Thơ - Giá trị triết học tôn giáo trong truyện kiều.

.

 

Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam

Trường Cao Cấp Phật Học Việt Nam

TP Hồ Chí Minh

Khóa III (1993-1997)

 

GIÁ TRỊ TRIẾT HỌC TÔN GIÁO

TRONG TRUYỆN KIỀU

(Luận văn tốt nghiệp)

 

GSHD: Minh Chi

Ni sinh: Thích Nữ Huệ Nguyệt

 

 

Mục lục

 

Đôi dòng tri ân

 

A -  DẪN NHẬP

1) Mục đích và ý nghĩa của đề tài

2) Giới hạn phạm vi đề tài 

 

B -  NỘI DUNG

I) Các thuật ngữ được xử dụng trong truyện Kiều

II) Ðịnh luật vô thường hữu hạn của vũ trụ nhân sinh

III) Thuyết nghiệp báo biểu hiện trong truyện Kiều

IV) Thuyết Nhân Quả

V) Những vần thơ đầy đạo vị trong thi ca truyện Kiều

VI) Giáo lý Tứ Ðế

VII) Ý nghĩa của chữ Tâm

VIII) Một vài triết lý khác bàng bạc qua thi phẩm Kiều

 

C -  KẾT LUẬN

 

  

ÐÔI DÒNG TRI ÂN

 

“Ơn giáo dưỡng một đời nên huệ mạng

Nghĩa ân sư muôn kiếp khó đáp đền’ 

Bốn năm qua tại trường Cao Cấp Phật Học Việt Nam chúng con đã được ban Giám Hiệu, Chư Tôn Ðức và chư vị giảng sư trong Ban Giảng Huấn với tất cả thiện tâm thiện chí, đã tân tụy truyền trao kiến thức cho hàng hậu học chúng con.  Trí tuệ chúng con ngày thêm tỏa sáng thì công ơn của chư vị ân sư càng thêm sâu nặng chẳng biết bao giờ có thể đền đáp được.

Tập tiểu luận này đánh dấu một bước trưởng thành của chúng con trong việc bắt đầu tập nghiên cứu một vấn đề liên quan Phật học, tuy rất đơn sơ nhưng gói trọn trong tâm tư, những thao thức của con về một kiếp người và hơn hết là gói trọn tấm chân tình và lòng thành kính của con đối với quý Ngài.

Do khả năng có hạn nên những sơ sót không bao giờ tránh khỏi, con xin quý Ngài chỉ giáo cho con.

Hoàn thành tiểu luận này con xin thành kính tri ân Ban Giám hiệu, chư vị giáo sư và đặc biệt là giáo sư Minh Chi, người thầy khả kính với kiến thức Phật Học uyên thâm đã tận tình hướng dẫn con trong quá trình thực hiện đề tài.  Cũng xin tri ân quý vị tác giả, dịch giả những tác phẩm mà người viết tham cứu, trích dẫn trong khi thực hiện tiểu luận này.  Xin cám ơn tất cả quý vị thiện hữu tri thức, các bạn đồng phạm hạnh đã có nhiều ý kiến trao đổi hữu ích trong suốt thời gian học tập.

Chân thành tri ân

T.P. Hồ Chí Minh

  

A.   DẪN NHẬP

Nếu như ‘Thơ là người’ thì qua tác phẩm truyện Kiều, chúng ta có thể thấy được một Nguyễn Du đầy kinh nghiệm lịch lãm trên đường đời, một Nguyễn Du dồi dào tình thương và ý chí dù phải gặp bao nhiêu trở ngại, gian truân và thử thách.

Cái hay cái đẹp của truyện Kiều không những ở chỗ ngôn từ hoa lệ, văn chương thẩm mỹ, ý tứ thâm trầm phong phú, mà còn ở chỗ tác giả đã mượn cốt người trong truyện để miêu tả một cách khéo léo tài tình những thăng trầm vinh nhục của cuộc đời, những vui buồn thương ghét của con người, và những tan hợp bèo mây của thực trạng xã hội.  Cao xa hơn nữa, Nguyễn Du đã dùng truyện Kiều để diễn đạt một quan niệm triết lý nhân sinh, một giá trị triết học tôn giáo, theo ý của người viết điểm đặc sắc của truyện Kiều là ở đó, và có lẽ vì thế nên quần chúng Việt Nam, nhất là các giới bình dân đã đón nhận truyện Kiều như một vật thương yêu nếu không phải là chính của lòng mình, đời mình.

Cổ nhân nói: ‘Dĩ nhân tải đạo’ (lấy văn chương mà chở đạo lý).  Câu nói ấy rất thích hợp cho truyện Kiều.  Vì lẽ ấy nên người viết không đồng ý với quan điểm khe khắt của một số người đã phê bình: ‘Truyện Kiều là một tác phẩm khêu gợi lòng tà dâm, dục vọng, là vi phạm đến luân lý đạo đức.’  Trái lại đọc truyện Kiều chúng ta thấy bàng bạc trong văn, trong lời, những đức tính hy sinh vô cùng, những kham nhẫn tột độ của kiếp nhân sinh thống khổ.

Khi đọc truyện Kiều dù tâm hồn có sắt đá bao nhiêu ta cũng không thể dằn lòng rung cảm, thương cho nàng Kiều vì ‘tài hoa bạc phận’, thương cho Nguyễn Du ‘sinh bất phùng thời’, thương cho ta, thương cho những người đã sinh ra trong cuộc đời phù du ảo mộng!  Lòng thương ấy là gì? Nếu không phải là chữ ‘Nhân” của Khổng Tử, chữ ‘Kiêm ái’ của Mặc Tử, chữ ‘Bác ái’ của Ðức Chúa, và chữ ‘Từ Bi’ của Ðức Phật.

Tuy nhiên ở đây người viết không có ý đề cao giá trị văn chương nghệ thuật của truyện Kiều, cũng không có ý so sánh Nguyễn Du với những nhà đại văn hào của nhân loại.  Thiết nghĩ việc ấy coi như thừa, vì chính tác phẩm và tác giả đã tự chứng minh cho giá trị của mình trong quá trình văn học sử Việt Nam và thế giới.

Vì vậy ở đây người viết chỉ có ý khai thác một khía cạnh triết học tôn giáo trong truyện Kiều, hầu góp một vài nhận xét về truyện Kiều trong văn đàn Việt Nam.  Ðứng về khía cạnh triết học tôn giáo, chúng ta thấy : tư tưởng triết học tôn giáo nổi bật nhất trong truyện Kiều là tư tưởng triết học của Phật giáo.  Ðiều này cũng không lấy gì làm lạ, vì như chúng ta đã biết Nguyễn Du là một nhà nho học uyên thâm và ở nước ta thời ấy từ Nho học bước qua Phật học rất gần, bởi lẽ hầu hết kinh điển của Phật giáo đều viết bằng chữ Hán.  Vả lại trong mảnh đất ’đất lành chim đậu’ với truyền thống ‘tam giáo đồng nguyên’ nầy, thì không những một mình Nguyễn Du mà đến cả  các nhà văn hóa đương thời hầu hết cũng đều ảnh hưởng bởi tinh thần nầy.

Tuy nhiên, riêng về truyện Kiều thì chúng ta thấy, dù trong đó có nhiều đoạn đề cập đến những đạo nghĩa luân thường của Nho học và những ước vọng tiêu dao phóng khoáng của Lão Trang, nhưng kỳ thật thì ảnh hưởng của Phật giáo bao giờ cũng sâu đậm hơn cả.

Thật vậy, điểm độc đáo của triết học Phật giáo là ở chỗ coi nhân sinh và vũ trụ là vô thường, giả huyễn, hữu hạn và đau khổ để xây dựng cốt truyện và diễn đạt tình cảm cuộc đời của các nhân vật trong truyện.  Sau đây chúng ta sẽ cùng tìm hiểu rõ ràng về nỗi đau khổ của kiếp người theo quan điểm của nhà Phật.

1)Mục đích và ý nghĩa của đề tài:

Thi phẩm truyện Kiều là tác phẩm nổi tiếng nhất trong thi đàn Việt Nam vào thế kỷ thứ mười tám.  Thi phẩm đã chuyên chở nhiều tư tưởng Phật học có giá trị sâu sắc, nhưng thực tế trong các tài liệu nghiên cứu văn học Việt Nam đã có nhiều  cái nhìn khác nhau.  Vì thế người viết trong phần biên khảo luận văn này đã nổ lực đi tìm giá trị đích thực của triết học Phật giáo trong thi phẩm nói trên.

Giá trị triết học Phật giáo đã biểu hiện khác nhau qua các giai đoạn của cuộc sống mười lăm năm đoạn trường của Thúy Kiều.  Người viết cố gắng phân tích đạo Phật trong nhận thức của Nguyễn Du và ảnh hưởng của đạo Phật trong văn chương truyện Kiều.

2)Giới hạn phạm vi đề tài:

Trong phần biên soạn nầy, người viết chỉ đề cập đến một số nét nổi bật sau đây:

a) Các thuật ngữ Phật giáo được xử dụng trong truyện Kiều

b) Thuyết nghiệp báo biểu hiện trong thi phẩm

c) Giáo lý nhân quả

d) Ý nghĩa chữ tâm

e) Giáo lý Tứ Ðế

f) Ðịnh luật vô thường hữu hạn của vũ trụ nhân sinh

g) Các triết lý khác bàng bạc qua thi phẩm

 

B.   NỘI DUNG

I-       CÁC THUẬT NGỮ ÐƯỢC XỬ DỤNG TRONG TRUYỆN KIỀU

Trong truyện Kiều có rất nhiều thuật ngữ liên hệ đến đạo Phật  được tác giả xử dụng với thâm ý chuyên chở một nội dung đạo vị.  Những thuật ngữ này phần nhiều xuất xứ từ các kinh Ðịa Tạng, Phổ Môn, Thủy Sám, Chẩn Tế khoa nghi ... Nhưng ở đây người viết chỉ bàn đến một số thuật ngữ ít được lưu ý.

1) Ðoạn trường:  Có thể đã được rút từ kinh Ðại báo phụ mẫu trọng ân: ‘Như viên đề ái tử, thốn thốn đoạn can trường (như vượn khóc con yêu, đứt ra từng khúc ruột)’.  Lấy tích con vượn mẹ yêu con bị thương không nỡ rời, người ta bắn cả hai mẹ con về làm thịt.  Khi mổ bụng ra vượn con tuy bị thương mà ruột vẫn lành lặn, còn vượn mẹ vì quá thương con nên ruột đã bị đứt ra từng khúc.

