Thơ - Chị có hạnh phúc không ?

.

           

 

CHỊ CÓ HẠNH PHÚC KHÔNG?

Diệu Trân

 

Sau hơn ba mươi năm xa cách, khi gặp lại, câu đầu tiên cậu em trai hỏi tôi là: “Chị có hạnh phúc không?”

Tôi im lặng, mỉm cười.

Một vài giây trôi qua. Cậu cầm lấy tay tôi, nhìn sâu vào mắt tôi, giọng nhỏ hơn, đầy trắc ẩn, và lập lại: “Chị có hạnh phúc không?”

Bấy giờ tôi mới biết, sự im lặng mỉm cười không phải là câu trả lời cho cậu; mà tệ hơn nữa, nếu đó là câu trả lời thì đã bị hiểu lầm là cách trả lời tiêu cực cho một trạng huống không mấy sáng sủa!

Nhận ra thế, tôi cười thành tiếng và xác định rõ ràng:

-Hạnh phúc ư? Có chứ! Có rất nhiều! Rất đầy! Vì lúc nào chị cũng có HIỆN TẠI, có cái mình đang nhìn-thấy, nghe-thấy, sống-với. Hạnh phúc luôn đến từ sáu cửa ngõ của giác quan, trong giây phút hiện tại. Chúng ta chỉ có hiện tại để thở, để sống. Nhận diện hiện tại qua tinh thần “Như Thị” của kinh Pháp Hoa, ta sẽ dễ dàng thân thiện với CHO và NHẬN, dễ dàng bằng lòng với CÓ và KHÔNG, dễ dàng thanh thản với CÒN và MẤT. Biết mỉm cười với hiện tại đang-như-vậy, đang-như-thế, đang-như-là, chính là ta đang chuyển hóa để thăng hoa hiện tại, ta sẽ không bị đắm chìm vào đam mê hoặc sầu khổ với những gì đang xảy ra quanh ta. Nếu không, hiện tại thường dễ  trở thành quá khứ u buồn vì tâm thế gian thường không mấy khi bằng lòng với cái mình có.

-Vậy, hạnh phúc của chị là những cái chị đang có?

-Đúng vậy, dù những cái đang có đó thế nào dưới mắt người khác, nhưng tự thân mỗi người, nếu biết quý trọng từng giây phút hiện tại thì mỗi giây phút đó đều là hạnh phúc.

-Nói như thế, nếu hiện tại là nghèo đói thì cũng hạnh phúc ư?

-Thật thế, nếu chúng ta có thể nhìn thật sâu, tự bản chất. Có bao giờ cậu có dịp quan sát một người vô gia cư ngồi ăn miếng bánh vừa nhặt được trong thùng rác của một nhà hàng bên đường không? Người ấy nâng miếng bánh lên. Nhìn. Xoay qua xoay lại rồi mới chậm rãi bỏ vào miệng. Nhai. Nhai chậm. Vừa nhai vừa nhìn giòng xe cộ qua lại. Nhai một cách sảng khoái, sung sướng. Người ấy vừa nhai, vừa mỉm cười với khách bộ hành. Người ấy muốn chia xẻ niềm hạnh phúc đích thực đang có từ mẩu bánh dư thừa. Vị quân vương ngồi trước mâm cơm sơn hào hải vị, có lẽ cũng chỉ ăn ngon đến thế, nếu khi đó lòng nhà vua đang thanh thản, an vui. Tất nhiên, giữa cương vị một nhà vua và một người vô gia cư thì phải khác quá nhiều về hình thức nhưng cái HẠNH PHÚC ĐÍCH THỰC NẮM BẮT ĐƯỢC TRONG GIÂY PHÚT HIỆN TẠI thì có thể như nhau, dù vua đang ở trong cung điện, ăn cao lương mỹ vị và người vô gia cư đang ngồi bên vệ đường ăn mẩu bánh thừa!

