Tôn giả Bạt-đà-la là vị La-hán thứ sáu trong mười sáu vị La-hán, là vị đại đệ tử thường theo hầu đức Phật lúc Ngài ở tinh xá cũng như khi ra ngoài. Hiện tại, ngài cùng chín trăm đệ tử trú tại Ðam-một-la Châu.
Trong các tự viện ở Trung Quốc, Bạt-đà-la thường được thờ trong nhà tắm. Vì sao như vậy? Giai thoại kể về ngài như sau:
Bạt-đà-la là người chuộng sạch sẽ, rất thích tắm. Khí hậu Ấn Ðộ lại nóng nên mỗi ngày hễ có thời gian rảnh là ngài nhảy xuống sông tắm; nếu không thì ngồi xổm bên giếng xách nước xối ào ào từ đầu xuống chân.
Tắm vốn là việc tốt, nhưng tắm kiểu Bạt-đà-la một ngày từ một, hai đến mười lần như vậy thật quá lãng phí thời gian. Do đó, ngài thường vì tắm mà trễ nãi rất nhiều công việc khác phải làm và hay bị mọi người quở trách.
Chẳng hạn như đến giờ thọ trai, ai nấy đều xếp hàng ngay ngắn ôm bát vào trai đường nhưng chỉ có một mình ngài vắng mặt. Khi ngài tắm xong, cơm rau cũng bị người khác dùng hết. Vì thế, ngài thường bị đói.
Nhiều buổi công phu tối, mọi người đang xướng tán, tụng kinh, tọa thiền trong chánh điện thì ngài lại lén ra ngoài đi tắm, mỗi lần tắm mất cả buổi. Thậm chí ngủ nửa đêm, ngài còn thức dậy đi tắm. Nghe nói có khi một đêm, ngài tắm đến năm, sáu lần.
Có người đem thói quen kỳ quặc này bạch lên đức Phật. Ðức Phật gọi ngài đến hỏi:
- Này Bạt-đà-la, ông thích tắm lắm phải không?
- Dạ phải, bạch Thế Tôn! Con rất thích tắm.
Ðức Phật hỏi tiếp:
- Vì sao ông thích tắm?
- Dạ vì tắm tẩy sạch được mồ hôi xú uế, khiến thân thể cảm thấy mát mẻ, sảng khoái, nhẹ nhàng.
- Ðúng vậy, này Bạt-đà-la! Tắm có 5 điều tốt: một, tẩy sạch các cấu bẩn; hai, khiến thân thể thanh khiết; ba, trị được cảm mạo; bốn, giúp thân thể khỏe mạnh; năm, thân tâm được thanh tịnh vui vẻ, cởi mở. Nhưng ông biết tắm phải như thế nào không?
- Dạ đương nhiên là con biết. Mỗi lần tắm, con đều dùng nước kỳ sạch sẽ những chỗ dơ trên thân. - Bạt-đà-la nói rất chắc chắn.
Ðức Phật cười nói:
- Không đâu, này Bạt-đà-la! Cách tắm đó chỉ tẩy được những cấu uế trên thân không tẩy được cấu uế trong tâm.
Trước đây chưa từng nghe cách tẩy tâm, Bạt-đà-la thấy lạ hỏi:
- Bạch đức Thế Tôn! Tắm còn có thể tẩy được cấu uế trong tâm sao?
- Ðúng vậy! Ai hiểu đúng cách tắm ấy thì người đó tẩy sạch được cả trong lẫn ngoài.
Bạt-đà-la sốt ruột muốn biết, bèn hỏi:
- Bạch Thế Tôn! Con phải tắm như thế nào mới được?
Ðức Phật từ ái dạy:
- Này Bạt-đà-la! Khi tắm phải nghĩ như vầy: “tâm ta thường bị phiền não tham, sân, si, mạn, nghi, ích kỷ, đố kỵ, ganh tỵ, vị kỷ... làm nhiễm ô, do đó phải dùng nước thanh tịnh tẩy chúng. Tuy không thể một, hai lần là tẩy sạch, nhưng ngày nào cũng tinh tấn thì ắt có ngày thân tâm sẽ được thanh tịnh an lạc.”
