1
KHỞI
THUỶ, Thiền đã không kết chặt với Hoa nghiêm (Gaṇḍavyūha-sūtra)
như Lăng già (Laṅkāvatāra) hoặc Kim cang (Vajracchedikā). Bồ-đề-đạt-ma
trao truyền Lăng-già cho người đệ tử Trung Hoa tâm tuỷ của
ngài là Huệ Khả 慧可, coi như kinh này chứa đựng một nền
giáo pháp quan hệ mật thiết với Thiền, và sau Hụê Khả
kinh đã là tinh túy học tập của các môn đệ Thiền. Họ
biết đến kinh Kim cang vào thời Hoằng Nhẫn弘忍 và Huệ
Năng耐慧能, khoảng một năm rưỡi năm sau Bồ-đề-đạt-ma.
Nhưng Thần Hội 神會, vốn là một trong những đệ tử chân
truyền của Huệ Năng, đi xa hơn nữa, khi tuyên bố rằng chính
vị Sơ Tổ của Thiền đã trao tay Kim cang cho Huệ Khả[1] .
Dù quan điểm này có thể không đúng theo lịch sử, chúng
ta vẫn có thể khẳng định rằng kinh Kim cang đã có ảnh
hưởng lớn lao trên việc học Thiền vào thời bấy giờ,
khoảng cuối thế kỷ VII. Mối liên hệ giữa kinh Hoa nghiêm
và Thiền chưa bắt đầu trước thời Trừng Quán 澄觀(738-839),
Tứ tổ Hoa nghiêm tông của Phật giáo Trung Hoa, học Thiền
với Vô Danh無名, một đệ tử của Thần Hội. Trừng Quán
là một triết gia lớn và đã cố công kết nạp Thiền vào
thể hệ của riêng mình. Sau sư, có Khuê Phong Tông Mật 圭峰宗密
(780-842), cũng từng học Thiền và cho ra một bản đại sớ
về kinh Viên giác圓覺經 [2] mà sư giải thích theo triết lý
của tông phái mình. Sư cũng viết một tác phẩm về các đường
lối lãnh hội Thiền khác nhau; không may, sách đã bị thất
lạc, chỉ trừ phần tựa.[3] Đại ý là nêu những điểm
cốt yếu của Thiền và tách biệt chúng khỏi những ngộ
nhận không chỉ đã từng xảy ra đối với bản thân của
Thiền mà còn đối với sự quan hệ của nó trong triết lý
của đạo Phật. Như thế, do Tông Mật, Thiền mới có liên
lạc với những kinh điển khác ngoài Lăng già và Kim cang,
và nhất là Hoa nghiêm.
Trong
khi các luận sư của Hoa nghiêm tông vận dụng những lối
trực chỉ của Thiền theo cách riêng của họ, các Thiền sư
được lôi cuốn đến nền triết học tương tức tương nhập
[4] do Hoa nghiêm chủ xướng, và họ cố gắng đưa nó vào
trong những bài pháp của mình. Chẳng hạn, Thạch Đầu (699-790)
trong Tham đồng khế,[5] miêu tả tích cách tương giao của
Sáng và Tối như là hạn chế lẫn nhau và đồng thời dung
hợp lẫn nhau. Động Sơn (806-859), trong một đoản văn theo
thể kệ, gọi là Bảo kinh tam muội ca,[6] giảng giải về
tích cách tương giao của thiên 偏 (lệch) và chính 正 (ngay),
phần lớn có công dụng như của Thạch Đầu, vì cả Thạch
Đầu và Động Sơn đều thuộc về lưu phái Thanh Nguyên Hành
Tư 青原行思 (tịch 740) được gọi là phái Thiền Tào động
曹洞宗 [7] . Ý tưởng này, về Tương tức và Hồi hỗ[8],
chắc chắn phát xuất từ triết lý Hoa nghiêm do Pháp Tạng
法藏 (Tl. 634-712) tập đại thành. Bởi vì Thạch Đầu và
Động Sơn đều là Thiền sư, nên lối trình bày của họ
hoàn toàn không như của một nhà huyền học. Có thể “bốn
liệu giản ” [9] của Lâm Tế cũng xuất phát từ giáo học
của Pháp Tạng.
Ảnh
hưởng của Hoa nghiêm tông nơi các Thiền sư càng lúc càng
tăng gia theo với thời gian, và đạt đến cao độ của nó
ở thế kỷ X kể từ Tông Mật, tổ thứ năm của Hoa nghiêm
tông Trung Hoa. Chính Pháp Nhãn Văn Ích 法眼文益 (885-958) người
sáng lập nghành Thiền Pháp nhãn, đã kết nạp triết lý Hoa
nghiêm vào trong pháp môn Thiền học của mình, mặc dầu sư
không phải là người trong Hoa nghiêm tông, nhưng đã hẵn là
có ấn tượng sâu đậm về các tác phẩm của Đỗ Thuận
杜順 (tịch Tl. 640) và Pháp Tạng (tịch 712), và những triết
gia Hoa nghiêm khác; vì sự thực hiển nhiên là sư đã dạy
các môn đệ mình nghiên cứu các sáng tác của họ coi như
một trợ duyên để thành tựu Thiền. Sư cũng viết một bản
bình giải về Tham đồng khế của Thạch Đầu, mà, như tôi
đã nói ở trên, vốn căn cứ trên siêu hình học của Hoa
nghiêm.
