Tu Viện Kim Sơn ấn hành năm 2003 - Phật lịch 2547
Thích Nhuận Hải
|
|
Tỉnh thức, nói đủ là Chánh niệm Tỉnh thức, được xem là yếu tố nòng cốt trong sự thực tập thiền quán của Đạo Phật. Đây là yếu tố mà người tu tập cần nắm vững để phát triển năng lượng tỉnh thức của mình trong đời sống hàng ngày và trong công phu thiền tập. Do đó, “sống tỉnh thức trong cuộc đời” cũng có nghĩa là ứng dụng thiền tập trong đời sống hàng ngày bằng năng lượng chánh niệm để thiết lập an lạc, định lực, và tuệ giác cho bản thân, gia đình, và hoàn cảnh sinh hoạt.
Tập sách SỐNG TỈNH THỨC TRONG CUỘC ĐỜI là tập hợp của mười hai bài viết và giảng mà chúng tôi đã biên soạn trong những năm qua và đã được đăng lên các tập san và báo chí Phật giáo ở trong nước và hải ngoại. Chúng tôi mong ước được chia xẻ một phần kiến thức Phật pháp và kinh nghiệm Thiền Tập với các bạn đồng tu và quý Phật tử xa gần để gieo duyên Pháp lữ và cũng nâng đỡ nhau trên bước đường tu tập giải thoát theo lời dạy của Đức Phật.
Ấn hành tập sách nhỏ này với mục đích bày tỏ lòng tri ân của chúng con lên chư Tôn Đức, Thầy bổn sư thượng Ngộ hạ Tánh, các bậc Thầy giáo thọ đã dẫn đường và chỉ dạy cho chúng con từ những bước đi chập chững đầu tiên cho đến ngày hôm nay. Đặc biệt là sự hỗ trợ và khích lệ tinh thần của quý Thầy Từ Lực, Chủng Thiện, Chân Nguyện Hải, và quý Thầy quý Cô tại Tu viện Kim Sơn trong những bước đầu hội nhập tại Hoa Kỳ. Những gì chúng con có được ngày hôm nay trước tiên đều do ân đức sanh thành của cha mẹ, sự giáo dưỡng của chư Tôn Đức, và sự hỗ trợ của thiện hữu xa gần.
Chúng con xin đảnh lễ tri tạ thâm ân của Sư Ông Làng Mai, bận ân sư đã giáo dạy trực tiếp cho chúng con có được những hiểu biết về Phật Pháp và những kinh nghiệm thiền tập như ngày hôm nay. Chúng con xin tri tạ ân đức của Thượng Tọa Viện trưởng Tu viện Kim Sơn, đã dẫn dắt và trợ duyên cho chúng con có được cơ duyên tốt đẹp qua đến đất nước Hoa Kỳ. Chúng con nguyện cầu quý ngài được Pháp Thể luôn khinh an và Tuệ Đăng thường chiếu để mãi là chỗ tựa nương cho chúng con và tứ chúng khắp nơi.
Sau cùng, chúng tôi xin cảm tạ tấm lòng thương mến của quý Phật tử xa gần đã và đang hỗ trợ chúng tôi trên đừng tu tập và hoằng pháp, đặc biệt là sự góp sức để hoàn thành tập sách này của Phật tử Ngọc Sương và Quảng Minh Thắng, cũng như sự hỗ trợ tinh thần và tịnh tài của quý Phật tử trong vùng San José để ấn hành tập sách này. Nguyện đem công đức này hồi hướng đến quý vị và thân quyến được gặp mọi duyên lành trên con đường tu tập.
Tu viện Kim Sơn, 12/8/2002
Kính bút,
Tỳ Kheo: Tuệ Đức – Thích Nhuận Hải
Như trong lời mở đầu của tác giả, đây là những bài viết được biên soạn trong những năm Thầy giảng dạy cho các khóa tu tập ở các tự viện hay đã được đăng tải trên báo chí. Như thế, những suy tư này đã được kiểm chứng qua thời gian và đã nhận được sự hoan nghênh, cùng khích lệ từ chư Tôn Đức và bạn hữu Phật tử. Các đề tài chính liên quan đến việc thiền tập trong đời sống hàng ngày. Đó là thức ăn tinh thần mà chúng ta cảm thấy thật cần thiết cho cuộc sống hôm nay, nhất là trong một xã hội có nhiều biến động và bất an như xã hội hiện tại. Thiết tưởng, nhưng suy tư của Thầy rất là bổ ích khi chúng ta muốn tìm những giây phút an lạc cho bản thân, hay muốn đạt được cuộc sống an lành trong gia đình, xã hội.
Điều thiết yếu hơn nữa, qua nhận xét của riêng tôi, đó là tác giả muốn nói lên những kinh nghiệm thực tiễn liên quan đến cuộc sống của chính mình. Và từ đó, Thầy đã rút tỉa được những bài học có giá trị và ích lợi cho tiến trình thực tập thiền quán. Ai mà không thở, nhưng thở có chánh niệm mới được an vui. Ai mà không ăn, nhưng ăn với tỉnh thức thì chúng ta mới có thể vừa nuôi dưỡng thân tâm, vừa làm cho cuộc sống thêm tươi, làm cho cuộc đời thêm đẹp. Đã từng đặt từng bước chân ở tu viện Kim Sơn, qua những ngày mưa tháng nắng, chắc hẳn Thầy đã cảm nhận được lợi lạc trong phương pháp thiền hành. Khi có mặt trong một buổi pháp đàm ở Làng Mai, chắc Thầy cũng hiểu thế nào là sự cao quý của hạnh Lục Hòa, của pháp môn Bất Nhị. Hôm nay, chúng ta có duyên lành, được thừa hưởng hoa trái qua sự thực tập, chiêm nghiệm của Thầy.
Cách đây mấy năm, tôi đã được đọc mấy bài trong cuốn sách này, chính tôi cũng đã học hỏi được nhiều điều bổ ích. Nay xin trân trọng giới thiệu đến với tất cả quý vị và bạn đọc xa gần.
Hayward, 5/8/2003
Cẩn đề,
Thích Từ Lực
Tùng Thẩm, một thiền sư nổi tiếng của Trung Hoa, có nói: “Phật vàng không khỏi hư hoại do lò đúc. Phật gỗ không khỏi hư hoại do lửa cháy và thời gian. Phật đất không khỏi hư hoại do nước. Duy chỉ có Phật thật ngồi ở bên trong thì bất hoại mà thôi.” Cho chúng ta thấy rằng Phật tánh trong mỗi chúng ta mới là quan trọng, còn mọi hình tướng bên ngoài chỉ là giả tướng, chứ bản chất vốn không thật. Như vậy, để Đức Phật có mặt với chúng ta, chúng ta phải tiếp xúc được với những đức tính của Phật, làm cho những đức tính đó hiển lộ ra nơi con người chúng ta. Làm được như vậy, Đức Phật sẽ có mặt với chúng ta, bảo hộ, che chở cho chúng ta.
Những đức tính biểu trưng của một Đức Phật là gì? Đó là tâm từ bi, là tuệ giác và sự tỉnh thức thường trực. Các đức tính này có sẵn trong mỗi chúng ta, chỉ cần chúng ta biết tiếp xúc với các đức tính này thì Phật tánh ở trong chúng ta sẽ hiển lộ một cách tự nhiên. Tu tập có nghĩa là chúng ta có chánh niệm trong mọi hoàn cảnh, giữ tâm ý của chúng ta được định tĩnh, tự chủ và tỉnh thức trong mọi lúc, mọi nơi, để tạo ra nguồn an lạc cho chính mình và mọi loài xung quanh. Đây là cốt lõi của sự tu tập.
Một trong những pháp môn quan trọng trong đạo Phật, có khả năng giúp con người thoát ly những khổ đau, trói buộc của cuộc đời, là pháp môn thiền quán. Trong Kinh Tứ Niệm Xứ (Satipatthna Sutta), Phật dạy các thầy tỳ kheo rằng: “Này quý vị! Quý vị hãy an trú trong phép quán niệm thân thể nơi thân thể, cảm thọ nơi cảm thọ, tâm thức nơi tâm thức, và đối tượng tâm thức nơi đối tượng tâm thức một cách tinh cần, sáng suốt, và tỉnh thức để loại trừ mọi tham dục và chánh bỏ đối với cuộc đời.”
Như vậy, hành thiền có nghĩa là khi hành giả đang làm gì, nói gì và suy nghĩ gì, vị ấy đều phải ý thức rõ về những gì mình đang làm, nói và suy nghĩ; tức là tâm của hành giả phải trú trong hiện tại để sống trọn vẹn, định tĩnh và tự chủ với những gì đang xảy ra. Đây chính là sự thực hành thiền quán trong mỗi giây phút để chúng ta có thể trở về với chính mình một cách hoàn toàn, không để ngoại cảnh lôi kéo. Khi chúng ta ý thức được những gì đang xảy ra, chúng ta mới có thể ngăn ngừa không cho những ý niệm xấu xâm nhập vào tâm của chúng ta, cũng như không để cho chúng biểu hiện ra bên ngoài. Nhờ có ý thức được như vậy, chúng ta có thể làm chủ được mình và không để cho những điều không hay xảy ra. Nếu chúng ta không có sự tỉnh thức trong mọi hoàn cảnh, để khi sự việc đã xảy ra rồi, dù có muốn ngăn ngừa cũng đã quá trễ.
Làm sao để khi cư xử với mọi người trong đời sống hàng ngày, bạn có thể cư xử một cách nhân ái và tế nhị, là điều rất quan trọng. Cách sống của bạn nói lên thực chất con người bạn và chứng tỏ khả năng tu chứng của bạn. Thực tập quán sát chính mình trong đời sống hàng ngày sẽ giúp cho bạn hiểu rõ mình hơn. Điều quan trọng là bạn trở về với chính mình, nhận diện và kiểm soát tâm ý và hành động của bạn; dần dần, cách cư xử của bạn sẽ trở nên tinh tế hơn, từ ái hơn và chân thành hơn. Bạn sẽ là một người có an lạc và có thể mang nguồn vui đến cho mọi người. Nếu bạn có hạnh phúc, tất cả mọi người trong gia đình cũng như ngoài xã hội đều được thừa hưởng niềm hạnh phúc của bạn.
Tại Việt Nam cũng như các nước Á châu, mỗi gia đình theo đạo Phật thường có bàn thờ Phật rất trang nghiêm ở giữa nhà để thờ cúng, chiêm bái mỗi ngày. Đây là một truyền thống tốt đẹp. Nếu chúng ta biết áp dụng vào việc tu tập, bàn thờ Phật sẽ là nơi giúp ta và gia đình rất nhiều trong đời sống tâm linh. Tôi đã thấy ở Việt Nam có nhiều gia đình Phật tử thuần thành, mỗi buổi tối, cha mẹ và con cái sau khi ăn cơm và tắm rửa xong, đều đến trước bàn thờ Phật, cùng nhau dâng hương lễ Phật, rồi ngồi tĩnh tâm khoảng mười lăm phút và tụng một bài kinh ngắn, rất thah tịnh và ấm áp. Sau đó mọi người xá chào nhau và đi làm việc riêng của mình. Có những gia đình khác, mỗi buổi sáng, trước khi đi làm hay đi học, mọi người đến trước bàn thờ Phật. Họ ngồi xuống yên lặng, thỉnh ba tiếng chuông thật ấm và trong, thực tập theo dõi hơi thở và nở nụ cười trong vòng vài phút cho thân tâm nhẹ nhàng, định tĩnh. Sau đó họ đứng dậy xá Phật rồi mới rời nhà. Đây là một phương pháp thực tập rất hay. Nếu chúng ta biết bắt đầu mỗi ngày bằng sự tiếp xúc với Đức Phật thì còn gì cao đẹp hơn nữa? Và như vậy, chúng ta tiếp tục nuôi dưỡng sự tỉnh thức, nuôi dưỡng hình ảnh Đức Phật suốt ngày trong tâm tưởng thì chắc chắn chúng ta sẽ có một ngày an lạc.
