Phật Học - Hoa sen ngày xuân

 

 

 

 

 

 

HOA SEN NGÀY XUÂN

 

Hòa Thượng Tuyên Hóa

 

BÁT NHÃ NGỮ Quyển I

 

BAN PHIÊN DỊCH VIỆT NGỮ

TRƯỜNG ĐẠI HỌC PHÁP GIỚI VẠN PHẬT THÁNH THÀNH

TALMAGE, CALIFORNIA

 

Lời Thiện Tri Thức như nắng trời xuân,

Làm sinh trưởng mọi căn mầm Thiện Pháp.

Lời Thiện Tri Thức như ánh trăng rằm,

Vật gì được chiếu đều khiến thanh lương.

Lời Thiện Tri Thức như núi tuyết hè,

Làm vơi cầm thú khát khao nỗi niềm.

Lời Thiện Tri Thức: nắng dọi ao thơm,

Nở khai tất cả hoa sen tâm lành.

(Kinh Hoa Nghiêm, phẩm Nhập Pháp Giới)

Thiện nam tử!

Con cầu Thiện Tri Thức,

đừng sanh lòng mệt mỏi;

Gặp Thiện Tri Thức,

đừng sanh lòng nhàm chán;

Thưa hỏi Thiện Tri Thức,

đừng sợ lao nhọc;

Gần gũi Thiện Tri Thức,

đừng nghĩ thối lui;

Cúng dường Thiện Tri Thức,

đừng nên ngừng nghỉ;

Nhận lời Thiện Tri Thức dạy,

đừng nên đổi sửa;

Học Thiện Tri Thức hạnh,

đừng sanh nghi ngờ;

Nghe Thiện Trí Thức nói Pháp Xuất Ly,

đừng sanh lòng do dự;

Thấy Thiện Tri Thức làm hạnh Tùy Theo Phiền Não,

đừng sanh lòng hiềm ngại;

Ở nơi Thiện Tri Thức,

Nên sanh tâm tin sâu, tôn kính, đừng thay lòng đổi dạ!

(Kinh Hoa Nghiêm, phẩm Nhập Pháp Giới)

 

 

TÁM QUY LUẬT CỦA VIỆN PHIÊN DỊCH KINH ĐIỂN

1.Dịch giả phải tự giải thoát mình khỏi động cơ truy cầu danh lợi.

2.Dịch giả phải tu tâm dưỡng tánh, dứt bỏ thói cao ngạo.

3.Dịch giả phải tự chế, không được tự khen mình và chê bai kẻ khác.

4.Dịch giả không được tự cho mình là tiêu chuẩn, là thước đo, rồi hạ thấp kẻ khác bằng cách tìm lỗi lầm nơi tác phẩm của họ.

5.Dịch giả phải lấy tâm Phật làm tâm mình.

6.Dịch giả phải dùng Trạch-Pháp Nhãn để phán xét đâu là chân lý.

7.Dịch giả phải cung kính cầu thỉnh chư Cao-tăng, Đại-đức mười phương chứng minh cho bản dịch của mình.

8.Dịch giả phải hoan hỷ truyền bá giáo nghĩa nhà Phật bằng cách in Kinh, Luật, Luận, một khi phần phiên dịch của mình được chứng minh là đúng đắn.

 

MỤC LỤC

Vài Nét Về Vạn Phật Thánh Thành

Sơ Lược Tiểu Sử Hòa Thượng Tuyên Hóa

Mười Tám Đại Nguyện Của Hòa Thượng Tuyên Hóa

 

Phần Thứ Nhất:VẤN ĐÁP

Phá Mê

Sám Hối

Giải Nghi

Sinh hoạt

Xã Hội

Tu Hành

Chính Cuộc

Học Phật

Phần Thứ Nhì: NGỮ LỤC

Con Đường Tu Hành

Phát Nguyện Học Phật

Trồng Giống Bồ Đề

Chúng Sanh Đều Là Phật

 

VÀI NÉT VỀ VẠN PHẬT THÁNH THÀNH

Khác với đạo Phật ở phương Đông đã trải qua hơn 2.000 năm lịch sử, Phật Giáo tại Mỹ Quốc chỉ mới phôi thai,sinh mầm nảy nhạ trong khoảng thế kỷ này. Do vậy, khi đem Phật Pháp truyền tới Mỹ, nhu cầu đòi hỏi chư tăng trước là thâm ngộ Phật-chỉ, thông suốt Tam Tạng, đạo hạnh cao vút, sau là có thể vận dụng Phật-lý viên dung với nền văn hóa Tây phương, dùng ngôn ngữ thời đại. Nền tảng chủ yếu trong việc hoằng Pháp là kiến thiết tùng-lâm, định đặt một chế độ Tăng-lữ với Giới-luật nghiêm minh, tạo nhân duyên thuận lợi cho chư Tăng, Ni học tập, nghiên cứu, tu trì và hành Đạo.Với những điểm then chốt ấy, bnăm 1959, Hòa Thượng Tuyên –Hóa, vị đệ tử kế thừa tâm-ấn của Đại Hòa Thượng Hư –Vân, sáng lập Tổng Hội Pháp Giới Phật Giáo để chủ động việc hoằng Pháp. Năm 1966, Giảng Đường Phật Giáo ở thành phố Cựu-kim-sơn được thành lập, rồi kế đến là Chùa Kim Sơn.

Năm 1973, Viện Quốc Tế Dịch Kinh ra đời. Mục đích chính của Viện là dịch chính xác Tam Tạng Kinh Điển (Kinh, Luật,Luận) từ tiếng Phạn và Trung Hoa ra các ngôn ngữ khác trên thế giới như tiếng Anh,Pháp,Tây Ban Nha, Nhật, Việt…ngõ hầu Phật Pháp chánh truyền được truyền bá khắp thế gian và chúng sanh toàn thế giới nhờ đó có thể thoát khỏi khổ đau và đạt đến cảnh giới an lạc. Song song với chánh văn, phần phiên-dịch còn kèm theo lời giảng nghĩa của Hòa Thượng Tuyên-Hóa để độc giả đời này có thể dễ dàng am hiểu Phật-lý và áp dụng vào sự tu hành, sinh hoạt thực tiễn. Điểm đặc thù của Viện là việc phiên dịch do chư Tăng và tục cộng tác phải thông qua bốn giai đoạn: (1) dịch từ nguyên văn, (2) kiểm lại ý dịch,(3) trau chuốt lời văn, và (4) ấn-chứng bản dịch.

Năm 1976, Hòa Thượng Tuyên-Hóa sáng lập Vạn Phật Thánh Thành, một đại tùng-lâm với hơn 70 tòa nhà, tọa lạc trên 500 mẫu đất ở thành phố Talmage, miền bắc tiểu bang California, Hoa Kỳ. Ngoài sự chuyên chú về Giới-luật và tu hành, Vạn Phật Thánh Thành rất tích cực trong công cuộc hoằng dương Phật Pháp; Hòa Thượng thường dạy: “ Bất luận ngưới đến nghe giảng nhiều hay ít, ngày ngày đều có giảng Kinh thuyết Pháp!” Tất cả Tăng, Ni, cư-sĩ, không phân biệt quốc tịch, đều có thể tu hành ở Vạn Phật Thánh Thành bởi mục đích chính của tùng-lâm ấy là dành cho bất cứ chúng sanh nào chân tâm thành ý muốn đến để tu hành. Tại Vạn Phật Thánh Thành, mọi người đều sống thanh đạm, hướng theo Sáu Đại Tông Chỉ:

1)Không tranh,

2)Không tham,

3)Không cầu,

4)Không ích kỷ,

5) Không tự lợi,và

6) Không dối trá; đồng thời tuân thủ gia-phong:

Dù rét chết, không phan duyên;

Dù đói chết, không van nài;

Dù nghèo chết, không cầu cạnh.

Tùy duyên không đổi;không đổi, tùy duyên;

Ba Tông Chỉ ấy, ta phải giữ gìn.

Xả thân vì Phật sự,

Tạo mạng vì bổn sự,

Chánh mạng vì Tăng sự.

Hiểu sự , rõ lý,rõ lý hiểu sự;

Lưu hành mạch phái Tổ Sư đã truyền.

Cùng năm ấy, 1976, Hòa Thượng Tuyên Hóa sáng lập trường Đại Học Pháp-Giới với bốn mục đích : (1) truyền bá giáo nghĩa đạo Phật, (2) hun đúc chân-tâm của mọi người,(3) tạo lợi ích cho xã hội, và (4) giác ngộ tất cả chúng sanh.

Tại Vạn Phật Thánh Thành còn có trường Tiểu Học Dục-Lương và trường Trung Học Bồi-Đức, những bộ phận trực thuộc trường Đại Học Pháp-Giới. Ở đây, nam sinh và nữ sinh học tách biệt. Ngoài các môn học do chính phủ California quy định, học sinh còn học thêm các sách giảng dạy tư cách làm người lương hảo  của nền đạo lý truyền thống Trung Hoa như Tam Tự Kinh, Đệ Tử Quy, Thiên Tự Văn và Bách Gia Tánh, bởi Hòa Thượng Tuyên-Hóa  chủ trương rằng nếu có thể đào tạo được một thế hệ thanh niên với phẩm hạnh cao thượng và kiến thức uyên thâm thì vẫn còn có hy vọng là chúng sanh sẽ vượt qua được biển khổ. Tất cả học sinh, sinh viên ở Vạn Phật Thánh Thành đều giữ nếp sống thanh khiết: ăn chay, không uống rượu, không hút thuốc, không cờ bạc, xa rời truyền hình, chiếu bóng, cùng các tập quán không tốt ngoài đời.

Đến nay, sau hơn 30 năm phát triển, Tổng Hội Pháp Giới Phật Giáo đã thành lập nhiều đạo-tràng tại Hoa Kỳ, Gia Nã Đại, Hương Cảng, Đài Loan…với tầm vóc quốc tế, không phân biệt tín ngưỡng, tông phái.

 

SƠ LƯỢC TIỂU SỬ HÒA THƯỢNG TUYÊN HÓA

Hòa Thượng vốn họ Bạch, tên tục là Ngọc-Thư, Pháp danh là An-Từ, tự Độ-Luân, và Tuyên-Hóa là Pháp-hiệu do Lão Hòa Thượng Hư-Vân đặc biệt tặng cho khi Ngài thọ lãnh sứ mạng làm người kế thừa truyền Pháp đời thứ chín của Thiền Tông Quy-Ngưỡng. Ngài sinh ngày 16 tháng 3 năm Mậu-ngọ (1918) , tại tỉnh Kiết-lâm, huyện Song-thành, tỉnh Tùng-giang, Đông Bắc Trung Hoa (tức Mãn Châu). Thân phụ Ngài tên Phú-Hải, chuyên nghề nông; thân mẫu thuộc dòng dõi họ Hồ, sinh được tám người con, năm trai ba gái, và Ngài là út.

Thân mẫu Ngài thọ chay trường, niệm Phật chẳng hề gián đoạn. Một đêm nọ bà mộng thấy Đức Phật A-Di-Đà hiện thân, phóng hào-quang chiếu sáng khắp thế giới, chấn động thiên địa. Giật mình tỉnh giấc, bà ngửi thấy mùi hương kỳ diệu khắp phòng, rồi sau đó hạ sanh Ngài. Ngài vừa ra đời liền khóc suốt ba ngày ba đêm, chính là vì đau xót cho nỗi khổ của thế giới Ta-Bà này vậy.

Năm Ngài 11 tuổi, một hôm cùng chúng bạn dạo chơi, Ngài  chợt trông thấy một em bé miệng ngậm, mắt nhắm, nằm bó trong đám rơm. Ngài gọi mà đứa bé chẳng đáp,rờ thì chẳng có hơi thở. Ngài lấy làm khó hiểu vô cùng nên hỏi lũ bạn. Có kẻ hiểu biết liền nói: “Đứa bé đã chết rồi!” Song, Ngài vẫn vô cùng ngạc nhiên, không hiểu thế nào là chết. Về nhà, Ngài thưa hỏi thân mẫu, bà dạy: “ Phàm là người, ai cũng phải chết. Có kẻ chết già, có kẻ chết vì bệnh, cũng có kẻ chết vì tai nạn. Bất luận là giàu hay nghèo hèn, ai ai rốt cuộc cũng phải chết cả!” Ngài lại thưa: “ Như vậy, có cách gì thoát được sự chết chăng?” Bấy giờ trong nhà có vị khách xưa kia từng tu Đạo, đỡ lời đáp rằng: “ Chỉ có cách tu Đạo, hiểu rõ tự-tâm, thấu suốt bổn-tánh, thì mới có thể chấm dứt sanh tử, thoát vòng luân-hồi, thành tựu Chánh-Giác, chứng được Vô-Sanh.

Tuy lúc đó Ngài còn nhỏ tuổi, song đối với lời vị khách nói, Ngài tỉnh ngộ sâu xa, nên quyết chí xuất-gia tu Đạo. Khi Ngài mang chuyện xuất-gia thưa với thân mẫu, bà dạy: “ Xuất-gia là điều tốt lắm, song không phải là chuyện dễ làm. Cần có thiện-căn, có đại nguyện lực, phát đại Bồ-Đề tâm, thì mới có thể thành tựu Vô-Thượng Đạo. Nay con có lòng vậy, ta hết sức đồng ý. Song, nay ta đã già, mà các anh chị con đều đã tự lập; vậy con nên ở lại để phụng dưỡng cha mẹ; khi ta mất rồi, con xuất –gia tu hành cũng chưa muộn”.

Ngài vâng lời cha mẹ. Sau đó, hằng ngày Ngài thường theo thân mẫu lạy Phật. Lạy Phật xong, Ngài lạy cha mẹ. Rồi vì nhận thấy thế giới này còn lớn hơn cả cha mẹ, nên Ngài hướng về trời, đất, vua, sư trưởng mà lạy. Ngài lại nghĩ đến những người tốt trên thế giới mà lạy, thầm tạ ơn họ về các việc thiện họ đã làm. Nhận thấy những người ác thật qua đáng thương. Ngài lại vì họ mà lạy, mong sao nghiệp chướng của họ được giảm bớt và họ sớm biết hối cải. Mỗi ngày Ngài lại nghĩ thêm những người khác để lạy; nên về sau, bất kể thời tiết, mỗi ngày Ngài đều đặn lạy 837 lạy vào buổi sáng và 837 lạy vào buổi tối.

Ngày lại ngày, Ngài cung kính phụng dưỡng song thân như đối với Phật vậy. Chẳng bao lâu tiếng hiếu thảo đồn khắp bốn phương, và mọi người đều gọi Ngài là Bạch Hiếu Tử ( người con chí hiếu họ Bạch).

Năm Ngài 19 tuổi thì gặp phải tang thân mẫu. Sau khi chu toàn việc mai táng. Ngài đến Chùa Tam Duyên lạy Lão Hòa Thượng Thường-Trí làm thầy, và xuống tóc xuất-gia. Sau đó, Ngài về lại mộ phần thân mẫu thủ hiếu trong ba năm. Suốt thời gian ấy, Ngài sống trong một túp lều tranh nhỏ, ngày ngày tọa Thiền, đọc tụng kinh điển Đại Thừa và niệm danh hiệu Phật A-Di-Đà. Rất nhiều lần Ngài ngồi Thiền rồi nhập Định, liên tiếp trong nhiều tuần lễ chẳng rời thiền-sàng. Một đêm nọ, dân trong thôn gần đó hốt hoảng thấy túp lều tranh Ngài hừng hực lửa đỏ. Ánh lửa hồng phừng thẳng lên giữa không trung và túp lều tranh thì sáng rực như ban ngày. Song, khi tới nói mọi người thấy túp lều tranh vẫn bình lặng, và Ngài thì an nhiên, tĩnh mặc trong Thiền-Định!

Có lần Ngài đang tọa Thiền thì chợt có vị khách đến viếng. Vị khách ấy, ngạc nhiên thay chính là Lục Tổ Huệ-Năng! Đức Tổ-Sư dạy Ngài rằng trong tương lai Ngài sẽ tới Mỹ Quốc để độ sinh, rằng ở Tây phương Ngài sẽ gặp nhiều kẻ hữu duyên có thể hoằng dương Phật Pháp, và Ngài sẽ độ vô lượng vô biên chúng sanh. Mãi đến lúc Đức Tổ-Sư từ biệt quay đi rồi, Ngài mới choàng tỉnh, sực nhớ rằng Đức Huệ-Năng vốn là người đời Đường, khoảng 1.200 năm về trước!

Năm 1946, sau khi Thế Chiến Thứ Hai kết thúc, tình trạng giao thông trong nước đã bắt đầu dễ dàng trở lại. Ngài bèn tìm xuống phía Nam để đến Chùa Nam Hoa ở Tào-khê, tỉnh Quảng-đông, đảnh lễ Lão Hòa Thượng Hư-Vân, và đến núi Phổ-đà để thọ Cụ-Túc Giới. Cuối cùng, trải hơn 3.000 dặm, Ngài đã được bái kiến Lão Hòa Thượng Hư-Vân, bậc Đại Thiện-Tri-Thức mà Ngài bấy lâu ngưỡng mộ.

Vừa nhìn thấy Ngài, Lão Hòa Thượng, lúc ấy đã 109 tuổi, liền nhận ran gay sự chứng ngộ của Ngài. Khi đó, Lão Hòa Thượng nói: “ Như thị, như thị,” và Ngài cũng đáp lại “Như thị, như thị!” Biết Ngài là bậc “Pháp Khí,” Lão Hòa Thượng Hư-Vân ấn chứng sở đắc của Ngài, và Ngài chính thức trở thành vị Tổ thứ chín của Thiền Tông Quy-Ngưỡng. Sau đó, Lão Hòa Thượng dạy Ngài ở lại đảm nhận chức Viện Trưởng Viện Giới Luật Chùa Nam Hoa.

