Bài giới thiệu sách
Tuệ Sỹ Đạo Sư, Thơ và Phương Trời Mộng
của tác giả Nguyên Siêu
tại San Diego ngày 17 tháng 9
năm 2006.
Kính thưa Ông Chủ
tịch HHNVSD,
Kính thưa ông Thụ ủy Đại Biểu Đoàn HHNVSD,
Kính thưa quý vị quan khách,
Kính thưa tác giả tác giả Nguyên Siêu,
Kính thưa quý vị,
Tôi rất cám ơn
Ban tổ chức đã mời tôi lên đây để nói đôi lời giới thiệu sách Tuệ Sỹ
Đạo Sư, Thơ và Phương Trời Mộng của tác giả tác giả Nguyên Siêu.
Đây là hai tập sách lạ, có thể xếp vào loại Tuyển tập tác phẩm của Tuệ
Sỹ, nhưng với một phương pháp trình bày mới của tác giả Nguyên
Siêu. Tôi sẽ đề cập rất ít về giá trị thơ, văn hay tư tưởng của
Tuệ Sỹ. Giá trị đó dành cho quý vị thẩm định sau buổi hôm
nay, nếu khi ra về quý vị có trong tay 2 tập sách Tuệ Sỹ Đạo Sư, Thơ
và Phương Trời Mộng
với rất nhiều thơ, văn của Tuệ Sỹ. Tuệ Sỹ là một học giả hiếm có
trong thế hệ chúng tôi, thế hệ 60-70 tuổi. Tuệ Sỹ cũng là thi sĩ,
một nhà tranh đấu với bản án tử hình của chế độ cộng sản năm 1984, nhưng
quan trọng hơn cả Tuệ Sỹ là một thiền sư, một thiền sư nhập thế yêu
nước, yêu dân tộc và hết sức tài bồi cho thế hệ trẻ.
Lúc mới nhận lời
giới thiệu 2 tập sách Tuệ Sỹ Đạo Sư, Thơ và Phương Trời Mộng, hơn
600 trang, tôi vẫn yên tâm vì nghĩ rằng đây là hai tuyển tập, tôi không
có bổn phận nói về Tuệ Sỹ! Tôi đã biết nói về một người đăïc biệt
đa diện, đa năng như Tuệ Sỹ rất khó, rất mất công phu và không dám nhận!
Thẩm định giá trịsách loại tuyển tập thì tương đối dễ, thông thường chỉ
cần đọc kỹ bài tác giả giới thiệu các tác phẩm chọn đăng là xong!
Đọc 844 trang Nguyễn Trãi toàn tập, hiểu Nguyễn Trãi thì khó, nhưng giới
thiệu sách này chỉ cần đọc 23 trang đầu sách. Đọc hơn 4000
trang Phan bội Châu toàn tập, hiểu được văn chương của Phan Sào Nam mới
khó, còn muốn giới thiệu thì quá dễ, chỉ cần đọc kỹ 37 trang đầu
của soạn giả! Đọc xong hơn 600 trang Tuệ Sỹ Đạo Sư, Thơ
và Phương Trời Mộng tôi mới thấy việc không dễ như vậy vì, như tôi
đã nói, đây quả thật là 2 tuyển tập lạ, với cách trình bày rất mới của
tác giả Nguyên Siêu.
Tôi không muốn nói
nhiều về hình thức trang nhã của hai tuyển tập này. Nói cho cùng
hình thức chẳng có nghĩa gì so với giá trị nội dung! Chỉ có vài
điều đáng chú ý:
Chữ Đạo Sư
có lẽ khá xa lạ với phần đông chúng ta, nhưng rất hợp với tác giả tác
giả Nguyên Siêu, học trò của Tuệ Sỹ. Tuệ Sỹ cũng đã viết cuốn Tô
Đông Pha - Những Phương Trời Viễn Mộng. Mấy chữ Phương Trời
Mộng
trong sách của tác giả Nguyên Siêu cũng phần nào cho chúng ta thấy lòng
thông cảm của trò tác giả Nguyên Siêu với thầy Tuệ Sỹ! Với cả hai
tác giả, và biết đâu với nhiều người có mặt hôm nay, cuộc sống vẫn phảng
phất những phương trời mộng! Những phương trời mộng, rất đáng mong
nhớ, rất đáng trân quý và rất thực, không mang tính cách của ảo mộng,
nhất là đối với người xuất gia như hai thầy trò tác giả Nguyên Siêu-Tuệ
Sỹ! Ngay cả chúng ta, ai chẳng có lúc thả hồn vào phương trời
mộng, tìm kiếm một vẻ yêu kiều của cuộc sống trong mộng như người thiếu
nữ đi tìm nấm linh chi trong rừng hoang bát ngát trong một bài thơ mà
tôi vừa được đọc, như Elizabeth Taylor đi tìm Cây Nhân Sinh trong phim
L’arbre de vie (Raintree County). Tìm được hay không lại là chuyện khác!
