Tổ Sư Thiền - Tri Kiến Giải Thoát và Giải Thoát Tri Kiến Giải Thoát, Nhuân Bảo

 


 
 
.
TRI-KIẾN GIẢI-THOÁT  
& GIẢI-THOÁT TRI-KIẾN GIẢI-THOÁT.
Lòng tri ân sâu thẳm vô bờ xin gởi về Bổn-sư và Pháp-sư tôn kính. 
Nhuận-Bảo
Một chỗ thấy biết vắng lặng, trong trẻo, bất động, vô ngại, vô biên hốt nhiên hiển hiện trước mắt người con Phật, đồng "một" thực tại phi thời gian, đã làm đảo lộn các chuẩn mực và mọi giá trị qui ước xưa cũ vốn có từ thuở lọt lòng của người ấy, đối với cuộc sống và cảnh giới này. Mặc dù các định chuẩn ấy, cũng là kinh nghiệm hiểu biết được tích lũy, phát triển và ăn sâu vào tận tim óc, máu thịt như một chùm giây mơ rễ má, mà một sát na trở về trước, tưởng chừng khó bề bứt tách ra khỏi óc não, nhưng chỉ sát na sau, nó vẫn phải bị loại trừ, bị tan biến, chí ít là ẩn hiện mờ nhạt trước một chỗ thấy biết tuyệt đối, tự tại, hiển nhiên, không đến không đi, nếu người ấy không động niệm phân biệt.    

Giá như miệng lưỡi có thể chứng minh được tự thể của khoảnh khắc thực tại ấy, thì ở chỗ thẳm sâu nhất, chơn chất nhất mà tự đó có thể duyên quyện thành lời, ắc câu nói đầu tiên mà người con Phật muốn thốt ra, muốn hét lên thật to cho mọi người cùng nghe biết, không ngoài việc thể hiện lòng từ mẫn vô biên, hoà lẫn niềm tri ân thẳm sâu tuông chảy vào cõi mênh mang, không gốc gát. Câu nói đó, hoặc là để đánh động mọi người cùng trực nhận chỗ thấy biết siêu tuyệt kia, như một sự chan hoà bình đẳng tuyệt đối, tự nhiên như nhiên, không còn gì là riêng biệt chia cắt,  hoặc là để đinh ninh trước mọi người một sự thật không gì thật hơn, với lòng biết ơn trải khắp cả mười phương hư không, không sao nói hết, rằng "đạo Phật là đạo giải thoát". 

Phải ! "Ðạo Phật là đạo giải thoát"! Ðó là chân lý, một sự thật bất biến, không gì có thể khác được đối với người con Phật, lúc này. Còn ai có tin hay không tin chân lý ấy, là tuỳ duyên phước của từng mỗi chúng-sanh-tâm, hoặc là đang tự đóng khung biệt lập trong phạm vi ý thức về những định chuẩn quán tính xưa cũ, tôn vinh bản ngã và trói buộc với ngã-pháp sanh-tử hạn hẹp, hoặc là đang hoà làm một cùng với con mắt đạo vốn dĩ luôn tự sẵn có cùng khắp, chưa từng đóng mở, chưa từng đến đi, tạm ví như bầu trời thinh thinh rộng lớn, trong trẻo trên cao. Ðiều ấy có nghĩa, tin hay không tin là tuỳ ở từng mỗi con mắt, ngoài chỗ thấy biết trói buộc nghiệp thức nhơn quả này ra, còn khám phá được gì nữa, khi người ấy có dám đi tìm cái sống miên viễn, vượt quá sanh tử bằng cách can đảm và tỉnh táo buông tay để rơi tự do vào khoảng không vắng lặng, sâu thẳm vô biên của tự tâm hay không. 

Nhân kỷ niệm đãn sanh lần thứ 2552 của bậc Ðạo-sư Vô thượng, người đang tập tễnh trên bước đường tu học này xin gởi gắm trong đây tất cả lòng hiếu kính và biết ơn ba đời chư Phật, Bồ tát và các vị Thầy đã từ bi cứu vớt, dẫn dắt mảnh thức tâm u mê, tăm tối, lầm lạc này đi vào chánh đạo. Bên cạnh đó, người viết mong được chia xẻ với các bạn đạo thân thiết của mình, những Phật tử đang tu học tại gia,  một đề tài tuy xưa cũ, có lẽ không ai không biết, nhưng lại rất quan trọng cho việc tự chứng giải thoát, đó là Giải-thoát Tri-kiến Giải-thoát. 

I. Tri kiến Giải thoát.

Ý nghĩa của hai chữ giải thoát thì bao quát, rộng lớn vô cùng, nên xin không đi vào chi tiết. Vả lại, với những người gần đất xa trời (như chúng tôi), thì đại sự nhân duyên là việc vô cùng cấp thiết, như đang từng giờ, từng phút thúc giục không được xao lảng việc thực hành pháp Phật, bỡi cái quĩ thời gian "trăm năm cõi này, một đời học đạo" của mình còn lại qúa ít ỏi, nên sự hiểu biết đối với chữ nghĩa, có lẽ cũng chẳng thấy còn quan trọng mấy. Hơn nữa việc làm giàu tri thức, bằng những khái niệm tương đối, là việc làm đi ngược lại với pháp môn mà chúng tôi đang tu học, cũng như ngược lại nội dung chính yếu mà chúng tôi mong muốn được trình bày trong bài viết ngắn này, là người tu Phật cần biết vượt thoát khỏi Tri-kiến Giải-thoát, để tự thăng hoa. Bỡi vậy chỉ mong được định nghĩa sơ lược. 