Năm 1949, Ngài từ giã Chùa Nam Hoa, lên đường sang Hương Cảng, và sống trong một sơn động biệt lập. Chẳng bao lâu, có vô số tăng-lữ từ Trung Hoa Đại Lục qua Hương Cảng tỵ nạn và họ cần sự giúp đỡ của Ngài. Ứng với nhân duyên, Ngài rời sơn động, sáng lập Phật Giáo Giảng Đường, Chùa Tây Lạc Viên và Từ Hưng Thiền Tự, cùng trợ giúp xây dựng và trùng tu nhiều đạo tràng khác. Trong suốt 12 năm ở Hương Cảng, Ngài là tấm gương sáng khổ hạnh, tinh tấn tu Đạo, vì Pháp quên mình. Ngài đã ảnh hưởng vô số thiện nam tín nữ, khiến  họ phát tâm Bồ-Đề, quy y Tam Bảo, ủng hộ Phật Pháp.

Hòa Thượng Tuyên-Hóa vốn nuôi chí nguyện đem Chánh Pháp truyền bá đến khắp nơi trên toàn thế giới, nên năm 1961, Ngài sang Úc-Châu hoằng Pháp; và năm sau, 1962, Ngài đến San Francisco, Mỹ Quốc. Tại đây, nơi một nhà kho nhỏ, Ngài kiên trì tu hành trong im lặng, chờ đợi cơ duyên hoằng dương Đạo Pháp chín mùi. Lúc ấy, Ngài tụ gọi mình là Mộ Trung Tăng ( nhà Sư trong phần mộ), và Hoạt Tử Nhân ( người đã chết nhưng còn sống).

Năm 1968, biết cơ duyên đã đến, Ngài nói: “ Một đóa hoa sẽ nở ra năm cánh.” Mùa  hè năm ấy, Ngài chủ trì Pháp-hội giảng Kinh Lăng Nghiêm trong 96 ngày. Khi Pháp-hội kết thúc, quả nhiên có năm người Mỹ đầu tiên xin xuất –gia với Ngài. Từ đó, Ngài chủ trì nhiều Pháp-hội khác giảng giải Tâm Kinh, Kinh Địa Tạng, Kinh Pháp Hoa, Kinh Pháp Bảo Đàn v.v…Năm 1971, Ngài giảng bộ Kinh tối cao của Đại Thừa-Kinh Hoa Nghiêm.

Song song với việc giảng Kinh thuyết Pháp, Ngài còn làm vô số công đức độ sinh khác. Năm 1976, Ngài thành lập Vận Phật Thánh Thành-nền tảng căn cứ địa để hoằng dương Phật Pháp tại Mỹ Quốc. Tại Thánh Thành, Ngài xây dựng chế độ tùng-lâm, đào tạo Tăng Ni học chúng, tạo nhân duyên thù thắng cho sự chân chánh tu hành. Ngài chủ trương rằng tất cả Phật tử cần phải đoàn kết lại và nên dung hợp Nam, Bắc tông. Vì thế, nhiều dịp truyền thọ Tam Đàn Đại Giới tổ chức tại Vạn Phật Thánh Thành là do chư cao tăng Đại Thừa và Tiểu Thừa hợp lực chủ trì.

Năm 1980, Ngài thành lập Trung Tâm Cứu Tế Nạn Dân, một tổ chức cứu trợ xã hội bất vụ lợi được chính phủ Hoa Kỳ ủy quyền để cứu tế, cung cấp các lớp huấn nghệ và Anh ngữ, đồng thời giúp tái định cư người tỵ-nạn từ Việt Nam, Lào, Cambodia. Trung Tâm này đóng cửa vào năm 1986 theo quyết định của chính phủ.

Với tinh thần ‘ vì Pháp quên mình,” Hòa Thượng không quản khó nhọc, thường xuyên đến các đạo-tràng trong và ngoài nước để hoằng dương Phật Pháp. Ngài được mọi giới kính ngưỡng vì nếp sống khổ hạnh và nghiêm trì Giới Luật của Ngài. Trong thời Mạt Pháp mà nhiều người không tôn trọng Giới Luật này, Ngài đã nêu gương sáng và khuyến khích nếp sống khổ hạnh bằng cách chỉ ăn mỗi ngày một bữa vào giờ ngọ và ban đêm thì ngủ ngồi chứ không nằm.

Bình sanh, Ngài sống nhẫn nhục, khoan dung, nhịn  ăn nhiều lần để hồi hướng công-đức cho chúng sanh. Cuộc khủng hoảng hỏa tiễn Cuba vào năm 1962 đã xảy ra không bao lâu sau khi Ngài đến Hoa Kỳ. Ngài đã tuyệt thực năm tuần để hồi hướng cho nền hòa bình thế giới. Vào dịp Ngài du hành Đài Loan năm 1989, Ngài đã nhịn ăn ba tuần để hồi hướng cho dân chúng Đài Loan. Sau đó, Ngài lại đi hoằng Pháp tại nhiều nước châu Âu.

Mặc dầu tuổi Ngài đã cao nhưng Ngài vẫn không muốn nghỉ ngơi tịnh dưỡng. Suốt 30 năm liên tục, Ngài đã đăng đàn thuyết Pháp và giảng luận kinh điển Phật Giáo, giương cao ngọn đèn rực rỡ của trí huệ để soi đường cho chúng sanh đang chìm đắm trong đêm tới của thời đại Mạt Pháp này. Chính trong lúc Ngài đang bệnh để gánh chịu khổ nạn cho chúng sanh, Ngài vẫn kiên trì tiếp tục đại nguyện diễn dịch kinh điển Phật Giáo.

Ngày 7 tháng 6 năm 1995, Hòa Thượng Tuyên-Hóa thị hiện viên-tịch tại Los Angeles, Mỹ Quốc; trao lại cho các đệ tử ba trách nhiệm quan yếu: (1) tiếp tục hoằng dương Phật Pháp,(2) phiên dịch kinh điển Phật Giáo, và (3) hoàn mãn sự nghiệp giáo dục. Vâng theo di huấn của Ngài, tứ chúng đệ tử tại các đạo-tràng thuộc Tổng Hội Pháp Giới Phật Giáo đều chuyên tâm trì tụng Kinh Hoa Nghiêm và niệm Phật suốt 49 ngày kể từ hôm Ngài viên-tịch. Ngày 12 tháng 6, 1995, Lễ Nhập-Quan được cử hành tại Long Beach Thánh Tự; và đến ngày 16 tháng 6, Kim-quan của Ngài được cung thỉnh về Vạn Phật Thánh thành. Tại đây, Đại Lễ Truy-Ân được tổ chức ngày 26 đến ngày 28 tháng 7,1995, trong niềm thương tiếc của mọi người.

Ngày 28 tháng 7 năm 1995, Thánh Lễ Trà-Tỳ được cử hành trọng thể tại Vạn Phật Thánh Thành trước sự xúc động của hàng ngàn thiện nam tín nữ. Và hôm sau, sáng ngày 29 tháng 7, tro cốt của Ngài được rải trên điạ phận của Vạn Phật Thánh Thành đúng như lời di-giáo của Ngài:

“Khi tôi đến,tôi không có gì cả; khi tôi đi, tôi vẫn không có gì cả. Tôi không muốn để lại dấu vết gì trên thế gian. Tôi từ hư-không đến. Tôi sẽ trở về hư-không.”

Dù cho Ngài không muốn để lại một dấu vết nào trên thế gian này, nhưng công -đức hoằng Pháp tại Tây phương, phiên dịch kinh-điển, thiết lập đạo tràng và học-đường của Ngài lúc còn tại thế đã gieo hạt giống Bồ Đề và đã gây được ảnh hưởng sâu rộng đến các tầng lớp dân chúng Tây Phương. Những dấu ấn đó của Ngài sẽ không bao giờ phai mờ với thế gian!

Ngày 23 tháng 6 năm 1996, đúng một năm sau ngày Hòa Thượng Tuyên-Hóa nhập Niết-Bàn. Tổng Hội Pháp GIới Phật Giáo long trọng tổ chức Lễ Cung Thỉnh Xá-Lợi Hòa Thượng Về Các Đạo-Tràng. Hòa Thượng Tuyên –Hóa đã vĩnh viễn ra đi, nhưng trong tâm trí mọi người vẫn âm vang lời di-huấn của Ngài: “ Hãy quét sách tất cả các pháp, ly khai tất cả các tướng!”

 

MƯỜI TÁM ĐẠI NGUYỆN CỦA HÒA THƯỢNG TUYÊN HÓA

Năm Hòa Thượng Tuyên-Hóa 19 tuổi thì thân mẫu Ngài tạ thế. Sau khi lo liệu chu toàn việc mai táng, Ngài tới Chùa Tam Duyên ở Hợp-nhĩ- tân (Harbin) lạy Hòa Thượng Thường Trí làm Thầy, chính thức xuất gia. Ít lâu sau, Ngài tới một phần của thân mẫu thủ hiếu. Năm đó, nhân ngày vía Đức Quán Thế Âm, 19 tháng 6 âm lịch. Ngài đối trước chư Phật và chư Bồ-Tát mười phương phát 18 đại nguyện:

‘Kính lạy mười phương chư Phật,

cùng Tam Tạng Pháp,

với chư Hiền Thánh Tăng trong đời quá khứ và hiện tại,

Nguyện rũ lòng chứng giám:

Đệ tử là Độ-Luân, Thích An Từ,

Con nay phát tâm,

chẳng vì cầu phước báo của hàng Trời, Người,

cùng Thanh-Văn, Duyên-Giác,

hay của hàng Bồ-Tát Quyền Thừa.

Con chỉ nương theo Tối Thượng Thừa,

mà  phát Bồ-Đề tâm,

nguyện cùng tất cả chúng sanh trong Pháp Giới,

đồng thời chứng đắc

A-nâu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề.

1.Nguyện rằng nếu có một vị thuộc hàng Bồ-Tát ở mười phương ba đời, trong tận cùng hư không, biến khắp Pháp Giới, mà chưa thành Phật, thì con thề không giữ ngôi Chánh Giác.

2.Nguyện rằng nếu có một vị thuộc hàng Duyên-Giác ở mười phương ba đời, trong tận cùng hư không, biến khắp Pháp Giới, mà chưa thành Phật, thì con thề không giữ ngôi Chánh Giác.

3.Nguyện rằng nếu có một vị thuộc hàng Thanh-Văn ở mười phương ba đời, trong tận cùng hư không, biến khắp Pháp Giới, mà chưa thành Phật, thì con thể không giữ ngôi Chánh Giác.

4.Nguyện rằng nếu có một vị thuộc hàng Trời. Người ở trong Tam Giới mà chưa thành Phật, thì con thể không giữ ngôi Chánh Giác.

5.Nguyện rằng nếu có một Người ở trong mười phương thế giới mà chưa thành Phật, thì con thề không giữ ngôi Chánh Giác.

6.Nguyện rằng nếu có một vị Trời, Người, hay A-tu-la mà chưa thành Phật, thì con thể không giữ ngôi Chánh Giác.

7.Nguyện rằng nếu trong thế giới loài Súc-Sanh mà còn một kẻ chưa thành Phật, con thề không giữa ngôi Chánh Giác.

8.Nguyện rằng nếu trong thế giớ loài Ngạ-Quỷ mà còn một kẻ chưa thành Phật, con thề không giữ ngôi Chánh Giác.

9.Nguyện rằng nếu trong thế giới loài Địa-Ngục mà còn một kẻ chưa thành Phật, hoặc Địa-Ngục chưa trống không , thì con thề không giữ ngôi Chánh Giác.

10.Nguyện rằng trong Tam Giới nếu còn một kẻ đã từng quy y với con-dù là Trời, Người, A-tu-la, các loài bay ,lặn, động vật, thực vật, linh giới, rồng, súc sanh, quỷ,hoặc thần-mà chưa thành Phật, con thề không giữ ngôi Chánh Giác.

11.Nguyện hồi hướng, bố thí rộng khắp mọi phước lạc mà con đáng được hưởng cho tất cả chúng sanh trong Pháp Giới.

12.Nguyện rằng một mình con sẽ nhận chịu tất cả khổ nạn của chúng sanh trong toàn Pháp Giới.

13.Nguyện rằng con sẽ phân linh thành vô số để phổ nhập vào tâm của những chúng sanh không tin Phật Pháp, làm cho họ bỏ ác theo thiện, sám hối tội lỗi, biết tự sửa mình, quy ý Tam Bảo, rồi cuối cùng đều được thành Phật.

14.Nguyện rằng tất cả những chúng sanh thấy mặt con, cho đến chỉ nghe qua tên con, đều phát tâm Bồ-Đề, chóng đắc thành Phật Đạo.

15.Nguyện rằng luôn tôn kính điều Phật dạy và thực hành mỗi ngày ăn một bữa vào lúc giữa trưa.

16.Nguyện giác ngộ loài hữu tình, nhiếp thọ rộng khắp các loài có căn cơ.

17.Nguyện rằng trong đời này con sẽ đắc Ngũ Nhãn, Lục Thông, phi hành tự tại.

18.Nguyện rằng tất cả mọi cầu nguyện đều được thành tựu viên mãn.

Và cuối cùng:

Chúng sanh vô biên, thệ nguyện độ;

Phiền não vô tận, thệ nguyện đoạn;

Pháp-môn vô lượng, thệ nguyện học;

Phật Đạo vô thượng, thệ nguyện thành.”

 

PHẦN THỨ NHẤT: VẤN ĐÁP

PHÁ MÊ

Hỏi: Thật sự có vận mạng không? Con người có năng lực thao túng, sửa đổi số mạng chăng?

Đáp: “Quân-tử có pháp tạo mạng.

Mạng do ta lập, phước tự ta cầu.

Họa, phước không cửa,

Do mình tự vời.

Quả báo thiện ác,

Như bóng theo hình.”

Bậc quân-tử có thể sáng tạo, tự sửa đổi số mạng của mình. Người đời không hiểu, cho rằng mọi sự đều do trời định. Chỉ cần có lòng tin mạnh mẽ và có nghị lực, thì bạn có thể từ chỗ phàm-phu mà tiến lên quả-vị Phật ngay trong tích tắc-số mạng cải biến rồi vậy!

Hỏi: Động vật chết rồi có đầu thai chăng?

Đáp: Chúng cũng đầu thai tương tự như loài người vậy. Thí dụ như có người kiếp này là người Trung Hoa, kiếp sau là người Mỹ, kiếp sau nữa lại là người Nhật…,thì động vật cũng thế, cũng “di dân” y như vậy. Động vật cũng có tánh linh, và tánh linh của chúng cũng có thể luân chuyển; song tùy nơi nghiệp lực, hành vi và tư tưởng mà có sai biệt.

Hỏi: Đức Quán Thế Âm Bồ-Tát từ đâu lại?

Đáp: Bạn hãy tự hỏi bạn từ đâu lại!

Hỏi: Có gì khác biệt giữa việc cứu người, cứu quỷ và cứu ma?

Đáp: Hẳn nhiên là không có gì khác biệt, sao bạn còn hỏi?

Hỏi:Hiện tại đang lưu hành thứ Hiện Đại Thiền, các Thầy dạy cách “kết ấn”và nói rằng tu theo phương pháp này dễ được cảm ứng lắm. Chúng tôi có thể học thứ  Hiện Đại Thiền này không?

Đáp: Tôi là người cổ lão, chẳng hiểu được chuyện “ hiện đại”!

Hỏi: Đem giáo lý đạo Phật phổ vào điệu nhạc khúc ca như vậy có đúng phép không? Có người phê bình thì sao?

Đáp: Nếu đã sợ bị phê bình, chỉ trích, thì tốt hơn hết là  đừng làm bất cứ chuyện gì cả! Thử hỏi trong thiên hạ có chuyện gì tốt mà không bị phê bình? Nếu bạn sợ phê bình thì đứng làm; nếu chẳng sợ chỉ trích thì hãy phấn đấu tiến lên!

Hỏi: Song le có người phê bình tại sao không tìm điệu khúc trong Phật Giáo mà lại lấy nhạc thời đại để phổ khúc?

Đáp: Tám vạn bống ngàn pháp môn, môn nào cũng là số một, là hay nhất cả!

Hỏi: Ở đời thật có quỷ sao? Người sợ quỷ, hay quỷ phải sợ người?

Đáp: Bạn hỏi được vấn đề này hẳn nhiên bạn đã biết là có quỷ hay không rồi; cần gì phải hỏi nữa? Nếu trong tâm người có quỷ, thì người mới sợ quỷ. Trong tâm người nếu không có quỷ, thì  quỷ phải sợ người!

Hỏi: Làm sao để phá chấp trước và vọng tưởng?

Đáp: Ai cho bạn chấp trước? Ai cho bạn vọng tưởng?

Hỏi:Một số sinh viên trường University of California, San Francisco, đến thăm trường Đại Học Pháp Giới. Nghe nói Tỳ-khưu-ni phải thọ trì nhiều Giới Luật hơn Tỳ-khưu, có người hỏi: “ Như vậy phải chăng là nam nữ không bình đẳng?”

Đáp: Tôi phải nói thẳng cho các bạn rõ rằng: Xét cho cùng thì Tỳ-khưu-ni là đàn bà; mà đàn bà thì có thể sinh nở, còn đàn ông thì không. Như vậy thì các bạn hiểu rồi chứ?

Hỏi: Tại sao trong xã hội bây giờ đàn bà lại ở địa vị thấp ( thua đàn ông)?

Đáp: Ai nói là đàn bà bị thua kém? Đàn ông toàn thế giới ai cũng yêu đàn bà! Song, tôi chủ trương rằng “đàn bà không nên ăn giấm chua, đàn ông không nên ăn vụng mật ngọt”[1]; bởi hai điều này đều là gốc của tánh tham lam. Nếu đàn bà không “ăn giấm chua,” đàn ông không “ăn vụng mật,” thì vợ chồng nhất định sẽ hòa thuận, vui vẻ.

Hỏi: Xin hỏi về xá-lợi. Có người nói xá-lợi chỉ là viên đá; có kẻ nói một hạt xá-lợi có thể biến thành hai; lại có người đồn xá-lợi có thể biến mất. Xin Hòa Thượng giải thích cho.