Bìa tập I với cảnh
hoàng hôn, tập II với bóng trăng âm u, rất THƠ và rất MỘNG. Trên
hai bìa đều có chữ tác giả Nguyên Siêu, đơn giản, không đề là
Thích Nguyên Siêu, hay Thương tọa Thích Nguyên Siêu, một phần nào
xác nhận hai sách này không phải là sách Phật học. Tôi cũng không
thấy tiểu sử tác giả, những lời khen tặng như tôi đã từng thấy trong
sách hiện nay, có sách đăng lời khen tặng còn dầy hơn chính bản!
Có lẽ tác giả Nguyên Siêu không muốn lấy tư cách của một thiền sư, một
nhà lãnh đạo tinh thần tại San Diego để viết sách. Tác giả viết vì
một thôi thúc nội tâm muốn báo ơn một bậc thầy lỗi lạc và muốn ghi lại
tư liệu của thầy, một nhân chứng của một chặng đường lịch sử “chưa
bao giờ dân tộc cũng như đạo pháp bị vây khổn, áp bức đêán phải thất tán
tha hương” như tác giả tâm sự. Và sự áp bức của chính
quyền hiện tại không phải chỉ dành cho Phật giáo. Quý vị sẽ tìm
thấy bản án tử hình dành cho Tuệ Sỹ, các bản án tù vô định cho các cha,
các mục sư …
Với tâm sự đó, tôi
thấy tác giả Nguyên Siêu rất dụng công trong việc sắp xếp các tác phẩm
của Tuệ Sỹ. Tôi rất thông cảm nỗi khổ tâm đó. Gom góp các
bài viết của Tuệ Sỹ, một thiền sư nổi danh, viết một bài giớiù thiệu
tâng bốc chung chung, có lẽ nhiều người làm được. Giới thiệu
của trò về thầy thì phải thân cận và hiểu thầy mới làm được, và rất khó
làm như tác giả đã viết:
“Nói về một người, hay đúng hơn, viết về một ngươì đã khó, mà viết về
một nhân vật đặc thù lại càng khó hơn. Viết về một người Thầy của
mình, những tưởng là dễ, ngờ đâu lại khó hơn gấp bội.” tác giả
Nguyên Siêu đã sống với thầy mình trong những giây phút bi thảm nhất
trong thập niên 70, vì vậy tác giả Nguyên Siêu có thể giới thiệu Tuệ Sỹ,
trình bày văn chương tư tưởng của Tuệ Sỹ và chúng ta có thể tin những
điều viết trong sách Tuệ Sỹ Đạo Sư, Thơ và Phương Trời Mộng của
tác giả Nguyên Siêu.
Dụng công của tác
giả Nguyên Siêu đã làm cho chúng ta thưởng thức thơ văn của Tuệ Sỹ một
cách sống động, không khô khan như đọc một cuốn trích diễm hay tuyển tập
khác. Trước mỗi phần, tác giả đã viết một đoạn văn chương, không
chỉ hẳn về các tư liệu văn chương của Tuệ Sỹ, nhưng cho chúng ta một cái
nhìn thân cận của một người gần và hiểu Tuêï Sỹ, giúp chúng ta thưởng
thức văn tài cùng những lý do ẩn hiện trong văn chương đăng ở
những trang sau. Những đoạn này không hẳn là đoạn văn giới thiệu,
không hẳn là đoạn văn phê bình phân tích Tuệ Sỹ. Đây là những đoạn
văn chân thành, cảm động của một người viết cho một người, và cho chúng
ta. Cũng nhờ cách xếp đăït đó cuốn sách hoàn toàn không khô khan
và phần văn chương của tác giả Nguyên Siêu đóng góp không nhỏ cho giá
trị của cuốn sách về Tuệ Sỹ. Tôi xin lấy một thí dụ: Trong
phần MỘT tập I, tác giả Nguyên Siêu viết về Tuệ Sỹ trong phần tôi tạm
gọi là phần dẫn nhập:
“Đó là chứng nhân của một thời. Con người gầy guộc của tuổi trẻ
Việt Nam với một nỗi cô đơn kinh hoàng, một vùng trời trống vắng như tâm
