Thơ - Chim thuyết pháp.

.

 

              

CHIM THUYẾT PHÁP

Diệu Trân

Đất lành, chim đậu.

Đất vườn sau nhà tôi chẳng biết có lành không nhưng rất nhiều chim thăm viếng. Từ giống hummingbird nhỏ xíu, giống sẻ hiền lành, tới oanh, yến và cả những con cu đất lông đen mượt, lớn hơn những loài kia nhưng lại nhát như cáy ! Không biết ở những nơi khác chúng có đánh nhau hay không nhưng khi đến vườn sau nhà tôi thì tuy khác giống, chúng đều có vẻ rất “biết điều”. Con nào hót cứ hót, con nào đậu bên cạnh rỉa lông cứ rỉa lông. Con đang hót không bất mãn “Tôi hót hay như thế, anh không biết thưởng thức mà đứng rỉa lông ! Đàn gẩy tai trâu hả ?”. Ngược lại, con đang rỉa lông cũng không phiền “Tôi đang bận rộn chải đầu rũ áo, anh đi chỗ khác hát hò được không ?”

Khi tôi rải cơm nguội trên bờ tường thì đám sẻ bao giờ cũng xà xuống trước nhất. Chúng rất lịch sự, con tới trước ăn trước, con tới sau ăn sau, kiên nhẫn xếp hàng như người Mỹ vậy. Oanh và yến thì chê cơm, chờ tôi rắc hột ở vườn rau, bên hông hồ sen. Chỉ có đám cu đất là ăn tạp, bánh trái gì còn dư tôi thảy ra bãi cỏ hay trên mái nhà là chúng gọi nhau thanh toán ngay.

 

Đất nơi đây không chỉ lành với chim mà có lẽ lành cả với tôi vì từ khi lưu lạc xứ người, căn nhà này là nơi tôi “đậu” lâu nhất, gần hai mươi năm rồi. Cứ cho như thế là lành đi ! Vì “đậu” lâu nên có những hàng cây trồng từ hột, vừa nhú mầm lên khỏi mặt đất, chúng đã nhìn thấy tôi. Chúng tôi thấy nhau, tưởng như tình cờ (nhưng vạn hữu mầu nhiệm này làm gì có tình cờ, phải từ những duyên ngầm mới thấy được bằng mắt ưa phân biệt, bằng tâm ưa lý luận).

Không chỉ những hàng cây mà những bờ cỏ, những viên sỏi, những ụ đất ...... Tôi biết chúng và chúng biết tôi rất rõ, có khi biết hơn cả những người tưởng là thân yêu, ruột thịt ! Nghe có vẻ hơi cay đắng nhưng bình tâm một chút thì thấy sự thật này rất khách quan. Vì sao ư? Vì giữa tôi và chim muông, cây cỏ có đòi hỏi gì nhau đâu! Nghĩ đến nhau thì tử tế với nhau, không thì cũng chẳng ai trách ai! Vì không đòi hỏi nhau, ta mới có nhau một cách nhẹ nhàng hơn, dễ chịu hơn, thân thiện hơn.

Thế giới của chúng tôi ở nơi “đất lành” này, vì thế mà tương đối êm đềm.

 

Nơi đây, tôi thích mùa hè hơn mùa đông vì nắng ấm tôi có thể thơ thẩn ngoài vườn nhiều hơn trong nhà. Thường thì buổi sáng, rải thức ăn cho chim và rắc bỏng cho cá xong, tôi đãi mình một ly cà phê hoặc trà xanh; rồi ôm một, trong những cuốn sách đang đọc dở (vì tật tham lam, lúc nào tôi cũng có những cuốn sách đang đọc dở) ra ghế xích đu dưới gốc bưởi ngồi đọc. Thế là đủ thấy Thiên Thai, cần gì phải “lạc lối” mới tới được Thiên Thai như hai ông Lưu Nguyễn vớ vẩn nào đó !