2) Trạc tuyền: là pháp danh của Thúy Kiều khi xuất gia.  Tên này lấy tích từ văn Thủy sám, bài tựa có câu: ‘Nhạn hạ hữu tuyền, minh đán trạc chi tức dũ’ (dưới núi có dòng suối, sớm mai xuống rửa mụt ghẻ sẽ khỏi ngay).  Cụ Nguyễn Du  đặt cho Kiều cái pháp danh ấy, phải chăng dụng ý nói Kiều cũng có một oan hồn theo báo đời như kiểu oan hồn của Triệu Thố mười đời theo dõi Ngộ Ðạt quốc sư để báo thù?  Và oan hồn theo báo nàng Kiều không ai khác hơn là Ðạm Tiên vậy.  Cái suối giải oan cho Kiều chính là sông Tiền Ðường, nơi nàng nhảy xuống từ trần, và hồn ma Ðạm Tiên đã đến tỉ tê khi nàng vừa được vớt lên đang còn ‘mơ màng phách quế hồn mai’.

‘Rằng tôi đã có lòng chờ

Mất công mười mấy năm thừa ở đây’

Rõ ràng là hồn ma Ðạm Tiên vẫn theo báo Kiều cho đến bây giờ khi nàng sạch nghiệp mới chịu buông tha.  Nó còn muốn cho Kiều phải chết trong tủi nhục và sống trong đọa đày.  Lần đầu tiên khi Kiều toan tự sát bằng con dao để khỏi rơi vào tay tú bà, thì hồn ma ấy lại hiện lên răn đe:

‘Số còn nặng nợ má đào

Người dù muốn thác trời nào đã cho

Hãy xin hết kiếp liễu bồ

Sông Tiền Ðường sẽ hẹn hò về sau’

Nghĩa là khi Kiều đáng chết để khỏi nhục thì hồn ma Ðạm Tiên cản ngăn, làm cho nàng phải sống nhục.

3) Am mây: thường dùng trong truyện Kiều ‘am mây quen lối đi về đời hương’.  Do chữ trong Cao tăng truyện, thiền sư Nhất Biến cất am trên núi cao, tu thiền có để lại bốn câu thơ:

‘Thiên phong đãnh thượng nhất gian ốc

Lão tăng bán gian, vân bán gian

Tạc dạ vân tùng phong vũ khứ

Ðáo đầu bất tợ lão tăng nhân’

(Trên đỉnh núi cao cất một gian nhà, lão tăng nửa gian, mây nửa gian.  Ðêm qua mây theo mưa gió đi mất.  Rốt cuộc không bằng lão tăng nhàn.)

4) Phiến mây:  khi Kiều ở Chiêu Ẩn am với Giác Duyên, Nguyễn Du  tả:

‘Sớm khuya lá bối phiến mây

Ngọn đèn khêu nguyệt, tiếng chày nện sương’

Hai chữ phiến mây thường được viết sai là phướng mây, chữ phướng giải thích là cái tràng phan treo trong, chứ không được giải thích.  Kỳ thực, phiến mây mới đúng hoặc đọc miếng mây theo tự dạng chữ Nôm.  Như ta biết lúc bấy giờ, Kiều đang ở chùa làm chú tiểu.  Công việc một chú tiểu vào buổi đại hồng chung.  Thứ tự công việc của chú tiểu được diễn tả đầy đủ trong câu thơ trên.  Ban ngày (sớm) thì chép kinh trên lá bối, khuya dậy thì đánh mộc bảng hay ‘mộc ngư’ (tấm bảng bằng gỗ mít thường khắc hình con cá tượng trưng sự tỉnh thức, vì cá rất ít ngủ) để làm hiệu lệnh khi thức dậy, kế đến là khêu đèn cho sáng (ngọn đèn khêu nguyệt) rồi dóng đại hồng chung (tiếng chảy nện sương) không ai mò tới những tấm phướng làm gì vào giờ ấy. Bởi vậy, phiến mây chỉ có thể là tấm ‘mộc ngư’ hay tấm bảng bằng gỗ mít đánh lên để thức chúng dậy buổi khuya.  Chữ ‘mây’ rút từ bài tựa Kinh Ðịa Tạng và nhiều kinh khác.  Chư Bồ tát tụ hội đông như mây, nên có danh từ ‘vân tập’.  Tấm bảng bằng gỗ mít thường gọi chung là ‘ngọc bảng’, khi được dùng để đánh hiệu lệnh ở phòng ăn gọi là ‘phạn bảng’, ở phòng tắm gọi là ‘thủy bảng’, treo ở chánh điện triệu tập tăng chúng thì gọi là ‘vân bảng’.  Chữ phiến mây xuất phát từ chữ ‘vân bảng’ nầy.  ‘Ngọn đèn khêu nguyệt’ rút từ khoa Mông sơn thí thực;

‘Kinh song lãnh tống tam canh nguyệt

Thiền thất hư minh toán dạ đăng’

(Cửa kính trăng thảm lạnh lùng, nhà thiền leo lét đèn chong canh dài)

‘Tiếng chày nện sương’ xuất xứ từ bốn câu thơ của Trương Kế:

‘Nguyệt lạc ô đề sương mãn thiên

Giang phong ngư hỏa đối sầu miên

Cô Tô thành ngoại Hàn San tự

Dạ bán chung thanh đáo khách thuyền’

Tản Ðà dịch:

‘Trăng tà tiếng quạ kêu sương

Lửa chài cây bến sầu vương giấc hồ

Thuyền ai đậu bến Cô Tô

Nửa đêm nghe tiếng chuông chùa Hàn San’

5) Nhồi tâm hương:  Lúc ở Quan Âm Các nhà Hoạn Thư, công việc của nàng được Nguyễn Du  tả như sau:

‘Ngày phô thủ tự, đêm nhồi tâm hương’

‘Ngày phô thủ tự’ nghĩa là ban ngày bày ra chép kinh.‘đêm nhồi tâm hương’ thường đọc sai là ‘nồi’ giảng sai thành đồt lò hương trầm .. kỳ thực ‘tâm hương’ ở đây là ngũ phần hương, năm thứ hương của pháp thân là: giới, định, tuệ, giải thoát, và giải thoát tri kiến.  ‘nhồi tâm hương’ là ngồi thiền, tĩnh lự (làm lắng dịu những lo nghĩ) để tô bồi năm phần hương của pháp thân.

6) Giọt nước cành hương:  khi tả tâm trạng Kiều ở Quan âm các, Nguyễn Du  đã viết:

‘Cho hay giọt nước cành dương

Lửa lòng rưới tắt mọi đường trần duyên’

Bốn chữ  ‘giọt nước cành dương’ rút từ khoa Mông sơn thí thực và khoa nghi chẩn tế:

‘Bồ tát liễu đầu cam lồ thủy

Năng linh nhất trích biến thập phương

Tinh chuyên cấu uế tạn quyên trừ

Phổ sái đạo tràng tất thanh tịnh’

(Nước cam lồ đầu cành dương của Bồ Tát có thể làm cho một giọt rưới khắp được cả mười phương có thể trừ sạch hết những nhiễm ô, rưới khắp cả đạo tràng được thanh tịnh)

7) Quan phòng: cuối cùng hai chữ bí hiểm chưa ai giải đúng là hai chữ ‘quan phòng’ trong câu:

‘Quan phòng then nhặt lưới mao

Nói lời trước mặt rơi châu vắng người’

Ðây là giai đoạn Kiều tu ở Quan âm các: ‘Tam quy ngũ giới cho nàng xuất gia’.  Thật ra tam quy thập giới mới đúng.  Có lẽ những người sao chép không rành giới luật trong đạo Phật mà chỉ quen danh từ tam quy ngũ giới nên đã tự tay sửa lại tưởng cụ Nguyễn Du  viết lầm, nhưng ông, một người am tường Phật giáo sâu sắc, một người đã từng đọc kinh Kim Cang cả ngàn lần (xem thơ chữ Hán Nguyễn Du ) và khi chết đã chết tỉnh giác như một thiền sư thì không thể nào không biết đến giới luật sơ đẳng của người xuất gia là tam quy thập giới.  Chính chữ Quan Phòng chỉ cho mười giới ấy.  Chữ Quan có nghĩa là quan bế (đóng cửa) có thể tìm thấy trong từ ngữ Bát quan trai giới (giới để đóng tám cửa) ’Phòng’ là phòng phi chỉ ác, tức là đề phòng việc sai trái, dứt hẳn điều ác, chỉ cho luật.  Như vậy chữ ‘quan’ chỉ cho bốn giới trọng trong mười giới Sa di, được ví như cửa phải đóng, không thể khai mở được.  Ðó là bốn giới ‘sát, đạo, dâm, vọng’. ‘Phòng’ chỉ cho sáu giới khinh tiếp theo.  ‘Then nhặt’ (then cài kỹ đóng chốt) là bổ túc cho ý nghĩa chữ ‘quan’, bốn giới không thể vi phạm.  ‘Lưới mao’ (mao là lông, nhẹ như lông). Ðọc ‘mau’ là sai, bổ nghĩa cho chữ phòng chỉ sáu giới nhẹ, có thể du di, chẳng hạn giới không ăn chiều.

II. ÐỊNH LUẬT VÔ THƯỜNG, HỮU HẠN CỦA VŨ TRỤ NHÂN SINH:

Theo triết học Phật giáo thì vũ trụ nhân sinh đều là do nhân duyên hòa hợp với nhau mà sanh, không có một vật nào thật có cả.  Nhân duyên hòa hợp ở đây là chỉ cho trạng thái hòa đồng tương hợp giữa hai phần thể chất và tinh thần (con người) vật thể và hình thể (sự vật) hay nói đúng theo danh từ của Phật giáo là tứ đại và ngũ uẩn.  Vì vũ trụ nhân sinh là do tứ đại và ngũ uẩn hòa hợp lại thành, nên tất cả đều là vô thường, giả huyễn, hữu hạn và đau khổ.

Dựa vào quan điểm này của Phật giáo, nên cụ Nguyễn Du trong truyện Kiều, cũng được gọi là ‘Ðoạn Trường Tân Thanh’ đã mở đầu cho cuốn truyện của mình bằng bốn câu thơ sau:

‘Trăm năm trong cõi người ta

Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau

Trải qua một cuộc bể dâu

Những điều trông thấy mà đau đớn lòng’

Trong bốn câu thơ mở đầu này, chúng ta thấy tác giả đã phác họa ra trước mắt ta một cảnh đời đau thương áo não của những vô thường biến đổi,những thăng trầm vinh nhục, những bãi bể nương dâu của cuộc đời.  Vì thế đã sinh ra kiếp người không ai có thể tránh khỏi cảnh vô thường, đau khổ và chết chóc.  Chết trẻ, chết già, chết bịnh, chết hoạn, chết vì bao nhiêu thử thách gian truân của cuộc đời, ít người sống vượt khỏi giới hạn 100 năm.  Ðối với kiếp người ba vạn sáu ngàn ngày, tuy là dài, nhưng đối với thời gian vô tận thì nó ngắn ngủi làm sao!

Vì cảm nhận sâu sắc định lý vô thường nầy của kiếp người, nên có một triết gia Âu tây đã nói: ‘Không có ai được diễm phúc đặt chân hai lần trên một dòng sông.’ (One can not step twice in the same river) Vâng! Không ai có thể tắm được một dòng sông hai lần, vì nước sông luôn luôn lưu động di chuyển, vì các tế bào trong con người luôn luôn sinh diệt, diệt sinh.  Con người ngày hôm qua không phải là con người ngày hôm nay.  Dòng sông của giờ phút trước không đồng với dòng sông của giờ phút sau, thay đổi khác nhau từng tích tắc sát na, như thế thì làm sao mà đặt chân được hai lần trên một dòng sông?

