|
.
MƯỜI
BỨC TRANH CHĂN TRÂU
CỦA
THIỀN SƯ QUÁCH AM
Trần
Trúc Lâm
|
|
Thiền
tông Trung Hoa đã gây ảnh hưởng rất lớn không những về
mặt tôn giáo mà còn thấm nhuần sâu xa vào văn hóa, tâp quán,
triết học, tư tưởng, học thuật của Trung quốc và các
nước lân cận như Nhật Bản, Triều Tiên và Việt Nam.
Phật
giáo từ Thiên Trúc đã du nhập lẻ tẻ sang Trung quốc lúc
đầu kỷ nguyên Tây lịch, nhưng mãi đến thế kỷ thứ III,
trào lưu hoằng hóa mới bộc phát do sự gia tăng thỉnh kinh,
dịch thuật và cầu pháp. Năm 329 có Hòa thượng Pháp Hiền
đi Ấn Độ thỉnh kinh. Năm 401 có vị Đại sư xứ Dao Tần
(Kucha, thuộc Tân Cương ngày nay), vốn dòng dõi quí tộc là
Cưu Ma La Thập (Kumarajiva: 344- 413) đến Trường An truyền bá
Phật pháp và phiên dịch kinh Đại thừa dấy lên một phong
trào chép dịch kinh Phật rầm rộ ở Trung quốc. Các tông
phái ban đầu như Tịnh-độ, Tam-luận, Thành-thực, Niết-bàn
vv... liên tiếp lớn mạnh. Rồi các tông phái khác như Thiên-thai,
Hoa-nghiêm, Pháp tướng vv... dần dần được thành lập.
Các
tông phái ở thế kỷ thứ V nghiên về học thuật, chịu ảnh
hưởng pháp Trung quán của Tổ Long Thọ (Nagarjuna) và theo con
đường tiệm ngộ mà tu chứng. Mãi đến thời hai đồ đệ
xuất chúng của Đại Sư Cưu Ma La Thập là Đạo Sinh và Tăng
Triệu thì sắc thái Phật học tại Trung quốc mang một sắc
thái đặc thù mới.
Đạo
Sinh (360-434), vốn học rộng và tinh thông giáo pháp, đã thành
lập Niết bàn tông. Ngài đã cùng sư phụ Cưu Ma La Thập dịch
Kinh Diệu Pháp Liên Hoa (Saddharmapundarika-sutra) và Duy Ma Cật
Sở Thuyết (Vimalakirtinirdesa-sutra). Ngài cũng đa 壦#243; công
tổng luận hai bộ Kinh Đại Bát Niết Bàn (Mahaparinirvana-sutra)
và Bát Nhã Ba La Mật Đa (Prajnaparamita-sutra), giải rõ ý niệm
mọi chúng sinh đều có Phật tánh (Buddhata) bình đẳng và
hành giả tu theo theo con đường đốn ngộ, có thể hốt nhiên
mà đạt chánh giác và hợp nhất với Chân Như. Ngài thuyết
rằng Phật tánh nói trong Kinh Đại Bát Niết Bàn và tính Không
trong Kinh Bát Nhã Ba La Mật Đa chỉ là một. Cả hai đều là
vô tính, vô tướng và đó cũng chính là Niết bàn, một giai
tầng tâm thức không còn phân biệt giữa tướng ngã, tướng
nhân.
Tăng
Triệu (374-414), ban đầu học đạo của Lão,Trang, khi rốt
ráo lại than "Hay thì hay lắm nhưng còn trụ nơi hư vô, chưa
đến chỗ tột cùng", đến khi đọc qua kinh Duy-Ma Cật Sở
Thuyết, ngài vui mừng thốt "Nay mới biết được chỗ về!"
bèn xuất gia làm đệ tử của Cưu Ma La Thập. Tăng Triệu
nổi danh qua bộ Triệu Luận gồm bốn cuốn là Bát Nhã Vô
Tri, Bất Chân Không, Vật Bất Thiên và Niết Bàn Vô Danh. Qua
đó ngài đã trình bày tính xuyên suốt của tương đối và
tuyệt đối, của hiện tượng và bản thể, chúng vừa tương
vừa nghịch nhau. Chính nhờ Tăng Triệu mà Đại thừa hệ
phái Trung quán đã nẩy nở đầy sinh lực trên đất Trung
hoa.