Giải-thoát. Giải là cởi, thoát là vượt khỏi. Nghĩa giải thoát được hiểu một cách sơ lược trong đây là " vượt thoát sự trói buộc của khổ ách". 

Ðã làm thân chúng sanh thì ai chẳng phải bị khổ ách trói buộc. Và cũng vì thương xót chúng sanh hệ lụy khổ ách nên chư Phật mới xuất hiện ở thế gian để ban phát pháp giải khổ vậy.  

Tri-kiến là thấy biết, lại còn có nghĩa là chỗ thấy và chỗ biết. Phàm phu thấy bằng con mắt của nhãn căn (nhục nhãn - con mắt thịt) và biết bằng ý thức, tức cái chỗ biết bằng phân biệt nhị nguyên theo khái niệm vọng lập, hệ lụy nhơn quả. Các bậc Thánh hiền, Bồ tát thì tuỳ từng công hạnh tu học, chứng nhập diệu pháp vô vi sâu hay cạn mà chỗ thấy biết có nhiều tầng nấc thấp cao sai biệt, gồm từ nhục nhãn, thiên nhãn, huệ nhãn cho tới pháp nhãn. Với chư Phật thì chỗ thấy biết gồm trọn vào ngũ nhãn, tức thêm phần thấy biết của Phật nhãn. Bỡi vậy chỗ thấy biết của đức Phật được tôn xưng là nhứt thiết trí, là toàn biết, tức không gì không biết. 

Tri-kiến giải-thoát trong đây phải được hiểu là chỗ thấy biết của Thánh trí được vận dụng thành lời, vượt quá trói buộc của nhị nguyên phân biệt, sanh tử nghiệp báo, là phương tiện từ trí huệ giải thoát mà chỉ có các Ngài với nhau mới có cùng một chỗ thấy-biết "đang-là" rốt ráo. Còn những người đang học đạo như chúng ta, tuy cũng vẫn đối diện với những lời vượt thoát ấy, nhưng vì chỗ thấy nghe hiểu biết của chúng ta bằng thức ý, trói buộc nhị nguyên phân biệt, nên cần phải nương mượn tri kiến ấy làm phương tiện khai mở, cũng là học, hiểu và hành theo tinh thần của tri kiến ấy dẫn dắt, và cuối cùng là phải biết vượt lên khỏi mọi ý niệm về sự hiểu biết ấy thì mới có thể được gọi là tự độ thoát. 

Trong nhơn quả, do căn cơ duyên phước theo nghiệp báo của mỗi người có chỗ khác nhau, nên trong tiến trình tu tập, ý niệm cũng như sự cảm nhận một cách tương đối của từng người về nghĩa giải thoát đương nhiên có chỗ sai biệt, nhưng, theo Giáo lý nhà Phật , vị giải thoát cùng tột thì chỉ một, đó là tâm giải-thoát tuyệt đối, là ở bờ kia.  

Lại nữa, cái khổ của chúng sanh thì muôn hình muôn vẻ. Có trăm, ngàn, vạn, ức  nghĩa khổ khác nhau được cảm nhận đối với từng mỗi chúng sanh trong cuộc trần này. Và cũng có thể nói rằng, tự ngàn xưa nhẫn đến bây giờ, trừ những người trí căn khiếm khuyết, tinh thần không được bình thường, thì có lẽ cũng rất hiếm người sống trên đời mà không biết quan tâm hay không biết cầu tìm cho mình một con đường giải thoát, trong phạm vi hiểu biết riêng tư của mỗi người. Hoặc cũng có những người hằng ngày phải lăn lộn vì cuộc sống của tự thân và gia đình, hay bận rộn vì chuyện theo đuổi công danh sự nghiệp mà quên mất hoặc không còn có thì giờ để nghĩ tới chuyện giải thoát cho bản thân, nhưng trong những ngày tháng cuối đời, hoặc thậm chí vào một lúc nào đó bất chợt trực diện với cái chết, bên cạnh nỗi lo sợ phải rời bỏ cuộc sống thế gian, thì dù trễ tràng, vẫn có những phút giây nghĩ tới trong niềm hy vọng mong manh và thụ động về một sự giải thoát nào đó sẽ đến với mình như một phép lạ bằng trí tưởng tượng giản đơn vốn có. 

Nên có thể nói, hễ đã có thân tướng ắc phải có khổ đau và đồng hành cùng cái khổ luôn luôn trói buộc con người, là nỗi khát khao giải thoát những hệ lụy mà mỗi con người có sự cảm nhận sai biệt theo từng nghiệp báo riêng, không ai giống ai, nhưng đều chung cùng một ý vị, đó là vị khổ ách triền phược thân tâm.    

