Tổ Sư Thiền - Nam Tuyền Ngữ Lục

 


 
 
c
Nam Tuyền Ngữ Lục
(Trích dịch trong Chỉ Nguyệt Lục)
Dịch giả: Thích Duy Lực
 

Trì Châu Nam Tuyền Phổ Nguyện Thiền Sư quê ở Tân Trịnh, Trịnh Châu, họ Vương, theo Đại Hoè Sơn, Đại Huệ thiền sư xuất gia, đến Tung Nhạc thọ giới cụ túc. Ban sơ theo Pháp Tướng Tông, học giáo lý và giới luật, sư đi các nơi nghe giảng Kinh Pháp, như kinh Lăng Già, kinh Hoa Nghiêm v.v. rồi đi sâu vào 

Trung Quán Luận, Bách Môn Luận, sư thấu suốt diệu nghĩa của tất cả kinh luận. Sau cùng đến Thiền hội của Mã Tổ Đạo Nhất Thiền Sư tham vấn, bỗng nhiên được khai ngộ, đắc du hý tam muội. Sư làm hành đơn (chức làm trong phòng ăn) nơi thiền hội Mã Tổ. Một ngày kia, sư đang dọn cháo cho chư tăng, 

Mã Tổ hỏi: "Trong thùng (đựng cháo) là cái gì?" Sư đáp: "Ông già này, bịt miệng đi, nói lời thế này!" Mã Tổ bèn thôi. Từ đó, các đồng tham chẳng ai dám cật vấn sư.

Năm mười một niên hiệu Trinh Quang nhà Đường, sư làm trụ trì ở Trì Dương, ba mươi mấy năm chẳng xuống núi Nam Tuyền. Các tòng lâm tôn ngài là một vị thiền sư nổi bật.

Dưới núi Nam Tuyền có một am chủ; có người nói với am chủ rằng: "Gần đây có hòa thượng Nam Tuyền ra đời, tại sao không đi để yết kiến." Vị am chủ nói: "Chẳng những Nam Tuyền ra đời, dẫu cho ngàn Phật ra đời, tôi cũng không đi." Sư nghe rồi, sai đệ tử là Triệu Châu đi khám xét. Triệu Châu đi từ đông qua tây, từ tây qua đông, am chủ cũng chẳng màng. Châu nói: "Thảo tặc đại bại", rồi buông rèm xuống đi về, kể lại với sư, sư nói: "Xưa nay ta nghi ông này." Ngày hôm sau, sư cùng sa di đem một bình trà với ba cái chén đến am, liệng xuống đất, rồi nói: "Hôm qua đó, hôm qua đó." Am chủ hỏi: "Hôm qua đó là gì?" Sư đánh vào lưng vị sa di một cái và nói: "Chớ gạt ta! Chớ gạt ta!" Và liền quay đầu trở về. Sư thượng đường (thăng tòa) rằng: "Phật Nhiên Đăng đã nói rồi, nếu do tâm thức suy nghĩ sanh ra các Pháp, đều hư giả chẳng thật. Tại sao? Vì tâm còn chẳng có, làm sao sanh ra các Pháp, giống như lấy hình ảnh để phân biệt hư không, như lấy âm thanh để trong rương, cũng như thổi mạng lưới muốn cho đầy." Nên Lão Túc (Mã Tổ) nói: "Chẳng phải Tâm, chẳng phải Phật, chẳng phải Vật, để dạy các anh em thực hành. Căn cứ lời Phật, thập địa bồ tát trụ Thủ Lăng Nghiêm tam muội, đắc pháp tạng bí mật của chư Phật, đắc tất cả thiền định giải thoát, thần thông diệu dụng, đến tất cả thế giới phổ hiện sắc thân, thị hiện thành Đẳng Chánh Giác, chuyển đại Pháp luân, nhập niết bàn, đem vô lượng nhập vào một lỗ chân lông, giảng một câu kinh trải qua vô lượng kiếp, nghĩa cũng chưa hết, giáo hóa vô lượng chúng sanh, đắc vô sanh pháp nhẫn, còn bị gọi là sở tri ngu, cực vị tế sở tri ngu, toàn trái với đạo, thực khó! thực khó! Trân trọng (cáo biệt)."(Nếu chấp theo những lời kể trên làm sở tri, thì bị gọi là sở tri ngu)

Sư thượng đường rằng: "Các ông, lão tăng từ 18 tuổi đã biết cách làm kế sống, nay hễ có kẻ nào cũng biết cách làm kế sống thì ra đây cùng nhau thương lượng. Phải là người trụ núi mới được." (Người trụ núi nghĩa là người sau khi ngộ). Lương cửu (cách một lát sau), sư nhìn khắp đại chúng, hiệp chưởng (chắp tay) nói: "Trân trọng, vô sự hãy mỗi mỗi tự tu hành đi." Đại chúng đứng yên chẳng giải tán. Sư nói: "Thánh quả rất đáng sợ, người siêu việt số lượng còn chẳng nại hà (giống như không có cách nào đối phó), ta lại chẳng phải nó, nó lại chẳng phải ta - nó làm sao nại hà ta - những nhà kinh luận nói pháp thân là cùng tột, gọi là lý tận tam muội, nghĩa tận tam muội. Như lão tăng, khi xưa bị người dạy cách phản bổn hoàn nguyên, hiểu theo như thế là việc tai họa. Các anh em, gần đây thiền sư quá nhiều, muốn tìm một người ngu độn chẳng thể được. Chẳng phải hoàn toàn không có, nhưng mà rất ít, nếu có thì ra đây cùng ta thương lượng. Như thời không kiếp, có người tu hành hay không? Có hay không? Sao chẳng ai đáp? Các ông bình thường lưỡi như dao bén (biện luận rất hay), nay ta hỏi đều không mở miệng, tại sao không ra đây nói? Các anh em, chẳng kể việc lúc Phật ra đời. Mọi người hiện nay cứ gánh Phật trên vai mà đi, nghe lão tăng nói: "Tâm chẳng phải Phật, Trí chẳng phải Đạo. Bèn tụ nhau suy đoán. Lão tăng chẳng có chỗ để các ông suy đoán, nếu các ông rút hư không làm cây gậy, đánh được lão tăng, thì mặc kệ các ông suy đoán. Lúc ấy có tăng hỏi, từ xưa chư tổ cho đến Giang Tây Mã Tổ đều nói: "Tức tâm là Phật, bình thường tâm là Đạo." Nay hòa thượng nói Tâm chẳng phải Phật, Trí chẳng phải Đạo, khiến học nhơn rất sanh nghi hoặc, xin hòa thượng từ bi chỉ dạy." Sư lớn tiếng đáp rằng: "Ông nếu là Phật, thì còn gì để nghi Phật như thế. Lão tăng chẳng phải Phật, cũng chẳng gặp Tổ Sư, ông nói như thế hãy tự tìm Tổ Sư đi." Tăng nói: "Hòa thượng dạy thế này, bảo học nhơn làm sao hộ trì được", sư nói: "Ông mau dùng tay nâng hư không đi."

