Tổ Sư Thiền - Căn Bản Thiền Tập, Thích Thông Huệ (sách)

 


 
.
CĂN BẢN THIỀN TẬP
Thích Thông Huệ
MỤC LỤC
 
LỜI NÓI ĐẦU
CẨM NANG CHO NGƯỜI TU THIỀN 
1. Điều ẩm thực. 
2. Điều thụy miên. 
3. Điều thân. 
4. Điều tức. 
5. Điều tâm. 
DỪNG BƯỚC ĐI HOANG 
I- Nội dung và kết quả của chánh niệm. 
II- Một số điều kiện trong công phu. 
III- Áp dụng vào đời sống. 
PHƯƠNG PHÁP TỌA THIỀN 
I- Nhập thiền 
1. Chuẩn bị phương tiện
2. Tư thế tọa thiền
3. Cách nhập thiền
II- Trụ thiền 
1. Sổ tức 
2.- Tùy tức 
3.- Tri vọng 
III- Xả thiền 
IV- Thiền hành và kinh hành 
KẾT LUẬN. 

Lời nói đầu

Ngày đầu tiên chuyển pháp luân tại Lộc Uyển, Đức Phật đã tuyên thuyết một sự thật muôn đời: con người sinh ra đời gắn liền với sự khổ. Nỗi khổ triền miên đeo đẳng từ khi con người mới sinh ra cho đến khi nhắm mắt; nên trong vô lượng kiếp luân hồi, nước mắt chúng sanh nhiều hơn nước đại dương. Vì sao lại chịu nhiều khổ nhọc như thế? Đó là vì chúng ta đã quên mình có một nơi chốn vốn dĩ bình yên. Quê hương ta dẫy đầy châu báu và đủ loại kỳ hoa dị thảo, vĩnh viễn thanh bình an lạc, nhưng ta lại quên đi để rồi phải chịu nhiều thống khổ trầm luân. Giờ đây bàng hoàng chợt tỉnh, nghe được lời Phật dạy tỏ tường về con đường, hướng đi và phương cách trở về quê hương muôn thuở. Vấn đề còn lại là chúng ta đã thật sự muốn trở về hay chưa? Nếu chúng ta còn muốn sống kiếp tha phương lưu lạc, còn say men giang hồ lãng tử, thì có quyền tạo nghiệp và có quyền gánh chịu hậu quả do nghiệp mình tạo ra. Còn nếu đã nhận rõ, chỉ có cố hương mới là nơi cho chính mình an trú vĩnh viễn, thì ngay bây giờ, chúng ta hãy thu xếp hành trang để lên đường!

Quyển sách mỏng này, tuy chỉ chuyển tải được đôi điều liên quan đến cuộc hành trình tìm về nguồn cội, nhưng cũng mong được đóng góp vào hành trang thiên lý của những hành giả tu Thiền. Vì ngôn ngữ văn tự là phương tiện bất toàn, nên chúng ta hãy đọc nó cùng với sự đồng cảm của nội tâm. Sau đó, chúng ta cùng nhau nỗ lực tu tập, dìu dắt nhau, giúp đỡ nhau trong công phu, để mọi người đều được lợi ích. Nếu có được phần nào công đức, tất cả đều thuộc về những bậc Ân sư vô cùng quí kính của chúng tôi, cùng những huynh đệ và đạo hữu đã tận tình giúp đỡ chúng tôi; và cũng nguyện hồi hướng về muôn loài chúng sanh trong cùng khắp pháp giới. Còn nếu có những điều sai sót, đó là do sở học và công phu của chúng tôi còn nông cạn. Kính mong các bậc cao minh vui lòng chỉ bảo, để lần tái bản sau này được hoàn chỉnh hơn.

