Phật Học - Tu nghiệp.

 

 

 

 

 

Tu Nghiệp

Tỉnh Thuần

 

MỤC LỤC

1. Lời mở đầu

2. Tu nghiệp là gì?

3. Vai trò và vị trí của Thuyết Nghiệp báo trong đạo Phật

4. Nghiệp báo không phải là định mệnh

5. Năm Niyanma

6. Định nghĩa về Nghiệp

7. Phân loại nghiệp

8. Phân biệt giữa Nghiệp và Nghiệp Báo

9. Tính chất của Nghiệp

10. Năng lực của Nghiệp

11. Quản lý Nghiệp và Nghiệp báo

12. Tái sanh về đâu?

13. Những điều cần biết về cận tử nghiệp

14. Hai giai đoạn của cái chết

15. Nhận biết cảnh giới tái sanh

16. Vấn đề đốt tiền vàng mã cho người chết

17. Thay cho lời kết

 

 

Lời mở đầu 

Nghiệp mãi là chiếc bóng song hành với hình hài kiếp người. Hơn sáu tỉ con người đang hiện hữu trên hành tinh xanh này không diện mục nào in khuôn diện mục nào, có giống chăng chỉ phảng phất đôi nét dung mạo, song tâm hồn vẫn khác biệt. Điều gì đã làm nên sự sai biệt về thể chất lẫn tâm hồn nơi con người. Thưa đó là sự chi phối của Nghiệp. Nghiệp đã tác động hình thành nên đời sống giàu nghèo, sang, hèn, sinh, xấu…của nhân sinh, cho đến hạnh phúc hay khổ đau cũng do nghiệp chi phối.

Sự tìm kiếm hạnh phúc, niềm khát vọng bình an nơi tâm hồn luôn là điều mơ ước của nhân loại. Để đạt được những ước vọng đó, việc làm chủ vận nghiệp là điều không thể thiếu được. Mời bạn hãy ghé ý lưu tâm đến “ Tu Nghiệp”

Chúc bạn viên thành Đạo nghiệp!

Thiền Viện Trúc Lâm Tây Thiên

Mùa xuân năm Đinh Hợi 2007

Kính ghi

Tỉnh Thuần

 

TU NGHIỆP LÀ GÌ?

 

Trong cuộc đời mỗi con người, hầu hết ai cũng mơ ước được đi “tu nghiệp” tại các trường đại học danh tiếng, văn bằng được quốc tế công nhận, nhằm đạt trình độ quản lý cao, giỏi về mọi lĩnh vực trong đời sống, kinh tế, xã hội để rồi có được công việc với đồng lương cao, trở thành những thương gia tầm cỡ quốc tế hay những chính khách danh giá trên chính trường…Có nhiều nhà quản lý rất giỏi chuyên môn, đóng góp nhiều cho các tổ chức, xã hội nhưng thực sự lại không quản lý nổi ba nghiệp (thân, khẩu, ý) của mình nên dẫn tới gặp tai hoạ như thường. Ví dụ như tội tham nhũng, ban đầu xuất phát từ ý muốn tham lam thầm kín, khi ý muốn này đã gieo gặp đủ điều kiện liền trổ quả tức khắc. Hành vi tham nhũng sẽ được thực hiện. Nghiệp tham ô đã gieo. Nghiệp này sẽ tới ngày trổ quả, hành động tham nhũng được kết tội khi mọi yếu tố cấu thành tội phạm chứng minh đầy đủ, quả báo cho loại hình tội phạm này là vô tù ngay trong kiếp này…Đó là một dạng nghiệp báo ứng tức thời. Còn những con đường đi âm thầm của nghiệp mà chủ nhân của nó tìm cách trốn chạy mà cứ tưởng chừng như thoát khỏi tội đã gây ra, nhưng nào ngờ những tai ương giáng hoạ bất thình lình, chỉ khi ngẫm nghĩ xâu chuỗi sự kiện thì mới thấy được đó là nghiệp báo ứng của tội đã gây tạo mà thôi. Ví dụ về trường hợp đi thầm kín của nghiệp này cũng vô kể như trường hợp nghiệp báo ứng tức thời. Có lẽ tự mỗi người chúng ta hãy suy ngẫm về chính mình để thấu rõ về nghiệp là điều hay hơn hết.

Ở đây xin bàn đến Tu Nghiệp theo đạo Phật. Tu nghiệp trong nhà đạo chính là tu ba nghiệp thân, khẩu và ý của mình, chúng ta nên lưu ý những điều sau:

-Khước từ việc xấu.

-Luôn khởi ý niệm lành, nói điều lành, làm việc lành.

-Giữ tinh thần tỉnh giác đối với ba nghiệp thân khẩu và ý.

Nghiệp báo là một sự kiện nhắc nhở đối với người Phật tử sơ cơ và là một khích lệ đối với hạng trí thức. Đức Phật dạy:

“ Phước báu và tội lỗi mà con người tạo ra là tất cả những gì mà con người làm chủ, là những gì đưa con người đi, từ nơi này…là những gì luân chạy theo bén gót con người như bóng theo hình. Vậy, từ đây con người hãy tích trữ cái tốt để đem đi nơi khác, trong tương lai. Hãy tạo một nền tảng vững chắc cho thế gian ngày mai.”(1)

Cần phải hiểu về nghiệp như thế nào trong giáo lý Đạo Phật để có thể tu được ba nghiệp thân khẩu và ý?

Con người là chủ nhân của nghiệp và thừa kế những nghiệp mà mình đã gây tạo. Nghiệp là thai tạng mà từ đó con người được sinh ra”

Kinh Trung Bộ

 

VAI TRÒ VÀ VỊ TRÍ CỦA THUYẾT NGHIỆP BÁO TRONG ĐẠO PHẬT

 

Nghiệp báo là một trong những giáo lý căn bản của Đạo Phật.

Từ đời trước đức Phật Thích-ca-mâu-ni, hai học thuyết Nghiệp báo và Tái sinh có liên quan mật thiết với nhau, đã được truyền bá sâu rộng tại Ấn Độ.