Ý nghĩ chủ quan và tương đối của từng chúng sanh đối với sự giải thoát cũng thiên hình vạn trạng, không ai giống ai, nhưng tựu chung, cái đích cùng tột của sự giải thoát mà chúng sanh phải nhắm tới, là không ngoài việc phải vượt thoát khỏi sự trói buộc của mối dây sanh tử trong cái vòng khép kín của luật tắc nhân quả luân hồi, cũng là gốc rễ của mọi khổ ách. Chỉ có vượt thoát khỏi sanh tử luân hồi mới là con đường giải thoát triệt để, mới là qua bờ kia.  

Tác nhân gián tiếp gây ra khổ ách và cũng là thủ phạm trực tiếp khiến chúng sanh phải tự vướng mắc, trói buộc sanh tử, không ai khác hơn là ý thức, cũng tức là cái thức biết, là tâm ý thức của mỗi người. 

Mảnh thức biết ấy, cũng gọi là tâm thức, từ một niệm bất giác vô thỉ vô minh, đã mê mờ lầm lạc, tự vọng lập ngã-pháp như là một thực-thể, tức nhận thân tâm này và các pháp tướng tương quan tương tác trong các cảnh giới vọng nghiệp làm thật có, khiến phải trôi lăn vô định trong biển nghiệp thức nhơn quả luân hồi. 

Vì lòng từ bi không nỡ nhìn thấy chúng sanh tự trói buộc khổ ách mà không ban phát các pháp giải thoát, nên đức Phật mới thị hiện cõi này để cứu độ . 
Tri kiến giải thoát là chỗ thấy biết tuyệt đối của giải-thoát-tâm, là tuệ giác được đức Phật vận dụng thành lời, dùng làm phương tiện đem ra dạy dỗ các hàng đệ tử xuất gia và tại gia tu tập, trong thời Chánh pháp, khiến có vô số người được giải thoát, không sao kể xiết. Thế nên, sau khi đức Phật Niết bàn, những lời dạy dỗ ấy được chư Tổ kết tập lại, gồm chứa trong ba tạng kinh điển, được coi như làø pháp phương tiện giải thoát tối thắng, vi diệu dành cho tất thảy mọi căn cơ trên thế gian này. 

Có thể nói, ba tạng kinh điển của Phật giáo, mà nội dung không ra ngoài chánh lý giải thoát sanh tử, được coi như là kho tàng văn hoá, triết học, đạo học, giải thoát học đồ sộ nhất mà loài người được may mắn thừa hưởng từ trí huệ Phật. 
Chư Tổ sau Phật nhẫn đến ngày nay đã nương theo những lời dạy ấy, cũng là tri kiến giải thoát, nói diễn rộng ra để dẫn dắt chúng sanh tu hành, hầu vượt thoát sanh tử.

Và nếu nói không ngoa thì chỉ có đạo Phật, chỉ có giáo pháp hy hữu, vi diệu, nhiệm mầu của Như-lai mới có thể giúp chúng sanh qua bờ kia, chỗ giải thoát tuyệt đối, vượt lìa sanh tử luân hồi. 

Ðó là một sự thật hiển nhiên. Cuộc sống vô vi, đạo hạnh, rời lìa tất thảy mọi trói buộc, thể hiện tâm giải thoát hiện tiền của đức Phật, cũng như giáo lý giải thoát mà Ngài phát minh từ hơn hai mươi lăm thế kỷ rưỡi qua, đã tồn tại và phát triển mạnh mẽ khắp toàn cầu, được phần lớn nhân loại nồng nhiệt đón nhận như ngày hôm nay, đủ minh chứng cho một sự thật này. 

II. Giải-thoát Tri-kiến giải-thoát.

 
Cảnh giới của tâm giải-thoát tuyệt đối, đương nhiên không thể dùng kiến-văn-giác-tri để tiếp cận, hiểu biết hay giải thích được. Chúng sanh chỉ có một cách duy nhất là mượn tri kiến giải thoát của đức Phật dùng làm phương tiện để học tập, hiểu biết, rồi thực hành lý giải thoát ấy lên chính thân tâm mình, hầu trực ngộ bổn tánh vô sanh, cũng là tới bờ kia. 

Tri kiến ấy là những lời dạy dỗ được đức Phật vận dụng từ trí huệ. Tuệ giác ấy một khi đã thành lời, thì lời kia không còn "như thật" như "tánh-giải-thoát-nó-là" nữa, mà lời kia đã đi vào tướng sanh diệt rồi. Mà đã là tướng thì đó là thể hư vọng, không phải là nghĩa "như -như "của giải thoát tâm tuyệt đối. .  

Ðể chúng sanh không lầm nhận giữa tri kiến giải thoát với bờ kia, đức Phật đã nhiều lần cảnh giác người học đạo : " Suốt bốn mươi chín năm thuyết pháp mà môi ta chưa hề động" . Bỡi vì, nếu chấp vào chỗ động môi của Như-lai, tức coi những lời kia làm thật, thì có khác nào chúng sanh huỷ báng Phật, coi Phật cũng có sanh tử, nghiệp báo như chúng sanh không khác, trong khi Phật thì chẳng từ đâu đến, cũng chẳng đi về đâu, cũng tức, Phật (Phật là không gì cả) là nghĩa như như của vạn pháp. 

