|
.
THIỀN
KINH NIỆM XỨ
LƯỢC
GIẢI
Thích
Thông Huệ
|
|
LỜI NÓI
ÐẦU
Kinh
Niệm Xứ, một bài Kinh trình bày một cách căn bản về Thiền
Vipassana (Minh-Sát-Tuệ), thuộc truyền thống Thiền Nguyên thủy.
“Minh-Sát-Tuệ” là sự quán sát sáng suốt, từ đó phát
sinh trí tuệ. Nội dung Minh Sát gồm hai phần: Chánh niệm là
an trú vững chãi trong giờ phút hiện tại; Quán niệm là quán
sát một cách sâu sắc vào trong tự thân của thực tại, mục
đích nhận ra sự diễn tiến của thực tại ÐANG LÀ bằng
tâm định tĩnh. Vipassana chứa đựng nội dung của Chánh niệm,
Quán niệm, Niệm tuệ, Tuệ quán; vì nhờ tâm định tĩnh quán
sát mọi sự vật mà tuệ phát sinh. Thiền Vipassana rất phổ
biến lưu truyền ở các nước Phật Giáo Nam tông như Tích
Lan, Thái Lan, Miến Ðiện...; và hiện nay đang có chiều hướng
phát triển ở các nước phương Tây.
Có
thể nói, Kinh Niệm Xứ có một tầm quan trọng rất lớn trong
hệ thống Kinh điển Nguyên thủy. “Niệm “theo nghĩa thông
thường là nhớ, nhưng nghĩa sâu xa hơn là chú tâm, để ý,
không xao lãng. “Xứ “là chỗ nơi, đối tượng. Thiền Niệm
Xứ chủ yếu là thắp sáng chánh niệm trên bốn lĩnh vực
Thân (Kàya) - Thọ (Vedanà) – Tâm (Citta) – Pháp (Dhamma). Ðây
là lối thiền tập để nhìn rõ thực tại ÐANG LÀ. Tất cả
mọi sự vật hiện tượng xung quanh chúng ta đều luôn luôn
chuyển biến, không một phút giây dừng trụ. Nếu chúng ta
thực hiện chánh niệm trong mọi oai nghi mọi hoạt động hằng
ngày, đó là chúng ta đang công phu thiền tập. Bởi vì, nội
dung căn bản của thiền tập là chánh niệm, không có chánh
niệm thì khó mà đạt được thiền chứng. Thiền Niệm Xứ
giúp chúng ta khám phá những bí ẩn của Thân – Thọ – Tâm
– Pháp. Những bí ẩn này sẽ được khám phá khi ta có chánh
niệm.
Thiền
là gọi tắt của Thiền-na, phiên âm từ chữ Dhyàna (tiếng
SansKrit); hay Jhàna (tiếng Pàli); tiếng Nhật gọi là Zen, đều
có nghĩa là Tịnh-lự, hay Thiền-định. Thiền định nhằm
giải phóng con người ra khỏi mọi phiền não khổ đau và
đạt tới sự Minh triết Tối thượng (Vô thượng Bồ đề).
Nói
đến Ðạo Phật là phải nói đến Thiền định, vì Ðức
Phật nhờ nỗ lực Thiền định suốt bốn mươi chín ngày
đêm mới thành Chánh giác; và cũng nhờ tâm Thiền định mới
có thể truyền pháp trong bốn mươi lăm năm. Giữa Ðạo Phật
và Thiền có một sự gắn bó mật thiết; nếu Ðạo Phật
không còn Thiền thì sẽ mất hết sức sống, trở thành một
môn triết học bình thường như bao triết thuyết khác mà
thôi. Vì thế, trong các Kinh điển, nếu muốn đạt đến cứu
cánh, Phật đều dạy phải nhiếp tâm Thiền định. Dù đang
tu theo pháp môn nào, hành giả đều phải theo lộ trình Tam
Vô Lậu học là Giới - Ðịnh - Tuệ. Giữ giới là dừng mọi
việc ác, làm mọi điều lành, tạo cho mình một đời sống
căn bản đạo đức. Thiền định là dứt bặt các duyên,
giữ tâm ý thanh tịnh, ngoài không theo các tướng, trong sạch
mọi vọng tưởng. Trí tuệ phát sinh khi tâm được an định,
hành giả sẽ thấy tất cả pháp nơi tận cùng thực tướng
vô tướng.