Tuy nhiên, cũng nên nhớ thêm rằng: chính nhờ những trạng thái sinh diệt lưu động ấy kế tục chuyền nối nhau, nên đã tạo ra kiếp sống hiện hữu của con người và sự tồn tại của dòng sông riêng về kiếp người với những vô thường biến đổi của nó, cụ Nguyễn Du đã diễn tả nhận thức của mình qua lời than của nàng Kiều sau đây:

‘Ðau đớn thay phận đàn bà!

Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung

Phủ phàng chi bấy hóa công

Ngày xanh mòn mỏi má hồng phôi pha’

Và kết quả của kiếp người vô thường biến đổi ấy,cụ Nguyễn Du  trong lời thuật chuyện của Vương Quan, gia nhân của họ Vương đã cho ta hay: 

‘Ðạm Tiên nàng ấy xưa là ca nhi

Nổi danh tài sắc một thì

Xôn xao ngoài cửa hiếm gì yến anh,

Phận hồng nhan có mỏng manh

Nửa chừng xuân, thoắt gãy cành thiên hương’

Một người con gái đã mang nặng kiếp ‘hồng nhan bạc mệnh’ đã chịu chung số phận ‘Trâm gãy bình rơi ở giữa chừng xuân’ thì làm gì có chồng con gia đình, lấy ai mà săn sóc hương khói, sớm viếng tối thăm?  Ðứng trước cảnh tượng vắng vẻ quạnh hiu của nấm mồ bạc mệnh ấy, tác giả viết:

‘Sè sè nấm đất bên đường

Dàu dàu ngọn cỏ, nửa vàng nửa xanh’

Rồi thì:

‘Trải bao thỏ lặn ác tà

Ấy mồ vô chủ ai mà viếng thăm!’

Thật là thê lương áo não,buồn thảm đau thương cho số phận của con người! Mà không phải chỉ để dành riêng cho kẻ hồng nhan bạc mệnh.

Không những chỉ có những người con gái chịu số phận ‘trâm gãy bình rơi ở nửa chừng xuân’ như Ðạm Tiên mới lâm vào cảnh ấy khi từ giã cuộc đời.  Ðến như cả những người đàn bà khi sống nào chồng, nào con, nào gia đình thân thuộc, nhưng khi chết đi rồi thì cũng chỉ một mình một bóng, chôn vùi dưới ba thước đất lạnh lẽo cô đơn mà thôi!  Câu ca dao sau đây đã diễn tả cho số phận của những người đàn bà ấy:

‘Sống thì làm vợ con anh,

Một mai thác xuống,

Núi rậm rừng xanh một mình’

Nhưng nếu suy nghĩ cho kỹ thì cảnh ‘Núi rậm rừng xanh một mình’ ấy nào phải để dành riêng cho số phận của những người đàn bà con gái mà thôi đâu, nó còn là định mệnh chung của mọi người nữa.  Xưa nay các vị công hầu vương bá, các bậc nam nhi tài tử có ai tránh được cái chết đâu?  Và khi đã chết thì không còn phân biệt nữa.  Mọi người đều giống nhau trong cảnh trạng ‘Núi rậm rừng xanh một mình’.  Suy người rồi ngẫm đến ta, ai mà không chạnh lòng nghĩ đến số phận mình trong những giờ phút tử biệt ấy?  Nhưng định lý vô thường của cuộc đời không những chỉ hiển hiện trong lúc tử biệt mà thôi, nó còn đến với ta trong từng giờ từng phút, trong những cảnh sinh ly nữa.  Trong truyện Kiều, cụ Nguyễn Du đã lấy Thúy Kiều và Kim Trọng làm điển hình để diễn tả cảnh sinh ly ấy qua hai câu thơ sau:

‘Ông tơ gàn quải chi nhau

Chưa vui sum họp đã sầu chia phôi!’

Rồi khi nhìn thấy cảnh tai trời vạ gió, oan ức phân ly của gia đình, em gái Kiều là Thúy Vân cũng đã buột miệng than rằng:

‘Cơ trời dâu bể đa đoan

Một nhà để chị riêng oan một mỉnh!’

Cuối cùng cái gì sẽ đến đã đến với gia đình họ Vương.  Cụ Nguyễn Du đã dệt vào trong cảnh sinh ly ấy giữa nàng Kiều với những người thân thích trong gia đình bằng mấy câu thơ sau:

‘Ðau lòng kẻ ở người đi

Lệ rơi thắm áo, tơ chia rũ tằm

Trời hôm mây kéo tối rầm

Dàu dàu ngọn cỏ, đầm đầm canh sương’

Và sau đó thì những người thân thích trong gia đình ‘hết cơn bỉ cực, đến thời thái lai’, các tai biến hoạn nạn đều tiêu tan, mọi người đều được đoàn tụ vui vầy trong vinh hiển thì riêng chỉ có một nàng Kiều còn lận đận, lao đao,chìm nổi phiêu bạt trong bể khổ mênh mông không bờ bến:

‘Thương ôi! Không hợp mà tan

Một nhà vinh hiển riêng oan một nàng!’

Dựa vào những nguyên tắc trên chúng ta thấy: vì có gây ra nguyên nhân đau khổ nên phải chịu quả đau khổ.  Và kết quả khổ đau ấy được biểu hiện rõ ràng nhất ở kiếp người vô thường giả huyễn này,vì đã có thân thì không ai tránh khỏi được khổ.

 

III . THUYẾT NGHIỆP BÁO BIỂU HIỆN TRONG TRUYỆN KIỀU;

Giáo lý nhà Phật khẳng định rằng :’Nước bao giờ cũng chảy xuống, tham muốn và tình dục sẽ đưa con người vào vòng trầm luân đau khổ.’  Vâng, chính tham muốn và tình dục là một sức mạnh đẩy con người vào trong vòng trầm luân đau khổ, hay nói theo triết lý của nhà Phật là ‘nghiệp báo luân hồi’.

Là một nhà Nho, học vấn thâm sâu, thông hiểu Phật lý, cụ Nguyễn Du đã một cách sâu sắc thuyết nghiệp báo luân hồi nầy.  Cho nên chúng ta thường thấy bàng bạc tản mác trong truyện Kiều những câu thơ như sau:

‘Kiếp xưa đã vụng đường tu

Kiếp này chẳng kẻo đến bù mới xuôi

Dẩu sao bình đã vỡ rồi

Lấy thân mà trả nợ đời cho xong!’

Hay câu:

‘Người này nặng kiếp oan gia

Còn nhiều nợ lắm sao đà thác oan!’

Hoặc là:

‘Làm cho sống đọa thác đày

Ðoạn trường cho hết kiếp này mới thôi!’

Hay câu:

‘Cũng là oan nghiệp chi đây,

Sa cơ mới đến thế này chẳng dưng!

Kiếp này duyên đã phụ duyên

Dạ đài còn biết sẽ đền lai sanh!

Ðã đành túc trái triền oan

Cũng liều ngọc nát hoa tàn mà chi!’

Dựa vào thuyết luân hồi nghiệp báo của nhà Phật, chúng ta thấy rằng chết không phải là hết, chết chi là một sự thoát xác, thay đổi từ một trạng thái sinh hoạt này qua trạng thái sinh hoạt khác, đau khổ hoặc sung sướng hơn, tùy nghiệp nhân mình gây tạo ra ở kiếp trước.  Người Việt Nam chúng ta nói riêng, các dân tộc Á đông nói chung phần nhiều đều hấp thụ theo tư tưởng nghiệp báo luân hồi này của Phật giáo, nên không bao giờ chúng ta tin rằng chết là hết, chết là mất hẳn.

Thật thế, một tiếng trống còn gây được vang âm trong những buổi chiều thâm trầm ở những chốn  núi rừng thung lũng; một viên đá rơi vào mặt nước còn khuấy động lên được những làn sóng lăn tăn, lan dần đến nơi vô tận, huống nữa là một kiếp người, kết tinh của nhiều động tác gây nên bởi hai phần vật chất và tinh thần.

Có lẽ, vì lẽ ấy nên người Việt Nam chúng ta thường có thói quen tin rằng: con người sau khi chết, thể chất tan rã nhưng linh hồn vẫn còn tồn tại.  Nàng Kiều cũng đã tin như thế trong lời thơ sau:

‘Kiều rằng những đấng tài hoa

Thác là thể phách, còn là tinh anh’

Ðể chứng minh cho lòng tin ấy, Nguyễn Du đã cụ thể hóa sự kiện xuất hiện mờ ảo linh thiêng của Ðạm Tiên trong buổi chiều Thanh minh, bên nấm mồ vô chủ của người con gái bạc mệnh ấy.  Sau đó, tiên sinh lại diễn tả thêm những phút ứng hiện gặp gỡ trong mộng và những phút trùng phùng tái ngộ ở sông Tiền Ðường giữa nàng Kiều và Ðạm Tiên.  Ðiều này lại một lần nữa chứng minh cho ta thấy chết không phải là hết là chấm dứt với cuộc đời.  Nhất là những người chết oan, chết ‘bất đắc kỳ’, chưa trả xong món nợ trần duyên, ở cuộc thế thì lại càng không phải là hết hơn nữa.  Phần còn lại ấy của con người sau khi chết, chúng ta thường gọi là tinh anh, là linh hồn.  Và linh hồn ấy thường tồn tại ở thế giới vô hình, u linh, hiển hách, phảng phất trong hương khói và thường hay trở về trần thế để viếng thăm những nơi có nhiều liên hệ với mình trong khi còn sống, nhứt là ở những ngày húy kỵ, chạp giỗ v.v. Cũng vì tin như thế, nên các gia đình ở Việt Nam và ở các nước Á Ðông thường có tục lệ tổ chức những cuộc tế lễ đình đám linh đình trong những ngày kỵ giỗ.

Cụ Nguyễn Du đã diễn tả tập quán và lòng tin ấy của giới bình dân Việt Nam qua lời căn dặn của nàng Kiều đối với em là Thúy Vân:

‘Mai sau dầu có bao giờ

Ðốt lò hương ấy so tơ phím nầy

Trông ra ngọn cỏ lá cây

Thấy hiu hiu gió là hay chị về

Hồn còn mang nặng lời thề

Nát thân bồ liễu đền nghì trúc mai

Dạ đài cách mặt khuất lời

Rảy xin chén nước cho người thác oan !’