Khoảng
năm 520, Bồ Đề Đạt Ma (Bodhidharma) vị Tổ Thiền tông đời
thứ 28 của Ấn Độ vì thấy sự suy vi của Phật giáo tại
bản xứ nên theo đường biển đến Quảng châu lúc Ngài đã
50 tuổi để hoằng hóa sang Trung quốc và sau bao thăng trầm
buổi đầu đã thiết lập được một truyền thống Thiền
Trung Hoa tuyệt diệu nhờ nẩy nỡ trên một mãnh đất đã
sẳn mầu đạo vị, và trở thành vị Sơ Tổ Thiền Trung Hoa.
Ngài thường thuyết bộ kinh Nhập Lăng Già (Lankavata-sutra)
và truyền phép thiền định. Ngài đã đặt ra hầu hết những
giềng mối cơ bản cho Thiền tông Trung Hoa.
Bồ
Đề Đạt Ma với tướng mạo dữ dằn, mắt lộ, râu ria rậm
rạp đến nỗi các hành giả còn gọi ngài là "Bích nhãn Hồ"
nghĩa là tên rợ mắt xanh, mở ra được dòng Thiền từ Chùa
Thiêu Lâm, trên rặng núi Tung sơn. Tương truyền nơi đây Ngài
đã thiền định suốt 9 năm ngồi quay mặt vào vách đá, và
cũng tại đấy Huệ Khả đến cầu đạo. Từ đó y bát giòng
Thiền đã được truyền thừa cho năm vị Tổ kế thừa là
Nhị tổ Huệ Khả, Tam tổ Tăng Xán, Tứ tổ Đạo Tín, Ngủ
tổ Hoằng Nhẫn và Lục tổ Huệ Năng. Đến thời Huệ Năng,
đời nhà Đường, thì phái Thiền tông đã phát triển rộng
rãi, đạt đến tuyệt đỉnh và rất được trân trọng ở
Trung Hoa. Chính ngài là người đã vận dụng cả kinh điển
Đại thừa, thiền định Ấn và Lão giáo để truyền dạy
yếu lý của Phật pháp là đốn ngộ kiến tánh. Uy danh, đạo
hạnh của Huệ Năng được sử sách đánh giá rất cao trong
hàng chư tổ. Lời giảng của ngài ghi lại trong bộ "Pháp
Bảo Đàn Kinh" được gọi là Kinh trong khi sách của chư tổ
khác thì chỉ được gọi là Luận mà thôi.
Huệ
Năng lập môn phái ở Tào Khê, phía nam nước Tàu nên được
gọi là Nam tông, vì Thần Tú, một đệ tử cao tăng khác của
Hoằng Nhẫn, nhưng lại không được chánh truyền y bát, vẫn
ở lại núi Hoàng Mai lập phái Bắc tông, theo lối thật tu
tiệm ngộ, nên đương thời có câu: "Nam đốn, Bắc tiệm".
Phái Bắc tông về sau suy kém, trong khi phái Nam tông càng ngày
càng hưng thịnh và dần dần lập thành 5 phái Thiền của
Trung Hoa. Lục Tổ đã y theo lời dặn dò của Thầy là Hoằng
Nhẫn: "Ngày xưa đức Đạt Ma mới đến xứ này, người ta
chưa tin Phật pháp, nên phải truyền cái y và bát này để
làm vật tin từ đời này sang đời khác. Còn Pháp thì lấy
tâm chuyển tới; và từ xưa chư Phật chỉ trao kín cái bản
tâm mà thôi. Y, bát này lại trở thành cái mối tranh chấp,
vậy từ đời ngươi trở đi, không cần phải truyền y bát
nữa, vì tông phái đã có truyền thống rõ rệt rồi..." mà
không truyền thừa y bát lại cho đệ tử tín cẩn nữa.
