|
.
KINH
NGHIỆM TU HỌC:
HÀNH
TRÌNH TIẾN TU VÀ TỰ CHỨNG
(Thư
trả lời anh Tâm Như)
Nhuận-Bảo
|
|
Anh
Tâm-Như thân mến.
Rất
vui vì mới nhận được thư anh. Nhìn lá thư với bốn trang
vở học trò, viết kín mít bằng chữ nhỏ li ti không còn
một chút giấy thừa, tôi hết sức cảm động. Bỡi tôi biết
rõ rằng, anh sợ tôi bệnh mới khỏi, không thể đọc được
nhiều, nên chỉ dùng có bốn trang giấy vở. Nhưng bên cạnh
đó, lại lo nói không hết ý, nên mới viết chữ li ti như
con kiến, khiến tôi phải dùng kính lúp để đọc. Thật tội
nghiệp cho cả hai anh em.
Do
kính trọng phẩm cách và nhiệt tình vì đạo pháp của anh
nên tôi đã dành nguyên cả một buổi trưa để đọc liền
bức thư dài, đọc chậm rãi đến ba lần để nắm chắc
phần chính yếu trong thư hầu có thể trao đổi với anh vào
đúng trọng tâm mà anh muốn đề cập.
Sở
dĩ tôi phải thật cẩn trọng, là vì biết rằng đây không
phải là lá thư thăm hỏi bình thường mà phảng phất trong
thư ẩn chứa một sự tin cậy, một chỗ để gởi gắm niềm
riêng, được cảm nhận từ cả hai phía như một nhơn duyên
định sẵn; tôi phải thật cẩn trọng là vì muốn cùng anh
trao đổi vấn đề tiến tu một cách nghiêm túc hầu có thể
giải toả được phần nào những mối nghi còn lảng vảng,
mơ hồ đâu đó trong lòng mà lâu nay anh chưa biết bày tỏ
cùng ai. Không biết tôi nói như vậy có phải đúng như thầm
ý của anh không, anh Tâm-Như?
Trong
khuôn khổ của một lá thư, tôi chỉ nêu lên những gì mà
tôi cho là kinh nghiệm được bắt gặp trên con đường tu
học, trong cái biết hạn hẹp, nhỏ nhoi của mình, do tự thân
tâm mình trải nghiệm chứ không phải ai khác vào đây, mà
miệng lưỡi có thể nói ra được. Nếu trong đây anh thấy
có chỗ tương hợp thì dừng lại chiêm nghiệm thử xem có
phải thiệt như vậy không, hoặc nếu thấy có chỗ không
cùng Đạo tương ưng thì nhờ anh chỉ bảo giùm cho tôi. Có
thể những gì tôi mượn lời mô tả là chủ quan chăng, tôi
cũng không biết nữa. Chỉ có điều là, ở cái chỗ mà tâm
tôi đang-là, đang từ đó mà những giòng chữ này tuông chảy,
tôi thấy mình an ổn diệu lạc, và biết như thật, chỗ diệu
lạc đó cùng mình là một, là bất khả phân ly, nếu không
tự vọng tưởng chấp nga, chấp pháp. Còn đối với anh hoặc
với những bạn đạo khác có cùng chỗ tương ưng với những
gì tôi nói ra hay không, tôi cũng không biết nữa; có thể
những gì tôi nói ra, hợp với người này mà không hợp với
người khác, bỡi một điều tất nhiên là, từng mỗi căn
cơ, trí tuệ, duyên nghiệp dày mỏng, cao thấp khác nhau mà
tự mỗi người có chỗ thích hợp với từng mỗi pháp lớn-nhỏ,
đốn-tiệm khác nhau.
Cho
nên, anh chỉ nên tự chiêm nghiệm ở chính thân tâm mình,
như uống nước nóng lạnh tự biết. Một khi tự bừng sáng
cái sáng toàn thể rồi, thì mọi việc coi như đã được
giải quyết, không anh không tôi, không người hỏi đáp, cả
vấn đề cần hỏi đáp đã từng được đặt ra, nay cũng
đều không luôn. Cho nên, dẫu có ai đó nói rằng anh như thế
này hay như thế nọ, thì đối với chỗ chân thật của chính
anh đang-là, cũng là như tánh nó-là, thì những nhận xét,
phê bình kia cũng chỉ là gãi ngứa ngoài giày mà thôi, không
chỗ dính dấp, không gì can hệ. Đừng vì những lời nhận
xét hay phê bình kia mà thối chuyển tâm tu khi người ta chê
hoặc cao ngạo ngã mạn khi người ta khen. Hãy coi sự khen chê
đó đối với cái thật mình như là nước đổ đầu vịt,
gió thoảng trên đá mà thôi.
