.
Pháp
Môn Tu Tắt
HT. Thích
Giác Nhiên
Kiếp con người sống gởi thác về. Ai cũng vậy.
Gọi là "sinh ký tử quy", Sống gởi thác về. Đời người là như vậy. Tất cả
mọi người đều như vậy. Đức Phật cũng vậy, phải đọa cái xác thân tứ đại giả
hợp này.
"Cuộc đời
có hợp không tan.
Thì đâu có sự bẽ bàng thế ni!
Cuộc đời có hợp không ly,
Thì đâu có nỗi sầu bi đoạn-trường!"
Thật như vậy! Tất cả mọi loài mọi vật đều phải thay đổi theo thời-gian,
biến dịch của vô-thường, là thành trụ hoại không, hay là sinh, trụ, dị,
diệt. Còn thây con người của chúng ta đây là sanh, lão, bệnh, tử. Tử chưa
phải là hết, mà chỉ thay đổi kiếp sống của con người thôi. Rồi sanh trở
lại, tử nữa. Tử rồi sanh nữa. Sanh tử trong bánh xe tam đồ, lục đạo, kiếp
này đời nọ, mãi mãi hoài hoài. Sự sanh tử nào có chi đâu khác lạ, cũng như
người tài-xế mà lái chiếc xe, chiếc xe tung hư, mục nát bỏ đi, nhưng người
tài-xế vẫn còn. Cũng như chiếc xe thầy, thầy lái đó, bữa nay là nó hư rồi,
có thể đem bỏ nó thành sắt vụn, nấu thành nước, đổ lại chiếc khác. Nhưng
mà thầy tài-xế vẫn còn. Qua đây thầy lái được tám chiếc xe hơi rồi, ở tại
Mỹ. Từ ngày qua Mỹ đến nay thầy lái được tám chiếc, tám lần thay đổi xe
hơi, nhưng ông Giác-nhiên vẫn còn sống nhăn; mà có thể thầy còn lái nhiều
chiếc nữa! Đó là nói ít đó, chớ có người, quý Phật-tử biết, qua đây một
ngày họ lái hai, ba chiếc xe hơi, thay đổi như vậy! Chiếc xe là vật vô-tri
vô-giác; sắc thể con người của mình tứ đại giả-hợp, vô-thường, cấu tạo rồi
tan rã; mà cần cái tâm linh của mình, cho nên tu là như vậy. Người đời
không biết, nghĩ tưởng rằng: "Dại gì tu, khổ quá; tu chi cho cực vậy! Nhứt
là qua cái xứ văn-minh vật-chất này, đầy dẫy tự-hưởng, sung sướng vô cùng,
là thần tiên tại thế, tu gì nữa! Tu là tại Việt-nam khổ sở, chiến-tranh
giặc-giã, vái trời lạy Phật, cầu khẩn thánh-thần, ráng lo tu! Chớ còn qua
bên đây sướng quá, còn lo tu gì nữa!" Nhưng thưa quý vị, không có sướng!
Thiệt, cũng có người thụ hưởng là sướng vậy! Nhưng mà có sướng với xác
thân vật-chất tạm-bợ, nó đâu có vĩnh-viễn? Và cái sướng đó, chỉ là an ủi
trong một chốc lát rồi thôi, mà sự đau khổ nhiều hơn. Bởi vì, cõi Ta-bà
mà, dầu xứ nào, quốc-gia nào, đất nước nào, dân-tộc nào may mắn, một xứ
nào đầy đủ vật chất, đời sống tiện-nghi, cũng như các xứ văn-minh Á,
Âu-châu hay là Mỹ-châu đây chẳng hạn. May mắn là được nhiều cái vật chất,
cơ-giới văn-minh, khoa-học kỹ-nghệ phát-triển mạnh, giúp đỡ cho con người
thụ-hưởng vật-chất một phần nào thôi. Nhưng vẫn là khổ đau chớ, là vì cõi
Ta-bà mà! Nên có câu nói rằng:
"Ta-bà khổ,
Ta-bà khổ!
Tịnh độ vui, Tịnh độ nhàn vui!
Sống trong trần tục lấp vùi
Một cười mười khóc, mà vui nỗi gì!"
Tuy nói vui, nhưng sự thiệt có một phần cười, mười phần khóc. Quý vị không
biết có chứng-kiến được trường-hợp đó không? Chớ thầy có đi cầu-siêu nhiều
đám và thầy có chứng-kiến được nhiều trường-hợp như vậy. Qua bên đây người
ta cũng khổ lắm nghen, tự vận chết cũng nhiều lắm đó! Quý vị biết có nhiều
gia đình ở Việt-nam đầm ấm hạnh-phúc hết sức mà qua bên đây tan nát đổ vỡ;
như hôm thầy đi thuyết-pháp ở tiểu-bang ... ông đó ổng giàu lắm, cơ-sở ổng
có thể giàu cả triệu bạc lận, mà ổng buồn ổng khóc, ổng than với người
bạn; bởi vì người bạn gia đình đầm ấm hạnh-phúc quá, con cái dạy dỗ nên
thân nên phận, học hành nên danh thành phận; còn ông ta có năm đứa con,
ổng giàu có cửa tiệm, hai ba cái, nhà, sự nghiệp ổng trên cả triệu đô-la,
nhưng ổng than, ổng nói rằng con ổng chết hết rồi (thiệt ra còn sống nhăn,
không có chết, nhưng mà chết rồi, là vì bây giờ con ổng tan nát hết), nó
theo bụi đời, hư hỏng hết, không học hành nên danh phận gì hết, và không
còn ở với ổng, nó đi lang thang khắp nơi. Ồng giàu như vậy, có tiền như
vậy để làm gì? Nếu ổng biết vậy, thì hồi đó ổng đâu có đi làm chi tạo ra
cơ nghiệp, tiền bạc thì có, cơ-sở thì có, tiệm tùng thì có, nhưng bây giờ
con ổng chết hết rồi (chưa có chết, còn sống, nhưng bây giờ nó hư hỏng hết
rồi). Cuộc đời nó tan nát, nó ghiền xì-ke ma túy, nó theo bụi đời, nó đi
ăn cướp ăn trộm; đứa thì tù tội, đứa thì trốn chui trốn nhũi. Nghĩ vậy,
dầu có tiền của nhiều như vậy, có gì hạnh-phúc đâu!
Đó
là lấy một thí dụ trong muôn ngàn triệu tỷ tỷ cái sự đau khổ của nhân-loại
trên mặt đất này. Vì vậy nên cõi thế-gian này được gọi là cõi Ta-bà, là bể
khổ. Chớ đừng tưởng rằng giàu có vật chất mà không khổ. Giàu có thì khổ
theo giàu có; nghèo hèn, tù-tội thì khổ theo nghèo tội, đê hèn; hạng bậc
nào cũng khổ!
