Chỉ
là một cội cây
Ajahn Chah
(A
Tree In A Forest - A collection of Ajahn Chah's Similes)
Tỳ kheo
Khánh Hỷ chuyển dịch
Hòa thượng Kim Triệu hiệu đính
--- o0o ---
Lời giới thiệu
Ajahn Chah thường nhắc nhở chúng ta rằng: Ðức Phật
chỉ dạy cho chúng ta phương cách tu để thoát khổ nhưng Ngài không thể tu
thay cho chúng ta được. Không thể dùng lời để diễn đạt chân lý mà cũng
không thể đem chân lý để tặng cho ai. Ajahn Chah thường nói với chúng ta
là muốn giúp cho tâm thấy được chân lý chỉ có thể dùng ví dụ và sự so
sánh. Nếu tạo được một vị Phật trong tâm thì chúng ta có thể thấy rõ rằng
mọi vật không có gì khác với chúng ta cả. Nhiều ví dụ đã được Ajahn Chah
dùng để dạy Ðạo phát xuất từ những kinh nghiệm thâm sâu trong lúc Ajahn
Chah sống trong rừng. Việc thực hành của Ajahn Chah chỉ đơn giản là quan
sát, theo dõi một cách chánh niệm và tỉnh giác tất cả những gì đang diễn
ra bên trong cũng như bên ngoài chính mình. Ajahn Chah thường nói việc
hành thiền của mình chẳng có gì đặc biệt cả. Ajahn Chah tự so sánh mình
với một cội cây trong rừng. Cội cây chỉ là cội cây và Ajahn Chah cũng chỉ
là Ajahn Chah thôi, chẳng có gì đặc biệt cả. Nhưng từ sự không đặc biệt
này phát sinh ra một sự hiểu biết sâu xa về chính mình và thế gian. Không
thể dùng ngôn từ để diễn đạt giáo pháp. Giáo pháp tự hiển bày trong từng
phút giây, nhưng chỉ khi nào tâm tĩnh lặng ta mới có thể thấu hiểu giáo
pháp. Ajahn Chah có khả năng kỳ diệu để biến đổi giáo pháp vô ngôn thành
những ví dụ tươi mát, lúc khôi hài ý nhị, lúc vần điệu nên thơ, thường là
để đánh động vào chỗ linh diệu nhất của con tim. Chúng ta đang chìm đắm
trong bể ái dục như thú tham mồi ngon, ruồi say mật ngọt. Ðời sống chẳng
qua chỉ là những chiếc lá rụng và tâm chẳng khác nào những dòng nước chảy.
Lời dạy của Ajahn Chah tràn đầy những ví dụ ý nhị như vậy. Chúng tôi sưu
tập những ví dụ đầy ý nghĩa thâm sâu này để khơi động tâm linh những ai
đang bị dày vò bởi những nhiệt não của thế gian tìm được một chỗ nghỉ yên
tĩnh dưới bóng mát của một cội cây trong rừng. Ajahn Chah thường nói:
chúng tôi dùng ví dụ để nói về giáo pháp, vì giáo pháp không có hình dáng.
Ai có thể nói giáo pháp vuông hay tròn? Phương pháp hay nhứt để diễn giải
giáo pháp là dùng ví dụ.
Sơ lược tiểu sử
Thiền sư Ajahn Chah (A-chàn Cha-a) sinh năm 1918 tại một làng quê vùng
đông bắc Thái Lan. Theo tiếng Thái, Ajahn có nghĩa là "thầy, sư", phát
nguồn từ tiếng Phạn "Acarya" (A-xà-lê). Ngài xuất gia lúc còn trẻ, và thọ
giới tỳ kheo lúc Ngài 20 tuổi. Ngài tu theo hạnh đầu đà, ẩn cư trong rừng
trong nhiều năm. Ngài thường du hành qua nhiều chốn sơn lâm và sống theo
lối khất thực.
Ngài học thiền với nhiều vị đạo sư, trong đó có thiền sư Ajahn Mun (A-chàn
Manh), một vị thiền sư nổi tiếng trong thời đó. Ngài Ajahn Mun có nhiều
ảnh hưởng mạnh vào Ajahn Chah, đã dạy cho Ajahn Chah những phương cách
hành thiền rõ ràng, tường tận. Sau nầy, Ajahn Chah đã trở thành một vị
thầy dạy thiền nổi tiếng, và đã truyền giáo pháp đến cho nhiều người hữu
duyên, trong số đó có nhiều vị thiền sinh Âu Mỹ. Cốt tủy của các lời dạy
của Ngài thật ra cũng giản dị: hãy giữ chánh niệm, không nên
chấp dính vào điều gì, hãy buông thả và để mọi việc tự theo bản thể của
chúng.
Ngài Ajahn Chah viên tịch vào tháng giêng năm 1992 sau một thời gian bị
bệnh. Ngài qua đời tại ngôi chùa của Ngài, đó là thiền viện Wat Pa Pong
(theo tiếng Thái, Wat là "ngôi chùa"), trong tỉnh Ubon Ratchatani, vùng
đông bắc Thái Lan.
(Bình Anson ghi chép, tháng 12-1998)
Cây Cổ Thụ
Người ta thường dọ hỏi về cách hành thiền của riêng tôi, tôi chuẩn bị tâm
như thế nào khi ngồi thiền. Không có gì đặc biệt hết, tâm tôi để yên tại
chỗ mà hồi nào tới giờ nó vẫn ở. Họ hỏi tôi thế thì Ajahn Chah là một vị
A-la-hán chăng? Tôi có biết đâu, tôi như cây cổ thụ đầy lá, hoa và trái,
chim chóc tới ăn và làm tổ trong cây đó, nhưng cây cổ thụ không hay biết
gì về thân phận của nó, nó cứ sống tự nhiên như vậy, nó sao nó vậy, thế
thôi.
Ajahn Chah
Quyển 1
1.1 Người Lang Thang
Khi không có chỗ ở thật sự thì chúng ta chẳng khác nào một kẻ lang thang
không định hướng, hết rẽ lối này lại rẽ sang lối kia, dừng một lát rồi lại
tiếp tục đi cho đến lúc chúng ta trở về nơi trú ngụ thật sự của mình. Tất
cả những gì chúng ta đã làm, chúng ta đều chán ngán chẳng khác nào người
rời làng để đi du lịch. Khi nào trở về nhà, người đó mới thấy thoải mái dễ
chịu thật sự. Chẳng có nơi nào trên thế gian này là nơi trú ngụ thực sự
bình an, đó là bản chất tự nhiên của thế gian. Hãy nương vào chính mình để
tìm một chỗ trú ngụ an toàn, đừng tìm cầu nơi nào khác bên ngoài. Khi niệm
tưởng tới đức Phật, nhớ những lời dạy chân thật của Ajahn Chah, lòng ta
khởi dậy một sự biết ơn và tôn kính sâu xa. Mỗi khi thấy được sự thật của
một sự vật nào đó thì chúng ta sẽ thấu đáo lời dạy của Ajahn Chah dầu
chúng ta chưa bao giờ thực hành giáo pháp. Nhưng dầu cho có kiến thức về
Phật pháp và đã từng thực hành giáo pháp, nếu không thấy được chân tướng
của giáo pháp thì chúng ta cũng chỉ là những người không nhà, chẳng khác
chi những kẻ lang thang không định hướng. Khi thấy được các pháp thế gian
đều giả tạo thì ta sẽ rời bỏ tất cả để trở về nơi trú ngụ thật sự của
mình, đó là con tâm của chúng ta.
1.2 Vỏ Chuối Khô
Khi thấy được mọi sự trên thế gian này chẳng khác nào những vỏ chuối khô
vất bỏ thì bạn sẽ không còn bị dao động, chán nản, và đau khổ trước vô vàn
sự đến và đi của mọi sự vật trên thế gian - dầu là vui hay buồn.
Nhận thức được điều này bạn sẽ thong dong trên đường giải thoát.
1.3 Người Mù
Cả
thân và tâm chúng ta đều không ngừng sinh rồi diệt. Các pháp hữu vi hay
mọi sự vật trên thế gian này đều luôn luôn biến đổi. Sở dĩ chúng ta không
biết được chính xác, đúng thực các hiện tượng đổi thay của thế gian vì
chúng ta tin tưởng và chấp trước vào những cái giả tạo không thực. Chẳng
khác nào chúng ta được một người mù dẫn đường. Làm thế nào chúng ta đi
được một cách an toàn dưới sự hướng dẫn của một người không sáng mắt.
Người mù có thể đưa ta vào rừng rậm um tùm vì họ không thấy đường. Cũng
vậy, khi tâm bị mê mờ dính mắc, bám víu vào các pháp thế gian, thì thay vì
đi tìm hạnh phúc ta lại gặp khổ đau, thay vì đi tìm an bình ta lại gặp khó
khăn. Có một tâm như thế thì chỉ gặp gian nguy và khốn khổ mà thôi. Chúng
ta muốn thoát khỏi đau khổ và khó khăn, nhưng chúng ta lại tạo ra khó khăn
và đau khổ. Thế rồi, ta than trời trách đất. Ta đã tạo ra nhân xấu, và
nguyên nhân của các việc làm tệ hại này là do ta không biết rõ thực tướng
của sự vật, không biết rõ các pháp hữu vi luôn luôn biến đổi, cứ khư khư
chấp giữ chúng, nghĩ rằng chúng sẽ ở mãi với mình.
1.4 Lọ Thuốc
Chúng ta có thể ví sự tu hành của chúng ta với một lọ thuốc mà thầy thuốc
phát cho bệnh nhân. Nếu không uống thuốc mà chỉ đọc cách dùng ghi trên lọ
thuốc thì dầu có đọc hàng trăm lần lời chỉ dẫn bịnh nhân cũng không chữa
được bệnh, và vĩnh viễn không hưởng được chút lợi lộc nào do thuốc đem
lại. Thấy không khỏi bệnh, bệnh nhân có thể oán trách thầy thuốc thiếu
năng lực, hoặc lọ thuốc chẳng có chút tác dụng nào. Bệnh nhân chẳng hề
biết rằng mình chỉ xem xét chai thuốc và đọc cách dùng mà không chịu uống
theo lời chỉ dẫn của thầy thuốc. Nếu bệnh nhân biết tuân theo lời chỉ dẫn
và uống thuốc đều đặn thì đã khỏi bệnh. Thuốc chữa bệnh của cơ thể. Giáo
pháp của Ðức Phật chữa bệnh tâm và đưa tâm về trạng thái khỏe mạnh tự
nhiên. Ðức Phật là bác sĩ chữa tâm bệnh của chúng sinh và Phật pháp là
lương dược để trị bệnh phiền não. Chúng ta, mỗi người đều có tâm bệnh, vậy
hãy mau tìm về nương tựa nơi Phật pháp.
1.5 Trẻ Con Nô Ðùa
Quan sát bản chất của tâm nhiều lần ta sẽ hiểu rõ rằng tâm chỉ là tâm
không có gì khác. Ðường lối của tâm cũng chỉ là như vậy, như vậy mà thôi.
Ðó là bản chất tự nhiên của tâm. Nếu thấy được điều này một cách rõ ràng
thì ta không còn chấp trước vào sự suy nghĩ và cảm giác. Ta sẽ không thêm
gì vào đó nữa nếu ta luôn luôn tâm niệm rằng "đó chỉ là đường lối của tâm
thôi." Khi tâm thật sự hiểu rõ thì tâm sẽ xả bỏ tất cả. Suy nghĩ và cảm
giác vẫn còn đó nhưng chúng mất hết tác dụng. Chẳng hạn lúc đầu bạn thấy
khó chịu khi gặp một đứa trẻ hiếu động, chạy nhảy la hét ồn ào; bạn có thể
la mắng quở phạt nó. Nhưng khi đã hiểu rõ rằng bản tánh tự nhiên của trẻ
con là hiếu động và đùa nghịch thì bạn sẽ không còn phiền trách chúng nữa.
Khi xả bỏ thì mọi khó chịu sẽ tan biến. Tại sao mọi khó chịu tan biến? Bởi
vì chúng ta đã chấp nhận bản chất tự nhiên của trẻ con. Cái nhìn của chúng
ta đã thay đổi. Chúng ta chấp nhận bản chất tự nhiên của mọi vật. Chúng ta
xả bỏ tất cả. Giờ đây, tâm chúng ta bình an hơn, có chánh kiến, có sự hiểu
biết đúng đắn.
1.6 Rắn Hổ Mang
Hoạt động của tâm chẳng khác nào một con rắn hổ mang độc hại có thể cắn
chết người. Nếu chúng ta không động chạm gì đến rắn thì rắn tự nhiên đi
theo đường của rắn. Dầu cho rắn có độc hại đến đâu cũng chẳng ăn nhằm gì
đến ta. Nếu chúng ta không đến gần rắn hay đụng vào rắn thì rắn chẳng hề
cắn chúng ta. Rắn hổ mang hoạt động theo bản năng của nó. Chuyện đương
nhiên là như vậy. Nếu khôn ngoan, bạn hãy để rắn tự nhiên đừng đếm xỉa gì
đến nó. Cũng vậy, hãy để mặc cái không tốt ở đó; để nó đi theo đường lối
tự nhiên của nó. Cũng hãy để cái tốt nằm đó, để nó đi theo đường lối tự
nhiên của nó. Ðừng nắm giữ vào cái thích hay cái không thích, giống như
trường hợp không đụng đến rắn hổ mang vậy. Người thông minh trí tuệ sẽ có
thái độ như vậy đối với mọi cảm xúc dấy lên trong tâm mình. Khi điều tốt
hiện khởi hãy để nó tốt như vậy; hiểu biết bản chất của nó. Cũng vậy, khi
điều không tốt hiện khởi hãy để nó không tốt như vậy; để nó thuận theo bản
chất của nó. Chúng ta không muốn động đến chúng vì chúng ta chẳng muốn gì
cả. Chúng ta không muốn cái xấu. Chúng ta cũng chẳng muốn cái tốt. Chúng
ta không muốn nặng, cũng chẳng muốn nhẹ. Không muốn hạnh phúc cũng chẳng
muốn đau khổ. Khi cái muốn của ta chấm dứt thì sự bình an tĩnh lặng sẽ đến
với chúng ta.
1.7 Cái gáo dừa
Ý
muốn là một phiền não, nhưng trước tiên phải có ý muốn mới có thể khởi đầu
việc hành thiền, giả sử bạn đến chợ mua một quả dừa và lúc ra về có người
hỏi:
--
Anh mua dừa làm gì ?
-- Mua để ăn.
--Anh sẽ ăn luôn gáo dừa sao?
-- Dĩ nhiên là không.
-- Tôi không tin, nếu không ăn luôn gáo dừa, tại sao anh lại mua nó?
Vậy đó, bạn sẽ trả lời như thế nào khi có ai cắc cớ hỏi như vậy?
Chúng ta nảy ý muốn hành thiền trước khi thực hành. Nếu không có ý muốn
thực hành đến trước thì sẽ không có việc thực hành. Quan sát như vậy giúp
cho trí tuệ phát sinh. Bạn biết rõ điều này. Chẳng hạn, đối với trái dừa,
bạn sẽ ăn luôn cái gáo dừa chăng? Dĩ nhiên là không. Vậy thì tại sao bạn
mua nó? Bởi vì cái gáo bao gồm phần cơm dừa. Chúng ta không ăn gáo dừa.
Nhưng bây giờ chưa phải là lúc vất bỏ gáo dừa. Trước tiên, phải giữ gáo
dừa lại đã. Sau khi ăn cơm dừa xong, bạn sẽ vất bỏ gáo dừa đi.
Việc thực hành của chúng ta cũng vậy. Trước khi hành thiền, ta phải có ý
định muốn hành thiền, nhưng sự muốn là một phiền não. Bởi vậy khi đã hành
thiền rồi phải bỏ ý muốn đi, bỏ mọi tham ái. Nếu có người nào cho rằng
chúng ta ăn cả cái gáo dừa thì đó là chuyện của họ. Chúng ta biết chuyện
của chúng ta đang làm là được rồi.
1.8 Nấu nướng
Muốn thực hành giới, trước tiên phải huấn luyện thân và khẩu, không cho
chúng làm điều bất thiện. Nhiều người cho rằng muốn có giới hạnh bạn phải
học thuộc lòng những câu Pali và phải đọc tụng suốt ngày đêm. Nhưng thật
ra, muốn có giới luật tốt đẹp thì chuyện phải làm là giữ thân và khẩu
trong sạch. Ðiều này chẳng có gì khó hiểu. Chẳng khác nào chuyện nấu ăn.
Ðổ vào nồi thứ này một ít thứ kia một ít cho đến khi vừa đủ và ngon lành
là được. Và khi món ăn đã ngon lành, bạn chẳng cần phải thêm gì vào nữa
bởi vì các loại chất liệu để nấu nướng đã đầy đủ cả. Cũng vậy, giữ cho
thân khẩu trong sạch là ta đã giữ giới luật tốt đẹp.
1.9 Thằng khùng
Giả sử một buổi sáng nào đó bạn đang đi dạo mát thì có người mắng chưởi
bạn. Vừa nghe lời mắng chưởi, tâm bạn biến chuyển ngay. Bạn cảm thấy bực
mình, khó chịu, bị nhục mạ và muốn trả đũa ngay.
Vài ngày sau đó, có người đến thăm bạn và cho biết rằng người mắng chưởi
bạn hôm nọ là một thằng khùng. Hắn khùng nhiều năm rồi. Hắn đã mắng chưởi
nhiều người như vậy. Chẳng ai thèm để tâm đến những lời mắng chưởi của
hắn. Vừa nghe xong, bạn cảm thấy nhẹ nhõm ngay. Sự khó chịu, sự bực mình,
sự sân hận và cái cảm tưởng mình đã bị nhục mạ đang đè nặng tâm bạn hai ba
hôm nay bỗng nhiên tan biến tất cả. Tại sao vậy? Bởi vì bây giờ bạn đã
hiểu sự thật.
Trước đây, vì chưa biết, bạn nghĩ rằng gã kia là một người bình thường nên
bạn tức giận, và sự tức giận này dày xéo tâm bạn, khiến bạn đau khổ. Khi
hiểu được sự thật thì mọi chuyện đều thay đổi: "ồ! hắn là một thằng khùng.
Mọi chuyện xảy ra cũng do tánh khùng của hắn mà thôi! Chấp nhứt hắn làm
gì." Thấu hiểu mọi chuyện bạn sẽ cảm thấy dễ chịu . Ðã hiểu rõ nên bạn dễ
dàng xả bỏ. Nếu không hiểu rõ sự thật thì bạn bị dính mắc ở đó. Khi nghĩ
rằng người mắng bạn là một người bình thường, bạn có thể giết hắn. Nhưng
khi bạn tìm ra sự thật, biết hắn là tên khùng bạn sẽ cảm thấy thoải mái.
Ðó là sự hiểu biết chân lý hay hiểu biết sự thật.
Nhiều người thấy được giáo pháp cũng có kinh nghiệm tương tự. Khi tham
lam, sân hận và si mê tan biến thì cũng tan biến một cách tương tự như
vậy. Bao lâu chưa biết rõ những điều này, chúng ta thường nghĩ: "Ta phải
làm gì đây? Tức quá đi thôi!" hoặc "ta phải làm gì đây, ta thích quá đi
thôi!" Ðó không phải là sự nhận thức hay hiểu biết rõ ràng. Ðó cũng giống
như lúc bạn nghĩ tên khùng là một người bình thường. Cho đến khi bạn biết
được hắn là một tên khùng thì sự bực dọc của bạn mới tan biến. Không ai có
thể chỉ cho bạn thấy điều này, chỉ khi nào tâm tự nó nhận biết thì sự dính
mắc chấp giữ mới được nhổ bỏ.
1.10 Cốc nước
Nhiều người đến gặp tôi có trình độ trí thức cao trong xã hội, trong đó có
thương gia, sinh viên tốt nghiệp, giáo sư và nhân viên chính quyền. Tâm họ
đầy ắp các quan điểm về sự vật. Họ quá thông thái nên khó có thể nghe
người khác. Giống như một cái cốc, nếu chứa đầy nước dơ thì trở thành vô
dụng. Chỉ khi nào đổ hết nước dơ đi ta mới có thể sử dụng được chiếc cốc.
Cũng như phải vứt bỏ mọi quan niệm của mình thì bạn mới có thể thấy được
chân lý. Kiến thức có được do việc thực hành của chúng ta vượt ra ngoài sự
thông thái và ngu dốt. Nếu bạn nghĩ rằng mình thông thái, giàu có, quan
trọng và là một nhà Học Phật Tinh Thông thì bạn đã che lấp chân lý vô ngã.
Tất cả những gì bạn thấy sẽ là tự ngã, tôi, của tôi. Nhưng Phật giáo thì
loại bỏ tự ngã. Những kẻ quá thông thái thì sẽ không thể nào học hỏi được.
Trước tiên, phải vất bỏ sự thông thái đi. Phải làm cho chiếc cốc trống
không trước đã.
1.11 Ðập ngăn nước
Thực hành định tâm nhằm mục đích giúp tâm an định vững chắc, đem lại sự
bình an tĩnh lặng cho tâm. Tâm chúng ta thường vọng động và bất an, khó
kiểm soát. Tâm cuốn trôi theo dục lạc ngũ trần chẳng khác nào nước cuốn
theo dòng thác lũ và tràn ngập khắp nơi. Con người biết cách khống chế
nước, biết sử dụng và kiềm chế nước làm cho nước trở thành một nguồn lợi
ích lớn lao cho nhân loại. Con người thật thông minh tài giỏi, họ biết
cách làm những cái đập nước khổng lồ, những hồ trữ nước rộng lớn, những
mương dẫn nước hữu ích. Tất cả công tác trị thủy trên đều nhằm mục tiêu
làm cho nước hữu dụng hơn. Không để cho nước phóng túng buông lung, muốn
chảy đến đâu thì chảy rồi cuối cùng dồn vào chỗ thấp nhất mà không đem lại
chút lợi ích nào.
Tương tự như vậy, khi tâm được kiểm soát, được thường xuyên huấn luyện,
được ngăn chặn không cho tự do phóng túng, như nước được đập ngăn giữ, thì
sẽ tạo được vô vàn lợi ích. Ðức Phật dạy: "Tâm được kiểm soát, chế ngự sẽ
đem lại hạnh phúc thật sự. Hãy thận trọng huấn luyện tâm để đạt được lợi
ích lớn lao nhất." Những loại thú như voi, ngựa, bò v.v... phải được thuần
hóa trước khi sử dụng vào công việc, và chỉ khi nào đã được huấn luyện
thuần thục, sức mạnh của những con thú này mới đem lại lợi ích cho ta.
Cũng vậy, tâm được huấn luyện tốt đẹp sẽ có nhiều phúc lợi gấp bội lần tâm
chưa được thuần thục. Ðức Phật và các thánh đệ tử của Ngài cũng đã huấn
luyện tâm như vậy. Trước kia, khi tâm chưa thuần thục, các Ngài cũng phải
dày công huấn luyện, tương tự như chúng ta đang cố gắng làm ở đây. Hãy
nghiệm xét xem tại sao các Ngài được chúng ta tôn kính ngưỡng mộ như thế,
đồng thời cũng nên xét xem chúng ta đã thu nhận được những lợi lạc gì qua
những lời dạy của các Ngài. Tâm được kiểm soát và huấn luyện là một thiết
bị tốt đẹp, hỗ trợ chúng ta trong mọi công việc và trong mọi hoàn cảnh.
Người nào chịu bỏ công huấn luyện tâm sẽ có một cuộc sống quân bình, biết
phát triển và điều hành hợp lý các hoạt động thường nhật. Và một khi tâm
đã được huấn luyện thuần thục, đúng cách thì bình an hạnh phúc to lớn sẽ
đến với chúng ta.
1.12 Cái lỗ sâu
Giả sử có một cái lỗ và có một vật gì ở dưới đáy. Người nào đút tay vào lỗ
mà không đụng đến đáy đều than là lỗ quá sâu. Một trăm người hay một ngàn
người đều than như vậy. Chẳng một ai bảo rằng tay mình không đụng được đáy
lỗ vì tay quá ngắn. Chúng ta hãy trở về với chính mình, hãy bước lùi một
bước để nhìn vào chính chúng ta. Ðừng than rằng cái lỗ quá sâu mà hãy nhìn
vào cánh tay của chính mình. Nếu bạn có thể thấy rõ điều này thì bạn sẽ
tiến bộ trên đường tinh thần và sẽ tìm được hạnh phúc tốt đẹp.
1.13 Áo quần dơ
Khi mặc áo quần dơ hay cơ thể dơ, tâm ta cũng bị ảnh hưởng và cảm thấy bực
bội khó chịu. Nếu giữ cơ thể và áo quần sạch sẽ gọn gàng thì tâm cũng nhẹ
nhàng dễ chịu. Cũng vậy, khi giới luật không được gìn giữ, hành động và
lời nói dơ bẩn thì tâm cũng bất an, tinh thần xuống thấp và nặng nề. Nếu
không tu hành đàng hoàng thì không thể nhận chân và thấm nhuần phần tinh
túy của giáo pháp đang nội tại trong tâm. Hành động và lời nói thiện lương
phát xuất từ một con tâm được đào luyện đúng cách. Bởi thế phải kiên trì
thực hành để huấn luyện tâm một cách liên tục.
1.14 Chiếc cốc thủy tinh
Làm sao để có chánh kiến? Tôi có thể trả lời một cách giản dị qua chiếc
cốc thủy tinh tôi đang cầm đây. Ðây là cái cốc thủy tinh thật trong sáng
và hữu dụng. Bạn có thể dùng chiếc cốc này để uống nước hay đựng nước và
giữ nước trong một thời gian dài. Chánh kiến hay sự hiểu biết đúng đắn là
thấy cái cốc này như một cái cốc vỡ, một cái cốc đã tan thành từng mảnh.