Đây là những điều mà người lớn cần thực tập để trẻ em làm theo. Tức là chúng ta giáo dục con cái qua hành động chứ không bằng lời nói. Một Phật tử đã chia xẻ với tôi rằng: Bất cứ lúc nào anh cảm thấy bất an, thiếu tự chủ, thì anh thường bước vào căn phòng nhỏ của mình, ngồi xuống trong tư thế thoải mái và vững vàng để thực tập hơi thở và nụ cười như Đức Phật cho đến khi nào anh cảm thấy định tĩnh mới thôi. Anh cho biết phương pháp này đã giúp anh rất nhiều trong việc khôi phục chính mình và làm chủ hoàn cảnh chung quanh. Khi chúng ta biết thực tập thiền quán đều đặn mỗi ngày, chúng ta sẽ tạo được không khí yên tĩnh, ấm cúng và thương yêu trong gia đình. Lúc con cái của bạn có những khó khăn, bực bội, là lúc bạn tìm cách giúp chúng. Những lúc đó, sự trầm tĩnh của bạn rất cần thiết. Bạn không nên lớn tiếng hay la rầy con cái lúc đó, mà bạn hãy nên ôn tồn cầm tay con, rồi cùng đi vào trước bàn Phật, hay một căn phòng yên tĩnh, cùng ngồi xuống, thở những hơi thở khoan thai và đầy ý thức trước khi bắt đầu nói chuyện. Đây là cách thực tập để làm chủ chính mình.
Đức Phật vẫn luôn hiện hữu với mọi người và mọi loài, khắp mọi nơi, và ở ngay trong trái tim của mỗi chúng ta. Nếu chúng ta biết trở về, biết sống tỉnh thức trong từng phút giây một cách sâu sắc và trọn vẹn, thì ngay lúc đó chúng ta tiếp xúc được với đức Phật, với Phật tánh trong ta. Nụ cười sẽ nở trên môi bạn thật tươi thắm. Có niềm vui nào lớn hơn sự tịnh lạc của tâm hồn, phải không bạn? Tôi chúc bạn càng ngày càng có nhiều khám phá và niềm vui trên đường tu tập.
Mỗi người cần có một hướng để đi về, một lý tưởng đẹp, lành và thật để đi theo, là điều vô cùng cần thiết. Cho nên, tìm một nơi để hướng về, để nương tựa là một vấn đề rất lớn của con người hôm nay. Nơi nương tựa này phải là một nơi có thể đem đến cho tâm hồn ta sự an tĩnh, niềm vui sống và đức tự tin. Nơi đó có thể giúp cho chúng ta thoát ra khỏi niềm lo âu, thất vọng, chán nản và buồn đau. Bất cứ nơi nào có thể giúp cho chúng ta thực hiện được điều này thì nơi đó cũng đều là nơi đích thực để cho chúng ta hướng về để cho chúng ta nương tựa cả.
Với Phật tử, Tam Bảo là nơi mà họ luôn hướng về để nương tựa tinh thần với tất cả tâm hồn của họ. Điều này trong đạo Phật gọi là quy y. Khi một người phát nguyện quy y Phật, Pháp và Tăng (Tam Bảo), họ tự chọn cho mình một hướng đi, một nơi để hướng về và nương tựa. Họ lấy ba ngôi báu để làm tấm gương sáng soi chiếu cho cuộc đời mình và nguyện đi theo con đường đó. Họ xem đó là nơi cao đẹp nhất để nương tựa hầu xây dựng an lạc và hạnh phúc cho cuộc đời của họ. Quy y không chỉ là vấn đề tín ngưỡng, mà quan trọng là vấn đề tu tập. Khi một người đã quy y mà biết tu tập nữa thì mới có lợi ích thật sự, và sự an lạc nhiều hay ít đều tùy thuộc vào sự tu tập của họ.
Gọi là Tam Bảo, hay ba ngôi báu, vì đó là nơi giúp chúng ta tìm thấy được con người thật chúng ta, đáp ứng được những thao thức của chúng ta và của thời đại. Khi chúng ta phát nguyện quay về nương tựa Tam Bảo, chúng ta cần xác định rõ:
- Phật (Buddha) là một con người có đầy đủ những đức tánh tốt cho chúng ta noi theo. Ngài là người đã đạt được giác ngộ và giải thoát hoàn toàn, một người có được sự an lạc và vững chãi thật sự, là bậc Thầy có khả năng đưa đường chỉ lối cho chúng ta trong cuộc đời.
- Pháp (Dharma) là những lời dạy của Phật đã nói ra, là những phương pháp tu tập có khả năng giúp chúng ta vượt thoát khổ đau và đạt được sự an lạc và vững chãi như Ngài.
- Tăng (Shangha) là một đoàn thể gồm những vị tu sĩ xuất gia sống chung với nhau tại một trú xứ từ bốn vị trở lên. Lý tưởng của tăng là theo gương đức Phật, nguyện sống hòa hợp, thanh tịnh để xây dựng đời sống an lạc, giải thoát cho chính mình, cho đoàn thể mình và cho cuộc đời.
Bởi những đức tánh quý báu đó, Phật, Pháp và Tăng là nơi đáng tin cậy nhất cho chúng ta hướng về, nhất là trong những lúc chúng ta cảm thấy đau khổ, lạc lõng và bơ vơ.
Phật, Pháp và Tăng bao giờ cũng có sẵn đó cho tất cả chúng ta chứ không dành riêng cho một ai. Những lúc ta cảm thấy bất an, nếu ta biết nhớ nghĩ đến Tam Bảo như là một nơi thân thiết đáng tin cậy, như những người thân thương nhất của ta, luôn sẵn sàng đùm bọc ta, thương yêu và che chở cho ta, thì ngay lúc đó tâm hồn ta sẽ được bình an, và ta sẽ không còn cảm thấy bơ vơ nữa. Đó chính là phép mầu của sự thực tập “quay về nương tựa”.
Với tôi, thực tập quay về nương tựa Tam Bảo mang đến cho tôi bình an và niềm tự tin rất lớn. Bất cứ lúc nào tôi nghĩ đến Phật, Pháp và Tăng thì ngay lúc ấy Phật, Pháp và Tăng có mặt bên tôi, đưa đường chỉ lối cho tôi, nâng đỡ tinh thần tôi. Những lúc ấy, tôi cảm thấy an lạc và vững chải hẳn lên và, từ đó, đức tin của tôi nơi Tam Bảo lớn hơn, vững mạnh hơn. Điều này cho tôi thấy rõ thêm ý nghĩa Phật, Pháp và Tăng không chỉ là đối tượng bên ngoài để chúng ta nương tựa, mà ngay trong tự tâm mỗi chúng ta cũng có sẵn Ba Ngôi Báu rất là mầu nhiệm. Bao giờ chúng ta biết dừng lại những vọng tưởng, mong cầu, để sống trọn vẹn với tâm hồn thanh tịnh, sáng suốt và tràn đầy yêu thương của chúng ta thì lúc ấy “Tự tánh Tam bảo” sẽ hiển bày. Cho nên Tam Bảo mà chúng ta nương tựa bên ngoài vốn không tách biệt với Tam Bảo trong tự tâm. Quy y Ba Ngôi Báu bên ngoài cũng như trong tự tâm đều cần thiết; chúng ta cần luôn thực tập để cho niềm tin và sự an lạc của chúng ta ngày càng thêm vững mạnh.
Phật, Pháp và Tăng là ba nơi nương tựa vững chắc mà một người muốn có hạnh phúc không thể nào thiếu được. Đây chính là gốc rễ của tình thương yêu, của hạnh phúc chân thật, của sự hiểu biết tròn đầy, là cội nguồn của an lạc và giải thoát cho chúng ta, là nơi để chúng ta hướng về trong đời này và đời sau.
Là người con Phật, nếu chúng ta học đúng pháp, chúng ta có thể làm được như Đức Phật. Chúng ta không nên nói: “Chỉ có Đức Phật mới làm được như vậy. Tôi là người phàm, phiền não chất đầy, thì khó mà làm được!” Đức Phật dạy: “Tất cả chúng sanh có thể thành Phật.” Bất cứ lúc nào ta có sự tỉnh thức, biết trở về với chính mình, làm chủ chính mình, yêu thương mình, yêu thương mọi người, lúc đó, Đức Phật hiện diện trong mỗi chúng ta.
Phật tức là người tỉnh thức; tiếng Phạn là Buddha, tiếng Việt ngày xưa là Bụt. Vì vậy, đạo Phật gọi là đạo tỉnh thức. Tỉnh thức nghĩa là tâm tư của mình có mặt trọn vẹn trong hiện tại, có định tĩnh, có an lạc ngay bây giờ mà không bị phiền não, lo âu lôi kéo. Người có an lạc, có tự chủ, thì gọi là người tỉnh thức. Đức Phật đã thoát ly được những lo âu, phiền muộn, những trói buộc bởi tài, sắc, danh, lợi. Ngài trở thành một người tự tại, giải thoát nên được gọi là Phật, bậc Giác Ngộ Tỉnh Thức Vẹn Toàn.
Nếu chúng ta tu tập được lời dạy của Phật thì Đức Phật trong ta lớn dần lên, đến một ngày nào đó, hạt giống Phật trong ta bừng nở, ta có được niềm hạnh phúc tròn đầy, ta sẽ là một vị Phật. Mục đích của sự tu tập là làm cho đời sống của ta có an lạc, giải thoát và giúp cho những người xung quanh ta vơi bớt những khổ đau, phiền muộn. Sống như vậy gọi là sống tỉnh thức, sống theo hạnh của Đức Phật. Điều này không phải là mơ hồ, viễn tưởng. Chúng ta có thể thực hiện được ngay trong đời sống hàng ngày của mình. Ví dụ:
-Khi ăn cơm, chúng ta khoan thai, ăn trong sự im lặng, ý thức rằng: hạt cơm và thức ăn là tặng phẩm của trời đất, của công sức lao tác đã làm nên và ban cho ta. Ta ăn với tất cả tấm lòng tri ân sâu sắc, với niềm vui trọn vẹn của tâm và thân. Khi đó, ta là con người tỉnh thức trong lúc ăn.
-Khi đi, ta bước những bước chân nhẹ nhàng và vững chải có ý thức, và rũ bỏ được những phiền muộn, thì ta là con người tỉnh thức trong lúc đi.
-Khi đứng, khi ngồi,… ta cũng làm như vậy, thì đời sống của ta là một chuỗi dài tỉnh thức, an lạc. Sống như vậy tức là sống trong tỉnh thức, trong an lạc.
Chúng ta không sống được trong tỉnh thức an lạc vì chúng ta bị vọng niệm lôi kéo. Cho nên, tục ngữ Việt Nam có câu: “Túy sinh, mộng tử,” nghĩa là sống như người say, chết như người đi trong mộng. Người đời không biết tu tập, họ sống như người say. Họ không chỉ say vì rượu, mà say vì những tham vọng, những dự tính mong cầu, lúc nào cũng sống trong lo toan, bồn chồn, sống mà không biết rằng mình đã phí hoài một cuộc đời. Của cải vật chất chỉ là phương tiện chứ không phải là mục đích của cuộc sống. Hạnh phúc chân thật không đòi hỏi phải có thật nhiều những điều kiện vật chất, mà nó xuất hiện thật đơn giản và bình lặng trong tâm ta. Lúc nào ta trở về với chính mình, dừng lại những ham muốn, chấm dứt được những cơn say, những cơn mộng, thì ta có được an lạc; nếu không, suốt đời ta chỉ là kẻ đi tìm kiếm. Chẳng hạn, khi chúng ta đang ngồi đây với nhau, nhưng lại ao ước: “Làm sao có tiền để đi du lịch nước Pháp một chuyến.” Ngay lúc ngồi đây mà khởi ý nghĩ như vậy là chúng ta đã đánh mất niềm an lạc của giây phút hiện tại rồi. Chúng ta đánh mất cõi thiên đàng ngay trong hiện tại để đi vào cõi địa đàng đau khổ. Thiên đàng là một cõi rất thật, không vượt quá tầm tay. Chỉ cần dừng lại những cơn say, những cơn mộng để ý thức được là ta đang sống và nhận biết những mầu nhiệm đang xảy ra xung quanh mình, ngay lúc đó ta liền có hạnh phúc. Vọng tưởng về một nơi ngoài thực tại, là ta đang đánh mất sự an lạc, thanh tịnh của tâm hồn ngay trong giây phút hiện tại.
Trong kinh Bhaddekaratta (Người Biết Sống Một Mình), Đức Phật dạy:
Đừng tìm về quá khứ
Đừng tưởng tới tương lai
Quá khứ đã không còn
Tương lai thì chưa tới.
Kẻ thức giả an trú
Đêm ngày trong chánh niệm
Vững chải và thảnh thơi
Trong phút giây hiện tại.
Những bậc đại trượng phu, những vị thiền sư đã sống được những giây phút đó trong cuộc đời của họ. Họ không thể tham đắm lôi kéo. Hai mươi bốn giờ trong một ngày, họ sản xuất năng lượng an lạc, năng lượng tỉnh thức, năng lượng của Từ-Bi-Hỷ-Xả. Cho nên, kinh Pháp cú nói: “Thà sống một ngày mà thấy được diệu pháp, còn hơn sống một trăm năm trong khổ đau, thất niệm.”