Thúy Kiều đã có cái nghiệp nặng nằm sẵn ở trong mình, cho nên từ lời nói cho đến tiếng đàn đánh ra, đều có giọng đau đớn sầu khổ.  Người đã có nghiệp như thế tức đa sầu, đa cảm.  Hai cái đó là cái mồi vô hình, cái dây vô tướng, để giữ người ta vào chỗ đúng với cái nghiệp của mình.  Theo triết lý nhà Phật thì ở đời không có cái gì là không có nhân duyên, mà cái nhân duyên ấy kết thành cái nghiệp.  Cái phần tốt, phần hay của Kiều là ở chỗ dù khổ sở thế nào, cũng giữ được tâm trong sạch, lòng nhân nghĩa và sức phấn đấu với nghiệp chướng của mình.  Giá trị của con người ở đời cốt ở chỗ ấy, mà cái nhân cách con người ta rõ rệt là cũng ở chỗ ấy.

Cái nghiệp đã định đi đến đâu mới hết, thi cứ phải đi cho đến cùng, chứ không sao trốn được.  Chẳng khác gì người có tội phải bị đọa trong một kỳ hạn đã định, nửa chừng người kia muốn trốn, quan tư pháp không cho trốn, bắt phải chịu hết tội mới tha.

Cái thuyết luân hồi nghiệp báo của nhà Phật có vẻ giống như cái thuyết định mệnh (déterminisme) của triết học phương Tây.  Nhưng thực ra thì cái định mệnh của triết lý nhà Phật do ở tự mình định ra chứ không phải do sức ngoài sai khiến.  Cái nghiệp tự mình gây ra cho mình chứ không phải là cái nghiệp từ đâu gây ra mà bắt mình phải chịu.  Vì cái nghiệp bó buộc nàng Kiều chặt chẽ như thế, cho nên cô phải chịu những sự đắng cay, như gặp sở khanh đánh lừa, bị tú bà bắt ra tiếp khách.  Thôi thì ‘cũng liều mặt phấn cho rồi ngày xanh’.  Ðến khi gặp Thúc lang, tưởng thoát khỏi chỗ lửa hồng, ai ngờ lại bị Hoạn Thư hành hạ.  Trốn nhà Hoạn Thư đi ở chùa, tưởng là trút được nợ duyên, không may lai gặp bọn họ Bạc đem về Châu Thai. Cứ hết chìm lại nổi, nổi rồi lại chìm.  Ở Châu Thai gặp được Từ Hải trong mấy năm nguôi nguôi, nhưng lại nghĩ đến việc binh đao hại người, xui Từ về hàng ngờ đâu lại bị Hồ Tôn Hiến đánh lừa đem gả cho Thổ quan, giắt nàng đến sông Tiền Ðường là hết đời cô Kiều.  Nhưng đời cô đến đó hết thì cái nghĩa chữ nghiệp không rõ là cái nghiệp do việc đã làm trước mà thành. Vậy nên tác giả làm nối thêm đoạn tái hợp và đem lời sư Giác Duyên nói chuyện với sư Tam Hợp để định rõ chỗ nghiệp nọ chuyển sang nghiệp kia.  Việc cô Kiều hưởng thụ cái nghiệp khác, đã rõ ra ở lời Ðạm Tiên báo mộng cho Kiều ở sông Tiền Ðường khi mới vớt lên, Ðạm Tiên nói:

‘Rằng tôi đã có lòng chờ

Mất công mười mấy năm thừa ở đây

Chị sao phận mỏng đức dầy

Kiếp xưa đã vậy lòng nầy dễ ai

Tâm thành đã thấu đất trời

Bán mình là hiếu, cứu người là nhân

Một niệm vì nước vì dân

Âm công cất một đồng cân đã già

Ðoạn trường sổ rút tên ra

Ðoạn trường thơ, phải đem mà trả nhau

Còn nhiều hưởng thụ về sau

Duyên xưa đầy đặn, phúc sau dồi dào’

Khi nàng Kiều còn đang phải chịu cái nghiệp trước, thì từ lời nói đến tiếng đàn, cái gì cũng có cái giọng sầu khổ đau đớn.  Thế mà Kiều đã trút hết cái nghiệp trước, bước sang chịu cái nghiệp khác, thì trong lòng thư thái, không bồn chồn như trước nữa, ngay tiếng đàn có đánh ra lúc ấy người ta nhận ra rằng: ‘Xưa sao sầu thảm, nay sao vui vầy?’

IV- Thuyết Nhân Quả:

Theo triết lý của nhà Phật thì ở giữa đời này không có một cái gì tự nhiên mà có, ngẫu nhiên mà sanh.  Nàng Kiều sở dĩ mang lấy nghiệp báo ‘sống đọa, thác đày’ như thế cũng không phải ngẫu nhiên mà có, tự nhiên mà sanh.  Chính là do một túc duyên  tiền định, hay nói đúng theo danh từ Phật học là ‘luật nhân quả’ tức là gây nhân gì thì phải chịu quả ấy.  Nhân lành thì quả an vui, hạnh phúc:

Luật nhân quả này được Nguyễn Du diễn đạt qua lời báo mộng cho Kiều:

‘Rỉ rằng nhân quả dở dang

Ðã toan trốn sự đoạn trường được sao?

Số còn nặng kiếp má đào

Người dù muốn quyết trời nào đã cho?’

Ở đoạn khác cụ Du lại diễn tả đạo lý nhân quả như sau:

‘Vả trong thần mộng mấy lời

Túc nhân âu cũng có trời ở trong

Kiếp này nợ trả chưa xong

Làm chi thêm một nợ chồng kiếp sau ?’

Rồi thì:

‘Cho hay muôn sự tại trời

Phụ người chẳng bỏ khi người phụ ta

Mấy người bạc ác tinh ma

Mình làm mình chịu kêu mà ai thương ?’

Cũng cùng một quan điểm như trên, ở một đoạn khác, Nguyễn Du lại trình bày thuyết nhân quả một cách giản dị và phổ thông hơn nữa qua hai câu thơ sau:

‘Nàng rằng: lồng lộng trời cao

Hại nhân nhân hại sự nào tại ta ?’

Ðấy là gì nếu không phải là trình bày một cách khác đi thuyết ‘thiện giả thiện báo, ác giả ác báo’ (làm lành được quả tốt, làm ác thì chịu quả báo xấu) của Nho học.

Có nhiều người nghĩ rằng: nếu đúng như thuyết ‘nhân quả’ gây nhân gì chịu quả ấy của Phật giáo và thuyết ‘thiện nhân, thiện báo, ác nhân, ác báo’ của Nho giáo thì tại sao ở đời này có nhiều người độc ác thất nhân mà vẫn được giàu sang, sung sướng, cũng như có những người hiền lành lương thiện mà vẫn gặp bao điều oan trái đắng cay (như trường hợp của nàng Kiều chẳng hạn) ? Như thế luật nhân quả phải chăng là mâu thuẫn nhau? Muốn giải thích nghi vấn này, ta phải dựa vào tiêu chuẩn sau đây:

Có thứ nhân quả trực tiếp dễ thấy, có thứ nhân quả gián tiếp khó thấy, có thứ nhân quả hiển hiện báo ứng trong hiện kiếp và cũng có những thứ nhân quả báo ứng qua nhiều đời cách biệt thời gian và kiếp sống.  Ở đây cũng thế, nàng Kiều dù hiện tại là một người con gái hiếu nghĩa, biết hy sinh cho cha mẹ, gia đình, nhưng biết đâu ở quá khứ nàng đã gây ra các ác nghiệp? Những ác nghiệp ấy đã đến lúc thuần thục thì phải chịu quả báo đau khổ, về sau mới được thoát ly mà hưởng thọ mọi điều an lạc phước báo nhờ nhân thiện ở đời này.  Cho nên triết lý nhân quả của nhà Phật có chia thành nhiều thứ như : nhân quả hiện tại, nhân quả nhiều đời, nhất thế nhân quả, và tam thế nhân quả v.v..

Ðể giải thích về đạo lý tam thế nhân quả này, trong các kinh luận của Phật giáo có chép:

‘Dục tri tiền thế nhân

Kim sanh thọ giả thị

Dục tri lai thế quả

Kim sanh tác giả thị’

Nghĩa là:

‘Muốn biết nghiệp nhân ở thời quá khứ

Xem quả báo hưởng thọ ở đời này

Muốn biết kết quả ở đời vị lai

Xem hành vi tạo tác ở hiện tại’

Những câu văn trên, ngoài việc chứng minh thuyết nhân quả hiển hiện báo ứng qua nhiều đời ở quá khứ, hiện tại và vị lai, nó còn có tác dụng chứng minh cho ta thấy thêm một lần nữa về định lý nghiệp báo luân hồi của đạo Phật vậy.

Ở đây có điều chúng ta cần nghĩ rằng: đọc truyện Kiều và qua những câu thơ đã trích dẫn trên cho thấy quan điểm nhân quả nghiệp báo của cụ Nguyễn Du không những chỉ ảnh hưởng với thuyết ‘Nhân quả nghiệp báo’ của Phật giáo, mà còn ảnh hưởng mật thiết với thuyết ‘Thiên mệnh’ của Nho giáo nữa.  Thật vậy, chữ ‘Trời’ trong truyện Kiếu có nhiều nơi cụ Nguyễn Du đã thay thế cho chữ ‘Thiên mệnh’ của Nho học và cũng có nhiều lúc đã thay thế cho chữ ‘nhân quả’ của Phật học.  Vì tin ở ‘trời’ ở ‘thiên mệnh’ và ở luật ‘nhân quả’ nên nhân vật chính trong truyện là nàng Kiều luôn tin rằng họa hay phúc, may hay rủi, vui hay buồn, tất cả đều do thiên mệnh tiền định.  Nàng cũng đã tự bào chữa cho cái tính đa sầu đa cảm của mình bằng hai câu thơ sau:

‘Rằng quen mất nết đi rồi

Tẻ vui thôi cũng tính trời biết sao’

Ðối với giới bình dân, không những tính tình là do thiên mệnh tiền định mà người ta còn tin rằng mọi thăng trầm vinh nhục của kiếp người, mọi thay đổi biến thiên của trời đất muôn vật, tất cả đều do thiên định.  Có lẽ cũng vì thế nên mỗi khi có các tai nạn bất ngờ xảy đến như thiên tai, thủy nạn, hỏa hoạn,  bệnh tật, mất mùa.. họ thường tổ chức những cuộc sám tạ tế lễ, hay ăn chay nằm đất để cầu trời khấn Phật.  Có một điều lạ ở đây là dù Nguyễn Du là một nhà Nho học uyên bác nhưng ông không chịu dừng lại ở thuyết ‘thiên mệnh’, hoàn toàn phó mặc số phận con người cho tha lực như quan niệm của Nho giáo; trái lại, ông còn tiến xa hơn về phương diện tư tưởng để đến gần với thuyết ‘nhân quả’, đưa con người đến tiêu chuẩn tự túc tự cường của Phật giáo.

Thật ra, Kiều với ‘oan nợ túc khiên’ do tiền định và với những đọa đày lao khổ muốn chấm dứt cuộc đời của nàng trong một kết luận buồn thảm đau thương và bất công như thế.  Ông đã muốn thể hiện đạo lý ‘thiện nhân thiện báo, ác nhân ác báo’ của Nho giáo và Phật giáo trong hiện kiếp qua cuộc đời của nàng Kiều chứ không phải chờ đợi đến lai thế như thuyết ‘tam thế nhân quả’ nữa.

