Phật Học - Tứ nhiếp pháp.

 

 

 


 

TỨ NHIẾP PHÁP

 

THÍCH THÔNG HUỆ

 

Tất cả chúng ta, ai tu hành cũng đều muốn nổ lực cho tự thân được lợi ích, đó gọi là tự lợi. Khi chính mình được chuyển hóa tốt đẹp, chúng ta đem kết quả đó san sẻ giúp ích cho người khác, đó gọi là lợi tha. Tự lợi và Lợi tha là con đường tu hành của các bậc Bồ Tát.

Chúng sanh đa bệnh nên phương tiện giáo hóa của Phật cũng phải có nhiều và tương ứng, cũng như tùy bệnh mà cho thuốc. Trong đó, phương tiện hữu hiệu và tác động sâu xa vào lòng người là Tứ nhiếp pháp.

Từ nhiếp pháp là bốn phương tiện để nhiếp phục, cảm hóa tâm lý của người đời. Khi đã cảm hóa được họ, lần hồi từng bước hướng dẫn người phát khởi niềm tin, mở mang trí tuệ và thâm nhập Phật pháp. Các phương tiện này là : Bố thí nhiếp, Ái ngữ nhiếp, Lợi hành nhiếp và Đồng sự nhiếp.

1 – Bố thí nhiếp :

Là Phật tử, chúng ta đều biết, theo nhân quả hữu lậu, người hay bố thí sẽ được hưởng quả giàu sang phú quý, nếu gian tham keo kiệt thì phải chịu nghèo đói khó khăn. Nhưng cũng tùy tâm lượng của chúng ta khi bố thí mà quả hưởng được có khác nhau; nếu trước khi bố thí mà còn đắn đo toan tính, hoặc sau khi bố thí lại tiếc rẻ, thì có thể cũng được hưởng quả giàu sang nhưng phải làm lụng khó khăn cực nhọc lắm.

Nói cho cùng, mọi khổ sở đau thương trên cuộc đời này đều do lòng tham lam ích kỷ của con người mà ra. Từ tham lam đưa đến sân hận, khi lòng tham không được thỏa mãn, rồi có thể gay ra hậu quả không lường trước. Cho nên, nếu chúng ta chỉ biết bo bo giữ lợi ích cho riêng mình, thì ngay bản thân mình, và cả gia đình, xã hội sẽ mãi còn chìm đắm trong khổ đau. Chỉ khi nào chúng ta mở lòng ra để lo cho người có hòan cảnh khó khăn hơn mình, thì không những người khác bớt khổ mà chính mình cũng được an vui. Một số người đã kể, trước khi biết Phật pháp, họ thường xuyên buôn bán thua lỗ, chỉ vì ham tranh hơn tranh thua, gây hiềm khích với người khác. Khi đã quy y, biết cách xử sự, không còn quá tham lam, họ được cảm tình với mọi người nên công việc làm có kết quả hơn, chứ không phải nhờ sức gia trì của vị thần thánh nào cả.

Ở đây, chúng ta cũng cần phân biệt bố thí với cúng dường. Bố thí có ý nghĩa đem những gì mình có san sẻ cho người có hoàn cảnh, điều kiện sống khó khăn hơn mình, bất phước hơn mình. Cúng dường nguyên nghĩa là cung dưỡng, tức cung kính cấp dưỡng, là dâng phẩm vật, tài vật lên những người có địa vị, đạo dức cao hơn mình. Vì sao đức Phật lại khuyên chúng ta nên thực hành hạnh bố thí ? – Để trong vòng luân hồi chúng ta có một đời sống kinh tế sung túc, dễ dàng hơn cho việc tu hành. Khi có điều kiện chúng ta lại tiếp tục bố thí cúng dường, và như vậy trong những kiếp về sau, chúng ta lại càng thuận lợi trong việc tiến tu hơn nữa.

Đối với các vị Bồ Tát, một trong những hạnh nguyện của các Ngài là giúp đỡ chúng sanh bằng tinh thần hay vật chất tùy nhu cầu của họ. Đến lúc gần gũi được họ, làm cho họ tin tưởng và cảm mến, Bồ tát mới thu nhiếp họ để đưa họ đến với Phật pháp. Đó gọi là Bố thí nhiếp. Con người thường sống bằng tình cảm hơn là lý trí, nên nếu chỉ dùng lời nói đạo lý, đôi khi thất bại. Vì vậy Bồ tát phải dùng bố thí như một phương tiện để nhiếp phục chúng sanh.

