Phật Học - Sự Vi Diệu Của Đấng Giác Ngộ.

.

 
 

Sự Vi Diệu Của Đấng Giác Ngộ

Thích Nữ Ngọc Duyên
(Paññā Paccayā)

Tịnh Thất Siêu Lý
Thuận Hưng, Thốt Nốt
Cần Thơ - VIỆT NAM

MỤC LỤC

 

[01]

Giai đoạn Sơ khởi

Giai đoạn Trực Giác

Đối đầu với Ma lực

Sự chiến thắng vẻ vang

Phạm Thiên thỉnh cầu

Trên đường Hoằng Pháp

- Đức Nhẫn Nại
- Làm thế nào nhiếp phục hận thù
- Giáo giới Ràhula
- Ngày trai giới

[02]

Lời Di giáo trước khi Đức Phật Níp Bàn

- Bốn Đại giáo pháp
- Năm điều sợ hãi trong tương lai
- Bảy pháp Bất Thối
- Trên đường đến xứ Kusinàrà

Lời Dẫn Nhập

Trong thế giới loài hữu tình, chỉ có một người khi xuất hiện ở đời đem lại hạnh phúc cho đa số chúng sanh. Người ấy là ai? Chính là Đức Thế Tôn Bậc A La Hán Chánh Đẳng Giác.

"Sự vi diệu của Đấng Giác Ngộ" là tập toát yếu trích lục Kinh điển, mô tả quá trình tu chứng trong 3 thời kỳ của Ngài:

- Xuất gia.
- Thành đạo
- Níp Bàn.

Cuộc đời của Bậc giác ngộ, đã được các vị Cao tăng, các nhà văn lỗi lạc diễn giảng thật thâm sâu vi diệu. Tập kinh nầy, chỉ trích một phần trong những bộ Kinh: Dìgha Nikàya, Majjhima Nikàya, Anguttara Nikàya v.v...

Đức Bồ Tát ra đời giữa vườn hoa lá Lumbìnì, Ngài tên là Siddhatta (Sĩ Đạt Ta), con Vua Suddhodana (Tịnh Phạn) và mẹ là Hoàng Hậu MahàMayàdevì. Năm 29 tuổi, Ngài từ bỏ hoàng cung đi xuất gia, vào đêm rằm tháng 6. Sau 6 năm dài tu khổ hạnh trong rừng sâu núi thẩm, Ngài đã chứng đạo dưới cội Bồ Đề. Năm 80 tuổi, Ngài Níp Bàn giữa hai cây Sàlà Song thọ tại xứ Kusinàrà, của dòng họ Mallà.

Những bức tranh trong tập kinh nầy, sẽ làm sống dậy những lời dạy thâm sâu mà Ngài đã chứng đắc.

Tập sách nầy được biên khảo nhờ sự đóng góp của chư vị thí chủ người Miến Điện như:

- Gia đình: Ông U. Ko Nyan Oo.
- Bà Ma Htwe.
- Gia đình: Bà Ma Phyu
- Gia đình: Ông U. Kyo Phei.
- Bà Daw Yee Yee Aye.
- Cậu Ko Myint Khaing.

- Đại Đức Tuệ Siêu đã ủng hộ máy computer.
- Thích Nữ Diệu Liên (Pokkharā Ñānā) đánh máy, trình bày và in ấn.

Phương danh chư thí chủ hùn phước tài chánh:

- Cụ Ngọc Thanh.
- Cụ Hựu Huyền .
- G.Đ. Cô Tốn và các con.
- G.Đ. Cô Ngọc Tùng và các con .
- G.Đ. Cô Hồng Nhung.
- G.Đ. Cô Thủy và các con.
- G.Đ. Chị em Cô Mỹ Phương.
- G.Đ. Chị em Cô Ngọc Hân.
- G.Đ. Chị em Cô Thu.
- Cụ Diệu Hoa.

Chúng tôi thành tâm hoan hỷ cùng chư thí chủ. Với tất cả những thiện tâm cao thượng của chư vị, sẽ cho quả lành xứng đáng trong vạn kiếp về sau.

Thủ Đô Yangon - Myanmar
Rằm tháng 7 Âl, P.L. 2548 - T.L. 2004
Thích nữ Ngọc Duyên
Pañññā Paccayā

-ooOoo-

Namo tassa Bhagavato Arahato Sammāsambuddhassa

Chúng con xin đảnh lễ bậc Toàn Giác trí tuệ vô song,
Giáo Pháp Vi Diệu và hội chúng Thánh Tăng cao quý.

GIAI ĐOẠN SƠ KHỞI

Nhờ chí nguyện và căn lành đã tích lũy trong vô lượng kiếp trước. Dù sống trong nhung lụa, nhưng Hoàng Tử mãi ưu tư. Rồi một ngày kia, trong khi Bồ Tát đi dạo bốn cửa thành, chứng kiến cảnh "Già, Bệnh, Chết", tâm của Bồ Tát suy tư muốn tìm đường thoát khổ cho nhân loại. Những cảnh nầy do Chư Thiên hóa hiện, để làm cho Ngài khởi sanh sự động tâm.

Một lần nữa, vào ngày rằm tháng 6, Bồ Tát đi dạo vườn Thượng Uyển để khuây khỏa nỗi buồn. Trên đường đi, Ngài thấy một vị xuất gia đang tĩnh tọa dưới cội cây, trông thật là bình an thanh tịnh. Vị nầy cũng do Chư Thiên biến hóa, để làm cho Ngài nghĩ đến việc xuất gia.

Sau buổi đi du ngoạn vườn thượng uyển, Bồ Tát hồi cung và ngay đêm ấy, Ngài quyết định xuất gia tìm đường giải thoát khỏi "Sanh, già, bệnh chết" và để cứu độ chúng sanh. Ngài tìm đến người cận thần Channa (Sa Nặc) và bảo:

- Nầy khanh, Ta sẽ xuất gia ngay trong đêm nay. Ngươi hãy đem cho ta con ngựa Kandaka (Kiền Trắc) ngay bây giờ.

Ngựa đã sẵn sàng, Bồ Tát nhẹ nhàng lên lưng ngựa, người cận vệ Channa cũng theo sau. Ngài ra đi vào giữa đêm rằm tháng 6 Âl. Mỗi chân ngựa đều có bàn tay của Chư Thiên nâng đỡ, không phát ra tiếng động. Cửa ở ngoại thành cũng do Chư Thiên mở để cho ngựa được phi nhanh.

Bồ Tát đã ra khỏi thành, Ác ma thiên tử Vasavattimàra biết chí nguyện xuất gia của Bồ Tát nên lo sợ Ngài sẽ giải thoát khỏi giòng sanh tử luân hồi trong ba giới, lại còn tế độ nhiều chúng sanh khác cũng giải thoát khỏi quyền lực của ta. Nghĩ thế, ác Ma Thiên tử tìm cách ngăn cản, liền hiện xuống trước đầu ngựa cản rằng:

- Kính thưa Bậc Đại nhân, xin Ngài hãy trở lại Hoàng cung, vì chỉ còn bảy ngày nữa, Ngài sẽ thành bậc Chuyển Luân Vương, cai trị bốn châu, có đầy đủ bảy loại châu báu: "Xe báu, Ngựa báu, Voi báu, Ngọc báu, Hoàng Hậu báu, Gia chủ báu, Tướng Quân báu". Ngài sẽ hưởng vinh quang lạc thú ở cõi đời nầy, chớ bỏ lỡ cơ hội!

Với ngọn đuốc trí tuệ, Bồ Tát chỉ Ác ma và nói:

- Nầy Ác ma, những điều ngươi vừa nói ta đã biết, nhưng ta chỉ muốn thành bậc Chánh Đẳng Giác để tế độ chúng sanh, thoát khỏi sự khổ sanh, khổ già, khổ đau, khổ chết. Nầy Thiên ma hãy tránh ra, ngươi không thể cản được ta!

Không thuyết phục được Bồ Tát, kể từ đó Ác ma luôn theo dõi cố tìm chỗ sơ hở để ngăn cản Ngài.

Đêm rằm tháng 6, ánh trăng sáng tỏ lạ thường, Chư Thiên lại dùng hào quang của mình để rọi đường cho Bồ Tát, ánh sáng lan rộng khắp thế giới. Trên mặt đất các loài hoa nở rộ, hương thơm tỏa ra ngào ngạt. Chư Thiên rãi hoa Manda và nhạc trời trổi lên để cúng dường Ngài. Bồ Tát ra hiệu cho ngựa bay qua bên kia sông Anomà. Ngài chọn một địa điểm thích hợp rồi xuất gia tại chỗ núi rừng. Vị cận thần Channa xin phép đuợc xuất gia theo, nhưng Bồ Tát không thuận và bảo rằng:

- Nầy Channa, ngươi hãy trở về Hoàng Cung đem trang phục áo mão nầy trình cho Phụ Hoàng ta biết.

Rồi Bồ Tát dùng thanh kiếm báu cạo râu cắt tóc. Khi cắt xong, Ngài cầm nắm tóc phát nguyện: "Nếu ta đắc thành Chánh Đẳng Giác thì xin cho nắm tóc nầy ở trên hư không. Nếu ta không thành Bậc Chánh Đẳng Giác, thì nắm tóc nầy sẽ rơi xuống đất ".

Thật phi thường, nắm tóc bay bổng lên hư không rồi ở nguyên một chỗ. Khi ấy, Vua trời Sakka đứng trên hư không đỡ lấy nắm tóc và đựng vào cái hộp bằng ngọc bạc đem về cõi trời tôn thờ nơi Bảo tháp Culamanì tại Tam Thập Tam Thiên.

Vị trời Phạm Thiên Ghatikàra, biết hôm nay Bồ Tát xuất gia, nên Ngài đem những vật dụng cần thiết của bậc Sa Môn đến cúng dường cho Bồ Tát.

Sau khi xuất gia, Ngài tuần tự tìm đến thọ giáo với thiền sư Àlàra Kàlàmagotta và thiền sư Udaka Ràmaputta. Ngài tu luyện theo pháp môn nầy không bao lâu chứng đắc được những tầng thiền Sắc Giới và Vô Sắc Giới ngang bằng với hai vị thiền sư ấy. Bồ Tát quán xét rằng, cõi thiền Vô sắc có tuổi thọ dài đến 84.000 đại kiếp. Tuy thế, đây cũng chưa phải là pháp dẫn đến sự nhàm chán ngũ uẩn, không diệt tận được tham ái, không đoạn tuyệt được phiền não, không chứng ngộ chơn lý Tứ Thánh Đế, không giải thoát cảnh sanh, già, đau, chết luân hồi trong tam giới.

Sau khi quán xét, Bồ Tát từ giả hai vị thiền sư ấy, Ngài đi đến khu rừng Uruvela gần sông Neranjarà, tại đây có năm vị đạo sĩ Kondañña (Kiều Trần Như), Vappa, Bhaddiya, Mahànàma, Assajji xin theo ủng hộ Ngài.

Bồ Tát tinh tấn hành pháp khổ hạnh bằng cách tuyệt thực và nín thở. Ngài ngăn hơi thở vô - hơi thở ra, bị nén hơi, khi ấy hơi thở thoát ra ở hai lổ tai. Rồi Ngài tiếp tục nín thở như vậy, hơi ấy đâm lên đầu đau dữ dội, hơi đâm xuống bụng đau tức dữ dội. Hơi phát nóng toàn thân kinh khủng, đến nỗi Ngài chết ngất.

Khi ấy, có một số Chư Thiên nói:

"Sa Môn Gotama đã chết rồi".

Số khác nói: "Sa Môn Gotama chưa chết, nhưng ngài đang gần chết!".

Một số khác nữa nói: "Sa Môn Gotama không phải chết, cũng không phải sắp chết, mà Sa Môn Gotama đang hành pháp của bậc A-La-Hán".

Lúc nầy Ác ma suy nghĩ: "Nếu Bồ Tát kiên trì tinh tấn như vầy mãi, thì chắc có ngày ông ta sẽ thành bậc Chánh Đẳng Giác, vậy bây giờ ta nên kịp thời ngăn chận việc chứng đắc Đạo Quả của Sa Môn Gotama."

Liền khi ấy, Ấc ma hiện xuống cản rằng:

- Kính thưa Bậc Thượng nhân, Ngài chớ có tinh tấn nữa. Nỗ lực tinh tấn chỉ làm khổ mình, và chưa biết sẽ chết lúc nào. Xin Ngài hãy gìn giữ sanh mạng, và nên tạo các việc phước như bố thí, trì giới, thờ cúng thần lửa (tổ tiên) là điều tốt.

Những lời khẩn khoản của Ác ma, không phải vì tâm thương tưởng Ngài, mà có ý muốn ngăn chận việc tiến hóa của Ngài.

- Nầy Ác ma, Ngươi không thể nào làm lung lạc được chí nguyện của Ta. Dầu sắc thân nầy có gầy ốm chỉ còn da bọc xương và máu huyết khô cạn, nhưng nếu chưa thành bậc Chánh Đẳng Giác, thì Ta vẫn không từ bỏ sự tinh tấn hành đạo .

Một lần nữa, Ác Ma thất bại.

Ngài tiếp tục giảm vật thực dần dần, bảy ngày dùng một lần, rồi tiết chế, nửa tháng dùng một lần, vật thực chỉ còn bằng hạt sen... Do ăn ít, thân của Ngài như một bộ xương khô, tay chân gầy ốm như những đốt cây leo khô héo. Xương sống, xương sườn gầy mòn giống như rui cột một nhà sàn hư nát. Đôi mắt của Ngài sâu thẳm. Bồ Tát nghĩ: "Ta hãy sờ da bụng" chính xương sống bị Ngài nắm lấy. Làn da màu vàng sáng ngời của Ngài trước kia biến mất, nay chỉ là một màu đen sẫm. Những tướnng tốt ngày xưa nay không còn nữa.

GIAI ĐOẠN TRỰC GIÁC

Bồ Tát tu khổ hạnh ròng rã 6 năm mà vẫn không chứng đắc Đạo Quả giải thoát. Một sáng tinh sương, có đoàn hát dạo đi ngang qua khu rừng, họ nói với nhau:

"Các anh đừng lên dây đàn quá thẳng, cũng đừng quá dùng. Nếu thẳng quá sẽ đứt, còn dùng quá đàn sẽ không lên điệu."

