TIẾNG SƯ TỬ HỐNG
Giữa rừng già vô minh
Diệu
Trân
Những giòng chữ này, từ xúc cảm vô bờ khi được nghe giòng nhạc Trần Quan
Long viết từ thơ thiền-sư Thích Tuệ Sỹ. Nhạc sỹ TQL đã từng phổ nhiều
thơ đạo, thơ thiền của nhiều vị cao tăng, cư sỹ, thi sỹ và tôi đã từng
được nghe, nhưng với thơ của Thiền-sư Thích Tuệ Sỹ thì đây là lần đầu.
Và cũng là lần đầu tôi đang làm cái công việc mà từ hơn hai mươi năm
nay, đối với tôi là tối kỵ. Đó là việc nói về bạn mình! Tối kỵ, vì tự
thể việc nói về bạn bằng sự hài lòng thôi, cũng đã thường bị kết tội
ngay là “áo thụng vái nhau” trước khi được xét việc khen chê này đúng
hay sai. Tối kỵ, vì theo tinh thần Vô Ngã của nhà Phật, cái Ta phải bỏ
mới mong thấy được Người; thấy được người rồi phải bỏ luôn mới đạt cái
Không. Đã biết thế, sao tôi lại đang làm cái việc chẳng nên làm này ???
Tôi hiểu rằng ngôn ngữ vốn vong thân nhưng cũng không thể phủ nhận đó là
một, trong những phương tiện để chúng ta tìm nhau, thấy nhau. Thấy được
nhau rồi thì ngôn ngữ sẽ thành vô ngôn, như đã qua sông phải bỏ bè.
Thông thường, muốn chứng tỏ công tâm khi trình bày điều gì, chúng ta
thường mở đầu rằng “Khách quan mà nói ….” Nhưng ngay trong nhóm khách
quan đó đã có mình, tức là đã có chủ quan rồi ! Thế nên, có lẽ đúng
nhất, với những giòng này, chỉ là tôi ngỏ lời, xin được chia xẻ xúc cảm
của mình từ thơ Thiền sư Thích Tuệ Sỹ đã chắp cánh cùng nhạc Trần Quan
Long bay vào cõi bao la, không phải chỉ ở cõi Đạo, cõi Thiền mà còn ngay
nơi cõi Ta Bà khổ nhục này nữa. Nguồn xúc cảm đang cuồn cuộn trong tôi
không ở sự khen, chê, hay, dở mà là nguồn kỳ diệu hình như từ triền non
cao, từ thác lũ, từ giòng suối êm hay từ vực sâu thăm thẳm, tôi không
biết nữa ! Xin hãy cho tôi chia xẻ như đã từng chia xẻ những bước chập
chững trên hành trình tìm về Trung Đạo.
Thi phẩm “Giấc Mơ Trường Sơn” của Thiền-sư Thích Tuệ Sỹ là hình ảnh và
âm thanh Tiếng Sư Tử Hống giữa rừng già vô minh. Bẩy bài thơ chọn
lọc từ thi phẩm này vừa chắp cánh. Vâng, thơ đã cùng với nhạc mà chắp
cánh. Giòng thơ nhạc này không chỉ cùng tôi ở góc bếp, ngoài vườn, trong
thành phố, trên xa lộ …v….v…. mà còn ở lúc tụng kinh, khi ngồi thiền,
lúc mặt trời lên, khi trăng sáng, lúc chiều xuống, khi đêm thanh, lúc
tỉnh, khi mộng, lúc vui, khi buồn …… Giòng thơ nhạc này tôi không chỉ
“nghe” qua âm thanh mà tôi “nghe” thấy ngay trong tĩnh lặng. Tôi đã tự
kiểm chứng nhiều lần, trong đêm im vắng, cùng với trăng khuya, giòng
symphony 4/4 ở cung La Thứ bất chợt chuyển qua 3/4 ở cung La Trưởng đã
quằn quại cùng những câu thơ:
“Ngày mai sư xuống núi
Áo mỏng sờn đôi vai
Chuỗi hạt mòn năm tháng
Hương trầm lỡ cuộc say …..”