-Nếu ai cũng nhận biết giá trị của giây phút hiện tại để cùng có hạnh phúc như nhau, liệu người vô gia cư kia có muốn đổi cương vị làm vua nếu nhà vua muốn ẩn thân rong chơi đây đó ít lâu?

-Ồ, người đó bằng lòng đổi liền chứ! Đang không nhà lại có cung điện. Đang không thực phẩm lại có lúa gạo đầy kho. Đang rách rưới lại có lụa là nhung gấm đầy tủ. Đó là sự thay đổi thăng hoa về hình thức, chẳng phải chỉ người vô gia cư mà trong thiên hạ phong trần, ai chẳng muốn! Nhưng chúng ta đang nói về cái HẠNH PHÚC ĐÍCH THỰC TRONG TÂM LINH. Không có gì bảo đảm rằng người vô gia cư kia, sau khi vào cung điện còn THỰC SỰ được có những phút giây hạnh phúc như khi sống ở bên đường. Người ấy có thể dễ dàng đánh mất mình giữa choáng ngợp xa hoa. 

Có rất nhiều mà không biết có gì thì đó chưa phải là hạnh phúc.

Hai chị em cùng im lặng giây lát. Cậu bỗng nói sang chuyện khác, mà thực ra, vẫn để nói về cái hạnh phúc vô hình:

-Giữa năm 77, lần đầu tiên được thăm Ba trong tù. Đường đi cực nhọc lắm nên chỉ có má và em đi thôi. Gặp được Ba, ai cũng khóc! khóc! và khóc! Rồi Má mở gói quà thăm nuôi, có mấy bánh thuốc lào, hộp trà, mấy thẻ đường, lọ muối mè và nửa con vịt khô. Tay run run, Ba cầm gói thịt vịt, hết nhìn Má lại nhìn em. Mãi rồi Ba nghẹn ngào, hỏi nhỏ:

-Lâu nay ở nhà, mấy mẹ con, bà cháu ăn gì mà hôm nay có được gói thịt vịt mang vào đây?

Trời hỡi!  Ai vừa kéo tôi trôi tuột vào khung trời tôi chưa từng có mặt đó! Hoàng-Liên-Sơn hay Lào-Kay, Yên Bái? Những trại tù khắc nghiệt thử sức người với khổ nhục triền miên. Em tôi kể tiếp, giọng chùng xuống:

-Sau 75, cả nước vào tù. Người bị kết tội thì vào nhà tù nhỏ, người không phải ra tòa thì cùng ở nhà tù lớn. Đâu đâu cũng dấu diếm, thậm thụt, mắt trước mắt sau để tìm cách sống! Khổ lắm chị ơi! Rất khổ! Cả nước khổ! Nhưng không ai muốn tự tử vì người nọ cần người kia. Cả nước túa ra đường, bương trải, lao vào tử lộ để tìm sinh lộ. Khổ thật đó, nhưng trong cái khổ hình như thấp thoáng cái hạnh phúc vô giá khi kiếm được gạo, được khoai về cho lũ nhỏ. À, hình như em đang hiểu được lời chị nói về cái hạnh phúc tâm linh kia! Đúng đó, em đã từng hạnh phúc vô cùng sau mỗi chuyến hàng vượt qua được trạm kiểm soát. Mà có gì nhiều nhặn đâu, dăm thước vải, ít thuốc tây, mấy kí đường, bao gạo …. Nhưng giây phút hiện tại đó hạnh phúc vô cùng vì mình biết mình đang làm gì, có gì. Rồi trời thương, chị ơi, em vươn lên từ những chuyến hàng nhỏ nhặt đó, mua được cái máy hình, trở lại nghề tay trái là ôm ống kính tới những nơi quan quyền hội họp. Mấy năm thôi, em đã có cửa hàng và từ cửa hàng đó, em bốc lên.

