Nguyên
tác: "Essential Themes of Buddhist Lectures",
Venerable Sayadaw Ashin U Thittila--- o0o
---
CHƯƠNG II
NHỮNG BÀI
GIẢNG ÐẶC BIỆT LIÊN QUAN ÐẾN GIỚI (SÌLA)
Bài 11:
ÐẠO PHẬT Ở MIẾN ÐIỆN
Tại nước quốc giáo
Miến Ðiện, người dân Miến Ðiện được thừa hưởng một nền giáo lý rất
mực từ bi và vị tha cao cả, thường được đánh giá là một đặc tính nhân bản
sâu sắc; chính vì vậy, dưới mắt người Tây phương, Miến Ðiện được xem là
một trong những dân tộc hạnh phúc nhất trên thế gian này.
Tuy nhiên, gần đây chúng ta thường nghe
những lời phàn nàn về một số người Miến đã thay đổi thái độ đối với tôn
giáo của mình, dù rằng Phật giáo đã từng là suối nguồn hạnh phúc, bình an
và văn hoá của họ. Tại Miến, hiện nay có một số điều gây bức xúc, và những
điểm nêu ra ở đây được coi là những điểm nổi bật nhất:
(1) Thiếu lòng từ (Mettà).
(2) Xao lãng các nguyên tắc đạo đức cơ bản nhất (giữ ngũ giới),
(3) Tinh thần từ bi và hoà kính mà đạo Phật dạy đã biến thành tinh thần
thô bạo và hẹp hòi ích kỷ.
Trên thế giới nói chung, ngày nay người ta
đã có đủ tiền tài và vật chất, nó cũng không thiếu thốn về mặt tri thức.
Thế thì, điều mà nó đang thiếu hiện
nay là gì? Cái mà thế gian này
đang thiếu chính là ý chí hành thiện, tâm từ (Mettà) không đủ sức
để thắng vượt những thế lực đen tối, thế giới đầy dãy những biến động và
con người không còn tin tưởng lẫn nhau.
Chúng ta có thể làm được điều gì để giúp cho
thế gian này? Nhu cầu bức thiết
nhất hiện nay là làm sao để gia tăng lòng từ - bi trên thế gian. Thiếu
lòng từ là nguyên nhân chính của mọi cuộc chiến tranh, ngoài những xung
đột quân sự ra, còn có rất nhiều những xung đột khác về chủng tộc, chính
trị, kinh tế và thậm chí cả đến xung đột tôn giáo nữa, mà hầu hết là do
thiếu lòng từ (Mettà).
Kể từ khi chiến tranh thế giới kết thúc,
có rất nhiều tổ chức mệnh danh quốc tế ra đời, nhiều người đã viết về đề
tài chủ nghĩa đế quốc này. Những người làm công tác xã hội có lý tưởng đã
mơ và hy vọng cho một tương lai tốt đẹp hơn, họ đã tổ chức rất nhiều phong
trào mang tính cổ động cho chủ nghĩa quốc tế này. Chúng ta có Hội Quốc
Liên (League of Nations) thành lập năm 1920, thế nhưng hội này đã
thất bại trong việc duy trì hoà bình. Tại sao? Bởi vì hầu hết những tổ
chức này chỉ quan tâm đến việc chỉnh đốn hình thức vật chất bên ngoài, họ
quan tâm khá nhiều đến khía cạnh vật chất mà quên đi giá trị của cuộc sống
tinh thần. Chỉ thiên về vật chất thôi thì không thể đem lại hạnh phúc và
hoà bình (điều mà mọi người đều
mong ước) được. Không phải lối
sống thực dụng thiên về vật chất, mà chính lối sống hợp theo Phật pháp mới
thực sự là lối sống hợp với Miến Ðiện, để nó vẫn còn giữ được lòng trân
trọng đối với toàn thế giới Phật giáo như là cái nôi thuần khiết của đạo
Phật, những nguyên tắc này dạy cho con người biết tôn trọng những quy luật
nhân quả, đối xử tốt đẹp với nhau, sống có đức hạnh, chân thật, ngay thẳng
và trong sạch. Xao lãng các nguyên tắc đạo đức hay dễ duôi không tôn trọng
giới luật là một trong những nguyên nhân căn bản của các cuộc chiến tranh.
Một trong những lời dạy quan trọng nhất của Ðức Phật về nguyên tắc đạo đức
này là "bất sát" hay "không bạo hành".
Tính hiếu chiến, khuynh hướng muốn tiêu
diệt hay sát hại là một bản năng tự nhiên chung cả loài vật lẫn con người.
Tuy nhiên có một sự khác biệt lớn lao trong phương cách, ở đó những bản
năng này vận hành trong con người và loài vật. Trường hợp loài vật và con
người thời tiền sử, thì động cơ thúc đẩy việc bạo hành hiển nhiên chỉ là
một khí cụ để tự vệ và duy trì sinh mạng cho chính cá nhân nó cũng như cho
loài giống. Nhu cầu của loài vật chỉ là những nhu cầu cần thiết cho sự bảo
tồn tự thân, những hành động của chúng không có gì đáng khiển trách, vì nó
chỉ được thực hiện theo bản năng tự nhiên. Nhưng trong trường hợp của con
người thì lại khác, con người có nhiều thôi thúc thuộc về bản năng hơn
loài vật. Tuy nhiên, với tư cách là một con người có những khả năng cao
trội hơn về trí nhớ, trí tuởng tượng, có suy nghĩ, thuần lý, tự trọng,
lương tâm đạo đức và niềm tin tôn giáo, sẽ cân nhắc đến những hậu quả tức
thời cũng như xa xôi, của những hành động trước khi thực hiện nó, điềâu đó
có nghĩa là họ có thể biết trước, trong chừng mực nào đó những hành động
này sẽ tác hại đến cá nhân mình, đến xã hội cũng như đến sự an ổn và phát
triển của tâm linh. Hơn nữa, họ cũng cần cân nhắc xem những hành động của
mình có phải là sự hy sinh vô lý, chỉ để được ca tụng nhất thời đối với
những tham vọng ích kỷ không.
Con người không phải thú vật, thường có
những sự lựa chọn giữa tội ác và lòng thương cảm, cả hai điều này lại
không thể thực hiện cùng một lúc liên quan đến cùng một đối tượng.
Họ sẽ chọn điều nào đây?
Thực sự vấn đề không đến nỗi khó quyết định,
ngay cả trên quan điểm lợi ích và hạnh phúc cá nhân của họ, họ nên theo
con đường từ ái và cảm thông hơn là theo con đường tội ác và bạo hành. Vì
làm như vậy họ còn là con người có nhân tính hơn là đi theo con đường sau
này. Hơn nữa, không một cá nhân, đảng phái, cộng đồng hay chủng tộc nào có
thể đoan chắc là mình lúc nào cũng có đủ sức mạnh và quyền lực để sống một
cách ung dung nhờ bạo hành cả. Vì thế cho nên để được sống trong an ổn và
để bảo đảm sẽ không trở thành nạn nhân trong tương lai của cơn giận dữ mà
một cá nhân hay đảng phái, cộng đồng, chủng tộc nào đó sắp trở nên ưu thế
hơn; người hay cộng đồng ấy cần phải kềm chế khuynh hướng bạo hành của
mình lại, đồng thời đặt ra một chuẩn mực đúng đắn và xứng đáng cho cách cư
xử tương lai của nhân loại.
Chân lý hiển nhiên là kẻ sống bằng đao
kiếm sẽ chết bởi đao kiếm; một người, một đảng phái, hay chủng tộc tàn ác
buộc phải chịu bị đối xử tàn ác lại khi họ trở nên yếu thế hơn theo thời
gian, và kẻ khác trở nên mạnh hơn. Sự thực cũng chứng minh rằng những
người tàn ác sẽ phải sống một cuộc sống đau khổ và rồi chết một cái chết
cũng khổ đau như vậy. Một kẻ bạo ngược luôn luôn phải sống một cuộc đời
đầy hiểm nguy đe doạ. Những cá nhân hay tập thể hiếu chiến phải sống trong
nỗi sợ hãi triền miên, vì sợ người khác trả thù; thắng lợi bằng bạo lực,
dù rằng bạo phát nhưng cũng chóng tàn, hơn nữa phải trả một giá rất đắt
mới duy trì được nó. Vì vậy, ngay cả trên quan điểm hoàn toàn ích kỷ đi
nữa, thì đường lối bạo lực cũng không phải là đường lối an ổn và xứng đáng
chút nào.
Xã hội loài người sẽ thăng hoa khi nó dựa
trên lòng từ ái yêu thương và đồng hợp tác với nhau hơn là khi nó dựa trên
những hành động thô lỗ bạo lực mà Ðức Phật đã khuyên chúng ta nên tránh.
Những hành động thô lỗ bạo lực này là những mầm bệnh huỷ diệt nhân loại;
những con người tàn ác, ích kỷ đã chà đạp, đè bẹp quyền lợi chân chính của
kẻ khác, chẳng khác nào những nọc độc hay mầm bệnh nguy hại trong cơ thể.
Một cuộc sống xã hội an vui và lành mạnh đòi hỏi tất cả những thành viên
của nó phải sống với nhau một cách thâm tình và phải biết giúp đỡ bảo bọc
lẫn nhau.
Trong một xã hội lý tưởng, cái chính của
những thành viên có ưu thế hơn là chia sẻ những tình thương yêu và biết hy
sinh cho những người yếu kém hơn mình, trong khi đó, việc chính của những
người yếu thế hơn là phải biết thương yêu và cùng hợp tác với người có ưu
thế hơn mình. Ở thời đại ngày nay, khi mà nền văn minh khoa học đã có
những khám phá và phát minh mới nhằm gia tăng sức mạnh của con người, cả
để làm điều tốt lẫn điều xấu, rất cần thiết phải có một nền giáo dục có tổ
chức, nghĩa là một nền giáo dục phải dựa trên những nguyên tắc công bằng
và hợp lý, ngõ hầu phát triển ý thức nhân đạo cũng như ý thức trách nhiệm
xã hội sâu sắc ở mọi đứa trẻ, sao cho những hoạt động vô nhân đạo và man
rợ bạo hành của những người đang đe doạ huỷ diệt nhân loại này không thể
xảy ra. Không ai thích bị kẻ khác làm hại, sỉ nhục hay giết chóc. Nếu kẻ
nào làm như vậy, họ đã xâm phạm nguyên tắc đạo đức cơ bản của xã hội, họ
là những kẻ đi ngược lại hay chống đối lại xã hội, và vì vậy họ là kẻ có
tội.