Mặc dù mục tiêu cuối cùng của Phật giáo là Niết bàn- sự chấm dứt tái sinh- có thể thành đạt được ngay trong kiếp sống hiện tại, nhưng Đức Phật với sự thấu rõ về Vô Thường- Vô Ngã và luật Nhân Quả đã giải thích tường tận về Nghiệp báo và Tái sinh.

Triết lý thâm sâu của thuyết Vô Thường – Vô Ngã và luật Nhân Quả, là di sản vô song của Đức Phật để lại cho loài người, chỉ có thể chiêm nghiệm bởi mỗi cá nhân trong chính kiếp sống của con người. Mọi kiến thức khoa học và ngay cả đạo lý trên cũng chỉ là công cụ để giúp mỗi cá nhân tự kinh nghiệm cuộc đời chính mình mà thôi.

Đức Phật thành tựu quả vị Phật, đạt đến Niết-bàn bằng con đường thực chứng tâm linh. Còn khoa học thì đi trên con đường thực nghiệm và nương nhờ phương tiện vật chất để chứng minh được điều này điều nọ. Đó chính là giới hạn của khoa học.

Phật tánh, Niết-bàn vốn không tên nhưng để làm phương tiện mô tả chỗ mà Đức Phật đã thực chứng được nên đành lòng gọi tên mà thôi. Vì thế, xin quý vị đừng bị sự bám víu vào ngôn từ, phương tiện truyền thông của loài người, để rồi tự tạo khó cho bản thân mình trên con đường tu học.

 

NGHIỆP BÁO KHÔNG PHẢI LÀ ĐỊNH MỆNH

 

Định luật Nhân- Quả trong lĩnh vực tinh thần đạo đức là Nghiệp.

Tái sinh là hệ luận tự nhiên của Nghiệp.

Thuyết định mệnh không phải là định luật nghiệp báo trong đạo Phật

Nghiệp báo là một trong năm định luật (lịch trình, Niyanma)(2) chi phối sự tiến triển vật chất và tinh thần mà Phật giáo phân biệt.

 

NĂM NIYANMA

 

1.Utu Niyama là định luật liên quan đến sự tiến triển của Vật lý thuộc loại vô cơ như hiện tượng thời tiết, mưa gió, nhiệt hàn “ Bốn mùa tám tiết và đặc tính của mỗi mùa như hạ thì nóng, đông thì lạnh”.

2.Bij Niyama là định luật liên quan đến sự phát triển của vật lý thuộc loại hữu cơ, những vật có tế bào như cây cỏ. Do định luật này thì dòng nào sinh giống nấy. Cây lúa do hạt lúa, cây cam do hạt cam. Luật âm dương đực cái, tế bào và bẩm thụ gène trong việc thụ thai cũng do định luật này chi phối. Sự giống nhau về thể chất của hai trẻ sinh đôi cũng vậy.

3.Kamama Niyama là định luật Nhân Quả hay là sự tiến triển hành động thiện hoặc ác, đến quả lành hay dữ.

Nhân gieo thì quả trổ. Nhân lành đem quả tốt. Nhân ác đưa đến quả xấu. Đó là định luật tự nhiên chứ không phải là hình thức thưởng hay phạt. Sự tiến triển từ nhân đến quả cũng tự nhiên và cần thiết như sự xoay chuyển của trái đất chung quanh mặt trời. Đó là nguyên tắc nhân quả tương xứng của định luật Nghiệp báo.

Nguyên tắc thứ hai của luật Nhân Quả là trổ quả liên tục. Một nhà bác học trong đời tìm tòi, học hỏi thu thập được nhiều kiến thức và kinh nghiệm. Đến lúc tái sinh, tất cả những kinh nghiệm và kiến thức ấy cũng được chuyển từ kiếp này sang kiếp khác. Đôi khi ta cũng phảng phất nhớ lại một vài kinh nghiệm và kiến thức trong kiếp trước, nhưng lắm lúc ta lại quên hẳn, cũng như ta quên một vài kinh nghiệm và kiến thức đã thu thập hồi còn nhỏ, cùng trong một kiếp sống. Do nguyên tắc quả trổ liên tục mà có những thần đồng chưa học mà nói được nhiều thứ tiếng.

4.Dhamma Niyama là định luật của vạn pháp như những hiện tượng xảy ra, như khi một vị Bồ-tát tái sinh trong kiếp chót; luật hấp dẫn lực và những định luật khác trong vũ trụ…đều có thể liệt vào lịch trình tiến triển này.

5.Citta Niyama là định luật tâm lý như lịch trình diễn của tâm, những nguyên tố cấu tạo tâm, năng lực của tâm như thần giao cách cảm, biết quá khứ vị lai, huệ hãn, huệ nhĩ, tha tâm thông và những hiện tượng tương tự mà khoa học hiện đại chưa giải thích được.

Như tất cả các định luật trong vũ trụ, năm lịch trình tiến triển kể trên không do một oai lực huyền bí nào tạo nên.

Định luật liên quan đến sự tiến triển của vật lý, loại vô cơ, loại hữu cơ, định luật vạn pháp là những lịch trình tiến hoá tự nhiên, mặc dầu trong một giới hạn nào đó con người cũng có khả năng kiểm soát được ở một mức độ nhất định. Ví dụ như lửa nóng có đặc tính làm phỏng da, tuyết lạnh đến mức dưới 0oC  thì làm đông nước nhưng cũng có người thể đi trên lửa mà không bị phỏng, cũng có người ngồi trên tuyết Lãnh sơn, khoả thân, mà không sao, hay như là trường hợp hoa quả có thể được thụ nở trái khác mùa bằng phương pháp nhân tạo…

Định luật thuộc về tâm linh cũng tác động tự nhiên, một cách vô ý thức, không cần kích thích, không tuỳ thuộc nơi ý muốn nào bên ngoài. Khi nhân đã gieo, do nghiệp báo, thì quả phải trổ.