Đáp: Xá-lợi có được là do con người tu hành, nghiêm trì Giới Luật-không sát sanh, không trộm cắp, và chủ yếu là không tà dâm. Không tà dâm thì “ bảo bối” nơi thân mình không bị tiêu hao mất; “bảo bối” này, tôi tin rằng các bạn đều biết rõ. Bởi vậy, trọng yếu là ở sự trì Giới Luật.Căn bản của sanh mạng chúng ta là vật gì, tôi không cần phải nhiều lời. Nếu các bạn có thể giữ Giới Không Tà Dâm, thì tự nhiên bạn sẽ có xá-lợi quang minh, xán lạn, kiên cố hơn cả kim cương!

Nói rằng xá-lợi một hạt biến thành hai hạt, đó chỉ là truyền thuyết. Bởi tôi chưa học qua môn Hóa-học, chưa làm thực nghiệm, chưa thí nghiệm xem xá-lợi như thế nào, nên chưa có kinh nghiệm.

Tôi chỉ có thể cho các bạn biết rằng nếu các bạn nghiêm trì Giới Luật thì các bạn sẽ có xá-lợi. Không trì Giới thì không có xá-lợi. Đây là việc không thể giả mạo, hay mạo xưng đặng. Đó là điều tôi hiểu!

Hỏi: Nói vậy, nếu muốn có xá-lợi thì chúng ta phải “thanh tịnh hóa” thân này?

Đáp: Đúng! Bạn phải sống độc thân, không được tiếp cận nữ giới. Nếu gần gũi nữ giới thì dù bạn có xá-lợi, e rằng xá-lợi ấy chỉ là thứ thủy –tinh!!!

Hỏi: Vậy thì nữ giới cũng không được tiếp cận nam giới?

Đáp: Đúng! Lý cũng tương đồng như trên. Do vậy trong đạo Phật mới có vấn đề độc thân, không kết hôn. Người xuất gia cần phải biết tự chế, không được loạn luân, Hễ loạn luân tức là không giữ Giới Luật. Người tu Đạo phải thông suốt quan điểm về vấn đề nam nữ; nếu không thông suốt tức là “ nhận lầm mắt cá là hạt ngọc.”

Hỏi: Giới Luật nhà Phật thật vô cùng nghiêm khắc. Như Hòa Thượng nói là “ không được tà dâm, không nên có tâm tham đắm sắc dục giữa nam nữ,” ắt hẳn sẽ có người phản đối: “ Như thế là không hợp nhân đạo!” Xin Hòa Thượng khai thị cho.

Đáp: Muốn học làm Phật thì chẳng thể vừa lòng người đặng. Bạn muốn học làm người thì phải học làm người tốt. Nói tóm lại, bạn muốn tu hành thì phải như thế đấy!

Hỏi: Người có bệnh đi khám bác sĩ, bác sĩ bảo cần phải uống thuốc. Song, thuốc thì giết vi trùng; như vậy có phải là phạm Giới Không Sát Sanh chăng?

Đáp: Bạn muốn trị lành bệnh; thuốc không phải là thứ bạn tự ý muốn uống, mà vì có bệnh nên bạn mới phải uống. Thuốc là do bác sĩ cho , chứ chẳng phải ý bạn muốn . Chẳng phải là bạn muốn giết bọn vi trùng kia, mà vì bọn chúng đến hại bạn. Tuy nói vậy, song nếu xét lại vấn đề một cách sâu xa, thì sở dĩ vi trùng xuất hiện nơi thân bạn là vì bạn có quá nhiều vọng tưởng. Chính vọng tưởng của bạn đã chiêu cảm bọn chúng lại; do đó, bạn nên “hồi quang phản chiếu,” tự soi xét lòng mìn, diệt sạch những “ vi trùng” của tự-tâm trước đi!

Hỏi: Trong Kinh dạy rằng kẻ niệm Chú Đại Bi thì “ toàn thân ác tật, tức thời tiêu trừ.” Song có nhiều người nói: “ Làm gì có chuyện đó! Chẳng lẽ bạn bệnh rồi niệm Chú Đại Bi thì hết bệnh sao?” Quan điểm ấy khác với ý Kinh; xin Hòa Thượng khai thị cho.

Đáp: Tâm thành thì linh nghiệm. Tâm chẳng chân thành thì niệm Chú không thể linh lặng. Nếu tâm bạn mà thành lkhẩn, thì niệm Chú sẽ linh ứng. Chú Đại Bi có thể làm cho:

“Giận dữ sanh hoan hỷ,

Chết rồi làm tái sanh.

Lời này nếu hư giả,

Tức chư Phật nói dối.”

Cho nên, nếu bạn sanh lòng tin tưởng thí nhất định sẽ có cảm ứng. Chú Đại Bi có thể trị tám vạn bốn ngàn chứng bệnh, song cần phải có thiện-căn. Người không có thiện-căn thì muốn niệm cũng chẳng niệm nổi, muốn trị bệnh cũng chẳng làm nên trò trống gì!

SÁM HỐI

Hỏi: Làm thế nào mới tiêu trừ được nghiệp chướng?

Đáp: Người nào có thể không bao giờ nổi nóng, giận dữ, thì mọi nghiệp chướng đều tiêu sạch trong chớp nhoáng. Khi sắp nổi giận, bạn nên nhẫn nại một chút; hãy nói với chính mình: “ Ráng chờ thêm một phút nữa,” bởi:

Nhẫn một tí, gió im sóng bặt,

Lùi một bước, biển lặng trời trong.

Hỏi: Có nhiều người bị bệnh, nói rằng đó là do cha, ông xưa kia tạo nghiệp, bây giờ con cháu gánh chịu quả báo. Vậy làm thế nào để tiêu trừ thứ nghiệp chướng này?

Đáp: “Ai ăn nấy no, tội ai nấy lãnh.”Tội lỗi, nghiệp chướng của cha, ông, bạn không phải nhận chịu. Bạn chỉ cần đừng tiếp tục tạo nghiệp nữa là đủ:

Những việc mình làm từ xưa,

Xem như đã chết theo ngày hôm qua.

Giờ đây những việc mình làm,

Thuộc về đời mới kể từ hôm nay!

Trời cao không đày đọa kẻ biết hối cải lỗi lầm. Chỉ cần mình thành tâm sám-hối, sửa đổi để làm một con người mới là được!

GIẢI NGHI

Hỏi: Nhà Nho nói nhân và nhà Phật nói từ bi. Các từ ngữ này có quan hệ với nhau ra sao?

Đáp: Nhân là lòng thương người, thương vật.Từ bi thì rộng nghĩa hơn:

Đối với người vô duyên, sanh lòng đại từ,

Xem mọi người cùng một thể, đó là đại bi.

Cho nên, từ bi bao hàm lòng nhân ở trong đó. Nhân còn gọi là “thiện chủng tử,” nghĩa là hạt giống làng không ngừng sanh trưởng trong trời đất. Nhân cũng được gọi là “ Phật Giới chủng tử,”tức là hạt giống của Giới Luật nhà Phật.

Hỏi: Thừa là gì? Đại Thừa và Tiểu Thừa khác nhau ra sao?

Đáp: Thừa là chiếc xe dùng để chở người. “Đại thừa” là chiếc xe lớn, chở được nhiều người; còn “tiểu thừa” là chiếc xe nhỏ, chở được ít ngưới hơn. Căn-tánh của mỗi chúng sanh đều khác nhau, xu hướng đều bất đồng; do đócó kẻ thích “ xe lớn,” có kẻ thích “ xe nhỏ”. Kỳ thật, đều là một chiếc xe mà thôi; không nên ở đây mà sanh tâm phân biệt.

Hỏi: Quả vị La-Hán và Bồ-Tát khác nhau ra sao?

Đáp: “La-Hán” và “ Bồ-Tát” đều là những tên gọi, bởi do trí huệ con người không giống nhau mà ra.Bồ-Tát thì muốn làm lợi ích cho kẻ khác, còn La-Hán thì chỉ tu trì cho riêng mình; song đó chẳng qua chỉ là một giai đoạn của con đường tu.Khi bạn còn là phàm-phu thì bạn không sao biết được cảnh giới của bậc La-Hán. Nếu bạn cứ tính lui tính tới, đoán thế này thế nọ, thì chỉ phí thời gian. Bạn tưởng tượng cảnh giới của Bồ-Tát ra sao? Và cảnh giới của La-Hán thì như thế nào? Bạn có tưởng tượng cách mấy cũng không thể nàođạt tới cảnh giới của họ được!

Giống như việc đi học vậy, chưa nhập học mà bạn cứ nghĩ: “ Sau khi tựu trường tôi sẽ học môn gì? Lên Trung-học tôi sẽ học những sách gì? Vào Đại-học tôi sẽ học ngành gì…???” Dù bạn tưởng tượng cách mấy, nếu không nỗ lực thì bạn sẽ chẳng bao giờ tốt nghiệp được! Bạn không cần phải lo nghĩ là sẽ học gì ở bậc Trung-học hay Đại-học; mà chỉ việc đều đặn cắp sách đến trường, ngày ngày chăm chỉ, siêng năng học hành.Tới ngày tới giờ, bạn sẽ học đặng môn đó, ngành đó, và tự nhiên hiểu biết mọi chuyện. Còn bây giờ đoán mò thì chỉ lãng phí tinh thần, mà cũng là “ăn no không có việc gì làm!”Cái gì đáng được thọ nhận thì thọ nhận; cái gì không nên thọ nhận thì không thọ nhận. Định có nghĩa là “bất động.” Hễ bạn “động” thì không phải là “định”;yên tĩnh mới là “định.” Sách Đại Học có dạy:

“Có ‘định’ rồi mới ‘tĩnh’,

Có ‘tĩnh’ rồi mới ‘an’,

Có ‘an’ rồi mới ‘tư lự,’

Có ‘tư lự’ rồi mới ‘đắc thành’.

Đó là học thuyết của Đức Khổng Tử về Định, Tĩnh, An, Lự, Đắc. Định cũng có nghĩa là Tam-Muội. Do đó, các bạn muốn học Phật Pháp, trước phải hiểu thế nào là Định.

Hỏi: Ông Tôn Trung Sơn ( Tôn Dật Tiên, cha đẻ nền Dân Chủ của Trung Hoa), có nói: “Phật Giáo là đạo nhân từ cứu thế. Phật Giáo là mẹ của Triết-học. Nghiên cứu Phật-học có thể bổ sung khiếm khuyết của Khoa-học.” Vì sao ông Tôn Trung Sơn phát biểu như vậy?

Đáp: Phật-học là thứ Khoa-học chân chánh. Do đó mấy ngàn năm về trước, lúc Khoa-học chưa phát triển, Đức Phật đã dạy: “ Phật quán trong chén nước có 84.000 vi trùng.Nếu chẳng trì Chú này thì uống nước cũng như ăn thịt chúng sanh vậy!”

Từ điểm này có thể biết được rằng lúc Đức Phật tại thế, dù chưa có kính hiển vi, kính phóng đại, Ngài đã biết là có 84.000 vi trùng trong ly nước. Thế mà, mãi đến ngày nay sự thật ấy mới được chứng minh! Vậy mới biết trí huệ của con người và của Phật khác nhau quá xa!

Ông Tôn Trung Sơn nói rằng “ Phật-học có thể bổ sung khiếm khuyết của Khoa-học.” Theo tôi nghĩ, Phật Học chẳng những có thể bổ sung chỗ khiếm khuyết của Khoa-học mà còn bao quát, gồm thâu cả Khoa-học; còn Khoa-học thì chẳng bao gồm được Phật-học. Khoa-học chỉ là một bộ phận của Phật Giáo. Bạn mở Tam Tạng Mười Hai Bộ Kinh ra thì sẽ thấy môn khoa học gì cũng nằm trong đó cả. Những việc mà Khoa-học hiện nay không hiểu thấu thì Kinh Hoa Nghiêm đã trình bày rõ ràng từ lâu rồi!

Hỏi: Trong Tâm Kinh có câu: “ Sắc tức thị không, không tức thị sắc.” Chữ sắc ở đây là ám chỉ sắc đẹp của phái nữ hay phái nam? Hay là ngụ ý gì khác ngoài sắc đẹp nam nữ? Xin Hòa Thượng khai thị cho.

Đáp: Sắc đẹp của cả nam lẫn nữ đều được bao hàm trong chữ sắc ấy. Trong chân –không thì có diệu-hữu, trong diệu-hữu thì có chân-không. Bởi chân-không mà chẳng “không” nên gọi là diệu-hữu; diệu-hữu mà chẳng “hữu” nên gọi là chân-không!

“Sắc tức thị không” nghĩa là đừng hướng ra ngoài mà tìm cầu. Sự sung sướng vốn có sẵn nơi tự tánh của bạn, đâu cần phải bám víu vào sắc tướng bên ngoài? Bởi nơi cái” không” cũng có sự an lạc chân chánh, do đó, “ sắc” cũng là “không”, mà “ không” cũng là “ sắc” vậy!

 

Sinh Hoạt  

 

Hỏi: Trong nhà chỉ có một người học Phật Pháp, vậy làm sao trừ được chướng ngại để khiến toàn gia theo Phật, bà con họ hàng đều hưởng được lợi ích của Phật Pháp?

Đáp: Bạn cứ thành tâm tu hành thì tự nhiên mọi người sẽ cảm động mà tin theo.

Hỏi: Nếu vợ chồng ly dị, phải chăng con cái chẳng thể nên người, thành tài được?

Đáp: Đúng vậy! Bạn chẳng thấy những trẻ em bụi đời, những trẻ em thuộc loại nan giải của xã hội sao? Lỗi lầm là do cha mẹ không làm tròn trách nhiệm dạy dỗ con cái. Vì giáo dục gia đình và giáo dục học đường không được phối hợp, hoàn toàn thất bại, do đó con em mới hư hỏng. Rồi chúng lại bị tivi và máy điện toán (cpmputer) khống chế, đoạt mất tự do của chúng. Xã hội Tây phương đâu đâu cũng đề xướng tự do. Song, theo tôi thấy thì đó chỉ là thứ tự do mù quáng, mê muội và lầm lẫn; một thứ tự do không có lý trí. Do đó, hoàn toàn chẳng có tự do!

Hỏi: Khi còn nhỏ, tôi bị cha mẹ đối xử rất tàn tệ. Như vậy họ có xứng đáng cho tôi hầu hạ hiếu thuận chăng?

Đáp: “ Thương cho roi cho vọt.” Đa số các bậc làm cha mẹ đều mong muốn con cái mình được nên người, thành tài. Chính vì muốn bạn trở nên người tốt, cha mẹ bạn mới phải trách mắng, đối xử khắt khe như thế.

Hỏi: Trong nhà tôi có rất nhiều gián, kiến, Đạo Phật dạy không nên sát sanh, vậy tôi phải giải quyết như thế nào?

Đáp: Bạn dọn dẹp, quét tước, lau chùi sạch sẽ, không để dơ dáy, thì tự nhiên không có gián bay, kiến lại chứ gì!

Hỏi: Theo đạo Phật thì có nên đốt tiền giấy, vàng mã hay không?

Đáp: Trước hết, các bạn nên cảnh giác: Bọn quỷ thật sự cần tiền sao? Bọn chúng dùng tiền để làm gì? Mua thức ăn, mua áo quần, mua nhà cao cửa rộng ư? Nếu quỷ mà cần tiền thì chỉ có bọn quỷ Trung Hoa là có tiền để tiêu xài vì được người ta đốt tiền giấy cho; còn ở Tây phương không có phong tục này thì chẳng lẽ bọn quỷ Tây đều trở thành quỷ nghèo hết sao? Đây rõ ràng là do bọn con buôn lợi dụng lòng mê tín của những kẻ thiếu hiểu biết, bày ra chuyện đốt tiền giấy, máy bay giấy, nhà lầu giấy… để trục lợi. Kỳ thực, tập tục này chẳng hợp luận lý, và cũng chẳng phải là một bộ phận bản hữu của đạo Phật!

Hỏi: Nếu lỡ để tên tuổi của mình nơi tà đạo thì thân tâm có bị ảnh hưởng gì không?

Đáp: Tâm của bạn mà chánh, không có tà vạy gì cả, thì ở đâu cũng chánh. Tâm của bạn mà tà vạy, thì đâu đâu cũng là chỗ tà.

Hỏi: Ở đời có nhiều chuyện phải tranh giành mới được. Nay Hòa Thượng dạy là phải “ không tranh, không tham, không cầu”, vậy xét cho cùng thì phải theo cái nào, bỏ cái nào?

Đáp: Tới lúc ăn cơm, thì bạn ăn cơm. Chưa tới lúc để ăn, thì bạn chẳng nên ăn!

Hỏi: Vì sao nhà Phật nhấn mạnh đến vấn đề  quả dục (ít dục vọng)?

Đáp: Bạn mà quả dục thì sẽ tri túc ( biết đủ). Hễ bạn tri túc thì sẽ được thường an lạc. “ Thường an lạc” tức là hết âu lo vậy!

Hỏi: Đức Phật dùng thái độ gì khi đối diện với nhân sinh?

Đáp: Từ, Bi, Hỷ,Xả.

Hỏi: Tham, Sân, Si từ đâu mà sinh ra? Do ác nghiệp đời trước hay do đời này chẳng chịu tu hành mà ra?

Đáp: Tất cả đều đúng. Nói tóm lại, bạn trừ được chúng là tốt lắm. Bạn hỏi gốc gác của chnúg, song chẳng chịu trừ chúng thì có ích gì?

Hỏi: Nếu con người không “ tham” thì xã hội làm sao tiến bộ? Không “ si” thì làm sao có hằng tâm[2]? Không “sân” thì làm sao có sức bi phẫn?

Đáp:Bạn đừng lầm lẫn nhé! Chấn-tác có nghĩa là làm cho tốt hơn, chứ không phải là tham lam. Đó là sự nỗ lực làm việc mà chẳng  có chút vọng tham, vọng cầu. Si là gì? Si tức là làm những việc ngu si như cờ bạc, chơi xổ số, đánh lô-tô, v.v…Sân tức là nổi  giận. Tất cả đều là những hành vi ngu si.