Tình đoàn kết xã hội và lợi lạc vật chất
không phải là những mục tiêu duy nhất của kiếp nhân sinh, hai khía cạnh
vật chất và tinh thần tương quan và tương duyên lẫn nhau; vì vậy cần phải
nhận thức được tầm quan trọng của cả hai. Ðời sống vật chất không chỉ được
con người sống mà cả loài vật cũng sống như vậy nữa; con người với tư cách
là một động vật có những khả năng cao hơn, cần phải sống sao cho cao quý
và giá trị hơn, trong đó hoà bình và thiện chí vượt trội hơn huỷ diệt và
đấu tranh. Là một con người đạo đức, được hướng dẫn bởi lương tâm đạo đức,
con người phải sống cao thượng hơn nhiều so với con vật, họ cần phải trở
thành một chúng sanh của thế giới cao cả hơn, trong đó những giá trị tinh
thần xứng đáng hơn chỉ là đời sống vật chất và lợi lạc vật chất, ở thế
giới đó mọi người được xem trọng như nhau, không ai thấp hèn hơn ai cả, và
ở đó sự thực, công lý, tình hữu nghị và tự do là những nguyên tắc hành xử
được chấp nhận bằng khả năng trực giác.
-ooOoo-
Bài 12:
ÐỐI THOẠI
(NHỮNG PHÁT
TRIỂN HƯỚNG ÐẾN
SỰ THỐNG NHẤT ÐẠO CHÚA TRÊN THẾ GIỚI)
Từ "dialogue"
dùng ở đây liên quan đến phong trào hướng về sự thống nhất Ðạo Chúa trên
toàn thế giới, điều này nghĩa là cuộc Ðối Thoại hay đàm phán giữa các giáo
hội Thiên Chúa riêng rẽ, để dọn đường cho một cuộc đại hoà hợp giữa các
giáo hội lại với nhau. Tuy nhiên, theo lá thư đặc biệt hay còn gọi là bức
thông tri của Ðức Giáo Hoàng gởi đến các vị Hồng y, giáo sĩ, giáo dân và
"đến mọi người có thiện tâm",
Ðức Giáo Hoàng hiện này đã đem vấn đề này lên một bình diện rộng lớn hơn
chỉ là cuộc đối thoại hướng về sự thống nhất đạo chúa trên toàn thế giới.
Vì vậy, bần Tăng cũng nhân cơ hội này đóng góp một số bài về đề tài chung
của phong trào thống nhất trên quan điểm của một Phật tử.
Giáo lý do Ðức Phật thiết lập được mọi
người biết đến như là Phật giáo, có thể cô đọng lại trong một bài kệ là:
"Không làm các điều ác,
Luôn làm mọi điều thiện
Giữ cho tâm trong sạch
Ðó lời chư Phật dạy". (Pháp Cú)
Nghĩa là, những ý tưởng bất thiện cần phải
được loại trừ và những tư tưởng thiện cần được phát huy. Tuy nhiên, chỉ
đơn thuần tránh làm mọi điều ác không thôi thì chưa đủ, cần phải có một nỗ
lực cao quý để thay điều ác bằng điều thiện mới đúng lời Ðức Phật dạy. Tất
cả những điều này tạo thành tiến trình tự tu dưỡng, và trong tiến trình
này mỗi cá nhân qua những ý nghĩ, lời nói và hành động từ ái của mình, sẽ
giúp cho những người chung quanh, làm cho họ được an vui. Như vậy, đạo
Phật không chủ trương vị kỷ cá nhân, cũng không phải là lối xử thế tiêu
cực, mà đích thực đạo Phật là một triết lý năng động, trong đó một hệ
thống luân lý và đạo đức được Ðức Phật đề ra đúng theo chuẩn mực. Thực
vậy, đạo Phật rất chú trọng đến giới luật, và chỉ có qua giới luật này
người ta mới có thể đạt đến sự giải thoát. Chính vì vậy đạo phật có thể bổ
khuyết cho mọi tôn giáo khác, và trong thực tế đạo phật đã làm được điều
đó. Chẳng hạn như ở Trung Hoa và Nhật Bản, đạo Phật đã bổ túc cho các tôn
giáo bản xứ, đạo Phật không loại trừ các tín ngưỡng địa phương mà chỉ đơn
thuần khích lệ mọi người thức tỉnh đạo lý, phát huy luân thường và hiểu
biết sâu sắc hơn. Về phương diện này, đạo Phật có thể được xem như là một
tác nhân của việc đạo đức hoá con người, và là một động lực thúc đẩy nền
văn minh nhân loại.
Là một Tôn giáo có nền tảng là giới luật -
đạo đức, đạo Phật không cần phải tranh cãi với bất kỳ tôn giáo nào, vì lẽ
không một tôn gió nào xứng với danh xưng lại đối kháng với những nguyên
tắc luân thường đạo lý, mà điều này được xem là đồng nghĩa với đạo Phật.
Chính trên căn bản này mà người con phật luôn luôn sẵn lòng để bước vào
cuộc đối thoại chân thực với các giáo hữu của mọi tôn giáo khác, thực sự
ra thì hàng Phật tử Thái Lan đã thực hiện bước đầu đi đến vấn đề này rồi.
Một hội nghị giao lưu tôn giáo được tổ
chức tại Bangkok (Băng Cốc - thủ đô
Thái Lan) dưới sự bảo trợ của Bộ
Tôn Giáo Thái Lan vào ngày 26 tháng 10 năm 1964. Hội nghị đã được thủ
tướng Thái chính thức khai mạc, ông nói rằng tình hình thế giới hiện nay
là vấn đề không tôn giáo nào có thể tự cô lập mình khỏi các tôn giáo khác
được. Chính vì tầm quan trọng đó mà mọi người có tôn giáo, dù thuộc bất kỳ
tín ngưỡng nào cũng nên đến và làm việc cùng nhau vì sự an toàn và phát
triển của cả tôn giáo lẫn xứ sở mình. Ông tin chắc một điều rằng, không có
gì phải sợ hãi đối với những con người chân thật, dù họ thuộc tín ngưỡng
nào cũng vậy, vì những người này không đe doạ bất cứ ai hay bất cứ điều
gì. Ông nói tiếp, cái mà chúng ta nên sợ là loại người mà bản chất vô đạo,
phi luân. Thủ tướng Thái kêu gọi một sự hợp tác chung giữa những người có
tôn giáo, yêu cầu họ canh chừng và bảo vệ những giáo hữu cũng như nhân dân
của họ chống lại những ý thức hệ chính trị nguy hiểm đang tìm cách huỷ
diệt mọi tôn giáo.
Những tôn giáo có đại biểu tham dự tại hội
nghị này là Phật giáo, Thiên Chúa giáo, Hồi giáo, Ấn giáo, đạo Sikh và Bà
La Môn giáo. Vị chủ toạ buổi hội nghị hôm đó nói rằng mục đích của hội
nghị là nhằm cổ động cho sự hợp tác chung giữa các tôn giáo với nhau, đồng
thời cũng để cổ vũ cho tình đoàn kết giữa những người có niềm tin nơi tôn
giáo, để xây dựng sức mạnh đạo đức và để trao đổi những quan điểm hay ý
kiến liên quan đến các vấn đề tôn giáo. Ðề tài của hội nghị là "Religion
on the Light of life" (Tôn giáo trong ánh sáng cuộc sống), tại hội
nghị này, đại biểu các tôn giáo đã tham gia và tự do bày tỏ quan điểm cũng
như ý kiến của mình. Hội nghị thành công to lớn đến mức Ngài Tổng Giám Ðốc
(Director General) đã hy vọng sẽ có thể tổ chức một hội nghị tương
tự như vậy, trên một quy mô lớn hơn, nếu có thể sẽ mang tính quốc tế và
vào một thời điểm nào đó trong năm 1965.
Muốn có một tiêu chuẩn đạo đức thích hợp,
nhằm cổ động cho sự hợp tác chung và thúc đẩy tình đoàn kết giữa con
người, Phật giáo nhấn mạnh đến tầm quan trọng của tâm từ (Mettà),
đây là một loại tình thương bao la rộng khắp. Tâm từ có ý nghĩa lớn lao
hơn cảm tình huynh đệ hoặc lòng nhân ái, mặc dù cả hai điều này là một
phần của nó; tâm từ là lòng quảng đại tích cực, một tình thương được biểu
lộ và chu toàn trong sứ mạng tích cực nhằm nâng cao tinh thần đồng loại.
Ðức Phật dạy: "Ví như người mẹ
hiền, suốt đời lo che chở đứa con một của mình, hãy phát tâm vô lượng cùng
tất cả chúng sanh..." đây chính là
mẫu mực mà con người cần phải có đối với con người.