Sau khi tiếp nhận lời Phật dạy, ngài hiểu đúng phương pháp và ý nghĩa đích thực của việc tắm rửa rồi theo đó hành trì, không lâu thì giác ngộ chứng quả A-la-hán.
Thấy lợi ích thiết thực của việc tắm, ngài bảo mọi người:
- Này các vị! Ngày nào cũng tắm rửa, chúng ta thấy việc ấy rất bình thường, nhưng đó lại là một pháp tu hữu dụng, gần gũi thiết thực nhất trong cuộc sống đấy!
Từ đó, ngài quyết định phụng sự cho chúng sanh hậu thế, dạy họ cách tắm, giúp hàng vạn người cũng giác ngộ như ngài. Nghe nói, người đời sau nếu như khi tắm không khéo phản tỉnh tư duy, nhớ nghĩ điều thiện thì ngài sẽ lén gãi vào tai hoặc đánh vào người họ.
Tôn giả Ca-lý-ca là vị La-hán thứ bảy trong mười sáu vị La-hán. Hiện tại, ngài cùng môt ngàn vị đệ tử trú tại Tăng-già-trà Châu. Tăng-già-trà Châu tức Tích Lan (Srilanka) ngày nay.
Phần trước, chúng tôi đã giới thiệu Tôn giả Nan-đề-mật-đa-la cũng là người Tích Lan. Tích lan chỉ là một hòn đảo nhưng lại có hai vị đại A-la-hán đản sanh. Thật là một điều vinh hạnh đáng tự hào.
Hơn hai ngàn năm trăm năm trước, đức Phật từng bảo:
- Này Ca-lý-ca! Ông là bậc A-la-hán đạo cao đức trọng. Ông sẽ cùng mười lăm vị La-hán kia lưu lại nhân gian mãi đến khi nào Bồ-tát Di Lặc ra đời, các ông mới được ra đi.
Ca-lý-ca thưa:
- Bạch đức Thế Tôn! Nhưng thế gian rộng lớn như vậy con biết ở nơi nào?
Ðức Phật bảo:
- Ồ, ông nên ở lại Tăng-già-trà Châu, quê hương của ông.
Từ đó, ngài đưa một ngàn vị đệ tử đến trú tại Tăng-già-trà Châu.
Khi còn tại thế, đức Phật từng đến đảo Tích Lan thuyết pháp, giảng kinh cho vua Dạ Xoa nghe. Bộ “kinh Lăng già” nổi tiếng được giảng tại đây. Ca-lý-ca cũng là một trong số đệ tử theo Phật đến Tích Lan.
Lúc đức Phật sắp rời đảo, vua Dạ Xoa theo hầu không rời nửa bước, rồi quỳ sát đất cung kính thưa:
- Kính lạy đấng Từ bi giáo chủ của trời người, xin thương xót chúng sanh ở đảo chúng con mà lưu lại một vật kỉ niệm gì đó có giá trị để cho hậu thế tin Ngài đã từng đến đây thuyết pháp, giảng kinh.
Cảm động trước lòng thành kính của Dạ Xoa, đức Phật hứa khả lời thỉnh cầu.
Khi ấy mọi người suy đoán: “ Ðức Thế Tôn sẽ để lại gì đây?”
- Có thể là chiếc áo cà sa!
- Có lẽ là một đôi dép!
- Chắc là một chuỗi hạt!
Nhưng không ai đoán đúng cả, chỉ thấy đức Phật từ từ đưa chân phải lên rồi nhẹ nhàng để xuống. Bỗng nhiên, đại địa chấn động, núi non rung chuyển.
Lát sau, đức Phật chỉ xuống chân nói:
- Ta để lại cái này!
