.

 

Tuyển tập về
Nhà Thơ Bùi Giáng
Hợp Lưu
---o0o---

Phần 3

Nguyên khởi về cõi tinh mật Bùi Giáng^

 

KHIÊM LÊ TRUNG
 

Bùi Giáng là một hiện tượng thơ khá phức tạp của miền Nam trước năm 1975. Khối lượng sáng tác của ông khá lớn, ngoài những tập thơ được phổ biến rộng rãi, còn có những bản dịch về khảo luận văn chương rải rác đăng trên các sách báo. Có thể nói cả đời ông là sự tận hiến cho thơ và vì thơ. 

Sự phức tạp trong thơ Bùi Giáng một mặt là do bởi thế giới quan của ông, một thế giới quan chịu nhiều ảnh hưởng của các trào lưu tư tưởng triết học mà hệ quả là sự bế tắc trước ngưỡng cửa bí nhiệm, siêu hình. Mặc khác, cảm xúc thơ ca của ông được biểu hiện bằng một ngôn ngữ đa tạp, nhiều từ Hán Việt với những ẩn ngữ mà hàm nghĩa có sức khái quát rộng lớn, trong một phong cách ngữ nghĩa không đồng nhất: khi nghiêm túc, khi bỡn cợt. Chính thái độ bỡn cợt với ngôn ngữ của ông đã tạo ra những ngộ nhận, cũng như những khó khăn nhất định cho việc tiếp cận và cảm thụ thơ ông.

Trong nhận định của nhiều người, cho đến thời điểm này, có lẽ tập thơ Mưa Nguồn (xuất bản năm 1962) là tác phẩm quan trọng và chính yếu nhất trong quá trình sáng tác của ông. Muốn tìm hiểu một cách chân xác về cuộc đời và thơ của ông, điều cần thiết trước tiên có lẽ phải đi sâu vào nội dung chính của tác phẩm này.

Với Mưa Nguồn, Bùi Gáng dẫn ta lang thang sâu vào cõi miền tâm thức của ông, qua mọi ngõ ngách của mộng, của tình, của lẽ tử sinh, của nỗi xao xuyến bàng hoàng trong một hữu thể tại thế hầu ý thức được nỗi trầm luân bèo bọt của kiếp người mênh mông vô thường của cuộc đời.

Tâm thức của Bùi Giáng mang đầy những khắc khoải hiện sinh, khai mở trên một thực tại luôn luôn chuyển dịch và biến đổi. Nó phản ảnh những khoảnh khắc, những trạng thái, những hệ lụy cuộc đời mà ông đã đi qua, đã chiêm niệm với nỗi lo sợ hoang mang rằng tất cả rồi sẽ tan chìm trong hư vô dâu biển:

Một phút nữa thôi

Và mầu sẽ mất

Suối sẽ xa xôi

Như mây xa đất 

Thực tại trong Mưa Nguồn là một thực tại đầy ấp nhiên giới, hay nói cách khác, nhiên giới là điểm tựa của tâm hồn, là cái đáy tâm sự nơi họ Bùi “nghiêng mình gởi mộng mây trời lang thang”, khơi mở nguồn mạch tâm thức của mình, trên những nhịp điệu bát ngát của tâm hồn ông. Nhịp điệu của tâm hồn ông là nhịp điệu của sóng: “Sóng phơi trường mộng từ trong dậy nguồn”, đầy xót xa: “Xót xa thân sầu chảy máu bên xương”, trong những khoảnh khắc trống rỗng: “Ngày trống rỗng không gian trôi vào cõi”. Sự lựa chọn nhiên giới làm nơi cư trú của tâm hồn phản ảnh thái độ thụ động của Bùi Giáng đối với nền văn minh cơ giới hiện đại. Ông là mẫu người của nền văn minh nông nghiệp, khó thích nghi với cuộc sống đô thị với nhịp sống công nghiệp. 