Tâm từ phải đi đôi với sự giúp đỡ và sẵn
lòng từ bỏ ích lợi cá nhân để cổ vũ cho sự thịnh vượng và hạnh phúc của
nhân loại. Chính tâm từ trong Phật giáo là nền tảng cho sự tiến bộ xã hội,
và cũng chính tâm từ đã cố gắng phá bỏ mọi chướng ngại ngăn cách giữa
người này và người kia. Không có lý do gì để xa lánh kẻ khác chỉ vì họ
thuộc tôn giáo khác; bất luận tôn giáo nào xứng với danh xưng đều không
giới hạn cho bất kỳ một xứ sở nào hoặc bất kỳ một quốc gia đặc biệt nào,
mà nó là của chung. Tôn giáo là sự giáo dục tâm hồn, với quan niệm thanh
lọc bản chất của chúng ta và nâng nó lên bình diện con người. Tôn giáo
không chỉ là giáo thuyết, mà là thực hành, và tâm chúng ta cũng giống như
thân, trở nên lành mạnh và trong sáng là nhờ sự luyện tập thực tế. Không
một giáo thuyết nào chỉ đơn thuần nuôi giữ trong tâm như một đức tin tri
thức lại có được lực truyền dẫn nào, không có giáo lý nào có giá trị thực
sự trừ phi và cho đến khi nó được áp dụng có hiệu quả.
Ðức Phật dạy:
"Một tư tưởng hay, một lời nói hoa mỹ nếu
không có hành động tương xứng kèm theo, chẳng khác nào một bông hoa rực rỡ
nhưng không có hương thơm, như vậy cũng chẳng ích lợi gì".
Việc thực hành cuộc sống đạo đức chính là cốt lõi và điều cần yếu của tôn
giáo, chính hành động chứ không phải sự suy đoán, và chính việc thực hành
chứ không phải là lý thuyết mới đáng kể trong cuộc sống này; ước muốn làm,
theo sau bởi hành động làm là đức hạnh chân thực; ước muốn không đáng kể
bao nhiêu nếu nó không thực hiện được. Làm thế nào để biến những ý tưởng
cao đẹp của mình thành hàng động, mới đích thực là ý nghĩa của tôn giáo.
Thế gian, tự nó như là một cơ thể, tuy
rằng vấn đề kết hợp về vật chất và tương hệ lẫn nhau về kinh tế, mặc dù có
giá trị rất lớn, một mình nó cũng không đủ để tạo một gia đình hoà hợp,
đối với vấn đề này chúng ta đòi hỏi phải có ý thức cộng đồng ở con người,
nghĩa là phải có một trách nhiệm hỗ tương quan hệ cá nhân giữa con người
với nhau. Khoa học đã chứng minh rằng cấu trúc cơ bản của tâm người là
đồng nhất trong mọi chủng tộc, sở dĩ có những khác biệt là do hoàn cảnh
lịch sử và các giai đoạn phát triển. Không nhìn nhận tính đồng nhất của
thế gian ngày nay trong mọi lĩnh vực của nó, tinh thần cũng như xã hội,
chắc chắn sẽ chẳng bao giờ có được sự hoà hợp giữa các tôn giáo.
Ðể dọn đường cho sự hoà hợp tôn giáo này,
chúng ta phải nhận thức được tính đồng nhất của thế gian, và hiểu được
rằng tất cả chúng ta cùng chung một gia đình. Cuộc sống là một bánh xe
khổng lồ chuyển động liên tục. Bánh xe vĩ đại này chứa trong nó vô số
những bánh xe nhỏ tương xứng với cuộc sống của mỗi cá nhân, mỗi trong số
đó có một mẫu mực riêng của nó. Bánh xe lớn và những bánh xe nhỏ, toàn thế
gian và cá nhân mỗi người được liên kết với nhau một cách mật thiết và
không thể tách rời ra, đại gia đình nhân loại đan kết vào nhau một cách
khắn khít đến độ mỗi đơn vị hay cá nhân đều tuỳ thuộc lẫn nhau để tăng
trưởng và phát triển.
Ðể phát huy hết cái tốt trong chúng ta,
mỗi người phải cố gắng mô phỏng trong chính cái bánh xe cuộc đời của mình,
theo mẫu mực như thế nào đó để hài hoà với mẫu mực của bánh xe vũ trụ.
Muốn cho tất cả những bánh xe xoay vần trong sự hài hoà thì mỗi cá nhân
phải phát triển được hết cái tốt của mình, điều này có thể có được nhờ
thực hiện những phận sự hàng ngày với lòng từ ái, lễ độ và chân thật. Cái
lý tưởng được đặt ra trước chúng ta là sự phục vụ hỗ tương và tình huynh
đệ thiết thực. Trong mọi ý nghĩ của chúng ta, mọi cảm xúc, mọi lời nói và
việc làm của chúng ta, những điều mà chúng ta hành động và phản ứng đối
với người khác; trong một ý nghĩa đích thực thì mỗi cá nhân chúng ta phải
có trách nhiệm đối với toàn thể cộng đồng.
Con nguời sống cần có nhau, phải học cách
thương yêu lẫn nhau, chia sẻ gánh nặng của nhau; sự phục vụ hỗ tương là
tiếng gọi bất diệt đối với nhân loại, vì chúng ta đều bị ràng buộc như
nhau bởi những mối ràng buộc của con người. Nơi đâu có con người hiền đức,
một con người thực sự cao thượng và chánh trực, làm việc vì những động cơ
trong sạch và với lòng bi mẫn, bất kể người ấy thuộc tín ngưỡng nào, họ
cũng vẫn là người mà hàng Phật tử kính trọng. Vào lúc lâm chung; bất luận
niềm tin tôn giáo của anh ta là gì, người Phật tử cũng biết rằng anh ta sẽ
thọ hưởng những quả báo xứng đáng cho những việc anh ta làm, trong lần tái
sinh mới, điều này không tuỳ thuộc vào đức tin hay những lễ nghi mà lúc
đương thời có thể anh đã thực hiện, mà hoàn toàn nhờ vào những công đức
hay phước báu do thân, khẩu, ý, những thiện nghiệp anh đã tạo cho những
người chung quanh, cái đạo đức mà anh đối xử với mọi người. Anh ta có thể
là một người Thiên Chúa, một người Hồi giáo, Ấn Ðộ giáo, Phật giáo, một
người hữu thần hay vô thần thì điều đó cũng không làm khác đi được. Trong
quy luật nhân quả của vũ trụ, những hành động của người đó sẽ tạo ra thiện
quả ở thế gian này cho bản thân họ cũng như cho những người khác, và đúng
thời họ cũng sẽ đạt đến đích giải thoát - thực ra mà nói thì họ có thể gần
kề mục tiêu giải thoát hơn những người chỉ tự nhận mình là Phật tử suông.
Chính trên căn bản này mà Phật pháp rộng mở cho tất cả mọi người thuộc mọi
tín ngưỡng khác nhau, và người con Phật sẵn sàng mở rộng vòng tay huynh đệ
đối với toàn nhân loại.
-ooOoo-
Bài 13:
QUAN ÐIỂM CỦA ÐẠO PHẬT VỀ NỀN HOÀ BÌNH THẾ GIỚI
Trên thế giới, nói
chung đã có đủ tiền tài vật chất, nó cũng không thiếu về mặt tri thức; tuy
vậy, có một cái gì đó mà thế gian này đang bỏ quên.
Cái đó là gì?
Câu trả lời ở đây là "tinh thần hữu nghị",
chính vì thiếu tinh thần hữu nghị tích cực này là nguyên nhân chính của
chiến tranh. Ngoài những xung đột về quân sự ra, dĩ nhiên còn có những
xung đột khác như là xung đột về chủng tộc, về chính trị, về kinh tế, và
thậm chí có cả những xung đột về tôn giáo nữa, nguyên nhân chính của các
cuộc xung đột này hầu hết là do thiếu tinh thần hữu nghị mà ra.
Trong một cuộc xung đột như vậy, mỗi bên
đều có những tự kiêu của mình, thế nhưng để che đậy nó, hai phía đều có
những khẩu hiệu nghe rất kêu như là "Trật Tự Thế Giới Mới",
"Văn Minh Hoá Các Dân Tộc Lạc Hậu",
"Thịnh Vượng Chung Các Nước Ðông Á" v.v... và trong hầu hết các
cuộc xung đột mỗi bên đều cố gắng đổ lỗi cho phía bên kia, ai cũng cho
mình là đúng cả, thậm chí họ còn dùng đến chiêu bài tôn giáo để biện minh
cho hành động của mình, và cố gắng thuyết phục Thượng Ðế về phe với mình,
mặc dầu xem ra họ chẳng có tí nỗ lực nào để đứng về phía Thượng Ðế cả. Họ
tuyên bố là chỉ có một Thượng Ðế, thế nhưng rõ ràng họ đã quên một điều là
nếu chỉ có một Thượng Ðế, chắc chắn chỉ có một gia đình nhân loại, ấy thế
mà còn họ lại đối xử với nhau không được như người xa lạ mà như những kẻ
thâm thù. Kể từ khi chiến tranh thế giới lần thứ nhất kết thúc, có rất
nhiều tổ chức mệnh danh là "Chủ Nghĩa Quốc Tế" ra đời. Nhiều nhà
văn đã viết về đề tài Chủ Nghĩa Quốc Tế này, và những người làm công tác
xã hội lý tưởng hy vọng cho một tương lai tốt đẹp hơn, đã khởi xướng nhiều
phong trào mang tính quốc tế. Tuy nhiên tất cả những phong trào này đều
thất bại trong việc duy trì hoà bình. Tại sao? Trước tiên là họ không thể,
vì lý do này hay lý do khác thực hiện nhưng kế hoạch của họ; thứ hai là họ
nhận được sự giúp đỡ không đầy đủ từ phía quần chúng, và thứ ba nữa là
phần lớn các tổ chức này chỉ quan tâm đến những chỉnh đốn về vật chất và
hoàn toàn mang tính hình thức bên ngoài, họ lưu tâm quá nhiều đến khía
cạnh vật chất của cuộc sống và ít quan tâm đến khía cạnh tinh thần. Trong
khi cả hai phương diện vật chất và tinh thần này lại tuỳ thuộc và quan hệ
mật thiết với nhau, và tầm quan trọng của cả hai cần phải được nhìn nhận.
Sau đó, thế chiến thứ hai xảy đến, một
cuộc chiến tranh mà sức phá huỷ tàn bạo nhất chưa từng có trong lịch sử.
