Sự thật mà Đức Phật chứng ngộ dưới gốc cây bồ đề
là sự thật Duyên khởi, được ghi lại trong kinh Đại Bổn, Trường Bộ 3;
kinh Mahàsaccaka; kinh Sư tử hống, Trung Bộ I… Sự thật đó chỉ giải trình
về khổ và con đường diệt khổ. Đó là: “Do cái này có mặt thì cái kia có
mặt. Do cái này sanh thì cái kia sanh. Do cái này không có mặt thì cái
kia không có mặt. Do cái này diệt thì cái kia diệt”. “Do vô minh mà có
hành, do hành mà có thức, do thức mà có danh sắc, do danh sắc mà có lục
nhập, do lục nhập mà có xúc, do xúc mà có thọ, do thọ mà có ái, do ái mà
có thủ, do thủ mà có hữu, do hữu mà có sanh, do sanh mà có lão tử, sầu,
bi, khổ, ưu, não”. Đây là sự vận hành của toàn bộ khổ uẩn. Và “Do vô
minh diệt nên hành diệt, do hành diệt nên thức diệt…, do sanh diệt nên
lão tử , sầu, bi, khổ, ưu não, diệt”. Đây là sự đoạn diệt của toàn bộ
khổ uẩn.
Rõ ràng,
trong nhịp vận hành về sự sanh khởi hay sự đoạn diệt của 12 chi phần Duyên
khởi: Vô minh, hành, thức, danh sắc, lục nhập, xúc, thọ, ái, thủ, hữu,
sanh, lão, bệnh, tử sầu, bi, khổ, ưu, não; mỗi chi phần đều có liên hệ
chặt chẽ với nhau, vận hành nối tiếp nhau như là một chuỗi mắt xích. Khi
mỗi chi phần được sanh khởi thì 12 chi phần đồng sanh khởi. Khi một chi
phần bị đoạn diệt thì sẽ đoạn diệt cả 12 chi phần. Điều này cũng có nghĩa,
trong sự vận hành diệt khổ, khi vô minh diệt thì Ái (một trong 12 chi phần
của Duyên khởi) cũng bị hủy diệt. Ái diệt là Niết bàn.
Theo kinh
Tương Ưng II, Đức Phật định nghĩa vô minh như sau: “Và này các Tỷ kheo,
thế nào là vô minh? Này các thầy Tỳ kheo, không biết rõ về khổ, không biết
rõ về khổ tập, không biết rõ về khổ diệt, không biết rõ về con đường đưa
đến khổ diệt, đây gọi là vô minh”. Ở Tương Ưng III, Đức Phật còn nói rõ
thêm: “Này các Tỳ kheo, có ý, có các pháp, có vô minh, giới. Cảm xúc bởi
cảm thọ, cảm thọ này sanh do xúc chạm với vô minh, kẻ vô văn phàm phu đi
đến chấp kiến: “Tôi sẽ là”, đi đến chấp kiến “Tôi sẽ không là”, đi đến
chấp kiến “Tôi sẽ hiện hữu với sắc”, đi đến chấp kiến “Tôi sẽ hiện hữu với
vô sắc”, đi đến chấp kiến “Tôi sẽ hiện hữu với tưởng”, đi đến với chấp
kiến “Tôi sẽ hiện hữu với không tưởng”, đi đến chấp kiến “Tôi sẽ hiện hữu
với phi tưởng và phi phi tưởng” . Tại đây, vô minh được hiểu là không rõ
Tứ đế, Duyên khởi, Ngũ uẩn, hoặc có thể được hiểu là do chấp thủ các tự
ngã.