Nha Trang, tháng 12 - 2002
THÍCH THÔNG HUỆ

CẨM NANG 
CHO NGƯỜI TU THIỀN

Trước khi đi sâu vào công phu thiền tập, những thiền sinh cần lưu ý một số vấn đề cơ bản, để lúc dụng công khỏi vướng phải những trở ngại không đáng có. Nhiều người rất nhiệt tâm, rất tinh tấn tu hành nhưng lại không đạt được kết quả mong muốn; đó là vì không được hướng dẫn cặn kẽ hoặc chỉ tự học tự tu, nên dễ thất bại hoặc đi lầm vào ngã rẽ. Do vậy, năm phương pháp điều hòa sau đây có thể được xem như hành trang cần thiết cho các hành giả tu thiền: 

1.- Điều ẩm thực.
2.- Điều thụy miên.
3.- Điều thân.
4.- Điều tức.
5.- Điều tâm.

1.- Điều ẩm thực

Người xưa có câu: “Họa tùng khẩu xuất, Bệnh tùng khẩu nhập” (Tai họa từ miệng mà ra, Bệnh hoạn từ miệng mà vào). Nếu lúc nói năng không cẩn thận, không cân nhắc điều gì đáng nói điều gì không đáng nói, có thể gây tai họa cho chính mình. Nếu ăn uống bừa bãi, không hợp lý và hợp vệ sinh, thân thể dễ mắc bệnh và ảnh hưởng cả đến tinh thần. Vì thế, điều hòa chế độ ăn uống là vấn đề quan trọng cho tất cả mọi người, càng quan trọng hơn đối với những thiền sinh. 

Điều ẩm thực có ba khía cạnh cần lưu ý:

* Một là, không nên ăn quá no và quá nhiều bữa. Bình thường, trong gia đình có ba bữa ăn mỗi ngày, không kể những bữa phụ khoảng xế chiều và khuya ở những gia đình khá giả. Trong ba bữa chính, bữa ăn sáng ít được coi trọng nên gọi là “điểm tâm”; bữa trưa, nếu công việc phải làm theo ca, có thể chỉ ăn qua loa vài thứ gì đó. Đến chiều, cả nhà tề tựu, có thời gian rộng rãi, mọi người mới thật sự thưởng thức một bữa ăn đúng nghĩa. Cho nên, các quán ăn, nhà hàng thường đông khách vào buổi chiều và tối. Cách ăn uống như vậy có hợp lý không? 

Các nhà Dinh dưỡng học từ lâu đã chứng minh, phần lớn bệnh tật phát sinh do ăn uống không hợp lý: Bệnh béo phì do ăn quá độ, bệnh Xơ vữa động mạch và Tăng Cholesterol máu do ăn nhiều mỡ động vật; chưa kể đến các bệnh xơ gan do rượu, ung thư phổi do thuốc lá hoặc một số bệnh ung thư khác do ăn quá nhiều thịt nướng... Đây là hậu quả của sự hưởng dục. Mặt khác, theo quan niệm Y học hiện đại, bữa ăn chính là sáng và trưa, vì con người đã trải qua một đêm không ăn, sáng phải làm việc nhiều nên cần bù đắp đủ năng lượng cho cơ thể, nhờ vào bữa “điểm tâm”; còn bữa trưa dùng để cung cấp năng lượng cho buổi chiều lao động. Đối với bữa ăn chiều, không nên ăn nhiều vì dạ dày căng quá sẽ gây khó ngủ, hoặc giấc ngủ sẽ nặng nề, nhiều mộng mị. Ngoài ra, thức ăn được cung cấp trong những giờ chiều và tối thường biến thành chất mỡ dự trữ, vì ban đêm con người ít tiêu hao năng lượng. Đây là lý do khiến dễ phát sinh bệnh béo phì. 

Những hành giả tu thiền thường có kinh nghiệm trong vấn đề ẩm thực. Khi ăn no mà ngồi thiền ngay, dễ bị hôn trầm và dạ dày quá căng làm cản trở sự hô hấp, hơi thở không được dài sâu và thông nhẹ. Từ đó, tâm khó an, khó đạt được trạng thái nhập tĩnh. Buổi chiều nếu ăn no, thời tọa thiền ban đêm rất dễ bị vô ký hay hôn trầm, và sáng sớm ngày mai cũng vẫn còn thấy lơ mơ, không tỉnh táo. Vì thế, ở các thiền viện trong hệ phái của Hòa thượng Trúc Lâm, buổi chiều các vị chỉ dùng các thức ăn nhẹ như sữa, bột hoặc cháo. 