Trào
lưu này, trào lưu kết hợp Thiền với triết học của Hoa
nghiêm kinh (Avataṃsaka) hay của Pháp hoa kinh (Saddharma-puṇḍarika)
lên đến tột đỉnh khi Vĩnh Minh Diên Thọ 永明延壽 (904-975)
viết trường thiên Tông kính lục,[10] gồm một trăm quyển.
Trong tác phẩm này, sư có ý dung hợp tất cả những dị biệt
của tư tưởng Phật học vào học thuyết duy tâm – “Tâm”
theo nghĩa là một thực tại cứu cánh tự giác sát, chứ không
phải là sở cứ của tâm thức thường nghiệm chúng ta. Đừng
nên nhầm lẫn học thuyết duy tâm này với triết học duy
thức (vijñānamātra) của phái Du-già hành (Yogācāra), vì Diên
Thọ theo dòng tư tưởng xuyên qua Lăng già (Laṅkāvatāra),
Hoa nghiêm (Avataṃsaka) và Khởi tín luận (Śraddhotpāda), vân
vân.[11]
2
Nói
cho chí lý, Thiền có lãnh vực riêng của nó, ở đó phát
huy tất cả diệu dụng của mình. Ngay khi vi hành ngoài lãnh
vực này, nó đánh mất sắc thái bản hữu của mình và đến
mức nào đó thì mất luôn cả bản tính. Khi có ý định tự
xiển dương bằng một hệ thống triết lý, nó hết còn là
Thiền thuần túy và đơn giản; và xen lẫn vào những cái
không liên hệ thiết tha. Dù có giải thích hợp lý, Thiền
cũng bị giả trang. Vì lý do đó, các bậc thầy của nó đã
cố thủ để khỏi bị chen chân với bất cứ tông phái siêu
hình nào, dù Phật hay Lão hay Khổng. Ngay cả khi Bồ-đề-đạt-ma
trao tay Lăng-già cho Huệ Khả, mà Huệ Khả và các môn độ
của ngài đã không chịu viết gì hết về kinh này trong bản
chất của một luận giải. Mặc dù Huệ Năng hình như đã
phô diễn kinh Kim cang theo sở đắc, các miêu duệ của ngài
lại hoàn toàn quên lãng nó, và những pháp thoại hay những
ngữ lục của họ diễn tiến trong một chiều hướng khác
hẳn. Dĩ nhiên, họ thường tham khảo tất cả các kinh luận,
tự do dẫn chứng các đoạn văn trong ấy, nhưng họ luôn luôn
cẩn thận để khỏi bị vướng mắc vào văn tự, khỏi bị
sơn phết với những ý tưởng siêu hình làm luận cứ cho
những sáng tác này.
Các
Thiền sư đã dẫn chứng kinh Hoa nghiêm (Avataṃsaka) ngay cả
trước Đỗ Thuận, bởi vì, theo Lăng già sư tư ký,[12] Huệ
Khả nhắc nhở rất nhiều về kinh này hậu thuẫn cho sở
kiến, theo đó, cái Một luân lưu toàn vẹn trong thế giới
đa thù; còn Đạo Tín 道信, đồng thời với Đỗ Thuận,
cũng dẫn chứng một đoạn trong kinh này nói rằng một hạt
bụi bao trùm trong nó vô số thế giới. Là những Thiền sư,
họ không có ý hệ thống hoá những trực giác về Thiền
của mình; họ bằng lòng dẫn chứng những đoạn văn nào
đồng điệu với những ý tưởng của mình. Vì vậy, những
dẫn chứng của họ không giới hạn vào kinh Hoa nghiêm; họ
tìm thấy đâu những câu dùng được thì dùng liền; chẳng
hạn, từ kinh Pháp hoa (Saddharma-puṇḍarika), Duy ma cật (Vimalakīrti),
kinh Kim cang (Vajracchedikā), Lăng già (Lankāvatāra), Bát-nhã,
Pháp cú (Dharmapada), vân vân. Nhưng trong trường hợp Hoa nghiêm,
sự trích dẫn có tính cách cục bộ và chuyên biệt hơn nhiều,
nó được đặt trong toàn thể tư tưởng cốt yếu của kinh
này. Từ chỗ đó, hình như các Thiền sư ngay từ đầu đã
coi đây là một kinh văn hậu thuẫn những chứng nghiệm của
họ ngang tầm Lăng già và Kim cang. Nhưng vì lập trường của
họ là nặng về tâm mà nhẹ hẳn về văn tự, nên họ không
tiến xa đến chỗ thiết định một nền triết lý truyền
theo Hoa nghiêm. Luôn luôn họ cố thủ trên những sự thật
chứ không ở trên những ý tưởng. Bởi vì họ nói, dẫn
kinh Hoa nghiêm, rằng:
“Như
một người nghèo ngày đêm đếm những kho tàng không thuộc
về mình, trong lúc y không có lấy một quan tiền làm của.