Mọi người trố mắt nhìn, chẳng biết từ lúc nào trên đất đã in một dấu chân thật lớn.
- Chúng con xin đê đầu đảnh lễ thành kính tri ơn Thế Tôn. Bạch đức Thế Tôn! Sau này, chúng con sẽ gọi núi này là núi “Phật Túc Sơn”1 được không? - Vua Dạ Xoa thưa.
- Tốt lắm! Cứ gọi núi này là “Phật Túc Sơn”.
Ðáp lời Dạ Xoa xong, đức Phật quay sang Ca-lý-ca bảo:
- Ðúng rồi, Ca-lý-ca! Sau này, ông nên lưu lại nơi đây dạy bảo mọi người hằng ngày đến lễ bái, gìn giữ thánh tích này cho trang nghiêm.
- Thưa vâng, bạch Thế Tôn! Con nhất định sẽ phụng hành. - Ca-lý-ca cung kính đáp.
Phật Túc Sơn lúc bấy giờ là thánh địa nổi tiếng khắp nơi, dân chúng chen nhau đến lễ bái. Nhưng trải qua một thời gian, nó dần dần chìm vào quên lãng. Con đường nhỏ lên núi cũng bị cỏ hoang phủ kín.
- Phải làm sao đây? – Ca-lý-ca tự hỏi.
Trong thời gian đó, vua Tích Lan là Ba-đạt-gia-mã-ni-a-ba-á bị bại trận, vì trốn chạy kẻ địch truy đuổi nên núp trong sơn động. Một hôm, quốc vương thấy một con nai hoa rất đẹp xuất hiện trước cửa động nhìn mình không chớp mắt, không cầm lòng được vua thốt:
- Ô, nai rừng đẹp quá!
Thế mà lạ thay, vua bỗng như người bị mộng du bước đi theo nai. Khi gần lên núi, nai biến mất. Ðang còn cảm thấy kỳ lạ thì vua phát hiện trên đỉnh núi cách đó không xa có ánh hào quang lấp lánh.
Quốc vương giật mình kinh sợ nghĩ trên đó có địch mai phục vội chạy núp vào bụi cỏ. Nhưng qua cả buổi mà vẫn không thấy động tĩnh gì, lúc này vua mới mạnh dạn bước ra, tiến về phía trước nhìn xung quanh, cuối cùng phát hiện dấu chân Phật. Thế là danh tiếng Phật Túc Sơn được tiếp tục lưu truyền. Thì ra, con nai hoa kia chính là do Tôn giả Ca-lý-ca biến.
Trải qua không biết bao nhiêu triều đại, Phật Túc Sơn lại bị trôi dần vào quên lãng. Do không có người lên núi nên nó đã bị cỏ hoang phủ kín lối đi.
- Phải làm gì đây? – Ca-lý-ca trăn trở.
Khi đó, dưới chân Phật Túc Sơn có một vườn hoa của vua Tích Lan rất lớn; trong vườn trồng nhiều loài hoa quí hiếm. Những lúc rảnh rỗi, vua thường dạo chơi ngắm hoa, thưởng thức cảnh ong bướm bay đầy trời với muôn màu hoa thơm cỏ lạ.
Nhưng sáng hôm nọ, khi đến vườn hoa, vua phát hiện mấy cành hồng mà mình yêu thích bị ai đó bẻ đi rất nhiều. Vua giận dữ quát:
- Ðáng ghét! Ðứa nào dám bẻ hoa của ta hả?
Liên tiếp mấy ngày, hoa trong vườn không ngừng bị kẻ trộm ngắt bẻ. Cuối cùng, vua phái người mai phục bốn phía vườn hoa suốt đêm và bắt được tên trộm bẻ hoa. Thì ra là một thiếu nữ xinh đẹp.
Quốc vương chỉ vào thiếu nữ mắng:
- Con bé chết tiệt kia, sao ngươi dám trộm hoa của ta!?