Vì
chúng sanh có tám vạn bốn ngàn trần lao phiền não, nên Ðức
Phật có tám vạn bốn ngàn pháp môn ngần ấy để đối trị
căn bệnh cho chúng sanh. Ðó là những phương tiện tu tập
mà mọi người có thể lựa chọn, tùy căn cơ trình độ của
mình. Nhưng dù dùng phương tiện nào, hành giả cũng phải
đi trên con đường Thiền tập, là căn bản Phật - Tổ muốn
truyền trao. Hiểu được điều này, chúng ta mới thăng tiến
trên đường tu, mới chuyển hóa được đời sống tự thân,
và góp phần làm đẹp cho đời sống gia đình và xã hội.
Kinh
Niệm Xứ, hay Tứ Niệm Xứ, hiện tại được tìm thấy bốn
bản kinh tương đương nói về Thiền pháp này:
1.-
Phẩm Nhập Ðạo, còn gọi là Nhất Nhập Ðạo phẩm (con đường
vào duy nhất), do Ðạt Ma Nan Ðề đời Ðông Tấn dịch từ
Phạn văn ra Hán văn. Bản chữ Việt nằm trong Kinh Tăng Nhất
A Hàm tập I, trang 132, do Hòa Thượng Viện Trưởng Thiền Viện
Trúc Lâm chuyển dịch.
2.-
Kinh Niệm Xứ - Trung A Hàm, do Tăng Già Ðề Bà đời Ðông
Tấn dịch từ Phạn văn ra Hán văn. Bản chữ Việt là Kinh
Niệm Xứ – Trung A Hàm tập II, trang 563, do Viện Cao Ðẳng
Phật học Hải Ðức Nha Trang chuyển dịch.
3.-
Kinh Ðại Niệm Xứ – Trường Bộ tập II, trang 185, do Hòa
Thượng Minh Châu dịch từ Pàli ra Việt.
4.-
Kinh Niệm Xứ – Trung Bộ tập I, trang 131, do Hòa Thượng Minh
Châu dịch từ Pàli ra Việt. Ðây là bản Kinh chúng tôi chọn
đem ra lược giải, vì nội dung trình bày sáng sủa, đơn gọn
và mang tính nguyên thủy hơn cả.
Chúng
ta chiêm nghiệm bài Kinh này thật kỹ, hiểu cho thấu đáo,
để phát khởi niềm tin vững chắc vào con đường tu đạo.
Khi đã có chánh tín, chúng ta mới có thể vượt qua mọi trở
ngại khó khăn để gia công tu tập một cách tinh cần. Một
điều cần nói, là dù sau này Phật Giáo phát triển thành
nhiều Thiền pháp, trong đó có Thiền Ðại Thừa, Tối Thượng
Thừa... cũng phải đặt căn bản trên các Thiền Kinh Nguyên
thủy, xem đó là nền móng trong công phu thiền quán.
Dù
sao, những kiến giải của chúng tôi trong Thiền Kinh Niệm
Xứ này, cũng chỉ như một hạt cát giữa bãi sa mạc mênh
mông. Kính mong các bậc Thức giả và những người hữu duyên
khi đọc tác phẩm này, vui lòng chỉ bảo cho những điều
lầm lỗi thiếu sót, để dịp tái bản được hoàn bị hơn.
Thiền
thất Viên Giác
Ngày
19 - 09 Canh Thìn
THÍCH
THÔNG HUỆ
PHẦN
I
CHÁNH
VĂN
KINH NIỆM XỨ
(Satipatthanasutta)
*
Trích trong Kinh Trung Bộ - tập I.
Nguyên
bản Pàli.
Việt
dịch: HT Thích Minh Châu.
Như
vầy tôi nghe.
Một
thời Thế Tôn ở xứ Kuru (Câu-lâu), Kammassadhamma (Kiềm-ma-sắt-đàm)
là đô thị của xứ Kuru. Rồi Thế Tôn gọi các Tỷ-kheo:
-
Này các Tỷ-kheo.
Các
Tỷ-kheo vâng đáp Thế Tôn:
-
Bạch Thế Tôn.
Thế
Tôn thuyết như sau:
-
Này các Tỷ-kheo, đây là con đường độc nhất đưa đến
thanh tịnh cho chúng sanh, vượt khỏi sầu não, diệt trừ khổ
ưu, thành tựu chánh trí, chứng ngộ Niết-bàn. Ðó là Bốn
Niệm Xứ.