Học nhiều thì cũng vậy. Lại nữa, nhất thời các người
có thể đọc sách, nhưng hãy cẩn thận để sang một bên
ngay khi có thể. Nếu các người không rời bỏ sách, sẽ trở
thành thói quen chỉ luyện tập văn tự. Cái đó y như tìm
băng giá bằng cách hâm nóng dòng nước chảy, hay như tìm
tuyết bằng cách đun sôi nước nóng. Vì vậy, có lúc chư
Phật nói rằng (đạo lý tối thượng) khả thuyết, có lúc
nói rằng là bất khả thuyết. Sự thật thì không có gì khả
thuyết, hay bất khả thuyết nơi Pháp tánh (thật tướng),
vốn là cảnh giới của các pháp hiện tiền. Khi một cái
này mà nắm được trọn vẹn, thì muôn nghìn cái khác cũng
theo luôn. Cũng vậy, kinh Pháp hoa nói rằng Thực tại chẳng
phải thực hay phi thực, chẳng phải Như hay không Như.” [13]
3
Kinh
điển, nhất là kinh điển Đại thừa, là những phát biểu
trực tiếp của các kinh nghiệm tâm linh; chúng chứa đựng
những trực giác đạt được do đào sâu vào hố thẳm Vô
thức; và không có ý định trình bày những trực giác này
qua trung gian của trí năng. Nếu chúng không có vẻ hoàn toàn
duy lý hay thuyết minh hợp lý, đây chỉ là ngẫu nhiên. Hết
thảy kinh điển cốt cho ra những trực giác sâu xa cuả Phật
trí như đã từng bộc lộ cho các môn đệ Đại thừa ở
Ấn trong thời sơ khai. Vì vậy, khi kinh nói hết thảy các
pháp là Không, vô sinh, siêu việt nhân quả, lời nói ấy không
phải hậu quả của lý luận siêu hình; nó là một kinh nghiệm
Phật trí sâu xa nhất. Chính vì thế mà rất nhiều học giả
và triết gia của đạo Phật, tích cực để lãnh hội hay
quảng diễn những trực giác này theo các luật tắc của luận
lý, đã thất bại trong những nổ lực của họ. Trong kinh
nghiệm Phật giáo, có thể nói họ là cái kẻ ngoại cuộc,
và do đó, nhất định phải lạc hướng.
Những
trực giác của kinh điển và của Thiền sư cũng như nhau cả,
nếu tất cả còn tính cách Phật. Thảng hoặc có khác nhau
trong lối phô diễn, đấy là do tâm lý của các thiên tài
Hoa và Ấn. Nếu Thiền vẫn là một hình thức đạo Phật
Ấn-độ du nhập Trung Hoa, những kinh nghiệm của nó tự căn
bản thảy đều là của đạo Phật như nhau. Nhưng tích cách
dị biệt tâm lý của dân tộc được thấy rõ, một khi những
kinh nghiệm ấy bắt đầu có vị trí trong mối hòa điệu
với những điều kiện mới mẻ chi phối chúng để hầu phát
triển. Quá trình dị biệt hoá này có thể thấy rõ trong những
bài pháp của các Thiền sư, khi họ, một lần nữa, được
tách khỏi ảnh hưởng trực tiếp của vị thầy đầu tiên
từ Ấn-độ. Khi Thiền năm bắt tâm tính Trung Hoa, những diễn
đạt của nó trở thành Trung Hoa một cách đặc trưng, và
rồi có người bắt đầu nghi ngờ tính cách nhất trí thiết
yếu của chúng với nguyên khởi. Lúc mà sự phân hoá đã
tiến xa đến độ chừng như nó phản đối chính nó, các
sư tổ gấp rút bù đắp chỗ tổn thương và tái hợp nó
với cội nguồn của chính nó. Đây quả thực là ý nghĩa
của trào lưu khởi sắc ở thế kỷ XVIII và XIX, điển hình
với Tông Mật hay Pháp Nhãn.
Xin
đề cử những điển hình về sự biến chuyển lần hồi
diễn ra trong lối biểu hiện của trực giác Thiền suốt năm
trăm năm sau khi Bồ-đề-đạt-ma dẫn Thiền vào Trung Quốc.
Ngài là một nhà sư từ Ấn đến, có lẽ mất vào khoảng
528 sau TL. Dưới đây là những trang dẫn chứng từ các bài
pháp của các Thiền sư thuộc nhiều chi phái khác nhau phát
khởi trong suốt thời gian này. Trong những bài pháp ấy, chúng
ta lưu ý sự biến thiên từ khuôn mẫu thuyết giảng của
kinh đến khuôn mẫu của Thiền tông Trung Hoa.