Như vậy,
các chi phần trong 12 chi phần Duyên khởi đều là nguyên nhân và bản chất
của khổ đau. Mỗi chi phần nhân duyên đều có 11 chi phần còn lại là nguyên
nhân của nó và đều dung chứa bản chất khổ đau. Điều đáng nói, theo Duyên
khởi, Vô minh không phải là chi phần đầu tiên như thường lầm tưởng mà do
duyên sinh. Kinh Tăng Chi đã nói rõ: “Do duyên, vô minh có mặt”, … “Này
các Tỳ kheo, khởi điểm đầu tiên của vô minh không thể nêu rõ để có thể
nói: “Trước điểm đầu tiên của Vô minh không có rồi sau mới có”. Như vậy,
này các Tỷ kheo, lời này được nói đến. Tuy vậy, sự việc này được nêu rõ:
“Do duyên, vô minh có mặt”. Này các Tỷ kheo, Ta nói rằng vô minh có thức
ăn, không phải không có thức ăn. Và cái gì là thức ăn cho vô minh? Năm
triền cái, cần phải nói như vậy. Ta nói rằng năm triền cái có thức ăn,
không phải là không có thức ăn. Và cái gì là thức ăn của năm triền cái? Ba
ác hạnh, cần phải trả lời như vậy… (tương tự…) các căn được chế ngự….
Không chánh niệm tỉnh giác… không như lý tác ý… không có lòng tin… không
nghe diệu pháp… không giao thiệp các bậc chân nhân”. Cũng thế, “Ái cũng có
thức ăn, chứ không phải không có thức ăn. Thức ăn của ái là vô minh. Vô
minh lấy năm triền cái làm thức ăn..., đầy đủ vô minh mới đầy đủ Ái. Có
sáu nhóm Ái: sắc ái, thanh ái, hương ái, vị ái, xúc ái và pháp ái. Chính
Ái hướng đến đời sống khác, đi cùng với hỷ và tham, tìm kiếm hỷ lạc tại
chỗ này chỗ kia, đó là dục ái, hữu ái, và vô hữu ái”.
Như vậy,
12 chi phần nhân duyên là biểu hiện toàn thể thân vật lý và tâm lý của con
người, gắn liền thiên nhiên và cuộc sống con người. Ngay trong bản kinh
Đoạn Tận Ái (số 38) thuộc Trung Bộ I, Đức Phật cũng xác lập sự hiện hữu
của con người qua lý Duyên khởi như là sự tập khởi của toàn bộ năm thủ
uẩn. Trước hết, Đức Phật cho rằng sự có mặt của con người (bhùta), sự có
mặt này lấy bốn thức ăn làm nhân duyên, làm tập khởi, làm sanh chủng, làm
hiện hữu. Bốn món thức ăn, đó là đoàn thực, xúc thực, tư niệm thực, và
thức thực này giúp cho con người đã sinh hay phù trợ sẽ sinh con người
cũng như các loài hữu tình.
Con người
lấy bốn món ăn này làm tập khởi, Ái do thọ làm tập khởi, thọ do xúc làm
tập khởi, xúc do sáu xứ làm tập khởi, sáu xứ do danh sắc làm tập khởi,
danh sắc do thức làm tập khởi, thức do hành làm tập khởi, hành do vô minh
làm tập khởi. Như vậy duyên vô minh có hành, duyên hành có thức, duyên
thức có danh sắc, duyên danh sắc có sáu xứ, duyên sáu xứ có có xúc, duyên
xúc có thọ, duyên thọ có ái, duyên ái có thủ, duyên thủ có hữu, duyên hữu
có sanh, duyên sanh có già chết sầu bi khổ ưu não. Như vậy là sự tập khởi
của toàn bộ năm thủ uẩn.
Như vậy
do duyên sanh nên có già chết. Do duyên hữu nên có sanh. Do duyên thủ nên
có hữu. Do duyên thọ nên có Ái. Do duyên xúc nên có thọ. Do duyên sáu xứ
nên có xúc. Do duyên danh sắc nên có sáu xứ. Do duyên thức nên có danh
sắc. Do duyên hành nên có thức. Do duyên vô minh nên có hành. Như vậy, Đức
Phật xác chứng sự duyên sanh toàn bộ khổ uẩn, tức là của con người thật cụ
thể, không còn gì phải bàn cãi nữa.