- Dạ thưa bệ hạ, con bẻ hoa để cúng Phật. - Thiếu nữ chắp tay đáp.
- Láo toét! Gần đây không có chùa lấy đâu ra Phật mà lễ bái cúng dường! - Quốc vương cho rằng thiếu nữ nói dối.
- Thưa bệ hạ! Con không gạt ngài đâu. Trên núi này có dấu chân Phật để lại. - Thiếu nữ đưa tay chỉ vào đám sương mù mờ mịt và những ngọn cây cao hơn hai ngàn ba trăm thước trên núi nói.
Quốc vương bán tín bán nghi, nhưng vì muốn vạch trần lời nói dối của thiếu nữ nên ngài đích thân lên núi. Khi lên tới nơi, bất chợt vua giật mình kinh sợ vì quả nhiên thấy dấu chân Phật. Quốc vương vội đảnh lễ dấu chân Phật. Nhưng khi ngẩng đầu lên thì không biết thiếu nữ kia đã biến đi về hướng nào.
Hóa ra, thiếu nữ xinh đẹp kia chính là do Ca-lý-ca biến thành. Ngài dẫn vua Tích Lan phát hiện ra Phật Túc Sơn một lần nữa. Từ đó, Phật Túc Sơn luôn được khắc sâu trong lòng người dân Tích Lan không còn bị lãng quên nữa.
Cho đến nay, lúc nào cũng có người lên núi. Nhất là mỗi năm đến ngày mười lăm tháng ba âm lịch, phong trào quần chúng đến lễ bái thánh tích càng rầm rộ không ngớt. Có được như vậy là nhờ ơn đức của Tôn giả Ca-lý-ca vâng lời phó chúc của Phật trú tại Tích Lan hoằng dương Phật pháp.
Tôn giả Phạt-xà-la-phất-đa-la là vị La-hán thứ tám trong mười sáu vị La-hán. Hiện tại, ngài cùng một ngàn một trăm vị đệ tử trú ở Bát-thích-noa Châu. Có người nói ngài chính là Kim Cang Tử trong Mật tông Phật giáo Trung Quốc.
Phạt-xà-la-phất-đa-la có thể lực tráng kiện, dũng mãnh vô song, một tay có thể nâng một con voi, nắm một con sư tử ném xa hơn mười mét.
Có lần, Ðề-bà-đạt-đa và vua Vị Sanh Oán (tức vua A-xà-thế) bày mưu sát hại đức Phật. Họ dùng rượu phục cho mười mấy con voi lớn uống say, đợi khi đức Phật đi qua đường rồi đem thả chúng ra.
Ðám voi say lồng lên như điên, chạy sồng sộc khắp nơi. Khi chúng sắp xông đến đức Phật, Phạt-xà-la-phất-đa-la liền nhảy tới trừng vào chúng, không chút sợ hãi. Nhờ thể lực và dũng khí hơn người, ngài xách đầu con voi chúa chế phục, rồi bảo toàn bộ đám voi quỳ xuống thành kính sám hối đức Phật .
Phía bắc tinh xá Trúc Lâm ở nước Ma-kiệt-đà tại Ấn Ðộ có ao Ca-lan-đà, đức Phật thường đến đó giảng kinh thuyết pháp. Nước trong ao rất trong có thể uống và nấu nướng. Uống nước ao này không những trị được bệnh mà còn khiến tinh thần thoải mái sảng khoái. Nhưng sau khi đức Phật diệt độ, nước trong ao khô dần và cuối cùng không còn giọt nào. Thấy thế, tín đồ ngoại đạo phao tin nhảm:
- Phật pháp suy vi rồi! Phật pháp sắp diệt rồi!
