......... .

 

Tuệ Sỹ

 --- o0o --- 

 

NHỮNG PHƯƠNG TRỜI LỮ THỨ

 

 

 

Thơ từ phế phủ ra

Lại làm sầu phế phủ

Nào chỉ có thế thôi ư? Thơ phát ra từ những khổ lụy và những nguyện ước khơi vơi của cuộc tồn sinh; từ độ đó, Thơ đi vào giữa những thảm họa hoành sinh của Lịch sử. Từ buổi bình mình, Thơ vang vọng những lời tình tự thiết tha, từ tiếng chim thư cưu nơi cồn cát, đến những đêm dài trăn trọc, trong nguyện ước lứa đôi. Cho tới lúc, Thơ là Ly tao, là nỗi buồn cô quạnh của một lão thần nơi đất Trích, bên dòng sông Mịch la. Lịch sử đã gây nên những trường khốc liệt, cuộn sòng Thơ trôi mãi, trôi không bao giờ thấy lại được nguồn suối ban sơ; đừng nói chi đến việc trở về. Thơ bị đẩy trôi theo tuế nguyệt. Mà Tuế nguyệt đã đi là đi mất. Thế là, từ những phương trời viễn mộng ban sơ, Thơ dấn bước đi vào Cuộc Lữ, kỳ cùng trong những phương trời của Cuộc Lữ. Nhưng Cuộc Lữ không bao giờ cùng tận. Vì tượng của cuộc Lữ là những ngọn lửa bốc cháy trên đỉnh núi, cháy liên miên không hề gián đoạn. Núi vẫn đứng trơ ra đó, mà lửa thì cứ mãi bốc thẳng và mất hút trong bầu trời cô tịch. Tại sao lại phải từ cái có, muôn đời có đó, để đi vào cái không? Kiệt tận bình sinh, hay sống trọn đời với tuổi đời, hay sống cho tận cùng cuộc sống, thì tất cả đời sống đó đã không ngừng mang trọn tài hoa phong nhụy đổ vào khơi vơi, vào cõi miền hư tịch, không hư, không hình tích, không bóng dáng và không lời. Cuộc Lữ nếu được đi trong mực Trung Dung, thì cũng đi như mũi tên bắn thẳng tới phía trước, dù có bắn được một con chim Trĩ, chim của biểu tưởng văn minh, của lịch sử hiền hòa; nhưng mũi tên bắn đi không còn cách nào quay đầu trở lại. Nếu Cuộc Lữ được dẫn tới chỗ kỳ cùng của Cuộc Lữ, đấy là lúc con chim trên rừng đã đốt tổ bay đi. Có muốn về, cũng không còn tổ ấm bao dung của Quê Hương nguyên thủy nữa.

Thơ phát ra từ cuộc Lữ đọa đày, rồi trở lại đọa đày cuộc Lữ. Cuộc Lữ là trường thể nghiệm Lịch sử tồn sinh thảm họa của Thơ. Và Thơ mở rộng những phương trời Lữ Thứ. Quê Hương nguyên thủy chỉ là những âm vang của Lịch sử, vang dội ngân dài trong những phương trời viễn mộng. Cho nên, Đất của Thơ đất Trích, là những vùng đày ải; Đường của Thơ là Quán Trọ, là những bước đường ngược gió. Mặn nồng nơi Đất Trích, lân la nơi Quán Trọ, cuộc thể nghiệm dây dưa hằng triệu vấn vương, và cũng là cuộc thể nghiệm cho khước từ tuyệt đối. Cho nên lời Thơ càng lúc càng trầm trọng, như viên sỏi rơi vào lòng biển bao giờ cho tới đáy thì thôi. Biết bao giờ cho tới đáy, để lấy đó làm Quê Hương hằng cửu? Bởi cách điệu trầm trọng như thế, nên Thơ là phong vận tài hoa, đẹp như những cụm mây trời trong nắng sớm.

Từ đây trở xuống, Thơ của ông sẽ được công bố cho thành một Cuộc Đi, đi trong những đoạn đường Lữ Thứ, đi trong những phương trời Lữ Thứ. Bố trí cho Thơ lịch nghiệm trong cuộc Riêng, để thể nghiệm trong cuộc Chung của Lịch sử. Trong cuộc Riêng, Tình Thơ sẽ cũng chỉ là Tình Riêng. Một vài lời phụ chú, một ít chuyện bàn bạc của người soạn sách, từ cuộc Riêng đó, nỗ lực giới hạn, trên những trang lịch sử của phong trần cổ lục, để xem có thể dẫn tới được một cuộc Chung đồng vọng nào đó chăng?

 

I.