Đừng nói chi, mình mang thân tứ đại này là khổ rồi! Sanh, già, đau, bệnh,
chết đủ thứ. Mấy cậu, mấy cô còn trẻ tuổi từ mười tám, hai mươi, ba mươi
tuổi trở lại, nghe thấy mạnh khỏe như voi, ăn uống ngon, làm cái gì cũng
thấy sung sướng, thụ-hưởng, thấy mình sống vậy là ngon lành há! Nhưng mà
thêm ít tuổi nữa đi, rồi thân hình tiều tụy, da nhăn, mặt nám, chân mỏi,
gối dùn, bệnh hoạn ốm đau. Nội hàm răng của mình, mà có người bị hàm răng
hành đau mà khổ, nghĩa là ăn uống không được, nhức cái răng chớ đừng nói
gì! Nội cái răng mình mà nó thay hai lần; là quý vị thấy nó khổ bực nào
không? Thầy đây nè, cái răng cấm của thầy, hồi đó giờ răng thầy cứng lắm,
răng thầy mà dây điện, thầy làm biếng lấy dao, thầy cắn nó đứt, nghiến nó
đứt, mạnh lắm; nhưng hồi quãng bốn chục tuổi, thầy mới thay răng, mà gọi
là mọc răng cấm - răng khôn đó - mà nó dại chớ không à! Nó hành mình đau
muốn chết mà khôn gì! Nó hành thầy đau đến nỗi thầy đi mổ nó ra, mổ nó đi
cho rồi! Nó không mọc lên lẹ; nó nhú lên chút xíu vầy, nhích một chút; lâu
lâu nóng trong người, nhích một chút, nó đau, nó sưng lên; nó hành mình
đau quá, thôi nhổ quăng quách đi cho rồi, để chi nó hành cho khổ! Ta gọi
là răng khôn đó, mà thầy đặt nó là răng dại, nó khôn thì nó đừng có đau
nhức người ta mới để nó yên thân chớ, đàng này nó đau nhức hoài; nhổ nó
quăng, còn gì nói là khôn! Thành ra khi nào quý bà con mọc răng dại là khổ
lắm, nó hành mình đau lắm. Rồi phải có một cái răng đó thôi sao! Cả hàm
răng băm hai cái, quý Phật-tử biết mỗi một cái nó đau nhức nó hành mình đủ
thứ; rồi hỏi ông vua ổng có khỏi nhức răng không? Mặc dù giàu sang phú
quý, ông thủ-tướng, ông bộ trưởng, thí dụ ổng có tiền bạc, vật chất đầy
đủ, nhà lầu, xe hơi, vợ đẹp, con khôn, rồi đó, nhưng mà hàm răng ổng đau,
có thể vợ con, tiền bạc thế chịu được không? Thành ra đừng nói chi, hạng
bậc nào hễ mang xác thân rồi thì phải khổ. Bởi thế cho nên đức Lão-tử,
ngài có nói rằng:
"Ngô hữu
đại hoạn vi ngô hữu thân
Nhược ngô vô thân hà hữu vi hoạn"
Nghĩa là "ta mắc cái hoạn lớn trên cõi đời này là vì có cái thân này, nếu
con người không có cái thân này, không có cái nạn khổ chi". Cho nên thân
này là một cái nạn khổ, nhưng mà chẳng những khổ cái thân sống hành hạ đau
rồi thôi, còn chết nữa là "tử biệt sanh ly" thật đúng như vậy.
"Phụ mẫu ân
thâm chung hữu biệt
Phu thê nghĩa trọng giả phân ly
Nhơn tình tựa thể đồng lâm túc
Đại hạn lai thời đáo tự phi"
Nghĩa là: "Hỡi ơi, cha mẹ ơn sâu rồi cũng có ngày cách biệt. Vợ chồng tuy
nghĩa nặng rồi cũng có lúc chia lìa. Nhơn tình tựa thể chim đang ngủ. Mạnh
sáng con nào nấy bay đi."
Đời là thế! Thế-gian là thế, chỉ có thế thôi! Chúng ta vì chưa ý thức giác
ngộ, sự vô-thường của cuộc đời tạm bợ giả tạm này, chúng ta nghĩ rằng sống
là phải thụ-hưởng, sống để lo tiền bạc vật chất, sống để lo tạo cơ sở,
sự-nghiệp cho con, cho cháu, cho chắt chít mình; nhưng chúng ta quên rằng
kiếp sống con người chỉ một hơi thở thật dài; ngắn ngủi lắm, nhanh chóng
lắm, và mau lẹ lắm!
Trong kinh Tứ thập nhị chương, có một đoạn Đức Phật hỏi các chú đồ đệ của
Ngài: "Đời người sống bao lâu, các con có biết không?" Có một vị tỳ-kheo
bạch rằng: "Bạch Đức Thế-tôn, đời người sống sáu mươi tuổi". Thường thường
nói sáu mươi tuổi, nói vậy chớ một trăm, người ta nói đời người trăm tuổi,
kêu là: "nhơn sanh bách tuế duy kỳ" tức là người ta sống trăm tuổi là
cùng! Nói một trăm, chớ thầy thấy có người thiệt sống một trăm hai mươi
tuổi; mà sống chi khổ quá, lẫn lộn, nhà có nắng rọi vô, tối ngày xách rổ
lượm hột vịt, lượm hột vịt bỏ vô rổ. Con cháu cho ăn cơm rồi trở lại hỏi:
"Ông ăn cơm chưa?" Nói: "Thôi, nó không cho tao ăn, nó bỏ đói tao cả ngày
vậy đó". Con cháu đã cho ăn, nhưng đã lẫn mà! Thành ra nói với bà con,
sống nhiều tuổi vậy có thích không? Cho nên, thường thường Tết, bà con về
Thăm, nói: "Chúc cho Hòa-thượng sống trăm tuổi, hai trăm tuổi!" Thầy nghe
nói, thầy giận lắm nghe! Muốn cho thầy khổ hả? Muốn cho thầy khổ cả trăm
năm hả? Sống chi sống nhiều khổ phải không? "Đa thọ đa nhục" mà! Nghĩa là
tuổi càng sống nhiều chừng nào, càng nhục nhã chừng ấy.
Quý Phật-tử nói thì nghe nó kỳ, mà nói thì bằng sự thật, thầy thì nói
thẳng, nói thiệt cho nghe chớ, nói toạt móng heo, chớ dấu diếm vòng vo chi
nữa! Già rồi, lẫn lộn. Ăn uống lều khều, dính tùm lum. Con cháu nhiều khi
nó lấy đồ nó che ở đi nữa, rồi ỉa trây, đái dầm. Ăn dơ ăn dáy. Thử hỏi
sống làm chi, nói tầm bậy tầm bạ, con cháu nó buồn nó giận. Thành ra cho
nên nói thiệt mà nghe, thầy thường nói từ sáu chục tuổi trở lên mà chết
thì phải rồi, được rồi. Thầy có biết rồi, nó nhức mỏi, nó ê ẩm, nó uể oải,
nó bần thần, nó dã dượi, không có sướng gì hết trơn trọi! Đó là nói thiệt
tình, vì vậy cho nên, thấy cái chết mình đừng có buồn. Cha mẹ già tuổi
chết rồi, có người bảy, tám chục tuổi chết còn tiếc. Tiếc làm chi? Chiếc
xe cũ rích nó hành hạ ông tài xế thấu trời. Thầy đây, có lần nó bỏ ở ngoài
Highway, quý Phật-tử có biết không, mình thì khổ sở đủ thứ, máy móc không
rành, đi đứng không biết làm sao, bỏ ở ngoài Highway ở ngoải, nó hư nó
"pan" đó thành ra khổ! Chiếc xe mà cũ rích thì nó hành hạ ông tài xế; thân
mình mà lớn rồi nó hành hạ tâm-hồn lắm. Cho nên già thì phải chết. "Sinh
ký tử qui" sống gởi thác về mà!
Vì
vậy cho nên già lớn tuổi thì chết, là bỏ cái xác thân không có gì đáng
tiếc. Nhưng có điều, sống đời biết tu hành hay không, biết đạo đức hay
không, biết tạo phúc đức hay không; vì con người ai cũng chết, nhưng chết
đem theo được có hai điều: tội và phước. Mà hễ tội thì đọa, phước thì được
siêu, gọi là: Thanh thăng trược giáng. Cũng như quý vị thấy đốt trên bàn
Phật những nén hương, khói nhẹ bay lên tro tàn rớt xuống. Con người mình
sống đời hung ác, ngang tàng, bất hiếu, bất nghĩa, bất lương, vô đạo, vong
ân chết rồi bị đọa xuống. Còn sống đời ăn hiền, ở lành, tu nhơn, tích đức,
hiếu thảo, hiền từ, ân nghĩa thì chết rồi, nhưng mà tâm hồn vẫn được siêu
thoát.