Bỡi thế cho nên, dùng kiến văn giác tri, dù là tri kiến giải thoát đi nữa, để nói về giải thoát tâm tuyệt đối, chẳng khác gãi ngứa ngòai giày, gió thoảng trên đá, không một chút dính dấp tới "nó". 

Một thí dụ. Có người đến gặp Thiền sư Huệ-Hải, nói: 

- Ðịnh hỏi Thầy một câu, không biết có vui lòng đáp chăng?

Ngài Huệ Hải đáp: 

- Bóng trăng dưới đầm sâu, mặc tình mò bắt. 

Ở đây, nếu đã cùng ngài Huệ-Hải một chỗ, thì đâu cần phải mở miệng.Còn chẳng được như vậy, thì dẫu có ngàn câu hỏi (dụng thức biết) đối với chỗ muốn tiến tới (tánh biết) hoàn toàn không thể được, chẳng khác mò trăng trong nước, dẫu ngài Huệ-Hải có đáp thì lời đáp ấy cũng có dính dấp gì tới chỗ tuyệt "một" kia đâu? 

Chúng ta cần phải hiểu một cách cặn kẽ rằng, ba tạng kinh điển của Phật giáo và những lời dạy của chư Tổ sau Phật, tức các Ngữ-lục, đều là pháp phương tiện hy hữu, diệu mầu để độ thoát sanh tử. Tuy nhiên phải tránh lầm lẫn giữa phương tiện và cứu cánh, nghĩa là tri kiến giải thoát phải được đinh ninh là phương tiện tạm mượn, còn bờ kia mới là cứu cánh . Bằng không hiểu hay không muốn hiểu như thế, do vô tình hay cố ý vì nặng chấp "ngã-pháp", ắc dễ đắm chìm theo phương tiện, khó bề vượt thoát sanh tử, uổng phí một đời tu. Ðó là một sự thật. 

Bỡi tri kiến ấy cho dù vi diệu, nhiệm mầu đến đâu thì nó vẫn là phương tiện, như mượn tay chỉ trăng, mà tay kia chẳng phải là trăng thật. Thí như qua sông ắc phải mượn đò, nhưng đò chẳng phải là bến đỗ. Thế nên mượïn đò qua sông mà chẳng biết tự chèo chống, chẳng chịu tự bước lên bờ thì cũng chưa phải là đã ở bờ kia. Hành giả chỉ được độ thoát khi nào đúng lúc cần phải bỏ phương tiện để tự bước lên bờ, tức thời gian chín muồi để có thể vượt quá cái điểm nhỏ nhất của ý thức, cũng là tự cắt đứt dòng tương tục của tri thức, mà trong đây là tri kiến giải thoát, ngay ở chỗ mong manh vi tế nhất, để tự thăng hoa. Bằng đã sát tới bến, chỉ cần một bước nhảy dứt khoát là lên được bờ kia mà chẳng chịu nhảy, chẳng chịu buông bỏ con thuyền, coi con thuyền như là một đối tượng của bản ngã cần được chấp thủ, hoặc như là một vật báu riêng phải giữ gìn, thì không bao giờ có thể tới bờ kia. Cuối cùng, theo luất tắt sanh diệt, hành giả ắc phải chết chìm với cái riêng tư  trói buộc ấy là điều khó tránh khỏi. 

Y nghĩa của việc giải-thoát tri-kiến, là người tu Phật cần phải biết giũ bỏ sạch sẽ tất thảy những gì được gọi là kiến thức và kinh nghiệm học Phật, dù là tri kiến giải thoát đã từng được tích luỹ lâu đời đi chăng nữa, để có bước nhảy cuối cùng tự độ qua bờ kia. Không tự buông rơi được những phương tiện giả lập ấy, có nghĩa là bị tri kiến giải thoát trói buộc, ắc khó lòng có được bước nhảy đột ngột, tức thời và dứt khoát. 

Cũng vì sợ chúng sanh lầm chấp vào các phương tiện giải thoát hy hữu của đức Phật, chết chìm với tri kiến giải thoát kia, nên trong hầu hết các kinh Ðại thừa Phương đẳng, Vô lượng nghĩa, đức Phật không quên ân cần dặn dò các đệ tử lớn của mình phải nhận ra cho được điều đó. 

Thí như trong kinh Kim-Cang Bát-nhã Ba-la-mật, ngài dạy rất rõ ràng: "Này các Tỳ Kheo ! Hãy nên biết, pháp ta thuyết đó dụ như bè, pháp còn phải xả bỏ huống là phi pháp - Nhữ đẳng Tỳ-kheo, tri ngã thuyết pháp như phiệt dụ giã, pháp thượng ưng xả hà huống phi pháp".