* Khía cạnh thứ hai, lại là một cực đoan khác. Một số người chủ trương, muốn diệt dục phải hành hạ, đè ép thân xác, nên nhịn đói dài ngày hoặc mỗi ngày chỉ ăn một bữa vừa đủ cầm hơi. Đức Phật, trong quá trình tìm đạo, cũng đã trải qua sáu năm khổ hạnh trong rừng già; nhưng cuối cùng Ngài tuyên bố, đây không phải là con đường đúng đắn đưa đến giác ngộ giải thoát. Nếu cơ thể không được cung cấp đủ dưỡng chất, lâu ngày sẽ bị suy nhược, sức đề kháng đối với bệnh tật giảm thiểu. Thân suy nhược thì tinh thần đâu còn minh mẫn, hiệu năng lao động không cao, nói chi đến việc phát triển trí tuệ. Cho nên, chúng ta cần đi theo Trung đạo, không hưởng dục mà cũng không khổ hạnh. Thân thể như một phương tiện đưa chúng ta đến mục đích cuối cùng, ta không cưng chìu nô lệ cho nó nhưng cũng không đè nén hành hạ nó.

* Vấn đề thứ ba, cũng là vấn đề nan giải của thời đại văn minh cơ khí. Người ta đã sử dụng quá nhiều hóa chất, từ khâu trồng trọt hoặc giết thịt, đến công đoạn thu hoạch hay chế biến, cốt để sản phẩm bảo quản được lâu, có màu sắc và hương vị hấp dẫn... Chúng ta đã biết có nhiều vụ ngộ độc thức ăn gây tử vong hàng loạt, như nhiễm thuốc trừ sâu gốc Phosphor hữu cơ do xịt thuốc trong rau, nhiễm độc hàn the trong nem chả hay củ cải, củ kiệu chua... Chưa nói đến sự ô nhiễm môi trường và nguồn nước, gây ra rất nhiều trường hợp nhiễm trùng hoặc độc tố vi trùng từ thức ăn không vệ sinh. Gần đây, chúng ta đã nghe thông báo về dạng bệnh C.Jakob ở người ăn thịt bò điên ở Anh, hoặc nguy cơ ung thư do ăn thịt gà và trứng gà nhiễm Dioxin ở Bỉ. Ngoài ra, tác hại của bột ngọt trên các hệ thần kinh, tiêu hóa và tim mạch cũng đã được chứng minh. Vì thế, để bảo vệ sức khỏe và ngăn ngừa bệnh tật, chúng ta phải có một số kiến thức nhất định về vệ sinh và an toàn thực phẩm, không sử dụng những thức ăn không phù hợp với tình trạng sức khỏe của bản thân. 

Ở đây, cũng cần bàn qua về khuynh hướng ăn chay, hiện nay đã lan rộng ở nhiều nơi trên thế giới, đặc biệt tại các nước Âu Mỹ. Nhiều công trình nghiên cứu khoa học cho thấy tính chất ưu việt của thực phẩm thực vật đối với sức khỏe của con người. Trước nhất, hệ tiêu hóa của người, nhất là phần ruột non và ruột già có cấu tạo giải phẫu thích hợp cho sự tiêu hóa và chuyển hóa thực vật hơn động vật. Các loại rau có nhiều chất xơ làm tăng nhu động ruột, giúp tránh chứng táo bón là nguyên nhân của bệnh trĩ và ung thư đại tràng. Về phương diện bổ dưỡng, thực phẩm thực vật có đầy đủ dưỡng chất không kém gì động vật, lại được cơ thể dung nạp tốt hơn và ít độc hại hơn. Nhất là đậu nành, có thành phần đạm (protein) tương đương thịt cá, giàu acid béo thiết yếu, chứa Phytoestrogen có tác dụng làm hạ Cholesterol máu.

Những kết quả nêu trên giải thích được vì sao số người ăn chay sức khỏe tương đối được ổn định. Nhà bác học Einstein, tác giả thuyết Tương đối đã nói: “Ăn chay rất có lợi cho sự tiết chế dục vọng và sự thay đổi cuộc sống”. Bác sĩ Barbara More, vô địch chạy việt dã trong Thế vận hội 1949 lúc 56 tuổi, là một người ăn chay trường, cũng như lực sĩ Cliff Young người Úc đã đoạt sáu giải thưởng về môn chạy đường trường trên thế giới.