Có
phải ý anh muốn đề cập đến sự việc mà anh cho là rất
quan trọng đối với những người tu Phật đang thiết tha
cầu giải thoát thật sự, trong đó việc xác định hành trình
tiến tu là cần thiết và cấp bách? Có nghĩa là, những người
trong cuộc như anh như tôi, một lúc bất chợt nào đó, ngoảnh
đầu nhìn lại quãng đời tu học đã qua, phải giật mình
hoảng hốt khi thấy rằng, hơi thở của chúng ta đang phải
đối mặt với cái quĩ thời gian còn lại quá eo hẹp, tình
trạng sức khoẻ thì giảm sút nhanh chóng, mà chỗ tự chứng
thì chưa được xác quyết minh bạch! Có phải đó là điều
mà anh đang nghĩ về, đang trăn trở, phải không anh Tâm-Như?
Nếu
điều đó không phải là ý của anh như tôi đã nghĩ, thì
trong tận cùng của sự chân thật, không cần phải biện bạch,
nó chính là của tôi, là niềm riêng của tôi trong lúc này,
và cũng có thể là tâm trạng của nhiều bạn đồng tu khác
nữa. Chỉ có điều là, hoặc không ai muốn thố lộ nỗi
niềm sâu kín ấy cho người khác biết vì sợ nói ra cái mà
mình muốn che giấu (do chấp ngã), hoặc là không biết thố
lộ cùng ai để có thể cùng mình trao đổi, trau dồi, học
hỏi thêm cho cái tâm tu này, cũng như giải toả những gì
còn u ẩn, thắc mắc trong tâm chưa được giải quyết minh
bạch.
Tuy
anh không đặt thẳng vấn đề, nhưng trong thư hàm chứa cái
ý muốn nhắm tới đích cuối cùng của người tu Phật ngay
trong hiện đời, là ở chỗ, làm sao minh xác thực chứng
giải thoát. Hay nói một cách khác, với anh với tôi
và với những người đồng tu khác, có hành trạng giống
nhau, cùng một chí hướng là thân tại gia mà tâm xuất gia,
ngoài việc chú tâm tham học và tu hành ra, thì điều cấp
thiết mà chúng ta đang quan tâm, mà nói theo thuật ngữ của
nhà Thiền, là muốn xác định về cái bước nhảy cuối cùng
vượt quá đầu sào trăm trượng của mình nó như thế nào.
Điều ấy cũng có nghĩa là, sau thời gian dài gần như trọn
một đời đã dồn hết trí lực vào việc tu học, giờ muốn
điểm lại hành trình tiến tu và tự chứng trước
khi buông tay phủi cẳng, xác thân cát bụi lại trả về cho
cát bụi, còn thiệt mình thì ở đâu?
Điều
trăn trở ấy, theo chỗ tôi biết, thường xảy ra với những
người tu Phật chân chính, những người mà trước khi quyết
định đến với Phật đạo, thường đã có một quyết tâm
cao không gì lay chuyển nổi, là nhứt tâm cầu giải thoát
cái khổ phiền não, tử sanh một cách thật sự, được xác
định rõ ràng nó là cái đích nhắm đầu tiên và cuối cùng,
chứ không phải tu hình-thức hoặc mượn đạo để cầu danh
lợi cho bản ngã.