Trong kinh Đại Niết Bàn, phẩm Phạm hạnh thứ 15, Phật dạy : “ Này Thiện Nam ! Bồ tát lúc thực hành bố thí, đối với chúng sanh khởi lòng thương tưởng như con. Lại nữa, lúc thực hành bố thí, đối với chúng sanh khởi lòng xót xa giốnh như cha me săn sóc đứa con đang bệnh. Lúc thực hành bố thí, tâm Bồ tát vui mừng như Cha Mẹ thấy con lành bệnh. Sau  khi bố thí, tâm Bồ tát buông xả như cha mẹ thấy con đã lớn khôn, có thể sinh  sống tự tại.” Đọan kinh này đã diễn tả một cách chính xác tấm lòng của bồ tát đối với chúng sanh, khi thực hành hạnh bố thí, các vị xem chúng sanh như con đẻ của mình. Chúng ta khi có con, lo cho máu mủ của mình một cách chu đáo từ lúc nhỏ đến lúc lớn, tâm chúng ta thương con như thế nào thì Bồ tát thương chúng sanh như thế ấy. Tuy nhiên, tình thương của chúng ta đôi khi chan rải không đều giữa đứa con này với đứa con khác, còn Bồ tát thì bình đẳng. Các Ngài thương muôn loài chúng sanh không hạn cuộc, không phân biệt, còn chúng ta lại quên các Ngài như những đứa con hoang, bỏ cha mẹ ra đi lang thang trong ba cõi sáu đường.

Lúc thực hành bố thí, tâm lượng Bồ tát lo cho chúng sanh như cha mẹ săn sóc đứa con đang bệnh. Tình thương của cha mẹ bao la như biển cả, bất tận như suối nguồn, và đôi khi chúng ta cũng hiểu được, cảm nhận và biết ơn đối với tình thương đó. Nhưng rất ít người hiểu được tình thương của Bồ tát giành cho chúng sanh. Nếu cha mẹ chỉ lo được cho cái thân vật chất hữu hình hữu hoại của con, thì Bồ tát rất chú trọng đến đời sống tinh thần. Mà đời sống tinh thần thì vô vàng quý giá hơn so với đời sống vật chất, vì đó là hành trang cho tất cả chúng sanh đi suốt lộ trình đến giải thoát viên mãn. Bồ tát biết rõ, có rất nhiều người thiếu thốn, đau khổ về tinh thần, dù họ đang ở địa vị nào, hòan cảnh nào và chỉ có thuốc chánh pháp mới điều trị được bệnh khổ cho chúng sanh.

Khi hành hạnh bố thí và nhiếp phục được chúng sanh, hướng dẫn họ đi theo chánh đạo để được giác ngộ và giải thoát, tâm Bồ tát vui mừng như cha mẹ thấy con lành bệnh. Và sau đó tâm các Ngài buông xả như cha mẹ thấy con lớn khôn, đã vững bước trên đường đời. Sự buông xả này rất phù hợp với tinh thần Balamật, tức vô trước, vô trú, vô nhiễm. Dù làm tất cả mọi việc để được lợi ích cho chúng sanh, tâm các Ngài vẫn thênh thang như hư không, không thấy có người ban ơn, có kẻ chịu ơn và có một pháp để làm ơn. Đó gọi là “Tam luân không tịch”. Nhìn chung bố thí được chia ra làm ba loại

a)Tài thí : Gồm nội tài thí và ngoại tài thí.

Nội tài thí : Dùng cả thân mạng hoặc một vài bộ phận trong cơ thể để bố thí. Đây là hạnh động buông xả lớn của Bồ tát. Hiện nay, có phong trào hiến máu nhân đạo, hiến tặng cơ quan hoặc hiến xác cho khoa học, đều thuộc về lọai này.

Ngọai tài thí : Dùng tài sản của mình kiếm được một cách lương thiện, san sẻ cho những người thiếu thốn, khó khăn về vật chất hơn mình.