Những biển dâu cuộc đời là nỗi ám ảnh hằn sâu trong tâm thức Bùi Giáng. Sống trong một hoàn cảnh lịch sử đầy biến động, chiến tranh tàn phá thảm khốc, cơ cấu xã hội bị đảo lộn, lung lay tận gốc rễ, bản thân ông phải gánh chịu những mất mát đau tương thời trước 75. Đó là nỗi niềm tâm sự sâu kín của riêng ông mà trong cuộc sống thường nhật, do trạng thái tinh thần đặc biệt của ông, ít có dịp ông bày tỏ. Hầu như ít có người biết chính xác chi tiết thuộc đời tư của ông. Ông điên đảo với đời nhưng tỉnh táo trong nhận thức, kín đáo trong cuộc sống tình cảm riêng tư.

Dù không được bày tỏ một cách trực tiếp, nhưng biến cố quan trọng trong cuộc sống riên tư của Bùi Giáng được phản ảnh khá tập trung và đậm nét trong Mưa Nguồn. Ngôn ngữ trong Mưa Nguồn là ngôn ngữ mà “kỷ niệm đuổi theo lời” – kỷ niệm lan tỏa trong nguồn cảm mạch cảm xúc của Bùi Giáng. Từ hình ảnh quê nhà, từ miền đất Trung Việt với rừng núi hoang sơ, sương ngàn cỏ nội đến miền đất phương Nam trời mây sông nước, dưới ngòi bút của ông, hiện ra vỉ đẹp tự nhiên, mộc mạc và thuần khiết nhưng không kém phần nồng nàn và quyến rũ. Trong “Nỗi Lòng Tô Vũ”. “Anh lùa bò vào đồi sim trái chín”, ông ghi lại đoạn đời chăn dê, lùa bò nơi núi rừng Trung Việt với những cảm xúc chân thành đầy nhân ái. Tâm thức ông nơi đây như hòa nhập, tan hút vào trong vẻ đẹp hoang dại của thiên nhiên:

Anh lùa bò vào đồi sim trái chín

Cho bò ăn cỏ giữa rừng sim

Anh nhìn lên trời xanh đỏ chín

Anh ngó bốn bề cây lá rung rinh

Anh nằm xuống để nhìn lên cho thỏa

Anh thấy lòng mở rộng đón trời xanh

Chìm ngây ngất vào trong đôi mắt lá

Anh lim dim cho chết lịm hồn mình

(Anh lùa bò vào đồi sim trái chín – MN tr. 153) 

Nhưng trên tất cả vẫn là những kỷ niệm của tình yêu đầu đời. Với bản chất đa cảm, cái đẹp của tình yêu như một thứ ánh sáng kỳ ảo tỏa chiếu trong tâm hồn ông những xao xuyến mãnh liệt. Thứ ánh sáng ấy như vĩnh viễn tồn tại trong ông, dù giờ đây, tất cả đã tàn vùi trong lớp bụi thời gian, trong hư vô thăm thẳm:

Nhìn em nhé bên kia bờ gió thổi

Lá xanh vườn theo cỏ mượt ngân nga

Tơ vi vút một đời thưong nhớ tuổi

Của trăng rằm xuống dọa dẫm bên hoa

 

Khung cảnh ấy nằm sâu trong đáy mắt

Có lệ buồn khóc với lệ hòa vui

Để tràn ngập hương mùa lên ngan ngát

Rồi tan đi trong hố thẳm chôn vùi

(Bờ nước cũ – MN tr 49) 

Cái chết của người bạn đời là một biến cố quan trọng tác động mạnh đến đời sống tâm thần của ông. Đối diện với cái chết ấy, ông trở thành nạn nhân của bi kịch định mệnh khắc nghiệt. Nó là vết thương đục khoét trong tâm hồn ông, biến ông thành kẻ lưu đày trong chính số kiếp của mình. Tình trạng này khiến ông trở nên bi quan khắc khoải với cái nhìn đầy bi đát về ý nghĩa cuộc đời và kiếp người. Thơ ông vì vậy, là những giai điệu buồn thương u hoài đầy ngậm ngùi cay đắng:

Ai người đau nữa để xẻ chia

Trời đất hoang mang buổi mộng lìa

Anh ngó, anh nhìn, anh cúi xuống

Ngước đầu anh hỏi có trăng khuya

(Anh đi về giữa, MN tr.75) 