Nếu bạn duy trì sự hiểu biết đúng đắn này trong khi dùng chiếc cốc, biết
rằng chúng chỉ là tập hợp của những yếu tố, những yếu tố này kết hợp lại
với nhau để rồi lại vỡ vụn ra sau đó. Nếu có được chánh kiến như vậy thì
bạn chẳng gặp vấn đề gì khó khăn nữa. Cũng vậy, thân thể chúng ta chẳng
khác nào chiếc cốc thủy tinh. Cũng sẽ đi đến chỗ vỡ ra từng mảnh và chết.
Bạn cần phải ý thức điều này. Ý thức điều này không có nghĩa là bạn phải
đi đến chỗ tự giết mình. Cũng không có nghĩa là đập bể hoặc vứt bỏ chiếc
cốc đi. Bạn có thể dùng chiếc cốc cho đến khi nó vỡ ra từng mảnh theo luật
tự nhiên của nó. Cũng vậy, cơ thể này chẳng khác nào một chiếc xe phải
được sử dụng cho đến lúc nó trở về với cát bụi theo đường lối của nó. Công
việc của bạn phải làm là thấy rõ bản chất và đường lối tự nhiên của sự
vật. Sự hiểu biết này có thể giúp bạn thong dong tự tại trước mọi biến đổi
của thế gian.
1.15 Người nghiện rượu
Ngưòi dính mắc vào dục lạc ngũ trần chẳng khác nào người nghiện rượu tự
đốt cháy gan mình mà không hề hay biết. Người uống rượu chẳng bao giờ biết
đủ, họ uống liên miên mà không hề nghĩ đến sự tai hại của rượu. Rốt cuộc
họ sẽ bị đau khổ vì bệnh tật hoành hành.
1.16 Vịt
Việc hành thiền chẳng khác nào việc nuôi vịt. Bổn phận của chúng ta là cho
vịt ăn uống. Vịt lớn nhanh hay chậm là chuyện của vịt, không phải chuyện
của chúng ta. Hãy để cho vịt tự nhiên làm công việc của vịt. Bổn phận của
bạn là hành thiền. Dầu tiến nhanh hay chậm, bạn cũng chỉ cần thản nhiên
nhận biết mà thôi. Khi tiến triển nhanh thì biết là tiến triển nhanh, khi
tiến triển chậm thì biết là tiến triển chậm, thế thôi. Thấy tiến nhanh mà
vui là trật rồi, thấy tiến chậm mà buồn là trật rồi. Nó sao thì biết nó
như vậy. Ðừng gò ép. Thực hành như vậy là có căn bản tốt đẹp.
1.17 Khoảng trống không
Mọi người đều muốn Niết bàn, nhưng nếu ta nói cho họ biết rằng Niết bàn
chẳng có chi cả thì họ sẽ bắt đầu suy nghĩ. Nhưng Niết bàn thực sự là
chẳng có gì cả, hoàn toàn không có gì cả. Hãy nhìn xem cái mái nhà, cái
nền nhà này. Thử nghĩ rằng mái nhà là cái có, cái hiện hữu và nền nhà cũng
là cái có cái hiện hữu. Bạn có thể đứng trên mái nhà hay trên nền nhà,
nhưng bạn không thể đứng ở khoảng không giữa mái nhà và nền nhà. Ở đâu
không có cái có thì ở đó trống không. Nếu nói một cách trực tiếp ta nói
Niết bàn là sự trống không này. Nghe nói như vậy người ta sẽ thụt lùi một
bước. Họ không muốn tiến tới. Họ sợ vào Niết bàn sẽ không còn nhìn thấy
con cái và thân bằng quyến thuộc. Bởi thế mỗi khi chúng tôi chúc phúc cho
thiện tín, cầu mong các thiện tín sống lâu, sắc đẹp, yên vui và sức mạnh
thì họ sẽ rất sung sướng. Nhưng nếu bắt đầu nói với họ về sự xả bỏ và
trống không thì họ chẳng muốn nghe. Có khi nào bạn thấy một người già, già
khụm, có sắc đẹp, khỏe mạnh và yên vui không? Nhưng khi chúng tôi chúc họ
sống lâu, sắc đẹp, an vui, sức mạnh thì tất cả đều vui mừng và hài lòng.
Họ đã dính mắc vào sự có, sự trở thành; dính mắc vào sinh và tử. Họ muốn
đứng ở trên mái nhà hay ở trên nền nhà, hiếm có người nào dám đứng ở giữa
khoảng trống không.
1.18 Gia đình
Bạn chẳng phải cần đi vào rừng sâu núi thẳm hay hang động âm u để tìm kiếm
giáp pháp. Giáo pháp nằm ngay ở tâm bạn. Giáo pháp có ngôn ngữ của kinh
nghiệm. Giữa kinh nghiệm và khái niệm có sự khác biệt lớn lao. Người nào
nhúng tay vào nước nóng cũng đều cảm thấy nóng. Cảm giác nóng này có thể
được diễn tả qua nhiều ngôn ngữ khác nhau. Cũng vậy, người nào nhìn sâu
vào tâm cũng đều có kinh nghiệm tương tự. Trình độ văn hoá, địa vị, ngôn
ngữ chẳng ảnh hưởng gì đến kinh nghiệm này. Nếu tâm mỗi người đều đạt đến
chân lý thâm diệu, đạt đến giáo pháp thì tất cả trở thành một đại gia
đình, trở thành cha mẹ, anh chị em của nhau. Ðược như thế bởi vì tất cả
đều nếm hương vị tinh túy của tâm. Con người có hình dáng khác nhau, có bề
ngoài khác nhau, nhưng hương vị tinh túy của tâm thì giống nhau.
1.19 Phân bón
Phiền não của chúng ta là phân bón cho việc hành thiền. Chẳng khác nào
dùng các loại phân bò, gà v.v... để bón cho các loại cây ăn trái khiến cây
có nhiều quả ngon ngọt. Trong đau khổ có hạnh phúc, trong hỗn loạn có an
tịnh. Ðau khổ sinh ra hạnh phúc, hỗn loạn sinh ra an tịnh. Hãy lấy đau khổ
và hỗn loạn làm phân bón cho hạnh phúc và an tịnh.
1.20 Lửa
Không thể làm việc gì chỉ trong sớm chiều mà đạt được kết quả. Việc hành
thiền cũng vậy, trong thời gian đầu chúng ta không thể nào thấy được kết
quả của việc hành thiền của mình. Giống như một ví dụ mà tôi thường hay
nói với các bạn: Một người lấy lửa bằng cách cọ hai thanh sắt vào nhau,
nhưng vốn tính vội vã nên anh ta không đủ kiên nhẫn để làm việc này. Anh
cố gắng cọ sát một lát lại dừng. Rồi lại cọ sát, rồi lại nghỉ một lát. Sức
nóng vừa mới tạo được một chút đã tan biến, thế là anh ta cứ phải cọ mãi.
Dần dần anh mệt nhoài. Không những anh ta mệt nhoài mà còn thất vọng và
chán nản. Anh tự nhủ: "Không thể có lửa được". Và cuối cùng anh ta quyết
định bỏ việc tìm lửa.
Thật ra anh có làm công việc tìm lửa, nhưng chưa tạo đủ sức nóng để lửa
phát sinh anh đã bỏ cuộc. Tâm của chúng ta cũng thế, trừ phi tâm đạt được
sự bình an thật sự, bằng không, tâm ta trước sau vẫn như vậy. Bởi thế, Ðức
Phật dạy chúng ta hãy tiếp tục công việc, tiếp tục thực hành. Có thể chúng
ta nghĩ rằng: "Nếu chưa hiểu gì cả thì làm sao có thể thực hành?" Khi nào
thực hành đúng đắn, trí tuệ sẽ phát sinh. Bởi vậy, hãy tiếp tục thực hành.
Nếu thực hành liên tục không gián đoạn, sẽ bắt đầu biết được chúng ta đang
làm gì và sẽ quan tâm đến việc hành thiền hơn.
1.21 Con cá
Chúng ta không muốn có tham ái hay ước muốn. Nhưng nếu không có ước muốn
thì làm sao tu hành? Chúng ta phải có ý muốn thực hành. Ước muốn và không
ước muốn đều là phiền não, cả hai đều là vấn đề si mê thiếu trí tuệ. Ðức
Phật cũng có ước muốn vậy. Ước muốn luôn luôn có mặt, đó chỉ là điều kiện
của tâm. Những người có trí tuệ vẫn có ước muốn, nhưng họ không chấp
trước, dính mắc. Ước muốn của chúng ta chẳng khác nào con cá lớn nằm trong
lưới. Phải đợi cho đến khi cá mất sức thì mới có thể bắt được dễ dàng.
Nhưng phải luôn luôn trông chừng đừng để cá trốn thoát.
1.22 Cá và ếch
Chấp trước dính mắc vào dục lạc ngũ trần chẳng khác nào cá bị mắc câu, dầu
có vùng vẫy đến đâu cũng không thoát khỏi. Thực ra bạn không bị bắt như
cá, nhưng bị bắt như một con ếch. Con ếch khi đớp mồi nó nuốt luôn cả lưỡi
câu vào bụng, trong khi đó con cá chỉ bị lưỡi câu móc vào mồm.
1.23 Cái nơm cá
Nếu nhìn thấy rõ ràng điều tai hại và sự lợi ích của sự vật thì bạn chẳng
cần phải nhờ ai nói cho biết điều này nữa. Hãy tưởng tượng rằng người đi
bắt cá trông thấy có vật gì động đậy trong nơm cá của mình. Nghe tiếng
quậy, tiếng vùng vẫy trong nơm, nghĩ rằng đây là một con cá nên người bắt
cá đun tay vào nơm. Lúc đụng nhằm con vật anh ta cảm thấy ngờ ngợ. Anh ta
không thể nhìn thấy nó nên không biết chắc đó là con gì? Nếu là một con
lươn thì anh sẽ có một bữa ăn ngon lành. Ngược lại nếu là con rắn thì anh
ta có thể bị rắn cắn. Anh không biết chắc đây là con gì. Anh phân vân
chẳng biết phải làm sao, nhưng lòng tham quá mạnh anh nắm ngay lấy con vật
cho rằng có thể đó là lươn. Anh kéo con vật ra khỏi nơm. Anh nhận ra ngay
đó là con rắn. Cũng may con rắn chưa cắn tay anh ta. Không một chút do dự,
anh vất con rắn đi ngay. Anh chẳng cần phải đợi ai nói cho anh biết rằng:
"Hầy, rắn đó! Vất đi!." Khi nắm con rắn trong tay, anh biết rõ phải làm
gì. Lời nói cũng không hiệu lực bằng. Tại sao? Bởi vì anh ta thực sự thấy
được sự nguy hiểm. Rắn cắn có thể làm cho anh đau nhức kinh khủng và có
thể chết. Chả cần phải đợi ai nhắc cho anh biết điều này. Việc thực hành
cũng vậy, nếu chúng ta cứ thực hành cho đến khi thấy rõ bản chất của sự
vật thì chúng ta sẽ không còn đụng đến hay nắm giữ những điều tai hại nữa.
1.24 Người đánh cá
Việc hành thiền sẽ dẫn chúng ta đến chỗ hiểu biết. Lấy ví dụ về một người
đánh cá đang kéo vợt lưới lên và thấy một con cá lớn trong đó, bạn hãy thử
tưởng tượng cảm giác của người đánh cá lúc ấy như thế nào. Sợ con cá lớn
sẩy chạy mất, anh ta vội vàng giữ lấy lưới giật mạnh và xoắn chiếc lưới
lại; kềm ngay chỗ lưới thắt và không cho cá thoát khỏi lưới. Nhưng vừa mới
giật mạnh lưới thì cá đã chạy thoát. Cá đã lợi dụng lúc anh vội vã và
không thận trọng để chạy thoát.
Thời xưa nghệ thuật bắt cá dạy rằng phải làm từ từ, phải thận trọng và nhẹ
nhàng thu lưới để cá khỏi chạy mất. Việc hành thiền của chúng ta cũng vậy.
Hãy khoan thai, từ tốn, thận trọng thâu lưới để con cá tâm khỏi chạy mất.
Ðôi lúc chúng ta cảm thấy không muốn hành thiền. Có thể chúng ta không
muốn nhìn nữa, không muốn biết nữa, nhưng chúng ta hãy tiếp tục hành trì,
chúng ta cứ tiếp tục xem xét cảm giác đang dấy lên. Kiên trì đừng chán nản
đó là hành thiền. Nếu cảm thấy thích thú trong việc hành thiền thì hãy
hành thiền. Nếu cảm thấy không thích thú trong việc hành thiền cũng cứ
hành thiền. Cứ kiên trì tiếp tục hành thiền. Nếu thích thú trong việc hành
thiền thì sức mạnh của đức tin sẽ giúp chúng ta có nhiều nỗ lực tinh tấn
trong công việc mà ta đang làm.
Nhưng ở tầng mức này, chúng ta vẫn chưa có trí tuệ, dầu cho có nỗ lực tinh
tấn chúng ta cũng chưa có thể gặt hái kết quả tốt trong việc hành thiền.
Chúng ta phải kiên trì thực hành lâu dài, cho đến khi chúng ta thấy rằng
chúng ta không phải đang đi tìm đạo. Chúng ta cảm thấy chúng ta không thể
tìm được an bình hay chúng ta cảm thấy không đủ điều kiện hay phương tiện
để hành thiền, hoặc chúng ta cảm thấy con đường đang đi không thể đạt được
kết quả nữa. Do đó ta có ý muốn dứt bỏ việc hành thiền. ở giai đoạn này
chúng ta phải hết sức thận trọng. Chúng ta phải sử dụng đức kiên nhẫn và
chịu đựng giống như trường hợp kéo lưới con cá lớn, chúng ta phải từ từ
tìm thấy cách thức và từ từ kéo nó lên. Trận chiến không quá khó khăn lắm
đâu. Bởi vậy, chúng ta hãy từ từ, thận trọng, liên tục, không gián đoạn
kéo lưới dần dần lên. Cuối cùng, sau khi con cá đã bị mệt và ngưng vùng
vẫy lúc bấy giờ ta có thể bắt nó một cách dễ dàng. Ðó là chuyện thông
thường xảy ra trong lúc tu hành. Chúng ta phải từ từ và thận trọng để có
thể gặt hái kết quả. Chúng ta phải dùng phương thức như vậy để hành thiền.
1.25 Ðèn bấm
Trong Phật giáo, chúng ta luôn luôn nghe nói đến sự xả bỏ, không nắm bắt,
chấp giữ, điều này có nghĩa là gì ? Ðiều này có nghĩa là cầm giữ mà không
dính mắc. Hãy lấy cây đèn bấm làm thí dụ. Khi thấy cây đèn bấm chúng ta tự
hỏi cái gì đây? Ta cầm đèn bấm lên, ồ ! cây đèn bấm, nói xong ta lại bỏ
cây đèn bấm xuống. Ta cầm nắm mọi vật cũng thế. Nếu không cầm nắm gì cả
thì phải làm sao đây? Nếu không nắm giữ vật thì ta không thể làm được gì
cả. Bởi thế trước tiên ta phải nắm một thứ, đó là sự muốn. Ðúng vậy, có
ước muốn sẽ dẫn đến có kết quả. Cũng như việc bạn đến đây, trước tiên bạn
phải có ý muốn đi đến đây, nếu không có ý muốn đó thì bạn đã không có mặt
ở đây hôm nay. Cũng như bạn đang đọc bài giảng này, nếu không có ý muốn
đọc thì bạn đã chẳng đọc được đến giòng chữ này và bạn đã làm chuyện gì
khác? Chúng ta làm các việc bởi vì chúng ta muốn làm. Nhưng khi ước muốn
phát sinh, đừng chấp giữ vào nó. Cũng như ta không chấp giữ lấy cây đèn
bấm này. Cái gì đây? Ta cầm cây đèn lên. Ồ! cây đèn bấm. Ta bỏ cây đèn
xuống. Ðó là ý nghĩa của sự cầm nắm mà không chấp giữ, không dính mắc.
Chúng ta ý thức, chúng ta nhận biết, xong liền xả bỏ để nó ra đi. Chúng ta
không dại dột chấp giữ, dính mắc vào sự vật. Nhưng chúng ta cầm nắm sự vật
với trí tuệ rồi để chúng ra đi, tốt hay xấu, chúng ta đều xả bỏ, đều để
chúng ra đi một cách tự nhiên.
1.26 Xa lộ
Nghĩ rằng chúng ta là những pháp trần hay pháp hữu vi biến đổi, hoặc nghĩ
rằng chúng ta đang hạnh phúc hay không được hạnh phúc, hoặc đồng hoá hạnh
phúc và đau khổ với chúng ta, v.v... đó là những ý nghĩ sai lầm hay tà
kiến. Thấy như vậy không phải là hiểu biết đầy đủ rõ ràng bản chất thật sự
của vạn pháp. Sự thật là chúng ta không thể thúc ép sự vật đi theo hay
diễn ra theo chiều hướng mà ta ưa thích. Sự vật diễn biến theo đường lối
tự nhiên. Lấy một ví dụ đơn giản. Giả sử bạn ra ngồi ngay giữa xa lộ và
các loại xe lớn, nhỏ đang boong boong chạy về hướng bạn, bạn không thể nổi
giận vì xe cứ tiếp tục chạy về phía bạn đang ngồi. Bạn cũng không thể bảo
những chiếc xe dừng lại. Vậy thì bạn phải làm gì bây giờ? Bạn chỉ còn cách
rời khỏi xa lộ. Vì thế, bạn sẽ khổ nếu bạn không muốn xe chạy trên xa lộ.
Ðối với các pháp trần hay pháp hữu vi cũng vậy. Chúng ta cho rằng các pháp
trần đã quấy rối ta. Như khi ta đang ngồi hành thiền mà nghe tiếng động,
chúng ta nghĩ rằng ồ ! tiếng động này đã quấy nhiễu ta. Nếu nghĩ rằng
tiếng động quấy rầy thì ta sẽ khổ sở. Thật ra ai đã quấy rầy ai đây? Nếu
chịu khó quan sát sâu hơn một chút chúng ta sẽ thấy rằng chính chúng ta đã
quấy rầy tiếng động. Tiếng động chỉ đơn giản là tiếng động. Nếu chúng ta
hiểu biết tiếng động theo lối này, thì chẳng có chuyện gì xảy ra thêm nữa.
Hãy để yên cho tiếng động đến rồi đi. Chúng ta thấy rõ âm thanh và chúng
chẳng có gì liên hệ gì cả, đó là trí tuệ thật sự liễu ngộ chân lý.
Thấy cả hai mặt bạn sẽ có bình an thật sự. Nếu chỉ thấy một mặt bạn sẽ đau
khổ. Khi thấy rõ cả hai mặt là bạn đã hành theo trung đạo, đó là sự thực
hành đúng đắn của tâm, đó là điều mà ta gọi là tu chính tri kiến hay làm
cho đúng đắn theo đúng sự hiểu biết của chúng ta. Tương tự như vậy, bản
chất của tất cả pháp trần là vô thường và hoại diệt nhưng chúng ta lại
muốn nắm giữ chúng, muốn mang chúng theo và tham đắm chấp giữ chúng. Chúng
ta muốn các pháp trần trở thành sự thực. Chúng ta muốn tìm sự thật trong
những cái không thật. Người nào có ý muốn như thế và dính mắc chấp giữ
pháp trần xem pháp trần như là chính mình, người đó sẽ đau khổ. Ðức Phật
dạy chúng ta hãy chú tâm xem xét điều này.
1.27 Con ếch
Càng lơ là hành thiền, càng lơ là đến chùa nghe pháp, tâm chúng ta càng bị
chìm đắm sâu xa hơn như con ếch tiến vào một lỗ hang. Một người nào đó với
cái móc đi ngang qua, thế là cuộc đời chú ếch chấm dứt. Chú ếch chẳng còn
cơ hội, chỉ có nước nghểnh cổ lên để bị bắt đi thôi. Bởi vậy phải thận
trọng, đừng thụt lùi vào trong lỗ như con ếch. Một người nào đó đi ngang
qua, móc cổ bạn lôi ra. Ở gia đình, bạn bị con cháu và của cải quấy nhiễu.
Vậy thì trường hợp của bạn còn tệ hại hơn con ếch nữa. Bạn không biết làm
thế nào để tách rời khỏi chúng khi già, đau, chết đến, bạn sẽ làm gì đây?
Ðó là cái móc sắp đến bắt bạn, bạn trốn đi đường nào ?
1.28 Trái cây
Một cây ăn trái đang nở hoa. Thỉnh thoảng một cơn gió nhẹ thoáng qua. Hoa
rơi lác đác trên mặt đất. Một số nụ còn lại phát triển thành những trái
cây nhỏ. Một trận gió nữa lại thổi qua và một số trái non rơi rụng. Một số
trái còn lại lớn dần và hườm chín. Một số khác chín mùi trước khi rụng.
Con người cũng vậy, như hoa và trái trước cơn gió. Rồi cũng sẽ rơi rụng
trong từng lứa tuổi của cuộc đời, một số người chết ngay lúc còn trong
bụng mẹ, một số lìa đời vài ngày sau khi sinh, một số sống được vài năm
rồi chết khi chưa đạt đến tuổi trưởng thành, một số chết vào lúc tuổi
thanh xuân, một số đến tuổi già rồi mới chết, trầm tư về cuộc sống của con
người, liên tưởng đến bản chất của trái cây trước gió.
Chúng ta thấy cả hoa và cả chúng ta đều không vững bền. Tâm chúng ta cũng
vậy khi pháp trần sinh khởi thổi và quét qua tâm, thì tâm rơi như trái cây
rơi rụng. Ðức Phật hiểu rõ bản chất không vững bền, ngài quan sát hiện
tượng của trái cây trước gió và nghĩ đến các đệ tử của ngài Tỳ kheo và sa
di, ngài thấy rằng tất cả có cùng bản chất không vững bền làm sao có ngoại
lệ? Ðó là bản chất chung của mọi sự vật, mọi pháp trần,
1.29 Ðống rác
Nếu tâm bạn trở nên yên tịnh và định tĩnh thì tâm trở thành một dụng cụ
quan trọng để dùng. Nhưng nếu bạn ngồi chỉ để có tâm định hầu đạt được cảm
giác hạnh phúc và vui vẻ thì bạn đã phí mất thì giờ, hành thiền là ngồi để
cho tâm an tịnh tĩnh lặng ổn định, rồi dùng tâm yên lặng ổn định này để
xem xét bản chất của thân và tâm hầu thấy chúng rõ ràng chính xác hơn.
Ngược lại nếu chỉ tập cho tâm yên tịnh để phiền não khỏi phát sinh thì
chẳng khác nào dùng một tảng đá tạm thời đậy hố rác. Nếu dời tảng đá đi,
hố rác hôi thối vẫn còn nằm đấy. Sự định tâm không phải để tạm thời hưởng
thụ an lạc mà là để xem xét chính xác bản chất của thân và tâm, đó là đạo
giải thoát chân chính.
1.30 Nước sơn
Chúng ta phải quán sát thân trong thân, những gì xảy ra trong thân hãy
nhìn nó. Nếu chỉ nhìn bên ngoài sẽ không thấy rõ, chúng ta thấy tóc ,
lông, móng, răng da v.v... chúng chỉ là những cái đẹp mê hoặc chúng ta,
bởi thế Đức Phật dạy chúng ta hãy quan sát bên trong, niệm thân trong
thân. Cái gì trong thân ta, hãy thận trọng xem xét, chúng ta sẽ thấy nhiều
điều làm chúng ta ngạc nhiên. Bởi vì mặc dầu chúng ở bên trong chúng ta
nhưng chúng ta chẳng bao giờ nhìn thấy. Mỗi khi đi đâu ta mang chúng theo
nhưng ta chẳng hiểu tí gì về chúng. Như trường hợp chúng ta ra tiệm mua
một cái ghế bằng gỗ, thấy một cái ghế có nước sơn bóng loáng đẹp đẽ, ta
mua về dùng. Chẳng bao lâu chiếc ghế hư gãy vì loại gỗ dùng làm chiếc ghế
không tốt. Như vậy, chúng ta chỉ nhìn bề ngoài chiếc ghế mà không để tâm
đến chất gỗ bên trong.
Cơ
thể chúng ta cũng vậy, nếu chúng ta chỉ nhìn cái vỏ bề ngoài chúng ta bảo
nó hoàn mỹ, nó đẹp đẽ tức là chúng ta quên mất vô thường, khổ và vô ngã.
Nếu nhìn vào bên trong chúng ta sẽ thấy nó thật dơ bẩn, xấu xa, chẳng có
gì đẹp đẽ. Nếu nhìn với cái nhìn chân thực, nhìn theo chân đế, nhìn vào
nguyên chất, đất, nước, gió, lửa của thân thể này mà không phết một lớp
sơn mới mẻ bên ngoài thì chúng ta sẽ thấy nó thật là dơ dáy, không có gì
để ưa thích. Thế là tâm nhờm chán phát sinh. Cảm giác nhờm chán không phải
là tâm chán ghét thế gian, vì không phát xuất từ lòng sân hận. Nó chỉ giản
dị là tâm đã được trong sạch, một tâm xả bỏ.
Chúng ta thấy rằng tất cả sự vật đều không có bản chất, không thể trông
cậy và nương tựa vào được, dầu cho ta có muốn chúng, có yêu thương chúng
đến đâu đi nữa chúng cũng chẳng thèm để ý. Chúng chỉ đi theo đường lối
riêng của chúng mà thôi. Sự vật vốn bất ổn cố, vốn không đẹp. Không ai có
thể thay đổi bản chất bất ổn và không đẹp đẽ này của chúng. Bởi thế Ðức
Phật dạy rằng khi chúng ta cảm nhận hình sắc, âm thanh, mùi, vị, xúc chạm
và đối tượng tâm ý thì hãy xả bỏ ngay, dầu cho đó là cảm giác hạnh phúc
hay đau khổ chúng cũng đều giống nhau. Hãy xả bỏ, hãy để chúng ra đi.