Trí huệ giải thoát, tức chỗ thấy biết của thánh trí, hoàn toàn không phải là đối tượng để cho chúng ta hiểu biết, dù là tri kiến của kẻ bác học, mà phải dụng tâm "thực-hành" lên chính thân tâm này một cách như pháp, theo đúng tinh thần của tri kiến giải thoát đã được học và hiểu. Nghĩa là trong đời tu Phật, ba việc Học-H iểu và Hành đối với tri kiến giải thoát, không thể tách rời hay thiếu một. 

Ví như, không có duyên may gặp được tri kiến giải thoát của đức Phật trong đời, hoặc có sẵn tri kiến ấy trong sách vở nhưng không hiểu đức Phật nói gì, mà chỉ biết tự thân ngày đêm gắng sức tu mò, thì có khác nào như bỏ công sức nấu cát mà muốn thành cơm, hoặc mài gạch mà mong thành gương soi, đó là việc không thể được. 

Hoặc được chỉ dạy tri kiến giải thoát của đức Phật, biết được lý lẽ, phương cách để đến bờ kia, nhưng tự thân lại giải đãi, không chịu y pháp thực hành lý giải thoát ấy, mà mong có lúc tới bờ kia, thì có khác nào ôm cây đợi thỏ hoặc nằm chờ sung rụng, biết đến bao giờ mới vượt khỏi khổ ách sanh tử, trong khi đời người ngắn ngủi, ngày tháng qua mau. 

Ở đây chúng ta cần phải hiểu rõ cái gì là mầm móng khiến chúng sanh trói buộc sanh tử? Cội rễ của sự trói buộc ấy không gì khác hơn là tâm ý thức. Và tri kiến giải thoát cũng không ra ngoài sự chi phối của cái tâm ý thức ấy, nghĩa là còn biết có chỗ kiến giải để được giải thoát, thì ngay chỗ "biết" ấy là có sự cột buộc vào sanh tử. Bỡi cớ sao? Bỡi vì khả năng suy tưởng, tư duy, nhớ nghĩ còn chưa dứt sạch thì chủ thể của những năng lực ấy vẫn còn, tức pháp ngã vẫn tồn tại. Pháp ngã tồn tại thì các pháp tướng khác hiện hữu, và đương nhiên cảnh giới hiện tượng của nhị nguyên phân biệt trói buộc tức khắc.  

Trong từng mỗi chúng sanh hữu tình đều sẵn có hai tâm, một tâm phân biệt theo khái niệm tương đối, tự trói buộc nhơn quả, cũng là tâm ý thức (thức biết) sanh diệt phàm tình và một tâm tuyệt đối, tự tại, phi sanh diệt, cũng là Phật tâm, là giải thoát tâm tuyệt đối. Tâm ý thức là bóng hình, là dụng của tâm tuyệt đối mà có. Nghĩa là, từ vô thỉ, chỉ vì một niệm bất giác vọng sanh, khiến những mảnh thức tâm (thức biết) trùng trùng tuông sanh, mà từng mỗi mảnh thức ấy vẫn dung chứa trọn vẹn tánh căn bản của Phật tâm. Cho nên nói hữu tình đều vốn sẵn có hai tâm. Những mảnh thức biết ấy lại vọng động, khiến có thế giới hiện tượng sanh khởi, khái niệm nhị nguyên phân biệt vọng thành, vì tự chấp có "ngã và pháp" là thật có. Vì chấp, cũng tức là chỉ nhìn một hướng theo thế giới hiện tượng phân lập, mà ngã được coi như là một chủ thể thực tại, nên mảnh thức biết ấy hoàn toàn xoay lưng lại với cái tánh biết căn bản vô sanh, khiến phải tự trói buộc vào cảnh giới sanh tử luân hồi do chính thức biết vọng lập. Cứ xem bóng dáng của những mặt trăng huyễn hoặc biến hiện trên sóng nước thì tự nghiệm ra được chỗ này.

Nội dung của bài viết này không ngoài việc người học Phật cần phải biết vượt khỏi tất thảy mọi tri kiến, cũng là con đẻ của thức biết, để tự độ thoát. 

Vậy, giải thoát tri kiến giải thoát là điều kiện tất yếu của người tu Phật muốn vượt thoát trói buộc sanh tử . 

Ðể "ngộ" bổn thể tuyệt đối, cũng là chỗ thấy biết vượt quá cảnh giới trói buộc sanh tử, thì những gì được gọi là tri thức, tức cái tâm ý thức dệt bằng khái niệm phân biệt, là kinh nghiệm tích luỹ từ thuở lọt lòng mẹ, phải được gột tẩy sạch sành sanh, dù một chút cỏn con vi tế cũng không được sót lại, kể cả kinh nghiệm tri kiến giải thoát. 

Cho nên, lúc mới đầu, người tu Phật cần biết mượn phương tiện độ thoát là tri kiến giải thoát để có chỗ thấy biết chơn chánh, rồi tự thân thực nghiệm theo lý chơn chánh ấy để cắt đứt, vượt lên quá trói buộc của tâm ý thức, cũng là gốc rễ của sanh tử, mà thăng hoa. Thăng hoa ở đây có nghĩa là cái biết của ý thức ngưng dứt ở đâu thì ngay đó cái thấy biết của tâm tuyệt đối tức thì bùng vỡ, mở toang, tất thảy phô bày, cũng là giải thoát tâm hiển lộ.  