Một điều chúng ta cần lưu ý : Ai cũng biết, nỗi khổ của chúng sanh thì vô hạn, nên sự bố thí cũng phải vô biên. Nhưng trong sự bố thí, ngoài lòng từ bi, chúng ta còn phải có trí tuệ. Nếu chúng ta nhẹ dạ, giúp người một cách mù quáng, như giúp tiền cho người nghiện hút, bài bạc … thì vô tình chúng ta càng làm hại cho họ. Mỗi người Phật tử phải là một chiến sĩ trong mặt trận đạo đức, chống lại những tệ nạn, những cái xấu ác, làm trong sạch hóa xã hội. Đó là giúp ích cho mọi người và cho cả bản thân mình.

b) Pháp thí : Sự thiếu thốn khó khăn về vật chất làm cho con người đau khổ, nhưng sự nghèo nàn mất mát về tinh thần càng làm họ thấy bất hạnh hơn. Cái khổ về tinh thần gay tổn hại nhiều hơn cái khổ về vật chất, nhiều khi ảnh hưởng xấu đến sức khỏe và cả tính mạng con người. Y học đã chứng minh rất nhiều trường hợp loét dạ dày, tá tràng, bệnh tim mạch, và đặc biệt là hội chứng kích động thần kinh (stress) là hậu quả của sự căng thẳng, lo nghĩ hay buồn phiền lâu ngày.

Các vị tu hành đem Phật pháp giảng dạy cho chúng sanh, mục đích làm chúng sanh bớt khổ, đó gọi là pháp thí, nhưng cũng tùy trình độ căn cơ của từng người mà lập phương tiện giáo hóa, cũng như tùy bệnh mà cho thuốc (khế cơ), và những lời giảng dạy phải phù hợp với chánh pháp, phải có giá trị bất di bất dịch (khế lý). Khi Phật pháp được truyền bá rộng rãi theo tinh thần khế cơ và khế lý, chúng sanh nương vào đó tu hành, cuộc đời sẽ được an lạc, xã hội nhờ đó cũng yên bình thịnh vượng.

Pháp thí quan trọng hơn tài thí như thế nào ?, trong kinh Kim Quang Minh Tối Thắng vương, quyển ba, phẩm Diệt Nghiệp Chướng, Phật dạy : “ Này Thiện Nam!. Gia sử có người đem bảy báu đầy cả tam thiên đại thiên thế giới cúng dường Như Lai, nếu lại có người khuyến thỉnh Như Lai chuyển Đại Pháp Luân,, thì người này được công đức hơn người kia. Vì sao? – vì người kia dùng tài thí, người này dùng pháp thí. Này Thiện Nam !. Đừng nói chi đem cả bảy báu đầy cả tam thiên đại thiên thế giới bố thí, mà nếu có người đem bảy báu nhiều như hằng hà sa  tam thiên đại thiên thế giới cúng dường tất cả chư Phật, thì công đức khuyến thỉnh cũng vẫn hơn cả sự cúng dường ấy, do vì pháp thí có năm điều thù thắng. Những gì là năm ? – Một là, pháp thí gồm cả lợi mình, lợi người, còn tài thí không được như thế. Hai là pháp thí hay khiến chúng sanh ra khỏi ba cõi, còn phước tài thí chẳng ra khỏi cõi dục. Ba là pháp thí làm pháp thân thanh tịnh, còn tài thí chỉ tăng trưởng sắc thân. Bốn là, pháp thí thì vô cùng, còn tài thí có cùng tận. Năm là, pháp thí dứt được vô minh, còn tài thí chỉ khuất phục được tham ái. Thế cho nên, này thiện nam ! Công đức khuyến thỉnh vô lượng vô biên, không thể thí dụ”.

Ở nay Phật chỉ rõ năm điều thù thắng của pháp thí

Thứ nhất : , pháp thí gồm cả lợi mình, lợi người. Ví dụ, khi một người nói pháp cho một đám đông nghe, trước hết người ấy có lợi ích vì đã gieo một nhân tốt là bố thí pháp; người nghe được chánh pháp, nếu y đó tu hành, cuộc đời sẽ được chuyển hóa, tâm sẽ được thăng hoa. Tài thí thì không được như vậy, vì nếu bố thí để họ dùng phương tiện đó làm điều xấu, thì chính sự bố thí ấy lại làm hại cho họ và cho những người xung quanh

Thứ hai : Pháp thí hay khiến chúng sanh ra khỏi ba cõi Dục, Sắc và Vô Sắc, nếu chúng sanh biết tu hành theo chánh pháp, đọan trừ tham – sân – si , được giác ngộ và giải thoát. Nếu dùng tài thí, đó là đang tu phước hữu vi, giỏi lắm cũng sanh về cõi Tha Hóa Tự Tại  Thiên, tức chưa giải thóat cỏi dục. Rồi khi hưởng hết phước, có thể lại bị đọa vào các đường ác.