Tác
phong tu hành thời Huệ Năng đã bắt đầu bớt dần lối sinh
hoạt thuần tĩnh tọa trầm tư của tăng già Ấn Độ, có
lẽ một phần vì ảnh hưởng của môi sinh, khí hậu Trung
quốc lạnh lẻo hơn, nên thêm vào phép tu lao tác (làm lụng
bằng chân tay) để định tâm, nhưng vẫn chưa triễn khai lối
Thiền công án, thoại đầu hoặc át bổng (hét đánh) như
về sau.
Chủ
thuyết của Lục Tổ Huệ Năng được tóm gọn trong câu: "Giáo
ngoại biệt truyền, Bất lập văn tự, Trực chỉ nhân tâm,
Kiến tánh thành Phật" hoặc "Bất nhị pháp môn" cũng trở
thành tôn chỉ của Thiền tông Trung Hoa.
Huệ
Năng có hai đệ tử xuất sắc là Nam Nhạc Hoài Nhượng (Nanyue
Huairang: 677- 744) và Thanh Nguyên Hành Tư (Quiyan Xingxi: 660- 740).
Người kế vị Nam Nhạc là Mã Tổ Đạo Nhất (Mazu Daoyi: 707-786),
kế đến là Bách Trượng Hoài Hải (Baizhang Huaihai: 749-814;
lập phái Qui Ngưỡng chủ trương triệt để lao động chân
tay theo qui tắc nghiêm ngặt), rồi đến Hoàng Bá Hy Vận (Huangbo
Xiyun: ?- 850; mà những lời dạy của Ngài đã được đệ
tử Bùi Hưu chép lại trong bộ Hoàng Bá Truyền Tâm Pháp Yếu
rất danh tiếng), rồi đến Lâm Tế Nghĩa Huyền (Linji Yixuan:
?- 867; đã lập phái Lâm Tế trong thời gian Pháp nạn ở Trung
quốc: 842- 845; và Ngài đã phát minh ra lối thiền công án,
cùng phép át bổng mà truyền thống vẫn còn duy trì cho mãi
đến ngày nay – xem BichNham Lục, Vô Môn Quan vv...) Giòng Thanh
Nguyên Hành Tư về sau phát sinh ra 3 tông phái khác là Tào động,
Vân môn, và Pháp nhãn. Hai phái Tào động và Lâm Tế đã được
truyền sang Nhật ở thế kỷ 12 mang tên là Sodo và Rinzai.
Thiền
tông cũng đã được truyền vào Việt Nam thời thuộc nhà
Tùy, khoảng năm 580, do một vị Thiền sư Ấn độ tên là
Tì Ni Đa Lưu Chi (Vinitaruci:? - 594), vốn là đệ tử của Tam
tổ Tăng Xán, vì nạn phá Phật ở Trung quốc đã vâng lời
thầy đi hoằng hóa phương Nam, đến tỉnh Hà Bắc lập chùa
Pháp Vân (chùa Dâu) và truyền thừa cho Pháp Hiền. Có thuyết
cho Tì Ni Đa Lưu Chi là tổ dòng Thiền ở Việt nam; nhưng lại
có nơi cho rằng chính Khang Tăng Hội là người khai sáng. Tiếp
theo, đến năm 820 đời Đường có Thiền sư Trung Hoa Vô Ngôn
Thông (? – 826) môn đệ của Bách Trượng Hoài Hải, ngụ
tại chùa Kiến Sơ, thuộc tỉnh Bắc Ninh ngày nay. Dòng Thiền
này đã sản xuất ra những vị Thiền sư lỗi lạc như Khuông
Việt, Thông Biện, Mãn Giác, Minh Không, Giác Hải vv... Rồi
năm 1069 có Thiền sư Thảo Đường cũng vân tập phương nam
hoằng dương chánh pháp.
