TÓC TRẮNG NHỆN TƠ LÒA
Diệu Trân
Đây là câu thơ cuối đoạn hai, trong năm đoạn, bài
“Trúc và Nhện” của Thiền- sư Tuệ Sỹ. Tựa bài thơ cho tôi ấn tượng của sự
tương phản. Trúc, tượng trưng người quân tử, lòng cương trực, chí bất
khuất (vô trúc sử nhân đọa tục); nhện là loài nhỏ bé, tầm thường, xuất
hiện nơi đâu là tạo rác rưởi bụi bặm nơi ấy. Thế mà bài thơ năm chữ của
vị Thiền-sư khả kính lại để nhện giăng tơ bên người quân tử, hẳn là ngài
phải ẩn dụ nỗi niềm gì.
Bạn muốn tôi
đọc cho bạn nghe ư? Chiều nay gió mát quá, chúng ta hãy ra vườn uống trà
rồi tôi sẽ đọc nhé!
Đây, bài
“Trúc và Nhện”, Thiền-sư Tuệ Sỹ viết thế này:
Nắng sớm in tường bạc
Trúc gầy ngả bóng xanh
Tâm tư lắng tĩnh mặc
Tơ nhện buông xuôi cành
Trúc biếc che ngày nắng
Hương chiều đuổi mộng xa
Phương trời nhuộm ráng đỏ
Tóc trắng nhện tơ lòa
Gió khẽ lay cành trúc
Hương vàng ánh nhện tơ
Buông rời giấc tịnh tọa
Nghe động phương trời xa
Ngõ vào qua khóm trúc
Cửa khép vượt đường mây
Tá túc trăng hờn nhện
Nghiêng nghiêng áo lụa dài
Trúc già ngọn phơi phới
Trời hận tuôn mưa rào
Nặng trĩu tình tơ nước
Trúc già lặng cúi đầu.
Đặt tách trà
xuống, bạn nói một câu không ăn nhập gì với bài thơ bạn vừa yêu cầu tôi
đọc cho nghe:
- Kìa, con
hoàng-anh đậu bên bờ giậu có một mình thôi ư?
May là chúng
ta đã hiểu nhau đủ, để tôi có thể biết chắc rằng câu nói vô thưởng vô
phạt của bạn là cốt che giấu xúc động trong lòng, chứ không phải tôi đọc
thơ mà bạn hờ hững chẳng buồn nghe. Đúng như tôi nghĩ, bạn lại đang tự
nói:
- Nó không
một mình đâu vì nó biết các bạn nó đang vỗ cánh trên khắp vùng trời bao
la kia.
Bạn nhìn tôi
đăm đăm khi nói như thế. Bạn pha trà đậm quá, nhấp hớp đầu, tôi phải
nhăn mặt, vậy mà hậu vị lại ngọt lịm như những bài học, mới nghe qua,
chúng ta thấy khó chấp nhận, nhưng hiểu ra rồi mới thấm thía đạo vị. Như
tuần trước chúng ta học về sự khổ đau. Thầy nói “có hai loại khổ đau là
khổ đau vô ích và khổ đau hữu ích” chúng ta đã nhìn nhau, cùng khởi niệm
nghi ngờ. Khổ đau là khổ đau, sao còn có khổ đau vô ích hay hữu ích nữa!
Cùng lắm thì chỉ chấp nhận được loại đầu vì khi đã bị khổ đau là vô ích
rồi; nhưng khổ đau mà còn hữu ích là thế nào?
