.
THIỀN – CON ĐƯỜNG THỂ HIỆN CHÂN LÝ
Thích Thông Phương
I. THIỀN LÀ GÌ ?

Thiền, nói đủ là Thiền-na, Trung Hoa dịch là tĩnh lự; nghĩa là lặng lẽ những lo nghĩ lăng xăng, hay cũng dịch là định tuệ đẳng trì, tức tâm lặng và sáng đầy đủ. Tuy nhiên đó chỉ là định nghĩa theo danh từ, phương tiện mà giải thích cho người tạm hiểu, xét trên lý thật thì đó chưa phải là bản thân của Thiền. 

Bởi tĩnh lự hay định tuệ đẳng trì đó, nó không nằm ở trên những ngôn từ hoặc chữ nghĩa vô tri kia, mà nó ở ngay trong tâm người. Do đó, dù ai có cố gắng giải thích thế mấy cũng không bao giờ chạm đến bản thân thiền chân thật. Cho nên thiền mà còn định nghĩa được, đó là THIỀN CHẾT, THIỀN VĂN TỰ, không phải THIỀN SỐNG. Đến chỗ cứu cánh, thiền bỏ xa văn tự. Chữ nghĩa làm sao ghi cái tâm lặng lẽ trong sáng đó? Dù máy móc điện tử tối tân cũng không ghi được chỗ này.

II. THỂ NGHIỆM TRỰC TIẾP.

Chân lý sống là cái hiện thực ngay nơi mỗi người, trong mỗi người, người đang sống trong đó chứ không ở đâu khác. Như nói thiền là tĩnh lự, là tâm lặng lẽ trong sáng, song đặt câu hỏi lại: Thế nào là tâm lặng lẽ trong sáng? Đây không còn là chuyện giải thích danh từ nữa, mà phải tự cảm nhận nơi mình mới thấu rõ thôi. Vì vậy, muốn cảm nhận chân lý Thiền là phải thể nghiệm trực tiếp, phải thẳng vào chớ không đứng bên ngoài bàn bạc, lý luận suông.

Có vị tăng hỏi Thượng sĩ Tuệ Trung:

- Bạch Thượng sĩ, thế nào là đại ý Phật pháp?

Thượng sĩ đáp:

- Đầu trạnh vỗ sóng mắt sâu sâu bọ,

Cánh bằng lướt gió ruột kiến trùng.

Hỏi: 

- Như vậy học nhân làm sao được lối vào?

Đáp: 

- Gãi ngứa đâu phải người khác ngứa,

Đói ăn chính thật nhà ngươi ăn.

Ông hỏi đại ý Phật pháp, ông muốn hiểu được lẽ thật đó thì ông phải quên niệm phân biệt theo thói quen suy nghĩ lâu nay đi, ông phải đích thân cảm nhận nơi mình chớ không thể đứng bên ngoài mà hỏi, mà muốn tìm hiểu biết. Gãi ngứa là tự ông ngứa, đâu phải người khác ngứa thay cho ông. Cũng vậy, đói là tự ông ăn thì mới hết đói, ai ăn thay cho ông được? Cho nên trong nhà thiền, nhất là Thiền tông luôn nhấn mạnh đến chỗ trực nhận không qua ý niệm.

Thiền sư Nghĩa Huyền, sau này là Tổ tông Lâm Tế, lúc còn đang tham thiền trong hội ngài Hoàng Bá, khi đến hỏi về “Đại ý Phật pháp”, ba lần hỏi thì ba lần đều bị ăn gậy mà không được giải thích một lời. Hoặc ông Thôi Tề Công đến hỏi thiền sư Thần Hội:

- Thiền sư ngồi thiền một phen định, về sau bao lâu mới xuất định?

Sư đáp:

- Thần không có chỗ nơi, cái gì là định?

- Đã nói không định, sao gọi là dụng tâm?

- Nay tôi định còn không lập, ai nói có dụng tâm?

-Tâm và định đều không, thế nào là đạo? 

- Đạo là “đạo như thế”, không có “đạo thế nào”.

- Đã nói không có “đạo thế nào”, vậy chỗ nào có “đạo như thế” ? 

- Nay nói “đạo như thế” là do có “đạo thế nào”, nếu như không có “đạo thế nào” thì “như thế” cũng không còn.

Nghĩa là, với Thiền sư thì không có giải thích dài dòng theo chữ nghĩa. Bởi do có hỏi “đạo thế nào” nên mới tạm nói “đạo như thế” để đối đáp lại. Nói “như thế” là để dừng lại chỗ suy nghĩ, tìm hiểu của ông thôi, chớ thực ra nếu ông không có hỏi thế nào, thì cũng không có nói “như thế” làm gì. Bởi vì “nó vốn như thế là như thế rồi’, khỏi phải nói thêm cái tên “như thế” nữa. Nói “như thế” là đã dán thêm cái nhãn hiệu lên nó.

Đây là muốn nhắc người hỏi, phải can đảm buông xả hết mọi ý niệm hướng về nó, thì chân lý thiền hiện tiền sáng ngời đây thôi. Còn hướng đến nó tức là còn đứng ngoài nó. Từ đó mà biết, hiện có nhiều người đang tranh cãi về thực tại thế này, thế kia, là có, là không, thì rõ ngay là chưa chạm đến thực tại. Trong nhà Thiền không chấp nhận cho người cứ đứng bên ngoài mà lý luận.

Như có Thượng tọa Định thuộc dòng Lâm Tế, một hôm trên đường thọ trai nhà thí chủ đi về, gặp ba vị tọa chủ trên cây cầu, trong đó một vị mới hỏi Sư:

- Thế nào là tột đáy sông thiền?

Sư liền chộp ngực vị ấy định ném xuống sông. Hai vị kia hoảng hốt xin tha rối rít. Sư liền bảo:

- Nếu không có hai vị đây tôi đã cho ông xuống tột đáy sông thiền cho biết.

Thiền chân thật là thế! Ông muốn biết tột đáy sông thiền, hãy vào đó thì biết ngay, không phải giải thích chữ nghĩa dài dòng. Cứ đứng ngoài mà hỏi, dù có nói cho ông nghe cũng chỉ là tưởng tượng, là khái niệm thôi, đâu cảm nhận được lẽ thật ấy.

Bởi vậy tôn chỉ của Thiền tông là “Bất lập văn tự, Giáo ngoại biệt truyền”, tức là tự có con đường sống, vượt qua ngôn giáo, chữ nghĩa bên ngoài. Do đó nếu người không trực tiếp thể nghiệm, làm sao rõ được?

III. TU THIỀN TÔNG PHẢI VƯỢT QUA CHỮ NGHĨA.

Lục tổ Huệ Năng, một bậc Tổ sư phi thường của Thiền tông, hiện thân là vị tiều phu không biết chữ mà ngộ đạo được truyền y bát, kế vị Tổ thứ sáu Thiền tông Trung Hoa. Truyện kể rằng, lúc Sư ẩn ở thôn Tào Hầu, có lần bà ni Vô Tận Tạng đem kinh Niết Bàn hỏi Sư. 

Sư bảo : Chữ thì tôi không biết nhưng nghĩa thì cứ hỏi. 

Bà ni nói : Chữ còn không biết, làm sao biết nghĩa?

Sư bảo : Diệu lý của chư Phật không dính dáng gì đến văn tự. 

Bà ngạc nhiên, biết là bậc khác thường, liền đi báo cho người trong thôn đến lễ bái cúng dường. 

Đây là Lục tổ đánh thức cho người học Phật phải học thấu qua văn tự chữ nghĩa, chớ không thể bám chặt vào những dòng chữ, những nghĩa lý chết kia. Chữ nghĩa nó đâu biết ngộ đạo, đâu biết chiếu soi. Thí dụ mấy chữ bản lai diện mục, kiến tánh, minh tâm, thoại đầu, công án, tổ sư, v.v.. nó có hiểu biết gì đâu. Chính người đọc ra nó mới biết giác, biết ngộ, phải phản chiếu “con người ấy”, đó mới chính là chân thật tham thiền, là chỗ nhắm của chư Tổ ra đời. Do đó, khi vua Trần Nhân Tông hỏi Thượng sĩ Tuệ Trung về “Tông chỉ của việc bổn phận”, Thượng sĩ đáp: “Soi sáng lại chính mình, đó là việc bổn phận, chẳng từ nơi nào khác mà được”. (Phản quan tự kỷ bổn phận sự, bất tòng tha đắc).

Soi sáng lại chính mình tức là vượt qua chữ nghĩa, văn tự, lời dạy bên ngoài, mà đánh thức sức sống chân thật ngay chính mình. Mạch sống Thiền là đó. Cho nên dù trải qua bao cuộc thăng trầm của lịch sử nhưng sức sống Thiền vẫn bất tuyệt. Còn có người thực tu là còn có người thực ngộ, và ánh sáng Thiền vẫn hiện hữu.

IV. TÓM KẾT.

Thiền là sống, là sáng tạo, luôn luôn mới mẻ tinh khôi, không nằm trong một khuôn khổ chết hay một ước lệ nào.

Vào Thiền, phải dám buông lại những kiến thức vay mượn từ bên ngoài để phát khởi trí vô sư, trí tự nhiên nơi mỗi người. Đây là con đường thể nghiệm chân lý trực tiếp nơi mình, không qua trung gian ý thức suy luận, và đây cũng chính là cội nguồn của đạo Phật. Bởi ngay từ buổi đầu, khi thành đạo đức Phật đã muốn nhập niết bàn, không muốn đi thuyết pháp, vì thấy chỗ chứng ngộ đó quá sâu xa, vượt ngoài ngôn ngữ văn tự, khó nói cho người hiểu được. Phạm Thiên thỉnh ba lần Phật mới hứa khả đi thuyết pháp giáo hóa. Vậy có nói ra là phương tiện tạm thời không phải cứu cánh. Người học Phật, tu Phật cần học, tu đến chỗ vượt qua ngôn ngữ văn tự, thể nghiệm trực tiếp ngay chính mình mới đạt được ý Phật, mới gặp Phật, gặp Tổ.

Chính đây là con đường của HÀNH GIẢ đúng ý nghĩa.
 

CHẲNG LẦM NHÂN QUẢ
Thích Thông Phương
I- TU THIỀN LÀ BÁC BỎ NHÂN QUẢ CHĂNG ?

Nhân quả là đạo lý căn bản của người học Phật. Người tu, nhất là tu Thiền cần phải hiểu rõ, nhận kỹ điểm này, không để sảy chân sa đọa phải hối hận kiếp kiếp lâu dài. Bời người tu Thiền thường nghe nói: “Xưa nay không một vật”, thì nhân quả để ở chỗ nào? Nhân quả có hay không ?

Đây dẫn câu chuyện thời Tổ Bá Trượng: Sư mỗi khi thượng đường dạy chúng, có một ông già theo chúng nghe pháp. Hôm nọ, chúng ra hết chỉ còn ông già không đi. Sư hỏi:

- Ông là người gì ?

Ông già thưa:

- Con chẳng phải người, thời quá khứ thuở Đức Phật Ca diếp, con làm tăng ở núi này, nhân học trò hỏi: “Người đại tu hành có rơi vào nhân quả chăng?”. Con đáp: “Không rơi vào nhân quả”. Do đó đến năm trăm đời đọa làm thân chồn. Nay thỉnh Hòa thượng chuyển một câu nói để con thoát khỏi thân chồn.

Sư bảo:

-  Ông hỏi đi!

Ông già hỏi:

- Người đại tu hành có rơi vào nhân quả chăng ?

Sư đáp:

- Không lầm nhân quả.

Ngay câu nói ấy, ông già đại ngộ làm lễ thưa:

- Con đã thoát thân chồn. Con ở sau núi dám xin Hòa thượng lấy theo lễ Tăng chết mà tống táng con.

Sư vào trong kêu Duy Na đánh kiểng bảo chúng ăn cơm xong đưa đám một vị tăng. Đại chúng nhóm nhau bàn tán: “Đại chúng đều mạnh, nhà dưỡng bệnh không có người nào nằm, tại sao có việc này?”.

Sau khi ăn cơm xong, Sư dẫn chúng đến hang núi phía sau, lấy gậy khơi lên thấy xác một con chồn vừa chết, bèn làm lễ thiêu như vị Tăng.

Trong đây cho thấy người làm thầy chỉ đáp lầm một chữ thôi mà phải năm trăm kiếp đọa làm chồn. Người học đạo có thể hời hợt, khinh thường đối với việc này sao?

Bởi ông Tăng đáp “chẳng rơi”, tức gạt nhân quả qua một bên, sống ngoài nhân quả. Đó là phủ nhận một bên, rơi vào đoạn kiến nguy hiểm! Xưa, Tôn giả Đại Mục Kiền Liên là bậc A La Hán thần thông đệ nhất trong hàng đệ tử Thanh Văn của Phật, nhưng đến cuối đời, bị bọn xấu đánh nát thân, thì thế nào? Hơn nữa, đối trong con mắt nhà Thiền, câu hỏi: “Có rơi không” là đã mắc kẹt hai bên, “rơi - chẳng rơi” rồi. Câu đáp “chẳng rơi”, cũng là rớt một bên, cho thấy người đáp chưa đủ mắt sáng.

Tổ Bá Trượng đáp: “Chẳng lầm” tức không kẹt “rơi” hay “chẳng rơi”, mà chính là thấy rõ ràng, thấy tường tận nhân quả, không chút sai lầm, không chút lờ mờ hỗn tạp. Đó mới thật là bậc sáng suốt. Cho nên người đại tu hành là đã mở sáng mắt trí tuệ, thấy tột cùng nhân quả không còn nghi ngờ.

Trong Tuyệt Quán Luận có đoạn nhân duyên hỏi đáp:

Hỏi:

- Có nhân duyên được sát sinh chăng ?

Đáp:

- Lửa hoang đốt núi, gió mạnh thổi gãy cây, núi lở đè thú, nước tràn làm trôi trùng, tâm được đúng như thế thì cả đến người cũng giết được. Nếu có tâm do dự, thấy sống, thấy giết, trong đó chưa hết tâm có, thì dù đến con kiến cũng buộc mạng ông.

Nghĩa là vừa có động niệm là không tránh khỏi nhân quả; huống nữa đã tạo tác rổi lại khởi tâm biện luận để muốn phủ nhận nhân quả được sao ?

Thiền sư Thừa Hạo khoảng niên hiệu Thiên Khánh 1023 – 1031, xuất gia ở viện đại Lực, sau sư đến tham học với Thiền sư Tư Quảng ở Bắc Tháp, đạt thấu huyền chỉ, được Tam muội đại tự tại. Sư có may cái khố vải, rồi viết tên các vị Tổ sư trên đó tùng lâm gọi là Hạo Bố Côn. Có ông tăng trẻ thấy vậy bắt chước cũng may một cái làm như thế. Sư biết được, gọi ông đến quở trách. Một tuần sau ông tăng ấy thổ huyết chết.

Học thiền không tới nơi mà bắt chước là nguy hiểm như thế. Làm để tỏ ra ta đây đạt Thiền, ta đây tự tại không vướng mắc… Nhưng không ngờ mình đã vướng mắc rồi. Vướng cái gì? Tức là vướng mắc vào cái khuôn của người xưa. Thêm một điểm nữa là, đã có tâm làm rồi, thì chạy đâu cho khỏi? Có tâm thì có pháp, có mình, có người, có đủ tất cả, không thể lý luận để chạy trốn!

Hòa thượng Minh hỏi Quốc Sư Đức Thiều ở Thiên Thai:

- Ngài Ca Diếp mang chiếc y trượng sáu của Đức Thích Ca vào núi Kê Túc đợi lúc Di Lặc hạ sanh mới đem y một trượng sáu khoác lên trên thân nghìn thước của Đức Di Lặc, kích thước vẫn vừa vặn. Chỉ như thân của Đức Thích Ca cao một trượng sáu, thân Đức Di Lặc cao một nghìn thước, vậy thì thân biết rút ngắn lại hay y biết nới dài ra?

Sư đáp:

- Ông lại hội.

Minh phủi áo đi ra.

Sư nói:

- Kẻ tiểu nhi, Sơn tăng nếu như đáp cho ông chẳng phải, chính sẽ có nhân quả. Ông nếu chẳng phải, ta sẽ thấy rõ.

Minh trở về bảy ngày sau bị thổ huyết. Hòa thượng Phù Quang khuyên:

- Ông mau đi sám hối.

Minh liền đến phương trượng của Sư buồn khóc thưa:

- Nguyện Hòa thượng từ bi nhận cho con sám hối.

Sư bảo:

- Như người té xuống đất, nhân đất mà đứng dậy, ta chưa từng dạy ông có ngã hay đứng.

Minh lại thưa:

- Nếu Hòa thượng cho con sám hối, con nguyện suốt đời hầu Hòa thượng.

Sư vì Minh mà nói ra:

- Phật Phật đạo đạo đồng, bổng dưng chia có cao thấp. Thích Ca, Di Lặc như con dấu in vào đất bùn. Đây cho thấy nhân quả không phải là chuyện đùa chơi, phải rất cẩn thận! Đối với nhân quả không có luật sư biện hộ như ở thế gian, mà gốc chính từ tâm tạo thành, tâm gây ra để có nghiệp quả báo, thì cũng phải chính từ tâm mà chuyển nghiệp. Tâm không chuyển chỉ cứ lý luận suông thì không thể sạch được nghiệp. Người chân chính học đạo phải thật chín chắn nhận định rõ ràng chỗ này!

II- NHÂN VÔ THƯỜNG, QUẢ VÔ THƯỜNG

Người tu giải thoát nhưng không rõ nhân quả, lấy tâm sinh diệt tu hành thì được quả là sinh diệt không nghi. Ngày xưa nhiều vị tu Tiên, đem tâm tưởng bám vào cái ta sinh diệt này mà tu, cầu sống lâu, cầu thần thông, cuối cùng vẫn thuộc luân hồi, không hết phiền não.