Đối với người tu, ăn chay còn có một ý nghĩa cao cả hơn. Trong quá trình luân hồi dài, mọi chúng sanh đều có thể có sự liên hệ huyết thống, vì nghiệp duyên nên mang những hình tướng khác nhau, và vì vô minh cách ấm nên không nhớ những ràng buộc thân cận ở các kiếp trước. Nếu chúng ta ăn thịt cá, biết đâu vô tình chúng ta ăn phải thịt của bà con quyến thuộc. Một điểm nữa, Phật dạy tất cả muôn loài đều có Phật tánh bình đẳng không hai không khác. Chúng ta có thể nào hủy hoại mạng sống của những sinh vật ngang hàng với mình? Các thiền sinh khi quán chiếu thấy rõ tự tính bình đẳng của vũ trụ nhân sinh, tất nhiên phát khởi tâm đồng thể đại bi, sẽ cảm nhận sâu sắc những điều này không khó. Mạnh tử nói: “Kiến kỳ sinh, bất nhẫn kiến kỳ tử; Văn kỳ thinh, bất nhẫn thực kỳ nhục”. Thật vậy, nếu đã nhìn thấy động vật lúc còn sống thì không thể nhẫn tâm nhìn chúng chết; cũng như khi nghe tiếng kêu thảm thiết của chúng thì làm sao ta có thể nhẫn tâm ăn thịt chúng được? 

Nói như thế, không có nghĩa là chúng ta phải tuyệt đối ăn chay mới tu được. Đây cũng là một quan niệm cực đoan biên kiến. Ăn chay có lợi cho sức khỏe, giúp phòng tránh một số bệnh tật và nhất là để trưởng dưỡng lòng từ bi, nhưng không phải đó là điều kiện tiên quyết đối với người tu, ngay cả tu thiền. Thời Đức Phật còn tại thế, cũng như các vị Tu sĩ Nam Tông, vẫn dùng được ngũ tịnh nhục(*), và tu hành vẫn đạt được những kết quả rất cao. Vì không có tác ý nên không phạm tội sát sinh, lòng từ bi không bị tổn hại. Hàng cư sĩ tại gia còn nhiều ràng buộc trong gia đình và ngoài xã hội, cũng nên khéo tùy duyên thế nào để vừa phù hợp với đạo đức, vừa không ảnh hưởng đến sinh hoạt thường ngày. 

2.- Điều thụy miên

Là thiền sinh, chúng ta cần có điều độ về vấn đề ngủ nghỉ. Ngủ là trạng thái nghỉ ngơi của ý thức, tức của vỏ não. Nếu thời gian ngủ không đầy đủ, trí óc làm việc quá độ sẽ bị mệt mỏi, lâu ngày ảnh hưởng đến năng suất hoạt động. Nhiều trường hợp đột tử do stress cũng là hậu quả của sự căng thẳng thần kinh và sự thiếu ngủ trầm trọng trong thời gian dài. Ngược lại, người ngủ nhiều quá lại làm giảm sự nhạy bén, trí thông minh và sức phán đoán trước các tình huống bên ngoài.

Ở đây, chúng ta cũng cần biết một vài điều liên quan đến giấc ngủ, để tự mình có thể điều chỉnh nhịp độ sinh học cho chính mình. Bởi vì, trong cuộc sống hối hả với cường độ lao động cao, nhiều loại hình giải trí gây căng thẳng kích động thần kinh hơn là làm yên tĩnh thoải mái, chưa kể những xáo trộn bất an của trật tự xã hội bên ngoài, con người khó thể tìm được sự bình ổn cho thể chất và tinh thần. Bệnh mất ngủ vì vậy đã chiếm một tỷ lệ khá cao, nhất là ở người lớn tuổi và làm việc trí óc. Và chỉ tính riêng ở Mỹ, các tai họa do thiếu ngủ gây ra đã làm 25.000 người thiệt mạng, gây thương tật vĩnh viễn cho 2,5 triệu nạn nhân và tổn thất đến 56 tỷ Mỹ kim mỗi năm! Chúng ta còn nhớ vụ nổ phi thuyền con thoi Challenger khi mới rời khỏi mặt đất 2 phút, làm toàn bộ phi hành đoàn 7 người tử vong, trước sự chứng kiến của hàng triệu khán giả đang xem trực tiếp truyền hình. Nguyên nhân vụ nổ rất đơn giản: 13 vị quản đốc then chốt đã phải tăng giờ làm việc căng thẳng trong một thời gian dài, mỗi đêm chỉ ngủ được 4 tiếng. Do thiếu ngủ, không nhận ra những điểm bất tường qua các số liệu thống kê, các vị đã sai lầm khi quyết định ra lệnh phóng phi thuyền! 