Thực
ra thì truyền thống Thiền đã có từ lâu đời ở Ấn độ,
khởi phát từ các phương pháp tu luyện chú tâm quán tưởng
của phái Yoga thuộc Bà la môn giáo, nhưng chỉ được kín
đáo truyền dạy cho các đệ tử trong hàng tăng lữ đạo
sĩ mà thôi, chưa được phổ biến rộng rãi ra ngoài cho các
giai cấp khác. Truyền thống thiền trong Phật giáo dĩ nhiên
cũng đã khởi đi từ thời Đức Phật Thích Ca qua điển tích
"Niêm hoa vi tiếu" giửa Phật và đại đệ tử Ca-Diếp (Mahakasyappa).
Đạo uyên áo không thể thuyết được bằng lời mà chỉ
dĩ tâm truyền tâm mà thôi cho những ai đã đạt đến trình
độ đạo đức tối thượng. Tam tạng kinh điển, do các đệ
tử kết tập những lời dạy của Đức Phật chỉ là phương
tiện, kim chỉ nam vẽ đường để "kiến tánh", để đạt
đến cõi tâm thể linh diệu vô nhị, còn gọi là Phật Tánh,
hay Như Lai Tạng Tánh (Tathagata), hay còn được gọi bằng vô
số thuật ngữ khác trong rừng kinh điển như Viên Giác Tánh,
Bản Lai Diện Mục, Trí Tuệ Bát Nhã, Bản Tánh Sáng Suốt,
Vô Tâm, Vô Thức, Đạo, Atman, Phi Thức - Phi Vô Thức (Naivasamjna-nâsamjnayatan),
Diệu Tánh, Chân Như, Không, A lại đa thức, Niết Bàn, Tánh
Giác, Chơn Tâm, Pháp Vô Sanh, Pháp Bất Diệt, Pháp Tối Thượng,
Pháp Thân Huệ Mạng, Bản Thể Chân Thật, Bản Nguyên Chân
Thật, Kim Cang Bất Hoại, Vô Sanh Pháp Nhẫn, hoặc Bản Lai
Vô Nhất Vật vv...
Giáo
lý chỉ giúp ở 6 bậc chuẩn bị của 8 bậc thiền định.
Theo phái Yoga thì thiền định được phân ra làm 8 bậc để
đạt đến siêu thoát là Yama, Niyama, Asana, Pranayama, Pratyahara,
Dharana, Dhyana, và Samadhi. Tam tạng kinh thì chia ra 4 bậc thiền
và
4 bậc định. Tổ Long Thọ thêm một bậc thiền ban sơ nữa
gọi là thiền chuẩn bị. Tổ Thế Thân còn chia bậc thiền
chuẩn bị thành hai bậc và đề ra hai hình thức luyện tập
là bất tịnh quán và trì túc niệm.
Giáo
lý không tạo ra giác ngộ. Liễu ngộ được Phật tánh không
phải do học mà ra. Không có cuốn kinh nào hay lối tu khổ
hạnh nào cứu kẽ hành giả ra khỏi luân hồi. Những kẽ
hay thuyết lý đều là trợ thủ của Mâra, dẫn dắt người
vào chỗ mê hoặc. Những người chỉ chuyên nghiên cứu Phật
pháp và Thiền tông, có thể là bậc uyên bác, nhưng thường
bị mắc kẹt ở giai tầng ý thức, vì họ chỉ muốn thỏa
mãn ở mặt tri thức, mà không thực tu thực chứng ở mặt
tâm linh. Bởi vậy mà Đức Phật đã từng dạy rằng giáo
pháp tựa như ngón tay Ngài trõ cho thấy mặt trăng tựa như
chân như tự tánh mà thôi, và chư tổ nói đến bất lập
văn tự,kiến tánh thành Phật là thế.
Chỉ
có thiền định, phản chiếu hồi quang - dĩ nhiên là sau khi
trải qua khá nhiều thời kỳ tu tập dọn dẹp bản thể cho
được tuyệt thanh tịnh - mới khám phá ra được Phật tánh
nơi chính mình. Những bộ kinh, luận như Tam Tạng Kinh, Bát
Nhã Ba La Mật Đa Luận, Trung Quán Luận của tổ thiền thứ
14 Long Thọ (Nagarjuna), bộ Câu Xá Luận của Tổ thứ 21 Thế
Thân (Vasubandhu) và Kinh Lăng Già của tổ thứ 28 Bồ Đề Đạt
Ma vv... đã dẫn dắt hành giả theo lối tu tiệm ngộ; cho mãi
đến Lục tổ Trung Hoa Huệ Năng mới nhấn mạnh vào lối
tu trực chỉ đốn ngộ.