Thế
nào là bốn? - Này các Tỷ-kheo, ở đây Tỷ-kheo sống quán
thân trên thân, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm để chế
ngự tham ưu ở đời; sống quán thọ trên các thọ, nhiệt
tâm, tỉnh giác, chánh niệm để chế ngự tham ưu ở đời;
sống quán tâm trên tâm, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm
để chế ngự tham ưu ở đời; sống quán pháp trên các pháp,
nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm để chế ngự tham ưu ở
đời.
Và
này các Tỷ-kheo, thế nào là Tỷ-kheo sống quán thân trên
thân? Này các Tỷ-kheo, ở đây, Tỷ-kheo đi đến khu rừng,
đi đến gốc cây, hay đi đến ngôi nhà trống, và ngồi kiết
già, lưng thẳng và an trú chánh niệm trước mặt. Tỉnh giác,
vị ấy thở vô; tỉnh giác, vị ấy thở ra. Thở vô dài,
vị ấy tuệ tri: “Tôi thở vô dài”; hay thở ra dài, vị
ấy tuệ tri: “Tôi thở ra dài”; hay thở vô ngắn, vị ấy
tuệ tri: “Tôi thở vô ngắn”; hay thở ra ngắn, vị ấy
tuệ tri: “Tôi thở ra ngắn”. “Cảm giác toàn thân, tôi
sẽ thở vô”, vị ấy tập; “Cảm giác toàn thân, tôi sẽ
thở ra”, vị ấy tập; “An tịnh toàn thân, tôi sẽ thở
vô”, vị ấy tập; “An tịnh toàn thân, tôi sẽ thở ra”,
vị ấy tập. Này các Tỷ-kheo, như người thợ quay hay học
trò người thợ quay thiện xảo khi quay dài, tuệ tri: “Tôi
quay dài” hay khi quay ngắn, tuệ tri: “Tôi quay ngắn”. Cũng
vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo thở vô dài, tuệ tri: “Tôi
thở vô dài”; hay thở ra dài, tuệ tri: “Tôi thở ra dài”;
hay thở vô ngắn, tuệ tri: “Tôi thở vô ngắn”; hay thở
ra ngắn, tuệ tri: “Tôi thở ra ngắn”; “Cảm giác toàn
thân, tôi sẽ thở vô”, vị ấy tập; “Cảm giác toàn thân,
tôi sẽ thở ra”, vị ấy tập; “An tịnh toàn thân, tôi
sẽ thở vô”, vị ấy tập; “An tịnh toàn thân, tôi sẽ
thở ra”, vị ấy tập. Như vậy, vị ấy sống quán thân
trên nội thân hay sống quán thân trên ngoại thân; hay sống
quán thân trên cả nội thân, ngoại thân; hay vị ấy sống
quán tánh sanh khởi trên thân; hay sống quán tánh diệt tận
trên thân; hay sống quán tánh sanh diệt trên thân. “Có thân
đây”, vị ấy an trú chánh niệm như vậy, mới hy vọng hướng
đến chánh trí, chánh niệm. Và vị ấy không nương tựa,
không chấp trước vật gì trên đời. Này các Tỷ-kheo, như
vậy là Tỷ-kheo sống quán thân trên thân.
Lại
nữa, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo đi, tuệ tri: “Tôi đi”; hay
đứng, tuệ tri: “Tôi đứng”; hay ngồi, tuệ tri: “Tôi
ngồi”; hay nằm, tuệ tri: “Tôi nằm”. Thân thể được
sử dụng như thế nào, vị ấy tuệ tri thân như thế ấy.
Vị ấy sống quán thân trên nội thân; hay vị ấy sống quán
thân trên ngoại thân; hay vị ấy sống quán thân trên nội
thân, ngoại thân; hay vị ấy sống quán tánh sanh khởi trên
thân; hay vị ấy sống quán tánh diệt tận trên thân; hay vị
ấy sống quán tánh sanh diệt trên thân. “Có thân đây”,
vị ấy an trú chánh niệm như vậy, với hy vọng hướng đến
chánh trí, chánh niệm. Và vị ấy sống không nương tựa,
không chấp trước một vật gì trên đời. Này các Tỷ-kheo,
như vậy là Tỷ-kheo sống quán thân trên thân.