Cái chết của người bạn đời cũng chính là lý do để họ Bùi “ nghiêng mình giữa mộng mây trời lang thang”. Ông lên đường phiêu du rong chơi điên đảo giữa đời với những hoài niệm không giây phút nguôi ngoai:

Xin mừng sông biển triều dâu

Đoạn trường đẩy nhịp lên cầu hạo du

Từ đây sống với sa mù

Với cô bác lịm sầu ru hao mòn

Với người mẹ chết bên con

Với chàng ngã gục nhìn non sông chào

(Hẹn ước. MN tr.18) 

Bùi Giáng sống trong cuộc đời nhưng là ở một thế giới khác. Thế giới của hoài niệm, chiêm bao. Đó là những thực tại ảo chìm sâu trong tâm thức ông. Trong cõi chiêm bao ấy, người tình vẫn như còn sống trong ông, vẫn hiện hữu trong nguồn mạch cảm xúc của thơ ông, vẫn cùng ông trò chuyện. Thơ của ông, vì vậy, không phải chỉ là nỗi niềm tâm sự dành cho đời và người đời, mà còn là lời tâm sự trò chuyện với một bóng ma vẫn lẽo đẽo đi về theo chiếc bóng ông. Rất nhiều bài thơ trong Mưa Nguồn là lời trò chuyện, tâm sự cùng bóng ma ấy với một không khí rờn rợn liêu trai:

Xin ngó lại bàn chân em bước

Vì em đi vào lúc gió đương bay

Năm ngón nhỏ như sương đầm lá ướt

Em đưa tay anh với bắt chừng này

(Mùa xuân. MN tr. 38) 

Và khi tỉnh thức, đối diện với thực tại, họ Bùi là hiện thân của khổ đau:

Bỏ trăng gió lại cho đời

Bỏ ngang ngữa sóng giữa lời hẹn hoa

Bỏ người yêu, bỏ bóng ma

Bỏ hình hài của tiên nga trên trời

Bây giờ riêng đối diện tôi

Còn hai con mắt khóc người một con

(Mưa buồn. MN tr. 156) 

Từ hiện thực khổ đau của bản thân, Bùi Giáng tìm thấy nơi Nguyễn Du niềm đồng cảm sâu xa về ý nghĩa bi đát của kiếp người, với những con người mà số phận bị vùi dập trong dâu biển cuộc đời. Nguồn cảm của Nguyễn Du chảy song hành cùng nguồn cảm của Bùi Giáng trong Mưa Nguồn. Nhưng tín hiệu ngôn ngữ trong truyện Kiều đã được Bùi Giáng “trung dung” và khai thác triệt để về ngữ nghĩa trên cả hai mặt về biểu tượng và biểu niệm, biến thành những ẩn ngữ trong thi pháp của ông. Nhưng, khác với Nguyễn Du, ông không cho rằng nguyên nhân của nỗi khổ đai kiếp người là do bởi “thiên mệnh” hay “nghiệp báo” nào đó. Ông ý thức rõ cội nguồn của nỗi đau khổ nằm ngay trong bản xhất của con người, trong hiện hữu của chính nó, một hiện hữu mà theo cách nhìn của Sartre, đầy ngẫu nhiên và phi lý. Cuộc đời vừa là nơi độ thân, vừa là “bến trầm luân” của con người. Cách nhìn đời của Bùi Giáng phần nào chịu ảnh hưởng của trào lưu triết học hiện sinh, nhất là của Hiedegger, mang nặng tính chất bi quan nhưng không tuyệt vọng. Trong giai đoạn sáng tác sau này của ông, chất trào lộng ùa vào thơ ông rất thoải mái và rất hồn nhiên:

Bài thơ viết hôm nay dường dở quá

Vì bỗng nhiên ông cảm thấy thua gà

Gà gáy đẹp như vườn cây thắm lá

Mà lời thơ ông mỗi lúc mỗi già

(Gà gáy. Rong rêu tr. 79) 