Thế giới vẫn trong tình trạng hỗn loạn, không có một nền hoà bình và hạnh
phúc thực sự, một lần nữa những người có lý tưởng, các nhà diễn thuyết,
các văn sĩ lại tung ra những cuốn sách và giới thiệu những tổ chức quốc tế
mới, liệu họ có thành công trong việc duy trì hoà bình không? Vấn đề liệu
họ có thành công hay không là điều có thể tiên đoán được; họ sẽ thành công
nếu như các vị lãnh đạo và các tầng lớp công nhân có thể thực hiện những
kế hoạch của mình trong một tinh thần hữu nghị thế giới, nếu không như vậy
chắc chắn họ sẽ chẳng bao giờ thành công, rồi ra sẽ còn những cuộc chiến
tranh nữa, thậm chí còn khủng khiếp hơn chiến tranh vừa rồi.
Nền hoà bình mà tất cả mọi người chúng ta
mong muốn, hoà bình trong lòng và trong tâm chúng ta, hoà bình giữa những
người láng giềng và giữa các quốc gia, không phải là một phép lạ do một
đấng Thượng Ðế thực hiện, hoà bình đó chỉ có thể xảy ra như một kết quả
của việc xây dựng lại lối suy nghĩ, cảm xúc và hành động dựa trên tinh
thần hữu nghị, và đây là bổn phận của cả nhân loại. Nếu các nước trên thế
giới đoàn kết thành một khối, thì chúng ta có đủ tiềm năng để loại trừ
cảnh đói nghèo, nạn thất nghiệp, lao khổ và các loại tội phạm ra khỏi mọi
xứ sở. Nếu như con người biết cách hiểu nhau rõ hơn bằng cách nhích lại
gần nhau hơn, thì việc mọi người có thể làm những công việc nào là cần
thiết là điều khả dĩ. Việc khám phá ra những nguồn năng lực mới của khoa
học có thể là sự phục vụ lớn lao cho nhân loại, và con người có thể được
khích lệ để cư xử cao thượng hơn, nếu như các nhà khoa học, các văn nhân
thi sĩ của mọi quốc gia hợp tác với nhau. Một ảnh hưởng tinh thần mạnh mẽ,
giúp cho mọi người biến thế gian này thành một thiên đàng hạ giới, có thể
được các tôn giáo tạo ra nếu tất cả các tôn giáo này sinh hoạt cùng nhau
như những thành viên trong một gia đình. Ðạo Phật cho rằng khổ đau không
phải là hậu quả do lòng giận dữ của một vị thần hay các vị thần linh nào
cả, mà là hệ quả trực tiếp của sự vô minh hay si mê không hiểu biết bản
chất thực của chính mình và môi trường chung quanh mình, của con người mà
ra. Trong một nỗ lực để tìm ra phương cách khích lệ, đặt nền tảng cho giới
luật hay đạo đức. Ðạo Phật dạy rằng không hề có lời cầu nguyện nào thấu
đến bất kỳ tha lực bên ngoài, dù cho đó là một vị Thượng Ðế, mà cầu nguyện
chỉ là lòng tham tự nhiên của con người. Vì vậy, biết rằng một vài hành
động như là ích kỷ, bạo lực và chây lười có khuynh hướng phá huỷ cơ cấu xã
hội, và gây khổ đau cho những người sống trong xã hội đó, người ta sẽ cố
gắng tránh không xâm hại kẻ khác nếu như họ thấy rõ được rằng những quyền
lợi của mình có liên quan đến quyền lợi của người khác.
Tinh thần hữu nghị thực sự, mà thế giới
hiện nay đang thiếu chỉ có thể được cổ vũ qua phương tiện tôn giáo. Tôn
giáo là một sự giáo dục tâm hồn, với mục đích thanh lọc bản chất của chúng
ta và nâng nó lên bình diện của một con người đúng ý nghĩa của nó; tôn
giáo không nằm trong lý thuyết mà ở thực hành, tâm cũng như thân, trở nên
lành mạnh và kiên cố là nhờ sự luyện tập đúng pháp. Không một giáo thuyết
nào chỉ đơn thuần lưu giữ trong tâm như một niềm tin tri thức lại có được
lực truyền dẫn, cũng như không có giáo thuyết nào có giá trị thực sự trừ
khi và cho đến khi điều đó được áp dụng hiệu quả. Ðức Phật dạy trong Kinh
Pháp Cú là:
"Như bông hoa xinh đẹp
Có sắc nhưng không hương
Nói hay làm không được
Kết quả có chi lường".
Thực hành lối sống đạo đức chính là cốt
lõi và điều cần yếu của tôn giáo, vì chính hành động chứ không phải sự suy
luận, phỏng đoán; thực hành chứ không phải lý thuyết mới đáng kể trong
cuộc sống. Ýù muốn làm theo sau bởi hành động là đức hạnh thực sự; tự thân
ý chí không đáng kể bao nhiêu, trừ khi ý tưởng đó được hoàn tất. Như vậy,
biến những ý niệm của mình thành hàng động là tôn giáo trong ý nghĩa đích
thực của nó. Hiển nhiên một điều là tôn giáo không hạn chế cho một xứ sở
hay một quốc gia hoặc chủng tộc đặc biệt nào cả, tôn giáo là của chung; và
chắc chắn tôn giáo cũng không phải là thứ chủ nghĩa quốc gia mà, nói một
cách khác, chỉ là một hình thức biến dạng của hệ thống giai cấp, nhưng
được thiết lập trên một căn bản rộng lớn hơn thôi.
Khoa học đã chứng minh cho chúng ta thấy
là cấu trúc cơ bản của tâm con người là đồng nhất trong mọi chủng tộc, sở
dĩ có sự khác biệt là do hoàn cảnh lịch sử và các giai đoạn phát triển.
Không nhìn nhận tính đồng nhất của thế gian trong mọi phương diện của nó;
tinh thần cũng như xã hội, kinh tế cũng như chính trị, chắc chắn sẽ không
bao giờ có hoà bình; một tinh thần hữu nghị thế giới thực sự, là nền tảng
hợp lý duy nhất của mọi nền văn minh cao cả, cũng như của nền hoà øbình
thế giới vậy.
-ooOoo-
Bài 14:
TÌNH HỮU NGHỊ THẾ GIỚI QUA LÝ TƯỞNG ÐẠO PHẬT
Ngày nay chúng ta
đang sống trong một thế giới bị giằng co bởi hai tâm trạng tuyệt vọng và
hy vọng; tình trạng tuyệt vọng của chúng ta là do nhiều nguyên nhân,
nghiêm trọng nhất trong số đó là nỗi lo sợ thường xuyên về viễn cảnh chiến
tranh; vì, mặc dầu nhân loại ước muốn hoà bình, và lòng khát khao hoà bình
này hiện diện khắp mọi nơi trên toàn thế giới. Thế nhưng, thay vì nỗ lực
tạo hiệu quả cho lòng khát khao hoà bình hầu như là chung ấy, mỗi quốc gia
lại đua nhau trang bị quân sự với hết khả năng của mình, đã có hơn phân
nửa số lợi tức quốc gia của thế giới này được người ta sử dụng vào việc
chuẩn bị chiến tranh, và phần lớn năng lực, chất xám, tài chánh và cơ cấu
tổ chức của chúng ta đã bị chuyển sang hướng khám phá ra cách làm thế nào
để có thể sát hại đồng bào mình một cách tàn nhẫn hơn. Tăng cường sức mạnh
quân sự không phải để gìn giữ những hạnh phúc do hoà bình đem lại, mà để
lao vào cuộc chạy đua vũ trang, điều này hiển nhiên sẽ phải kết thúc bằng
chiến tranh mà thôi. Phần lớn mọi người chúng ta còn nhớ cuộc đại chiến
Châu Âu lần thứ nhất và cũng gần đây thôi, hết quốc gia này đến quốc gia
khác đã trở thành nạn nhân của chế độ chuyên chế bất công, man rợ và tàn
ác, tương lai của nhân loại rồi sẽ ra sao nếu như cái khuynh hướng hiện
nay của các quốc gia cứ tiếp tục như vậy.
Dù sao chúng ta cũng không tuyệt hết hy
vọng, vì đồng thời cũng còn có các nhà văn, các nhà diễn thuyết lý tưởng
và những người đang làm việc vì lợi ích chung của nhân loại, những người
đang mơ và hy vọng cho một tương lai tốt đẹp hơn, nhiều sách báo xuất bản
hiện nay trong tinh thần hướng về việc "toàn cầu hoá". Hội nghị
quốc tế về đức tin, Bần Tăng xem đó như là một phong trào hết sức quan
trọng, bởi vì hội nghị này không chỉ quan tâm đến những điều chỉnh bên
ngoài thuộc nhu cầu vật chất, mà nó còn chú trọng đến những thực tại của
cuộc sống trên căn bản tinh thần. Mục đích chính của hội nghị là nhằm cổ
vũ cho tinh thần hữu nghị thế giới qua lý tưởng tôn giáo, chính vì vậy mà
công việc hiện nay của bần Tăng là để trình bày cho mọi người thấy đạo
Phật có thể giúp đỡ như thế nào để thành tựu mục tiêu này.
Trong Kinh Pháp Cú, Ðức Phật có dạy:
"Sabbapàpassa akaranamï
Kusalassa upasampadà
Sacittapariyodapanamï
Etamï Buddhàna sàsanamï".
"Không làm các điều ác
Luôn làm các việc thiện
Giữ cho tâm thanh tịnh
Là lời chư Phật dạy" (Pháp Cú, 183)
Ðể hiểu rõ bài kệ trên, trước tiên chúng
ta phải xác định rõ điều ác ở đây muốn nói là gì và gốc của điều ác nằm ở
đâu; cũng như điều thiện là gì và gốc của nó.
Vậy thì điều gì được gọi là điều ác?