Nghe tin, Phạt-xà-la-phất-đa-la từ Bát-thích-noa Châu tức tốc trở về. Ngài đưa tay chỉ xuống ao, lập tức nước trong ao đầy trở lại. Dân chúng đứng xem xung quanh rất đông ai cũng cảm thấy kỳ lạ. Phạt-xà-la-phất-đa-la nói với mọi người:
- Này các vị, mặt trăng có thể làm cho nóng lên, mặt trời có thể làm cho lạnh đi, nước sông Hằng có thể khô cạn, nhưng chân lý mà đức Thế Tôn đã dạy thì không bao giờ thay đổi. Các vị có biết vì sao nước trong ao khô không? Ðó là vì mọi người không có niềm tin kiên cố nơi Phật pháp, không ai chịu dốc sức hộ trì nên nước trong ao ngọt ngào mát mẻ như thế mới khô cạn. Nếu như tất cả đều vâng theo lời Phật dạy, một lòng tín thọ phụng hành như lúc Ngài còn tại thế thì tôi bảo đảm rằng nước trong ao sẽ không bao giờ khô.
Nghe Phạt-xà-la-phất-đa-la nói, mọi người vô cùng xúc động, ngọn lửa thâm tín Phật pháp tiếp tục được thắp lên. Quả nhiên từ đó, nước trong ao luôn trong xanh, tràn đầy không bao giờ cạn.
Sau đức Phật diệt độ hơn chín trăm năm, Phạt-xà-la-phất-đa-la chuyển kiếp đầu thai làm thái tử nước Ma-kiệt-đà tên là Phạt-xà-la, phụ vương là vua Bà-la-a-điệt-đa. Trong thời gian tại vị, ngài dốc sức hoằng dương Phật pháp, kiến lập rất nhiều tự viện. Ðiều đó cho thấy, Tôn giả thường xuyên lưu lại nhân gian hộ trì Phật pháp, hóa độ chúng sanh.
Tôn giả Thú-bát-ca là vị La-hán thứ chín trong mười sáu vị La-hán. Ngài cùng chín trăm đệ tử trú trong núi Hương Túy. Ngài còn một tên nữa là Tôn-đà-la nhưng người đời thường gọi ngài là Thú-bát-ca.
Trước khi tin Phật, Thú-bát-ca là một vị Bà-la-môn đạo cao đức trọng. Ngài nghe nói thân Phật cao một trượng sáu thì trong lòng hoài nghi nên đến rừng trúc chặt cây trúc dài một trượng sáu, rồi đi tới chỗ Phật. Ngài muốn đích thân mình đo mới tin.
- Ông muốn đo thân tôi cao bao nhiêu phải không? – Ðức Phật ôn tồn hỏi.
- Ðúng vậy, tôi không tin Ngài cao đến thế. - Thú-bát-ca đáp.
- Ðược thôi, ông đo đi!
Ðược đức Phật đồng ý, Thú-bát-ca cầm sào đến đo. Lạ thay, ngài đo bất cứ cách nào thân Phật cũng cao hơn sào một chút. Chưa chịu tin, ngài đi tìm một cái thang dài rồi leo lên thang đo lại. Thế nhưng, thân Phật cũng cao hơn sào một chút. Ðo đến mười mấy lần như vậy, không còn cái thang nào dài hơn nữa mà thân Phật vẫn cao hơn sào. Lúc này, ngài mới tâm phục khẩu phục, thừa nhận đức Phật có thân cao trượng sáu và xin qui y làm đệ tử.
Sau khi xuất gia, trải qua bảy năm khổ hạnh tu hành, cuối cùng Ngài cũng chứng quả A-la-hán.
Vì muốn kỉ niệm chuyện tin Phật ngộ đạo của mình, ngài tìm lại cây sào lúc trước dùng đo thân Phật, rồi đi đến chỗ cũ nói:
- Nếu như Phật pháp là chân lý bất di bất dịch thì xin cây sào này mọc lại và sinh trưởng nơi đây để làm chứng tích cho muôn đời sau.