 

TRỜI QUÊ HƯƠNG KHÓI MÙ BAY VIỄN MỘNG

(1061 -1071)

 

 

LỜI DẪN

1061-1071, trong khoảng 10 năm này, ông làm quan tại các chỗ: Kiểm phán tại Phượng tường, rồi Giám quan cáo viện tại Sử quán ở Kinh đô, và sau đó xin ngoại nhiệm, được đổi ra Hàng châu vào năm 1071. Những chi tiết về sự vụ làm quan của ông, ở đây chỉ lược đại khái.

Bắt đầu với bài thơ Hoài Cựu. Rồi chúng ta sẽ thấy, Đất Khách luôn luôn phảng phất bóng dáng Quê Hương; trời của quê hương là vang vọng của lịch sử. Sầu cố quận hay tình tha phương là những tiếng ngân dài của lịch sử. Đó là đoạn đầu của một cuộc lịch nghiệm. Thơ được trích do bố trí dự định sẵn, thì những cách điệu khác nhau của chúng chỉ là những sai dị trong bước đi mà thôi. Cái Tình ẩn và cái Tình hiện trong mỗi bài thơ chỉ cùng chung một nỗi. Nỗi đó, tạm thời gói lại trong Trời quê hương khói mù bay viễn mộng ở đây. Gọi là trời quê hương, là muốn nói tới hoài vọng của người khách vừa bước ra đi, từ giã quê hương, cho đoạn đầu của Lữ Thứ. Quê hương qua lớp khói mù, là muốn nói tới hoài vọng trẻ trung, vì quê hương là nơi ngụ ẩn tình của lịch sử. Bay viễn mộng, là đoạn đường Lữ Thứ đã mở ra rồi, nên cuộc lịch nghiệm thoáng hệin những nét đăm chiêu. Cũng có thể lưu ý rằng, những chữ này chỉ dùng theo nghĩa Riêng của đoạn này, để tương xứng với một cuộc Tình Riêng của Thơ

 

I.

Đồi mai ngơ ngác nụ cười

Cánh hồng là mộng của đời lưu ly

Tồn sinh thấp thoáng nẻo về

Dấu trơ bãi tuyết ngoài tê cánh đồng

Sư già tháp mới hồn không

Tường rêu đổ xuống đâu đồng vọng Thơ

Gập ghềnh năm tháng hay chưa

Đường dài người mỏi gót lừa kêu đau

Năm canh tý (1060), Ông làm chủ bạc tại huyện Phước xương, tỉnh Hà nam. Năm trước, sau khi mãn tang mẹ, Ông và Tử Do theo cha, Lão Tô, dong thuyền Nam du. Thơ văn của hai anh em được gói thành "Nam hành tập". Đó là những bài thơ của tuổi trẻ; người ta nói như vậy. Hồn thơ bộc phát tự nhiên, như cánh chim hồng đang ước hẹn với trời cao. Trong con mắt của người đời, cái cảnh giang sơn thanh kỳ tú lệ đã tô điểm cho phong cách tự phụ của thời niên thiếu:

Giang sơn dưỡng hào tuấn

Lễ số khốn anh hùng

Chấp bản nghinh quan trưởng

Xu trần bái hạ phong

Cốt cách đó chưa hiện rõ những nét cuồng ngạo. Sóng Trường giang vẫn ào ạt mùa nước lũ trong từng năm một; nhưng lịch sử vẫn mãi triền miên bất động trải dài thành hai bờ bến. Hồn thơ sẽ đến để mở cánh cửa trời, và rồi sẽ khép lại thành một cõi của từ sinh trường mộng. Lúc nào mở, và lúc nào đóng? Con chim trên rừng đốt tổ bay đi, cuộc Lữ không tính được khoảng đầu và khoảng cuối.

Trên con đường của những ngày tháng đầu tiên từ giã quê hương, thơ Ông đồng vọng tiếng hát này:

Đài thượng hữu khách ngâm thu phong

Bi thanh tiêu tán phiêu nhập cung

Đài biên du nữ lai thiết thính

Dục học thanh đồng ý bất đồng

Quân bi cánh hà sự?

. . . . .

Trên gò cao, khách đứng hát với ngọn gió mùa thu. Âm hưởng trầm buồn hững hờ bay vào khung cửa kín. Bên gò có nàng du nữ đến nghe lén. Muốn học tiếng hát đó, nhưng chỉ có thể cùng âm vang mà không thể cùng đồng vọng. Thế thì, ngài buồn chuyện gì nhỉ?