Cũng từ những sinh hoạt thầm lặng với vạn hữu nơi đất lành này mà thỉnh thoảng tôi may mắn bắt gặp những “tia chớp cảm xúc”. Tôi gọi là những tia chớp, vì cảm xúc khi có, đều tới rất mạnh và qua rất nhanh. Sau đó, tôi thường ngồi thừ ra, chảy nước mắt vì cảm động. Chẳng hạn như, trong Kinh A Di Đà, tôi đã tụng ngàn lần câu:

“ Phục thứ Xá Lợi Phất! Bỉ quốc thường hữu chủng chủng kỳ diệu, tạp sắc chi điểu: Bạch-hạc, Khổng-tước, Anh-võ, Xá-lợi, Ca-lăng-tần-già, Cộng-mạng chi điểu, thị chư chúng điểu, trú dạ lục thời, xuất hòa nhã âm, kỳ âm diễn xướng: ngũ căn, ngũ lực, thất bồ đề phần, bát thánh đạo phần, như thị đẳng pháp, kỳ độ chúng sanh, văn thị âm dĩ giai tất niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng”

Vì tụng nhiều lần, tôi đã thuộc lòng. Chính sự thuộc lòng này là con dao hai lưỡi; nghĩa là thuộc, nên miệng nhanh nhẹn đọc lên mà tâm chưa đọc kịp ! Nếu tôi sớm đọc được bằng tâm thì ngay đoạn kinh này cũng đã quá đủ để kẻ vô minh như tôi nhận ra là tôi đang được sống trong cõi Cực Lạc của Phật A Di Đà. Ngay nơi đây, ngay nơi “đất lành chim đậu” này chứ có phải phương Đông, Tây, Nam, Bắc nào đâu !

 

Sau khi làm lễ cầu siệu tuần thứ tư cho Mẹ, từ chùa về, tôi ra vườn ngồi.

Không đọc sách,

Không uống trà.

Chỉ ngồi im như pho tượng.

Trong im lắng cả thân và tâm ấy, tôi nghe thấy tiếng chim. Tiếng chim ư? Chắc chắn là thế. Tôi đã từng nghe tiếng chúng gần hai mươi năm nay rồi mà. Chúng đang trên cành bưởi, cành trúc kia ! Những chiếc mỏ nhỏ xíu đang ríu rít làm lay động lá trúc, làm ngạt ngào hương bưởi. Hôm nay chúng hót rất dịu dàng, trầm bổng như một ban hợp xướng đang chăm chú theo một giòng nhạc nào. Rồi tiếng chúng bỗng nhỏ dần .... và ngưng. Không gian bỗng vút lên âm thanh trong trẻo và réo rắt của giòng nhạc khác ! A ! đó là cặp chim yến vừa ghé cánh trên khóm quỳnh lan. Chúng chờ đám sẻ im tiếng mới cất giọng hót, hay là tất cả đã cùng nhau tập dượt bản hợp xướng này? Bản hợp xướng này là gì mà có thể khiến người-thính-giả-tình- cờ cảm thấy như có giòng suối mật chảy lan trên từng tế bào? Ôi, thật là ngọt ngào! Thật là trong! Thật là mát! Thật là kỳ diệu! Thật là từ bi! Thật là ... bất khả tư nghì! Thính giả mơ màng nghe thấy đâu đây:

“Này Xá Lợi Phất, ở nước Cực Lạc của Phật A Di Đà thường có những loài chim mầu sắc xinh đẹp như Hạc-trắng, Khổng-tước, Anh-võ, Ca-lăng-tần-già, Cộng-mạng. Những giống chim đó ngày đêm sáu thời, thường hót lên tiếng hót thanh tao, diễn xướng các pháp môn như ngũ căn, ngũ lực, thất bồ đề phần, bát thánh đạo phần v...v... khiến người nghe được những âm thanh ấy đều khởi lòng niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng”.

Đó là đoạn văn kinh chữ Hán mà tôi đã thuộc lòng, đã tụng bằng miệng mà chưa từng bằng tâm. Giờ phút này, tâm tôi đang khởi lên rọ ràng từng nét chữ Việt.

Từ đâu vậy ?

 

Ôi, cám ơn MẸ.

Có phải Mẹ vừa sàng sẩy những ưu phiền, buồn bã trong con, để con nghe được tiếng CHIM THUYẾT PHÁP?

Vẫn bầy chim nơi vườn sau.

Vẫn những tiếng hót ấy

Vẫn lá trúc lay.

Vẫn bông hoa nở.

Nhưng Mẹ ơi, bằng tâm không ô nhiễm, con đang ở đất Phật.

Chim đang thuyết Pháp.