4
Chúng
ta hãy bắt đầu với Bồ-đề-đạt-ma, Sơ Tổ của Thiền
tông Trung quốc, nói về Vô tâm [14]:
“Lý
rốt ráo vốn không lời, nhưng mượn lời để diễn Lý. Đạo
cả vốn không hình tướng, nhưng để tiếp xúc với phàm
ngu mà hiển hiện thành hình. Bây giờ, giả sử có hai người
đang bàn bạc về vô tâm. Đồ đệ hỏi thầy:
“Đ.
(Lý rốt ráo là) hữu tâm hay vô tâm?
“T.
Vô tâm.
“Đ.
Nếu là vô tâm, ai đang thấy, nghe, hay, biết? [15] Cái người
nhận biết rằng vô tâm ấy là ai?
“T.
Chính do vô tâm mà có thấy, nghe, hay, biết. Chính do vô tâm
mà biết là vô tâm.
“Đ.
Đã là vô tâm, là sao lại có thể thấy, nghe, hay, biết? Vô
tâm tất nhiên không thể có sự thấy, nghe, hay biết.
“T.
Dù rằng ta vô tâm nhưng ta vẫn có thể thấy, nghe, hay, biết.
“Đ.
Nếu có thể thấy, nghe, hay, biết thì không thể là vô tâm,
mà phải là một loại hữu tâm.
“T.
Thấy, nghe, hay, biết, hết thảy chính là những hoạt dụng
của vô tâm. Ngoài thấy, nghe, hay, biết, không có vô tâm.
Ta e rằng con không lãnh hội điều đó, nên ta sẽ tìm cách
giảng giải vấn đề từng bước một để khiến con nhìn
thẳng vào chân lý. Thí dụ, khi đang thấy, tất nhiên có cái
đang thấy, như thế là vì có cái không thấy; cái đang thấy
như thế chính là vô tâm. Khi đang nghe, tất nhiên có cái đang
nghe, như thế là vì có cái không nghe: nghe chính là vô tâm.
Khi đang nhớ nghĩ; nhớ nghĩ chính là vô tâm. Khi đang biết,
tất nhiên có cái đang biết, như thế là vì có cái không
biết; không biết chính là vô tâm. Khi đang làm, tất nhiên
có cái đang làm, như thế là vì có cái không làm; đang làm
chính là vô tâm. Vì vậy, ta nói rằng thấy, nghe, hay, biết,
hết thảy đều là vô tâm?
“Đ.
Làm sao biết rằng cái ấy thuộc vô tâm?
“T.
Con cứ xét kỹ vấn đề thêm, rồi nói cho ta rõ tâm có hình
tướng khả tri nào không. Nếu có, như thế sẽ không phải
là tâm chân thật. Phải nhìn nó có ở trong, ở ngoài hay ở
giữa. Tâm không thể được tìm thấy ở đâu trong ba chỗ
ấy. Cũng không thể được trực nhận bất cứ ở những
nơi nào khác. Vì vậy, gọi là vô tâm.
“Đ.
Bạch thầy, nếu chính ở khắp mọi nơi thảy đều là vô
tâm, vậy lẽ ra không có tội hay phước; vậy tại sao chúng
sinh trôi lăn trong sáu nẻo và sống chết xoay vần không dứt?
“T.
Đây là do chúng sinh điên đảo trong tâm mà chấp ý tưởng
mê hoặc về một thực tại (cá biệt) nơi vô tâm, và, rồi
tạo tác mọi hành vi, chấp trước mê lầm quan niệm cho rằng
quả thực có một cái tâm hữu tâm. Vì lý do đó, chúng trôi
lăn trong sáu nẻo và sống chết không dứt.
“Như
một người trong đêm tối thấy một gốc cây trụi[16] hay
một sợi giây mà tưởng là bóng ma hay con rắn, rồi sợ hãi.
Cũng vậy, chúng sinh chấp trước mê hoặc cũng vậy. Ở nơi
vô tâm, lmê lầm chấp là hữu tâm, rồi gây nên các nghiệp,
khiến phải luân hồi trong sáu nẻo. Những hạng chúng
sinh như thế nếu gặp được bậc đại thiện tri thức dạy
cho tọa thiền để giác ngộ vô tâm, thì hết thảy nghiệp
chướng đều bị tiêu trừ và chuỗi dây sinh tử bị cắt
đứt. Như ánh mặt trời một khi soi thấu vào chỗ tối tăm
xô đuổi tất cả những gì tối tăm, hết thảy tội lỗi
của chúng đều bị diệt trừ khi chúng tỏ ngộ được vô
tâm.
“Đ.
Đệ tử ngu muội, tâm chưa hoàn toàn tỏ rõ trong tất cả
mọi trường hợp tác dụng của sáu căn đáp ứng (sự kích
thích) ra sao.[17]
“T.