Hỏi: Tôi làm việc ở trại nuôi gá. Nhất thời chưa có cách đổi việc, vậy tôi phải làm sao để biến trại nuôi gà thành đạo tràng hầu siêu độ đàn gà đó?

Đáp:Bạn đang ở thế “ tiến thoái lưỡng nan.” Phương pháp tốt nhất là đứng nuôi gà nữa, mà hãy nuôi người!

Hỏi: Giả sử chúng tôi bị người ngoài sỉ nhục mà không có cách kháng cự, chúng tôi bèn áp dụng công phu nhẫn nhục mà nhà Phật chỉ dạy. Song, dưới cái nhìn của người ngoài thì chúng tôi bị xem là “ có tinh thần như A Q”[3].Vậy thì chúng tôi phải làm sao?

Đáp: Các bạn đừng để cho chuyện bên ngoài làm dao động. Đứng kể gì đến “A Q” hay “ chẳng phải A Q.” Không phải vì người ta nói thế này thế nọ rồi bạn mới nhẫn nhục. Bạn cần phải có lập trường, có tông chỉ của chính mình.

Hỏi: Con cái bất hiếu, đánh chửi cha mẹ, chúng tôi phải làm sao?

Đáp: Bị đánh thì chịu đựng đi thôi! Ai khiến bạn kiếp này sinh ra đứa con ấy? Giữa người với người có một mối quan hệ rất mật thiết. Có lẽ là kiếp trước bạn đã đánh đập cha mẹ bạn, do đó kiếp này mới phải chịu quả báo như vậy. Suy nghĩ như thế thì bạn sẽ giải tỏa được mọi ưu sầu!

Khi nổi tâm muốn “trả đũa,” bạn hãy niệm danh hiệu Đức Quán Thế Âm Bồ-Tát, thỉnh cầu Ngài dẹp tan oán khí trong lòng bạn. Song, le, bạn phải thật thành tâm mà niệm “ Nam mô Quán Thế Âm Bồ-Tát. Nam mô Quán Thế Âm Bồ-Tát. Nam mô Quán Thế Âm Bồ-Tát…” Thành tâm tất có cảm ứng. Thiếu nợ nhiều thì phải trả nhiều, thiếu ít thì trả ít!

XÃ HỘI

Hỏi:Nhiều Hoa-kiều ở Canada tỏ ra lo âu về tương lai. Có người hỏi: “ Có phải xã hội Tây phương đang xuống dốc, sa đọa?”

Đáp: Thì các bạn hãy nhìn xem con người trong xã hội sống ra sao. Nếu ai ai cũng ăn hiền ở lành thì quốc vận sẽ tốt đẹp. Nếu người dân ai cũng làm chuyện xấu xa thì đất nước ắt sẽ suy vong.

Hỏi:Làm sao để xã hội được an ổn, tốt đẹp?

Đáp: Phải từ nơi việc giáo dục mà tiến hành. Phải dạy cho con em biết hiếu thảo với cha mẹ, trung thành với tổ quốc.

Hỏi:Trước những tệ trạng xã hội như phá thai, đồng tính luyến ái, không kết hôn mà có con…nhiều người không khỏi đau buốn, ưu tư. Có kẻ hỏi: “ Trong bối cảnh tệ hại như vậy của xã hội, kẻ làm cha mẹ phải làm sao để giáo dục con cái và giáo dục chính mình?”

Đáp: Bạn đưa ra câu hỏi này thật hay lắm! Xã hội ngày nay tệ hại như vậy là vì “ cha không ra cha, mẹ không ra mẹ.” Họ sinh con đẻ cái không phải vì chú trọng con cái mà chỉ vì ham vui, thích thú nhục dục-chỉ biết đẻ chứ không biết dạy! Sau khi kết hôn, nếu thấy không thích hợp thì liền ly dị; kết quả là con cái phải chịu cảnh thiếu cha ,mất mẹ.

Ở Mỹ, luật pháp có quy định là sau khi cha mẹ ly hôn thì con cái phải luân phiên ở với cha va mẹ chúng. Do đó, con cái đôi khi một tuần thì ba ngày ở với cha, bốn ngày về với mẹ. Khi ở với cha thì chúng nghe cha chỉ trích, nói xấu mẹ; lúc về với mẹ thì chúng lại nghe mẹ chê trách, nói xấu cha. Thế nên, kết quả là khiến cho con cái nghĩ rằng cha mẹ chúng đều xấu cả, và chúng bắt chước xấu theo luôn. Chẳng có ai quan tâm đến chúng cả, do đó chúng mới đi hút ma túy, làm việc ác, phá hoại. Con trai thì bị con gái bỏ rơi, con gái thì bị con trai ruồng rẫy, nên hai bên đi vào hai hướng cực đoan-trai và gái đều học cách đồng tính luyến ái! Đây chíng là thứ hành vi làm mất nước, diệt chủng, chẳng phải đạo làm người.

Ở Mỹ, tôi cũng đã từng nói y như vậy. Tất cả đều là do vợ chồng không tròn bổn phận của vợ chồng, cha mẹ chẳng hoàn thành bổn phận của cha mẹ! Nếu những bậc làm cha mẹ có thể nói theo tấm gương sáng của bà mẹ ngài Mạnh-Tử xưa kia, uôn luôn quan tâm đến con cái, hết lòng dạy dỗ con cái, thì thế giới tất chẳng có vấn đề gì cả.

Phá thai là một vấn đề vô cùng nghiêm trọng. Phá thai là một trong những nhân tố chính đưa tới tình trạng thế giới hiện nay đầy những bệnh nan y ngặt nghèo. Những đứa trẻ bị phá thai mà chết suy nghĩ rằng: “ Mày làm tao chết sớm thì tao cũng không để cho mày sống yên thân đâu!” Do đó mà có nhiều chứng bệnh nan y, quái gở như thế phát sanh.

Hỏi: Trong báo thường có đăng quảng cáo “ cúng dường anh-linh, cô-hồn.” Anh-linh, cô-hồn có thể nhận cúng dường sao?

Đáp: Không thể nói “ cúng dường” anh-linh, bởi chúng không phải là Tam Bảo-Phật, Pháp, Tăng.Nếu nói “ cúng dường” anh-linh tức là rơi vào tà kiến. Phải nói là “ siêu độ” anh-linh mới đúng.Tuy nhiên, việc siêu độ rất khó, bởi vì oán cừu đã tạo với lũ anh-linh ất rất sâu. Đó là “ nợ máu thì phải trả bằng máu.” Song le, nếu bạn gặp được bậc chân chánh tu hành không tham lam tiền tài, thì bạn có thể gặp cơ hội siêu độ bọn chúng.

Hỏi: Đài Loan xưa kia nguyên là một xã hội rất tốt đẹp, đàng hoàng. Ngày nay, người ta bị mê hoặc bởi chuyện đánh lô-tô, mua cổ phiếu, chơi cờ bạc…khiến cho xã hội Đại Loan ai ai cũng theo “ chủ nghĩa thờ tiền”. Vậy Đài Loan phải làm gì để cải thiện hiện tượng đó?

Đáp: Mọi người nên học cách “ ngu ngốc” một tí! Bởi vì thú cờ bạc, đánh lô-tô, chơi cổ phiếu…là của những kẻ quá sức “ thông minh”-họ muốn không cần làm lụng mà vẫn có thể thu hoạch, không cần canh tác mà vẫn có thể trúng mùa, thâu hoa lợi. Đó là phong khí ngược đời!

Hỏi:Có pháp môn phương tiện gì để khuyên giải những kẻ chuyên lấy việc giết gà giết vịt làm kế  sinh nhai?

Đáp: Phàm lẽ, hễ xưa trót tạo tội, nay đã biết lỗi lầm thì phải sửa đổi, không nên tái phạm. Có câu rằng:

“Có tội mà biết sửa,

Tội liền biến thành không.”

Chư Bồ-Tát không thấy chúng sanh có tội lỗi. Chính mình phải tự nguyện thọ trì Giới Luật. Chư Phật và chư Bồ-Tát tuyệt đối chẳng bao giờ bày mưu thiết kế hãm hại chúng sanh, làm chúng ta đọa địa ngục cả. Khi xưa nếu bạn đã phạm Ngũ Giới, nay đừng tái phạm nữa là đủ:

Những việc mình làm từ xưa,

Xem như đã chết theo ngày hôm qua.

Giờ đây những việc mình làm,

Thuộc về đời mới kể từ hôm nay!

Có người giải thích chữ nhục, nghĩa là thịt, như sau:

Chính chúng sanh lại ăn thịt chúng sanh,

Ngẫm cho kỹ thì là người ăn người!

Tại sao nhất định phải dựa vào việc sát sanh để duy trì sự sống của mình chứ?

Hỏi: Có một tín đồ rất dũng cảm đã đứng lên mà thừa nhận ngay giữa thính chúng rằng: “ Tôi là một hung thủ, phạm pháp đã chín năm rồi. Giờ đây, cảm thấy một cách sâu sắc rằng tội mình quá nặng nên tôi muốn tu hành. Song, làm sao để tiêu trừ nghiệp chướng?”

Đáp: Tội nặng thì cô cần phải sanh lòng đại tàm quý ( hổ thẹn) mà sám hối trước chư Phật; bởi:

Tội lỗi tựa như sương băng,

Mặt trời là Phật chiếu tan sạch sành!

Cô ta hỏi tiếp: “ Tội lỗi của tôi quá sức nặng nề, vậy phải làm thế nào để mau được tiêu trừ?”

Đáp: Đảnh lễ chư Phật, tội diệt như số cát sông Hằng. Song le, cô cần phải thành tâm mà sám hối.

Hỏi:Nghe nói đạo Phật dạy rằng việc phá thai là sai lầm, song vì tôi không biết nên trước kia có lỡ phá thai. Vậy sau này phải làm gì để chuộc lại lỗi lầm đã tạo?

Đáp: Lỗi lầm mà có thể hối cải, không tái phạm, thì thật là không còn gì lành hơn!

Tội lỗi dẫu lớn tày trời,

Nếu biết sám hối tội thời tiêu tan!

 

TU HÀNH

Hỏi: Người xuất-gia và tại –gia tu hành có gì khác biệt?

Đáp: Người xuất-gia thì làm quyến thuộc của Phật. Kẻ tại-gia thì chưa chính thức gia nhập vào dòng họ của Phật. Người tại-gia cũng không có quy củ nghiêm ngặt lắm, như là vẫn được phép kết hôn, Người xuất-gia thì phải sống độc thân, “ thanh tâm quả dục đoạn dục khử ái.”

Hỏi: Người tại-gia thì làm sao tu hành? Có phương pháp tu hành nào tốt nhất đối với chúng tôi, những kẻ phải lo tìm thì giờ để tu tập trong cuộc sống quá bận rộn này chăng?

Đáp: Phương pháp tốt nhất là đừng nóng giận, đừng cãi lẫy với chính mình, trong lòng đừng khởi chiến tranh. Không nên ngoài mặt thì tu hành mà trong lòng lại chẳng như vậy, cứ luôn cãi vã ở trong tâm.

Hỏi: Đức Khổng-Tử có 3.000 học trò; trong số đó có 72 vị tinh thông lục nghệ. Trong xã hội hiện tại, phải như thế nào mới đáng gọi là “ con người hoàn toàn?”

Đáp: “ Có đức mới có phú quý thật,

Không đức thì là thứ nghèo hèn.”

Nền tảng của “ con người toàn thiện’ là ở sự thực hành Ngũ Giới-Không sát sanh, không trộm cắp, Không tà dâm, Không nói dối, Không rượu chè, hút xách.

Hỏi:Người tại-gia cũng có thể trở thành “con người toàn thiện”sao?

Đáp: Bất luận là tại-gia hay xuất-gia, ai ai cũng có thể tu hành thành bậc toàn thiện được cả!

Hỏi: Tu Pháp Nhập-Thế và Pháp Xuất-Thế cần có thứ tự như thế nào?

Đáp: Đạo làm người phải viên mãn rồi thì mới có thể thành tựu đạo làm Phật-các bạn không thể đốt giai đoạn được. Đạo làm người còn dở dang, thì cũng như xây nhà mà nền móng không kiên cố, vững chắc-rất khó mà tu thành Phật Đạo!

Hỏi: Chúng tôi chưa hiểu thế nào là “sắc tức thị không, không tức thị sắc.” Kính xin Hòa Thượng chỉ điểm, phá mê cho.

Đáp: Sanh ở nơi “sắc”[4], mà chết cũng ở nơi “sắc”-chỉ có như vậy thôi. Nếu bạn không nhìn thông thấy suốt, thì bạn cũng sẽ sinh ra nơi “sắc”, rồi chết ở nơi “ sắc” mà thôi!

Hỏi:Giữa “ tự độ” và “độ tha” thì cái nào nặng hơn?Cái nào phải làm trước?

Đáp: Cả hai thứ chẳng có nặng, nhẹ gì cả-chúng chỉ là một thứ mà thôi. Tự độ tức là độ tha-cứu vớt người khác cũng là cứu vớt chính mình. Bạn phân biệt có nặng có nhẹ là nhầm lẫn đấy!

Hỏi:Ngoại trừ xuất-gia tu hành ra, còn có con đường hoặc phương pháp nào khác để tu thành Phật ngay trong đời này chăng?

Đáp:Hút thuốc phiện xong, bạn có cảm giác khoái lạc ngay tức khắc. Song le, một khi đã thích rồi thì bạn sẽ nghiện thuốc, và sẽ cảm thấy khổ sở vô cùng nếu bị thiếu thuốc hút. Muốn thành Phật, bạn cần phải “ cước đạp thực địa” ( chân bước trên đất chắc thật), nghĩa là bạn phải thật sự tu hành, hết lòng hết sức hành trì. Bạn chớ rình tìm cơ hội để thủ lợi hoặc dùng thủ đoạn gian dối, bởi những việc ấy là sai lầm vô cùng.

*Một đệ tử vô cùng bứt rứt,hỏi: “ Làm sao để đoạn trừ lòng dâm dục, bao gồm ý niệm dâm?”

Đáp: Hễ không nghĩ tới nó, thì nó đoạn thôi! Cứ nghĩ tới nó hoài thì làm sao đoạn được? Hễ “ niệm khởi thì phải giác ngộ nó; giác ngộ thì niệm liền không” thôi!

*Có một đệ tử hỏi: “ Tụng kinh gì hoặc tu pháp gì thì mau thành Phật nhất?

Đáp:Hãy tụng bộ kinh “Đừng Nóng Giận,” kinh “Đừng Tức Tối,” và kinh “Đừng Chưởi Mắng.” Tụng ba bộ kinh này thì mau thành Phật nhất!

Hỏi: Dùng cách gì để khống chế, khắc phúc lòng dâm dục, sợ hãi và hoài nghi?

Đáp: Đừng ăn thịt, đừng ăn hành, đừng ăn tỏi, đừng ăn những thức có tánh chất kích thích; và hãy quán tưởng: “ Tất cả người nam là cha tôi, tất cả người nữa là mẹ tôi”- được như vậy thì lòng dâm dục sẽ chẳng thể nảy sinh.Do có ưu sầu nên có sợ hãi. Không có ưu sầu thì không sợ hãi. Không có lòng ích kỷ thì cũng không có sợ hãi. Hễ không tranh, không tham, không cầu, không ích kỷ, không tự lợi, không nói dối, thì tự nhiên không cần phải sợ sệt gì cả! Vì sao có lòng hoài nghi ? Bởi chẳng có tín tâm! Bán tín bán nghi nên mới đâm ra ngờ vực. Kinh Hoa Nghiêm dạy:

“Tín vi Đạo nguyên công đức mẫu.”

Nghĩa là:

“Đức tin là nguồn Đạo,

là mẹ của mọi công đức.”

Tin tưởng ở trí huệ bản hữu của tất cả chúng sanh; đó tức là không hoài nghi.

Tụng rằng:

“Ngày ngày luôn nói thật,

Chẳng sợ bị chưởi, đánh,

Giết ta, ta chẳng sợ,

Giải thoát, nào quái ngại!”

“Ngày ngày luôn nói thật”: Mọi ngày đều nên nói lời chân thật, đứng dối trá.

“Chẳng sợ bị chưởi, đánh”: Hãy thẳng thắn mà nói lời chân thật. Dù bị đánh bị mắng, bạn vẫn cứ nói thật.

“ Giết ta , ta chẳng sợ”: Cho dù có kẻ giết bạn, bạn cũng đừng sợ sệt. Sợ gì chứ?

“ Giải thoát, nào quái ngại!”: Được chân chánh giải thoát thì có gì mà quái ngại, có gì mà phải sợ hãi chứ?

Hỏi: Đang lúc tu hành bỗng dưng sinh lòng kháng cự, do đó tạo thành chướng ngại. Vậy phải làm sao để đối trị?

Đáp: nếu cọp tới ăn thịt bạn, phải chăng bạn cũng đòi ăn thịt cọp? “ Kháng cự” là như thế- bạn có thể làm như thế chăng?

Hỏi:Trong lúc tịnh tọa, nhiều khi tôi thấy trong đầu xuất hiện cái mà người ta gọi là “huyễn tướng.” Xin Hòa Thượng giải thích hiện tượng đó cho.

Đáp: Các hiện tượng ấy đều là giả dối, không thật. Những gì mà các bạn thấy thì đều thuộc về năm mươi thứ cảnh giới biến hóa  được giảng rõ trong Kinh Lăng Nghiêm. Nếu các bạn nhận đó là chỗ thành tựu thì đáng thương xót lắm!

Hỏi: Chúng tôi làm thế nào để khôi phục bổn- tánh của chính mình?

Đáp: Việc này thì rất dễ, song le, cũng rất khó. Muốn khôi phục trí huệ, quang minh của bổn tánh thì trước nhất là phải giảm bớt dục niệm, tức là cần phải quả dục. Dục vọng mà giảm bớt thì trí huệ liền hiện tiền. Dục  vọng mà dẫy đầy thì trí huệ chân chánh không thể hiện tiền được. Cho nên, “ lọc tâm, ít dục; giảm dục, biết đủ” chính là bước đầu tiên của việc tu Đạo. Nếu bạn có thể thanh lọc tâm trí, giảm bớt dục vọng, thì trí huệ quang minh bản hữu của bạn sẽ xuất hiện.