1) Huỷ
diệt sanh mạng của chúng sanh khác là ác
2) Trộm cắp là ác
3) Tà dâm là ác |
Hành động của khẩu
(vacì kamma) |
4) Nói dối
là ác
5) Nói ly gián là ác
6) Nói lời thô lỗ là ác
7) Nói lời thêu dệt là ác. |
Hành động của ý
(mano kamma) |
8) Tham là
ác
9) Sân là ác
10) Si là ác |
Hành động của thân
(Kàya kamma) |
Gốc của điều ác là gì?
Tham (Lobha) là gốc của việc ác;
sân (Dosa) là gốc ác; si mê (Moha) là gốc ác; như vậy 10
loại nghiệp ác kể trên đều do tham, sân, si mà ra. Ba gốc này cũng giống
như ba luồng cuồng lưu, vì nó cuốn chúng ta đi vào con đường khổ đau, cũng
giống như dòng sông chảy xiết sẽ cuốn theo nó những khúc cây rơi vào trong
đó vậy.
THAM
Gốc được đề cập đầu tiên là gốc tham, hay
dục vọng; khát khao những lạc thú nhục dục, khát khao địa vị, giàu sang
v.v... gốc tham này nằm trong tất cả chúng ta giống như mọt cơn khát dữ
dội. Người tham lam luôn nói "tôi muốn", "tôi phải có",
"tôi không thể không có". Chúng ta cũng thường nghe những người này
nói rằng giá mà anh ta được giàu có như người hàng xóm nào đó mà anh ganh
tỵ, chắc chắn anh ta sẽ vô cùng thoả mãn; thế nhưng có cho anh ta được số
tài sản anh đã để tâm tới đó, anh ta cũng vẫn thấy có người giàu hơn để
ganh tỵ và rốt cuộc anh ta cũng vẫn bất mãn như cũ. Một nhà thơ Ba Tư nào
đó đã viết "một đồng bạc nhỏ thôi
cũng đủ làm người ăn xin thoả mãn; trong khi Faridun với cả vương quốc Ba
Tư của ông ta, cũng chỉ thoả mãn phân nửa".
Khuynh hướng chấp giữ thái độ bất mãn của
chúng ta, dù đã thành công và có tài sản đầy đủ là do bản chất tham lam vô
độ của lòng dục trong con người chúng ta; lo sợ mất mát tài sản khiến
chúng ta sầu khổ, đồng thời chúng ta lại cảm thấy bất mãn bao lâu còn có
người nào đó trên thế gian này giàu có hơn chúng ta. Ðiều gì còn nằm ngoài
tầm tay của chúng ta, điều ấy dường như còn có giá trị cho đến khi chúng
ta đạt được nó, nhưng khi đã có rồi, chúng liền mất giá trị ngay. Không
may thay, đây lại là đặc tính chung của phần lớn mọi người chúng ta; lòng
tham khiến chúng ta ích kỷ đến độ chúng ta chỉ nghĩ đến việc thoả mãn nhu
cầu riêng của mình; người ích kỷ nhắm đến việc gom góp hạnh phúc cho cá
nhân mình càng nhiều càng tốt, họ không hề quan tâm đến khổ vui của kẻ
khác. Ðể đạt được mục đích của mình, họ cố gắng chiếm hữu những vật quý
của thế gian nhiều chừng nào tốt chừng nấy, và bất cứ khi nào có cơ hội để
làm như vậy họ rất lấy làm thoả mãn, ngay cả khi sự thoả mãn đó phải đạt
được với giá hy sinh bạn bè của mình cũng mặc. Khắp nơi trên thế gian này,
chúng ta thấy kẻ ích kỷ chiếm hữu mọi thứ rất bất công, và họ còn tận dụng
người khác như những phương tiện để đạt đến lạc thú của họ.
Tham lam cũng giống như đám mây mù dày đặc
như đôi lúc chúng ta thường gặp ở những miền đồi núi, khiến chúng ta không
thấy rõ đường đi trước mặt mình; hoặc đôi khi ở biển vào những ngày sương
mù, khi người ta không thể thấy vật gì nằm ở phía trước và hai chiếc tàu
có thể đụng nhau, có lẽ cả hai đều chìm. Con người, khi đã mù quáng bởi
lòng tham, bị cuồng lưu cuốn trôi, không hiểu rằng mình sẽ về đâu, và nơi
đâu có nhiều người bị mù quáng bởi lòng tham đối với cùng tột một vật; ở
đó, chắc chắn sẽ có ganh tỵ và chống đối. Vì họ hành động để thoả mãn lòng
tham của mình, nên chi họ đụng chạm và tàn hại lẫn nhau, và quả khổ đang
chờ đón họ.
SÂN HẬN
Dòng cuồng lưu thứ hai dẫn chúng ta đến
khổ đau không kém là sân hận, hay bất toại nguyện. Chính khuynh hướng này
trong con người chúng ta khiến phẫn uất trước hành động của kẻ khác, khi
họ thách thức quyền hạn của chúng ta, đối với điều chúng ta mong muốn;
khuynh hướng chung của chúng ta là muốn thử thách và thống trị kẻ khác,
chúng ta muốn họ phải vâng theo ý mình trong khi lại chèn ép ý riêng của
họ. Vì vậy, khi ai đó đối kháng lại ý kiến của chúng ta, thì hành động của
chúng ta lúc đó chẳng khác nào hành động của một con chó với khúc xương
khi có con chó khác tới gần. Chúng ta khó chịu, bực bội về nhiều phương
diện, và mặc dầu sự khó chịu của chúng ta mới đầu có vẻ nhẹ nhàng, thế
nhưng nếu cứ cho phép nó tiếp diễn ngày này sang ngày khác, nó sẽ trở
thành một mối thâm thù. Ngạn ngữ có câu "cơm nóng mất ngon, giận mất
khôn", vì khi một người nóng giận họ trở nên "mất tự chủ", và
bị cuống phăng đi bởi dòng cuồng lưu sân hận; chính do lòng sân hận này mà
tranh chấp nổ ra giữa cá nhân với cá nhân, giữa quốc gia này với quốc gia
khác. Người bị sân hận làm cho mù quáng như vậy không thể nhận ra rằng
"hận thù không diệt được hận thù",
họ coi chiến tranh như là cách giải quyết duy nhất để ổn định những tranh
chấp quốc gia, và quân đội của các nước ngày càng hùng mạnh hơn trước. Tuy
nhiên, điều đó xem ra cũng rất ít triển vọng thiết lập được ổn định đối
với nền hoà bình thế giới, mặc dù nguyên tắc "sức mạnh là lẽ phải" không
còn thắng thế trong mối quan hệ giữa những cá nhân, nhưng nó vẫn được
người ta xem là điều tự nhiên để viện đến khi quốc gia này tranh chấp với
quốc gia khác; và mặc dù chiến tranh còn lưu lại những chứng tích của lòng
man rợ giữa nền văn minh ngày nay, nhưng "sự tiến bộ" của khoa học
hàng năm vẫn đưa đến việc khám phá ra các khí cụ ngày càng mạnh mẽ hơn,
nhằm huỷ diệt cuộc sống và tài sản của con người.
Tại nhiều quốc gia ngày nay, chế độ cưỡng
bách quân dịch rất thịnh hành, mọi gia đình có con đến tuổi thành niên
buộc phải phục vụ trong quân đội một thời gian theo luật định. Trong những
trường hợp như vậy, rõ ràng chiến tranh đã gieo tang thương ảm đảm rộng
rải hơn là khi người ta tuyển dụng một số người có giới hạn, những người
tự nguyện chọn đời sống quân đội làm sự nghiệp, kết quả của nó sẽ tạo cho
vô số gia đình trong các cuộc chiến tranh bớt đi cảnh cơ cực bởi tài sản
của họ bị thiêu huỷ, hoặc bởi sự mất mát những người thân là trụ cột của
gia đình. Tất cả những điều này là hậu quả của lòng sân hận mà ra.
SI MÊ (VÔ MINH)
Dòng cuồng lưu thứ ba đưa chúng ta đến khổ
đau là si mê hay vô minh. Trạng thái tham và sân luôn luôn có si mê đi
kèm, bởi vì si mê là gốc hay cội nguồn chính yếu của mọi điều ác. Trạng
thái vô minh này vi tế hơn tham và sân rất nhiều, khi một người bị si mê
cuốn hút, họ không thể phân biệt được đâu là chánh, đâu là tà, họ có thể
không nhận ra những hành động cao thượng là hữu ích; chẳng có gì là an
toàn trong lời đùa cợt và nụ cười chế nhạo của họ, họ cũng không có chút ý
thức trách nhiệm nào cả và khó có thể tìm được lời khen ngợi trên môi họ,
cho dù đó là lòng hiếu thảo của con cháu hay bất cứ sự hy sinh cao cả nào.
Ngược lại, họ muốn được người khác ca ngợi, và họ cảm thấy bị xúc chạm nếu
không được biết ơn đúng mức, vì họ nghĩ đến bản thân mình nhiều hơn và
luôn luôn tính toán để nuôi lớn tham vọng, cho hạnh phúc tư riêng của
mình, tinh thần từ bi và độ lượng vắng mặt trong họ, họ làm như điếc trước
lời cầu xin đoái thương của kẻ khác, nói chung thì họ không có ý thức xã
hội đối với những người chung quanh mình. Nếu giúp đỡ kẻ khác, thì việc
làm của y cũng là để lôi kẻ đó vào quỹ đạo của mình, từ đó tăng thêm lợi
nhuận cho y mà thôi, vì dưới ảnh hưởng của vô minh họ kiên quyết phải có
điều gì họ muốn, cho dù người khác có đau khổ, họ không muốn ai gây trở
ngại cho việc họ làm hoặc trên cơ họ, đôi lúc họ cũng kiếm được những mối
lợi từ những người cùng bất đắc dĩ phải tiếp xúc với họ, hoặc từ những
người sợ không dám chọc giận họ. Tuy nhiên, những mối lợi đó cũng bị dâng
hiến một cách miễn cưỡng mà thôi, và những ai buộc phải làm như vậy thường
có khuynh hướng tránh giao thiệp với họ; có lẽ, khi đa số mọi người đều
quay lưng lại với họ, và thế gian này không còn cần đến họ nữa, lúc đó họ
sẽ đổ lỗi cho mọi người và biện hộ rằng:
"những gì tôi làm là hoàn toàn đúng, nhưng
mọi người ngu dốt quá nên không hiểu, hoặc mọi người vì ác ý nên không tán
đồng đó thôi", họ không biết rằng
chính nọc độc trong con người họ đã làm đảo lộn thế gian.