Những lời nói vô tư của những người hát dạo đã gợi cho Ngài một nguồn suy cảm: "Sự tu khổ hạnh của Ta không tiến đến mục tiêu cứu cánh." Rồi Ngài hồi tưởng lại khi còn nhỏ cùng Phụ Hoàng ra đồng làm lễ hạ điền. Ngài đã ngồi dưới gốc cây Trâm, chú niệm về đề mục Hơi thở vô - rađã chứng đắc Sơ Thiền Sắc giới. Như vậy, chắc chắn pháp hành thiền định nầy làm nền tảng, đưa đến sự chứng đắc thành bậc Chánh Đẳng Giác!

Bồ Tát nghĩ: "Nay thân của ta quá kiệt sức, vậy ta nên dùng vật thực trở lại, ăn mỗi ngày một bữa, không ăn ban đêm." Sau khi quán xét như vậy, Ngài đi đến dòng sông tắm rửa sạch sẽ. Bồ Tát từ bỏ tuyệt thực rồi mang bát vào xóm khất thực . Lúc ấy, năm vị Kiều Trần Như từ bỏ Ngài vì cho rằng Bồ Tát đã hướng về đời sống lợi dưỡng.

Khi thọ thực trở lại, thời gian không lâu, thân tướng của Ngài trở nên tươi tốt, màu da mịn màng sỏng ngời, 32 vẻ đẹp trở lại như xưa. Rồi Ngài đến ngồi nơi gốc cây để tĩnh tu.

Hôm ấy vào ngày rằm tháng tư, theo lệ thường, nàng Sujàtà đem lễ vật đến cây đại thọ để tạ lễ thần linh do lời thệ nguyện lúc xưa. Sáng sớm nàng Sujàtà thức dậy vắt sửa tinh khiết từ những con bò. Hôm nay thật khác thường, nàng vừa đem nồi đựng sửa đến gần vú con bò, dòng sửa chảy ra một mạch. Việc lạ chưa từng có bao giờ! Rồi lần lượt những con bò còn lại cũng chảy ra một mạch như vậy. Hụm nay có nhiều việc lạ thường, là vì có Chư Thiên cùng đến hùn phước, để tạo thành một loại thức ăn đặc biệt cúng dường cho Bồ Tát.

Nàng Sujàtà, gọi người tớ gái Punnà, đến cây đa quét dọn cho sạch sẽ, để nàng mang cơm sửa đến cúng thần. Người tớ gái Punnà vâng lệnh ra đi. Cô đi tới gốc cây, nhìn thấy Bồ Tát đang ngồi thiền, hào quang rực rở tỏa khắp vùng, Cô nghĩ: "Đây là thần linh ứng hiện", Cô mừng rở vội trở về báo cho Cô chủ biết những sự kiện ấy.

Nàng Sujàtà nghe xong, vui mừng vô hạn, nói với cô tớ gái Punnà rằng: "Con đã báo điềm lành cho ta, thật là diễm phúc cho ta. Vậy kể từ ngày nay trở đi, ta nhận con là con gái lớn của ta."

Nói xong nàng ban cho Punnà những đồ trang sức quý giá xứng đáng với địa vị là đứa con gái lớn của mình.

Sau khi nàng Sujàtà vắt cơm sửa xong và để cơm ấy trong mâm vàng, cùng vật thơm, hoa quả rồi đi đến cây đại thọ dâng cúng . Nàng quỳ lạy khấn nguyện rằng:

- Kính lạy Bậc cao cả, Ngài đã ban phước cho chúng con. Xin Ngài hãy nhận lễ vật nầy do tự tay con làm lấy với tất cả lòng thành kính và biết ơn của con.

Bồ tát nói:

- Nầy Sujàtà, ta không phải là thần linh, Ta chỉ là người xuất gia, tầm đạo để cứu khổ cho nhân loại đang sống trong đau khổ trầm luân.

Niềm hỷ lạc của nàng Sujàtà tràn ngập trong tâm, nàng kính cẩn dâng mâm vật thực cho Bồ Tát. Ngài thọ nhận và cầm chiếc mâm vàng đi đến sông Neranjarà, nơi mà Chư Bồ Tát quá khứ trước khi chứng đắc Chánh Đẳng Chánh Giác cũng đều ngự đến đây để tắm, và hiện nay Bồ Tát Siddhatta (Sĩ Đạt Ta) cũng tắm tại bến nầy, nên bến nước nầy có tên là Supatitthita.

Sau khi tắm xong, Bồ Tát mặc y cà sa, màu y tượng trưng cho lá cờ chiến thắng của Bậc A-La-Hán. Khi độ xong, Ngài cầm chiếc mâm vàng đến dòng sông phát nguyện rằng:

- Nếu hôm nay, ta được đắc thành Bậc Chánh đẳng Giác, thì xin cho chiếc mâm nầy trôi ngược dòng, nếu không thì chiếc mâm nầy sẽ trôi xuôi theo dòng nước.

Nguyện như thế xong, Bồ Tát đặt chiếc mâm xuống dòng sông. Thật phi thường, chiếc mâm cắt dòng nước đang chảy trôi ra giữa sông, rồi trôi ngược dòng nước một khoảng cách xa, khi ấy chiếc mâm chìm sâu xuống đáy sông, đụng phải 3 chiếc mâm vàng của ba vị Phật Chánh Đẳng Giác ở quá khứ: "Đức Phật Kakusandha, Đức Phật Konàgamana, Đức Phật Kassapa." Chiếc mâm của Bồ Tát đụng phải ba chiếc mâm của Chư Phật quá khứ ấy nên phát ra một âm thanh vang dội, làm cho Long Vương Kàlanàga tỉnh giấc, nghĩ rằng: "Hôm qua có một Vị Phật đã xuất hiện, hôm nay lại có một Vị Phật nữa xuất hiện ." Rồi Long Vương thức dậy (*) tán dương ca tụng Đức Phật hằng trăm câu kệ.

(*) Giấc ngủ của Long Vương quá dài, nên nghĩ rằng hôm qua và hôm nay có một vị Phật ra đời. Nhưng kỳ thật, mỗi Vị Phật ra đời cách nhau rất xa.

Trưa hôm ấy, Ngài nghĩ trong rừng Sàlà, những cây Sàlà đua nhau nở hoa cùng khắp khu rừng. Vào buổi chiều, Ngài ngự đến cội cây Assattha, dọc hai bên đường Chư thiên trang hoàng những hoa trời xinh đẹp. Các vị Chư Thiên ở các tầng Trời, đua nhau cúng dường hương hoa và thiên nhạc vang lên khắp cả ngàn thế giới reo mừng đấng toàn năng tối thắng.

Trên đường đến cội cây Assattha, có người cắt cỏ đi ngược chiều . Vừa trông thấy sắc diện nghiêm trang trong sáng của Ngài, liền phát sanh đức tin nên dâng cúng cho Ngài 8 bó cỏ. Bồ Tát cầm cỏ ấy đi thẳng đến cây Assattha . Sau khi chọn hướng, Ngài trải 8 bó cỏ tại đó để làm chỗ tọa thiền, bỗng nhiên chỗ ngồi nầy trở thành một bồ đoàn quý báu lạ thường.

Sự kỳ diệu ấy là do kết quả phước Ba-La-Mật của Ngài đã tích trữ từ trong vô lượng kiếp quá khứ.

ĐỐI ĐẦU VỚI MA LỰC

Bồ Tát ngồi kiết già vững vàng chánh niệm, mặt quay về hướng Đông. Lúc ấy, từ cõi Tha Hóa thiên, Ác Ma hùng hổ hóa ra ngàn cánh tay đều cầm khí giới cỡi voi, cầm đầu đoàn ma binh, rần rộ vây quanh cây đại thọ Bồ Đề (Assattha). Chúng la hét vang trời khủng khiếp, quyết tranh giành ngôi bồ doàn của Bồ Tát.

Khi ấy, các vị Chư Thiên, Phạm Thiên từ 10 ngàn thế giới đến cúng dường và tán dương ca tụng Đức Bồ Tát. Nhưng khi thấy ác ma trùng trùng điệp điệp hùng hổ kéo xuống; tất cả chư Thiên đều bay xa trở về chỗ ngụ của mình. Chỉ còn lại một mình Bồ Tát ngồi điềm nhiên tự tại.

Ác ma tức giận hóa ra nhiều phép thuật tấn công tới tấp, như trận cuồng phong bảo tố, với sức mạnh của phép mầu có thể bứng gốc núi đá rừng cây đại thọ và tiêu hủy xóm làng, nhưng khi đến gần Bồ Tát liền tan biến mất. Ma Vương càng tức giận, hét lớn:

- Các ngươi hãy bắt Sa Môn Gotama, hãy đánh đuổi Sa Môn Gotama khỏi chỗ ngồi kia!

Tiếng hét như long trời lở đất mà chẳng có ma quân nào dám đến gần, bởi vì do oai lực Ba La Mật của Bồ Tát. Ác ma hét lớn:

- Nầy Sa Môn Gotama, ông hãy mau rời khỏi chỗ nầy, vì chỗ ngồi nầy là của ta!

- Nầy Ác ma, bồ đoàn nầy phát sanh là do phước báu 30 pháp Ba La Mật, 5 Đại Thí và 3 pháp Hành (*) mà Ta đã tạo từ vô lượng kiếp. Nầy Ác ma, nếu ngày nào Ta chưa chứng đắc Đạo Quả thời Ta sẽ không rời khỏi chỗ ngồi nầy.- Nầy Sa Môn, ông nói bồ đoàn nầy của ông, vậy ai làm nhân chứng?

(*) Năm đại thí:

. Bố thí của cải,
. Bố thí ngôi vua,
. Bố thí vợ con,
. Bố thí thân thể tứ chi và
. Bố thí sanh mạng

Ba pháp hành:

. Pháp hành đem lại lợi ích cho chúng sanh.
. Pháp hành đem lại lợi ích cho thân quyến.
. Pháp hành để chứng đắc Chánh Đẳng Giác.

Đức Bồ Tát liền suy tưởng đến 30 pháp Ba-La-mật trong vô lượng kiếp, rồi Ngài chỉ xuống mặt đất và nói:

- Trong tiền kiếp, Ta đã từng làm việc đại thí Ba La Mật. Ngay bây giờ, tại nơi đây không có một chúng sanh nào, làm nhân chứng cho Ta chỉ có mặt đất. Mặt đất hãy làm nhân chứng cho Ta!

Thật phi thường, lời nói chân thật của Bồ Tát lập tức mặt đất chuyển mình rung động, phát ra những tiếng sấm sét long trời lở đất, ác ma kinh hoàng bỏ chạy. Bồ Tát toàn thắng Ma Vương vừa lúc mặt trời chen lặn. Khi ấy 10.000 thế giới Chư Thiên, Phạm Thiên, Long Vương vui mừng reo hò vang dội khắp các tầng trời, tán dương ca tụng oai lực pháp hành Ba-La-mật của Ngài.

SỰ CHIẾN THẮNG VẺ VANG

Sau khi toàn thắng Ma Vương,vào canh đầu, Ngài tiến hành thiền định bằng đề mục niệm hơi thở. Tuần tự Ngài đắc 4 tầng thiền Hữu Sắc. Bốn tầng thiền nầy làm nền tảng để chứng đắc Tam Minh: Túc Mạng minh, Thiên nhãn minh và Lậu tận minh.

Túc Mạng Minh, đắc vào canh đầu, với tuệ trí nhớ rõ, biết rõ tiền kiếp, từ một kiếp cho đến vô lượng kiếp không giới hạn.

Thiên Nhãn Minh, đắc vào canh giữa, là trí tuệ thấy rõ, biết rõ kiếp quá khứ, vị lai của tất cả chúng sanh.

Lậu Tận Minh, Ngài chứng đắc vào canh cuối của đêm rằm tháng tư AL. Ngài quán xét "Thập Nhị nhân duyên" theo chiều thuận và chiều nghịch của nhân duyên. Với tuệ trí, Ngài thấy rõ, biết rõ sự sanh - sự diệt của mỗi pháp, dẫn đến sự chứng ngộ chân lý Tứ thánh đế, chứng đắc 4 Thánh Đạo, 4 Thánh Quả. Ngài trở thành bậc Thánh A-La-Hán cao thượng, tại cội cây Assattha. (*)

(*) Dưới cội cây nào mỗi Đức Bồ Tát đắc thành bậc Chánh đẳng Giác, cây ấy gọi là Bodhirukkha: cây Bồ Đề.

Khi Ngài chứng đắc Chánh Đẳng Chánh Giác, có một hào quang vô lượng chiếu diệu 10.000 thế giới. Cả đến chúng sanh ở địa ngục tối tăm cũng nhìn thấy nhau. Chư Thiên, Phạm Thiên trong 10.000 thế giới vô cùng hoan hỷ tán dương:

- Sàdhu! Sàdhu! Lành thay!

"Buddho uppanno! Đức Phật đã xuất hiện trong thế gian rồi!.

Tiếng tung hô vang dội khắp toàn cả 10 ngàn thế giới chúng sanh.

Với trí tuệ, Ngài đoạn tuyệt 2 pháp là "Kiếp trầm luân, và Vô Minh trầm luân". Ngài đoạn diệt hoàn toàn tất cả "Tiền khiên tật"(*) ở quá khứ.

(*) Vàsanà: tiền khiên tật, chỉ có bậc Chánh Đẳng Giác diệt được; còn chư A-La-Hán Thinh Văn không thể diệt được.

Ngài đắc Đạo Quả Chánh Đẳng Giác, có 6 điều phi thường chưa từng có trên thế gian, nay lại xuất hiện trong khi ấy:

1- Tất cả loài hoa đua nhau nở trái mùa để cúng dường Ngài.

2- Tất cả loại cây ăn trái, đều cho quả ngon ngọt.

3- Tất cả những người mù từ trong bụng mẹ, nay mắt của những người ấy đều được sáng tỏ thấy được vạn vật.

4- Tất cả người điếc từ trong bụng mẹ, nay nghe rõ được các thứ tiếng.

5- Tất cả người què, bại liệt từ trong bụng mẹ, nay đi lại dễ dàng.

6- Đặc biệt nhất, tất cả người ở địa ngục không gian, dầu ánh sáng của 7 mặt trời mọc lên cùng một lúc, cũng không thể chiếu thấu trong nơi ấy; song ánh hào quang của Đức Phật chiếu sáng đến tận địa ngục ấy, nên tất cả chúng sinh đó có thể thấy được nhau.Và chúng nói: "Cũng có chúng sanh khác sống ở đây."