Giọng cậu bỗng khác lạ khi nói tiếp:

-Chị không thể tưởng tượng được sự sung sướng thế nào khi em thuê mướn những đứa trước kia sỉ nhục, hành hạ mình; và nay, em sai phái chúng nó, xỉa tay vào mặt chúng nó, bảo làm cái này, cái kia, nghe chúng nó răm rắp vâng vâng, dạ dạ.

Tôi nhìn sững em mình, cố tìm mà không thấy được sự sung sướng nào còn đọng lại khi cậu diễn tả về những sự sung sướng “không thể tưởng tượng nổi”. Tôi không thấy được, có lẽ vì đó không đích thực là sự sung sướng thanh kiết của hạnh phúc. Đó chỉ là sự thỏa mãn của uất ức, chỉ là dấu mốc đạt được của sự trả thù. Trả thù những bất công, những oan trái, những nghiệt ngã giữa người với người. Kẻ trước kia ra tay, nay nhận lại. Người trước kia nhẫn nhịn, nay ra tay. Những trạng huống đó đến rồi đi. Đó là những cơn lốc, cơn bão. Không cơn lốc, cơn bão nào mà không qua đi.

Cái gì sẽ còn lại?

Cái gì mới là Chân Hạnh Phúc? 

Tự ngàn xưa, có phải nhân loại chưa từng ngừng miệt mài tìm kiếm cái hạnh phúc vô hình kia, dù người cao sang quyền quý hay kẻ nghèo hèn? Nó ở đâu? Nó thế nào? Tròn méo ra sao? Rất nhiều khi, ta tưởng như đã thấy nó, đã cầm chắc nó trong tay nhưng lòng ta chợt dấy lên đau khổ. Vậy là chưa phải nó! Ta TƯỞNG LÀ hạnh phúc! Nhưng chưa phải, nếu lòng ta chẳng bình an với cái “tưởng là”.

Chỉ phút giây trở về Bản Lai, sống với hiện tại mầu nhiệm ta mới  nghe thấy tiếng chim hót trong vườn. Đừng tưởng tiếng chim thì đơn giản quá, ai chẳng từng nghe! Không đâu, người tất bật sẽ chẳng bao giờ nghe được, dù chim vẫn ríu rít đó đây. Chim hót trong phút giây hiện tại mà tâm người thì đang lặn lội quá khứ, đuổi bắt  tương lai!  

Xin mượn lời của Helen Keller, một nhà văn Pháp, để chúng ta cùng suy ngẫm về hạnh phúc:

“J’ai pleuré parce que je n’avais pas de souliers, jusqu’au jour òu j’ai vu quelqu’un, qui n’avait pas de pieds!”

Tạm dịch là:

“Tôi đã từng khóc vì không có giầy để mang, cho đến một ngày, tôi nhìn thấy một người không có chân!”

 

Diệu Trân

(Như-Thị-Am, tháng ba 2007)

---o0o---

 

Cập nhật: 01-04-2007

 

Nguồn: www.quangduc.com

Về danh mục

地藏菩薩聖號三萬遍 描写家乡的桥的句子 æˆ å šæ ç ºä ç Ÿå æœ Giai thoại văn sử cổ Việt Nam Phật 离开娑婆世界 PhẠt dẠy visakha thích chơn 腳底筋膜炎治療 phước ด หน ง A Cười GiẠc 潮阳菩提禅寺 Vu lan nhớ mẹ 佛教与佛教中国化 藏红色 大法寺 愛西市 云南省拆除水箱套什么定额 オンライン坐禅会 长寿和尚 伊人已逝 末法时代 tinh xa ngoc quang phà Pho tượng như người thật ở chùa Quán لالبللاىخهمء لاىىلا ر একব র 大一学期改进措施与下学期计划 八卦山圖書館 vườn 18 ะกะพถพ tín แจก sai ต วเต ม 仏壇の線香の位置 î ï åœ 少先队大队部工作计划 ä çœŸæ³ ç Œ học phật 积极向上的名言警句 พระพ ทธศ ลปาว 阿宗白洛仁波切 白佛言 什么意思 护法 ChẠy