Trong
chốn già lam, từ xa xưa đã xuất hiện nhiều bộ tranh chăn
trâu của các cao tăng cốt truyền dạy chúng tăng, nhưng rồi
thất lạc dần. Mãi đến đời Tống (960- 1279), nhiều bộ
tranh mới đã được truyền tụng trong các Tòng lâm, Thiền
Viện, có thuyết cho là gồm 4 bộ, có thuyết khác cho là 5
hay 6 bộ, phản ảnh nhiều khuynh hướng khác nhau trong sự
tu tập, chứng nghiệm.
Tựu
trung mỗi bộ có mười bức, mỗi bức có một bài tụng bằng
thơ tứ tuyệt, và một bài chú giải bằng văn xuôi, có thể
xếp thành hai loại: Loại tranh theo khuynh hướng Đại Thừa
và loại tranh theo khuynh hướng Thiền Tông. Tuy tranh vẽ có
khác nhau đôi chút nhưng các bài tụng và bài chú riêng cho
mỗi loại vẫn không thay đổi. Các bức tranh được đặt
đề mục theo thứ tự từ 1 đến 10 như sau:
Tranh
Đại thừa: 1: Vị mục (Chưa chăn). 2: Sơ điều (Mới chăn).
3: Thọ chế (Chịu phép). 4: Hồi thủ (Quay đầu). 5: Tuần
phục (Vâng chịu). 6: Vô ngại (Không ngại). 7: Nhiệm vận
(Tha hồ). 8: Tương vong (Cùng quên). 9: Độc chiếu (Soi riêng).
10. Song dẫn (Dứt cả hai) với bức tranh vòng tròn.
Tranh
Thiền Tông: 1: Tầm ngưu (Tìm trâu). 2: Kiến tích (Thấy
dấu). 3: Kiến ngưu (Thấy trâu). 4: Đắc ngưu (Được trâu).
5: Mục ngưu (Chăn trâu). 6: Kỵ ngưu qui gia (Cỡi trâu về nhà).
7: Vong ngưu tồn nhân (Quên trâu còn người). 8: Nhân ngưu câu
vong (Người trâu đều quên), với bức tranh vòng tròn. 9: Phản
bổn hoàn nguyên (Trở về nguồn cội). 10: Nhập triền thùy
thủ (Thõng tay vào chợ).
Ban
đầu thì Đại sư Thanh Cư chỉ vẽ ra 8 bức, đến mục "Một
vòng trắng" không còn trâu, không còn người chăn, tượng
trưng cho tâm và pháp cả hai đều hết, pháp là dụ cho trâu,
tâm là dụ người chăn. Về sau Thiền Sư Tắc Công e hàng
sơ căn dễ rơi vào thường kiến nên họa thêm mục chín là:
"Phản bổn hoàn nguyên", vẽ lá rụng về cội, chim bay về
tổ rồi làm kèm bài tụng. "Phản bổn hoàn nguyên" là tìm
thấy được bản lai diện mục, nói lên ý nghĩa là hành giả
đã vào được cảnh giới của Phật. Cuối cùng Thiền Sư
Từ Viễn thêm vào mục thứ mười là "Thõng tay vào chợ"
để tiêu biểu công hạnh giáo hóa chúng sanh của bậc viên
mãn vẫn còn hành bồ tát đạo.