PHẠM THIÊN THỈNH CẦU

Sau khi chứng đắc Chánh Đẳng Giác, Ngài nhập quả định A La hán suốt 49 ngày. Khi ấy trời mưa to gió lớn, Long vương Mucalinda dùng thân của mình cuộn thành vòng tròn bao quanh 7 lớp để che mưa và bày tỏ lòng tôn kính cúng dường đến Đức Phật.

Chư Phật ở quá khứ, khi đắc Toàn giác rồi, các Ngài cũng nhập định để thọ hưởng trạng thái giải thoát Níp bàn. Sau khi xuất quả định Níp bàn, Đức Thế Tôn do dự chưa muốn thuyết pháp tế độ chúng sanh, vì chúng sanh đang bị Vô Minh và ái dục chi phối, nên họ khó có thể lãnh hội được Giáo Pháp. Giáo Pháp nầy do Ta chứng ngộ quá thâm sâu, vi diệu, tịch tịnh, khó thấy, khó đắc, đi ngược dòng thế gian, còn chúng sanh thì đắm chìm trong ái dục...

Phạm Thiên Sahampati biết được ý của Ngài nên đã tuyên bố trong toàn cõi Phạm Thiên, Chư Thiên biết rằng:

- Nầy Chư Hiền, toàn thế giới chúng sanh sẽ bị hủy hoại, sẽ bị tiêu diệt, bởi vì Đức Thế Tôn không muốn thuyết pháp. Rồi Chư Thiên và Phạm Thiên, hiện xuống đồng cung kính thỉnh cầu Đức Phật thuyết pháp độ sanh .

Lúc ấy, Đức Thế Tôn quán xét thế gian bằng Phật nhãn, Ngài thấy rõ, có những chúng sanh ít nhiễm bụi trần, có những chúng sanh nhiều ô nhiễm, có số dễ dạy, có số khó dạy. Ví như bốn loại hoa sen:

1- Có loại vượt qua khỏi mặt nước, để chờ tiếp xúc với ánh sáng mặt trời và liền nở hoa ngay lúc rạng đông.

2- Có loại sen vươn lên, nằm ngay tầm mặt nước, sẽ chờ nở hoa vào ngày mai.

3- Có loại sen còn ở dưới mặt nước, chờ thời gian 3 - 4 ngày mới nở hoa.

4- Có loại sen còn non, vừa mới tượng hình ở dưới đáy sâu bùn nước. Những mầm sen non ấy nếu không chồi lên khỏi mặt nước được, chúng sẽ làm vật thực cho rùa cá .

Cũng vậy, bốn loại hoa sen nầy, so sánh với bốn hạng người khi nghe Diệu Pháp.

- Có hạng người trí tuệ thượng đẳng.
- Có hạng người trí tuệ bậc trung.
- Có hạng người trí tuệ bậc thường.
- Có hạng người trí thấp kém.

Hạng người thứ tư nầy dù có được nghe nhiều, học nhiều hoặc thân cận với bậc thiện trí, họ cũng không thể lãnh hội, cũng không chứng đắc Đạo Quả. Tuy nhiên, sự nghe Pháp là duyên lành để người ấy có thể đắc chứng Đạo Quả Níp bàn trong kiếp tương lai.

Sau khi quán xét, Đức Phật nhận lời thỉnh cầu của Đại Phạm Thiên Sahampati. Rồi Ngài hướng đến thuyết pháp tế độ chúng sanh. Đầu tiên, Ngài nghĩ đến tế độ vị Thiền Sư Àlàra Kàlàma, vì người nầy là bậc trí tuệ, nếu được nghe Chánh Pháp sẽ mau chóng chứng ngộ được chân lý và đắc được Đạo Quả Níp Bàn. Khi ấy có vị Thiên đến mách rằng:

- Bạch Đức Thế Tôn, vị Thiền sư ấy đã từ trần cách nay 7 ngày.

Ngài quán xét thấy đúng. Vị thiền Sư Àlàra Kàlàma đã viên tịch do năng lực của tam thiền Vô Sắc, cho quả tái sanh lên cõi "Vô Sở Hữu xứ ", thuộc cõi Phạm Thiên Vô Sắc. Rồi Ngài nghĩ đến vị thiền sư Udaka Ràmaputta là bậc thiện trí, nếu vị nầy được nghe Chánh Pháp cũng sẽ mau chóng chứng ngộ được chân lý và đắc Đạo Quả Níp Bàn. Khi ấy có vị Thiên cũng đến mách rằng:

- Bạch Đức Thế Tôn, vị nầy vừa từ trần ngày hôm qua.

Đức Phật quán xét thấy đúng, vị Thiền sư Udaka Ràmaputta, đã tịch diệt do năng lực của Đệ Tứ thiền Vô Sắc, nên cho quả tái sanh lên cõi "Phi Tưởng Phi Phi Tưởng xứ ", thuộc cõi Phạm Thiên Vô sắc Giới.

Ngài nói: "Thật là một sự thiệt hại lớn lao!"

Rồi Đức Phật hướng đến 5 vị Kiều Trần Như. Khi ấy, Ngài ngự đến vườn Lộc Uyển Isipatana, gần thành Benàres (Ba La Nại). Tại đây, Ngài chuyển Pháp Luân, dạy giáo pháp cho 5 vị Kiều Trần Như. Năm vị nầy trước kia theo hộ độ mọi sự cần thiết cho Ngài, nhưng nay thì họ không còn đức tin nữa, từ khi Ngài từ bỏ tu khổ hạnh. Họ thấy Đức Phật từ xa đi tới, họ thỏa thuận với nhau rằng: "Chúng ta đừng có đứng dậy đón rước Sa Môn Gotama, vì ông đã theo con đường lợi dưỡng không giống chúng ta." Nhưng khi Đức Phật đến gần, do oai lực Đại Bi tâm của Ngài, các vị không chần chờ, tự động đảnh lễ Ngài, rồi mỗi người làm một việc, vị thỡ đứng dậy rước bát, vị khác lấy nước rửa chân ... nhưng họchưa phá tan được hoài nghi, Đức Phật biết thế, Ngài giảng rằng:

- Nầy chư Tỳ-khưu, có hai pháp cực đoan, mà người xuất gia không nên hành theo. Hai pháp ấy là:

1- Lợi dưỡng, hưởng 5 dục do tâm tham ái, thường kiến. Pháp nầy thấp kém không đem lại lợi ích an lạc.

2- Khổ hạnh, tu ép xác, do tâm sân và có đoạn kiến, thuộc pháp của ngoại đạo, không phải pháp của Bậc Thánh. Pháp tu nầy không đem lại lợi ích Níp Bàn.

Nầy chư Tỳ-khưu, không thiên về hai pháp, Như Lai hành theo Trung Đạo, mà Như Lai chứng đắc Thánh Quả Níp Bàn. Pháp hành Trung Đạo đó chính là Thánh Đạo hợp đủ 8 chi phần cao thượng:

1- Chánh Kiến
2- Chánh Tư Duy
3- Chánh Ngữ
4- Chánh Nghiệp
5- Chánh Mạng
6- Chánh Tinh Tấn
7- Chánh Niệm
8- Chánh Định

Sau khi nghe Pháp, năm vị Tỳ-khưu tuệ nhãn phát sanh, chứng ngộ Tứ Thánh Đế, chứng đắc Đạo Quả, tâm không còn bụi dơ bởi phiền não, Tà Kiến, Hoài Nghi nữa. Các vị biết rõ, thấy rõ, chắc chắn rằng: Tất cả các pháp nào trong tam giới có trạng thái sanh, thì tất cả pháp ấy đều có trạng thái diệt".

Đức Thế Tôn thuyết giảng kinh Chuyển Pháp Luân vừa dứt, khi ấy có 180 triệu Chư Thiên, Phạm Thiên cũng chứng ngộ Đạo Quả. Chư Thiên trên địa cầu đồng tung hô ca ngợi rằng: "Đức Thế Tôn Chyển Pháp Luân vô thượng tại Isipatana, chưa từng có Sa Môn, Bà La Môn, Chư Thiên, Phạm Thiên hoặc một ai trên đời nầy có thể chuyển Pháp Luân như vậy ."

Chỉ trong tức khắc, tiếng tung hô ấy lên đến các tầng trời Phạm Thiên cao nhất là "Sắc Cứu Cánh Thiên" (Akanitthà), mười ngàn thế giới nầy đều rung chuyển, ánh sáng của Đức Chánh Đẳng Giác tỏa rộng vô biên cùng khắp thế giới. Kể từ đó, Tam Bảo: Phật Bảo, Pháp Bảo và Tăng Bảo được trọn đủ, lần đầu tiên đã xuất hiện trên thế gian nầy.

TRÊN ĐƯỜNG HOẰNG PHÁP

Rồi tuần tự Đức Thế Tôn đi du hóa khắp mọi nơi, chúng sanh nào đã từng nghe và từng học Abhidhamma (Siêu Lý), thì Đức Phật giảng thẳng vào pháp Chân Đế. Còn chúng sanh nào chưa từng học Abhidhamma, thì Ngài giảng dạy pháp Tục Đế.

Nhưng không phải trên đường hoằng dương Chánh Pháp của Đức Phật đều là suông sẽ cả. Lắm khi Ngài cũng gặp nhiều sự việc công kích đủ mọi phía. Có người thì dùng cách lý luận để chống đối, có người thì dùng bạo lực để chống đối. Nhưng mỗi khi gặp những điều khó khăn chướng ngại ấy, Đức Phật đều lấy đó làm đề tài để giảng Chánh Pháp, như Bố Thí, Nhẫn nại...

Ngài đi đến kinh thành Magadha (Ma Kiệt Đà), dưới triều đại của Vua Bimbisara (Bình Sa Vương). Trong dịp nầy, Vua Bình Sa Vương dâng lên Đức Phật khu rừng tre Veluvana (Trúc Lâm). Nơi đây vắng vẻ, thật là chỗ thích hợp trong sự tĩnh tu, vì không quá xa, cũng không quá gần đô thị. Đức Phật nhập hạ tại đây liên tiếp ba mùa hạ.

Vào hạ thứ bảy, Ngài hiện song thông để hàng phục ngoại giáo. Theo truyền thống của Chư Phật quá khứ, sau khi thực hiện song thông để hàng phục ngoại giáo, Chư Phật quá khứ đến cõi Trời Đao Lợi (Tavatimsa) để giảng diệu pháp. Sau khi quán xét, Ngài biến mất ở nhân loại và hiện ra ở cõi trời Đao Lợi, thuyết tạng Diệu Pháp Abhidhamma để đền đáp xứng với công ơn của mẫu hậu. Vì Pháp nầy, rất thâm sâu giúp cho chúng sanh có thể tự giải thoát. Pháp nầy thù thắng hơn Kinh Tạng và Luật Tạng. Khi Đức Thế Tôn thuyết tạng Diệu Pháp, hào quang tỏa ra khắp cả châu thân. Ngài thuyết tạng này liên tục 3 tháng (tính theo nhân loại).

Chư Thiên đắc Đạo Quả nhiều hơn tất cả các pháp khác, đến 800 triệu Chư Thiên đắc Đạo Quả, và vị Thiên tử là bà thân sinh của Ngài từ cõi trời Đâu Suất đến nghe pháp, đắc Sơ Quả Tu Đà Hườn.

Tạng Diệu Pháp còn lưu truyền đến ngày nay, với đầy đủ chi tiết, do Ngài Sàriputta (Xá Lợi Phất) truyền giảng rộng cho hàng đệ tử.

Đức Nhẫn Nại

Một thời Thế Tôn ngụ tại Kosambi vào hạ thứ chín, trong hạ nầy nàng Màgandiyà tự tạo cho mình một mối hận thù với Đức Phật và tìm cơ hội để trả thù. Về sau, nàng được làm thứ hậu của Vua Udena. Dựa trên quyền thế, bà đút lót và xúi giục người mắng chưởi Đức Phật bằng nhiều lời thô tục:

- Ông là tên trộm, ông là bò, là chúng sanh địa ngục ...

Đại Đức Ananda không thể chịu đựng những lời nguyền rủa ấy, liền đến hầu Phật và thưa:

- Bạch Thế Tôn, người ta chưởi rủa, nhục mạ chúng ta thậm tệ, xin Ngài dời đi nơi khác!

Đức Phật nói:

- Nầy Ananda, bây giờ chúng ta nên đi đâu?

- Bạch Thế Tôn, chúng ta đến một thị trấn khác.

- Nếu ở nơi ấy người ta cũng chưởi rủa, nhục mạ chúng ta như vậy, thì chúng ta sẽ đi đâu?

- Bạch Thế Tôn chúng ta hãy đi đến một nơi khác nữa.

- Nầy Ananda, không thể vậy; nơi nào gặp chuyện khó khăn chính nơi ấy chúng ta phải dàn xếp yên ổn và chỉ khi nào dàn xếp xong ta sẽ đi!

- Nhưng nầy Ananda, ai nhục mạ chưởi rủa chúng ta?

- Bạch Thế Tôn, ai cũng chưởi rủa chúng ta hết, cả những người nô tỳ cùng đinh họ cũng chưởi.

Nhân cơ hội nầy Đức Phật dạy:

"Ta như voi giữa trận
Hứng chịu cung tên rơi
Chịu đựng mọi phỉ báng
Đời nhiều kẻ phá giới."

Đức Phật Ngài lấy hình ảnh con voi để mô tả người có đức hạnh:

- Nầy Ananda, những voi, ngựa được dẫn đến cho Vua, giữa số đông voi, ngựa ấy, Vua chỉ chọn con nào thuần thục nhất để cưỡi. Cũng vậy, giữa đám đông nhân loại, người cao thượng nhất là người có giới đức thuần thục, nhẫn chịu những lời nguyền rủa của kẻ khác. Nầy Ananda, hãy nhẫn chịu. Không có một ai gây khó cho Như Lai quá bảy ngày.

Người trong thế gian, mỗi khi có chuyện buồn rầu khổ đau, muốn dập tắt không biết phải làm sao, họ đi tìm giải khuây nơi những chỗ cám dỗ của dục vọng hạ liệt, làm hại phẩm giá con người như: cờ bạc, rượu chè ... Chỉ có đấng Siêu Nhân với tuệ trí Ngài dạy như sau:

Làm thế nào nhiếp phục hận thù?