Thể xác vùi
sâu ba tất đất
Thanh danh lừng lẫy bốn phương trời
Mặc dầu, tuy thân chết là thay đổi, không có gì đáng tiếc hết, nhưng có
tiếc chăng là có biết tu hành hay không? Có biết đạo đức hay không? Con
người sống có ích lợi gì cho ai không? Mình có biết đền ơn cha mẹ sinh
thành dưỡng dục chín tháng cưu-mang, ba năm bồng ẵm, bú sữa sú cơm, công
lao cực khổ hay không? Hay sanh ra những đứa con ngỗ-nghịch, bất hiếu, làm
cha mẹ phải khổ đau, thì mình chỉ tiếc những đứa con không biết bổn phận,
không làm tròn nhiệm vụ! Sanh ra làm con người cũng vậy, đâu phải mình chỉ
thọ ơn cha mẹ không, mà còn ơn vua chúa, của quốc vương thủy-thổ, ơn của
tín chủ, bá-tánh, cư-gia, ơn thầy, nghĩa bạn, nói chung là chúng-sanh, ơn
đó vô cùng tận; và cái ơn ít có khi nghĩ tưởng - cái ơn lớn hơn ơn của cha
mẹ - là cái ơn của các loài thú vật đã hy-sinh thân mạng để nuôi mình.
Mình mà to tát thế này, ăn bao nhiêu chục tấn sinh-mạng, súc vật chết biết
bao nhiêu muôn ngàn triệu sinh-mạng mà nuôi mình. Nó đã hy sinh thân mạng
nó nuôi mình, mình nghĩ đến cái ơn đó lớn lắm, chớ không phải nhỏ đâu, mặc
dù mình biết hay không, chứ nó vẫn là cái ơn lớn, mà không phải một kiếp
một đời. Mình có đây là mình đã trải qua nhiều kiếp đời lắm lắm.
Cho nên mình thọ ơn chúng-sinh từ vô-thủy đến nay không thể nói cho cùng
tận được. Mình hôm nay mà biết khôn, biết đạo đức, biết thương người mến
vật, biết hiếu thảo đạo nghĩa, không phải là mới tiến-hóa một kiếp đâu, mà
mình tiến-hóa, đã trải qua nhiều kiếp đời lắm rồi. Hôm nay mình được thế
này là mình thọ ơn chúng-sinh quá sức nhiều; cho nên mình phải nghĩ rằng,
tất cả chúng-sinh là cha mẹ của mình. Nếu nghĩ như vậy, bao giờ mình lại
làm đau khổ chúng-sinh? Mình làm phiền lụy đến một chúng-sinh nào, mình
làm khổ nhọc một chúng-sinh nào đó tức là mình làm khổ nhọc ông bà cha mẹ
cửu-huyền thất-tổ của mình.
Thì bây giờ, mình phải tìm phương hóa độ, Nhưng mình không đủ tài năng đức
độ, không đủ cơ duyên, phương-tiện, bất cứ vị nào có đủ phương-tiện cơ
duyên hóa độ mình trợ duyên giúp sức, dầu ai độ được chúng-sinh nào mà
giác ngộ là quý vị nhổ được cái gai trong cõi đời. Cứu một linh-căn khỏi
trầm kha đắm đọa, vớt được một người là chính cửu-huyền thất-tổ, ông bà
cha mẹ của mình khỏi trầm trong biển sanh tử luân-hồi. Như vậy thì
bổn-phận con người phải hiếu thảo, mà muốn đạt hiếu thảo đó, thì bây giờ
phải làm thế nào? Làm thế nào để đền ơn sanh thành dưỡng dục của ông bà
cha mẹ cửu-huyền thất-tổ của mình, thì trong kinh Phật dạy rằng: "Hiếu
hạnh vi Phật hạnh", cái hạnh hiếu thảo là cái hạnh của người con Phật, mà
chính Đức Phật trọn đời của Ngài cũng là bậc chí hiếu mà. Nên có bài thơ
nói ràng:
Phật xưa
hiếu thảo kể Hằng-sa
Đến kiếp hiện nay cũng đậm đà
Đao-lợi vương cung về viếng mẹ
Ca-tỳ-la-vệ đến tìm cha
Khom lưng đảnh lễ đồi sương trắng
Đưa mặt cho hôn một mẫu già
Đến chết chim hoang còn bật mắt
Soi cùng hiếu tử mấy người qua!
Thật ra trọn đời Đức Phật là bậc chí hiếu. Thế thường người ta nghĩ rằng,
con đi tu bỏ cha mẹ là bất hiếu. Rồi có người lại nói rằng: "Thứ nhất là
tu tại gia, thứ nhì tu chợ, thứ ba tu chùa". Vậy là phải ở với cha mẹ. Nếu
người nào bỏ cha mẹ đi tu là bất hiếu. Rồi họ lại nói câu là: "Bất hiếu
hữu tam vô hậu vi đại." Là phải sanh con cháu nối dõi tông đường, nối
dòng, nối dõi mới là có hiếu, chớ còn không sinh con, mấy ông thầy tu, mấy
bà ni cô trường chay, cắt ái ly gia, có con có vợ gì mà báo hiếu! Cho nên
họ giảng giài, họ nói là bất hiếu. Thành ra người ta giải tầm bậy tầm bạ,
người ta không biết cái đạo, và không thấu được cái chân-lý. Mấy câu đó
người ta đặt ra, người ta nói vậy chớ mình phải hiểu cái lý của nó, nói
vậy cũng trúng nữa nhưng mà trúng trong trường-hợp nào? Họ giảng sai; họ
nói cách này, họ giảng cách khác thành ra trật. Bây giờ, thầy nói sơ cho
quý bà con nghe - có nhiều người biết chớ không phải là không - nhưng khi
nào quý bà con nghe người ta nói, mình nói lại cho người ta biết, chớ
nhiều khi người ta hiểu lầm. Nếu nói bỏ cha mẹ đi tu là bất-hiếu thì
Sĩ-đạt-ta làm sao thành đạt, thành Phật, thành Phật tổ, thành Phật
Như-lai? Rồi nói Phật đã sanh được La-hầu-la rồi Phật mới đi tu, thì cũng
có La-hầu-la nối dòng; cho nên Phật đi tu bởi vậy không bất-hiếu, chớ ổng
còn trẻ đi tu là ổng bất-hiếu, thì sanh La-hầu-la mới chín tuổi, Phật cũng
đưa đi tu, cũng thành tổ nữa! Như vậy thì không phải rồi! Như vậy, đi tu
là bậc đại-hiếu, là bậc toàn-hiếu, chứ không phải đại-hiếu nữa.
Bây giờ, Thầy phân-tích ra để quý bà con nghe này: Cái hiếu nó có nhiều
bậc, cũng như học nó có nhiều lớp, từ tiểu-học, trung-học, đại-học, cao
học, toàn học. Cái hiếu nó cũng vậy, tiểu-học là sơ sơ, cũng như bây giờ
người ta lo cho gia đình vậy, lo cho cha mẹ anh em phụng dưỡng thế nào đó
suốt cả cuộc đời của mình, dù là lóc thịt mà nuôi cha mẹ. thí dụ ở đó suốt
đời mà nuôi cha mẹ thì đó cũng là tiểu-hiếu mà thôi. Cái hiếu nhỏ, hiếu
của gia đình bé tí tẻo teo, cỏn con, chật hẹp. Hiếu đó không gọi là hiếu
lớn được. Người nào mà lo cho xã-hội, lo cho việc xây dựng một đất nước
được thịnh-vượng, phú cường, một dân-tộc được giàu mạnh, cả mọi người được
thụ-hưởng an lành, trong đó có gia đình của mình; đó là bậc trung-hiếụ Tại
sao vậy? Người ta thường gọi là trung quân ái quốc, hiếu thảo cha mẹ mình
là lo cho việc đất nước, quốc gia xã hội mình, mà cả gia đình mình cũng
thụ-hưởng an lành, hạnh phúc an vui, đó là bậc trung-hiếu. Hiếu lớn hơn
nữa là lo cho loài người, như các tổ chức Liên-hiệp-quốc chẳng hạn, chẳng
những lo cho một đất nước quốc gia của mình, mà làm sao đem lại sự công
bằng, sự hạnh-phúc yên vui cho tất cả toàn dân trên thế giới, mọi người
trên trái đất này. Những người nào mà lo cho cả loài người được rộng rãi
như các bậc Bồ-tát vậy, các bậc đó được gọi là Bồ-tát đó, là lợi tha,
không những riêng cho dân-tộc của mình, không bênh vực cho một dân-tộc của
mình, không xây dựng đào tạo an vui cho chỉ một đất nước mình, mà lo cả
cho nhân-loại, cả loài người, lo chung cho tất cả mọi người trên thế-gian
này, bậc đó gọi là bậc đại-hiếu. Cũng như Mục-kiền-liên hồi xưa gọi là
đại-hiếu Mục-kiền-liên.