Gió thu rồi cũng sẽ tới lúc thổi lên tóc trắng. Và cánh chim hồng rồi cũng sẽ để lại dấu vết trên bãi tuyết trắng... Ngẫu nhiên:

HOÀI CỪU

Nhân sinh đáo xứ tri hà tợ

Ưng tợ phi hồng đạp tuyết nê

Nê thượng ngẫu nhiên lưu chỉ trảo

Hồng phi na phục kế đông tây

Lão tăng dĩ tử thành thân tháp

Hoại bích vô do kiến cựu đề

Vãng nhật kỳ khu hoàn ký phủ

Lộ trường nhân khốn kiển lô tê

懷舊

人生到處知何似

應似 飛 鴻踏雪泥

泥上偶然留指爪

鴻飛那計東西

老僧已死成新塔

壞壁無由見舊題

往日崎嶇還記否

路長人困驢嘶

 

Bài thơ của Ông được trích ở đây, nó là một tình tự trẻ trung; cái tình hoài cựu chưa đượm mùi sương gió. Mãi về sau, thơ và từ của Ông vẫn còn âm hưởng đồng vọng của một cánh chim hồng, lẻ loi và cao vút. Dù là tung cánh trong bình minh hay giữa nắng quái, nguồn thơ đó càng lúc càng ngời sáng phong vận cuồng ngạo và phóng dật. Bắt được tiết điệu của bài thơ, và thấy ra phong vận của nó, thì cái dòng thơ triền miên bất tuyệt của Ông cũng được thấy ra từ đó.

Cuộc nhân sinh, rồi đây biết nó sẽ như thế nào? Có lẽ, nên coi như một cánh chim hồng dẫm chân lên bãi tuyết. Ngẫu nhiên mà trên bãi tuyết đó còn in nguyên vẹn những vết chân của cánh hồng. Cánh hồng sẽ bay bổng mù khơi, còn kể gì đến những dấu chân kia.

Sư già vừa chết, ngôi tháp mới cũng vừa được dựng lên. Tường rêu đã đổ xuống, không tìm đâu ra những bài thơ đề trên đó nữa. Một ngày qua, đường đời gập ghềnh, có biết chưa? Đường thì dài, người thì mỏi, con lừa khấp khiểng kêu đau.

 

2.

THẠCH TỊ THÀNH

Bình thời chiến quốc kim hà tại

Mạch thượng chinh nhân tự bất nhàn

Bắc khách sơ lai thí tân hiểm

Thục nhân tùng thử tống tàn sơn

Độc xuyên ám nguyệt mông lung lý

Sầu độ bôn hà thương mang gian

Tiệm nhập tây nam phong cảnh biến

Đạo biên tu trúc thuỷ sàn sàn

石鼻城
平时战国今无在,

陌上征夫自不闲。

北客初来试新险,

蜀人从此送残山。

独 穿暗月朦胧里,

愁渡奔河苍茫间。

渐入西南风景变,

道边修竹水潺潺

 

 

Thạch tị thành, không rõ địa danh này. Hoặc giả là núi Thạch thành; phía đông nam, huyện Tín dương, tỉnh Hà nam có một ngọn; phía tây huyện Nghi tân, tỉnh Tứ Xuyên, thấy một ngọn; đông bắc huyện Thiệu hưng, tỉnh Triết giang, một ngọn. Trong thơ có nói Thục nhân, tức người đất Thục, tỉnh Tứ xuyên ngày nay. Quê Ông, huyện My Sơn, cũng ở trong vùng này. Thơ cũng nói Bắc khách, người khách từ phương bắc đến; tất nhiên chỉ cho Ông. Có lẽ bấy giờ Ông từ Kinh đô về tại vùng này.

Năm tân sửu (1061), từ Hà nam, Ông được triệu về Kinh, rồi được bổ làm Kiểm phán phủ Phượng tường, trong hạt Tứ xuyên. Đến năm bính ngọ (1066), 5 năm sau đó, Lão Tô mất. Ông về quê chôn cha. Vậy, bài thơ được làm trong khoảng thời gian này, từ 26 đến 31 tuổi.

Bấy giờ Ông còn trẻ, lời thơ sảng hoạt mà thanh thiết. Đó cũng là bản sắc độc đáo trong tiết điệu thơ của Ông. Hai câu 3-4, ngụ những ẩn tình nồng hậu, thắm thiết.

Thi tân hiểm, thưởng thức cảnh lạ giữa những ngọn đá cheo leo; ứng với 4 chữ "Bắc khách sơ lai" ở trước, và đối với 3 chữ "tống tàn sơn" ở câu dưới. Ứng đối trong một bút pháp tuyệt vời, nói được cái tình tự đậm đà của khách phương xa đến và đi, cùng tấm lòng đón và đưa của những gì ở đó.

Tống tàn sơn, đưa tiễn ngọn núi tàn, ngọn núi trơ vơ. Thơ Đỗ Phủ có những câu:

Thặng thủy thương giang phá

Tân sơn kiệt thạch khai

 

Nước lũ sông đầy vỡ

Non trơ đá chởm lên

Thặng thủy tàn sơn tả cảnh núi non không tề chỉnh; núi thì thấp xuống, nước thì tràn ra, chẳng hạn

*

* *

Dấu vết của một thời chiến quốc không thấy đâu đây nữa; nhưng người rong ruổi trên con đường qua đó vẫn còn phải bươn bả.