Tăng nói: "Hư không chẳng tướng động làm sao nâng?" Sư nói: "Ông nói chẳng tướng động đã là động rồi, hư không làm sao biết nói chẳng tướng động, đây đều là kiến giải, tình chấp của ông thôi."

Tăng nói: "Hư không chẳng tướng động còn là tình chấp, vậy hồi nãy bảo con nâng vật gì?"

Sư nói: "Ông đã biết chẳng nên nói nâng, còn tính ở đâu hộ trì nó?"

Tăng hỏi: "Tức Tâm là Phật, Tâm ấy làm Phật được chăng?" Sư đáp: "Tức Tâm là Phật, Tâm ấy là Phật thuộc về tình chấp, đều do suy tưởng mà thành. Phật là trí nhơn, tâm là chủ chiêu tập nghiệp. Lúc đối vật mới có diệu dụng, Đại đức chớ nhận tâm nhận Phật. Nếu nhận được là cảnh, bị gọi là sở tri ngu. Nên Giang Tây Mã Tổ nói, chẳng phải Tâm, chẳng phải Phật, chẳng phải Vật để dạy người đời sau thực hành. Hiện nay kẻ học đạo đắp y đi khắp nơi, nghi việc không đáng kể như thế này còn được chăng?"

Tăng nói: "Đã chẳng phải Tâm, chẳng phải Phật, chẳng phải Vật, nay hòa thượng còn nói Tâm chẳng phải Phật, Trí chẳng phải Đạo, thật chưa rõ là thế nào?"

Sư nói: "Ông chẳng nhận tâm là Phật, Trí là Đạo, lão Tăng thì chẳng đắc tâm, vậy còn dính mắc chỗ náo?"

Tăng nói: "Thảy đều không được, đâu khác gì thái hư."

Sư nói:

-Đã chẳng phải vật, so thái hư cái gì? Lại bảo khác hay chẳng khác.

Tăng nói:

-Chẳng lẽ cũng không có "chẳng phải Tâm, chẳng phải Phật chẳng phải Vật" luôn chăng?

Sư nói:

-Ông nếu nhận cái này thì lại thành Tâm thành Phật rồi!

Tăng nói:

-Xin Hòa thượng giải thích.

Sư nói:

-Lão tăng tự chẳng biết.

Tăng nói:

-Tại sao chẳng biết?

Sư nói:

-Bảo ta nói gì?

Tăng nói:

-Chẳng lẽ không cho học nhân hội đạo?

Sư nói:

-Hội đạo nào? Làm sao mà hội?

Tăng nói:

-Con không biết!

Sư nói:

-Không biết thì tốt. Nếu chấp lấy lời lão tăng thì gọi là người y thông (y là dựa theo). Nếu gặp Di Lặc ra đời, thì sẽ bị ngài nắm tóc.

Tăng nói:

-Làm sao dậy kẻ hậu học đời sau?

Sư nói:

-Ông hãy tự khán, chớ lo người đời sau!

Tăng nói:

-Hồi nãy không cho con hội đạo, nay lại bảo con tự khán, thực con chưa rõ.

Sư nói:

-Âm thầm hội, diệu hội. Cho ông hội thế này.

Tăng nói:

-Thế nào là diệu hội?

Sư nói:

-Còn muốn học lời lão tăng! Dẫu nói được, cũng là lời của lão tăng, ông còn muốn làm sao?

Tăng nói:

-Con nếu tự hội được thì chẳng phiền hòa thượng. Nay con xin hòa thượng dậy bảo.

Sư nói:

-Chẳng lẽ chỉ đông chỉ tây để gạt người. Lúc ông còn mới bập bẹ sao không đến hỏi lão tăng, nay lại làm tài khôn nói ta chẳng hội, mong muốn cái gì? 

-Ông ló đầu ra nói ta xuất gia làm thiền sư, vậy lúc chưa xuất gia đã từng làm cái gì? Hãy thử nói xem, ta sẽ cùng ngươi thương lượng.

Tăng nói:

-Lúc bấy giờ con không biết.

Sư nói:

-Đã không biết thì nay nhận được này nọ là phải chăng?

Tăng nói:

-Nhận được đã chẳng phải, chẳng nhận phải chăng?

Sư nói:

-Nhận với chẳng nhận là lời nói gì?

Tăng nói:

-Đến chỗ này con càng chẳng hội được.

Sư nói:

-Ông nếu chẳng hội ta còn chẳng hội hơn.

Tăng nói:

-Con là học nhân nên chẳng hội, còn hòa thượng là thiện tri thức thì phải hội.

Sư nói:

-Ông này! Đã nói với ông chẳng hội thì còn ai mà luận thiện tri thức. Chớ làm tài khôn! Xem khi Mã Tổ còn tại thế, có một học sĩ hỏi "Như nước không gân xương, nâng ghe muôn ngàn tấn. Lý này là thế nào? Mã Tổ nói: Ở đây chẳng nước cũng chẳng ghe, luận gì gân xương." Học sĩ liền thôi. Như thế phải ít phí sức không? Cho nên ta thường nói: "Phật chẳng hội đạo, ta tự tu hành, vậy cần biết làm gì?