Nhưng mà Phật, Bồ-tát là lo hơn nữa, không những lo cho loài người quý vị
thấy; như cường-quốc, các đất nước mạnh giàu mặc dù họ lo cho đầu này, đầu
nọ, đầu kia, chứ thật ra là họ phải nghĩ đến quyền-lợi đất nước, dân-tộc
họ; họ tốt nhưng mà họ cũng có cái lợi, chứ không phải là hy-sinh trọn
vẹn, như là Phật hay là Bồ-tát, mà còn lo cho cả chúng-sanh (chúng-sanh là
gồm cả bốn loại: noãn-sinh, thấp-sanh, hóa-sinh, và thai-sinh). Noãn-sinh
là loài đẻ trứng, thấp-sinh là loài ẩm ướt, hóa-sinh là loài tiến-hóa,
thai-sinh là loài sinh con, do bào-thai rồi sinh ra con. Cho nên Phật là
toàn-hiếu, cao hơn đại-hiếu, gồm chung tất cả. Vì mình lo cho loài người,
đã đành cũng tốt vậy, nhưng mà biết đâu ông bà cha mẹ mình vì thương con,
thương cháu, lắm khi làm điều tội ác, ăn cướp, ăn trộm, gian tham, đĩ
điếm, trà đàng, tửu điếm v.v... rồi bị oan nghiệt chết đi, tụt xuống làm
thú vật không chừng nữa, bây giờ mình thương loài người, mình giúp đỡ loài
người, nhưng các loài súc vật kia, nhiều khi làm chúng-sinh trong cõi
ta-bà, sanh đi lộn lại nhiều kiếp đời mà nhiều khi bị đoạ xuống làm thú
vật nữa. Các loài thú vật tiến lên làm loài người cũng có, mà loài người
ác quá, tội lỗi quá, đọa xuống cũng có, bởi vì theo sự tiến-hóa,
chúng-sanh nhân-loại trong hoàn-vũ gồm mười ba đẳng cấp, thấp nhất là
địa-ngục, ngạ-quỷ, súc-sinh, a-tu-la, tiến lên nhơn, trên người còn nữa là
bậc Thiên, thực ra trên là thiện dưới là ác, có nghĩa là trời là bậc Thiện
lành. Người giữ có năm giới, không sát sanh, trộn cướp, tàđâm, rược chè,
nói dối, nhưng bậc trời phải giữ mười điều lành, đó là: không khoe khoang,
đâm thọc, rủa chửi, không tham lam, sân giận, si mê, không trộm cướp tà
dâm, không sát sanh, không nói dối.
Thân
không sát sinh trộm cắp tà dâm
Miệng không nói dối, đâm thọc, khoe khoang, chửi rủa
không tham
lam, sân-giận, si mê
Bậc trời phải giữ mười điều, gọi là thập-thiện.
Vì
vậy cho nên bậc trời là: Tu đà hườn, Tu đà hàm, A-na-hàm, A-la-hán,
Bích-chi-Phật, Bồ-tát, quả diệt Như-lai tức là Phật-tổ. Loài người ở hạng
thứ năm. Thứ năm mình còn tụt xuống, tụt lên, vì vậy Thầy có viết bài thơ
năm 1960, nhân lễ Phật đản như thế này:
"Ơn Phật lớn lao chẳng nghĩ lường
Cũng vì bác ái với tình thương
Xả thân tuổi trẻ tầm chân-lý
Cầu đạo chẳng màng bậc đế-vương
Vợ đẹp con yêu đành gác lại
Cha già mẹ yếu đoạn tình thương
Nguyện tu đắc quả tròn ngôi vị
Cứu độ quần sanh khỏi lạc đường"
"Cứu độ quần sanh khỏi lạc đường" là gì? Là bởi vì sáu đường lục đạo là:
địa-ngục đạo, ngạ-quỷ đạo, súc-sanh đạo, a-tu-la đạo, nhơnđạo, thiênđạọ
Sáu đường này cứ luân chuyển hoài.
Kiếp con người sanh ra rồi lớn, rồi già.
Rồi đau rồi chết lìa qua một đời.
Rồi theo nghiệp luân hồi trở lại.
Cũng sanh lên cũng mãi tấn tuồng
Bánh xe cứ mãi quay cuồng
Sanh già bệnh chết theo nguồn chuyển xoay
Sanh lên chết xuống, kiếp này đời nọ, khi làm ông làm cha, làm chồng, làm
con, làm cháu, làm vua, làm quan giàu sanh phú quý, nghèo hèn, tù tội ăn
mày... Cứ luân chuyển làm sao cho hết tùy cái nghiệp, kiếp này làm phước,
đời sau hưởng phước, kiếp này làm tội đời sau phải đọa xuống nữa. Thành ra
cứ quanh quẩn trong sáu đường này, mà thoát ra không được, gọi là lục đạo.
Mà lục đạo ảnh hưởng của tam đồ. Tam đồ là: Đao đồ, thủy đồ, hỏa đồ. Đao
đồ là chết vì gươm dao, đao búa, thịt này đụng vô là chết. Thủy đồ là chết
vì nước ngập lụt, trôi, chìm nổi, mình ngó vậy mà đem nhận nước chết queo.
Hỏa đồ là lửa đốt, chiên, kho, xào, nấu, luộc, mình mà đút vô lủa cũng
cháy tiêu nữa. Thành ra trong lục đạo phải chịu ảnh hưởng của tam đồ, nó
có sự liên-quan như vậy. Chúng-sinh ở trong lục đạo tam đồ khổ hoài. Đức
Phật, Ngài chỉ con đường siêu-thoát hơn là Phật đạo, nghĩa là ra khỏi lục
đạo, cho nên: Cứu độ quần sanh khỏi lạc đường. Ngài hy sinh cuộc đời của
Ngài. Ngài tu thành đạo đắc quả rồi, Ngài đem ánh sáng từ bi rọi khắp
chúng sanh, nhân loại để cứu vãn chúng sanh thức tỉnh thoát khỏi vòng lục
đạo tam dồ này, cho nên ơn Phật rất là lớn lao vô cùng vô tận.
Bây giờ chúng ta muốn thoát khỏi lục đạo, tam đồ thì phải làm sao tu lên
thiên đạo. Cho nên là người, chưa đủ đâu. mà nhiều khi chúng ta là người
mà chưa đúng là người nữa. Đâu phải sanh ra con người là người rồi! Quý vị
có thấy lắm kẻ mang thân con người mà lòng lang dạ thú, hung dữ, ngang
tàng như beo như cọp, chửi cha mắng mẹ, giết chóc người này, người nọ,
người kia, làm những điều tàn nhẫn, ác độc, tôi nói xin lỗi chớ mang thân
con người chớ làm đâu phải là người; chứ xác thân nào cũng "đất nước lửa
gió" cấu tạo thôi. Dầu thân con người chứ thân con vật, sự thật mà con
người khòm xuống mà bò bốn chân, đừng có ăn mặc, còn thua con thú nữa, Con
thú còn có lông lá che đậy kín đáo, chứ con người tồi tệ hơn nữa. Nhưng
con người khác hơn con thú là đầu trên chân dưới, chứ không phải bò như
thú vật đi ngang hàng với nhau, Vì vậy cho nên người là nhơn. "Tả phúc vi
chơn, hữu vệ vi chánh, thường hành chánh chơn; cốt viết vi nhơn"; người là
toàn chơn với thánh với thiện, với mỹ mới gọi là người. Chứ không phải
mang thân con người, xác thân loài người, là người đâu; mà người là phải
thiện lành, phải giữ lòng nhơn đức, nhân ái nhân từ, nhân đạo, nhân nghĩa.