Phải chăng, thời gian đã thanh lọc tâm hồn ông, đưa ông “siêu vượt qua những giới hạn kiếp người, những hệ lụy nhân sinh, sống với hóa thân mới là tâm hồn hài nhi trong màu nguyên xuân của cuộc đời như ông đã từng hẹn ước? “Mai sau hẹn với ban đầu. Chờ nhau ngõ khác ngả màu nguyên xuân”. (Hẹn ước. MN tr.18) 

 

 

Bùi Giáng – thi sĩ kỳ dị^

 

HUỲNH NGỌC CHIẾN 

Một buổi sáng nào đó, nếu tình cờ bạn gặp trên đường phố Sài Gòn một người đàn ông đứng tuổi quần áo xộc xệch, với cặp mắt kiến dày cộm, trên vai mang đủ thứ lỉnh kỉnh, thỉnh thoảng huơ chân múa tay, miệng nói lảm nhảm, thì bạn cứ tin rằng bạn đã gặp một bậc kỳ tài rồi đó. Đó chính là Trung Niên Thi Sĩ Bùi Giáng.

Tại một quán cà phê vỉa hè, chúng tôi từng nghe ông “thuyết” về cái thế giới của người điên. Té ra cái thế giới ấy lại kỳ diệu biết bao.

Càng nghe ông nói chúng tôi càng ngẩn ngơ tự hỏi giữa ông và chúng tôi, ai mới là người điên thực sự? Thế thì cái cõi Đời này dưới mắt ông và cái cõi đời theo cách nhìn của chúng ta.

Cõi nào là cõi thực? Thế giới của ông là Thực hay Mộng? Là Ảo hay là Chân? Câu chuyện Trang Châu hóa bướm (1) hay chuyện tiêu lộc (lá chuối và con hươu) (2) trong Xung Hư Chân Kinh của Liệt Tử, nào phải chỉ với người xưa? Chính ông cũng đã tự nói về mình:  

Kể từ khởi sự mọc răng

Đến bây giờ vẫn thường hằng chiêm bao

(Biển Đông Xe Cát)

Hay:

Tiêu lộc mộng trường tâm bất cạnh

Cuộc đời như giấc mộng tiêu lộc dài, không còn để tâm đua chen theo nữa.

_______________________

(1)Trang Châu nằm mơ thấy mình hóa thân thành cánh bướm, tỉnh dậy không biết mình hóa ra bướm hay bướm hóa ra mình (Nam Hoa Kinh – Tề vật luận)

(2)Người nước Trịnh nằm mơ thấy mình ssan được con hươu, bè bỏ vào hố rồi lấy lá chuối che lại. Tỉnh dậy kể cho vợ nghe. Người hàng xóm nghe lén được, bèn theo lời kể mà tìm được con hươu. Song rồi lại cho rằng mình nằm mơ.

 

Theo thuyết nhà Phật nếu tâm ta tịnh thì cõi thế sẽ thanh tịnh (Tùy kỷ tâm thanh tịnh tức quốc độ tịnh – Duy Ma Cật Kinh) thế thì cái Thái Bình Điên Quốc của ông có phải là một Quốc Độ Thanh Tịnh hay không? Một vị đại đức uyên thâm có lần nói với chúng tôi: “Có lẽ Bùi Giáng đã đạt đến mức ‘tâm như hư không, vô sổ chướng ngại’(3) rồi chăng? Mà giữ được một tâm hồn như tấm gương sáng cứ tùy vật đến mà cảm ứng, đó là sự tu học theo truyền thống Đông phương. Chúng ta có nên đem tâm hồn hạn hẹp của mình để tìm hiểu tâm hồn của ông?“ 

Bùi Giáng quê ở Quế Sơn, Quảng Nam. Từng theo học trường Quốc Học ở Huế với các ông Hoài Thanh, Trần Đình Đàn, Đào Duy Anh, là những vị thầy mà ông vô cùng kính mến về nhân cách lẫn sở học. Ông mê truyện Kiều, mê thơ Huy Cận, và đột nhiên bỏ học mà lý do, theo lời ông, là “bị chấn động dị thường” bởi tập thơ Lửa Thiêng của Huy Cận (Đi Vào Cõi Thơ) để rồi đi về quê chăn dê và đọc sách. Nguời ta thường kể ông thường gánh sách vô núi để đọc. Ông cũng tự giới thiệu mình:

  Ngã tích tại Trung Việt địa phương

Quảng Nam châu quận biến am tường

Sơ khai du mục tầm phương thảo…

 

Tôi vốn là người ở vùng địa phương Trung Việt

Đã biết thấu rõ khắp vùng Quảng Nam

Ban đầu sống đời du mục, đi tìm cỏ thơm…

(Lời cố quận) 

Có lẽ trong giai đoạn này, hình ảnh châu chấu, chuồn chuồn bay trên nhũng cánh đồng mùa thu miền trung xứ Quảng đã để lại trong tâm hồn ông những ấn tượng đặc biệt không thể phai nhòa nên nó cứ thường xuất hiện trong thơ của ông, đến nỗi ông phải nói: 

“Thơ tôi làm ra là để tặng chuồn chuồn châu chấu, xin các ngài học giả hãy xa lánh thơ tôi”

(Thi Ca Tư Tưởng)

Tâm hồn kẻ tài hoa mở ra đón nhận mọi viễn tượng kỳ diệu của thiên nhiên để nó trở thành lẽ sống và lẽ chết của mình. Khi được hỏi về tiểu sử, ông chỉ nói:  

“Thi sĩ sinh ra giữa cỏ cây và sẽ chết đi giữa cỏ cây li kỳ gay cấn”

   (TưTưởng Hiện Đại) 

Bùi Giáng là bậc thượng trí, hầu như “Vô sở ngộ”. Ở miền trung du hẻo lánh xứ Quảng đó ông chỉ do đọc sách mà “phát minh tâm địa”, như trường hợp thiền sư Huyền Giác kinh Duy Ma Cật. Từ đó ông suốt đời cứ âm thầm đi theo con đường tư tưởng riêng biệt của mình. 

Sau giai đoạn “du mục”, ông vào Sài Gòn dạy học và viết sách giáo khoa van học như: Một Vài Nhận Xét Về Truyện Kiều, về Lục Vân Tiên, Về Chinh Phụ Ngâm, về  Tản Đà, về Chu Mạnh Trinh v.v…Song cũng chẳng được bao lâu. Điều đó cũng dễ hiểu vì sách giáo khoa làm thế nào dung hợp được tư tưởng ngông cuồng của ông. Từ đó ông chỉ làm thơ, dịch thuật và biên khảo. Từ các tác phẩm đầu tiên như Mưa Nguồn, Lá Hoa Cồn v.v… cho đến các tác phẩm về sau như Sương Bình Nguyên, Trăng Châu Thổ, Đường Đi Trong Rừng v.v… hầu như ông đã không ngừng nỗ lực sáng tạo nên một phong cách ngôn ngữ riêng biệt mà ta có thể tạm gọi là “ngôn ngữ Bùi Giáng”. Ông đã khai mở một con đường kỳ lạ đi vào các tác phẩm của thi hào Nguyễn Du mà theo ông là một thiên tài quán tuyệt cổ kim chỉ đứng sau đức Như Lai về phương diện lập ngôn! Ông thường dùng Kiều để “chú giải” Heidegger, Shakespeare v.v… Song giống như trường hợp Quách Tượng chú giải Trang Tử, dùng tư tưởng cổ nhân để giải thích tư tưởng của mình, nên đọc Trang cũng là để hiểu Quách. Cũng thế, đọc các lời giải thích của Bùi Giáng về Nguyễn Du, về Hiedegger, Shakespeare cũng là cách để tìm hiểu tư tưởng của chính ông. 