Tăng nói:

-Thế thì làm sao tu hành?

Sư nói:

-Không thể suy lường được. Nói với ngươi tu như vậy, hành như vậy, thực khó.

Tăng nói:

-Vậy còn cho học nhân tu hành hay không?

Sư nói:

-Lão tăng chẳng thể chướng ngại ngươi.

Tăng nói:

-Con làm sao tu hành?

Sư nói:

-Muốn hành thì hành, cứ tìm hỏi người khác.

Tăng nói:

-Nếu chẳng nhờ thiện tri thức chỉ thị, làm sao hội được. Như hòa thượng thường nói tu hành cần phải hiểu mới được. Nếu không hiểu thì e lọt vào nhân quả, chẳng có phần tự do. Chưa rõ tu hành thế nào mới khỏi lọt vào nhân quả.

Sư nói:

-Chẳng cần thương lượng. Nếu nói đi tu hành, chỗ nào không đi được.

Tăng nói:

-Làm sao đi được?

Sư nói:

-Chẳng lẽ tùy người mà tìm được.

Tăng nói:

-Hòa thượng chưa nói, bảo con làm sao tìm?

Sư nói:

-Dẫu cho nói, đi chỗ nào tìm? Như ông từ sáng tới chiều đi đông đi tây, thương lượng với ai? Được hay không được. Người khác làm sao mà biết.

Tăng nói:

-Lúc đi đông đi tây đều không suy nghĩ, phải chăng?

Sư nói:

-Lúc ấy ai nói phải với chẳng phải.

Tăng nói:

-Hòa thượng thường nói "Ta ở tất cả nơi mà vô sở hành, tất cả nơi câu thúc ta chẳng được, gọi là biến hành tam muội, phổ hiện sắc thân", tức là lý này chăng?

Sư nói:

-Nếu kẻ tu hành chỗ nào chẳng đi được, chẳng nói câu với bất câu, cũng chẳng nói tam muội.

Tăng nói:

-Vậy khác gì có pháp để đắc bồ đề đạo?

Sư nói:

-Chẳng kể khác hay chẳng khác.

Tăng nói:

-Cái thuyết tu hành của hòa thượng siêu việt và khác với đại thừa, chưa rõ thế nào?

Sư nói:

-Chẳng quản khác hay chẳng khác. Ta chưa từng học. Nếu muốn xem giáo thì có tọa chủ, kinh luận. Các nhà giáo môn thật rất đáng sợ. Ông hãy đi nghe tốt hơn.

Tăng nói:

-Rốt cuộc khiến học nhân làm sao mà hội.

Sư nói:

-Theo sự hỏi của ông vốn chỉ ở bên nhân duyên, thấy ông còn chẳng nại hà. Duyên là nhận được vật trên sáu cửa. Ông hãy hội bên Phật rồi đến thương lượng với ta. Chớ truy tìm thế này, chẳng phải thế này, chớ lấy lời cổ nhân hành hạnh bồ tát. Duy có một người hành thiền, ma Ba Tuần lãnh các quyến thuộc thường theo dõi sau lưng bồ tát, tìm chỗ tâm hành khởi lên liền chộp ngã. Nhưng trải qua vô lượng kiếp tìm chỗ một niệm khởi cũng chẳng thể được, mới cùng quyến thuộc lễ tạ, tán thán cúng dường, ấy còn là cấp bậc tiến tu, người trung hạ căn lại chẳng nại hà, huống là chỗ tuyệt công dụng, như Văn Thù, Phổ Hiền thì khỏi cần nói. Thế nào là đạo hành của ông? Là có hay không? Tìm người hành một ngày cũng chẳng thể được. Hiện nay cứ từ đầu năm đến cuối năm đi khắp nơi chỉ là tìm cứu cánh làm cái gì? chỉ là đầu môi chót lưỡi sinh ra kiến giải.

Tăng nói:

-Lúc bấy giờ chẳng tên Phật, chẳng tên chúng sanh, khiến con làm sao suy nghĩ thực hành.

Sư nói:

-Ông nói chẳng tên Phật chẳng tên chúng sanh đã là suy nghĩ rồi, cũng là nhớ lời người khác.

Tăng nói:

-Nếu như thế tất cả đều thuộc về việc lúc Phật ra đời, chẳng thể không nói.

Sư nói:

-Ông làm sao nói?

Tăng nói:

-Giả sử nói, nói cũng không tới.

Sư nói:

-Nếu nói là nói không tới, là lời tới. Ông uổng công truy tìm, ai làm cảnh cho ông tìm.

Tăng nói:

-Đã không vì làm cảnh, ai là người bên kia?

Sư nói:

-Nếu ông không dẫn chứng giáo lý thì nơi nào để luận Phật. Đã chẳng luận Phật, lão tăng luận với ai mà nói bên đây bên kia.

Tăng nói:

-Quả dù chẳng trụ đạo, nhưng đạo hay làm nhân, là nghĩa thế nào?

Sư nói:

-Ấy là lời cổ nhân. Hiện nay không thể không trì giới. Ta chẳng phải nó, nó chẳng phải ta. Cứ làm theo như con trâu con chồn! Hễ nổi lên một niệm thấy khác thì khó mà tu hành.

Tăng nói:

-Một niệm thấy khác thì khó mà tu hành là thế nào?

Sư nói:

-Mới một niệm thấy khác liền có hai gốc tốt xấu. Chẳng phải tình kiến đuổi theo nhân quả họ, lại còn có phần tự do gì?

Tăng nói:

-Thường nghe hòa thượng dậy Báo thân Hóa thân đã chẳng phải Phật thật, vậy Pháp thân là Phật thật chăng?

Sư nói:

-Đã là Ứng thân rồi!

Tăng nói:

-Nếu như thế này thì Pháp thân cũng chẳng phải Phật thật.

Sư nói:

-Pháp thân là thật hay chẳng thật, lão tăng không lưỡi, không nói được, ông bảo ta nói là được thì được.

Tăng nói:

-Ngoài lìa tam thân, pháp nào là Phật thật.