Chữ "nhân" là vậy đó mà.
Cõi thiên là thiện lành. Cao hơn người, phải giữ thập thiện lận, lo điều
lành, người giữ mới có năm giới là lòng nhân không sát sanh thôi. Vì vậy
cho nên trên nhân là phải thiên. Bây giờ chúng ta phải giữ điều lành thêm
nữa. Không phải mình thương cha thương mẹ, thương anh, thương em, là đủ
đâu. Đã đành, người biết thương cha mẹ anh em vợ con là tốt lắm. Có nhiều
người, cha mẹ mà không thương, chính có nhiều bà bị con đuổi đến chùa khóc
đây nè. Con lãnh qua, bây giờ nó không thèm nuôi, nó đuổi! Quý vị nghĩ coi
- mặc dù nói nó đụng chạm nặng nề thiệt - nhưng nó còn thua loài súc vật
vậy! Nhiều con thú, mà quý vị biết không, nó có hiếu lắm đó, chẳng hạn như
con quạ, quý vị thấy không con quạ con tại sao nó gắp mồi nuôi con quạ
lớn; nuôi quạ nhỏ thôi chớ sao con nuôi quạ lớn, kỳ vậy? Mặc dù tuy con
quạ nó đen thui đen thủi, mà nó còn có hiếu, khi con quạ đẻ ra nuôi lớn,
gắp mồi nuôi quạ con lớn rồi, chừng đó quạ con kiếm mồi nuôi quạ mẹ, đền
ơn lại sáu tháng. Từ đó mạnh con nào kiếm tìm ăn sống. Tại sao loài người
chúng ta không thương mến mẹ; người ta muốn cầu có cha mẹ hết sức mà cầu
không ra, bây giờ cha mẹ còn sống lại hất hủi, đuổi xô?
Còn có người cha mẹ muốn tu cũng không cho, đi chùa còn cản đản nữa. Rồi
có người được thầy nói pháp, bả nghe, bả nói: "Trời ơi, thầy nói vậy chết
con rồi! Từ khi má con qua đây mấy tháng đỡ hết sức, thầy ơi, con mướn hai
ba người cũng không bằng nữa! Ở giữ con, nấu cơm, giặt đồ, lau nhà, lo đủ
thứ hết!" Thành ra bả mừng quá bả nói "thiệt mướn hai, ba người không bằng
nữa!" Nghe thiệt tội nghiệp! Tưởng đâu rước mẹ qua đây để nuôi nấng, đền
ơn, báo hiếu nghĩa sinh thành; ngờ đâu rước mẹ qua đây để giữ nhà, chăm
sóc mấy đứa nhỏ, để khỏi mướn người trông trẻ. Vậy hỏi bà ấy mừng là mừng
làm sao? Thầy mới nói với bà ấy như vầy: "Bổn phận cha mẹ sinh con ra là
phải nuôi, bởi vì mình tạo ra, mình không nuôi là mình có tội với nó; ai
biểu mình tạo ra nó làm chi? Tạo ra là phải nuôi, phải dạy dỗ cho nên
người, làm sao nó được ích nước lợi dân, làm sao cho con người của nó được
lợi cho xã-hội, có lợi cho nhân loài, dầu không lợi cho ai thì nó đừng làm
hại cho ai!" Không lợi cho ai cũng được, nhưng đừng làm hại cho ai cũng
tốt; chứ để nó làm hại cho ai thì cha mẹ cũng đắc tội, là bởi vì: "Giáo
bất nghiêm sư chi đọa. Tử bất giáo phụ chi hóa". Con không dạy, lỗi tại
cha mẹ. Trò không dạy là lỗi tại ông thầy. Bổn-phận thầy là phải dạy trò.
Bổn-phận cha mẹ phải dạy con cháụ Nhưng mà dạy nó không nghe, chừng đó mới
là bổn-phận nó, gọi là: "Giáo bất thính tội ư nhơn". Dạy không nghe đó là
mình hết bổn phận rồi; chớ mình sanh ra là phải dạy nó, chớ không phải
sanh ra là nuôi nó mà thôị Nhưng mà bây giờ sanh ra nuôi nó, bây giờ phải
nuôi con nó nữa. Phải là một chuyện đáng tội không?
Cho nên thầy nói ra thì nó đụng chạm, phiền hà người ta thật. Thầy khuyên
tất cả quý bà con có gặp ai như vậy nói dùm thầy, một mình thầy nói không
ra đặng mênh mông bao la đâu. "Đừng bao giờ bắt cha mẹ nuôi con mình, đừng
bao giờ làm những chuyện đó!" Cha mẹ nuôi mình ơn như trời như biển mà
mình không nuôi lại được, bây giờ lại bắt nuôi con mình nữa, bậy quá chừng
quá đổi rồi! Thầy nói, quý bà con nghĩ thầy nói có đúng không? Mình chưa
mang cái thai nghén, mang chín tháng đi ột ệt muốn chết vậy đó. Thầy hôm
trước cổ thầy nó đau, có ông bác sĩ đưa thầy cái niệt mang về chút xíu vậy
thôi, cái băng thôi mà thầy còn thấy khó chịu vô cùng vô tận, mà quý vị
Phật-tử mang thai như vầy chín tháng đi ột ệt, đi không dám đi, chạy không
dám chạy nữa, nhảy không dám nhảy, leo trèo không dám leo trèo, hỏi như
vậy có là khổ hay không? Tới chừng sanh ra nó nghen, thấy đau đớn lắm,
không thể tưởng tượng. Sanh ra đó người ta nói "bấm cây cột mềm như
chuối!" Cột mềm sao được mà mềm? Nhưng vì đau quá, đau không thể tưởng
tượng, cho nên lúc đó bấm cây cột người ta có cảm tưởng mềm như cây chuối!
Nhưng mà nó đau quá sức đau. Lúc mà sanh tưởng như rồi sao? Có nhiều khi
đứa con ngỗ nghịch không chịu chun ra, còn nằm ngang, nằm dọc phải mổ bụng
nữa chớ; quý bà con thấy có nguy hiểm không?
Rồi bây giờ mình lớn tuổi, sanh con ra nuôi lớn lên, có nhiều đứa bệnh
hoạn hoài, nó lớn đến đâu tiền tới đó, rồi đêm đến nó đau phải vác trên
vai ù ơ ú ợ... đi cả đêm, khổ vậy! Nhiều khi nó sổ mũi, hỉ không được, có
người kê cái miệng nút cái chụt phun ra ngoàị Bây giờ mình lớn rồi, có ai
dám nút mũi của ba má mình không? Ớn quá há! Ớn quá số kể! Nói thiệt cho
nghe chớ thầy cũng chưa làm được nữa! Thầy biết nói nhưng sự thực thầy làm
chưa được. Bà cụ, thân mẫu thầy đó, mặc áo vàng chắp tay đứng đó, bà ăn
chay bà tu, cho nên thầy có phước nhờ bả tu cho nên thầy mới tu; con nhờ
đức cha mẹ. Nhưng mà sự thật thầy nghĩ ràng bả còn sống thực sự mà bả
nghẹt mũi thầy cũng cam chịu, nhờ tín đồ kêu bác sĩ, chớ thầy không dám
nút mũi nữa. Thầy nói chính thầy hiếu dữ lắm nghe, mà thầy thấy thầy làm
chắc cũng chưa được. Quý bà con chắc cũng chưa ai làm được việc đó. Nhưng
mà cha mẹ, bất cứ cha mẹ nào, cũng làm điều đó được hết! Thí dụ thầy không
tu, thầy ở ngoài đời, thầy có vợ con, chác con thầy thầy cũng làm được
nữa, thầy mút ra cũng được nữa, không gớm; tại sao kỳ vậy, không biết nữa!
Cho nên người ta nói "nước chảy xuôi" là vậy đó, nó không chảy ngược. Con
mình làm sao mình thương quá, ai cũng vậy, quý vị thấy không?