Nhiều người thường than: “Con là nợ, vợ là oan gia, cửa nhà là nghiệp báo.” Nói như vậy vì quá khổ đau trong cuộc sống gia đình và vì không biết tu tập để vượt thoát. Nói vậy là không phải! Khi trước, hai người yêu nhau đâu có nói như vậy. Tại sao ta không nghĩ rằng: vợ, con, những người thân của ta là gia tài thiêng liêng quý báu mà ta nên gìn giữ và chăm sóc. Nhận thức được điều đó, ta sẽ có niềm tri ân và lòng thương yêu. Nếu cứ than thân trách phận, hằn học, ruồng rẫy, thì đó không phải là thái độ không ngoan của người tỉnh thức.
Sống tỉnh thức giúp ta biết rõ con đường đi của ta trong khi sống cũng như sau khi chết. Đức Phật dạy: “Đừng lo lắng khi chết sẽ đi về đâu. Hãy quán chiếu đời sống bây giờ của ta như thế nào, ta biết tương lai của ta sẽ ra sao.” Lúc còn sống, tâm hồn ta rộng mở yêu thương, đối xử nhân hậu với mọi người thỉ hẳn nhiên lúc chết ta sẽ ra đi theo nẻo chân, thiện, tươi sáng. Đó là cõi Tịnh Độ, Niết Bàn hay Cực Lạc.
Để đi vào cõi Tịnh Độ, chỉ có một cánh cửa duy nhất, đó là thực tập sống có ý thức minh mẫn và sống trọn vẹn với những gì mình đang có, với những gì đang xảy ra trong mỗi giây phút. Trong kinh Pháp Ấn, Đức Phật dạy: “Ai muốn được giải thoát, hãy sống với tâm vô trú, vô nguyện,” nghĩa là sống một cách an vui, không mong cầu, không vướng mắc gì cả. Đời sống quanh ta có biết bao điều kỳ diệu. Tiếp xúc với mỗi giây phút mầu nhiệm ấy, ta sẽ có an lạc. Đức Phật lại dạy: “Duy tâm Tịnh Độ,” nghĩa là cõi Tịnh Độ ở ngay trong tâm của ta. Tâm ta an lạc, không có những lo âu, mong cầu thì tự động cõi Tịnh Độ sẽ hiển bày.
Trong đời sống, Niết Bàn được ví như mặt trăng. Nhũng phiền muộn lo toan tựa như những đợt sóng. Trăng đẹp như thế đó, nhưng nếu có gió lớn, sóng làm cho mặt hồ bị xao động thì mặt trăng không thể nào hiện rõ ra được. Người tu tập giỏi có khả năng làm cho những đợt sóng đó lắng đi, làm cho năng lượng của sự thảnh thơi, vững chãi được tỏa rạng. Món quà quý báu nhất mà ta hiến tặng cho mọi người là sự bình an của tâm tư ta, và món quà quý báu nhất mà người mẹ có thể tặng cho con là trái tim thương yêu của mẹ, là sự an lạc, thanh thản trong tâm hồn mình. Đứa con đi học về mệt nhọc, bước vào nhà, mẹ đón con bằng một nụ cười thông cảm, âu yếm, người con cảm thấy sung sướng, hạnh phúc liền. Làm bậc cha mẹ, cho dù ta lo cho con cái áo quần, nhà cửa đầy đủ, đẹp đẽ, nhưng nếu ta phiền muộn, không có niềm an lạc, thì vật chất kia có nghĩa lý gì! Tương lai của giới trẻ như thế nào, phần lớn tùy thuộc vào các bậc cha mẹ và các thế hệ đi trước. Nếu ta truyền được cho con cái ta năng lượng của tình thương, sự hiểu biết, sự an lạc của ta thì con cái sẽ học hành giỏi hơn và sẽ trở nên người hữu dụng cho nhân quần xã hội sau này.
Chúng ta phải chế tác ra nguồn an lạc, niềm vui sống, sự hân hoan để trở nên những đóa hoa xinh đẹp, hiến tặng cho mọi người sự tươi mát và an vui của chính mình. nếu cứ mãi lo đến đời sống vật chất, mãi lo bon chen làm giàu, xây dựng nhà to cửa lớn mà quên chăm sóc đời sống tâm linh, chúng ta sẽ trở nên những người khô cằn, vô cảm, không biết yêu thương. Tương lai của thế kỷ 21 như thế nào, tùy thuộc vào sự tu tập của chúng ta. Đây là điều chúng ta cần thấy rõ để đừng dẫm vào những sai lầm mà bao người đi trước đã vấp phải.
Ngày nay, người Tây phương đã nhận ra những sai lầm từ chính bản thân và xã hội của họ. Do đó, họ hướng về đạo Phật và tìm đến đạo Phật để tu học. Họ tìm đến đời sống thiền tập của Phật giáo để mong xây dựng lại đời sống tâm linh đã đổ vỡ. Qua tu tập, họ tìm được con người của họ, tìm lại đời sống an lạc tỉnh thức.Họ nhận thấy rằng đời sống vật chất tuy đầy đủ, nhưng tinh thần vẫn luôn căng thẳng. Họ trở nên cô đơn. Họ thèm muốn có được một đời sống an lành, hạnh phúc thật sự.
Xã hội Tây phương quá tự do. Thanh niên nam nữ đến tuổi 18, tự do quyết định cuộc đời mình. Sống buông thả, muốn làm gì thì làm, không cần cha mẹ quản lý. Họ như con thiêu thân không định hướng tự lao vào cuộc sống, chỉ biết thỏa mãn những thôi thúc, những đòi hỏi thấp hèn. Họ đánh mất gốc rễ gia đình, những giá trị truyền thống giữa cha mẹ con cái cũng như tình bằng hữu. Họ trở nên một hòn đảo cô đơn, không có người Hiểu và Thương. Không có người thông cảm và chia sẽ những niềm thao thức, lo âu.Vì vậy nhiều người tìm đến với đạo Phật để giúp họ khôi phục lại con người của họ. Đạo Phật hướng dẫn cho họ một đời sống tinh thần mà trong đó nét nổi bật nhất là con đường thiền tập. Thực hành thiền giúp cho họ trầm tĩnh, an lạc, thấy được giá trị quý báu của Hiểu và Thương, của Từ - Bi - Hỷ - Xả, và họ trở nên con người mới, sống có ý chân thật cho mình và cho những người xung quanh. Đây là bài học mà người Tây phương đã trả giá qua bao năm tháng khổ đau, cô đơn, tìm kiếm, mà chúng ta cần học hỏi và ghi nhớ.
Chúng ta cần phải định hướng cho đường đi của mình và đường đi của thế hệ trẻ, chỉ bày cho họ nhìn thấy đâu là hạnh phúc đích thực, đâu là hạnh phúc giả tạo. Đây là điều mà chúng ta cần nhận thức rõ và đặt mình cho một quyết tâm để sống an lạc, hạnh phúc cho bản thân, cho gia đình và xã hội. Hạnh phúc, an lạc không nằm ở đâu xa, mà nằm ngay ở trong tâm hồn của ta. Chỉ cần chúng ta dang rộng vòng tay ra, mở rộng quả tim ra đón nhận thì hạnh phúc, an lạc sẽ đến ngay tức khắc chứ không đợi ngày mai, ngày mốt hay sau khi chết. Đây là điều mà Đức Phật muốn gởi gắm đến cho chúng ta. Chúng ta cần luôn sống tỉnh thức để thấy được tất cả những sự mầu nhiệm đang xảy ra với chúng ta, cũng như thấy được những nguyên nhân đưa đến khổ đau. Chỉ cần dừng tâm lại và sống một cách sâu sắc với hiện tại, tức khắc nguồn an lạc sẽ đến với chúng ta.
Sở dĩ chúng ta đánh mất chính mình bởi vì hàng ngày chúng ta quá bận rộn với nhiều công việc và nhiều lo lắng.Vì muốn cho đời sống vật chất có đầy đủ tiện nghi và mức sống sung túc nên chúng ta đã không ngần ngại lao mình vào công việc, tiền tài và danh vọng lôi kéo cho đến lúc chúng ta không có khả năng dừng lại được nữa. Đến một ngày nào đó gia đình chúng ta không có hạnh phúc, con cái của ta hay người thân của chúng ta lâm vào tình trạng khủng hoảng và cô đơn, lúc đó chúng ta mới thấy được sự thật vô cùng quan trọng mà trước đây ta không thấy là: tiền tài và những tiện nghi vật chất xa hoa không thể giải quyết mọi vấn đề, đôi khi chính vì những thứ đó mà chúng ta đánh mất chính mình, đánh mất những người thân thương của mình. Hẳn nhiên là sống thì chúng ta cần phải làm việc, làm việc là một phần của sự sống, nhưng chúng ta cũng phải học cách làm việc như thế nào mà ta vẫn giữ được sự an lạc, sự tự do của mình mới được. Chúng ta phải biết sắp xếp như thế nào để sau thời gian làm việc căng thẳng tại công xưởng, tại sở làm ta vẫn có đủ thời gian để đi bách bộ, bước từng bước chân thanh thản, ngắm từng cánh hoa nở, nhìn bầu trời xanh ngắt, nghe tiếng chim hót, chơi với trẻ thơ và tiếp xúc với những gì mầu nhiệm, tươi đẹp đang hiện hữu quanh ta. Nghĩa là chúng ta vẫn có được sự an lạc và tự do, vẫn giữ được sự hồn nhiên, vui tươi và hạnh phúc của mình. Đây là điều vô cùng cần thiết mà bạn cần phải lưu tâm. Nếu không bạn sẽ đánh mất mình lúc nào mà không hay.
Để có được một đời sống an lạc thật sự, bạn cần phải biết tu tập để có thể làm chủ chính mình và không để hoàn cảnh bên ngoài lôi kéo. Hơn thế nữa, Đức Phật dạy chúng ta nên sống một nếp sống thiểu dục và tri túc, nghĩa là sống đơn giản, ít tham muốn và biết vừa lòng với những gì mà chúng ta đang có. Một đời sống đơn giản, tiêu thụ ít nhưng có một đời sống tâm linh phong phú để có thể chế tác ra nguồn hạnh phúc chân thật cho chính mình và những người xung quanh. Để làm được điều này bạn cần thực tập hơi thở, thực tập mỉm cười và biết dừng lại những mong muốn không cần thiết, những sự đi hoang trong tâm hồn, bạn mới thật sự có được một đời sống an lạc, tự do được. Chúng ta phải cùng nhắc nhở nhau nhất quyết không để cho nếp sống xa hoa phóng túng làm lung lạc mình và cũng tìm cách giúp mọi người thấy được sự nguy hại của tiền tài vật chất, của ngũ dục có thể làm cho tinh thần ta không sáng suốt, cơ thể ta bạc nhược và đời sống của ta không có được hạnh phúc.
Cuộc đời của chúng ta là do chính chúng ta quyết định. Khổ đau hay hạnh phúc, an lạc hay không an lạc đều do chúng ta định đoạt. Chính chúng ta là chủ nhân của cuộc đời mình. Vậy muốn có một đời sống hạnh phúc chân thật, bạn phải biết lựa chọn môi trường lành mạnh để thân cận sinh hoạt và tu tập. Nơi đó bạn có cơ hội để học hỏi và thực hành theo những điều hay lẽ đẹp, những kinh nghiệm quý báu trong cuộc sống từ thầy, từ bạn, từ những người đi trước. Mọi người đều đến với nhau trong tình thân ái, dưới ánh sáng chiếu soi của Tam Bảo, cùng nhau ngồi thiền, tụng kinh, đọc sách hay đi thiền hành trong chánh niệm. Những giờ phút như thế sẽ đem đến cho chúng ta rất nhiều chất liệu bổ dưỡng và trị liệu.
Cuộc đời tuy có nhiều khổ đau nhưng cuộc đời cũng có nhiều điều mầu nhiệm. Chỉ cần chúng ta mở lòng ra để tiếp nhận thì bao nhiêu phép lạ sẽ hiển bày. Khổ đau hay hạnh phúc đều do nhận thức và cách sống của chúng ta. Nếu chúng ta biết sống trọn vẹn những giây phút của mình trong tỉnh thức thì niềm vui có mặt. Ngược lại, nếu chúng ta sống trong tham đắm, trong thất niệm, mê mờ thì khổ đau sẽ đến với chúng ta.