Tuy nhiên, ngày nay vẫn có người lầm tưởng phương tiện là cứu cánh, khiến họ không thể vượt thoát khỏi cái vốn kiến thức bác văn giàu có của mình, không tự biết rằng đó là bệnh. Căn bệnh ấy rất khó chữa, thuộc loại trầm kha, nhưng người mắc bệnh lại cảm thấy rất dễ chịu vì nó có thể ru ngủ và vuốt ve cái tâm chấp ngã cố hữu. Nghĩa là, tuy biết rõ đó là bệnh, nhưng người ta vẫn hoan hỉ, vui thích sống với nó, tự nguyện chết cùng nó, vì ngã kiến của họ đã được thoả mãn.

Kẻ hành giả ấy đâu biết rằng, dù chấp thủ, vun đắp cho mình một kho tàng tri thức cao siêu tới đâu đi nữa, thì đối với bờ kia, chỗ kiến văn ấy cũng chẳng chút dính dấp tới, nếu không muốn nói rằng chính nó là thủ phạm làm chướng ngại bước đường vượt thoát sanh tử của người ấy. Sở tri chướng được định danh định tính như là mặt mũi của kẻ ngán đường, làm cản ngại và trì trệ tiến trình đến bờ kia, mà không hiếm người trong chúng ta vì vô tình nên thường hay bị vướng mắc. Người học đạo cần phải biết vượt qua chỗ này, tức cần phải giải thoát tri kiến giải thoát. 

Một thí dụ. 

Có một tăng nhân đến hỏi đạo ở chỗ ngài Văn-Ích. 

- Bạch Thầy ! Muốn cầu tri kiến Phật, con đường nào ngắn nhất để có thể đi qua? 

Ngài Văn-Ích đáp: 

- Chắc chắn không qua đây !

Ngay câu đáp này, vị tăng nhân chợt tỉnh ngộ. 

"Không qua đây". "Ðây", "chỗ này", nếu chẳng phải là sở học tràn đầy tri kiến, hay nếu chẳng phải là cái thức ý lúc nào cũng sẵn sàng, chờ chực phân biệt, cân đong đo đếm, biện biệt phải trái, xa gần đúng sai trói buộc nhơn quả, thì phải nên gọi là gì? Chợt nhận ra nó và biết tự lìa nó, vượt thoát cái tâm ý thức ấy, thì vô minh liền tan biến, giải-thoát-tâm tuyệt-đối phô bày. 
  
Lại nữa, vẫn biết rằng đạo Phật là đạo giải thoát, và từng người có duyên với từng mỗi pháp môn khác nhau, phương cách thực hành mỗi pháp cũng khác nhau, nhưng cứu cánh thì chỉ một, đó là tâm giải thoát tuyệt đối, là bờ kia. Và để đến được bờ kia, thì cả thân lẫn tâm cũng không thể không đi qua con đường "thực hành" Giới, Ðịnh, Huệ, Tri kiến giải thoát và Giải thoát Tri-kiến giải-thoát. 

Dù tu pháp môn nào, kể cả Không-pháp (Không-pháp cũng là một pháp hy hữu, tối thắng của đức Phật dành cho người thượng căn, thượng trí, cũng là Tối thượng thừa pháp - Trực chỉ nhơn tâm, kiến tánh thành Phật) thì cũng không thể không nhập đạo bằng hai lớp cữa, đó là Lý nhập và Hạnh nhập. 

Lý nhập là thể nhập chân lý giải thoát, còn hạnh nhập là thực hành chân lý ấy một cách tự nhiên như nhiên mà không có một chút "ý" nào được gọi là cần phải "hành" cả. Thí như đói thì ăn, khát thì uống, mệt thì đi nằm, mà trong đây không khởi lên một ý niệm nào trái với sự tự nhiên như nhiên của Ðạo, tức không vọng khởi phân biệt, trói buộc nhơn quả. Cả lý và hạnh đều thể nhập đạo thường, cũng tức là sự lý viên dung, thì đó là chỗ đến đi tự tại. 

Với người tu Phật, muốn vượt thoát sanh tử, thì ai cũng đều phải tự thân vượt qua cái khung cữa hẹp bắt buộc, đó là phải như lý, y pháp mà thực hành, để đạt tới cứu cánh lý sự viên dung, sự lý vô ngại.  