Trong
các sách tu tập Thiền ở Trung quốc, vào thế kỷ thứ 12,
Thiền sư Quách Am hay Khuếch Am Sư Viễn (Kakuan hay Kuoan Shiyuan:
1100-1200) đã để lại cho môn sinh một tập miêu tả các bậc
tiệm ngộ rất nỗi danh gọi là "Thập Mục Ngưu Đồ" (hay
Mười Bức Tranh Chăn Trâu). Thiền sư Quách Am dự vào các
bản luận cũ của tiền nhân rồi họa bức tranh mười con
trâu, mượn hình ảnh tượng trưng của trâu trong Lão giáo,
rồi viết bài tụng và lời bàn bằng văn xuôi. Bộ tranh của
Ngài thuần chất Thiền, sâu sắc hơn các bộ của các bậc
tiền bối. Mười con trâu biểu hiện cho những bước tuần
tự trong sự chứng ngộ bản lai diện mục (hay thực tánh,
hay phật tánh). Từ đấy, nó trở thành nguồn cảm hứng sâu
xa cho các thiền sinh, và khá nhiều tranh phỏng theo bức họa
của Thiền sư Quách Am đã được vẽ ra hằng bao nhiêu thế
kỷ.
Khi
các thiền sư Nhật đi cầu học ở Trung quốc về, du nhập
Thiền vào đất Nhựt và từ đó Zen hưng thịnh thì Thập
Mục Ngưu Đồ càng được tán tụng, ấn tống và rất nhiều
tranh mộc bản được khắc ra. Ở đây người viết chỉ xin
giới thiệu cùng quý độc giả phần dịch từ bản Anh ngữ
của cuốn Zen Flesh, Zen Bones (sưu tập bởi Paul Reps) và tranh
họa tương đối mới nhất của nghệ nhân mộc bản nổi
danh Tomikichiro Tokuriki, con cháu của giòng dõi danh tiếng lâu
đời ở Nhật và liên tiếp làm chủ trà thất Daruma-do (Daruma
là chữ Nhật của Bồ Đề Đạt Ma). Tranh chăn trâu mộc bản
của ông đẹp chân phương và ý nghĩa vô hạn chẳng khác
gì tranh gốc của Thiền sư Quách Am.
Mong
rằng, cũng giống như vị Thiền tổ Trung Hoa, độc giả khám
phá ra được vết chân tự tại của ngài, mang gậy trúc cứu
đời của ngài và bầu rượu thơm nếu không thường thỏng
tay vào phố chợ để giác ngộ tha nhân, thì biết đâu khi
nghiền ngẩm những bức tranh, tụng những bài kệ, đọc những
lời bàn của thánh nhân, bất chợt trong một sát na tâm mình
sáng chiếu linh quang viên mãn. Ấy là Đốn Ngộ vậy.
1.
ĐI TÌM TRÂU (TẦM NGƯU)
Trong
cánh đồng của thế gian này, ta không ngừng vạch cỏ cao
đi tìm trâu.
Theo
những dòng sông không tên, lạc vào những đường mòn chằng
chịt trong những dãy núi xa,
Sức
đã kiệt và thân rã rời nhưng ta vẫn chưa tìm thấy trâu
đâu cả.
Ta
chỉ nghe côn trùng rã rích trong rừng suốt đêm.
Lời
bàn: Con trâu chẳng bao giờ thất lạc. Nó vẫn sờ sờ ra
đó đâu phải kiếm tìm? Chẳng qua chỉ vì ta rời xa thực
tướng cuả mình nên ta không hề thấy nó. Trong sự mê muội
của sắc tướng mà ta mất dấu vết của nó. Ở xa căn nhà,
ta thấy nhiều ngỏ đan nhau, nhưng đâu là con đường chính.
Lòng tham và sợ hãi, tốt và xấu ràng buộc lấy ta.
2
TÌM ĐƯỢC DẤU CHÂN TRÂU (KIẾN TÍCH)
Dưới
những tàn cây dọc theo bờ sông, ta tìm thấy những dấu chân
trâu!
Ngay
cả dưới làn cỏ thơm ta thấy những dấu chân của nó.
Lần
sâu vào những dãy núi xa chúng càng rõ nét.
Những
vết này không thể che dấu được như mũi ngước nhìn trời.
Lời
bàn: Hiễu được lời dạy, ta thấy dấu chân của trâu. Rồi
ta biết rằng, như nhiều dụng cụ được chế từ kim lọai,
muôn vàn sắc tướng đều do ngã tạo ra. Làm sao ta thấy được
thực và ảo nếu ta không phân biệt? Khi chưa vào được cửa,
hẳn nhiên ta phải tìm cho ra con đường.