1.31 Cỏ
Bạn tham thiền để tìm bình an tĩnh lặng. Sự bình an tĩnh lặng mà người ta
thường nói là sự bình an tĩnh lặng làm dịu tâm chứ không phải là bình an
tĩnh lặng để loại trừ phiền não. Khi tâm bình an thì phiền não tạm thời bị
đè nén như tảng đá tạm thời đè lên cỏ. Khi nhấc tảng đá đi thì chỉ trong
một thời gian ngắn cỏ lại mọc lên như cũ. Cỏ không bị chết thật sự mà chỉ
bị đè xuống thôi.
Khi ngồi thiền cũng tương tự như vậy. Tâm an bình tĩnh lặng nhưng phiền
não chưa được tận diệt. Bởi thế nếu chỉ định tâm thì chỉ là an tĩnh tạm
thời. Muốn thật sự tìm bình an tĩnh lặng thật sự, bạn phải phát triển trí
tuệ. Sự bình an tĩnh lặng đến từ trí tuệ thì phiền não sẽ bị tận diệt.
1. 32 Bàn tay
Người nghiên cứu Phật pháp qua lý thuyết và người thực hành thiền thường
hiểu lầm nhau. Thông thường người nghiêng về lý thuyết thì nói rằng những
nhà sư chỉ hành thiền mà thôi thì họ sẽ theo ý kiến riêng của họ, họ không
có căn bản giáo pháp. Thực ra thì lý thuyết và thực hành cũng đều giống
nhau. Có thể ví như hai mặt trong và ngoài của bàn tay. Nếu lật ngửa bàn
tay lên thì lưng bàn tay dường như biến mất, lật úp xuống thì lòng bàn tay
dường như biến mất. Thật ra tùy theo cách nhìn của chúng ta mà một mặt của
bàn tay bị che khuất đi mà thôi. Chúng ta nên nhớ đến điều này khi chúng
ta hành thiền. Nếu khi thực hành mà nghĩ rằng chúng biến mất thì chúng ta
sẽ bỏ thực hành mà chuyển qua lý thuyết để được kết quả. Tuy nhiên, dầu
bạn có nghiên cứu giáo pháp bao nhiêu đi nữa mà không chịu thực hành, bạn
sẽ không bao giờ hiểu đúng theo chân lý. Nếu hiểu rõ bản chất thật sự của
giáo pháp chúng ta bắt đầu xả bỏ. Ðó là loại bỏ chấp giữ không còn dính
mắc vào chuyện gì nữa hoặc nếu còn dính mắc thì sự dính mắc cũng giảm
thiểu dần.
1.33 Cái hố
Có
lúc dường như những lời chỉ dẫn của tôi đối với một số các bạn có vẻ mâu
thuẫn, nhưng lối dạy của tôi rất giản dị. Giống như trường hợp tôi thấy
một người đang đi trên con đường mà tôi quen thuộc. Tôi theo dõi và biết
người ấy sắp rơi vào hố bên phải của con đường, tôi bèn gọi người ấy hãy
đi sang phía trái. Cũng thế, khi thấy một người sắp rơi vào hố bên trái,
tôi lại lớn tiếng nhắc họ đi sang phải. Ðó là cách chỉ dẫn của tôi. Bất kỳ
dính mắc vào cực đoan nào cũng phải buông bỏ chúng đi. Hãy đi sang phải,
hãy đi sang trái, rồi trở về trung tâm, làm như thế sẽ đạt đến chân pháp.
1.34 Căn nhà
Tất cả các học trò tôi đều coi như con tôi. Tôi chỉ có lòng từ ái và tâm
bi mẫn đối với họ. Nếu tôi có vẻ như làm cho bạn đau khổ thì đó là vì sự
lợi ích và sự tốt đẹp của bạn. Tôi biết một số các bạn học hành rất giỏi
và hiểu biết rộng rãi. Người ít học có ít sự hiểu biết thế gian thì có thể
thực hành dễ dàng. Nhưng người có nhiều hiểu biết cũng giống như họ có một
căn nhà rộng rãi, muốn quét dọn sạch sẽ họ phải bỏ ra nhiều công phu.
Nhưng khi căn nhà đã được quét sạch sẽ, họ sẽ có một chỗ rộng rãi có thể
làm được nhiều việc. Bởi thế phải kiên nhẫn. Kiên nhẫn và chịu đựng là
điều trọng yếu trong việc thực hành của chúng ta.
1.35 Người nội trợ
Ðừng có thái độ như người nội trợ rửa chén với khuôn mặt cau có. Cô ta
muốn rửa chén sạch nhưng không biết rằng tâm mình đang dơ. Bạn đã từng
thấy như vậy không? Cô ta thấy chén bát trước mắt, nhưng cô không thấy
chính mình. Tôi đã nói với một số các bạn đã từng trải qua tâm trạng này.
Ðó là nơi mà bạn cần phải chiêm nghiệm. Người ta chỉ chăm chú hay tập
trung tâm ý vào sự rửa chén. Nhưng lại để cho tâm bợn nhơ. Ðiều này không
tốt đẹp chút nào, bởi vì như vậy là đã quên mình.
1.36 Con chó chóc
Một lần nọ Ðức Phật thấy một con chó chóc, một loại chó sống trong rừng.
Con chó chạy ra khỏi rừng, nơi cư ngụ của nó. Nó đứng một lát lại chạy vào
bụi rậm. Sau đó lại chạy ra, rồi lại chạy vào một bộng cây. Sau đó lại
chạy ra, đứng một lát, nó lại chạy, rồi lại nằm, nằm một lát, nó lại nhảy
đi. Thì ra con chó chóc này bị lác. Lác làm nó ngứa ngáy khó chịu, bởi thế
nó chạy cho đỡ ngứa, nhưng rồi vẫn không hết ngứa nó bèn đứng lại. Vẫn cảm
thấy khó chịu, nó bèn nằm xuống, rồi lại nhảy vào bụi rậm. Chẳng bao giờ
nó chịu ngừng nghỉ. Ðức Phật thấy thế dạy các đệ tử rằng: này các thầy tỳ
khưu, các thầy có thấy con chó chóc lúc chiều không? Lúc đứng, nó đau khổ,
lúc chạy, nó đau khổ, lúc ngồi, nó đdau khổ, lúc nằm, nó đau khổ. Nó than
trách đứng làm nó khổ, ngồi làm nó khổ, nó than trách chạy, nó than trách
nằm, nó than trách bộng cây, nó than trách bụi rậm.
Thật ra không phải những điều trên làm nó bất an. Cái mà làm cho nó bất an
chính là bệnh lác. Chúng ta chẳng khác nào một con chó chóc. Sự bất mãn,
sự không hài lòng của chúng ta phát sinh từ tà kiến hay sự hiểu biết sai
lầm của chúng ta. Bởi vì không thực hành pháp thu thúc lục căn nên ta than
trách sự đau khổ bên ngoài. Dầu sống ở Thái lan, ở Việt nam hay ở Miến
điện, ở Mỹ hay ở Anh quốc chúng ta đều không hài lòng , tại sao chúng ta
lại không hài lòng ? Bởi vì chúng ta có sự hiểu biết sai lầm, chỉ có vậy
thôi, thế nên bất kỳ đi đến đâu ta cũng không hài lòng. Khi con chó chóc
lành bệnh lác thì đi đâu nó cũng thoải mái, cũng hài lòng. Cũng vậy khi
không còn tà kiến, không còn hiểu biết sai lầm, thì đi bất kỳ nơi đâu ta
cũng cảm thấy thoải mái hài lòng.
1.37 Con dao tây
Hãy nhìn con dao tây. Toàn thể con dao là một khối sắt không rỉ. Mỗi con
dao có mũi dao, lưỡi dao và sống dao. Bạn có thể chỉ cầm lưỡi dao lên
không? Bạn có thể chỉ cầm sống dao hay cán dao lên không? Lưỡi dao, cán
dao, sống dao đều là một phần của con dao tây và dính liền nhau không thể
tách rời ra được. Khi cầm dao lên thì bạn cầm mọi bộ phận của nó. Cũng
vậy, nếu bạn cầm cái tốt lên thì đồng thời bạn cũng cầm cái xấu lên. Người
ta thường tìm kiếm điều tốt mà loại bỏ điều xấu. Nhưng họ không biết rằng
chẳng có gì không tốt hay không xấu cả. Nếu bạn không học tập điều này thì
bạn sẽ không có sự hiểu biết thật sự. Nếu bạn cầm cái tốt lên thì cái xấu
cũng dính liền theo. Nếu bạn cầm hạnh phúc thì đau khổ cũng đeo theo. Hãy
huấn luyện tâm cho đến khi nó vượt lên trên cả tốt và xấu. Ðó là lúc hoàn
tất việc học hành.
1.38 Gút thắt
Chúng ta xem hạnh phúc và không hạnh phúc là bất ổn không vững bền và vô
thường. Ðồng thời cũng hiểu biết rằng các loại cảm giác cũng không tồn tại
lâu dài và không nên bám víu vào chúng. Chúng ta nhìn sự vật theo cách này
vì ta có trí tuệ. Chúng ta hiểu biết sự vật theo bản chất tự nhiên của
chúng.
Cũng như cầm một đầu dây có thắt gút, nếu chúng ta kéo theo chiều thích
hợp thì gút thắt sẽ được nới lỏng và sợi dây sẽ thẳng trở lại. Ðó cũng
giống như trường hợp hiểu biết rằng sự vật không phải luôn luôn ở mãi
trong một trạng thái. Trước đây chúng ta tưởng rằng sự vật luôn luôn phải
diễn biến theo một chiều nào đó mà không biến đổi cách khác. Bởi thế chúng
ta đã kéo cái gút thắt làm cho nó càng chặt hơn. Sự thắt chặt này là đau
khổ. Sống theo lối này sẽ bị nhiều thúc ép và căng thẳng. Thế nên chúng ta
nới lỏng nút thắt một chút rồi buông thõng tự nhiên. Tại sao chúng ta nới
lỏng nút thắt? Bởi vì nó đã bị thắt chặt. Nếu không dính mắc vào nó thì
chúng ta có thể nới lỏng dễ dàng. Ðó không phải là điều kiện cố hữu. Chúng
ta dùng những lời giảng dạy về vô thường làm căn bản cho chúng ta. Chúng
ta thấy rằng cả sự hạnh phúc và không hạnh phúc đều không trường cửu.
Không nên ỷ lại hay nương tựa vào chúng. Tuyệt đối không có vật gì trên
thế gian này mà không bị luật vô thường chi phối. Với sự hiểu biết như
vậy, chúng ta sẽ dần dần chấm dứt sự tin tưởng vào những loại tình cảm và
cảm giác diễn ra trong tâm chúng ta. Khi chúng ta chấm dứt sự tin tưởng
này thì sự hiểu biết sai lầm hay tà kiến của chúng ta cũng giảm thiểu. Ðó
là ý nghĩa của sự cởi bỏ các gút thắt, tiếp tục làm cho gút thắt càng ngày
càng lỏng hơn, dần dần sự chấp giữ dính mắc được bứng tận gốc.
1.39 Chiếc vá
Chỉ nghe giáo pháp mà không thực hành thì chẳng khác nào chiếc vá nằm
trong nồi canh. Nó nằm trong nồi canh mỗi ngày mà chẳng hưởng được chút
hương vị nào của canh cả. Bạn hãy suy gẫm điều này mà nỗ lực thực hành.
1.40 Lá cây
Hiện giờ chúng ta đang ngồi trong một khu rừng yên tĩnh, ở đây nếu không
có gió thì lá cây yên tĩnh. Khi gió nổi lên thì lá rơi lả tả và quay cuồng
theo gió. Tâm ta cũng giống như những chiếc lá này. Khi nó tiếp xúc với
pháp trần thì cũng tùy theo pháp trần mà quay cuồng vũ lộng. Bởi vì chúng
ta hiểu biết giáo pháp quá ít nên tâm bị pháp trần lôi cuốn không ngừng.
Lúc có cảm giác vui vẻ hạnh phúc thì bị cảm giác vui vẻ lôi cuốn. Khi có
cảm giác buồn rầu đau khổ thì bị cảm giác buồn rầu đau khổ nhận chìm. Tâm
không ngừng quay cuồng hỗn loạn.
1.41 Mái nhà dột
Ða
số chúng ta chỉ nói về việc hành thiền mà không thực hành. Sự thực hành
của chúng ta giống như một người ngụ trong căn nhà mà mái nhà bị dột một
bên mái nên người ấy phải ngủ phía bên kia. Khi mặt trời chiếu vào phía
này thì người ấy lăn qua phía khác. Lúc nào người ấy cũng suy nghĩ, khi
nào ta mới có căn nhà tươm tất như người khác đây? Nếu mái nhà dột khắp
nơi, người ấy sẽ choàng dậy, rời khỏi căn nhà. Ðó không phải là phương
pháp tốt đẹp, nhưng đa số chúng ta đều làm như thế.
1.42 Lá thư
Chỉ cần biết cái gì đang xảy ra trong tâm bạn. Ðừng vui hay buồn về nó.
Cũng đừng dính mắc. Nếu bạn đau khổ hãy nhìn nó, hiểu nó, rồi xả bỏ nó đi.
Giống như một lá thư bạn phải bóc lá thư ra trước khi muốn biết nội dung
lá thư.
1.43 Khúc gỗ
Nếu chúng ta đốn một khúc gỗ và thả xuống dòng sông, khúc gỗ sẽ xuôi theo
dòng trôi đi. Nếu khúc gỗ không bị mục hay bị tấp vào bờ thì cuối cùng nó
sẽ trôi ra biển. Cũng vậy, tâm thực hành trung đạo nếu không dính mắc vào
hai thái cực lợi dưỡng và khổ hạnh thì cuối cùng sẽ đạt được chân bình an.
Khúc gỗ trong ví dụ này là tâm ta.
1.44 Gỗ
Nếu bạn không chịu bỏ thì giờ huấn luyện tâm mình thì tâm sẽ giữ mãi đặc
tính hoang dã mê muội, thuận theo bản tánh tự nhiên của chúng. Bạn có thể
huấn luyện để bản tánh này thay đổi và đem lại lợi ích. Hãy lấy cây ra làm
thí dụ so sánh. Nếu ta chỉ để cây ở trong trạng thái thiên nhiên thì ta
chẳng bao giờ có được căn nhà làm bằng gỗ. Cũng không thể dùng gỗ để làm
các vật liệu kiến trúc hay các vật dụng trong nhà. Tuy nhiên nếu muốn làm
nhà người thợ cất nhà phải tìm cây ở trạng thái thiên nhiên và họ sẽ cưa
xẻ cây để cất nhà. Trong một thời gian ngắn người thợ có thể cất được căn
nhà.
Hành thiền và phát triển tâm cũng tương tự như vậy. Bạn phải sửa đổi huấn
luyện tâm mình như đốn cây thiên nhiên trong rừng và chế biến thành vật
hữu dụng. Phải huấn luyện tâm để tâm trở nên tinh tế hơn, chánh niệm, tỉnh
thức và nhạy bén hơn.
1.45 Con dòi
An
vui hạnh phúc không tùy thuộc vào chuyện chúng ta giao tiếp nhiều hay ít
người trong xã hội này. An vui, hạnh phúc chỉ đến từ chánh kiến. Khi bạn
có sự hiểu biết đúng đắn thì an vui hạnh phúc sẽ đến. Nếu có sự hiểu biết
đúng đắn thì bất kỳ sống ở nơi nào bạn cũng cảm thấy hài lòng. Nhưng phần
lớn chúng ta không có chánh kiến, không có sự hiểu biết đúng. Người thiếu
chánh kiến chẳng khác nào con dòi sống trong đống phân. Con dòi sống trong
phân, lấy phân làm thực phẩm, phân là chỗ cư trú lý tưởng nhất. Nếu lấy
cây khươi một con dòi ra khỏi đống phân, nó sẽ ngọ ngọe và cố gắng trở về
lại với đống phân.
Chúng ta cũng thế, thầy giáo dạy chúng ta hãy nhìn một cách đúng đắn nhưng
chúng ta thấy không hài lòng, chúng ta chỉ làm theo lời thầy trong chốc
lát rồi lại vội vã trở về với thói quen cố hữu và quan kiến riêng của
mình. Bởi vì chúng ta cảm thấy rằng chỉ có những thói quen và quan kiến
này mới đem lại an vui hạnh phúc cho chúng ta. Nếu không nhìn thấy những
hậu quả tai hại của tà kiến thì chúng ta không thể nào rời bỏ những quan
kiến sai lầm này được.
Việc hành thiền thật khó khăn, bởi thế chúng ta cần phải lắng nghe lời dạy
của thầy, loại bỏ sự hiểu biết sai lầm, loại bỏ sự chấp giữ quan kiến là
điều thiết yếu của chúng ta trong việc thực hành. Nếu có chánh kiến thì
bất cứ đi đến nơi nào chúng ta cũng có an vui hạnh phúc.
1.46 Quả xoài
Chúng ta nói rằng giới, định và huệ là con đường mà tất cả các bậc Thánh
phải đi qua để đến nơi giác ngộ. Tuy phân chia ra làm giới, định, huệ
nhưng cả ba chỉ là một. Giới là định, định là giới, định là huệ, huệ là
định. Cũng giống như trái xoài khi còn là hoa, ta gọi đó là hoa xoài, khi
trở thành trái ta gọi đó là trái xoài. Khi chín, ta gọi là xoài chín. Hoa
xoài, xoài non, xoài chín đều là xoài, nhưng nó liên tục thay đổi. Trái
xoài lớn trưởng thành từ trái xoài nhỏ. Trái xoài nhỏ phát triển thành
trái xoài lớn. Ta có thể gọi chúng với những cái tên khác nhau, hay gọi
tất cả chúng chỉ bằng một tên cũng thế thôi.
Giới định và huệ cũng tương quan với nhau như vậy. Cuối cùng thì mọi nẻo
đều dẫn đến giải thoát. Trái xoài lúc mới xuất hiện chỉ là hoa, dần dần
trưởng thành rồi chín. Chúng ta phải có cái nhìn về giới, định và huệ như
vậy. Dầu người ta đặt cho nó cái tên gì cũng không thành vấn đề. Mỗi khi
nó được sinh ra, nó sẽ trưởng thành và chín mùi rồi sau đó nó đi về đâu?
Chúng ta hãy quán xét điều này. Nhiều người không muốn bị già. Khi tuổi
già đến với họ, họ lấy làm tiếc nuối. Những người này không nên ăn xoài
chín. Tại sao chúng ta lại muốn xoài chín, nếu chúng không chín đúng thời,
ta ủ chúng, thúc ép cho chúng chín cho mau, có phải vậy không? Nhưng khi
tuổi già đến với ta thì sự tiếc nuối tràn ngập tâm hồn. Nhiều người khóc
lóc, sợ hãi tuổi già và chết. Nếu sợ hãi và tiếc nuối như vậy thì không
nên ăn xoài chín mà chỉ nên ăn hoa xoài thôi. Nếu thấy được những điều này
thì sẽ thấy giáo pháp. Mọi chuyện đều rõ ràng và chúng ta có an bình hạnh
phúc thật sự.
1.47 Thuốc và trái cây
Nhiều người cảm thấy nóng nảy và khó chịu khi thấy người khác không hành
thiền. Không nên làm thế, hãy tiếp tục quan sát họ, đừng nói điều gì chống
đối họ. Họ sẽ đến với giáo pháp khi những yếu tố trí tuệ nơi họ chín mùi
đó. Cũng giống như trường hợp bán thuốc. Ta quảng cáo thuốc của chúng ta
ai đau đầu hay đau bụng hãy đến mua, người nào không thích thuốc của ta
thì hãy cứ để họ tự nhiên. Họ như những trái còn xanh, không thể thúc ép
cho chín mau được. Hãy để họ như vậy, hãy để cho họ tự trưởng thành, già
và chín mùi một cách tự nhiên. Nếu bạn biết suy tư như thế, tâm bạn sẽ
bình an. Bởi vậy không cần phải thúc ép ai cả, chỉ cần quảng cáo thuốc là
đủ. Người nào bị bệnh sẽ tự động đến mua.
1.48 Thương gia
Khi làm một việc gì cũng phải làm một cách chánh niệm, sáng suốt. Khi đã
thấy một cách rõ ràng, thì chẳng cần phải chịu đựng thúc ép mình nữa. Bạn
gặp khó khăn và tự mang gánh nặng vào mình vì bạn quên mất một điều. Ðó là
quên chánh niệm sáng suốt. An bình tĩnh lặng sẽ đến khi bạn làm mọi công
việc trên đời với tất cả thân và tâm của mình, nghĩa là làm với chánh niệm
và giác tỉnh. Bất cứ việc gì chưa được làm trọn vẹn đều khiến bạn cảm thấy
không hài lòng, những điều này sẽ theo bạn và làm khổ bạn dầu bạn đi đến
bất cứ nơi nào. Bạn muốn hoàn tất mọi chuyện nhưng đó là điều không tưởng.
Không thể nào hoàn tất mọi chuyện được.
Hãy lấy trường hợp của các nhà buôn thường đến đây thăm tôi. Họ nói "Bạch
sư khi nào con trả xong nợ, mọi việc được thu xếp ổn thỏa con sẽ trở thành
một nhà sư," họ nói như vậy, nhưng đến khi nào họ mới trả hết nợ và thu
xếp xong công việc của mình? Chẳng khi nào họ xong được. Họ dùng nợ mới để
trả nợ cũ, vừa thanh toán xong món nợ này họ đã vay món nợ khác. Người nhà
buôn nghĩ rằng khi họ hết nợ, họ sẽ an vui hạnh phúc, nhưng không khi nào
có thể trả hết nợ. Ðó là đường lối mà thế gian làm cho chúng ta điên cuồng
rối lọan. Chúng ta cứ chạy loanh quanh như vậy mãi chẳng hề thấy được hoàn
cảnh đáng thương của mình.
1.49 Dầu và nước
Dầu và nuớc khác nhau cũng như người trí và kẻ thiển trí vậy. Ðức Phật
sống với sắc, thinh, hương, vị, xúc, pháp. Nhưng một vị Alahán đã vứt bỏ
mọi bợn nhơ nên ngài không bị dính mắc vào hình sắc, âm thanh, mùi vị và
sự xúc chạm. Ngài không bị các loại này chi phối. Trên bước đường trở
thành bậc giác ngộ, Ngài đã xả bỏ dần dần các dục lạc trần thế cho đến lúc
ngài hiểu rằng tâm chỉ là tâm và sự suy nghĩ chỉ là sự suy nghĩ. Ngài phân
biệt được chúng và không trộn lẫn chúng lại với nhau. Tâm chỉ là tâm. Tư
tưởng, cảm giác chỉ là tư tưởng, cảm giác. Hãy để cho sự vật chỉ là sự
vật. Hãy để cho hình sắc chỉ là hình sắc, âm thanh chỉ là âm thanh, mùi
chỉ là mùi, vị chỉ là vị, sự xúc chạm chỉ là sự xúc chạm và tư tưởng chỉ
là tư tưởng. Tại sao chúng ta bối rối băn khoăn và dính mắc vào chúng? Nếu
ta có cảm giác và suy tư theo lối này thì ta sẽ có tâm xả bỏ không còn
chấp trước nữa. Tư tưởng và cảm giác của chúng ta sẽ nằm một bên và tâm
của chúng ta sẽ nằm một bên, như nước và dầu cùng đựng chung trong một
chai, nước nằm theo phần nước, dầu nằm theo phần dầu.
1.50 Trẻ mồ côi
Cuối cùng con người bị bệnh thần kinh, tại sao vậy? Bởi vì họ không hiểu
biết. Họ chỉ chiều theo các xung động tình cảm mà không biết cách săn sóc
tâm mình. Tâm không có người chiếu cố thì chẳng khác chi trẻ con không có
cha mẹ chăm nom săn sóc. Trẻ mồ côi không nơi nương tựa nên rất bất an và
đau khổ. Cũng vậy nếu tâm không được săn sóc huấn luyện làm cho thuần thục
bằng chánh kiến thì sẽ gặp nhiều phiền toái.
1.51 Xe bò
Giả sử chúng ta có một chiếc xe và một con bò để kéo xe. Bánh xe tuy không
dài nhưng vết xe lăn thì dài. Khi bò kéo xe thì vết xe sẽ theo sau. Bánh
xe thì tròn nhưng vết xe thì dài. Hãy xem xét một chiếc xe đang đậu, ta
không thấy bánh xe dài, nhưng một khi bò bắt đầu kéo thì vết xe trải dài
ra phía sau. Khi bò kéo thì bánh xe lăn và vết xe xuất hiện. Nhưng rồi đến
một ngày nào đó bò già yếu không kéo được xe, bò ra đi chiếc xe nằm lại
đó. Bánh xe không còn lăn nữa. Rồi tới lúc chiếc xe lụn tàn rã ra từng
mảnh trở về với tứ đại: đất, nước, gió, lửa. Nương chiều theo thế gian
pháp.
Người muốn tìm bình an bằng cách nương theo dục lạc ngũ trần sẽ lăn mãi
không dừng và đến một lúc nào đó sẽ ra đi như con bò già và chiếc xe rã
mục. Bao lâu còn cuốn theo thế gian này thì còn trôi lăn mãi không dừng
nghỉ.Nếu chúng ta chấm dứt việc theo đuổi thì bánh xe sẽ không còn quay
nữa. Chấm dứt ngay tại đây. Bao lâu ta còn theo đuổi thế gian này một cách
mù quáng thì vết xe lăn vẫn còn. Tạo nghiệp xấu cũng như vậy, bao lâu
chúng ta còn tiếp tục theo đi theo đường lối cũ thì sẽ không có chỗ dừng.
Nếu chúng ta chịu dừng thì chắc chắn sẽ dừng được. Ðó là sự thực hành giáo
pháp.
1.52 Mặt hồ tĩnh lặng
Hãy chánh niệm và để mọi chuyện thuận theo lẽ tự nhiên thì bất kỳ ở hoàn
cảnh nào tâm bạn cũng bình an tĩnh lặng, nó sẽ tĩnh lặng như mặt nước hồ
trong suốt trong rừng sâu. Những loài thú hiếm và quí sẽ đến đó uống nước.
Rồi bạn sẽ thấy rõ ràng bản chất của mọi sự vật trên thế gian này. Bạn sẽ
thấy rất nhiều điều kỳ diệu và tốt đẹp trên thế gian đến rồi đi, nhưng bạn
vẫn an nhiên tĩnh lặng. Ðó là niềm vui của đức Phật.
