Trong
bối cảnh Phật giáo Việt Nam đang khởi phát nhiều pháp thiền,
trong đó có Vipassana, nguyệt san Giác Ngộ đã có cuộc trao
đổi với TT.Thích Bửu Chánh - Viện chủ Trung tâm thiền Minh
sát Phước Sơn, Đồng Nai - về những vấn đề xung quanh dòng
thiền này, xin giới thiệu đến quý vị độc giả.
Thiền
Vipassana (Thiền Tứ niệm xứ hay Nội quán, Minh sát tuệ) là
dòng thiền cổ xưa nhất của Phật giáo. Pháp hành này lấy
thân, thọ, tâm, pháp làm đối tượng quán chiếu. Hành giả
nhận ra tất cả những cảm thọ và chuyển động trên thân
cũng như tâm, giữ tâm quân bình và tỉnh thức để đoạn
trừ tham, sân, si, đạt đến giải thoát.
Từ
những thăng trầm của Phật giáo tại đất Ấn, dòng thiền
này đã được truyền bá sang nhiều quốc gia lân cận, trong
đó Myanmar được xem là nơi gìn giữ pháp tu này một cách
cẩn mật nhất với những vị thiền sư nhiều đời tiếp
nối.
Trong
bối cảnh Phật giáo Việt Nam đang khởi phát nhiều pháp thiền,
trong đó có Vipassana, nguyệt san Giác Ngộ đã có cuộc trao
đổi với TT.Thích Bửu Chánh - Viện chủ Trung tâm thiền
Minh sát Phước Sơn, Đồng Nai - về những vấn đề
xung quanh dòng thiền này, xin giới thiệu đến quý vị độc
giả.
-
Phóng
viên: Kính thưa Thượng tọa, tại Việt Nam, phải chăng
thiền Vipassana hầu như chỉ được chư Tăng thực hành và
rất ít phổ biến trong quần chúng Phật tử?
- TT.Thích
Bửu Chánh: Trong Phật giáo Nam truyền, có hai pháp được
xem là tinh hoa, gồm “pháp học” là Vi diệu pháp hay A tỳ
đàm Pàli và “pháp hành” là thiền Vipassana. Dòng thiền
này gắn liền với Phật giáo Nam truyền và là pháp tu trọng
yếu.
Mặc
dù trước đây tại Việt Nam, thiền Vipassana không được
phổ biến rộng rãi, tuy nhiên gần đây đã có những trung
tâm thiền mở rộng dành cho tất cả những ai mong muốn thực
hành pháp thiền này đều có thể tham dự. Có thể kể đến
các trung tâm thiền tại chùa Nguyên Thủy, chùa Bửu Long, Tổ
đình Bửu Quang (TP.HCM); Thiền viện Phước Sơn đồi Lá Giang,
chùa Quang Minh (Đồng Nai); Thiền viện Viên Không (BR-VT); Huyền
Không Sơn Thượng (Huế) và Trung tâm thiền chùa Siêu Lý (Vĩnh
Long) hiện đang xây dựng.
Những
trung tâm thiền này đều được tổ chức hoạt động thường
xuyên hay định kỳ với số thiền sinh tham dự khá ổn định.
Điển hình như Trung tâm thiền Phước Sơn nhận thiền sinh
hàng ngày, mỗi ngày có khoảng 200 thiền sinh; chùa Bửu Quang
khai giảng mỗi tuần với khoảng 50 thiền sinh tham dự. Đặc
biệt, chùa Nguyên Thủy (Q.2) thỉnh thoảng khai giảng những
khóa thiền 10 ngày do những thiền sư nước ngoài như Myanmar,
Sri Lanka hướng dẫn, thu hút vài trăm thiền sinh mỗi khóa.
Bên cạnh đó, tịnh xá Ngọc Thành (Q.Thủ Đức) cũng đã
hoàn tất thủ tục tổ chức khóa thiền 10 ngày theo sự hướng
dẫn của Thiền sư Goenka v.v…
Thiền
đường (ảnh: Bình Anson)
Các
thiền sinh đang toạ thiền (ảnh: Bình Anson)
Số
thiền sinh Vipassana thực hành chăm chỉ, đều đặn tại các
trung tâm thiền trong nước hiện nay, theo tôi được biết
là vào khoảng 200 người. Còn số thiền sinh tham dự không
thường xuyên ước tính khoảng 500 - 700. Số người từng
hành thiền một hay hai lần thì vào khoảng 3.000. Dĩ nhiên
con số này không bao gồm giới tu sĩ.
Hiện
nay tại Việt Nam, thiền Vipassana đang được phục hồi và
phát triển, tất cả những ai có tâm hành thiền đều có
thể tham dự.
- Như
vậy, theo TT, do đâu và vào thời điểm nào thì thiền Vipassana
được phát khởi tại Việt Nam?