Vậy sống như thế nào là do chúng ta quyết định và lựa chọn. Thầy, bạn hay cha mẹ, anh chị em chỉ là những người giúp đỡ, hỗ trợ cho ta một phần mà thôi. Chính chúng ta là người thừa tự “nghiệp” của chúng ta. Chúng ta là người chịu trách nhiệm cuộc đời mình, là chủ nhân của chính mình và cũng là người họa sĩ vẽ ra đời sống của mình chứ không ai khác. Cho nên bạn cần cẩn trọng trong mỗi hành động, lời nói và suy tư của mình.
Hãy là nguồn an vui, nguồn hạnh phúc cho chính mình và những người xung quanh.
Thể hiện lòng bi nguyện và sự ưu tư của một bậc Thầy, một nhà giáo dục chân chính rõ nét và cảm động nhất là lúc nhập Niết Bàn, Ngài đã ân cần dạy bảo những đồ đệ của mình nhiều điều cặn kẽ, hữu ích trong công cuộc tu tập và hoằng dương chánh pháp. Trong đó chúng ta thấy Đức Phật có dạy bảy pháp làm cho một hội chúng hưng thịnh, đặc biệt là hội chúng Tỳ-kheo. Bảy pháp này được xem là kim chỉ nam áp dụng vào đời sống của một đoàn thể Tăng già trong mọi thời đại.
Kinh Trường Bộ, quyển 2, phẩm kinh Đại Niết Bàn, thuộc Nam Tạng, chép rằng: Hôm đó Đức Phật bảo ngài A Nan mời tất cả Tỳ-kheo tụ họp lại và Ngài đã dạy như sau: “này các Tỳ-kheo! Hãy nghe và suy nghĩ kỹ, ta sẽ giảng về bảy pháp bất thối làm cho chúng Tỳ-kheo được hưng thịnh.”
1. Này các Tỳ-kheo! Khi chúng Tỳ-kheo thường hay tụ họp và tụ họp đông đảo với nhau, thì, này các Tỳ-kheo, chúng Tỳ-kheo sẽ được cường thịnh, không bị suy giảm.
2. Này các Tỳ-kheo! Khi chúng Tỳ-kheo tụ họp trong niệm đoàn kết, giải tán trong niệm đoàn kết, thì, này các Tỳ-kheo, chúng Tỳ-kheo sẽ được cường thịnh, không bị suy giảm.
3. Này các Tỳ-kheo! Khi chúng Tỳ-kheo không ban hành những luật lệ không được ban hành, không hủy bỏ những luật lệ đã được ban hành, sống đúng với những học giới được ban hành, thì, này cá Tỳ-kheo, chúng Tỳ-kheo sẽ được cường thịnh, không bị suy giảm.
4. Này các Tỳ-kheo! Khi chúng Tỳ-kheo tôn sùng, kính trọng, đảnh lễ, cúng dường các bậc Tỳ-kheo Thượng tọa, những vị này là những vị giàu kinh nghiệm, niên cao lạp trưởng, bậc cha mẹ của chúng Tăng, bậc Thầy của chúng Tăng và nghe theo lời dạy của những vị này, thì, này các Tỳ-kheo, chúng Tỳ-kheo sẽ được cường thịnh, không bị suy giảm.
5. Này các Tỳ-kheo! Khi chúng Tỳ-kheo không bị chi phối bởi tham ái, tham ái này tác thành một đời sống khác, thì, này các Tỳ-kheo, chúng Tỳ-kheo sẽ được cường thịnh, không bị suy giảm.
6. Này các Tỳ-kheo! Khi chúng Tỳ-kheo thích sống chỗ nhàn tịnh, thì, này các Tỳ-kheo, chúng Tỳ-kheo sẽ được cường thịnh, không bị suy giảm.
7. Này các Tỳ-kheo! Khi chúng Tỳ-kheo tự thân an trú chánh niệm, các bạn đồng tu chưa đến muốn đến ở, và các bạn đồng tu thiện chí đã đến ở được sống an lạc, thì, này các Tỳ-kheo, chúng Tỳ-kheo sẽ được cường thịnh, không bị suy giảm.
(Đại Tạng Kinh Việt Nam, Trường Bộ Kinh, trang 547)
Qua bảy pháp mà Đức Phật đã giảng cho các thầy Tỳ-kheo, chúng ta thấy rằng, để xây dựng một hội chúng được hưng thịnh, không bị suy giảm, cần phải có các điều kiện sau:
* Điều kiện tiên quyết và cốt yếu: Mọi người phải hòa hợp, đoàn kết với nhau, cùng sống chung với nhau trong tinh thần thương yêu và hiểu biết. Cùng tập họp và giải tán trong tinh thần đoàn kết. Làm việc trong ý niệm đoàn kết và xây dựng thì chắc chắn mọi sự sẽ đước tốt đẹp.
* Điều kiện thứ hai: Mọi thành viên đều phải sống đúng và tuân thủ theo những học giới đã được ban hành, không được hủy bỏ vi phạm. Đồng thời phải biết tôn trọng, kính lễ và nương tựa các bậc trưởng thượng đức độ, nương theo giới đức và những lời dạy của các vị để tu học hành đạo.
* Điều kiện thứ ba: Chúng Tỳ-kheo phải thật sự là những vị xuất gia chân chánh, không bị chi phối bởi tham ái, dục vọng, bản ngã vị kỷ, sống đời phạm hạnh tự chủ, không bị lôi cuốn theo dòng chảy của cuộc đời. Người xuất gia phải luôn là những người biết nhìn thẳng sự thật, nói lời như thật, sống với sự thật dù đó là sự thật đầy phũ phàng, ngang trái. Sống luôn đối diện với sự thật của hiện tại để sửa đổi và hoàn thiện chứ không né tránh, lẩn trốn. Luôn an trú trong chánh niệm và trải lòng yêu thương đến với các vị đồng phạm hạnh. Làm cho mình và người được an lạc.
Thiết nghĩ, Đức Phật dạy bảo bảy pháp trên không ngoài mục đích nhắc mỗi chúng ta ý thức rằng: Mỗi người là một thành viên của cộng đồng xã hội, sự an lạc hay đau khổ của mỗi người đều có sự liên quan ảnh hưởng đến xã hội. Cho nên để xây dựng một xã hội tốt đẹp cũng như một hội chúng hưng thịnh, trước tiên mỗi người đều phải tự soi rọi lại chính mình, xem đã sống đúng với sự thật, với những lời Đức Phật dạy hay chưa, để tự hoàn thiện lấy mình, loại trừ dần các vọng tưởng, các tham muốn thấp hèn làm khổ đau, chia rẽ giữa mình và người. Xây dựng và sửa đổi tự thân của mỗi người là yếu tố quan trọng trong các yếu tố để xây dựng một xã hội tốt đẹp. Nếu một hội chúng Tỳ-kheo khi tụ họp lại mà không được hòa hợp, đoàn kết, thì mỗi thành viên trong đó đều tự phải xét lại chính mình xem đã sống đúng theo bảy pháp mà Đức Phật đã dạy hay chưa.
Hơn bất cứ ai hết, chư Đại đức Tăng Ni là những vị trưởng tử (người con đầu) của đức Thế Tôn, cần phải tỏ rõ tinh thần hòa hợp, đoàn kết và tương thân, tương ái cùng nhau tu tập, để xây dựng một hội chúng xuất gia vững mạnh, hầu đem giáo pháp truyền bá vào cuộc đời làm cho cuộc đời bớt đi những đau khổ. Mọi người cần phải nỗ lực loại bỏ những tư kiến, thiên kiến, ngã chấp để cùng xây dựng đạo Phật Việt Nam ngày càng vững mạnh, hưng thạnh. Có như thế chúng ta mới không phụ lòng ưu tư, thương yêu chỉ dạy của đức Thế Tôn.
Đây là những lời dạy vô cùng thâm thiết mà Đức Phật đã ân cần dặn dò với tất cả chúng ta. Chúng ta phải học hỏi và tu tập như thế nào đề mình có thể là nơi nương tựa an toàn và vững vàng cho chính mình và những người xung quanh. Đó là điều cốt yếu trong tất cả lời dạy của Đức Phật.
Biết được căn bệnh của con người vốn hay quên mất chính mình và chạy trốn chính mình nên Đức Phật đã dạy: “Hãy là hải đảo của chính mình, là nơi nương tựa cho chính mình.” Bởi vì nếu bao giờ ta chưa có khả năng sống với chính mình được thì ta sẽ không thể nào có được nguồn an lạc chân thật cả. Vì vậy học sống trở về với chính mình để làm hải đảo nương tựa an lành cho mình và người là cả một nghệ thuật và công phu. Trong cuộc sống, chúng ta thấy có rất nhiều người không thể sống một mình, họ chỉ có thể sống được khi dựa vào người khác và những sự vật bên ngoài. Người và vật khác ở đây là sách báo, là tiểu thuyết, là điện thoại, là phim ảnh, là tivi. Nếu không có những thứ ấy thì cảm thấy cô đơn, bất an vì vậy họ cầm điện thoại lên để nói cho dù câu chuyện không có gì đáng nói cả. Hoặc nếu không gọi điện thoại cho ai được thì họ mở truyền hình ra xem, nếu trong truyền hình không có gì để xem thì phải đi tìm tờ báo hoặc một cuốn tiểu thuyết hay một cuốn sách, luôn luôn phải có cái gì đó để giúp cho mình đứng vững, nếu không thì họ sẽ không sống nổi. Đây là căn bệnh của thời chúng ta.
Thế giới ngày nay chế tạo ra nhiều tiện nghi vật chất nói là để giúp con người được mở mang kiến thức cũng như sống thoải mái hơn trong đời sống nhưng thực ra con người càng chạy theo những tiện nghi vật chất chừng nào thì càng đánh mất chính mình chừng ấy mà thôi. Năm món dục vọng là những miếng mồi câu con người vào trong đời sống quên lãng, vô tâm và khổ đau mà chúng ta cần nên ý thức rõ rệt để không bị vướng sầu.
Người biết nương tựa hải đảo tự thân, tức là “người biết sống một mình” (ekavihari), nghĩa là sống mà không bị lệ thuộc, không bị ràng buộc nô lệ bởi các thứ trên. Tự họ có thể tạo ra niềm an lạc cho chính họ. Họ tiếp xúc được với sự mầu nhiệm ở trong họ. Người biết sống một mình cũng có nghĩa là người luôn sống trong chánh niệm và tỉnh thức, họ biết an trú trọn vẹn trong mỗi giây phút của cuộc sống một cách sâu sắc và không tự đánh mất mình. Đây là bí quyết hạnh phúc.
Chúng ta cần thấy rõ rằng sống một mình không có nghĩa là phải vào trong rừng sâu hay ở một mình nơi thanh vắng mới gọi là sống một mình. Nếu ở trong rừng hay một nơi thanh vắng mà chúng ta không sống trọn vẹn và an lạc với chính mình, ta không an trú được với giây phút hiện tại thì ta vẫn chưa được xem là người biết sống một mình. Ngược lại, nếu chúng ta sống trong đại chúng với tăng nhân mà ta có hòa hợp, có an lạc và có chánh niệm trong mỗi giây phút tức là ta cũng đang sống một mình. Cũng vậy, khi ta đi vào trong chợ hay làm việc trong công sở mà ta có ý thức minh mẫn về chính mình và sự vật xung quanh, ta biết được những gì đang xảy ra trong giây phút hiện tại, năng lượng của chánh niệm có mặt và tỏa sáng giúp ta biết được ta đang đi, đang đứng, đang nói, đang cười, đang làm việc và ta sống trọn vẹn với những gì đang là, lúc đó cũng chính là lúc mà ta đang sống một mình.
Đó là những điều mà Đức Phật đã dạy trong kinh Người Biết Sống Một Mình (Bhaddekaratta Sutta). Đây là một trong những kinh quan trọng mà Đức Phật dạy về nghệ thuật sống chánh niệm và an trú trong hiện tại, bên cạnh kinh Hải Đảo Tự Thân. Trong kinh này, Đức Phật nói một bài kệ tóm tắt:
Đường tìm về quá khứ
Đừng tưởng tới tương lai
Quá khứ đã không còn
Tương lai thì chưa tới.
Hãy quán chiếu sự sống
Trong giờ phút hiện tại
Kẻ thức giả an vui
Vững chải và thảnh thơi.
Phải tinh tấn hôm nay
Kẻo ngày mai không kịp.
Cái chết đến bất ngờ
Không thể nào mặc cả.
Người nào biết an trú
Đêm ngày trong chánh niệm
Thì Mâu-Ni gọi là
Người biết sống một mình.