Nói xong, ngài dùng sức cắm mạnh sào xuống đất, lập tức cây sào ra lá xanh biếc. Về sau nó mọc thêm rất nhiều măng, măng lớn lên thành trúc. Ðến nay mọc lan thành cả một rừng trúc lớn tại phía đông bắc núi Kê-túc. Có được rừng trúc như bây giờ là do từ cây trúc ngày trước của ngài cắm xuống. Thế nên có người còn gọi đây là Trượng Lâm (rừng gậy).
Tin này lập tức được truyền khắp bán đảo Ấn Ðộ. Hay tin nhiều quốc vương đại thần, chư Tăng, Phật tử tấp nập kéo đến chiêm bái. Nhưng lân cận vùng này là một hoang dã, cỏ cây thưa thớt không đủ che mát, nghiêm trọng nhất là không có nước uống, do đó rất nhiều người ngã bệnh. Thấy vậy, Thú-bát-ca liền vận thần thông biến ra hai suối nước, một nóng một lạnh để mọi người giải khát, nấu nướng, tắm rửa, giặt giũ. Vì vậy, ai cũng hoan hỷ tán thán cho rằng rất tiện lợi.
Hai suối nước này nằm cách hơn mười dặm về hướng tây nam rừng Trượng Lâm. Mãi đến nay, dân chúng gần đó vẫn còn nhớ mãi ân đức cao dày của Thú-bát-ca.
Tôn giả Bán-thác-ca là vị La-hán thứ mười trong mười sáu vị La-hán và cũng chính là anh của Chú-trà-bán-thác-ca. Hiện tại, ngài đang cùng một ngàn ba trăm vị đệ tử trú tại cõi trời Ðao-lợi, nơi thân mẫu đức Phật ở. Vì ra đời ngay bên đường nên ngài được đặt tên là Bán-thác-ca, tên này tiếng Hán dịch là Ðại Lộ Biên Sanh (sanh bên đường lớn). Vì sao ngài bị sanh bên đường? Nguyên nhân như vầy:
Mẹ ngài vốn là một thiên kim tiểu thư, con nhà hào phú trong thành Vương-xá ở Ấn Ðộ. Cô ta đem lòng yêu một người đầy tớ trong nhà mình, nhưng cha mẹ không đồng ý hôn sự của họ. Không còn cách nào hơn, cô ta bỏ nhà đi theo chàng đầy tớ đến nơi khác cưới nhau. Sau một thời gian sống bên nhau, mẹ ngài mang thai ngài. Theo phong tục Ấn Ðộ đương thời thì người phụ nữ khi sanh nhất định phải về lại nhà mẹ mình. Nhưng vì bỏ nhà đi, về lại sợ cha mẹ mắng nên mẹ ngài không dám về.
- Làm sao đây? - Vì chuyện này mà ngày nào mẹ ngài cũng sầu muộn lo âu.
- Ðợi qua một tuần nữa hãy hay! - Lần nào cha ngài cũng trả lời như vậy. Thật ra, ông ta cũng không biết phải làm sao.
Thấy bụng ngày càng lớn, mẹ ngài sốt ruột lo lắng. Nhưng cách tính dây dưa kéo dài ngày này qua ngày kia ra thì còn có thể làm gì bây giờ?! Cuối cùng, cận kề ngày sanh không thể nấn ná thêm nữa, mẹ ngài quyết định về lại nhà. Nhưng khi vừa đi đến nửa đường thì sanh ngài, nên chẳng bao lâu họ quay về lại chỗ cũ.
Năm năm sau, mẹ ngài tiếp tục mang thai, lần này chính là Châu-lợi-bàn-đà-già. Giống như anh mình, Châu-lợi-bàn-đà-già cũng được sanh giữa đường lúc mẹ về nhà ngoại. Do đó, gia đình họ lại dọn về chỗ cũ, rốt cuộc không đến thành Vương-xá.
Vì mưu sinh nơi tha phương khó khăn, sinh hoạt thường nhật vất vả, cha ngài không lo nổi cuộc sống cho gia đình, nên mẹ ngài quyết định đưa hai anh em ngài về nhà ông bà ngoại.