Trong luân hồi vô thường thì sự gieo nhân và trổ quả là liên tục từ kiếp này qua kiếp khác không ngừng nghỉ, trùng trùng điệp điệp tiến trình gieo và gặt xuyên kiếp, con người luôn có cơ hội để cải biến được cuộc đời minh ngay trong kiếp hiện tại bằng cách gieo hạt lành. Sự tu tập trong Phật giáo nhằm mục đích kiểm soát thân, khẩu, ý và sự kiểm soát này có thể thực hiện được nhờ hiểu biết chân chính và tư tưởng trong sạch. Chánh kiến và tác ý có thể sửa chữa được nghiệp quả, nghĩa là nghiệp lành có thể chuyển hoá nghiệp quả xấu.

 

ĐỊNH NGHĨA VỀ NGHIỆP

(Tác ý là Nghiệp)

Tăng Nhất A-hàm

Định nghĩa tột cùng của Nghiệp là tác ý. Tư tưởng, lời nói, việc làm đều khởi xuất từ động cơ ý muốn. Phật giáo gọi ý muốn hay ý chí ấy là tác ý. Những hành động có tác ý, dầu biểu hiện do thân, khẩu hay ý đều tạp Nghiệp. Hành động có tác ý, thiện hay bất thiện, đều tạo thành Nghiệp. Những hành động không cố ý, không có chủ tâm, mặc dầu đã biểu hiện bằng lời nói hay việc làm đều chưa tạo thành Nghiệp.

Đức Phật dạy:” Này hỡi các Tỳ-kheo, Như Lai xác nhận là chính Tác ý là Nghiệp. Có ý muốn làm mới có hành động, bằng thân, khẩu hay ý.”(3)

 

PHÂN LOẠI NGHIỆP

 

Có nhiều cách phân loại Nghiệp tuỳ thuộc vào tiêu chí căn cứ. Ở đây dựa trên khả năng báo ứng, Nghiệp có thể chia thành bốn loại: (4)

1,Trọng Nghiệp

Nghĩa là hành động trọng yếu, nghiêm trọng, một Nghiệp nặng, vì nó chắc chắn trổ quả trong đời hiện tại hay kiếp sau hoặc kiếp vị lai.

Nếu là một trong Nghiệp thuộc về 5 loại tội ác (Ngũ Nghịch Đại Tội) là giết cha, giết mẹ, giết vị A-la-hán, gây thương tích cho Đức Phật và chia rẽ Tăng đoàn.

2. Cận tử Nghiệp

Cận Tử Nghiệp là nghiệp dẫn dắt đi thọ sanh. Cận tử Nghiệp là hành động cuối cùng hay là hành vi nào mà chập tư tưởng sau chót nhớ nghĩ đến trước khi lâm chung.

Người theo Đạo Phật thường có thói quen nhắc nhở người sắp lìa đời nên có những hành vi ý tưởng tốt đẹp đã làm trong cuộc đời, giúp đỡ khuyến khích họ tạo một nghiệp lành ngay trước giờ phút lâm chung như: Tụng kinh, Niệm Phật…

Đôi khi người xấu có thể chết một cách yên ổn và tái sanh trong cảnh giới tốt đẹp nếu họ được túc duyên hồi nhớ lại, hoặc làm một điều thiện trong giờ phút cuối cùng. Nhưng không có nghĩa là người ấy, dầu tái sanh trong nhàn cảnh, cũng không tránh khỏi quả dữ của nhân ác đã gieo trong quá khứ.

Một người làm lành có thể sanh trong cảnh xấu, bởi bất thình lình trong giờ phút cuối cùng lại có một hành vi hay tư tưởng bất thiện. Tuy nhiên đó là do chập tư tưởng bất thiện sau cùng nên người ấy phải chịu tái sanh trong cảnh khổ, nhưng những nhân lành người ấy đã gieo sẽ trổ quả đúng lúc khi đủ thời tiết nhân duyên.

3.Thường Nghiệp

Là những việc, hành động hàng ngày thường làm, hay nhớ đến và ưa thích hơn hết. Những thói quen làm lành hay dữ dần dần trở thành bản chất và ít nhiều uốn nắn tâm tánh con người. Trong khi nhàn rỗi tâm thường duyên theo những tư tưởng, những hành động quen thuộc một cách vô ý thức. Trong giờ phút lâm chung, trừ khi bị một ảnh hưởng nào mạnh hơn, ta thường nhớ lại những hành vi và tư tưởng quen thuộc.

4.Tích Trữ Nghiệp

Tất cả những trường hợp không có kể trong ba loại nghiệp trên gồm chung lại thành một Nghiệp Tích Trữ. Nghiệp này giống như vốn dự trữ của một cá nhân.

 

PHÂN BIỆT GIỮA NGHIỆP VÀ NGHIỆP BÁO

 

Nghiệp là Nhân

Tạo Nghiệp là gieo Nhân

Nghiệp báo là Quả

Nhân duyên đủ thì trổ quả gọi là Nghiệp Báo.

Trong sự báo ứng của Ngjiệp, Tâm là yếu tố tối quan trọng, bởi lẽ tất cả những việc làm, lời nói và tư tưởng đều do nơi tâm phát khởi.

Trong chuỗi Nhân-Quả là liên hồi vô thuỷ vô chung, nhân duyên đủ thì trổ quả, đến lượt thì quả lại trổ thêm nhân mới và hội đủ duyên thành quả mới. Luân hồi vô thường là vậy.

 

TÍNH CHẤT CỦA NGHIỆP

 

“Gieo gì gặt nấy”

Tạp A-hàm

Thật hiển nhiên “gieo gì gặt nấy”. Nhưng nếu chúng ta cứ bám chặt vào câu này thì sẽ rơi vào tình trạng bi quan cho rằng biết bao giờ mới trả hết nghiệp đã gieo của vô thuỷ vô kiếp, để rồi ngủ quên ngay trong đời sống hiện tại.