Nầy các Tỳ-khưu, có 4 pháp nhiếp phục hận thù:

Nhẫn nại.
Tâm từ.
Khéo tác ý, tức hướng đến thiện pháp.
Phản tỉnh, tức là xét lại mình.

Nầy các Tỳ-khưu, có 5 loại ngôn ngữ các ông có thể dùng khi nói với người khác:

Nói đúng thời.
Nói chân thật
Nói nhu nhuyến, không thô bạo.
Nói lời lợi ích.
Nói với tâm từ.

Nầy các Tỳ-khưu, các ông cần phải học tập như sau: Chúng ta sẽ giữ tâm không biến đổi và ô nhiễm, chúng ta sẽ không thốt ra lời ác ngữ, dù người ấy là kẻ thù . Ta hãy sống với tâm câu hữu với từ, quảng đại vô lượng vô biên, không hận, không sân.

Khi chúng ta dùng 5 loại ngôn ngữ nầy nói với người khác, thời tâm của chúng ta sẽ không bị ô nhiễm. (Majjhima Nikàya)

Ba Hạng Người

Nầy các Tỳ-khưu, có ba hạng người bị rơi vào đọa xứ, địa ngục:

1- Ai không phạm hạnh, tự xưng là có phạm hạnh (tức là không có đắc thiền, đắc Đạo.).

2- Đối với người sống phạm hạnh thanh tịnh, hành phạm hạnh thật thanh tịnh, lại công kích vị ấy một cách không căn cứ.

3- Ai chủ trương rằng: "Không có lỗi lầm trong các dục", lại thọ hưởng say đắm trong các dục.

Nầy các Tỳ-khưu, những hạng người như vậy sẽ bị rơi vào đọa xứ, địa ngục. Trừ phi họ từ bỏ tư tưởng ấy.

Ba Loại Ngựa

Nầy các Tỳ-khưu, con ngựa thuần chủng, là loại ngựa phải có đầy đủ ba đặc tánh:

- Có sắc đẹp.
- Có sức mạnh.
- Có tốc lực.

Nầy các Tỳ-khưu, một con ngựa như vậy được xem là biểu tượng của Vua.

Cũng vậy, Vị Tỳ-khưu có đầy đủ ba pháp, thời vị Tỳ-khưu ấy đáng được tôn kính, đáng được cúng dường. Ba pháp ấy như sau:

1- Sắc đẹp của vị Tỳ-khưu: là vị Tỳ-khưu gìn giữ giới luật, có uy nghi chánh hạnh, chấp nhận và học tập trong các học pháp.

2- Sức mạnh của vị Tỳ-khưu: là cố gắng đoạn tận các pháp Bất Thiện, không từ bỏ trách nhiệm đối với các thiện pháp .

3- Tốc lực của vị Tỳ-khưu: là như thật rõ biết bốn Diệu Đế: "Khổ, Tập, Diệt, Đạo".

Vị Tỳ-khưu nào có đầy đủ ba pháp nầy, là biểu tượng của Chư Thiên và nhân loại. Và Vị Tỳ-khưu ấy đáng được cung kính, đáng được cúng dường, là ruộng phước vô lượng của chúng sanh.

- Nầy các Tỳ-khưu, khi nào người bị vô minh dẫn đầu, thì người ấy sẽ làm các pháp bất thiện, do không hổ thẹn và không ghê sợ tội lỗi. Lại nữa, với kẻ nào bị vô minh chi phối (vô trí), thì tà kiến sẽ sanh.

Đối với kẻ có tà kiến, thì tà tư duy và tà ngữ sanh. Đối với người có tà ngữ, thì tà nghiệp sanh. Đối với người có tà nghiệp, thì tà mạng sanh (sẽ nuôi mạng sống bất chánh.) Đối với người có tà mạng, thì tà tinh tấn sanh. Đối với người có tà tinh tấn, thì tà niệm sanh. Nếu người có tà niệm, thì tà định sanh.

Nầy các tỷ kheo, ví như sợi râu của lúa mì đặt sai hướng, khi có tay và chân đè vào, không thể đâm thủng tay hay chân, hoặc có thể làm đổ máu được, vì sợi râu đặt sai hướng. Cũng thế, nếu tri kiến của vị tỷ kheo bị đặt hướng sai lạc, không thể đâm thủng vô minh, làm minh sanh khởi, không thể đạt được Níp Bàn. Vì sao? Vì tri kiến bị đặt sai hướng.

Có một thời, Thế Tôn gọi chúng Tỳ-khưu và thuyết như sau:

- Nầy các Tỳ-khưu, nếu những ai không đoạn tận 6 pháp thì người ấy không thể đạt được thiện pháp, không thể an trú Sơ Thiền, thế nào là 6:

1- Tham dục.
2- Sân hận.
3- Hôn trầm, Thụy Miên.
4- Trạo Hối.
5- Hoài Nghi.
6- Không như thật khéo thấy với trí tuệ đối với các nguy hiểm trong các dục, sự lợi ích, sự xuất ly...

Nầy các Tỳ-khưu, khi chưa bị lợi dưỡng danh vọng xâm chiếm, người ấy rất trong sạch giới, dù cho có ai đổi lấy một bình bát vàng đựng đầy phấn bạch ngân, bảo họ nói láo ... họ cũng không dám. Nhưng một thời gian sau, bị lợi dưỡng danh vọng chinh phục, xâm chiếm, tâm họ bị chi phối, họ cố ý phạm giới. Rồi người ấy đi đến người khác khoe khoang: Ta ăn uống đầy đủ, y áo sàng tọa đầy đủ. Còn các người khác công đức ít, không được các vật như ta.

Họ khinh miệt những người chánh hạnh khác. Như vậy họ sẽ bị những bất hạnh đau khổ lâu dài.

Giáo Giới Ràhula

Vào buổi chiều, từ thiền định độc cư, Thế Tôn đứng dậy, đi đến Ambalatthika, chỗ Tỳ-khưu Rahula ở, Thế Tôn dạy như sau:

- Nầy Rahula, đối với những ai biết mà nói láo, không có hỗ thẹn hay ghê sợ tội lỗi (Tàm - Úy). Thời ta nói rằng những người ấy không có việc ác nào mà không làm. Do vậy, ta thuyết "không nên nói láo", dù nói để mà chơi, như vậy ngươi hãy học tập.

- Nầy Rahula, mục đích của cái gương là gì?

- Bạch Thế Tôn, để phản tỉnh.

- Cũng vậy, nầy Rahula, sau khi phản tỉnh nhiều lần hãy hành thân nghiệp, sau khi phản tỉnh nhiều lần hãy hành khẩu ngiệp, và sau khi phản tỉnh nhiều lần hãy hành ý nghiệp.

Nếu trong khi phản tỉnh, ngươi biết: "Thân nghiệp, Khẩu nghiệp, ý nghiệp nầy có thể đưa đến tự hại, hại người, hại cả hai, thời thân, khẩu, ý nghiệp ấy là bất thiện, đưa đến đau khổ, có quả báo." Nầy Rahula, một thân nghiệp như vậy, khẩu nghiệp như vậy, ý nghiệp như vậy, nhất định không nên làm.

Nếu trong khi phản tỉnh, ngươi biết: "Thân nghiệp, Khẩu nghiệp, ý nghiệp nầy có thể đưa đến tự lợi, lợi người, lợi cả hai, thời Thân, khẩu, ý nghiệp ấy là thiện, đưa đến hạnh phúc có quả phước an lạc." Nầy Rahula, một thân nghiệp như vậy, khẩu nghiệp như vậy, ý nghiệp như vậy, nhất định cần phải an trú trong niềm hoan hỷ, tự mình tiếp tục tu học ngày đêm trong các thiện pháp.

Như vậy, cần phải học tập: "Từ bỏ không nói láo, dù nói để vui đùa ".

Ngày Trai Giới

Đức Thế Tôn gọi các Tỳ-khưu và nói:

- Nầy các Tỳ-khưu, ngày trai giới được thực hành 9 chi phần, sẽ có quả lớn, có lợi ích lớn.

1- Ở đây, vị Thánh đệ tử suy nghĩ như sau: "Cho đến trọn đời, các bậc A La Hán đoạn tận sát sanh; hôm nay, đêm nầy và ngày nầy, ta cũng đoạn trừ sát sanh. Đó là chi phần thứ nhất.

2- Cho đến trọn đời, các bậc A La Hán đoạn trừ trộm cắp; hôm nay, đêm nầy và ngày nầy, ta cũng đọan trừ trộm cắp. Đây là chi phần thứ hai.

3- Cho đến trọn đời, các bậc A La Hán xa lìa phi phạm hạnh, từ bỏ dâm dục hèn hạ; hôm nay, đêm nầy và ngày nầy, ta cũng hành phạm hạnh, từ bỏ những dâm dục hèn hạ. Đây là chi phần thứ ba.

4- Cho đến trọn đời, các bậc A La Hán đoạn tận nói láo, tránh xa lời nói không chơn thật; hôm nay, đêm nầy và ngày nầy, ta cũng đoạn tận nói láo. Đây là chi phần thứ tư.

5- Cho đến trọn đời, các bậc A La Hán đoạn tận dùng rượu men rượu nấu; hôm nay, đêm nầy và ngày nầy, ta cũng đoạn tận đắm say rượu men rượu nấu. Đây là chi phần thứ năm.

6- Cho đến trọn đời, các bậc A La Hán mỗi ngày chỉ dùng một bữa, không ăn ban đêm, không ăn sái giờ; hôm nay, đêm nầy và ngày nầy, ta cũng không ăn sái giờ. Đây là chi phần thứ sáu.

7- Cho đến trọn đời, các bậc A La Hán không xem múa hát, nhạc, diễn kịch, trang sức bằng vòng hoa (vàng, vòng cổ) thơm và thời trang; hôm nay, đêm nầy và ngày nầy, ta cũng từ bỏ không dùng các loại trang sức ấy. Đây là chi phần thứ bảy.

8- Cho đến trọn đời, các bậc A La Hán đoạn tận giường cao, giường lớn, chỉ mầm trên giường nhỏ; hôm nay, đêm nầy và ngày nầy,ta cũng đoạn tận dùng giường cao giường rộng. Đây là chi phần thứ tám.

9- Ở đây, vị Thánh đệ tử tu tập tâm từ, biến mãn một phương và an trú, phương thứ 2, 3, 4. Như vậy, vị ấy với tâm từ, quảng đại vô biên, không hận không sân. Người thực hành như vậy sẽ được quả phước lớn, lợi ích lớn. Đây là chi phần thứ chín, chín chi phần nầy ta noi gương theo các bậc A La Hán thực hành ngày trai giới.

Như vậy, người ấy sẽ được phước báu lớn, lợi ích lớn.

Nầy Ananda, thuở xưa có vị vua trị vì nước Mithilà, là vị Vua sống như pháp (đúng pháp). Tức là vị pháp vương, sống kiên trì trên Chánh pháp. Vị Đại Vương nầy thực hành Chánh pháp giữa các Bà La Môn, gia chủ, giữa các thị dân và thôn dân, hành trì lễ Uposatha (trai giới) vào các ngày mùng 14, ngày 15 và mùng 8.

Đức Vua sau nhiều năm, nhiều trăm năm, nhiều ngàn năm, vua bảo người thợ cạo tóc:

- Nầy khanh, khi nào ngươi thấy trên đầu ta có tóc bạc, ngươi hãy báo cho ta biết.

Rồi trãi qua nhiều trăm năm, người thợ cạo phát hiện được cọng tóc bạc, liền thưa:

- Tâu Đại Vương, thiên sứ đã hiện ra cho Đại Vương, tóc bạc đã mọc trên đầu của Đại Vương.

- Nầy khanh, hãy khéo nhổ tóc bạc ấy với cây nhíp, và đặt chúng trên bàn tay của ta.

Sau khi nhổ xong, Vua cho người thợ cạo một số tiền và cho gọi Hoàng tử, vị con đầu trao quốc độ rồi đi xuất gia. Vua dặn dò Hoàng Tử: "Khi nào con phát hiện tóc bạc, con hãy trao vương quốc lại cho con trai đầu, rồi đi xuất gia để tìm thiên lạc. Nầy con thân yêu, hãy tiếp nối truyền thống nầy, chớ làm đứt đoạn truyền thống nầy, người nào làm đứt đoạn, người ấy là người tối hậu (lạc hậu). Vậy, ta nói với con "Truyền thống tốt đẹp nầy do ta thiết lập, con phải tiếp tục duy trì. Con chớ thành người tối hậu sau ta."

Nầy Ananda, khi ấy Chư Thiên ở Tam Thập Tam Thiên ngồi họp tại giảng đường Sudhamma, cuộc đối thoại được khởi lên:

- Thật hạnh phúc thay cho dân chúng, thật tốt đẹp thay cho nhân loại..." (Vua cai trị nước đúng pháp, được Chư Thiên tán thán).

- Nầy Ananda, vị Vua Makhàdeva, người đã thiết lập truyền thống tốt đẹp ấy là Ta. Ta là vị Vua Makhàdeva. Nhưng truyền thống tốt đẹp ấy, không đưa đến ly tham, đoạn diệt, thượng trí, giác ngộ, Níp Bàn.

Nầy Ananda, và ngay đây, truyền thống nầy là tốt đẹp được ta thiết lập, và truyền thống nầy đưa đến ly tham, đoạn diệt, tịch tịnh, thượng trí, giác ngộ, Níp Bàn, chín là Tám Chánh Đạo: "Chánh kiến, Chánh tư duy, Chánh ngữ, Chánh nghiệp, Chánh mạng, Chánh tinh tấn, Chánh niệm, Chánh định." Đây là truyền thống tốt đẹp do Như Lai thiết lập, hãy tiếp tục duy trì. Các ông chớ có thành người tối hậu sau ta.

Những huấn từ nầy, Đức Thế Tôn đã chơn chánh thuyết giảng trong thời gian trên đường hoằng dương Chánh Pháp.