Khách phương bắc mới tới, đã tìm đến thưởng thức các lạ giữa những ngọn đá cheo leo;

Và từ đó, người đất Thục ở đó sẽ hằng ngày đưa tiễn những ngọn núi trơ vơ kia.

Khi thì một mình len lỏi qua con trăng mờ trong cảnh mông lung. Khi thì ngậm ngùi vượt qua dòng sông chảy xiết giữa nước xanh mênh mang.

Càng về phía tây nam, phong cảnh càng thay đổi dần.

Ở đó, hai bên đường có những hàng tre thẳng tắp và những con nước dật dờ.

3.

Đá mòn phơi nẻo tà dương

Nằm nghe nước lũ khóc chừng Cuộc Chơi

Nghìn năm vang một nỗi đời

Gió đưa cuộc Lữ lên lời Viễn phương

Đan sa rã mộng Phi thường

Đào tiên trụi lá bên đường Từ Sinh

Đồng hoang Mục tử Chung tình

Đăm chiêu dư ảnh nóc đình Hạc khô

Tâm tình Hoài vọng của Lữ khách y nhiên là tâm nguyện chí thành được khơi dậy từ những bước đường ngược gió. Con đường của Lịch sử, của dòng sông trôi xuôi, và trôi ào ạt như nước lũ, cuốn trôi tất cả những giấc mộng bình sinh. Đó là lịch sử của tử sinh trường mộng. Trong cõi mộng đó, trên bước đường ngược gió của Lữ khách đó, nắng hiu hắt trổi màu trầm tư tịch mặc giữa những tàn lụi, hoang phế, và băng hoại; là sự chung cục của tất cả trong sự hủy diệt nồng nàn. Hơi thở mòn mỏi tiêu pha; Người đã lãng phí trọn vẹn tinh thể của Người, để cho Thiên nhiên bày tỏ ân tình trơ trọi, như viên sỏi bên đường lây lất với nắng và với gió. Nắng lên cùng với dấu hiệu của hao mòn và sụp đổ. Gió lên cùng với những ước nguyện thiên thu phảng phất ra ngoài khung trời Hoằng viễn và Tịch nhiên. Mộng Phi thuờng được ký thác trong đan sa, trong dấu hiệu của trường sinh bất tử; nhưng đường Sinh tử đi trong cõi Hoằng viễn Tịch nhiên, ấy thế mà không bao giờ dừng bước cho Lữ khách một lần ngụ cư ở đó. Sống và chết vẫn như một nỗi đời hư huyễn, vẫn rầm rộ như một cuộc chơi. Giữa khoảng đồng rộng, đồng trống, đồng không mông quạnh, Mục tử đăm chiêu tư lự những chuyện đường đời và Lịch sử qua bóng dáng con Hạc gầy; rồi tự hỏi: đâu là cõi Mộng Thiên Thu?

*

* *

 

Năm đó, tân sửu (1061), ông 26 tuổi, làm kiểm phán tại phủ Phượng tường. Trong bài ký viết cho "Phượng tường bát quan thi", những bài thơ về tám chỗ Ông đến thăm viếng tại phủ Phượng tường, Ông, viết: "Phượng tường nằm nơi chỗ giao tiếp của đất  Tần và Yhục; các bậc sĩ đại phu, sớm chiều thường qua lại đó". Và đoạn trước của bài ký, Ông viết: "Đấy là buồn cho đời, cảm khái cho tục, và tự thương mình đã không thấy được người xưa mà lại muốn một lần xem thấy những di tích của họ." Cái ý đó, được thấy hiện rõ nơi bài thơ dưới đây:

LÂU QUÁN

Môn tiền cổ kiệt ngọa tà dương

Duyệt thế như lưu sự khả thương

Trường hữu u nhân bi Tấn Huệ[1]

Cưỡng tu di miếu học Tần Hoàng[2]

Đan sa [3]cửu diếu tỉnh thủy xích

Bạch truật thùy triêu trù táo hương

Văn đạo thần tiên diệc tương quá

Chỉ nghi điền tẩu thị Canh Tang[4]

 摟 觀

門 前 古 碣 臥 斜 陽

閲 世如流事可傷

長有幽人悲晉惠

強修遺廟學秦皇

丹砂久窖井水赤

白朮 誰 燒 廚 灶香

聞道神仙亦相過

只疑田叟是庚 桑

Lâu quán, gác của đạo sĩ, tại phủ Phượng tường. Ông tự viết lời dẫn: "Tần Thủy Hàng lập miếu Lão tử phía nam của quán. Tấn Huệ đế mới sửa lại quán này"