Điều đáng
nói ở đây là mọi cá nhân hiện hữu đều có tự ngã và thường xuyên cố gắng
nuôi dưỡng, phát triển tự ngã giữa sự thật vô ngã. Chính lối tư duy và
hành động này đã nuôi dưỡng vô minh và thúc đẩy con người ôm lấy ý niệm:
“Cái này là của tôi, là tôi, tự ngã của tôi” càng lớn, trong đó chủ thể
nhận thức đã có mặt tác ý lên mọi hành động mà con người biểu hiện ra bên
ngoài. Khi thức có mặt thì chủ thể nhận thức, đối tượng nhận thức có mặt,
đó là con người và thế giới hình tướng gọi là danh sắc. Khi thức vận hành
thì danh sắc vận hành thành lục nhập và xúc. Tại xúc vốn có mặt thức và
hành nên ở đó có mặt thọ và phản ứng tâm lý về thọ. Phản ứng tâm lý này
gọi là Ái.
Ái không
phải là thực thể tự có và không thể tự nó vận hành độc lập. Nó càng không
phải là bản chất hay lẽ sống của con người mà chỉ là kết quả hiện hành của
vô minh (vô minh, hành, thức, danh sắc, lục nhập, xúc, thọ). Lại nữa, Ái
còn lấy vô minh làm thức ăn, khi vô minh hiện hữu đầy đủ, Ái hiện hữu đầy
đủ như đã nói. Vì thế, Ái mang bản chất vô minh và khổ đau. Con người
không thể tìm kiếm hạnh phúc thật sự từ trong thế giới của Ái ngoài sự
thật khổ đau vô tận mà tự thân mỗi cá nhân phải tự gánh chịu lấy. Khi lòng
khát ái càng cao thì sự khổ đau càng theo tỷ lệ thuận của cấp độ của khát
ái mà hiển lộ. Kinh nghiệm cuộc sống cho thấy, con người sinh ra để sống
với các khát vọng hạnh phúc không thật và sự thỏa mãn lạc thú với sáu
trần. Thế nhưng, mọi sự khát ái thỏa mãn dục vọng có được từ vị ngọt sáu
trần đem lại, chúng đều theo quy luật vô thường mà bị hủy diệt trong từng
sát na, khiến con người đau khổ khi dục vọng bốc cháy tàn khốc. Dục vọng
càng bốc cháy thì con người càng khổ đau không nguôi.
Xem ra,
không thể có một tâm lý thỏa mãn hay bình lặng ở Ái khi nó bị biến đổi, vô
thường theo năm tháng của thời gian, của không gian mà con người cố tâm
tạo dựng. Càng không thỏa mãn của sự khát ái, con người càng khát vọng về
sự chiếm hữu các đối tượng của Ái. Do vậy Ái càng tăng trưởng và con người
cứ thế càng lún sâu vào sự hệ lụy của Ái. Càng khổ đau bao nhiêu, con
người càng quyết tâm nắm giữ hương vị của Ái bấy nhiêu. Rõ ràng, đây là sự
hiện hữu của thủ. Kết quả, lòng khát ái được vận hành qua sự nắm giữ các
kiến giải (kiến thủ), nắm giữ các giới điều sai lầm mà tưởng như là đúng
sự thật (giới cấm thủ), nắm giữ các luận chấp về sự chấp ngã tự thân (ngã
luận thủ), nắm giữ các điều ưa thích và lòng ưa thích cho riêng mình (dục
thủ); tất cả các tâm lý này đều đưa lại sự xung đột, đấu tranh, cạnh
tranh, chiến tranh gây tang tóc cho cuộc sống con người. Cụ thể, con người
không an trú trong hòa bình, chìm đắm trong khoái lạc dục tính, tha hóa
nhân cách, gia đình đổ vỡ và xã hội phải gánh chịu nhiều hậu quả nặng nề…
xuất phát từ sự suy thoái đạo đức của nếp sống thỏa mãn dục tính.
Thực tế,
cũng do lòng ham muốn thỏa mãn khát ái của con người vô tận và đầy sai
biệt nên vô minh theo đó mà vận hành và dẫn đến sự hình thành các cảnh
giới khác nhau, gọi là tam giới: Dục giới, Sắc giới, Vô sắc giới. Theo sự
vận hành ấy mà sinh tử nối tiếp nhau mãi hoài, hẳn nhiên con người chịu
mọi thống khổ tiếp diễn không ngừng. Các cá nhân hiện hữu trên cõi đời này
theo dòng thác vô minh tuôn chảy cũng bị cuốn trôi trong sanh tử mà không
có lối ra.