Tôi không biết đâu là thơ, đâu là nhạc nữa khi ngay nơi bóng trăng xuyên
qua khung cửa cũng như nghe được mênh mang tiếng vĩ cầm vút cao chở lời
thơ uất nghẹn
“…Cho hết đêm hè trông bóng ma
Tàn thu khói mộng trắng Ngân hà
Trời không ngưng gió chờ sương đọng
Nhưng mấy nghìn sau ố nhạt nhòa …”
Hay tiếng dương cầm thánh thót quyện vào âm thanh hồ cầm trầm thống khi
cùng với thơ:
“…Đếm tóc bạc tuổi đời chưa đủ
Bụi đường dài gót mỏi đi quanh
Giờ ngó lại, bốn vách tường ủ rũ
Suối rừng xa ngược nước xuôi ngàn ..”
Và hầu như lần nào tôi cũng cảm nhận lòng mình đang âm thầm lệ chảy khi
tiếng mõ nhẫn nhục hòa trong giòng vĩ cầm mà tụng những câu:
“… Quân hành đạp nát tà dương
Khúc ca du tử bẽ bàng trên môi
Tình chung không trả thù người
Khuất thân cho trọn một đời luân lưu …”
Giòng nhạc, vẫn như lời kinh, ngay cả khi chuyên chở những câu:
“… Tôi vẫn đợi suốt đời quên sóng vỗ
Quên những người xuôi ngược Thái Bình Dương
Người ở lại giữa lòng tay bạo chúa
Cọng lau gầy trĩu nặng ánh tà dương…”
Cũng như thế, tiếng vĩ cầm quấn quýt âm thanh vi vút của sáo, dồn dập
nhịp 4/4 ở cung La Trưởng như tải trên vai hết những đau thương của thơ
rồi bất ngờ tiếng Oboe thổi trầm buồn ở những nốt nhạc thấp mang tinh
thần tâm từ bi độ lượng:
“…Ngõ vào qua khóm trúc
Cửa khép vượt đường mây
Tá túc trăng hờn nhện
Nghiêng nghiêng áo lụa dài
Trúc già ngọn phơi phới
Trời hận tuôn mưa rào
Nặng trĩu tình tơ nước
Trúc già lặng cúi đầu”
Nhịp luân vũ 3/4 thường được người viết nhạc xử dụng để diễn tả sự mênh
mang, diễm lệ nhưng ở đây, bản nhạc cuối trong CD Tuệ Ca viết từ bài thơ
mang tựa đề “Bài Ca Cuối Cùng” lại dùng nhịp chẻ, cung Mi Thứ là cung
bực nức nở, nghẹn ngào, tiếng đàn Harp rơi hững hờ giữa giòng vĩ cầm
xoáy buốt như không gì ngăn nổi cuồng lưu từ những lời thơ máu lệ:
“Chim trời xếp cánh
Hát vu vơ mấy tiếng trong lồng
Nhớ mãi rừng cây thăm thẳm
Ủ tâm tư cho hạt thóc cay nồng
Rát bỏng với nỗi hờn khổ nhục
Nó nhịn ăn
Rồi chết gục …”
Tôi không biết nhạc ! Có lẽ vì thế mà tôi biết nghe (theo luật bù trừ cổ
nhân thường nói). Tôi trân trọng cảm tạ người thơ, Thi-sỹ Thiền-sư Thích
Tuệ Sỹ và người nhạc, nhạc sỹ Trần Quan Long, trong cơ duyên nhiệm mầu
nào đã cho đời một tặng phẩm. Người đầu tiên được hưởng là tôi (cũng do
cơ duyên kỳ diệu), tôi cảm thấy rất rõ là mình sẽ có tội khi giữ tặng
phẩm này cho riêng mình. Vì thế, qua không gian bao la, tôi hướng về
trời Nam đảnh lễ Thượng Tọa Thiền sư Thích Tuệ Sỹ, và nơi đây, dưới
khung trời Tự Do, với nhạc sỹ Trần Quan Long, tôi xin phép hai vị cho
tôi được thực hiện tặng phẩm này dưới dạng thức CD mang một danh xưng
đúng nghĩa nhất: TUỆ CA.
Với chúng tôi, đây là một tặng phẩm. Vâng, TUỆ CA sẽ là một tặng phẩm
nên chư liệt vị nào muốn nhận, xin chỉ gửi cước phí về chúng tôi qua:
“Gió Đông 13602 Brazo Rd, La Mirada Ca 90638 USA”, tặng phẩm sẽ đến tay
quý vị.
Cuối cùng, trên tất cả nghĩa và vô nghĩa của nhân gian chỉ còn một điều
vô hình, vô tướng, vô thanh, mà là tất cả.
Đó là Trí Tuệ Bát Nhã.
Vô vàn trang kính
Diệu Trân
Tháng tư 2005
---o0o---
Cập nhật: 01-05-2005