Cũng
có nghĩa là, làm sao để chúng ta khỏi uổng phí tâm sức
đã bỏ ra trong một thời gian dài mà hoàn toàn không biết
thành quả của nó như thế nào; làm sao với cái quỹ thời
gian ít ỏi còn lại trong đời, chúng ta có thể, một cách
thật nghiêm túc, trọn chân thật, minh xác được cột mốc
tiến tu trong hiện tại. Điều ấy cũng có nghĩa, như một
ước định thệ nguyện từ lâu xa, phải toàn tâm toàn ý
để hoàn thành trọn vẹn bài học làm người trong mọi kiếp
người; là làm sao chỉ trong sát na, hốt nhiên"thể nhập
đạo thường", tự "vượt lìa trói buộc của
mọi tri kiến" cũng là giải thoát tri kiến giải
thoát; là làm sao để thấy biết như thật không lầm
nhơn quả, làm sao để có thể tự làm "một" pháp thân thường
hằng tự tại, làm "một" bổn thể viên mãn, thanh tịnh "như-tánh
nó là" chỗ thật tướng không tướng tự thuỷ uyên nguyên;
cũng là trong đây tự "biết" như thật "tánh tướng dung thông,
thể dụng tự đồng"; là làm sao để tự biết như thật
sắc tức thị không không tức thị sắc, sắc bất dị không
không bất dị sắc; cũng là làm sao để thấy biết như thật
pháp giới chơn như thanh tịnh rộng lớn vô biên, vô hạn,
vô cùng lại có thể thông lưu, tuông chảy, hoà làm một trong
cái thân giả hợp, hữu vi, hữu hạn, hệ lụy thời gian và
không gian mà không chỗ ngăn ngại nhau; cũng tức là làm sao
để thấy biết như thật cái "lớn" như núi Tu-di dung chứa
vô vàn hạt cải đã đành, mà từng mỗi hạt cải kia sẵn
tánh linh diệu có thể dung chứa cả núi Tu-di, cả tam thiên
thế giới mà không chỗ thiếu thừa hay ngăn ngại; làm sao
cho cái thấy biết trước mỏ ác của mình chỉ láy qua láy
lại một chút, thì liền có hai chỗ thấy biết khác xa nhau
một trời một vực (một cái biết thường tình theo
nghiệp thức nhơn quả, có đến đi sống chết, hệ lụy khái
niệm, trói buộc thời không và một cái biết "như thật như
chính tự toàn thể nó là", cái biết vượt lìa đến đi sống
chết, khái niệm phân biệt nhị nguyên không chỗ can hệ)
nhưng cả hai cái thấy biết ấy vẫn qua lại trọn vẹn trong
nhau, dung thông vô ngại trong một Phật tâm này. Nói hai cái
thấy biết mà trong đây, tận cùng chân thật, thiệt chẳng
phải hai, chẳng phải một mà cũng chẳng phải khác. Nói Phật
tâm này cũng là nói tánh biết diệu mầu cùng lúc dung chứa
hai cái thấy biết trên, một cái thật một cái bóng, cũng
là một toàn thể tuyệt đối, linh diệu, thường định, bất
biến và một là dụng của cái toàn thể kia trong trạng thái
thường biến và bất định, tức tạm gọi một chơn một
giả; cũng là khám phá bổn lai diện mục, là làm "một" bổn
tánh chơn thường nguyên ủy; cũng là biết như thật mọi
hiện tượng trước mắt, tự chỗ chơn không mà hốt sanh
vạn tượng sum la, rồi từ chỗ sum la vạn hữu như thật
như hư, như không như có, như hoa đóm trong không lại thu nhiếp
về một mối, chơn không như như bất động; cũng là từ
chỗ "Vô" chơn như linh diệu mà thường hay duyên sanh muôn
pháp, biến hiện mất còn, như có như không; cũng là làm sao
để một lúc nào đó cái thân tâm giả hợp của bốn Đại,
năm Uẩn này, một cách an nhiên theo luật tắc bất biến của
bản chất hiện tượng, được nhẹ nhàng như chiếc lá vàng
lìa cành rơi về nguồn cội mà trong ấy không thấy có chỗ
đến đi; cũng là làm sao như nước của đại hải mênh mông
qua bao nhiêu lần thay hình đổi dạng, bốc hơi, ngưng đọng,
kết mây, trút nước, phiêu lưu vạn suối ngàn sông, giờ
này tới duyên sắp sửa được tuông vào vòng tay êm ái, tràn
ngập bao dung của mẹ hiền biển lớn vô cùng vô tận mà
không đánh mất cái tánh tự thuỷ uyên nguyên của nước;
là làm sao để cho những người thiết tha cầu học đạo
giải thoát như anh em ta bất chợt cười vang lên một tiếng,
hân hoan sảng khoái như sấm động ngút ngàn, như chưa từng
được một lần cười trong đời, tự chỗ không hình không
bóng, không sắc không màu mà thoắt chốc phóng vút như tên
bắn, xuyên suốt qua hoả diệm sơn đang tuông trào mà không
có khái niệm nóng bỏng; phơi mình ngập tràn trong băng tuyết
bắc cực mà không có chỗ nào gọi là lạnh lẽo, đối đãi
vượt ngoài, tự tại vô ngại, du hí thần thông, sướng khổ,
thành bại, sống chết, ở đi, có không, phàm tình….. như
gió thoảng mây bay, không chỗ dính dấp; mọi hiện tượng
đến đi trước mắt giống như bụi bặm biến hiện trong
ánh sáng; bụi to bụi nhỏ tranh nhau bay bay, lên xuống mất
còn mà không làm lay động được ánh sáng chơn nguyên, trong
trẻo, tự tại, bao la của mặt trời thường chiếu.