Câu chuyện cổ tích sau, có thể dùng như
một minh hoạ liên quan đến vô minh (si mê) sanh ra sân hận: Xưa có
một con gấu mẹ đi kiếm ăn cùng với ba chú gấu con trong khu rừng nọ, chúng
nhìn thấy một tổ Ong ở trong cái máng đặt dưới gốc cây, từ một cành trên
đó có một khúc cây lớn treo lủng lẳng trên cái máng. Bầy gấu muốn lấy mật,
nhưng vì bị khúc cây cản đường nên gấu mẹ đẩy nó qua một bên để chúng có
thể vào lấy, chúng bắt đầu ăn, thình lình khúc cây đung đưa và quay lại,
đánh trúng đầu gấu mẹ. Tức tối gấu mẹ liền tống một cú thật mạnh khiến cho
khúc cây văng xa hơn trước, lần này khúc cây quay trở lại với một lực mạnh
đến nỗi đánh trúng một trong mấy chú gấu con, và giết chết nó. Gấu mẹ lúc
này tức điên lên, táng vào khúc cây như trời giáng, khúc cây văng thật xa
và lao trở lại đập trúng vào đầu gấu mẹ khiến nó chết tại chỗ.
Ai đã giết chết gấu?
Thẳng thắn mà nói thì đó chính là do sự ngu
dốt hay vô minh của gấu khiến cho nó nghĩ rằng khúc cây là kẻ thù của nó;
do si mê mà thù hận phát sanh thúc đẩy gấu chiến đấu với khúc cây đã đánh
vào nó, dù rằng khúc cây không thể làm hại được gấu, trừ khi nó bị gấu mẹ
hất văng đi, nhưng con gấu đáng thương kia đâu hiểu được điều đó. Khi một
người bị cuồng lưu vô minh cuốn trôi đi cũng vậy, họ trở nên man rợ và
hung bạo, mọi ý thức nhân tính đều mờ nhạt trong tâm họ.
Do những dòng cuồng lưu tham, sân, si này
mà nước này chiến đấu với nước kia, vua này chiến đấu với vua nọ, giáo sĩ
với giáo sĩ, mẹ cãi nhau với con, con cãi nhau với mẹ, anh em, chị em, bạn
bè cãi lộn với nhau. Chúng ta nói đến hoà bình, nhưng vô tình lại tạo ra
hỗn loạn; chúng ta mong mỏi hạnh phúc, nhưng lại nhận toàn khổ đau, tại
sao? Bởi vì chúng ta chẳng khác nào những khúc cây bị cuốn trôi vô vọng
bởi những cuồng lưu của tham, sân và si này. Nếu chúng ta muốn phục hồi
lại nhân tính và tìm được hạnh phúc, chúng ta phải bước ra khỏi những bộc
lưu đó, điều này phải thực hiện bằng cách nào? Kỹ thuật của đạo Phật để
làm lắng dịu những dòng cuồng lưu tham, sân, si là bằng cách tự mình tu
dưỡng một cách cẩn trọng "tự mình cứu lấy chính mình" là lời dạy
của Ðức Phật, Ngài đã đưa ra một tiến trình tu tập đặc biệt ở tâm và ở
thân để đạt đến kết quả viên mãn từ việc tự tu này.
Muốn thực hiện những thiện nghiệp, trước
tiên chúng ta phải hiểu điều thiện là gì và gốc của nó ở đâu.
Như vậy, cái gì được gọi là thiện?
1) Không
sát sanh là thiện.
2) Không trộm cắp là thiện.
3) Không tà dâm là thiện. |
Thân hành thiện
(kàya kamma) |
4) Không
nói dối là thiện.
5) Không nói ly gián là thiện.
6) Không nói lời thô ác là thiện.
7) Không nói thêu dệt là thiện. |
Khẩu nghiệp thiện
(vacì kamma) |
8) Không
tham là thiện.
9) Không sân là thiện.
10) Không si là thiện |
Ý nghiệp thiện
(mano kamma) |
Căn bản hay gốc thiện là gì?
Vô tham hay không ích kỷ là gốc thiện; vô
sân hay từ bi là gốc thiện; vô si hay trí tuệ là gốc thiện. Ba gốc thiện
này cũng còn gọi là những hạt giống cao quý, những hạt giống này nằm sẵn
trong mỗi con người chúng ta, nếu được tu tập cẩn trọng, kiên trì chúng sẽ
phát triển thành những năng lực siêu phàm. Những năng lực này tuy nằm ngầm
trong chúng ta, nhưng chúng ta không thể phát triển nếu như chúng ta không
khám phá ra nó và tu tập sao cho tâm chúng ta nồng ấm với lòng từ để cho
chúng có cơ hội nảy mầm.
VÔ THAM
(KHÔNG ÍCH KỶ)
Muốn làm được điều này chúng ta phải quên
bản thân mình đi và thay cuộc đời này vào đó. Mong muốn hạnh phúc và an
lạc cho mọi người không phải là bất thiện, bất thiện chỉ khởi sanh khi
những tham muốn của chúng ta quá lo cho bản thân mình mà không nghĩ đến kẻ
khác, hoặc không phải vì lợi ích thiêng liêng của chân lý. Khi chúng ta
ước muốn đi tìm chân lý là chúng ta đã có thể sẻ chia với tha nhân, ước
muốn này trở nên trí tuệ hơn và vị tha hơn cả. Việc trau dồi tâm vị tha
không phải chỉ đơn thuần là một cảm xúc trong tim bạn, mặc dầu cảm xúc nội
tại đó là điều cần thiết, thế nhưng vấn đề là làm sao để thể hiện những
cảm xúc mà mình bày tỏ đó ra thành hành động vị tha bên ngoài; và nó cũng
bao gồm luôn cả ước muốn đưa người khác đến chỗ an lạc hoàn toàn, giúp họ
thoát khỏi mọi bất toại nguyện và làm tất cả những gì có thể được để thăng
hoa hạnh phúc cho họ. Người có lòng vị tha luôn luôn đặt mình vào hoàn
cảnh của người khác và cố gắng đồng cảm với họ, biết hối tiếc việc làm sai
trái của mình hoặc việc mình đã quên không làm, có lòng nhiệt thành mong
mỏi cải thiện tốt hơn trong tương lai, để đền bù những sai lầm mình đã
phạm. Người có lòng vị tha cũng không muốn mình trở thành gánh nặng cho
mọi người, mà mong muốn mình sẽ là một đặc ân cho họ, bằng cách làm cho
mọi người được an vui. Làm được như vậy, khuynh hướng vị tha của họ sẽ cổ
vũ cho sự giao lưu trong xã hội và góp phần vào niềm vui chung của mọi
người. Người vị tha còn biết nhớ ơn kẻ khác đã làm cho mình và cảm thấy
hoan hỷ với lòng tốt của ân nhân; đối với người làm ơn cho mình người vị
tha luôn luôn mong muốn được trả ơn, hoặc làm điều gì đó lớn lao hơn cho
ân nhân, nếu có thể. Nhờ sống không ích kỷ chúng ta phát triển trong bản
thân mình khuynh hướng trắc ẩn với đồng loại. Hạnh phúc chẳng bao lâu sẽ
rời xa chúng ta, hoặc trở nên nhạt nhẽo vô vị nếu chúng ta không có những
bạn bè tâm đắc, đối với họ chúng ta cảm nhận một sự thân thương, vì trong
mọi trường hợp hạnh phúc của chúng ta nếu được chia sẻ với bạn bè, sẽ trở
lại mạnh mẽ hơn và lâu bền hơn.
Chính vì vậy, cách tốt nhất để được vui là
làm cho người khác vui, mọi hành động từ ái làm gia tăng gấp đôi phước
báu, phước báu phần người cho và phước báu phần người nhận. Nếu chúng ta
muốn cổ động cho tình hữu nghị, chúng ta phải quên cái "Tôi" của
mình đi trong lúc phục vụ mọi người, chúng ta nên làm những gì có thể làm
được vì hạnh phúc của tha nhân. Tóm lại, bất luận hành động nào chúng ta
làm, lời nào chúng ta nói và ý tưởng nào chúng ta suy nghĩ cũng phải vì sự
tốt đẹp, an vui và hạnh phúc không chỉ cho cá nhân mình, mà cho tất cả mọi
người, kết qủa của việc làm này sẽ là sự an vui, hạnh phúc và hữu nghị.
VÔ SÂN
(TỪ BI)
Ðể cổ động cho tinh thần hữu nghị thế
giới, chúng ta phải làm sao để những hạt giống cao quý, những hạt giống từ
bi nảy mầm trong lòng và trong tâm của chúng ta, cho đến khi chúng ta hoàn
toàn là tình thương này. Muốn có lòng từ với nhau, chúng ta phải hiểu rằng
tất cả chúng ta đều là huynh đệ, và tình huynh đệ này phải được gắn chặt
với công bằng, vì công bằng là một quy luật tự nhiên. Không vị quan toà
nào có quyền dùng quyền lực của mình đối vơi phạm nhân vượt quá giới hạn
mà luật pháp của toà án cho phép, ắt hẳn điều này cũng là sự thể hiện quy
luật tự nhiên của công lý.