3.
THẤY TRÂU (KIẾN NGƯU)
Ta
nghe có tiếng hót của chim họa mi.
Nắng
ấm, gió êm, lau lách xanh tươi dọc bờ sông,
Ở
đây trâu nào trốn được!
Họa
sĩ nào có thể vẽ được cái đầu lớn này, cặp sừng to
nọ?
Lời
bàn: Nếu ai nghe tiếng, có thể cảm nhận được nguồn. Vừa
khi lục căn hòa hợp, cửa đã nhập. Vào bất cứ nơi nào
ta cũng đều nhìn thấy đầu con trâu! Sự kết hợp này cứ
như muối tan trong nước, như màu hòa trong thuốc nhuộm. Vật
dù nhỏ bé nhất cũng không rời khỏi bản ngã.
4.
BẮT ĐƯỢC TRÂU (ĐẮC NGƯU)
Sau
một cuộc đánh vật vất vả ta nắm được nó.
Tâm
và sức của nó dữ dội không suy suyển.
Nó
vùng chạy lên đồng cao ngàn mây che phủ,
Hoặc
đứng sững dưới vực sâu không có nẽo vào.
Lời
bàn: Nó sống trong rừng đã lâu, nhưng ta bắt được nó hôm
nay! Sự đắm say cảnh sắc đã làm nó lạc đường. Vì ham
muốn cỏ ngon hơn, nó lang thang phiêu bạc. Tâm của nó còn
bướng bỉnh và không chịu thuần phục. Nếu muốn nó nghe
lời, ta phải dùng roi.
5.
THUẦN HÓA TRÂU (MỤC NGƯU)
Roi
và dây thật là cần,
Không
thì nó lại chạy càn xuống con đường đất bụi.
Được
huấn luyện tốt thì nó trở nên nhu hòa.
Rồi
khi được thả, nó biết nghe lời chủ.
Lời
bàn: Một niệm khởi thì niệm khác theo sau. Khi niệm đầu
nẫy sinh từ giác ngộ, thì những niệm kế tiếp là chân
thực. Do mê muội mà mọi vật trở nên không thực. Ảo tưởng
không từ ngoại cảnh mà bởi chủ quan. Hãy nắm chặt dây
xỏ mũi và không nên nghi ngại.
6.
CỞI TRÂU VỀ NHÀ (KỊ NGƯU QUI GIA)
Cởi
trâu, ta thong thả quay về nhà
Tiếng
tiêu của ta réo rắc chiều tà
Ngón
tay láy nhịp, ta hòa điệu không ngừng.
Ai
nghe nhạc khúc du dương này xin tấu cùng ta.
Lời
bàn: Cuộc tranh đấu đã qua; được hay thua đều không khác.
Ta hát bài ca của tiều phu và thổi điệu đồng giao. Cởi
trâu, ta ngắm mây trôi bồng bềnh. Ta đi tới dù ai có gọi
giật lại.
7.
KHÔNG CÒN TRÂU (VONG NGƯU TỒN NHÂN)
Cởi
trâu, tôi về đến nhà
Lòng
tôi thanh thản. Cũng thế, trâu yên nghỉ.
Chiều
buông xuống an hòa diệu vợi,
Trong
căn nhà tranh, tôi cất roi và dây.
Lời
bàn: Pháp bất nhị. Ta chỉ tạm mượn chuyện trâu. Nó cũng
như sự tương quan giửa thỏ và bẩy, giửa cá và lưới,
giửa vàng và cặn, hay trăng vừa ló khỏi mây. Một tia sáng
xuyên suốt vô thỉ vô chung.
8.
CẢ TRÂU VÀ KẺ CHĂN ĐỀU KHÔNG (NHÂN NGƯU CÂU VONG)
Roi,
dây, người, và trâu - tất cả tan vào KHÔNG.
Cõi
trời bao la nên không điều gì có thể để lại dấu.
Làm
thế nào một bông tuyết có thể tồn tại trong lửa hồng?
|