Thế nên,
Đức Phật khuyến cáo con người cần phải bước ra khỏi đời sống khát ái. Đoạn
trừ Ái là đoạn trừ vô minh. Và do vô minh diệt xả ly một cách hoàn toàn
nên hành diệt. Do hành diệt nên thức diệt. Do thức diệt nên danh sắc diệt.
Do danh sắc diệt nên sáu xứ diệt. Do sáu xứ diệt nên xúc diệt. Do xúc diệt
nên thọ diệt. Do thọ diệt nên Ái diệt. Do Ái diệt nên thủ diệt. Do thủ
diệt nên hữu diệt. Do hữu diệt nên sanh diệt. Do sanh diệt nên già chết,
sầu bi khổ ưu não diệt. Như vậy, toàn bộ năm thủ uẩn diệt.
Như vậy,
do sanh diệt nên già chết diệt. Do hữu diệt nên sanh diệt. Do thủ diệt nên
hữu diệt. Do Ái diệt nên thủ diệt. Do thọ diệt nên Ái diệt. Do xúc diệt
nên thọ diệt. Do sáu xứ diệt nên xúc diệt. Do danh sắc diệt nên sáu xứ
diệt. Do thức diệt nên danh sắc diệt. Do hành diệt nên thức diệt. Do vô
minh diệt nên hành diệt. Như vậy, Đức Phật xác chứng tiến trình đoạn diệt
năm thủ uẩn.
Tại đây
con người hiểu rõ lý duyên sanh duyên khởi, trở về nếp sống tinh cần,
thiểu dục, tri túc, sống viễn ly, giữ gìn giới bổn, phòng hộ các căn, đoạn
trừ năm triền cái và thành tựu năm thiền. Khi sáu căn tiếp xúc sáu trần,
vị ấy không tham ái đối với sáu trần khả ái, không ghét bỏ sáu trần khả
ái, vị ấy sống an trú niệm thân trên thân, với một tâm vô lượng. Vị ấy như
thật tuệ tri tâm giải thoát và tuệ giải thoát; chính nhờ chúng, các bất
thiện pháp được diệt trừ hoàn toàn. Như vậy, vị ấy từ bỏ thuận ứng và
nghịch ứng, có cảm thọ nào khởi lên vị ấy không tùy hỷ, không hoan nghênh,
không đắm trước thọ ấy. Vị ấy không tùy hỷ, không hoan nghênh, không có
đắm trước thọ ấy, nếu có dục hỷ (nandi) khởi lên đối với các cảm thọ, dục
hỷ ấy được trừ diệt một cách không còn dư tàn. Do thủ diệt nên hữu diệt.
Do hữu diệt nên sanh diệt. Do sanh diệt nên già chết sầu bi khổ ưu não
diệt, toàn bộ năm thủ uẩn diệt. Con người bước ra khỏi thế giới khổ đau
khởi lên từ khát ái, hay vô minh.
Tóm lại,
chừng nào còn hướng tâm đến giải thoát thì chừng đó con người cần có nếp
sống bước ra thế giới của vô minh, lòng khát ái. Bởi vì, chính Ái luôn
trói buộc con người đi vào sự thỏa mãn của các chấp thủ và để tâm rong
ruổi theo vị ngọt sáu trần. Thậm chí Ái còn đưa con người hoài niệm về quá
khứ và mở ra những viễn cảnh tương lai không thật. Khi con người chế phục
Ái sẽ đem lại bình an nội tại, khinh an, tâm trí trở nên thanh tịnh, sáng
suốt để giải quyết các công việc của chính mình, và cho mọi người. Tại đây
tuệ sẽ phát triển, đi đến sự ly tham, cuối cùng Ái không còn có mặt, giải
thoát hoàn toàn. Con người an trú trong thế giới thanh bình, hạnh phúc
chân thật. Không còn gì hơn nữa, con người cần liễu tri về Ái và đoạn diệt
Ái. Đúng như Phật dạy: “Ái diệt là Niết bàn”, thế thôi.