Sư nói:

-Ông này! Cùng ông già tám chín chục tuổi chửi lộn, nói với ông rồi đó, còn hỏi gì lìa, chẳng lìa, bộ muốn đem đinh đóng hư không hay sao?

Tăng nói:

-Theo kinh Hoa Nghiêm là Pháp thân Phật thuyết, là thế nào?

Sư nói:

-Ông vừa nói lời gì?

Tăng nhắc lại.

Sư nhìn qua nhìn lại rồi than:

-Nếu là Pháp thân thuyết, ông hướng vào chỗ nào để nghe?

Tăng nói:

-Con chẳng hội.

Sư nói:

-Thực khó, thực khó. Ông xem Tọa chủ Lượng là người Tứ Xuyên biết giảng ba mươi hai bộ kinh luận, lúc đang giảng ở tỉnh Giang Tây, có dịp đến tham vấn Mã Tổ trong Khai Nguyên Tự. Mã Tổ hỏi: "Nghe nói Tọa chủ hay giảng kinh, phải chăng?" Tọa chủ nói: "Không dám". Mã Tổ nói: "Đem cái gì để giảng?" Tọa chủ nói: "Đem tâm để giảng". Mã Tổ nói: "Tâm như người múa rối, ý như người hòa nhạc, làm sao giảng được?" Tọa chủ nói: "Vậy có lẽ hư không giảng được chăng?" Mã Tổ nói: "Đúng là hư không giảng được". Tọa chủ quay lưng đi liền. Mã Tổ lớn tiếng gọi: "Tọa chủ!" Tọa chủ quay đầu lại. 

Mã Tổ lớn tiếng: "Là cái gì?", tọa chủ liền khai ngộ. Ông xem thử, mau không?

Tăng nói:

-Căn cứ lời hòa thượng tức là Pháp thân thuyết pháp.

Sư nói:

-Nếu hội như thế đã là Ứng thân rồi.

Tăng nói:

-Đã là Ứng thân há chẳng có người thuyết pháp?

Sư nói:

-Ta không biết.

Tăng nói:

-Con không hội.

Sư nói:

-Không hội thì tốt, khỏi cùng nó phân giải nữa.

Tăng hỏi:

-Trong kinh nói chỗ Pháp thân Đại Sĩ hội ngộ tức thấy Pháp thân Phật. Địa vị bồ tát tức thấy Báo thân Phật. Nhị thừa chỉ thấy Hóa thân Phật là lý này chăng?

Sư nói:

-Mắt ta chưa từng xem kinh giáo, lỗ tai cũng chưa từng nghe. Ông tự xem lấy. Nếu ghi nhớ như thế thì sau này mới chẳng nại hà. Giống như người chơi hạt châu, nói ánh sáng hạt châu chiếu cùng khắp, có đĩa vàng thì phản chiếu được, bỗng bị lấy mất đĩa vàng thì chỗ nào chơi châu, chỗ nào tìm ánh sáng khắp với chẳng khắp.

Tăng lễ bái.

Sư cười rằng:

-Thực khó, thực khó. Cổ nhân mắng ông là hạng thợ săn ngư phủ, cũng là người đem phẩn vào. Trân trọng.

Triệu Châu hỏi:

-Đạo chẳng phải ngoài vật. Ngoài vật chẳng phải đạo. Thế nào là đạo ngoài vật?

Sư liền đánh. Triệu Châu nắm lấy gậy rằng:

-Về sau chớ đánh lầm người.

Sư nói:

-Rồng rắn dễ phân biệt. Nạp tử (tu sĩ) khó lừa gạt.

Bình: Tuyết Đậu Hiển thiền sư nói: "Triệu Châu như rồng không sừng, như rắn có chân. Lúc ấy không kể "tận pháp vô dân", cần phải cho ăn gậy rồi đuổi ra".

* *

Lúc đang thưởng trăng, tăng hỏi:

-Bao giờ được giống như cái này?

Sư nói:

-Vương lão sư hai mươi năm trước cũng như thế này.

Tăng nói:

-Vậy hiện nay thì làm sao?

Sư bèn về phương trượng.

* *

Một hôm sư hỏi Huỳnh Bá:

-Vàng vòng làm thế giới. Bạc trắng làm vách tường. Đấy là chỗ người gì ở?

Bá nói:

-Là chỗ thánh nhân ở.

Sư nói:

-Còn có một người ở quốc độ nào?

Bá Khoanh tay đứng yên. Sư nói:

-Nói chẳng được sao không hỏi Vương lão sư?

Bá hỏi lại:

-Còn có một người ở quốc độ nào?

Sư nói:

-Đáng tiếc thay!

*

* *

Sư hỏi Huỳnh Bá:

-Định huệ đẳng học, minh kiến Phật tánh, lý này thế nào?

Bá nói:

-Trong mười hai thời chẳng y dựa một vật.

Sư nói:

-Ấy là chỗ thấy của Trưởng lão chăng?

Hoàng Bá nói:

-Không dám.

Sư nói:

-Tiền nước tương tạm gác một bên. Tiền dép cỏ bảo ai trả?

Bình: Diệu Hỷ Đại Huệ thiền sư nói:

-Không thấy lời rằng "Lộ phùng Kiếm Khách tu trình Kiếm, Bất thị thi nhân mạc hiến thi".

*

* *

Sư tham vấn Bá Trượng Niết Bàn hòa thượng. Trượng hỏi:

-Từ xưa chư thánh còn có pháp nào chẳng vì người mà thuyết chăng?

Sư nói:

-Có.

Trượng nói:

-Thế nào là Pháp chẳng vì người mà thuyết?

Sư nói:

-Chẳng phải tâm, chẳng phải Phật chẳng phải Vật.

Trượng nói:

-Đã thuyết rồi đó.

Sư nói:

-Con chỉ biết như thế. Hòa thượng làm thế nào?

Trượng nói:

-Ta chẳng phải Đại thiện tri thức, đâu biết thuyết hay chẳng thuyết.

Sư nói:

-Con chẳng hội.

Trượng nói:

-Ta đã quá sức vì ngươi mà nói rồi vậy.