Đến đổi hồi xưa ông Húc Trang Quân lúc ổng còn làm thừa tướng, một hôm ổng
đi săn, ổng cầm cây tên bắn mục đích bắn con khỉ mẹ chết để bắt khỉ con,
khi ổng giương tên bắn con khỉ mẹ, bị tên độc, khỉ mẹ hét lên rồi, thì con
khỉ đực là cha nó chạy lại, nó rứt con nó, nó giao cho chồng nó, rồi nó
giẫy xuống chết. Quý vị có thấy không, con thú mà nó thương con nó như
vậy, nó có lòng thương con nó như vậy, thì tại sao con người lại bỏ con
giữa chợ, hay là hành hạ con, giết chóc con. Nói xin lỗi, thua con khỉ
rồi! Rồi con khỉ con nó cũng đáp lại tình mẹ nó cũng xứng đáng, khi đó ông
Quân mới muốn bắt khỉ con, ổng làm sao? Ồng lấy cây roi. Con khỉ đực tha
con nó một đổi xa, nó ngó chừng coi vợ nó làm sao - con thú mà nó khôn vậy
- thì khi nó nhìn thấy vợ nó ngã xuống chết rồi, ông Quân bèn cầm cây roi
đánh vô khỉ mẹ thật đau, trót trót vậy. Con khỉ đực thấy thương quá, bồng
con chạy lại gần coi, con khỉ con thấy mẹ bị đánh như vậy, nó tội nghiệp,
nó thương mẹ quá đi, nó buông cha nó ra nó nhào lại ôm xác mẹ nó; ông chụp
vô kịp thì nó giẫy nó chết. Ông thấy chuyện quái lạ vậy, sẵn gươm cầm tay,
ông bèn mổ bụng khỉ con coi thế nào và tại sao nó chết như vậy, thì than
ôi ruột con khỉ con đứt ra từng đoạn mà chết.
Thương mẹ mà đứt ruột như vậy, thật là đáng một đứa con hiếu thảo! Con khỉ
mẹ thương con, rứt con ra giao cho chồng rồi giẫy chết, thật là bà mẹ đáng
là mẹ hiền! Con khỉ con ôm mẹ đứt ruột mà chết, thật là đáng một đứa con
hiếu thảo! Tuy nó là khỉ nhưng nó đáng cho mình kính trọng nó, noi gương
nó; hình tướng nó là khỉ, tâm-hồn nó rất cao-thượng, là tâm-hồn người hiếu
thảo, chớ không phải tầm thường. Con quạ đen thui, thú vật, mà sao thương
cha mẹ, hiếu thảo vô cùng! Con khỉ là thú vật mà tại sao thương mẹ, thương
con như vậy? Loài người chúng ta lại thua nó ư? Loài người chúng ta là
thông minh, là sáng suốt, là trời Phật. Trời Phật có khác gì chúng ta đâu?
Chúng ta còn là phàm nhân tục tử, là chúng-sanh, nhưng khi chúng ta lìa xa
cái phàm nhân tục tử, giác-ngộ là Phật chứ gì? Bởi vì Phật với ma, với
chúng-sinh có khác gì, chỉ là chỗ mê giác thôi. Cho nên có thơ như thế
này:
"Ma ma, Phật Phật chính do ta
Ma Phật khác nhau chỗ chánh tà
Giác Phật, mê là ma đó vậy
Chân như là Phật, vọng là ma!"
Vậy, Phật ma là do chính mình chứ có ai đâu? Mình cũng Phật, mình cũng là
ma. Hễ:
"Tâm thanh tịnh đó là tâm Phật,
Tâm buông lung vọng niệm là ma!
Chơn tâm là Phật đó mà,
Vọng tâm là quỷ hiện ra tại lòng!"
Thì bây giờ mình giữ tâm mình trong sạch, thanh-tịnh là Phật, tiên, thánh,
hiền chớ gì đâụ Còn tâm mình đảo điên phiền não, tội lỗi thì ma chứ gì
đâu! Vậy thì ma quỷ, Phật, tiên, thánh hiền cũng chính mình chớ có ai đâu.
Hổng phải thành Phật là có ai ra giúp hoặc gì nữa đâụ Ông Phật, mình thấy
tướng mạo quang-minh hiền từ đạo đức ôn hòa nhã nhặn, bác ái từ bi, thương
người mến vật, cho nên từ cái tâm tốt nó hiện ra tướng tốt. Gọi là:
Hữu ư tâm xuất trình đối diện
Hữu tâm vô tướng, tướng tự tâm sanh
Hữu tướng vô tâm tướng tùng tâm diệt
Bởi vì tâm Phật tốt cho nên tướng hiện ra lúc nào cũng tốt. Còn ma, mình
nghe nói ma là mình đã sợ rồi là bởi vì tâm xấu cho nên hiện ra tướng xấu.
Quý bà con lâu nay nói đẹp như tiên không? Người nào tướng tốt lịch sự
quá, nói là "Trời ơi, bà đẹp như là tiên hà! Cô đẹp như tiên, chú đẹp như
tiên hà!" Tại sao lại tiên đẹp? Có ai nói xấu như tiên không? Tiên đâu có
xấu được, mà sao tiên đẹp? Tu thành tiên cũng khó lắm nghen. Cũng giữ giới
đức đạo hạnh nhiều. Hồi trước thầy cũng có tu tiên, thầy có luyện giữ lắm
mà ở trên núi, thầy luyện nhiều, và tu tiên cũng khó lắm. Tu tiên phải:
Thất bá nhật thất linh cơ. Rồi phải đi bá nhật, thất nhật. Rồi đi tam
nương. Đi cửu niên vĩnh đức, khổ lắm, tu tiên khó lắm. Thầy có viết bài
thơ hồi thầy tu trên núi:
"Sự thế mặc người, ta cứ tu
Lục căn đóng lại bản êm ru thầm tịnh tọa công phu mãi
Lủi thủi trong am tựa ở tù!"
Lúc đó tịnh thất như ở tù vậy, nhưng mà khác nhau:
"Tù thế, tù tu cũng gọi tù
Tù tu tu tịnh mãi công phu
Tù vô tư lự nên thường trú
Tù chẳng tham cầu: đấng trượng phu!"
Tù
đó là tù thiệt, tự mình nhốt mình. Cũng như ở tù chớ gì. Nhưng tù đó nó
thong dong lắm.
"Phu chồng, phụ vợ mối oan khiên
Tù ở thế-gian tội nhãn-tiền
Tù nghiệp dấy ra, ta khó gỡ
Tù này muôn thuở chẳng ngồi yên!"
Đó
là vợ chồng keo kết nhau như là ở tù vậy!
"Yên tâm, tịnh thánh bởi tu thiền
Tam bửu điều hòa giữa hạo nhiên
Khí phách thần hồn dồn một mối
Trọn ngày chí tối giữ căn nguyên
Nguyên lai bổn thể tại có thiền
Tam bửu điền hòa hoán nghiệp duyên
Bất chấp bất tri vô lý sự
Phi lai phi cứu chưởng thành tiên
Tiên Phật giai do tự tánh mình
Thánh phàm danh vọng bởi tham sinh
Tâm ma dạ dạ ma ma thịnh
Tâm Phật như như huệ huệ minh
Minh quang lại tốn vĩnh trường tồn
Khai chiếu kê hoàn cửa đại môn
Thong thả ra vào nào có huệ
Về chầu thượng giái, bái thiên tôn
Tôn Phật thánh tiên đến trọn lành
Đạo vàng khai hóa độ nhơn sanh
Thoát vòng lục đạo, tam đồ khổ
Chưởng phước tăng duyên đạo chóng thành
Thành pháp tác tiên bởi chỗ tu
Muốn tu ra khỏi thế-gian tù
Cần nên đóng cửa trong ngoài kín
Sự thế mặc người ta cứ tu!"
