|
.
TRỞ VỀ
NHÀ CŨ
Tác
giả: Daisetz Teitaro Suzuki
Dịch
giả: Trúc Thiên
|
|
Vô
Minh là bỏ nhà ra đi, và Giác Ngộ là trở về. Suốt thời
gian phiêu bạt, ta nếm đủ mùi khổ đau cay đắng, nên cõi
trần ta sống đây chắc không có gì đáng thèm khát quá vậy.
Tuy nhiên, Giác Ngộ đến là chấm dứt tất cả, tưởng như
một lần nữa ta trở về ngồi yên trong nhà ta, ở đó bổn
lai là tự do và yên tịnh. Ý chí tự phủ nhận nó trong dụng
công quán chiếu vào nội thể nó, thành thử có mâu thuẫn.
Tâm thức không vượt nổi ngoài giới hạn do bổn thể nó
đặt ra. Ý chí cố chiến đấu và đâm chán việc nó làm.
"tại sao?" Tâm thức ướm hỏi, nhưng đó là câu hỏi không
một tâm thức thế gian nào mong đáp được, vì đó là điều
bí mật gắn liền vào bổn thể của ý chí. Tại sao cha chúng
ta ở trên trời phải sai đứa con duy nhất xuống chuộc tội
cho loài người do chính bàn tay Ngài sáng tạo ra, nhưng càng
ngày càng lạc mất quê hương? Tại sao Christ phải ngã lòng
đến vậy cho số kiếp những đứa con hoang của Chúa? Đó
là một bí mật ngàn đời, không một sự hiểu biết tương
đối nào giải đáp được những câu hỏi ấy. Nhưng vì lẽ
những câu hỏi như vậy luôn luôn được nêu lên, luôn luôn
quấy động tâm hồn yên vui của ta, điều ấy đủ chứng
tỏ đó không phải là những vấn đề không tưởng dành cho
các triết gia chuyên nghiệp giải quyết, mà đích thực chúng
đập thẳng vào mỗi người chúng ta, vào tận đáy hồn ta,
khiến ta phải chiến đấu và nổ lực chế ngự chúng bằng
một năng khiếu nội tại thâm diệu hơn, thâm diệu gấp bội
hơn thứ trí thức suy luận thường.
Câu
chuyện đứa con hoang (37) là một đề tài quen thuộc của
người Phật giáo cũng như Công giáo. Ta há chẳng thấy bộc
lộ ở đó một cái gì đời đời chân thực, dầu bi đát
và u huyền, một cái gì nằm sâu trong đáy tim mỗi người
chúng ta? Dầu sao rốt cùng ý chí cũng thành tựu trong việc
tự tri tự giác, và trở về ngôi nhà cũ. Niềm yên vui trong
Giác Ngộ đích thục là niềm yên vui của một đứa con hoang
yên ổn trở về nhà. Thế ra, trên lý luận, cuộc phiêu lưu
ấy tuyệt không ích lợi gì hết sao? Phải, cần gì phải
tự đánh mất đi để rồi tự tìm lại? Cần gì phải khởi
hành từ số một để đến mười để rồi rốt cuộc từ
mười trở về một? Về mặt toán học, quả không có gì
phi lý hơn. Tuy nhiên, chính đó là chỗ huyền bí của đạo
giáo, vì trở về không phải giản dị chỉ có nghĩa là đếm
ngược lại vẫn bấy nhiêu con số ấy. Đó là chỗ muôn trùng
khác biệt giữa vật lý và tâm lý. Một khi về rồi, con người
không như trước nữa. Ý chí trở về sau bao thửơ phiêu bạt
qua tâm thức thời gian, í chí ấy chính là Chúa vậy.
Trong
kinh Kim Cương Định, bồ tát Bất Trụ hỏi Phật tại sao
người cha đang tâm đếm vậy để đến năm mươi năm mới
gọi đứa con đi hoang trở về, Phật đáp: "Đừng hiểu năm
mươi năm ấy như một khoảng thời gian; đó chỉ có nghĩa
là sự mống dậy của một tư tưởng (38)" Theo thiển ý, ta
có thể hiểu đó là sự mống dậy của tâm thức, một sự
phân tâm vậy diễn ra trong ý chí phân hóa làm hai, có người
làm và người biết. Nhưng người biết ngày càng nhô lên
thành khán giả đứng lên phê phán, và toan làm chủ nữa.