Thứ ba : Pháp thí làm pháp thân thanh tịnh, còn tài thí chỉ tăng trưởng sắc thân. Sắc thân của chúng ta do nghiệp tạo nên, dễ bị hoại diệt, biến đổi vô thường; nhưng trong đó còn có pháp thân vô tướng, không bị biến hoại theo thời gian và không gian. Nếu trong suốt cuộc đời, chúng ta chỉ lo chăm sóc cho cái sắc thân, thỏa mãn những nhu cầu của nó là ăn, mặc, ở, tức cái hạ tầng kiến trúc của đời sống, mà quên đi phần thượng tầng kiến trúc là văn hóa, tâm linh, thiền định, trí tuệ, thì rỏ ràng chúng ta chỉ sống bằng bản năng như loài vật. Chỉ có thượng tầng kiến trúc mới nuôi dưỡng pháp thân, còn những nhu cầu vật chất tầm thường chỉ làm cho chúng ta mãi  chìm trong vô minh tăm tối. Pháp thí sẽ giúp chúng ta biết chánh đạo, sống với cái cao cả, cái minh triết, là những yếu tố quyết định sự tiến hóa của toàn thể loài người.

Thứ tư : Pháp thí thì vô cùng, vì nó không có tướng mạo, nên không bị mai một theo thời gian. Người thí pháp vô cùng, vì có thể nói pháp suốt đời, nói ở mọi chổ mà vẫn mãi mãi lưu xuất được; người nghe pháp cũng vô cùng, vì dùng pháp để tu theo suốt đời vẫn không hết, không cạn. Ngược lại vì tài thí có hình tướng, nên có giới hạn có cùng tận

Thứ năm : Pháp thí dứt được vô minh, còn tài thí chỉ khuất phục được tham ái. Khi nghe pháp, sự hiểu biết của chúng ta càng sâu rộng, trí tuệ càng phát triển, đến rốt ráo có thể dứt được vô minh. Tài thí thì chỉ tạm giải quyết khó khăn trước mắt cho người được bố thí, còn người bố thí thì cũng tạm thời khuất phục được tham ái ngay lúc ấy mà thôi.

Do những đặc tính quá ưu việt của pháp thí đã nói trên, rõ ràng công đức của người pháp thí và người khuyến thỉnh pháp thí vô lượng vô biên, tài thí không thể so sánh nổi. Nếu mỗi tự viện đều là những nơi được khuyến thỉnh pháp thí, thì Phật tử sẽ được muôn phần lợi laic, đời sống được cải thiện, đau khổ sẽ không còn và xã hội cũng được trong sạch hơn lên. Vì vậy, đã là Phật tử, chúng ta phải luôn trao dồi học hỏi, ngày càng thâm nhập Phật pháp để chuyển hóa tự thân, tự cứu mình ra khỏi mọi ràng buộc khổ não của đời sống. Sau đó chúng ta đem sự hiểu biết bằng trí tuệ và sự thanh lương của tâm hồn mình ra giúp ích cho người khác, thì hành động pháp thí ấy mới có kết quả.

c) Vô úy thí : khi tu hành đắc lực, tâm yên tĩnh, trí tuệ mỡ mang, Bồ tát thấy rõ mọi lẽ thực-hư của cuộc đời, các Ngài không còn lầm chấp các pháp nữa. Được sức tự tại vô úy, các Ngài đem cái vô úy đó mà che chở đùm bọc chúng sanh, làm chúng sanh không còn lo sợ, được an ổn dù gặp bao hệ lụy. Đó gọi là Vô úy thí.

Chúng ta từ lúc sinh ra đã sợ sệt nhiều điều : sợ bóng tối, sợ cô đơn, sợ đau ốm tai nạn, sợ hoàn cảnh khó khăn, thậm chí sợ những điều không đáng sợ. Bồ tát hiểu rõ điều này, nên các Ngài dùng sức vô úy che chở cho chúng sanh. Khi chúng sanh đã an ổn, tin tưởng và có cảm tình, các Ngài mới hướng dẫn họ đến với Phật pháp. Hạnh vô úy này thật ra rất khó, đòi hỏi người bố thí phải tu hành có kết quả, thấy rõ và thâm nhập lý duyên sinh-vô ngã, mới có thể thực hiện được.