Thầy đã viết chín bài "cửu liên hoàn" như trên đó. Thầy nói để Phật-tử
nghe, bây giờ nói xin lỗi, người ta nói tu là xuất hồn này hồn nọ, cái đó
thầy biết rành lắm. thầy hồi đó thầy có quyền xuất sư mà. Thầy dạy một lần
tu ba mươi mấy bốn chục vị nhập thất lận mà. Nhưng mà tu chừng nào tu phải
luyện có tấm thai, thiệt khó chớ không phải không, rồi công phu trời ơi mà
xuất hồn ta đó năm mười năm, hai ba chục năm chớ không phải tu năm, ba
ngày, năm, mười ngày mà "xuất" đâu. Cái đó là ước vọng của người tu, chớ
"xuất" gì nổi! Bây giờ vô tu năm ba tháng chỉ cách xuất hồn thì coi chừng
ma nhập vô đó. Đi đó là đạo chết, nguy hiểm vô cùng.
Muốn tu Phật cũng tốt vậy. Tu Phật gọi là "giới, định, huệ". Tu tiên là
làm sao giữ gìn tam-bảo "tinh, khí, thần", đúng theo tiên là tiên, đúng
theo Phật là Phật. Mà tiên Phật nói vậy, tuy hai phương pháp nhưng nó
giống tợ như nhau. Về cái chỗ tu rốt ráo nó cũng giống nhau, chớ không có
gì khác. Nhưng mà tiên thì theo Lảo-tử, Phật thì theo Đức Thích-ca. Rồi
Nho thì theo Khổng-tử. Cho nên người ta thường nói rằng lấy ba điểm "Tam
giáo đồng qui, ngũ chi hiệp nhất". Đạo tam kỳ phổ độ người ta nói vậy đó.
nhưng muốn tu tiên thì cực lắm, công phu khổ lắm, gian lao lắm, ngồi suốt
đêm, chớ không phải tu tiên thành tiên là dễ đâu, mà thành tiên là tâm tốt
rồi đó, tâm toàn chơn, toàn thiện rồi đó, thì hiện ra hình tướng tốt. Bây
giờ, con người mặc dù tuy tốt bên ngoài, lòe loẹt hình thức nhưng con
người trong tâm hung ác, ngang tàng, táo bạo, gian giảo, xảo trá, lường
gạt đủ thứ gian manh, quý vị thấy có tốt được không? Cho nên "hữu tâm vô
tướng" thì "tướng tự tâm sanh", còn "hữu tướng vô tâm", có tướng tốt thiệt
mà tâm xấu là "tướng tùng tâm diệt", tùy theo đó mà trở thành xấu.
Vậy thì, tóm lại chúng ta ở trên cõi đời này, ai cũng có cha có mẹ, có
thân bằng quyến thuộc, bổn phận người con lúc nào cũng nghĩ tưởng công ơn
cha mẹ mà báo hiếu, đáp nghĩa đền bồi. Cha mẹ còn sống phải phụng sự cha
mẹ hết lòng, cha mẹ muốn tu hiền, muốn làm gì đó, đã nuôi mình lớn rồi thì
mình phải trả quyền tự do cho cha mẹ, đừng bắt cha mẹ nuôi con, nuôi cháu,
nuôi chắt, nuôi chít mình nữa. Có bà tám mươi mấy tuổi, thầy khuyên bả nên
đến chùa về chùa tu đi, bả nói là "con còn bị thầy ơi, con còn mắc thầy
ơi, con còn phải thầy ơi... Tại, bị, còn cháu chắt của con con phải giữ!"
Thầy nói: "Còn mớ cháu chắt à, vậy bà còn cái cháu nữa!" "Cháu gì ?" Thầy
nói: "Cháu vên-vên!" Ở Việt-nam, mình chết thường đóng cái hòm bằng
vên-vên đó; cây vên-vên đóng hòm để nước lâu mục đó mà, là "cháu vên-vên"
đó, chớ cháu gì! Đã lo tới cháu ngoại, cháu nội là quá sức rồi còn gì, còn
phải lo tới cháu chắt nữa! Quý bà con thử nghĩ coi, họ lợi dụng tới mức
tối đa đó!
Cho nên nói thiệt nghe, ai mà có con cháu ráng mà giữ đi, không thì mướn
người ta giữ, đừng có bắt cha mẹ giữ, tội lắm nghe! Mình chưa đền ơn cha
mẹ, lại bắt cha mẹ mình nuôi con mình, đó là bậy vô cùng! Rồi bây giờ, cha
mẹ còn sống mình phải nuôi cha mẹ, giúp đỡ cha mẹ, đền ơn, báo hiếu, đáp
nghĩa cha mẹ sinh thành, nhưng cha mẹ đã trở nên người thiên-cổ rồi thì
làm sao? Mình phải ráng làm sao để đền ơn cha mẹ, báo hiếu, thì bây giờ
mình phải ăn chay niệm Phật, giữ giới tu hiền, in kinh ấn tống, làm các
phước duyên, kết bòn công đức, để mình hồi hướng cầu cho cha mẹ mình siêu
thoát, bởi vì trong kinh có nói rằng:
"Nhứt nhơn hành đạo, thiên nhơn lợi,
Độc mộc hoa khai vạn thọ hương".
Nghĩa là một người tu-hành, muôn người đều được lợi; đám rừng mênh mông,
một cây trổ hoa thơm thì đám rừng đều ảnh hưởng. Hay là: " Nhứt nhơn hành
đạo cửu huyền thăng" thì bây giờ mình biết tu hành thành đạo thì ông bà
cửu huyền thất tổ được ảnh hưởng. Bây giờ cha mẹ đã chết rồi, bổn phận làm
con phải ráng tu nhơn tích đức, ăn hiền ở lành, làm phước làm gia hồi
hướng phước báu mà cầu cho ông bà cha mẹ mình. Nhưng điều quan trọng là
mình phải tu, và dạy con cháu mình tu, là ông bà mình siêu thoát. Tại sao
vậy? Bởi vì cha mẹ ông bà chết luân-hồi thành con cháu; chắc chắn là ông
nội ông ngoại bà cố chết rồi chun vô bụng nàng dâu, cháu dâu chớ không đâu
hết trơn hết trọi! Bởi vì sao? Là bởi vì nguyên do thương con, mến cháu,
tiếc của, tham tài, chết đâu có đi xa! Bởi thế cho nên có câu rằng: "Tình
thương luyến ái là sợi dây oan trái buộc ràng, muôn ngàn đời kiếp chẳng
tháo gỡ ra. Khi làm cha, lúc làm cháu, hết làm bà, trở lại làm con,"
Cho nên nhiều khi có những người con cháu cứng đầu cứng cổ... "Thôi, mẹ
ơi, con lạy mẹ! Mày là mẹ tao! Mày là bà nội tao, bà cố nội tao! Mày là
cha tao đó, mày là ông nội tao đó nghe!" Mà thiệt, ổng bả trở lại đó! Bây
giờ quý bà con thử nghĩ, có nhiều người khuyên đi lại thọ bát quan trai có
một ngày một đêm mà đi không được, bỏ nhà đi hai, ba ngày không được, hỏi
chết đi đâu? Về Niết-bàn Tây-phương à? Nói xin lỗi, chưa chắc mấy ông thầy
đã đi về Tây-phương được! Mấy ổng mấy bả tu trối chết không biết có về
được không; nói chi mới tụng một, hai thời kinh đòi về! Vì vậy cho nên bây
giờ muốn cho ông bà cha mẹ mình được siêu thoát, thì mình cần phải dạy dỗ
con cháu mình tốt, và chính mình phải tu, bởi vì mình tu thì mình mới độ
người ta tu được, chứ "chân mình đã lấm mê mê, lại cầm bó đuốc mà rê chân
người", thì rê làm sao đây? Mình phải tu rồi mới độ người.
Cho nên Đạo Phật nói đâu đó đúng đắn, tự độ rồi mới độ tha, chớ không phải
tha độ mới độ tha! Tự-giác rồi mới giác tha. Tự lợi rồi mới lợi tha. Thì
giác hạnh mới viên mãn. Chớ bây giờ mình không tự lợi, tự độ, tự-giác, thì
mình muốn giác người ta là giác làm sao? Như vác củi vô rừng chạy rồi bỏ
vô lò đốt hay làm sao? Thành ra mình phải tu rồi mới khuyên người được.