Trong tập Nhân Thiên Bảo Giám có thuật lại câu chuyện Lữ Đồng Tân Thiền sư Hối Cơ ở Hoàng Long. Ông sống vào khoảng thời Đường, niên hiệi Thiên Bảo (742-755), nhiều lần đi thi Tiến sĩ mà không đậu, nhân đó đi dạo chơi ngọn Hoa Sơn gặp Chung Ly Quyền, là vị lang tướng đời Tấn tránh loạn vào núi học pháp dưỡng mạng, lúc đó đem truyền dạy cho ông thuật luyện Kim đan và kiêế pháp Tiên thiên, ông đạt được phép dạo đi tự tại.

Nhân đi qua núi Hoàng Long ở Châu Ngạc thấy khí tía vờn quanh, ông nghi là có bậc di nhân ở, bèn đi vào thì gặp lúc Thiền sư Cơ thượng đường. Sư biết có người lạ ẩn dưới tòa, liền lớn tiếng bảo:

- Trong chúng có kẻ trộm pháp.

Ông đi ra hiên ngang hỏi:

- Trong một hạt lúa chứa thế giới, trong nồi nửa thăng nấu núi sông, hãy nói ý chỉ này thế nào?

Sư đáp:

- Quỷ giữ thây chết.

Ông thưa:

- Ngặt vì trong túi chứa thuốc trường sinh bất tử thì sao?

Sư bảo:

Dù trải qua tám muôn kiếp, cuối cùng cũng phải chết mất thôi.

Lữ đồng Tân bất mãn, bực tức bỏ đi. Đến tối, ông phóng kiếm đến định hại Sư. Sư đã biết trước nên lấy pháp y trùm lên đầu rồi ngồi nơi phương trượng. Kiếm bay đến bay quanh Sư mấy vòng, Sư lấy tay chỉ, kiếm liền rơi xuống đất. Ông tạ tội. Sư nhân đó gạn hỏi:

- Trong nồi nửa thăng thì chẳng hỏi, thế nào là trong một hạt lúa chứa thế giới?

Ông ngay lời đó liền có tỉnh, bèn làm bài kệ:

                    Bóp nát bầu rượu đập vỡ đàn,
                    Giờ đây chẳng luyến thuốc Kim đan.
                    Từ khi gặp được Hoàng Long đó,
                    Mới biết từ xưa dụng tâm quàng.
                    Ảo khước biều nhi toái khước cầm,
                    Như kim bất luyến thủy trung kim
                    Tự tùng nhất kiến Hoàng Long hậu,
                    Thủy giác tùng tiền thố dụng tâm.

Cho thấy ông Lữ Đồng Tân tu được thần thông, được sống lâu nhưng phiền não không sạch, tâm hơn thua còn nặng, tức là vẫn sống trong lòng sinh tử luân hồi thôi.

Thiền sư Cơ ở Hoàng Long thương xót đánh thức cho ông thấy rõ, dù luyện được Kim đan, uống thuốc tiên sống lâu hàng ngàn năm, nhưng cuối cùng cũng phải chết, cũng trở lại luân hồi, đó chỉ như quỹ giữ thây chết thôi. Phải tỏ ngộ được tự tánh, là cái nhân không sanh diệt mà nương đó tu hành, mới là con đường giải thoát chân thật.

Trong thời Tôn giả Ưu Ba Cúc Đa có tỳ kheo Thiện Kiến ở nước Kế Tân tu hành chứng được tứ thiền và năm thứ thần thông. Gặp những lúc trời hạn hán, ông thường cầu được mưa nên khởi lòng tăng thượng mạn, tự cho mình đã được quả A-la-hán. Tôn giả Ưu Ba Cúc Đa muốn độ ông, Ngài bèn hóa làm cho mười hai năm hạn hán. Mọi người đều hoảng sợ, đến chỗ Tôn giả bạch rằng: “Kính mong Ngài vì chúng con mà cầu mưa cho”. Tôn giả đáp: “Ta không thể cầu mưa, ở nước Kế Tân có Tỳ kheo Thiện Kiến có khả năng cầu mưa”. Khi ấy mọi người trong nước liền sai sứ đi qua chỗ Tỳ Kheo kia cầu thỉnh. Tỳ kheo Thiện Kiến nhận lời thỉnh, dùng sức thần thông của thế tục bay đến nước Ma Đột La đồng thỉnh cầu: “Bạch Xà Lê! Xin Ngài vì chúng con mà cầu mưa cho!”. Tỳ Kheo Thiện Kiến cầu mưa kết quả mưa to ngập đầy các nơi. Mọi người đều vui mừng sắm sửa đồ cúng đem đến cúng dường. Tỳ Kheo Thiện Kiến rất được lợi dưỡng, liền khởi lòng kiêu mạn nói rằng: “Chỗ Ngài Ưu Ba Cúc Đa được cúng dường chẳng bằng ta”. Sau đó Tỳ Kheo ấy liền tự suy nghĩ: “Bậc A-la-hán thì không có ngã mạn, mới biết ta nay chẳng phải là A-la-hán rồi”.

Tỳ Kheo ấy liền đi qua chỗ Tôn giả cầu chỉ dạy phương pháp để tiến thêm. Tôn giả bảo: “Ông chẳng giữ gìn phép tắc của Phật, làm sao dạy ông? Phật chẳng cho Tỳ Kheo cầu mưa, ông đã làm lại còn sanh tâm kiêu mạn, làm sao tự nói rằng ta được A-la-hán?”. Tỳ Kheo ấy liền hướng về Tôn giả chí tâm sám hối. Tôn giả chỉ dạy cho, ông liền đắc quả A-la-hán.

Như vậy Tỳ Kheo Thiện Kiến tu hành chứng được tứ thiền, được năm thần thông nhưng còn lòng kiêu mạn, tức cái nhân sinh tử chưa hết nên không chứng được giải thoát vô sinh. Cũng may là ông tỉnh lại, nếu không, cứ bám chặt vào đó cho là mình đã thật đắc đạo, rồi khinh thường các bậc thánh khác, thì cuối cùng không biết sẽ đi về đâu? Giải thoát thì hẳn là khó đến rồi.

Còn người tu cầu phước đời sau hưởng thế nào? Đây là tu trong luân hồi, nhưng tránh mất thân người. Bởi đời sau hưởng là ai hưởng? Ta hưởng chớ gì! Đó là con máng tính chấp ngã, nghĩ đến mình hưởng, tức còn vướng trong sinh tử. Kinh Kim Cang Phật dạy bố thí bảy báu đầy cả hằng sa thế giới, không bằng người trì bốn câu kệ kinh Kim Cang . Bởi bố thí nhiều thì được phước lớn rồi cứ lo hưởng phước, sinh đi sinh lại để hưởng trong vòng luân hồi này, với con mắt của bậc giác ngộ cũng đâu có gì vui sướng! Mỗi một lần sinh tử là bao nhiêu đau khổ trong đó, đâu hẳn là vui. Hơn nữa, nếu thiếu trí tuệ mà có phước tức còn lòng tham thì càng tham thêm.

Như chuyện vua Đảnh Sanh, do phước báu đời trước, vua cai trị một nước rộng lớn, có vòng vàng, voi bạc, ngựa khỏe, ngọc minh châu, vợ xinh đẹp, quan văn trung hiếu, quan võ hùng dũng và một ngàn người con. Vua được trời mưa vàng bạc, các nước bốn phương thần phục, nhưng vẫn chưa thỏa mãn, vua nghĩ muốn lên cõi trời cho biết. Nhờ phước lành của vị chuyển luân vương, chiếc vòng vàng kéo vua bay lên trời. Trời Đế Thích nhìn thấy vua Đảnh Sanh liền ra nghinh đón vào trong cung trời và nhường tòa cho ngồi. Vua Đảnh Sanh ngồi xong, nhìn xuanh quanh thấy cung điện làm bằng bảy báu, tỏa sáng khác xa ở nhân gian, vua chưa từng thấy bao giờ, lúc đó, vua thầm nghĩ: “Ở hạ giới, ta đã thống lĩnh đất đai bốn phương, ngọc ngà châu báu, mỹ nữ nhiều vô kể, nhưng những thứ đó đâu có thể sánh được với những thứ ở thiên cung này. Hay là trời Đế Thích sắp qua đời, ngài gọi ta ngồi vào cung điện này để cho ta cai quảng  cả trên trời lẫn hạ giới, thật là tuyện diệu biết bao!”.

Vua Đảnh Sanh vừa có ý nghĩ xấu đó, bị trời Đế Thích đẩy rơi trở lại hạ giới. Sau đó vua mắc bệnh nặng, các đại thần đến vây quanh thăm hỏi, vua trịnh trọng bảo:

- Các ngươi luôn ở bên ta, tất cả những gì ta làm, các ngươi đều biết rõ. Nếu như sau này có ai đó hỏi: “Đại vương của các ngươi chết như thế nào?”. Các ngươi phải đáp rằng: “Ông ta chết vì bệnh tham lam vô độ. Bây giờ ta đã hiểu rằng tham lam là con dao lợi hại để làm tổn hại sinh mạng của con người, là nọc độc làm vong quốc! Tiếc quá, ta hiểu ra thì đã muộn rồi. Các ngươi nên bảo người đời rằng: tham lam là ngọn lửa thiêu thân, chớ nên xem thường!

Nói xong, vua Đảnh Sanh buông xuôi tay xuống, ngài qua đời. (Theo truyện cổ Phật giáo).

Đây cho thấy, người có phước nhưng thiếu tuệ, bị lòng tham sai khiến, tham không biết đủ, tham quá mức nên đành chịu khổ. Đã lên được cung trời, được vua trời nhường cho ngồi chung tòa, vẫn còn chưa biết đủ, muốn chiếm luôn tòa ngồi một mình, thành tổn phước, rơi trở lại nhân gian.

Kinh Pháp Cú câu 186-187, Phật cũng dạy:

                        Giả sử mưa vàng bạc 
                        Cũng chẳng thỏa lòng tham
                         Người trí rõ ái dục 
                        Vui ít mà khổ nhiều
                        Thế nên vui cõi trời
                        Người cũng chớ mong cầu
                        Để tử bấc chính giác
                        Chỉ cần trừ ái dục.

Nghĩa là, lòng tham của con người là không đáy, không biết đâu là giới hạn. Mà như vậy thì có bao giờ được thỏa mãn? Không thỏa mãn thì sao gọi là vui được? Nên gọi là vui trong cái khổ thôi! Đó là nói về cái vui trong luân hồi thuộc nhân quả sinh diệt, giữ không mất thân người, để tiến lên nữa, chớ không dừng ngay đây.

III- NHÂN CHẲNG SINH DIỆT, QUẢ CHẲNG SINH DIỆT

Người tu hành giải thoát muốn đạt quả chẳng sinh diệt, phải chọn đúng cái nhân chẳng sinh diệt mà tu, nhân quả tương ứng với nhau thì chỗ làm mới đáng tin chắc.

Trong kinh Viên Giác, Bồ tát Văn Thù hỏi Phật:

- Bạch Đức Đại Bi Thế Tôn! Xin vì chúng nghe pháp trong này mà nói nhân địa pháp hạnh thanh tịnh bổn khởi của Đức Như Lai, và nói cho các Bồ tát đối với Đại thừa phát tâm thanh tịnh, làm sao mà xa lìa các bệnh, hay khiến cho chúng sinh đời sau, người cầu Đại thừa khỏi rơi vào tà kiến?

Phật bảo:

- Này thiện nam tư! Đức Vô thượng pháp vương có môn Đà-la-ni tên Viên Giác, lưu xuất tất cả thanh tịnh chân như, Bồ đề, Niết bàn và Ba-la-mật, trao dạy cho các bồ tát. Tất cả nhân địa bổn khởi của Như Lai đều y nơi giác tướng thanh tịnh viên chiếu này, hằng đoạn vô mình mới thành Phật đạo.

Tức Bồ tát Văn Thù hỏi Đức Phật về nhân địa ban đầu của các Đức Phật tu hành, nhân đó mà thành quả Viên Giác. Phật chỉ rõ, nhân địa đó, chỉ là y theo tánh Viên Giác thanh tịnh mà dứt sạch vô minh, liền thành quả giác. Tánh Viên Giác tức tâm thể chân thật không sinh không diệt nơi mỗi người chứ không gì khác. Lấy đó làm nhân địa tu hành, tức khế hợp với quả thường trụ, đó là nhânq quả tương ưng với nhau, việc làm thành tựu như ý nguyện là không nghi.

Kinh Kim Cang, Phật cũng từng dạy Bồ tát phát tâm Vô Thượng Chính Đẳng Chính Giác, muốn hàng phục tâm, phải độ tất cả chúng sinh vào vô dư Niết bàn mà không thấy có một chúng sinh được diệt độ.

Phát tâm Vô Thượng Chính Đẳng Chính Giác, tức tâm chẳng sinh chẳng diệt. Độ hết chúng sanh vào vô dư Niết bàn, tức sống trở về trước khi động niệm. Đó là sống trong tâm chẳng sinh chẳng diệt, không theo các tâm sinh diệt động khởi, đi lang thang vào các trần quyên mất đường về. Chỗ tu hành chân thật là như thế, đâu thể lẫm lẫn!

Kinh Lăng Nghiêm, qua bảy chỗ Phật gặn hỏi tâm cuối cùng Phật bảo A-nan:

- Ngay cả hư không còn có tên, có tướng, huống chi cái chân tâm sáng suốt, trong sạch, nhiệm mầu, là tánh của tất cả tâm mà không tự thể sao?

Song nếu ông quyết chấp cái phân biệt giác quan, hiểu biết là tâm, thì cái tâm ấy phải rời hành tướng của các trần: sắc, thanh, hương… có toàn tánh. Chứ hiện nay, ông vâng nghe pháp âm của ta, đó là nhân tiếng mà có phân biệt, dầu cho diệt hết tất cả thấy, nghe, giác, biết, bên trong giữ lấy cái trống rỗng, u nhàn thì cũng còn là sự phân biệt bóng dáng pháp trần mà thôi.

Tôi không bảo ông chấp cái ấy không phải là tâm, nhưng ông phải chính nơi tâm ông, suy xét chính chắn, nếu rời tiền trần không có tự thể, thì nó chỉ là sự phân biệt bóng dáng tiền trần. Tiền trần không thường trụ, vậy khi chúng biến diệt, cái tâm nương vào tiền trần ấy cũng đồng như lông rùa sừng thỏ, ắt pháp thân của ông cũng đồng với hoại diệt, còn gì để chứng Vô sanh pháp nhẫn?

Tức là Phật không bác bỏ tâm phân biệt, song phải nhận rõ thể chân thật  của nó để sống không lầm nhân quả để tu hành. Bởi tâm suy nghĩ phân biệt là thứ luôn luôn đi theo duyên, theo cảnh cần phải có đối tượng mới tồn tại. Lìa đối tượng, không chỗ duyên là nó mất dấu, là hết phân biệt. Đó không phải là chỗ tựa vững chắc. Còn tánh phân biệt lìa tiền trần tức lìa đối tượng mà nó vẫn có, vẫn thường hiện hữu đó mới là cái nhân thường trụ, luôn có mặt không thiếu vắng. Đây mới đích thực là cuộc sống vững chắc lâu dài không có gì phá hoại được. Do đó, trong nhà thiền dạy người phải minh tâm kiến tính, tin nhạn mặt mày chân thật xưa nay của chính mình, nếu chưa nhận được chỗ này là vẫn còn đứng ngoài cửa Tổ, chưa vào nhà thiền.

Thiền sư Hoài Nhượng ở Nam Nhạc bảo Đạo Nhất tức Mã Tổ sau này: “Nếu lấy thành hoại, tụ tán mà thấy đạo là không thể thấy đạo”. Tức đem cái sinh diệt vô thường mà vào đạo là không thể được. Muốn vào đạo, phải dám buôn cái vô thường sinh diệt này, tin nhận chẳng vào cái chân thật không sinh diệt mới là chỗ gặp nhau với chư Tổ.

Thiền sư Phổ Nguyên ở Nam Tuyền cũng từng dạy chúng: “Chỉ lãnh hội được tính từ vô lượng kiếp đến giờ không biến đổi tức tu hành, diệu dụng mà chẳng trụ tức hạnh Bồ tát”.

Ý Sư bảo, lãnh nhận tính không sinh diệt nơi mình, đó là chỗ sống chân thật, là tu hành, ngoài ra đều là phương tiện chưa phải thật. Người tu thiền phải nắm rõ then chốt này để tu hành không lầm nhân quả, thì bảo thành tựu được ý nguyện.

Thiền sư Sư Bị ở Huyền cũng dạy chúng:

- Nay ông muốn ra khỏi cái chủ tể của thửa ruộng thân năm uẩn, chỉ biết nhận lấy thể kim cương bí mật. Cổ nhân đã nói với các ông: “Viên thành chính kiến khắp sa giới”. Nay tôi lấy ít phần nói thí dụ, các ông có trí do đó có thể biết: các ông thấy mặt trời nơi thế giới này chăng ? Người thế gian tạo tác, sinh hoạt, bao nhiêu việc tâm hành tạo nghiệp đều nhờ ánh sáng mặt trời mà có. Song mặt trời có nhiều thứ đến tâm hành chăng? Lại có chỗ chẳng giáp chăng? Muốn biết thể kim cương này cũng như thế. Hiện nay núi sông đất bằng, mười phương cõi nước, sắc không sáng tối và thân tâm ông, đều nhờ cái oai quang viên thành của ông mà hiện. 

Cả thảy trời người các loài quần sinh tạo nghiệp, thọ quả báo có tính không tính, đều nhờ cái oai quang của ông, cho đến Chư Phật thành đạo, thành quả, tiếp vật lợi sanh, đều trọn nhờ cái oai quang của ông. Nhưng thể kim cương lại có phàm phu chư Phật chăng? Có tâm hành của ông chăng? Không thể nói không là đúng được. Biết chăng? Ông đã có cái kỳ đặc như thế, bày hiện chỗ xuất thân sao chẳng phát minh lấy? Lại theo người nhằm trong thửa ruộng thân năm uẩn, trong cõi quỹ mà tìm kế sống. Hẳn là tự dối mất vậy. Chợt gặp quỷ vô thường đến, mắt trợn miệng méo, thân kiến mạng kiến như thế ấy thật khó chống chọi được. Giống như lột vỏ con rùa sống, thật khổ!