Hỏi: Nhà Phật nói “ Sáu Căn thanh tịnh” là nghĩa gì?

Đáp:”Sáu Căn thanh tịnh” tức là: Mắt nhìn thấy hình sắc nhưng không bị sắc-trần làm dao động, tai nghe âm thanh nhưng không bị thanh-trần làm dao động, mũi ngửi mùi hương nhưng không bị hương-trần làm dao động, lưỡi nếm mùi vị nhưng không bị vị-trần làm dao động, thân không bị xúc-trần làm dao động, và ý cũng không bị xúc-trần làm dao động-không bị cảnh giới làm lay chuyển tức là Tam-Muội, cũng họi là Định.

Định không hẳn là phải ngồi Thiền mới có; mà đi, đứng, nằm ,ngồi, đều có thể ở trong Định. Người ở trong Định không phải như khúc gỗ hay bùn đất, cái gì cũng không biết; mà trái lại, kẻ có Định thì hiểu biết mọi thứ nhưng không bị chúng làm lay chuyển. Đó chính là “ người có thể chuyển hoàn cảnh, chứ không để hoàn cảnh lay chuyển người” vậy!

 

CHÍNH CUỘC

*Một Hoa-kiều ở Hawaii hỏi: “ Làm thân kiều-bào ở hải ngoại, thấy tình huống người dân Trung Hoa thật bi đát, tôi thường sanh lòng cảm thán bởi thương nước mà không biết làm sao giúp. Xin hỏi có phương pháp gì để giúp đồng bào Trung Hoa ở quê nhà?

Đáp: Cố gắng hết sức mà làm việc lành. Tận tâm dốc lòng là đủ rồi. Không nên có tâm chỉ biết giúp đỡ người Trung Hoa, hoặc người này người nọ mà thôi. Hễ thấy ai gặp cảnh khốn khổ, gian nan, thì mình đều phải hết lòng hết sức mà giúp đỡ, cứu vớt. Điều quan trọng là bạn đừng nên nổi giận. Nếu bạn có thể sửa đổi tâm tánh, tật xấu, để trở thành một người tốt, thì đó chính là giúp ích cho người Trung Hoa rồi vậy. Bạn là một phần tử của dân tộc Trung Hoa, do đó, nếu bạn làm chuyện gì cũng đàng hoàng, chánh đáng, tức là bạn làm cho chánh-khí của đất nước Trung Hoa được gia tăng thêm một phần vậy.

Hỏi: Nghe Hòa Thượng nói rằng vận mạng của người dân Trung Hoa khi suy hoại đến cực điểm thì sẽ chuyển thành tốt đẹp. Vậy phải chờ bao lâu nữa thì việc đó mới xảy ra?

Đáp: Tất cả mọi sự đều do tâm con người mà ra. Hãy chờ xem người dân Trung Hoa sẽ làm gì!

*Những Hoa-kiều sống tại Mỹ đều quan tâm đến tình hình nước Trung Hoa hiện nay; có người hỏi: “Đại Lục và Đài Loan phân chia đã lâu, hiện tại nhiều người lo âu rằng hoặc là Trung Cộng sẽ xuất binh, dùng võ lực để thống nhất Đài Loan, hoặc là Đài Loan tự độc lập. Nếu có chuyện xảy ra như vậy thì chắc chắn người Trung Hoa sẽ tàn sát lẫn nhau, đó là điều mà không ai mong muốn. Xin hỏi có biện pháp tốt đẹp nào đối với tình huống này chăng?”

Đáp:Nếu cả hai bên ai ai cũng hiền hòa, thân ái, thì sự việc sẽ được giải quyết tốt đẹp ngay, cẳng cần phải đấu tranh gì cả. Thật giản dị!

Khi tôi tới Đài Loan lần đầu tiên thì Đài Loan đang ở vào giai đoạn chíng cuộc nóng bỏng. Bấy giờ có người hỏi tôi rằng Đài Loan tương lai có sáng sủa, tốt đẹp chăng, và sẽ có gì nguy hiểm hay không. Lúc đó có một cư sĩ vì sợ tôi trả lời sai thì bị ngồi tù, nên nạt người đặt câu hỏi rằng: “ Sao anh lại hỏi câu như thế?” ; làm người đặt câuhỏi ấy rất bực mình. Tôi bèn trả lời rằng: “ Thật giản dị lắm, không có gì đáng kể! Đây là một câu hỏi rất dễ trả lời. Nếu tâm địa người Đài Loan tốt lành, thì Đài Loan sẽ không gặp vấn đề gì rắc rối. Nếu tâm địa người Đài Loan mà gian dối, xảo trá, ai nấy đều làm những chuyện phạm pháp, trái đạo lý, thì Đài Loan sẽ gặp hiểm nguy. Cho nên cần phải xét coi bản thân người dân Đài Loan ra sao, làm gia trước đã!”

 

HỌC PHẬT

Hỏi: Mỗi khi tụng Kinh hay niệm danh hiệu Phật, tôi thường có cảm giác thân thể rất nóng, thậm chí tưởng chừng như toàn thân trương phình lên. Phải chăng hiện tượng này là do những thứ trùng nơi tự-tánh đang bừng sống dậy?

Đáp: Những thứ trùng nơi tự-tánh mà bạn nói đấy hình thù như thế nào? Chúng là đen,trắng, hay vàng?

“Phàm hễ có tướng, đều là hư-vong”; vậy bạn chấp trước vào chúng để làm gì? Bởi vì lòng bạn khẩn trương nên mới có tình trạng như thế. Nếu bạn thư thái, không khẩn trương, không cố ý vẽ vời , ắt chẳng có thứ phiền não này!

Hỏi:Niệm Phật mà tâm cứ tán loạn, vậy phải làm sao để điều phục?

Đáp:Niệm cho nhiều thì không còn tán loạn nữa! “ Niệm trong một ngày, hai ngày, ba ngày, bốn ngày, năm ngày, sáu ngày, hoặc bảy ngày, một lòng không tạp loạn…” Bạn không niệm thường xuyên thì tâm tán loạn là chuyện đương nhiên!

Hỏi: “Phát nguyện” và “ khởi vọng-tưởng” khác nhau ra sao?

Đáp:Vọng-tưởng tốt thì không ngại khởi nó. Song, nếu là vọng-tưởng xấu thì phải tiêu diệt nó đi! Lập những nguyện lợi người thì dù là vọng-tưởng cũng không sao: nhưng nếu là nguyện tự lợi thì không tốt!

Hỏi:tại sao đạo Phật đề xướng ăn chay?

Đáp: Người ăn chay thì dục niệm nhẹ. kẻ ăn mặn thị dục niệm nặng nề. Có tôn giáo cho rằng động vật được sanh ra là để cho loài người ăn, cho nên ăn mặn là một việc hợp lý trời đất. Song le, Phật Giáo đề xướng tinh thần “ mọi vật đều cũng một thể, đó gọi là Đại Bi,” và xem mọi loài chúng sanh đều có Phật-tánh, đều sẽ thành Phật; cho nên chủ trương giới sát, phóng sanh.

Hỏi: Vì sao đạo Phật không đề xướng hưởng thụ?

Đáp: “ Chịu khổ thì hết khổ,

Hưởng phước thì hết phước.”

Tiền gởi trong ngân hàng mà bạn không tiêu xài thì vĩnh viễn vẫn còn là của bạn. Nếu tiêu xài, vui chơi, nhậu nhẹt, thì tiền để dành ở ngân hàng sẽ chóng hết lắm!

Hỏi:Có ngườinói Chú Lăng Nghiêm chỉ được tụng vào kỳ ăn chay, lại có kẻ nói chỉ được tụng trước bảy giờ sáng; như vậy thì thế nào mới đúng?

Đáp:Lúc nào, giờ nào cũng có thể trì tụng Chú Lăng Nghiêm được cả! Không nên sanh tâm phân biệt về thời gian. Bởi, thí dụ ở Mã Lai là buổi sáng thì ở Mỹ lại đang là buổi tối; vậy làm sao có thể vạch nên giới hạn tuyệt  đối được? Kẻ học Phật cần phải phá trừ chấp-trước, quét sạch mọi pháp, xa lìa mọi tướng, không nên càng học lại càng mê muội!

Hỏi:Có người nói rằng phụ nữ có thai mà tụng Chú Lăng Nghiêm thì có thể bị sẩy thai, có thật vậy chăng?

Đáp:Nói nhảm đấy!

Hỏi:Tôi muốn học thuộc lòng và am hiểu ba bộ kinh là Kinh Lăng Nghiêm, Kinh Hoa Nghiêm và Kinh Pháp Hoa. Vậy nên học bộ nào trước?

Đáp:” Pháp đây bình đẳng, chẳng có cao thấp.”Học bộ nào trước cũng được.Bạn cứ nghĩ không biết phải học  bộ nào trước thì đó chính là một thứ vọng-tưởng rồi đấy!

Hỏi:Phật Pháp không rời Thế Gian Pháp. Làm sao áp dụng Phật Pháp vào đời sống hằng ngày một cách viên mãn nhất?

Đáp: Đừng tranh giành, đừng tham lam, đứng cầu cạnh, đừng ích kỷ, đừng tự lợi, đừng dối trá!

Hỏi:Phải chăng mỗi khi tụng Kinh xong thì nhất định phải hồi-hướng?

Đáp: “Hồi-hướng” chính là một thứ chấp-trước, mà “không hồi-hướng” cũng là chấp-trước. Phàm hễ có chấp-trước thì không tương ưng với Phật Pháp được!

Hỏi:Phật-tánh xưa nay gốc thanh tịnh, vậy vô-minh từ đâu ra?

Đáp:Vô-minh từ nơi ái tình mà ra. Vô minh chính là một tên khác của ngu si.

Hỏi:Làm thế nào để phân biệt được người nào đúng là bậc Minh-sư chân chánh?

Đáp:Muốn phân biệt được  ai là bậc Minh-Sư chân chánh thì hãy xét xem họ có tâm tranh, tâm tham hay không, xem họ có phải là kẻ ích kỷ, ưa tự lợi hay không; xem họ có phải là người hay nói lời dối trá rồi lại chối quanh, gọi đó là “thiện xảo phương tiện” hay không. Nếu họ là người như thế mà lại còn tự xưng là Thiện-Tri-Thức, thì họ quả là những kẻ không hiểu đúng, sai, phải, trái rồi vậy!

Hỏi:Phải chăng chư Phật và chư Bồ-Tát có thể gánh nghiệp giùm chúng sanh?

Đáp:Nếu bạn có lỗi mà biết sửa đổi, thì chư Phật và chư Bồ Tát quả thật có năng lực gánh nghiệp giùm bạn, để bạn được vô tội. Song, nếu bạn có lỗi mà không sửa, cứ chuyên môn ỷ lại vào chư Phật và chư Bồ-Tát, muốn nhờ các Ngài gánh vác nghiệp tội giùm, thì chẳng thể được đâu!

Hỏi:Kinh dạy: “ Tự quy y Phật, đương nguyện chúng sanh, thể giải đại Đạo, phát Vô Thượng Tâm. Tự quy y Pháp, đương nguyện chúng sanh, thâm nhập Kinh Tạng, trí huệ như hải. Tự quy y Tăng, đương nguyện chúng sanh, thống lý đại chúng, nhất thiết vô ngại.Hòa nam Thánh chúng.”Là kẻ xuất-gia thì phải “thống lý đại chúng,” làm chuyện gì cũng phải phù hợp với đạo Phật mới đúng. Song, con người chẳng thể toàn thiện, toàn mỹ được. Dầu sao thì kẻ xuất-gia cũng vẫn là con người, nếu bản thân chưa giữ thanh quy giới luât cho hoàn hảo được, thì đến khi “ thống lý đại chúng” chẳng phải là sẽ lãnh đạo chúng sanh một cách sai lệch sao?

Đáp: Trên thế gian, có tốt thì có xấu. Có kẻ tu hành, thì cũng có kẻ chẳng tu hành. Có lẻ chân chánh hành trì Phật Pháp; song, cũng có kẻ thừa cơ dựa vào đạo Phật để kiếm áo mặc, lợi dụng Phật để có cơm ăn, lại còn dùng đạo Phật để làm chuyện bán buôn, kiếm chác lợi lộc. Đó là tình trạng “ngọc châu bị trộn lẫn với mắt cá,” Rắn rồng, vàng thau lẫn lộn.Do đó phải coi thử các bạn có Trạch Pháp Nhãn[5] hay không-có Trạch Pháp Nhãn thì bạn sẽ nhận biết được ai thật , ai giả, không có Trạch Pháp Nhãn thì bạn sẽ “nhận lầm kẻ giặc là con đẻ,” lấy đau khổ làm khoái lạc, điên điên đảo đảo, không phận biệt được đâu là trắng, đen, chân, ngụy.

Hỏi:Trong nhà có tượng Phật mà chưa được khai quang thì có thể lễ lạy chăng?

Đáp:Vấn đề không phải ở chỗ tượng Phật “đã được khai quang” hay “ chưa được khai quang,” mà là coi xem tâm bạn có hay chẳng có chấp-trước! Lòng bạn không có chấp-trước thì tượng Phật lúc nào cũng là khai quang rồi. Nếu lòng bạn mà chấp-trước thì tượng Phật dù đã được khai quang song cũng chẳng khác gì chưa được khai quang!

Hỏi: Kinh Phật dạy rằng:’ Tự-tánh là Phật, người người đều có thể thành Phật.” Xin hỏi, nếu “ bản thân ta tức là Phật,” thì tại sao chúng tôi phải thường xuyên lạy Phật?

Đáp:Người ta nói “ bản thân ta tức là Phật,” không phải là nói về cái thân thể này mà là chỉ tự-tánh của nó. Nếu bạn muốn thành Phật, thì bạn nhất định phải tu hành, nhất định phải thấu rõ đạo lý này, và phải biết làm sao để thành Phật; chứ chẳng phải chỉ nói “ bản thân ta tức là Phật,” rồi thành Phật đặng! Như bạn đi học, muốn đậu Tiến-sĩ chẳng hạn; bạn chẳng thể muốn suông mà đỗ đạt được! Bạn cần phải học từ Tiểu-học, lên Trung-học, vào Đại-học, rồi sau đó mới có thể đạt bằng Tiến-sĩ. Cũng vậy, bạn chẳng thể vừa nói thành Phật là được thành Phật ngay tức khắc; chẳng thể tự phong mình làm Hoàng-đế là mình liên thành Hoàng-đế. Chẳng thể nào có chuyện như vậy được!

Tương tự như trường hợp ông Bồ-Tát bằng đất mà vượt biển, tất sẽ bị nước làm cho tan rã-tự mình bảo vệ thân mình còn không xong thì làm sao có thể hóa độ người khác được?

Bạn nhất định phải tu hành cho có nền tảng vững vàng trước, đến lúc nào bạn “ vào nước mà không bị chìm, vô lửa mà chẳng bị thiêu cháy,” thì khi ấy bạn mới có tể giáo hóa chúng sanh mà không bị danh lợi làm cho mê hoặc, lay chuyển. “ Nước” tức là gì? Tức là tiền tài. “ Lửa” tức là gì? Tức là danh vọng. Danh và lợi tức là “ nước” và “lửa”. hễ nghe tới danh vọng thì chẳng thể lìa xa, trông thấy lợi lộc thì ngủ không yên giấc-những kẻ như vậy mà thành Phật thì thật là phi lý! Phật là bậc chẳng háo danh, cũng chẳng có vị Phật nào háo lợi cả. Tôi nói như vậy hẳn có nhiều người không thích nghe, song, đó là những điều mà tôi muốn nói!

Hỏi:Hòa Thượng từng nói rằng: “Hiện tại chúng ta không minh ngộ tự-tánh được là vì chúng ta bị nhiễm ô bởi trần-ai, Ngũ dục của cõi Ta-Bà.” Xin giải rộng nghĩa.

Đáp:” Nhiễm-ô” tức là những tạp niệm trong tâm bạn. Bạn muốn giàu, đó là nhiễm ô, bạn muốn cầu danh, đó cũng là lòng nhiễm ô; bạn muốn truy đuổi người yêu, đó lại cũng là lòng nhiễm ô; bạn muốn ăn ngon, đó cũng là nhiễm ô; đều là chẳng thanh tịnh.

Tự-tánh vốn dĩ thanh tịnh, chỉ vì bạn thêm thắt những thứ này nên tự-tánh bị ô nhiễm, và quang minh của tự-tánh do đó chẳng thể xuất hiện được. Mọi người ai cũng có Phật-tánh, ai cũng có thể thành Phật-tất cả chúng sanh, không ai là chẳng thể thành Phật. Bất luận bạn thuộc vào loại chúng sanh nào, bạn cũng đều có cơ hội thành Phật; vấn đề là bạn có chịu tu hành hay không mà thôi-bạn tu thì bạn sẽ thành Phật, bạn không tu thì bạn chẳng thể nào thành Phật được.

Hỏi:Tôi xem kinh Phật có dạy rằng: “ Muốn vãng sanh Tây phương thì cần phải phát  nguyện.” Vậy cần phải phát nguyện như thế nào?

Đáp: Phát nguyện là vì e rằng ý chí không vững vàng, cho nên phát nguyện tức là giúp cho ý chí thêm kiên cố. Chí muốn làm Thánh Hiền thì mới làm đặng bậc Thánh Hiền ; chí hướng về anh hùng hào kiệt thì mới trở nên anh hùng hào kiệt; chí là Phật, Bồ-Tát thì mới thành Phật, thành Bồ-Tát được. Chí tuy lập song vì sợ ý chí không kiên cố, do đó mới phát thêm nguyện.