Lại
nữa, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo, khi bước tới bước lui, biết
rõ việc mình đang làm; khi ngó tới ngó lui, biết rõ việc
mình đang làm; khi co tay, khi duỗi tay, biết rõ việc mình đang
làm; khi mang áo Sanghati (Tăng-già-lê), mang bát, mang y, biết
rõ việc mình đang làm; khi ăn, uống, nhai, nếm, biết rõ việc
mình đang làm; khi đại tiện, tiểu tiện, biết rõ việc mình
đang làm; khi đi, đứng, ngồi, ngủ, thức, nói, im lặng, biết
rõ việc mình đang làm. Như vậy, vị ấy sống quán thân trên
nội thân; hay sống quán thân trên ngoại thân; hay sống quán
thân trên cả nội thân, ngoại thân. Hay vị ấy sống quán
tánh sanh khởi trên thân; hay sống quán tánh diệt tận trên
thân; hay sống quán tánh sanh diệt trên thân. “Có thân đây”,
vị ấy an trú chánh niệm như vậy, với hy vọng hướng đến
chánh trí, chánh niệm. Và vị ấy sống không nương tựa,
không chấp trước một vật gì trên đời. Này các Tỷ-kheo,
như vậy là Tỷ-kheo sống quán thân trên thân.
Lại
nữa, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo quán sát thân này, dưới từ
bàn chân trở lên, trên cho đến đảnh tóc, bao bọc bởi da
và chứa đầy những vật bất tịnh sai biệt. Trong thân này:
“Ðây là tóc, lông, móng, răng, da, thịt, gân, xương, thận,
tủy, tim, gan, hoành cách mô, lá lách, phổi, ruột, màng ruột,
bụng, phân, mật, đàm (niêm dịch), mủ, máu, mồ hôi, mỡ,
nước mắt, mỡ da, nước miếng, nước mủ, nước ở khớp
xương, nước tiểu”. Này các Tỷ-kheo, cũng như một bao đồ,
hai đầu trống đựng đầy các loại hột như gạo, lúa, đậu
xanh, đậu lớn, mè, gạo đã xay rồi. Một người có mắt,
đổ các hột ấy ra và quán sát: “Ðây là hột gạo, đây
là hột lúa, đây là đậu xanh, đây là đậu lớn, đây là
mè, đây là hột lúa đã xay rồi”. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo,
một Tỷ-kheo quán sát thân này dưới từ bàn chân trở lên,
trên cho đến đảnh tóc, bao bọc bởi da và chứa đầy những
vật bất tịnh sai biệt. Trong thân này: “Ðây là tóc, lông,
móng, răng, da, thịt, gân, xương, tủy, thận, tim, gan, hoành
cách mô, lá lách, phổi, ruột, màng ruột, bụng, phân, mật,
đàm, mủ, máu, mồ hôi, mỡ, nước mắt, mỡ da, nước miếng,
nước mủ, nước ở khớp xương, nước tiểu”. Như vậy,
vị ấy sống quán thân trên nội thân; hay sống quán thân
trên ngoại thân; hay sống quán thân trên nội thân, ngoại
thân. Hay vị ấy sống quán tánh sanh khởi trên thân; hay sống
quán tánh diệt tận trên thân; hay sống quán tánh sanh diệt
trên thân. “Có thân đây”, vị ấy an trú chánh niệm như
vậy, với hy vọng hướng đến chánh trí, chánh niệm. Và
vị ấy sống không nương tựa, không chấp trước một vật
gì trên đời. Này các Tỷ-kheo, như vậy là Tỷ-kheo sống
quán thân trên thân.
Lại
nữa, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo quán sát thân này về các vị
trí các giới và sự sắp đặt các giới: “Trong thân này
có địa đại, thủy đại, hỏa đại và phong đại”. Này
các Tỷ-kheo, như một người đồ tể thiện xảo, hay đệ
tử của một người đồ tể giết một con bò, ngồi cắt
chia từng thân phần tại ngã tư đường. Cũng vậy, này các
Tỷ-kheo, Tỷ-kheo quán sát thân này về vị trí các giới và
về sự sắp đặt các giới: “Trong thân này có địa đại,
thủy đại, hỏa đại và phong đại”. Như vậy vị ấy sống
quán thân trên nội thân; hay sống quán thân trên ngoại thân;
hay sống quán thân trên nội thân, ngoại thân. Hay vị ấy
sống quán tánh sanh khởi trên thân; hay sống quán tánh diệt
tận trên thân; hay sống quán tánh sanh diệt trên thân. “Có
thân đây”, vị ấy an trú chánh niệm như vậy, với hy vọng
hướng đến chánh trí, chánh niệm. Và vị ấy sống không
nương tựa, không chấp trước một vật gì trên đời. Này
các Tỷ-kheo, như vậy là Tỷ-kheo sống quán thân trên thân.