Vì
anh và tôi đều là những người không biết lúc nào trái
tim nghiệp lực bằng thịt có máu tanh chạy bên trong bất
chợt ngừng rục rịch, mà chuyện đại sự trong đời thì
cứ canh cánh bên lòng sợ không còn kịp, lại chẳng biết
tỏ cùng ai! Do anh hỏi và tôi cũng lần tay bấm đốt
mà biết được rằng, anh nay tuổi cao sức yếu, cận kề
tám mươi rồi còn gì, cũng như ở tôi thân bệnh khó lành,
không biết ngày nào anh em mình xa lìa nhau, không biết ngày
nào anh em mình gặp nhau (xa chỗ nào, gặp chỗ nào, thiệt
có chỗ lìa chăng, thiệt có chỗ gần chăng anh cần tự truy
vấn) nên mới vội vàng viết cho anh những giòng này để
trao đổi cho nhau những lời thiệt tình, chân chất, tận đáy
lòng mình, nếu quả thật tâm lòng chúng ta có chỗ cùng tận!
Thứ
nhất : Về việc dùng chữ nghĩa.
Anh
hỏi tôi, trong bài viết ngắn "Thức tỉnh và tỉnh thức"
có cử ra công-án Thiền về việc ngài Duy-Nghiễm xem kinh.
Vậy thủ bổn gốc Hán-tự của Công-án nói ra sao mà tôi
thì viết là:"Ta xem chỉ là để che mắt……..Còn các
ông mà xem thì đến da trâu cũng thủng nữa là….".
Còn
chỗ dịch của một Thiền-sư thì lại viết :"Ta xem chỉ
là để che mắt…….Các ông muốn xem thì phải suốt qua tấm
da trâu đã".
Trả
lời. Thật ra tôi cũng chẳng còn nhớ thủ bổn viết ra
sao nữa, vì có một thầy cho mượn cuốn sách xưa cũ, trong
đó có chen vài công án. Lời của người xưa tự ngàn xưa
mà thấy như múa may, nhảy nhót, cợt đùa, thách thức trước
mắt, nên hứng chí tham gia, cứ đặt bút viết ngay, tự nghĩ
không lìa tâm ý của người xưa muốn đưa vào công án là
được. Nhưng do bản chất cố hữu của mình có chút máu
trào lộng trời phú, nên vẽ ký hiệu mà thành ra như vậy.
Tạm ví như cái dĩa đậu hũ ai đó mới vừa chiên xong, để
trên bàn, vàng ươm, nóng hổi, giòn rụm, thơm phứt, tự nó
thiệt ra cũng đã ngon rồi, nhưng vì muốn được bắt mắt
hơn chút xíu nữa với người đối diện nó, nên tôi mới
bỏ thêm vài cộng ngò xanh, tỉa trái ớt đỏ hình con công
con phụng, rưới chút muối tiêu lốm đốm trắng đen lên
mặt đậu cho khêu gợi cái con mắt, hấp dẫn cái lỗ mũi,
làm rìn rịn nước cái lưỡi của những ai vừa chợt nhìn
thấy, khiến họ dễ thèm thuồng mà thọc tay vào dĩa, nhón
một miếng cho vào mồm nhai. Chợt có người thọc tay vào,
ấy là tôi thành công một bước, vậy thôi, chẳng có gì
quan trọng lắm. Với tôi, chữ nghĩa mà có tính cách ngang
ngay, sổ thẳng quá, phải đi vào khuôn khổ như trong văn học
hàn-lâm thì tự cảm thấy không được thoải mái lắm. Theo
tôi, cứ nên tuỳ thuận cái chỗ thấy vô phân biệt của
tâm mà viết, chữ nghĩa viết sao phải thật bình dân, thật
dễ hiểu, dễ đi vào lòng người, để làm sao người đối
diện hay người đọc mình, như cùng mình đi bên nhau và cùng
một chỗ thấy không ngại nhau là đạt mục đích rồi. Còn
nếu anh đem so sánh nó với chữ nghĩa của người khác, nhất
là với các bậc xuất thế thì làm sao có thể được! Có
lẽ vì tôi là người còn nhiều phàm tục, còn biết đói
no, vui buồn, còn biết thích thiên đường, sợ địa ngục,
còn biết trêu ghẹo, hóm hỉnh người khác, còn biết ưa đặt
bẩy để bẩy những ai cùng mình có duyên đi chung một con
đường để cũng được như mình (đồng một pháp tu) nên
mới như vậy chăng, tôi cũng không biết nữa.