 

 

LỜI DI GIÁO TRƯỚC KHI ĐỨC PHẬT NÍP BÀN

- Nầy Ananda, những ai sau khi ta tịch diệt, tự mình là ngọn đèn cho chính mình, tự mình là y tựa cho chính mình, không y tựa một thứ gì khác. Dùng Chánh pháp làm ngọn đèn, dùng Chánh pháp làm chỗ nương tựa, không nương tự vào một gì khác. Những người ấy là những vị Tối thượng trong hàng Tỳ-khưu của Ta, nếu những vị ấy tha thiết học hỏi...

- Nầy Ananda, những ai đã tu tập bốn thần túc, thật nhiều lần, thật lão luyện, thật chắc chắn, thật bền vững, điêu luyện, thiện xảo, nếu muốn, người ấy có thể sống đến một kiếp hoặc phần kiếp còn lại.

- Nầy Ananda, nay ta đã tu tập bốn thần túc, tu tập nhiều lần, thật lão luyện ... nếu muốn Như Lai có thể sống đến một kiếp hoặc phần kiếp còn lại!

Tuy Thế Tôn đã gợi ý rõ ràng, và sự hiện tướng rõ ràng đến ba lần, nhưng Đại Đức Ananda không thể nhận hiểu, nên không thỉnh cầu Thế Tôn ở lại đến trọn kiếp, vì khi ấy tâm Đại Đức bị ác ma che án. Rồi Thế Tôn bảo Đại Đức Ananda lui ra. Liền khi ấy Ác ma đến chỗ Thế Tôn và thỉnh cầu như sau: "Bạch Thế Tôn, Thế Tôn hãy diệt độ, bạch Thiện Thệ, Thiện Thệ hãy diệt độ! Vì đây là lời Thế Tôn đã nói: "Ác ma, Ta sẽ không diệt độ, nếu khi nào những vị Tỳ-khưu, Tỳ-khưu ni, nam cư sĩ, nữ cư sĩ của ta, chưa thành những vị đệ tử chơn chánh, sáng suốt có kỷ luật, đa văn duy trì chánh pháp, sống theo chánh pháp, và sau khi học hỏi giáo lý chưa có thể tuyên bố, diễn giảng, trình bày, xác định, khai minh, phân tích và giải thích rõ ràng ràng chánh pháp, khi có tà đạo khởi lên và chưa hàng phục một cách khéo léo." Bạch Đức Thế Tôn, nhưng nay các đệ tử của Thế Tôn đã trở thành những bậc đa văn, diễn giảng trình bày Chánh pháp một cách phân minh, rõ ràng ...

Như vậy, bạch Thế Tôn, nay đã đến thời Thế Tôn nên diệt độ.

Đức Phật nói:

- Nầy Ác ma, hãy yên tâm, không bao lâu Như Lai sẽ diệt độ, sau ba tháng kể từ ngày hôm nay.

Sau khi Thế Tôn hứa với Ác ma, tại đền Càpàla, Thế Tôn chánh niệm tỉnh giác từ bỏ thọ hành để không duy trì mạng sống lâu hơn nữa. Khi ấy đại địa chấn động, sấm trời vang dậy, Thế Tôn hiểu được ý nghĩ sự chấn động của quả đất, Ngài liền nói lên bài kệ:

"Mạng sống có hạn hay vô hạn,
Tu sĩ từ bỏ không kéo dài.
Nội tâm chuyên nhất trú thiền định
Như thoát áo giáp đang mang mặc."

Lúc ấy, đại đức Ananda suy nghĩ: "Thật là kỳ diệu, thật là hy hửu, đại địa rung động, chấn động mạnh, sấm trời vang dậy khiến lông tóc dựng ngược, chẳng biết do nguyên nhân gì?" Rồi đại đức Ananda trở vào hỏi Phật:

- Bạch Thế Tôn, do nhân duyên gì đại địa rung động, chấn động mạnh, sấm trời vang dậy?

- Nầy Ananda, có tám nhân duyên:

1/ Địa cầu nầy được thành lập trên nước, nước ở trên gió, gió ở tại hư không, đến thời đại phong khởi lên, gió lớn làm nổi sóng nước. Khi nước nổi sóng thì quả đất rung động, chấn động mạnh.

2/ Có vị Sa Môn hay Bà La Môn, có thần thông, có đại uy lực, hoặc Chư Thiên có đại uy lực. Những vị nầy quán địa tánh có hạn, quán thủy tánh vô lượng, vị ấy có thể khiến quả đất nầy rúng động.

3/ Khi Bồ Tát ở cõi trời Tusita (Đâu Xuất), từ bỏ thân Chư Thiên, chánh niệm tỉnh giác nhập vào mẫu thai, thì khi ấy quả đất chấn động.

4/ Khi Bồ Tát chánh niệm ra khỏi mẫu thai, khi ấy quả đất chấn động.

5/ Khi Như Lai chứng ngộ vô thượng Chánh Đẳng Giác, khi ấy quả đất chấn động

6/ Khi Như Lai chuyển bánh xe Pháp, khi ấy quả đất chấn động.

7/ Khi Như Lai chánh niệm giác tỉnh từ bỏ mạng sống, không duy trì nữa, khi ấy quả đất chấn động.

8/ Khi Như Lai tịch diệt Níp Bàn, khi ấy quả đất rung động, chấn động mạnh.

Rồi Thế Tôn nhắc lại rằng:

- Nầy Ananda, hôm nay tại đền Càpàla, Như Lai chánh niệm tỉnh giác từ bỏ thọ hành, để không duy trì mạng sống lâu hơn nữa, nên đại địa rung động, chấn động mạnh.

Nghe nói vậy, Đại Đức Ananda thưa:

- Bạch Thế Tôn, xin Thế Tôn hãy ở lại, bạch Thiện Thệ hãy ở lại cho trọn kiếp, vì lòng thương tưởng cho đời, vì hạnh phúc cho loài Trời và người, xin thỉnh Thế Tôn hãy ở lại.

Thế Tôn nói:

- Thôi, đừng thỉnh cầu Như lai nữa. Nay ngươi thỉnh cầu Như lai không còn kịp nữa, vì Ta đã nhận lời của ác ma, sẽ Níp bàn sau ba tháng kể từ ngày hôm nay.

- Nầy Ananda, hãy đi mời tất cả Tỳ-khưu ở Vesalì tụ hợp lại giảng đường nầy.

Khi các Tỳ-khưu tập hợp lại. Thế Tôn nói:

- Nầy các Tỳ-khưu, những pháp do ta chứng ngộ và giảng dạy cho các ông, các ông phải khéo học hỏi, thực chứng tu tập và truyền rộng để phạm hạnh được trường tồn. Vì hạnh phúc cho chúng sanh, vì lợi ích cho đời.

Thế nào là pháp do ta chứng ngộ: "Tứ Niệm Xứ,Tứ Chánh Cần, Tứ Như ý Túc, Ngũ căn, Ngũ Lực, Thất Giác Chi, bát Chánh Đạo."

Nầy các Tỳ-khưu, đây là lời ta nhắn nhủ cho các ông: "Các hành là vô thường, hãy tinh tấn lên để tự giải thoát, không còn bao lâu nữa Như lai sẽ diệt độ."

"Ta đã già, dư mạng chẳng còn bao
Từ biệt các ngươi ta ra đi một mình.
Tự mình làm sở y cho chính mình.
Hãy tinh tấn chánh niệm giữ giới luật.
Nhiếp thúc ý chí bảo hộ tự tâm.
Ai tinh tấn trong pháp luật nầy.
Sẽ diệt sanh tử chấm dứt khổ đau."

- Nầy các Tỳ-khưu, chính vì không giác ngộ, không chứng đạt Tứ Thánh Đế, mà ta và các ông đã lâu đời phải trôi lăn trong biển sanh tử. Bốn pháp nầy được giác ngộ, chứng đạt thì tham ái một đời sống tương lai được trừ diệt.

Trong thời gian ở Bhandagàma, Ambalatthika, Nalanda v.v... Thế Tôn nhấn mạnh và nhắc đi nhắc lại nhiều lần ba pháp:Vô lậu học Giới Định Tuệ mà mọi đệ tử và bậc xuất gia cần phải hành trì:

"Đây là Giới, đây là Định, đây là Tuệ. Định cùng tu với Giới sẽ đưa đến quả vị lớn, lợi ích lớn. Tuệ cùng tu với Định, sẽ đưa đến quả vị lớn, lợi ích lớn. Tâm cùng tu với Tuệ sẽ đưa đến giải thoát hoàn toàn các lậu hoặc, tức là Dục lậu, Hữu lậu (tri kiến lậu), Vô minh lậu."

Vào buổi sáng Thế Tôn đi khất thực ở thành Vesàli, trên con đường khất thực trở về, Thế Tôn nhìn Vesàli với cái nhìn của con voi chúa và nói:

- Nầy Ananda, lần nầy là lần cuối cùng Như Lai nhìn Vesàli...

Bốn Đại Giáo Pháp

Rồi tuần tự Thế Tôn đi đến Hatthigàma, Bhoganagara, tại đây Thế Tôn nói:

Nầy các Tỳ-khưu, Ta sẽ giảng "Bốn Đại Giáo Pháp", hãy nghe và suy niệm kỹ, Ta sẽ giảng.

"Xin vâng, bạch Thế Tôn", các vị Tỳ-khưu ấy vâng đáp Thế Tôn. Thế Tôn giảng như sau:

1- Nầy Chư Tỳ-khưu, sau khi Như Lai diệt độ, có thể có vị Tỳ-khưu nói như sau: "Tôi tự thân nghe từ miệng Thế Tôn, tự thân lãnh thọ, đây là giáo pháp, đây là Luật, đây là lời dạy của bậc Đạo Sư." Nầy Chư Tỳ-khưu, các ông không nên tán thán, không nên hủy báng, mỗi mỗi chữ, mỗi mỗi câu cần phải học hỏi kỷ lưỡng và đem so sánh với Kinh, đem đối chiếu với Luật. Sau khi đem so sánh và đối chiếu như vậy, nếu thấy chúng không phù hợp với Kinh, không tương ứng với Luật, thì các ông có thể kết luận: "Chắc chắn những lời nầy không phải lời của Đức Thế Tôn, và vị Tỳ-khưu ấy đã thọ giáo sai lầm." Thời các ông hãy từ bỏ chúng. Nhưng khi đem so sánh thấy chúng tương ứng với Kinh với Luật, thời các ông có thể kết luận: "Chắc chắn những lời nầy là lời dạy của Thế Tôn và vị Tỳ-khưu ấy đã thọ giáo chơn chánh." Nầy các Tỳ-khưu, như vậy là đại giáo pháp thứ nhất, các ông hãy thọ trì.

2- Nầy các Tỳ-khưu, nếu có vị Tỳ-khưu nói: "Tại trú xứ kia, có Tăng chúng ở với các vị Thượng Tọa, với các Thủ chúng. Tôi tự thân nghe từ miệng Tăng chúng, tự thân lãnh thọ, đây là Pháp, đây là Luật, như vậy là lời dạy của Bậc Đạo Sư." Nầy Chư Tỳ-khưu, các ông không nên tán thán, không nên hủy báng, mỗi mỗi chữ, mỗi mỗi câu cần phải học hỏi kỷ lưỡng và đem so sánh với Kinh, đem đối chiếu với Luật ... Đây là đại giáo pháp thứ hai, các ông hãy thọ trì.

3- Lại nữa, sẽ có những vị Tỳ-khưu nói như sau: "Tại trú xứ kia, có nhiều vị Tỳ-khưu Thượng Tọa, những vị nầy là bậc đa văn nghe nhiều, và được trao truyền Kinh điển, là bậc trì Pháp, trì Luật, trì toát yếu. Đối với các bậc Trưởng lão ấy tôi được lãnh thọ, đây là Pháp, đây là Luật, đây là lời dạy của bậc Đạo Sư." Nầy Chư Tỳ-khưu, các ông không nên tán thán, không nên hủy báng, mỗi mỗi chữ, mỗi mỗi câu cần phải học hỏi kỷ lưỡng và đem so sánh với Kinh, đem đối chiếu với Luật ... Đây là đại giáo pháp thứ ba, các ông hãy thọ trì.

4- Nầy các Tỳ-khưu, trong tương lai sẽ có vị Tỳ-khưu nói như sau: "Tại trỳ xứ kia, có một vị Thượng Tọa, vị nầy là bậc đa văn nghe nhiều, được trao truyền Kinh điển, là bậc trì Pháp, trì Luật, trì toát yếu. Tôi tự thân nghe từ vị Thượng Tọa ấy, tự thân lãnh thọ; đây là giáo pháp, đây là Luật, đây là lời dạy của bậc Đạo Sư." Nầy Chư Tỳ-khưu, các ông không nên tán thán, cũng không nên phỉ báng lời nói của vị Tỳ-khưu ấy. Mỗi mỗi chữ, mỗi mỗi câu cần phải được học hỏi kỷ lưỡng và đem so sánh với Kinh, đối chiếu với Luật. Khi đem so sánh và đối chiếu như vậy, nếu thấy chúng không phù hợp với Kinh, không tương ứng với Luật, thì các ông có thể kết luận rằng: "Chắc chắn những lời nầy không phải lời dạy của Đức Thế Tôn, Bậc A-La-Hán Chánh Đẳng Giác. Và vị Tỳ-khưu ấy đã thọ giáo không chơn chánh". Thời các ông hãy từ bỏ chúng. Nhưng khi đem so sánh thấy chúng tương ứng với Kinh với Luật, thời các ông có thể kết luận: "Chắc chắn những lời nầy là lời dạy của Thế Tôn và vị Tỳ-khưu ấy đã thọ giáo chơn chánh." Nầy các Tỳ-khưu, như vậy là đại giáo pháp thứ tư, các ông hãy thọ trì.

Nầy các Tỳ-khưu, bốn Đại giáo pháp nầy, các ngươi hãy thọ trì.

Năm Điều Sợ Hãi Trong Tương Lai.

Có năm điều sợ hãi trong tương lai. Nầy các Tỳ-khưu, tuy nay chưa sanh khởi, nhưng nó sẽ sanh khởi trong tương lai. Các ông cần phải hoàn toàn rõ biết chúng. Sau khi rõ biết, cần phải tinh tấn để đoạn trừ chúng.

1- Nầy các Tỳ-khưu, trong tương lai sẽ có những Tỳ-khưu trở thành những người thân không tu, giới không tu, tâm không tu, tuệ không tu. Do không tu tập, những người nầy nếu họ có ban hành đại giới cho người khác, họ không thể huấn luyện cho người khác trong tăng thượng giới, tăng thượng tâm, và tăng thượng tuệ.