1.53 Nước mưa
Thật ra tâm ở trạng thái tự nhiên sẽ thanh tịnh trong sạch như nước mưa.
Nếu nhỏ một vài giọt phẩm màu xanh vào nước mưa trong suốt, nước mưa sẽ
biến thành màu xanh, nếu nhỏ một vài giọt phẩm màu vàng vào nước, nước sẽ
có màu vàng . Phản ứng của tâm cũng tương tự như vậy, khi một pháp trần
mang màu sắc vui tươi dễ chịu nhỏ vào tâm thì tâm sẽ vui tươi, dễ chịu,
khi một pháp trần mang màu sắc héo úa, khó chịu nhỏ vào tâm thì tâm cũng
sẽ héo úa, khó chịu. Tâm bị nhuộm màu bởi các pháp trần như nước bị nhuộm
màu bởi các lọai phẩm nhuộm. Nứoc mưa trong sạch không màu sắc khi gặp màu
vàng sẽ đổi sang màu vàng, khi gặp màu xanh sẽ chuyển sang màu xanh. Nước
sẽ đổi màu sắc liên hồi theo phẩm màu. Thực ra , dầu đã chuyển sang xanh
hay vàng, bản chất tự nhiên của nước vốn trong suốt sạch sẽ. Bản chất của
tâm vốn cũng trong suốt thanh tịnh nhưng tâm bị ô nhiễm vì bị các pháp
trần nhuộm màu, bị mê loạn trong các xung động tình cảm.
1.54 Nước chảy
Cơ
thể già và bệnh là chuyện tự nhiên chẳng có gì sai quấy cả. Bởi thế chẳng
phải cơ thể chúng ta làm cho chúng ta đau khổ mà ý nghĩ sai lầm đã đem lại
khổ đau cho chúng ta. Khi chúng ta thấy sai sự thật thì phiền não đương
nhiên sẽ đến. Ví như nước trong dòng sông, bản tánh tự nhiên cuả nước là
chảy xuống chỗ thấp. Nước từ đồi chảy xuống chẳng bao giờ nước chảy ngược
lên đồi , đó là đặc tính riêng của nước. Ðứng bên bờ sông nhìn nước từ cao
chảy xuống, nếu ta có ý muốn nước chảy ngược lên thì ta sẽ đau khổ, đau
khổ vì chúng ta có ý nghĩ sai lầm hay tà kiến. Ý nghĩ của chúng ta đi
ngược dòng. Nếu có chánh kiến ta sẽ thấy rằng nước phải chảy từ cao xuống
thấp, vì không hiểu rõ và chấp nhận định luật tự nhiên này nên chúng ta
luôn luôn bị dao động và buồn khổ và chẳng bao giờ tìm được sự bình an tâm
hồn. Nước phải chảy từ cao xuống thấp, cơ thể chúng ta cũng vậy, nó phải
trải qua giai đoạn trẻ trung , già yếu, bệnh hoạn rồi chết. Ðó là chuyện
tự nhiên đừng kỳ vọng nó diễn biến theo đường lối phản tự nhiên. Chúng ta
không có cách nào để cưỡng lại định luật sanh, già, bệnh và chết này, vậy
đừng đi ngược dòng.
1.55 Con đường
Bất kỳ đang ở nơi nào cũng phải có thái độ tự nhiên và luôn luôn quán
chiếu để tự hiểu mình. Nếu hoài nghi phát sanh hãy để nó đến và đi tự
nhiên. Ðây là chuyện thật giản dị, hãy xả bỏ tất cả. Cũng giống như đi
trên đưòng nhiều khi bạn gặp chướng ngại. Khi gặp phiền não hãy nhìn
chúng, chế ngự chúng, rồi xả bỏ để chúng tự ra đi. Ðừng nghĩ tưởng tới
những chướng ngại đã qua, đừng lo âu về những chướng ngại chưa đến. Hãy
sống trong hiện tại, đừng quan tâm đến chiều dài của con đường, cũng đừng
để ý tới nơi sẽ đến. Mọi chuyện đều thay đổi. Những gì đã gặp qua hãy xả
bỏ. Cuối cùng tâm sẽ đạt được trạng thái quân bình. Bấy giờ dầu bạn đang
ngồi nhắm mắt, hay đang rảo bước trong phố thị ồn ào, thì tâm bạn vẫn bình
an tĩnh lặng.
1.56 Tảng đá
Xả
bỏ hay làm với tâm trống không là 2 đề tài ít người hiểu được, vì chúng đi
ngược lại quan niệm thông thường của người đời. nếu dùng ngôn ngữ của
người thế gian để giải thích xả bỏ và làm với tâm trống không thì dễ gây
nên lầm lẫn, vì con người luôn luôn có tư tưởng: "tôi có thể làm những gì
tôi muốn". Có thể giải thích như vậy, nhưng ý nghĩa thực sự của nó như
sau: Như trường hợp chúng ta khiêng một tảng đá nặng, khiêng được một lát
ta cảm thấy nặng nhưng chúng ta không biết làm thế nào để vất bỏ, bởi thế
ta luôn luôn chịu đựng gánh nặng này. Nếu có ai bảo chúng ta vất tảng đá
đó đi, chúng ta sẽ trả lời, nếu vất bỏ nó đi thì tôi còn có gì đâu. Thậm
chí nếu người ta giải thích cho chúng ta biết lợi ích của sự trút bỏ gánh
nặng chúng ta sẽ không tin, mà tiếp tục suy nghĩ, nếu ta vất bỏ tảng đá
này đi ta sẽ chẳng còn gì cả. Thế là ta tiếp tục khiêng tảng đá nặng cho
đến khi không chịu đựng được nữa, mệt nhoài và đuối sức, lúc bấy giờ ta
phải để tảng đá xuống. Khi đã bỏ tảng đá xuống bỗng nhiên ta cảm thấy lợi
ích của sự vất bỏ tảng đá, ngay tức khắc ta cảm thấy nhẹ nhàng hơn, thoải
mái hơn, và ta tự hiểu được sức nặng lớn lao mà ta đã nhận chịu khi khiêng
tảng đá. Trước khi vất bỏ tảng đá, chúng ta không biết đến lợi ích của sự
xả bỏ. Về sau chúng ta có thể lặp lại việc khiêng tảng đá một lần nữa,
nhưng bấy giờ chúng ta đã hiểu được hậu quả của việc mang gánh nặng, bởi
thế chúng ta có thể dễ dàng vất bỏ nó đi. Sự hiểu biết rằng mang gánh nặng
là vô ích và xả bỏ đem lại sự nhẹ nhàng, thoải mái là một ví dụ điển hình
về sự tự hiểu chính mình. Tính tự tôn tự đại của chúng ta, sự dính mắc lệ
thuộc vào tự ngã của chúng ta, chẳng khác nào tảng đá nặng, ta không muốn
vất bỏ tự ngã, vì sợ rằng sau khi vất bỏ thì chẳng còn gì cả, nhưng cuối
cùng khi ta có thể vất bỏ tự ngã thì ta sẽ tự mình ý thức được niềm an lạc
thanh thản của sự không dính mắc .
1.57 Cái đinh vít
Nếu do việc hành thiền mà bạn thấy rõ chân lý thì sự đau khổ không còn là
vết thương đối với bạn cũng như cái đinh vít đã được tháo mở. Khi bạn vặn
cây đinh vít ngược chiều kim đồng hồ thì nó sẽ được tháo mở, tâm rút lui
khỏi mọi sự cũng vậy. Tâm xả bỏ tất cả, tâm không còn bị cột chặt vào tốt,
xấu, quyền sở hửu, khen, chê, hạnh phúc và đau khổ. Nếu không hiểu chân lý
thì chẳng khác nào luôn luôn siết chặt cây đinh vít lại, bạn vặn chặt nó
cho đến khi nó phản ứng lại và bạn sẽ bị đau khổ về mọi chuyện, khi bạn
tháo mở lỏng tất cả, bạn sẽ tự do và an lạc.
1.58 Cấy mạ
Trong việc hành thiền cần có sự tinh tấn chánh niệm liên tục như cấy mạ.
Trong khi cấy mạ nếu bạn cấy mạ ở nơi này vài hôm, lại nhổ lên cấy ở nơi
khác, rồi chừng vài hôm sau bạn lại nhổ lên cấy ở một nơi khác nữa, cứ làm
như thế mãi cây mạ sẽ không bao giờ tăng trưởng ra hoa và kết hạt được.
Trong việc hành thiền cũng vậy, nếu bạn hành thiền độ 7 hôm lại nghỉ 7
tháng đi loanh quanh đây đó làm ô nhiễm tâm, sau đó trở về sống độc cư giữ
im lặng trong 7 ngày nữa rồi lại tiếp tục ra đi thì việc hành thiền của
bạn sẽ không phát triển. Bởi vậy cần phải hành thiền liên tục. Tuy nhiên
đối với các cư sĩ tại gia vì bận rộn công việc làm ăn nên mỗi năm chỉ đi
dự vài khóa thiền thì họ cần phải mỗi ngày để ra từ một đến hai tiếng để
hành thiền và cố gắng ghi nhận chánh niệm các tác động hằng ngày càng
nhiều càng tốt. Có như thế, việc hành thiền mới tiến triển tốt đẹp.
1.59 Con dao bén
Khi nói tâm tĩnh lặng ta muốn nói rằng tâm đứng yên không phóng đi đây đi
đó. Cũng như khi có con dao bén, nếu ta không biết giữ gìn dao gặp thứ gì
cũng cắt, như dùng dao để cắt gạch cắt đá, cắt kiếng v.v...thì dao sẽ
chóng lụt. Chúng ta chỉ nên dùng dao để cắt các vật hữu dụng thôi. Tâm
chúng ta cũng vậy, nếu để tâm lang bạt theo tư tưởng và cảm giác vô dụng
hay vô giá trị thì tâm sẽ trở nên yếu kém vì nó chẳng có cơ hội để nghỉ
ngơi. Nếu tâm không đủ năng lực thì trí tuệ sẽ không phát sinh bởi vì tâm
thiếu năng lực là tâm không có định lực.
1.60 Con rắn
Con người luôn luôn tìm cầu hạnh phúc và ghét đau khổ, nhưng hạnh phúc là
một hình thức vi tế của khổ đau. Chúng ta có thể so sánh hạnh phúc và khổ
đau với một con rắn. Ðầu rắn là đau khổ, đuôi rắn là hạnh phúc. Ðầu rắn
rất nguy hiểm vì có răng độc nếu ta đụng vào đầu rắn, rắn sẽ cắn ngay.
Nhưng nói chi đến đầu, bạn chỉ cần sờ vào đuôi rắn, rắn cũng quay đầu lại
cắn bạn ngay, bởi vì cả đầu lẫn đuôi đều thuộc về một con rắn. Cũng thế
hạnh phúc và đau khổ, vui và buồn đều khởi từ một con rắn đó là tham muốn.
Bởi thế khi có hạnh phúc thì tâm chưa hẳn là có an bình thật sự. Chẳng hạn
khi ta có được vật ưa thích như giàu sang, uy quyền, lời tán dương thì
chúng ta hài lòng vui thích, nhưng tâm vẫn bất an vì lo sợ mất chúng,
chính sự sợ hãi này không phải là trạng thái hạnh phúc. Sau này có thể
chúng ta sẽ thực sự mất những thứ ấy, rồi sẽ thực sự đau khổ. Bởi vậy, nếu
chúng ta không chánh niệm tỉnh thức ngay cả khi đang hạnh phúc thì đau khổ
sẽ sẵn sàng nhảy vào, đó là trường hợp nắm phải đuôi rắn, nếu ta không
buông ra ắt sẽ bị rắn cắn. Vì tất cả mọi thứ, cho dù đó là đầu rắn hay
đuôi rắn, là việc thiện hay việc bất thiện, đều là những đặc tính của luân
hồi không ngừng thay đổi.
1.61 Con nhện
Theo dõi một con nhện có thể giúp chúng ta phát sanh trí tuệ, nhện giăng
tơ ở một nơi thuận lợi, rồi nằm một nơi chờ đợi. Một lát sau, một con ruồi
bay đến sa vào lưới nhện, khi mồi vừa đụng vào lưới thì nhện tức tốc đến
ngay, dùng tơ quấn chặt lấy ruồi rồi cất con ruồi vào một nơi, xong lại
trở về trung tâm nằm yên lặng như trước. Ðiều này chẳng khác gì tâm chúng
ta. Tâm chúng ta luôn luôn bị các loài côn trùng là các đối tượng giác
quan xâm nhập. Lúc căn tiếp với trần thì tâm hay biết ngay, chẳng khác nào
khi côn trùng đụng vào lưói, thì nhện tiến đến ngay. Khi tâm nhận thức đối
tượng, nó sẽ suy đạt và xem xét một cách thận trọng rồi trở về trung tâm.
Trở về trung tâm có nghĩa là sống chánh niệm với sự hiểu biết rõ ràng,
luôn luôn tỉnh thức và làm mọi việc một cách chính xác, đó là trung tâm
của chúng ta. Thật ra chẳng phải làm công việc gì nhiều, chúng ta chỉ y
chiếu theo lối này mà sống một cách thận trọng là đủ. Nhưng điều này không
có nghĩa là chúng ta để cho tư tưởng phóng túng thiếu tinh cần chánh niệm,
và cho rằng ta chẳng cần phải hành thiền hay kinh hành và do vậy quên hết
việc thực hành của chúng ta. Chúng ta không được cẩu thả thiếu thận trọng,
chúng ta phải luôn luôn cảnh giác như con nhện đợi chờ săn mồi. Ðó là
phương pháp an trú của chúng ta - duy trì sự tỉnh thức, hành động chíng
xác và luôn luôn chánh niệm và giác tĩnh với trí tuệ minh sát.
1.62 Nước chảy, nước đứng
yên
Bạn đã từng thấy nước lưu chuyển chưa? bạn đã từng thấy nước lặng yên chưa
? Nếu tâm bạn bình an tĩnh lặng thì chẳng khác nào sự đứng yên của dòng
nước lưu chuyển. Bạn đã bao giò thấy sự tĩnh lặng của dòng nuớc đang lưu
chuyển chưa? Bạn chỉ thấy hoặc là nước lưu chuyển, hoặc là nước đứng yên,
chứ chưa thấy sự đứng yên của nước lưu chuyển phải không? Khi tâm bạn bình
yên tĩnh lặng bạn có thể khai triển trí tuệ, lúc ấy tâm bạn cũng giống như
dòng nước lưu chuyển đứng yên, hầu như nó là tĩnh lặng nhưng nó đang lưu
chuyển, bởi thế tôi gọi nó là " tịnh chỉ lưu thủy" nghĩa là nước chảy tĩnh
lặng , trí tuệ phát sinh tại đây.
1.63 Trái ngọt
Mặc dầu trái cây có vị ngọt, nhưng chúng ta phải nếm trước khi biết vị của
nó như thế nào. Thực ra trái cây dù chẳng ai nếm nó, nó vẫn ngọt như
thường, nhưng chẳng ai hiểu biết điều này. Giáo pháp của Ðức Phật cũng
giống như vậy, mặc dầu đó là sự thật nhưng nó sẽ không thật đối với những
người không thật sự hiểu biết nó, dầu cho nó có tuyệt vời hay tốt đẹp bao
nhiêu đi nữa thì đối với họ cũng vô giá trị.
1.64 Bình thủy
Hãy đọc chính mình chứ không phải đọc sách, chân lý không nằm bên ngoài,
đó chẳng qua chỉ là trí nhớ chứ không phải là trí tuệ. Trí nhớ mà không có
trí tuệ thì cũng giống như cái bình thủy trống rỗng, nếu không đổ nước vào
bình thì bình sẽ trở thành vô dụng.
1.65 Người khát nước
Một khách lữ hành đi trên đường cảm thấy khát nước dữ dội, ông ta dừng lại
bên đường xin nước uống. Người chủ nhà cho biết, nước thì có sẵn nhưng
không uống được vì đây là loại nước đặt biệt phải nấu sôi nhiều lần để các
chất độc bay đi, sau đó để nguội mới có thể uống được. Hiện nay chưa có
nước sẵn, xin ông đợi vài tiếng nữa. Ô! nước trong vắt và phảng phất mùi
thơm thế kia, có gì mà độc, xin cho tôi uống. Ô! Ông bạn muốn uống thì cứ
uống, nước trong vắt có mùi thơm tho, vị thật tuyệt, nhưng uống vào, ông
bạn sẽ bị bệnh và có thể chết, hay gần chết. Người lữ hành quá khát nước
nên không chịu nghe lời người chủ, ông ta khát như người vừa mới mổ xong,
bị cấm uống nứớc một thời gian, ông ta năn nỉ xin cho tôi uống, tôi khát
quá dầu uống xong có chuyện gì xảy ra cũng được, tôi không chịu nổi nữa
rồi. Nói xong, không đợi chủ nhà trả lời, người lữ hành múc nước uống, ông
hớp một hớp, nuốt vào khỏi cổ và vị của nước thật ngọt, ông ta uống cho
đã, cho đã thèm, và ngay sau đó ông ta đau một trận thừa chết thiếu sống.
Người lữ hành đã không nghe lời người chủ nhà, bởi vì lòng tham ái của ông
quá mãnh liệt. Nguời bị dục lạc ngũ trần chi phối, dính mắc một cách tương
tự như vậy. Ðó là cách mà dục lạc ngũ trần trói buộc con người. Ðức Phật
đã dạy rằng: "Dục lạc ngũ trần là thuốc độc", nhưng con người ta quá khát
nên không nghe theo lời dạy của Ngài. Người ta uống sắc, thinh, hương, vị,
xúc và thích thú trong sự hưởng dụng này, người ta uống, uống mãi nhưng
cơn khát không bao giờ dứt, cho đến ngày người ta từ bỏ cõi đời.
1.66 Gai nhọn
Tất cả sự vật chỉ là sự vật, đơn giản thế thôi, chúng chẳng gây ra đau khổ
cho một ai cả, cũng giống như cái gai nhọn. Cái gai nhọn có làm cho bạn
đau khổ không? Không, nó chỉ là một cái gai nhọn, nó không làm phiền ai
cả, nhưng nếu bạn đi và dẫm lên gai, bạn sẽ đau khổ, tại sao bạn đau khổ ?
Vì bạn dẫm phải gai, gai chỉ làm công việc của nó, nó không làm hại ai cả,
chúng ta đau là do lỗi của chúng ta. Thọ, tưởng, hành, thức hay vật chất
cảm giác, tri giác, phản ứng của tâm và sự biết của tâm v.v... tất cả sự
vật trên thế gian chỉ là sự vật, đơn giản thế thôi. Chúng sao, chúng vậy,
chúng chẳng đụng chạm gì đến chúng ta, chỉ do chúng ta tìm đến chúng mà
thôi, nếu đánh chúng, thì chúng đánh trả lại, nếu cứ để chúng yên thì
chúng chẳng làm phiền ai cả, chỉ có kẻ ngu ngốc mới gây ra phiền lụy với
chúng.
1.67 Cái bẫy
Ðức Phật dạy rằng đối tượng của giác quan là một cái bẫy, cái bẫy của ma
vương. Ðó là bẫy của người thợ săn, và người thợ săn chính là ma vương.
Nếu thú vật bị vướng vào bẫy của người thợ săn thì thật đáng tội nghiệp,
chúng bị giữ cứng không vùng vẫy thoát thân được, chỉ còn nước nằm chờ
người thợ săn đến. Bạn có bao giờ đi bẫy chim chưa ? Chim vừa đụng đến bẫy
thì cổ bị vướng vào bẫy, một cái vòng giữ chặt lấy cổ, chim có bay hướng
nào cũng không thoát được, càng vùng vẫy vòng cổ càng bị thắt chặt hơn,
chim chỉ còn nước đợi người chủ của chiếc bẩy đến bắt thôi. Khi người chủ
đến, chim lo sợ cuống quít, nhưng cổ đã bị thắt chặt, vô phương đào thoát.
Bẫy của "sắc, thinh, hương, vị, xúc, pháp" đều như nhau cả, chúng bắt giữ
và cột cứng chúng ta.
1.68 Khách lữ hành
Khách lữ hành đi xa, muốn trở về nhà, chuyện đương nhiên là không thể chỉ
ngồi mà tưởng đến việc trở về là được. Họ phải thực sự lên đường ra đi, và
đi đúng hướng mới có thể về đến nhâ. Nếu đi lầm đường có thể gặp khó khăn,
như đầm lầy hoặc các chướng ngại khó khắc phục khác. Cũng có thể sẽ gặp
hiểm nguy nếu không đi đúng đường. Những người đã về đến nhà có thể nghỉ
ngơi và ngủ thoải mái. Nhà là một mái ấm, nhưng nếu người lữ hành chỉ đi
tạt ngang nhà, hay chỉ đi quanh nhà thì sẽ không hưởng được các lợi lạc và
sự thoải mái của người trở về nhà. Cũng vậy, nếu muốn tiến đến nơi an lạc,
hạnh phúc do giáo pháp đem lại, chúng ta phải lên đường, phải tự đi lấy,
không ai có thể đi thay cho chúng ta. Ngoài ra phải duyên theo giới, định,
huệ để đi cho đến khi ta có được tâm thanh tịnh, sáng suốt, an lạc, hạnh
phúc. Ðó là kết qủa của hành trình trên chánh đạo. Tuy nhiên, nếu chỉ có
kiến thức sách vở lý thuyết kinh điển, thì đó mới chỉ là sự hiểu biết qua
bản đồ và kế hoạch du hành mà chưa thực sự lên đường. Nếu chỉ hiểu biết
qua lý thuyết mà không thực hành, thì dù có trải qua hàng trăm kiếp sống
cũng không thể nào có được tâm thanh tịnh, sáng suốt và an lạc hạnh phúc.
Ðó chỉ là sự phí phạm thời giờ mà không đem lại lợi ích thật sự của pháp
hành. Các bậc thầy là những người chỉ cho ta con đường. Sau khi nghe lời
giảng dạy của thầy, chúng ta có chịu tự đi hay không, và do đó có hưởng
được lợi ích của sự thực hành hay không, hoàn toàn tùy thuộc vào nơi ta.
1.69 Cây
Chúng ta học giáo pháp từ cây cối. Cây sinh ra có nguyên nhân và tăng
trưởng theo tiến trình tự nhiên cho đến khi nở nụ, đơm hoa và kết trái.
Ngay tại đây, cây giảng dạy giáo pháp cho chúng ta, nhưng chúng ta không
hiểu. Chúng ta không đưa chúng vào trong để quán xét, vì thế chúng ta
không hiểu cây đang dạy giáo pháp cho chúng ta. Khi trái xuất hiện, chúng
ta chỉ biết ăn, mà không hề nhận thức rằng vị ngọt, chua là bản chất của
trái cây, và đó là giáo pháp, là lời giảng dạy của trái cây. Tiếp đó lá
vàng rồi rụng chúng ta dẫm lên lá, quét lá, chỉ có thế thôi, mà chẳng tìm
hiểu sâu xa. Bởi thế không biết được thiên nhiên đang dạy ta. Về sau đến
lúc cây đâm chồi nẩy lộc, lá non xuất hiện, ta cũng chỉ đơn thuần nhìn
qua. Ðó không phải là chân lý được tìm thấy qua những phản tỉnh và suy tư
bên trong. Nếu chúng ta biết đem tất cả vào trong và suy xét, chúng ta sẽ
thấy sự sinh của cây và sự sinh của ta chẳng có gì khác biệt, cơ thể chúng
ta được sinh ra và tồn tại, tùy thuộc vào điều kiện, tùy thuộc vào các yếu
tố đất, nước, gió, lửa. Mỗi một bộ phận trong cơ thể của chúng ta biến đổi
tùy theo bản chất của nó chẳng có gì khác biệt với cây cối - tóc, lông,
móng, răng, da v.v...tất cả đều biến đổi. Nếu chúng ta hiểu bản chất tự
nhiên của sự vật, chúng ta sẽ hiểu chính mình.
1.70 Con rùa
Tìm kiếm sự bình an chẳng khác nào đi tìm rùa có râu vì không thể nào tìm
được. Nhưng khi tâm đã thuần thục thì bình an sẽ tìm đến ta.
1.71 Cành cây và rễ cây
Vừa lúc sinh ra thì ta đã chết rồi. Cái chết và cái sống chỉ là một. Giống
như một cội cây. Khi cây có cành thì phải có rễ. Khi cây có rễ thì phải có
cành. Không thể có cái này mà không có cái kia được. Một điều thật buồn
cười là người ta rất đau buồn đối với sự chết, trong khi tỏ ra hân hoan
vui vẻ truớc sự ra đời của một hài nhi. Theo tôi, nếu thật sự muốn khóc
thì hãy khóc khi có ai sinh ra, bởi vì sinh là tử, tử là sinh. Rễ là cành
mà cành là rễ. Nếu bạn khóc hãy khóc cái rễ đó là sự sinh. Hãy nhìn thật
kỹ để ý thức rõ ràng rằng : "Nếu không có sinh, thì sẽ không có tử".
1.72 Lúa
Người nghiên cứu học hỏi giáo pháp, mà không xuyên suốt được chân nghĩa
hay nghĩa lý thật sự của giáo pháp thì chẳng khác nào một con chó ngủ trên
đống lúa. Khi nó đói, nórời khỏi đụn lúa và chạy đi lang thang đây đó kiếm
ăn. Mặc dầu sống ngay trên đống thức ăn, mà chó chẳng hề hay biết. Tại sao
vậy ? Bởi vì nó không thấy được hạt gạo bên trong. Nó không thể ăn lúa
được. Thực phẩm nằm đó, nhưng chó không thể ăn được. Nó không hiểu lúa đây
chính là gạo. Có thể lâu ngày chó không tìm được thức ăn và có thể chó sẽ
chết trên đống thức ăn. Con người ta cũng vậy, dầu có nghiên cứu học hỏi
giáo pháp nhiều đến đâu đi nữa chúng ta cũng sẽ không thấy được giáo pháp
nếu chúng ta không chịu thực hành. Vì không thấy giáo pháp nên không hiểu
giáo pháp.