Vì muốn chứng minh một cách rõ ràng rằng thuyết nhân quả báo ứng là một định lý hiển nhiên thật có, và mọi người kể cả nàng Kiều đều có thể được đáp ứng tương ứng với những hành vi, ngôn ngữ và ý nghĩ của mình đã tạo ra trong kiếp sống hiện tại nên tác giả của truyện Kiều đã làm cho Kiều sống lại thoát ly mọi oan khiên tiền định ở sông Tiền Ðường.

Dựa vào sự kiện này ta có thể quan niệm rằng: đối với nàng Kiều, sông Tiền Ðường là một kết chung của cuộc đời hồng nhan bạc mệnh, cuộc đời phó mặc cho rủi may tiền định, bất lực trước mọi hoàn cảnh éo le thử thách, nhưng đồng thời sông Tiền Ðường đối với Kiều cũng là khởi điểm cho một cuộc đời mới, cuộc đời hướng tới tự lực nội tâm, rưới tắt những trần duyên tục lụy và ngày đêm trau giồi đức hạnh giải thoát.  Cuộc đời ấy theo Nguyễn Du là:

‘Phật tiền thảm lấp sầu vùi

Ngày pho thủ tự đêm nhồi tâm hương

Cho hay giọt nước cành dương

Lửa lòng rưới tắt mọi đường trần duyên’

Ðiểm đặc biệt của đạo Phật là ở chỗ phàm là con người dù tội lỗi bao nhiêu, nhơ nhớp đến bực nào, nhưng nếu biết thành tâm sám hối, ăn năn tội lỗi thì cũng có thể trở thành người lương thiện trong sạch được.  Bởi vì theo Phật giáo thì cái tôi nhơ nhớp của con người không phải hoàn toàn do ở ngoại diện, mà lại căn cứ vào những ý niệm tiềm tàng trong tâm thức của người ấy. Cho nên có người dù có một bề ngoài hiền lành sang trọng, nhưng nếu trong lòng ẩn chứa những bất lương gian ác thì đó là tội lỗi sâu xa, và trái lại, dù có một bề ngoài thấp kém thô bạo, nhưng nếu trong lòng ẩn chứa những đức tính hiền lương thiện mỹ thì đó vẫn là  người trong sạch cao quý.  Ðức Phật ngày xưa cũng đã từng độ cho một người chuyên làm nghề gánh phân, ở giai cấp hạ tiện bần cùng nhất của xã hội Ấn Ðộ.  Trong lịch sử Phật giáo Trung Hoa cũng thường kể lại câu chuyện có một người suốt đời làm nghề đồ tể chuyên bán thịt heo, nhưng khi sắp lâm chung, biết hồi tâm hướng thiện ăn năn sám hối nên cuối cùng cũng được giải thoát.

V. NHỮNG VẦN THƠ ÐẦY ÐẠO VỊ TRONG THI CA TRUYỆN KIỀU:

Ngoài việc chịu ảnh hưởng thuyết nhân quả và nghiệp báo nhà Phật, Nguyễn Du còn viết ra những vần thơ đầy đạo vị Phật giáo.  Ngôn ngữ thi ca vốn đã là rất biểu tượng, ngôn ngữ thi ca Nguyễn Du còn biểu hiện trừu tượng hơn. Nguyễn Du, ngoài rung cảm thi ca còn rung cảm trí tuệ Phật giáo.  Nhà thơ núi Hồng Lĩnh đã nói đạo Phật bằng tiếng nói của trái tim trần thế.  Vần thi gợi lên ý ấy trong cảm nhận của người viết trước tiên là:

‘Ai ngờ lại hợp một nhà

Lựa là chăn gối mới ra sắt cầm’

Mười lăm năm đoạn trường là một bài học về ‘Khổ đế’ mà nguyên nhân của nó, vừa hợp với giáo lý Tứ đế vừa hợp với tinh thần giới luật nhà Phật, là lòng khát ái, dục ái:

‘Xót trong tội nghiệp Thúy Kiều

Mắc điều tình ái, khỏi điều tà dâm’

Với Phật giáo (tiêu biểu như các câu 1 và 2 trong kinh Pháp cú) thì tâm làm chủ, tâm tạo các nghiệp thiện và ác và sẽ nhận lấy quả báo tương ứng về sau.  Với Kiều, tâm cũng quyết định vui buồn và giá trị của đời sống:

‘Ngưòi buồn cảnh có vui đâu bao giờ’

‘Chữ trinh còn một chút này

Chẳng cầm cho vững, lại dày cho tan’

Hay ‘Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài’

Với Phật giáo, người phật tử mộ đạo, mến đạo quyết tâm sống đạo mà nếu không hiểu đạo, không có chánh kiến thì càng làm cô phụ giáo lý giải thoát mà thôi.  Âm hưởng giáo lý đó lại vọng vào trong vần thơ tái hợp mà không tác hợp với Kiều:

‘Người yêu ta xấu với người

Yêu nhau thì lại bằng mười phụ nhau’

Ngay cả giáo lý Phật giáo minh bạch thế mà nếu hành giả chấp thủ nó (chấp giới, định, tuệ như kinh Xà dụ trình bày) thì sẽ rơi ngay vào cảnh: ‘Yêu nhau thì lại bằng mười phụ nhau’.

Phật giáo, tiêu biểu như phẩm Kinh Hạt Muối, Tương Ưng Bộ kinh, bảo rằng người với tâm từ bi rộng lớn thì hầu như không chịu hậu quả của các việc làm nhỏ bị sai trái.  Với Kiều thì Nguyễn Du xác định:

‘Như nàng lấy hiếu làm trinh

Bụi nào cho đục được mình ấy vay’

Kinh Kim Cang Bát Nhã, một bộ kinh nổi tiếng của Ðại Thừa, thì nhìn mọi hiện hữu đều do duyên sinh, chúng không có tự ngã, thực sự ở ngoài các giá trị cấu, tịnh, thiện, ác, thị,  phi... chúng thực sự không gây trở ngại đến vấn đề tự do, giải thoát của con ngưòi. Trở ngại giải thoát nằm ở tâm con người, ở lòng tham ái, chấp trước của con người.  Tư tưởng này như là có chuyển âm hưởng của nó vào vần thi”

‘Duyên kia có phụ chi tình

Mà toan chia gánh chung tình làm đôi’

Với người con Phật, khi tâm tham ái, chấp trước được khoá chặt, được kiểm soát, thì các hành động thân, khẩu, ý trở thành các hành động giải thoát hết thảy.  Với Kiều, sau những ngày tháng đoạn trường thì:

‘Từ ngày khép cửa phòng thu

Chẳng tu thì cũng như tu mới là’

Người tu tập đạo Phật, đặc biệt là các bậc Thánh hữu học, dù tâm đã tỏ tường đạo lý, sự thật mọi hiện hữu, những tập quán sinh tử vẫn còn vương vấn thân sắc và cõi lòng. Nguyễn Du lại diễn đạt một tâm trạng của Kiều sao mà nghe như động đến tâm hồn của một thiền sư vậy, khi nhà thơ viết:

‘Tiếc thay chữ nghĩa cũ càng

Dù lìa ngó ý, còn vương tơ lòng’

Nhưng khi thiền sư đã hất đổ hết các vọng tưởng, đốt cháy hết sầu bi thì quả là giờ phút đại phúc, nghe như vừa dựng đứng dậy cả khung trời giải thoát, bởi vì bấy giờ Thiền sư đã phá tan hết sương vô minh đã nhiều đời che khuất ngõ ý và làm tan hết mây dục vọng đã nhiều đời giăng bít trời tâm.  Nguyễn Du đã chuyển qua Kiều một cảm xúc của thời kỳ hội ngộ như là cảm xúc một thiền sư đang đối diện với giải thoát:

‘Trời còn để có hôm nay

Tan sương đầu ngõ, vén mây giữa trời’

Thư của Nguyễn Du nghe ra vừa thơ vừa đạo suốt cả tâm sự Thúy Kiều.  Nếu ai đó tìm hiểu kỹ giáo lý nhà Phật rồi đọc lại thi phẩm tuyệt tác Kim Vân Kiều thì sẽ bắt gặp rất nhiều, nhiều lắm các vần thơ lồng ý đạo.  Thi ca của thiên tài Nguyễn Du như hình thành một lúc hai bè nhạc: một bè của khúc đoạn trường, bè kia là âm vang của trí tuệ giải thoát.

VI.  GIÁO LÝ TỨ ÐẾ:

Ðạo Phật khi nói đến khổ chính là đang vẽ lại bức tranh hiện thực mà cuộc đời vốn sẵn có.  Cái sẵn có ở đây, thế nhân từ bao đời cũng tốn biết bao nhiêu giấy mực để nghiên cứu và tìm hiểu.  Nhưng chỉ hiểu mơ hồ mông lung ..  Người đời thấy khổ khi phải tiếp cận với nó để rồi than khóc rầu buồn mà vẫn không dứt ra được lòng chấp chặt theo nhân tình thế sự.  Nguồn gốc sâu xa của khổ được giáo lý nhà Phật đề cập tới trong Tứ Ðế rất rõ ràng và khúc chiết.  Sở dĩ có đau khổ (khổ đế) là vì đã gây ra nguyên nhân khổ đau (tập đế).  Ngược lại cũng thế, sở dĩ có quả vị Niết ban an vui (diệt đế) vì đã thực hành theo phương pháp chánh đạo (đạo đế).

Triết lý về khổ xuất hiện rất đậm nét và đa dạng qua thi phẩm truyện Kiều, ở đó Nguyễn Du đã xây dựng rất công phu về nhận vật Kiều.  Và ông đã thành công khi biết xử dụng cả ngôn từ lẫn ý nghĩa của đạo Phật để làm nổi bật tính cách của nhân vật và cũng từ đó tác phẩm đã trở thành một kiệt tác trong thiên hạ.  Mượn thân phận của người con gái, một thành phần hứng chịu nhiều bất công và đau khổ nhất của thời phong kiến xa xưa.  Cái khổ ấy là do xã hội và con người mang lại cho nàng, nhưng sâu xa hơn hết, chính là do bởi nơi nàng tự chuốc lấy bao  phiền muộn cho mình, để rồi phải chịu kiếp long đong truân chuyên qua mười lăm năm đoạn trường.  Nguyên nhân tạo ra bao cảnh đoạn trường cho nàng là do ‘từ ái sanh ưu, từ ưu sanh khổ’ tình ái vốn là điều tất nhiên của con người, nhưng điều tất nhiên ấy đã khiến cho con người phải chìm nổi mãi trong sóng gió ba đào.  Nếu Kiều không vì tấm lòng thương cảm một nấm mồ bên đường, không nặng mối tình si với chàng Kim và hơn thế nửa là tình thương của nàng đối với gia đình cha mẹ thì nàng có thể bước qua cuộc đời một cách ung dung tự tại hơn, trên bước đường phong trần dày dạn và chữ tình cũng đã bao lần chịu cảnh thương sâu khóc hận cho một kiếp hồng nhan.