Mọi toan tính đều được thực hiện bằng lời nói.[18]
“Đ.
Phiền não và Bồ-đề, sinh tử và Niết-bàn, phải chăng hết
thảy cũng là vô tâm?
“T.
Quả vậy, hết thảy đều là vô tâm. Chính vì chúng sinh chấp
trước sai lầm ý tưởng về một tâm hữu tâm nên có đủ
tất cả phiền não và Bồ-đề, sinh tử và Niết-bàn. Nếu
tỏ ngộ vô tâm, thì hết thảy không có phiền não, không
có sinh tử, không có Niết-bàn. Bởi vậy, đối với người
vọng chấp hữu tâm, Như lai nói có sinh tử; đối đãi với
phiền não mà tên gọi Bồ-đề; đối đãi với sinh tử mà
có tên gọi Niết-bàn. Tất cả những danh tự đó đều là
pháp đối trị. Khi chứng đắc vô tâm, không còn có phiền
não hay Bồ-đề, sinh tử hay Niết-bàn.
“Đ.
Nếu không có bồ-đề, không có Niết-bàn, vậy nói thế nào
về bồ-đề mà chư Phật trong quá khứ đã chứng đắc?
“T.
Cái đó chỉ nói theo văn cú ước lệ. Đối với chân lý
tuyệt đối, chẳng có cái gì như vậy. Do đó, kinh Duy-ma-cật
(Vimalakīrti) nói rằng Bồ-đề không thể được chứng đắc
bằng thân, cũng không thể được chứng đắc bằng tâm.[19]
Lại nữa kinh Kim cang nói rằng không có bất cứ một pháp
nào để có thể chứng đắc. Chư Phật Như Lai duy chỉ bằng
sự không chứng đắc mà chứng đắc. Do đó, nên biết rằng
khi có tâm thì tất cả đều có; khi không tâm (vô tâm) thì
tất cả đều không.
“Đ.
Bạch Thầy, Thầy nói rằng khắp tất cả mọi nơi thảy đều
vô tâm. Mà gỗ đá cũng đều là vô tâm; vậy phải chăng
(hết thảy chúng sinh) cũng đồng như gỗ đá?
“T.
Nhưng vô tâm được chứng ngộ trong tâm thức ta không phải
đồng với gỗ đá. Tại sao? Nó như cỗ trống trời, tuy vô
tâm, mà tự nhiên trỗi lên nhiều thứ âm thanh vi diệu để
giáo huấn hết thảy các loài. Lại cũng như hạt như ý bảo
châu (maṇi), tuy vô tâm mà tự nhiên biến hiện vô số hình
sắc. Cũng vậy, vô tâm tác dụng qua tâm thức của ta, khiến
cho nó thấu rõ chân tính của thực tại; nó có đủ cả trí
tụê siêu việt chân thật, Ba Thân tự tại, ứng dụng thông
suốt.[20] Như kinh Bảo Tích (Ratnakūṭa) có nói rằng: “Bằng
không tâm ý mà hiện hành.”[21] Vậy sao lại có thể như
gỗ đá? Vô tâm là chân tâm, Chân tâm là Vô tâm.
“Đ.
Vậy phải tự tu tập như thế nào với tâm (tương đối)
của chúng ta đây?
“T.
Chỉ cần tỏ ngộ vô tâm trong tất cả các pháp, trong tất
cả các hành vi. Đây là con đường tụ tập, không có con
đường nào khác. Như thế biết rằng khi tỏ ngộ vô tâm
thì các pháp không còn nhiễu loạn chúng ta nữa.[22]
“Khi
nghe điều này, đồ đệ tức thì hốt nhiên đại ngộ và
nhận ra rằng không có vật ở ngoài tâm, không có tâm ở
ngoài vật, đạt được tự do viên mãn trong tất cả cử
chỉ và hành vi của mình; hết thảy màng lưới nghi ngờ bị
xé thành mảnh vụn và không thấy còn có chướng ngại nào
nữa.”
Đạo
Tín 道信 (tịch 651) thường được coi là Tứ tổ của Phật
giáo Thiền tông Trung Hoa, nói bài pháp sau đây về: “Xả
thân pháp”: [23]
“Phương
pháp xả bỏ sắc thân[24] trước trước hết do tư duy về
tánh không, nhờ đó mà tâm thức trở thành không. Hãy để
cho tâm và cảnh nghỉ yên nơi trạng thái hoàn toàn tĩnh lặng;
hãy buộc tư tưởng trong các nhiệm mầu của tịch tĩnh,[25]
để cho tâm không còn dông ruỗi từ vật này đến vật khác.
