên thân thể. Bất ngờ, tay chân và thân thể không còn sức, Ngài ngã xuống
đất hôn mê. Khi ấy may sao có một người
nữ chăn dê tên là Tu-xà-đa (Sujata) thấy thế liền mang sữa dê đến cho thái
tử uống. Sau khi uống sữa dê xong, thái tử dần dần hồi phục được
sức khỏe. Năm vị xuất gia theo hầu trước kia, thấy thái tử nhận sữa cúng
dường của người nữ chăn dê, cho rằng thái tử đã thối thất tâm đạo, liền bỏ
Ngài ra đi. Thái tử cũng không biện bạch, một mình đi đến gốc cây
Tất-bát-la bên bờ sông (sau khi đức Phật thành đạo đổi tên là cây Bồ-đề)
ngồi kiết già, phát lời thệ nguyện: “Máu có thể cạn, thịt có thể rữa,
xương có thể khô, nhưng nếu không giác ngộ, ta thề không rời khỏi chỗ ngồi
này!”. Một hôm, tâm cảnh thái tử chằng chịt những ý niệm đan xen, tâm tư
tán loạn, nỗi niềm miên man, dẫy đầy những hình ảnh đen tối trong lòng,
với tất cả cảnh tượng của ác ma xâm nhập đều hiện bày rõ ràng. Thái tử tập
trung toàn lực đến mọi xó xỉnh trong tâm, xua đuổi, đánh lùi bọn chúng
chạy tán loạn. Ðây là cuộc chiến căng thẳng kịch liệt để thoát khỏi sự
ràng buộc của ma tâm.
2. Giác ngộ chân chánh
Thái tử đã phấn đấu bốn mươi tám ngày, cuối
cùng vào đêm ngày thứ bốn mươi chín (mùng tám tháng mười hai âm lịch),
khi sao mai vừa mọc thì hốt nhiên đại ngộ. Ngài chứng được Tam minh
thành bậc giác ngộ A-nậu-đa-la-tam-miệu-tam-bồ-đề,
hiệu là Thích Ca Mâu Ni;
chúng ta gọi là Phật Ðà. Lúc này, Ngài mới ba mươi tuổi.
Kết Luận
Ý nghĩa việc
xuất gia tìm đạo của thái tử
Tướng sĩ ở
ngoài chiến trường đánh thắng quân địch được mọi người ca ngợi là anh hùng
hào kiệt, nhưng mấy ai có thể chiến thắng tất cả dục vọng trong tâm mình?!
Cho nên, thắng người đã khó mà thắng mình còn khó hơn. Ðức Phật có thể
thắng ngoại cảnh và phiền não dục vọng trong tâm, vì vậy mọi người tôn
xưng Ngài là bậc đại hùng đại lực. Ðức Phật xuất gia không vì tự lợi cho
riêng mình, mà làø vì cứu độ cho tất cả chúng sanh, khiến cho họ có thể
thoát khỏi sanh tử luân hồi. Bởi thế, nhân loại mới tôn xưng Ngài là bậc
đại từ đại bi. Ngài ném bỏ vinh hoa phú quý, xa lìa quyến thuộc thâm tình,
vào rừng tu khổ hạnh, sống cuộc sống đạm bạc mà không một chút hối hận, có
thể gọi Ngài là bậc đại hỷ đại xả.
Chúng ta đã
biết sơ qua lịch sử từ xuất gia đến hành đạo của thái tử thì phải lấy giáo
pháp và lòng từ bi với tinh thần tích cực tu đạo của Phật Ðà làm hoài bảo
cho sự tu hành. Nếu gặp chướng ngại thì chúng ta phải kiên định giữ vững
chí hướng giống như đức Phật Thích Ca – đức Bổn sư của chúng ta. Như vậy,
ta mới đúng là đệ tử chân chánh của Phật Ðà.
Căn cứ vào hội nghị Phật giáo thế giới thì lấy ngày trăng tròn tháng
năm dương lịch làm ngày đản sanh của đức Phật.
Khổ hạnh: Ðương thời, phép khổ hạnh ở Ấn Ðộ gồm có những loại như:
nhịn đói, chịu lạnh, lấy kim đâm vào da, trồng chuối, nhảy xuống vực,
nhảy vào lửa, tự rơi mình từ núi cao xuống, thường đứng im lặng, giữ
giới con bò, giữ giới con chó, đứng mãi, lõa thể bôi tro...
A-nậu-đa-la-tam-miệu-tam-bồ-đề: A là vô, Nậu đa la là thượng, Tam miệu
là chánh đẳng, Tam bồ đề là chánh giác. A nậu đa la tam miệu tam bồ đề
nghĩa là Vô thượng chánh đẳng chánh giác.
Thích Ca mâu Ni Phật: Thích Ca là họ, nghĩa là: Năng nhân. Năng là
năng lực; Nhân là từ bi (ban vui cứu khổ); Mâu Ni là tên; ý chỉ cho sự
tĩnh lặng, nghĩa là các thứ tà vạy phiền não không thể làm nhiễu loạn.
Phật là bậc tự giác, giác tha, giác hạnh viên mãn. (Xem thêm Chương
I)
--- o0o ---
Mục Lục
|
Chương I
|
Chương II
|
Chương
III
Chương
IV
|
Chương V
|
Chương VI
|
Chương VII
Chương
VIII
|
Chương IX
|
Chương X
--- o0o ---
Trình bày: Linh Thoại
Cập nhật: 01-04-2004
Nguồn: www.quangduc.com
Về danh mục