Chúng ta chưa đủ khả năng thấu được vô lượng kiếp của Đức Phật. Được thân làm người đã là phước quý giá hơn những loài chúng sinh khác, nghĩa là chúng ta có cơ hội tu tập cho đến khi thành tựu quả vị Phật, bằng cách gieo những hạt giống lành hầu mong trổ quả ngay trong hiện đời, kiếp kế tiếp hay nhiều kiếp vị lai.

Mỗi người chúng ta hãy tự chiêm nghiệm tính chất của Nghiệp”gieo gì gặt nấy” với sự quán chiếu về lý Vô Thường-Vô Ngã và luật Nhân Quả trong một bình diện rộng lớn đa chiều của nhiều kiếp nhân sinh, để tự tin mà tìm phương tiện chuyển hoá nghiệp báo của bản thân mình.

Đồng thời chúng ta cần ghi nhớ rằng, khi đã gieo nhân lành rồi thì đừng hối tiếc để tránh tình trạng quả trổ sanh không được tương xứng với nhân hoặc thậm chí trái ngược với nhân đã gieo. Ví dụ một người có lòng tốt giúp đỡ người nghèo hay người bị sa cơ lỡ vận, nhưng khổ một nỗi người này giúp lại hay kể công nên làm cho người mang ơn có khi hết kiếp hiện tiền cũng chưa đủ cơ hội để trả hết ơn nên chẳng dám gần gũi, thậm chí lại có những trường hợp sau sự giúp đỡ một thời gian hai bên không muốn nhìn mặt nhau. Theo đạo lý thường tình thì mối quan hệ giữ người hỗ trợ và người thọ nhận sự giúp đỡ phải là tốt đẹp mới đúng. Nhưng đôi khi lại trái ngược.

 

NĂNG LỰC CỦA NGHIỆP(5)

 

Nghiệp là một năng lực riêng biệt của từng cá nhân được chuyển từ kiếp này sang kiếp khác. Nghiệp đóng một vai trò quan trọng trong việc tạo nên tâm tánh của một con người.

Vạn vật đều Vô Thường, mỗi người chúng ta luôn biến đổi và luôn đang trở thành một cái gì khác.

Theo luật Nhân-Quả thì cái mới ấy phụ thuộc vào hành động của chính mỗi chúng ta.

Trong từng sát-na ta có thể tự cải hoá cuộc đời mình hướng thượng, hoặc ngược lại. Tất cả nhân ( Nghiệp thân, khẩu, ý) , mà ta gieo vào vũ trụ này đều được ghi lại và vận hành theo luật Nhân-Quả.

Nghiệp này sẽ cộng hưởng với các nghiệp khác ( biệt nghiệp của bản thân hay cộng nghiệp của một cộng đồng, tổ chức lớn, nhỏ) để mà trổ qủa ( nghiệp báo) khi có đủ nhân duyên. Đó là lý do tại sao mà có thể quả của một nhân yếu tố lại trổ sanh tròn đủ, còn quả của một nhân mạnh lại lắng xuống không trổ sanh nữa như trường hợp sự tu tập đạt đến quả vị A-la-hán.

Đức Phật dạy:

Này các Tỳ-kheo, người kia không biết khép mình vào kỷ cương của thể xác, của luân lý, của tâm, của trí tuệ, kém đạo đức, kém giới hạnh và do đó, sống đau khổ. Dầu một hành động tầm thường của người ấy cũng đủ tạo quả đưa đến cảnh khổ”.

“Này các Tỳ-kheo, người kia có nếp sống kỷ cương, về vật chất cũng như luân lý, tinh thần và trí tuệ, đạo đức cao thượng, biết làm điều thiện và lấy tâm Từ vô lượng đối xử với tất cả mọi chúng sinh. Người như thế đâu có một hành động tầm thường như người kể trên hành động ấy cũng không tạo quả trong kiếp hiện tại hay kiếp tương lai.(6)

“Tỷ như có người cho một muỗng muối vào bát nước. Này các Tỳ-kheo, các thầy nghĩ thế nào? Nước trong bát có thể trở nên mặn và khó uống không?

-Bạch Đức Thế Tôn, có ạ!

-Tại sao?

-Bạch Đức Thế Tôn, vì nước trong bát thì ít mà cho một muỗng nên phải mặn.

-Bây giờ, tỷ như người ta đổ muối ấy xuống sông Hằng, này các Tỳ kheo, các Thầy nghĩ sao? Nước sông hằng có vị muối ấy mà trở nên mặn và khó uống không?

-Bạch Đức Thế Tôn, không ạ!

-Tại sao?

-Thưa Đức Thế Tôn vì sông Hằng rộng lớn, nước nhiều, chỉ bấy nhiêu muối ấy không đủ làm mặn.

Cũng như thế, có trường hợp người kia vi phạm một lỗi mà chịu cảnh khổ, người khác cũng vi phạm tương tự mà chịu quả nhẹ hơn và sau khi chết, quả kia dầu nhỏ, không trổ sanh nữa.”(7)

Trong sự báo ứng của Nghiệp có những năng lực hỗ trợ tạo điều kiện cho quả sớm trổ sanh và ngược lại cũng có những năng lực kìm hãm ngăn chặn không cho quả phát sanh. Những năng lực đó là:

-Sự sanh trưởng.

-Thời gian hay hoàn cảnh.

-Nhân cách hoặc sắc tướng.

-Sự nỗ lực cố gắng.

Sự tái sinh tốt có thể là một năng lực kìm hãm không cho quả dữ trổ sanh, trong khi đó nếu sanh trưởng trong gia đình hoàn cảnh nghèo khó thì sự tái sinh bất hạnh của người này tạo điều kiện thuận lợi cho quả dữ phát sinh.

Người đã gieo nghiệp tốt được tái sinh trong hoàng tộc, mặc dù không thông minh tài giỏi nhưng cũng được thiên hạ trọng vọng, trong khi đó cũng con người này nếu sinh trong gia đình bình thường thì ắt không được xem trọng như vậy.