Gió đang hòa nhạc.

Con chắc chắn đang được nghe chim thuyết Pháp vì chỉ những lời pháp diệu âm mới chan hòa ánh sáng Vô Lượng Quang và cho con những lạc thọ vô biên này. Mẹ đã từng dạy con “Nếu biết nhìn sâu sắc thì vạn hữu, muôn loài đều có ứng thân và pháp thân. Ứng thân là thân hiện hữu nơi cõi ta-bà, nhin thấy được bằng nhãn căn. Pháp thân là biểu hiện nhiệm mầu mà khi tâm đạt tới thể trong sáng nguyên thủy thì ta sẽ cảm nhận được. Sự cảm nhận này là kinh nghiệm của từng cá nhân, không ai diễn tả lại cho ai mà cảm được”

Ôi, Mẹ nói khó hiểu thế, con nghe rồi, và cũng tưởng đã quên rồi. Có ngờ đâu, lời Mẹ là những hạt bồ-đề gieo xuống ruộng-tâm-con đầy cỏ dại. Một lúc nào tỉnh ngộ, gắng công khai quang thì hạt lành ấy có cơ duyên nẩy mầm, phải không Mẹ?

 

Tôi thầm hứa với Mẹ là tôi sẽ gắng, để sau bốn mươi chín ngày, Mẹ tôi có thể tạm yên tâm về đứa con vô minh này, mà siêu thoát.

 

Hỡi bầy chim thân yêu ngoài vườn sau, các bạn không cần phải mang những tên gọi đẹp đẽ như Bạch-hạc, Khổng-tước, Anh-vũ, Xá-lợi, Ca-lăng-tần-già ..... nhưng tôi cũng đã nghe được các bạn thuyết pháp rồi. Còn các bạn, có cảm nhận được sự biết ơn của tôi không? Ồ, tôi lại hỏi một câu vô minh nữa! Vạn hữu mênh mông, các bạn có cánh, tôi có chân và chúng ta cùng có tự do. Nếu không thuận hòa, giao cảm được với nhau thì ai trói buộc chúng ta vẫn ở cùng nhau chứ! Sự giao cảm này còn gì khác hơn là điều chúng ta đã từng cùng nghe lời Đức Phật Thích Ca Mâu Ni tuyên thuyết trong Pháp-hội Liên-Trì:

“Xá Lợi Phất! Ngã kiến thị lợi, cố thuyết thử ngôn, nhược hữu chúng sanh văn thị thuyết giả, ưng đương phát nguyện, sanh bỉ quốc độ”.

Câu kinh đó, ngôn ngữ nước tôi dịch là thế này: “Xá Lợi Phất! Vì thấy được sự ích lơi lớn lao khi sanh về cõi nước Cực Lạc nên nay ta bảo quý vị rằng, những ai đang nghe ta nói đây, hãy nên phát nguyện sanh về cõi nước ấy”.

Còn tiếng của giống chim các bạn thì dịch ra sao? Các bạn cất tiếng đi, thế nào tôi cũng nghe và hiểu được mà.

 

Diệu Trân

(Chớm thu 2006)

---o0o---

 

Cập nhật: 01-07-2006

 

Nguồn: www.quangduc.com

Về danh mục

地藏菩薩聖號三萬遍 描写家乡的桥的句子 æˆ å šæ ç ºä ç Ÿå æœ Giai thoại văn sử cổ Việt Nam Phật 离开娑婆世界 PhẠt dẠy visakha thích chơn 腳底筋膜炎治療 phước ด หน ง A Cười GiẠc 潮阳菩提禅寺 Vu lan nhớ mẹ 佛教与佛教中国化 藏红色 大法寺 愛西市 云南省拆除水箱套什么定额 オンライン坐禅会 长寿和尚 伊人已逝 末法时代 tinh xa ngoc quang phà Pho tượng như người thật ở chùa Quán لالبللاىخهمء لاىىلا ر একব র 大一学期改进措施与下学期计划 八卦山圖書館 vườn 18 ะกะพถพ tín แจก sai ต วเต ม 仏壇の線香の位置 î ï åœ 少先队大队部工作计划 ä çœŸæ³ ç Œ học phật 积极向上的名言警句 พระพ ทธศ ลปาว 阿宗白洛仁波切 白佛言 什么意思 护法 ChẠy