‘Vẽ chi chút phận bèo mây

Làm cho bể ái khi đây khi vơi

 

‘Hương càng đậm lửa càng nồng

Càng sôi vẻ ngọc càng lồng màu đen’

Rõ ràng hai chữ tình ái đã buộc chặt nàng với Thúc Sinh rồi Từ Hải, cuộc đời nàng rơi vào ngõ cụt của trò đời ‘cởi ra rồi lại buộc vào như chơi’!  Mấy phen những tưởng đã thoát ra được hang hùm miệng cọp nhưng rồi lại cứ mắc vào.  Rồi trên bước đường dày dạn sương gió gặp được đấng anh hùng hào kiệt, tưởng đâu ngàn đời gắn bó để tìm chữ sắt son với đời, nào ngờ tình tri kỷ đã biến thành thiên trường hận, bên dòng sông Tiền Ðường, Kiều những muốn dứt cho rồi vòng dây oan nghiệt của kiếp người.  Ðến đây, Kiều cũng đã trả xong giai đoạn của kiếp hồng nhan đa truân.  Sợi dây tình ái cũng không buộc ràng nàng nữa, khi gặp lại Kim Trọng, tình xưa dẫu nặng, nhưng nghiệp ái thì lòng đã tắt lịm, từ đây cõi lòng nàng mới thực sự hưởng được những giây phút bình an nhất của cuộc đời.

‘Từ đây khép cửa phòng thu

Chẳng tu thì cũng như tu mới là’

Nếu khổ đế của Phật giáo là chơn lý nói về cơ cấu khổ đau của con người: oán tăng hội (thù oán mà phải gặp), ái biệt ly khổ (yêu thương mà phải xa lìa), cầu bất đắc (mong cầu mà không được) v.v. thì hình ảnh Kiều qua mười lăm năm gian truân chính là hình ảnh của khổ đế.  Kết thúc truyện Kiều bằng hành động trầm mình, có nghĩa là thú nhận sự thất bại của con người và sự nghiệt ngã tất yếu dưới hình thức số và mệnh.

Thật ra chính Kiều đã nuôi dưỡng ‘số và mệnh’ trong máu huyết của mình.  Tiếng đàn bạc mệnh cứ ngân lên từ đầu cho đến cuối truyện.  Từ khi nàng băng lối vườn khuya tìm Kim Trọng, khi gặp Thúc Sinh trước mặt Hoạn Thư, sau khi ôm thây Từ Hải khóc ngất và khi tái ngộ với người tình cũ.  Khi Kiều dứt bỏ khổ đau thì đấy chính là lúc nàng tìm được giải thoát (diệt đế).  Ở đây Phật giáo giúp ta soi chiếu rõ cuộc đời Kiều qua cung cách trình bày dưới ngòi bút Nguyễn Du.  Vì ái nghiệp nên chúng sanh tự ràng buộc mình trong vòng đau khổ triền miên.  Ðạo Phật nói đến khổ không phải là khiến cho chúng ta buồn chán mà xa lánh cuộc đời.  Ở đây, nói đến khổ là muốn chỉ ra những nguyên nhân tập khí mà con người đã gây ra (tập đế) để tự tạo lấy mọi đau khổ cho mình.  Vì vậy muốn dứt khổ phải tìm hiểu nguyên nhân, tâm ý luôn hướng về một lý tưởng đó là chân lý giải thoát.  Một khi tâm thể được lặng yên thì nguồn ái ân tham đắm sẽ khô kiệt.  Và khi gặp được Giác Duyên chính là nàng đã kiếm được hướng cởi trói cho mình, nhưng phải đến lần thứ hai, lòng nàng mới thực sự dứt hết những bợn trần u ám. Khi gặp Kim Trọng, lòng luyến ái chỉ còn là tri kỷ.  Con đường đạo lý đã lộ ra tuy chưa được đậm nét nhưng ta thấy Kiều đã thực sự tìm lại chính mình cội nguồn bình an của tự tâm kinh Phật dạy: ‘Ai có một tình yêu thì có một đau khổ, một trăm tình yêu thì có một trăm đau khổ, và nếu ai không có tình yêu thì không có đau khổ’.  Tình yêu đó là lòng chấp ngã, luyến ái mà chúng sanh muôn đời cột chặt. ‘Tu là cội phúc, tình là dây oan’.

Quan điểm của Nguyễn Du có phần hạn chế, nhất là khi tác giả đem giáo lý nhà Phật mô phỏng cho nhân vật chính chưa lột hết mọi chân lý nhiệm mầu, nhưng ta không đòi hỏi gì hơn ở một nhà Nho như ông.  Và tác phẩm ấy dựa trên tình tiết của tiểu thuyết Tàu,  ở đây không nói đến giá trị của nó, mà chỉ phân tích từng khía cạnh về khổ, mà tác giả đã ứng dụng triết lý của nhà Phật vào đó.  Từ nguồn gốc truy tìm ra nguyên nhân khổ, cho đến phương hướng đi tìm con đường diệt khổ, tác giả hơn ai hết đã khéo dẫn dụ để tác phẩm đi vào lòng người bằng cảm quan về cái đẹp của văn chương, bằng sự ngộ nhập một chân lý trên lý thuyết để làm nổi bật một bức tranh về khổ khá toàn vẹn sâu sắc.

VII.     Ý NGHĨA CỦA CHỮ TÂM

Trong kinh luận Phật giáo thường chép: ‘Tam giới duy tâm, vạn pháp duy thức’ (ba cõi dục giới, sắc giới, và vô sắc giới là do tâm, vạn pháp hữu hình, vô hình, tâm pháp, sắc pháp đều do thức tạo ra).  Vì thế nên theo đạo Phật thì tâm là chủ tể của muôn sự muôn vật.  Ở giữa đời này, sở dĩ có muôn vạn sai biệt, có những màu sắc, âm thanh khác nhau, tất cả đều do tâm.  Riêng đối với con người ta, tâm là động cơ chính thúc đẩy ta đến hành động, mà hành động ấy thiện hay ác, tốt hay xấu, một phần lớn cũng phải căn cứ vào tâm.

Tâm thiện thì dù bề ngoài có vẻ độc ác thô động, như trường hợp cha mẹ đánh đập đứa con hư, thầy giáo trừng phạt cậu học trò lười nhác .v.v. đều thuộc về thiện.  Ngược lại nếu tâm ác thì dù bề ngoài có vẻ êm dịu ngọt ngào, như trường hợp người gian tham rình mò lén lút để đánh cắp của người, kẻ nịnh thần dùng lời xảo quyệt ngon ngọt để lung lạc tâm vua .v.v. cũng đều thuộc về ác.  Do đó muốn phê phán một việc làm thiện hay ác, tốt hay xấu, chúng ta cần phải căn cứ vào tâm niệm và kết quả việc làm ấy, chứ không thể hoàn toàn dựa vào những động tác bên ngoài được.

Ở đây nàng Kiều cũng thế.  Muốn xét giá trị của nàng Kiều, nhất là phê phán việc làm của nàng.  Chúng ta cần phải dựa vào tâm niệm và kết quả của việc làm ấy mới khỏi thiên lệch, cố chấp và bất công.  Số phận của Kiều, cũng như việc làm của nàng, cụ Nguyễn Du miêu tả như sau:

‘Xưa nay trong đục đàn bà

Chữ ‘trinh’ kia cũng có ba bảy đường.

Có khi biến có khi thường

Có quyền nào phải một đường chấp kinh

Như nàng lấy ‘hiếu’ làm trinh

Bụi nào cho đục được đường ấy vay ?’

Người nội cuộc như Kim Trọng mà còn có thái độ và nhận xét ấy đối với nàng Kiều, thì những người như chúng ta trong khi phê phán tìm hiểu nàng Kiều, cũng như tác giả của nó, có nên có một thái độ quá khe khắt gò bó chăng ?

Như chúng ta biết tâm giữ một vai trò đặc biệt trong việc quyết định những hành vi thiện ác, tốt xấu của con người.  Nhưng chúng ta cũng nên nhớ thêm rằng: tâm còn có những sức mạnh khác nữa, đó là sức mạnh chế tác của tâm.  Chế tác bằng tư tưởng, bằng khái niệm, và bằng tâm tính.  Sức mạnh của tư tưởng đã làm cho con người vượt hẳn các loài động vật, đồng thời tư tưởng cũng là một yếu tố cần thiết để làm cho con người khác biệt với các loài thực vật khác qua lời nói của một triết gia Âu Tây sau đây: ‘Con người là một cây sậy có tư tưởng’.  Riêng về sức mạnh của khái niệm thì các vị học giả tiền bối đã diễn tả qua các câu thơ sau đây:

 

‘Nhất nhật tại tù

Thiên thu tại ngoại’

(Một ngày ở trong tù

Bằng ngàn ngày ở ngoài)

Hoặc câu:

 

Nhất nhật bất kiến

Như tam thu hề’

(Một ngày không thấy mặt

Trông dài như ba năm)

Thời gian tâm lý nầy được cụ Nguyễn Du diễn đạt trong truyện Kiều qua hai câu thơ sau:

‘Sầu đong càng khắc càng đầy

Ba thu dọn lại một ngày dài ghê !’

Còn sức mạnh của tâm lý thì được thể hiện trong những câu thơ sau :

‘Cảnh nào cảnh chẳng gieo sầu

Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ’

Thật vậy, cùng một cảnh ấy nhưng có vui, có buồn, vì lòng người có khi buồn, có khi vui.  Cũng như cùng một bàn tay, một cung đàn của nàng Kiều, nhưng có khi buồn thảm thê lương nhuốm màu tang tóc, có khi vui vầy thanh thoát như hoa nở chim hót suối reo.  Qua những thay đổi ấy của tiếng đàn, đến khi nghe xong Kim Trọng cũng phải buột lời khen ngợi:

‘Chàng rằng: phổ ấy tay nào

Xưa sao sầu thảm nay sao vui vầy ?

Tẻ vui bởi tại lòng này

Hay là khổ tận, đến ngày cam lai ?’

Ngoài những khía cạnh tư tưởng, tâm lý trên, trong truyện Kiều cụ Nguyễn Du còn diễn tả sức mạnh của tâm, tức là triết lý duy thức của Phật giáo qua hai câu thơ tuyệt tác sau đây nữa.  Ðó là:

‘Xĩnh lời nàng mới theo sang

Biết đâu địa ngục, thiên đàng là đâu !’