Bi kịch của thế gian phát sanh từ đó, tấn bi kịch "khổ"
mà Phật đặt làm cơ sở cho Bốn Diệu Đế. Cái khổ ấy
chính là cuộc sống của hầu hết chúng ta trong thế gian này;
thực tế là cái khổ ấy vậy, phô trần tất cả, không quanh
co. Tất cả đều do Vô Minh mà ra, do tâm thức ta không tự
sáng tỏ được bổn thể, sứ mạng và công dụng của nó
đối với ý chí. Tâm thức trước hết phải trở về
với ý chí, và chỉ lúc ấy tâm thức mới thành tựu những
"bổn nguyện" theo ý muốn của đấng chân sư. "Nhất niệm
khởi" đánh dấu khởi điển của Vô Minh, và là điều kiện
phát khởi của Vô Minh. Hễ chế phục được thì nhất niệm
trở về ý chí, và đó tức là Giác Ngộ. Nên Ngộ tức trở
về vậy.
Ở
khía cạnh ấy, Công Giáo giàu tinh thần tượng trưng hơn Phật
Giáo. Các câu chuyện sáng thế, sa đọa ở vườn địa đàng,
chúa sai Christ xuống chuộc tội tổ tông, Christ lên cây thánh
giá và sống lại, đó là tượng trưng. Nói rõ hơn, sáng thế
là sự mống dậy của tâm thức hoặc "nhất niệm khởi";
sa đọa là tâm thức lạc mất con đường bổn lai; Chúa sai
con xuống trần là ý chí muốn tự kiến chiếu bằng một
tri năng hậu đắc là tâm thức; Chúa bị đóng đinh là hành
vi siêu lên mâu thuẫn của trí và hành phát hiện từ sự
mống dậy của ý thức; và cuối cùng Chúa sống dậy có nghĩa
là ý chí chiến thắng í thức, nói khác đi là ý chí tự
quán chiếu trong tâm thức và qua tâm thức. Sau khi sống dậy,
ý chí hết dụng công vô lối mà ý thức cũng thôi vừa hát
vừa nghe hát. Trong cuộc sống đạo, hai tác dụng ấy, thấy
và làm, không sai khác nhau, và tổng hợp trong cái toàn nhất
của sinh hoạt nội tâm; thể tổng hợp ấy, người Phật
giáo gọi là Ngộ, là xả trừ Vô Minh, là đả trá triền
phược, là hủy diệt phiền não lậu hoặc, v.v... Thế là
siêu lên phạm trù thời gian, Phật giáo không kẹt trong tinh
thần tượng trưng sử quan của công giáo, nên toàn hướng
đến giải thoát bằng vào một hành vi duy nhất của ý chí;
vì trở về là xóa bỏ hết vết tích của thời gian.
Chính
đức Phật đã thuật lại như sau cảm tưởng trở về khi
mắt Ngài, lần đầu tiên, mở ra trên Pháp mà chưa bao giờ
Ngài nghe nói đến.