- Majjhima Nikaya 131
Người biết sống một mình chính là người sống có tự tin và làm chủ chính mình, không để những phiền não và vọng niệm chi phối, là người quyết tâm tu tập để đạt được tự do, tự tại, để khám phá nội tâm mình, chấp nhận mình và sống sâu sắc từng giây phút với chính mình.
Ước mơ hạnh phúc, ước mơ trở thành một con người an lạc, giải thoát, chính là ước mơ đầu tiên và cuối cùng ở trong tận chiều sâu tâm thức của tất cả chúng ta. Để đạt thành ước mơ thâm sâu đó, mỗi người cần nỗ lực dấn thân trên con đường tu tập thiền quán, trở về quán chiếu nội tâm, làm cho tâm ý mình trở nên thanh tịnh, định tĩnh và sáng suốt qua công phu thiền quán và thực tập chánh niệm trong đời sống hàng ngày. Kinh Pháp Cú, Đức Phật đã nhấn mạnh, nhắc nhở chúng ta điều này:
Cha mẹ hay bà con
Không ai làm gì được.
Chính nhờ tâm hướng thượng
Đưa ta lên cao cả
- Pháp Cú 43
Đây là điều mà mỗi người cần ý thức để tự quyết định con đường cho chính mình, tự mình nỗ lực tu tập để xây dựng nguồn an lạc, hạnh phúc cho chính mình. Khi nào bạn có thể sống được với chính mình một cách trọn vẹn, khi đó bạn có thể sống an lành và tự tại với tất cả mọi người và mọi loài quanh bạn.
Vào dịp tôi cùng quý Thầy Cô đi viếng thăm thành phố Paris, chúng tôi ở tại Thiền đường Hoa Quỳnh. Nằm cạnh thiền đường Hoa Quỳnh có một dòng sông khá đẹp và rất yên tĩnh, gọi là sông Marne. Đây là một nhánh sông được hòa nhập vào dòng sông Seine rất nổi tiếng ở Paris. Chính trong thời gian này đã cho tôi có dịp ngắm nhìn dòng sông thật sâu sắc, và tôi đã họ được một bài học quý báu từ dòng sông. Bài học về sự tĩnh lặng của dòng sông.
Đêm hôm đó tôi đã đi bách bộ từng bước rất chậm trên bờ sông Marne. Cảnh vật lúc này thật yên tĩnh, ngẩng nhìn lên trời tôi thấy vầng trăng sáng rực, ánh trăng hòa lẫn với ánh đèn tỏa sáng lấp lánh qua những cành cây, chiếu ánh sáng rất kỳ diệu lên mặt nước của dòng sông. Lúc đó, càng lúc màn đêm càng trở lên tịch mịch, làm cho dòng sông càng trở nên tĩnh lặng hơn giữa không gian không một tiếng động. Cảnh vật trở nên huyền diệu, kỳ bí làm sao. Tôi bỗng thấy dòng sông trở nên tĩnh lặng và sinh động lạ kỳ, trong dòng sông chứa đựng cả trăng sao với tất cả vẻ đẹp và sự nhiệm mầu của nó, ánh trăng và dòng sông hòa quyện vào nhau làm thành một khối nhất như, toàn bích. Tôi đã xúc động mạnh trước vẻ đẹp diệu kỳ của dòng sông mà từ xưa đến giờ tôi chưa bao giờ cảm được, thấy được một cách mạnh mẽ như vậy. Trong giây phút ấy, tôi bỗng khám phá ra rằng: sở dĩ dòng sông trở nên kỳ diệu như vậy, chính nhờ dòng sông lúc đó trở nên rất là tĩnh lặng để đón nhận ánh trăng vằng vặc ở trên cao chiếu xuống, nên đã làm cho cảnh vật đẹp hẳn lên, sáng hẳn lên. Lúc đó nhìn lại tâm mình, tôi thấy tâm của chúng ta cũng giống hệt như dòng sông kia.
Nếu chúng ta có quá nhiều lo âu, buồn rầu trong tâm thì chúng ta không thể nào thấy được sự mầu nhiệm của cuộc sống, sự an lạc tĩnh lặng của tâm mình. Chúng ta làm khuấy đục dòng sông tâm của chúng ta, làm cho tâm của chúng ta trở nên lu mờ đen tối. Nếu bạn muốn có được hạnh phúc, an lạc trong mỗi phút giây của cuộc sống, muốn thấy được sự sống mầu nhiệm đang diễn bày xung quanh mình, bạn hãy thực tập trở về với dòng sông tâm tĩnh lặng của chính mình. Hãy rũ bỏ những lo âu, những buồn phiền, những hơn thua, được mất của cuộc đời. Không luyến tiếc quá khứ, cũng không mơ ước đến tương lai. Bạn chỉ cần sống thật trọn vẹn mỗi giây phút của hiện tại, thì tức khắc sự an tĩnh sẽ đến với bạn. Lúc nào tâm bạn được tĩnh lặng bạn sẽ thấy rõ tất cả sự quý báu của cuộc sống ngay trong bạn và xung quanh mình, bạn hãy thực tập trở về với dòng sông tâm tĩnh lặng của chính mình. Hãy rũ bỏ những lo âu, những buồn phiền, những hơn thua, được mất của cuộc đời. Không luyến tiếc quá khứ, cũng không mơ ước đến tương lai. Bạn chỉ cần sống thật trọn vẹn mỗi giây phút của hiện tại, thì tức khắc sự an tĩnh sẽ đến với bạn. Lúc nào tâm bạn được tĩnh lặng bạn sẽ thấy rõ tất cả sự quý báu của cuộc sống ngay trong bạn và xung quanh bạn mà xưa nay bạn đã lãng quên.
Cho đến bây giờ, mỗi khi nghĩ đến hình ảnh tĩnh lặng của dòng sông hay mỗi khi thấy bất cứ một dòng sông nào thì thôi cũng đều nhìn lại chính mình, nhắc nhở mình quay trở về với dòng sông tâm tĩnh lặng ở trong tôi. Sự thực tập này mang đến cho tâm của bạn được an tĩnh nhiều chừng nào thì sự an lạc của bạn lớn lên chừng đó.
Cuộc sống là một dòng biến chuyển không ngừng. Nếu bạn biết hòa nhập mình vào và sống trọn vẹn với dòng biến chuyển đó thì ngay giữa những cuộc đời vô thường này bạn sẽ tìm thấy nguồn an vui, hạnh phúc chân thật. Hạnh phúc ở ngay trong tầm tay của bạn chứ không phải ở đâu xa xôi. Hãy ngừng lại sự rong ruổi tìm kiếm của tâm ý, hãy trở về với dòng sông tâm tĩnh lặng của mình, bạn sẽ nhận ra rằng cuộc đời, vạn vật tươi đẹp biết bao
Thiền đường Hoa Quỳnh
Mùa thu ở Paris, 1996
Trong truyền thống tu tập của đạo Phật thì Thiền đóng vai trò then chốt. Thực tập thiền có công năng giúp ta khôi phục trọn vẹn con người của ta, giúp ta trở thành tươi mát, định tĩnh, an lạc và chăm chú ta có thể nhìn sâu vào bản thân mình và hoàn cảnh. Chính cái thấy ấy giúp ta vượt thoát khổ đau và ràng buộc. Một khi chúng ta trở thành người có an lạc hơn, hạnh phúc hơn, chúng ta sẽ không còn làm đau khổ kẻ khác bằng cách cư xử và nói năng vụng về sai trái nữa, mà chúng ta bắt đầu chuyển hóa được hoàn cảnh xung quanh và giúp những người xung quanh được an lạc, hạnh phúc như ta.
Để có thể nhìn sâu vào lòng tự thân và hoàn cảnh xung quanh mình, chúng ta phải biết cách thức tu tập để khôi phục lại sự toàn vẹn của con người chúng ta, để làm cho mình trở thành an lạc, định tĩnh và chăm chú. Phương cách và nguồn năng lượng được sử dụng để thực tập rất cần thiết, mà trong các kinh Đức Phật thường đề cập đến, gọi là Chánh niệm.
Chánh niệm (Right mindfulness) là một trong tám chi phần của Bát Chánh Đạo. Chánh niệm là sự ý thức, sự có mặt của tâm ý một cách trọn vẹn và sáng tỏ ngay trong mỗi giây phút, ngay bây giờ và ở đây. Chánh niệm là khả năng giúp cho ta ý thức được những gì đang có mặt, đang xảy ra trong ta và quanh ta. Năng lượng của chánh niệm được ví như là nguồn điện năng chiếu rọi ánh sáng lên trên một đối tượng. Như chiếu rọi vào một tri giác sai lầm, một cảm thọ bất an, một động tác, một phản ứng, hoặc là một hiện tượng sinh lý hay vật lý, để làm cho đối tượng ấy trở nên sáng tỏ và linh động. Chánh niệm có khả năng giúp ta nhìn sâu và thấy rõ được bản tánh và gốc rễ của đối tượng mà ta quán chiếu. Thực tập chánh niệm không phải chỉ trong lúc ngồi thiền mà thôi, mà ta phải thực tập thường xuyên trong đời sống hàng ngày. Trong lúc đi, đứng, nằm và ngồi ta đều luôn ý thức rõ và làm chủ về mỗi động tác, mỗi cử chỉ và tâm ý của ta, không để cho bất cứ một hành động, một lời nói và ý nghĩ nào đi ra khỏi sự kiểm soát và giác tỉnh của tâm ý. Mọi động tác, ngôn ngữ và tư duy đều được đặt dưới ánh sáng của chánh niệm. Đây là công phu hành trì của thiền giả trong đời sống hằng ngày.
Người thực tập chánh niệm là người luôn làm chủ mình, không để cho tâm ý tán thất, trôi lăn theo những loạn tưởng, âm thanh, sắc tướng bên ngoài. Đức Phật được tôn xưng là bậc “Điều Ngự Trượng Phu” bởi vì Ngài đã nắm được chủ quyền về thân tâm và hoàn cảnh xung quanh một cách vững chải và thường xuyên. Ngài luôn an trú trong chánh niệm, trong sự tỉnh thức trọn vẹn. Nếu thực tập Chánh niệm một cách tinh cần, dần dần chúng ta sẽ đạt được những thành quả như Đức Phật đã đạt được.
Thực tập chánh niệm giúp ta trở thành một con người có chủ quyền và tự do. Chánh niệm giúp ta tiếp xúc với sự sống, giúp ta sống sâu sắc và trọn vẹn trong mỗi phút giây, giúp ta thực tập quán chiếu để nhìn sâu vào lòng thực tại, vào lòng người, để nhìn sâu vào lòng thực tại, vào lòng người để thấy và để hiểu. Hoa trái của sự thực tập chánh niệm, là sự thấy đạo, sự giác ngộ và giải thoát. Trong quá trình thực tập, những sợi giây ràng buộc (triền sử) từ tự được tháo mở, những nội kết khổ đau như: sợ hãi, hận thù, giận dữ, nghi kỵ, đam mê, v.v…. từ từ được chuyển hóa, biên giới của sự chia cách phân biệt từ được mở tung và mối liên hệ giữa ta và người trở nên dễ dàng, sự an lạc và niềm vui sống tự nhiên xuất hiện, hành giả sẽ cảm thấy mình như một đóa hoa đang từ từ hé mở.
Trong kinh Tứ Niệm Xứ (Satipathana Sutta), Đức Phật dạy: “Vị hành giả luôn an trú trong tỉnh thức và ý thức minh mẫn thường xuyên về những gì đang xảy ra trong cơ thể, trong tâm thức và trong cuộc sống hàng ngaỳ.” Thực hành thiền có nghĩa là chúng ta thắp lên ngọn đèn chánh niệm để có khả năng thấy, làm lắng yên và ngưng tụ tất cả mọi vọng niệm, loại tưởng để cho tâm ý của chúng ta trở nên định tĩnh, sáng tỏ. Sự thực tập và biểu hiện cụ thể của thiền, đó là đời sống có ý thức và có năng lượng của chánh niệm. Khi đang làm gì, ta có ý thức trọn vẹn về công việc ta đang làm. Bất cứ khi nào chúng ta có ý thức, có sự trầm tĩnh, là chúng ta đang có chánh niệm, có chủ quyền. Ngược lại, lúc làm mà chúng ta không biết là ta đang làm gì, lúc đi mà không biết mình đang đi v.v… tức là ta đang ở trong tình trạng thất niệm, quên lãng, vì tâm ý của ta không có mặt một cách trọn vẹn với giây phút đang là. Chánh niệm là nguồn năng lượng rất sáng đẹp và quý báu; nếu chúng ta không biết sống trọn vẹn với nguồn năng lượng ấy trong mỗi phút giây hiện tại thì chúng ta sẽ không thể chế tác ra nguồn an lạc, vững chải và hạnh phúc chân thật được.