Khi tâm được bình lặng trong chỗ sâu xa nhất của nó, những
vướng mắc của nó bị cắt đứt hết. Sâu thẳm thay! Mịt
mù thay! Trong thanh tịnh tuyệt đối của nó, tâm chính là
không. Nó tựa hồ dửng dưng thay! Như cái chết không còn
có hơi thở. Nó an trụ trong chỗ thanh tịnh rốt ráo của
Pháp thân và không còn lệ thuộc vào một đời sống tương
lai nữa. Khi tâm thức bị khuấy động và mê hoặc khởi lên
trong nó thì không thể trốn khỏi thọ sinh một đời sống
khác. Vì vậy, trước hết hãy tự mình tu tập để chứng
đắc trạng thái hoàn toàn tịnh tĩnh trong tâm mình, và cả
trong cảnh giới của nó. Đây là con đường tu tập cần phải
thực hiện.
“Thế
nhưng, trong sự tu tập này, quả thực không có gì để coi
là một thành tựu quyết định, và sự không thành tựu này
là cái được thành tựu bởi sự tu tập đó;[26] bởi vì
thực tại đạt được do vô tác, và vô tác chính là chân
lý. Do đó, kinh nói: ‘Không, vô tác, vô nguyện, vô tướng,[27]
ấy là giải thoát chân thật!’ Vì lý do đó, thực tại là
vô tác.
“Pháp
xả thân là phải có một cái thấy sâu xa soi vào bản chất
giả tạm của nó khi tâm và cảnh trở thành trong suốt và
những công năng của nó bừng sáng.
“Thêm
nữa, nói như Trang Tử ‘Trời đất là một ngón tay, muôn
vật là một con ngựa.’[28] [Nhưng điều đó không đúng];
kinh Pháp cú nói. ‘Đừng nghĩ cái một là một. Vì để diệt
trừ ý tưởng về đa thù nên cái một gọi là một, nhưng
cái đó chỉ cốt nói cho tâm trí nông cạn.’[29] [Vì lẽ
đó,] chúng ta có thể nói rằng, Trang Tử không vượt ra ngoài
cái Một nổi.
“Lão
tử nói: ‘Sâu thẳm thay! Mịt mù thay! Trong đó có yếu tính!’[30]
Với Lão Tử, bên ngoài tuy không còn tướng, nhưng bên trong
vần còn tâm. Kinh Hoa nghiêm nói: ‘Đừng chấp vào hai tướng,
vì một cũng không, hai cũng không!’[31]
Kinh
Duy ma cật nói: ‘Tâm không ở trong, không ở ngoài, không
ở giữa – đó là chứng ngộ.’[32] Vì lý do đó, chúng ta
biết rằng Lão Tử vẫn còn bị ngưng trệ với một cái tinh
thức.”
Nơi
khác, Đạo Tín giảng giải ý nghĩa của tịch tĩnh tánh không
như sau:
“Hãy
nhìn lại sắc thân của mình xem nó là cái gì. Nó là không,
bất thực như một bóng mờ.[33] Nó được cảm nghiệm [như
là có thật], nhưng không có gì ở đó để mà nắm giữ.
Trí Bát-nhã khởi lên ngay giữa những vật ủ bóng này, không
có xứ sở cho nó ngay nơi chỗ mà nó được cố định. Tự
nó bất động, mà vẫn tương ứng với vật, biến hóa không
cùng.
“Từ
giữa lòng tánh không trỗi dậy sáu căn và sáu căn cũng là
không tịch mà sáu trần cảnh được cảm thọ cũng như mộng
như huyễn. Như mắt thấy vật, mà trong mắt không có vật.
Như tấm gương soi mặt mũi, thấy rõ phân minh; nhưng trong
cái không mà hiện hình ảnh, chứ trong gương tự nó không
có một vật gì. Mặt người không đi vào bộ phận của tấm
gương, tấm gương cũng không ra khỏi mình để đi vào mặt
người. Nếu nhận ra mặt gương và mặt người liên hệ nhau
như thế nào. Không đến, không đi, đó là nghĩa Như Lai.”[34]
5
Ta
có thể thấy ngay rằng Bồ-đề-đạt-ma và Đạo Tín cùng
nói về một chủ đề từ những góc cạnh khác nhau của hiểu
biết. Cái Vô tâm của Bồ-đề-đạt-ma là “Khng”, “Tịch
tịnh”, “Hoảng hốt”, v.v..của Đạo Tín. Một người
dùng những từ ngữ tâm lý học, còn một người thì hướng
tới triết học Bát-nhã. Trong khi bài giảng của Bồ-đề-đạt-ma
về Vô tâm có thể được coi như còn phù hợp với lề lối
tư tưởng Ấn-độ, thì Đạo Tín ít nhiều pha màu tư tưởng
Đạo giáo. Tuy nhiên, không có gì riêng biệt của Thiền hiển
lộ ở họ. Chính ở Huệ Năng và các môn đệ của ngài,
Thiền mới bắt đầu rõ rệt là Trung Hoa, cả trong diễn đạt
cũng như giải thích.