Lại
nữa, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo như thấy một thi thể bị
quăng bỏ trong nghĩa địa một ngày, hai ngày, ba ngày, thi thể
ấy trương phồng lên, xanh đen lại, nát thối ra. Tỷ-kheo
quán thân ấy như sau: “Thân này tánh chất là như vậy, bản
tánh là như vậy, không vượt khỏi tánh chất ấy”. Như
vậy vị ấy sống quán thân trên nội thân; hay sống quán
thân trên ngoại thân; hay sống quán thân trên nội thân, ngoại
thân. Hay vị ấy sống quán tánh sanh khởi trên thân; hay sống
quán tánh diệt tận trên thân; hay sống quán tánh sanh diệt
trên thân. “Có thân đây”, vị ấy an trú chánh niệm như
vậy, với hy vọng hướng đến chánh trí, chánh niệm. Và
vị ấy sống không nương tựa, không chấp trước một vật
gì trên đời. Này các Tỷ-kheo, như vậy là Tỷ-kheo sống
quán thân trên thân.
Lại
nữa, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo như thấy một thi thể bị
quăng bỏ trong nghĩa địa, bị các loài quạ ăn, hay bị các
loài diều hâu ăn, hay bị các chim kên ăn, hay bị các loài
chó ăn, hay bị các loài dã can ăn, hay bị các loài côn trùng
ăn. Tỷ-kheo quán thân ấy như sau: “Thân này tánh chất là
như vậy, bản chất là như vậy, không vượt khỏi tánh chất
ấy”. Như vậy vị ấy sống quán thân trên nội thân; hay
sống quán thân trên ngoại thân; hay sống quán thân trên nội
thân, ngoại thân. Hay vị ấy sống quán tánh sanh khởi trên
thân; hay sống quán tánh diệt tận trên thân; hay sống quán
tánh sanh diệt trên thân. “Có thân đây”, vị ấy an trú
chánh niệm như vậy, với hy vọng hướng đến chánh trí,
chánh niệm. Và vị ấy sống không nương tựa, không chấp
trước một vật gì trên đời. Này các Tỷ-kheo, như vậy
là Tỷ-kheo sống quán thân trên thân.
Này
các Tỷ-kheo, lại nữa, Tỷ-kheo như thấy một thi thể bị
quăng bỏ trong nghĩa địa, với các bộ xương còn liên kết
với nhau, còn dính thịt và máu, còn được các đường gân
cột lại...; với các bộ xương còn liên kết với nhau, không
còn dính thịt nhưng còn dính máu, còn được các đường
gân cột lại... với các bộ xương không còn dính thịt, dính
máu, còn được các đường gân cột lại; chỉ còn có xương
không dính lại với nhau, rải rác chỗ này chỗ kia. Ở đây
là xương tay, ở đây là xương chân, ở đây là xương ống,
ở đây là xương bắp vế, ở đây là xương mông, ở đây
là xương sống, ở đây là xương đầu. Tỷ-kheo quán thân
ấy như sau: “Thân này tánh chất là như vậy, bản tánh là
như vậy, không vượt khỏi tánh chất ấy”. Như vậy vị
ấy sống quán thân trên nội thân; hay sống quán thân trên
ngoại thân; hay sống quán thân trên nội thân, ngoại thân.
Hay vị ấy sống quán tánh sanh khởi trên thân; hay vị ấy
sống quán tánh diệt tận trên thân; hay vị ấy sống quán
tánh sanh diệt trên thân. “Có thân đây”, vị ấy sống
an trú chánh niệm như vậy, với hy vọng hướng đến chánh
trí, chánh niệm. Và vị ấy sống không nương tựa, không
chấp trước một vật gì trên đời. Này các Tỷ-kheo, như
vậy là Tỷ-kheo sống quán thân trên thân.