- Thiền
Vipassana vốn đã được chư Tăng Khmer tu tập và truyền thừa
từ rất lâu. Đến giữa thế kỷ trước, khi Phật giáo Nam
truyền được người Việt (Kinh) đón nhận, các ngài Giới
Nghiêm, Hộ Tông… đã tích cực xiển dương pháp thiền này.
Tuy nhiên, sau khi các ngài viên tịch, thiền Vipassana do đó
cũng bị mai một. Mãi cho đến những năm 1990, khi ngày càng
có nhiều nhà sư cũng như cư sĩ thực hành pháp thiền này
từ các nước Phật giáo Nam truyền trở về, mang theo những
điều mà họ sở đắc, pháp thiền này mới được phục
hoạt với nhiều khóa thiền được mở ra.
Chúng
ta có thể thấy thiền Vipassana hiện nay đang rất phát triển
tại các nước Nam truyền như Thái Lan, Miến Điện, Sri Lanka…
Bên cạnh đó, thiền Vipassana cũng phát triển tốt đẹp tại
các nước phương Tây như Anh, Pháp, Đức, Mỹ,… Kha nhiều
Việt kiều ở các nước phương Tây đã tìm cầu đến các
nước Phật giáo Nam truyền để học hỏi về thiền, sau đó
tích cực giới thiệu đến những người thân trong nước.
Đó cũng chính là những nhân tố gián tiếp góp phần phat
triển thiền Vipassana tại Việt Nam.
-
TT nhận định như thế nào về tình hình phát triển thiền
Vipassana tại nước ta?
- Tại
Việt Nam, thiền Vipassana tuy phát triển không nhanh, song có
nhiều tín hiệu lạc quan. Ngày càng có nhiều trung tâm thiền
mọc lên và nhiều thiền sinh tham dự. Trước đây, tại nước
ta, người muốn học thiền rất khó có thể tìm được một
trung tâm thiền và cũng không dễ dàng tìm ra một vị thầy
hướng dẫn.
Việc
phát triển này là nhờ vào sách vở, nhờ vào mạng Internet
và nhờ vào sự quảng bá những trung tâm thiền qua những
cựu thiền sinh trong cũng như ngoài nước…
Vừa
qua, Trung tâm thiền Phước Sơn cũng đã đến và hướng dẫn
những khóa thiền tại Trung tâm Bảo trợ xã hội Tân Hiệp
(Bình Phước) trong bốn tuần cho khoảng 900 người, gặt hái
được những kết quả khả quan. Phần lớn những phạm nhân
tham dự khóa thiền đều có những biến chuyển tích cực
về mặt tâm linh cũng như trong sinh hoạt.
- Thiền
Vipassana hiện nay đã có mặt hầu hết tại các quốc gia trên
thế giới, đem lại an bình, lợi lạc và giải tỏa những
căng thẳng, muộn phiền cho những người thực tập cũng như
tha nhân. Xin TT cho biết đôi nét về ky thuật của pháp thiền
này?
- Thiền
Vipassana chủ yếu dựa vào kinh Tứ niệm xứ (trong Trường
bộ kinh số 22 - kinh Đại Niệm xứ và Trung bộ kinh số 10
- kinh Niệm xư). Tùy theo đó mà các thiền sư khai triển thành
một số phương pháp thích hợp, trong đó chánh niệm vẫn
đi đầu, nên những phương pháp này nói chung không khác nhau
mấy.
Thiền
Vipassana do ngài Goenka hướng dẫn (hiện đang phát triển rất
mạnh ở Ấn Độ và hầu hết các nước phương Tây) nhấn
manh vào cảm thọ - hành giả giữ tâm quân bình và tỉnh
thức đối với tất cả các cảm thọ diễn ra trên thân.
Còn thiền Vipassana do các thiền sư tại Myanmar, Thái Lan hướng
dẫn nhấn mạnh vào thân và tâm - bằng cách theo dõi
các tiến trình thân và tâm của chúng ta với sự tỉnh thức
trong sáng nhằm phát triển sự hiểu biết đúng đắn về
bản chất thật của chúng và do đó xóa bỏ vô minh; thông
qua sự nuôi dưỡng không ngừng trí tuệ minh sát, tâm trí
được giư trong sự cân bằng hoàn hảo và sẽ thoát khỏi
mọi ô nhiễm.
