Thơ - Mây...

.


 
Mây

Diệu Trân

 

Không định tọa thiền mà tôi vẫn ngồi trong thế kiết già; không quán công án nào mà tôi cứ mãi nhìn mây. Một mình giữa vườn bưởi, tôi lặng lẽ ngước nhìn mây trắng, mây xanh, mây hồng … Nhìn, và rồi chỉ là mây thôi, trắng, xanh hay hồng sẽ thay mầu, nhưng mây thì vẫn lãng đãng bay. Nhìn, rồi không còn xanh hay hồng nữa, chỉ trắng thôi. Cả vạn hữu chỉ còn bao la mây trắng … Con-Mắt-Tâm nhìn cái bao-la-trắng đó, lặng im và nhìn mãi, nhìn mãi, tới đâu thì “Cảm ứng đạo giao nan tư nghì”?

Một cánh chim bay ngang, để rơi lại âm thanh hững hờ, có thế thôi mà cũng đủ khiến người nhìn mây lại thấy mây có trắng, xanh, hồng; người và mây lại là hai thực thể, có người nhìn và vật bị nhìn !

Vươn vai, rồi mở nhẹ khóa chân, tôi thở mạnh và buông lơi, soải dài toàn thân trên nền đất ẩm. Vô hình chung, mặt đối diện trời và lại thấy mây ! Bây giờ thì mặc ! Mây là mây, ta là ta, hay mây với ta là một cũng mặc ! Nằm như vậy, với tĩnh lặng và hương bưởi thoảng quanh, ta có gì để chờ đợi đâu ? Sao phải cố gắng để ta với mây là một ? Chỉ cần khởi từ ý nghĩ muốn đạt tới “là một” sẽ chẳng bao giờ là một được rồi ! vì còn muốn là còn đối đãi, còn ta, còn người, còn vật. Chỉ thế thôi mà cứ chìm nổi trong lầm lẫn, mãi quên lời vô thỉ vô chung. Không quá khứ, chẳng vị lai, chỉ hiện tại. Hiện tại này đang có gì ? Mây. Trước mắt là mây, chỉ mây thôi, không gì nữa cả, mây xứ người hay mây quê hương, thấy bằng nhục nhãn hay tuệ nhãn, nào cần chi gạn hỏi ! Chỉ biết, mắt như không rời mây được nữa.  Mây nhẹ hay ta nhẹ mà ta như cũng bay cùng mây …. Với mây, ta đang ở đâu mà nghe thấy âm thanh của đoàn tầu nặng nề lăn trên đường sắt. Đoàn tầu cũ quá, và đường sắt còn cũ hơn khiến bánh sắt siết trên đường, quằn quại hơn tiếng khóc:

“Ta sẽ rủ gió lùa trên tóc rối

Giọng ân tình năn nỉ bước đi mau

Còi rộn rã bởi hoang đường đã đổi

Bởi phiêu lưu ngày tháng vẫn con tầu”

Nhưng con tầu không có lựa chọn. Nó phải lăn bánh dù đã quá già nua. Khi thân tầu rung rinh, lắc lư, nó rung rinh và lắc lư tất cả khối người đông đảo, xô đẩy nhau trong lòng nó. Có người cằn nhằn, có người lặng thinh chịu đựng, có người chợt chắp tay, cúi đầu khi làn sóng xô người ấy lủi vào một thân người ốm yếu ngồi cuối toa. Người ấy vội vã chắp tay, cúi đầu, có lẽ vì thấy tấm áo nâu bạc phếch của người vừa bị xô. Tấm áo đó có đủ xác định người đang khoác nó là một thầy tu hay không, có lẽ chỉ người chắp tay cúi đầu và người nhận cái chắp tay cúi đầu là đồng cảm được thôi. Giòng cuồng lưu hung hãn, dập vùi xoáy hút những viên sỏi lăn trôi theo nhau, vẫn có những hạt cát biết mình đang chứa cả đại dương. 