tư bị xô dạt xuống vực thẳm, chợt vươn vai vùng dậy để đứùng lên, để tập
đi, tập nói, tập nhìn đời qua lương tâm sùng phụng, qua lương tri tinh
khiết, trong ngần”. Từ những dòng chữ đó của tác giả, ta hiểu
Tuệ Sỹ trong hai bài trong phần MỘT: Đạo Phật với Thanh Niên và truyện
ngắn Piano Sonata 14, nói về một tình cảm “tinh khiết, trong ngần” của
một chú điệu và một thiếu nữ đánh đàn trong đêm trăng. Trước khi
dẫn nhập chúng ta vào thế giới văn chương của Tuệ Sỹ khởi đầu là truyện
Gốc Tùng trong phần HAI, tác giả Nguyên Siêu đã cho chúng ta một đoạn
văn của chính ông: “Bây giờ, trăng mồng 8 hãy còn non, e lệ sau
áng mây đầu đỉnh núi. Gió nhè nhẹ, sóng êm đềm. Cái hùng vĩ của
núi rừng, như cái bao la của biển cả đã đưa người đi vào đại dương, đưa
người đi vào rừng xanh. Trời xanh, cây lá xanh, và giấc mơ xanh
của người về từ miền núi cao, sương trắng…” Từ những dòng chữ
cao khiết đó ta thấy thấp thoáng sự ý hiệp tâm đầu giữa tác giả và thầy.
Tôi tin như vậy. Khi tôi đọc Gốc Tùng lần đầu, tôi cảm thấy hơi
khó hiểu, sau khi đọc lại phần dẫn nhập, tôi thấy hiểu khá hơn!
Từ phần này, có lẽ
sự khổ đau của Tuệ Sỹ dưới sự kìm kẹp của chế độ Cộng sản, với bản án tử
hình năm 1984 đã làm cho tác giả Nguyên Siêu không bao giờ quên Thầy ông
là một người TÙ, dù trong hay ngoài nhà tù. Chữ “người tù”
được dùng đồng nghĩa với chữ “thầy tôi”. Phần BA dẫn ta đến
gặp Tuệ Sỹ
như Tueä Trung Thượng Sĩ bỏ cà sa khoác chiến bào chống
quân Mông cổ. Tác giả Nguyên Siêu chỉ viết dẫn nhập bằng nét chấm
phá về dãy Trường sơn: “Gió thổi mạnh. Rừng cây rạp mình trong
gió. Trường sơn nổi giận. Giông bão tơi bời. Trường
sơn đó, một thời nào lừng lẫy, oai linh. Trường sơn đó bây giờ,
cúi đầu tủi nhục. Người tù khơi lại ánh lửa sắp tàn, mong Trường
sơn ngày mai rực sáng.” Sau đó tác giả đăng bài “Một khía cạnh
của vấn đề nhân quyền tại Việt Nam: Tham nhũng Một quốc nạn”. Trong bài
này, Người Tù đã có nhận xét rất chua xót: “Tại Việt Nam ngày nay,
những người có thể nói thì ngọn bút đã bẻ cong; những người muốn nói thì
ngòi bút đã bị bẻ gẫy. Nhưng tôi rõ một điều, và điều đó dã được
ghi chép trong lịch sử: Trí thức chân chính của Việt Nam không bao giờ
khiếp nhược. (Tuệ Sỹ)”. Phần BỐN, tiếp phần BA, tác giả Nguyên
Siêu nói: “Người Tù đã quyết mở ra một sinh lộ cho dân tộc trong tử
lộ của bản thân.” Rồi tác giả đăng Kháng Thư gửi Viện Kiểm Soát Nhân
dân Tối cao và Giác thư gửi Nông Đức Mạnh và Phan văn Khải, trong đó hào
khí bừng bừng qua từng dòng chữ đanh thép và bi hùng của Tuệ Sỹ: “Tôi
muốn tự mình dẫn thân đến trước cổng bạo lực chuyên chính để cáo tri
cùng quốc dân đồng bào, bày tỏ sự hèn kém, bất lực của mình trước vô vàn
thống khổ mà đồng bào phải âm thầm chịu đựng”
Bản chất của Tuệ
Sỹ là một thiền giả, một thi sĩ, một nhạc sĩ, tác giả Nguyên Siêu muốn
dẫn ta đến gặp một thiền sư Tuệ Sỹ, một nhà Phật học uyên bác trong phần