Bằng hiểu rành rẽ, thao thao bất tuyệt lý giải thoát của đức Phật mà không tự thân thực hành như pháp các lý ấy, thì đó chỉ là người tu Phật bằng miệng mà thôi. Mà tu Phật bằng miệng thì đương nhiên không sao có thể tự giải thoát sanh tử được. Ðiều ấy có khác nào một người làu thuộc phương cách nấu cơm từ A đến Z mà vẫn bị chết đói, bỡi lẽ, thay vì chịu bỏ công vo gạo, chẻ củi, nhen lửa, nấu cơm thì người ấy chỉ biết nói lý thuyết suông, thì không có cơm ăn là điều tất yếu, không chết đói mới là sự lạ. Hoặc thí như ai cũng biết sát sanh là giới đầu tiên trong ngũ giới, thập giới - là giới luật của người tu Phật tại gia phải giữ gìn. Tuy biết rằng không phải cứ ăn chay mãn đời, suốt kiếp thì sẽ thành Phật, nhưng ăn chay đối với đạo Phật vẫn luôn là một điều kiện không thể thiếu. Việc ăn chay của Phật tử được ghi nhận như là một cách gián tiếp để giới sát, ban phát sự sống cho muôn loài có cùng Phật tánh như mình, cũng là thể hiện một cách trực tiếp tâm từ bi như Phật thương khắp chúng sanh. Lại nữa, ăn chay cũng là một pháp tu, một pháp điều tâm dưỡng thân, hổ trợ đắc lực cho tiến trình tu chứng về mặt trí huệ, tức tạo thuận lợi một cách tích cực cho sự nghiệp cuối cùng của người tu Phật là trực ngộ bình đẳng tánh. Ích lợi của việc ăn chay là làm "tự lợi lợi tha", một điều không ai có thể phủ nhận được. Thế nhưng vẫn có không hiếm người thường hay phớt lờ giới thứ nhất trong thập giới, rồi mượn miệng lưỡi để nguỵ biện rằng ăn chay không quan trọng đối với sự nghiệp tu hành hay chẳng dính dấp gì tới "trí tuệ" của mình cả, mà không dám nói thật lòng, là ăn mạng bổ béo, khoái khẩu hơn ăn chay. 

Biết pháp mà không chịu như pháp hành trì, có khác nào biết là tội đấy mà vẫn cố phạm. 

Chỉ biết rành giáo lý của Phật mà không đem cả thân lẫn tâm ra thực hành giáo pháp ấy, chỉ dùng thế trí biện thông để miệng lưỡi biện biệt thấp cao, hay dở, đúng sai, hoặc phải như thế này mà không phải như thế kia, chê khen cùng khắp, thì chắc chắn việc tu học như thế chẳng đem lại một thành tựu công đức nào đáng kể. Những người tu học như thế ấy cùng lắm cũng chỉ được cái danh hão trong đời là người biện sĩ tài ba hay là nhà triết học xuất chúng mà thôi, khó bề vượt thoát sự trói buộc của sanh tử luân hồi, với bờ kia ắc còn ngàn trùng xa cách. 

Có thể có bạn đạo nào đó cho rằng những gì mà người viết nêu ra đều là những ý tưởng cũ rích, ai mà chẳng biết. 

Xin thưa, đúng vậy, đúng vậy ! Ðó là những điều cũ rích, xưa cũ từ trước khi chúng ta được sinh ra trong cõi nhơn quả này hàng nhiều đời nhiều kiếp trước nữa là đằng khác. Thế nhưng, dù là những điều xưa cũ, mà những người như chúng tôi, như các bạn, nếu ngày nào còn chưa tự thân thực hành đúng như cái lý xưa cũ ấy để tự giải thoát, thì ý tưởng và các pháp ấy vẫn sẽ còn mới toanh, vẫn trinh nguyên như thuở ban đầu, còn chúng ta thì vẫn cứ phải đến đi trong nhơn quả luân hồi với nhiều thân tướng, nghiệp báo khác nhau. Ví bằng chúng ta biết thực hành những gì xưa như trái đất ấy một cách chân chính, không tự dối lòng, ắc tự tâm mỗi người khó bề không công nhận một sự thật, rằng càng thực nghiệm, chúng ta càng khám phá ra không biết cơ man nào những điều vi diệu, nhiệm mầu, mỗi ngày càng thêm bao điều mới lạ trong một Phật tâm này. 

Cần phải biết y như pháp thực hành, phải biết giải thoát tri kiến giải thoát, đó là những gì mà kẻ khờ khạo này muốn gởi gắm vào nội dung của bài viết và rất mong các bạn đạo thân thiết của chúng ta nên áp dụng một cách thực tế vào các pháp tu phù hợp với căn cơ mỗi người, lên chính bản thân mình. 

Bằng ngược lại, nếu những lời này không thuận hợp đạo lý của chư Phật, Bồ tát, Thánh hiền, đi ngược lại giáo lý giải thoát của Như-lai, thì chúng tôi xin được muôn lần dập đầu sám hối để mong gột sạch cái tâm ngu mê, lầm lẫn này vậy. 

Ðối với Phật đạo, siêu vượt trói buộc của tử sanh phiền não, nhơn quả luân hồi là một việc rất thực tế,  hoàn toàn không phải là điều viễn vông hay mơ mộng. Nghĩa là một Phật tử chân chính, dù tu tại gia hay xuất gia, nếu biết chọn lựa pháp môn thích hợp với căn cơ trí tuệ phúc đức của mình mà tu học, biết nhứt tâm y theo lời dạy của đức Phật mà hành trì, lòng dạ chơn chất, không tự dối, không cống cao ngã mạn, không cầu lợi cầu danh, thì không phải đợi đến khi chết đi mới có thể biết giải thoát hay không giải thoát, mới biết vượt lìa hay còn cột buộc nghiệp báo sanh tử, mà ngay trước mắt, trong đời này, vẫn có thể thật chứng tâm giải thoát hiện tiền. 