Theo
tôi nghĩ, có lẽ vì phép giáo hoá chúng sanh trong tư cách của
một bậc đức cao đạo cả, nên các Ngài, như vị Thiền-sư
kia, ắc phải nên như vậy, phải thật nghiêm túc, như viết
chữ chân phương trên khổ giấy lớn, để ai nhìn vào trước
tiên cũng phải kính trọng cái đã; còn tôi chỉ là một Phật
tử tại gia bình thường, khi mê nhiều hơn lúc tỉnh, làm
sao có thể đem ra so sánh được với các Ngài !
Tuy
nhiên, theo tôi, với đặc thù của công án thiền, phải nên
nói trong chỗ bất chợt tự nhiên, giản dị, bình thường
và dĩ nhiên là không lìa tự tánh, nhưng vẫn không làm mất
tánh cách vừa đánh đố, thách thức, vừa hấp dẫn sự nghi
ngờ, vừa để mời gọi sự tò mò, khám phá; bằng nếu lời
nói hoặc chữ nghĩa khô khan, đơn điệu, tẻ nhạt như lời
trong kinh điển thì đâu còn gì là ngôn ngữ và tánh cách
độc đáo, lạ lùng của công án Thiền nữa.
Riêng
trong trường hợp này, nếu ta xoay ngược câu hỏi lại, rằng,
nếu trò đã tự có cái nhìn thấu suốt được qua tấm da
trâu như thầy (đã nói), thì tới chừng ấy ai còn cần xem
nữa, và xem để làm gì khi mà cái thấy thứ hai đã sờ sờ
trước mỏ ác của trò (vì đã suốt qua tấm da trâu như thầy
rồi), chẳng phải đối lập, chẳng phải hai, chẳng phải
một, lại cũng chẳng phải khác với cái thấy thường tình
như của phàm phu như bây giờ? Tới chừng ấy thầy trò đã
bên nhau một chỗ, đã tự đồng hội đồng thuyền thì cần
gì phải dụng ngôn cho rắc rối? Tới chừng ấy, chỉ một
cái vung tay, liếc mắt trong chỗ tâm tâm khế hợp làm một,
thì cần gì có chuyện hỏi có đáp lôi thôi như trên nữa?
Cho
nên theo tôi nghĩ, cùng một ý của câu nói, nhưng nếu chữ
nghĩa quá nghiêm túc, quá ngay thẳng, dẫn đến khô khan, gãy
gọn, mẫu mực thì tự nó đánh mất đi cái tánh cách thách
đố, hấp dẫn, mời gọi, gợi sự tò mò của người khác
đối với công án Thiền, khiến cái nghi của người đối
diện nó hay đọc nó sẽ mất tác dụng, chí ít là không còn
tác động mạnh mẽ hay tha thiết.
Một
sự thật quá rõ ràng, cùng là mật ngọt cả, nhưng một đàng
thì thong chai nhét nút, dán nhãn "mật ngọt" đàng
hoàng cẩn thận, thoạt mới nhìn ai cũng biết đó là mật
ngọt, để trước mặt. Còn một đàng cũng là thứ mật ngọt
đó không sai khác, được đổ trần ra bát, được minh hoạ
thêm một miếng bánh tráng mè dày nướng vàng rộm hay mấy
khúc khoai lang luộc chín, ruột vàng ươm để bên cạnh; dĩ
nhiên chỗ hấp dẫn, chỗ mời gọi để ai đó có nhiều cơ
hội rón rén thọc một ngón tay vào bát mật rồi cho vô miệng
mút (thử một lần coi thế nào), hay bẻ miếng bánh tráng
nướng, hoặc cầm một củ khoai luộc quết thật sâu vào
bát mật, rồi cho vào mồm nhai ngon lành. Đương nhiên chỗ
bắt mắt, mời gọi, khiến cái tay phải táy máy, ắc là cái
bát mật để trần kia rồi.