Vua A –xà-thế tuy phạm tội lớn giết cha về sau gặp được thiện duyên tuy nhờ thân cận học Phật mà trở nên một vị minh quân có tâm đạo nhiệt thành nhưng do trọng tội đã phạm nên phải tái sanh vào cảnh khổ, ở nơi bất thuận lợi này mà bao nhiêu nhân lành ông đã gieo sau này cũng không đủ duyên hỗ trợ để trổ quả.

Thời gian hay hoàn cảnh cũng ảnh hưởng đến sự báo ứng của Nghiệp. Ví dụ tất cả mọi người đều phải cùng chung chịu một số phận trong một cảnh thiên tai.

Dung mạo đẹp đẽ hoặc xấu xí có thể hỗ trợ hay kìm hãm sự báo ứng của Nghiệp. Ví dụ như trường hợp có người nhờ Nghiệp lành mà được tái sanh vào hoàng tộc thành hoàng tử nhưng lại cũng vì Nghiệp mà bị tật nguyền thì cũng không hoàn toàn trọng hưởng được phước báu của mình, không được vua cha chọn lựa để truyền ngôi báu. Lại có trường hợp đứa trẻ nhờ diện mạo phương phi tuy sinh ra trong gia đình nghèo mà vẫn có thể gieo ít nhiều thiện cảm đến người khác.

Sự nỗ lực cố gắng là quan trọng hơn cả trong các năng lực trợ duyên và nghịch duyên của Nghiệp. Trong sự báo ứng của Nghiệp, sự chuyên cần và sự thiếu chuyên cần giữ một vai trò chính yếu. Do sự cố gắng hiện tại ta có thể tạo nghiệp mới, hoàn cảnh mới, môi trường mới, thậm chí cả một thế giới mới. Trong khi đó, dù đủ điều kiện thuận lợi và trợ duyên đầy đủ mà ta không nỗ lực cố gắng thì chẳng những ta bỏ lỡ một cơ hội quý báu mà có khi phung phí cả một sự nghiệp, thể chất lẫn tinh thần.

Nắm vững giáo lý Nghiệp báo từ sự vận hành của Nghiệp và năng lực trợ duyên hay nghịch duyên đối với Nghiệp để mà can trường vững bước trong cuộc đời mỗi người, biết khai thác phát triển các yếu tố thuận duyên, tìm phương tiện triệt tiêu ác duyên hầu tiếp nhận quả một cách an nhiên tự tại.

Niềm tin nơi Nghiệp báo nâng cao giá trị của sự tinh thần và kích thích lòng nhiệt thành, vì lý nghiệp báo dạy mỗi người phải lãnh lấy trách nhiệm của chính mình.

 

QUẢN LÝ NGHIỆP VÀ NGHIỆP BÁO

 

Nếu coi Nghiệp là đầu vào, khi gieo nhân nghiệp càng cẩn trọng bao nhiêu thì gặt quả đầu ra nghiệp báo càng an toàn bấy nhiêu. Làm sao có thể quản lý được đầu vào từ vô thuỷ kiếp? Chúng sanh trong biển vô minh mù mịt cần phải làm gì?

Mọi sự xảy ra trong cuộc đời mỗi người chúng ta đều do nghiệp chi phối. Sự có mặt của mỗi người là sự hiện hữu của nghiệp thiện hay bất thiện của quá khứ. Muốn biết nhân đời trước, nhìn hiện tại họ đang hưởng. Muốn biết quả đời sau, xét hiện tại họ đang tạo việc gì.”

Sự quán chiêu toàn diện của lý Vô Thường – Vô Ngã- và luật Nhân - Quả soi rọi trong thuyết nghiệp và Nghiệp báo của Phật giáo hoàn toàn có thể giải thích được cặn kẽ những điều kỳ diệu, hoặc tưởng chừng như bất công, vô lý trong hiện hữu của đời sống con người.

Dù muốn hay không muốn, biết hoặc không biết, để ý hay không để ý. Mặc nhiên, ai cũng phải tiếp nhận nghiệp báo, lớn hay nhỏ, lành hay dữ, và ai cũng vẫn đang tạo nghiệp mới trong từng nhịp sống của hiện kiếp. Mong ước tối hậu của con người là cả sự tiếp nhận và sự tạo mới sao cho được bình an. Hãy biết nhận thức để trong kiếp hiện tại này gieo thật nhiều nghiệp lành, trong sự xoay vần không ngừng của luật Nhân-quả thì ắt sẽ cải thiện được Nghiệp báo và gặt hái được những quả lành ngay trong kiếp này cũng như tương lai. Nhân lành xuất phát từ ý nghĩ, tư tưởng của chúng ta. Muốn làm việc lành thì phải khởi ý niệm lành. Ba nghiệp (thân, khẩu và ý) lành thì đời sống an lạc tốt đẹp. Tu tập ba nghiệp là điều rất cần thiết đối với người con Phật.

 

TÁI SINH VỀ ĐÂU?

 

Nghiệp và Nghiệp báo trong giáo lý Đạo Phật đã chiếu giải được sự bí ẩn của cái được gọi là Số Mệnh và Tiền Định của một vài tôn giáo, và trên hết là giải thích được sự muôn màu, muôn vẻ của nhân loại.

Tuệ giác của Đức Phật là thành tựu từ sự thực chứng tâm linh vô cùng vô tận, còn khoa học bị giới hạn bởi sự thực nghiệm trên cơ sở vật chất. Vì thế cho nên, Tuệ giác của Đức Thế Tôn đã vượt xa các nhà khoa học cổ đại cũng như hiện đại. Những gì Đức Phật nói cách đây hơn 2550 năm mà cho đến nay khoa học vẫn còn chưa giải mã được việc con người chết rồi về đâu, mặc dù khoa học và triết học phương Tây đã đổ công vào việc nghiên cứu Phật học rất nhiều.