Ngọa tà dương; "Môn tiền cổ kiệt ngọa tà dương", trước cửa quán, hòn đá chởm nằm trơ trong nắng chiều. Có thể cùng bắt gặp một cảm hứng như vậy trong một bài từ của Ông, làm theo điệu từ "Hoán khê sa" (Toàn mạt hồng trang khán sứ quân), câu kết như vầy:

Đạo phùng túy tẩu ngọa tà dương

Giữa đường, người ta gặp ông cụ say năm trơ giữa nắng chiều. Có lẽ đó là cảnh khi ông bị đày ra ở Hải Nam. Lúc đó đã già lắm rồi. Một già, một trẻ, cùng một quãng đời chìm nổi, cách xa nhau, mà vẫn cùng một tiết điệu, một cảm hứng, một phong vận tài hoa kỳ lạ, giữa những mòn mỏi tiêu dao của tuế nguyệt:

Đá mòn phơi nẻo tà dương.

Nằm nghe nước lũ khóc chừng cuộc chơi

 

Trước cửa quán, hòn đá chởm nằm trơ trong nắng chiều.

Ngắm sự đời, như nước chảy, trôi đi và đi mất, thấy mà đau.

Cho đến nay vẫn còn có người không thiết sự đời -- tức Ông -- ngậm ngùi cho Tấn Huệ đế -- mộng trường sinh hóa thành bất đắc kỳ tử. Cũng có người vẫn còn bắt chước Tần Thủy Hoàng, gượng sửa lại cái miếu hoang.

Đan sa ngày đó luyện thuật trường sinh, nay không dùng nữa, chìm dưới giếng, làm đỏ cả nước giếng.

Bạch truật ngày đó, nay thấy có người lấy làm nhang đốt trong bếp.

Nghe đâu thần tiên cũng thường có giao thiệp với người đời. Vậy  có lẽ cụ già cày ruộng kia chắc là lão tiên Canh Tang Sở. 

 

4.

VI TUYẾT HOÀI TỬ DO

(I)

Kỳ dương [5]cửu nguyệt thiên vi tuyết

Dĩ tác tiêu điều tuế mộ tâm

Đoản nhật tống hàn châm xử cấp

Lãnh quan vô sự ốc lô thâm[6]

Sầu trường biệt hậu năng tiêu tửu

Bạch phát thu lai dĩ thượng trâm

Cận mãi điêu cừu[7] kham xuất tái

Hốt tứ thặng truyền vấn tây sâm

(2)

Giang thượng đồng [8]chu thi mãn hiệp

Trịnh tây phân mã [9]thế thùy ưng

Vị thành báo quốc tàm thơ kiếm

Khởi bất hoài qui úy hữu bằng

Quan xá độ thu kinh tuế vãn

Tự lậu kiến tuyết dữ thùy đăng

Diêu tri độc Dịch đông song[10] hạ

Xa mã xao môn định bất ưng

微雪怀子由

(1)

岐阳九月天微雪,

已作萧条岁暮心。
短日送寒砧杵急,

冷官无事屋庐深。
愁肠别后能消酒,

白发秋来已上簪。
近买貂裘堪出塞,

忽思乘传问西琛。

(2)
江上同舟诗满箧,

郑西分马涕垂膺。
未成报国惭书剑,

岂不怀归畏友朋。
官舍度秋惊岁晚,

寺楼见雪与谁登。
遥知读《易》东窗下,

车马敲门定不应。

 Bây giờ là năm nhâm dần (1060), Ông 27 tuổi, làm một chức quan nhỏ tại phủ Phượng Tường. Chức quan Ông nhỏ, mà tài Ông cao, chí Ông lớn. Cho nên, người đời nói, trong hai bài thơ này, tình tự Ông ẩn hiện những uẩn khúc, cũng khá kỳ lạ. Đó là tâm sự của tuổi già với cái tuổi 27, thấy trong bài 1, các câu: từ 2-5; nhưng vẫn là phong vận trẻ trung, thấy được nơi bài 1 trong câu 6. Bài 2 mới thật sự tỏ rõ cái cao ngao và thị tài của tuổi trẻ.

Tháng 11 năm trước, Ông chia tay Tử Do ở Trịnh Châu (thuộc tỉnh Hà Nam) để đi Phượng Tường; lúc chia tai ngoài cửa Tây, ngồi trên ngựa, Ông làm thơ gởi lại Tử Do, với 4 câu cuối:

Hàn đặng tương đối ký trù tích

Dạ vũ hà thời thinh tiêu sắt

Quân tri thử ý bất khả vong

Thận vật khổ ái cao quan chức.

Đại khái, hai anh em cùng đang ngồi dưới ngọn đèn mờ nhạt mà tính nhẩm, biết bao giờ cùng ngồi nghe mưa đêm tiêu sắt? và Ông dặn em đừng bao giờ quen ý đó, nên đừng bươn bả đuổi theo chức quan cao.