Tóm lại, chúng ta thấy bố thí là một quan niệm sống, một nghệ thuật sống cao đẹp, phát sinh từ tâm từ bi. Nếu không có tâm từ bi thì không thể hành hạnh bố thí. Ngoài ra, muốn bố thí đạt đến cứu cánh, thì phải hợp với tinh thần Ba la mật, nghĩa là khi giúp người mà chúng ta hoàn toàn không thấy mình là người ban ơn, chúng sanh là kẻ chịu ơn. Có như vậy chúng ta mới phục vụ người khác bằng một tâm trong sáng, không có tính tóan, mưu mô.

2- Ái ngữ nhiếp :

Ái ngữ nhiếp là dùng lời nói mềm mỏng dịu dàng, gây được cảm tình với người khác; và từ đó, hướng dẫn họ tu hành theo chánh pháp.

Trong cuộc sống hằng ngày, mọi người cần sử dụng ngôn ngữ khi giao tiếp, khi muốn bày tỏ ý kiến, tình cảm với người chung quanh. Một người có nổi buồn muốn thổ lộ, phải dùng lời nói; người có niềm vui muốn san sẻ, cũng phải dùng lời nói cho người khác cảm thông. Nhưng dù vui hay buồn, cũng phải biết cách sử dụng lời nói làm sao để ai nghe cũng mát lòng đẹp ý, đó gọi là Ái  ngữ. Chỉ có lòai người mới có ngôn ngữ, nên chúng ta cần biết trân quý để sử dụng đúng thời đúng mức. Thật ra ngôn ngữ là con dao hai lưỡi, có thể an ủi, xoa dịu nổi đau cho người khác, nhưng ngược lại có thể gay tổn thương tác hại cho cả mình và người. Do vậy, là Phật tử, lời nói chúng ta thốt ra phải mang tính cảm thông và xây dựng. Một số phụ huynh thường dùng áp lực, quyền hạn của bậc trưởng thượng, bắt con cháu phải theo đúng ý mình, đôi khi làm chúng bị tổn thương. Dĩ nhiên, quyền lực cũng cần thiết nhưng phải dùng đúng lúc. Cho nên sử dụng Ái ngữ đối với con cái hay người chung quanh là một nghệ thuật và là điều cần thiết.

Nếu đôi mắt được xem là cửa sổ của tâm hồn, thì ngôn ngữ chính là chổ biểu hiện của tâm hồn ấy. Vì sao nói như vậy ? – Bởi vì lời nói của một người có thể biểu hiện  được tư cách, trí tuệ, đạo đức và đời sống nội tâm của người đó. Một nhà hiền triết có nói : “Tạo hóa rất khéo sắp đặt, cho mỗi người hai mắt, hai mũi, hai tai nhưng chỉ có một miệng” cần hai mắt để thấy cho rõ, cần hai mũi để hít thở cho đủ dưỡng khí, cần hai tai để lắng nghe; nhưng chỉ cần một miệng để vừa ăn vừa nói. Đức Khổng Tử đã bảo : “Đa ngôn đa bại” (nói nhiều hại nhiều).

Trong kinh A Hàm, đức Phật dạy : “Này các Tỳ kheo ! có ba lối nói : Một là nói như phân; hai là nói như hoa; ba là nói như mật.

Thế nào là nói như phân ? – Này các Tỳ kheo ! Hạng người nói không đúng sự thậtt, nói dối trá, nói hai lưỡi, nói thêu dệt, nói ác ngữ. Đây là hạng người nói như phân.

Và này, các Tỳ kheo ! Thế nào là nói như hoa ? Hạng người nói đúng sự thật, không dối trá không nói hai lưỡi, không nói thêu dệt, không nói ác ngữ. Đây là hạng người nói như hoa.

Và này, các Tỳ kheo ! Thế nào là nói như mật ? – Hạng người không những nói đúng sự thật, không dối trá, không nói hai lưỡi, không nói thêu dệt, không nói ác ngữ, mà còn luôn luôn nói những lời lợi ích, nói những lời không hại, nói những lời hướng thiện, tai ưa nghe, khả ái, đi thẳng đến tâm, lễ độ, được nhiều người ưa thích, thích ý. Đây là hạng người nói như mật”

Vì sao đức Phật ví những người vọng ngôn , ỷ ngữ, lưỡng thiệt và ác khẩu là nói như phân ?