Phát nguyện là biểu thị mình quyết tâm muốn làm như thế, không hối hận, không thối chuyển. Bạn phải làm sao cho niệm không thối chuyển, lúc nào cũng y theo nguyện lực mà làm; và phải hạnh không thối chuyển, chuyện gì làm ra cũng y cứ theo nguyện lực cả. Sau đó, bạn đạt được quả-vị thì cũng là quả-vị bất thối-Sơ Quả, Nhị Quả, Tam quả, Tứ Quả A-la-Hán.Cho nên , phát nguyện là để giúp cho ý chí thêm kiên định. Bạn đối trước chư Phật mà phát nguyện cũng được, hoặc là tự mình củng cố ý chí cho vững vàng cũng được.Cần nhất là đừng làm cho có lệ, đừng vì hình thức bề ngoài, mà phải chân thật tu hành.

Hỏi:Có Thầy nói có thể khiến cho người khác khai ngộ ngay tức khắc, một thời giải thoát. Pháp môn “ tâm ấn” của vị Thầy ấy truyền có chân chánh chăng?

Đáp:Rất nhiều người bị mê hoặc là vị họ có lòng tham.Người không có lòng tham thì chẳng bị y mê hoặc, gạt gẫm đặng!

Hỏi:Niệm Quán Thế-Âm Bồ-Tát và niệm Phật A Di Đà có gì khác biệt? Hiệu quả phải chăng bất đồng?

Đáp:Bạn khởi phân biệt như vậy thì hiệu quả tự nhiên không còn nữa.

Hỏi:Bộ Kinh nào thì thích đáng nhất để bắt đầu học Phật?

Đáp: Bộ nào cũng thích đáng cả!

Hỏi: Kinh A Di Đà dạy hễ ai trì niệm danh hiệu Đức Phật A Di Đà thì sẽ được Ngài gánh giùm nghiệp chướng, đưa về Thế Giới Cực Lạc.Song le,Phật Giáo nhấn mạnh người người phải tự lập, tự lực cánh sinh, thì mới thành Phật được. Hai lý luận như thế chẳng phải là mâu thuẫn sao?

Đáp: Đang lúc bạn niệm Phật tới chỗ “nhất tâm bất loạn,” thì hỏi bạn rằng: “Đó là bạn niệm hay Phật niệm?” Tôi tin  rằng vẫn là do bạn chịu khó dụng công mà ra.Niệm Phật không phải là vừa niệm vừa nghĩ lăng xăng, mà phải niệm làm sao để cho tâm mình khế hợp với Phật, hợp thành một thể với Đạo, thì mới có thể vãng sanh Tịnh Độ được. Chẳng thể nào không chút dụng công hành trì mà lại thành Phật đặng. Thành Phật hay không vẫn là do chính mình!

*Một vị Sư Nam-Tông người Anh hỏi: Phật Giáo Nam-Tông ít đề xướng việc tu trì Pháp Môn Niệm Phật. Xin hỏi Hòa Thượng, nên tu pháp môn nào để phát khởi tâm tín ngưỡng Phật Pháp?”

Đáp:Tín ngưỡng giống như năm thứ mùi vị. Các pháp môn do Đức Phật dạy cũng tương tự như năm vị chua, ngọt, đắng, cay,mặn. Bạn không thể nói rằng vị chua là ngon nhất, cũng chẳng thể cho vị ngọt là tối hảo, hay chấp rằng vị đắng là tuyệt nhất, và cũng không thể khăng khăng cho rằng vị cay là đệ nhất, hoặc vị mặn là hơn cả. Bởi vì phải tùy sở thích mỗi người-kẻ thích chua thì chua là ngon nhất, kẻ thích ngọt thì ngọt là nhất, kẻ thích đắng thì đắng là số một, kẻ thích cay thì thiếu ớt là không  sao muốt cơm cho nổi! Bất luận tin theo pháp môn nào, nếu chúng ta áp dụng cho đúng đắn thì sẽ có cảm ứng; dùng mà không đúng, thì không có sự tương ưng. Mỗi người đều có nhân duyên khác nhau; do đó, cần phải xét căn cơ, cá tánh của từng cá nhân. Đối với pháp môn nào cũng vậy, nếu bạn chọn một pháp môn  rồi theo đó mà nhất tâm, chuyên chú tu hành, thì bạn sẽ có được sự cảm ứng- cũng chính là sự tương ưng. Ví dụ bạn tu Pháp Môn Niệm Phật-đây là pháp môn vừa ít tốn công, ít tốn của, lại không làm trở ngại các công việc khác-đi, đứng, nằm, ngồi gì bạn cũng có thể niệm Phật cả.Vì ai cũng có thể hành trì đặng, nên pháp môn này thích hợp với đa số chúng sanh. Song, nếu bạn không chuyên tâm nhất trí, thì vẫn không có được sự tương ưng:

Miệng niệm Di Đà, tâm tán loạn,

Cổ họng khản khô, chỉ uổng công!

Do đó, bất kể tu pháp môn gì, bạn cần phải tin tưởng ở pháp môn đó, bởi:

“Tín” là nguồn Đạo, mẹ công đức,

Trưởng dưỡng tất cả mọi căn lành.

Vì sao lòng tin của bạn không được kiên cố? Vì bạn không trồng gốc cho sâu-bởi quá cạn cợt nên không thâm nhập được giáo nghĩa đạo Phật. Vậy thì phải làm sao? Bạn phải lập công, lập đức và lập ngôn!

“Lập công”tức là giúp đỡ kẻ khác.

“Lập đức” là âm thầm trợ giúp mọi người mà không để ai hay biết ( cũng là sửa đổi tánh tình cho hoàn hảo).

“Lập ngôn” là dùng lời nói, như:

Miệng từ bi, lưỡi phương tiện,

Có  tiền, không tiền đều làm đặng!

Bạn nên nói lời chân thật, không dối trá; điều gì nói ra cũng đều là sự thật.Nếu tập tánh như vậy thì về lâu về dài, khi bạn nói ra đạo lý gì, không ai có thể bắt bẻ, xô ngã được- bởi các đạo lý bạn nói ra thì “ tùy duyên mà không đổi, không đổi mà tùy duyên.” Đây là điểm khác biệt giữa chân-lý và đạo lý hư ngụy.Khi nhận thức được chân-lý là gì rồi, thì ngày ngày bạn hãy nghiên cứu, nghiền ngẫm chân –lý ấy, tự nhiên bạn sẽ có tín tâm!

 

PHẦN THỨ NHÌ: NGỮ LỤC

Con Đường Tu Hành

  • Tu hành là làm việc vô sự, chẳng nên có lòng tham, chẳng nên nghĩ ta phải thế này, thế nọ, như: “Tôi muốn khai ngộ. Tôi muốn đắc thần-thông…” Làm sao có thể lẹ như vậy chứ? Khi hạt nhân được trồng xuống đất, bạn phải chờ nó lớn lên từ từ. Khi đến thời điểm, tự nhiên nó chín mùi!

  • Phải xem chuyện tu hành là bổn phận cá nhân. Không cần phải tham lam, dần dần, công đức tự nhiên sẽ viên mãn, quả Bồ -Đề cũng sẽ thành tựu. Chuyện tu hành đáng lẽ thành công rồi;song , vì bạn tham lam (tu, học) nhiều thứ cho nên kết quả là không “ tiêu hóa” được. Ăn cơm thì phải đút từng miếng một vô miệng; nếu đem cả tô cơm mà dồn hết vô miệng, thì đầy cứng, làm sao nhai được? Nhai không đặng mà nuốt  cũng chẳng xong! Ăn cơm là một thí dụ hết sức đơn giản để nói lên vấn đề “ tham nhiều thì nhai không nổi”vậy!

  • Người tu Đạo, trước tiên phải đừng ích kỷ. Như vậy, chẳng những bảo vệ chính mình mà còn lợi ích cho toàn thế giới. Hãy gạt bỏ chính mình ra ngoài, vất đi. Đừng nghĩ rằng: “ Tôi hay, tôi giỏi như thế này, thế nọ…”: mà phải nhìn toàn bộ đại cuộc.

  • Kẻ tu Đạo lúc nào cũng phải treo giữa đôi mày “ câu hỏi sanh tử”; lúc nào cũng phải muốn liễu sanh thoát tử.

  • Mỗi cử chỉ, mỗi hành động của chúng sanh trong cõi Ta-Bà đều là tham, sân,si. Đối với Pháp Thế Gian, chúng sanh dùng tâm “tham, sân,si” để hành sự. Đến khi tu hành Pháp Xuất Thế-Gian thì chúng sanh lại cũng dùng tâm”tham, sân,si”này để tu. Khi tu, thì cứ tham khai ngộ-mới ngồi Thiền chỉ có hai ngày rưỡi đã muốn ngộ rồi, tu hành chưa tới ba ngày là đã muốn thần-thông, niệm Phật mới mấy bữa mà đã muốn đắc Niệm Phật Tam Muội! Các bạn xem, đúng là “lòng tham không đáy”- đó đều là biểu hiện của quỷ tham lam!

  • Tu Đạo mà chẳng biết sửa đổi lỗi lầm thì cũng như chẳng tu. Học Phật mà không biết lỗi , không chừa tội thì chẳng khác gì không học Phật! Có câu rằng:Tu hành nay tuổi năm mươi, hay bốn chín năm qua đều lầm! Những ai có cảm giác hoặc nhận biết được các chuyện sai lầm, tội lỗi mà họ đã gây khi xưa, đều là những người có trí huệ; tương lai họ sẽ có tiền đồ sáng sủa vô biên. Kẻ nào chẳng biết được những điều sai trái mình đã phạm trước kia, thì kẻ ấy sẻ chỉ hồ đồ, mê muội suốt đời. Cứ mưu đồ hư danh giả dối thì suốt đời sẽ bị “ bụi trần” làm cho mê hoặc, mờ mịt.Những kẻ như vậy thật đáng thương thay!

  • Người xuất-gia tu Đạo cần phải phát nguyện. Phát nguyện là tinh tấn tu Đạo. Phát nguyện là cảnh giác chính mình sửa đổi lỗi lầm, hướng về việc lành. T u Đạo mà không phát nguyện thì cũng như cây đơm hoa mà chẳng kết trái vậy! Nếu đã phát nguyện rồi thì tốt nhất là hằng ngày phải đọc lại những lời nguyện ấy, bởi “ôn cố nhi tri tân”- ôn chuyện cũ thì sẽ hiểu chuyện mới. Phải xem mình có nhớ là chính mình đã từng phát nguyện gì, cần phải làm những việc gì hay chăng. Như vậy thì nguyện đã phát mới không trở thành trống rỗng, mà mình cũng chẳng lừa dối mình và lừa dối người, và cũng chẳng quên mất những chuyện mình  đã lập.

  • Đôi khi các bạn nghĩ rằng mình làm chuyện tốt, kỳ thật, không nhất định là tốt. Vì sao? Vì nhân trồng không thanh tịnh! Hễ bạn dùng lòng tham lam mà làm việc , thì đó gọ là “ trồng nhân bất tịnh.” Bạn dùng tâm háo thắng mà làm việc , thì đó cũng là “ trồng nhân bất tịnh.” Vậy thì phải làm sao? Phải làm chuyện vô sự! Làm việc gì cũng phải coi đó là bổn phận của mình, chẳng nên hướng tấm ra ngoài mà truy cầu, chẳng nên cầu cạnh, mong mỏi gì cả!

  • Đã có vọng-tưởng, phải làm sao bây giờ? Quét sạch chúng đi! Bằng cách nào? Dùng Thiền-Định! Công lực của Thiền-Định có thể quét sạch vọng-tưởng. Khi tu Thiền-Định, phải dùng tinh-tấn, nhẫn-nhục lại trợ giúp. Sau đó lại bố-thí, Trì Giới. Như vậy thì công việc sẽ hoàn thành.

  • Sau khi sám-hối, phải lập thệ nguyện:”Tất cả mọi sự khi xưa,xem như đã chết theo ngày hôm qua.Mọi sự từ đây về sau, bắt đầu cuộc sống của ngày hôm nay.”Về sau tuyệt đối không tái phạm, như thế mới tiêu trừ hết nghiệp chướng.

  • Trong lúc tu hành phải luôn nghĩ đến vấn đề sanh, tử, và xem tất cả ma quái là các vị Hộ Pháp đến giúp ta tu Đạo. Có người chửi rủa, đánh đập ta- họ chính là giúp ta tu Đạo. Có người nói chuyện thị phi về ta, gây rắc rối cho ta-đó cũng là giúp ta tu Đạo. Nói tóm lại, điều nghịch ý đến thì hãy thuận theo nó mà nhẫn chịu. Hãy xem nó như là bạn tốt lại giúp ta  tu Đạo; như vậy thì sẽ không có phiền não. Không có phiền não thì trí huệ sẽ nảy sanh. Hễ có được trí huệ chân chánh, thì bấy giờ không ma quái nào có thể làm tâm ta dao động đặng.

  • Người tu Đạo phải thanh tịnh, trong sạch như con mắt vậy. Mắt không thể dung chứa một hạt cát nào cả. Bởi  hễ trong mắt mà có cát , ắt bạn sẽ cảm thấy xốn xang, khó chịu, quyết phải tìm cách lấy nó ra, nếu không thì thân tâm chẳng an ổn đặng. Việc tu hành cũng y như thế! “ Hạt cát” ám chỉ cái gì? Chính là tâm tham. Hễ có tâm tham thì mọi việc đều biến  đổi. Xưa nay mình vốn thanh tịnh; song , khi ý niệm tham lam dấy khởi, thì tác dụng hóa-học lập tức phát sinh-nước trong vắt trở thành vẩn đục. Bấy giờ, nước ấy chẳng làm lợi cho ai, chỉ làm hại chính mình thôi! Chúng ta tu Đạo, mục đích chủ yếu là để “ liễu thoát sanh tử,” chứ chẳng phải để cầu cảm ứng. Các bạn hãy nhớ lấy! Chẳng thể tu hành với mưu đồ tính toán hoặc cầu thành tựu, cầu cảm ứng; bởi như vậy là lầm lẫn lớn!

  • Người xưa học là để “minh lý”- hiểu rõ đạo làm người, biết thế nào là lánh ác, làm lành, và học điều hiếu, đễ,trung, tín, lễ, nghĩa, liêm, sĩ. Người đời nay học là để có được “danh lợi”.Tiếng Trung Hoa, chữ minh lý và danh lợi phát âm giống nhau (ming li); song le, về mặt thực hành thì hai thứ hai nẻo, cách biệt nhau tới mười vạn tám ngàn dặm! Kẻ học vì danh vì lợi thì chỉ muốn học ngành gì mà có thể kiếm được thật nhiều tiên, như y- khoa, khoa-học,v.v…và chẳng hề nghĩ rằng: “ Tôi phải học để trong tương lai có thể đem lại hạnh phúc cho nhân quần. Tôi muốn học nghề thầy thuộc để cứu người, giúp đời, tự lợi, lợi tha.”

  • Tánh nhẫn nhục vô cùng quan trọng. Nhẫn nhục tức là bạn nhẫn nại chịu đựng những chuyện bạn không muốn. Thí dụ bạn không muốn bị ai chưởi mắng; song, nếu có kẻ nguyền rủa bạn thì bạn vẫn vui vẻ. Bạn không thích bị ai đánh; song, nếu có kẻ đánh bạn thì bạn càng phải hoan hỷ. Bạn không muốn bị giết hại vì sinh mạng là quý giá nhất; song, nếu có kẻ giết bạn, thì lúc đó, bạn phải thấy lẻ ấy chân chánh là bậc Thiện-Trí-Thức của bạn, vì y đã kết liễu giùm nghiệp-chướng của đời bạn! Thế nên, các bạn à ! Học Phật Pháp cần phải đảo ngược lại mà học. Tu Đạo cũng phải đảo ngược lại mà tu. Thế nào là “đảo ngược lại?” Tức là chuyện mà bạn không thích, thì bạn cần phải thích nó. Chẳng phải là chuyện gì bạn không thích thì bạn trút lên đầu kẻ khác!

  • Phương pháp tu hành chân thật nhất nằm trong ba bí quyết:Chân: chân thật, không giả dối; làm chuyện gì cũng phải chân thật.Thành: thành khẩn, thiết tha cung kính, không lười biếng, không cẩu thả.Hằng:hằng thường, bền bỉ, không biến đổi.Phàm mỗi việc làm, mỗi lời nói, mỗi hành động, đều phải hội đủ ba tâm Chân, Thành,Hằng. Làm bất kỳ công việc gì cũng  đều phải có ba tâm này. Như vậy thì tương lai nhất định sẽ thành tựu.

  • Nên làm nhiều việc công-đức.Phàm việc gì có lợi ích cho chúng sanh thì hãy tận lực mà làm- đógọi là tu phước. Đọc tụng kinh điển, nghiên cứu kinh điển-thâm nhập kinh tạng trí huệ như hải-gọi là tu huệ. Phước và Huệ là do tài bồi, tích tập mà có. Nếu chẳng vun bồi thì thủy chung vẫn không có được phước , huệ.

  • Người tu Đạo sợ nhất là có phiền-não,nên nói: “Phiền não vô biên, thệ nguyện đoạn.” “Đoạn trừ phiền-não” là công việc vô cùng cấp bách đối với người tu. Do đó , kẻ có Định-lực thì gặp bất kỳ cảnh giới gì cũng chẳng sinh phiền-não. Không có phiền-não thì lòng tư dục sẽ ít đi. Lòng tư dục bắt nguốn từ phiền-não, sinh sản vô-minh; rồi tiếp theo đó là bệnh hoạn phát sinh. “Không có phiền-não” chẳng có nghĩa là không ai tới phiền nhiễu bạn, mà là tự trong lòng bạn không hề phiền-não. Cho dù có kẻ lại quấy nhiễu; chửi rủa, đánh đập bạn, mà bạn vẫn không sinh phiền-não, thì bạn mới thật sự là có Định-lực.

  • Căn bản của Giới Luật chỉ có một điều-Không ích -kỷ. Người có lòng ích-kỷ thì mới phạm Giới. Nếu không có lòng ích-kỷ thì không thể phạm GIới. Cũng vậy, con người vì có lòng ích-kỷ nên mới phạm pháp. Hễ không có lòng ích-kỷ thì sẽ không phạm pháp!