1.73 Con trâu
Ðức phật thực sự dạy chân lý. Nếu bạn xem xét nghiên cứu tường tận, bạn sẽ
thấy giáo pháp là chân lý, và bạn sẽ không tranh biện với chân lý được.
Nhưng chúng ta chẳng khác nào những con trâu. Nếu không cột 4 chân của
trâu lại, thì chúng ta chẳng thể nào cho trâu uống thuốc được. Nhưng khi
trâu đã bị buộc chặt 4 chân, trâu không còn làm gì được nữa, và bấy giờ
nếu bạn muốn bạn có thể bắt nó uống thuốc, và trâu không thể nào cưỡng lại
được. Chúng ta cũng vậy, chỉ khi nào bị đau khổ trói buộc ta hoàn toàn,
bấy giờ chúng ta mới chịu bỏ si mê. Còn như vẫn có cách để trốn chạy,
chúng ta sẽ không chịu dứt bỏ si mê một cách dễ dàng.
1.74 Gà rừng
Bao lâu chân trí tuệ chưa hiện khởi thì chúng ta thấy các căn và các trần
là những kẻ thù. Nhưng khi trí tuệ khởi sinh thì chúng ta không còn xem
chúng là những kẻ thù nữa. Bấy giờ chúng là cửa ngỏ để chúng ta có được sự
hiểu biết dúng đắn và sáng suốt.
Một ví dụ dễ hiểu là thái độ của đám gà rừng. Ta đều biết rằng chúng rất
sợ loài người. Bởi sống trong rừng nên tôi biết cách dạy chúng và học hỏi
từ chúng. Tôi bắt đầu rải lúa cho chúng ăn. Thoạt đầu vì sợ sệt nên chúng
không dám đến gần. Dần dần chúng quen đi, và bắt đầu mong đợi được cho lúa
ăn. Ðầu tiên chúng tưởng rằng hạt lúa là kẻ thù nguy hiểm. Nhưng trong hạt
lúa thì không có gì nguy hiểm. Chúng không biết lúa là thức ăn nên chúng
sợ. Về sau, khi chúng thấy rằng không có gì phải sợ, chúng đến và ăn lúa
một cách an lành. Ðám gà rừng là thế đó.
Sống trong rừng ở đây thì chúng ta học một cách tương tự. Khi trước, ta
tưởng rằng các căn là trở ngại, và bởi vì ta không biết sử dụng chúng đúng
cách nên chúng tạo nhiều vấn đề cho ta. Qua các kinh nghiệm tu tập, ta
biết nhận diện chúng theo Chánh pháp. Ta học cách sử dụng chúng, như là
đám gà rừng học cách ăn lúa. Từ đó, chúng không còn chống đối ta, và các
vấn đề sẽ biến mất.
1.75 Sân đầy loại thú
Nhiều ngươì nghĩ rằng, những người tây phương đến học với ngài Achan Chah
sẽ gặp trở ngại về vấn đề ngôn ngữ, nhưng thực ra không phải vậy. Có người
hỏi ngài Achan Chah: "Làm sao ngài có thể dạy được những người học trò tây
phương? Ngài có nói được tiếng Anh hay tiếng Pháp không? Ngài có nói được
tiếng tiếng Ðức không?"
Ngài Achan Chah trả lời: "Không".
"Vậy làm thế nào ngài dạy cho họ?"
Ngài Achan Chah hỏi lại: "Nhà anh có nuôi trâu không?"
"Dạ có"
"Nhà anh có nuôi bò, chó hay gà không?"
"Dạ có".
"Vậy thì anh có dùng ngôn ngữ riêng của bò, gà, chó để nói với chúng
không?"
"Dạ, dĩ nhiên là không."
"Vậy thì làm sao để lo cho chúng?"
Quyển 2-A
2.1 Hàng trăm mọi thứ
Người ta chỉ nghĩ đến niềm vui, khi làm chủ một vật gì mà chẳng hề nghĩ
đến những cái rắc rối kèm theo. Khi còn là một sadi tôi thường nói đến
hạnh phúc của sự giàu sang, có hàng trăm tôi trai tớ gái, hàng trăm trâu
bò và hàng trăm các thứ khác v.v...Người ta thường nghĩ như vậy đó. Nhưng
bạn hãy tưởng tượng xem, phải chăm nom săn sóc cho một trăm con bò, một
trăm con trâu, chưa kể đến hai trăm tôi trai tớ gái, sẽ khổ sở dường nào?
Người ta chẳng hề nghĩ đến những điều khó khăn này. Họ chỉ nghĩ đến việc
có nhiều của cải, trâu bò, tôi trai tớ gái mà thôi. Theo tôi thì năm chục
con là quá nhiều rồi, chỉ một việc cột dây xỏ mũi cho chúng, cũng khiến
bạn nhức đầu. Nhưng mấy ai nghĩ đến điều này, họ chỉ muốn có càng nhiều
của cải càng tốt.
2.2 Tổ kiến
Khi ngồi thiền, ta muốn tâm an tịnh, nhưng tâm cứ vọng động. Ta không muốn
suy nghĩ nhưng tâm cứ suy nghĩ. Chẳng khác nào người ngồi trên tổ kiến,
kiến cắn muốn điên luôn. Tại sao vậy? Bởi vì khi tâm còn trong thế gian
thì dầu cho có ngồi yên nhắm mắt, cũng chỉ thấy các chuyện thế gian. Vui
thích, hân hoan, lo âu , sầu muộn, băn khoăn thắc mắc v.v...tất cả đều nổi
lên, bởi vì ta chưa hiểu giáo pháp. Nếu tâm cứ như vậy thì không thể nào
chịu đựng, không thể nào quán chiếu được các pháp của thế gian. Khi tâm ở
trong thế tục là ta đang ngồi trên tổ kiến. Vì ngồi ngay trên tổ kiến lửa
thì kiến phải cắn thôi. Vậy phải làm sao đây? Chỉ có cách rời xa tổ kiến
thôi.
2.3 Vườn táo
Nếu bạn hỏi mọi người tại sao họ được sinh ra thì họ bối rối ngay, bởi vì
người ta bị đắm chìm trong thế giới cảm quan và trở thành (nghĩa là hữu
hay là có). Chẳng hạn ta có một vườn táo và rất ưa thích nó. Nếu không
dùng trí tuệ để quán chiếu thì nó sẽ biến thành hữu hay là có. Tại sao
vậy? Giả sử trong vườn có một trăm cây táo và ta xem chúng là những cây
táo của chúng ta. Thế là ta sẽ tái sinh thành những con sâu nằm trong mỗi
cây táo đó. Mặc dầu thân thể ta đã đi về nhà, nhưng tâm ta vẫn dính mắc
với từng cây táo đó. Nó trở thành có, bởi vì ta dính mắc vào quan kiến, cứ
khư khư chấp giữ rằng đó là những cây táo của ta, đó là vườn táo của ta.
Nếu có ai đốn ngã một cây táo của ta, ta sẽ chết theo cây táo đó. Ta sẽ
giận dữ và đi tìm cho ra lẽ, ta sẽ đánh lộn và có thể giết chết người đã
cả gan đốn ngã cây táo của ta. Cãi cọ nhau đó là sinh. Ta sinh ra ngay lúc
ta chấp giữ một vật gì là của ta. Sinh, được sinh ra từ chỗ chấp giữ đó.
Mặc dầu có đến cả ngàn cây táo, nhưng nếu ai chặt ngã dầu chỉ một cây là
chặt luôn ta đó. Dính mắc chấp giữ vào vật gì là sinh ra ngay từ đó, hiện
hữu ngay tại đó.
2.4 Những quả táo
Bạn có thể bắt đầu loại bỏ tính ích kỷ bằng sự bố thí. Người ích kỷ tự cảm
thấy không hài lòng với chính mình. Nhưng nhiều người rất ích kỷ mà chẳng
biết đến hậu quả của sự không rộng lượng này. Bạn có thể kinh nghiệm được
điều này nhứt là khi bạn đang đói. Nếu bạn có hai quả táo và gặp lúc phải
chia xẻ với một người khác, một người bạn chẳng hạn, bạn sẽ phân vân. Chắc
chắn là bạn có ý muốn cho rồi đó, nhưng bạn chỉ muốn cho trái nhỏ hơn
thôi. Nếu cho trái lớn thì tiếc quá. Muốn suy nghĩ đúng thật là khó vậy.
Miệng nói hãy lấy trái táo đi, nhưng bụng nói thầm nhưng mà lấy trái nhỏ
thôi nhé, hoặc bạn gọi người bạn đến gần, và nói: này cầm lấy trái táo, và
đưa trái táo nhỏ cho bạn mình. Ðó là một hình thức ích kỷ, mà ít để ý đến.
Bạn có bao gìờ thấy điều này không? Khi cho ra vật gì, bạn phải làm ngược
lại bản tính ích kỷ của mình. Dù trong bụng muốn cho trái nhỏ nhưng phải
tự thắng mình để cho trái lớn. Và dĩ nhiên sau khi đã cho bạn sẽ cảm thấy
thoải mái. Muốn tập cho tâm thắng bản tính ích kỷ đã tồn tại từ lâu đời
theo lối này cần phải tự chế, tự thắng mình, tự đào luyện tâm mình. Bạn
phải biết cho ra, phải biết xả bỏ và đừng nuôi dưỡng tâm ích kỷ. Ðó là
cách tốt đẹp và đúng đắn để tự thắng mình.
2.5 Mụt măng tre
Dầu bạn có thích vật gì đến đâu đi nữa, cũng phải luôn luôn nhớ rằng : nó
không vững bền lâu dài. Chẳng hạn như mụt măng, thấy có vẻ ngon lành đó,
nhưng hãy tự nhủ "chưa chắc", muốn thử xem có chắc không bạn phải cố gắng
ăn mỗi ngày. Ðến một ngày nào đó bạn sẽ than phiền măng chẳng còn ngon
nữa. Rồi bạn sẽ thích ăn món khác, và tin chắc rằng món ăn mới này ngon
hơn. Nhưng về sau cũng sẽ thấy chưa chắc nữa. Mọi vật đều không chắc.
2.6 Gậy lớn, gậy nhỏ
Vì
có tri kiến sai lầm, nên người ta không thể giải quyết được những vấn đề
của chính mình. Họ chẳng khác nào một người vất cây gậy nhỏ, để lấy cây
gậy lớn hơn, nghĩ rằng gậy càng lớn thì càng nhẹ.
2.7 Người mù
Muốn nếm hương vị của giáo pháp, bạn phải tự mình thực hành. Ðức Phật
không nói nhiều chi tiết về kết quả của sự thực hành, bởi vì khó có thể
dùng lời để diễn đạt. Chẳng khác nào giải thích cho người mù từ trong bụng
mẹ biết thế nào là màu xanh, thế nào là màu đỏ. Bạn có thể thử, nhưng
chẳng có kết quả gì.
2.8 Thân thể và vẻ đẹp của
nó
Chúng ta bị mê hoặc bởi thân thể và vẻ đẹp của nó, nhưng thực sự nó bẩn
thỉu. Giả sử ta không tắm trong một tuần chúng ta có dám đến gần nhau
không, hôi lắm. Khi ra mồ hôi, như khi làm việc nặng chẳng hạng, mùi thật
khó ngửi. Ta trở về nhà dùng xà phòng để tắm rửa, mùi thơm của xà phòng
thay chỗ cho mùi hôi của cơ thể. Xà phòng có thể tạm thời làm cho thân thể
ta thơm tho, nhưng thật ra mùi hôi của cơ thể vẫn còn đó. Khi mùi thơm của
xà phòng bay hết rồi thì mùi hôi của cơ thể sẽ trở lại. Ta thường nghĩ
rằng cơ thể này đẹp đẽ, đáng yêu và khoẻ mạnh. Ta thường nghĩ rằng ta
chẳng sẽ bao giờ già, đau và chết. Kỳ thực, ta bị cơ thể mê hoặc mà quên
mất tâm. Tâm mới chính là chỗ nuơng tựa thực sự bên trong chính mình.
2.9 Cơm
Những lời dạy của Đức Phật có thể giúp chúng ta giải quyết vấn đề của
chính mình, nhưng trước tiên chúng ta phải thực hành để phát triển trí
tuệ. Cũng như muốn có cơm ta phải bỏ công ra nấu, phải có củi, có nước và
phải chờ đến khi cơm sôi, cơm chín. Không thể chỉ bỏ gạo vào nồi là có cơm
ngay được.
2.10 Lò gạch
Khi có cảm giác khởi dậy trong tâm thì hãy nhận diện nó, chứ đừng hất hủi
nó. Ðó là cách nhìn đúng đắn. Bạn có bao giờ thấy người ta nung gạch chưa?
Người ta đốt một đống lửa trước lò gạch và để tất cả khói lọt vào bên
trong. Tất cả sức nóng đều dồn vào trong lò. Chỉ cần làm như thế, và khi
nhận đủ sức nóng, gạch sẽ chín. Thực hành giáo pháp cũng giống như nung
gạch trong lò. Tất cả cảm giác đều dồn vào trong để chúng chuyển thành
chánh kiến. Tất cả sắc, thinh, hương, vị, xúc v.v...đều đưa vào trong, cảm
giác sẽ trở thành kinh nghiệm quí báu giúp trí tuệ phát sinh.
2.11 Chiếc cầu
Hãy giữ tâm như chiếc cầu kiên cố, chứ đừng như nuớc thủy triều lên xuống
dưới cầu.
2.12 Tượng Phật
Giác ngộ không có nghĩa là bất động như một pho tượng Phật. Người giác ngộ
vẫn suy nghĩ, nhưng họ biết rằng, tiến trình của sự suy nghĩ là vô thường,
bất toại nguyện và trống rỗng hay không có tự ngã. Cứ thực hành đi rồi
chúng ta sẽ thấy những điều này một cách rõ ràng. Chúng ta cần phải tìm
hiểu khổ đau, để chấm dứt nguyên nhân của đau khổ. Nếu không thấy được
điều đó thì trí tuệ sẽ chẳng bao giờ nảy sinh. Không nên đoán mò mà phải
thấy sự vật một cách rõ ràng và chính xác đúng theo thực tướng của nó -
cảm giác chỉ là cảm giác, tư tưởng chỉ là tư tưởng. Ðó là cách thức chấm
dứt mọi vấn đề rắc rối trên cõi đời này.
2.13 Xây nhà và nhuộm áo
quần
Chỉ muốn làm phước mà không trau dồi phẩm hạnh thì chẳng khác nào xây dựng
lâu đài trên cát. Chẳng bao lâu sau lâu đài sẽ sụp đổ mà thôi. Cũng giống
như muốn nhuộm vải nhưng không chịu giặt sạch tấm vải trước khi nhuộm.
Nhiều người đã làm như vậy, họ chẳng cần chú ý gì đến tấm vải. Khi muốn
nhuộm, họ chỉ nhúng tấm vải vào thuốc nhuộm mà chẳng cần để ý đến tấm vải
sạch hay dơ. Nếu tấm vải dơ thì nhuộm như thế vải còn tệ hại hơn. Hãy nghĩ
đến điều này, nhuộm một tấm vải vừa cũ vừa dơ thì lúc nhuộm xong tấm vải
có đẹp chăng. Nhưng nguời ta thường làm như thế. Người ta chỉ thích làm
điều thiện mà không chịu bỏ làm điều ác. Họ quên một điều quan trọng là
chỉ khi nào tâm không dơ bẩn, lúc ấy tâm mới bình an tĩnh lặng mà thôi.
Bạn hãy tự nhìn vào bên trong chính mình, hãy xét xem thân khẩu ý của mình
đã có gì sai lầm. Ngoài thân khẩu ý ra, bạn chẳng có gì để sửa chữa nữa.
2.14 Những chiếc xe
Các tôn giáo trên thế gian, giống như những chiếc xe hơi có đủ loại đủ cỡ,
nhưng tất cả đều chạy về một hướng. Người không nhìn thấy điều này thì tâm
chẳng có một chút ánh sáng.
2.15 Con mèo
Khi phiền não dấy lên bạn phải có biện pháp để đối trị chúng. Phiền não
chẳng khác nào một con mèo. Khi bạn cho đồ ăn nó thích thì nó sẽ quấn quýt
bên bạn mãi để được ăn thêm. Nếu một ngày nào đó nó cào bạn, và bạn quyết
định không cho nó ăn nữa, khi không được ăn mèo sẽ không còn lẩn quẩn bên
bạn. Thật ra, lúc đầu mèo còn đến với bạn và kêu meo meo nũng nịu, nhưng
nếu bạn cương quyết không cho nó ăn, không thèm đếm xỉa gì đến nó, thì nó
sẽ xa lánh bạn luôn. Phiền não trong tâm bạn cũng như vậy, nếu bạn không
nuôi dưỡng, không cung cấp thức ăn cho phiền não thì phiền não sẽ không
đến quấy rầy bạn, và tâm bạn sẽ bình an tĩnh lặng.
2.16 Gà trong chuồng
Khi sự bình an tĩnh lặng trong tâm phát triển thì tâm sẽ ổn định như gà
được nhốt vào chuồng, không thể chạy nhảy bươi móc bên ngoài. Khi đã bị
nhốt vào chuồng, tuy gà không thể lang thang bên ngoài, nhưng gà có thể đi
lại trong chuồng. Dầu có thể đi quanh quẩn trong chuồng, nhưng gà không
thể gây ra một tai hại quan trọng nào vì gà đã được giữ trong chuồng.
Nhiều người không muốn có một cảm giác hay ý nghĩ nào phát sinh trong khi
họ đang hành thiền, nhưng cảm giác và tư tưởng vẫn phát sinh. Khi tâm bình
an tĩnh lặng, thì sự chánh niệm tỉnh thức sẽ giữ cho tâm không rung động.
Có nghĩa là khi có cảm giác hay tư tưởng nào dấy động lên trong tâm, thì
chúng chỉ quanh quẩn trong "chuồng" của sự tĩnh lặng và không thể quấy rầy
hay gây ra tai hại nào cho hành giả.
2.17 Trẻ con
Nếu bạn không kiểm soát và chế ngự tâm, mà chỉ chiều thuận theo những tư
tưởng tình cảm của nó, thì bạn đã thực hành sai lầm rồi. Chẳng khác nào
nuông chiều theo ý thích của trẻ con. Con nít ưa thích thứ gì, cha mẹ
chúng cho chúng ngay thứ đó. Phải chăng đó là phương pháp dạy trẻ tốt đẹp?
Lúc trẻ con còn bé ta có thể nuông chiều nó một thời gian, nhưng khi nó
bắt đầu biết nói thì phải thỉnh thoảng trách phạt nó, nếu không nó sẽ trở
nên hư hỏng sau này. Tâm cũng phải được huấn luyện như vậy. Ðừng chiều
theo những đòi hỏi của tâm.
2.18 Cây ốm yếu cong queo
Cốt tủy của việc thực hành là chăm chú quan sát theo dõi tâm, nhận biết ý
định của tâm. Muốn nhận biết ý định của tâm bạn phải có trí tuệ. Ðừng có
tâm phân biệt, đừng bất bình phiền não khi thấy người khác không làm đúng
theo ý thích của mình, khi chứng kiến những việc, những điều mà mình không
ưa thích. Bạn có cảm thấy buồn khổ khi thấy một thân cây trong rừng ốm yếu
cong queo không được to lớn thẳng thắn như những cây khác không? Bạn thật
là khờ dại ngu ngốc khi buồn khổ như thế. Ðừng phán xét những người khác
bởi vì có rất nhiều hạng người trên thế gian này. Tại sao tự mang vào mình
gánh nặng muốn thay đổi, muốn sửa đổi tất cả những người khác. Nếu bạn
muốn thay đổi, muốn sửa đổi một cái gì đó thì hãy thay đổi, sửa đổi sự vô
minh của mình thành trí tuệ.
2.19 Cái khay bẩn
Nhiều người cho rằng bản tánh của tâm là thanh tịnh trong sáng, và bởi vì
mọi người đều có Phật tánh nên chả cần phải hành thiền làm gì. Ðiều đó
chẳng khác nào lấy một cái gì sạch sẽ như cái khay này chẳng hạn, nhỏ vài
giọt nước dơ lên trên đó. Rồi bạn có thể nói rằng cái khay này vốn sạch sẽ
nên chả cần phải chùi rửa làm gì không?
2.20 Lầu trên, lầu dưới
Người ta tạo ra danh từ tên gọi để dễ dàng trong việc giao tiếp đàm luận
học hành, v.v... Nhưng sự vật mang bản chất tự nhiên, nó là sao thì nó là
vậy thôi. Dù ta có đặt cho nó danh từ gì đi nữa thì nó vẫn chỉ là vậy.
Chẳng hạn bây giờ chúng ta đang ngồi ở lầu dưới, trên sàn đá này. Sàn đá
chỉ là nền tảng, nó không thể di động hay chuyển lui chuyển tới nơi nào.
Lầu trên thì cũng từ nền nhà dưới này mà được xây dựng lên. Lầu trên cũng
giống như mọi thứ mà chúng ta thấy trong tâm: hình sắc, cảm giác, tri
giác, phản ứng. Chúng không thực sự có mặt theo cách mà ta muốn áp đặt cho
nó. Chúng chỉ là tâm chế định vừa sinh ra thì tức khắc bị diệt ngay. Chúng
chẳng hề có tự tín.
2.21 Những giọt nước
Hãy giữ gìn giới luật. Lúc đầu bạn có thể phạm giới. Nhưng khi bạn nhận
biết được sai lầm này thì hãy lập tức chấm dứt và thiết lập giới luật trở
lại. Có thể bạn lại phạm giới lần nữa nhưng khi nhận biết được mình phạm
giới thì hãy tái lập giới luật trở lại lần nữa. Việc hành thiền cũng vậy,
tâm chánh niệm phải được tái lập nhiều lần cho đến khi được ổn định. Giống
như những giọt nước rơi từ chiếc bình. Nếu chỉ nghiêng bình một chút nước
sẽ rơi chậm - bop... bop... bop... Nhưng nếu nghiêng bình nhiều hơn thì
những giọt nước cũng sẽ rơi nhanh hơn - bop bop bop. Nghiêng bình nhiều
hơn nữa nước không còn rơi thành giọt mà biến thành một dòng liên tục.
Những giọt nước đã biến đi đâu mất rồi? Chúng chẳng đi đâu cả, mà chuyển
thành một dòng nước đều đặn. Khi chánh niệm của bạn được tăng cường thì
cũng giống như vậy.
2.22 Con Vịt
Dầu bạn có muốn cơ thể này tồn tại lâu dài, thì nó cũng không thể chiều
theo ý bạn được. Muốn như thế chẳng khác nào muốn vịt trở thành gà. Khi
chúng ta biết rằng không thể nào mong gà thành vịt, vịt phải là vịt, gà
phải là gà, và khi biết rõ rằng cơ thể này phải là cơ thể, và nó phải già
và chết, thì bạn mới có đủ năng lực và sức mạnh khi đối diện với những đổi
thay của cơ thể mình.
2.23 Con giun
Một vài người đến hỏi tôi, phải chăng khi thấy được vô thường, khổ và vô
ngã người ta sẽ vất bỏ tất cả, trở thành lười biếng và không muốn làm gì
nữa. Tôi trả lời với họ rằng, không phải như vậy, mà trái lại, họ càng
siêng năng làm việc hơn, nhưng họ làm với tâm không dính mắc, và chỉ làm
những việc hữu ích. Những người ấy lại tiếp tục hỏi, nếu mọi người đều
hành thiền, đều thực hành giáo pháp, thì chẳng có việc gì trên thế gian
này có thể hoàn thành được và sẽ không có tiến bộ nữa. Nhưng phải chăng,
họ lo sợ như thế thì chẳng khác nào con giun đất lo sợ nó sẽ hết đất để
ăn.
2.24 Mùi phân
Bạn không thể đi đến một nơi nào trên thế gian này để tránh đau khổ. Khi
tâm bạn còn ở trong thế gian này thì bạn không thể nào thoát khổ được. Vì
như vậy chẳng khác nào muốn tránh mùi hôi của bãi phân lớn, mà lại đến gần
một bãi phân nhỏ hơn. Dầu bạn có đi đến đâu thì bãi phân lớn hay hay bãi
phân nhỏ đều có mùi hôi thúi như nhau.
2.25 Vật đắt giá
Giả sử bạn làm chủ một vật thật đắt giá. Ngay lúc có vật trong tay, tâm
bạn thay đổi, và bạn sẽ tự nhủ: "Bây giờ ta phải cất ở đâu đây? Nếu để ở
đây sẽ có người lấy mất." Thế rồi bạn băn khoăn suy nghĩ tìm nơi cất dấu.
Ðó là đau khổ. Ðau khổ khởi sinh vào lúc nào? Ðau khổ khởi sinh khi chúng
ta biết mình đang làm chủ một vật gì đó. Ðó là chỗ ở của đau khổ. Trước
khi có được vật này ta không đau khổ. Không đau khổ bởi vì không có vật để
tâm ta dính mắc vào. Tự ngã cũng vậy, nếu chúng ta nghĩ đến danh từ : "
Tôi, Ta " thì mọi vật quanh ta đều trở thành của ta, và sự rắc rối theo
liền sau đó. Nếu không có tôi, ta thì chẳng có gì rắc rối cả.
2.26 Ðau nhức bên trong
Người ta phân vân không biết tại sao khi bắt đầu loại bỏ tham muốn, thì
nhiều vấn đề rắc rối phát sinh. Chuyện đó chẳng có gì lạ cả. Vì trước đây
khi nuôi dưỡng phiền não, bạn đã đối xử nhẹ nhàng với chúng, vuốt ve nuông
chiều chúng. Như người bị vết thương bên trong mà chỉ đắp thuốc bên ngoài
nên không có cảm giác gì. Bây giờ mổ ra để trị tận gốc thì chắc chắn không
tránh khỏi đau đớn.