Muốn tu giải thoát chân thật, phải nhận thể Kim Cang bí mật, tức cái nhân chẳng sinh chẳng diệt nơi mỗi người đều sống hằng ngay trong cái oaiq uang đó. Chớ lầm nhận thân năm uần này, nó là cái sinh diệt vô thường, sẽ đưa đến quả sinh tử luân hồi, không phải là lối ra.

Hàn Sơn có một bài thơ:

                                Một bình vàng đúc thành,
                                Một bình nặn từ đất.
                                Hai bình mặc anh em,
                                Cái nào là bền chắc ?
                                Muốn biết bình có hai,
                                Cần rõ nghiệp chẳng một.
                                Lấy đây nghiệm nhân sinh, 
                                Ngày nay tu hành đấy.
                                             ***
                                (Nhất bình chú kim thành, 
                                 Nhất bình duyên nê xuất.
                                 Nhị bình nhậm quân khan,
                                 Na cá bình lao thật.
                                 Dục tri bình hữu nhị,
                                 Tu tri nghiệp phi nhất,
                                 Tương thử nghiệp sinh nhân.
                                 Tu hành tại kim nhật. )

Trong đây, Ngài Hàn Sơn muốn nhắc cho người sáng suốt, phải khéo nhận rõ hai cái nhân quả vô thường sinh diệt và bền chắc lâu dài, để lấy đó tu hành đúng đắn không phải ăn năn về sau.

IV- TRONG SINH DIỆT, RÕ CHẲNG SINH DIỆT

Cái chân thật chẳng sinh chẳng diệt là phải nhận ngay trong cái sinh diệt, không phải tìm đâu khác. Lìa bỏ sinh diệt để tìm chẳng sinh diệt, là còn có tâm lấy bỏ, cũng thuộc sinh diệt. Đây là đạo lý thực tế, mỗi người có thể chứng nghiệm ngay cuộc sống này.

Có vị tăng hỏi Thiền sư Huệ ở Hoa Nghiêm: 

- Vọng tâm không chỗ nơi tức Bồ đề.

Vọng tâm tức là cái sinh diệt vô thường, là hư dối không thật. Nhưng ngay khi vọng thấy rõ nó vốn không có chỗ nơi, không có gốc nguồn thật sinh, tức đó là Bồ đề rồi! Bởi nếu nó thật có chỗ nơi thì đâu gọi là vọng. Chính ngay khi vọng đó, đã sẵn tính chân trong đó rồi. Chỉ vì quên tính chân mới khởi vọng, rồi lầm theo đó thành đi theo sanh diệt. Giờ ngộ trở lại, ngay vọng tức chân, lẽ thật vẫn luôn hiện hữu đó!

Huệ Khả hỏi Tổ Bồ Đề Đạt Ma:

- Tâm con chưa an, xin Hòa thượng dạy con pháp an tâm.

Tổ Đạt Ma bảo:

- Ông đem tam ra đây ta an cho.

Huệ Khả lặng im tìm trở lại hồi lâu, liền thưa:

- Con tìm tâm không thể được.

Tổ Đạt Ma bảo:

- Ta đã an tâm cho ông rồi!

Đây là một bài pháp tuyệt diệu mà không phải thuyết dài dòng. Bởi quên chân khởi vọng nên thành bất an, rồi chạy đi tìm cách để an. Tâm bất an đó là gì? Nắm bắt nó đem trình ra xem! Quả là lầm! Xoay trở lại tìm kỹ nó, nó đâu còn chỗ duyên để khởi, tức tự nó lặng mất, không còn bóng dáng để thấy. Ngay đó tự an rồi! An tức hợp về tính chân, khỏi tìm đâu nữa. Lối vào thiền là đây.

Thiền sư Bổn Tịch tham thiền với Hòa thượng Động Sơn và được thầm trao tông chỉ. Khi Sư từ giã đi, Động Sơn hỏi:

- Ông đi về đâu?

Sư thưa:

- Đi về chỗ không biến đổi.

Động Sơn hỏi:

- Chỗ không biến đổi há có đi sao?

Sư thưa:

- Đi cũng chẳng biến đổi.

Đây là nói lên chỗ sống chân thật của người đạt đạo. Đi tức là động, là sinh diệt, biến đổi. Chỗ không biến đổi là chỗ sống thiền. Người đạt đạo thì ngay trong chỗ biến đổi, động chuyển vẫn sống trong bất động, không lầm theo cái biến đổi. Sống được như vậy tức lìa niệm hai bên động tịnh, còn ai gạt mình được?

Đây là ngay chỗ đi cũng là thiền rồi.

Và kinh Hoa Nghiêm, khi Phật thành đạo liền than: “Lạ thay! Lạ thay! Tất cả chúng sanh đều có đầy đủ dức tướng trí tuệ của Như Lai, chỉ vì vọng tưởng chấp trước mà không thể chứng được. Nếu lìa vọng tưởng là trí thanh tịnh, trí tự nhiên, trí vô sư tự nhiên hiện tiền”.

Nghĩa là Phật thấy rõ ngay thân chúng sanh vô thường sinh diệt này có sẵn thân Như Lai, chỉ vì những thứ vọng tưởng chấp trước che đậy mà không nhận ra. Chư Phật, chư Tổ cũng chính ngay thân sinh diệt này mà chứng ngộ thân chân thật bất diệt, đâu phải từ nơi nào khác tới. Đó là một lẽ thật muôn đời, mỗi người khéo nhận ra là mở mắt trí tuệ, vén màn vô minh từ vô thủy.

Rõ ràng ngay thân sinh diệt của chúng sanh đều có đủ ông Phật thường trụ vô lượng thọ, còn gì nghi ngờ nữa!

V- THẤU TỘT NHÂN QUẢ TRONG MỘT NIỆM

Thiền sư Trí Tạng ỡ Tây Đường đang công tác toàn chúng, liền bảo:

- Nhân quả rõ ràng, phải làm sao? Phải làm sao?

Khi ấy có vị tăng bước ra lấy tay chống dưới đất. Sư hỏi:

- Làm gì?

Tăng thưa:

- Cứu nhau! Cứu nhau!

Sư bảo đại chúng:

- Ông tăng này hơi giống chút ít. 

Tăng phủi áo bỏ đi. Sư bảo:

- Trùng trong thân sư tử tự ăn thịt sư tử.

Như vậy tự mình làm, rồi tự mình kêu cứu, ái cứu mình? Trùng trong thân sư tử tự ăn thịt sư tử là tự nhắc người phải tự khéo giữ gìn. Nhân quả rõ ràng, nhít một chút không thể được. Người tu kỹ không thể dễ duôi, hời hợt trong một niệm. Vừa động niệm là rơi vào nhân quả rồi! Động tức là sinh, có sinh tức diệt, ngay đó rơi vào nhân quả sinh diệt vi tế. Trong Chứng Đạo Ca Thiền sư Huyền Giác bảo:

                    Phải đó, Long Nữ thoắt thành Phật,
                    Trái đó, Thiện Tinh rơi địa ngục.
                                       ***
                   ( Thị tắc Long Nữ đốn thành Phật
                    Phi tắc Thiện Tinh sanh hãm trụy )

Nghĩa là ngay một niệm chớp nhoáng đó, liền lên xuống như điện xẹt, người tu hành có thể khinh thường được sao? Thành Phật cũng ngay một niệm này, vào địa ngục cũng ngay một niệm này, chỉ cách nhau ở mê và giác. Giác nó là chân thật, sáng suốt. Mê nó là vào địa ngục, tối tăm. Thấy tột đến chỗ này thì tu hành thật kỹ, không dám xem thường trong từng tâm niệm, vậy còn gì gạt được mình?

Nhân quả đến đây không còn là lý cạn cợt nữa, mà phải công phu thật sâu mới thấu tột. Cho nên “Chằng lầm nhân quả” liền thoát khỏi kiếp chồn. Người đại tu hành là phải thấy tường tận, thấu tột đến như thế, đâu thể chỉ hiểu suông trên chữ nghĩa. Rất nguy hiểm!

Vua Trần Nhân Tông từng hỏi Thượng sĩ Tuệ Trung:

- Chỉ như gìn giữ giới hạnh trong sạch không chút sao lãng là thế nào?

Thượng sĩ cười không đáp. Ngài thỉnh cầu thêm, Thượng sĩ nói hai bài kệ:

                                Giữ giới cũng nhẫn nhục,
                                Chuốc tội chẳng chuốc phúc.
                                Muốn biết không tội phúc,
                                Chẳng giữ giới nhẫn nhục.
                                            ***
                                Như người leo lên cây,
                                Trong an tự cầu nguy.
                                 Như người không leo cây,
                                Trăng gió có làm gì?

Đây là chỗ sâu sa khó hiểu, hiểu lầm là rơi địa ngục dễ dàng. Ý hai bài kệ ngầm chỉ, người còn có tâm giữ giới, có tâm nhẫn nhục tức là còn chưa hết tội, còn chưa sạch phiền não tham sân, cho nên mới có giữ, có nhẫn để khắc phục nó. Nhưng trước khi động niệm thì tội phúc trụ vào đâu? Có động niệm mới có niệm lành, niệm dữ; niệm lành thì được phúc, niệm dữ thì mắc tội. Như người không leo cây, tức trước khi động niệm thì tự an đâu có lo gì; trái lại, mình khởi niệm rồi lại lo giữ nó, có phải tốn công nhiều chăng? Tuy nhiên sống được chỗ này không phải dễ, đâu thể lý luận mà được. Lý luận để khỏi tội phúc được sao? Vì vậy Thượng sĩ nói xong liền dặn kỹ: “Chớ bảo cho người không ra gì biết”. Bởi sợ rằng họ nghe suông rồi chỉ bắt chước nói rỗng, làm bừa, sẽ chuốc lấy nhân quả khó lường được! Miệng nói không tội phúc nhưng tâm chứa đầy niệm phải quấy, hơn thua, thì bảo rằng khỏi tội được sao? Rất phải cẩn thận!

VI- TÓM KẾT

Người tu hành, nhất là tu Thiền đối với lý nhân quả phải cho tường tận, thấy tột cội nguồn sinh diệt vi tế, không thể hời hợt thông qua, hoặc lờ mờ nhân quả dễ đi lạc!

Hòa thượng Hư Vân dạy: “Điều kiện Quyềt Định trước khi tu tập, thì điều thứ nhất đó là TIN SÂU NHÂN QUẢ. Ngài bảo: - Không luận người nào, nếu muốn dụng công tu tập, trước cần phải tin sâu vào nhân quả. Nếu không tin nhân quả, thực hành càn bướng, không những tu hành chẳng thành công mà tam đồ cũng khó tránh” (Tham Thiền Yếu Chỉ)

Đây là kinh nghiệm của bậc đi trước, người đi sau phải nhận kỹ để bước đi vững chắc thành công.

Trên đây đã trình bày rõ ràng nhân quả từ thô đến tế, từ vọng đến chân, người tu hành phải nhận định kỹ để sống đúng đắn, không lầm lẫn. Còn đường đã chỉ rõ, lối đi đã phân rành chỉ còn tùy người chọn lấy mà đi thôi!

TÍNH CHẤP NGÃ – NGÒI NỔ CỦA MỌI SỰ ĐỔ VỠ 
Thích Thông Phương
I- NHÌN THẲNG SỰ THẬT:

Trong cuộc sống của thế gian này, mỗi người đang sống hàng ngày đây, có bao giờ mình tự đặt câu hỏi: Là cuộc sống của cái gì chăng? Phải thấy lại chỗ này để có một cuộc sống ý nghĩa hơn.

Xét kỹ lại, cuộc sống này là cuộc sống của một cát TA chứ không gì khác phải không?  Bởi ngay từ cái gốc ban đầu chúng ta sinh ra đời là từ nó mà ra - Tức là do lòng thám ái chấp ngã nên nó mới sinh ra ở đây; nếu không có nó thì đã vào vô sinh, niết bàn rồi. Do đó, nếu sự sống này chấm dứt, mất nó thì quyết phải tìm cái khác thay vào, dòng sinh tử tiếp nối không dừng từ đây. Và cái gọi là cuộc sống cũng từ đó. Cho nên, trừ bậc Bồ tát thị hiện, ngoài ra bất cứ ai có mặt trên đời này đều mang theo một cái tình chấp ngã luôn luôn có mặt trong cuộc sống. Đây gọi là cái vô minh cùng chúng sinh (câu sinh vô minh). Còn chưa vắng bóng cái này là chưa bao giờ giải thoát viên mãn, chưa thật sạch hết khổ đau.

Mỗi người hãy chính chắn nghiệm kỹ lại xem, mọi thứ buồn vui, mừng giận, thương ghét, hơn thua… trên đời là vì cái gì mà có? Buồn là vì cái gì mà buồn? Vì cái ta không được như ý chứ gì? Vui là vì cái gì mà vui? Vì cái ta được thỏa mãn phải không? Thương ghét vì đâu mà có? Vì thuận với ta nên ta thương, bởi nghịch với ta nên ta ghét. Rõ ràng là như thế. Dù ai có cố biện luận thế nào cũng không thể chối bỏ lẽ thật này.

Cả một cuộc đời tranh giành được mất, hơn thua, khổ nhọc tạo tác sự nghiệp tốn hai bao mồ hôi, xương máu, có lúc chém giết nhau, cũng vì cái gì? Chỉ vì cái ta này thôi. Không có nó thì giành giật cho ai? Để làm gì?

Rồi nào là tự ái, tự trọng, tự tôn, tự đại, tự kiêu, tự mãn, tự hào, mặc cảm, tự ti v.v… cũng gốc tại cái ta thôi. Tự ái là bị chạm đến cái ta chứ gì? Tự trọng là nâng cái ta lên thôi…. Cho thấy, chỉ vì một cái ta mà sinh ra đủ thứ chuyện trên đời.

Thông thường chúng ta hay đổ lỗi cho người, cho huynh đệ, cho hoàn cảnh…, là trốn trách nhiệm, là bảo bọc cái ta này quá kỹ! Chớ lầm! Mỗi người hãy tự xét lại, khi ta buồn trách ai, là tại vì ai mà có buồn trách? Nói tại cái này, tại cái kia, tại người này, người nọ, tại lý do này, tại lý do khác… mà quên điểm chính là Tại vì cái ta này bị đụng chạm! Lo trách người mà quên trách cái ta này. Cho nên nó từng được mang tên: cái ta nguy hiểm!!!

Trong Kinh Bách Dụ có câu chuyện: Thuở xưa có một lão sư có hai người đệ tử theo hầu, vì chân ông có bệnh không duỗi ra được, thường phải chống nạng đi, ông nhờ hai người đệ tử đấm bóp, mỗi người một chân. Nhưng hai vị đệ tử ấy thường ngày không hòa thuận với nhau, người nào cũng nói:

- Không phải là Ta chán ghét ngươi mà chính là ngươi chán ghét Ta.

Hai người coi nhau như oan gia nghiệp báo.

Hôm nọ, một người có việc đi nơi khác, người ở lại nhà bèn dùng đá đập gãi chân lão sư mà người đệ tử đi vắng thường ngày xoa bóp. Khi người đệ tử kia trở về, thấy vậy rất phẫn nộ, định tâm báo thù lập tức dùng đá đập gãi chân lão sư mà người đệ tử ở nhà thường đấm bóp. Kết quả hai chân lão sư đều bị gãy hết.

Cái chân ông thầy đâu có tội vạ gì, nhưng vì sao đưa đến trường hợp đau đớn như thế? Xét kỹ, chỉ vì cái ta đố kỵ mà ra – Rõ ràng cho thấy cái ta nguy hiểm chưa?

II- GIẢI TRỪ CHẤP NGÃ

Đã thấy được cái gốc của mọi sự phát sinh trên cõi đời là từ cái ta mà ra. Chính chấp ngã là tự đóng khung mình trong cái vỏ chết, là thu hẹp tình thương, thiếu sức sống sáng ngời, rộng lớn, Phật gọi đó là sống trong vô minh. Song chúng ta đành cam chịu sống trong vô minh mãi sao ? Nay đã có ánh sáng Phật pháp soi đến, còn chưa chịu mở mắt ra sao? Tu hành nói cho nhiều cách, nhiều phương tiện, gồm cả tám mươi bốn ngàn pháp môn, nhưng căn bản sạch hết tình chấp ngã là xong: Nhân vô ngã, pháp vô ngã. Nắm được mấu chốt này mà hạ thủ công phu là chính xác. Kinh Kim Cang nói: “Thông đạt pháp vô ngã, gọi là Bồ tát. Tức Bồ tát thì phải vượt qua vô ngã và thông suốt pháp vô ngã. Bởi vì, nếu mang cái ta này mà tu hành, quyết không thể giải thóat, về sau phải sinh trở lại theo nó thôi. Dù các vị tu thiền định cao nhưng còn mang TA trong đó, thì cũng phải mang nó theo lên các cõi Trời sống hàng vạn năm, đến hết sức định, cũng rớt trở lại sinh vào các cõi. Như ông Uất-đầu-lam-phất tu đắc phi tưởng phi phi tưởng định, được sinh lên cõi trời phi phi tưởng, nhưng Đức Phật nhìn thấy sau khi hết tuổi thọ trên cõi Trời đó, ông sẽ sinh trở lại cõi đời này làm con chồn bay.

Bởi vậy, trong Kinh Đại Bát Nhã, Bồ tát Thường Đề vì cúng Dường Pháp Sư và học Bát nhã mà sẵn sàng bán tim, gan, tủy sống không luyến tiếc. Có người thắc mắc: Đã bán tim gan, vậy lấy gì học Bát nhã? Quả thật đây là một ý nghĩa rất sâu trong kinh. Chính đó mới là học Bát Nhã! Là học Bát nhã sống, không phải học trên chữ nghĩa. Tức là ngay đó quên cái ta này, giải trừ cái tình chấp ngã đã cố kết lâu đời, mới thực học được Bát nhã. Học Bát nhã là thế. Đâu phải học từng câu, từng chữ, giải nghĩa rộng, nghĩa hẹp để thêm hiểu biết thôi. Hiểu nhiều có khi lại thêm tình chấp ngã. Vô minh lại sống dậy! Thấy Ta hơn người, Ta hiểu biết, cái gì cũng Ta và Ta… Đó là đang đưa mình đi trong con đường vô minh.