Trong
đây, cái chỗ mà ta cần phải ghé mắt tới chính là câu
nói rất chân thật "mượn kinh che mắt" của ngài
Duy-Nghiễm, mà ít người mới nghe qua có thể tin làm thật
được. Việc Ngài xem kinh được coi là thật, hoặc như Ngài
nói, chỉ mượn kinh che mắt, thiệt ra cả hai sự việc ấy
đối với Ngài đều thật cả, không có gì sai hay ngăn ngại
trong đây. Lời Ngài nói ra hoàn toàn chân thật. Ngài mượn
kinh che mắt thật đấy nhưng mà hai con mắt bị che của Ngài
không gì không thấy; vạn sự vạn vật trôi chảy trước
mắt, nhưng thấy đó mà thiệt chẳng có chỗ lấy làm đích
thấy, mà tất thảy như như không gì can hệ. Đó cũng là
cái thấy của con mắt đạo học, thấy bằng tánh thấy uyên
nguyên của con mắt, cái thấy toàn thể, xuyên suốt, bao trùm,
không dừng lại vào bất cứ gì, không trụ vào bất cứ gì;
nghĩa là có đối tượng để thấy cũng thấy mà không có
gì hết cũng thấy, mở mắt cũng thấy mà nhắm mắt cũng
thấy, tức cái chỗ thấy "nhược tâm hữu trụ tức
vi phi trụ - bằng tâm có chỗ trụ tức chẳng phải (thường)
trụ" mà Phật đã dạy trong Kim-cang kinh . Đó mới chính
là chỗ đáng nghi, đáng tham hỏi, đáng để cho những ai có
duyên với pháp môn này dốc sức trì mài cho tới khi nào vỡ
ra lẽ thật.
Nhân
đây anh cũng cho phép tôi lan man ra ngoài lề một chút, là
không ít người đã dịch câu kinh trên như thế này: "bằng
tâm có trụ tức chẳng phải trụ".
Dịch
kinh nghĩa mà như thế là chỉ biết dịch từng chữ, từng
lời, từng câu căn cứ từ Hán tự dịch ra Quốc-ngữ bằng
sự đặt tên lên khái niệm của chữ nghĩa, hoàn toàn xa lìa
tâm ý của chư Phật, làm cho câu kinh tắt nghĩa, khiến không
ai hiểu Phật muốn nói gì trong tám chữ ấy. Dịch như thế
là không biết vận dụng ngôn ngữ một cách rổng rang, vượt
thoát để có thể gói gọn tinh ba, tâm ý của cái ông "Phật-Việt"
muốn gởi gắm Pháp-âm bằng tiếng Việt cho những người
Việt nói chung và những ai rành tiếng Việt và chữ Quốc-ngữ
nói riêng, có duyên với Đại-thừa chánh pháp. Nghĩa là phải
chọn chữ làm sao để cho Pháp-âm, cũng là ánh sáng giải
thoát, (đương nhiên ở đây là bằng chữ Việt,Tiếng Việt)
ẩn chứa trong từng lời Việt kia, thường trú trong tánh Phật,
luôn sẵn sàng để được chuyển tải, ùa vào, tuông chảy,
tang lỗng, thông thấu vô ngại vào tâm người khi những ai
đối diện với Pháp-âm biết tiếp nhận nó hoặc bằng cái
tánh thấy tự nhiên của mắt hoặc bằng cái tánh nghe tự
nhiên của tai, nghĩa là tiếp pháp bằng cái tánh thấy nghe
nguyên ủy của tai mắt, trong trẻo, rổng rang, tự nhiên, vô
phân biệt.
Ta
gọi là Phật pháp vì đó là những phương tiện thiện xảo
mà đức Phật đã phát minh nhằm chỉ cho chúng sanh nhận ra
cái chỗ mà ngay đó bản thể chân thật của mọi loài đang-là
"một" tuyệt đối, cùng Phật không khác không hai. Và những
phương tiện chỉ vẽ ấy, dù bằng lời nói, bằng chữ, hoặc
bằng động thái thì cũng phải từ thể tánh tuyệt đối
mà xuất sanh, tức không lìa tự tánh mà nói, không lìa Phật
tâm mà chỉ. Bằng lìa tự tánh mà thuyết, mà dịch, cũng
như người nghe pháp lìa tánh nghe tự nhiên (vô phân biệt)
mà nghe, mà hiểu thì chỗ thuyết ấy, chỗ dịch ấy, chỗ
nghe ấy cũng đều là tri kiến sanh diệt, là theo nghĩa chữ
trói buộc khái niệm nhị nguyên, nếu không muốn nói là vừa
mở miệng thì đã như tên bắn đi vào cảnh giới sanh tử.