Các người thọ đại giới từ nơi những người ấy cũng sẽ trở thành những người giống như vậy, thân không tu, giới không tu, tâm không tu, tuệ không tu . Nếu những người đó có truyền đại giới cho người khác, họ sẽ không thể huấn luyện cho những người khác trong tăng thượng giới, tăng thượng tâm và tăng thượng tuệ. Như vậy, do pháp ô nhiễm, nên luật ô nhiễm; do luật ô nhiễm nên pháp ô nhiễm. Đây là sự sợ hãi thứ nhất.

2- Lại nữa, nầy các Tỳ-khưu, các Tỳ-khưu trong tương lai sẽ trở thành những người thân không tu ... nhưng những người nầy lại làm y chỉ sư cho những người khác. Họ không thể huấn luyện cho những người khác trong tăng thượng giới ... Đây là sự sợ hãi thứ hai.

3- Lại nữa, trong tương lai sẽ có những Tỳ-khưu trở thành những người thân không tu, Giới không tu, Tâm không tu, Tuệ không tu. Với sự không tu tập, khi những người nầy thuyết về Thắng Pháp, hay về Quảng thuyết (Trí giải luận), họ bị rơi vào hắc pháp, không thể thấu hiểu rõ ràng. Đây là sự sợ hãi thứ ba.

4- Lại nữa, các Tỳ-khưu trong tương lai không tu tập... Do nhân không tu tập, đối với các Kinh tạng do Như Lai tuyên thuyết, thâm sâu, ý nghĩa sâu kín, siêu thế, liên hệ đến không, khi các kinh ấy được thuyết giảng, những người nầy không chịu nghe, không lắng tai, không để tâm an trú liễu giả, họ nghĩ rằng các kinh ấy không cần phải học thuộc lòng. Còn những kinh điển do các thi sĩ làm, những bài thi ca hoa mỹ, với những câu văn hoa, thuộc ngoại điển, các kinh ấy được thuyết giảng, những người ấy lại lắng nghe, trú tâm liễu giải và học thuộc lòng các loại kinh ấy. Nầy các Tỳ-khưu, đây là do pháp ô nhiễm, nên luật ô nhiễm; do luật ô nhiễm, nên pháp ô nhiễm. Đây là sự sợ hãi thứ tư.

5- Lại nữa, có những Tỳ-khưu trong tương lai thân không tu, Giới không tu, Tâm không tu, Tuệ không tu. Các vị Trưởng lão Tỳ-khưu ấy sẽ sống đầy đủ, biếng nhác dẫn đầu trong thối đọa, chúng từ bỏ không nghĩ đến sống viễn ly các dục, không hăng hái tinh tấn, để chứng đắc những pháp chưa chứng đắc, để chứng ngộ những pháp chưa chứng ngộ. Và quần chúng về sau sẽ đi theo tà kiến của họ. Những người ấy sẽ trở thành những người sống đầy đủ, biếng nhác dẫn đầu trong thối đọa. Như vậy, do pháp ô nhiễm, đưa đến luật ô nhiễm; do luật ô nhiễm, đưa đến pháp ô nhiễm. Đây là sự sợ hãi thứ năm.

Nầy các Tỳ-khưu, năm sợ hãi nầy, nay chưa sanh khởi, nhưng sẽ sanh khởi trong tương lai. Các ông cần phải hoàn toàn rõ biết. Sau khi hoàn toàn rõ biết, các ông cần phải tinh tấn để đoạn tận chúng.

Bảy Pháp Bất Thối

Trong thời gian còn lưu lại Magadha,

Đức Phật đó giảng cho Đại thần của Vua Ajàtasattu nghe 7 điều kiện thịnh suy của một quốc gia, khi ông tham vấn Thế Tôn về việc chinh phục nước Vajjì. Nhõn đó, Đức Phật cũng giảng 7 yếu tố thịnh suy của Giáo Pháp.

1- Nầy các Tỳ-khưu, khi nào chúng Tỳ-khưu thường hay tụ họp đông đảo với nhau, thời chúng Tỳ-khưu ấy sẽ được cường thịnh, không bị suy giảm.

2- Nầy các Tỳ-khưu, khi nào chúng Tỳ-khưu tụ họp trong niệm đoàn kết, giải tỏn trong niệm đoàn kết, và làm việc Tăng sự cũng trong niệm đoàn kết, thời chúng Tỳ-khưu ấy sẽ được cường thịnh, không bị suy giảm.

3- Nầy các Tỳ-khưu, khi nào chúng Tỳ-khưu không ban hành những luật lệ không được ban hành, không hủy bỏ những luật lệ đó được ban hành, sống đúng với những học giới được ban hành, thời chúng Tỳ-khưu ấy sẽ được cường thịnh, không bị suy giảm.

4- Nầy các Tỳ-khưu, khi nào chúng Tỳ-khưu tôn sùng, kính trọng, đảnh lễ, cúng dường các bậc Tỳ-khưu Thượng Tọa, những vị nầy là những vị giàu kinh nghiệm, niờn cao lạp trưởng, bậc cha của chúng Tăng, bậc Thầy của chúng Tăng và nghe theo những lời dạy của những vị nầy, thời chúng Tỳ-khưu ấy sẽ được cường thịnh, không bị suy giảm.

5- Nầy các Tỳ-khưu, khi nào chúng Tỳ-khưu không bị chi phối bởi tham ỏi, tham ỏi nầy tác thành một đời sống khác, thời chúng Tỳ-khưu ấy sẽ được cường thịnh, không bị suy giảm.

4- Nầy các Tỳ-khưu, khi nào chúng Tỳ-khưu thích sống những chỗ nhàn tịnh, thời chúng Tỳ-khưu ấy sẽ được cường thịnh, không bị suy giảm.

7- Nầy các Tỳ-khưu, khi nào chúng Tỳ-khưu tự thân an trú chánh niệm, khiến các bạn đồng tu thiện chí chưa đến muốn đến ở, và các bạn đồng tu thiện chí đó đến ở, được sống an lạc, thời chúng Tỳ-khưu ấy sẽ được cường thịnh, không bị suy giảm.

Nầy các Tỳ-khưu, khi nào bảy Pháp Bất Thối nầy được duy trì giữa các vị Tỳ-khưu, khi nào các vị Tỳ-khưu được dạy Bảy Pháp Bất Thối nầy, thời nầy các Tỳ-khưu, chúng Tỳ-khưu ấy sẽ được cường thịnh, không bị suy giảm.

TRÊN ĐƯỜNG ĐẾN KUSINÀRÀ

Rồi tuần tự, Thế Tôn đến đền Pàvà, tại vườn xoài của Cunda, một người thợ sắt. Cunda hoan hỷ thỉnh Thế Tôn cùng chúng Tỳ-khưu vào ngày mai đến dùng cơm. Sau khi dùng buổi cơm tại nhà người thợ sắt, Thế Tôn bị nhiễm bệnh rất khốc liệt, gần như sắp chết đến nơi (bệnh lỵ huyết). Nhưng Ngài chánh niệm tỉnh giác, nhẫn nại chịu đựng cơn bệnh. Rồi Thế Tôn nói với Đại Đức Ananda:

- Nầy Ananda, chúng ta hãy đi đến Kusinàrà.

"Xin vâng bạch Thế Tôn," Đại Đức Ananda vâng đáp Thế Tôn.

Khi đi đến một gốc cây, Thế Tôn lại bên đường và nói với Đại Đức Ananda:

"Nầy Ananda, hãy xếp tư áo Sanghàti. Ta cảm nghe mệt mỏi và muốn ngồi nghĩ."

"Xin vâng bạch Thế Tôn," Đại Đức Ananda vâng lời Thế Tôn và xếp tư áo Sanghàti lại.

Thế Tôn ngồi trên chỗ đã soạn sẵn, và nói: "Nầy Ananda, hãy đem nước cho Ta. Ta nay đang khát và muốn uống nước."

- Bạch Thế Tôn, vừa mới có khoảng 500 cỗ xe chạy qua, nên nước bị khuấy động và bẩn đục. Bạch Thế Tôn, sông Kakutthà không xa ở đây, nước thuần tịnh, mát mẻ. Tại đó Thế Tôn có thể uống nước.

Lần thứ hai, Thế Tôn nói với Đại Đức Ananda: "Nầy Ananda, hãy đem nước uống cho Ta. Ta nay đang khát và muốn uống nước."

Lần thứ hai, Đại Đức Ananda cũng bạch với Thế Tôn như trước

Lần thứ ba, Thế Tôn nói: "Nầy Ananda, hãy đem nước uống cho Ta. Ta nay đang khát và muốn uống nước."

"Xin vâng bạch Thế Tôn," Đại Đức Ananda vâng lời Thế Tôn, lấy bát và đi đến con sông nhỏ. Con sông đang chảy nông cạn, khuấy động và bẩn đục, khi Đại Đức Ananda đến, liền trở thành trong trẻo, sáng lạng, không bẩn đục.

Sau khi dùng bát lấy nước, Đại Đức Ananda đến chỗ Thế Tôn và bạch rằng:

- Bạch Thế Tôn, thật kỳ diệu thay! Thật hy hữu thay thần túc và uy lực của Như Lai. Con sông nhỏ đang nông cạn, khuấy động và bẩn đục nầy, khi con đến, liền trở thành trong trẻo, sáng lạng và không bẩn đục. Xin thỉnh Thế Tôn dùng nước. Xin thỉnh Thiện Thệ dùng nước!

Lúc bấy giờ, Pukkusa, giòng họ Mallà, đệ tử của Ngài Alàra Kàlàma đang đi trên con đường từ Kusinàrà đến Pàvà.

Pukkusa thấy Thế Tôn ngồi dưới gốc cây, liền đến chỗ Thế Tôn, đảnh lễ Ngài và ngồi xuống một bên. Sau khi ngồi xuống một bên, Pukkusa, bạch Thế Tôn:

- Bạch Thế Tôn, thật là kỳ diệu, bạch Thế Tôn, thật là hy hữu, trạng thái trầm tĩnh của một vị xuất gia

Bạch Thế Tôn, thuở xưa, thiền sư Alàra Kàlàma đang đi trên đường. Rồi Ngài bước xuống đường và ngồi xuống một gốc cây, không xa con đường để nghỉ trưa. Bạch Thế Tôn, lúc ấy có khoảng 500 cỗ xe đi ngang qua gần Ngài. Bạch Thế Tôn, có một người đi theo sau lưng đoàn xe ấy, đến chỗ thiền sư Alàra Kàlàma và nói rằng:

- Tôn giả có thấy khoảng 500 cỗ xe vừa đi qua không?

- Nầy Hiền giả, Ta không thấy.

- Tôn giả có nghe tiếng không?

- Nầy Hiền giả, Ta không nghe tiếng.

- Có phải Tôn giả đang ngủ không?

- Nầy Hiền giả, Ta không đang ngủ.

- Vậy có phải Tôn giả đang thức tỉnh?

- Nầy Hiền giả, Ta đang thức tỉnh.

- Tôn giả đang thức tỉnh nhưng không thấy khoảng 500 cỗ xe đi ngang qua gần một bên, cũng không nghe tiếng. Bạch Tôn giả, cái áo của Tôn giả cũng bị lấm bụi.

Bạch Thế Tôn, người ấy liền tự nghĩ: "Thật là kỳ diệu, thật là hy hữu sự trầm tĩnh của vị xuất gia. Trong khi giác tỉnh, còn thức nhưng không thấy 500 cỗ xe vừa đi ngang qua gần một bên, cũng không nghe tiếng." Sau khi tỏ sự thâm tín đối với thiền sư Alàra Kàlàma, vị ấy từ biệt.

Nầy Pukkusa, nhà ngươi nghĩ thế nào? Cái gì khó làm hơn, cái gì khó thực hiện hơn? Một người trong khi giác tỉnh, còn thức mà không thấy 500 cỗ xe đi ngang qua gần một bên, cũng không nghe tiếng. Hay một người đang giác tỉnh, còn thức, trong khi trời đang mưa, mưa tầm tả ào ào, trong khi điện quang chớp lòa, sấm sét vang động, mà không thấy, cũng không nghe tiếng.

Bạch Thế Tôn, nói gì đến 500 cỗ xe nầy, cho đến 600 - 700 ... cho đến trăm ngàn cỗ xe, cũng không thể so sánh được.

Thật khó làm hơn, khó thực hiện được, một người đang giác tỉnh, còn thức, trong khi trời đang mưa, mưa tầm tả ào ào... mà không thấy, cũng không nghe tiếng.

Nầy Pukkusa, một thời, Ta ở Atumà, tại nhà đập lúa. Lúc bấy giờ trời mưa, mưa tầm tả ào ào, điện quang chớp lòa, sấm sét vang động, có hai anh em nông phu và bốn con bò đực bị sét đánh chết, nhưng Ta không thấy, cũng không nghe gì.

Khi được nghe nói vậy, Pukkusa, bạch Thế Tôn:

- Bạch Thế Tôn, sự tin tưởng của con đối với thiền sư Alàra Kàlàma, nay con đem rải rắc trước luồng gió lớn, đem thả trôi vào giòng nước cuốn. Kỳ diệu thay, bạch Thế Tôn! Hy hữu thay bạch Thế Tôn! Bạch Thế Tôn như người dựng đứng lại những gì bị quăng ngã xuống, phơi bày ra những gì bị che kín, chỉ đường cho người bị lạc hướng, đem đèn sáng vào trong bóng tối để những ai có mắt có thể thấy sắc. Cũng vậy, Chánh pháp đã được Thế Tôn dùng nhiều phương tiện trình bày. Bạch Thế Tôn, con xin quy y Thế Tôn, quy y Pháp, quy y Tăng. Mong Thế Tôn nhận con làm đệ tử, từ nay trở đi cho đến mạng chung, con trọn đời quy ngưỡng.

Rồi Pukkusa đem dâng cặp áo màu kim sắc, vàng chói cho Thế Tôn và nói:

- Bạch Thế Tôn, cặp áo màu kim sắc, vàng chói nầy, mong Thế Tôn vì thương xót mà thâu nhận cho con.

- Nầy Pukkusa, hãy dâng cho ta một áo và dâng cho Ananda một áo.