Trong Kinh Viên Giác, Phật định nghĩa vô minh rất rõ. Phật bảo Bồ tát Văn Thù Sư Lợi:

- “Này thiện nam tử! Tất cả chúng sinh từ vô thủy đế nay, nhiều thứ điên đảo giống như người mê lạc, thấy bốn phương đổi chỗ, vọng nhận bốn đại làm tướng tự thân, cái bóng duyên theo sáu trần làm tướng tự tâm. Ví như người bệnh mắt thấy hoa đốm trong hư không và mặt trăng thứ hai. Này thiện nam tử! Hư không thật không có hoa mà người bệnh vọng chấp. Do vì vọng chấp nên chẳng những lầm tự tánh của hư không này, cũng lại mê luôn chỗ hoa sinh kia là thật có. Do đây vọng có luân chuyển nơi sinh tử, nên gọi là vô minh”.

Tức là vọng chấp thân bốn đại này và tâm duyên theo sáu trần là làm ta, đó là vô minh. Bởi nó không phải thật ta mà chấp là Ta. Chính đó là nguồn gốc của sinh tử. Chừng nào còn bóng dáng ta, là còn đi trong luân hồi không thể nào tránh khỏi.

Đã thấy rõ cái nguy hiểm của tình chấp ngã như thế rồi, lại cứ giữ mãi sao ? Đó là chỗ chướng đạo, là che mờ chân lý!

Có vị Tăng hỏi Thiền sư Duy Khoan:

- Đạo ở đâu ?

Sư đáp:

- Ở trước mắt.

Rất gần gũi không có chút gì cách biệt.

Ông tăng hỏi thêm:

- Sao con không thấy ?

Sư bảo:

- Vì ông còn có ngã.

Rõ ràng nó ở ngay trước mắt đây thôi, nhưng ông không thấy, chỉ vì ông còn thấy có ngã, còn bám vào cái ta mấy chục kí-lô này thì làm sao thấy Đạo được!

Ông tăng hỏi tiếp:

- Con còn có NGÃ nên không thấy, Hòa thượng thấy chăng?

Sư đáp:

- Có ông, có ta rồi cũng không thấy luôn.

Tức là còn thấy có mình thật, người thật, phân biệt mình người, đây kia, lại càng lăng xăng thêm nữa, nên cũng không thể thất ĐẠO.

Ông tăng lại hỏi thêm câu nữa:

- Không con, không Hòa thượng lại thấy chăng ?

Sư đáp:

- Không ông không ta còn ai cầu thấy ?

Chính xác là như vậy, không còn thấy có mình, có người, không phân cách kia đây, thì ngay đó là cái gì ? Sao còn phải hỏi nữa ? Còn có gì che mờ nữa đâu ? Học đạo là phải học thấu đến chỗ này!

Trong Kinh Đại Bát Niết Bàn cũng có câu chuyện: Đức Phật khi còn tu Bồ Tát hạnh, làm một vị Tiên ở trong núi sâu, trọn ngày hành đạo, muốn cầu kinh điển Đại thừa mà không nghe biết ở đâu có. Hôm đó, vị tiên đang ngồi thiền tu duy trong hang núi, cảm đến trời Đế thích hiện xuống hóa làm quỷ La sát tới bên hang dùng tiếng trong trẻo đọc nửa bài kệ:

                        Chư hành vô thường,
                        Thị sinh diệt pháp.
                                  ***
                        Các hành vô thường,
                          Là pháp sinh diệt

Vị tiên nghe được liền xuống giường thiền đi ra ngoài nhìn khắp nơi xem ai đọc nửa bài kệ đó, thì thấy một hình dáng ghê sợ, đầu tóc rối bùm mặt xanh như chàm, răng nanh lòi ra, thân to, bụng đói teo nhỏ. Vị tiên bèn hỏi:

- Phải ông đọc hai câu kệ vừa rồi chăng?

La sát đáp:

- Phải, chính tôi đọc đó.

Vị tiên nói:

- Xin ông đọc tiếp hai câu cuối, tôi sẽ đền ơn cho.

La sát nói:

- Bụng tôi đang đói mấy ngày, không còn sức để đọc tiếp.

Vị tiên hỏi:

- Thức ăn của ông là gì?

La sát nói:

- Tôi ăn bằng thịt của người và uống máu nóng, nếu ông có thể xả thân cho tôi ăn tôi sẽ nói cho.

Vị tiên nghĩ: “Nếu mình xả thân cho y ăn thì lấy gì nghe pháp ?”. Bèn nghĩ ra một cách, xin La sát hãy viết nửa bài kệ lên đá, Ngài ở trên cao nhìn xuống, đồng thời gieo thân cho ăn.

 Như thế La sát viết hai câu:

                                    Sinh diệt diệt dĩ,
                                    Tịch diệt vi lạc.

                                            ***
                                    Sinh diệt diệt rồi,
                                    Tịch diệt là vui.

Vị tiên nhảy xuống, La sát đỡ lấy thân Ngài và hiện lại nguyên hình trời Đế thích, tán thán:

- Lành thay! Ngài sẽ thành Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, xin chớ quên độ tôi.

Ai thấy được ý nghĩa gì trong đây ? Tại sao muốn nghe được hai câu kệ sau, buộc phải hy sinh thân mạng như thế? Đó là một ý nghĩa rất sâu. Bởi vì, muốn nghe đến chỗ “Sinh diệt diệt rồi, tịch diệt là vui”, tức là chỗ vui của lặng lẽ không sinh không diệt kia, thì phải dám buông cái TA SINH DIỆT này! Nếu cứ bám chặt vào cái TA sinh diệt này, làm sao nghe đến chỗ: “tịch diệt là vui” ấy được?

Trong nhà thiền cũng có câu chuyện: Ngài Thủy Lão đến tham thiền với Mã Tổ, hỏi: 

- Thế nào là ý Tổ sư từ Ấn Độ sang ?

Mã Tổ nhằm ngay ngực đạp cho một đạp té nhào. Ngay lúc đó Sư chợt đại ngộ, đứng dậy vỗ tay cười ha hả nói:

- Trăm ngàn tam muội, vô lượng diệu nghĩa, trên một đầu sợi lông thấu tột đến cội nguồn.

Như vậy là sao ? Tức ngay đó đạp nhào cái TA này, không có ý niệm về ta kịp sinh khởi, ngay đó liền sống dậy trong ánh sáng Như Lai. Thật không thể nghĩ bàn! Nếu lúc đó mà NHỚ CÁI TA BỊ ĐẠP thì có tỏ ngộ được chăng ? Hay là nổi sân lên ? Vô minh che phủ liền.

III- THƯỜNG PHẢN CHIẾU LẠI MÌNH

Hiểu rõ lẽ thật đó rồi, điều quan trọng nhất là phải ứng dụng thực hành. Tức phải luôn luôn soi sáng lại mình, để thấy rõ mọi chỗ, mọi kẻ hở cái TA len lỏi vào và sống dậy. Phải khám phá trọn vẹn cái TA, không cho có bóng tối để nó ẩn núp. Mình lo chiếu người này, chiếu người nọ mà quên chiếu lại mình là nguy! Là chỉ thấy lỗi người mà quên mất lỗi mình. Nên nhớ mọi sự sai biệt ngăn cách trong cuộc sống này đều từ cái TA mà ra. Thường thấy lại mình để giải tỏa, là sống gần nhau hơn. Hai người ngồi bên nhau mà quên sự có mặt của nhau, là vì sao ? Vì mỗi người đang sống với một cái TA riêng trong đầu: Một người đang nghĩ Đông, một người đang nghĩ Tây. Rồi hai người nằm cạnh nhau, nhưng mỗi người ngó mặt qua một bên, là vì sao ? Vì cái TA che ngăn, không có Ta thì lấy gì chia cách ? Lấy gì mà không thông cảm, không hiểu nhau ?

Vì vậy, người học đạo phải thường soi lại mình, để thấy rõ tướng NGÃ mê lầm của mình mà giải trừ, bào mòn. Có soi lại mình mới thấy rõ chính mình, mới khám phá những điều mình còn dở, còn xấu để gạn lọc, tiến tu, không tự kiêu, ngã mạn.

Hòa thượng Châu Hoằng soạn quyển Truy Môn Sùng Hạnh Lục nêu bày mười hạnh lành của người xuất gia, có vị tăng đến nói với Sư:

- Trong pháp của tôi, một mảy bụi cũng chẳng lập, mười hạnh lành sẽ dùng vào đâu?

Sư bảo:

- Năm uẩn lăng xăng, bốn đại đầy dẫy, sao bảo là không mảy bụi?

Vị tăng nói:

- Nhưng bốn đại vốn không, năm uẩn chẳng phải có.

Sư liền tát cho ông một tát bảo:

- Kẻ học nói như mè, như thóc, chưa đúng, hãy nói lại!

Ông tăng lộ vẻ bực tức, đứng dậy. Sư cười bảo:

- Bụi bặm phủ đầy mặt rồi, sao ông chẳng phủi đi ?

Đây là một kinh nghiệm. Ông tăng này chỉ lo chiếu nơi người, hiểu biết trên chữ nghĩa bên ngoài, thiếu công phu thực tế bên trong, nên bị ngài Châu Hoằng điểm ngay một cái trúng ngay tướng NGÃ nó hiện ra. Lộ bày chỗ thiếu sót công phu tự tỉnh của mình. Đó là khoảng hở cho mình phải hổ thẹn!

Thiền sư Đảnh Châu cùng sa di đi kinh hành trong sân viện, bổng một trận gió nổi dậy, gió trên cậy rơi lả tả xuống đất. Sư khom lưng nhặt từng chiếc lá bỏ vào trong đãy. Sa di ở bên cạnh thưa:

- Bạch thầy!  Khỏi phải nhặt, sáng sớm ngày mai chúng con sẽ quét hết.

Sư bảo:

- Chẳng thể nói như thế! Quét, có thể quyết chắc là sạch hết chăng ? Ta nhặt thêm một chiếc lá, là khiến trên đất sạch thêm một phần đó.

Sa di hỏi lại:

- Bạch thầy! Lá rơi nhiều như thế, thầy nhặt trước mặt, sau lưng lại rơi xuống, thầy làm sao nhặt cho xong ?

Sư vừa nhặt vừa bảo:

- Lá rơi không những trên mặt đất, mà còn có lá rơi ở trên đất Tâm ta, ta nhặt lá rơi trên đất Tâm ta, cuối cùng sẽ có lúc nhặt xong. (Tinh Vân Thiền Thoại)

Đây là nhắc nhở mình phải xoay lại nơi mình, để thấy rõ từng chiếc lá trong tâm niệm không sót, đó mới là công phu thiết thực, không phải nói lý suông. Nếu cứ nhằm bên ngoài mà quét, quét đến bao giờ mới hết?

Ngài Trúc Lâm Đại Đầu Đà (Trần Nhân Tông) từng khai thị cho người học: “Đâu chẳng nghe nói: “Ba ngàn pháp môn đồng về tấc vuông, hà sa diệu dụng đều ở nguồn tâm”. Nên nói: Cửa giới, cửa định, cửa tụê, ông không thiếu sót, cần phải phán quán nơi mình. Phàm những tiếng ho, tiếng tằng hắng, nhướng mày chớp mắt, tay cầm, chân đi, ấy là tánh gì? Biết được tánh này, ấy là tâm gì ? Các nhân giả! Ngày tháng dễ dàng qua, mạng người không chờ đợi, sao cam ăn cháo, ăn cơm mà chẳng rõ việc bát, việc muỗng?”.

Tức Ngài nhấn mạnh phải quán xét trở lại nơi mình, nhận rõ lẽ thật đang sống đây, cái gì là tâm tánh chính mình? Thấu được chỗ này, không lầm với cái TA này, TÌNH CHẤP NGÃ sẽ nhẹ dần. Tại sao mỗi ngày ăn cơm, ăn cháo mà không rõ được việc bát, việc muỗng? Vậy là sống cái gì? Cứ nhớ chuyện đâu đâu, nuôi dưỡng tình chấp ngã, mà quên đi ánh sáng chân thật đang hiện hữu đó! Chưa chịu tính lại sao?

IV- THIỀN SƯ THỬ THÁCH

Kinh nghiệm biết rõ nó là chỗ chướng đạo, nên Thiền sư thường thử thách người tham học, đập thẳng vào TƯỚNG NGÃ này, cho nó xẹp xuống mới dễ vào đạo.

* THIỀN SƯ TỪ MINH VỚI HUỆ NAM

Thiền sư Huệ Nam lúc ở Phần Đàm được Thiền sư Hoài Trung chia phần tiếp độ chúng tăng. Sau, Sư đến chùa Phước Nghiêm được Thiền sư Hiền Cữ làm thư ký. Chợt Thiền sư Hiền Tịch, quận thú thỉnh Thiền sư Từ Minh đến trụ trì. Sư nghe Từ Minh luận nói, phần nhiều chê các nơi mỗi điều đều thuộc tà giải. Chính chỗ Sư được mật chỉ ở Phần Đàm cũng bị loại bỏ. Sư vào thất Từ Minh thưa hỏi:

- Huệ Nam do tối dốt, trông đạo mà chưa thấy, giờ tham thiền khi hôm nghe thầy dạy như người đi lạc đường xe chỉ nam. Cúi xin Hòa thượng đại từ bố thí pháp, khiến cho con dứt hết nghi ngờ.

Từ Minh cười bảo:

- Thư ký đã lãnh đồ chúng và đi du phương nổi tiếng khắp tùng lâm, nếu còn nghi ngờ chẳng cần khổ cầu như vậy, hãy ngồi mà thương lượng.

Từ Minh liền gọi thị giả đem ghế mời Sư ngồi. Sư vẫn từ chối và thành khẩn tha thiết cầu chỉ dạy.

Từ Minh bảo:

- Thư ký học Thiền Vân Môn ắt thông được yếu chỉ ấy. Như nói: “Tha Động Sơn ba gậy”, Động Sơn khi ấy nên đánh hay chẳng nên đánh ?

Sư thưa:

- Nên đánh.

Từ Minh nghiêm nghị bảo:

- Nghe tiếng ba gậy liền cho là nên ăn gậy, vậy ông từ sáng đến chiều nghe chim kêu, trống đánh, tiếng chuông, tiếng bảng v.v… cũng nên ăn gậy. Ăn gậy đến lúc nào mới thôi?

Sư chỉ nhìn sửng mà thôi.

Từ Minh lại bảo:

- Tôi lúc đầu nghi không thể làm thầy ông. Giờ đây đã đủ tư cách làm thầy ông. Ông hãy lễ bái đi!

Sư lễ bái xong đứng dậy.

Từ Minh nhắc lại lời trước:

- Nếu ông hội được ý chỉ Vân Môn thì, Triệu Châu thường nói: “Bà già ở Đài Sơn bị Ta khám phá, thử chỉ ra chỗ khám phá xem!”

Sư mặt nóng hực, mồ hôi xuất hạn không biết đáp thế nào, bị Từ Minh đuổi ra.

Hôm sau, Sư lại vào thất, bị Từ Minh mắng chửi. Sư hổ thẹn, nhìn những người hai bên nói:

- Chính vì chưa hiểu mới cầu quyết nghi, mắng chửi đâu phải qui củ từ bi thí pháp!

Từ Minh cười bảo:

- Đó là mắng chửi sao ?

Ngay câu này, Sư liền đại ngộ.

Trước người bị mắng chửi thì sao ? Nhất là một vị Thư ký đã từng có tiếng tăm rồi! Đây là khiến cho quên cái TA THƯ KÝ kia đi, vượt qua ngôn ngữ âm thanh tốt xấu: “Ông cho đó là mắng chửi sao?” theo đó là theo âm thanh rồi, là đáng bị mắng chửi rồi! Ngay đó, Sư liền sáng tỏ trở lại chính mình. Đó là cách khéo léo tiếp người của Thiền sư Từ Minh.

* THIỀN SƯ QUI TỈNH VỚI PHÁP DIỄN

Pháp Diễn, Nghĩa Hoài cùng hơn mười bảy người đồng đến tham học với Thiền sư Qui Tỉnh ở huyện Diệp. Qui Tỉnh vừa thấy liền trách mắng:

- Bọn ông là tăng dạo chơi châu huyện, đến đây làm gì? Ta đâu có cơm thừa nuôi dưỡng những kẻ nhàn như các ông ư ?

Sư bèn quát mắng đuổi đi. Mọi người không lay động. Sư lại lấy nước lạnh tạt, cả nhóm cũng không giải tán. Sư lấy tro rải lên người. Mọi người giận bỏ đi, chỉ có Hoài và Diễn vẫn ngồi ngay ngắn như cũ. Sư bảo:

- Họ đều bỏ đi hết cả rồi, hai người sao chẳng đi ?

Viễn thưa:

- Chúng con kính mộ đạo đức Hòa thượng đã lâu, chẳng ngại ngàn dặm xa xôi đến đây, há vì một gáo nước, một nắm tro mà vội liền bỏ đi sao ?

Sư bảo:

- Hai người đã thật vì pháp, trong đây còn thiếu điển tọa, ngươi hay làm được chăng ?

Viễn thưa:

- Đệ tử nguyện làm.

Hoài được vào tăng đường.

Một hôm, Sư đi ra ngoài. Thấy chúng ăn uống đạm bạc, Viễn nhân đó nấu bữa cháo ngon (cháo nêm, có gia vị) đãi chúng, cháo chín thì Sư về tới, cùng đến trai đường thọ xong, gọi Tri sự hỏi:

- Hôm nay có thí chủ cúng trai chăng?

Tri sự đáp:

- Dạ, không có.

Hỏi:

- Trong chùa có lễ trai ư?

Thưa:

- Dạ, cũng không có.

Hỏi:

- Như vậy thì cháo này từ đâu có?

Thưa:

- Xin Hòa thượng hỏi Điển tọa.

Lúc đó Pháp Diễn ra thú tội, thưa:

- Con thấy đại chúng sống khô khan, thật là con tự ý làm như thế.

Sư bảo:

- Ông có tâm tốt như thế, đợi sau này ra làm Trụ trì hãy làm chẳng muộn. Nay đâu thể riêng trộm của thường trụ để được nhân tình.

Sư bèn sai Tri sự bán Y của Viễn tính giá bao nhiêu thảy trả về cho thường trụ, rồi đuổi Viễn ra khỏi chúng.