Bình: Tuyết Đậu Hiển thiền sư tụng rằng:

Phật Tổ từ xưa chẳng vì người.

Nạp tăng xưa nay đua nhau chạy.

Trên đài gương sáng tượng khác biệt

Mỗi mỗi hướng Nam nhìn Bắc Đẩu

Chuôi Bắc Đẩu

Không chỗ thảo (thảo nghĩa là tìm lấy)

Bắt được lỗ mũi lại mất khẩu

*

* *

Sư và Lỗ Tổ, Qui Tông, Sam Sơn bốn người lìa nơi Mã Tổ, mỗi người đều muốn đi tìm nơi ở. Nửa đường chia tay, Sư cắm cây gậy xuống nói:

-Nói được cũng bị cái này chướng ngại, nói không được cũng bị cái này chướng ngại.

Qui Tông nhổ cây gậy lên, đánh Sư rồi nói:

-Cũng chỉ là Vương lão sư này thôi. Nói gì ngại, chẳng ngại.

Lỗ Tổ nói:

-Chỉ một lời nói này, truyền bá khắp thiên hạ.

Qui Tông nói:

-Còn có kẻ không truyền bá chăng?

Lỗ Tổ nói:

-Có!

Qui Tông nói:

-Thế nào là kẻ không truyền bá. Lỗ Tổ làm thế muốn bạt tai.

*

* *

Sư cùng Lỗ Tổ, Sam Sơn, Qui Tông đang uống trà. Lỗ Tổ giơ chén trà lên nói:

-Lúc thế giới chưa thành đã có cái này.

Sư nói:

-Người thời nay chỉ biết cái này, chưa biết thế giới.

Qui Tông nói:

-Phải!

Sư nói:

-Bộ Sư huynh đồng ý kiến này chăng?

Qui Tông lại nâng chén trà lên nói:

-Hướng vào lúc thế giới chưa thành, nói được chăng?

Sư giơ tay làm thế muốn bạt tai. Qui Tông đưa mặt làm thế muốn nhận.

*

* *

Ma Cốc cầm tích trượng đến Chương Kỉnh, nhiễu thiền sàng ba vòng rồi dộng tích trượng một cái, nghiêm mặt đứng thẳng. Chương Kỉnh nói:

-Phải! Phải!

Bình: Tuyết Đậu nói:

-Sai!

Ma Cốc lại đến chỗ Sư, cũng nhiễu thiền sàng ba vòng rồi cũng dộng tích trượng một cái, nghiêm mặt đứng thẳng. Sư nói:

-Chẳng phải! Chẳng phải!

Bình: Tuyết Đậu nói:

-Sai!

Ma Cốc nói:

-Chương Kỉnh nói phải, tại sao hòa thượng lại nói chẳng phải?

Sư nói:

-Chương Kỉnh thì phải, là ông chẳng phải. Đó là sức gió sở chuyển, chung qui bại hoại.

Bình: Tuyết Đậu tụng:

Này sai kia sai

Rất kî liệng bỏ

Bốn biển sóng yên

Trăm sông triều xuống

Cổ sắc phong cao thập nhị môn

Môn môn hữu lộ không tiêu điều.

Phi tiêu điều

Trăm năm ham cầu thuốc không bịnh

*

* *

Viên Ngộ Cần thiền sư rằng:

-Cần phải nhận lấy hai "Sai" mới được. Tuyết Đậu muốn đề chỗ hoạt bát nên như thế. Nếu mà thằng dưới da có máu, tự nhiên chẳng hướng vào ngôn cú để hiểu. Có người nói Tuyết Đậu thay cho Ma Cốc dùng hai chữ "Sai" này, có dính dáng gì đâu! Đâu biết cổ nhân dùng lời nói là khóa chặt quan ải. Bên đây cũng phải, bên kia cũng phải, rốt cuộc chẳng ở hai đầu này.

Khánh tạng chủ nói:

-Cần tích trượng nhiễu thiền sàng như phải và chẳng phải đều sai. Kỳ thực ý cũng chẳng ở đây.

Quy Sơn Mai thiền sư rằng:

-Chương Kỉnh nói "phải" cũng lọt vào trong vòng của Ma Cốc. Nam Tuyền nói "chẳng phải" cũng lọt vào trong vòng của Ma Cốc. Đại Quy thì không như vậy. Bỗng có người cầm tích trượng, nhiễu thiền sàng ba vòng, nghiêm mặt đứng thẳng, chỉ hướng họ rằng:

-Khi chưa đến đây, nên cho ba chục gậy.

*

* *

Diêm Quan thiền sư dậy chúng rằng:

-Hư không làm trống, tu di làm chùy. Người nào đánh được?

Không ai trả lời.

Có tăng kể lại với Sư. Sư nói:

-Vương lão sư không đánh cái trống bể này!

Bình: Pháp Nhân thiền sư nói cách khác rằng:

-Vương lão sư không đánh.

Huỳnh Long Tâm thiền sư rằng:

-Nam Tuyền Pháp Nhân chỉ biết nhìn trước, chẳng biết dòm sau. Cũng như Diêm Quan nói hư không làm trống Tu Di làm chùy, chỗ nào là chỗ bể. Còn kiểm điểm ra được chăng? Dẫu cho kiểm điểm được chỗ bể rõ ràng, ta còn muốn hỏi ngươi tìm trống đó!

*

* *

Sư với Qui Tông, Ma Cốc cùng nhau đi tham lễ Nam Dương quốc sư. Sư ở trên đường vẽ một vòng tròn, rằng:

-Nói được thì đi.

Qui Tông liền ngồi trong vòng tròn Ma Cốc bèn lạy kiểu người nữ. Sư nói:

-Thế này thì không đi.

Qui Tông nói:

-Là tâm hạnh gì?

Sư liền rủ tất cả quay về, không đi tham lễ quốc sư nữa.

Bình: Tuyết Đậu tụng rằng:

Dưỡng Do Cơ bắn vượn

Nhiễu cây sao quá thẳng!

Ngàn con và muôn con

Ấy là ai bi trúng?

Gọi nhau, rủ nhau

Đi về đi!

Trên đường Tào Khê chớ leo dốc.