"Cũng
như người bộ hành sau bao thửơ lang thang trong cánh đồng
hoang vắng rốt cuộc thấy một con đường cổ, con đường
bao người trước đã đi qua, ta bèn noi theo đó mà đi, và
gặp làng mạc, cung điện, vườn tược, núi rừng, hồ sen,
thành quách, và nhiều cảnh trí khác từng làm nơi an thân
lập mệnh của bao người trước (39)" Xét bề ngoài, cảm
tưởng trở về ngôi nhà cũ như mâu thuẫn với điều nhận
xét trước về sự kiến chiếu vào những sự vật chưa bao
giờ hiện đến trong tâm; nhưng mâu thuẫn là ở luận lý,
chẳng phải ở tâm linh. Hễ Phật còn dụng trí dõi ngược
chuỗi nhân duyên, nghĩa là còn toan chuyển ngược về ý chí
bổn lai bằng con đường của ý thức kinh nghiệm, thì Phật
còn hỏng đích. Chỉ sau khi Phật xô ngã bức tường Vô Minh
bằng khí lực của ý chí thì Phật mơi dẫm lên được con
đường cũ. Con đường ấy tuyệt không thể nhận ra bằng
con mắt của trí thông minh, dầu Phật vốn thông minh quán
thế; cả đến Phật vẫn không thể đứng ngoài định luật
chi phối sử dụng trí ấy; chuỗi xích ấy không thể đập
náp được bằng cách ngồi đếm suông những mắc xích nhân
quả, hết đếm ngược lại đếm xuôi. Chính kiến thức nghĩa
là Vô Minh đuổi A Đam từ vườn Địa Đàng đoạ xuống thế
giới của đau thương và khổ nhọc, nhưng đứng ra hòa giải
với Chúa Cha, đó là ý chí, chớ không phải kiến thức, ý
chí đánh bạt Vô Minh và tạo thành Giác Ngộ.
Cảm
giác trở về nhận lại những cựu sự xa xưa chứng nghiệm
trong giây phút thành đạo là việc rất thường gặp ở những
người tu Thiền. Như trường hợp của sư Trí Khải (531-597)
giáo chủ pháp môn Thiên Thai ở Trung Hoa, được đời tôn
xưng là Tứ Minh Tôn Giả Pháp Trí Đại Sư. Sư học tham thiền
với Tổ Nam Nhạc Huệ Tư (513-577), và dầu không chánh thức
thuộc pháp hệ Thiền, sư vẫn được coi như một thiền sư
chánh thống. Ở với Thầy, sư luyện một phếp thiền gọi
là "Pháp Hoa Tam Muội". Ngày kia sư tụng kinh Pháp Hoa đến
Phẩm Dược Vương Bồ Tát, câu "thị chân tinh tiến, thị
danh chân cúng dường Như Lai" thì thoạt nhiên nhập định".
Trong định, sư thấy Phật nói kinh Pháp Hoa tại hội Linh Sơn
chưa tan. Sư thoát hiểu lời Tổ nói với sư: "Xưa ông cùng
ta đồng dự hội Linh Sơn nghe kinh Pháp Hoa, duyên xưa theo đuổi,
nay lại gặp đây". Sư xuất định thuật lại chỗ sở đắc
cho Tổ nghe. Tổ khen: "Duy ông chứng được, chỉ ta mới biết
(40)". Các thiền sư thường bảo rằng thánh chúng hội nghe
kinh ở ngọn Linh Sơn nay vẫn chưa tan. Nhưng ta đừng lầm
đó chỉ là sự hồi tưởng quá khứ thuộc về phép thần
thông của các bậc thánh tăng. Giác Ngộ không liên quan gì
đến sự hồi tưởng như vậy, vì Giác Ngộ vốn hàm dưỡng
gấp bội hơn bất cứ những gì diễn ra trong liên hệ thời
gian. Cả đến khi kinh Bát Nhã nêu rõ một nhân danh thưở
trước hiện diện trong khi Phật nói kinh ấy, đó vẫn chẳng
phải chỉ là nhớ lại suông; khác hơn thứ hiểu biết thường
thuộc hiện tượng tâm lý, trí bát nhã đi sâu hơn nhiều
trong nội thể con người. Với người thâm ngộ, "phản bổn
hoàn nguyên" có nghĩa là sau bao thưở lưu lãng phong trần,
một lần nữa ý chí trở về ngôi nhà cũ an thân lập mệnh
với một kho tàng chứng nghiệm vô biên, và một huệ giác
chiếu diệu khả dĩ sẽ soi từng bước đi trong cõi đời
vô tận.
(Trích:
THIỀN LUẬN Tập ITác giả: Daisetz Teitaro Suzuki Dịch giả:
Trúc Thiên)
|