  • Giới Luật là sanh mạng của người tu Đạo. Kẻ phạm Giới thì cũng thật thảm thương giống như là sanh mạnh y bị cất đứt vậy! Khi Đức Thế-Tôn sắp nhập Niết-Bàn, Ngài dạy Tôn-giả A-Nan: “ Hãy lấy Giới làm Thầy!” Điều này chứng tỏ tính cách trọng yếu của Giới Luật.

  • Đa số người đời cho rằng mệnh vận thì đã được an bài: “ Mệnh là tám thốn.Khó cầu một trượng!” Không sai! Song le, điều đó chỉ đúng với những kẻ bình thường, chẳng tu hành; người tu Đạo thì không thuộc vào số phận đó. Người tu Đạo chẳng nên xem Kinh Dịch, coi bói toán, bởi đó là thuộc về kẻ tục, người đời. Người tu Đạo có thể dứt được sanh tử, hà huống những thứ số mạng, bói toán? Cho nên, người tu Đạo cần phải vượt ra ngoài những thứ đó-không cần phải hiểu biết các môn đó!

PHÁT NGUYỆN HỌC PHẬT

  • Thế nào là “Phật Pháp?” Phật Pháp tức là Thế Gian Pháp, nhưng là thứ pháp mà người đời không muốn thực hành. Người đời suốt ngày bận rộn , lo lắng, bôn ba; nếu nguyên do chẳng phải là lòng ích kỷ thì cũng vì muốn bảo toàn sanh mạng, tài sản, cuộc sống cá nhân. Phật Pháp không  vì ích kỷ riêng tư, mà hoàn toàn vì công ích, vì lợi lạc của thế nhân. Vì vậy, kẻ học Phật Pháp phàm làm gì, nói gì cũng nên vì người khác. Phải coi nhẹ chính mình, sẵn sàng xả thân vì người khác, và không làm ai phiền-não, khổ đau. Đó chính là Phật Pháp vậy.

  • Vì sao Phật muốn độ chúng sanh? Vì Ngài quán tưởng rằng:” Tất cả người nam là cha ta, tất cả người nữ là mẹ ta.” Bởi “ cha mẹ” của Ngài đang ở trong sáu nẻo luân hồi chịu khổ đau; do đó, bất luận thế nào Ngài cũng phải cứu độ chúng sanh, hy vọng rằng “ cha mẹ” của Ngài sẽ được xa lìa khổ nảo, hướng sự an vui!

  • Đức Phật có đại trí huệ; chúng ta có đại ngu si.Do đó, chúng ta phải học Phật , học trí-huệ của Ngài. Chúng ta phải lấy tâm Phật làm tâm mình, lấy nguyện của Phật làm nguyện của mình; lúc nào cũng thực tập Từ,Bi, Hỷ,Xả-bốn thứ tâm thái không bến bờ; lúc nào cũng phải tu tập Pháp Môn “ Nhẫn thứ khó nhẫn, làm việc khó làm.”

  • Học Phật thì chẳng nên học những thứ cao siêu, thâm áo, là vì: Tâm bình thường là Đạo.Tâm thẳng thắn là chùa chiền. Cho nên , mọi người hãy dùng lòng ngay thẳng mà tu hành!

  • Kẻ học Phật phải làm thế nào để đạo Phật ngày một rạng rỡ; chớ để cho Đạo ngày một hủ bại. Làm sao để khiến Đạo Pháp thêm huy hoàng? Đầu tiên cả, hãy nuôi dưỡng, vun bồi một phẩm cách cao thượng, tốt đẹp. Khi nền móng vững vàng thì lầu cao mới không sụp đổ; do đó, mọi kiến trúc cao mới không sụp đổ; do đó mọi kiến trúc cao vọi đều được  dựng lên từ nơi nền móng kiên cố. Đối với chuyện tu dưỡng, nếu chúng ta muốn xây đắp một nền tảng chắc thực thì trước hết phải vun bồi phẩm cách, tập tành đạo-đức.

  • Bất luận là Đại Thừa, Tiểu Thừa, hay Phật Thừa, thừa nào đầu tiên cũng dạy chúng ta phải trừ khử thói hư tật xấu, lỗi lầm sai quấy , dứt bỏ vô-minh, phiền não, tham, sân, si. Nếu bạn có thể quét sạch mọi thói hư tật xấu thì tự nhiên sẽ tương ưng với nghĩa lý kinh điển. Tật hư, lầm lỗi không trừ, thì bạn chẳng bao giờ có thể thấu hiểu được nghĩa lý trong kinh!

  • Các bạn hãy dùng chân-tâm mà niệm Phật.Niệm một tiếng Phật thì trong hư không sinh ra một đạo hào-quang. Nếu bạn khẩn thiết, chí thành niệm Phật, thì đạo hào-quang này sẽ  chiếu khắp Tam-thiên thế giới, khiến cho không khí trong ba ngàn Đại-thiên thế giới trở nên kiết tường-bao nhiêu thứ không khí ô nhiễm, độc địa, tai ương đều biến đổi hết.

  • Hằng ngày chúng ta niệm danh hiệu Đức Quán Thế Âm Bồ-Tát; song, “ Quán Thế Âm” nghĩa là gì? “ Quán Thế Âm” tức là quán xét các âm thanh ở cõi thế gian. Quán cũng có nghĩa là nhìn, song không phải “ nhìn” bên ngoài, mà là “ nhìn” vào tâm của chúng sanh.

  • Khi chúng ta niệm danh hiệu Đức Quán Thế Âm Bồ-Tát thì không nên cúi gầm đầu xuống mà niệm. Phải ngẩng đầu lên để biểu thị tinh thần dũng mãnh, tinh tấn; không nên có vẻ ủ rủ, hết hơi, hết sức.

  • Nếu bạn muốn học Phật Pháp, bạn nhất định cần phải tinh tấn, dũng mãnh, giống như con cọp từ núi cao xồng xộc lao xuống, nhai nuốt nghiệp chướng của mình!

  • Nhớ lấy! Nhớ lấy! kẻ mới bắt đầu học Phật nhất định phải tu hành Nhẫn Nhục. Dù cho có người thật sự muốn giết bạn, bạn cũng tuyệt nhiên chớ sanh lòng sân hận!

  • Người học Phật cần phải:

 

“Nhận thật mình là sai,

Đừng trách cứ lỗi người.

Lỗi người là lỗi mình,

Đồng thể mới Đại Bi!’

 

  • Người học Phật phải tự hỏi mình: “ Tôi bố-thí là vì cầu danh vọng hay thật tâm muốn giúp kẻ khác? Tôi trì Giới, nhẫn nhục , tinh thần, tập Thiền-Định, tu trí huệ…là để cho người ta xem, hay vì tôi thật sự muốn tu hành?” Tu Đạo không phải là đeo mặt nạ, giả dối đóng kịch, làm điệu bộ để cho người khác xem. Tu Đạo là hoàn toàn dựa vào công phu nội tại của chính mình. Đổ hơi sức ra làm, dụng công một chút thì thu hoạch được một chút. Dùng một phần thành tâm thì được một phần cảm ứng. Tất cả đều phải chân thật, không giả dối. Chớ tự lừa mình, lừa người!

  • Kẻ học Phật cần phải chịu thua lỗ, thiệt thòi. Đại Sư Vĩnh –Gia Huyền-Giác có câu:

 

“Quán lời ác là công đức,

Thầy lành của ta là kẻ ấy!

Chẳng vì chưởi mắng sanh ghét, thương,

Sao tỏ Vô-Sanh Từ Nhẫn Lực?”

 

  • Có người chưởi mắng bạn, đó là giúp bạn trở thành tốt hơn; bạn cần phải:

Nghịch hay thuận, đều tinh tấn,

Chê hay khen, chẳng động tâm!

Đừng nên vì bị chế nhạo, nhục mạ mà sanh lòng oán hận. Phải coi kẻ oán ghét và người thân yêu đều như nhau, và dùng lòng nhân ái mà đối xử với họ; nếu không vậy thì làm sao thể hiện được sức mạnh từ-bi phát xuất từ Vô-Sanh Pháp Nhẫn?[6]

  • Vì sao dụng công mà chẳng đạt tới chỗ tương ưng? Là vì những tập khí, thói quen từ vô lượng kiếp để lại quá sâu đậm. Do đó, lòng tuy muốn hướng về Bồ-Đề, song, sự thật thì chẳng chịu tiến bước tới trước, cứ muốn thụt lùi. Phải biết bởi thói quen quá nặng, nghiệp chướng lại cũng sâu dày, nên mình càng cần phải vất bỏ vọng tưởng. Vất bỏ vọng tưởng không khó- chỉ cần quên bẵng chính mình đi, thì vọng tưởng sẽ chẳng còn!

  • Kẻ tu Pháp Môn Niệm Phật, ở mọi thời mọi nơi phải niệm không gián đoạn, không ngừng nghỉ sáu chữ “ Nam mô A Di Đà Phật.” Lúc thức cũng niệm, lúc ngủ cũng niệm. Phải niệm sáu chữ hồng danh “ Nam mô A Di Đà Phật” làm sao mà kéo cắt không đứt, bẻ chẳng gãy, kiếm chém không rời. Phải dùng sức kiên cố như kim cương mà niệm.Nếu bạn không có cách gì phá hoại nổi chuỗi hồng danh “ Nam mô A Di Đà Phật” thì đó mới gọi là thực hành phép Tam- Muội Niệm Phật. Niệm Phật thì như vậy, tụng Kinh và trì Chú cũng phải giống như thế.

  • Khi Phật còn tại thế, có lần Ngài bốc một nắm đất, rồi hỏi chư đệ tử: “ Các con nói xem, đất trong lòng bàn tay Ta nhiều hay đất trên mặt đất này nhiều?” Đệ tử thưa: “Đương nhiên là đất trên mặt đất nhiều, còn đất trong tay Thế-Tôn thì quá ít ỏi.” Đức Phật liền nói:

Đắc nhân thân giả,

Như chưởng trung thổ.

Thất nhân thân giả,

Như đại địa thổ.”

Nghĩa là : “ Những kẻ được thân người thì ít như nắm đất trong tay Ta; còn những kẻ mất thân người thì nhiều như đất trên mặt đất vậy.” Những kẻ mất thân người, đọa lạc trong đường ác, quả thật nhiều như đất trên mặt đất vậy!

  • Thiền Tông là pháp môn “ chỉ thẳng tâm người, thấy tánh thành Phật” và cũng chính là Đốn Giáo. Đốn Giáo là do siêng năng tu hành Tiệm Giáo mà ra-lý tuy đốn ngộ, sự cần tiệm tu[7]. Hiện giờ, chúng ta đi, đứng , nằm, ngồi, đều thuộc về tiệm tu. Chờ đến một ngày nào đó, khi bạn chân chánh sáng tỏ, thì sẽ hoát nhiên khai ngộ; lúc đó gọi là đốn ngộ. Đốn không tách rời tiệm. Tiệm vốn trợ giúp đốn. Những lẻ tu hành hễ tu pháp gì thì cho pháp đó là hay nhất; vì nếu không hay nhất thì họ không vui vẻ, không chịu tu pháp đó rồi! Nếu các bạn thật sự hiểu được rằng “ tất cả các pháp đều là Phật Pháp, tất cả đều không thể nắm bắt được,” thì sẽ nhận thấy là chẳng có thứ gì có thể chấp trước vào cả.

  • Đốn ngộ là do bình thường dụng công mà ra. Khi công phu đạt đến chỗ tương ưng thì bạn hoát nhiên khai ngộ. Nếu bình thường không dụng công, thì bạn chẳng thể nào đốn ngộ được. Giống như con nít sau  khi chào đời thì được huân tập hằng ngay ( thâu thập dữ kiện về ngôn ngữ), và đến một lúc nào đó nó sẽ bập bẹ nói thành tiếng; khi nó thốt ra được câu đầu tiên, thì cũng giống như được “ khai ngộ”. Rồi đến một lúc nào đó, nó sẽ chập chững biết đi; và khi nó đi được bước đầu tiên thì cũng tương tự như được “ khai ngộ”vậy. Vì sao đứa bé có thể đi được bước đầu tiên ấy? Nhờ ngày ngày nhìn người lớn đi đứng, nó huân tập những dữ kiện ấy, do đó mà tự nhiên biết đi. Chúng ta dụng công tu hành cũng vậy-ngày nay dụng công, ngày mai dụng công, dụng tới dụng lui cho tới khi công phu chín mùi thì tự nhiên chẳng sanh vọng niệm. Khi vọng tưởng tiêu mất, thì sẽ được khai ngộ!

  • Lỗi lầm mà chúng ta thường phạm phải là thích được kẻ khác khen ngợi, tâng bốc. Nếu có kẻ khen mình một tiếng, thì liền có cảm giác lâng lâng, bay bổng. Mê muội như thế thì làm sao thành Phật? Chính mình mà mình còn không rõ biết, cứ mập mờ!Nếu bạn có thể trì Giới, tu Định, khai trí huệ, thì bạn sẽ chẳng động tâm khi bị chửi mắng hay được khen ngợi-ai nguyền rủa bạn, lòng bạn chẳng hề tức tối; ai khen ngợi bạn, lòng bạn cũng chẳng chút vui thích! Thật ra, chửi hay khen chỉ là một thứ “gió” của thế gian. Có câu rằng:” Bát phong xuy bất động” nghĩa là không bị tám thứ “ gió” làm dao động. Tám thứ “gió” ấy là gì? Đó là tâng bốc (xưng), chê cười(ky), đau đớn (khổ), vui sướng (lạc), lợi lộc (lợi), suy vi (suy), chửi mắng (hủy),và khen ngợi(dự). Nếu bạn đế tám thứ “gió”này làm cho tâm trí dao động, tức là nền tảng của bạn chưa được vững vàng. Nền tảng của con người là gì? Là đức hạnh! Người không đủ đức hạnh thì lòng nóng giận sẽ lớn lắm, vô minh cũng rất nặng nề. Nếu có đức hạnh thì lòng nóng giận sẽ tiêu tan, vô minh sẽ biến thành trí huệ. Do đó, chúng ta tu hành thì cần phải vun bồi đức hạnh.

  • Người nào có thể hành phục Sáu Căn, Sáu Trần, Sáu Thức[8] , khiến chúng không nhiễu loạn, thì người đó là Bồ-Tát. Người nào có thể quét sạch tình cảm, chẳng còn dơ bẩn, thì người đó là Bồ-Tát. Bồ-Tát thì không khóc, cũng chẳng cười. Ở mọi nơi, mọi lúc, Bồ-Tát đều tự tại, chẳng câu thúc, chẳng bó buộc, vô quái vô ngại, chẳng phiền chẳng não, không sanh không diệt, không dơ không sạch, không tăng không giảm. Người học Phật phải ở nơi chỗ này mà dụng công.

  • Chúng ta phải tạo Cực Lạc Thế Giới. Làm sao tạo? Đầu tiên, phải dẹp bỏ thất tình. Thất tình là gì? Đó là bảy thứ tình cảm-vui vẻ (hỷ), giận dữ(nộ), buồn rầu(ai), sợ hãi(cụ), yêu thương (ái), ghét bỏ(ác), và dục vọng(dục). Chúng ta phải điều phục bảy thứ tình cảm này, khiến chúng không thể nhiễu loạn nữa. Lúc đó, tâm chúng ta sẽ bình an vô sự, mọi thống khổ đều tiêu tan. Vì sao chúng ta có thống khổ? Vì tâm chúng ta chẳng bình an! Nếu chúng ta chỉ có an lạc, chẳng còn khổ não, thì cõi nhân gian này chính là Cực Lạc Thế Giới vậy.

  • Khi bạn niệm Phật thì tương tự như bạn đánh điện tín lên Cực Lạc Thế Giới-niệm một câu tức là gởi đi một bức điện tín, niệm hai câu là gởi đi hai bức điện tín-ngày ngày niệm Phật là ngày ngày gởi điện tín tới Phật A Di Đà. Ở Cực Lạc Thế Giới, Đức Phật A Di Đà cũng có ra-đa, cũng có máy thâu tín hiệu. Ra-Đa và máy thâu tín hiệu là gì? Chính là hoa sen trong ao bảy báu. Bạn niệm một câu thì hoa sen nở lớn một chút. Nếu bạn niệm liên tục thì hoa sen sẽ từ từ nở lớn như bánh xe. Chờ tới khi bạn được vãng sanh về Cực Lạc Thế Giới ở phương Tây, thì Phật-tánh và chân-tánh của bạn sẽ hóa sanh nơi hoa sen này. Đến khi hoa sen nở thì Phật-tánh của bạn cũng hiển hiện. Do Đó có câu:

 

“Nguyện sanh Tịnh Độ cõi Tây Phương,

Chín phẩm hoa sen là cha mẹ,

Hoa nở, thấy Phật, ngộ Vô Sanh,

Bất thối Bồ Tát là đồng bạn.”

 

  • Tin Phật thì có thể khiến chúng ta đắc Thường, Lạc, Ngã,Tịnh- thứ an lạc cứu cánh; do đó, chúng ta nên tin Phật. Song le, “ tin Phật” thì chẳng phải nói tin suông là đủ, mà chúng ta cần phải tu hành đúng theo Phật Pháp. Nếu chỉ nói tin, mà không chịu tu hành, thì cũng như mô tả đồ ăn hoặc đếm tiền giùm người, chẳng có ích lợi gì cho bản thân cả. Cổ nhân có nói rằng:

 

“Đạo là phải hành,

không hành thì Đạo có ích chi?

Đức là do tu,

Không tu thì Đức từ đâu lại?”

Do đó, chúng ta phải chân chánh thực hành-phải thường đem hai chữ “sanh tử” treo giữa lông mày, đem hai chữ “đạo đức” đặt dưới bàn chân! Tại sao lại nói “đem hai chữ đạo đức” đặt dưới bàn chân”? Bởi vì đạo đức là nền tảng căn bản của con người, cũng như gốc rễ là căn cội của cây cối vậy. Có đạo đức thì mình mới đứng vững được; bằng không, thì dưới chân không có điểm tựa, không có chỗ để cho mình lập thế mà đứng vững được. Nếu chúng ta thực hiện được hai chữ “đạo đức” này, thì nhân cách sẽ được thành lập vững vàng, mọi sự sẽ tự nhiên có thể thành công!