Viễn cầu khẩn mấy phen không được, xoay qua nhờ các vị tôn túc xin hộ, lại bị quở:

- Ta bảo ông chẳng phải người tốt. Ông định đem ngôi vị, thế lực để lấn át ta ư ? Hãy đi nhanh !

Cuối cùng Pháp Viễn chỉ xin được đến dự nghe pháp. Sư chấp nhận.

Viễn đến ở tạm nơi hành lang ngôi chùa nhỏ dưới núi. Một hôm, Thiền sư Qui Tỉnh đi ra ngoài gặp Viễn, liền hỏi:

- Ông ở đây bao lâu rồi?

Viễn thưa:

- Đã nửa năm.

Qui Tỉnh bảo:

- Ông có thể trả tiền phòng của thường trụ chăng?

Viễn thưa:

- Dạ, không có.

Qui Tỉnh bảo:

- Đây là phòng của thường trụ, ông sao dám trộm ở? Hãy mau hoàn lại cho người đi! Chẳng vậy, ta sẽ đi báo quan.

Viễn bèn đi mộ hóa trả lại cho chùa, rồi đến ở trong thành. Mỗi khi thấy Qui Tỉnh, Viễn càng thêm kính trọng, không hề lộ vẻ khó chịu. Lúc đó, Qui Tỉnh về viện bảo trong chúng:

- Huyện Diệp có Cổ Phật, mọi người có biết chăng?

Chúng thưa:

- Cổ Phật là ai ?

Qui Tỉnh bảo:

- Như Viễn Công thật là Cổ Phật đấy!

Chúng bèn sắm hương hoa thỉnh Viễn trở về.

Đây là thử thách mạnh khiến quên cái TA PHÁP DIỄN này, mới tỏ sáng CỔ PHẬT kia, và mới kham được truyền pháp. Còn đem cái TA này mà truyền pháp cho nó thì nguy hiểm! Nó hơn thua, nó đố kỵ, nó tranh giành… Còn đâu là PHÁP ?

* THIỀN SƯ TUỆ HUÂN VỚI VĂN ĐẠO

Văn Đạo nghe tiếng Thiền sư Tuệ Huân bèn trèo non, lội suối tìm đến tham học với Sư nơi một hang động. Văn Đạo thưa:

- Văn Đạo con vốn ngưỡng mộ cao phong của Thầy, một bề đến đây gần gũi, xin Thầy từ bi chỉ dạy cho!

- Lúc đó trời đã tối, Sư nói: Ông hãy ngủ lại đây một đêm đi.

Sáng hôm sau, khi Văn Đạo thức dậy thì Thiền sư  Tuệ Huân đã dậy trước, nấu cháo xong. Đến lúc ăn, trong đây không có vật gì khác đưa cho Văn Đạo dùng, thuận tay Sư lấy cái sọ khô múc đấy cháo đưa cho Văn Đạo. Văn Đạo do dự không biết nên nhận hay không. Sư liền bảo:

- Ông không có tâm đạo, chẳng phải vì pháp mà đến. Ông còn đem vọng tình NHƠ SẠCH và YÊU GHÉT mà tiếp vật, làm sao có thể đạt được đạo ? (Tinh Vân Thiền Thoại)

Đó là một kinh nghiệm cho người học đạo. Một chút tình phân biệt đó, còn bị quở, huống nữa là giận hờn phiền não ôm ấp trong lòng thì sao ? Càng bị TÌNH CHẤP NGÃ che đậy, khó sáng được đạo.

V. TÓM KẾT

Người tu hành là nhắm đến con đường giải thoát khổ đau. TÌNH CHẤP NGÃ là đầu mối mọi thứ phiền não đau khổ trên thế gian này. Người biết tu, khéo tu không thể nào nuôi dưỡng nó.

Vào đạo Phật là phải đi qua cửa VÔ NGÃ, qua ít thì bớt khổ ít, qua nhiều thì bớt khổ nhiều, qua trọn vẹn thì dứt khổ, niết bàn an vui, không thể lẩn tránh chỗ nào khác. Người tu mà ôm ấp bản ngã nặng, cố chấp không buông là trái với con đường mình đi, là quay lưng với ánh sáng giác ngộ. Xưa Bồ Tát Đề Bà để lại tấm gương vô ngã sáng ngời.

Khi Ngài cảm hóa vị quốc vương vốn tin theo ngoại đạo, rồi lại dùng biện luận thắng các ngoại đạo, trong vòng ba tháng đã độ hơn một trăm vạn người. Có một đệ tử ngoại đạo căm hận vì Thầy mình bị thua, bèn thề “Người đã dùng miệng mà thắng phục ta, ta phải dùng dao thắng phục ngươi; ngươi dùng dao không làm khốn ta, ta sẽ dùng dao thực làm khốn ngươi”.

Y liền rình theo Ngài, một hôm Ngài Đề Bà đi lại một mình trong rừng vắng, gã ấy xách dao đến bảo:

- Ngươi dùng miệng phá đổ Thầy ta, sao bằng ta dùng dao phá vở bụng ngươi !

Y bèn mổ bụng Ngài.

Ngài Đề Bà  tuy bị mổ bụng, ruột lòi ra ngoài mà chưa chết, vẫn thương xót kẻ ngu si kia bảo:

- Tôi có y bát để ở đằng kia, ngươi có thể đến đó lấy, rồi hãy lên núi gấp, đừng đi bằng đường bằng. Những đệ tử của tôi chưa chứng được pháp nhẫn họ sẽ bắt ngươi, ngươi có thể bị bắt giải đến quan.

Khi các đệ tử hay tin chạy vội đến hiện trường, có những vị chưa được pháp nhẫn bèn gào khóc, chạy cuồng lên núi đuổi bắt  hung thủ. Ngài Đề Bà nhân cơ duyên ấy, khai thị cho các đệ tử rằng:

- Lý thực của các pháp, chính là ở chỗ không có người thọ, không có người hại. Thân  ai, oán ai, giết ai, hại ai ? Kẻ bị si độc lừa dối, mê lầm nảy sinh chấp trước mà gào khóc, trồng căn bất thiện. Người bị kẻ kia hại, lại ở nghiệp báo, không phải hại ta. Các ngươi phải xét thận trọng, đừng đem cái Cuồng đuổi theo cái Cuồng, đem cái Thương buồn cho cái Thương !

Dặn dò xong, Ngài nằm xuống rồi thoát.

Xem Ngài Đề Bà bị ngoại đạo mổ bụng vẫn thương xót kẻ kia, không sanh tâm thù hận, kết oán, vì quên cái TA này. Trong khi đó, huynh đệ cùng một thầy,  sống chung với nhau hằng ngày, lại vì một chút bất đồng ý kiến, vì một chút hơn kém nhau, một chút không chìu chuộng cái Ta, đành xem nhau như kẻ nghịch thì sao ? Lúc đó đạo tâm để ở chỗ nào ? Phải xét kỷ lại chỗ này, giải tỏa ngay. Bởi vậy, kinh kim cang quét sạch hết tâm ba thời qua khứ, hiện tại , vị lai; trừ tột bốn tướng ngã, nhân, chúng sanh, thọ giả, tức khiến mất dấu vết cái TA này, mới thật sự thể nhập thật tướng Bát Nhã, sống trong Vô thượng Bồ Đề .

Mong rằng mỗi hành giả luôn luôn soi sáng lại mình, để thấy rõ tường tận mọi bóng dáng cái TA lộ ra mà cảnh tỉnh không lầm theo. Quyết không để nó làm mờ đi ánh sáng chánh giác. Đó là đường tiến tu chân thật.

                        Có bài kệ tự nhắc:
                        Ta ơi là Ta
                        Mi ở đâu ra ?
                        Mà làm diên đảo,
                        Khắp cõi Ta-bà.

                        Mở mắt sinh ra,
                        Liền khóc oa oa 
                        Báo cho người biết
                        Là có mặt Ta !

                        Trong suốt cuộc đời,
                        Theo sát bên người,
                        Tạo thàng cuộc sống,
                        Giận ghét buồn vui.

                        Đi khắp thế gian,
                        Tột cõi ba ngàn,
                        Không đâu chẳng thấy,
                        Bóng TA lang thang.

                         Ta ơi là Ta !
                        Mi ở đâu ra  ?
                        Mà làm điên đảo,
                        Khắp chúng hằng sa.

                        Sinh tử không dừng
                        BA cõi sáu đường
                        Xoay quanh lẩn quẩn,
                        Mi dẫn đi luôn.

                        Ta ơi là Ta !
                        Bao giờ mới tha,
                        Cho người tự tại,
                        Sống mở lối ra ?

                        Mở
                        Đây rồi là Ta !
                        Muôn thuở lầm qua,
                        Chỉ do ngủ mớ,
                        La hoảng Ta Ta.

                         Nay tỉnh ra rồi,
                        Hết chạy xa xôi,
                        Đảo điên lên xuống,
                        Theo bóng trời người…

                       Thánh phàm ngay đây,
                       Tổ Phật chốn này,
                        Một buông, một tột ,
                        Liền vác lên đi.

                        Hay !
                        Từ đây xin chào !
                        Cái ta thuở nào,
                        Một bước thẳng tiến,
                        Bặt dấu đằng sau 

 

ĐÂU ĐÂU CŨNG LÀ PHẬT PHÁP
Thích Thông Phương
Trước tiên dẫn câu chuyện của Sa-di Hiền Trí để mỗi người nghiệm, rồi sau đó sẽ đi sâu vào. Sa-di Hiền Trí là vị Sa-di mới bảy tuổi mà đã chứng A-la-hán. Ngài có túc duyên đặc biệt, khi bảy tuổi gia đình cho xuất gia với Tôn giả Xá-lợi-phất. Khi Ngài xuất gia, gia đình cúng dường liên tiếp trong bảy ngày đầu, và Tôn giả Xá-lợi-phất dạy cho Ngài đề mục quán về các thể trược trong thân này. Qua tới ngày thứ tám, gia đình hết cúng dường, Ngài phải theo thầy (ngài Xá-lợi-phất) đi khất thực.

Trên đường đi Ngài thấy người ta đang vét mương dẫn nước vào ruộng, Ngài liền nghĩ (nếu như mình thì chắc là đi qua luôn vì thấy chuyện này thường quá) và hỏi Ngài Xá-lợi-phất:

- Người ta đang làm gì vậy?

Ngài Xá-lợi-phất nói:

- Người ta đang vét mương dẫn nước vào ruộng để làm ruộng.

Ngài nghĩ: “Nước là vật vô tri vô giác mà con người có thể hướng dẫn sử dụng nó theo ý của mình để làm chuyện lợi ích. Như vậy tại sao mình có tâm, có tri giác hiểu biết mà không thể hướng dẫn tâm mình đi theo con đường dẫn đến A-la-hán?” 

Đi một đoạn nữa, thấy người làm tên, đang chuốt những mũi tên, Ngài cũng hỏi Tôn giả Xá-lợi-phất:

-   Họ đang làm cái gì đó?

Tôn giả Xá-lợi-phất đáp:

- Đây là những người đang trau chuốt những mũi tên cho ngay thẳng dùng để bắn.

Nghe vậy Ngài cũng có cảm nghĩ: “Tên cũng là vật vô tri không có lý trí gì hết mà người ta còn có thể uốn nắn nó, khiến cho nó ngay thẳng theo ý mình. Còn mình là người có lý trí, có hiểu biết tại sao mình không thể uốn nắm tâm mình cho ngay thẳng đúng đắn để đi đến con đường Niết-bàn?”

Đi một đoạn nữa, thấy người đang đẽo bánh xe, Ngài hỏi ông thầy:

- Họ làm việc gì?

Tôn giả Xá-lợi-phất đáp:

- Đó là người ta đang đẽo những thanh gỗ làm thành bánh xe để dùng vào việc chuyên chở.

Ngài cũng liền nghĩ: “Gỗ cũng là vật vô tri vô giác mà người ta vẫn có thể đẽo nó thành bánh xe để sử dụng theo ý của mình, còn mình có tri giác, có hiểu biết tại sao mình không đẽo gọt những điều xấu xa, những điều hư dối trong tâm mình để cho tâm ý trở thành lợi ích chân thật trên con đường giải thoát?”

Suy nghĩ như vậy rồi, Ngài xin phép Tôn giả Xá-lợi-phất cho Ngài về trước , không đi khất thực nữa. Ngài trao bát lại cho Tôn giả và nói: “Cho phép con được về trước, con có vấn đề cần phải giải quyết.” Nghĩa là trong tâm Ngài muốn dứt khoát giải quyết ngay trong ngày nay để chứng A-la-hán mới được. Tôn giả Xá-lợi-phất cũng biết nên cho về. Khi giao chìa khóa phòng, Tôn giả dặn:

- Con vào trong phòng ngồi trong đó đừng ngồi ngoài, sợ nhiều khi bị rắn rít cắn.

Khi về, Sa-di Hiền Trí vào trong phòng ngồi thiền quán, chuyên tâm quá xét cho tột cùng. Việc này cảm đến trời Đế Thích, nên trời Đế Thích sai bốn vị Thiền vương (Tứ thiên vương) xuống trấn giữ bốn góc vườn không cho chim chóc hay người, thú có thể lảng vãng làm xao động trong khu đó, để cho Ngài được thật sự yên tĩnh mà quán xét, còn chính trời Đế Thích thì đứng trấn giữ ngay cửa.

Trong khi đó Đức Phật cũng quán xét và thấy được tâm trạng và công phu của Sa-di Hiền Trí. Lúc Tôn giả Xá-lợi-phất khất thực xong, trở về mà Sa-di Hiền Trí vẫn chưa chứng quả A-la-hán. Nếu để Ngài Xá-lợi-phất mở cửa vào thì làm trở ngại, mất thời gian của Sa-di Hiền Trí, cho nên trời Đế Thích dùng thần lực làm cho hôm đó mặt trời sáng hoài giống như đang còn trưa.

Khi Tôn giả Xá-lợi-phất về, Đức Phật ra đón ở trước và Ngài hỏi tới hỏi lui nhiều câu để trong đó Sa-di Hiền Trí có thời gian thành tựu được đạo quả. Quả nhiên Sa-di Hiền Trí chứng quả A-la-hán ngay lúc đó.

Khi đó Đức Phật biết rồi và để Tôn giả Xá-lợi-phất đem vào phần cơm khất thực dành riêng cho Sa-di Hiền Trí. Khi Ngài dùng cơm xong, thu xếp đâu đó rồi, trời Đế Thích thu thần lực lại thì mặt trời liền tối, coi như mới ăn cơm xong thì tối. Cho nên hôm đó trong chúng thắc mắc, bữa nay sao lạ kỳ! Đức Phật biết. Ngài mới đến giải thích là do nhân duyên này.

Đó là một câu chuyện rất có ý nghĩa và rất tế nhị. Một vị Sa-di mới bảy tuổi mà đi đường thấy việc  như vậy, rồi có thắc mắc, cảm nghĩ như vậy? còn mình thì sao? Mình thấy các việc đó không biết bao nhiêu lần, thấy rồi cứ cho qua, cho là chuyện tầm thường không quan trọng. Nhưng việc đó thường hay không thường thì không phải ở tại việc đó mà ở nơi mình, nghĩa là một việc tầm thường nhưng tại sao lại đánh thức nội tâm Sa-di Hiền Trí sâu xa như vậy, còn mình không có gì hết?.

Thứ nhất cũng là do túc duyên của Ngài. Thứ hai nữa, nếu lúc đó tâm của Sa-di Hiền Trí đang nghĩ lung tung thì có cảm nghĩ được những điều đó không? Đi mà ngó trời ngó mây, rồi trong tâm nghĩ là khất thực được món ngon món dở gì đó thì sao? Lúc đó dĩ nhiên tâm Ngài đang chuyên chú vào đề mục của Tôn giả Xá-lợi-phâấ dạy.

Chính chỗ đó là chỗ nhắc nhở của mình, cũng một cảnh đó nhưng nếu mình sống buông lung theo tình thì cảnh đó cũng là cảnh thế tục tầm thường không có gì đáng nói. Nhưng cũng cảnh đó mà với tâm chánh niệm, với tâm chuyên chú thì nó cũng thành cảnh giới giác ngộ, cũng thành Phật pháp đối với mình. Bao nhiêu đó đủ thấy đâu đâu cũng có thể là Phật pháp đối với mình. Chính đó là ý nghĩa của “pháp vô ngã”.

Lâu nay người học kinh nghe giảng, nhiều khi nghe nói về “pháp vô ngã”, nghe trên danh từ, trên chữ nghĩa mà không hiểu các pháp vô ngã là sao? Nói mình vô ngã (không có ta) thì dễ hiểu, còn nói pháp vô ngã, pháp mà không có ta là sao? Đó là muốn nói lên, các pháp không có tánh cố định, không có một thể cố định gì hết, tùy theo tâm người mà nó hiện. Vì không cố định cho nên nói vô ngã, vô ngã là vậy, chớ không phải pháp vô ngã là pháp không có ta.

Ở đâu cũng vậy, pháp không cố định là nhiễm, cũng không cố định là tịnh, nó cũng không cố định là mê hay là giác, cảnh không phải làm mình mê, cũng không phải làm mình giác, tức là không có cố định gì hết, tùy theo tâm người mà nó thành nhễim thành tịnh, thành mê thành giác. Cũng cảnh đó nhưng người tu đạt đạo nhìn nó mà không nhiễm, còn người bình thường nhìn thì nhiễm. Vậy đổ lỗi cho cảnh sao được! Đó, rõ ràng nó vô ngã, nó không cố định  mà tùy theo người.

Chẳng hạn như câu chuyện của Ngài Viên Ngộ, Ngài tham thiền với Thiền sư Pháp Diễn một thời gian lâu mà chư tỏ ngộ. Một hôm đang hầu thầy thì có ông quan Đề hình đến thăm Thiền sư Pháp Diễn bàn luận đạo, Pháp Diễn hỏi:

- Đề hình lúc trẻ có đọc thơ Tiểu Diễm chăng?

Ông nói:

- Có.

Thiền sư Diễn nhắc ở trong đó có hai câu:

Tần hô Tiểu Ngọc nguyên vô sự

Chỉ yếu đàn lang nhận đắc thanh

Tức là:

Luôn kêu Tiểu Ngọc nguyên không việc

Chỉ cốt anh chàng nhận được tiếng.