Hiện nay luân hồi tái sinh đang là một đề tài nóng hổi ở xã hội phương Tây nói chung và Mỹ nói riêng. Chương trình “60 Phút” ngày 30 tháng 10 năm 2005 có đề cập đến vấn đề Luân hồi tái sinh và báo cáo hiện nay có đến 78% người Mỹ (vào khoảng 195 triệu dân) tin có tiền kiếp và hậu kiếp. Raymond Moody, Giáo sư triết học, bác sĩ Y khoa, là một nhà nghiên cứu người Mỹ tiên phong về vấn đề luân hồi tái sinh, nói rằng, sự hiểu biết về hiện tượng có đời sống khác sau đời sống này (life after life) đã được giấu nhẹm rất kỹ cho đến bây giờ. Nếu ai muốn tìm hiểu xem người Mỹ nghĩ thế nào về luân hồi chỉ việc vào thăm Google, gõ chữ “books on reincarnation” thì thấy một con số khổng lồ, hơn hai triệu tài liệu gồm sách và các bài luận giải về nhân quả và luân hồi…(8)

Ai sinh ra rồi cũng đến ngày phải từ biệt cuộc đời theo qui luật sanh, già , bệnh. chết. trong kiếp luân hồi vô tận thì sanh, già, bệnh, chết rồi lại sanh…Tương tự như các mùa của thiên nhiên: Xuân, hạ, Thu, Đông rồi lại Xuân…cứ thế chuyện luân nhưng chẳng mùa xuân nào giống mùa xuân nào. Cũng vậy, chẳng sự tái sinh nào giống đời sống nào. Đó chính là bản chất của thuyết Vô Thường- Vô Ngã. Chỉ có sự kết ràng duy nhất đó là những hạt nghiệp mà ta đã gieo này chịu sự chi phối của luật Nhân-Quả. Nghiệp báo là những quả trổ sẽ quyết định hình thức tái sinh và kiếp sống tiếp theo của ta. Vậy thì điều quan trọng hơn cả là sự chuyên tâm chính ý tu nghiệp ngay trong kiếp hiện tiền để có được đời sống an lạc hạnh phúc đồng thời chính là chuẩn bị hành trang tốt để đi qua thế giới khác. Nói một cách nôm na thì hãy nên coi thân tứ đại này giống như một phương tiện giao thông để ta dùng trong hành trình không biết điểm khởi thuỷ cũng chẳng rõ chốn tận cùng. Phương tiện ấy ví như một chiếc xe, khi đã cũ hỏng phải rời bỏ thay cái khác thì nên vui chứ chẳng phải chi buồn!.

 

NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT VỀ CẬN TỬ NGHIỆP

 

1.Với người sắp chết đừng làm cho họ tức giận, rất dễ rơi vào cảnh giới không tốt.

Xin dẫn câu chuyện sau để thấy tác động của cận tử nghiệp. Có vị sư trụ trì một ngôi chùa, tuổi đã cao lâm bệnh nặng, được đi khám bác sĩ. Yêu cầu của bác sĩ đối với trường hợp bệnh nhân này là cần phải dùng thức ăn động vật. Các đệ tử thì thương sư phụ nên đã dâng cháo gà cho Thầy ăn, mặc dầu biết rằng thầy minh đi tu chay tịnh hoàn toàn từ bé. Khi sư phụ khoẻ lại, cả chùa mừng vui, nhưng niềm hỷ lạc chưa dứt thì nỗi buồn lại ập tới, ngay sau khi vị thầy nghe được câu trả lời thật thà của chú tiểu nhỏ rằng:-Bát cháo trị bệnh hiệu nghiệm mà sư phụ đã dùng là tô cháo gà. Để rồi Thầy đứt mạch máu não từ biệt cuộc đời. Kể từ đó cứ đến đúng giờ vị sư chết, âm thanh rùng rợn từ tiếng gió lá reo nơi sân chùa:” Lâm bệnh nằm liệt giường, lại bị húp cháo xương”. Chư tăng phần vì ân hận, phần vì lo sợ nên tay nải ra đi dần, chùa bị bỏ hoang từ đó. Một hôm có vị Thiền sư chấn tích đi ngang qua thôn xóm, vào lúc trời sắp tối muốn tìm chỗ nào nghỉ qua đêm, đã được dân làng chỉ cho ngôi chùa bỏ hoang đó. Tới nơi, vị thiền sư nghe thấy tiếng gió thổi ghê rợn rồi vang lên câu:” Lâm bệnh nằm liệt giường, lại bị húp cháo xương”. Thiền sư liền ứng thanh đáp lại :” Ba nghiệp hằng thanh tịnh. Đồng Phật vãng Tây Phương”.

Cả đời vị sư trụ trì quá cố chỉ ăn chay, nhưng khi đau ốm để mong cứu chữa bệnh thì lại bị đệ tử cho ăn thịt, khi biết được vậy ông rất khổ đau vì nghĩ mình phạm giới nên chết trong cơn uất hận.

May thay gặp vị thiền sư khai thị cho ông biết rằng: Do không phải vì cố ăn, nên từ đó hồn ma hiểu ra và thoát khỏi kiếp ngạ quỷ.

2. Nên giúp cho người sắp ra đi không luyến tiếc của cải để tránh bị tái sanh vào cảnh giới xấu.

Trong kinh kệ A-hàm có kể câu chuyện thời đức Phật còn tại thế: Có một hôm Phật đi ngang qua nhà anh nông dân, con chó của anh thấy ngài đi tới gần bèn lớn tiếng sủa. Với Phật nhãn, Đức Thế Tôn thấy chính con chó đó là người cha đã qua đời của người chủ nhà nên nói với con chó: Ngươi đã bị tái sanh vào kiếp số như vầy mà còn không thấy được thân phận của mình hay sao, thế rồi con chó như hiểu lời Ngài và chui vào gầm giường nằm. Một lúc sau, người chủ nhà đi về không thấy con chó đâu, liền hỏi vợ và được biết rằng do Phật nói gì đó mà con chó buồn thiu, nên đã tìm đếnTinh xá để trách cứ Đức Thế Tôn. Ngài đã nói cho gia chủ biết con chó đó chính là cha của anh ta bị tái sinh, do vì tiếc hai túi vàng còn chôn dưới gậm giường, nơi con chó đang nằm. Người chủ nhà không tin nhưng rồi khi đào lên thì thấy có hai túi vàng thật.