2.27 Rơi từ cây xuống
Nếu dựa vào kinh điển thì ta có thể phân tích thập nhị nhân duyên ra
thành: Vô minh sinh ra hành, hành sinh ra thức, thức sinh ra danh sắc,
danh sắc sinh ra lục nhập, lục nhập sinh ra xúc, xúc sinh ra thọ, thọ sinh
ra ái, ái sinh ra thủ, thủ sinh ra hữu, hữu sinh ra sinh, sinh sinh ra
già, đau, chết và tất cả những đau khổ khác.
Nhưng trên thực tế, khi tiếp xúc với vật gì ta không ưa thích thì đau khổ
phát sinh ngay tức khắc. Tâm xuyên qua chuỗi thập nhị nhân duyên một cách
thật nhanh chóng khiến ta không thể nào theo kịp. Như trường hợp rơi từ
trên cây xuống. Trước khi biết được chuyện gì xảy ra thì, bụp, ta đã nằm
ngay dưới đất. Thật ra trước khi chạm đất ta đã xuyên qua nhiều cành lá,
nhưng vì sự rơi quá nhanh khiến ta không thể nào đếm kịp hay nhớ hết trong
lúc đang rơi. Cũng giống trường hợp thập nhị nhân duyên. Nỗi đau khổ tức
khắc mà chúng ta kinh nghiệm là kết quả của một chuỗi dài xuyên qua thập
nhị nhân duyên. Ðó là lý do tại sao Ðức Phật khuyên nhủ hàng môn đệ phải
quán chiếu và hiểu rõ tâm mình để có thể biết mình trước khi đụng mặt đất.
Giữa việc nghiên cứu giáo pháp và thực hành giáo pháp có nhiều sự khác
biệt. Chân giáo pháp phải học hỏi là tìm một con đường để thoát khỏi sự
bất toại ý, thoát khỏi sự đau khổ của đời sống và đạt được hạnh phúc bình
an cho chính mình cùng tất cả chúng sanh. Khi tâm an tịnh, tức là nó đang
ở trong điều kiện bình thuờng. Khi tâm di động thì tư tưởng hình thành.
Hạnh phúc hay đau khổ là một phần của tâm hoạt động này, bất an và tham ái
cũng được hình thành như thế. Nếu bạn không hiểu rõ chuyển động này bạn sẽ
săn đuổi theo tư tưởng hình thành mãi và trở thành nạn nhân của nó.
Thế nên Ðức Phật dạy chúng ta hãy quan sát hoạt động của tâm, theo dõi tâm
di chuyển. Chúng ta có thể thấy được những đặc tính căn bản của nó. Ðó là
vô thường, bất toại nguyện và vô ngã. Bạn nên tỉnh thức và quan sát những
hiện tượng tâm lý này. Bằng cách này bạn có thể học được tiến trình của
nhân duyên. Ðức Phật dạy rằng vô minh là nhân phát sinh ra hành nghiệp và
mọi hiện tượng. Hành nghiệp hay sự chủ ý này phát sinh ra thức và thức lại
là nhân của thân và tâm. Ðó là tiến trình của nhân duyên.
Khi bắt đầu nghiên cứu Phật giáo, lối dạy theo truyền thống kinh điển đem
lại nhiều lợi ích cho chúng ta. Nhưng khi tiến trình đã diễn ra bên trong
chúng ta, chúng ta mới thấy rõ tầm quan trọng của sự thực hành. Những kẻ
chỉ học pháp học mà không thực hành, không thể nào theo kịp sự mau lẹ của
tiến trình này. Dĩ nhiên tiến trình của tâm được kinh điển hệ thống hóa và
mô tả rõ ràng, nhưng kinh nghiệm là kiến thức thực nghiệm đã vượt ra ngoài
sách vở học hỏi. Sách vở không thể mô tả cho chúng ta một thứ kiến thức mà
chỉ được biết đến bằng kinh nghiệm, đây là những cảm giác phát sinh tác ý,
đây là một loại tâm đặc biệt, những cảm giác và sự khác biệt của thân và
tâm v.v...
Cũng như khi bạn trèo cây và bị rơi xuống đất, bạn không thể biết được bạn
đã rơi bao nhiêu thước, bao nhiêu tấc, đã xuyên qua bao nhiêu cành lá
trước khi chạm mặt đất. Bạn chỉ biết bạn rơi xuống đất và thấy đau mà
thôi. Không sách vở nào mô tả cảm giác lúc đang rơi và cảm giác đau khi
chạm đất. Sách vở nghiên cứu giáo pháp được hệ thống hóa và làm cho rõ
ràng. Nhưng thực tế không chỉ đi theo một lối đơn giản. Bởi thế chúng ta
phải dùng trí tuệ sâu xa của chúng ta để nghiệm xem cái gì đã khởi sinh
trong tâm người giác ngộ. Người giác ngộ hiểu biết qua kinh nghiệm của họ
rằng, tâm không phải là ta, không phải là tự ngã của ta.
Khi nói cho chúng ta biết tên của các loại tâm và tâm sở, Ðức Phật không
muốn cho chúng ta dính mắc vào ngôn từ. Ngài chỉ muốn chúng ta thấy tất cả
đều Vô thường, Khổ và Vô ngã. Ngài dạy chúng ta hãy buông bỏ tất cả. Khi
các pháp phát sinh hãy chánh niệm, biết chúng. Tâm thực hiện được sự ghi
nhận giác tỉnh này mới là tâm được huấn luyện đúng cách. Khi tâm bị khuấy
động thì nhiều loại tâm, tâm sở, phản ứng v.v.. hình thành và nẩy nở liên
tục. Cho dù tâm tốt hay tâm xấu, chỉ theo dõi và để chúng như thế. Ðức
Phật chỉ dạy đơn giản: "vất bỏ hết". Nhưng chúng ta thì cần phải nghiên
cứu tâm mình, phải biết làm thế nào để có thể vất bỏ chúng.
2.28 Bờ sông
Một bên là yêu thương và bên kia là ghét bỏ, hoặc bờ này là hạnh phúc và
bờ kia là không hạnh phúc. Theo trung đạo thì yêu, ghét, hạnh phúc, đau
khổ, chỉ là những cảm giác thuần túy. Một khi đạt được sự hiểu biết này,
tâm sẽ không còn dễ bị lôi cuốn theo các cảm giác này, không còn bị dính
mắc vào chúng. Ðó là sự thực hành để hiểu rõ tâm không nuôi dưỡng bất kỳ
cảm giác nào, cũng không chấp giữ dính mắc vào chúng. Ðược như thế, tâm sẽ
tự do trôi xuôi theo dòng nuớc, không gặp một chút chướng ngại nào, cuối
cùng trôi vào đại dương Niết bàn.
2.29 Nông phu và người mẹ
Trong việc tu hành, hễ bạn thấy nơi nào còn khuyết điểm thì hãy gia tâm
chú ý vào nơi ấy. Trong khi đi, đứng, nằm, ngồi, hãy chú tâm vào đấy,
giống như người nông phu chưa cày xong thửa ruộng của mình. Mỗi năm, người
nông phu đều phải chuẩn bị đất để sẵn sàng gieo hạt. Nhưng năm nay anh ta
chưa cày xong thửa ruộng, do đó lúc nào tâm anh ta cũng hướng về thửa
ruộng. Tâm người nông phu không thể nào an vui, bởi vì anh ta biết công
việc của mình chưa làm xong. Mặc dầu đang vui với bạn bè nhưng anh ta cảm
thấy không thoải mái vì lúc nào anh ta cũng nghĩ đến thửa ruộng còn dang
dở. Hoặc như người mẹ đặt đứa con nhỏ trên lầu để đi xuống dưới lầu cho
súc vật ăn. Tâm người mẹ lúc ấy luôn luôn hướng về người con, lo lắng
không biết có gì xảy ra với đứa trẻ. Mặc dầu đang làm công việc khác,
nhưng tâm người mẹ không rời đứa con. Việc hành thiền của chúng ta cũng
như vậy. Chúng ta không được quên. Dầu đang làm công việc khác, nhưng tâm
không thể nào xa việc thực hành. Tâm phải ở trong thực hành ngày và đêm.
Muốn cho việc hành thiền thực sự đạt được tiến bộ thì phải làm như thế.
2.30 Quả bóng đá
Chỉ nghe giáo pháp suông mà không hành thiền, thì khó có thể giác ngộ. Tuy
thế, việc nghe giáo pháp rất hữu ích. Vào thời Ðức Phật có nhiều vị chứng
nghiệm được giáo pháp và một số đắc quả A-la-hán trong lúc nghe giáo pháp.
Ta có thể so sánh những vị này với những quả bóng đá. Khi quả bóng đá được
bơm hơi vào thì nó phồng lên. Không khí bên trong bị dồn nén, có khuynh
hướng muốn thoát ra ngoài, nhưng không có chỗ nào để thoát. Khi đâm một
cây nhọn vào quả bóng, thì tức khắc hơi xì ra. Tâm của các vị môn đồ của
Ðức Phật khi nghe giáo pháp mà giác ngộ thì cũng như vậy. Khi họ nghe giáo
pháp và giáo pháp xuyên thấu tâm họ như cây nhọn đâm vào quả bóng thì trí
tuệ phát sinh. Họ tức khắc thông suốt chân giáo pháp.
2.31 Bạn bè
Ðức Phật không muốn chúng ta để cho tâm dẫn đi đâu thì đi. Ngài muốn chúng
ta phải luôn luôn làm chủ tâm mình. Nếu tâm muốn đi hướng này, phải dẫn nó
đi hướng khác. Nói cách khác, khi tâm muốn điều gì thì đừng chiều theo nó.
Giống như trường hợp làm bạn với người nào, nhưng cuối cùng thấy ý kiến
của nhau không còn tương đồng nữa, không còn hiểu nhau nữa và nhiều cuộc
cãi cọ xảy ra, thế rồi đường ai nấy đi. Làm như vậy là đúng. Ðừng chiều
theo tâm. Người nào chiều theo tâm tức là chiều theo sự ham muốn thích thú
của tâm và những cái khác của tâm. Ðiều này cho thấy người ấy không thực
hành giáo pháp.
2.32 Trái cây trong tay
Việc thực hành giáo pháp rất quan trọng. Nếu không thực hành thì sự hiểu
biết của chúng ta chỉ có tính cách hời hợt bề ngoài, chỉ có lớp vỏ mà bên
trong rỗng không. Chẳng khác nào có trái cây trong tay mà chẳng hề ăn. Mặc
dầu làm chủ nó nhưng ta chẳng hưởng được chút ích lợi nào từ nó. Chỉ khi
nào thực sự ăn trái cây này ta mới thưởng thức được huơng vị của nó.
2.33 Cây ăn trái
Cây trưởng thành, đơm bông kết trái rồi chín. Trái thối rữa, hột găm xuống
đất và mọc lên cây mới. Cây mới lại lớn lên, nở hoa ra trái, và một chu kỳ
mới bắt đầu. Cuối cùng nhiều trái chín rơi rụng, rồi hột găm xuống đắt và
nhiều cây mới khác mọc lên. Thế gian cũng như vậy, không có gì mới lạ, chỉ
là sự tuần hoàn cố hữu mà thôi. Cuộc sống của chúng ta ngày nay chẳng có
gì khác. Việc ta làm hôm nay chẳng qua là những việc ta làm trước đây.
Chúng ta suy nghĩ thật nhiều, có rất nhiều việc thu hút chúng ta, nhưng
chẳng có việc nào dẫn ta đến chỗ hoàn mãn thật sự.
2.34 Giỏ rác
Ðôi khi việc dạy dỗ rất khó khăn, cần nhiều kiên nhẫn. Thầy dạy đạo là cái
thùng rác để mọi người vứt bỏ vào đó mọi nỗi bực dọc và mọi vấn đề rắc
rối. Thầy dạy càng nhiều người thì thùng rác của thầy càng đầy. Nhưng cũng
đừng lo lắng. Dạy dỗ người khác là phương cách tuyệt diệu để thực hành
Phật pháp. Phật pháp sẽ hỗ trợ cho người nào thành thật áp dụng Phật pháp
vào đời sống của họ. Người nào dạy dỗ kẻ khác, trí hiểu biết sẽ phát
triển.
2.35 Ði sai đường
Nhiều người cho rằng làm như vầy, tụng thuộc lòng như vầy, học như vầy,
như vầy thì sẽ hết khổ. Nhưng như vậy thì chẳng khác nào người ham muốn đủ
thứ, cố gắng thu thập tích tụ thật nhiều thứ, nhiều của cải, và nghĩ rằng
khi họ thu thập đầy đủ thì sự đau khổ sẽ giảm. Hay là như người mang gánh
nặng trên vai, nghĩ rằng càng chất thêm đồ đạc vào thì gánh càng nhẹ hơn.
Ðó là lối suy nghĩ của người thế gian, nhưng lối suy nghĩ này đi ra ngoài
Chánh đạo. Giống như một người đi về hướng nam, còn người kia đi về hướng
bắc, nhưng họ nghĩ rằng họ đi cùng hướng.
2.36 Ðường ra phố
Nhiều người phân vân khi thấy ngày nay có nhiều thầy và nhiều lối hành
thiền khác nhau. Nhưng chẳng qua cũng giống như chuyện đi vào thành phố
bằng nhiều lối khác nhau. Dầu đi lối nào, nhanh hay chậm rốt cuộc cũng đến
thành phố. Thông thường, các phương pháp hành thiền chỉ khác nhau bề
ngoài. Nhưng có một điều cốt yếu là các phương pháp hành thiền đúng cuối
cùng phải dẫn đến dứt trừ tham ái. Cuối cùng bạn phải vất bỏ mọi hệ thống,
mọi phương pháp, và ngay cả vị thầy của mình. Phương pháp nào dẫn đến sự
dứt bỏ, diệt trừ tham ái thì đó là phương pháp thực hành đúng đắn.
Bạn có thể đi đây đi đó để tham học với các thiền sư và để thử qua những
phương pháp hành thiền. Một số các bạn ở đây đã từng làm như thế. Ðó là
điều ước muốn và là việc tự nhiên. Sau khi bạn đã đặt nhiều câu hỏi với
các vị thiền sư và đã biết được phương pháp hành thiền, bạn sẽ nhận thấy
rằng tất cả những việc bạn làm chẳng đưa bạn đi đến chân lý ngoài sự buồn
chán. Rồi bạn sẽ thấy rằng chỉ khi bạn đứng lại để xem xét tâm mình, thì
lúc ấy bạn mới thấy đuợc, mới tìm được những gì Ðức Phật dạy. Chẳng cần
phải đi tìm cái gì bên ngoài. Bạn hãy trở về đối diện với bản chất thật sự
của chính mình. Chính lúc trở về đối diện với chính mình bạn sẽ thấy chân
lý.
2.37 Tiêu hóa tốt
Ðừng vội vã diệt trừ phiền não. Trước tiên, bạn phải kiên nhẫn tìm hiểu
đau khổ và nguyên nhân của nó, có thế mới loại bỏ được phiền não hoàn
toàn. Cũng như muốn đồ ăn được tiêu hóa dễ dàng, bạn phải nhai kỹ vậy.
2.38 Trạm ga trung tâm
Muốn hành thiền bạn phải có hai đặc tính chính yếu sau đây: đó là sự thành
thật và ngay thẳng. Không cần phải đọc tam tạng kinh điển bạn mới biết thế
nào là tham, sân, si. Tham lam, sân hận, si mê nằm sẵn trong tâm bạn.
Chẳng cần phải đọc sách mới có được chúng. Hãy để cho sự hiểu biết tự phát
bên trong bạn, là bạn đã thực hành đúng đắn. Nếu bạn muốn thấy xe lửa thì
chỉ cần đến nhà ga trung tâm, chẳng cần phải đi hết các tuyến Bắc, Nam,
Ðông, Tây v.v.. mới có thể nhìn thấy xe lửa. Muốn thấy từng chiếc xe lửa
một, bạn chỉ cần đợi ở nhà ga trung tâm.
Nhiều người nói với tôi rằng, họ muốn hành thiền. Nhưng họ không hiểu hay
chưa nghiên cứu kinh điển, hoặc là họ đã quá già, nhớ trước quên sau, nên
không thể hành thiền được. Ðừng lo lắng chuyện đó. Hãy nhìn ngay đây, nhìn
ngay nơi nhà ga lớn trung tâm này. Tham khởi lên, sân khởi lên ở đây và si
khởi lên cũng tại đây. Bạn chỉ cần ngồi đây và theo dõi, quan sát mọi
chuyện khởi lên. Hãy hành thiền ngay ở đây, bởi vì ngay đây là chỗ bạn
dính mắc vào, và ngay đây là chỗ giáo pháp khởi lên.
2.39 Sợi tóc trong tô canh
Tại sao cơ thể lôi cuốn, hấp dẫn bạn và bạn dính mắc vào đấy? Bởi vì chỉ
có con mắt thịt nhìn thấy cơ thể, mà con mắt của tâm thì không nhìn thấy.
Bản chất thật sự của cơ thể là không sạch, không đẹp đẽ, vô thường và ở
trong tình trạng hủy hoại. Hãy nhìn cơ thể như nhìn một sợi tóc trong tô
canh. Sợi tóc có đẹp không? Hãy nhìn thấy rõ ràng rằng cơ thể chẳng có gì
ngoài đất, nước, gió, lửa - chẳng có ai ở đấy cả. Trong khi bạn muốn làm
cho cơ thể đẹp lên thì nó đang tan rã đấy.
2.40 Sợi tóc che quả núi
Ý
kiến, quan niệm, sự chấp giữ luyến ái, chẳng khác nào một sợi tóc có thể
che khuất ngọn núi cao. Bởi vì chúng đã ngăn trở không cho chúng ta thấy
được sự vật vốn rất đơn giản, bình thường và rõ ràng. Chúng ta bị quan
kiến tự ngã, dục vọng chi phối mạnh mẽ, nên không thể nhìn thấy chân tướng
của sự vật. Bởi thế mà chỉ một sợi tóc có thể đủ khả năng để khiến ta
không thấy được một ngọn núi cao. Chỉ dính mắc vào một chút dục vọng thôi,
cũng đủ khiến cho chúng ta không thấy rõ sự thật, điều này thật rõ ràng
như ban ngày.
2.41 Giảng đường
Ðối với thân thể của chúng ta, thì chúng ta chỉ là một người khách, chứ
không phải là người chủ nhà thật sự. Như cái giảng đường này đây, thật ra
chẳng phải là của ta. Chúng ta chỉ là người thuê nhà tạm thời, cũng giống
như lũ chuột, thằn lằn và tắc kè đang sống trong giảng đường này, nhưng
chúng ta chẳng hề ý thức điều đó. Cơ thể chúng ta cũng vậy. Rõ ràng Ðức
Phật đã dạy rằng không có một cái tôi nào cư ngụ bên trong cơ thể này,
nhưng chúng ta khư khư tin chắc rằng cơ thể này là của ta, của ta thật sự.
Ðó là quan kiến sai lầm.
2.42 Nắm bùn
Nếu cầm một nắm bùn trong tay rồi bóp mạnh, thì bùn sẽ theo kẽ ngón tay
tràn ra. Người bị đau khổ cũng vậy, khi sự đau khổ bóp chặt họ, thì họ
cũng tìm cách thoát ly.
2.43 Gà mái hay gà trống?
Dạy những người có trình độ bất đồng thật là khó khăn. Nhiều người có sẵn
tư kiến từ trước. Dạy họ sự thật, họ cho rằng đó là không thật: "Tôi đúng,
thầy sai." Như thế thì cuối cùng chẳng đi đến đâu cả. Nếu không sớm xả bỏ
thì sẽ chuốc lấy khổ đau. Giống như trường hợp có bốn người đàn ông cùng
đi vào rừng và nghe tiếng gà. Ba người cho rằng đó là gà mái, một người
khác quả quyết đó là gà trống. Anh ta hỏi: "Làm sao con gà mái có thể gáy
như vậy được?" Ba người kia trả lời: "Con gà kia chắc chắn là có miệng,
phải vậy không? Có miệng thì nó phải gáy." Họ cãi nhau, ý kiến bất đồng và
không vui, nhưng rốt cuộc tất cả đều sai. Cho dù bạn có gọi nó là gà mái
hay gà trống đó cũng chỉ là cái tên thôi. Chúng ta bảo gà mái là thế này,
gà trống là thế kia, gà trống gáy thì như vầy, gà mái kêu thì như thế kia,
đó là chúng ta đã dính mắc và bị trói buộc vào thế gian. Thật ra nếu chỉ
nói rằng chẳng có gà mái hay gà trống gì cả thì mọi chuyện sẽ chấm dứt.
2.44 Thảo dược
Lý
thuyết về giáo pháp chẳng khác nào một cuốn sách viết về các loại cây
thuốc và việc thực hành giáo pháp chẳng khác nào đi tìm các cây thuốc này.
Nghiên cứu sách vở ta biết được các loại cây thuốc, nhưng chúng ta chưa
nhìn tận mắt các cây thuốc như thế nào. Chúng ta chỉ được xem những hình
vẽ sơ sài và tên gọi. Nhưng khi đã có được cuốn sách thuốc và đã học hỏi
nghiên cứu, ta có thể dễ dàng đi tìm. Sau khi tìm tòi nhiều lần, chúng ta
có thể nhận dạng các cây thuốc một cách dễ dàng. Bằng cách này ta đã sử
dụng cuốn sách một cách hữu ích. Sở dĩ chúng ta có thể nhận ra nhiều loại
cây thuốc vì chúng ta đã nghiên cứu sách thuốc trước. Sách thuốc là thầy
của chúng ta, là phần lý thuyết giáo pháp có lợi ích và giá trị này.
Bởi thế nếu chỉ hoàn toàn y cứ vào việc hành thiền mà không để thì giờ học
hỏi thì chẳng khác nào đi tìm cây thuốc mà không học hỏi nghiên cứu trước.
Chẳng biết gì về vật mà ta muốn tìm thì làm sao mà tìm được vật ấy? Nhưng
chỉ học hỏi nghiên cứu sách thuốc, mà không đi tìm thuốc, không nhận diện
được mặt thuốc, thì cũng chẳng đem lại lợi ích gì. Bởi vậy cả lý thuyết
lẫn thực hành đều quan trọng.
2.45 Chủ và khách
Tâm chỉ là một điểm đơn giản, là trung tâm của vũ trụ. Tâm chúng ta chẳng
khác nào người chủ, và các tâm sở cảm giác chẳng khác nào người khách đến
ngụ trong một thời gian. Hãy tìm hiểu kỹ những du khách này. Hãy làm quen
với những bức tranh sống động do họ vẽ, và những câu chuyện hấp dẫn do họ
kể. Hãy ngoan ngoãn theo họ, nhưng nhớ đừng rời khỏi chỗ ngồi của bạn, vì
ngoài chiếc ghế bạn đang sử dụng không còn chiếc ghế nào quanh đấy nữa.
Nếu bạn tiếp tục giữ chỗ ngồi rồi chào mừng từng vị khách khi họ đến,
nghĩa là luôn luôn giữ chánh niệm, chuyển tâm đến những người hiểu biết,
tỉnh thức thì những người khách khác cuối cùng sẽ không đến nữa. Nếu bạn
thực sự chú ý đến họ, họ sẽ đến với bạn bao nhiêu lần nữa, chuyện trò với
họ, bạn sẽ hiểu rõ từng người một. Chắc chắn cuối cùng tâm bạn sẽ an định.
2.46 Hòn sắt nóng
Người hành thiền thuần thục, thấy mọi sự, mọi pháp đều sinh diệt không
ngừng. Không có gì thường tồn, bất biến cả. Họ quan sát theo dõi mọi khía
cạnh, chiều hướng của sự vật, và thấy rằng chẳng có gì là bền vững. Trong
mọi tư thế đi, đứng, nằm, ngồi họ đều thấy như vậy. Chỗ nào họ nhìn đến
cũng chỉ thấy khổ đau, hủy hoại mà thôi. Họ thấy thân và tâm giống như một
hòn sắt nóng đỏ.
Trên hòn sắt còn đang nóng đỏ, bạn có thể tìm được điểm nguội nào để sờ
vào chăng? Năm uẩn cũng vậy, nắm chỗ nào cũng bị phỏng cả. Bởi thế không
nên dính mắc, dù đó là sự an tịnh hay định tâm đi nữa. Cũng không nên nói
rằng sự bình an tĩnh lặng là của tôi, hay chính là tôi. Có ý nghĩ "tôi"
hay "của tôi", sẽ phát sinh ảo tưởng đau thương và tự ngã. Ðó là thế giới
của tham ái và si mê.
2.47 Một hòn sắt nóng đỏ
khác
Trong lúc thực hành, chúng ta thường có khuynh hướng nắm giữ. Coi những
kinh nghiệm đạt được là của tôi. Nếu bạn nghĩ tôi an tịnh, tôi dao động,
tôi tốt, hay tôi xấu, tôi hạnh phúc, hay tôi đau khổ, thì sự dính mắc này
là nguyên nhân của sinh thành và hiện hữu. Khi hạnh phúc chấm dứt, đau khổ
xuất hiện. Khi đau khổ chấm dứt, hạnh phúc xuất hiện. Bạn sẽ thấy chính
mình không ngừng phân vân giữa thiên đường và địa ngục. Ðức Phật thấy rõ
điều kiện của tâm là vậy, và ngài hiểu rõ đó là nguyên nhân sinh thành và
hiện hữu. Tâm ở trong điều kiện đó nên sự giải thoát không hoàn thành
được. Ngài bèn lấy những kinh nghiệm đó và quán xét chân tướng của chúng.
Do có nắm giữ nên có sanh và tử, trở nên hân hoan là sanh, trở nên thoái
chí là tử, có chết nên có sống, sinh và tử từ thời điểm này kéo sang thời
điểm kia, kế tục nhau không dứt, như một guồng bánh xe kéo chỉ, quay không
ngừng.