Con tầu từ miền Bắc, đang xuôi Nam. Tầu men dẫy Trường Sơn mà lăn. Gập ghềnh quá, cheo leo quá nhưng nó vẫn kiên nhẫn lăn bánh. Ông thầy tu ngồi yên lặng, nhiếp tâm, toàn thân ốm yếu toát ra sự khắc khổ, cô đơn tột cùng:

“Ngược xuôi nhớ nửa cung đàn

Ai đem quán trọ mà ngăn nẻo về”

Đây là toa tầu hạng ba, toa rẻ tiền nhất dành cho người cùng khổ, buôn gánh bán bưng, hàng hóa, thúng mẹt ngổn ngang với người, trong không khí ẩm mốc, tối tăm. Vậy mà, ở góc cuối toa đó phảng phất làn ánh sáng dị ảo, như ánh sáng từ một đốm nhang trầm, ấm và thơm. Nhang đâu mà đốt nơi khổ nhục nhớp nhúa này ? Nhìn kỹ …. Và nhìn kỹ hơn thì không thấy cây nhang nào. Làn hương lặng thầm, kín đáo đó hình như tỏa ra nơi ông thầy tu ốm yếu mà từ lúc bước lên tầu vẫn an nhiên khép hờ đôi mắt, nhiếp tâm, quyện thành ngũ-phần-hương lan nhẹ khắp lòng toa:

“Khi tâm tư chưa là gỗ mục

Lòng đất đen còn giọt máu xanh ngời”

Ông như không quan tâm gì, ngay cả những lúc tầu dừng ở mỗi sân ga. Hình như ông có đến mà không đi, hay có đi mà chẳng đến. Nơi đến hay chốn đi cũng như nhau thôi khi ông đã từng thấy rồi, thấy ngôi nhà mà chúng sanh miệt mài khổ nhọc kiếm tìm. Chắc phải thế ông mới an nhiên tự tại như vậy được. Nếu ông đã thấy ngôi nhà Phật thì ông với Phật không hai, dù nơi thênh thang hay tận cùng tuyệt lộ:

“Nhất triêu cước lạc huyền nhai hạ

Thỉ bả chân không đối tịch hồng

Một sớm đưa chân vào tuyệt ngạn

Mới lấy Chân Không rọi đêm nồng”

Một vài người nghèo khổ ngồi gần, kín đáo nhìn ông, kín đáo chắp tay khi thỉnh thoảng ông hé mắt nhìn ra khung cửa toa tầu. Ông nhìn ra, chẳng vì chờ nơi đến mà chỉ muốn nhìn núi rừng. Thấy bóng núi cao đó, thấy cây xanh rừng kia, ông có thể đoán biết tầu vừa qua Nghệ An nơi có chùa Phổ Nghiêm, qua núi Dục Thúy nơi có chùa Sơn Thủy, qua Thừa Thiên, nơi có chùa Bảo Quốc, qua Huế, nơi Từ Đàm Từ Hiếu còn đứng đó với sương rêu …. Lòng ông chợt rung động. Hình như ông vừa bước ra khỏi thế giới của mình. Ông nhìn những người dân lam lũ xung quanh, nhìn những món hàng nhỏ nhoi dăm ký đường, dăm bó củi, rổ trái cây …. nhưng là gia tài của những người đang bương trải lượm từng hạt cơm về cho gia đình. Cả một dân tộc có hơn bốn ngàn năm văn hiến, phút chốc, bỗng chỉ còn một thôi thúc duy nhất là đi kiếm thức ăn ! Ông thầy tu cũng rung động khi ý thức rằng ông đang đi về Chùa. Chùa, một tiếng thân thương ấy đã từ mười lăm năm nay ông nhớ tưởng. Chùa. Ông sẽ về nơi ấy. Chùa. Dù bất cứ ngôi Chùa đó ở đâu. Ông đang đi về Chùa, không phải là về lại ngục tối sau những lần bị thẩm cung, tra tấn. Ý nghĩ “Về Chùa” làm ông nôn nao và dạ dày quặn thắt. Thì ra, ông đã tuyệt thực mười ngày rồi. Ông tuyệt thực vì trước khi thả ông do áp lực Quốc Tế, kẻ cầm quyền đã bắt ông ký giấy xin khoan hồng rồi mới thả. Mang trong lồng ngực một trái tim chỉ biết đập nhịp Bi Trí Dũng nên ông đã lạnh lùng từ chối “xin tha” điều mình “chưa từng phạm”. Và để tỏ quyết tâm, ông thầy tu đã tuyệt thực, lặng lẽ tuyệt thực, chỉ ông biết và kẻ giam cầm ông biết mà thôi, đằng trước không tuyên cáo, tuyên bố; đằng sau không yểm trợ, ủy lạo gì cả. Ông im lặng trở về nhà giam, từ chối cơm tù. Thế thôi. Nhưng hẳn là trong im-lặng-sấm-sét đó đã lóe lên lằn sáng xanh biếc diệu kỳ của thanh gươm Bát Nhã, nên cánh cửa ngục phi luân đã phải mở ra:

“Buổi vô thủy hồn tôi từ đáy mộ

Uống sương khuya tìm sinh lộ viễn trình

Khi nắng sớm hôn nồng lên nụ nhỏ

Tôi yêu ai, trời rực sáng bình minh ?”

Từ ngục tối nơi heo hút sơn lam chướng khí miền Bắc, ông thầy tu được đẩy lên toa tầu bẩn thỉu, xuôi Nam.

Mười lăm năm khổ sai, mười ngày tuyệt thực, ba mươi sáu tiếng đồng hồ liên tục trên con tầu cũ kỹ gập ghềnh, ông thầy tu không còn sức nữa. Ông dùng tàn lực đứng dậy khi con tầu chầm chậm ngừng ở một sân ga. Không cần biết là ga nào, ông phải bước xuống thôi. Có người nào đó đưa tay ra đỡ ông, dìu ông xuống hẳn mặt đường:

- Thưa thầy, thầy về đâu ?

- Chùa.

- Thưa thầy, đây là tỉnh Nha Trang, có Phật-học-viện Hải Đức.

- Hải Đức.

Ông thầy tu lập lại hai tiếng ấy cùng với âm thanh đại hồng chung gióng lên từ ba ngàn thế giới. Nương theo âm thanh đó, ông bước đi như mơ, cứ thế mà bước, xiêu vẹo, ngả nghiêng, vấp ngã nhưng vẫn bước. Trong tâm ông rộn rã câu chú: “Gate. Gate. Paragate. Parasamgate. Bodhi. Svaha.”.

 

Ông thầy tu quỵ xuống trước cổng tam quan, loáng thoáng nghe tiếng nhiều bước chân lao xao chạy tới và mơ màng thấy một bóng áo nâu từ trong chùa hối hả bước ra:

- Chuyện gì đó ?

- Bạch Thầy, Ngài đã về. Ngài đã về.

- Ai về ?

- Bạch thầy, Thượng Tọa Tuệ Sỹ. Thượng Tọa Tuệ Sỹ đã về. Ngài đã về.

 

Phút chốc, cả không gian như cùng vang lên câu chú Bát Nhã:

“Gate.

Gate.

Đã về.

Đã tới ….”

Đó là ngày đầu tháng 9 năm 1998.

 

Nam Mô Bát Nhã Hội Thượng Phật Bồ Tát Ma Ha Tát.

Diệu Trân
Tháng7, 2005
 Mùa An Cư Kiết Hạ

 

* Thơ trích từ thi tập Giấc Mơ Trường Sơn của thượng Tọa Thích Tuệ Sỹ.

---o0o---

 

Cập nhật: 01-07-2005

 

Nguồn: www.quangduc.com

Về danh mục

离开娑婆世界 PhẠt dẠy visakha thích chơn 腳底筋膜炎治療 phước ด หน ง A Cười GiẠc 潮阳菩提禅寺 Vu lan nhớ mẹ 佛教与佛教中国化 藏红色 大法寺 愛西市 云南省拆除水箱套什么定额 オンライン坐禅会 长寿和尚 伊人已逝 末法时代 tinh xa ngoc quang phà Pho tượng như người thật ở chùa Quán لالبللاىخهمء لاىىلا ر একব র 大一学期改进措施与下学期计划 八卦山圖書館 vườn 18 ะกะพถพ tín แจก sai ต วเต ม 仏壇の線香の位置 î ï åœ 少先队大队部工作计划 ä çœŸæ³ ç Œ học phật 积极向上的名言警句 พระพ ทธศ ลปาว 阿宗白洛仁波切 白佛言 什么意思 护法 ChẠy Nên 塩谷八幡宮 cũng nhận 生日快乐