Lại nói đường Tào Khê bằng phẳng

Tại sao chớ leo dốc.

*

* *

Có một tọa chủ từ giã Sư. Sư hỏi:

-Đi chỗ nào?

Đáp:

-Đi dưới núi.

Sư nói:

-Đệ nhất không được báng Vương lão sư?

Đáp:

-Đâu dám báng hòa thượng!

Sư làm bộ hắt xì, hỏi:

-Bao nhiêu?

Tọa chủ bèn ra đi.

Bình: Vân Cơ Ân thiền sư rằng:

-Phi Sư bổn ý

Tiên Tào Sơn rằng:

-Lì!

Thạch Sơn thiền sư rằng:

-Chẳng vì người thương lượng.

Trường Khánh thiền sư rằng:

-Xin lãnh lời.

Vân Cơ Tích thiền sư rằng:

-Tọa chủ lúc ấy ra đi là hội hay chẳng hội?

*

* *

Ngài khai thị rằng:

-Chân lý nhất như (bất nhị) mạc hạnh, mạc dụng, chẳng có người biết gọi là vô lậu trí, cũng là tánh bất động, vô lậu bất khả tư nghì, tánh không v.v... 

Chẳng phải dòng sanh tử, đạo là đại đạo vô ngại niết bàn, diệu dụng tự đầy đủ mới được chỗ hành khắp nơi mà được tự tại. Nên nói nơi chư hành xứ mà vô sở hành, cũng gọi là biến hành tam muội, phổ hiện sắc thân.

Chỉ vì chẳng có người biết chỗ dụng của nó vốn chẳng có tông tích, chẳng thuộc kiến văn giác tri, chân lý tự thông, diệu dụng tự đầy đủ. Đại đạo vô hình, chân lý vô đối, nên chẳng thuộc kiến văn giác tri, chẳng có tư tưởng thô hay tế, như nói chẳng nghe mà nghe là đại niết bàn. Cái việc này chẳng phải nghe hay không nghe.

Tăng hỏi:

-Đại đạo chẳng thuộc kiến văn giác tri, vậy làm sao khế hội (lãnh hội)

Ngài đáp:

-Cần âm thầm khế hội thì tự thông. Cũng nói liễu nhân chẳng từ kiến văn giác tri mà có, kiến văn giác tri thuộc về duyên, đối vật mới có, Đại đạo linh diệu, bất khả tư nghì, chẳng phải có đối nên nói diệu dụng tự thông, chẳng y dựa vật nào, cho nên đạo thông chẳng phải y thông. Y thông phải nhờ vật mới được sự thấy, đại đạo thì chẳng nhờ vật.

Nên nói đạo chẳng phải pháp sáng tối, lìa có lìa không, lý tiềm ẩn âm thầm tự thông, chẳng có người biết, cũng nói thầm hội chân lý, chẳng phải kiến văn giác tri. "Tâm ngưng (thôi nghỉ) đặc bổn nguyên, nên gọi như như Phật, là người tự tại cứu cánh vô y cũng gọi là bổn quả, chẳng từ nhân sanh mà sanh. Văn thù nói: "Chỉ (duy nhất) liễu nhân mà liễu, chẳng từ nhân sanh mà sanh" (liễu nhân là chẳng có nhân sanh khởi, sanh nhân là có cái nhân sanh khởi). Sư 

Nam Tuyền nói tiếp: Từ xưa đến nay chỉ bảo người ngộ đạo, chớ nên cầu cái khác. Nếu suy nghĩ ra được đạo lý cao siêu đều thuộc về cú nghĩa (nghĩa chữ). 

Nghĩa lý tam thừa ngũ tánh là chỗ hành, nói chỗ thọ dụng hằng ngày đầy đủ thì được, nói đạo thì chẳng phải. Nếu chấp thật thì bị ý thức trói buộc, gọi là thế gian trí. Theo giáo môn nói: nếu học giả cứ chấp thật tam tạng giáo điển (kinh luật luận) thì thành thợ săn, ngư phủ vì lợi dưỡng mà tổn hại đại thừa, cũng là tập khí tham dục. Cho nên Cổ Đức nói: Phật chẳng hội đạo ta tự tu hành, ta tự có diệu dụng cũng gọi là chánh nhân, liễu sáu ba la mật đều không, cảnh vật lôi cuốn ta chẳng được.

Tổ Sư từ Tây Trúc đến, e sợ các ngươi mê chấp nhân quả, địa vị, nên "Truyền pháp cứu mê tình, đốn ngộ hoa tình vĩ (vĩ tức là xong)". (Tánh là chủng tánh hoa, cũng là bồ đề hoa), nên Mã Tổ nói: Chẳng phải Tâm, chẳng phải Phật, chẳng phải vật; dù Tổ trước kia từng nói: Tức tâm, tức Phật. Ấy là lời phương tiện tạm thời như dùng nắm tay không, lá cây vàng để dụ con nít nín khóc. Nhưng hiện nay có người gọi Tâm là Phật, gọi trí là Đạo, cho kiến văn giác tri cũng là đạo. Nếu hội đạo như thế khác gì Diễn Nhã Đạt Đa mê đầu nhận bóng, phát điên bỏ chạy. Dẫu cho nhận được bóng cũng chẳng phải cái đầu bổn lai của mình. Nên Duy Ma Cật quở Ca Chiên Diên dùng tâm sanh diệt thuyết pháp thực tướng, ấy đều là tình chấp kiến giải. Nếu nói: tức tâm tức Phật, cũng như nói: Thỏ ngựa có sừng; nói: phi tâm phi Phật, như nói trâu dê không sừng. Tâm ngươi nếu là Phật, thì đâu cần phải "tức nó hay là phi nó". Hình tướng có hay không, lấy tướng gì làm đạo? nên giáo môn cũng chẳng cho.