Không ngờ
bài học đó lại đang cho chúng ta thấy được phần nào niềm bi phẫn của vị
sứ giả Như Lai, người mang đại nguyện vào đời, dàn trải nỗi thống hận
của Quê Hương Dân Tộc qua thi ca thẳm sâu trí tuệ. Nào đâu là trúc? Nào
đâu là nhện? Trúc dẫu gầy vẫn ngả bóng xanh, vẫn che ngày nắng, vẫn cảm
thương gió lay ánh nhện, mưa trĩu tơ vương. “Tóc trắng nhện tơ lòa” có
phải là tơ nhện trắng hay chính là hình ảnh vị sư già mỏi mòn trong ngục
tối nên thế nhân mới thấy được tóc trắng sương mai? “Ngõ vào qua khóm
trúc” có phải là tinh thần lối trúc Kỳ Viên Tự nơi Thái Tử Kỳ-Đà và
Trưởng gỉa Cấp Cô Độc đã xây dựng để cúng dường Đức Phật và Tăng đoàn
khi xưa? Khu vườn đó có-cửa-mà-không-cửa. Đó là Vô-Môn-Quan. “Cửa khép
vượt đường mây”. Tội nghiệp thay cho những chúng sanh vô minh đã đem
khóa trần tục mà khóa cửa thần tiên, đem sức mạnh, dọa nạt, tra tấn, tù
đầy mà mong bức tử những điều bất tử.
Bạn hỏi tôi
có ôn bài vừa học để hiểu được đoạn thơ cuối không? Bạn ơi, chúng ta hãy
hướng về trời Nam, đảnh lễ vị Thiền-sư đang thể hiện trọn vẹn
Bồ-Tát-Hạnh, dùng tấm thân vô thường làm thuyền Bát Nhã, tự hiến mình
thành nỗi khổ đau cho muôn người. Đây là nỗi khổ đau được nuôi dưỡng
bằng lòng từ bi để phát triển Tâm Bồ Đề cứu độ chúng sanh. Theo bài
chúng ta vừa học thì đây chính là nỗi khổ đau hữu ích, ngược lại với sự
khổ đau vô ích do luyến ái vị kỷ gây ra, chỉ khiến tâm hồn ta tàn hoại.
Thượng Tọa
Thích Tuệ Sỹ không phải chỉ là một vị Thiền sư trí tuệ, khả kính. Ngài
còn là một thi sỹ nên trên phương diện nghệ thuật, nếu chúng ta nhìn
ngài qua phong thái một Thi- Sỹ-Thiền-Sư thì ta có thể tin rằng ngài dễ
dàng đạt tới tuyệt đỉnh nghệ thuật vì thông thường, người nghệ sỹ chưa
thể đạt tới tuyệt đỉnh nghệ thuật nếu chưa đạt tới tuyệt đỉnh tâm linh,
phải thế không bạn? Bạn thử đọc lại bốn câu kết, bạn sẽ đồng ý với tôi
ngay:
Trúc già ngọn phơi phới
Trời hận tuôn mưa rào
Nặng trĩu tình tơ nước
Trúc già lặng cúi đầu.
Bạn có thấy
đâu là nghệ thuật, đâu là tâm linh không ? Hay cả hai đã quyện chặt vào
nhau thành niềm thống hận mà ngài phát nguyện tải nặng trên vai? Ngọn
trúc già vẫn bi tráng phơi phới với không gian, thời gian dù trời hận có
tuôn mưa rào. Nhưng ngọn trúc đó sẽ quằn quại, sẽ đớn đau vì “tình tơ
nước”.
Trong buổi
chiều nhiều gió đó, bạn và tôi đã ngồi im lặng bên nhau rất lâu, tận
dụng mọi hiểu biết cạn cợt mới thấp thoáng thấy sự có mặt tưởng là vô
tình của con nhện, mà đó có thể chính là tuyệt đỉnh nghệ thuật qua ẩn dụ
tơ nhện để nói đến tơ lòng. Và chỉ có lòng xót thương chúng sinh mới
khiến trúc già lặng cúi đầu !
Biết được sự
hiến dâng bi tráng như thế, trong chúng ta có ai đã nghe gió nhắn, lời
trầm thống này chưa:
“Ơi người cắt cỏ ở bên sông
Nước cuộn ngoài khơi có bận lòng
Phấn liễu một thời run khóe mọng
Hương rừng mờ nhạt rải tầng không.”
Diệu Trân
Tháng tư 2005
---o0o---
Cập nhật: 01-05-2005