Ngài Viên Ngộ lúc đó đang đi ra ngoài, ông Đề hình nghe tới đó liền “dạ! dạ!”

Thiền sư Pháp Diễn bảo:

- Nhưng hãy chính chắc cẩn thận.

Vừa lúc đó ngài Viên Ngộ ở ngoài trở về đứng hầu, nghe qua câu chuyện mới hỏi:

- Nghe Hòa thượng nhắc lại thơ Tiểu Diễm nhưng ông Đề hình có lãnh hội được chăng?

Thiền sư Pháp Diễn bảo:

- Ông chỉ nhận được tiếng thôi.

Ngài Viên Ngộ thưa:

- Ở trong đó nói rằng “chỉ cốt anh chàng nhận được tiếng” mà ông ấy đã nhận được tiếng, vì sao lại không phải?

Pháp Diễn bảo:

- Thế nào là ý Tổ sư từ Ấn Độ sang? – Cây Bách trước sân.

Ngay đó Ngài Viên Ngộ liền tỉnh ngộ.

Đây là cô đọng một câu chuyện trong quyển tiểu thuyết, chuyện kể rằng có một nàng tiểu thơ có tình ý với một chàng trai ở gần nhà. Một hôm vào buổi chiều chạng vạng tối, chàng trai này lân la đến nhà cô thíeu nữ, ý muốn dò tìm coi phòng của cô ở chỗ nào nhưng không biết, nên đi lảng vảng ở ngoài. Cô tiểu thơ ở trên gác nhìn thấy nhưng không biết làm sao cho chàng kia biết được, mà kêu thì lộ rồi, cô nhanh ý gọi đứa hầu tên Tiểu Ngọc:

- Tiểu Ngọc! Tiểu Ngọc! Hãy đem cái bình trà lại phòng cho cô.

Ngay đó anh chàng kia nghe thì biết cô ở phòng nào rồi. Cho nên ở đây Thiền sư Pháp Diễn dẫn lại hai câu thơ “Tần hô Tiều Ngọc nguyên vô sự, Chỉ yếu đàn lang nhận đắc thanh”, nghĩa là cô này kêu Tiểu Ngọc luôn miệng như vậy nhưng không có ý gì hết, koc ó việc gì, chỉ cốt cho anh chàng kia nhận được tiếng của mình thôi, tức là kêu ở đây nhưng mà ý ở đằng kia. Đó, thiền là như vậy. Cho nên Ngài Viên Ngộ nghe tới đó thì Ngài ngộ.

Như vậy cũng một câu chuyện đó, là câu chuyện thế tục thôi, nhưng qua tay của Thiền sư thì sao? – Thành chuyện đạo, thành có lý thiền, mà rất sâu chớ không phải thường nữa. Còn với thanh niên nam nữ ngoài đời, họ sống theo tình cảm của thế tục, khi đọc tới chỗ này thì sẽ nghĩ theo tình ý của nam nữ, thành ra thấy câu chuyện đó là cây chuyện của thế tục.

Cũng câu chuyện này nhưng với người tham thiền, tâm chuyên nhất hướng về đạo thì nghe đó liền đạt được cái ý “giáo ngoại biệt truyền, bất lập văn tự”. Nghĩa là nghe đây nhưng phải thấy ý đằng kia. Thiền cũng vậy, nói ở đây nhưng mình phải thấy ý đằng kia, tức là không mắc kẹt ở trong câu nói. Bao nhiêu đó cho thấy chỗ này là chỗ phải thấu qua giấy mực, ý này rất sâu xa.

Rõ ràng cùng một câu chuyện nhưng tủy theo tâm người mà thấy khác nhau, như vậy nó vô ngã không có cố định gì hết. Vậy tại sao mình không thấy theo cách thứ hai? Thấy theo cách thứ hai thì hay vô cùng. Cho nên chỉ một câu chuyện đó đã nói lên được nghĩa “đâu đâu cũng là Phật pháp”.

Trong kinh A-hàm có kể: Một hôm Phật ở thành Xá-vệ tại tinh xá Kỳ Hoàn, nhân chuyện mấy con ngựa Phật mới nói bài pháp về bốn loại ngựa. Phật nói với các vị Tỳ-kheo” Có bốn loại ngựa mà bậc hiền nhân nên cỡi, tức là người hiền phải nên cỡi bốn loại ngựa:

- Loại thứ nhất, vừa thấy bóng roi liền sợ, liền đi theo ý của người chủ, chưa đợi đánh.

- Loại thứ hai, phải đợi roi chạm đến lông thì mới chịu đi, nghĩa là giơ roi lên thì thấy bóng nhưng còn chưa sợ, phải đợi roi chạm tới lông mới sợ, mới đi.

- Loại thứ ba, đợi roi đánh vào da hơi đau đau thì nó mới chịu đi theo ý chủ.

- Loại thứ tư, phải đợi roi đánh mạnh đau thấu xương mới chịu đi.

Phật kể ra bốn loại ngựa đó rồi nói: Để độ bậc trượng phu đi qua bờ giải thoát cũng có bốn pháp như vậy:

- Loại người thứ nhất, nghe trong xóm của mình có ai đó bị bệnh đau khổ sắp chết liền sanh tâm nhàm chán, tu hành làm lành tiến lên con đường giải thoát giác ngộ.

- Loại người thứ hai, nghe trong xóm có người bệnh hoạn thì thấy không dính dáng gì tới mình, chuyện đó của người ta thôi, nhưng khi chính mắt mình thấy người đó bệnh nặng sắp chết thì bấy giờ mới cảm nhận chuyện vô thường, mới phát tâm nhàm chán và tu hành. Ở trước mới nghe thôi là đã phát tâm rồi, còn ở đây phải đợi mắt thấy mới được. Cũng như ở trên là phải đợi roi chạm tới lông mới đi.

- Còn loại người thứ ba, thấy thì thấy nhưng đó là chuyện của người khác. Nhưng khi thấy bà con ruột thịt của mình hoặc tôi tớ trong nhà bệnh nặng sắp chết, lúc đó mới cảm nhận, mới nhàm chán mà tiến tu. Đó cũng là khá rồi, nhưng ở đây phải thấy được người gần  mình, còn kia là người dưng, đâu có dình dáng gì.

- Loại người thứ tư là khi chính bản thân mình gặp bệnh khổ ngặt nghèo mới chịu sanh tâm nhàm chán và tiến tu, chớ còn kia cũng là người khác thôi.

Phật nói bốn loại người đó cũng giống như bốn loại ngựa trên:

Loại ngựa thứ nhất vừa thấy bóng roi liền đi cũng như ở đây vừa nghe người trong xómcó bệnh nặng người này liền cảm nhận sự vô thường của con người và phát tâm liền.

Còn người thứ hai chuyện đó còn xa vừa mới nghe thôi chưa thấy, phải thấy thì mới chịu, cũng như ngựa kia phải đợi roi chạm tới lông mới đi. Nhưng đó còn là loại người khá khá,

Loại người thứ ba phải thấy bà con tôi tớ gần gũi với mình chịu những cảnh đó thì người này mới cảm nhận được. Còn những người khác, người dưng đâu có dính dáng gì. Coi như người này cũng còn tiến được một bước, cũng còn khá khá tuy là phải đợi việc tới bà con mình.

Còn loại người thứ tư thì phải đợi tới bản thân mình mới chịu, những việc kia cũng là còn của người khác.

Như vậy chỉ là chuyện ngựa là chuyện thế gian thôi, nhưng với Phật cũng thành Phật pháp. Tại sao mình không nhìn theo kiểu Phật pháp đó mà nhìn theo kiểu thế gian? Với người bén nhạy luôn luôn khéo phản tỉnh trở lại, thì mình thấy cảnh nào cũng là cảnh để mình giác ngộ được hết. Thấy người ta khổ, là mình cảm nhận được cuộc đời là vô thường, rồi mình cũng sẽ nằm ở trong tình trạng đó, mình cảm nhận được liền và thức tỉnh để vươn lên chớ không phải đợi đến lúc mình khổ mới thức tỉnh. Cho nên trước mắt mình chỗ nào cũng là Phật pháp cả. Chỗ nào cũng là chỗ vi diệu đểnhắc nhở mình chớ không phải cầu đâu xa. Mình cứ nghĩ Phật pháp là cái gì phải cao siêu, nghĩa là ở đâu đó, ở chỗ nào linh thiêng, chớ đâu ngờ những cái tầm thường cũng là Phật pháp nếu mình khéo nhìn, khéo thấy. Nhưng khéo làm sao?

Khéo là mình phải chuyên tâm, phản tỉnh, điểm trọng yếu là đó. Nếu luôn luôn chuyên tâm, phản tỉnh thì chỗ nào cũng là chỗ có thể dùng để soi lại mình, nếu để tâm rời rạc lang thang, lăng xăng thì làm sao thấy nổi.

Cũng như qua câu chuyện của Sa-di Hiền Trí, mình thấy rõ vật chất là thứ vô tri vô giác, nhưng nếu mình chuyên tâm chuyên niệm thì cũng có thể khiến nó thuận theo ý mình được. Nước là vật vô tri, nhưng nếu muốn nó chảy vào ruộng theo ý mình thì phải làm sao? Phải lo đắp bờ, lấp những chỗ lở để cho có đường chảy, tức là phải có sự lo lắng và chuyên tâm vào trong đó, để ý vào trong đó. Cũng như mũi tên muốn uốn cho nó thẳng theo ý mình thì phải làm sao? Phải nhắm một mắt rồi chú tâm trong đó. Còn gỗ muốn đẽo thành bánh xe theo ý mình cũng vậy, phải chú ý, nghĩa là chuyên tâm khéo léo thì nó mới thành được.

Chuyện bên ngoài mình còn có thể làm được như vậy, còn tâm mình là ở ngay nơi mình, ở trong chính mình, cớ gì mình không điều phục được nó, không làm chủ được nó? Chỉ vì không chuyên tâm thôi! Nghe ở đây thì hiểu nhưng ra ngoài rồi quên, hoặc thôi bỏ qua, đó là không có chuyên tâm, còn chuyên tâm sẽ có kết quả.

Cho nên ở trong nhà Nho có câu:

                        Thế sự vô nan sự, 
                        Do lai tâm bất chuyên.
                        Tạc sơn xuyên đại hải,
                        Phi vụ đổ thanh thiên.

Tức là việc đời không có việc gì là khó, chỉ do tâm mình không chuyên thôi, người ta có thể đục núi, xuyên qua biển, rồi người ta có thể vén mây dòm thấu cả trời xanh, thấy cả những hành tinh xa xôi, bây giờ người ta còn dùng phi thuyền để bay đi xa kia, chuyện đó người ta còn làm được thì rõ ràng là chỉ do tâm chuyên. Tâm chuyên sẽ giúp mình thành tựu được những điều như ý muốn, nhất là trong việc tu hành của mình.

Nếu tâm mình cứ loạn hoài đó cũng là tự tâm mình loạn thôi. Khi nó loạn là tự tâm mình loạn, rồi khi nó định thì cũng tự tâm mình định chớ ai định giùm cho mình. Nhiều khi mình đổ cho là tại cảnh làm mình loạn tâm, chớ sự thật phải cảnh làm mình loạn không? Cái đó phải nhìn cho thật kỹ. Cảnh là vật vô tri làm sao làm mình loạn? Cũng cảnh đó mà sao người tu có công phu nhìn không loạn, còn mình nhìn loạn rồi đổ lỗi tại cảnh? Rõ ràng là tại tâm mình thôi. Tâm mình dính cảnh rồi đổ thừa cảnh làm loạn, chớ cảnh là vật vô tri làm sao làm mình loạn được. Như vậy tự tâm mình loạn thì cũng tự tâm mình định, không ai xen vào đó, nghĩa là mình có đủ quyền làm chủ, mình có quyền mê mà cũng có quyền ngộ, không ai chen vào trong đó hết.

Cho nên nếu mình chuyên tâm trở lại, đó là chỗ để tiến của mình. Không cần phải nói tới những giáo lý cao xa, có những bài kinh thường thường mình học quen rồi không chú ý, như trong kinh Tứ Thập Nhị Chương có một câu là “giữ tâm một chỗ thì không việc gì chẳng xong” . Ai về thử tâm một chỗ coi thử liền biết. Chỉ cần ba ngày thôi, mà giữ tâm một chỗ là có kết quả liền. Mà giữ là sao? – Cách đơn giản là đi biết đi, ngồi biết ngồi, đứng biết đứng, luôn luôn mình có mặt ngay trong cái thực tại đó, “đi biết đi” tức là mình ở ngay chỗ đi “đứng biết đứng” tức là mình ở ngay chỗ đứng, tâm mình luôn luôn có mặt với mình, không cho chạy chỗ nào khác thì khỏi cần cầu ngộ nó cũng ngộ. Còn bây giờ cứ lo cầu ngộ mà tâm cứ tản hoài, chạy hoài thì làm sao ngộ được?

Ở thế gian cũng vậy, thí dụ như ông Newton một nhà bác học nổi tiếng, có người hỏi ông: “Ông dùng cách gì mà có nhiều phát minh như thế?” Ông nói rằng: “Tôi không có cách gì khác, chỉ là đối với một việc nào cũng nghiên cứu rất chuyên tâm trong một thời gian rất dài.” Nghĩa là đối với việc nghiên cứu nào thì nghiên cứu hết mình trong đó, trong thời gian dài chớ không nửa chừng bỏ dở. Còn mình thì sao? Cái nào thấy hơi lâu mà chưa có kết quả là muốn thay đổi, đó là không có chuyên tâm, koc ó bền chí.

Chính trong Bát chánh đạo, chánh niệm là gì? – Là tâm chuyên nhất không tạp loạn, chánh niệm đi tới kết quả là chánh định. Rồi trong Tứ niệm xứ có bài kinh Phật dạy rằng: “Nếu vị nào luôn luôn quán Tứ niệm xứ, nhớ rõ như vậy từ một ngày cho đến bảy ngày mà không có niệm nào khác xen vào thì chắc sẽ chứng quả từ Tu-đà-hoàn tới A-la-hán.” Nói theo mình bây giờ, chỉ cần biết vọng từ một ngày tới bảy ngày, tâm luôn luôn chuyên nhất như vậy không để niệm nào khác xen vào (tâm đâu còn chạy đi đâu nữa) thì bảo đảm sẽ sáng liền.

Như vậy các kinh điển đều dạy chỗ đó, cũng như kinh Di-đà nói rằng “từ một ngày tới bảy ngày nhất tâm bất loạn thì liền thấy Phật và Thánh chúng hiện ngay trước mặt”. Từ một ngày tới bảy ngày “nhất tâm bất loạn” tức là không chạy đi đâu hết thì Phật ngay trước mặt chớ còn gì nữa! Đó là chỗ trọng tâm, mình không để ý rồi cứ lo cầu cái này cái kia cho mau ngộ mà nó không ngộ nổi!

Trong nhà Thiền có Thiền sư Chuyết Huyền, Ngài dạy học trò là vị Tăng tên Từ Định. Ngài bảo rằng: “Nếu ông thiền định nhất tâm không gián đoạn suốt bảy ngày đêm mà không chứng ngộ thì ông có thể tới đây chặt đầu tôi làm gáo múc phân.” Dạy thằng vậy đó. Từ Định nghe vậy, sau đó không lâu ông bị bệnh kiết lỵ, ông nhớ tới lời này mới quyết tâm, ông lấy cái thùng, đến nơi vắng vẻ rồi ngồi lên đó, ông chú tâm thiền định liên tục suốt bảy ngày như vậy. Tới một đêm thình lình ông thấy thế giới như tuyết sáng dưới ánh trăng, vũ trụ này như thu nhỏ lại, không còn chứa nổi mình nữa, tức là mình bao la. Nhưng cái đó mới là trạng thái thôi, ông rơi vào trong tình trạng đó một lúc lâu. Khi đó bỗng nghe một tiếng động, ông chợt ngộ liền, toàn thân ra mồ hôi, hết bệnh luôn. Ông làm bài thơ:

                        Sáng chói linh diệu cái gì đây?
                        Anh vừa chớp mắt mất nó ngay.
                        Dao thuốc cạnh bô đang chiếu sáng
                        Cuối cùng là chính tôi lâu nay.

Cuối cùng là chính mình lâu nay đâu có gì khác. Nhưng do một niệm xen vào thì nó thành ra che mờ vậy thôi.

Vậy rõ ràng từ kinh đến thiền đều nhắc mình một chỗ trọng tâm đó. Chuyên tâm một chỗ thì có kết quả thôi. Cho nên trong nhà thiền các ngài thường nhấn mạnh là tu thì phải đến chỗ dừng bặt, hoặc chết đi cái tâm niệm lăng xăng để thấu qua cái “ngã” hư dối này, còn cứ để cho tâm niệm lăng xăng này làm việc hoài thì khó đến nơi.

Như ngài Ngưỡng Sơn đến hỏi ngài Trung Ấp:

Làm sao thấy nghĩa Phật tánh?

Ngài Trung Ấp bảo:

-Ta có ví dụ nói cho ông nghe: Như cái lồng có sáu cửa chứa con khỉ ở trong. Ngoài có con khỉ, khi con khỉ ngoài tới gõ cửa kêu chóe chóe, con khỉ trong cũng kêu chóe chóe đáp lại. Ở ngoài con khi chạy sáu cửa kêu chóe chóe thì ở trong sáu cửa cũng đáp lại chóe chóe.

Ngay đó ngài Ngưỡng Sơn nói:

- Con hiểu rồi.

Ở ngoài nó tới chóe chóe thì ở trong chóe chóe đáp lại liền, tức là luôn luôn có mặt con khỉ ở trong đó, sáu căn này luôn luôn có mặt ở đó. Nhưng chỗ đó còn chưa sâu, cho nên khi ngài Trung Ấp nói vậy thì ngài Ngưỡng Sơn nói:

- Nhưng bây giờ giả sử con khỉ ở trong ngủ thì con khỉ ngoài làm sao?