"Thà làm thầy cho tâm, chẳng cho tâm làm thầy". "Tâm như đóng vai chánh, ý như đóng vai phụ", nếu nói Phật có tâm đạo, ấy là chẳng lìa được kiến văn giác tri, là do nhân duyên mà có, đều là soi vật mới có chẳng thể thường soi, cho nên tâm trí đều chẳng phải đạo, lại đại đạo chẳng phải pháp sáng tối, lìa số hữu vô, số lượng chẳng thể đến, như lúc kiếp không (chưa có trời đất), chẳng có tên Phật, chẳng có tên chúng sanh, ngay lúc ấy chính là đạo. Chỉ là không ai biết, không ai thấy, số lượng chẳng tiếp xúc nó được, gọi là vô danh đại đạo. Nói vậy đã lọt vào danh cú rồi! Cho nên chân lý nhất như, chẳng có tư tưởng, vừa có tư tưởng liền bị ấm (ngũ ấm) trói, sau đó mới có tên chúng sanh, mới có tên Phật. Phật ra đời gọi là tam giới trí nhân, khi Phật chưa ra đời gọi là gì? Phật ra đời chỉ khiến người ngộ đạo, bản thể chẳng phải thánh phàm, gọi là "hoàn nguyên qui bổn, thể giải đại đạo". Hôm nay đã ngộ đạo như thế, tức từ vô lượng kiếp đến nay, lục đạo tứ sanh đều có khứ lai, là chỗ hành tạm thời.

Bản Hành Tập của bậc Thánh xưa có nói: Ta vô sở bất hành. Tất cả chúng sanh dù đang ở chỗ hành như thế vì không biết liễu nhân, nên sinh ra tham dục, đó chỉ là tạm thời lạc đường ở nơi trói buộc, chẳng được tự tại. Thật ra cũng như thấy mây trôi cho là trăng động, thấy thuyền xuôi cho là bờ chuyển. Chúng sanh vọng tưởng, vật vốn vô trụ, huống là có lý hay biến đổi. Nay đã ngộ như thế, cứ theo đó thực hành, chẳng giống như lúc xưa, vì nay đã ngộ liễu nhân bản quả, nên liễu được ngũ ấm không, thập bát giới không, sáu ba la mật đều không, cho nên được tự tại. Nếu chẳng theo đó thực hành, làm sao thải trừ năm thứ tham, hai thứ dục. Chẳng trụ thanh văn, chẳng tùy số kiếp, vì chư Phật, Bồ Tát đầy đủ phúc trí. do liễu nhân, liễu sáu ba la mật không, theo thọ dung này, chẳng còn tri kiến mới được tự tại. Nếu có tri kiến thì lọt vào địa vị ( có giai cấp), bèn có ngằn mé của tâm lượng, bị nhân quả ngăn cách, gọi là thù nhân đáp quả Phật, chẳng được tự tại. Đại thánh quở là: nội kiến ngoại kiến, tình lượng chưa sạch. Kẹt nơi nhị chướng nhị ngu, cho nên dòng sông kiến chấp hay trôi hương tượng; chân lý vô hình làm sao thấy biết, đại đạo vô hình, lý tuyệt suy lường. Hôm nay hành sáu ba la mật, trước tiên dùng liễu nhân ngộ bản quả, biết liễu vật này chỉ là phương tiện thọ dụng, mới được tự do, đi ở tự tại vô chướng ngại, cũng gọi là phương tiện cần trang nghiêm, cũng là vi diệu tịnh pháp thân, đầy đủ ba mươi hai tướng tốt, chỉ là không cho có ngằn mé của tâm lượng. Nếu chẳng có tâm như thế thì tất cả chỗ hành, cho đến búng tay hiệp chưởng đều là chánh nhân, muôn thiện thảy đồng vô tắc, vậy mới được tự tại, cho nên thiên ma ngoại đạo tìm ta chẳng thể được, gọi là vô trụ tâm, cũng là vô lậu trí, diệu dụng tự tại bất khả tư nghì, bồ đề niết bàn! đều là cảnh giới của người tu hành đều thuộc danh cú. Nếu ngộ bổn lai chẳng phải vật phàm, thì như nước chẳng thể rửa nước. Tại sao vậy? Vì vốn chẳng có vật. Như kinh nói: Trong kho vua thật chẳng có dao này; cũng nói: đối với công đức thiên, hắc ám nữ, vị chủ nhân có trí, cả hai đều không nhận. Vì đạo chẳng phải sáng tối, nên nói tánh phải chẳng hải giác hải, giác hải thuộc duyên cần phải đối vật, tánh hải luôn luôn diệu dụng chẳng có ai biết, gọi là cực vi tế thấu kim sắc thủy trần (nghĩa là không bị vật nào chướng ngại). Sở nhân của bồ tát gọi là đồ thọ dụng, nếu nước chẳng rửa nước, tức bản thể chẳng phải sáng tối, cũng gọi là vô lậu trí, vô ngại trí. Nếu như thế thì chỗ nào cũng câu thúc ta chẳng được.

Hiện nay lại đuổi theo tri giải ngữ ngôn, kiến lập nghĩa cú để tìm hơn thua, cho là chúng sanh hạ liệt, nói có Phật Thánh cứu độ chúng sanh, cho đến cầu Phật Bồ đề, đều thuộc tham dục, cũng là tỳ kheo phá giới, cách xa với đạo. Đại đạo chẳng có sáng cũng chưa từng có tối, chẳng thuộc tam giới, chẳng quá khứ hiện tại vị lai. Như lai tạng thực chẳng che lấp, sư tử đâu từng ở hang, ngũ ấm vốn không, đâu có xứ sở, lại pháp thân vô vi, chẳng đọa số lượng. Pháp chẳng lay động, chẳng dựa lục trần, nên kinh mới nói: Phật tánh là thường, tâm là vô thường, cho nên trí chẳng phải đạo, tâm chẳng phải Phật. Nay chớ nên gọi tâm là Phật, chớ hiểu theo kiến văn giác tri. Vật này vốn chẳng danh tự, diệu dụng tự thông, số lượng hạn chế nó chẳng được, gọi là đại giải thoát. Đạo nhân tâm vô sở trụ, dấu tích chẳng thể tìm, nên gọi vô lậu trí là trí bất tư nghì.