3.Khi người thân chết không nên khóc lóc thảm thiết mà tốt hơn hãy niệm Phật, tụng kinh để người chết nghe kinh thức tỉnh ngõ hầu được siêu thoát.

 

HAI GIAI ĐOẠN CỦA CÁI CHẾT

 

Theo Y học cho biết thì sự chết được chia làm hai giai đoạn:

Chết lâm sàng là các chức năng thần kinh trung ương và các quá trình oxy hoá rơi vào tình trạng ức chế hoàn toàn, quá trình trao đổi chất trong tế bào bị rối loạn, dự trữ năng lượng cho hoạt động của não bị kiệt quệ. Nhưng đó là những thay đổi có thể hồi phục được. Cho nên ở Hoa Kỳ có trường hợp chết chôn rồi mà vẫn sống lại. Sau này họ đã lắp hệ thống báo hiệu để cứu những người còn cơ hội sống lại.

Tại Tây Tạng các vị đạo sư Lạt ma khuyên người mới chết nên để từ 8-36 giờ mới nên chôn. Mục đích phòng ngừa khi thần thức chưa ra khỏi, nếu động chạm mạng vào thân người mới lâm chung dễ gây cho họ sự tức giận dẫn đến tái sinh vào cảnh giới không tốt.

Chết sinh vật là giai đoạn cuối cùng, khi mà mọi khả năng hồi phục đều trở nên vô vọng. Đây mới là cái chết thật sự.

 

NHẬN BIẾT CẢNH GIỚI TÁI SINH

 

Kinh Thủ Hộ Quốc Giới có nói về

Chín hiện tượng của những người lâm chung sẽ thác sanh vào cõi súc sanh:

1.Thân mang bệnh nặng.

2.Tâm mê mờ tán loạn không thích nghe danh hiệu Phật và không thích nghe nói về điều lành.

3. Ưa thích mùi cá thịt.

4.Quyến luyến chồng, vợ con không rời.

5.Các ngón chân tay đều co quắp lại.

6.Cả thân mình đều toát mồ hôi.

7.Khoé miệng hay chảy nước.

8.Tiếng nói khò khè rít nóng khó nghe.

9.Miệng thường ngậm đồ ăn không nhai nuốt được.

Mười một hiện tướng của người thác sanh vào ngạ quỉ:

1.Thân hình nóng như lửa đốt.

2.Lưỡi luôn lè ra liếm môi.

3.Thường cảm thấy đói khát ưa nói đến ăn uống.

4.Miệng há hốc ra không chịu ngậm lại.

5.Tham tiếc tiền của giằng giật khó chết.

6.Mắt thường trợn lên mà không nhắm lại.

7. Đôi mắt khô khan như hai mắt chim gỗ.

8.Không tiểu tiện nhưng đại tiện nhiều.

9. Đầu gối bên phải lạnh trước.

10.Tay phải nắm lại tiêu biểu cho lòng bỏn xẻn.

11.Lúc tắt thở hai mắt mở trao tráo.

 

Mười sáu tướng trạng của người thác sanh vào địa ngục:

1.Thường nhìn ngó người thân bằng con mắt giận ghét.

2. Đưa tay quờ quạng trong hư không.

3. Đi đại tiểu tiện không tự biết.

4.Thân thường tiết ra mùi hôi hám.

5.Thường nằm úp mặt xuống.

6.Hai mắt đỏ ngầu.

7.Nằm co bên trái.

8.Các lóng xương đau nhức.

9.Dù được thiện Tri Thức chỉ bảo cũng không nghe theo.

10.Mắt bên trái hay động đậy.

11.Sống mũi xiên vẹo.

12.Gót chân, đầu gối luân run rẩy.

13.Thấy tướng ác vẻ mặt sợ sệt không nói được.

14.Tâm thần rối ren.

15.Cả mình lặng ngắt.

16.Tay nắm lại thân thể cứng đơ.

Mười tướng trạng cho biết người sắp chết sẽ sanh về cõi Người:

1.Thân không bệnh nặng.

2.Khởi niệm lành, sanh lòng vui vẻ, ưa nói đến việc phước thiện.

3.Thường nhớ nghĩ đến cha mẹ vợ con.

4. Đối với việc lành hay dữ, tâm không lầm loạn.

5.Sanh lòng tịnh tín thỉnh tam bảo đối diện quy y.

6.Con trai con gái đều đem lòng thương mến gần gũi.

7.Tai muốn nghe tên họ của anh chị em bạn bè.

8.Tâm chánh trực không dua nịnh.

9.Rõ biết bạn bè giúp đỡ cho mình, khi thấy bà con săn sóc sanh lòng vui mừng.

10.Dặn dò, giao phó các việc cho thân quyến rồi từ biệt mà đi.

 

Mười tướng trạng của người sanh về cõi Trời:

1.Sanh lòng thương xót người, vật.

2.Phát khởi tâm lành.

3.Lòng thường vui vẻ.

4.Chánh niệm hiện tiền.

5. Đối với tiền của vợ con không còn tham luyến.

6. Đôi mắt trông vẻ sáng sạch.

7.Mắt trông lên, miệng mỉm cười, tai nghe thiên nhạc, mắt thấy thiên đồng.

8.Không có sự hôi hám.

9.Sống mũi không xiên xẹo.

10.Lòng không giận dữ. 

Đại thừa Trang nghiêm kinh luận

Nói về người sắp tắt thở sờ lên người thấy nơi nào nóng để xác định nơi thần thức đi ra cuối cùng, sẽ biết được cảnh giới người ấy thác sanh, có bài kệ thế này:

“Đảnh sanh cõi Thánh, mắt sanh Trời

Bụng nóng Ngạ quỷ, tim nóng Người

Súc sanh thần thức ra đầu gối

Nóng ở bàn chân, địa ngục thôi”.