Ý
thức của Thiền, đặc sắc là sự đốn ngộ của vô niệm,
ló dạng trong tâm trí của Huệ Năng. Nếu Bồ-đề-đạt-ma
đã dùng chữ vô tâm để chỉ choo vô thức, thì Huệ Năng
đã thay thế tâm bằng niệm. Niệm thông thường có nghĩa
là “nhớ nghĩ”, “tưởng nhớ”, “suy tưởng về quá
khứ”, vân vân, và được dùng như là tương đương với
smṛti của Phạn ngữ. Do đó, khi nó được sử dụng liên
hệ với vô như vô niệm, thì đây là asmṛti, có nghĩa là
“mất hết ý nghĩa” hay “quên lãng” và trong các bản
Phạn văn nó được dùng theo nghĩa này. Tuy nhiên, việc dùng
chữ vô niệm theo nghĩa “vô thức” và hàm súc một ý nghĩa
tâm linh sâu sắc, theo xét đoán của tôi, bắt đầu với Huệ
Năng. Vô niệm ở đây không chỉ là quên lãng không nhớ lại
một việc làm; nó không chỉ là một từ ngữ tâm lý học.
Khi Hụê Năng lấy vô niệm làm sự kiện căn bản nhất của
sinh hoạt Thiền, nó phù hợp với ba môn Giải thoát: Không
(śūnyatā), vô tướng (animitta) và vô nguyện (apraṇihita);
vì đối với môn đệ Thiền, chứng vô niệm tức là chứng
giải thoát. Và tự bản chất, đây là từ ngữ Trung Hoa.
Một
ý tưởng đặc sắc khác ở Hụê Năng là đốn giáo, trực
nhận về thực tại. Theo ngài, nét đặc sắc của chứng nghiệm
Thiền là đốn, vì đây là bản chất của chính tuệ giác
Bát-nhã. Tiệm giáo do đối thủ của ngài là Thần Tú chủ
trương, không thể ứng dụng cho trực quán vốn diễn ra trong
tư duy của Thiền. Bát-nhã hoạt dụng theo trực giác hiện
tiền, và cái mà nó tiếp nhận được tiếp nhận tức khắc,
không có diễn trình của tư duy, giải kết hay liên tục. Như
Hụê Năng nói: “Trong giáo lý của ta không có phân biệt
định và tuệ; định là thể của tuệ và tuệ là dụng của
định. Khi các người có tuệ; định ở trong tuệ. Khi các
người có định, tuệ ở trong định. Chúng không phải là
một, không phải là hai.” Bằng cách lặn sâu vào hố thẳm
của thực tại như thế, Huệ Năng dạy các môn đệ của
ngài hãy nhìn ánh sáng hiện tiền của tuệ giác Bát-nhã chớp
ngang qua lớp vỏ cứng của ý thức thường nghiệm. Chỉ lặn
suông vào hố sâu ấy không phải là chủ đích của pháp môn
Thiền; trừ phi định đạt đến cao điểm là đố ngộ, nếu
không thì không có Thiền trong đó. Bây giờ, chúng ta hãy coi
Huệ Năng nói gì về vô niệm.[35]
“Thiện
tri thức, giáo pháp của ta từ trước đến nay, dù đốn hay
tiệm, lập vô niệm làm tông, vô tướng làm thể và vô trụ
làm gốc. Vô tướng là gì? Là đối với tướng mà lìa tướng.
Vô niệm là đối với niệm mà không niệm. Vô trụ là bản
tánh của người. Niệm niệm không dừng nghỉ. Niệm trước
rồi niệm sau, niệm niệm tiếp nối không có đoạn tuyệt.
Nếu một niệm đoạn tuyệt, thì pháp thân lìa khỏi sắc
thân. Niệm niệm trong mọi thời không dừng nghỉ trên một
pháp. Nếu một niệm dừng nghỉ thì niệm niệm liền dừng
nghỉ, đây gọi là hệ phược. Nơi hết thảy các pháp, niệm
niệm không dừng nghỉ, tức là không hệ phược. Vì vậy,
lấy vô trụ làm gốc [của đời sống chúng ta].
“Thiện
tri thức, bên ngoài lìa hết thảy tướng, gọi là vô tướng.
Nếu lìa được tướng, tánh và thể [của vô niệm] vốn
là thanh tịnh. Do đó lấy vô tướng làm thể.
“Nơi
tất cả ngoại cảnh mà không bị nhiễm – đó gọi là một
với vô niệm, nghĩa là, lìa khỏi các cảnh dù chúng hiện
tiền trong niệm, bởi vì niệm không sinh ra trong những niệm
đối cảnh. Khi tất cả những tư tưởng [tản mác] như vậy
bị trừ khử, thì tất cả những nhiễm ô bị quét sạch
khỏi niệm. Khi một niệm này hoàn toàn lau sạch, sẽ không
còn có sự thọ sinh nữa, kẻ học đạo hãy dụng tâm đừng
sao lãng vấn đề này. Khi không nắm vững ý nghĩa này, không
chỉ tự mình nhầm lẫn mà còn khiến kẻ khác mê lầm theo
và lại còn huỷ báng kinh pháp. Do đó mà lập vô niệm làm
tông.