2.48 Thỏi sắt nóng và viên
kẹo
Chúng ta không thể nào ảnh hưởng đến tâm của người đang chết bằng những
điều thiện hay ác. Chẳng hạn như tôi cầm một thỏi sắt nóng đỏ rồi dí vào
ngực bạn, và tay kia cầm một cây kẹo đưa cho bạn. Cây kẹo đó có hấp dẫn
được bạn không? Ta có thể dùng tình thương, lòng từ ái để đối xử với người
đang chết càng nhiều càng tốt. Nhưng điều quan trọng là ta phải biết nhân
đó quán chiếu vào bên trong chính mình, để biết rằng, cùng chung số phận
như họ, ta không thể nào tránh khỏi cái chết. Nếu không làm được như vậy
thì thật sự chúng ta chẳng được chút lợi ích nào cả.
2.49 Lữ quán
Chúng ta sinh ra với hai bàn tay trắng, và chết đi cũng chỉ với hai bàn
tay trắng. Căn nhà của chúng ta chẳng qua chỉ là một lữ quán, cơ thể chúng
ta cũng chẳng khác nào quán trọ. Rồi một ngày nào đó chúng ta phải rời
khỏi chúng và ra đi một mình.
2.50 Người chủ nhà
Tâm là gì? Tâm chẳng có hình dáng gì cả. Sự nhận biết cảm giác tốt hay
xấu, chúng ta gọi là tâm. Giống như người chủ của căn nhà. Chủ thì ở ngay
trong căn nhà, nhưng khách khứa thì chỉ đến viếng anh ta trong chốc lát,
hay tạm trú vài hôm. Chủ nhà là người tiếp đón, đãi đằng khách khứa. Vậy
ai đã nhận cảm giác? Và sự nhận biết cảm giác nầy là gì? Và ai đã xả bỏ
những cảm giác này? Cái đó ta gọi là tâm, nhưng mấy ai thấy được điều đó.
Họ tự nghĩ quẩn quanh: "Tâm là gì? Tâm là gì?" Ðừng bận tâm vào chuyện đó,
đừng tự tạo lấy phiền não cho mình làm gì. Cái gì đã thu nhận cảm giác?
Cái gì thương cảm giác này và ghét cảm giác kia? Ai đó vậy? Có thực sự có
kẻ thương kẻ ghét đó không? Chắc chắn là có nhưng mà ta không thể thấy
được. Ðó là cái mà ta gọi là "tâm".
2.51 Ðứa trẻ thơ ngây
Thật vậy, như bạn biết, con người chúng ta, cách chúng ta làm, cách chúng
ta sống, cá tính riêng của chúng ta v.v...thật ra chẳng khác nào những đứa
con nít. Con nít thì chẳng biết gì. Khi quan sát những đứa trẻ chạy nhảy
la hét, ta thấy sự nô đùa của chúng chẳng có mục đich gì cả. Nếu tâm chúng
ta không được huấn luyện thì chẳng khác nào những đứa con nít ấy. Nếu lời
nói của chúng ta thiếu ý thức, hành động của chúng ta thiếu trí tuệ, chúng
ta sẽ bị thoái bộ mà không biết. Trẻ con thì vô tâm, không biết gì, nó
chạy nó nhảy lung tung. Tâm thiếu huấn luyện cũng vậy. Ðó là lý do tại sao
Ðức Phật dạy chúng ta phải luyện tâm mình.
2.52 Ðứa trẻ
Hãy nhìn sự yêu và ghét khởi lên từ các giác quan mà không dính mắc vào
chúng. Trong việc hành thiền đừng kỳ vọng kết quả thật nhanh và tiến bộ
tức thì. Một đứa trẻ phải biết lật, biết bò trước khi nó học đi rồi học
chạy. Phải quyết tâm giữ gìn giới luật và thực hành thiền không gián đoạn.
2.53 Ngứa đầu
Khi đau khổ nổi dậy, nếu ta không biết cách đối trị, thì ta không thể nào
thoát khỏi đau khổ được. Giống như ta ngứa đầu mà lại gãi chân. Rõ ràng
rằng nếu ngứa đầu mà gãi chân thì không thể nào hết ngứa đầu được.
2.54 Chìa khóa
Nếu chúng ta chỉ giữ giới theo truyền thống mà không biết ý nghĩa của giới
luật thì dầu vị thầy có dạy cho ta chân lý đi nữa, việc thực hành của ta
cũng bị thiếu sót. Mặc dầu chúng ta nên nghiên cứu và tụng đọc kinh điển,
nhưng muốn lợi ích thật sự thì phải thực hành. Khi không phát triển việc
thực hành thì chúng ta không thể nào hiểu rõ cốt tủy của Phật giáo. Không
hành thiền là một khiếm khuyết khiến ta không thể nào lãnh ngộ được tinh
túy của Phật giáo. Việc thực hành cũng như chiếc chìa khoá để mở cái
rương. Nếu dùng đúng chìa để mở khóa thì dầu ổ khóa có kiên cố đến đâu ta
chỉ cần vặn nhẹ cũng sẽ mở được ổ khóa. Nếu không có chìa khoá thì chúng
ta không thể nào biết được những gì đựng bên trong rương.
2.55 Dùng chì đổi vàng
Bậc A La Hán thì thật sự khác người thường. Ðối với chúng ta những điều
dường như đúng và có giá trị thì đôi khi đối với các Ngài là sai, là không
có giá trị. Dùng những vật thế tục để cố gắng làm vui lòng bậc A La Hán
thì chẳng khác nào dâng tặng chì thay cho vàng. Chúng ta nghĩ: "Ðây là một
khối chì thật lớn, thật nặng, tại sao ông ta không chịu đổi miếng vàng bé
teo này để lấy khối chì?"
2.56 Giã biệt bạn xưa
Tham sân si là nguồn gốc của mọi đau khổ. Ta phải học cách chế ngự tham
sân si và giải thoát chúng ta ra khỏi vòng kiểm soát của chúng. Ðiều đó
thật khó thực hiện, vì chẳng khác nào phải xa rời người bạn đã sống với
nhau từ thời thơ ấu, muốn chia tay nhau thật là không dễ chút nào.
2.57 Cái bật điện và cái
bát
Trong việc thực hành trước tiên chúng ta phải có tâm định kiên cố để cho
trí tuệ phát sinh. Ðịnh tâm chẳng khác nào cái bật điện đã được bật lên.
Nếu chưa bật điện lên thì không có ánh sáng. Cũng như định tâm là cái bát
trống và trí tuệ là thức ăn đựng trong bát, nếu không có chiếc bát thì lấy
gì để đựng thức ăn?
2.58 Con rắn mối
Kinh điển đưa ví dụ một người nọ muốn bắt một con rắn mối đang lẩn trốn
trong đụn mối. Ðụn mối có sáu cái lỗ, nếu con rắn mối chạy vào đó thì làm
thế nào để bắt? Ông ta phải bịt năm lỗ hang, chỉ chừa lại một lỗ và phải
ngồi canh chừng ở cửa này. Khi con rắn mối chạy ra, thế là bụp! Ông ta
chụp lấy. Khi quan sát tâm cũng phải làm như vậy đó. Ðóng hết tất cả các
cửa giác quan mắt, tai, mũi, lưỡi, thân chỉ chừa lại tâm. Ðóng ở đây không
có nghĩa là bưng tai, bịt mắt, nín thở mà phải thu thúc năm cửa giác quan
chỉ chừa lại cửa tâm để quan sát. Hành thiền chẳng khác nào việc bắt rắn
mối vậy.
2.59 Mất chỗ nào tìm chỗ
đó
Nếu bạn biết rằng tốt xấu đúng sai, đều nằm trong bạn thì bạn không cần
tìm kiếm chúng ở nơi nào khác. Chỉ cần tìm ở nơi mà chúng khởi sinh. Nếu
bạn không làm như vậy thì chẳng khác nào mất vật ở nơi này lại tìm nơi
khác. Mất ở nơi nào phải tìm nơi đó, dầu cho lúc đầu bạn không tìm ra đi
nữa thì bạn cũng hãy tiếp tục tìm kiếm ở nơi mà bạn đánh rơi. Nhưng thông
thường bạn đánh mất vật ở chỗ này mà lại đi tìm chỗ khác. Bằng cách đó bao
giờ bạn mới tìm được vật bị mất? Hành động thiện hay ác đều nằm bên trong
bạn. Bạn cứ cố gắng kiên trì liên tục tìm kiếm ngay tại chỗ này thì một
ngày nào đó nhất định bạn sẽ tìm được.
2.60 Lá sen
Ðức Phật nói rằng bậc giác ngộ là người đã xa lìa phiền não. Ðiều đó không
có nghĩa là họ chạy trốn phiền não. Họ chẳng bao giờ làm như thế cả. Phiền
não vẫn nằm đấy. Ðức Phật so sánh điều này với lá sen trong hồ nước. Lá
sen và nước cùng có mặt. Lá và nước tiếp xúc với nhau nhưng lá không ướt.
Nước có thể ví như phiền não và lá sen là tâm giải thoát. Tâm của người
hành thiền thì không chạy đây đó. Nó nằm yên tại một chỗ. Khi tốt và xấu,
hạnh phúc và đau khổ đến, người hành thiền chỉ đơn thuần nhận biết mà
không để chúng thấm ướt tâm. Nói cách khác người hành thiền không dính mắc
vào cái gì cả.
2.61 Những đóa sen
Chúng ta có thể xem tâm như một đóa sen. Một số hoa sen còn nằm trong bùn,
một số vượt ra khỏi bùn nhưng vẫn còn ở dưới mặt nước và một số khác đã nở
rộ và tỏa hương thơm dưới ánh mặt trời. Bạn muốn mình là loại hoa nào đây?
Nếu bạn thấy mình còn nằm dưới mặt nước thì phải coi chừng lũ cá và rùa.
2.62 Khối nước đá
Cơ
thể suy tàn như thế nào? Hãy xem xét một khối nước đá. Nguyên thể của nước
đá chỉ là nước. Chúng ta làm nước đông lại và nó tạm thời trở thành nước
đá, rồi sau đó nước đá lại tan thành nước. Cục nước đá suy tàn thế nào thì
cơ thể ta cũng như vậy. Tất cả chúng ta là những khối mang bản chất suy
tàn. Khi sinh ra, chúng ta đã thừa kế tính chất suy tàn đó. Chúng ta không
thể nào tránh được điều này. Vừa mới sinh ra là ta đã nhận lấy già, đau,
và chết. Bây giờ cơ thể này còn đang cứng giống như cục nước đá. Nhưng hãy
nhìn kỹ hơn cái thân thể này. Nó già lão suy kiệt theo định luật tự nhiên
và suy tàn như khối nước đá đó.
2.63 Trái xoài
Chúng ta thường xem định và huệ là hai cái gì riêng biệt, nhưng thật ra
chúng chẳng có gì khác nhau. Chúng khởi sinh cùng một nơi nhưng theo hai
hướng khác nhau giống như trường hợp một trái xoài. Trái xoài lúc đầu nhỏ
và xanh, rồi lớn dần lên cho đến khi chín mùi. Trái xoài lúc nhỏ, trái
xoài lúc lớn và trái xoài lúc chín, dầu trải qua ba thời kỳ khác nhau,
nhưng cũng vẫn là một trái xoài. Chỉ có điều kiện thay đổi mà thôi. Trong
việc thực hành giáo pháp cũng như vậy một điều kiện gọi là định tâm và
điều kiện khác gọi là trí tuệ, nhưng thực ra định và huệ chỉ là một, giống
như trường hợp trái xoài vậy.
2.64 Người bán hàng
Ðừng thất vọng chán nản nếu như việc thực hành của bạn không đạt được kết
quả nhanh chóng. Ðiều quan trọng là hãy tiếp tục hành thiền với lòng kiên
trì bất thối. Ðừng vội từ bỏ việc hành thiền. Bạn phải có thái độ như bà
bán hàng liên tục rao hàng mà không lười biếng. Bà ta cương quyết bán hàng
và chỉ ngừng rao khi đã bán hết hàng.
2.65 Thịt
Ngày nay, cái mà mọi người đều muốn là tiền. Họ nghĩ rằng chỉ cần có tiền
thì trăm sự đều xong. Vì thế họ lao vào kiếm tiền mà không dành thì giờ
làm việc phước thiện. Vậy chẳng khác nào họ có thịt nhưng không muốn có
muối để ướp và bảo quản thịt. Họ cất thịt đâu đó trong nhà để thịt bị thối
rữa. Người muốn có tiền không những phải biết cách làm ra tiền mà còn phải
biết cách sử dụng hay cất giữ tiền nữa. Bạn không thể nào chỉ mua thịt rồi
để đâu đó quanh nhà, miếng thịt sẽ bị thối. Ðiều phước thiện khởi sinh từ
một tâm thiện đã có trước, nếu biết được nguyên nhân theo cách này thì
người ta sẽ biết cách tạo nhân bởi vì quả sẽ tự nhiên theo sau. Nhưng
thường người ta không tạo ra nhân đúng. Người ta rất muốn có phước thật
nhiều, nhưng lại không muốn tạo ra nguyên nhân để có được phước đó. Những
suy nghĩ sai lầm này đều mang lại điều tai hại, bối rối, hoang mang.
2.66 Thịt dính ở kẽ răng
Thật là khó để mà từ bỏ dục lạc ngũ trần. Hãy xem dục lạc ngũ trần như một
mẩu thịt dính ở kẽ răng. Khi lấy mẩu thịt ra bạn thấy thoải mái một lát.
Có thể bạn nghĩ rằng từ giờ về sau bạn không bao giờ ăn thịt nữa, vì ăn
thịt mắc răng khó chịu lắm. Nhưng lần sau ngửi thấy mùi thịt thơm ngon,
bạn không thể nào kềm chế được. Bạn lại ăn nữa và lại mắc răng lần nữa.
Khi bị mắc răng bạn phải khươi nó ra lần nữa và bạn lại cảm thấy dễ chịu
lần nữa. Nhưng sự thoải mái này chỉ có thể kéo dài một thời gian cho đến
khi bạn lại ăn thịt lần nữa. Chuyện là như vậy đó. Dục lạc ngũ trần cũng
thế thôi. Khi dính vào sẽ thấy đau khổ, khi buông ra sẽ thấy dễ chịu.
2.67 Con cuốn chiếu
Khi có nhiều người sống với nhau, như chúng ta đang ở trong tu viện này,
thì họ vẫn có thể hành thiền một cách tốt đẹp thoải mái, nếu quan điểm của
họ hòa đồng với nhau. Bảo rằng ở đông người thì không thể sống hài hòa
được là không đúng. Hãy nhìn thử con cuốn chiếu. Nó có rất nhiều chân phải
không? Thoạt nhìn nó bạn nghĩ rằng nó di chuyển khó khăn lắm, nhưng nó di
chuyển theo thứ tự và nhịp điệu riêng của nó. Việc thực hành của chúng ta
cũng vậy. Nếu chúng ta thực hành đúng thì dầu cho có cả trăm cả ngàn người
đi nữa chúng ta cũng sống một cách hài hoà.
2.68 Tiền, sáp và phân gà
Luật lệ và những chế định được thiết lập chỉ nhằm mục đích khiến cho mọi
việc được thuận lợi thế thôi. Lấy một ví dụ, ngày xưa người ta dùng hàng
hóa vật chất làm tiền. Nhưng vật chất này khó cất giữ nên người ta mới bắt
đầu dùng tiền xu và tiền giấy. Giả sử về sau có một đạo luật lấy sáp ong
và phân gà làm tiền, thế là người ta bắt đầu chém giết lẫn nhau vì sáp ong
và phân gà. Chuyện là như thế đó. Những thứ mà người ta dùng làm tiền chỉ
là một sự chế định do chúng ta đặt ra. Nó được gọi là tiền bởi vì chúng ta
quyết định như vậy. Sự thực tiền là gì? Nó chẳng là gì cả. Khi mọi người
đồng ý với nhau về một vấn đề gì đó thì một khế ước, một quy định được đặt
ra. Thế gian này chẳng qua cũng chỉ là một sự chế định, nhưng thật khó
khăn để làm cho một người bình thường biết điều này. Tiền bạc của chúng
ta, nhà cửa của chúng ta, gia đình của chúng ta, thân bằng quyến thuộc của
chúng ta chỉ là sự chế định mà chúng ta đã đặt ra và ta thật sự tin rằng
tất cả chúng là của ta. Nhưng nhìn dưới ánh sáng của giáo pháp chẳng có gì
thuộc về ta cả. Nếu ta không sáng suốt mà cứ khư khư cho rằng nó là của
chúng ta thì chúng ta sẽ đau khổ.
2.69 Con khỉ
Khi biết rằng bản chất của tâm là liên tục thay đổi ta sẽ hiểu tâm như thế
nào. Ta phải biết rằng tâm luôn luôn thay đổi, lúc thiện lúc ác. Nếu ta
biết điều này thì dầu lúc ta đang suy nghĩ hay phóng tâm, ta cũng cảm thấy
bình an. Giả sử bạn nuôi một chú khỉ con. Con khỉ không thể nào giữ được
sự yên tĩnh lâu dài. Nó thích nhảy nhót leo trèo chụp nắm chỗ này chỗ nọ.
Ðó là đặc tính tự nhiên của khỉ. Giờ đây bạn đến chùa và thấy một con khỉ
nữa. Con khỉ này cũng không ở yên một chỗ. Nó nhảy nhót lung tung, tuy vậy
nó không làm bạn khó chịu. Bởi vì chính bạn cũng đang nuôi một con khỉ nên
bạn biết được bản tính của loài khỉ. Chỉ cần biết được bản tính tự nhiên
của một con khỉ thôi thì cho dầu đi đến tận đâu và gặp bao nhiêu con khỉ,
bạn cũng không cảm thấy khó chịu, bởi vì bạn đã hiểu loài khỉ. Khi ta đã
hiểu loài khỉ rồi ta sẽ không cư xử như khỉ. Nếu ta không hiểu loài khỉ
chúng ta có thể hành động giống như khỉ. Khi thấy khỉ dơ tay với chỗ này
chỗ nọ ta nổi đóa. Nhưng nếu ta hiểu bản tính tự nhiên của khỉ ta sẽ thấy
rằng con khỉ ở nhà và con khỉ ở chùa cũng giống như nhau. Vậy thì tại sao
ta bực mình với chúng? Thấy được bản tánh của khỉ giống nhau là đủ, ta sẽ
được bình an.
2.70 Ổ kiến lửa
Dục lạc ngũ trần chẳng khác nào một tổ đầy kiến lửa. Ta lấy một khúc cây
chọc vào ổ kiến cho đến khi những con kiến leo lên khúc cây, bò lên mặt
rồi cắn mắt và tai của ta. Nhưng ta vẫn chưa biết là ta đang lâm vào tình
trạng như vậy. Trong những lời dạy của Ðức Phật có nói rằng, khi ta thấy
sự tai hại của một điều nào đó thì dầu cho nó có tốt đẹp đến đâu đi nữa,
ta vẫn biết nó tai hại. Khi ta chưa thấy sự tai hại của một vật gì đó thì
ta thấy rằng vật đó tốt. Nếu ta chưa thấy được tai hại của vật gì đó thì
ta không thể nào tránh được nó.
2.71 Bà cố
Phần đông đợi cho đến khi già khọm, tuổi già xế bóng mới bắt đầu đến chùa
hành thiền. Tại sao phải đợi đến lúc đó mới chịu đến chùa? Khi bạn nói với
một bà cụ, mẹ ơi! Ði chùa với con. Bà cụ trả lời: "Con đi đi, ta bị lãng
tai.". Bạn có hiểu tôi muốn nói gì không? Khi tai bà ta còn tốt thì bà ta
nghe những gì? Bây giờ khi trọng tuổi rồi, tai bà không còn nghe rõ, đi
đến chùa nghe pháp cũng không nghe được gì. Ðừng đợi đến khi thể lực kiệt
tận mới bắt đầu nghĩ đến việc thực hành giáo pháp.
2.72 Người nói dối
Thói quen tham lam sân hận si mê của chúng ta luôn luôn lừa dối chúng ta,
nhưng nếu ta kiên trì tỉnh thức cuối cùng ta sẽ bỏ được chúng. Cũng giống
như có một người già thường đến và kể đi kể lại cho chúng ta một câu
chuyện xạo. Khi ta biết được sự thật những gì mà người ấy kể cho chúng ta,
ta sẽ không tin tưởng người ấy nữa. Nhưng phải mất một thời gian lâu dài
trước khi ta nhận biết điều này bởi vì sự lừa dối cứ hiện diện thường trực
không để ta có cơ hội nhìn thấy bản chất thật sự của sự vật.
2.73 Giẻ rách
Nếu chúng ta thấy mọi vật không vững bền thì giá trị của chúng sẽ mất đi.
Mọi vật đều trở thành vô nghĩa. Tại sao ta cứ nắm giữ mọi vật mà chúng
chẳng có giá trị gì. Phải xem sự vật chẳng khác nào miếng giẻ chùi chân.
Chúng ta giữ nó chỉ để chùi chân mà thôi. Chúng ta cần phải tập để nhìn
thấy rằng mọi cảm giác đều có giá trị như nhau, bởi vì chúng có cùng bản
chất không bền vững.
2.74 Người làm ruộng
Tinh tấn hành thiền liên tục không lơ là buông trôi như vài người làm
ruộng biếng nhác sau đây. Lúc đầu họ làm rất hăng say, nhưng việc chưa
xong, họ đã dừng nghỉ. Họ chẳng thèm thu thập dụng cụ, cứ bỏ mặc đó rồi
thong dong rảo bước đi. Một thời gian sau khi đất đã khô cứng, họ nhớ lại
thửa ruộng bèn trở lại làm thêm một ít, chẳng bao lâu sau lại bỏ dở lần
nữa. Làm việc như thế thì chẳng bao giờ có được một đám ruộng màu mỡ tươi
tốt. Nếu thật sự muốn tiến bộ thì đừng hành thiền lơ là như những người
làm ruộng biếng nhác này.
2.75 Khách dự tiệc
Người ta sống một cuộc sống mù quáng, quên rằng cái chết sẽ đến, cũng
giống như những người say sưa chè chén ở bữa tiệc. Họ không nghĩ đến việc
bài tiết về sau, cho nên họ đã chẳng để ý xem nhà vệ sinh ở đâu. Cuối cùng
khi chuyện phải đến, họ không biết phải làm gì và họ sa vào một trạng thái
hỗn loạn.
2.76 Bàn đạp máy may
Khi ngồi thiền chúng ta chỉ cần theo dõi hơi thở. Ðừng tìm cách kiểm soát
điều khiển hơi thở. Nếu thúc bách hơi thở, cố ý thở dài ra hay thở ngắn
lại, thì bạn sẽ bị mất thăng bằng và tâm không được bình an thoải mái. Ta
hãy để hơi thở diễn ra một cách điều hòa tự nhiên. Cũng giống như khi ta
sử dụng bàn đạp máy may, ta không thể nào thúc ép nó. Ta đạp lên đạp xuống
và để nó điều hòa tự nhiên, nếu thúc ép thì bàn máy sẽ không hoạt động
trơn tru dễ dàng. Trước khi muốn may thực thụ, ta phải tập đạp máy may cho
nhuần nhuyễn thuần thục, sau đó máy may sẽ hoạt động một cách tự nhiên.
Theo dõi hơi thở cũng tương tự như vậy, không cần quan tâm đến hơi thở dài
hay ngắn, mạnh hay yếu, chỉ cần ghi nhận hơi thở để nó hoạt động tự nhiên
và theo dõi nó.
2.77 Mẫu bánh ngọt
Nếu bạn vẫn còn có hạnh phúc và vẫn còn có đau khổ, thì bạn là người còn
đói chưa no. Ðiều đó giống như bạn đang ăn một miếng bánh mà bạn ưa thích,
chưa ăn hết thì bánh đã rơi khỏi tay bạn. Bạn có cảm thấy tiếc miếng bánh
đã mất không? Khi cảm thấy mất mát bạn sẽ cảm thấy đau khổ vì thế bạn cần
phải vất bỏ cả hạnh phúc lẫn đau khổ. Thực phẩm chỉ cần cho người còn đói
thôi. Ðúng theo chân lý thì hạnh phúc chỉ là đau khổ ngụy trang nhưng dưới
hình thức thật vi tế khiến chúng ta không nhận thấy được. Nếu bạn dính mắc
vào hạnh phúc, thì chẳng khác nào dính mắc vào đau khổ, nhưng bạn không
nhận ra được điều này. Bởi vậy hãy thận trọng khi hạnh phúc khởi sinh thì
đừng quá vui mà bị cuốn hút vào trong mê loạn. Khi đau khổ đến, thì đừng
thất vọng, đừng để mình bị nhận chìm trong đau khổ. Hãy xem hạnh phúc và
đau khổ có giá trị ngang nhau.
2.78 Trồng cây ăn trái
Việc thực hành của chúng ta chẳng khác nào việc trồng cây ăn trái. Khi
trồng cây ăn trái, muốn có trái nhanh người ta có thể dùng phương pháp
chiết nhánh dâm cành, nhưng cây chiết nhánh thì không sống lâu và không có
sức chịu đựng tốt. Một cách khác là trồng thẳng bằng hạt, trồng theo lối
này thì cây có sức chịu đựng tốt hơn và sống lâu hơn. Việc hành thiền của
chúng ta cũng vậy.
2.79 Tiêm thuốc độc
Có
hai loại đau khổ, đau khổ thông thường và đau khổ đặc biệt. Ðau khổ thông
thường là đau khổ phát sinh từ các hiện tượng nhân duyên tự nhiên của các
pháp. Ðau khổ đặc biệt là đau khổ đến từ bên ngoài. Ðể hiểu rõ sự khác
nhau của hai sự đau khổ này ta hãy theo dõi ví dụ sau: Giả sử bạn đau và
đến gặp bác sĩ và bác sĩ quyết định tiêm thuốc cho bạn. Khi cây kim đâm
vào da bạn, thì bạn sẽ thấy đau, đó là chuyện tự nhiên, khi cây kim được
rút ra, bạn sẽ hết đau, và đó cũng là chuyện tự nhiên. Ðây là loại đau khổ
thông thường chẳng có vấn đề gì cả, bởi vì mọi người đều trải qua loại đau
khổ này. Loại đau khổ đặc biệt là loại đau khổ phát sanh từ sự dính mắc
chấp giữ một vật gì. Ðau khổ đặc biệt chẳng khác nào bị tiêm một mũi thuốc
độc, bây giờ không còn là cái đau thông thường nữa mà là cái đau dẫn đến
sự chết.