Ông ngoại ngài nghe tin con gái về, bực tức trong lòng chưa nguôi nên cự tuyệt không cho vào nhà. Tuy nhiên, ông đồng ý cho cô ta để lại hai đứa cháu và bằng lòng nuôi chúng tử tế. Như vậy, hai anh em ngài từ nhỏ đã theo sống với ông bà ngoại. Vì ông ngoại là một hào phú nên cuộc sống hai huynh đệ ngài rất sung túc thoải mái. Mặc dù là anh em ruột nhưng họ lại khác nhau rất xa. Bán-thác-ca thì thông minh lanh lợi, nhiều kinh sách chỉ xem qua một lần là thuộc lòng, không bao giờ quên. Còn Châu-lợi-bàn-đà-già thì ngu đần ngốc nghếch ngay cả cây chổi cũng không nhớ.
Năm tháng thắm thoát trôi qua, mới đó mà Bán-thác-ca đã là một thanh niên trí thức. Ngài thường theo ông ngoại đến nghe đức Phật thuyết pháp, rồi trong lòng ôm ấp ý định xuất gia.
Một hôm, ngài quyết định thưa với ngoại:
- Thưa ông, cháu muốn xuất gia, ông cho phép cháu đi nha!?
- Tốt lắm! Xuất gia tu hành được là phước báo nhiều kiếp, ông vui mừng không gì bằng, sao lại không đồng ý cơ chứ!.
Không ngờ mới nói qua một tiếng mà ông ngoại ngài liền chấp thuận. Sau khi xuất gia, nhờ tư chất thông minh cộng với sự dũng mãnh tinh tấn đêm ngày, nên không bao lâu ngài chứng quả A-la-hán.
Sau khi chứng quả, ngài nhớ đến đứa em ngu dốt ở nhà, trong lòng nghĩ: “Nếu như Châu-lợi-bàn-đà-già cũng được xuất gia thì hay biết mấy nhỉ?”. Vì thế nên, sau khi thưa thỉnh và được ông ngoại đồng ý, ngài dẫn Châu-lợi-bàn-đà-già đến Phật xin quy y xuất gia làm Sa-môn.
Mặc dù đã xuất gia nhưng vì quá tối trí nên đạo nghiệp Châu-lợi-bàn-đà-già vẫn không chút tiến triển. Do đó, Bán-thác-ca khuyên ngài nên hoàn tục (chuyện này xin xem phần Tôn giả Chú-trà-bán-thác-ca). Bán-thác-ca đối xử với em mình như thế cũng là vì tình thương và trách nhiệm sâu sắc. Huống gì sau này Châu-lợi-bàn-đà-già cũng chứng quả, công dẫn dắt ngài đầu tiên đến với Phật của Bán-thác-ca không phải không có.
Có lần danh y thành Vương-xá là Kỳ-bà thỉnh đức Phật và các vị đã chứng quả A-la-hán đến nhà thọ trai. Bán-thác-ca được giao phụ trách việc kiểm số lượng xem có bao nhiêu vị La-hán tham gia buổi trai tăng này, còn Kỳ-bà chỉ căn cứ vào danh sách mà Bán-thác-ca đưa ra để chuẩn bị chỗ ngồi.
Lúc đó, Châu-lợi-bàn-đà-già vừa ngộ đạo nhờ pháp tu quét rác. Nhưng ngài không thích phô trương nên chẳng ai biết, ngay cả Bán-thác-ca cũng không hay. Do đó, khi lên danh sách, Bán-thác-ca không ghi Châu-lợi-bàn-đà-già. Vì vậy, đến ngày trai tăng chỉ có một mình Châu-lợi-bàn-đà-già ở lại tinh xá.
Ðợi mọi người đều ngồi vào đại sảnh nhà Kỳ-bà, khi chuẩn bị thọ trai thì đức Phật bảo:
- Chờ một chút, còn một vị La-hán chưa đến.