Đọc sách của ông khó phân biệt được biên giới giữa thi ca và triết học. Ông bàn về triết học như là làm thơ như chuyện đùa rỡn. Ông đưa vào ngôn ngữ của mình cái lối trào lộng của người dân xứ Quảng Nam, đặc biệt cách nói lái tinh quái của quê hương ông. Người đọc thường gặp trong sách ông các từ như: tồn lưu, lưu tồn, tồn liên, liên tồn, tồn lí tí ngọ, tồn lập tập trung, tồn lập tập họp… Trong các cụm từ nói lái đó, ngay chỗ oái oăm nhất ông ưa đặt một chữ hợp nghĩa khác(ngọ,trung,họp). Ông cũng ưa đùa rỡn như thế trong thơ mình: 

   Lọt cồn trận gió đi hoang

Tồn liên ở lại xin làn dồn ra

(Mưa nguồn) 

Người đọc “đứng đắn” ắt cảm thấy khó chịu, song đường như ông cố tình đem cái tài hoa của mình trộn lẫn vào cái thô tục – cái tô tục cụ thể chứ không bóng bẩy kiểu Hồ Xuân Hương,. Aâu đó cũng là nét ương bướng của kẻ tài hoa. Ông đùa rỡn với triết học, với thi ca. Ông đùa rỡn với cuộc đời, với chính bản thân ông. Khoảng đầu năm 1975, người ta thường thấy ông lang thang trên vỉa hè Sài Gòn, khi thì với khỉ trên vai, khi thì với chó trên tay. Ông chơi với thứ vật có phải vì ông không có được một người bạn tư tưởng như ông từng than thở trong lá thư gửi F. Nietzsche? (Lễ Hội Tháng Ba)

Trước 1975, ông thường sống trong lô cốt trước ĐaÏi Học Vạn Hạnh với các lon cơm bẩn thỉu. Lối sống kỳ dị đó cũng không ảnh hưởng gì đến sự sáng tạo phi thường của ông. Ngay vào giai đoạn người ta xem như ông đã bị điên nặng thì ông cho ra đời tập thơ Bài Ca quần Đảo mà theo nhà xuất bản thi đây là một “đại dương thi ca”. Ông làm thơ dễ dàng như công việc ăn uống đời thường. Nhiều thi sĩ xem ông là “hóa thân của thi ca”. Chính ông cũng tự nhận mình là Trung Niên Thi Sĩ (đến bây giờ có lẽ ông đã là Lão Niên Thi Sĩ rồi!) Ông làm thơ bằng tiếng Việt, thiếng Hán, thỉnh thoảng bằng tiếng Anh và tiếng Pháp. Ngôn ngữ đã nhập diệu trong ông như cây đàn trong tay người nghệ sĩ kiệt xuất. Chỉ ấn tay là thành giai điệu. Tự nhiên như nước chảy, mây bay mà chẳng có chút dụng công nào.

Một lần khác chúng tôi ngồi uống cà phê với ông, một ông bạn người Quảng Nam hỏi: “Thầy thường làm thơ như thế nào?” Ông mỉm cười: “Qua làm thơ cũng giống như em là kỹ sư mà làm toán lớp ba rứa thôi”. Chúng tôi thấy ông nói câu đó rất tự nhiên, rất thành thật, chẳng có vẻ gì tự mãn, bởi vì tự thân các tác phẩm cũng đã ấn chứng được cho cái thi tài của ông rồi. Đôi lúc chúng tôi có cảm tưởng rằng ông có thể đọc ngẩu hứng thơ lục bát từ sáng đến chiều mà vẫn không vấp.

Ông rất mê sách kiếm hiệp mà không biết có bao giờ ông tự so sánh mình với Hồng Thất Công chưa? (Mà chắc ông cóc cần làm cái chuyện tào lao ấy đâu). Ông ăn mặc tồi tàn đến độ có lần vào trong một tiệm sách lớn để nhìn tác phẩm mình bày trong tủ kính thì ông bị người bán sách đuổi ra ngoài. Có lẽ họ không ngờ ông là tác giả. Ông mê đọc sách đến mức độ kỳ lạ, điều đó cũng giải thích vì sao ông có một kiến thức phi thường về thi ca và triết học. Khi chợ sách ở đường Đặng Thị Nhu chưa giải thể, ông cũng hay lang thang ở đó để xem sách và uống cà phê. Một hôm, vào khoảng 1980, ông ngồi uống cà phê, mơ màng nhìn sang bên kia đường, đột nhiên đôi mắt ông sáng rỡ lên. Té ra ông nhìn thấy một cuốn sách, dường như bằng tiếng Hy Lạp, bị chủ quầy đem lót dưới kệ sách thay cho gạch bởi vì đã từ lâu không có ai hỏi mua. Ông cuống quít móc những đồng bạc cuối cùng nài nỉ mua – vì không đủ tiền – rồi ông ngồi đọc say mê như người bị thôi miên, hoàn toàn không biết gì về mọi chuyện chung quanh. 