Rồi Thế Tôn thuyết pháp cho Pukkusa. Sau khi được Đức Thế Tôn thuyết pháp, khích lệ làm cho phấn khởi, khiến tâm hoan hỷ, Pukkusa liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ Thế Tôn, thân phía hữu hướng về Thế Tôn rồi từ biệt.

Sau khi Pukkusa đi chưa bao lâu, Đại Đức Ananda đem cặp áo màu kim sắc, vàng chói đặt trên thân Thế Tôn. Và khi cặp áo nầy đặt trên thân Thế Tôn. màu sắc sáng chói của áo như bị lu mờ đi. Đại Đức Ananda bạch Thế Tôn:

- Bạch thế Tôn, thật là kỳ diệu, bạch Thế Tôn, thật là hy hữu, sự thanh tịnh và sáng chói màu da của Như Lai. Bạch Thế Tôn, khi con đặt trên thân Thế Tôn, cặp áo màu kim sắc vàng chói, màu sắc sáng chói của áo như bị lu mờ đi.

- Thật vậy, nầy Ananda, có hai trường hợp, màu da của Như Lai hết sức thanh tịnh và sáng chói. Thế nào là hai?

Nầy Ananda, trong đêm Như Lai chứng ngộ Vô thượng Chánh Đẳng Chánh Giác và trong đêm Như Lai sắp diệt độ Níp Bàn không còn dư y sanh tử. Nầy Ananda, đó là hai trường hợp, màu da của Như Lai hết sức thanh tịnh và sáng chói.

Nầy Ananda, khi canh cuối cùng đã mãn, tại Upavattana ở Kusinàrà, trong rừng Sàla của giòng họ Mallà, giữa hai cây Sàla Song thọ, Như Lai sẽ diệt độ. Nầy Ananda, chúng ta hãy đi đến sông Kakutthà.

Khi ấy, Thế Tôn nói với Đại Đức Ananda:

- Nầy Ananda, rất có thể có người làm cho thợ sắt Cunda hối hận: "Nầy Hiền giả Cunda, thật không lợi ích gì cho ngươi, thật là tai hại cho ngươi, vì Như Lai dùng bữa ăn cuối cùng từ ngươi cúng dường, và nhập diệt." Nầy Ananda, ông cần phải làm tiêu tan sự hối hận ấy của thợ sắt Cunda:

- Nầy Hiền giả, thật lợi ích cho bạn, thật là công đức cho bạn, vì được Như Lai dùng bữa ăn cuối cùng từ bạn cúng dường và viên tịch

- Nầy Hiền giả Cunda, tôi tự thân nghe, lời nói nầy của Thế Tôn: Có hai sự cúng dường vật thực đồng một quả phước như nhau, phước ấy lớn hơn, lợi ích lớn hơn các sự cúng dường vật thực khác, đó là:

. Bữa ăn trước khi Như Lai chứng Vô thượng Chánh Đẳng Chánh Giác.

. Bữa ăn trước khi Như lai diệt độ Níp Bàn .

Do sự cúng dường nầy, Cunda sẽ được hưởng tuổi thọ, sắc đẹp, an lạc, danh tiếng, cõi trời và uy quyền.

Rồi Thế Tôn thốt lời như sau:

"Công đức người bố thí,
Luôn luôn được tăng trưởng,
Trừ được tâm hận thù,
Không chất chứa, chế ngự,
Kẻ chí thiện từ bỏ,
Mọi ác hạnh bất thiện,
Diệt trừ tham, sân, si,
Tâm giải thoát thanh tịnh."

Rồi Thế Tôn, cùng với đại chúng Tỳ-khưu đi đến bên kia sông Hiraññavati, tại Kusinàrà Upavattana, rừng Sàlà, khi đi đến nơi, Đức Thế Tôn liền nói với Đại Đức Ananda:

- Nầy Ananda, hãy trải chỗ nằm, đầu hướng về phía Bắc giữa hai cây Sàlà Song thọ. Nầy Ananda, Ta nay mệt mỏi, muốn nằm nghĩ.

- Xin vâng, bạch Đức Thế Tôn.

Thế Tôn nằm xuống, về phía hông bên phải, như dáng nằm con sư tử, hai chân để lên nhau chánh niệm giác tỉnh.

Lúc bấy giờ, cây Sàlà Song thọ trổ hoa trái mùa, tràn đầy cành lá. Những đóa hoa nầy rơi lên gieo khắp và tung vải trên thân Như Lai để cúng dường Ngài. Những thiên hoa Mandàrava từ trên hư không rơi xuống, gieo khắp và tung vải trên thân Như Lai để cúng dường Ngài. Bột trời chiên đàn từ trên hư không rơi xuống, gieo khắp và tung vải trên thân Như Lai để cúng dường Ngài . Nhạc trời trên hư không trổi dậy để cúng dường Như Lai. Thiên ca trên hư không vang lên để cúng dường Ngài.

Rồi Như Lai nói với Đại Đức Ananda:

- Nầy Ananda, các cây Sàlà Song thọ trổ hoa trái mùa ... Thiên hoa Mandàrava từ trên hư không rơi xuống, bột trời chiên đàn, nhạc trời trên hư không trổi dậy, Thiên ca trên hư không vang lên để cúng dường Như Lai. Nhưng nầy Ananda, như vậy không phải kính trọng, tôn sùng, đảnh lễ, cúng dường Như Lai một cách cao thượng. Nầy Ananda, nếu có vị Tỳ-khưu, Tỳ-khưu ni, nam cư sĩ, nữ cư sĩ nào thành tựu chánh pháp và tùy pháp, sống chơn chánh trong chánh pháp, hành trì đúng chánh pháp, thời người ấy kính trọng, tôn sùng, đảnh lễ, cúng dường Như lai với sự cúng dường tối thượng. Do vậy, hãy thành tựu chánh pháp và tùy pháp, sống chơn chánh trong chánh pháp và hành trì đúng chánh pháp. Nầy các Tỳ-khưu, các ông hãy học tập như vậy.

Lúc bấy giờ, đại Đức Upavàna đứng trước mặt Thế Tôn và quạt cho Ngài. Thế Tôn quở trách và bảo: "Này Tỳ-khưu, hãy đứng sang một bên, chớ có đứng trước mặt Ta."

Đại Đức Ananda suy nghĩ: "Tôn Giả Upavàna nầy là thị giả sống gần và hầu cận Thế Tôn đã lâu ngày. Nay trong giờ cuối Thế Tôn lại quở trách Tôn giả Upavana!" Nghĩ thế, Đại Đức Ananda hỏi:

- Bạch Thế Tôn, do nhân gì, duyên gì, Thế Tôn lại quở trách Đại Đức Upavàna?

- Nầy Ananda, có rất đông các vị Thiên thần ở mười phương thế giới tụ hội để chiêm ngưỡng Như lai trong giờ phúc cuối, cho đến 12 do tuần xung quanh Kusinara rừng Sàlà, không có một chỗ nào trống dù nhỏ cho đến đầu một sợi tóc, đều đầy những vị thiên thần có uy lực tụ họp.

Nầy Ananda các vị thiên thần than phiền rằng: "Chúng ta từ xa, rất xa đến đây để chiêm ngưỡng Như lai trong giờ phút cuối, mà vị Tỳ-khưu có uy lực nầy lại đứng án mặt Thế Tôn, khiến chúng ta không thấy được Thế Tôn!"

- Bạch Đức Thế Tôn, Thế Tôn đang nghĩ đến hạng Chư Thiên nào?

- Nầy Ananda, có hạng Chư Thiên ở trên hư không, nhưng tâm tư còn thế tục, những vị nầy khóc than với đầu bù tóc rối, khóc than với cánh tay duổi cao, thân bổ nhoài dưới đất lăn lộn qua lại: "Thế Tôn diệt độ quá sớm, Thiện Thệ Níp bàn quá sớm, Pháp nhản biến mất quá sớm. "

- Nầy Ananda, có những hạng Chư Thiên đã diệt trừ ái, những vị nầy bình thản, tỉnh giác chịu đựng, với tâm suy tư: "Các hành là vô thường, làm sao có thể khác được."

Đại Đức bạch rằng:

- Bạch Thế Tôn, sau khi Thế Tôn diệt độ, chúng con xử sự kim thân của Thế Tôn thế nào?

- Nầy Ananda, xử sự thân của Chuyển Luân Vương thế nào thời thân của Như Lai xử sự cũng như thế ấy.

- Nầy Ananda, có bốn thánh tích cần phải chiêm ngưỡng, cần tôn kính:

1- Nơi Như Lai đản sanh.
2- Nơi Như lai chứng ngộ Vô thượng Đẳng Giác.
3- Nơi Như Lai Chuyễn pháp Luân vô thượng.
4- Nơi Như Lai diệt độ Níp bàn.

Những ai trong khi chiêm bái những thánh tích ấy, mà từ trần với tâm tính thành hoan hỷ, thì những người ấy sẽ được sanh cõi thiện, cảnh giới chư thiên.

Nầy Ananda, có bốn hạng người xứng đáng xây tháp:

1- Như Lai bậc A La Hán Chánh đẳng giác
2- Bậc Độc Giác Phật.
3- Đệ tử Thinh văn của Như Lai.
4- Vua Chuyễn Luân Vương.

Nầy Ananda, vì lý do gì, Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri đáng xây tháp, bậc Độc Giác Phật, đệ tử Thinh Văn của Như Lai, vua Chuyển Luân Vương xứng đáng xây Tháp? Vì những người nầy là những vị sống đúng Pháp, y cứ Pháp, tôn kính Pháp, lấy Pháp làm tràng phan, lấy Chánh pháp làm ngọn cờ, lấy Chánh Pháp làm tăng thượng. Do tâm hoan hỷ như vậy, khi từ trần được sanh lên cõi thiện, Thiên giới.

Thế Tôn nói như vậy xong, Đại Đức Ananda, đi vào trong tịnh thất đứng dựa cửa khóc: "Nay ta còn là người hữu học, còn phải tu tập, nay bậc Đạo Sư sắp diệt tịch ..."

Đức Phật cho gọi lại và nói:

- Thôi vừa rồi, nầy Ananda, chớ có buồn rầu, chớ có khóc than; nầy Ananda, có phải chăng, ta đã từng tuyên bố rằng mọi vật ưu ái, tốt đẹp đều phải sanh diệt và tử biệt?

Nầy Ananda, đã lâu ngày ông đối với Như lai, với thân nghiệp đầy lòng từ ái, an lạc, có một không hai. Vô lượng với khẩu nghiệp đầy lòng từ ái có một không hai. Vô lượng với ý nghiệp, đầy lòng từ ái có một không hai.

Nầy Ananda, ông đã tác thành công đức ấy, hãy cố gắng tinh tấn lên, ông sẽ chứng bậc vô lậu giải thoát không bao lâu.

Nầy Ananda, hãy đi vào Kusinàrà nói với dân Mallà rằng: "Đêm nay vào canh cuối Như Lai sẽ diệt độ, các ông hãy đi đến, để về sau không hối tiếc: "Thế Tôn diệt độ ở xứ chúng ta, mà chúng ta không được chiêm ngưỡng Như Lai."

Lúc ấy dân Mallà đang hội hợp ở giảng đường, khi nghe nói vậy, chúng đau khổ, sầu muộn, khóc than với đầu bù tóc rối, có kẽ khóc với cánh tay duổi cao, có kẽ khóc thân bổ nhoài dưới đất, lăn lộn qua lại: "Thế Tôn diệt độ quá sớm, Pháp nhãn biến mất ở trên đời quá sớm."

Rồi dân Malla cùng vớí vợ con buồn rầu đi đến rừng Sàlà.

Đại Đức Ananda suy xét: Nếu ta để dân Malla đảnh lễ Thế Tôn từng người một thì đêm sẽ tàn trước, vậy ta hãy đễ dân Malla đảnh lễ từng gia tộc. Suy xét như thế, Đại đức Ananda thưa rằng:

- Bạch Thế Tôn, gia tộc Malla nầy cùng với vợ con, đồ chúng, bạn bè đến cúi đầu đảnh lễ chân Thế Tôn!

Lúc ấy, du sĩ ngoại đạo Subhadda ở Kusinàrà được nghe:" Tối nay, vào canh cuối cùng Sa Môn Gotama sẽ diệt độ".

Rồi Subhadda đi đến khu rừng Sàlà đến chỗ Đại Đức Ananda và xin vào diện kiến Thế Tôn.

Đại Đức Ananđa từ chối:

- Thưa Hiền giả, Thế Tôn đang mệt!

Ngoại đạo Subhadda van xin đến lần thứ ba rằng: "Thưa hiền giả Ananda, tôi được nghe các du sĩ ngoại đạo cao niên lạp lớn, nói rằng: "Như Lai đã xuất hiện ra đời và đêm nay, vào canh cuối cùng, Như lai sẽ diệt tịch Níp Bàn. Nay tôi có nghi vấn nầy, tôi tin Sa Môn Gotama có thể thuyết pháp giải được nghi cho Tôi. Hiền giả hãy cho phép tôi được diện kiến Sa môn.

Đức Phật biết sự việc, ngài bảo Đại Đức Ananda hãy để cho Subhadda vào. Những gì Subhadda hỏi là để hiểu, chớ không phải hỏi để làm phiền Như Lai. Rồi Subhadda vào đảnh lễ Thế Tôn và thưa rằng: "Thưa Sa Môn Gotama, tôi có nghe các vị tổ sư, những du sĩ ngoại đạo là bậc cao niên lạp lớn, khai sáng giáo pháp, các vị ấy đã tuyên bố rằng đã đắc A La Hán, có vị sẽ đắc Alahán trong tương lai."

Đức Phật nói: "Nầy Subhadda, hãy để yên vấn đề nầy qua một bên, ta sẽ thuyết pháp cho ngươi, hãy nghe và suy nghiệm kỹ, ta sẽ giảng."

- Thưa vâng, bạch Thế Tôn!

Rồi Thế Tôn giảng về chánh pháp như sau:

- Nầy Subhadda, trong pháp và luật nào không có Đạo Tám Chánh, thì nơi đó không có đệ nhất Sa môn, không có đệ nhị Sa môn, đệ tam hay đệ tứ Sa môn.

- Nầy Subhadda, ngoài lãnh vực nầy không có đạo quả giải thoát, những hệ thống ngoại đạo khác đều trống không, không có những bậc Sa môn, thánh Đạo thánh Quả.