Lại
nữa, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo như thấy một thi thể bị
quăng bỏ trong nghĩa địa, chỉ còn toàn xương trắng màu
vỏ ốc... chỉ còn một đống xương lâu hơn ba năm... chỉ
còn là xương thối trở thành bột. Tỷ-kheo quán thân ấy
như sau: “Thân này tánh chất là như vậy, bản tánh là như
vậy, không vượt khỏi tánh chất ấy”. Như vậy vị ấy
sống quán thân trên nội thân; hay sống quán thân trên ngoại
thân; hay sống quán thân trên nội thân, ngoại thân. Hay vị
ấy sống quán tánh sanh khởi trên thân; hay sống quán tánh
diệt tận trên thân; hay sống quán tánh sanh diệt trên thân.
“Có thân đây”, vị ấy sống an trú chánh niệm như vậy,
với hy vọng hướng đến chánh trí, chánh niệm. Và vị ấy
sống không nương tựa, không chấp trước một vật gì trên
đời. Này các Tỷ-kheo, như vậy là Tỷ-kheo sống quán thân
trên thân.
Này
các Tỷ-kheo, như thế nào là Tỷ-kheo sống quán thọ trên
các thọ? Này các Tỷ-kheo, ở đây Tỷ-kheo khi cảm giác lạc
thọ, tuệ tri: “Tôi cảm giác lạc thọ”; khi cảm giác khổ
thọ, tuệ tri: “Tôi cảm giác khổ thọ”; khi cảm giác bất
khổ bất lạc thọ, tuệ tri: “Tôi cảm giác bất khổ bất
lạc thọ”. Hay khi cảm giác lạc thọ thuộc vật chất, tuệ
tri: “Tôi cảm giác lạc thọ thuộc vật chất”; hay khi cảm
giác lạc thọ không thuộc vật chất, tuệ tri: “Tôi cảm
giác lạc thọ không thuộc vật chất”. Hay khi cảm giác khổ
thọ thuộc vật chất, tuệ tri: “Tôi cảm giác khổ thọ
thuộc vật chất”; hay khi cảm giác khổ thọ không thuộc
vật chất, tuệ tri: “Tôi cảm giác khổ thọ không thuộc
vật chất”. Hay khi cảm giác bất khổ bất lạc thọ thuộc
vật chất, tuệ tri: “Tôi cảm giác bất khổ bất lạc thọ
thuộc vật chất”; hay khi cảm giác bất khổ bất lạc thọ
không thuộc vật chất, tuệ tri: “Tôi cảm giác bất khổ
bất lạc thọ không thuộc vật chất”. Như vậy, vị ấy
sống quán thọ trên các nội thọ; hay sống quán thọ trên
các ngoại thọ; hay sống quán thọ trên các nội thọ, ngoại
thọ. Hay vị ấy sống quán tánh sanh khởi trên các thọ; hay
sống quán tánh diệt tận trên các thọ; hay sống quán tánh
sanh diệt trên các thọ. “Có thọ đây”, vị ấy sống an
trú chánh niệm như vậy, với hy vọng hướng đến chánh trí,
chánh niệm. Và vị ấy sống không nương tựa, không chấp
trước một vật gì trên đời. Này các Tỷ-kheo, như vậy
Tỷ-kheo sống quán thọ trên các thọ.
Này
các Tỷ-kheo, như thế nào là Tỷ-kheo sống quán tâm trên tâm?
Này các Tỷ-kheo, ở đây, Tỷ-kheo, với tâm có tham, tuệ tri:
“Tâm có tham”; hay với tâm không tham, tuệ tri: “Tâm không
tham”. Hay với tâm có sân, tuệ tri: “Tâm có sân”; hay với
tâm không sân, tuệ tri: “Tâm không sân”. Hay với tâm có
si, tuệ tri: “Tâm có si”; hay với tâm không si, tuệ tri:
“Tâm không si”. Hay với tâm thâu nhiếp, tuệ tri: “Tâm
được thâu nhiếp”. Hay với tâm tán loạn, tuệ tri: “Tâm
bị tán loạn”. Hay với tâm quảng đại, tuệ tri: “Tâm
được quảng đại”; hay với tâm không quảng đại, tuệ
tri: “Tâm không được quảng đại”. Hay với tâm hữu hạn,
tuệ tri: “Tâm hữu hạn”. Hay với tâm vô thượng, tuệ
tri: “Tâm Vô thượng”. Hay với tâm có định, tuệ tri: “Tâm
có định”; hay với tâm không định, tuệ tri: “Tâm không
định”. Hay với tâm giải thoát, tuệ tri: “Tâm có giải
thóat”; hay với tâm không giải thoát, tuệ tri: “Tâm không
giải thoát”.