Thôi sứ quân hỏi Ngũ Tổ rằng: "Năm trăm tăng chúng tại sao chỉ có Huệ Năng đại sư được truyền y bát, còn những người khác đều chẳng được?" Ngũ Tổ đáp: "Bốn trăm chín mươi chín người kia đều hiểu Phật pháp, chỉ có Huệ năng là người siêu việt số lượng nên được truyền y bát". Thôi nói: Vậy nên biết đạo chẳng trí ngu và liền bảo đại chúng: "Trọn phải ghi nhớ!"

Ngài Nam Tuyền nói: "Ghi nhớ thuộc thức thứ sáu, dùng không được!" Lại nói:

-Tạm thời đắp y cấu bản, vì các ngươi nói trắng ra, chẳng phải vật thánh phàm, đâu có làm nhân cho người cũng đâu có làm quả cho người. Nếu làm nhân cho người thì chẳng tự tại, bị nhân quả trói buộc, chẳng được tự do. Khi Phật chưa ra đời không ai hiểu được, sau Phật ra đời mới cho hiểu được ít phần, hễ thầm hội chí lý thì vô sư tự thông, biết vốn tự vô vật, nếu hiểu theo kiến văn giác tri, tức là báo thân hóa thân, vì có ba mươi hai tướng khác nhau. Nếu báo, hóa đều lìa hết, chẳng còn chỗ kiến lập, tức đồng Như Lai. Thực chẳng phải không cho kiến lập, cũng như Di Lạc trở lại làm phàm phu, nhưng Ngài vẫn hành sáu ba la mật, gặp cái nào cũng chẳng chướng ngại, sao mà chẳng cho kiến lập? Ngài chưa từng kẹt nơi thánh phàm, ở bên kia ngộ rồi qua bên này thực hành mới được phần tư do. Hiện nay người học Phật phần nhiều xuất gia không chịu nhập gia, chỗ tốt thì nhận, chỗ xấu thì không nhận, như thế làm sao được!

Bồ tát hành nơi phi đạo, ấy là thông đạt Phật đạo. Họ đi ở tự do là thế nào? Nếu biết thì bị chỗ biết sở trói, nếu không như vậy thì làm sao chẳng cho! cái định của họ không có biến đổi. Nếu không định thì thuộc về tạo hóa rồi! Vì ta không bao giờ biến đổi nên mười hai phần giáo quyết định chẳng phải ta, nhưng ta lại hướng vào mười hai phần giáo mà thực hành. Nếu mười hai phần giáo là ta thì phải chịu biến đổi rồi!

Nói đại đạo nhất như, vô sư tự như thế, vì như như bất biến nên chưa từng mê, báo thân hóa thân chẳng phải chân Phật, chớ lầm nhận pháp thân. Quả báo thánh phàm đều là bóng, nếu nhận lấy thì thuộc sanh diệt vô thường rồi. Theo thô tế mà nói thì mảy may chẳng lập. Lý cùng tánh tận thì tất cả đều không, như lúc thế giới chưa thành, hư vô trống rỗng, chẳng tên Phật, chẳng tên chúng sanh. Như vậy mới có phần tương ứng, ở bên kia ngộ rồi thì ở bên nầy thực hành, chẳng chứng quả thánh phàm. Theo căn bản mà nói, thực chẳng có pháp nào để đắc, huống là có những tên gọi sai biệt như tam thừa ngũ tánh ư! Hễ có nhân có quả đều thuộc sanh diệt vô thường, tâm như cây khô mới có ít phần tương ưng.

Phải biết từ vô lượng kiếp đến nay tánh không biến đổi tức là tu hành, diệu dụng mà chẳng trụ là hạnh bồ tát. Thông đạt các pháp không, diệu dụng tự tại là sắc thân tam muội, luôn luôn hành sáu ba la mật không, nơi nào cũng vô ngại, dạo nơi địa ngục cũng như vườn hoa, chẳng thể nói họ không có tác dụng. 

Chúng sanh từ vô lượng kiếp đến nay, mê tự bản tánh, chẳng tự liễu ngộ, bị mây trần che khuất, dính mắc các thứ ác dục, cũng như thấy mây bay cho là trăng động, thấy thuyền xuôi cho là bờ chuyển, tạm thời lạc đường chẳng được tự tại, chịu đủ thứ khổ mà chẳng tự biết. Nay nếu ngộ được thì bản tánh xưa nay chẳng khác".

Ngài sắp tịch, thủ tọa hỏi: "Hòa thượng trăm năm sau đi về đâu?"

Ngài nói: "Đi dưới núi làm một con trâu."

Thủ tọa nói: "Con theo hòa thượng đi được chăng?"

Ngài nói: "Nếu theo ta thì phải ngặm một cọng cỏ lại đây!"

Xong, Ngài thị hiện có bệnh, ngày 25 tháng chạp, năm Giáp Dần, thuộc năm thứ tám niên hiệu Đại Hòa. Tảng sáng, bảo môn đồ rằng: "Cái thân huyển hóa đã lâu rồi, đừng cho ta có khứ lai!" nói xong, Ngài liền tịch, tuổi đời tám mươi bảy, tuổi tăng năm mươi tám.

Hết





 

c

Nguồn: www.quangduc.com

Về danh mục

á Ÿ phần ii tình thiên thu 履职总结 願力的故事 tịnh xá ngọc trung tịnh nghiệp đạo 一念心性是 S a b Địa tạng i ปฏ จจสม ç¼½ç åœ å æ³ Người Sài Gòn nô nức đi ăn chay Ï æåŒ 村上市お墓 佛家说身后是什么意思 Phật ï½ èˆ æ æ ƒ 华藏宗门 メス ÍÛ tot niem tin chon chanh chua kim cang 白色袈裟图片画法 ด หน ง 七五三 小山 仏壇の線香の位置 Về ماتش مصر والراس الاخضر يلا 增上生和决定胜 ÐÑÑ 人间佛教 秽土成佛 末法时代 ะกะพ ถ พ 心经 me va tieng mua dem å¾ Muốn giảm cân hãy ăn bơ Chữ Hiếu viết như thế nào Sách Trà van dap ve viec an chay หลวงป แสง 什么是佛度正缘