2.80 Cây viết quí giá
Nếu bạn không hiểu thế nào là bình an thì bạn không bao giờ tìm được sự an
bình. Chẳng hạn bạn có một cây viết thật đắt giá và bạn luôn luôn dắt ở
túi áo của mình. Nhưng một ngày nào đó bạn để cây viết đâu đó mà quên mất.
Về sau bạn sờ tay vào chỗ thường dắt cây bút nhưng bạn không thấy bút đâu
nữa. Bạn hốt hoảng và nghĩ rằng cây viết đã mất. Bạn hốt hoảng vì bạn có
sự hiểu biết sai lầm. Bạn không thấy được chân tướng của sự vật bởi thế
bạn bị đau khổ. Bạn luôn luôn bận tâm vì bị mất cây viết quí giá đó: "Thật
là tiếc quá! Ta đã bỏ ra một số tiền lớn để mua cây viết mà bây giờ lại
đánh mất rồi." Nhưng rồi bạn lại nhớ ra: "Ồ! Có thể trong khi đi tắm ta đã
bỏ cây viết trong túi quần sau." Vào lúc bạn chợt nhớ ra được điều này mặc
dầu chưa thấy cây viết bạn đã cảm thấy bớt khó chịu và nhẹ nhõm. Bạn không
còn lo lắng tiếc nuối về cây viết nữa. Khi bạn đưa tay ra túi sau và tìm
thấy cây viết ở đó thì bao nhiêu đau khổ tiếc nuối đều tan biến. Tâm bạn
đã lừa dối bạn thật lâu, lo lắng bâng khuâng đến từ sự si mê không hiểu
biết. Bây giờ đã thấy lại cây viết, không còn nghi ngờ băn khoăn. Sự bình
an này có được là nhờ bạn thấy rõ nguyên nhân của vấn đề, nguyên nhân của
đau khổ. Ngay sau khi bạn biết rằng cây viết còn nằm trong túi quần sau
của mình thì đau khổ chấm dứt. Biết được sự thật, biết được chân lý thì sẽ
có bình an.
2.81 Con cọp điên
Tâm của chúng ta giống như con cọp điên bị nhốt trong chuồng, nếu nó không
nhận được những gì nó muốn thì nó sẽ lồng lộn gào thét. Phải dùng thiền để
điều phục con tâm như vậy. Phiền não của chúng ta chẳng khác nào con cọp
điên. Phải dùng chánh niệm, tinh tấn, kiên nhẫn và chịu đựng để tạo thành
cái chuồng kiên cố, vững chắc để nhốt con cọp điên này lại. Và rồi chúng
ta bỏ đói nó, đừng cho nó ăn những thức ăn quen thuộc mà nó thích, chẳng
bao lâu sau nó sẽ chết.
2.82 Pháp hành của người
chủ nhà
Ðời sống của một cư sĩ thật khó khăn mà cũng thật dễ dàng. Dễ dàng để hiểu
cách sống tốt đẹp, nhưng khó khăn để áp dụng cách sống tốt đẹp này. Chẳng
khác nào bạn đang cầm một hòn than nóng đỏ trên tay và than phiền rằng hòn
than quá nóng. Thấy thế tôi bảo bạn vất hòn than nóng đi, nhưng bạn không
chịu bỏ và trả lời rằng, tôi chỉ muốn nó trở nên lạnh kia. Vậy thì hoặc là
bạn phải vất bỏ hoặc là bạn cần phải kiên nhẫn chịu đựng, thật là hết sức
kiên nhẫn chịu đựng mới được. Bạn hỏi làm thế nào tôi có thể vất bỏ gia
đình được? Chỉ cần vất bỏ phần dính mắc trong tâm bạn thôi. Bạn phải lo
cho gia đình, nhưng đừng để tâm dính mắc vào gia đình. Dĩ nhiên bạn phải
có trách nhiệm với gia đình của mình. Như con gà đẻ trứng bạn phải ấp cho
đến khi trứng nở. Chỉ thế thôi, đừng dính mắc vào danh từ "gia đình". Nghĩ
như vậy sẽ tạo thêm một sự đau khổ khác. Ðừng nghĩ rằng bạn sẽ hạnh phúc
khi sống một mình, cũng đừng nghĩ rằng bạn sẽ hạnh phúc khi sống chung với
người khác. Hãy sống với giáo pháp và tìm hạnh phúc thật sự trong giáo
pháp.
2.83 Con khỉ
Tâm không được kiểm soát thì chẳng khác nào như một con khỉ nhảy nhót vô ý
thức. Nó chạy lên lầu thấy chán rồi lại chạy xuống lầu, mệt mỏi, đi xem
chớp bóng, lại chán nữa, đi ăn, cũng chán nữa. Những hành động này được
điều khiển bởi những hình thức khác nhau của chán ghét và sợ hãi. Bạn hãy
học cách kiểm soát tâm. Hãy nhìn bản chất thật sự của tâm: vô thường, bất
toại nguyện và trống rỗng. Phải học cách làm chủ nó. Nếu cần thì xích nó
lại. Hãy để nó tự làm cho nó mệt nhoài rồi chết. Thế là bạn có con khỉ
chết. Hãy để cho khỉ chết thối rữa ra, bạn sẽ có xương khỉ. Cuối cùng bạn
sẽ đạt được bình an thật sự. Ðừng lo cho khỉ nữa mà hãy lo cho chân lý của
đời sống.
2.84 Sông và suối
Khi chúng ta bước vào dòng suối của giáo pháp thì chúng ta là một với giáo
pháp. Dầu cho ta có đến từ nhiều nơi khác nhau nhưng chúng ta hài hòa
tương hợp với nhau. Cũng giống như sông và suối chảy ra biển, một khi đã
vào biển cả thì chúng có cùng hương vị và cùng màu sắc.
2.85 Sợi thừng
Cố
gắng chấm dứt đau khổ mà không chịu tìm hiểu nguyên nhân của đau khổ thì
chẳng khác nào cố gắng kéo một đầu dây thừng, trong khi đầu kia thì bị cột
chặt vào một nơi nào đó. Bạn kéo đầu dây này trong khi đầu dây kia bị dính
chặt thì sẽ không thể nào kéo được sợi dây. Muốn kéo sợi dây bạn phải tìm
hiểu nguyên nhân tại sao bạn không rút được sợi dây, chắc chắn là đầu dây
kia bị mắc kẹt ở đâu đó nên không thể kéo ra được. Ðến ngay chỗ đầu dây
đó, à! té ra có một gút thắt ở đây, bạn mở gút thắt ra và rút được sợi
dây.
2.86 Cát và muối
Vì
dính mắc những gì người ta kỳ vọng và đặt định từ trước nên nhiều vấn đề
rắc rối xảy ra. Nếu nhìn một cách tinh tế và chân xác thì chẳng có vật gì
hiện hữu cả. Nhà cửa chúng ta, gia đình chúng ta, tiền bạc chúng ta chỉ là
những danh từ chế định mà ta đã gán cho nó. Dưới ánh sáng giáo pháp chúng
không phải là của ta. Ngay thân thể này cũng không thực sự là của ta dầu
cho ta không tin như thế, nó cũng không thể trở thành của ta được. Chẳng
khác nào khi ta bốc một nắm cát rồi cùng đồng ý gọi nó là muối. Gọi như
thế thì cát có thể trở thành muối được không? Ðược chứ, nhưng đó chỉ là sự
thay tên đổi họ, chứ làm thế nào để cát trở thành mặn giống như muối được.
Bạn không thể dùng cát này để nấu ăn thay muối được, bởi vì dù có đặt tên
gì đi nữa thì cát vẫn là cát.
2.87 Học sinh
Thực hành giáo pháp cũng như trò học viết chữ. Lúc mới tập viết, đứa trẻ
không thể nào viết ngay hàng thẳng lối được. Chữ viết méo mó xiêu vẹo.
Nhưng dần dần qua nhiều lần thực tập, đứa trẻ sẽ viết khá hơn. Việc thực
hành giáo pháp cũng như vậy. Lúc đầu bạn rất lúng túng, có lúc tâm an
tịnh, có lúc tâm dao động. Bạn không biết gì là gì cả. Nhiều người cảm
thấy chán nản. Nhưng đừng lo lắng, đừng thất vọng. Hãy tiếp tục cố gắng
tinh tấn như trẻ em tập viết càng ngày càng viết đẹp ra. Từ chỗ viết cong
queo xấu xí cho đến khi viết được chữ đẹp, tất cả đều phải trải qua một
thời gian thực hành.
2.88 Ống thoát nước
Khi làm một cái đập nước bạn phải xây một ống thoát nước. Ðể rồi khi nước
dâng lên quá cao thì nước có thể thoát đi một cách an toàn thông qua ống
này. Khi nước đầy ngang miệng đập, thì ống thoát nước được mở ra. Bạn phải
có một cái van an toàn như vậy. Hiểu biết vô thường là cái van an toàn của
các bậc giác ngộ. Nếu bạn cũng có cái van như vậy thì bạn sẽ được bình an
tự tại.
2.89 Mảnh chai trong chân
Ðức Phật dạy chúng ta phải dùng trí tuệ để làm phương tiện thoát ra khỏi
sự đau khổ. Chẳng hạn bạn bị một cái mảnh chai găm vào chân. Thỉnh thoảng
khi bạn bước lên vật gì cứng thì vật cứng ép vào mảnh chai khiến mảnh chai
đâm sâu vào chân bạn làm cho bạn nhức nhối. Bạn bèn sờ nắn khắp chân nhưng
chẳng tìm ra gì cả. Bạn nhún vai rồi tiếp tục đi. Nhưng sau đó khi đạp
nhằm vật cứng nữa và bạn lại đau trở lại. Ðiều đó xảy ra nhiều lần, vậy
cái gì làm cho bạn đau ở đây? Nguyên nhân là cái mảnh chai nằm trong chân
bạn. Mỗi khi chân đau, bạn lại lấy tay sờ nắn quanh đó, nhưng bạn chẳng
tìm thấy gì nên bạn bỏ qua. Cứ bị đau mãi như vậy khiến bạn có ý muốn lấy
miếng mảnh chai ra. Cương quyết lấy nó ra bởi vì nó làm bạn đau. Sự tinh
tấn trong việc hành thiền cũng giống như vậy. Bất kỳ chỗ nào đau, chỗ nào
khó chịu, thì bạn phải quan sát và truy tầm. Chúng ta phải đương đầu với
vấn đề chứ không phải chỉ nhún vai là đủ, nghĩa là phải lấy cái mảnh chai
ra khỏi chân bạn. Chỗ nào tâm bạn bị bế tắc bạn phải ghi nhận. Khi nhìn
vào bên trong nó, bạn sẽ hiểu nó, thấy rõ nó và chứng nghiệm được bản chất
của nó.
2.90 Con ngựa bất kham
Tâm giống như một con ngựa bất kham, rất khó huấn luyện. Bạn phải làm gì
khi bạn có một con ngựa chứng như vậy? Hãy cho nó nhịn đói một lát, nó sẽ
đến gần bạn hơn. Khi nó đã biết nghe lời bạn hãy cho nó ăn một chút. Chúng
ta phải huấn luyện tâm như vậy. Với chánh tinh tấn chúng ta có thể đạt
được trí tuệ.
2.91 Cái gốc cây
Bạn phải tìm hiểu nguyên nhân cội nguồn của sự vật. Chẳng hạn bạn đang đi
và vấp phải một gốc cây nhỏ. Bạn bèn lấy dao chặt nó đi, nhưng nó lại mọc
trở lại và bạn lại dẫm lên gốc cây ấy lần nữa. Bạn lại tiếp tục chặt và
gốc cây lại tiếp tục mọc lên. Cách tốt nhứt là bạn phải kiếm một cái xe
kéo để bứng tận gốc nó lên. Nhưng bạn phải làm ngay, đừng lần lữa hẹn nay,
hẹn mai. Ðiều đó giống như bạn nhủ thầm "Hôm nay ta nên đi chăng? Có nên
đi không? Hay để ngày mai hãy đi" Qua đến ngày mai, bạn lại tự hỏi "Có nên
đi hay là không đi?" Và bạn cứ tiếp tục tự hẹn ngày này qua ngày khác mà
chẳng đi đâu cả cho đến ngày bạn chết. Bạn chỉ cần quyết định "Ði", vậy là
đủ.
2.92 Thức ăn tráng miệng
Thực hành là trực tiếp quan sát tâm. Ðó chính là trí tuệ. Khi bạn đã xem
xét và hiểu biết tâm mình thì bạn sẽ có đủ trí tuệ để hạn chế sự định tâm
cũng như có đủ trí tuệ để bớt lệ thuộc vào sách vở. Nếu bạn đã thực hành
thuần thục và không còn dính mắc, lệ thuộc vào bất cứ cái gì, lúc bấy giờ
bạn hãy trở về với sách vở. Sách vở lúc bấy giờ cũng giống như đồ ăn tráng
miệng, chúng giúp bạn chỉ dẫn kẻ khác. Hoặc bạn cũng có thể trở về với
thiền vắng lặng vì bây giờ bạn đã có trí tuệ là không dính mắc vào bất cứ
cái gì.
2.93 Quả xoài ngọt
Giáo pháp nằm ngay trong tâm bạn chứ không phải trong rừng. Ðừng nghe ai
mà hãy lắng nghe tâm mình. Bạn chẳng cần phải đi nơi nào để tìm kiếm giáo
pháp. Giáo pháp nằm ngay trong tâm bạn, cũng giống như trái xoài ngọt đã
nằm sẵn trong trái xoài xanh.
2.94 Quả đu đủ ngọt
Nếu biết sử dụng phiền não một cách khôn khéo thì sẽ mang lại nhiều ích
lợi. Cũng giống như dùng phân gà và phân trâu để bón cho cây đu đủ. Phân
thì thật dơ dáy, nhưng khi cây trổ quả thì trái đu đủ thật ngon ngọt. Bất
cứ lúc nào phiền não xuất hiện, như sự nghi ngờ chẳng hạn, thì hãy nhìn
vào nó, quan sát, theo dõi ngay tại đó. Ðiều này sẽ giúp cho sự thực hành
của bạn phát triển và kết trái ngon ngọt.
2.95 Máy thu âm
Nếu việc nghe giáo pháp giúp cho bạn được bình an tĩnh lặng, thế là đủ
rồi. Bạn chẳng cần phải cố gắng nhớ bài pháp làm gì. Có thể một số các bạn
không tin điều này, nhưng nếu tâm bạn bình an tĩnh lặng nghe những gì đang
nói và để nó trôi qua trong khi liên tục quan sát, thì bạn đã làm việc như
một chiếc máy thu âm rồi. Một thời gian sau, mỗi khi bạn bật máy lên, tất
cả đều được ghi lại đầy đủ. Ðừng sợ rằng chỉ ngồi nghe một cách chánh niệm
để mọi sự việc trôi qua với tâm bình an tĩnh lặng thì chẳng được gì cả.
Bởi vì ngay khi bạn bật máy thâu băng lên thì tất cả đều nằm ở đó.
2.96 Võ sĩ và người ăn
trộm
Người có tri kiến sai lầm về việc hành thiền cũng giống như một người ăn
trộm mướn luật sư cứu anh ta khi bị bắt quả tang. Nhưng sau đó lại tiếp
tục tái phạm lần nữa. Hoặc giống như người võ sĩ sau khi thượng đài bị
nhiều vết thương, chữa trị vết thương xong lại đi đấu võ lần nữa và lại
mang thương tích. Mặc dầu cứ mỗi lần đấu võ là mỗi lần bị thương, anh võ
sĩ vẫn cứ muốn thượng đài.
Mục đích của việc hành thiền không phải chỉ để tạo được một ít yên tĩnh
trong một thời gian ngắn, tạm thời chấm dứt mọi đau khổ, khó khăn, nhưng
là để nhổ tận gốc rễ nguyên nhân đã khiến chúng ta bất an.
2.97 Trộm và kẻ giết người
Nếu đời sống thế tục thuận lợi cho việc hành thiền thì Ðức Phật đâu có
khuyến khích chúng ta đi tu làm gì. Thân và tâm chúng ta như những băng
đảng cướp của, giết người. Chúng luôn luôn kéo chúng ta đến hầm lửa tham
lam, sân hận, si mê. Ðời sống thế tục có rất nhiều khó khăn trở ngại. Ngũ
dục luôn luôn lôi cuốn. Chúng mời gọi ta đến căn nhà ái dục với một giọng
nói ngọt ngào thân thiện, "Ðến đây, hãy đến đây người bạn thân mến" và khi
bạn đến gần thì cửa mở và súng nổ.
2.98 Tấm lưới cá chằng
chịt
Hãy hiểu và theo dõi tâm. Tâm trong sáng nhưng nó bị ô nhiễm, bị nhuộm màu
vì tình cảm, vì cảm xúc. Hãy huấn luyện tâm thế nào để tâm trở thành một
mạng lưới dày chặt, rắn chắc, tóm gọn mọi cảm xúc, cảm giác rồi quan sát
xem xét chúng cẩn thận trước khi phản ứng.
2.99 Cây
Chúng ta hãy lấy ví dụ về một cội cây để hiểu rõ sự bảo vệ và duy trì Phật
Pháp bằng cách hành thiền. Cây gồm có rễ, thân, cành và lá. Các bộ phận
lá, thân, cành đều tùy thuộc vào rễ bởi vì rễ đã hút chất bổ chuyển đến
các cơ phận trên. Cây nhờ rễ để duy trì sự sống. Chúng ta cũng vậy, hành
động lời nói của ta là thân, lá, cành, và tâm là rễ. Rễ hấp thụ chất bổ để
nuôi dưỡng toàn thể thân cây, giúp cho cây đơm hoa, kết trái. Tâm tốt hay
xấu, có chánh kiến hay tà kiến, đều thể hiện qua lời nói và hành động. Bởi
thế, việc bảo vệ và duy trì Phật giáo bằng cách thực hành giáo pháp thật
vô cùng quan trọng.
2.100 Hướng về phía ánh
sáng
Có
ai có thể điều khiển cây mọc khác đi cái lối mọc tự nhiên của nó không?
Cây không thể chuyện trò, không thể chạy đây, chạy đó, nhưng nó có thể mọc
theo lối riêng của nó để tránh các chướng ngại. Khi gặp chỗ hiểm hóc khó
tăng trưởng, nó bèn vươn ra ngoài để nhận ánh sáng. Theo bản chất, cây
chẳng biết gì cả. Nó chỉ sinh hoạt theo định luật của thiên nhiên, nhưng
nó lại biết cách mọc thế nào để tránh khỏi nguy hiểm, nó biết vươn đến chỗ
thích hợp cho sự tăng trưởng của nó. Chúng ta nên học theo cách sinh hoạt
của cây. Nếu chúng ta muốn chữa trị đau khổ và nếu yêu hay ghét cũng đều
là đau khổ, thì chúng ta phải tìm cách tránh xa chúng, đừng thân thiện,
gần gũi, gắn bó với chúng. Khi hướng về với Ðức Phật thì đau khổ sẽ giảm
bớt và cuối cùng sẽ bị tận diệt hoàn toàn.
2.101 Hư ngụy
Người thế tục thường nói những điều hư ngụy dối trá. Chẳng hạn bạn tình cờ
gặp trên xe lửa một người bạn mà từ lâu bạn không liên lạc, bạn liền nói
với người ấy "Tôi rất mừng được gặp bạn ở đây, tôi vừa định đi tìm gặp bạn
đấy. Sao, độ rày thế nào?". Thực ra thì không phải vậy. Bạn chẳng hề nghĩ
đến anh ta bao giờ, nhưng trong lúc vui miệng và quen miệng bạn thốt ra
như thế thôi, chỉ để xã giao, cho có, vậy thôi. Thế nhưng như vậy là bạn
đã nói điều hư ngụy hay nói dối rồi đấy. Lời nói không thật phát xuất từ
sự vô tâm, vô tình của bạn, nhưng nó là hình thức vi tế của sự dối trá và
thông thường người ta hay quen miệng nói như vậy. Ðó cũng là một loại
phiền não cần phải tập vứt bỏ.
2.102 Dây leo
Một đứa trẻ lớn lên chẳng khác nào một dây leo đang mọc. Dây leo mọc lớn
lên và tựa vào một cây khác gần đó. Dây leo không tự tạo được hình dáng
của riêng mình. Nó dựa vào một cây khác để tạo nên hình dáng cho mình. Nếu
nó dựa vào cây mọc thẳng đứng thì dây leo cũng mọc thẳng đứng. Nếu nó dựa
vào cây có hình dáng cong queo thì dây leo cũng mang hình dáng cong queo.
Cần phải hiểu kỹ rằng trẻ con chịu ảnh hưởng bởi hành động và cử chỉ mà
bạn làm chứ không phải vào lời nói mà bạn dạy. Do đó việc tu hành của bạn
không phải chỉ đem lại lợi ích cho chính bạn mà còn đem lại lợi ích cho
con em bạn và cho những người quanh bạn nữa.
2.103 Chim kên kên
Nhiều người có trình độ đại học, có bằng cấp tốt nghiệp và thành công trên
đường đời, nhưng vẫn cảm thấy cuộc sống của họ thiếu thốn. Dầu cho có tư
tưởng cao sa hay thông minh hoạt bát đến đâu đi nữa, tâm họ cũng chứa đầy
những vô dụng và hoài nghi. Cũng giống như loài chim kên kên, chúng bay
cao đấy nhưng nó ăn những gì?
2.104 Con trâu
Tư
tưởng của chúng ta tùy thuộc vào pháp trần và bị pháp trần lôi kéo đến bất
kỳ nơi nào mà chúng thích. Thật ra chẳng có pháp trần hay đối tượng giác
quan nào có bản chất thật sự. Chúng đều là vô thường, khổ và trống không.
Khi pháp trần khởi lên hãy quan sát và theo dõi xem chúng làm gì.
Theo dõi tâm chẳng khác nào chăn một con trâu trên đồng. Người chăn trâu
thả cho trâu đi lại tự nhiên nhưng luôn luôn để ý canh chừng. Nếu trâu đi
gần đến ruộng lúa, người chăn trâu sẽ quát lên một tiếng, thế là trâu sẽ
thụt lùi lại ngay. Nếu trâu không nghe lời, người chăn trâu sẽ quất cho nó
vài roi. Người chăn trâu không được lơ là bất cẩn, không được ngủ quên.
Nếu y tham ngủ thì lúc thức dậy lúa đã bị trâu ăn sạch.
Tâm chẳng khác nào con trâu và lúa là các pháp trần. Người giác tỉnh là
chủ nhân. Khi nhìn vào tâm, người giác tỉnh hiểu biết mọi sự. Họ biết rõ
lúc tâm chiều theo pháp trần thì tâm sẽ như thế nào, và khi tâm không bị
pháp trần chi phối, nó sẽ như thế nào? Quan sát và biết được tâm như vậy,
trí tuệ sẽ phát sinh. Khi tâm gặp pháp trần, nó sẽ giữ chặt pháp trần đó
như con trâu gặp lúa là ăn ngay. Bởi vậy bất kỳ tâm đi đâu đều phải quan
sát theo dõi nó. Khi tâm đến gần "ruộng lúa" pháp trần, hãy la nó ngay.
Nếu nó không nghe hãy quất cho nó vài roi.
2.105 Giếng nước và vườn
cây ăn trái
Muốn tìm bình an trong thế gian này bạn cần phải có nhiều nỗ lực. Chẳng
khác nào việc đào giếng để lấy nước. Nước chảy ngầm dưới đất, nhưng bạn
phải đào giếng mới lấy được. Hoặc như bạn đã có sẵn một vườn cây ăn trái,
trái chín đầy cành nhưng bạn phải hái mới được. Trái cây không thể tự động
rơi vào miệng bạn.
2.106 Khúc gỗ
Chúng ta không thể nào tách rời thiền định và thiền minh sát. Muốn quan
sát phải có sự định tâm, và muốn định tâm cần phải có sự quan sát để hiểu
rõ tâm. Muốn tách rời thiền định và thiền quán thì chẳng khác nào cầm ở
giữa khúc gỗ nâng lên và chỉ muốn một đầu được nhấc lên thôi. Khi nhấc
khúc gỗ lên thì cả hai đầu đều được nâng lên cùng một lúc. Ta không thể
tách rời hai đầu khúc gỗ được. Trong việc hành thiền cũng vậy, bạn chẳng
cần phải phân biệt đâu là thiền định và đâu là thiền quán, chỉ cần biết
đây là sự thực hành pháp bảo, thế là đủ.
2.107 Lạc hướng
Nếu bạn không hiểu rõ chân lý của sự khổ và phương cách tránh khỏi khổ
đau, thì bạn không thể nào có được Bát Chánh Ðạo. Chánh đạo sẽ trở thành
tà đạo: tà ngữ, tà nghiệp, tà định, v.v.. Cũng giống như bạn muốn đi đến
một ngôi làng nào đó. Bạn đi sai đường nhưng cảm thấy thoải mái, vì cảm
thấy thoải mái nên bạn tiếp tục đi, nhưng kết quả là bạn sẽ không bao giờ
đến được nơi mình muốn. Vì vậy dù đường đi có thoải mái, thuận tiện cho
bạn cách mấy đi nữa, bạn cũng sẽ không đến được nơi mình muốn đến.
Kết
Chỉ cần một ít trí tuệ trực giác, chúng ta có thể thấy rõ ràng thế gian
pháp. Chúng ta sẽ thấy rõ rằng tất cả mọi chuyện trên cõi đời này đều là
thầy của chúng ta. Cây và dây leo, chẳng hạn, có thể cho ta thấy rõ chân
lý của sự vật. Khi đã có trí tuệ thì chẳng cần phải học hỏi ai và chẳng
cần phải học hỏi gì nữa, chỉ cần học hỏi ở thiên nhiên cũng đủ để ta giác
ngộ.
Ajahn
Chah
--- o0o ---
Trình bày: Nhị Tường
Cập nhật: 01-01-2005
|