Riêng đối với
đạo Phật và dòng sử Việt, công nghiệp của Vua Trần Thái Tông thật là
to lớn. Ngoài việc in kinh, xây chùa, tô tượng, đúc chuông; về diện
văn hóa, Vua đã viết khóa Hư Lục, một kiệt tác phẩm của nền văn học
Phật giáo dân tộc, thế kỷ XIII. Sách gồm ba quyển Thượng, Trung, Hạ,
viết theo thể văn biền ngẫu bằng Hán tự, một lối văn rất khó viết, ở
người cầm bút phải có một trình độ học vấn uyên bác mới dám sử dụng
tới. Về nội dung cuốn sách tác giả trình bày những tư tưởng triết lý
đại thừa Phật giáo nhằm mục đích tự thức tỉnh và đồng thời có tính
cách giáo dục quần chúng, nói lên niềm thao thức khổ đau cùng sự
giác ngộ của một người có trách nhiệm với mình, với đời và với đồng
bào, nhân loại.
Tác giả, sau
bao năm đối diện với những dằn vặt khổ đau ray rứt của tự thân. Năm
Vua lên hai mươi tuổi, Hoàng Hậu là Chiêu Thánh ( Lý Chiêu Hoàng)
mới mười chín tuổi, chỉ vì muộn có con, Trần Thủ Ðộ bắt ép Vua phải
bỏ Chiêu Thánh để lấy người chị dâu đã có mang ba tháng là Thuận
Thiên, vợ của anh mình, tức Trần Liễu. Có lẽ Trần Thủ Ðộ muốn Vua có
con ngay để sau này nối nghiệp nhà Trần. Hiển nhiên là Vua đã kịch
liệt phản đối việc làm trái lễ giáo này của Trần Thủ Ðộ. Nhưng uy
quyền của ông ta quá lớn. Vua đành nhẫn nhục đau khổ, chịu đựng.
Người con trai hai mươi tuổi mới lớn lên, lòng mang nặng một nổi
buồn u ẩn, Vua đã nhất quyết bỏ ngai vàng ra đi, tìm lên núi Yên Tử,
và xin ở lại đó để tu học Phật pháp hầu tìm ra một lối thoát cho tâm
tư uất nghẹn, khổ đau; mặt khác, đứng trước tình cảnh rối bời của
đất nước lúc bấy giờ, tuy tâm tư Vua chưa nguôi nỗi đau buồn, do
người chú họ Trần Thủ Ðộ gây ra, nhưng trên cương vị một người lãnh
đạo quốc gia, Vua không thể nhất đán phủi tay, buông xuôi, bỏ mặc
cho vận nước nổi trôi... Và nhất là van nài trước sự khẩn thiết của
Trần Thủ Ðộ: “ Xin Bệ hạ nghĩ đến trăm họ. Lòng dân như hoa hướng
dương, luôn hướng về nẻo mặt trời mọc, là Bệ hạ. Vậy xin Bệ hạ gấp
hồi loan”. Vua cảm động, rươm rướm nước mắt rồi cùng các quan trở về
kinh sư, gượng lên ngôi báu. Trong 33 năm trị vì Vua đã làm tròn sứ
mệnh của một đấng quân vương, hết lòng lo sửa sang việc nước; bên
trong, bình trị nội loạn; phía ngoài, dẹp yên xâm lăng. Nhờ vậy mà
toàn dân được sống an vui hạnh phúc.
Với trí sáng
như mặt trời và với lòng thì rộng như biển cả, Vua quả là một vị A
la hán, một vị đại Bồ tát thị hiện ở Việt Nam để cứu nước Việt Nam.
Nên sau khi đã hoàn thành sự nghiệp cứu nước, Vua nhường ngôi cho
con là Trần Hoảng tức là Trần Thánh Tông. Chắc chắn sau đấy vua có
nhiều thì giờ rảnh rỗi để dành hết tâm tư vào việc tu niệm, và viết
sách truyền lại cho đời.
Tất cả nổi
thao thức khổ đau đối với bản thân, đối với cuộc đời, và với lòng từ
bi thương xót chúng sanh, vì u mê tạo nghiệp xấu ác, nên phải luân
hồi chìm đắm trong ba cõi, sáu ngã. Do những ý nghĩa ấy, tác giả đã
viết khóa Hư lục, trước hết là để tự thức tỉnh mình trên đường tu
niệm và thực hành, nhằm thanh lọc sáu quan năng, mong đạt đến chỗ “
lục căn viên thông”, tức là chứng thánh quả, đồng thời khuyên mọi
người hướng tâm lên đức Phật từ bi cao cả và hãy học hỏi giáo lý vô
thượng của Ngài, và lấy đó làm chiếc bè đưa ta qua sông mê, tới bờ
giác.
Trước hết ta
tìm về hai chữ “ Khóa Hư”. Chữ Khóa ( trong khóa Hư Lục),
theo Hán tự, có nghĩa là bài học dạy về cách thức tu trì đúng chính
Pháp. Chữ Hư, nghĩa là rỗng lặng, tâm luôn luôn thức tỉnh,
không chấp vào hình tướng, sự vật một cách giáo điều, cố định. Khóa
tượng trưng tinh thần hữu vi, minh chánh, quả quyết. Hư, tượng trưng
tinh thần vô vi, lồng trong một ý nghĩa: Vạn hữu chuyển biến, khổ,
không, vô thường, vô ngã, hiểu được lẽ sanh hóa của vũ trụ vạn hữu,
là đi vào cõi niết bàn, bất sanh bất diệt, là chứng đạo, đạt tới
trạng thái chân lý tối cao: Phật đà.