Chánh niệm được xem là trái tim của thiền tập trong đạo Phật, là nguồn năng lượng để quán chiếu không thể thiếu của một thiền giả. Thực tập chánh niệm đưa đến định lực và tuệ giác. Thành tựu được định lực thì ta sẽ thành tựu được tuệ giác và nhờ tuệ giác mà ta thấy được chân tướng của sự vật và của cuộc đời. Ta có thể xây dựng đời sống an vui hạnh phúc cho chính mình và cho mọi người xung quanh.
Trong đời sống hàng ngày, chúng ta thường có thói quen chia thời gian ra thành nhiều ngăn, như là: ngăn cho công việc, ngăn cho người thân, cho bạn bè và ngăn cho ta. Nếu chia thành nhiều ngăn như vậy thì thời gian trong ngày của chúng ta sẽ bị phân tán hết, thành ra thời gian để cho ta sẽ không còn là bao nhiêu cả. Chúng ta phải biết phân chia như thế nào để tất cả thời gian đều là thời gian của chính mình, đều là thời gian để cho chúng ta sống an lạc và tỉnh thức mới được. Nếu như một người tập thiền mà chỉ đợi đến giờ ngồi thiền mới thực tập để có được sự định tâm và nguồn an lạc thì người ấy chưa phải là một người thiền giỏi. Chúng ta phải mang thiền ra khỏi thiền đường và đem thiền vào trong đời sống thì mới thật sự có nhiều lợi lạc. Nếu như ở trong thiền đường chúng ta ngồi im lặng, an tĩnh và theo dõi hơi thở vào ra để cho tâm tư ta trở nên định tĩnh, thư thái và sáng tỏ, thì chúng ta cần nên biết ứng dụng thiền như thế nào để khi làm việc trong nhà bếp, trong công xưởng, trong văn phòng, tâm của chúng ta cũng được định tĩnh, tự chủ và an lạc là điều rất quan trọng.
Làm sao để thiền có tác dụng cả đến những lúc ta không ngồi thiền? Đây là điều mà bạn cần nên xem xét và thực tập. Cũng như khi một vị bác sĩ tiêm một mũi thuốc vào cánh tay bệnh nhân thì không phải chỉ riêng ở cánh tay mà cả toàn thân người ấy đều được hưởng mũi thuốc đó. Khi bạn ngồi thiền được một giờ đồng hồ, sự an lạc và định tĩnh mà bạn có được trong một giờ đó phải được tỏa rạng và ảnh hưởng trong suốt 24 giờ, chứ không phải chỉ trong lúc ngồi thiền mà thôi. Mỗi nụ cười, mỗi hơi thở là để dùng cho trọn cả ngày chứ không phải chỉ trong thời gian ngồi thiền. Chúng ta phải biết ứng dụng thiền trong mọi lúc mọi nơi để không còn thấy ranh giới giữa lúc ngồi thiền và không ngồi thiền, thì sự thiền tập mới thật sự có tác dụng cho thân tâm của mình và mọi người xung quanh.
Trong các khóa tu, mỗi khi đi thiền hành, chúng ta thường đi từng bước chân chậm rãi, khoan thai và có ý thức. Nhưng tại sở làm, khi ở nhà hay lúc ở ngoài đường, chúng ta trở thành một con người khác: chúng ta không còn giữ được chánh niệm và sụ trầm tĩnh, chúng ta đi đứng một cách vội vã và không có ý thức; ta đánh mất mình bởi hoàn cảnh bên ngoài. Người hành thiền thật sự thì bất cứ ở đâu cũng giữ được chánh niệm, giữ được sự trầm tĩnh và tự chủ, không bị ngoại cảnh phân tâm. Làm sao để mỗi hơi thở, mỗi bước chân trở nên mỗi hơi thở và mỗi bước chân tỉnh thức, thì đời sống của ta mới thật sự có ý nghĩa, nếu không ta đánh mất tất cả.
Sống giữa cuộc đời vốn có nhiều điều bất như ý và phiền toái, để có đủ khả năng đối diện với chúng, chúng ta cần phải biết dừng lại để trở về với chính mình. Khi muốn dừng lại để trở về với chính mình, bạn không cần phải đi nhanh về nhà, hay đến một trung tâm thiền để ngồi thiền, thì mới có thể trở về với chính mình được. Bất cứ ở đâu, bạn cũng đều có thể trở về với chính mình được. Khi làm việc tại hãng xưởng, khi mua sắm ở phố chợ, khi chờ chuyến bay ở phi trường … nếu bạn cảm thấy bực dọc, bất an thì hãy thực tập nhiếp tâm với hơi thở, với nụ cười để giữ thăng bằng cho thân tâm.
Bạn có thể ngồi xuống và trở về an trú với từng hơi thở nhẹ nhàng có ý thức, hoặc bước đi từng bước chân khoan thai, trầm tĩnh, thì lập tức bạn sẽ khôi phục lại con người của bạn một cách trọn vẹn. Ở đâu, trong tư thế nào, đi - đứng - nằm - ngồi, ta cũng đều thực tập thiền được.
Thiền sư Huyền Giác vẫn thường nói”
Hành diệc thiền, tọa diệc thiền
Ngữ, mặc, động, tịnh, thể an nhiên
Nghĩa là: Đi cũng thiền, ngồi cũng thiền. Khi nói hay khi im lặng, khi động, khi yên tĩnh, nếu tâm của mình luôn được an nhiên, tự tại, đó chính là thiền.
Để việc hành thiền có được kết quả, bạn cần phải thực tập chuyên cần mỗi ngày. Bất cứ lúc nào, làm gì, bạn đều thắp lên ngọn đèn chánh niệm để có ý thức sáng tỏ về mọi hành động, ngôn ngữ và tâm ý của mình. Khi thực tập thiền tọa, thiền hành để nhìn sâu vào lòng của tự thân và của mọi sự, mọi vật một cách tinh tế, thì tuệ giác của bạn ngày càng lớn mạnh và bạn có thể khám phá được bản chất của cuộc đời. Khi định và tuệ vững mạnh thì bạn có thể tiếp xúc một cách sâu sắc với cuộc sống muôn hình vạn trạng, biến đổi vô thường.
Hàng ngày, nếu như lúc ăn cơm, lúc nói năng, lúc làm việc và lúc nghỉ ngơi, khi nào bạn cũng sống tỉnh thức, thì đời sống của bạn là một đời sống thiền và điều này mang đến cho bạn một sự chuyển hóa kỳ diệu, có ảnh hưởng lớn đến đời sống của mọi người xung quanh. Đây là công trình tu tập của chúng ta hôm nay và ngày mai.
Trong truyền thống Phật giáo Đại thừa có đức Bồ Tát Quán Thế Âm (Avalokitésvara) được gọi là: “Vị Bồ Tát có khả năng lắng nghe tiếng kêu thương của cuộc đời với tâm từ bi.” Ngài là người biết thông cảm với nỗi khổ của tất cả mọi loài chúng sanh. Học theo hạnh Ngài Quán Thế Âm, chúng ta hãy thực tập lắng nghe một cách sâu sắc, lắng nghe với lòng thông cảm, lắng nghe với tiếng gọi của cha mẹ tổ tiên ta, lắng nghe bạn bè ta. Ngay cả với con cái của ta, ta cũng nên tạo cơ hội để lắng nghe những tâm tư, nỗi niềm của chúng. Nếu không lắng nghe, ta khó có thể thiết lập được những mối dây cảm thông và sự hiểu biết được, và như vậy sẽ dẫn đền sự hiểu lầm và đổ vỡ.
Học hạnh lắng nghe có nghĩa là nghe với lòng cảm thông, với tâm từ bi và không có thành kiến. Đây là điều chúng ta cần thực tập vì phần đông chúng ta không có khả năng lắng nghe. Do trong lòng của chúng ta đã có sẵn rất nhiều khổ đau, nhiều bực bội, nên ta không thể lắng nghe một cách kiên nhẫn, với từ tâm. Nhiều người giống như một quả bom lúc nào cũng sẵn sàng nổ, khiến ta sợ đến gần họ, sợ phải tiếp xúc với học và không muốn lắng nghe họ. Chỉ một sơ sót nhỏ của người khác, cũng có thể khiến họ Phật lòng, mất bình tĩnh. Nhưng khi người khác tránh tiếp xúc với họ, họ lại nghĩ như là mọi người ghét bỏ họ. Vì thế ta phải học cách tiếp xúc với họ, đến với họ, để có thể lắng nghe họ.
Trong gia đình đôi khi ta biết là con cái của ta, người thân của ta có những khổ đau riêng, cần giải bày với chúng ta, nhưng chúng ta không muốn đến với họ để lắng nghe họ, bởi chính trong lòng chúng ta cũng đầy đau khổ, bất an. Khi lắng nghe người khác tỏ bày nỗi niềm của họ, nếu trong lòng ta cũng tràn đầy nỗi đau khổ thì nỗi khổ của ta sẽ lớn mạnh thêm khiến ta không còn đủ kiên nhẫn để nghe người khác nữa. Những lúc đó ta cần phải lắng đọng tâm tư của mình, trở về với hơi thở chánh niệm để nuôi dưỡng sự chút tâm và lòng từ trong ta. Ta cần phải làm cho tâm tư của mình được định tĩnh, lắng yên trước đã, rồi với tâm từ, với sự bình an ta mới có thể ngồi yên để lắng nghe, để giải tỏa những niềm đau, nỗi khổ của người đối diện với ta. Ngay cả khi người đối diện với ta đầy tà kiến, buộc tội ta một cách oan ức, ta vẫn phải nuôi dưỡng lòng từ bi trong ta, để ta có thể tiếp tục lắng nghe họ một cách trầm tĩnh. Việc của ta là chỉ lắng nghe, ngay cả khi họ nói những điều khó nghe, sai với sự thật và vô lý. Chúng ta cần thực tập thật tinh chuyên mới có thể làm được điều này.
Trong kinh, Đức Phật thường dùng danh từ “đế thính.” Nhữ đẳng Tỳ-kheo dương đế thính. Này các thầy, hãy lắng nghe tôi nói đây. Đế thính là lắng nghe cho kỹ, là lắng nghe với tất cả tấm lòng của mình, nghe với một tâm hồn lắng dịu, không sôi động, không thành kiến. Ta phải nghe bằng trái tim rỗng không, nghe như vậy mới có thể hiểu được. Tâm lý học Tây phương có phương pháp nghe gọi là emphatic listening, nghĩa là nghe một cách thẩm thấu, nghe và để lời nói thấm vào. Tức là vừa nghe vừa đồng nhất mình với người nói, không lên án, không có thành kiến. Khi lắng nghe những người đau khổ thì ta phải nghe với tất cả tâm hồn. Lắng nghe như vậy thì người nói họ sẽ tin tưởng ở ta, họ sẽ nói sự thật khổ đau của họ. Muốn nghe được như vậy thì trong lòng phải đạt một trình độ tĩnh lặng và một tâm từ bi. Khi chúng ta ngồi nghe, cũng như một người bác sĩ tâm lý trị liệu, ta cần phải có trầm tĩnh, có từ bi, có tuệ giác ở trong lòng thì phẩm chất của sự trị liệu mới cao. Nếu thực tập thiền hành, thiền tọa thì trong một tuần lễ, ta sẽ phát triển được khả năng lắng nghe một cách sâu sắc, ta sẽ giúp được người đối thoại vơi đi rất nhiều nỗi khổ đau trong lòng họ. Chỉ cần ngồi nghe thôi, bạn đã là sứ giả của Như Lai rồi.
Lắng nghe là một phép thực tập sâu sắc, để có thể hiểu được người và có thể làm vơi bớt nỗi khổ của người nói rất nhiều. Lắng nghe là pháp môn vi diệu của Bồ Tát Quán Thế Âm mà chúng ta cần học theo. Đây là bài quán niệm về pháp môn lắng nghe:
Lạy đức Bồ Tát Quán Thế Âm. Chúng con xin học theo hạnh Ngài, biết lắng nghe cho cuộc đời bớt khổ. Ngài là trái tim biết nghe và biết hiểu. Chúng con xin chân tập ngồi nghe với tất cả sự chú tâm và thành khẩn của chúng con. Chúng con xin tập ngồi nghe với tâm không thành kiến. Chúng con xin tập ngồi nghe mà không phán xét, không phản ứng. Chúng con xin tập ngồi nghe để hiểu. Chúng con xin nguyện ngồi nghe chăm chú để có thể hiểu được những điều đang nghe và cả những điều không nói. Chúng con biết chỉ cần lắng nghe thôi, chúng con cũng đã làm vơi bớt rất nhiều khổ đau của người khác rồi.