“Khi
người ta chỉ lệ thuộc vào danh tự, họ cố tạo ra niệm
về trần cảnh, và những tư tưởng ấy đưa đến tà kiến.
Hết thảy trần lao vọng niệm từ đó sinh ra. Vì vậy, giáo
pháp này lập vô niệm làm tông. Mọi người hãy nên loại
trừ những thiên kiến của mình đừng để làm nảy sinh những
tư tưởng hệ lụy. Nếu không có niệm, thì cái vô niệm
không lập.
“Nói
là vô, vậy thì vô cái gì? Niệm là niệm vật gì? Vô là
lìa hai tướng, các trần lao. Niệm khởi lên từ Chân Như;
Chân Như là thể của niệm, và niệm là dụng của Chân Như.
Niệm, cố nhiên khởi từ Chân Như, tuy tức thấy nghe, nhớ,
hiểu, mà Chân Như không nhiễm vạn cảnh, thường thường
tự tại. Vậy nên kinh Duy ma nói:
“Bên
ngoài khéo hay phân biệt các pháp tướng mà nguyên lý cứu
cánh nội tại vẫn không lay động.”
Vô
niệm, theo Huệ Năng, là cái tên không những chỉ cho thực
tại cứu cánh, mà còn chỉ cho trạng thái ý thức trong đó
cái cứu cánh tự hiện tiền. Bao lâu ý thức cá biệt của
chúng ta còn bị tách rời khỏi thực tại ở đằng sau nó,
những nổ lực của nó vẫn là ngã mạn một cách hữu ý
hay vô ý, và hậu quả là một cảm giác cô liêu và đau khổ.
Phải làm sao cho ý thức liên lạc với vô thức, nếu nó không
là vô thức; còn nếu là vô thức, sự quan hệ phải được
thể hiện, và sự thể hiện này được gọi là vô niệm.
Những
Hán ngữ hay Phạn ngữ một khi được dịch thẳng thường
bị hiểu lầm to tát. Vô niệm là một; vì vô niệm mà được
hiểu là trạng thái “không tư tưởng” chắc chắn sẽ là
một tâm trạng quá nhàm tởm đối với mục đích của Thiền
học, hay với mục đích của bất cứ thực tập tâm linh nào.
Chúng ta hãy nghe Huệ Năng thêm; ngài tiếp tục giảng giải
ý nghĩa vô niệm.
“Thiện
trị thức, một lần ngộ là biết ngay Phật là gì. Một khi
ánh sáng của trí tuệ soi thấu vào tự tánh tâm địa, thì
trong ngoài thảy đều sáng tỏ; mọi vật trở thành trong suốt,
và biết được bản tâm của mình. Biết bản tâm tức là
giải thoát. Chứng giải thoát tức là chứng Bát-nhã tam-muội
(prajñā-samādhi). Ngộ Bát-nhã tam-muội tức là vô niệm.
“Vô
niệm là gì? Là thấy tất cả các pháp mà không chấp trước
pháp nào; hiện diện khắp nơi mà không dính mắc nơi nào;
tự tính thường tịnh; khiến cho sáu tên giặc chạy ra khỏi
sáu cửa mà vào trong sáu trần, nhưng không lìa, không nhiễm;
đi và đến tự do. Đấy là chứng Bát-nhã tam-muội, tự tại,
giải thoát, gọi là hạnh vô niệm. Nếu không có tư tưởng
khởi lên trên bất cứ vật gì, đây là sự đoạn tuyệt
của niệm, và như thế là ở trong sự ràng buộc của pháp,
tức là biên kiến.
“Ai
ngộ pháp vô niệm thì thấu suốt hết thảy vạn pháp. Ai
ngộ pháp vô niệm thì thấy được cảnh giới của Chư Phật.
Ai ngộ đốn pháp vô niệm là đi đến chỗ quả vị của
Phật.”
Giáo
pháp vô niệm cùng với đốn ngộ đã là đề tài lôi cuốn
nhất trong thời đại Huệ Năng và các môn đệ của ngài.
“Đốn ngộ” là Hán dịch của từ Prajñā, và “vô niệm”
là cách diễn tả sự chứng ngộ về tánh không (śūnyatā)
và bất sinh (anutpāda) của người Trung Hoa. Trong một chiều
hướng nào đó, thuyết vô vi của Lão Tử có thể được
coi là đang sống trong cái vô niệm của Huệ Năng. Tất nhiên,
triết học của đạo Phật có bất sinh (anutpāda), vô nguyện
(apraṇihitā), vô hành (anabhisaṃkāra), vô công dụng (anābhogā),
v.v.. và vô niệm có thể được coi là xuất xứ từ những
khái niệm đó [36]. Tuy nhiên điều chắc chắn rằng Đạo
giáo có góp công trong việc thiết lập Phật giáo Thiền tông
mà chúng ta quả quyết là sự kiến thiết của thiên tài Trung
Hoa.