Cũng như nói xin lỗi, có nhiều ông nói hay hơn thầy nữa, người ta học kinh
thánh hiền còn thông suốt lắm, nhưng mà tại sao khuyên nói người ta không
nghe? Còn thầy có duyên, thầy nói người ta nghe, là bởi vì người ta thấy
ổng tu, ổng hy-sinh cuộc đời từ nhỏ tới lớn, không vợ, không con, không
tiền, không bạc, không danh, không lợi, không cá-nhân ổng, dù có chăng là
có phương-tiện giúp ích cho đời chớ không cá-nhân riêng. Thành ra có người
chưa ăn chay ngày nào, lại gặp thầy, thầy nói chuyện một hồi rồi mến
thương, cảm tình thầy, rồi khuyên ăn chay, cái ăn chay trường! Nhiều người
cứng đầu, cứng cổ quá, nhiều khi chồng hay vợ của họ, hay con cái họ nói
"Chắc ông Giác-nhiên có bùa ngải làm sao, ổng nói người ta nghe!" Bùa ngải
làm cái gì? Tà sư ngoại đạo, tôi tuyệt đối không có dùng cái đó, nếu tu mà
dùng bùa ngải, thư, tôm, trù ếm, xăm, quẻ, tướng số, bói khoa, đó là không
phải chánh-pháp rồi. Nhưng mà nếu người ta nghe là tại cái duyên.
Thầy chưa có dịp gặp, nhưng mà sư cô nói mà người ta nghe người ta ăn chay
thì cổ cũng có phước lắm. Có đức mới nói người ta nghe đó. Quý vị biết là
hồi trước đại đức Narada qua bên Việt-nam, ổng cũng có duyên đó! Nhiều ông
thượng-tọa, đại đức ở Việt-nam có giới-hạnh cao mà nhiều người không chịu
quy-y. Rồi ổng tu theo bên Nam-tông, nhưng mà ổng ăn chay, rồi lại là
nhiều người quy-y ổng, cũng ăn chay nữa, cũng giữ giới. Thành ra nói tóm
lại, những vị khuyên lơn người ta tu đó, mà dìu dắt hướng dẫn người ta
được, hay là đừng nói chi các chúng tăng, tôn túc nhiều người Phật-tử,
nhưng mà quý vị biết có nhiều người nói người ta nghe, nhiều người nói mà
người ta không nghe, mà người nói người ta nghe người đó phải có ít nhất
giới đức, đạo hạnh, đàng hoàng, ăn nói đứng đắn thì nói người ta mới nghe,
người ta mới nể tình, chứ người đó như người khác thì nói ai nghe?
Tóm lại, làm người sống trên mặt đất này, mỗi người ai cũng có bổn-phận và
trách nhiệm; trách nhiệm của mình, bổn-phận của mình, mình làm tròn, đó là
người hiếu thảo, đó xứngđáng là một người công dân của đất nước. Bổn-phận
là con đối với cha mẹ mình, còn sinh tiền mình phải nuôi nấng giúp đở, nếu
chết đi, mình phải nhớ lời cha mẹ dạy bảo khuyên lơn, những gì để thực
hành để khỏi phụ lòng cha mẹ, nhứt là dạy dỗ con cháu mình nên danh nên
phận thì được danh thơm tiếng tốt giòng họ tổ tiên. Chớ nếu con cháu mình
hoang đàng làm điều bất phải, thì cũng mang tiếng là con của mình, cháu
của mình, vì vậy mình phải ráng dạy khuyên con cháu mình nên người.
Đó
là tinh thần xây dựng mà cũng là thực tế cầu siêu cho ông bà cha mẹ mình
nữa, chớ tụng kinh nói là để cầu siêu; siêu là gì? Siêu là vượt qua! Không
phải chết rồi mới siêu, mà lúc sống cũng phải cầu siêu nữa. Con mình nó cờ
bạc hút xách, trụy lạc, phong-lưu, trà đàng tửu điếm; phải lạy nó! Nói vậy
là quá nặng hả? Nhưng không lạy nó thì năn nỉ nó, không năn nỉ nó thì
khuyên lơn nó, để nó đừng tật xấu thói hư, đó là cầu siêu cho nó phải
không? Còn cha mẹ mình còn sanh tiền cũng vậy, cha mẹ già rồi mà không
biết tu hiền, có nhiều bà già lại chùa tụng kinh niệm Phật không chịu,
ngồi đánh bài cụp xương sống thì lại chịu, thí dụ vậy, thì mình phải lạy
mẹ đừng có đánh bài nữa, ba mình uống rượu say sưa hoài, mình lạy ba để ba
đừng uống rượu nữa. Con cũng cầu siêu cho cha mẹ nữa chớ không phải không,
cầu siêu nếp sống hiện tại đương thời, chớ sống mà hung hăng như cọp như
beo, chết cầu siêu, cầu siêu sao nổi! Làm sao siêu nổi chớ? Bởi thế cho
nên có câu rằng:
"Sanh tiền bất tri thiên đường
lộ
Tử hậu nan ly địa ngục môn"
Sống mà không biết tu hành đạo đức, thì chết rồi cửa địa-ngục khó xa lìa.
Cho nên chết mà cầu siêu là để cho an lòng mình, mà sự thật là độ người
sống đó! Cũng như hồi đó ở Việt-Nam, nói thiệt quý vị nghe, thầy nhiều khi
đi cầu siêu cho cha mẹ mấy ông tướng, trung-tướng, thiếu-tướng chẳng hạn,
mấy ông tỉnh trưởng, bộ-trưởng chẳng hạn; mấy ông đó nói thiệt lo làm ăn,
chạy theo việc làm, đâu có ăn chay gì, đâu có quy y, đâu có giữ giới nên
đâu có ăn chay gì, nhưng khi thầy đến tụng cho một hồi kinh rồi, cầu siêu
cho cha mẹ mấy ổng, hay nội ngoại gì đó, xong rồi, thầy mới nói chuyện cho
nghe một hồi, thầy khuyên: "Bây giờ muốn cho ông bà cha mẹ được siêu, quý
vị nên phát tâm ráng quy-y, xin pháp danh đi, niệm Phật đi, bố thí làm
phước đi!" Tất nhiên lúc đó nói mấy ổng nghe liền hà, là bởi vì cái chữ
Hiếu mà; thì không biết cha mẹ có siêu hay không, nhưng mà thực tế những
người sống hiện tại giác-ngộ, thức-tỉnh, biết ăn chay, niệm Phật, quy-y
tu-hành, làm lành, làm phước này, quý vị có thấy không? Không phải tụng
kinh không mà được siêu độ, mà cần phải thuyết pháp, giảng đạo, để người
sống hiện tại ý-thức giác-ngộ, mà nương về đạo đức tu hành. Đó chính là tứ
sự lý tánh.
Tứ sự vô vi, lý tánh đồng đẳng
Thì giờ ít ỏi, thầy chỉ tóm tắt đôi lời, thầy cũng thành tâm cầu nguyện
cho mười phương chư Phật và đại Bồ-tát chứng minh tấm lòng hiếu-kính của
tòan thể chư vị hôm nay thiết lễ kỳ siêu cho cửu-huyền thất tổ ông bà cha
mẹ của mình, cầu nguyện hồi hướng phước báo này, ngưỡng mong tam-bảo ban
phước lành cho tất cả chư hương-linh ấy được chân minh chánh pháp, siêu
thoát nhẹ nhàng vãng-sinh tịnhđộ, thân bằng quyến thuộc quý vị, người sống
hiện tại đương đời tăng long phước thọ, vạn sự an khang phúc lạc đủ đầy,
sở cầu như nguyện. Ngưỡng mong ơn trên Tam-bảo chứng minh thầy cũng tất cả
quý vị để hồi hướng phước báo cầu chung:
Nguyện đem công đức nầy
Hồi hướng khắp tất cả
Đệ-tử và chúng sanh đều trọn thành Phật quả
Nam mô A-di-đà-Phật! Nam mô
Bổn-sư Thích-ca-mâu-ni Phật!
---o0o---
Trình bày: Linh Thoại
Cập nhật: 01-12-2003
Nguồn: www.quangduc.com
Về danh mục