Như vậy, giấc ngủ rất quan trọng cho sự sống của sinh vật nói chung và loài người nói riêng. Số giờ ngủ mỗi ngày tùy theo lứa tuổi và theo từng cá nhân, nhưng trung bình là 8 tiếng (1 tiếng vào buổi trưa và 7 tiếng buổi tối); trừ những trường hợp đặc biệt, có thể ngủ ít hơn với giấc ngủ sâu, cũng có thể đầy đủ đối với nhu cầu của cơ thể. Các vị tu thiền đạt được tình trạng an định, thường không cần ngủ nhiều mà vẫn mạnh khỏe, tinh thần vẫn rất sáng suốt. Giờ đi ngủ tốt nhất là bắt đầu từ lúc 21 - 22 giờ, vì một tiếng đồng hồ ngủ trước 12 giờ khuya có chất lượng gấp đôi so với giờ ngủ sau 12 giờ. Tại các Thiền viện, giờ an nghỉ ban đêm bắt đầu từ 21 giờ 30 đến 3 giờ 30, các vị có thể tọa thiền mà vẫn tỉnh táo, khỏe khoắn. Dấu hiệu cho biết có ngủ đủ hay không, là sự tươi tỉnh và thoải mái vào ban ngày. 

Đối với người lớn tuổi, thời gian và chất lượng giấc ngủ thường kém hơn người trẻ. Đây là hiện tượng sinh lý tự nhiên, nếu không ảnh hưởng đến sức khỏe và năng suất lao động. Nếu mất ngủ thường xuyên hoặc rối loạn giấc ngủ (thường thức giấc giữa đêm và khó dỗ giấc ngủ trở lại), trước nhất chúng ta nên áp dụng một số biện pháp không dùng thuốc như sau: 

1- Tập đi ngủ và thức dậy vào một thời điểm nhất định.

2- Tránh uống các loại kích thích thần kinh vào buổi chiều và tối như cà phê, trà, nước giải khát có coca như Coca-cola, Pepsi...

3- Chuẩn bị chỗ ngủ thích hợp nếu có điều kiện, tránh nóng hay lạnh quá, giảm thiểu ánh sáng và tiếng động. Trong bóng tối, chất Melatonin được tiết ra khiến con người dễ vào giấc ngủ. Nếu nhiều ánh sáng, sự tiết Melatonin bị ức chế gây khó ngủ.

4- Phòng ngủ và giường ngủ chỉ là nơi để ngủ không phải để làm việc hay giải trí. Vì thế, không xem sách báo hay giải quyết công việc làm khi đã chuẩn bị đi ngủ, càng không nên để các máy truyền hình, video, cassette trong phòng ngủ. Nhiều nghiên cứu gần đây cho thấy sự tác hại của trường điện từ phát sinh từ những máy móc điện tử, đối với giấc ngủ và với sức khỏe của con người, khi đặt chúng gần chỗ ngủ. 

5- Không nên để quá no hoặc quá đói trước khi đi ngủ. Giữa ăn uống và ngủ nghỉ có sự liên hệ mật thiết. Buổi chiều nếu dùng các thức ăn nhẹ, chúng ta có thể chỉ cần ngủ 5 - 6 tiếng, thức dậy vẫn tỉnh táo. Nếu chiều ăn quá no, đêm đó dù ngủ nhiều, chúng ta vẫn thấy mệt mỏi uể oải. 