Điều
ấy có nghĩa là, trong khi dịch những lời rổng rang thanh tịnh,
cũng là ánh sáng giải thoát, không có một chút giây mơ rễ
má nào ràng buộc với bất cứ gì, hốt nhiên xuất sanh từ
chỗ không gốc gác của tự tánh duyên thành, không vướng
mắc khái niệm đối đãi, thì người vẽ lại ánh sáng pháp
âm bằng ký tự cũng phải biết vượt lên trên chữ nghĩa
mà vẽ (tức dịch); cũng có nghĩa là khi ấy tự tâm
người dịch phải rổng rang thanh tịnh đồng một tự tánh,
tức nên không lìa Phật tâm mà dịch, nên không lìa tự tánh
mà chuyển nghĩa tâm ý của Phật muốn gởi gắm ra thành lời
Việt, khiến chỗ tâm ý kia có thể soi rọi thấu suốt vào
tánh trí của người nghe pháp hay đọc pháp. Một khi người
đối diện gặp duyên lành, tiếp nhận được ánh sáng ấy,
tức khắc ánh sáng kia bao trùm, làm tan biến cái tăm tối
của tập nhiễm vô minh, cũng là làm bùng vỡ tánh biết bổn
lai, cũng là hoà "một" bản tánh nguyên uỷ của người ấy,
cũng là bừng sáng tánh Phật chúng sanh của người ấy.
Bất
cứ Kinh điển Đại-thừa nào cũng đều có công năng vi diệu
là làm chuyển cái thấy biết phàm tình câu hữu vô minh, có
đến đi, sống chết, trói buộc thời-không, nhơn quả trở
về cái biết nguyên ủy, cái biết toàn thể, tuyệt đối,
không có năng biết sở biết, cũng là "Giác" cái tánh bổn-lai
tự thuỷ.
Thế
nên, người dịch lời Phật cần phải hết sức cẩn trọng,
để từng lời từng câu cấu thành tâm ý của đức Phật
đều trở thành những lời vượt thoát hệ lụy khái niệm,
cũng tức là nên không ra ngoài tự tánh Phật mà dịch vậy.
Dịch được như vậy mà vẫn còn bị cho là gãi ngứa ngoài
giày đối với tánh thật cái chỗ mà đức Phật muốn trỏ
về, huống là lìa tự tánh mà dịch thì biết phải gọi là
sao đây?
Điều
ấy chứng tỏ những lời cảnh báo của người xưa đối
với vạn đời sau phải nên thật cẩn trọng trong việc diễn
giải kinh điển, thuyết pháp cũng như nghe pháp là cần thiết,
vì rằng chỉ cần thêm một chữ, bớt một chữ hoặc hiểu
sai một chữ cũng đủ dẫn mình và dắt người lìa xa Trung-đạo,
như tên bắn trói buộc vào nhơn quả. Thế nên, việc mỗi
người trong chúng ta thuộc nằm lòng lời nhắc nhở thi thiết
chân tình của người xưa:"Ly kinh nhứt tự tức đồng
ma thuyết. Y kinh giải nghĩa tam thế Phật oan" là điều
không bao giờ thừa vậy.
Cho
nên, dịch như câu trên "Bằng tâm có trụ tức chẳng
phải trụ" xuất hiện trong một số kinh sách bằng
chữ Quốc-ngữ, khiến không ai hiểu đức Phật muốn nói
gì. Nghĩa là người dịch đã dùng tri thức hữu vô, sanh diệt
để nói, để chỉ về chỗ phi hữu phi vô, không hư không
thật, nên không biết đường nào, chỗ nào mà chỉ (không
biết dùng từ ngữ thích hợp) mới khiến câu trên thành
tắt nghĩa, tối nghĩa. Bỡi vì trong khi dịch, người ta có
tự làm "một" tự tánh đâu, có làm một với Phật tâm đâu,
có làm một trong tánh sáng của Bát-nhã trí đâu! Vì cốt
tuỷ của Kim-Cang Bát-nhã là Bát-nhã-trí, mà khi dịch, khi
giảng giải không đồng làm một với tánh trí này thì làm
sao chỗ dịch ấy có thể gọi là như thật như tánh Bát-nhã
Kim-cang, có thể đúng như thật cái chỗ mà ông Phật-Việt
muốn chỉ, khiến ánh sáng của tánh trí này dễ dàng thâm
nhập và làm bừng sáng cái tâm (đang bị tập nhiễm vô
minh che lấp) của người học đạo.
Đành
rằng chữ nghĩa không thể dính dấp được tới "nó", miệng
mồm tri thức không thể với được tới nó, nhưng không phải
như thế là không có cách chỉ ra để người ta có thể tự
nhận biết nó, tự thâm nhập nó, tự làm một với nó. Đức
Phật đã dùng trí huệ của bậc toàn giác phát minh các "pháp"
phương tiện hy hữu để chỉ cho chúng sanh biết đường tự
giải thoát mình khỏi cái biết trói buộc nhị nguyên, luân
hồi nhơn quả, bằng cách giác ngộ tánh biết bổn lai,
cũng là thể nhập Phật tri kiến. Những pháp ấy không từng
lìa Phật tánh mà thuyết nên người dịch pháp âm kia cũng
phải nên không ra ngoài Phật tâm mà dịch, tức không lìa
tự tánh Phật mà dịch; riêng trường hợp này nên không lìa
trí Bát-nhã mà dịch Kim-Cang thì mới không mắc lỗi với
người xưa, cũng như mới có thể biết như thật chỗ dịch
đó không làm mất ý chỉ của chư Phật, chắc chắn có thể
dùng làm phương tiện để độ người, cũng là thành tựu
chút công đức nhỏ nhoi để đền ơn ba đời chư Phật.