Con khỉ ở trong ngủ thì làm sao kêu nó? Làm sao biết được có con khỉ ở trong? Nếu con khỉ ở trong thức thì khi con khỉ ngoài kêu chóe chóe, ở trong đáp lại, mình dễ thấy rồi. Tức là cái thấy nghe này luôn luôn nó hiện đây rồi, nhưng con khỉ ở trong ngủ, bây giờ làm sao biết nó ở đâu? Chỗ đó mới là chỗ sâu xa. Cho nên khi ngài Ngưỡng Sơn nói tới đó thì ngài Trung Ấp bước xuống giường thiền nắm tay Ngưỡng Sơn nói rằng:

-  Chóe chóe cùng ông thấy nhau rồi.

Đó là chỗ hai ngài thấy nhau. Như vậy chỗ nào là chỗ con khỉ ở trong ngủ? Người tu thiền phải thấy được, tới được chỗ đó, còn chưa thấy được tới được chỗ đó thì cũng chưa xong. Chỗ con khỉ trong ngủ, làm sao thấy được? Nó thì nó còn chóe chóe mình dễ thấy, còn nó ngủ biết nó nằm ở chỗ nào?

Chính chỗ đó là chỗ trước khi động niệm, nó ngủ là trước khi động niệm, mình thấy trở lại chỗ trước khi động niệm đó, thì sẽ thấy Phật, thấy Tổ, thấy các Thiền sư, mình cũng thấy nhau liền. Cho nên nói tới chỗ đó thì ngài Trung Ấp bước xuống nắm tay Ngưỡng Sơn nói: “cùng ông thấy nhau rồi”, tức là thấy lại chỗ trước khi động niệm đó. Bởi vì vừa động niệm vừa nghĩ thì sao? Là con khỉ thức rồi. Phải thấy tột trở lại chỗ đó, là chỗ những tâm niệm lăng xăng phải dừng.

Khi ngài Nam Nhạc Hoài Phượng đến Lục Tổ, Lục Tổ hỏi: “Cái vật gì thế ấy đến?” Ngài Nam Nhạc lúc đó không trả lời được. Như mình thì sao? – Không trả lời được thì thôi, nhưng với ngài không trả lời được nên ngài thắc mắc trong lòng, ôm việc đó tám năm trời. Qua tám năm Ngài có chỗ tỉnh ngộ liền đến thưa Lục Tổ:

- Con bây giờ đáp được rồi.

Lục Tổ hỏi:

- Đáp sao?

Ngài nói:

- Nói giống một vật tức không trúng.

Với một việc đó mà ôm ấp trong tám năm trời, thì tám năm đó, cái tâm có chạy bậy nổi không? Tám năm chuyên chú vào việc đó, cố giải quyết việc đó thì những tạo niệm dần dần phải tan hết, tới khi không còn tạp niệm nữa, lúc đó tỉnh ngộ liền. Đó là chỗ căn bản.

Đó là nói về thiền, còn trong kinh như kinh Kim Cang thì Phật dạy “độ hết chúng sanh vào Vô dư y Niết-bàn mà không thấy có một chúng sanh được diệt độ”. Thì đó là ý gì? Độ chúng sanh đó là chúng sanh gì? Tức là những tâm vọng tưởng lang thang đầu này đầu nọ chớ gì, độ những cái tâm đó. Mà độ là sao? Thường thường mình hiểu độ là đưa, đưa nó vào Vô dư y Niết-bàn, nhưng đưa làm sao? Nói đưa, theo chữ nghĩa thì dễ rồi nhưng phải đưa làm sao? Đó là chỗ phải thực hành.

Đây nói độ tức là “nhất tâm tỉnh giác” chớ không là cái gì khác. Nhất tâm tỉnh giác thấy suốt trở lại trước khi động niệm, đó là mình đưa nó vào Vô dư y Niết-bàn. Trước khi động niệm thì nó có tướng gì? Bây giờ mỗi khi tâm niệm khởi lên, mình xét trở lại ngay chỗ trước khi động niệm, thấy tột trở lại thì chỗ đó có tướng gì? Đó là đưa nó vào Vô dư y Niết-bàn chớ còn gì nữa. Nhất tâm tỉnh giác là độ thôi. Còn nếu nghe nói đưa vào Vô dư y Niết-bàn mà không biết đưa làm sao, chỉ hiểu trên chữ nghĩa, thì hiểu mà làm không được.

Rồi kinh Pháp Hoa chẳng hạn, khi tháp Phật Đa Bảo hiện, các vị đệ tử thỉnh Phật Thích-ca mở cửa tháp thì Phật Thích-ca nói sao? Ngài nói: “Phật Đa Bảo có nguyện nếu sau này Phật nào muốn mở cửa tháp thì phải thâu hồi hết các hóa Phật đang giáo hóa ở cõi này cõi khác về một chỗ thì mới mở được.” Phật Đa Bảo là gì? Tức là chỉ cho Pháp thân. Muốn thấy được pháp thân thì phải thâu hồi hết các vị hóa Phật của mình đang đi giáo hóa về một chỗ. Mình đang ngồi đây nhưng hiện giờ hóa Phật của mình có đang đi giáo hóa không (chỉ tâm vọng tưởng của mình lang thang chỗ này chỗ nọ)? Bây giờ chỉ cần thâu hồi hết các vị về ngay chỗ này thì mở cửa tháp Phật Đa Bảo được liền. Ý nghĩa rất đơn giản nhưng mình học chữ nghĩa, rồi mình cứ nghĩ đâu đâu.

Hoặc là như Thiền sư Vô Nghiệp, ai tới hỏi đạo, Ngài cũng nói: “Chớ vọng tưởng”. Bao nhiêu đó thôi. Chớ vọng tưởng tức là thâu hồi các hóa Phật trở về thì mở được cửa đó thôi. Nếu không thấy được chỗ đó càng tìm càng xa, bởi vì đi tìm là thả những vị hóa Phật của mình đi giáo hóa đầu này đầu khác nữa rồi!

Có vị tăng hỏi Thiền sư Hy Phụng:

- Đạo tràng của cổ Phật, học nhân làm thế nào mà đến được?

Nghĩa là làm sao con đến được đạo tràng của Phật xưa.

Ngài Hy Phụng bảo: 

-  Ông hiện giờ ở đâu?

Cứ lo hỏi đạo tràng của Phật xưa đâu đâu, còn bây giờ ông đang ở đâu đây? Cái gì đang hỏi đó ông lại không hỏi ? Nếu ông bặt được hết ý niệm xưa nay thì ngay đó ông vào được đạo tràng của Phật xưa rồi. Còn lo hỏi đạo tràng của Phật xưa mà quên mất chỗ đó thì đã đi xa rồi. Đó là chỗ kinh-thiền đều nhấn mạnh. Mình thấy được chỗ mấu chốt đó là thấy được chỗ trở về của mình.

Đây, ngài Động Sơn Lương Giới là vị Tổ của tông Tào Động, một tông lớn trong nhà thiền mà đến bây giờ cũng vẫn còn. Khi ngài còn chưa tỏ ngộ, đang tham thiền, một lần Ngài đến tham thiền với Thiền sư Vân Nham Đàm Thạnh. Ngài hỏi Vân Nham:

- Vô tình thuyết pháp thì người nào được nghe?

Thường thường mình nói “hữu tình thuyết pháp”, đây lại hỏi “vô tình thuyết pháp”. Ngài Vân Nham bảo:

- Vô tình thuyết pháp thì vô tình được nghe.

Lương Giới hỏi lại:

- Hòa thượng có nghe chăng?

Ngài Vân Nham nói:

- Ta nếu nghe thì ngươi đâu được nghe ta thuyết pháp. (Bởi vì ta là vô tình rồi)

Ngài hỏi thêm:

- Như vậy vì sao con chẳng nghe?

Ngài Vân Nham liền dựng cây phất tử lên, Ngài bảo:

Ông lại nghe chăng?

Dựng cây phất tử mà hỏi nghe chăng thì nghe làm sao?

Ngài thưa:

- Chẳng nghe.

Vân Nham bảo:

- Ta thuyết pháp mà ông còn chẳng nghe huống nữa là vô tình thuyết pháp.

Lương Giới thưa thêm:

- Như vậy vô tình thuyết pháp gồm những kinh điển gì?

Ngài Vân Nham bảo:

- Ông đâu không thấy trong kinh di-đà nói: nước, chim, cây, rừng thảy đều niệm Phật niệm pháp?

Ngay câu đó ngài Lương Giới liền đại ngộ và làm bài kệ:

                    Cũng rất kỳ! cũng rất kỳ!
                     Vô tình thuyết pháp chẳng nghĩ nghì.
                     Nếu lấy tai nghe trọn khó hội,
                     Phải đem mắt thấy mới liễu tri.

Tức là muốn nghe được “vô tình thuyết pháp” thì phải đem mắt thấy, nếu chớ lấy tai nghe thì không được. Tức là sao? Thường thường mình bị mắt kẹt trên chữ nghĩa, nghe nói vô tình rồi mình tưởng là cây đá, vật vô tri vô giác, nhưng đây ngầm chỉ vô tình tức là không có những tâm tưởng phân biệt đối đãi. Mình sống ngay một niệm hiện tiền ở đây, thì lúc nào cũng sáng rỡ hết, ngay tâm niệm đây nó sáng rỡ rồi. Với cái nhìn đó, mình thấy đâu đâu cũng là Phật pháp hiện bày, đâu đâu cũng là nhiệm mầu hết. Cho nên ở đây Ngài dẫn kinh Di-đà nói, cây rừng chim chóc cũng niệm Phật niệm pháp, niệm tăng. Mình nghe kiểu đó mình cũng phát nguyện thôi về cõi Cực lạc để nghe chim chóc niệm Phật niệm pháp cho vui, nhưng quên mất rằng, chính ngay cõi mình đang sống đây, chim chóc cũng đang niệm Phật, niệm pháp, niệm Tăng mà mình không nghe được thôi.

Như khi Sa-di Hiền Trí thấy người vót tên thì cái đó có niệm pháp không? Ngay đó là niệm pháp rồi, ngay cây tên cũng niệm Pháp cho mình rồi huống nữa là chim chóc, nó hót. Nó vừa hót lên mình nghe rõ ràng mà không quên chính mình, thì nó đang niệm pháp chớ gì? Nghe như vậy, đó là nghe Phật nghe Pháp, còn mình nghe tiếng chim mình chỉ nhớ tiếng chim, quên mất chính mình, đó là chỉ nghe tiếng thôi. Như vậy ở ngay cõi thế gian này, mình vẫn nghe chim chóc niệm Phật, niệm Pháp như thường, khỏi cần phải cầu đi đâu xa. Cho nên đâu đâu cũng là Phật pháp.

Nếu tâm mình muốn thấy được như vậy thì phải sao? - Phải chuyên tâm. Tức là nếu tâm mình chánh thì mình thấy cái gì cũng chánh, cái gì cũng sáng; còn tâm mình sáng; còn tâm mình tà thì thấy gì cũng tà rõ ràng như vậy thôi. Cũng là cảnh đó, cũng là tướng đó mà tâm mình tà thì mình thấy nó thành tà, ngay nơi cảnh Phật đi nữa, tâm tà mình cũng thấy thành tà luôn.

Ở Thường Chiếu có lần có một ông nhập thất, nhưng do nghiệp nặng, cho nên ông thấy ma thấy quỉ rùng rợn, ông nói ông không biết làm sao bây giờ, ông bèn nhớ tời Hòa thượng thì ông thấy Hòa thượng mọc nanh luôn nữa. Như vậy là do tại Hòa thượng mọc nanh hay tại ai? – Rõ ràng tại tâm mình mà thôi. Tà rồi thì thấy cảnh Phật cũng thành tà, đó là điều mình thấy rõ. Cho nên người học Phật đừng phân tích nghi ngờ theo kiểu tâm tà. Chánh pháp được người tà đem phân tích, mình nghe, rồi lại không phân biệt kỹ, mình theo đó thì mình cũng tà luôn không chừng. Tâm tà thì giảng chánh pháp cũng thành tà, còn tâm chánh giảng tà pháp cũng thành chánh.

Như câu chuyện ở trước “Tần hô Tiểu Ngọc nguyên vô sự” thì chuyện đó là chuyện tà nhưng Thiền sư nói cũng thành chánh. Thiền sư Vô Uẩn ở đời Minh, Ngài có thuật lại một câu chuyện trong tậm Sơn Am Tạp Lục nói về ông Thị giả Miễn. Ngài nói rằng:

“Tôi từng gạn hỏi về nguyên do ngộ nhập của Thị giả Miễn thì ông nói rằng: Miễn này có một lần ở nơi Ngọc Kỷ ngồi ở bên bàn kinh chỗ rừng chiên-đàn thì tình cờ gặp vị Tạng chủ tên là Khuê”, Tạng chủ tức là vị trông coi về tạng kinh, “vị này đang luận giảng với một vị tăng. Vị Tăng mới hỏi thế nào là việc hướng thượng”, hướng thượng là lý tột của Thiền, “ông Tạng chủ Khuê nắm hai tay lại để trên đầu và ông chắp tay lại nói tố rô, tố rô. Nhân đây Miễn tôi liền được có chỗ vui thích”, tức là tỉnh sáng, “liền vội vàng đi đến mông đường thuật lại cho Thủ tọa Đạt nghe thì Thủ tọa Đạt cười bảo: Ông lại đến chăng? Từ đấy trong lòng tôi tự giác biết rõ ràng.” Tức là ngay chỗ đó có chỗ tỉnh sáng.

Nghĩa là ông Tạng chủ Khuê đang luận giảng với một vị Tăng khác, còn ông Thị giả Miễn này là người ngoại cuộc nhưng thấy vậy thì ông liền tỉnh. Thiền sư Vô Uẩn thuật lại câu chuyện đó rồi, Ngài mới nói thêm:

“Sau này tôi gặp Tặng chủ Khuê, tôi đem việc này thuật lại để hỏi Ngài thì tôi thấy Ngài đỏ mặt chẳng dám đáp lại, tôi mới thong thả hỏi, Ngài nói rằng: “Lúc đó Ngài làm cái dáng vẻ ấy là để đùa với vị Tăng kia chớ thực tình chẳng biết thế nào.”

Ông Tạng chủ chỉ đùa với vị Tăng kia thôi mà ông Thị giả Miễn thấy đó liền tỏ ngộ, bởi vì tâm Ngài luôn luôn chuyên chú tham thiền, luôn luôn chuyên nhất về việc đó, đến đây đã thuần thục chín muồi rồi, giồng như hai đường thẳng gặp nhau tại giao điểm thì ngay đó tỏ sáng thôi. Rõ ràng tâm chánh thì thấy gì cũng chánh. Đó là chỗ mình phải  nhận cho kỹ chớ để lầm lẫn.

Trong chuyện Thiền Nhật Bản có một câu chuyện vui nhưng cũng nói lên ý nghĩa tế nhị này:

Trong một ngôi chùa nhỏ ở một vùng phía Bắc Nhật Bản có hai vị huynh đệ nọ cùng ở. Vị sư huyenh học rộng rộng hiểu nhiều nên lanh lợi, còn vị sư đệ hơi chậm lụt mà lại bị chột mắt. Một hôm có vị Tăng đi vân du đến xin nghỉ qua đêm. Theo lệ thường ở những chỗ này thì vị Tăng phải qua một trận “pháp chiến”, tức là phải đối đáp trôi thì mới được cho ở lại, còn không thì phải đi. Vị sư huynh hôm đó mệt mỏi quá nên để sư đệ xuống ứng phó với vị khách này, nhưng ông sư huynh biết ông sư đệ chậm lụ nên dạy cho cách gọi là “thiền pháp vô ngôn” tức là không nói, vì nói thì sợ đối phương bẻ nói không lại, đối phương có hỏi gì, mình chỉ cần im lặng thôi. Ý của vị sư huynh này là tạm cho vị sư đệ ra ứng phó cho có lệ vậy thôi, rồi sau đó để vị khách này ở lại qua đêm. Nhưng không ngờ sau cuộc “pháp chiến” vị Tăng vội vã đến cáo từ vị sư huynh và tán thán:

- Vị sư đệ của Ngài quá là đặc biệt, thôi bần tăng xin chịu thua và xin cáo từ.

Ông sư huynh không hiểu, hỏi lại thì vị này mới nói:

- Đầu tiên tôi giơ một ngón tay lên để biểu thị Phật Thế Tôn là vị có một không hai trên đời này. Vị sư đệ của Ngài giơ hai ngón tay lên biểu thị Phật và Pháp tuy có hai nhưng hai như là một, giống như hai mặt của một thể thôi. Tôi đưa ba ngón tay lên để biểu thĩ Tam bảo hòa hợp không thể thiếu một được thì vị sư đệ của ông giơ nắm tay trước mặt tôi để biểu thị ba thứ đó đều phải từ sự giác ngộ chân thật, từ sự chứng nghiệm mới có được chớ không thể nói suông. Thành ra tôi coi như hết lời.

Sau đó ông ra đi thì vị sư đệ chạy vào trông mặt hầm hầm khó chịu hỏi sư huynh:

- Cái vị trọc đầu kia đâu rồi, trốn đâu rồi?

Ông sư huynh bảo:

- Vị ấy đã thua sư đệ, cáo từ đi rồi, mừng cho sư đệ hôm nay được thắng lợi.

Vị sư đệ tức mình:

- Thắng cái gì, tôi muốn đập cho hắn một trận.

Vị sư huynh kinh ngạc hỏi:

- Vậy thì thế nào?

Bây giờ ông sư đệ mới kể lại, ông nói rằng:

- Hắn đã làm nhục chúng ta bởi vì lúc đầu hắn chỉ nhìn đệ qua một lượt rồi giơ một ngón tay lên để chế giễu đệ một mặt. Đệ nghĩ rằng hắn là khách cho nên mình cũng phải lịch sự giơ hai ngón tay lên để chỉ rằng, Ngài may mắn có được hai con mắt. Không ngờ hắn lại còn đưa ba ngón tay lên để chỉ rằng cộng lại là ba con mắt. Như vậy huynh xem có tức không? Cho nên đệ mới giơ tay lên trước mặt định đấm cho hắn một cái nhưng hắn bỏ chạy.