Nếu chúng ta hại người như thế nào, chúng
ta sẽ phải nhận lãnh hậu quả tương tự như vậy; nói khác hơn, khi chúng ta
ném một hòn đá vào hồ, khiến cho những gợn sóng lan toả khắp mặt hồ cho
đến khi chạm vào bờ. Lúc đó nước chảy ngược trở lại đến khi chạm vào hòn
đá đã khuấy động nó. Cũng như vậy, hậu quả những điều chúng ta làm sẽ trở
lại với chúng ta, và nếu điều chúng ta làm là thiện, chúng ta sẽ có quả
lành, trong khi những hành động bất thiện, cũng sẽ tạo ra quả dữ cho ta.
Muốn gặt hái quả thiện từ ái là điều cần thiết nhất. Vì vậy chúng ta phải
có lòng từ với mọi người, bất luận họ thuộc màu da gì, dù cho họ giàu hay
nghèo, trí hay ngu, tốt hay xấu cũng vậy; và chúng ta không phải chỉ có
lòng từ với con người, mà đối với tất cả chúng sanh trong thế giới này
chúng ta cũng cần phải nuôi dưỡng tâm từ nữa.
Trong Kinh Từ Bi (Mettà sutta) bài
pháp nói về tâm từ, Ðức Phật dạy:
"Ví như người mẹ hiền, hy sinh cả cuộc đời để bao bọc con mình, đứa con
độc nhất của bà, cũng vậy các ngươi nên tu tập tâm từ không phân biệt đối
với tất cả chúng sanh. Các ngươi hãy tu tập lòng từ không phân biệt đối
với toàn thế gian, bên trên, bên dưới và chung quanh mình, không hạn chế,
không xen lẫn chút ác cảm hay tư riêng nào. Các ngươi hãy giữ kiên cố tâm
từ này dù khi đi, khi đứng, khi nằm hoặc khi ngồi lúc nào cũng thức tỉnh
lòng từ, vì đây là tâm cao quý nhất của thế gian".
Ða số chúng ta vẫn chưa học được bài học
này, vì vậy ý thức nhân tính vắng mặt trong tâm chúng ta, thế gian tràn
đầy đau khổ và tội ác, các loài thú hoang sợ hãi trốn chạy chúng ta. Cũng
có một số người đã học được bài học này, họ thương yêu mọi người và mọi
vật, không con thú hoang nào trốn chạy họ, và thậm chí chúa sơn lâm cũng
sẽ phủ phục dưới chân họ như chú mèo ngoan phủ phục dưới chân chúng ta
vậy. Tại sao những con thú này lại thương yêu chúng ta? Bởi vì chúng ta
thương yêu chúng; nếu chúng ta hiểu được điều này thì kẻ thù cũng sẽ trở
thành bạn và loài vật hoang dã cũng trở thành những con thú cưng ngoan
ngoãn của chúng ta.
VÔ SI
(TRÍ TUỆ)
Trí tuệ là năng lực thấy các pháp như
chúng thực sự là, và làm thế nào để hành xử một cách chính đáng khi các
vấn đề của cuộc sống đến trước chúng ta. Hạt giống trí tuệ nằm tiềm tàng
trong tâm mỗi người, khi tâm hồn chúng ta lắng đọng và nồng ấm với từ bi,
chúng sẽ nảy mầm và phát triển thành những năng lực của nó.
Khi một người lắng dịu lại những cuồng lưu
tham, sân, si trong họ; lúc ấy người đó trở nên có lương tâm, đầy lòng
trắc ẩn, biết lo lắng cho hạnh phúc của tất cả chúng sanh. Như vậy, người
ấy đã từ bỏ việc trộm cắp, sống chân chánh trong mọi cư xử của mình; người
ấy từ bỏ tà dâm và sống trong sạch, trinh bạch; người ấy từ bỏ việc nói
dối. Ðiều gì nghe ở chỗ này, người ấy không lặp lại ở nơi khác để gây sự
chia rẽ; người ấy hoà hợp những người chia ly và khuyến khích những ai
sống hoà hợp. Người ấy tránh xa nói lời thô ác, chỉ nói những lời dịu
dàng, êm ái, những lời dễ nghe và đi thẳng vào lòng người. Người ấy tránh
xa việc nói chuyện vô ích, chỉ nói những gì có ích, đúng thời và đúng với
sự thực. Chính khi tâm người ấy trong sạch và cõi lòng người ấy hiền hoà
nhờ được trang bị với giới và sự phát triển tâm như vậy, là lúc mà hạt
giống cao quý của trí tuệ nảy mầm. Kiến thức hiểu biết tính chất của cây
kim từ tính (trong chiếc la bàn) có thể làm cho người đi biển thấy
đúng hướng trong những đêm tối tăm nhất, khi không một vì sao nào được
thấy, có giá trị như thế nào thì trí tuệ cũng có tác dụng tương tự như
vậy, nó có thể giúp cho người ta thấy các pháp như chúng thực sự là, và
nhận ra con đường chân chánh đi đến an lạc và hạnh phúc thực sự, Niết Bàn.
-ooOoo-
Bài 15:
MƯỜI PHÁP BA LA MẬT (PÀRAMÌ)
Bồ Tát là một vị
Phật đang thành, và như vậy Bồ Tát là một chúng sanh đang thực hành, trải
qua một giai đoạn không thể tính kể được của chu kỳ thế gian, để đạt đến
mức độ cao tột của sự thành tựu về đạo đức, tri thức và tâm linh. Là một
vị Bồ Tát, trong mỗi kiếp tái sanh, vị ấy thực hành 10 pháp ba la mật
(Pàramì), đây là điều kiện tiên khởi dành cho một vị Bồ Tát.
Chúng ta không nên nghĩ rằng lý tưởng Bồ
Tát này chỉ dành cho những con người phi thường; điều gì người khác làm
được, chúng ta cũng có thể làm được nếu chúng ta nỗ lực và nhiệt tâm cần
thiết. Chúng ta cần cố gắng làm việc một cách vô tư vì lợi ích của bản
thân cũng như lợi ích của tha nhân. Như vậy, chúng ta đã có mục đích trong
cuộc đời này - có lý tưởng cao quý để phục vụ và hoàn thiện mình.
Mười pháp ba la mật đó là:
1) Bố thí (Dàna)
2) Trì giới (Sìla)
3) Xuất gia (Nekkhamma)
4) Trí tuệ (Pannà)
5) Tinh tấn (Viriya)
6) Kham nhẫn (Khanti)
7) Chân thật (Sacca)
8) Quyết định (Adhitthàna)
9) Tâm từ (Mettà)
10) Hành xả (Upekkhà).
1. DÀNA
(Bố thí)
Bố thí là ba la mật đầu tiên. Thực hành bố
thí tạo cơ hội cho Bồ Tát được công đức hay phước báu gấp đôi đó là, một
mặt nó diệt trừ những tư tưởng bất thiện của lòng ích kỷ, và mặt khác nó
làm phát triển những tư tưởng thuần khiết của lòng vị tha.
Mục đích của bố thí là để diệt trừ tham ái
ngủ ngầm trong tâm chúng ta; ngoài ra nó còn có những phước báu của bố thí
đi kèm như tâm hoan hỷ phục vụ, đem lại hạnh phúc, niềm an ủi và xoa dịu
khổ đau.
Vị Bồ Tát luôn mở rộng lòng thương không
phân biệt trong lúc thực hành bố thí, đồng thời cũng không quên dùng óc
suy xét sáng suốt của mình trong lúc bố thí. Chẳng hạn, nếu một gã say
rượu muốn xin Ngài giúp đỡ, nhưng Ngài tin chắc rằng người say rượu này sẽ
lạm dụng vật thí của mình, Bồ Tát sẽ không ngại ngùng từ chối anh ta, vì
lòng quảng đại trong trường hợp này sẽ không kiến tạo bố thí Ba la mật
được. Tuy nhiên, nếu có người cầu xin giúp đỡ vì mục đích chính đáng, Ngài
sẽ bày tở lòng biết ơn sâu xa đối với cơ hội được cho này, và cho họ mọi
trợ giúp có thể được một cách sẵn lòng và khiêm tốn, không hề có chút thái
độ miễn cưỡng hay đưa ra những lời thoái thác giả dối nào. Vị Bồ Tát luôn
sẵn lòng gia ơn cho kẻ khác, nhưng Ngài sẽ không bao giờ cúi đầu van xin
chút ân huệ nào cho cá nhân mình. Bồ Tát Bố Thí rộng rãi, không phân biệt
đẳng cấp xã hội, tín ngưỡng hay màu da, nhưng bản thân Ngài không mong cầu
gì cả, vì Ngài không vị kỷ cũng không tư hữu. Bồ Tát thực hành đức hạnh bố
thí đến mức không những có thể từ bỏ những tài sản sở hữu thân yêu khác,
mà cả đến quốc thành, thê tử, thậm chí chân tay nếu ai xin Ngài cũng sẵn
sàng bố thí. Bố thí ba la mật có thể xem là sự hy sinh cao cả của một vị
Bồ Tát vì lợi ích của nhân loại.
2) TRÌ GIỚI
(Sìla)
Ba la mật thứ hai là trì giới, thanh lọc
hành vi cư xử của bản thân. Nếu Bồ Tát đang sống cuộc đời của bậc xuất
gia, Ngài sẽ cố gắng hết sức để giữ gìn những giới hạnh liên quan đến đời
sống xuất gia; tuy nhiên, nếu sống cuộc đời của một gia chủ, Ngài sẽ
nghiêm trì ngũ giới của người tại gia đến mức tối đa, cho dù những quyền
lợi của Ngài có bị đe doạ. Bồ Tát sẽ tránh không sát sanh, trộm cắp, nói
dối, hoặc nói ly gián, Ngài cũng tránh xa sự tà dâm, nói lời thô ác, nói
lời phù phiếm và uống các chất say. Nói chung một vị Bồ Tát luôn luôn cố
gắng giữ gìn những nguyên tắc sơ đẳng nhất (tức ngũ giới) với hết
khả năng của mình, vì nếu phạm vào một giới nào trong đó có nghĩa là đã
tạo thêm những phiền não và chướng ngại mới trên bước đường giác ngộ giải
thoát. Tuy nhiên, cũng không nên hiểu rằng một vị Bồ Tát là hoàn toàn
không phạm sai lầm và hoàn toàn không còn bất thiện pháp (xem Jàtaka
318, chuyện tiền thân kể về kiếp Bồ Tát làm tướng cướp), vì một người
toàn thiện hoàn toàn, vị đó chắc hẳn đã chứng đắc Phật quả rồi.