Tháng 9, tại huyện Kỳ Dương, trời đổ tuyết nhẹ;

Cũng đủ làm cho tâm tình trong cảnh năm già trở nên vẻ xơ xác.

Ngày vắng, tiếng chày xua đuổi cái lạnh nghe như vội vã.

Viên quan nhỏ, không việc gì, ngồi trong nhà tranh hun hút

Gan ruột sầu héo có thể làm tiêu tan được rượu,

Tóc trắng, mùa thu tới, đã thấy như cài trâm.

Vừa mới bán chiếc áo lạnh lông điêu, nên không dám đi chơi xa.

Bỗng nghĩ đến việc ruỗi xe đi tìm cái lạnh.

 

Năm xưa, hai anh em cùng dong thuyền, xách theo những túi thơ đầy

Năm ngoái, chia tay nhau rẽ ngựa ngoài cửa tây Trịnh Châu, nước mắt ướt đẫm ngực.

Chưa làm nên sự nghiệp với đời nên thẹn cùng sách và kiếm.

Há không mong trở về; nhưng về lúc này hẳn là ngại với bạn bè.

Nhà quan qua mùa thu, kinh sợ cho năm đã quá xế

Trên nóc chùa đã đầy tuyết, nhưng không biết rủ ai cùng lên đó.

Tưởng chừng em hẳn ngồi đọc kinh Dịch bên cửa sổ mái tây.

Lúc đó, dù xe ngựa có đến gõ cửa, hẳn là không đáp lại.

 

5.

 

Cuối năm Nhâm Dần, bấy giờ Ông đang công tác tại Kỳ Dương; lúc mọi người đang sửa soạn ngày tết, nhớ nhà, Ông làm ba bài thơ gửi Tử Do: Quĩ tuế, Biệt tuế Thủ tuế. Đây trích một bài. Phong tuc ở đất Tây Thục, quê của ông, cuối năm người ta tặng đồ ăn cho nhau gọi là “quĩ tuế”; mang rượu và thức ăn tặng nhau thì gọi là “biệt tuế”; kể từ đêm trừ tịch cho đến rạng ngày nguyên đán mà không ngủ, gọi là “thủ tuế”, thức đêm để canh chừng một năm cũ rắp qua và một năm mới sắp đến.

Thủ pháp già dặn và lời thơ điềm đạm, tạo cho thành một khí vị rất cổ kính. Cái đó không những phản ảnh một nỗi nhớ, hoài vọng quê hương, mà còn phản ảnh cái ray rứt kỳ lạ của ngày tháng trôi đi biền biệt. Cảnh đưa đón cuối năm, coi cũng có vẻ tấp nập, nhưng không che dấu nổi cái lạnh nhạt: nhà quan thì vắng bóng những người bạn cũ, mà làng xóm thì nhộn nhịp chờ đón những ngày mới sẽ đến. Tình dù có, cũng bằng không. mấy câu thơ cuối trong bài “Quĩ tuế”

Quan cư cố nhân thiểu

Lý hạng giai tiết quá

Diệc dục cử hương phong

Độc xướng vô nhân họa

 

Nhà quan người thưa bóng

Thôn ấp rộn ngày vui

Quê cũ tình dẫu đượm

Tình riêng nói với ai

Năm cũ sắp qua đi qua, như một con rắn đang chui vào lỗ, làm sao bắt nó lại? Nắm lấy đuôi, cũng bằng vô dụng. ngày tháng trôi đi như con rắn trườn đi; cái hoài vọng ở đó quả khắc nghiệt và độc hại.

BIỆT TUẾ

 

 

Cố nhân thích thiên lý

Lâm biệt phượng trì trì

Nhân hành do khả phục

Tuế hành na khả truy

Văn tuế an sở chi

Viễn tại thiên nhất nha

Dĩ trục đông lưu thủy

Phó hải qui vô thì

Đông lân tửu sơ thục

Tây xá trệ diệc phì

Thả vị nhất nhật hoan

Ủy thử cùng niên bi

Vật sai cựu tuế biệt

Hành dữ tân niên từ

Khứ khứ vật hồi cố

Hoàn quân lão dữ suy

别岁

故人适千里,

临别尚迟迟。
人行犹可复,

岁行那可追。
问岁安所之,

远在天一涯。
已逐东流水,

赴海归无时。
东邻酒初熟,

西舍彘亦肥。
且为一日欢,

慰此穷年悲。
勿嗟旧岁别,

行与新岁辞。
去去勿回顾,

还君老与衰。

 

Cố nhân lên đường đi xa

Lúc chia tay vẫn còn bịn rịn

Người đi còn mong có ngày trở lại;

Năm tháng ra đi, làm sao đuổi theo kịp?

 

Hỏi thử, “năm” đi đâu?

Đi xa đến một ven trời nào?

