THANH SẮC THI CA
Tuệ Sỹ
Cám ơn ông hàng xóm
Ngừng mở máy thu thanh
Võng đưa thềm mận chín
Nghe sẻ gọi bình minh.
(Mộng Ngân Sơn)
Niềm vui đơn sơ của nhà thơ ở vào con số 12 đường Bến Chợ là
như vậy đó. Tiếng sẻ gọi nhau trong nắng mai thật quá hiếm giữa những âm thanh
rộn ràng khác. Trước mặt nhà của nhà thơ Quách Tấn chúng ta, đây là ngôi chợ Đầm
của thành phố Nha Trang với lối kiến trúc tân tiến. Nhưng trước kia, chỗ này là
một đầm sen. Một cái đầm sen ở ngay giữa thành phố; chúng ta có thể hiểu được
tâm sự lạc loài của một nhà thơnặng tình ấp ủ thiên nhiên như
Quách Tấn. Mặc dù vẫn mang những tính chất náo nhiệt của một phố thịkiểu mẫu của
thế kỷ này. Nha Trang thỉnh thoảng vãn trầm mình trong hương sắc diễm lệ của mùa
thu. Cho nên nhà thơ của chúng ta vẫn là bóng dáng một lữ khách mùa thu của một
thời đại quá khứ còn sót lại giữa những bước chân nhộn nhịp của chúng ta, của
thanh niên trưởng thành trong thế kỷ hai mươi:
Áo giũ ngàn sương gió
Lên chùa thăm cố nhân
Non nghiêng thềm bóng xế
Lịu địu bóng nhàn vân.
Lịu địu (MNS)
Phong cách ấy quả thực có khác với chúng ta trong những thù
tạc vãng lai. Chúng ta đến và đi trong âm thanh và tốc độ của cơ khí, ồn ào và
vội vã. Do bản chất cơ khí, nghĩa là sự hiện hữu bằng những phản lực bị dồn ép
và bị bùng vỡ, mà thời đại chúng ta mang nặng tính chất chiến đấu, bạo động:
những nổi loạn trong triết lý, trong văn học; những phong trào quần chúng, những
nổi loạn của sinh viên thế giới… Thế thì, thời đại ấy của nhà thơ ấy là
thời đại ẩn mình trầm lặng, của một đám mây lơ lửng lồng trong bóng núi nghiêng
nghiêng. Là thời đại của một Vương Duy tiễn bạn trong chén rượu Vị Thành, của
một Gia Đảo lên núi tìm bạn, hay một Lữ Đường nơi chùa Phổ Lại, một Nguyễn Du
trong dãy Hồng Linh?
Đạo dịch nói: “ Thiên nhiên biến động trong bất động.
Nếu lửa là biểu tượng cho sự tiến hoá không ngừng, thì núi là biểu tượng cho sự
an định, tỉnh chỉ. Cuộc lữ không chỉ duy một mặt là cuộc hành trình vô tận.
Nhưng đó là những bước đi trên con đường Đạo – Chân thường vĩnh cửu. Núi
có thể được san bằng để cho phố thị mọc lên, biển có thể bị lấp cạn để trở thành
xa lộ. Dù đến mức như vậy, mối tương quan bản thể giữa con người và thiên nhiên
vẫn tràn đầy trong đồng nhất tính hồn nhiên. Miếng vỏ sò lạc loài trên núi vẫn
mang trong bản chất tồn tại của nó một nổi hoài hương tha thiết, nó mơ về những
đợt sóng của trùng dương:
Vỏ sò khô ấp ủ
Niềm băng tuyết đêm
sương
Muôn xa bờ bến cũ
Vang vọng sóng trùng
dương.
Ấp ủ (MNS)
Nhà thơ của chúng ta trong một thoáng rung động kỳ diệu nào
đó đã đọc ra bản chất tồn tại sâu xa của tạo vật. Cũng chỉ với tâm hồn ấy mới có
thể đọc ra những ẩn ngữ ấy trong lớp vỏ vô tri và vô nghĩa ấy.
Tất nhiên nhà thơ vẫn ở trong dòng thác cuộn ào ạc theo bước
tiến lịch sử của con người, nhưng trong cuộc hành trình vô tận ấy nhà thơ có thể
đạt được tận cùng về bản chất lữ thứ của mình, vì trong tận cùng tâm sự vẫn là
một nỗi hoài hương bao la. Quê hương hiện thực của ông ở đâu? Ở trong đất Việt
trời Nam này, trong bóng chùa ẩn giữa mây trắng; trong tiếng chuông khuya sớm,
những tiếng sáo chiều. Đấy là những hình ảnh, những “ thanh” và
“ sắc”, mà thiên nhiên vô hình thực hiện trong cụ thể hữu hình:
Chùa ẩn non mây trắng
Bóng in hàng liễu xanh
Mai chiều chuông đã tạnh
Vòng sóng còn long lanh.
Tiếng ngân
( Giọt Trăng)
Đấy và những gì tương tự như thế đấy, là hình ảnh thiên nhiên
đầy tình tự, là khoảng trời xanh tinh khiết còn lại trong đôi mắt long lanh của
một nhà thơ trong cảnh xế chiều của chính đời mình, và của cả một thời đại thi
ca Việt Nam. Tiếng chuông chùa Hải Đức trên đồi trại thuỷ kia, sát bên thành phố
ấy, sớm và chiều vẫn lạc loài, lan xa trong cô độc, trong sự sống của thành phố
đang trôi đi dưới những tiếng nổ ròn rã và tốc độ? vội vàng của đủ các loại động
cơ. Những tiếng chuông lạc loài, một hồn thơ cô quạnh, và còn gì nữa? Những giọt
lệ – những giọt lệ đoàn viên trong nỗi hoài thương tha thiết:
Từng giọt châu rơi mắt
mẹ hiền
Mừng con lưu lạc trở
đoàn viên
Neo thu bến tạnh thuyền
sương sóng
In bóng chùa xưa trăng
nửa hiên.
Chuông khuya
( Đọng bóng chiều)
Vậy thiên nhiên có nói gì chăng? Thì đấy: bốn mùa đến rồi đi,
và rồi lại đến. Nhưng ngôn ngữ của loài người là gì, trên một cung bậc nào đó?
(Trích từ tập “Quách Tấn - Qua cái nhìn văn học của
nhiều tác giả – Nhà xuất bản trẻ – 1994”)
---o0o---
| Mục lục Tác gia?|
Cập nhật ngày: 01-01-2002