Nghe đức Phật nói, Bán-thác-ca thấy lạ hỏi:
- Dạ sao? Ðể con kiểm tra lại một tí.
Bán-thác-ca đối chiếu danh sách cẩn thận một lần nữa thấy những người có tên đều đến đầy đủ, ngài cung kính bạch Phật:
- Bạch đức Thế Tôn! Tất cả đã đến đầy đủ rồi.
- Có thật tất cả đã đến đầy đủ rồi không? - Ðức Phật từ ái hỏi.
- Dạ vâng, không sót một ai! – Bán-thác-ca đáp rất chắc chắn.
- Ông về lại tinh xá xem còn vị La-hán nào chưa đến không!
- Thưa vâng, bạch Thế Tôn! – Nói xong, Bán-thác-ca vội ra đi.
Biết trước anh mình sẽ về nên Châu-lợi-bàn-đà-già muốn bày trò đùa với anh, và luôn tiện để cho anh biết sự bất ngờ rằng đứa em ngu ngốc cũng ngộ đạo. Do đóù, ngài vận thần thông biến ra hơn một ngàn vị Hòa thượng khác nhau, mỗi vị tọa thiền mỗi nơi.
Khi trở về, Bán-thác-ca thấy ngạc nhiên, thầm nghĩ: “Sao lại có nhiều vị Hòa thượng đến thế này?”. Ngài liền tọa thiền nhập định dùng thiên nhãn quán xét tường tận thì mới vỡ lẽ: “Ồ, thì ra là em mình bày trò đây!”. Bán-thác-ca vui mừng khôn xiết, liền xuất định đứng dậy ôm chầm lấy em xúc động nói:
- Sư đệ! Chúc mừng! Chúc mừng! Hóa ra em đã chứng quả.
Châu-lợi-bàn-đà-già cũng vui mừng ôm lấy anh xúc động nói:
- Sư huynh! Cảm ơn anh! Cảm ơn anh đã lân mẫn dẫn dắt, dạy bảo em!
Khi hai anh em ngài cùng đến đại sảnh, cả pháp hội ai cũng cảm động, nhiệt liệt tán thán ngợi khen.
Ngay lúc ấy, đức Phật bảo:
- Này Bán-thác-ca và Châu-lợi-bàn-đà-già! Thật khó ai được như hai anh em các ông vừa cùng xuất gia học đạo, vừa tận trừ tất cả phiền não lậu hoặc, chứng quả A-la-hán, thọ hưởng pháp lạc thanh tịnh vô thượng, thật đáng mừng đáng quí. Sau này, hai ông nên đồng tâm hiệp lực cùng nhau lưu lại nhân gian hoằng dương Phật pháp, tạm thời không được rời xa!.
Khi đức Phật tuyên bố hai ngài được chọn vào hàng mười sáu vị La-hán lưu lại thế gian thì bầu không khí pháp hội càng trở nên tưng bừng hân hoan.
1 Phật Túc Sơn: Theo hai chương mở đầu của hai cuốn sách Ðảo Sử và Ðại Sử của Tích Lan có ghi truyền thuyết rằng đức Phật từng ba lần đến thăm đảo Tích Lan. Lần thứ nhất là vào tháng chín sau khi thành đạo, Ngài đến Ma-hê-ương-dà-na tháp thuộc vùng cư trú của thổ dân tộc Dạ Xoa. Lần thứ hai là vào năm thứ năm sau khi thành đạo. Lần thứ ba là vào năm thứ tám sau khi thành đạo, đức Phật cùng năm trăm vị tỳ kheo tới Ca-lê-da (Kalyani) nhận sự cúng dường của vua Long vương Ma-ni. Sau đó, Ngài tới đỉnh Tu-ma-na và để lại dấu chân tại đó (Phật Túc sơn?). Người Tây phương gọi là núi Á Dương (Adam’s Peak).
Nguồn: www.quangduc.com