Vâng, đúng như thế.  Thiên đường và địa ngục không phải ở đâu xa lạ, mà chính ngay ở trước mắt ta, bên cạnh ta, bàng bạc khắp trong cõi đời này, không biết đâu mà phân biệt được.  Hạnh phúc và đau khổ cũng thế.  Về vấn đề này đức Phật có dạy:

Tri túc chi nhơn

Tuy ngọa địa thượng

Nhi vi an lạc

Bất tri túc giả

Tuy xử thiên đường

Nhi bất xứng ý

(Người mà biết đủ

Dù nằm trên đất

Cũng được an lạc

Người không biết đủ

Dù ở thiên đường

Vẫn không vừa ý)

Căn cứ vào thuyết này chúng ta thấy hạnh phúc hay đau khổ, đầy đủ hay thiếu thốn, tất cả đều do lòng mình.  Thiên đường và địa ngục, cũng như âm và dương, tối và sáng, ngày và đêm không có phương hướng, cũng không có ranh giới nhất định.  Ở đâu cũng có thể hiện thành thiên đường hoặc là địa ngục được cả.  Ngay ở trong kiếp sống của con người và ở trong thế giới nhân gian nầy cũng thế.

Ðể diễn đạt tư tưởng của mình về vấn đề ‘thiên dường và địa ngục’ nầy, trong truyện Kiều Nguyễn Du đã viết:

‘Nước trôi hoa rụng đã yên

Hay đâu địa ngục ở miền nhân gian’

Nếu đem hai câu thơ trên của Nguyễn Du so sánh với hai câu danh ngôn sau đây của Trung Hoa:

 

‘Ngưu ẩn thủy thành nhủ

Xà ẩm thủy thành độc’

 

Trâu uống nước thành sữa

Rắn uống nước thành độc

Rồi đem so sánh với mấy câu thơ sau đây của thi sĩ Milton:

‘The mind is its own place and in its self,

Can make a heaven of hell

A hell of haven’

(Tâm có vị trí và đặc tính riêng của nó, tâm có thể tạo thiên đường trong địa nguc, và tạo cảnh địa ngục trong thiên đường)

Thì chúng ta sẽ thấy điểm ‘không hẹn mà gặp’ giữa nguồn cảm hứng của các thi nhân Ðông và Tây trong những cố gắng diễn đạt triết học duy tâm, duy thức của Phật giáo. Vì chủ trương ‘Tam giới duy tâm, vạn pháp duy thức’ nên Phật giáo phủ nhận mọi sức mạnh siêu nhiên và tự nhiên ở bên ngoài.  Phật giáo qui định mọi khía cạnh, mọi giá trị của cuộc đời về sức mạnh của tự tâm. Tâm tạo thiên đường địa ngục, tâm tạo Niết bàn sanh tử, tâm tạo Phật chúng sanh, hạnh phúc hay đau khổ. .  Nói một cách khác, tâm (cũng có thể gọi là nghiệp lực) tạo ra tất cả và tâm là chủ động lực của đời mình.  Tổng hợp cả hai quan niệm của Phật giáo và Nho giáo về sức mạnh của tự tâm, cụ Nguyễn Du trong truyện Kiều đã diễn đạt tư tưởng của mình qua lời của sư cô Tam Hợp như sau:

‘Sư rằng : phúc họa đạo Trời

Cội nguồn cũng ở lòng người mà ra

Có Trời mà lại có ta

Tu là cõi phúc tình là dây oan’

Và  sau khi phác họa đầy đủ mọi khía cạnh của cuộc đời, mọi thay đổi biến thiên của nhân sinh vũ trụ, và mọi thăng trầm vinh nhục của nàng Kiều, ở đoạn kết của cuốn ‘Ðoạn Trường Tân Thanh’, cụ Tiên điền Nguyễn Du đã viết:

“Ðã mang lấy nghiệp vào thân

Cũng đừng trách lẫn trời gần trời xa

Thiện căn ở tại lòng ta

Chữ tâm kia mới bằng ba chữ ‘tài’ “

VIII. MỘT VÀI TRIẾT LÝ KHÁC BÀNG BẠC QUA THI PHẨM KIỀU :

1)Lòng từ bi hiếu thảo:

Số phận của người con gái ‘bán mình chuộc cha’ nhu nàng Kiều đã chịu trămcay ngàn đắng, trải qua mấy lần gác tía lầu xanh.  Nàng đã chán chê với cuộc sống ấy, nên đã nhiều lần lập mưu tính kế, cố gắng tìm cách thoát ly ra ngoài.  Nhưng người con gái thơ ngây đã ‘chạy trời không khỏi nắng’, vừa mới thoát ly vòng vây nầy thì bị mắc vào vòng vây khác, tủi nhục và đau khổ hơn.

Ðể hiểu rõ tâm trạng của nàng Kiều trong những giai đoạn ‘kiết phược’ ấy, chúng ta hãy đọc đoạn thơ sau:

‘Chém cha cái số hoa đào

Gỡ ra rồi lại buộc vào như chơi

Nghĩ đời mà ngán cho đời

Tài tình chi lắm cho trời đất ghen !

Tiếc thay nước đã phủ phèn,

Mà cho bùn lại vẩy lên mấy lần’.

Nếu chúng ta căn cứ vào ý niệm bất đắc dĩ của nàng Kiều trong khi ‘chấp kinh tùng quyền’ rồi căn cứ vào ý nghĩa ‘gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn’, nhất là căn cứ vào niệm ‘thỉ chung như nhất’ của nàng trong khi bán mình chuộc cha :

‘Tái sinh chưa dứt hương thề

Làm thân trâu ngựa đền nghì trúc mai

Nợ tình chưa trả cho ai,

Khối tình mang xuống tuyền đài chưa tan !’

Thì chúng ta có thể dễ dàng hiểu được cảnh ngộ và tâm tình của Kiều hơn nữa.  Không những đối với Kim Trọng, chàng trai đã chiếm trọn tình yêu của nàng, nàng mới có một niềm thỉ chung như thế.  Ðến như đối với Từ Hải, người gá nghĩa trên bước đường luân lạc, nàng cũng giữ được một lòng trung chánh tương tợ.  Có người cho rằng Kiều là người ‘môt dạ hai lòng, mưu mô phản trắc’ vì Kiều đã đưa Từ Hải vào cảnh sa cơ thất mạng.  Muốn hiểu rõ ràng Kiều có phải là một dạ hai lòng hay không, chúng ta phải căn cứ vào tấm lòng của nàng trong bài thơ sau rồi sẽ phê phán :

Khóc rằng : trí dũng có thừa

Bởi nghe lời thiếp đến cơ hội này

Mặt nào trông thấy nhau đây

Thà liều sống chết một ngày có nhau

Rồi ở một đoạn khác:

‘Khi nàng gieo ngọc trầm châu

Ðón nhau, tôi đã gặp nhau rước về

Cùng nhau nương cửa Bồ đề

Thảo am đó cũng gần kề chẳng xa’

Vâng, nhờ công đức hy sinh cho cha mẹ, nhờ tấm lòng thỉ chung trung chánh đối với tình quân, nhờ nước sông Tiền Ðường rửa sạch bụi trần tơ duyên, nhất là nhờ ý nguyện thành tâm sám hối, cắt đứt duyên nợ ba sinh, nên từ đó Kiều đã trở thành một con người trong sạch từ thân đến tâm, từ trong ra ngoài.  Vì thế ta cũng không ngạc nhiên đến lòng từ bi quảng đại của đạo Phật qua hành vi cứu độ của Ni sư Giác Duyên.  Thật là một nghĩa cử cao đẹp ! Cửa Bồ đề quả là quảng đại vô biên ! Nếu Nguyễn Du cũng như các nhà cổ Nho khác không ảnh hưởng theo với tinh thần từ bi cứu thế của đạo Phật, không chịu đưa tay tế độ những kẻ trầm luân khổ hải.  Ðây không như thế, Nguyễn Du đã không cố chấp vào những giáo điều khô cứng, không câu nệ bảo thủ theo những lề lối thông thường, và do đó cụ đã linh động khai thông ra để cứu độ một linh hồn đau khổ, bằng cách làm cho Ni sư Giác Duyên thuê người tìm kiếm và cứu vớt nàng ở sông Tiền Ðường.  Cũng do tinh thần từ bi cứu thế ấy của đạo Phật, nên không những một mình Kiều, đến cả gia đình của nàng (và có lẽ của chúng ta nữa) đã thọ ơn Phật pháp.  Họ đã:

‘Quay nhau lạy trước Phật đài

Tái sinh trần tạ lòng người từ bi’

2)Về tòa án nhân dân đầu tiên ở Việt Nam:

Sự xuất hiện của nhân vật anh hùng Từ Hải như là một sự xuất hiện của một tòa án nhân dân xử phạt các tội phạm phong kiến và các tội phạm do chế độ phong kiến thối nát đẻ ra.  Trong phiên tòa xử Tú bà, Mã Giám Sinh, và Hoạn Thư, Kiều vốn là nạn nhân trở thành quan tòa.  Tiếng nói của quan tòa này hẳn là chính xác, công minh.  Ðây là tiếng nói đích thực của nhân dân vừa công bình, vừa nhân ái.  Với Hoạn Thư, Kiều phán:

‘Tha ra thì cũng may đời

Làm ra thì cũng ra người nhỏ nhen

Ðã lòng tri quá thì nên

Truyền quân lệnh xuống trướng tiền tha ngay’

Với tú bà và Mã Giám Sinh, nàng truyền:

‘Tú bà cùng Mã Giám Sinh

Các tên tội ấy đáng tình còn sao

Lệnh quân truyền xuống khai đao

Thề sao thì lại cứ sao gia đình’

Với hai phiên tòa nhân dân ấy, Nguyễn Du, một thiên tài thi ca và tư tưởng đã nói lên khát vọng thống thiết về một xã hội nhân bản, hợp lý xây trên công bằng, nhân ái, trên nền tảng giá trị con người vì an lạc và hạnh phúc cao cả của loài người - mỗi người và mọi người.

3)Triết lý giải phóng phụ nữ:

Với quan niệm của các nhà Nho xưa, người phụ nữ bị đóng khung trong ‘Tam tòng’ (tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử.  Nghĩa là ở nhà thì theo cha, đi lấy chồng thì theo chồng, chồng chết thì theo con) và tứ đức : công, dung, ngôn, hạnh.  Nguyễn Du đã phá đổ chiếc khung cũ kỷ ấy, giới thiệu nàng Kiều, người đẹp giỏi cầm, kỳ, thi, họa và kiêm thạo cả tửu, giới thiệu Hoạn Thư khôn nước hơn Thúc Sinh:

‘Anh hoa phát tiết ra ngoài

Tài tình chi lắm cho trời đất ghen’

 

‘Thấp cơ thua trí đàn bà

Trông vào đau ruột nói ra ngại lời’

Hoặc là:

‘Người đâu sâu sắc nước đời

Mà chàng Thúc phải ra người bó tay’

Nhà thơ lỗi lạc ấy đã muốn giải phóng phụ nữ, giới thiệu phụ nữ đi vào nhiều lãnh vực của xã hội.  Và đã tháo gỡ cái quan niệm chật hẹp, phi lý về chữ trinh cũ:

‘Xưa nay trong đạo đàn bà

Chữ trinh kia cũng có ba bảy đường’

Hay là:

‘Như nàng lấy hiếu làm trinh

Bụi nào cho đục được mình ấy vay’

Với cái nhìn nhân ái và trí tuệ ấy của Nguyễn Du là cái nhìn giá trị mới đầy tính người, giải phóng con người ra khỏi vùng giá trị cũ kỹ của Nho học.