Hay đã theo dòng nước chảy xuôi về đông,

Đổ vào biển và không bao giờ trở lại?

Xóm đông, rượu vừa chín;

Nhà mé tây, lợn nái cũng vừa mập thêm ra

Hãy cứ vui cho hết trọn một ngày

Để bù lại trọn một năm đầy sầu héo.

Đừng quên giã từ một năm cũ,

Và hãy để cho năm cũ giã từ năm mới.

Bảo nó hãy đi đi,

Đừng có quay đầu lại.

Gởi trả lại nó tuổi già và sức yếu kém.

 

6.

LÂU QUÁN[11]

Điểu thảo viên hô trú bế môn

Tịch liêu thùy thức Cổ hoàng tôn[12]

Thanh ngưu[13] cửu dĩ từ viên ách

Bạch hạc lai thời phỏng tử tôn

Sơn cận sóc phong xuy tích tuyết

Thiên hàn lạc nhật đạm cô thôn

Đạo nhân ưng quái du nhân chúng

Cấp tận giai tiền tỉnh thủy hồn

摟 觀

鳥 噪 猿 呼 晝 閉 門 ,

寂 寥 誰 識 古 皇 尊 。

青 牛 久 已 辭 轅 軛 ,

白 鶴 時 來 訪 子 孫 。

山 近 朔 風 吹 積 雪 ,

天 寒 落 日 淡 孤 村 。

道 人 應 怪 遊 人 眾 ,

汲 盡 階 前 井 水 渾 。

Ông tự dẫn: “Từ Thanh Bình trấn, chơi tại các nơi: Lâu quán, Ngũ quận, Đại tần, Diên sinh, Tiên du. Vừa đi vừa về hết 4 ngày, làm được 11 bài thơ gửi xá đệ Tử Do”

Khí vị của thơ là hoài cổ, phảng phất âm hưởng thời Đường; đặc biệt là nơi hai câu 5-6.

Chim gào vượn hú; ban ngày vẫn đóng cửa.

Đìu hiu vắng vẻ, ai biết ngài Cổ hoàng tôn đi đâu?

Con trâu xanh của ngài, từ lâu đã cởi bỏ cái ách, cái gọng;

Và bây giờ, con hạc trắng bay đến hỏi thăm con cháu.

Núi gần đó, gió bấc thổi tung những đống tuyết.

Trời lạnh, mặt trời ngã bóng nhạt trên xóm vắng.

Có lẽ đạo nhân lấy làm lạ, sao du khách đông thế!

Họ uống sạch hết cả một giếng nước phía trước sân.

 

7.

THỌ KINH ĐÀI[14]

Kiếm vũ hữu thần thông thảo thánh[15]

Hải sơn vô sự tác cầm công

Thử đài nhất lãm Tần xuyên[16] tiểu

Bất đãi truyền kinh ý dĩ không

 授 經臺  

剑舞有神通草聖, 

海山無事化琴工

此台一览秦川小

不待傳 經 意已空

 

Những ngọn cỏ với dáng dấp cao kỳ như Thánh, khi đong đưa, trông như những ngọn thần kiếm đang vũ lộng.

Núi và sông, nhàn rỗi vô sự, tự nhiên trở thành những tay thợ đàn.

Chỉ một lần nhìn thấy đài này rồi, cả một dãy Tần xuyên thành ra nhỏ bé.

Không phải đợi nghe được lời kinh, mà ý đã là không.

 

8.

THIỀN THƯỢNG TIỂU THI

 

Oa minh thanh thảo bạc

Thiền tháo thùy dương phố

Ngô hành diệc ngẫu nhiên

Cập thử tân quá vũ

船 上小 詩

 

蛙 鳴 青 草 泊 ,  

蟬 噪 垂 楊 浦 。

吾 行 亦 偶 然 ,

及 此 新 過 雨 。

 

Ếch kêu bên thanh thảo

Ve khóc bãi thùy dương

Ta đi cùng ngẫu nhĩ

Đến đó mưa qua đường.


 


[1] TẤN HUỆ Tấn Huệ đế, làm vua từ  290 -300, bị đầu độc mà chết. Sửa miếu lão Tử, là cốt ý muốn tìm học phép trường sinh. Rồi trường sinh và bất đắc kỳ tử: nghìn năm vẫn một nỗi đời

[2] TẦN HOÀNG Tần Thủy Hoàng, mộ phép trường sinh của Đạo gia. Nghe đồi ngoài khơi Đông hải có đảo Bồnt Lai của tiên, có thuốc trường sinh; cho đóng thuyền và sai bọn An Kỳ Sinh đi kiếm. Nhưng họ đi không về. Và cơ nghiệp đế vương của Tần Thủy hoàng cũng không lâu.

[3] ĐAN SA, BẠCH TRUẬT, các loại dược thảo làm thuốc luyện thuật trường sinh của đạo sĩ.