 

TRỒNG GIỐNG BỒ ĐỀ

  • Nghiệp là cách trừng phạt rất công bình. Đọa lạc hay không đọa lạc đều do nơi tình cảm mà có phân biệt. Hạng người chỉ biết có tình cảm mà không biết tới trí huệ, thì tương lai nhất định sẽ bị đọa lạc vào ba đường ác; đó là điều chẳng còn nghi vấn gì cả. Hễ bạn có tâm niệm gì, thì bạn sẽ được dẫn dắt theo con đường tương ứng với tâm niệm đó.

  • Sở dĩ chẳng thể “ nhìn thủng,” chẳng thể “ buông xả”, là vì nghiệp chướng gây ra chướng ngại khiến bạn chẳng thể thăng cao, chẳng thể siêu xuất Tam Giới[9]. Vì vậy, đối trước cảnh giới gì thì sanh lòng chấp trước vào cảnh giới ấy- đó chính là tình cảm.Thấy cảnh mà sanh chấp trước đều là do tác dụng của tình cảm cả!

  • Thế nào là vô minh? Nói giản dị thì “vô minh” tức là hắc ám, là chẳng hiểu biết. Bởi chẳng hiểu biết chân-lý, khóa chặt cửa lòng lại, do đó chẳng cách chi khai ngộ đặng!

  • Bởi chúng sanh có tâm phân biệt, cho rằng có đủ thứ vấn đề như thiện ác, đẹp xấu, thị phi, đen trắng…; vì vậy Đức Phật mới tùy thuận tâm chúng sanh, thị hiện ra đủ thứ thân để chúng sanh có thể thấy Ngài. Đó chính là:

Ngàn sông tràn nước, ngàn sông trăng hiện,

Vạn lý không mây, vạn lý trời trong.

Đức Phật tùy loại chúng sanh mà hóa thân vậy.

  • Thế nào là Chánh Pháp trụ thể? Bạn chân thật tu hành, không ham hư danh, không thích tài lợi, chẳng mong được cúng dường; như vậy tức là Chánh Pháp trụ thể!

  • Thế nào là Bồ-Đề tâm?

Tôi lấy một ví dụ rất đơn giản để giải thích: Khi bạn chưa phát Bồ-Đề Tâm, thì bạn ví như bột (để làm bánh)mà chưa trộn với bột nổi (yeast). Một khi bạn phát Bồ-Đề Tâm, thì cũng như bột đã được trộn bột nổi vào-từ từ bột sẽ nở phồng lên.

Nếu hỏi Bồ-Đề Tâm hình dáng ra sao, thì xin đáp rằng; Tâm này xưa nay vốn không có hình tướng-nó là thứ Giác Đạo. “ Giác” nghĩa là giác ngộ, thấu suốt, tỏ rõ đạo lý. Không những ta cần thấu suốt đạo lý mà còn phải tu trì đạo lý ấy nữa.

Lại có thể dùng bảo tháp để tỷ dụ Bồ-Đề Tâm: Bảo tháp bất kể là cao cỡ nào, rộng lớn bao nhiêu, thì cũng đều phải được xây dựng lên từ mặt đất. Mặt đất biểu tượng tâm địa của chúng ta. Mình phải từ mặt đất mà kiến trúc tòa bảo tháp, khiến cho xây càng cao càng rộng; thì Bồ-Đề Tâm cũng phải từ tâm địa mà phát khởi-càng phát tâm , tâm càng rộng lớn, càng cao vọi. Lúc bắt đầu phát Bồ-Đề Tâm chỉ là một tâm niệm nhỏ; song, từ từ càng ngày càng rộng lớn. Khi công đức viên mãn thì cuối cùng mình sẽ được thành Phật.

  • Tự tại là cảnh giới không có tướng hình, tướng người, tướng chúng sanh, hay thọ mạng. Song tự tại ở đâu? Ở bậc nào thì tự tại? Ở bậc nào thì chẳng tự tại? Ở địa vị Thánh Nhân thị tự tại; ở địa vị phàm phu thì không tự tại!

  • Kẻ ngu si thì không biết khiếp sợ luật Nhân quả nên bừa bãi, tùy tiện làm sai trái với luật Nhân Quả; thậm chí còn không tin, bài bác, cho rằng chẳng có nhân quả!Người có trí huệ thì hiểu biết sự nghiêm ngặt của đạo lý Nhân Quả Báo Ứng, do đó rất sợ làm sai với luật Nhân Quả, làm chuyện gì cũng suy nghĩ kỹ rồi mới thực hành.

  • Cổ nhân dạy:

“Lỗi lầm của người quân tử giống như nhật thực, nguyệt thực-ai ai cũng thấy rõ.

Y lập tức tự sửa chữa lỗi lầm,

khiến ai ai cũng kính ngưỡng.”

Người quân -tử khi có lỗi lầm thì ví như mặt trời bị mặt trăng che khuất hoặc mặt trăng bị bóng trái đất che lấp vậy, ai ai cũng rõ biết. Song, nếu ý cấp thời hối lỗi, sửa đổi, thì người người đều tôn kính và ngưỡng mộ y.

  • Kẻ thông minh thì co lỗi liền sửa đổi. Kẻ ngu si thì có lỗi mà không chịu sửa.

  • Tam tai ( ba tai nạn) có lớn và nhỏ-lớn thì có nạn cháy (hỏa tai), lũ lụt ( thủy tai), gió bão (phong tai0; và nhỏ thì có chiến tranh, đói khát, tật dịch. Tam Tai còn được gọi là Tai Kiếp. Nguyên nhân phát sanh ba Tai Kiếp lớn là (1) do lòng giận dữ của con người nên phát sanh hỏa tai; (2) do lòng tham lam nên phát sanh thủy tai; và (3) do lòng ngu si nên phát sanh phong tai.Cho nên, Tam Tai là từ Tam Độc mà ra. Chúng ta ai cũng có Tam Độc- tham , sân, si.Nếu ba tâm này ngày một lớn mạnh thêm, thì tới một lúc nào đó sẽ hình thánh Đại Tai Kiếp, họa hoạn.

  • Pháp Thế Gian giống như một tấm lưới khổng lồ trói chặt hết thảy mọi người-kẻ tham danh thì bị lưới danh vọng trói buộc, kẻ tham tiền thì bị lưới tiền tài cột cứng, kẻ mê sắc thì bị lưới sắc dục bủa vây. Nói tóm lại là người đời bị Ngũ Dục-tiền tài, sắc dục, danh vinh, ăn uống, ngủ nghỉ-chi phối đến điên điên đảo đảo, trói buộc đến nỗi thở chẳng ra hơi! Đáng thương thay là những kẻ không hiểu rõ đạo lý, ty bị lưới vây bủa mà lại chẳng hay chẳng biết! Còn những kẻ hiểu biết thì tuy biết nhưng lại không có cách gì để thoát ly. Đó chỉ làm mình thêm cảm thán mà thôi!

 

CHÚNG SANH ĐỀU LÀ PHẬT

  • Đức Phật từng dạy: “ Mọi chúng sanh đều có Phật tánh, đều có thể thành Phật.” Người nào cũng có tư cách làm Phật dù họ tin hay không tin Phật. Điều này chứng tỏ rằng đạo Phật là một tôn giáo dân chủ, chứ không phải là thứ tôn giáo độc tài.

  • Tôi đem mọi tôn giáo hợp lại về một nhà, nên tôi gọi Phật Giáo là Chúng Sanh Giáo. Bởi không ai thoát ra ngoài cõi hư không, Pháp Giới, ai ai cũng là chúng sanh; do đó, Phật Giáo là thứ tôn giáo mà chúng sanh học.Tôi lại gọi Phật Giáo là Nhân Giáo, bởi tất cả mọi người đều có tư cách làm Phật. Chỉ cần chuyên nhất tu hành thì cuối cùng ai ai cũng sẽ thành Phật. Tôi lại đổi tên Phật Giáo thành Tâm Giáo, bởi ai ai cũng có tâm , mà tu hành là “ trừ khử vọng tâm, lưu tồn chân-tâm.” Còn vọng-tâm là phàm phu. Có chân-tâm tức là Phật.

  • Chư Bồ-Tát lấy việc lợi ích chúng sanh làm điểm khởi đầu, các Ngài không để việc tư lợi lên trên lợi tha. Đó là tinh thần của Bồ-Tát.

  • Từ lúc có lịch sử Phật Giáo đến nay, đạo Phật chưa hề dấy khởi chiến tranh, bởi giới luật đầu tiên của đạo Phật là Không Sát Sanh- chẳng những không giết người mà cả động vật cũng không giết, lại còn phóng sanh, bảo vệ cho động vật được an toàn. Vì vậy nên Phật Giáo chẳng hề gây ra chiến tranh!

  • Tất cả mọi nỗi khổ của chúng sanh, tôi đều xem như là của tôi và tự mình gánh chịu hết. Tất cả những phước lạc của tôi, tôi đều hồi hướng đến tất cả chúng sanh.

  • Phàm lệ, các chứng nan-y như bệnh sốt rét, bệnh ung –thư…đều là do quỷ ngấm ngầm chi phối trong bóng tối, khiến ngũ-tạng trong thân thể con người bị đảo lộn, tứ-đại bị thất thường. Các chứng bệnh ấy đều do quỷ Nghiệp Chướng tác quái mà ra. Đó là vì đời trước người ta có tạo nghiệp chướng, nên khi thời gian chín mùi thì quỷ đến đòi nợ. Rồi cũng bởi những người ấy không đủ đương khí-âm thịnh dương suy-cho nên quỷ mới có thể thừa cơ hội mà tác oai tác quái.Nếu bạn lúc nào cũng có thể không khởi phiền não, trí huệ luôn hiện tiền, thì quỷ không thể nào tìm ra kẽ hở để chui vào hại bạn được. Một khi bạn sanh dục niệm, khởi vô minh, thì quỷ rất dễ dàng xoáy dùi đục vô phá bạn. Từ đây suy rộng ra, thì tám vạn bốn ngàn chứng tật bệnh đều có “ tiền nhân hậu quả” cả. Thậm chí con muỗi cắn bạn một miếng, con ong chích bạn một phát, cũng như tất cả mọi cảnh ngộ khác mà bạn gặp phải, hết thảy đều nằm trong mạng lưới chằng chịt của nhân quả. Con người nếu hiểu rõ đạo lý này thì hẳn nhiên chẳng dám làm chuyện gì sai lầm ( dù là việc nhỏ như mảy lông), bởi vì hễ làm việc sai lầm thì phải chịu quả báo. Nhất là các bạn tu Lục Độ Vạn Hạnh thì càng phải chân thật tu hành hơn nữa- dù là việc nhỏ như mảy lông, các bạn cũng chẳng thể hư ngụy, giả dối, bởi:

 

Nhân địa không chân thật,

Gặt quả sẽ cong vạy

 

  • Ở đời, bất cứ chuyện tốt hay xấu đều là để dạy mình giác ngộ. Chuyện tốt, là dạy mình giác ngộ điều tốt lành. Chuyện xấu, là dạy mình giác ngộ điều xấu xa.

  • Chúng ta phải như ngọn đèn chiếu soi căn phòng của lòng mình-phải có sức quán chiếu thì mới khai sinh đặng công năng của Liễu Nhân Phật Tánh[10].

  • Các bạn hãy mở to mắt mà nhìn và thay đổi quan niệm của mình; Những kẻ phạm pháp trên đời thật sự đều do lòng ích kỷ thúc đẩy mà ra.

  • Thứ oán cừu lớn nhất ở trần gian chẳng có gì khác hơn là sát sanh. Có câu rằng:

 

“Giết người thì thường mạng,

Thiếu nợ thì trả tiền.”

Bạn giết cha mẹ người thì cha mẹ bạn sẽ bị người giết. Sự giết hại lẫn nhau như thế chẳng có lúc đình chỉ. Chính vì nguyên nhân sát sanh quá nhiều cho nên quả báo sẽ đến rất mau- đời này vay, đời này trả.

  • Vì sao hiện nay con người mắc phải nhiều chứng bệnh quái lạ, ác ôn? Nói vắn tắt, thì đó là do nghiệp sát mà ra. Bạn giết chúng sanh nào thì chúng sanh đó đến tìm bạn để đòi nợ máu. Cho nên, trước những thứ bệnh quái dị này, thầy thuốc cũng  đành bó tay đầu hàng. Như thế thì phải làm sao? Chúng ta phải thành tâm sám hối, sửa chữa lỗi lầm, và làm nhiều việc công đức có lợi ích cho chúng sanh, thì mới có thể tiêu trừ được Túc Hiện Nghiệp- nghiệp chướng mà mình trót tạo ra trong đời quá khứ và hiện tại.

  • Thế giới trở nên tốt hay xấu, chủ yếu là do gia đình. Trong gia đình mà biết dạy dỗ con cái đúng đắn, thì tiền  đồ của chúng sẽ sáng sủa. Nếu gia đình mà giáo dục con cái không đúng đắn, thì tương lai của chúng sẽ đen tối. Tuy rằng không thể “ vơ đũa cả nắm,” song , nói chung thì đều như thế  cả. Do đó, làm cha mẹ thì mỗi lời ăn tiếng nói, mỗi cử chỉ hành  động, đều phải cẩn thận, không thể tùy tiện được.

  • Có người hỏi rằng:” Vậy thì có địa ngục hay không?” Tôi cho các bạn biết: Con người lúc sống, chính là ở trong địa ngục đấy! Các bạn xem, có một người cứ không ngớt phiền phiền não não, tranh chấp, cãi vã, như vậy không phải là họ đang ở trong địa ngục sao? Sống như thế thì còn có ý nghĩa gì nữa chứ? Bên cạnh đó lại còn các thiên tai như lũ lụt, gió bão…. Và những thảm cảnh chiến tranh do con người gây ra…. tất cả đều là cảnh “địa ngục sống” ở trần gian. Lại còn những chứng bệnh nan –y vây hãm thân người, khổ sở đến không lời nào có thể diễn tả cho hết- chứng ung-thư phát tác, hành hạ đau đớn đến nỗi không muốn sống nữa; như thế há chẳng phải là địa ngục sao? Song le, con người vẫn không có cái nhìn cho thấu suốt, vẫn chẳng thể buông bỏ. Họ cứ tham luyến, chấp trước, lại chẳng có lòng từ-bi-hễ thấy lợi là quên bẵng tình nghĩa, “ thừa lúc cháy nhà mà ăn cướp”; do đó, cuối cùng họ vẫn luẩn quẩn mãi trong vòng luân-hồi, chẳng có kỳ hạn chấm dứt!

 


 

[1] Thành ngữ Trung Hoa. Ngụ ý rằng đàn bà không nên ghen tuông, đàn ông không nên lén vợ tư tình.

[2] Tâm thường hằng, không thay đổi.

[3] Nhân vật chính trong tác phẩm AQ Chánh Truyện của Lỗ Tấn.

[4] Chữ sắc ở đây có nghĩa là sắc dục, sắc đẹp, hình sắc.

[5] Trạch Pháp Nhãn:con mắt biết chọn lựa pháp-khả năng xét đoán đúng,sai phải, trái.

[6] Vô-Sanh Pháp Nhẫn là sự nhẫn nhục do thể nghiệm mọi pháp-thế gian và xuất thế gian-đều vô sanh. Bản thể của sự nhẫn nhục này cũng vô sanh, vô ngã.

[7] Đốn nghĩa là thành tựu nhanh chóng, ngay tức thời, Tiệm nghĩa là chủ yếu đi từ từ, từng bước tới thánh tựu.

[8] Sáu Căn:mắt,tai, mũi, lưỡi, thân, ý (nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý).Sáu Trần: hình sắc, âm thanh, hương thơm, mùi vị, đụng chạm, pháp ( sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp).Sáu Thức: nhãn thức, nhĩ thức, tỷ thức, thiệt thức, thân thức, ý thức.

[9] Tam Giới là ba cõi hiện hữu của phàm phu: cõi Dục, cõi Sắc, và cõi Vô Sắc.

[10] Phật-tánh được đề cập tới với ba khía cạnh mà từ đó nó được khai phát:

-Chánh Nhân Phật Táng; nguyên do chủ yếu làm Phật-tánh hiển lộ là chính bản thân Phật-tánh hay Chân-như.

-Duyên-Nhân Phật Tánh; những điều kiện nhân duyên trợ giúp cho Phật- tánh được hiển bày, như giáo pháp, kinh điển.

-Liễu Nhân Phật tánh: trí huệ nội tại có thể soi chiếu Chân-như.

 

---o0o---

Vi tính: Kim Thư

Trình bày: Nhị Tường

Cập nhật: 11-2006

Nguồn: www.quangduc.com

Về danh mục

Cho sanh tâm vô trú biet song thi thanh tho Ð Ð Ð tÃƒÆ di 永代 墓 净空老法师临终遗言 tản mạn nghìn mắt nghìn tay 地风升 å æžœ рикна Thiền rửa chén chờ thần chết 禅诗精选 hạnh phúc và phước đức trong thiền 教师节的对联 净名言警句摘抄 牧牛 仏壇 お手入れ用品 观世音菩萨普门品 五痛五燒意思 biệt 弘一法师 华藏法门 người niệm phật chớ nên nghe nhiều hoÃ Æ Già 护法 ç ºä ç Ÿå æœ å œæ 念地藏圣号发愿怎么说 藥師琉璃光如來本願功德經 青瓷周传雄歌曲主要想表达什么 生日快乐 忏悔 Ngày ăn chay được ưu đãi 50 giá เทศนาหลวงพอธราชม 佛教中华文化 tinh cach tuc thoi lan dau cong bo anh ve cuoc dau tranh chong dan ap ò văn Tạp bút Tham thực sà c ß 清华间谍 nguồn gốc của khổ đau 课程表鼓励孩子的话 佛观音