 

Nghĩa là:

“Đầu nóng sanh vào cõi Thánh

Mắt nóng sanh vào cõi Trời

Bụng nóng sanh vào Ngạ quỷ

Tim nóng sanh vào cõi Người

Nóng ở đầu gối sanh vào cõi Súc sinh

Bàn chân nóng thác vào Địa ngục”.

 

VẤN ĐỀ ĐỐT TIỀN VÀNG MÃ CHO NGƯỜI CHẾT

Đời Hán năm Nguyên Hưng (105), sách Thông Giảm cương mục có chép:Vì vua Huyền Tôn mê thuật quỷ thần mới dùng ông Vương Dũ làm quan Thái thường bác sĩ để coi việc chế tạo vàng mã dùng trong khi nhà vua có tế lễ. Có thể nói Vương Dũ là thuỷ tổ nghề vàng mã. Đến đời vua Đạt Tôn nhà Đường (762), phần lớn người dân Trung Hoa thời đó, sau khi đã thấy được sự không lợi ích của việc đốt vàng mà nên đã cùng nhau từ bỏ tập tục ấy, làm cho các nhà chuyên sinh sống bằng nghề nghiệp vàng mã lâm vào cảnh thất nghiệp, nhất là Vương Luân con cháu của Vương Dũ người đã bịa đặt ra đồ vàng mã. Vương Luân đã âm mưu phục hưng lại nghề nghiệp của ông cha mình bằng cách bàn với bạn mình giả đò đau nặng và vài ngày sau loan tin người bạn đã chết, sau đó cho vào quan tài, bên dưới quan tài có đục một lỗ hổng để thở và đưa thức ăn cho người giả chết. Đến ngày động quan, dân chúng tụ về rất đông đảo, ông Vương Luân cầm hình nhân thế mạng ra khấn vái miệng lảm nhảm liên hồi, bỗng thấy quan tài rung động, Vương Quân tiến đến mở nắp áo quan, thấy người bạn lồm cồm bò dậy từ từ bước ra khỏi quan tài đến trước Vương Luân phủ phục thưa: - Nhờ ông đốt hình nhân thế mạng nên chư thần trong Tam, Tứ phủ mới tha cho ba hồn bảy vía của tôi được phục sinh về dương gian. Sau đó, nhờ vậy mà nghề hàng mã của Vương Luân được làm ăn khấm khá trở lại. Nhưng sau này do sự bất bình giữa người bạn với Vương Luân, người bạn đã tiết lộ việc làm đê hèn của ông và từ đó người dân Trung Hoa tỉnh giác không còn bị mắc lừa nữa.(9) Vậy mà người dân Việt Nam ta chịu ảnh hưởng mãi cho đến nay, hiện giờ vẫn còn rất nhiều người hành theo tập tục này một cách vô thức?! Thật đáng trê trách.

 

THAY CHO LỜI KẾT

Thế giới ngày nay hiện ra trong lòng bàn tay chỉ cần một cái nhắp chuột, (one-click hand-span world) nhờ sự phát triển của công nghệ thông tin. Hơn bao giờ hết loài người càng cần tu Đạo, dưỡng Đức để có thể đẩy lùi được những tệ nạn phát sinh là những mặt trái, hệ luỵ hiển nhiên của sự phát triển, sự chênh lệch giàu nghèo, tệ nạn tham nhũng, khủng hoảng tâm thần, nạn khủng bố và biết bao tệ nạn xã hội khác. Hãy sống có trách nhiệm với chính bản thân mình, với hành tinh xanh mà loài người đang được nương náu. Mỗi con người chúng ta hãy tu Đạo bằng cách tu Tâm(10), để cho ý trong, khẩu lành và thân sạch thì ắt hẳn cả biệt nghiệp lẫn cộng nghiệp sẽ giúp con người có được đời sống hoà bình, an lạc hạnh phúc bền lâu. Tu nghiệp theo Đạo Phật ở bất kỳ nơi đâu, trong hoàn cảnh nào cũng đều cần như vậy.

 

Sách tham khảo:

1.Kindrred Sayíng, Phần I trang 98.

2.Xem Abhidhammãvatarã trang 54, Rhys Davids, Buddhism, trang 119.

3.Anguttaa Nikãya iii 415, The Expositor phần I, trang 117 Attháalini, trang 88.

4.Xem The Buddha and his teachingsk, Narada Maha There.

5.The Buddha and his teaching, by Narada Maha There

6. Đức Phật thầm chỉ các vị A-la-hán

7.Angutara Nikãya phần 1 trang 249. Xem Warren, Buddhism in Translation, trang 218.

8.Văn hoá Phật giáo số 17, tháng 6/2006

9.T.T Tố Liên, Đuốc Tuệ xuất bản.

10.Tìm về Nguồn Tâm, Tỉnh Thuần, NXB Tôn giáo 2007.

 

 

 

----o0o---

Vi tính: Quảng Tuệ Hương
Trình bày: Quảng Tuệ Định

Cập nhật: 1-2008

Nguồn: www.quangduc.com

Về danh mục

biet song thi thanh tho Ð Ð Ð tÃƒÆ di 永代 墓 净空老法师临终遗言 tản mạn nghìn mắt nghìn tay 地风升 å æžœ рикна Thiền rửa chén chờ thần chết 禅诗精选 hạnh phúc và phước đức trong thiền 教师节的对联 净名言警句摘抄 牧牛 仏壇 お手入れ用品 观世音菩萨普门品 五痛五燒意思 biệt 弘一法师 华藏法门 người niệm phật chớ nên nghe nhiều hoÃ Æ Già 护法 ç ºä ç Ÿå æœ å œæ 念地藏圣号发愿怎么说 藥師琉璃光如來本願功德經 青瓷周传雄歌曲主要想表达什么 生日快乐 忏悔 Ngày ăn chay được ưu đãi 50 giá เทศนาหลวงพอธราชม 佛教中华文化 tinh cach tuc thoi lan dau cong bo anh ve cuoc dau tranh chong dan ap ò văn Tạp bút Tham thực sà c ß 清华间谍 nguồn gốc của khổ đau 课程表鼓励孩子的话 佛观音 新学期新展望内容怎么写 hÓng