Thiền
Vipassana mà chúng tôi đang hướng dẫn là theo phương pháp
của nhiều thiền sư tại Myanmar - dựa vào thân và hơi
thở với sự chuyển động của bụng. Khi hành giả thở
vô bụng phồng lên, khi thở ra bụng xẹp xuống. Hành giả
chú tâm vào sự chuyển động của gió làm cho thân chuyển
động và tập trung tâm vào đề mục này. Trong khi thực hành,
chúng ta phải quan sát mỗi một và tất cả các qua trình thân
và tâm đang nảy sinh tại thời điểm đó. Chúng ta phải ý
thức rõ bốn đại khi chúng nảy sinh (pathavi-dhatu - yếu tố
đất, apo-dhatu - yếu tố nước, tejo-dhatu - yếu tố lửa và
vayo-dhatu - yếu tố gió). Không chỉ bốn yếu tố này mà tất
cả các hiện tượng thân và tâm cần phải được quan sát…
Một
nhánh thiền khác tại Thái Lan lại niệm hơi thở tập trung
vào mũi. Phương pháp này do ngài Achaan Chaa giảng dạy.
(Ngài Goenka cũng tập trung vào mũi nhưng thiên về cảm thọ
- chánh niệm trên hơi thở rồi chuyển sang quán sát thọ).
Còn phương pháp mà chúng tôi đang hướng dẫn cũng tập trung
vào mũi nhưng thiên về hơi thở, về thân. Thiền của Myanmar
còn chú tâm vào đi (thiền hành) - giở, bước, đạp, đụng
(như sự hướng dẫn của ngài Mahasi Sayadaw) - chánh niệm trên
hơi thở, thường xuyên quán sát những chuyển biến của tâm.
Cứ như vậy nối tiếp giữa ngồi thiền và kinh hành. Càng
về sau, khi tâm càng thuần thục, thiền sinh ngồi nhiều hơn
đi…
Trong
khuôn khổ cuộc trò chuyện này, chúng tôi không thể trình
bày tất cả các phương pháp, chỉ có thể nói sơ lược như
thế. Phương pháp thì đơn giản, vấn đề là phải thực
tập. Chỉ với thực tập, hành giả mới nếm được hương
vị của giáo pháp và cảm nhận được tất cả sự lợi
lạc của pháp thiền.
- Để
đến với trung tâm thiền, cụ thể là tại thiền viện
Phước Sơn, hành giả yêu cầu phải hội đủ những điều
kiện nào?
- Điều
kiện rất đơn giản. Trước tiên, về mặt pháp lý, người
học cần phải có đầy đủ giấy tờ tùy thân, không phạm
pháp, và nên được sự chấp thuận của người thân trong
gia đình (như vợ chồng, con cái…) để tránh gặp phải một
số rắc rối. Về mặt kinh phí thì thiền viện sẽ hỗ trợ
một phần, cụ thể là miễn khoản học phí và chỗ ở, còn
thiền sinh phải đóng góp 50% tiền ăn uống để chung lo cùng
với thiền viện.
- TT
nhận định như thế nào vê tương lai phát triển của thiền
Vipassana tại Việt Nam?
- Theo
tôi, trong tương lai, việc phát triển thiền Vipassana tại nước
ta có những tín hiệu rất tốt. Bởi hiện nay chính phủ đã
cho phép chúng ta mở các khóa thiền và chấp thuận cho thiền
sư nước ngoài vào hướng dẫn. Đây là mặt thuận lợi căn
bản.
Tiếp
theo là số người hành thiền mỗi ngày mỗi tăng thêm. Hơn
nữa, những người từng tham dự khóa thiền hầu hết đều
ý thức được những lợi lạc nên đã giới thiệu, quảng
bá pháp tu này. Tự đáy lòng, từ kết quả tu tập và từ
lòng từ bi, họ muốn chia sẻ, giới thiệu đến người khác
chứ không phải vì danh lợi hay vì tự ngã. Bản thân tôi
cũng vậy. Từ năm 1993, sau khi tu thiền, tôi cảm thấy mình
đã tiếp nhận được tinh hoa về mặt pháp hành của Phật
giáo, nên tự khởi tâm muốn cho nhiều người cùng hưởng
được hương vị ấy, do vậy mà Trung tâm thiền Phước Sơn
ra đời.
Ngoài
ra, còn có một yếu tố ngoại sinh nữa, đó là thiền Vipassana
hiện đã được du nhập một cách tốt đẹp, mạnh mẽ đến
Việt Nam, khiến cho việc phát triển dòng thiền này cũng trở
nên rất khả quan.
Xin
chân thành cảm ơn TT.
Đăng
Tâm (thực hiện)
(Giác
Ngộ online)
Tk
Thiện Minh, Tk Bửu Chánh, Tk Chánh Ðịnh
(từ
trái sang phải) Ảnh: Bình Anson
Trung
tâm thiền Minh sát Phước Sơn
Đồi
Lá Giang, 368 Suối Tân Cang
Ấp
Tân Cang, Xã Phước Tân,
Huyện
Long Thành, Tỉnh Đồng Nai
ĐT.
(061) 967 234 - 0903 940 683
09-24-2008
12:23:46