Những lúc như vậy, bạn cần phải có sự bình tĩnh, tỉnh táo để thấy rằng mình đang có những cảm xúc khó chịu, bất an và vận dụng những phương pháp thiền tập, những lời Phật dạy để giúp mình đi qua những giai đoạn khó khăn như vậy. Ai cũng có những lúc khó khăn, xung đột trong tâm thức như vậy cả. Và mỗi lần ta vượt qua những khó khăn đó thì ta sẽ có thêm kinh nghiệm và lớn khôn lên với chính mình. Vậy bạn hãy thực tập làm sao để bạn có thể làm chủ cảm xúc của mình trong những lúc khó khăn là điều rất quan trọng.
Đây là một vài kinh nghiệm trong sự tu tập có thể giúp bạn trong những lúc bạn cảm thấy yếu đuối, bất an.
Những lúc ta lâm vào các trạng thái thất vọng, chán nản, lo lắng, hoặc giận hờn, chúng ta có cảm tưởng như là mình đi ngang qua một cơn bão tố. Lúc đó ta thấy mình như là một thân cây đang đứng trong cơn lốc. Nếu nhìn lên ngọn cây bạn sẽ thấy cành lá oằn oại như có thể bị gãy ngã hoặc cuốn theo cơn lốc bất cứ lúc nào. Nhưng nếu bạn nhìn xuống thân cây - nhất là cội cây – và biết rằng các rễ cây đang bám rất vững chắc trong lòng đất thì lúc đó bạn sẽ thấy thân cây vững chãi hơn và bạn sẽ an tâm hơn. Thân và tâm của chúng ta cũng vậy. Trong cơn lốc của cảm xúc, nếu bạn biết dừng lại và làm chủ cảm xúc của mình thì những cảm xúc kia sẽ qua đi mà không gây tác hại cho bạn. Những lúc như thế, bạn nên rời ngay khỏi vùng bão tố, tức là những suy nghĩ, lo toan của tâm trí và di chuyển sự chú tâm định xuống nơi bụng của bạn rồi bạn thực tập theo dõi hơi thở: Thở những hơi thật sâu và thật chậm, chú ý đến sự vào ra, phồng lên và xẹp xuống của bụng bạn. Thực tập như vậy trong vòng một vài phút, bạn sẽ thấy rất vững vàng và định tĩnh trở lại. Bạn không chỉ là cảm xúc khó chịu mà thôi, cảm xúc khó chịu đến rồi đi chứ không hề tồn tại lâu dài, và bằng sự thực tập của bạn, ban sẽ khôi phục lại con người của bạn. Bạn sẽ lấy lại sự bình an, định tĩnh một cách dễ dàng.
Dưới sự trấn ngự của cảm xúc, nếu bạn không biết trở về để làm chủ cảm xúc của mình thì bạn sẽ có cảm tưởng rất mong manh, dễ tan vỡ và bạn có thể đánh mất sự trầm tĩnh và bình an của bạn một cách dễ dàng. Có nhiều người vì không biết xử lý những cảm xúc mãnh liệt của họ nên khi khổ đau quá – do thất vọng, sợ hãi hay giận dữ - họ nghĩ rằng phương pháp duy nhất để chấm dứt khổ đau là chấm dứt cuộc đời họ, hoặc là sự buông xuôi mặc cho hoàn cảnh đưa đẩy đến đâu thì đến. Nghĩ như vậy thì rất là tai hại và nguy hiểm. Họ đã quên mất rằng: Chính mình là người chịu trách nhiệm các hành vi của mình, là chủ nhân của cuộc đời mình.
Vì vậy, lúc bị những cảm xúc mạnh trấn ngự thì bạn hãy nên bình tĩnh để giữ gìn, chăm sóc cảm xúc của mình. Bạn hãy thực tập thở như phương pháp ở trên. Bạn có thể đi vào trong phòng riêng của bạn, ngồi xếp bằng trong tư thế hoa sen (kiết già hay bán già) một cách vững chãi - hoặc giả lúc đó bạn đang rất yếu đuối, mệt mỏi thì bạn có thể nằm xuống giường - để thực tập quán niệm về hơi thở, về cảm xúc của bạn. Bạn chú tâm theo dõi sự vào ra của hơi thở và sự phồng lên xẹp xuống của bụng mình bằng tất cả sự thương yêu và ý thức của bạn. Thực tập như vậy, dần dần bạn sẽ đi ra khỏi vùng bão tố, cho đến khi tâm hồn bạn lắng dịu, nhẹ nhàng, tức là bạn đã thành công. Đây là phương pháp mà kinh thường gọi là Quán niệm về hơi thở, rất mầu nhiệm và thực tiễn, có khả năng giúp chúng ta khôi phục lại chính mình và làm chủ cảm xúc của mình một cách nhanh chóng.
Thực tập hơn thở ý thức, giúp chúng ta lấy lại sự định tâm, lắng dịu và an lạc của tâm hồn và nhất là giúp ta trong những lúc bất an, khó chịu. Thấy được như vậy thì bạn nên thực tập quán niệm về hơi thở mỗi ngày, không nên đợi đến khi có tâm trạng bất an, khổ đau rồi mới thực tập. Bạn hãy thực tập hàng ngày để có thói quen tốt và chính nhờ công phu thực tập đó nên mỗi khi có cảm xúc bất an, khó chịu và đau khổ đến, bạn sẽ tự nhiên biết cách để điều phục chúng một cách dễ dàng.
Hạnh phúc hay khổ đau, tất cả đều do bạn, nhưng tôi sẽ không vui chút nào khi thấy bạn khổ đau. Vì vậy tôi chúc bạn tu tập thành công để có hạnh phúc trong cuộc sống.
Giới (Sanskirt: sila), nói đủ là Giới luật, thường được hiểu là những quy tắc đạo đức, phù hợp với sự thật. Khởi nguyên lúc mới thành lập giáo đoàn xuất gia, Đức Phật chưa chế định ra các giới luật cho các vị Tỳ-kheo, mà chỉ khích lệ tu tập Phạm hạnh bằng bài kệ bốn câu:
Không làm các việc ác
Luôn làm các việc lành
Giữ tâm ý thanh tịnh
Là lời chư Phật dạy.
- Luật Tứ Phần
Về sau, do nhu cầu thực tế và sự phát triển của giáo đoàn xuất gia cũng như tại gia, nên Đức Phật đã chế định ra các loại Giới luật để phù hợp với căn cơ của các hàng đệ tử.
Mục đích của Giới là “chỉ trì, tác phạm,” có nghĩa là ngăn ngừa, giữ gìn để không phạm vào các hành vi xấu ác do thân, miệng, ý gây ra. Từ đó giúp hành giả có được một đời sống an lạc, tỉnh thức. Nếu hỏi hỏi về Giới và hành trì về Giới đúng phương pháp, chúng ta thấy rằng những Giới luật mà Phật đã chế ra chính là những chỉ dẫn về nghệ thuật sống mà không phải là những điều cấm kỵ ràng buộc. Khi chúng ta nhận ra điều đó thì trong mọi cử chỉ, hành động và tâm ý, chúng ta sẽ tự động sống theo Giới luật chớ không vì một sự bắt buộc nào cả. Nói cách khác, bản chất của Giới là đời sống chánh niệm, có nghĩa là sống tự chủ, tỉnh thức và an lạc ngay trong giờ phút hiện tại mà không bị quá khứ hay tương lai lôi kéo. Chính vì tầm quan trọng của Giới nên trước lúc nhập Niết Bàn, Đức Phật đã dạy:
Này các Tỳ-kheo, sau lúc Ta nhập diệt, các ngươi hãy lấy Giới luật làm vị Đạo sư. Giới luật còn ở đời chẳng khác gì Ta còn ở đời vậy. Giới luật là chỗ nương tựa vững bền nhất cho các ngươi.
- Kinh Di Giáo
Chúng ta có thể nói: Giới là nền tảng không thể thiếu cho tất cả các Pháp môn tu tập giải thoát của đạo Phật. Giới chính là cánh cửa đi vào thiền định và trí tuệ giải thoát. Có một số người cho rằng Giới chỉ là bước đầu của sự tu tập chứ chưa phải là tinh hoa của toàn bộ giáo lý Đức Phật. Nói như vậy vì chưa nhận thức được tầm quan trọng của Giới trong sự tu tập để tiến đến giải thoát.
Định (Sanskrit: samàdhi) trong ý nghĩa chung là Thiền Định (Sanskrit: dhyàna). Samàdhi có nghĩa là sự tập trung, sự nhất tâm, định tâm, được dùng để chỉ cho phương pháp tu tập tâm, nhiếp tâm và quán chiếu tâm để loại trừ các phiền não do vô minh, vọng tưởng tạo nên, đồng thời làm cho tâm mình trở nên vắng lặng, tịch nhiên. Từ đó, thấy rõ con người thật của mình. Đức Thế Tôn nhờ vào công phu thiền định nên đã chặt đứt được sợi dây trói buộc của 12 nhân duyên, thành tựu được chánh trí, trở thành bậc Giác Ngộ. Chính nhờ tu tập thiền định nên hành giả có thể sống tự chủ và tỉnh thức trong từng giây phút của thực tại để chứng đạt giác ngộ và giải thoát. Định là hệ quả tất yếu của Giới.
Kinh Tứ Niệm Xứ là một bản kinh quan trọng về thiền định, đã được Đức Phật dạy cho các vị Tỳ-kheo. Mở đầu kinh, Đức Phật đã khẳng định:
Này các Tỳ-kheo! Đây là con đường duy nhất dẫn đến Chánh trí, chứng đạt Niết Bàn, đưa chúng sinh ra khỏi khổ não. Đó là con đường của phương pháp quán niệm về bốn tĩnh lực quán chiếu.
Thiền định là công hạnh không thể thiếu nên lộ trình tiến đến giải thoát của hành giả.
Tuệ (Pali: pannà, Sanskrit: prajnà), nói đủ là Trí tuệ hay Tuệ giác. Tuệ là cái nhìn sáng về thực tại, là cái nhìn đúng với sự thật và vượt thoát ra ngoài vọng thức mê mờ. Nói đến đạo Phật là nói đến Trí tuệ, chính nhờ có Trí tuệ hành giả mới thấy rõ được vạn pháp như thật, không còn bị sai sử và ràng buộc bởi nhận thức sai lầm, từ đó thành tựu Trí tuệ giải thoát. Đây chính là chân Trí tuệ mà Đức Phật đã cống hiến cho nhân loại. Trí tuệ là hoa trái của sự thực tập Chánh niệm, Giới luật và Thiền định; mà Trí tuệ cũng là nhân để đưa đến Giác ngộ, Giải thoát.
Như vậy, Trí tuệ mà Đức Phật đã đạt được và muốn nhắn gửi đến chúng ta hẳn là Trí tuệ của sự tu tập, hành trì Giới và Định mà có được, chứ không phải là một số kiến thức do học hỏi từ kinh điển sách vở mà có, đó chưa phải là Tuệ mà đó chỉ gọi là kiến thức mà thôi. Có kiến thức đã là rất quý, nhưng muốn đạt được Tuệ giác chúng ta cần phải bước thêm một bước nữa, đó là hạ thủ công phu hành trì Thiền quán, mớ có thể đạt được Trí tuệ chân thật. Thành tựu được Trí tuệ này, chúng ta mới đạt được tự tại hoàn toàn.
Giới, Định và Tuệ vốn là ba mặt của một thực tại. Nếu tu tập đúng pháp chúng ta sẽ thấy rằng trong Giới luôn có Định và Tuệ; cũng vậy, trong Tuệ vốn có sẵn Giới và Định. Kinh Trường Bộ IV, Kinh Sonadanda, Đức Phật dạy:
Ở đâu có Giới hạnh, ở đó có Trí tuệ. Ở đâu có Trí tuệ, ở đó có Giới hạnh. Người có Giới hạnh nhất định có Trí tuệ, người có Trí tuệ nhất định có Giới hạnh. Giới hạnh và Trí tuệ là tối thắng nhất trên đời.
Trong quá trình tu tập Giới Định Tuệ, chúng ta thấy mức độ thăng tiến của ba chi phần này luôn có sự liên quan hỗ tương lẫn nhau. Khi Giới được tăng trưởng thì Định và Tuệ cũng sẽ tăng trưởng theo.