- Nầy Subhadda, nếu Tỳ Kheo nào sống chơn chánh, thì đời nầy không vắng bóng những vị A-La-Hán.

Sau khi nghe pháp, du sĩ ngoại đạo Subhadda bạch Thế Tôn: "Thật hy hữu thay, Bạch Thế Tôn! Thật vi diệu thay, bạch Thế Tôn. Như người dựng đứng lại những gì bị quăng ngã xuống, phơi bày ra những gì bị che kín, chỉ đường cho người bị lạc hướng, đem đèn sáng vào trong bóng tối để những ai có mắt có thể thấy sắc. Cũng vậy, Chánh pháp đã được Thế Tôn dùng nhiều phương tiện trình bày, giải thích. Bạch Thế Tôn, con xin quy y Thế Tôn, quy y Pháp và quy y Tỳ-khưu Tăng. Mong Thế Tôn chấp nhận cho con được xuất gia với Thế Tôn, con xin thọ đại giới.

Và du sĩ ngoại đạo Subhadda được thọ đại giới với Thế Tôn. Thọ đại giới không bao lâu, Đại Đức Subhadda ở một mình, an tịnh không phóng dật, tinh tấn, sống nhiệt tâm, cần mẫn. Và không bao lâu, Đại Đức Subhadda trở thành một vị A-La-Hán.

Lúc bấy giờ, Thế Tôn nói với Đại Đức Ananda:

- Nầy Ananda, nếu trong các ngươi có người nghĩ rằng: "Lời nói của Bậc Đạo Sư khônng còn nữa. Chúng ta không có Đạo Sư." Nầy Ananda, chớ có những tư tưởng như vậy, Pháp và Luật, Ta đã giảng dạy và trình bày, sau khi Ta diệt độ, chính Pháp và Luật ấy sẽ là Đạo Sư của các ông.

Và Thế Tôn nói với các vị Tỳ-khưu:

- Nầy các Tỳ-khưu, nay Ta khuyên dạy các ông "Các pháp hữu vi là vô thường, hãy tinh tấn, chớ có phóng dật." Đó là lời di huấn tối hậu của Như Lai.

Rồi Thế Tôn nhập định sơ thiền. Xuất sơ thiền, Ngài nhập nhị thiền. Xuất nhị thiền, Ngài nhập định tam thiền. Xuất tam thiền, Ngài nhập định tứ thiền. Xuất tứ thiền, Ngài nhập định Không vô biên xứ. Xuất không vô biên xứ, Ngài nhập định Thức vô biên xứ. Xuất Thức vô biên xứ, Ngài nhập định Vô sở hữu xứ. Xuất Vô sở hữu xứ, Ngài nhập định Phi tưởng phi phi tưởng xứ. Xuất phi tưởng phi phi tưởng xứ, Ngài nhập Diệt, thọ tưởng định.

Khi ấy, Đại Đức Ananda nói với Đại Đức Anuruddha:

- Thưa Tôn giả, Thế Tôn đã diệt độ?

- Nầy Hiền giả, Thế Tôn chưa diệt độ, Ngài mới nhập Diệt thọ tưởng định.

Rồi xuất Diệt thọ tưởng định, Ngài nhập Phi tưởng phi phi tưởng xứ. Xuất Phi tưởng phi phi tưởng xứ, Ngài nhập Vô sở hữu xứ định. Xuất Vô sở Hữu xứ, Ngài nhập Thức vô biên xứ định. Xuất Vô biên xứ, Ngài nhập Hư không vô biên xứ định. Xuất Hư không vô biên xứ, Ngài nhập định tứ thiền. Xuất tứ thiền, Ngài nhập định tam thiền. Xuất tam thiền, Ngài nhập định nhị thiền. Xuất nhị thiền, Ngài nhập định thiền. Rồi từ sơ thiền, Ngài nhập định tuần tự trở lên đến tứ thiền. Xuất tứ thiền, Ngài lập tức diệt độ Níp Bàn.

Thế Tôn vừa diệt độ, đại địa chấn động khủng khiếp, lông tóc dựng ngược, sấm trời vang động. Ngay khi Thế Tôn tịch diệt,

Phạm Thiên Sahampati, thốt lên bài kệ rằng:

"Chúng sanh ở trên đời,
từ bỏ thân ngũ uẩn.
Bậc Đạo Sư cũng vậy,
Đấng tuyệt luân trên đời.
Bậc Đại hùng Giác ngộ,
Như Lai đã diệt độ.

Khi Thế Tôn diệt độ, Thiên chủ Sakka, thốt lên bài kệ:

"Các hành là vô thường.
Có sanh phải có diệt,
Đã sanh chúng phải diệt
Nhiếp chúng là an lạc."

Khi Thế Tôn tịch diệt, Đại Đức Anuruddha, thốt lên bài kệ:

"Không phải thở ra vào.
Chính tâm trú chánh định
Không tham ái tịch tịnh
Tu sĩ hướng diệt độ
Chính tâm tịnh bất động
Nhẫn chịu mọi cảm thọ
Như đèn sáng bị tắt
Tâm giải thoát hoàn toàn."

Khi Như Lai Níp Bàn, Đại Đức Ananda, thốt lên bài kệ rằng:

"Thật kink khủng bàng hoàng,
Thật râu tóc dựng ngược
Khi Bậc toàn thiện năng
Bậc Giác ngộ nhập diệt."

Rồi Đại Đức Anuruddha và Đại Đức Ananda luận bàn về chánh pháp suốt đêm còn lại.

Dân Mallà ở Kusinàrà gom góp hương, tràng hoa, tất cả nhạc khí ở Kusinàrà và năm trăm cuộn vải đi đến Upavattana, tại rừng Sàlà, chỗ kim thân của Thế Tôn. Và họ tôn trọng, cung kính, đảnh lễ, cúng dường kim thân Thế Tôn như vậy suốt bảy ngày. Sau đó, tám vị tộc trưởng Mallà, gội đầu, mặc áo mới với ý định khiêng nỗi kim thân Thế Tôn ra ngoài thành phía nam để làm lễ hỏa thiêu, nhưng không thể khiêng nỗi.

Các vị ấy liền hỏi Đại Đức Anuruddha: "Bạch Tôn giả, do nhân duyên gì, chúng con không khiêng nỗi kim thân của Thế Tôn?"

- Nầy Vàssetthà, vì ý định của các ngươi khác, ý định của Chư Thiên khác.

- Thưa Tôn giả, ý định của Chư Thiên là gì?

- Này các Vàsetthà, ý định của Chư Thiên như sau: "Chúng ta đã tôn trọng, cung kính, đảnh lễ, cúng dường kim thân Như lai. Nay chúng ta hãy khiêng kim thân Thế Tôn về hướng bắc của thành. Sau khi khiêng qua cửa phía bắc, hãy khiêng qua trung tâm của thành, rồi hướng về phía đông, khiêng qua cửa phía đông. Sau khi khiêng qua cửa phía đông, chúng ta sẽ thiêu kim thân Thế Tôn tại chỗ ấy."

- Bạch Tôn giả, ý định của Chư Thiên thế nào, ý định của chúng con cũng như vậy.

Lúc ấy, khắp cả Kusinàrà không một chỗ trống, cho đến đống bụi, đống rác, được rải la liệt lên đến đầu gối toàn hoa Mandaràva. Rồi dân Mallà bạch Đại Dức Ananda: "Bạch Tôn giả Ananda, chúng con phải xử sự như thế nào đối với kim thân Như Lai?"

- Nầy các Vàssetthà, xử sự thân Chuyển Luân Vương như thế nào, hãy xử sự kim thân Như Lai như thế ấy!

- Thưa Tôn giả Ananda, xử sự thân Chuyển Luân Vương phải như thế nào?

- Nầy các Vàssetthà, Thân Chuyển Luân Vương được vấn tròn với vải mới. Sau đó vấn thêm vải gai bện. Sau khi vấn với vải gai bện, lại vấn thêm lớp vải mới và tiếp tục như vậy cho đến năm trăm lớp cả hai loại vải. Rồi thân được đặt trong một hòm dầu bằng sắt, hòm sắt nầy được đặt trong một hòm sắt khác đậy kín. Xong, một giàn hỏa gồm mọi loại hương được xây dựng lên. Thân vị Chuyển Luân Vương được đem thiêu trên giàn hỏa nầy; và tại ngã tư đường, tháp vị Chuyển Luân Vương được xây dụng lên. Nầy các Vàsetthà, đó là pháp táng thân của vị Chuyển Luân Vương.

Nầy các Vàsetthà, pháp táng thân của vị Chuyển Luân Vương như thế nào, pháp táng thân của Như Lai cũng như thế ấy. Tháp của Như Lai phải được dựng lên tại ngã ba đường. Và những ai đem đến tại chỗ ấy vòng hoa hay hương thơm đảnh lễ tháp hay khởi tâm hoan hỷ khi đứng trước tháp, thời những người ấy sẽ được những lợi ích hạnh phúc lâu dài ở nhân Thiên.

Lúc bấy giờ, bốn vị tộc trưởng gội đầu, mặc áo mới, với ý định châm lửa thiêu giàn hỏa Thế Tôn, nhưng lửa không cháy.

Các vị thưa với Đại Đức Anuruddha:

- Thưa Tôn giả, do nhân duyên gì, chúng con châm lửa không cháy?

- Nầy các Vàsetthà, ý định của các ngươi khác, ý định của Chư Thiên khác!

- Thưa Tôn giả, ý định của Chư Thiên như thế nào?

Đại Đức Anuruddha đáp:

- Đại Đức Kassapa nay đang đi giữa đường cùng với đại chúng Tỳ-khưu khoảng 500 vị. Giàn hỏa Thế Tôn chỉ được đốt cháy khi Đại Đức Mahà Kassapa cúi đầu đảnh lễ Thế Tôn.

- Thưa Tôn giả, ý định Chư Thiên thế nào, hãy làm y như vậy.

Rồi Đại đức Mahà Kassapa đến tại đền Makuta Bandhana của những vị Mallà tại giàn hỏa Thế Tôn, khi đến, liền choàng áo phía một bên vai, chấp tay, đi nhiễu phía bên tay phải xung quanh giàn hỏa ba lần, cởi mở chân ra và cúi đầu đảnh lễ chân Thế Tôn. Khi Đại Đức Mahà Kasssapa và 500 vị Tỳ-khưu đảnh lễ xong, giàn hỏa Thế Tôn tự bắt lửa cháy.

Khi thân Thế Tôn đã cháy, từ da ngoài cho đến da mỏng, thịt, dây gân và nước giữa các khớp xương, thảy đều cháy sạch không có tro, không có than, chỉ có xương xá lợi còn lại.

Khi thân Thế Tôn được thiêu cháy xong, một giòng nước từ hư không chảy xuống tưới tắt giàn hỏa, và một giòng nước từ cây Sàlà phun lên tưới tắt giàn hỏa Thế Tôn. Còn các người dân Mallà ở Kusinàrà dùng nước với mọi hương thơm tưới tắt giàn hỏa Thế Tôn.

Rồi các người dân Mallà đặt xá lợi Thế Tôn trong giảng đường, cung kính, đảnh lễ, cúng dường xá lợi Thế Tôn trong bảy ngày.

Hình bóng của Như Lai khuất dạng từ đây. Con đường hoằng pháp lợi sanh của Ngài trãi qua trong 45 năm. Cuộc đời hy sinh cao cả của Đức Thế Tôn, dù có dùng hàng vạn ngôn từ hoa mỹ để dẫn dụ cũng không thể nào diễn đạt cho hết ý nghĩa thâm sâu vi diệu trong các giáo lý hướng thượng và giải thoát.

Chúng ta nên thực hành theo lời di giáo của Ngài cho Tỳ-khưu, Tỳ-khưu Ni, nam nữ cư sĩ trước khi Ngài tịch diệt:

* Những ai sau khi ta tịch diệt, tự mình là ngọn đèn cho chính mình, tự mình là y tựa cho chính mình, không y tựa một thứ gì khác. Dùng Chánh pháp làm ngọn đèn, dùng Chánh pháp làm chỗ nương tựa, không nương tựa vào một gì khác. Những người ấy là những vị Tối thượng trong hàng Tỳ-khưu của Ta, nếu những vị ấy tha thiết học hỏi ...

* Nếu có vị Tỳ-khưu, Tỳ-khưu ni, nam cư sĩ, nữ cư sĩ nào thành tựu Chánh pháp và tùy pháp, sống chơn chánh trong Chánh pháp, hành trì đúng Chánh pháp, thời người ấy kính trọng, tôn sùng, đảnh lễ, cúng dường Như lai với sự cúng dường tối thượng. Do vậy, hãy thành tựu Chánh pháp và tùy pháp, sống chơn chánh trong Chánh pháp và hành trì đúng Chánh pháp. Nầy các Tỳ-khưu, các ông hãy học tập như vậy."

 

---o0o---

Nguồn: www.buddhanet.net/budsas

Trình bày: Nhị Tường

Cập nhật: 01-06-2005

 

Nguồn: www.quangduc.com

Về danh mục

Lễ tưởng niệm húy nhật Đức 僧人食飯的東西 大学生贫困证明 义云高世法哲言 ペット僧侶派遣 仙台 Trái tim bất tử Kỳ 4 Sự thật về 即刻往生西方 ä ƒäº ä Làm thức uống bổ dưỡng từ đậu nành 淨界法師書籍 ดวยอำนาจแหงพระพ 天计算器 长寿和尚 Cho sanh tâm vô trú biet song thi thanh tho Ð Ð Ð tÃƒÆ di 永代 墓 净空老法师临终遗言 tản mạn nghìn mắt nghìn tay 地风升 å æžœ рикна Thiền rửa chén chờ thần chết 禅诗精选 hạnh phúc và phước đức trong thiền 教师节的对联 净名言警句摘抄 牧牛 仏壇 お手入れ用品 观世音菩萨普门品 五痛五燒意思 biệt 弘一法师 华藏法门 người niệm phật chớ nên nghe nhiều hoÃ Æ Già 护法 ç ºä ç Ÿå æœ å œæ 念地藏圣号发愿怎么说 藥師琉璃光如來本願功德經 青瓷周传雄歌曲主要想表达什么 生日快乐 忏悔 Ngày ăn chay được ưu đãi 50 giá เทศนาหลวงพอธราชม