4)Nỗi đau đứt ruột:

Sau khi thoát ra khỏi thanh lâu và được làm phu nhân của tướng công Từ Hải, Thúy Kiều đã mời sư chị tới để tỏ lòng trân trọng và biết ơn.  Sau đó sư chị Giác Duyên tạ từ về chùa, vì sư chị không muốn ở lâu chỗ quân trường.  Trên con đường về, sư cô gặp một đạo cô tên là Tam Hợp, một người tu theo đạo Lão nhưng có kiến thức rất sâu sắc về đạo Bụt. Thời đó ba tôn giáo đã sống chung và có ảnh hưởng lẫn nhau, ta gọi là ‘tam giáo tịnh lập’.  Biết rằng Kiều sẽ còn gặp nhiều khổ đau nên sư Giác Duyên mới hỏi đạo cô Tam Hợp về tương lai của nàng.  Họ bảo là Kiều còn phải gặp nhiều tai nạn và đau khổ nữa trước khi được giải thoát.  Qua những lời này ta thấy đạo cô Tam Hợp là một nhà phân tâm học.  Thấy được cái bản chất của con người Kiều và cũng thấy được tương lai của Kiều:

‘Thúy Kiều sắc sảo khôn ngoan

Vô duyên là phận hồng nhan đã đành’

Vô duyên đây là thiếu phúc duyên, không có phúc duyên, không đủ điều kiện căn bản để có hạnh phúc, nói khác là điều kiện của sự tu học, của sự giác ngộ.  Vô duyên đây không có nghĩa là thiếu sự duyên dáng, vô duyên đây là thiếu may mắn, để thấy được sự thật và thấy rằng mình đang đi vào một con đường không sáng sủa”

‘‘Thúy Kiều sắc sảo khôn ngoan

Vô duyên là phận hồng nhan đã đành

Lại mang lấy một chữ tình

Khăng khăng mình buộc lấy mình vào trong

Vậy nên những chốn thong dong

Ở không yên ổn, ngồi không vững vàng

Ma đưa lối quỷ đưa đường

Lại tìm những chốn đoạn trường mà đi’

Những chốn mà người khác đi đứng thong dong, khỏe khoắn và hạnh phúc, mình tuy ở chung nhưng vẫn không được như người ta.  Ðáng lý được thong dong mà mình không được, vậy nên những chốn thong dong, ở không yên ổn, ngồi không vững vàng.  Mình ngồi cũng không yên, đi cũng vậy, mình đi trên chông gai, bước trên than hồng trong khi người khác có sự thanh thản bình an.  Dầu cho có vào chùa đi nữa thì mình cũng tiếp tục ngồi trên đống lửa mà không được ngồi trên hoa sen.  Dầu cho đang được cùng đi thiền hành với tăng thân và khi tăng thân thực tập từng bước nở hoa sen, mình vẫn dẫm trên lửa nóng.  Vào chùa mình cũng chẳng có sự thanh tịnh vì mình đã tự buộc mình vào vòng nghiệp chướng.

‘Ma dẫn mình đi’, ma đây tức là ma thất niệm, sự vắng mặt của chánh niệm.  Ma quỷ tức là sự tối tăm, là vô minh, là tình trạng không thấy được sự thật, là tình trạng đang đi trên con đường khổ đau và đen tối.  Mình không tìm con đường an lành mà đi, trái lại đã tìm chốn đoạn trường mà đi.  Vì thế Ðoạn Trường Tân Thanh cũng chính là nỗi đau đứt ruột:

‘Hết nạn ấy đến nạn kia

Thanh lâu hai lượt, thanh y hai lần

Trong vòng giáo dựng gươm trần

Kề lưng hùm xói gửi thân tôi đòi

Giữa dòng nước dẫy sóng dồi

Trước hâm rồng cá gieo mồi vắng tanh

Oan kia theo mãi với tình

Một mình mình biết, một mình mình hay’

Chỉ có mình mới thấy được cái khổ đau cùng cực của mình.  Người ngoài nhìn vào không thể thấy và biết hết được.  Một mình mình biết, một mình mình hay. Câu thơ nầy thâm trầm hết sức.  Rồi đạo cô nói tiếp:

‘Làm cho sống đọa thác đày

Ðoạn trường cho hết kiếp này mới thôi’

C.     KẾT LUẬN

Truyện Kiều hàm chứa nhiều quan niệm nhân sinh, triết học tôn giáo, thực trạng xã hội và khía cạnh tâm lý của con người, đầy đủ các phương tiện tốt xấu, khen chê, vinh nhục, thịnh suy, thiện ác v.v.. muôn màu muôn sắc, không làm sao diễn tả hết trong phạm vi bài viết.  Vì thế người viết khi thực hành đề tài nầy không thể nào không thổn thức cho kiếp đọa đày lao khổ của Kiều.  Chính tâm trạng này đưa đến cho chúng ta một liên tưởng ‘suy người rồi nghĩ đến ta’ trong thân phận của kiếp người trầm luân đau khổ:

‘Nghĩ thân phù thế mà đau

Bọt trong bể khổ bèo đầu bến mê !’

(Ôn Như Hầu)

Và từ đó, tự nhiên trào dậy trong lòng ta một tình thương man mác.  Thương cho số kiếp đào hoa bạc phận của Kiều chăng ? Thương cho Cụ Nguyễn Du lận đận trên đường công danh sự nghiệp của thời Lê mạt Nguyễn sơ chăng ? Hay thương cho ta, cho mọi người đang sống trong cảnh bèo mây mộng ảo chốn trầm luân khổ hải này chăng ? Không, tình thương ấy không có thời gian và định hướng.  Ta thương cho tất cả.  Tình thương ấy là gì nếu không là một biểu hiện lòng từ bi của đạo Phật ?

Thực tế cho ta thấy tình thương là một sợi dây vô hình nối liền giữa mình và người, giữa hiện tại, quá khứ và tương lai.  Qua tình thương ấy, giữa thi hào Nguyễn Du với nàng Kiều lao đao lận đận trong  cuốn ‘Ðoạn Trường Tân Thanh’, và với chúng ta trong cuộc đời trầm luân ảo mộng này nghe như có cái gì đồng điệu nên giữa chúng ta - người còn kẻ mất, người mộng kẻ thực - sẽ không còn ai khóc cho ai nữa và không phải hỏi rằng:

‘Bất tri tam bách dư niên hậu

Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như?’

(Không biết rồi đây ba trăm năm sau, trong thiên hạ còn ai khóc Tố Như?) mà chính là ta khóc cho thân phận con người của chúng ta vậy.

Song song với ý niệm và tình thương ấy, khi đọc truyện Kiều chúng ta cảm thấy: con người trước hết là một vật yếu hèn bất lực, nhưng nhờ ‘thiện căn’ sẵn có trong lòng, kèm theo ý chí liên tục phấn đấu, nên cuối cùng con người sẽ thắng được định mệnh, vượt khỏi mọi bất công thử thách của cuộc đời để xây dựng tương lai của mình.  Câu châm ngôn của Tây phương: ‘thất bại là mẹ của thành công’ và câu phương ngôn của Ðông phương (Nhật Bản) “Ngã xuống bảy lần, lần thứ tám đứng dậy’ đã được thể hiện hoàn toàn trong nhân vật chính của truyện Kiều, đó là nàng Kiều.  Ðấy là gì nếu không phải là triết lý nhân bản, truyền thống bất khuất của các dân tộc Á Ðông?
Thêm một điều nữa, đọc truyện Kiều chúng ta thấy tác phẩm này đã vượt lên trên tất cả những quan niệm chật hẹp tầm thường của đương thời để thể hiện một tinh thần tổng hợp linh động của các nền tư tưởng Ðông phương là Phật giáo, Nho giáo và Lão giáo.  Ba nền triết học Phật, Lão, Nho ấy đã dung hòa đẹp đẽ trong công cuộc đúc kết thành sắc thái đặc biệt và phong phú của nền văn hóa Việt Nam với mấy nghìn năm lịch sử.  Chính sắc thái này đã tạo ra truyền thống dung hòa, nhưng không nô lệ, mềm dẻo nhưng bất khuất của dân tộc Việt Nam trải qua bao cuộc chống xâm lăng, dành độc lập của ông cha chúng ta từ xưa, và ngay cả thế hệ của chúng ta bây giờ nữa.

Có lẽ vì những lý do trên, nên đại đa số quần chúng Việt Nam từ giới cần cù lao động ở nông thôn cho đến các hàng trí thức ở thị thành đều thích đọc truyện Kiều, công nhận giá trị của truyện Kiều, nhất là giá trị đóng góp của nó trong các lãnh vực văn chương, triết lý nghệ thuật và tư tưởng, có lẽ cũng vì thế nên như người Ba tư đối với bản trường ca Rubaiyat, người Ấn độ với bản tình thơ Bhavagad, Cita .. người Việt Nam chúng ta đón nhận tác phẩm truyện Kiều như một vật thân yêu, phản chiếu từ lòng mình, đời mình vậy.

Với những khía cạnh đã được trình bày trên, tiểu luận này chỉ là biên khảo, như là một đề nghị rằng cần có những công trình nghiên cứu và biên khảo công phu hơn, mới có thể nói lên rõ ràng triết lý Phật giáo qua thi phẩm Kiều.

Một lần nữa chúng con xin chân thành tri ân những vị giáo sư đã hướng dẫn, chỉ bảo cho tập tiểu luận này được hoàn thành tốt đẹp.  Ðồng thời chúng con cũng xin các bậc cao minh chỉ bày cho những sơ sót trong tiểu luận này, để người viết được học hỏi thêm những ý kiến quý báu, rút kinh nghiệm cho những bài viết sau.  Chúng con chân thành cảm tạ và tri ân những ý kiến quý báu đã đóng góp.

 

 --o0o--

Vi tính: Tâm Diệu

Trình bày: Nhị Tường
Cập nhật: 01-06-2004

Nguồn: www.quangduc.com

Về danh mục

æˆ å šæ ç ºä ç Ÿå æœ Giai thoại văn sử cổ Việt Nam Phật 离开娑婆世界 PhẠt dẠy visakha thích chơn 腳底筋膜炎治療 phước ด หน ง A Cười GiẠc 潮阳菩提禅寺 Vu lan nhớ mẹ 佛教与佛教中国化 藏红色 大法寺 愛西市 云南省拆除水箱套什么定额 オンライン坐禅会 长寿和尚 伊人已逝 末法时代 tinh xa ngoc quang phà Pho tượng như người thật ở chùa Quán لالبللاىخهمء لاىىلا ر একব র 大一学期改进措施与下学期计划 八卦山圖書館 vườn 18 ะกะพถพ tín แจก sai ต วเต ม 仏壇の線香の位置 î ï åœ 少先队大队部工作计划 ä çœŸæ³ ç Œ học phật 积极向上的名言警句 พระพ ทธศ ลปาว 阿宗白洛仁波切 白佛言 什么意思 护法 ChẠy Nên 塩谷八幡宮