Xin bạn đọc đừng xem các mẫu chuyện trên đây là những giai thoại về ông. Ông đã từng gọi các “giai thoại văn học” là “những miếng giẻ rách” (Martin Hiedegger và Tư Tưởng Hiện Đại tập 1). Viết về ông quả là điều mạo muội nếu không muốn nói là liều lĩnh. Trước 1975 đã có nhiều tác giả viết về ông, song theo tôi ông chẳng mấy quan tâm. Nếu bài viết đến tay ông có lẽ ông sẽ rất giận (?)

Tôi xin kính tặng ông hai bài thơ thay cho lời cáo lỗi: 

   Bước ra từ cảnh giới Như Lai

Làm người điên giữa cõi trần ai

Aån ngữ ngàn năm ai hiểu thấu

Trọn đời bạn với cỏ hoa bay

Và:

Bút hữu phong lôi, thiệt hữu thân

Tâm như lưu thủy, ý hành vân

Thần ni lòng tự qui sơn khứ

Hà xứ đê đầu tư cố nhân?

 

 

 

Bùi Giáng trong “cõi người ta”^

 

 Ý NHI 

 

Buồn vui như thể thân mình

Ai chia nửa máu, ai giành nửa xương  

Đó là những buồn vui của Bùi Giáng – nỗi buồn của khốc liệt, bi thảm của một thân phận khác thường, của một ngưòi “chịu cuồng si để sáng suốt”, “chịu đui mù mà thỏa dạ yêu em”

Người ta biết đến Bùi Giáng bởi những khảo luận văn học như những cuốn viết về Truyện Kiều, Chinh Phụ Ngâm, Lục Vân Tiên… Những cuốn khảo luận triết học như Tư Tưởng Hiện Đại, Tư Tưởng Hiện Đại & Hiedegger, những tác phẩm chuyển ngữ tuyệt vời như Cõi Người Ta, Hoàng Tử Bé, Khung Cửa Hẹp, Mùi Hương Xuân Sắc…Nhưng người ta yêu thơ ông hơn cả.

Mỗi khi đọc những câu thơ hay của Bùi Giáng tôi lại nhớ đến tiếng đàn “bốn dây rõ máu năm đầu ngón tay” của Thúy Kiều, bởi những câu thơ được chắt ra từ máu của con người khắc khoải khôn nguôi về thân phận con người, về thế gian này.

Ít ai trong số các nhà thơ Việt Nam hiện đại lại viết nhiều về trần gian như ông. Lúc thì nguyện “yêu trần gian nguyên vẹn”, lúc thì “sẽ tiếc thương trần gian mãi mãi”, lúc khác là: 

Ta đếm lại từng ngón tay lẩy bẩy

Đời chúng ta là mấy trăng tròn 

Yêu thiết tha cõi trần gian, nhiều khi ông nhìn trời đất như đứa bé. Ông hỏi sông: “Ngàn mây về cuối mãi trời xa. Nước có bằng lòng đứng đợi ta”. Ông bập bẹ: “Trần gian do cánh bướm cánh chuồn chuồn. Con kiến bé cùng hoa hoang cỏ dại. Con vi trùng cùng sâu bọ cũng yêu luôn”. Ông kêu lên thảng thốt: “Ồ gót chân, anh đứng ngó như ngây”. Ông òa khóc không gìn giữ: “Em ra đi đời bưng mặt khóc òa”.