Trong cơ thể, chất hạ tiện nhất, bẩn thỉu nhất là phân. Khi một người nói ra những lời ấy, người khác cũng nhờm gớm, không muốn nhìn, không muốn gần, như đối với phân vậy.

Hạng người thứ hai khiến người chung quanh muốn gần gũi, yêu mến, được ví như hoa, vì hoa vừa có màu sắc vừa có hương thơm, khiến người thích nhìn ngắm, thưởng thức.

Hạng người thứ ba đặc biệt hơn cả, họ đã thành tựu được chánh ngữ và sử dụng chánh ngữ để làm lợi ích cho người khác, giúp người khác đi vào chánh đạo, thăng hoa trong cuộc sống. Đức Phật ví hạng người này như mật,, vì ngoài hương vị thơm ngon và ngọt ngào, mật còn có tác dụng trị liệu. Y học hiện đại kết hợp với y học cổ truyền đã chứng minh, mật có một số tác dụng chính như thanh nhiệt giải độc, giúp an thần, tăng trí nhớ và trị suy nhược thần kinh, kích thích tiêu hóa và điều hòa độ axít trong dạ dày, long đàm và giảm ho, đặc biệt còn làm tăng thể trạng và sức đề kháng cho cơ thể. Hạng người nói như mật, không những dùng ái ngữ khiến người khác cảm mến muốn gần, mà lời nói của họ khiến người khác bớt khổ, điều trị được bệnh phiền não cho người.

3- Lợi hành nhiếp :

Lợi hành nhiếp là những hành động làm lợi ích cho một người hay nhiều người khác, sau đó đưa họ về với đạo lý. Ví dụ : Dắt một người mù qua đường, tạo công ăn việc làm cho người lao động, tham gia các tổ chức công ích, từ thiện …

Trong thiền sử đã kể, nhiều vị thiền sư dùng y thuật điều trị bệnh cho người; sau khi lành bệnh mới đưa họ về với chánh pháp. Như thế Y-phương-minh là một trong ngũ minh, phương tiện hành đạo của Bồ tát, cũng thuộc lợi hành nhiếp. Hiện nay có rất nhiều tổ chức y tế phục vụ bệnh nhân nghèo vô điều kiện, như các bệnh viện miễn phí, các tổ phẫu thuật đem lại ánh sáng và nụ cười cho những người mù và dị tật sứt môi , tổ chức các thầy thuốc không biên giới … cũng nhằm mục đích đem lại sức khỏe  cho con người. Có thể trong những tổ chức đó, các vị Bồ tát cũng có mặt để nhờ lợi hành mà thu nhiếp chúng sanh, nhưng các Ngài không bao giờ để lộ ra mình là Bồ tát.

Chúng ta cũng cần phân biệt lợi hành và đồng sự. Trong lợi hành luôn luôn có ý nghĩa phụng sự người khác mà quên lợi ích của bản thân mình. Còn đồng sư,ï sẽ phân tích ở sau, chỉ là cùng sống cùng làm, cùng hưởng thành quả như đối tượng mình muốn nhiếp phục. Trong lợi hành có sự hi sinh nhiều hơn, và lợi ích mình mang lại cho người có thể thấy một cách rõ ràng và tức thời, nên dễ khiến người cảm phục và tin theo.

4 – Đồng sự nhiếp :