NĂM. Tác giả dùng một bài thơ của Tuệ Sỹ thay phần dẫn nhập
“Hành trang là lãng du cát bụi đá mòn / là nỗi lạnh sương khuya / là
chiêm bao gió lốc / là đỉnh đá tóc huyền sương mai / là hương tóc cũ là
mộng kiêu hùng.”… Tiếp theo là truyện Sư Thiện Chiếu, Tánh Không
Luận, và bài Tư tưởng Phật Giáo đối diện với hư vô của Tuệ Sỹ. Sau
đó, tác giả Nguyên Siêu vẫn không trực tiếp giới thiệu Tuệ Sỹ, tác giả
cho chúng ta thấy hình ảnh của Tuệ Sỹ qua ba nhân vật khác nhau: triết
gia Phạm Công Thiện, một người cộng sản phản tỉnh Nguyễn Minh Cần và thi
sĩ Bùi Giáng. Trong phần SÁU, tác giả Nguyên Siêu giới thiệu cho
ta Đạo Sư Tuệ Sỹ. Thầy trò tác giả Nguyên Siêu-Tuệ Sỹ đã sống gần
nhau, thông cảm nhau, cùng nhau vui buồn. Từ những dòng thân mật
ta thấy một vị thầy nghiêm trang nhưng hoà ái. Tiếp theo là bài
giới thiệu chính thức của tác giả Nguyên Siêu: “Tuệ Sỹ, Thơ và Con
Đường Trung Đạo”, trong đó tôi đọc đuợc một câu trích dẫn Tuệ Sỹ rất
đẹp, rất thơ khi nói về Tánh Không : “ Khi con bướm mùa hè dừng lại
trên đoá hoa, khép lại đôi cánh và đong đưa theo cơn gió của cỏ nội hoa
ngàn”, câu nói này của Tuệ Sỹ cùng diễn ý chỉ Thiền “khi đói thì
ăn, khi khát thì uống”, nhưng thật diễm lệ đi thẳng vào lòng người!
Phần nói về Tuệ Sỹ coi như đầy đủ với 2 bài bổ túc cho bức họa con
người Tuệ Sỹ của Phan Tấn Hải và Lê Mộng Nguyên. Phần cuối của tập
I là tuyển tập THƠ của Tuệ Sỹ: Phương trời Viễn Mộng, Giấc Mơ Trường
Sơn, Tĩnh Tọa và Tĩnh Thất. Thơ Tuệ Sỹ có hay như Bùi Giáng nói
không? Xin để quý vị đọc và tự thưởng thức, tôi không có ý kiến sợ
làm mất nhã hứng của quý vị!
Tuệ Sỹ Đạo Sư, Thơ
và Phương Trời Mộng Tập II
cũng được viết như
tập I, quảng diễn với chi tiết con người Tuệ Sỹ trình bày trong Tập I:
một thiền sư nhập thế, yêu nước, không sợ bạo quyền, một thi sĩ, một học
giả và một bậc thầy đáng kính. Tập II có nhiều tư liệu và có nhiều
bài của nhiều tác giả viết về Tuệ Sỹ như Phạm Công Thiện, Nam Dao, Thích
Phước An, Hoàng Quốc Bảo và Huỳnh Kim Quang. Trong thơ Tuệ Sỹ đăng
trong tập II, 18 bài Ngục Trung Mị Ngữ rất đăïc biệt. Những tư
liệu cũng cho biết thêm khá nhiều chi tiết về việc đấu tranh chống bạo
quyền của Tuệ Sỹ. Vì vậy Tập II có nhiều giá trị tư liệu của một
tuyển tập, nhưng có nhiều chỗ trích dẫn trùng hợp trong các bài viết về
Tuệ Sỹ của các tác giả khác nhau.
Để kết luận, đọc
Tuệ Sỹ Đạo Sư, Thơ và Phương Trời Mộng, không những quý vị biết
được Tuệ Sỹ, một “hòn ngọc quý” như học giả Đào Duy Anh đã gọi Tuệ Sỹ,
quý vị cũng như tôi rất ngạc nhiên được thưởng thức tài văn chương của
tác giả Nguyên Siêu trong các bài dẫn nhập. Công trình biên soạn
các tác phẩm của Tuệ Sỹ vì vậy cũng được giá trị thêm. Với cách
làm việc như vậy, với tài văn chương như vậy, tác giả Nguyên Siêu đáng
gọi là tác giả, thay vì là soạn giả cho 2 tập Tuệ Sỹ Đạo Sư, Thơ và
Phương Trời Mộng.
Trân trọng kính
chào quý vị.
Duyên Hà Lê
Phục Thủy
Xem tiếp