Như
vậy vị ấy sống quán tâm trên nội tâm; hay sống quán tâm
trên ngoại tâm; hay sống quán tâm trên nội tâm, ngoại tâm.
Hay sống quán tánh sanh khởi trên tâm; hay sống quán tánh diệt
tận trên tâm; hay sống quán tánh sanh diệt trên tâm. “Có
tâm đây”, vị ấy sống an trú chánh niệm như vậy, với
hy vọng hướng đến chánh trí, chánh niệm. Và vị ấy sống
không nương tựa, không chấp trước một vật gì trên đời.
Này các Tỷ-kheo, như vậy là Tỷ-kheo sống quán tâm trên tâm.
Này
các Tỷ-kheo, thế nào là Tỷ-kheo sống quán pháp trên các
pháp? Này các Tỷ-kheo, ở đây, Tỷ-kheo sống quán pháp trên
các pháp đối với năm triền cái. Và này các Tỷ-kheo, thế
nào là Tỷ-kheo sống quán pháp trên các pháp đối với năm
triền cái? Này các Tỷ-kheo, ở đây, Tỷ-kheo nội tâm có
ái dục, tuệ tri: “Nội tâm tôi có ái dục”; hay nội tâm
không có ái dục, tuệ tri: “Nội tâm tôi không có ái dục”.
Và với ái dục chưa sanh nay sanh khởi, vị ấy tuệ tri như
vậy; và với ái dục đã sanh nay được đoạn diệt, vị
ấy tuệ tri như vậy; và với ái dục đã được đoạn diệt,
tương lai không sanh khởi nữa, vị ấy tuệ tri như vậy. Hay
nội tâm có sân hận, tuệ tri: “Nội tâm tôi có sân hận”;
hay nội tâm không có sân hận, tuệ tri: “Nội tâm tôi không
có sân hận”. Và với sân hận chưa sanh nay sanh khởi, vị
ấy tuệ tri như vậy; và với sân hận đã sanh, nay được
đoạn diệt, vị ấy tuệ tri như vậy; và với sân hận đã
được đoạn diệt, tương lai không sanh khởi nữa, vị ấy
tuệ tri như vậy. Hay nội tâm có hôn trầm thụy miên, tuệ
tri: “Nội tâm tôi có hôn trầm thụy miên”; hay nội tâm
không có hôn trầm thụy miên, tuệ tri: “Nội tâm tôi không
có hôn trầm thụy miên”. Và với hôn trầm thụy miên chưa
sanh nay sanh khởi, vị ấy tuệ tri như vậy; và với hôn trầm
thụy miên đã sanh nay được đoạn diệt, vị ấy tuệ tri
như vậy; và với hôn trầm thụy miên đã được đoạn diệt,
tương lai không sanh khởi nữa, vị ấy tuệ tri như vậy. Hay
nội tâm có trạo hối, tuệ tri: “Nội tâm tôi có trạo hối”;
hay nội tâm không có trạo hối, tuệ tri: “Nội tâm tôi không
có trạo hối”. Và với trạo hối chưa sanh nay sanh khởi,
vị ấy tuệ tri như vậy; và với trạo hối đã sanh nay được
đoạn diệt, vị ấy tuệ tri như vậy; và với trạo hối
đã được đoạn diệt, tương lai không sanh khởi nữa, vị
ấy tuệ tri như vậy. Hay nội tâm có nghi, tuệ tri: “Nội
tâm tôi có nghi”; hay nội tâm không có nghi, tuệ tri: “Nội
tâm tôi không có nghi”. Và với nghi chưa sanh nay sanh khởi,
vị ấy tuệ tri như vậy; và với nghi đã sanh nay được đoạn
diệt, vị ấy tuệ tri như vậy; và với nghi đã được đoạn
diệt, tương lai không sanh khởi nữa, vị ấy tuệ tri như
vậy.