[4] CANH TANG. Canh Tang Sở, được nói đến trong thiên “Canh Tang Sở”. Nam hoa kinh của Trang Tử; ông là đệ tử đắc đạo của Lão Tử

[5] KỲ DƯƠNG, tên huyện ở phía đông huyện Phượng Tường. Ngày 20 tháng 9 năm Nhâm Dần, trời đổ tuyết nhẹ. Ông nhớ Tử Do, làm thơ

[6] ỐC LÔ THÂM, nhà tranh hun hút. Kỷ Hiểu Lam phê: ba chữ đó (tuyền thần). Ở đây bóng dáng Ông ẩn hiện trong  cái không khí u trầm, phảng phất tâm trạng mùa thu tóc trắng. trời lạnh, tiếng chày nghe như rộn rã, gấp rút, xua đuổi cái lạnh đi xa.

[7] ĐIÊU CỪU, Áo lạnh làm bằng lông con điêu. Tử điểu Thiều Chữu: Điêu là một loài chuột to như  con rái cá, đuôi to lông rậm dài hơn một tấc, sắc vàng và đen, sinh ở xứ rét, da nó làm áo mặc rất ấm, nên rất quí báu.

[8] GIANG THƯỢNG ĐỒNG CHÂU… Nhắc lại những ngày hai anh em cùng dong thuyền du lãm và làm thơ.

[9] TRỊNH TÂY PHÂN MÃ: Năm trước, hai anh em rẽ ngựa chia tay ngoài cửa tây thành Trịnh Châu.

[10] ĐÔNG SONG ĐỘC DỊCH: ngồi đọc kinh Dịch ở cánh cửa sổ dưới mái đông. Chỗ đó tỏ ý chờ đợi, và đọc Dịch tỏ chí lớn. Ở đây chỉ việc đang hoài bão chí lớn (Quản Ninh và Hoa Hâm cùng ngồi đọc sách. Xe ngựa đi ngang trước cửa, Hoa Hâm bỏ sách chạy ra xem. Từ đó Quản Ninh xẻ chiếu, dứt tình bạn vĩnh viễn)

[11] Lâu quán, xem chú dẫn ở trên

[12] Cổ hoàng tôn, chỉ Lão Tử (của Đạo gia). Ba chữ này làm cho cả bài thơ có tiết điệu và phong vận tiêu sái riêng của Ông. 

[13] Thanh ngưu , con trâu xanh. Tương truyền Lão Tử cưỡi con trâu xanh ra quan ngoại, sau khi viết để lại bộ “Đạo đức kinh” rồi đi mất.

[14] THỌ KINH ĐÀI, đài trao kinh. Ông tự chú: “Đó là một ngọn núi trong dãy Nam sơn chứ không phải là một cái đài được dựng lên”

[15] Thảo thánh, Thánh cỏ hay cỏ thánh; mô tả những ngọn cỏ đong đưa theo gió một cách tuyệt diệu. Nhưng cũng  chính từ cái Thảo thánh này làm cho bài thơ trầm trọng ra.

[16] Tần xuyên , một dãy đất Thiểm tây.

 

 

--- o0o --- 
 

Mục Lục | Phần1-1 | Phần 1-2

Phần 2-1 | Phần 2-2 | Phần 2-3 | Phần 2-4 | Phần 3

 

--- o0o --- 
 

Vi tính và trình bày:  Nhị Tường

Cập nhật: 01-10-2007

Nguồn: www.quangduc.com

Về danh mục

築地本願寺の年末恒例行事帰敬式 Bổ sung nhiều vitamin D gây tác dụng Cẩn thận với món chay giả thiện 心灵法门 L០lam the nao de khong tro thanh nan nhan tu nhung lịch sử phật giáo tây tạng ะกะพ ถ พ お墓の種類と選び方 牧牛 học niềm quà ๆ ภขง 多彩的活动作文六年级 4 阿宗白洛仁波切 白佛言 什么意思 Nên 佛语不杀生 ç½ åˆ¹å ³ ai cũng có một thời tuổi trẻ 圆顿教 士用果 สโตร ส รา Hoằng pháp ở vùng sâu vùng xa cũng nhận sân chơi lý thú của tuổi trẻ æ Æå dao xây dựng một xã hội nhân ái Phật giáo Khái niệm thời gian trong Phật giáo Vai trò ngôi chùatrong việcgiáo dục thanh เพรงดนต ฟ ä½ æ æ Ÿæƒ Mùa Vu lan đi ăn cỗ chay chùa Phụng thiếu vitamin b12 gây lão hóa tự kỷ ºº 彿日 不說 trà Š四十二章經全文 Nhóm Khai Tuệ tổ chức buffet chay xây 祖国的生日作文 doanh Thiền một con người bình thường