3) XUẤT GIA
(Nekkhamma)
Ba la mật thứ ba là sự Từ Bỏ hay Xuất Gia.
Ba la mật này bao hàm hai ý nghĩa, thứ nhất là sự từ bỏ nếp sống trần tục
và những lạc thú thế gian để chọn cho mình đời sống thanh cao của một tu
sĩ, và thứ hai là việc thực hành tu tiến thiền định nhờ đó chế ngự tạm
thời các triền cái ngăn che tiến bộ tâm linh
(năm triền cái là: Tham Dục, Sân Hận, Hôn
Trầm - Thuỵ Miên; Trạo Cử, Phóng Dật và Hoài Nghi).
Mặc dầu vị Bồ Tát có thể sống trong cảnh xa hoa, đắm chìm trong dục lạc
thế gian, nhưng cái ý niệm luôn luôn hiện khởi trong tâm của Ngài, là đời
sống của một gia chủ quả thật giống như hang ổ của tranh chấp, nếu đem so
với đời sống không gia đình của bậc xuất gia ví như bầu trời rộng mở thênh
thang. Nhận thức rõ tính chất hư ảo của đời sống trần tục như vậy, Bồ Tát
tự nguyện từ bỏ những sở hữu thế gian của mình, và khoác vào người chiếc y
vàng giản dị của một nhà tu, Ngài cố gắng sống cuộc sống thánh thiện với
tất cả sự trong sạch của nó. Trong đời sống xuất gia này Ngài thực hành
giới luật đến một mức độ rất cao hầu như trở thành vô ngã hoàn toàn trong
mọi hoạt động của mình; không vì danh, không vì lợi và những điều này cũng
không thể khiến Ngài hành động ngược lại với những nguyên tắc thánh thiện
của mình. Ðôi khi chỉ một sợi tóc bạc xuất hiện trên đầu (xem Jàtaka số
9) cũng đủ khiến một vị Bồ Tát rời bỏ bầu không khí không còn phù hợp
với mình nữa, để hướng về cuộc sống viễn ly, độc lập của một ẩn sĩ; tuy
nhiên, việc thực hành hạnh xuất gia này không phải là một quy luật mà một
vị Bồ Tát buộc phải tuân thủ. Trong Túc Sanh chuyện số 531, kiếp Bồ Tát là
hoàng tử Kusa chẳng hạn, kiếp này Bồ Tát phải chịu đựng rất nhiều tủi nhục
bẽ bàng do lòng tham ái không chế ngự được, vì Ngài muốn chiếm đoạt tình
yêu của nàng công chúa xinh đẹp Pabhàvatì.
4) TRÍ TUỆ
(Pannà)
Ba la mật thứ tư là trí tuệ; trí tuệ có
nghĩa là sự hiểu biết chân chánh thực chất của thế gian, thấy các pháp như
chúng thực sự là. Bồ Tát nỗ lực thu thập kiến thức từ mọi nguồn có thể
được, mặc dù vậy, chưa từng có lần nào Ngài biểu lộ lòng mong muốn phô
trương những kiến thức của mình, Ngài cũng chưa hề cảm thấy hổ thẹn nhìn
nhận sự si mê của mình. Ðiều gì Ngài biết luôn luôn là để phục vụ tha
nhân, và Ngài cũng sẵn sàng chia sẻ nó với mọi người không chút giấu giếm.
5) TINH TẤN
(Vìriya)
Ba la mật thứ năm là tinh tấn. Tinh tấn ở
đây không chỉ có nghĩa là sức mạnh thể chất như mọi người thường hiểu, mà
nó là sinh lực hay sức mạnh tinh thần, hiển nhiên sức mạnh này siêu việt
hơn sức mạnh thể xác rất nhiều, và được định nghĩa như một nỗ lực không hề
suy giảm nhằm phục vụ tha nhân cả trong tư tưởng lẫn hành động, củng cố
vững chắc đức hạnh tinh tấn này. Bồ Tát phát triển lòng tự tin và tạo cho
nó thành phẩm chất đặc biệt của mình, với quan niệm thất bại là mẹ thành
công; sự áp bức chỉ làm tăng thêm nỗ lực và hiểm nguy giúp lòng can đảm
của mình phát triển mạnh hơn.
6) KHAM NHẪÂN
(Khanti)
Ba la mật thứ sáu là lòng kham nhẫn. Ở đây
kham nhẫn là sự chịu đựng, hình thức cao nhất của lòng chịu đựng khi phải
đương đầu với khổ đau có thể do người khác giáng xuống cho mình; và nó
cũng còn có nghĩa là lòng kiên nhẫn đối với những sai trái của kẻ khác.
Một vị Bồ Tát thực hành kham nhẫn đến mức độ khi tay chân của mình bị
người khác chặt đứt đi, Ngài cũng không khởi tâm phẫn nộ.
7) CHÂN THẬT
(Sacca)
Ba la mật thứ bảy là chân thật. Khi nói
đến chân thật có nghĩa là muốn nói đến sự giữ lời hứa của mình, đây là một
trong những phẩm cách nổi bật của một vị Bồ Tát. Theo chuyện tiền thân
Haritaca (431), không vị Bồ Tát nào trong quá trình luân hồi đã
từng nói một lời không chân thật; dù rằng, vị Bồ Tát có thể phạm vào những
giới khác, Bồ Tát lấy chân thật làm sự hướng đạo của mình và giữ vững lập
trường đó; Bồ Tát luôn luôn cân nhắc kỹ lưỡng trước khi hứa một điều gì,
nhưng một khi đã hứa rồi Ngài sẽ hoàn tất với bất cứ giá nào. Trong Túc
Sanh chuyện Mahà - Suttasoma có kể lại rằng, vì một lời hứa mà Bồ Tát thậm
chí đã hy sinh cả cuộc đời mình để thực hiện nó.
Ngài là một người rất đáng tin, thành thực
và lương thiện, Ngài nói như thế nào thì làm như vậy, và làm thế nào Ngài
nói y như thế, không thêm không bớt. Trong lời nói và hành động của Ngài
có một sự hài hoà hoàn hảo, Ngài không bao giờ hạ mình để ve vãn hay tâng
bốc kẻ khác để chiếm cảm tình; Ngài cũng chẳng bao giờ đề cao cá nhân mình
để được sự kính trọng.
8) QUYẾT ÐỊNH (Adhitthàna)
Ba la mật thứ tám là tâm quyết định. Ðiều
này có thể được giải thích như là sự quyết tâm vững chắc, nhờ sức mạnh ý
chí này mà Ngài đã buộc mọi chướng ngại phải rời khỏi hướng đi của mình,
và dù cho bất cứ điều gì xảy đến, có thể đó là tai hoạ hay chuyện đau buồn
cũng không làm Ngài xao lãng mục tiêu của mình. Ngài có thể dễ bị thuyết
phục để làm điều thiện, nhưng không dễ cám dỗ Ngài làm những điều trái với
lý tưởng và đạo đức, và tuỳ từng trường hợp, có thể Ngài mềm mỏng dịu dàng
như một cánh hoa, nhưng cũng có thể vững như thái sơn.
9) TÂM TỪ (Mettà)
Ba la mật thứ chín là tâm từ. Trong trường
hợp này tâm từ có ý nghĩa thâm sâu hơn thiện chí, tình thân thiện hoặc từ
ái. chính tâm từ này đã thúc đẩy Bồ Tát từ khước sự giải thoát cá nhân để
thực hiện lợi ích cho tha nhân, đây là lòng từ vĩ đại mà Ngài dành cho tất
cả chúng sanh, không phân biệt giai cấp, tín ngưỡng hoặc mầu da; và vì
Ngài là hiện thân của lòng từ bao la như vậy nên Ngài không sợ hãi điều
gì, và Ngài cũng không gieo rắc sự sợ hãi cho chúng sanh nào, ngay đến
những loài thú hung tợn sống đơn độc trong rừng già cũng là những người
bạn thân thiết của Ngài, vì Ngài luôn luôn ôm ấp trong lòng một tình
thương vô biên cho muôn loài chúng sanh.
10) XẢ
(Upekkhà)
Ba la mật thứ mười là tâm xả. Nghĩa đen
của từ này là nhận thức một cách đúng đắn, quan niệm một cách chính đáng,
hoặc nhìn một cách vô tư, nghĩa là không thương, không ghét, không thủ
không xả, và ở đây từ ngữ không được dùng trong ý nghĩa của một cảm xúc
lãnh đạm hay trung tính. Có thể nói xả là một trong những pháp khó thực
hiện nhất và cần yếu nhất trong 10 pháp ba la mật, đặc biệt đối với hàng
tại gia cư sĩ còn phải sinh hoạt trong những mất cân đối của thế gian với
những cơ may thất thường, trong thế gian này những điều như khinh rẻ và
phỉ báng là lẽ thường của nhân loại. Cũng như khen - chê, được - mất; thế
nhưng, trước những thăng trầm của cuộc sống này, một vị Bồ Tát cố gắng
đứng vững như núi đá kiên cố, giữ tâm xả hoàn toàn. Trong những lúc hạnh
phúc và trong những lúc nghịch cảnh, giữa lời khen tiếng chê, Ngài vẫn
thản nhiên vô tư.
- Hết phần
Giới -
--- o0o
---
Mục Lục |
I
|
II
|
III
|
IV
|
V
--- o0o
---
Source:
BuddhaSasana website
( By Binh Anson)
Trình bày :
Nhị Tường
Cập
nhật ngày: 1-2-2003