Ở
đây, chữ hữu trụ có ý nghĩa rất rõ ràng và phải được
hiểu là chỗ có "năng trụ sở trụ" của bản ngã trói buộc
nhơn quả, trói buộc sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp; còn
phi trụ phải được hiểu là "thường trụ" pháp
giới, thì mới thấy được câu kinh ngắn gọn, súc tích ấy
hàm chứa một ý nghĩa to lớn, sâu rộng, rõ ràng và sáng
trong là không nên trụ vào bất cứ gì; một khi không trụ
vào sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp thì hành giả ắc dễ
trực ngộ cái chỗ "không chỗ trụ" kia, là "thường
trụ pháp giới", là tự tại, là giải thoát, cũng tức
là đồng một ý nghĩa như câu "Ly nhứt thiết tướng
tức danh chư Phật" ở trong kinh …vv.
Thứ
hai : Tánh biết, Tri-thức phân biệt và Pháp Phật.
Những
lời dạy của đức Phật trong ba tạng kinh điển, cũng như
của chư Tổ trong các ngữ-lục, ta gọi là Pháp Phật, là
chân lý, đúng đắng trăm phần. Tuy nhiên, những thứ đó
cũng đều là sản phẩm tinh thần của các Ngài, được các
Ngài vận dụng trí huệ một cách tài tình thành thứ ngôn
ngữ rốt ráo, vượt thoát sự trói buộc của khái niệm nhị
nguyên, để dùng làm phương tiện cho những người căn cơ
bậc cao, biết trên lời vượt ý mà thâm nhập làm một cùng
chỗ các Ngài, cũng là chỉ về Phật tri kiến. Nghĩa là cũng
bao nhiêu chữ nghĩa ấy, nhưng nó chỉ riêng dành cho những
người căn cơ trí tuệ, phước đức sâu dày, biết vận dụng
trực giác để thâm nhập cái chỗ ẩn áo bên trong mặt chữ
nghĩa kia để khám phá chỗ các Ngài ngay ấy đang-là, cũng
là trực ngộ tánh biết bổn lai, là diệu nhập Phật tri kiến.
Còn
nếu không được như vậy, tức những người trung hạ căn,
không có trực giác mạnh mẽ, tuy vẫn đối diện với bao
nhiêu chữ nghĩa ấy, nhưng chỉ biết dùng tri thức được
tích góp bằng kinh nghiệm hay dùng tình tưởng giác quan để
tìm hiểu nó, thì sự hiểu biết này cùng "chỗ các Ngài"
không dính dấp.
Các
bậc thượng thủ ngày xưa mượn chữ nghĩa, tức những ký
hiệu nhằm biểu thị trí huệ, hồn thiêng linh động muôn
năm của các Ngài thành lời, thành chữ, rồi ghi chép, kết
tập để lại cho đời sau làm phương tiện tự độ, như
mượn tay chỉ trăng, mà ta gọi là có pháp để học, để
tu. Những ai biết vận dụng căn trí và tâm tu để nương
theo các pháp ấy mà thâm nhập làm một hồn thiêng linh động
muôn năm ấy thì thành công, liền cùng các Ngài một chỗ
đang-là. Nhưng cũng tức khắc ngay đó, người ấy liền cười
ồ, bỡi vừa chợt biết như thật, những pháp kia chỉ là
phương tiện quyền xảo, được các Ngài vận dụng trí huệ
giải thoát mà giả lập để độ người căn cơ, chứ không
phải thật có. Tuy nhiên, ta cũng không thể nói là không có
pháp. Bỡi nếu không mượn ngón tay kia chỉ chỏ thì làm sao
ta thấy được trăng, không có thuyền bè kia thì làm sao ta
qua sông được. Nhưng cái ý cốt lõi mà Tổ, Phật thường
nhắc nhở chúng ta, đó là, tất thảy pháp cũng đều là phương
tiện, qua được bờ kia mới là cứu cánh, nên không nên chấp
trước vào pháp, dù là pháp tối ưu của Phật.
|