Đồng sự nhiếp là hòa mình vào cùng việc làm, hoàn cảnh, cùng chia bùi xẻ ngọt với người, sau đó dẫn dắt họ đến với Phật pháp. Cuộc sống hòa mình, cùng chung buồn, vui, sướng, khổ với người là một nghệ thuật đắc nhân tâm. Nhưng muốn hòa đồng như thế, chúng ta phải có lối sống có phong cách, có ngôn ngữ gần giống người mà mình muốn nhiếp phục. Đối với nông dân, chúng ta phải lam lũ, tay lấm chân bùn, ăn nói bình dân như họ. Đối với hạng trí thức thượng lưu, chúng ta cũng phải có văn hóa trình độ, phong cách tao nhã tương tự như thế. Dĩ nhiên từ “hòa đồng” ở đây chỉ có nghĩa là sống, nói năng và làm việc phải gần giống với đối tượng, chứ không phải giống hòan toàn, nhất là đối với những người kém văn hóa hay sống trụy lạc bê tha. Đây là ý nghĩa của việc “Hòa quang đồng trần” của các vị Bồ tát. Các Ngài sống chung đụng với đủ các hạng người, từ giàu có thượng lưu đến tầng lớp bần cùng nghèo khổ, từ những người lương thiện đạo đức đến những kẻ trộm cướp lưu manh. Các Ngài gần gũi họ nên hiểu họ một cách sâu sắc, được họ tin tưởng yêu mến, từ đó mới giúp đỡ họ, nhiếp phục họ một cách hiệu quả. Hình ảnh đẹp đẽ và tiêu biểu nhất của đồng sự nhiếp là Tếâ điên Hòa thượng, có cuộc sống gần gũi với đời thường, quảy bình rượu xách cá chép thỏng tay vào chợ.

Một điều chúng ta cần ghi nhớ : vì sao các vị Bố tát có thể hòa mình vào mọi tầng lớp trong xã hội mà không đánh mất mình ? – Bởi vì các Ngài như một chai nước trong đã lọc hết cặn bã, dù lắc cách mấy vẫn không bị vẫn đục. Có như vậy các Ngài mới hướng dẫn, giáo dục được chúng sanh đi theo chánh đạo. Còn chúng ta như nước còn đục, không thể bắt chước các Ngài sống buông thả, đã không làm được lợi ích cho ai mà trái lại còn hại bản thân mình. Cho nên, chúng ta phải biết rõ trình độ tu tập, sức tự tại và thâm nhập Phật pháp của mình đến đâu, để uyển chuyển linh động khi hành đồng sự nhiếp.

Thật ra, khi có phước duyên nghe và hiểu được Phật pháp, chúng ta đều muốn mọi người cũng đều có lợi ích như mình. Nhưng nếu chính bản thân mình chưa tu tập, chưa chuyển hóa mà vội đem Phật pháp ra nhiếp phục người khác, thì việc làm đó không có căn bản, đôi lúc gây tác dụng ngược với ý mình. Vì vậy, vấn đề tự lợi phải được đặt lên hàng đầu, đó là gốc rễ của lợi tha, còn lợi tha chỉ là hoa trái của tự lợi. Quan trọng là phải sống được với bản tâm chân thật của chính mình, từ đó có thể biểu hiện ra ngôn ngữ và hành động, ngay cả dáng vẻ cung cách cũng toát lên một sự bình an thanh lương, khiến người khác quý kính và tự giác nghe theo. Vào thời đức Phật, chỉ cần nhìn dáng đi, phong cách hay lối sống của Ngài và các Thánh đệ tử, nhiều người đã phát tâm tu hành thành tựu đạo nghiệp

Tứ nhiếp pháp mang tính tâm lý, tính thông cảm và tính xã hội rất cao. Nói rằng “mang tính tâm lý” vì cả bốn pháp nhiếp này đều đi sâu vào tâm hồn của người khác. Bồ tát sẵn sàng lăn xả vào cuộc đời, hy sinh vì mọi người để cảm hóa, thu phục người. Có thể nói đây là môn tâm lý học của Phật giáo.

“Mang tính thông cảm” vì có thông cảm với nổi khổ đau, khó khăn, thiếu thốn của người, ta mới giúp đỡ người bằng tất cả tấm lòng, không mong cầu đền đáp. Mà muốn thông cảm, ta phải đặt mình vào hoàn cảnh của người,. Có như thế ta mới thương mến  người một cách chân thành, đem lại lợi ích cho người một cách vô vi lợi.

Về “Tính xã hội” thì quá rõ ràng, vì xã hội có tính cách cá thể và tập thể, mà thực hành Tứ nhiếp pháp là thực hành đối với một người, một tập thể nào đó. Nhờ mang tính xã hội mà đạo Phật được truyền bá rộng rãi từ thành thị đến nông thôn, tận các vùng sâu vùng xa. Nhờ tính xã hội mà đạo Phật có mặt ở mọi tầng lớp, từ giàu có đến nghèo hèn, từ trí thức thượng lưu đến bình dân thất học.