Bây giờ chúng
ta hãy đi vào nội dung tác phẩm quyển Thượng:
-
Lời tựa.
-
Tứ Sơn kệ, và những bài bình giải về cảnh sanh, già, ốm,
chết.
-
Phổ thuyết Sắc thân, tức nói về thân phận con người trước
cuộc đời.
-
Khuyến phát bồ đề tâm( khuyên mọi người phát lòng bồ đề).
Lời Tựa
“Xét đến ngọn
nguồn thì tứ đại vốn không, ngũ uẩn( cũng) chẳng có. Do không khởi
vọng, vọng thành sắc; sắc có vốn tự không. Bởi vọng theo không,
không hiển vọng; vọng sanh các sắc. (Một khí) Ðã trái với lẽ không
sanh không hóa, nên vạn hữu mới có hóa có sanh- nếu không sanh hóa
thời không hóa, không sanh. Vì có hóa sanh nên có sanh, có hóa- hoặc
sanh thánh, hiền khôn, dại, hoặc sanh lông, cánh, vảy, sừng đắm ở
bến mê hoài, lênh đênh trong bể khổ mãi. Lờ mờ mù mịt, nào có biết
chi; Luống cuống luồng cuồng, không sao tỉnh được. Thảy đều do phóng
túng cái tâm đi, không một ai hay quay đầu trở lại. Mặc kệ(cho) đi
lại sáu đường; lên xuống bốn núi. Bốn núi là gì? Tức là sanh, già,
bệnh, chết vậy.
Hãy xin bàn rõ
bốn núi, để cho sau này cùng noi”
Bài kệ bốn núi
Tứ sơn kiêu
bích vạn thanh tùng
Liễu ngộ đô vô
vạn vật không
Hỹ đắc lư nhi
tam cước tại
Mạch kỵ đã sấn
thượng cao phong
Rừng cây bốn
núi xanh xanh biếc
Vạn vật nhìn
chung chẳng thực nào
Vui tạm “ lừa
con ba vó gác”
Gắng lên thẳng
tới đỉnh non cao.
Bài kệ trên
ngụ ý diễn tả bốn núi ví với bốn tướng ( Sanh, Già, Ốm, Chết) mà mọi
sanh vật đều không tránh khỏi. Khi một sanh vật sanh ra đời có nghĩa
là sanh vật đó đã thoát được một tướng sanh,( nói cách khác; Nếu
không sanh, làm gì có già, ốm, và chết, ví như con lừa lúc nằm giấu
kín một chân); nhưng còn ba tướng kia, tức già, ốm, chết, nó luôn
luôn rình rập, định cướp đoạt sanh mệnh của mỗi loài... biết rằng;
Mỗi loài hiện hữu trên cõi đời này là do nhân duyên sinh, nên ch1ng
lu6n mang trong mình cái lẽ dời đổi, khổ đau, vô thường, vô ngã. Sự
tu của con người ta vốn thường hay lười biếng, khác nào con lừa bản
tính nó chậm chạp- muốn cho nó leo núi thì phải thúc dục nó đi mau.
Cũng như người tu hành phải tử công phu lắm mới mong
chứng được đạo quả....( Lược).
Tác giả sách
khóa Hư Lục đã thống thiết nói cho ta rõ về bốn nỗi khổ; Sanh, Già,
Ốm, Chết của một kiếp người. Thật vậy, không một đứa trẻ nào lúc mới
ra chào đời mà không khóc. Khóc là sự báo hiệu một sự nhận chịu nỗi
khổ đau ở đời, một khi con người đã mang lấy nghiệp vào thân. Con
người từ khi sanh ra, lớn lên và sống trong một khoảng thời gian dài
ngắn không nhất định; cuối cùng bao giờ cũng đi đến cái chết, dù(
người ấy) là trai hay gái, da vàng, da trắng, da đen, thông minh hay
ngu tối, đẹp, xấu, sang hèn, giàu, nghèo... tuy có khác nhau về hình
thể nhưng trên danh nghĩa mọi con người đều gọi chung bằng một chữ “
Người”. Ðức Phật dạy:” Con người vốn có Phật tánh và có khả năng
thành Phật”. Có điều Phật tánh ấy hiển lộ- khi con người nghĩ và làm
điều thiện- hay bị mờ- khi con người nghĩ và làm việc ác- chỉ khác
nhau giữa hai tuyến Mê và Ngộ. Con người, theo đạo Phật, thường được
đề cao một cách toàn triệt, vì con người có năng lực trí tuệ bén
nhạy hơn hẳn muôn loài vạn vật; mà các sanh vật khác chúng
thường sống theo bản năng. Do đó, con người có thể tiến hóa để trở
nên những nhà bác học, vĩ nhân, hiền triết, bậc thánh, và cũng rất
dễ thụt lùi, sa ngã, đắm chìm trong ba ngã, sáu đường để nhận lấy
cái nghiệp hoặc “thiện” hoặc” ác” do chính mỗi người đã tạo từ kiếp
trước hay kiếp này và liên hệ ở kiếp mai sau. Nói cách khác, “ loài
người có thể tiến hóa đi lên, nhưng cũng rất có nguy cơ bị đào thải,
vì không có gì bảo đảm rằng loài người tất yếu tiến hóa tốt”.
|