Đối với người Phật tử tại gia, Giới luật được xem là nền tảng của một đời sống hạnh phúc cho tự thân, gia đình và xã hội. Đối với người xuất gia, Giới luật mang theo một nội dung cao cả hơn là đưa hành giả lên địa vị xuất thế của bậc thánh nhân, là con đường thoát khổ của các bậc xuất trần thượng sĩ. Vì vậy, khi phát nguyện thọ Cụ túc giới hay Tỳ kheo giới (Upasampada-Sila), quý vị xuất gia nên ý thức rõ về địa vị và thắng duyên của mình, bởi Cụ túc giới chính là nấc thang đưa hành giả đạt đến Định, Tuệ và giải thoát của một bậc giác ngộ.
Giới Định Tuệ được xem là nội dung cốt yếu cho sự tu học của các vị Tỳ-kheo trong thời Đức Phật còn tại thế. Đây là con đường duy nhất mà một vị Tỳ-kheo phải kinh qua để tiến đến Giác ngộ, Giải thoát. Tu học chính là tu học về Giới, Định và Tuệ. Có thể nói rằng Giới Định Tuệ là cốt lõi của toàn bộ giáo lý đạo Phật nên vào những ngày cuối cùng của đời mình, trên đường từ thành Vương Xá đến thành Câu Thi Na để nhập Niết Bàn, Đức Phật luôn giảng đi giảng lại về Giới Định Tuệ cho các Tỳ-kheo và các hàng đệ tử.
Trong những trình bày trên, chúng tôi chỉ bàn đến đôi nét khái quát về Giới, Định và Tuệ để cùng nhau thấy được tầm quan trọng về nội dung của Tam Vô Lậu Học. Đây là một đề tài rất rộng và vô cùng quan yếu trong kho tàng kinh điển của đạo Phật mà chúng ta cần chú tâm học hỏi, tu tập để khám phá những châu báu mà đức Thế Tôn để lại.
Kinh nghiệm bản thân trải qua những năm học Phật và thực hành lời Phật dạy cho chúng tôi thấy rằng: Đạo Phật là con đường của sự tu tập, là sức sống linh động mà mỗi người phải tự mình sống, hành trì và khám phá mới thấy được chân giá trị của những lời Phật dạy. Đạo Phật không phải là một triết thuyết trừu tượng để cho chúng ta nghiên cứu và giảng giải, mà chính là những hướng dẫn cho ta ứng dụng vào sự tu tập hằng ngày. Chính vì lẽ này nên chư Tổ mới dạy: “Khi một vị thọ giới Tỳ-kheo thì 5 năm đầu nên để tâm học và hành trì Giới luật, rồi 5 năm sau đó nên học hỏi và thực hành Thiền định” (Ngũ hạ dĩ tiền chuyên tinh Giới luật. Ngũ hạ dĩ hậu phương nãi thính giáo tham thiền).
Muốn cho Giới Định Tuệ được thành tựu, trước tiên mỗi người cần có tinh thần tự giác và nỗ lực tu tập để không phụ chí nguyện xuất gia của mình. Thứ đến, người xuất gia trẻ cần nên tha phương cầu tìm những bậc chân tu có đầy đủ Giới Định Tuệ để nương tựa tu học. Nếu như vì hoàn cảnh không thể thân cận nương tựa các bậc Minh sư đầy đủ giới đức để tiến tu trong đạo nghiệp được, thì các bạn cần phải nương tựa trong một đại chúng tu tập đúng chánh pháp, có quy củ. Người xuất gia còn trẻ không nên sống riêng lẻ không có bạn đồng tu, vì sống một mình không những sự tu tập của ta khó được tiến bộ mà ngược lại Bồ Đề Tâm của ta rất dễ xói mòn bởi hoàn cảnh. Câu nói “Tăng ly chúng tăng tàn, Hổ ly sơn hổ bại” là kinh nghiệm rất thiết thực mà người xuất gia trẻ cần khắc cốt ghi tâm trên bước đường tu tập và hành đạo của mình.
Làm sao để cho Giới Định Tuệ trở nên một hương thơm đích thực tỏa ra từ công phu tu tập của mỗi chúng ta, đó là hương Giới, hương Định và hương Tuệ. Khi hương Giới, hương Định và hương Tuệ đã được bay tỏa thì tự nhiên hương Giải thoát và hương Giải thoát tri kiến sẽ được thấm nhuần lợi lạc. Đây là phẩm vật cao quý nhất mà người xuất gia cần khai phá, vun bồi để dâng lên cúng dường chư Phật, liệt vị Tổ sư, cũng như làm đẹp cho cuộc đời.
Trao cho: Đại Đức Thích Chân Nhuận Hải
Nhuận thắm mười phương nếp học phong
Hải triều vang dội đức khiêm cung
Hoa kia nở đẹp trên cành ấy
Tay nắm tay làm rạng tổ tông
Đạo tràng Mai Thôn 4/12/1996
Thầy truyền đăng
Trừng Quang Nhất Hạnh
Thế hệ thứ 42 phái Lâm Tế
Thế hệ thứ 8 dòng Liễu Quán
Kệ Kiến Giải
LỬA THIÊNG
Có một đốm lửa nhỏ
Làm sáng rực cuộc đời
Ai người biết an trú
Tịnh lạc ở muôn nơi
Đạo tràng Mai Thôn 4/12/1996
Plum Village, France
Kính lễ,
Tỳ-kheo Thích Nhuận Hải
Đón Chào
Tặng Thầy Nhuận Hải
Đón Em nhẹ bước về non
Chân thân thuở ấy vẫn còn ban sơ
Quê xa hút dạng đôi bờ
Ru Em giấc ngủ trắng tờ ca dao
Tình trong ấp ủ thuở nào
Tích môn hướng vọng một trời thênh thang
Diện mục nở nụ bình an
Cổ lâm sáng dậy bên ngàn trúc reo
Xôn xao bỏ lại lưng đèo
Cao san nguyệt chỉ trăng treo Lăng – già
Lửa thiêng ấm dậy một nhà
Đón Em đón cả sơn hà tin yêu
Một thương thương cả vạn điều
Bên hơi thở nhẹ sáng chiều không vương
Ta ngồi đã mấy xuân sang
Thoảng nghe trong gió chiên đàn ngát hương
Lá xanh màu nắng bên đường
Muôn hoa nở rộ thơm lừng nhân gian
Suối từ quyện tiếng chuông ngân
Kim Sơn ngày hội tăng nhân đón chào
Thích Tịnh Từ
Tu viện Kim Sơn – 7/14/2001
Buổi Sáng Bình An
Buổi sáng thức dậy
Bỗng thấy lòng mình bình an
Buổi sáng thức dậy,
Bỗng thấy lòng mình thênh thang.
Quá khứ như dòng nước chảy
Tương lai không một thoáng mong cầu
Đất trời như cùng mở hội
“Tâm Không” hạnh phúc tháng ngày
Thất Ngồi Yên
“Xóm Thượng 12/2/1997
Tĩnh Lặng
Sáng nay thức dậy sương đầy núi
Nhẹ bưóc chân nghe sỏi mỉm cười
Thiền đường tĩnh lặng ai ngồi đó
Những hạt sương rơi bỗng ngẩn nhìn.
Kim Sơn 12/8/2001
Từ Giã
Ai đi bỏ lại thiên đường,
Bỏ khung trời nhỏ lá vàng nhẹ bay.
Ta đi giữa cuộc đổi thay,
Thay màu sắc mới tháng ngày gởi trao
Một buổi chiều cuối thu
trên núi đồi Kim Sơn
Xuân Về
Xuân về hoa lá xanh tươi
Tăng thân xum họp nụ cười vang xa
Sống vui trong cõi ta bà
An nhiên tự tại trong nhà Như Lai
Kim Sơn,
Tết Nhâm Ngọ 2002
Bao Giờ Mùa Xuân Đến
Bao giờ mùa Xuân đến
Hoa cúc lại nở đầy
Anh tươi cười trước ngõ
Em hạnh phúc tháng ngày.
Tâm an niềm vui đến
Tâm tịnh Phật hiển bày
Tuệ giác hoa bừng nở
Xuân bây giờ ở đây.
Kim Sơn,
Xuân Quý Mùi 2003
Chúng tôi có dịp tiếp xúc với Thầy Nhuận Hải từ khi Thầy mới hòa mình vào khung cảnh núi rừng của Tu viện Kim Sơn. Thầy thường giảng Phật pháp và hướng dẫn thiền tập cho chúng tôi và các thiền sinh trong các khóa tu ngắn hạn tại tu viện. Sau nhiều lần chúng tôi được gần gũi tu học và thân cận, giữa chúng tôi và Thầy đã phát khởi một mối thân tình. Thầy luôn ân cần thăm hỏi chúng tôi về đời sống và khuyến nhắc tu tập.
Vì vậy, có lần Thầy trao chúng tôi một tập bản thảo, gồm các bài giảng và viết của Thầy đã đăng trên một số báo và các trang Internet. Thầy muốn duyệt lại bài vở và nhờ chúng tôi thiết kế tập sách. Dự án nhỏ này xúc tiến trong tinh thần “tùy duyên, vô cầu” và kéo dài hơn một năm. Trong thời gian đó, qua những lần trò chuyện bên chén trà, chúng tôi được biết về Thầy nhiều hơn.
Thầy Thích Nhuận Hải, pháp danh tự Đạo Tâm, pháp hiệu Tuệ Đức, thế danh Phan Trọng Vĩnh, sinh ngày 5 tháng 1, 1964 tại thành phố Huế, miền Trung Việt Nam. Năm 15 tuổi, Thầy xuất gia tu học với Thượng tọa Thích Ngộ Tánh tại tu viện Viên Ngộ, huyện Ninh Hòa, Khánh Hòa.
Sau một thời gian được Thầy bổn sư hướng dẫn tu học, Thầy đã đến tham học với Thượng tọa Tịnh Nghiêm và Thượng tọa Tịnh diệu tại Tu Viện Giác Hải, huyện Vạn Ninh, Khánh Hòa, đồng thời học thêm về văn hóa phổ thông.
Năm 1987, Thầy Nhuận Hải vào học tại trường Cao Cấp Phật Học Việt Nam, Cơ sở II, thuộc Thiền viện Vạn Hạnh, Sài Gòn. Thầy tốt nghiệp năm 1992.
Tháng 9, 1994, cơ duyên hội đủ, Thầy được Thiền sư Nhất Hạnh bảo trợ sang Pháp tu học tại Đạo tràng Mai Thôn, dưới sự dẫn dắt của Ngài và quý vị giáo thọ tại đây. Đến tháng 1, 1997, Thầy tiếp nhận lễ Truyền Đăng Đắc Pháp, cử làm giáo thọ, do Thiền sư Nhất Hạnh truyền trao.
Sau một thời gian trở về Việt Nam hoằng pháp, một lần nữa, cơ duyên xuất ngoại lại đến với Thầy. Ngày 12 tháng 7, 2001, Thầy được Thượng tọa Thích Tịnh Từ, Viện trưởng Tu viện Kim Sơn, California, bảo lãnh sang Hoa Kỳ để hành đạo.
Từ đó đến nay, Thầy trú tại Tu viện Kim Sơn, vừa tu tập, nghiên cứu, và phụ lực với Thượng Tọa Viện trưởng trong các Phật sự tại tu viện. Ngoài ra, thể theo lời mời, Thầy còn giảng dạy Phật pháp và hướng dẫn thiền tập cho các hàng Phật tử ở những đạo tràng tại miền bắc California (đạo tràng thiền quán Chùa An Lạc, Trung tâm Văn hóa Phật giáo Hayward, v.v…) cũng như tại các tiểu bang Arizona, Illinois, và Wisconsin.
Thầy Nhuận Hải là một trong những vị tu sĩ trẻ tại hải ngoại, đang tích cực tiếp nối sự nghiệp hoằng pháp của chư Tôn Đức Hòa Thượng tiền bối. Chúng tôi nhận thấy, qua những bài pháp thoại thực tiễn và dễ hiểu của Thầy, cũng như qua những khóa tu do Thầy hướng dẫn, mọi giới Phật tử xa gần đã đón nhận được nhiều lợi lạc tâm linh để làm tươi mát đời sống cá nhân, gia đình và xã hội.
San José, California, 12/29/2002
Quảng Minh Thắng kính ghi
Liên Lạc
Để thỉnh sách và băng giảng của Thầy Nhuận Hải, xin quý vị liên lạc về:
Nam-mô Bổn Sư Thích-Ca Mâu-Ni Phật
Bát cơm xin ở ngàn nhà
Một mình một bóng đường xa dặm trường
Chỉ vì sanh tử vấn vương
Một thân độ khắp mười phương hữu tình
Nguồn: www.quangduc.com