Đạo Phật dùng tứ nhiếp pháp để chinh phục lòng người, như thế cũng là dùng “Vũ khí”. Nhưng thứ vũ khí này không phải là công cụ giết người để thỏa mãn quyền lực và tham vọng của kẻ ác, mà là phương tiện để đưa con người về con đường chân chính, giúp người tìm được sự an bình nội tâm. Đạo Phật rất xa lạ với giáo quyền, mà lại mang tính tự do dân chủ, tôn trọng quyền con người một cách triệt để. Đạo Phật đặc biệt còn mang tính từ bi, vì từ bi nên chủ trương dùng đức báo oán; vì thế mới có sức mạnh vô địch, có thể san bằng mọi nghịch cảnh oán thù. Do vậy, đạo Phật đã tồn tại trên hai ngàn năm trăm năm mà chưa từng có một cuộc thánh chiến nào, chưa từng gây đỗ máu cho ai. Đây là một nét đẹp tuyệt vời của Phật giáo.

Khi thực hành Tứ Nhiếp Pháp, ta đã thể hiện tâm từ bi, tức ban vui và cứu khổ  vào cuộc đời. Đây là pháp tu của hàng Bồ tát chứ không phải của người tầm thường, bởi đó không chỉ là tu riêng cho bản thân mình mà còn làm cho nhiều người khác cùng chuyển hóa. Nét tự lợi và lợi tha đều có đầy đủ, mà dường như lợi tha lại cao hơn một bậc. Tất cả chúng ta, nếu muốn thành tựu Phật quả, không có con đường nào hơn là phải theo lộ trình tự lợi và lợi tha của Bồ tát. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý, trong công cuộc giáo hóa chúng sanh, phước duyên và công phu tu tập của từng vị Bồ tát là những điều kiện tiên quyết. Công huân tu tập là đời sống căn bản của một Bồ tát, còn phước duyên là do vị ấy tích lũy trong nhiều đời kiếp.

Chúng ta cũng cần phân biệt giữa phước và duyên. Phước là có của cải, có điều kiện tốt để làm lợi ích rộng rãi, được nhiều người hỗ trợ; phước biểu hiện trên tư cách, trên cuộc sống của một người. Duyên là có khả năng lôi kéo, thuyết phục người khác, khiến người khác chịu phục tùng. Tùy công huân tu tập và phước duyên mà một vị Bồ tát có quyến thuộc nhiều hay ít. Có nhiều người muốn giúp đỡ, làm lợi ích cho người khác, nhưng do phước duyên còn mỏng, nên thất bại trong công cuộc giáo hóa chúng sanh. Cũng có trường hợp, công huân tu tập chưa đến đâu mà ra làm thầy thiên hạ, không có gì để truyền tải cho người, nên không thu được kết quả bao nhiêu.

Tóm lại, Tứ nhiếp pháp là pháp môn phương tiện mang tính nhiếp hóa, cảm phục được lòng người một cách hữu hiệu. Đây là những hạnh tu lợi tha của những người có tâm Bồ tát, muốn hiến dâng cuộc đời mình cho lợi ích chung, bởi vì “Phụng sự chúng sanh là cúng dường chư Phật” vậy

 

 

----o0o---

Trình bày: Anna

Cập nhật: 12-2007

Nguồn: www.quangduc.com

Về danh mục

ดวยอำนาจแหงพระพ 天计算器 长寿和尚 Cho sanh tâm vô trú biet song thi thanh tho Ð Ð Ð tÃƒÆ di 永代 墓 净空老法师临终遗言 tản mạn nghìn mắt nghìn tay 地风升 å æžœ рикна Thiền rửa chén chờ thần chết 禅诗精选 hạnh phúc và phước đức trong thiền 教师节的对联 净名言警句摘抄 牧牛 仏壇 お手入れ用品 观世音菩萨普门品 五痛五燒意思 biệt 弘一法师 华藏法门 người niệm phật chớ nên nghe nhiều hoÃ Æ Già 护法 ç ºä ç Ÿå æœ å œæ 念地藏圣号发愿怎么说 藥師琉璃光如來本願功德經 青瓷周传雄歌曲主要想表达什么 生日快乐 忏悔 Ngày ăn chay được ưu đãi 50 giá เทศนาหลวงพอธราชม 佛教中华文化 tinh cach tuc thoi lan dau cong bo anh ve cuoc dau tranh chong dan ap ò văn Tạp bút Tham thực sà c ß 清华间谍