Tâm giải-thoát hiện tiền của nhà Phật là cảnh giới của Thiền và Ðịnh. Thiền  là công việc hành trì cuối cùng trong tiến trình một đời tu chứng, cũng là nơi ươm mầm để khai phóng tất cả mọi trí năng vốn tự sẵn có, để thân chứng tánh "chơn không" của vạn pháp, để ngộ ra tất thảy pháp đều do một tâm bất giác duyên sanh. Ngay trong đây, tại chỗ này có sự thấy biết chân chính bằng con mắt trí huệ, biết như thật tứ đại, ngũ uẩn đều không, sanh tử phiền não cũng chẳng phải thật có, các pháp sanh diệt đều như hoa đóm biến hiện, liền tự thăng hoa. Sống "một" trong Thiền, thì việc ra vào cảnh giới sanh tử trước mắt, bằng ánh sáng của trí huệ, chẳng khác như cái bóng ảo của thân mình vào ra trong một mặt gương vĩ đại mà không hề bị ngăn ngại. Thời gian sống trong Thiền càng lâu, nghĩa là ở trong tánh biết càng dài, có thể gọi đó là tâm Thường-Ðịnh vậy. 

Có thể có người hỏi rằng, cảnh giới của Thiền là thanh tịnh, nhứt như, tuyệt một, vậy thì nói "biết" đó, là ai biết? 

Xin thưa, đó là tánh biết nguyên uỷ tuyệt đối, là tánh Phật chúng sanh "biết" như thật. Ngay từ khi thể nhập tánh biết, sau đôi ba lần tự mình "vào" nhập vai tánh biết, "ra" nhập vai tướng biết, mà sự ra vào ấy chỉ trong sát na, liền biết như thật, chỗ đến đi nói nín thường nhật đều do từ một tánh linh diệu căn bản này mà ra, cũng là biết như thật đâu là pháp thân tự tại phi sanh diệt, đâu là pháp tướng huyễn hoặc, vọng sanh vọng diệt do từ một niệm bất giác vô minh sanh khởi. Rồi từ hai chỗ thấy biết cùng ra vào trước mỏ ác của một con người này, một cái thấy biết phàm tình trói buộc nghiệp báo nhơn quả, và một cái thấy biết tự tại siêu vượt nhơn quả, cả hai thông lưu vô ngại nhau, thì ngay đây, dù không khởi niệm phân biệt, mà chơn giả, chủ khách hai đàng vẫn biện biệt rõ ràng. Dù không phân biệt mà thực tại và mộng cảnh vẫn biện biệt phân minh, biết như thật gì là bản thể như nhứt vô sanh, gì là vạn pháp huyễn hoá biến hiện, biết tuỳ duyên đến đi trong các cõi để thực hành hạnh nguyện từ nhiều đời làm chúng sanh trong quá khứ, cũng là cách trả ơn ba đời chư Phật, đồng thời tích góp công đức để tự trang nghiêm cõi Phật vị lai. 

Ðạo Phật là đạo giải thoát. Ðức Phật là Phật đã thành, chúng sanh là Phật sẽ thành. Ðó là chân lý bất biến. Chỉ có điều chúng sanh có biết y theo giáo lý giải thoát của Phật để tu một cách chân chính hay không, thì đó là chỗ quyết định thành tựu công đức ấy một cách nhanh chóng ở đời này hoặc đời sau, hay phải trải qua trong vô lượng kiếp chúng sanh nữa mới thành, là tuỳ ở chúng sanh ấy. 

Nam-mô Bổn-sư Thích-ca Mâu-ni Phật.
Nam-mô Thường-Tinh-tấn Bồ-tát Ma-ha tát.
Nam-mô Công-Ðức-lâm Bồ-tát Ma-ha tát.
 

05-01-2008 03:34:21

c

Nguồn: www.quangduc.com

Về danh mục

Địa tạng i ปฏ จจสม ç¼½ç åœ å æ³ Người Sài Gòn nô nức đi ăn chay Ï æåŒ 村上市お墓 佛家说身后是什么意思 Phật ï½ èˆ æ æ ƒ 华藏宗门 メス ÍÛ tot niem tin chon chanh chua kim cang 白色袈裟图片画法 ด หน ง 七五三 小山 仏壇の線香の位置 Về ماتش مصر والراس الاخضر يلا 增上生和决定胜 ÐÑÑ 人间佛教 秽土成佛 末法时代 ะกะพ ถ พ 心经 me va tieng mua dem å¾ Muốn giảm cân hãy ăn bơ Chữ Hiếu viết như thế nào Sách Trà van dap ve viec an chay หลวงป แสง 什么是佛度正缘 о ят ьея корчое наебывал рикна An cu 栃木県寺院数 Ngừng thở khi ngủ ảnh hưởng xấu 五痛五燒意思 Ba tôi và thiền khán thoại đầu Trung 佛教与佛教中国化