Như
vậy vị ấy sống quán pháp trên các nội pháp; hay sống quán
pháp trên các ngoại pháp; hay sống quán pháp trên các nội
pháp, ngoại pháp. Hay vị ấy sống quán tánh sanh khởi trên
các pháp; hay sống quán tánh diệt tận trên các pháp; hay sống
quán tánh sanh diệt trên các pháp. “Có những pháp ở đây”,
vị ấy sống an trú chánh niệm như vậy, với hy vọng hướng
đến chánh trí, chánh niệm. Và vị ấy sống không nương
tựa, không chấp trước một vật gì trên đời. Này các Tỷ-kheo,
như vậy là Tỷ-kheo sống quán pháp trên các pháp đối với
năm triền cái.
Lại
nữa, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo sống quán pháp trên các pháp
đối với năm thủ uẩn. Này các Tỷ-kheo, thế nào là Tỷ-kheo
sống quán pháp trên các pháp đối với năm thủ uẩn? Này
các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo suy tư: “Ðây là sắc, đây là sắc
tập, đây là sắc diệt. Ðây là thọ, đây là thọ tập,
đây là thọ diệt. Ðây là tưởng, đây là tưởng tập, đây
là tưởng diệt. Ðây là hành, đây là hành tập, đây là
hành diệt. Ðây là thức, đây là thức tập, đây là thức
diệt”. Như vậy vị ấy sống quán pháp trên các nội pháp;
hay sống quán pháp trên các ngoại pháp; hay sống quán pháp
trên các nội pháp, ngoại pháp. Hay vị ấy sống quán tánh
sanh khởi trên các pháp; hay sống quán tánh diệt tận trên
các pháp; hay sống quán tánh sanh diệt trên các pháp. “Có
những pháp ở đây”, vị ấy sống an trú chánh niệm như
vậy, với hy vọng hướng đến chánh trí, chánh niệm. Và
vị ấy sống không nương tựa, không chấp trước một vật
gì trên đời. Này các Tỷ-kheo, như vậy là Tỷ-kheo sống
quán pháp trên các pháp đối với năm thủ uẩn.
Lại
nữa, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo sống quán pháp trên các pháp
đối với sáu nội ngoại xứ. Này các Tỷ-kheo, thế nào là
Tỷ-kheo sống quán pháp trên các pháp đối với sáu nội ngoại
xứ? Này các Tỷ-kheo, ở đây Tỷ-kheo tuệ tri con mắt và
tuệ tri các sắc, do duyên hai pháp này, kiết sử sanh khởi,
vị ấy tuệ tri như vậy; và với kiết sử chưa sanh nay sanh
khởi, vị ấy tuệ tri như vậy; và với kiết sử đã sanh
nay được đoạn diệt, vị ấy tuệ tri như vậy; và với
kiết sử đã được đoạn diệt, tương lai không sanh khởi
nữa, vị ấy tuệ tri như vậy... tuệ tri tai và tuệ tri các
tiếng... tuệ tri mũi và tuệ tri các hương... tuệ tri lưỡi
và tuệ tri các vị... tuệ tri thân và tuệ tri các xúc... tuệ
tri ý và tuệ tri các pháp; do duyên hai pháp này, kiết sử
sanh khởi, vị ấy tuệ tri như vậy; và với kiết sử chưa
sanh nay sanh khởi, vị ấy tuệ tri như vậy; và với kiết
sử đã sanh nay được đoạn diệt, vị ấy tuệ tri như vậy;
và với kiết sử đã được đoạn diệt, tương lai không
sanh khởi nữa, vị ấy tuệ tri như vậy. Như vậy vị ấy
sống quán pháp trên các nội pháp; hay sống quán pháp trên
các ngoại pháp; hay sống quán pháp trên các nội pháp, ngoại
pháp. Hay vị ấy sống quán tánh sanh khởi trên các pháp; hay
sống quán tánh diệt tận trên các pháp; hay sống quán tánh
sanh diệt trên các pháp. “Có những pháp ở đây”, vị ấy
sống an trú chánh niệm như vậy, với hy vọng hướng đến
chánh trí, chánh niệm. Và vị ấy sống không nương tựa,
không chấp trước một vật gì trên đời. Này các Tỷ-kheo,
như vậy là Tỷ-kheo sống quán pháp trên các pháp đối với
sáu nội ngoại xứ. | |