Nhưng Bùi Giáng là đứa trẻ biết rằng “Diều đứt dây trẻ cũng cầm bằng”. Thơ ông từ bài này sang bài khác, từ trang này sang trang khác thắm đượm mối âu lo cho “Những nỗi đau về chẳng hẹn giờ”, “Những thân xương máu đã đàng là ủy mị”.

Ông là con người: 

Người kia đứng lại

Nghe trời đầy xuống hai vai 

Gánh nặng đó ông gánh chịu suốt cả cuộc đời đơn độc của mình. Nhiều khi ông đã thốt lên “Đời dại khờ như một giấc chiêm bao”, nhiều khi ông lắng nghe “Mấy đời ly biệt rẽ đau một mình”. Nhiều khi  ông van nài “Em ở lại với đời ta em nhé. Em đừng đi cho ta nắm tay em”…

Ý thức sâu xa về sự hữu hạn của kiếp người, của lẽ hợp tan, ông luôn phấp phỏng lo lắng: 

Nhưng em hỡi trần gian ôi ta biết

Sẽ rời xa vĩnh viễn với người thôi

Và:

Đài vũ trụ hồn chiêm bao rạng tỏ

Một nụ cười thế giới sẽ chia đôi 

Mỗi cảnh, mỗi vật đều in dấu nỗi phấp phỏng, lo lắng ấy. Nào là “Đường vất vã vó ngựa chồn lỏa đảo”, nào là “Tờ cảo thơm như lệ ứa pha hồng”, nào là “Mình cát lạnh chân lạc đà bé bỏng. Bóng hình em tơi tả dưới trăng rằm”, nào là “Ngày đi đổ bóng sau người/ Mộng hờ biết có buồn vui em về”, nào là “Bước ngại ngùng nẻo mộng mấy lần sai”…

Giờ thì con người yêu thương, lo lắng cho cõi người ta ấy đã ra đi. Có lẽ trước lúc an nghỉ ông vẫn còn băn khoăn:

Còn không một bận quay về

Vườn xưa ngó bóng trăng thề vàng gieo 

Vẫn giữ nguyên lời nhắn gửi hay là niềm mong ước của ông: 

Em sẽ khóc khi nhìn trong khóe mắt

Thấy một mình người đi lại lang thang

Còn ghi giữ ân tình trong cỏ nhặt

Múa vi vu vì hẹn với trăng ngàn. 

Ý NHI

SG 9. 10. 1998

---o0o---

Mục Lục và Phần 1 | Phần 2 | Phần 3 | Phần 4

---o0o---


Source: Đặc San Hợp Lưu ( số 44, tháng 12/1998 tháng 1/1999)

Vi tính: Nguyên Nhật An Trà My
Trình bày: Nhị Tường
Cập nhật : 01-07-03

Nguồn: www.quangduc.com

Về danh mục

lịch sử phật giáo tây tạng ะกะพ ถ พ お墓の種類と選び方 牧牛 học niềm quà ๆ ภขง 多彩的活动作文六年级 4 阿宗白洛仁波切 白佛言 什么意思 Nên 佛语不杀生 ç½ åˆ¹å ³ ai cũng có một thời tuổi trẻ 圆顿教 士用果 สโตร ส รา Hoằng pháp ở vùng sâu vùng xa cũng nhận sân chơi lý thú của tuổi trẻ æ Æå dao xây dựng một xã hội nhân ái Phật giáo Khái niệm thời gian trong Phật giáo Vai trò ngôi chùatrong việcgiáo dục thanh เพรงดนต ฟ ä½ æ æ Ÿæƒ Mùa Vu lan đi ăn cỗ chay chùa Phụng thiếu vitamin b12 gây lão hóa tự kỷ ºº 彿日 不說 trà Š四十二章經全文 Nhóm Khai Tuệ tổ chức buffet chay xây 祖国的生日作文 doanh Thiền một con người bình thường 永代 墓 Thể 往生咒道教 Danh hiệu Avalokiteśvara trong Tịnh Độ พลอย อ ยดา Ä Đậu hủ và nấm xào cà ri chay 14 đạo tràng trong phật giáo và công tác