Như vậy coi như là một chuyện vui nhưng rất ý nhị. Nghĩa là vị sư đệ kia, chuyện đó là chuyện của ông đâu có ý nghĩa Phật pháp gì, nhưng ông Tăng này lại thấy Phật pháp trong đó. Tại sao như vậy? Là bởi vị Tăng này  trong tâm ông luôn luôn đang tham thiền, chuyên tâm về việc đó thôi, cho nên thấy gì cũng thiền, ông thấy mọi hành động đều biểu lộ đạo lý trong đó. Còn vị kia tâm đang loạn thành ra thấy gì cũng loạn thôi.

Hiểu như vậy mới thấy tâm mình chánh thì thấy cái gì cũng chánh. Cũng một việc Phật đưa cành hoa sen lên nhưng nếu là người chuyên tâm tham thiền thì ngay đó liền cảm ngộ được ý Phật, hoặc nghe câu chuyện đó thì mình nhận ý thiền sâu sa trong đó liền. Trái lại, nếu mình dùng tâm phân biệt hoặc chia chẻ trên chữ nghĩa thì sao? Có nhiều người dùng cái học mà phân tích câu chuyện này, cho là không có thật do sau này các vị Thiền sư đặt ra, rồi lý luận thật là giả. Nếu đem tâm đó đọc câu chuyện này thì bao giờ được ngộ? Tại sao câu chuyện đó có nhiều người đọc lại tỏ ngộ, thấy được ý nghĩa rất sâu xa trong đó. Như vậy là tại sao? Đó là do tâm của mình không chuyên nhất, mình đọc nó theo lối phân tích chữ nghĩa thì mình thấy theo chữ nghĩa thôi. Nếu tâm mình chuyên nhất như ông Tăng này thì mình thấy nó cũng thiền. Cho nên chỗ đó là chỗ mình phải xét lại.

Cũng là câu chuyện thường thôi, thí dụ như Ngài Bàn Sơn, lúc Ngài còn đang Ttham thiền, hôm đó Ngài đi ra chợ gặp vị khách đang mua thịt lợn nói với người bán thịt:

- Ông hãy cắt cho tôi một miếng thịt thật ngon.

Người bán thịt buông dao đứng khoanh tay bảo rằng:

- Này ông Tưởng sử ở đây miếng nào cũng ngon hết.

Ngay đó Ngài liền tỉnh ngộ. Nếu đem tâm phân biệt nghe nói thịt ngon, mình nghĩ đến thịt, nghĩ đến ngon dỡ thôi. Còn tâm ngài đang chuyên nhất, đang công phu miên mật cho nên nghe tới đó, ngài cảm ngộ liền, đâu đâu cũng là Phật pháp. Miếng nào cũng ngon hết, đây không chỗ nào không ngon, là tâm sáng ngời, chỗ nào cũng sáng hết, ngay đó tâm mình cũng đang hiện hữu nơi đó. Mình đừng vội phân biệt cho cái đó là dở, cái đó xấu mà phải soi lại nơi mình là chính.

Một câu chuyện khác, một hôm ngài Văn-thù bảo đồng tử Thiện Tài đi ra vườn bứng cho Ngài một cây thuốc, ngài Thiện Tài đi ra bức cọng cỏ đem vào, Ngài Văn-thù đưa lên bảo trong chúng:

- Cái này cũng hay cứu người mà cũng hay giết người. (Nó là thuốc mà nó cũng là bệnh).

Cây cỏ biết dùng nó là thuốc, không biết dùng nó là cỏ. Đây cũng  vậy, cũng là việc thường đó, nếu với tâm chuyên nhất, tâm sáng suốt thì mình thấy nó là sáng suốt, là đạo lý. Ngược lại, nếu dùng tâm phân tích nhơ nhớp thì thấy nó theo cái chiều tà của mình thôi. Cho nên một việc thường mà với tâm mình sáng thì thấy nó cũng sáng. Một vài thí dụ thực tế chứng minh cho thấy:

Hồi xưa còn nhỏ mình học toán, làm bái toán cộng: năm cộng ba cộng hai bằng mấy? - Bằng mười. Thì mình thấy đó là bài toán cộng bình thường, nhưng nếu nhìn với con mắt Bát-nhã. Số mười do đâu mà có? tự nó có không? Khi không bổng dưng nó có số mười đó không? Do số năm số ba số hai cộng lại thành số mười chớ số mười Tự tánh nó là không thật có, không vốn sẵn có số mười, do các con số cộng lại thành số mười. Đó là Bát-nhã chớ gì? Thành ra với con mắt Bát-nhã, mình nhìn thấy bài toán cộng cũng là Bát-nhã.

Hoặc như một công thức về hóa học, thí dụ nước là gì? – Là H2O, tức là hai nguyên tử Hydro cộng với một nguyên tử Oxy thành ra một phân tử nước. Rõ ràng nước là cố định sẵn có không? Do hai nguyên tử Hydro cộng một nguyên tử Oxy mà thành, đó là bài kinh Bát-nhã rồi. Khi đã sáng, mình thấy cái gì cũng là Phật pháp hết.

Rồi như bài thơ của bà Huyện Thanh Quan khi đi đèo ngang:

                Bước tới đèo Ngang bóng xế tà,
                Cỏ cây chen đá là chen hoa.
                Lom khom dưới núi tiều vài chú,
                Lác đác bên sông chợ mấy nhà.
                Nhớ nước đau lòng con quốc quốc,
                Thương nhà mỏi miệng cái gia gia.
                Dừng chân đứng lại trời non nước,
                Một mảnh tình riêng ta với ta.

Thiền quá là thiền ! Ai thấy thiền trong đó chưa? Khi bước tới đèo Ngang bóng nắng chiếu nghiêng về chiều, cỏ cây chen trong đá, lá chen nhau với hoa, tức là chen lẫn nhau, nó hiện ngay trước mắt, cái gì đang rọi sáng nó? Rồi đằng kia mấy chú tiều, nọ là mấy nhà lưa thưa, đó là ánh sáng thiền đang hiện trong con mắt của mình chớ gì nữa. Chỗ này trong nhà thiền có vị Tăng hỏi ngài Đa Phước:

- Thế nào là bụi tre Đa Phước?

Ngài Đa Phước nói rằng:

- Một cây hai cây cong.

Ông Tăng thưa:

- Con không hiểu.

Ngài nói:

- Ba cây bốn cây nghiêng.

Thì có giống đây không? Đây là cỏ cây chen đá lá chen hoa, kia là lưa thưa mấy chú tiều, nọ là mấy cái nhà, đó là ánh sáng thiền đang đập vào mắt người đó, đang hiện tiền trong ánh sáng chiếu nghiêng nghiêng của buổi chiều. Nhưng cái đó chưa đặc biệt, đặc biệt là: “Dừng chân đứng lại trời non nước”, thì ngay đó: “Một mảnh tình riêng ta với ta”. Thực là quá thiền trong đó rồi! Dừng chân đứng lại thì cả bầu trời mênh mông không bờ mé hiện ra, ai thấy thiền trong đó chưa? Nhưng ai hiểu được trong chỗ đó? - Chỉ có ta với ta thôi. Tức là sao? Chỗ đó là chỗ phải tự chứng, tự thầm nhận chớ không thể diễn tả bằng lời được. Chỗ đó trong nhà thiền nói, dù cho mắt Phật dòm cũng không thấy nữa. Ngay đó chỉ cần “dừng chân đứng lại” thôi.

Như vậy một bài thơ bình thường mà mình nhìn với con mắt thiền, mình cũng thấy thiền, huống là một câu chuyện nhà thiền mà mình nhìn với con mắt thế gian cũng thành thế gian, đó là do tâm của mình.

Khi sống được chỗ này mới thấy chỗ nào cũng là chỗ thần thông diệu dụng của mình. Nghe nói thần thông diệu dụng thì mình tưởng là phải bay trên trời hoặc là hiện tướng này tướng khác, nhưng không ngờ trong nhà thiền thần thông diệu dụng là chỗ mình sống hằng ngày đây thôi chớ không đâu khác. Nếu tâm mình sáng rồi thì mọi việc làm của mình đều thành diệu.

Như trong câu chuyện ba ngài Ma Cốc, Nam Tuyền, Qui Tông đi trên đường gặp bà già mời vào quán. Khi vào quán, bà nấu bình trà rồi đem đến ba cái tách, bà bảo:

- Bây giờ Hòa thượng nào có thần thông thì xin mời uống trà.

Ba người nhìn nhau không biết làm sao. Bà mới nói:

- Đây, hãy xem lão già này trình thần thông đây!

Bà cầm bình trà rót vào tách rồi đi: bà đã trình thần thông. Thần thông ở chỗ nào? Khi mình sống được trong Tự tánh này rồi, từ đó ứng dụng ra cái gì cũng đều thành diệu dụng. Diệu dụng đó là thần thông, là sáng ngời chớ gì. Cho nên mới có câu: “Động tay, múa chân hay ho hen gì cũng đều thành Pháp Hoa tam-muội, ho hen cũng là Pháp Hoa tam-muội, cái gì cũng thành diệu dụng, cũng thành thần thông, đâu cần phải bay trên trời chi nữa. Như vậy mới thấy ý nghĩa này rất là tế nhị.

Cũng chuyện nhà thiền có Hòa thượng Kim Ngưu là một bậc tôn túc ở dưới pháp hội của Mã Tổ. Khi Ngài ra giáo hóa thường thường cứ mỗi hôm tới giờ thọ trai thì Ngài tự mang thùng cơm đến trước tăng đường, Ngài múa xong cười to và bảo:

- Bồ-tát con, hãy đến ăn cơm!

Hai mươi năm Ngài làm như vậy, mang thùng cơm, múa trước tăng đường, trước chúng mời ăn nhưng mà trong đó ai biết ăn? Đó có phải là diệu dụng chưa? Múa như vậy trước chúng thì đâu có ai trông thấy rõ ràng mà còn chưa ngộ, cho nên Ngài mới mời Bồ-tát con tới ăn cơm.

Múa men đó là kêu gọi rồi, ngay đó bày hiện cái sáng tỏ rõ ràng, cái hiện hữu đó rồi. Nếu thấy chỗ này mình liền vào thiền, chứng nhập “nhãn quang tam-muội” liền, tức là chánh định ngay ánh sáng con mắt. Ánh sáng này thấy rõ ông múa đó, ngay đó là diệu dụng chớ còn gì, còn tìm đâu khác nữa!

Còn nếu tìm thì sao? “Còn tìm tức biết anh chưa thấy” như bài Chứng đạo ca nói, ngay đó mà bỏ đi tìm cái khác là không thấy. Cho nên phải thấy được chỗ này, nhất là sống được chỗ này để phát được diệu dụng đó. Ở đây phải khéo nhận như ngài Huệ Nam Hoàng Long, Ngài có “tam quan” để khai thị những vị Tăng đến với Ngài, Ngài giơ tay lên nói “tay ta sao giống tay Phật”, và duỗi chân ra nói “chân ta sao giống chân lừa”. Nhận được chỗ đó, sống được chỗ đó là phát được diệu dụng này liền. Tại sao tay Phật mà chân lại là chân lừa?

Người sống trong tâm niệm phàm tình phân biệt thì không làm sao hiểu nổi, chuyện này vô lý, phải không? Tay Phật thì phải chân Phật, tay Phật mà lại chân lừa. Đó là khiến cho người quên đi niệm phàm Thánh. Phật là Thánh, lừa là phàm là thú, quên được niệm phàm Thánh hai bên thì vào được chỗ này, sẽ thấy “đâu đâu cũng là diệu dụng”. Còn đem tâm phàm phu phân tích hay dở thì chỉ thấy là phàm phu, là hay dở thôi.

Tóm lại cảnh giới giác ngộ, hay là Phật pháp bày hiện khắp nơi không có đâu xa, chỉ tại tâm mình chưa chịu giác thôi. Bởi vì nó còn đang thích lang thang đầu này đầu nọ, chớ nó chịu “dừng chân đứng lại” thì ngay đây Phật pháp hiện tiền. Cái phi thường này sẵn trong cái bình thường, nhưng mình lại muốn đi tìm những cái phi thường, tâm mình bình thường trở lại thì mình cảm nhận ngay thôi.

Để tóm tắt lại, dẫn câu chuyện của một bà Ni tên Trí Thông. Bà là con gái của quan Long đồ Phạm Tuân, sống vào niện hiệu Chính Hòa đời Tống. Ngộ đạo rồi bà cất một cái nhà tắm ở Bảo Ninh, ngoài cửa có treo một tấm bảng đề: “Một vật cũng không, rửa cái gì? Mảy trần nếu có từ đâu khởi? Nói lấy một câu tử huyền, mới có thể đồng vào nhà tắm”, câu tử huyền là câu khế hợp, “Cổ Linh chỉ biê1t kỳ lưng”, Cổ Linh là chỉ cho ngài Cổ Linh Thần Tán, “Khai sĩ đâu từng sáng tâm”, Khai sĩ là mười sáu vị Khai sĩ trong kinh Lăng Nghiêm, “Muốn chứng quả Ly cấu địa, phải là toàn thân toát mồ hôi. Trọn nói nước hay rửa bụi nhơ, đâu biết rằng nước cũng là bụi”, tức nước cũng là trần, “dù cho nước và nhơ chóng trừ, đến đây cũng phải rửa hết”. Đến chỗ nước và bụi đều trừ nhưng còn cái rửa cũng phải rửa hết.

Ở trong đây một vật cũng không thì rửa cái gì? Rồi mảy trần nếu có thì từ đâu nó khởi trong chỗ chân thật này? Nếu nói được một câu khế hợp mới được vào tắm. Rồi bà mới dẫn “”Cổ Linh chỉ biết kỳ lưng”, tức là ngài Cổ Linh Thần Tán ký lưng cho ông thầy bổn sư. Ngài Cổ Linh ở thầy bổn sư một thời gian không ngộ đạo nên Ngài bỏ đi tham học với Ngài Bá Trượng. Sau đó ngộ đạo về, thầy bổn sư bảo hầu hạ như cũ. Một hôm thầy bổn sư tắm Ngài kỳ lưng, Ngài mới vỗ vỗ vào lưng nói rằng” “Điện Phật đẹp mà Phật không thánh.” Tức là nó không chiếu sáng, nó còn ẩn. Ông thầy quay đầu ngó lại thì Ngài nói: “Tuy không thánh nhưng thường chiếu hào quang”. Cho nên ở đây nói là “Cổ Linh chỉ biết kỳ lưng”. Còn “Khai sĩ đâu từng sáng tâm” tức là mười sáu vị Khai sĩ ở trong kinh Lăng Nghiêm trong nhóm ông Hiền Hộ, nhân lần lượt vào trong nhà tắm, ngộ được tánh nước, gọi là “diệu xúc tuyên minh”. Cho nên ở đây bà mới nói mình rửa là rửa cái thân này, nhưng làm sao rửa được đến chỗ chân thật đó? Bà nói: “một vật cũng không, rửa cái gì”, rửa cách mấy cũng không làm sao rửa được đến chỗ đó!

Rồi ở đây muốn chứng được quả Ly cấu địa, tức là quả lìa các nhơ nhớp, thì toàn thân phải toát mồ hôi hết, phải ra mồ hôi mới được. Nhưng đây nói nước rửa bụi là theo thông thường, đâu biết rằng nước cũng là bụi, nó cũng là một thứ trần, là sắc trần, vậy là bụi lại rửa bụi. Cho nên rửa thì rửa nhưng cũng không rửa được tới chỗ chân thật đó. Cuối cùng nước và bụi nhơ này trừ hết nhưng còn cái rửa đó cũng phải quên luôn, ngay đó mới là chỗ sống của mình. Tức là sao? – Là ngay trong nhà tắm cũng có Phật pháp rồi, mình xối nước đến đâu nghe mát lạnh đến đó, từng giọt từng giọt rành rõ không có chút mê lầm nào hết thì có thiếu sót chỗ nào đâu! Vậy thì ngay trong nhà tắm cũng sáng ngời, cũng có Phật pháp vậy.

Cho nên nếu chuyên tâm bặt niệm kia đây thì đâu đâu cũng là chỗ mình giác ngộ, đâu đâu cũng là chỗ mình trở về, khỏi cần phải tìm đâu xa, ngay trong nhà tắm cũng là chỗ để mình sáng được tâm.

Vậy căn bản muốn thấy được chỗ này, hay nói theo kinh Pháp Hoa, muốn thấy được Phật Đa Bảo thì phải chịu khó thu hồi các hóa Phật lại một chỗ là xong. Nghĩa là mình ngồi đâu thì cứ thâu lại chỗ đó, đừng để đi giáo hóa đầu này đầu kia nữa là mở được cửa tháp báu và thấy Phật Đa Bảo liền. Còn nếu cứ mê, đi lang thang đầu này đầu kia tức khó thấy, tháp đó cũng đóng kín.

Để kết thúc lại, đạo nằm ngay sẵn ngay trong từng bước chân đi của chúng ta đây, khỏi cần phải tìm đâu xa, chỉ cần khéo ngay đây ngó xuống và thâu hồi các hóa Phật trở về, đừng để đi giáo hóa xa xôi nữa. Phật pháp hiện tiền đây rồi! Đó mới chính là Phật pháp sống, không thể nghĩ bàn.

02-29-2008 11:23:46
 
 

 
c

Nguồn: www.quangduc.com

Về danh mục

ß 清华间谍 nguồn gốc của khổ đau 课程表鼓励孩子的话 佛观音 新学期新展望内容怎么写 hÓng 即刻往生西方 Tây 成绩不好检讨 أبا درج น ท tái sinh ý nghĩa của sự giác ngộ lặng 净地不是问了问了一看 trạng 印顺法师关于大般涅槃经 4 lời khuyên cho người lười tập thể สโตร ส รา คนธรรพ มาเก ด 簡単便利戒名授与水戸 háºu قصص نسونجي Thoát Nhớ ơi khoai lang ngày cũ á Ÿ phần ii tình thiên thu 履职总结 願力的故事 tịnh xá ngọc trung tịnh nghiệp đạo 一念心性是 S a b Địa tạng i ปฏ จจสม ç¼½ç åœ å æ³ Người Sài Gòn nô nức đi ăn chay Ï æåŒ 村上市お墓 佛家说身后是什么意思 Phật ï½ èˆ æ æ ƒ 华藏宗门 メス