6- Người thường xuyên khó ngủ về đêm, nên tránh ngủ trưa, chỉ nằm nghỉ ngơi mà thôi. Nếu ban đêm ngủ được thì giấc ngủ ngắn vào buổi trưa lại có lợi cho sức khỏe. 

7- Tập thể dục, dưỡng sinh, đi bộ đều đặn hàng ngày, nhưng tránh vận động thể dục trước khi ngủ vì gây kích thích thần kinh. Đối với các thiền sinh, việc tọa thiền là một phương pháp tuyệt hảo giúp phòng chống căng thẳng, kích động tinh thần, ổn định về tâm-sinh lý và điều hòa các cơ quan chức năng trong cơ thể. 

8- Nếu trằn trọc lâu vẫn không ngủ được, thử áp dụng kỹ thuật Bootzin: Rời khỏi giường, đi sang phòng khác và ngồi đó cho đến khi cảm thấy buồn ngủ mới trở lại giường. Trong đêm có thể làm như vậy nhiều lần cho đến lúc ngủ được. Mục đích để tập một phản xạ: giường ngủ không phải là nơi nằm trăn trở qua lại, mà là nơi để ngủ một cách dễ dàng và nhanh chóng. 

Bên cạnh các biện pháp trên, chúng ta có thể sử dụng các cây thuốc theo kinh nghiệm dân gian có tính an thần, như tim sen, nhãn lồng, cây trinh nữ, lá vông nem..., sắc hay nấu nước uống hàng ngày. Đối với các thuốc Tây y, chỉ nên dùng khi có ý kiến của thầy thuốc, vì có nhiều tác dụng phụ ngoại ý. 

3.- Điều thân

Nói chung, điều thân gồm điều hòa qua 4 oai nghi: đi, đứng, nằm, ngồi; lúc tĩnh cũng như lúc động; khi nghỉ ngơi cũng như khi làm việc. Mọi thời điểm, mọi nơi chốn, dù chỉ có một mình hay nơi chỗ đông người, chúng ta đều phải có một phong thái ung dung, thảnh thơi của một thiền sinh biết an trú tâm vào giờ phút hiện tại.

Người xưa thường dùng câu: “Hành như hổ, tọa như sơn” (Đi như cọp, ngồi như núi) để diễn tả cách đi đứng nhẹ nhàng và cách ngồi vững chãi ngay ngắn của người có sức tự chủ cao. Một hành giả tu thiền, khi tâm định tĩnh, tinh thần lực mạnh mẽ, cũng toát lên một vẻ an lạc và vững vàng như thế. 

Điều thân có nhiều vấn đề rất chi ly, nhưng tựu trung vẫn phải ở trong Trung đạo. Đối với tứ sự (ăn, mặc, ở, bệnh), chúng ta phải khéo tùy duyên, thọ dụng thế nào cho thích hợp với đặc điểm bản thân và với môi trường chúng ta đang sống. Nhất là người tu, cần có sự tỉnh giác trong cách nói năng, giao tiếp, làm sao vừa đảm bảo oai nghi tế hạnh lại vừa trọn vẹn ý nghĩa Đồng sự nhiếp. Mới nghe, chúng ta nghĩ đây là điều khó thực hiện, nhưng nếu có công phu thiền tập, chúng ta tự nhiên sẽ có sức sống rạt rào và lại uyển chuyển phù hợp với cuộc đời. Ngay cả khi đau ốm, chúng ta vẫn biết rõ nỗi khổ sở của thân, nhưng nhờ thắp sáng chánh niệm trên cơn đau, theo dõi cơn đau từ lúc hình thành đến khi biến mất, chúng ta có thể ôm ấp nó, và cuối cùng chuyển hóa nó. Đây là cách tu trong hoàn cảnh bệnh tật. Nói như thế, không có nghĩa là khi đau ốm, chúng ta không lo điều trị thuốc thang; càng không phải dùng thiền định như một phương tiện chữa bệnh. Ngày xưa, đức Phật vẫn có y sĩ chăm sóc sức khỏe cho Ngài và các vị đệ tử; thì ngày nay, khi bệnh tật gia tăng về chủng loại và về mức độ trầm trọng, liên quan đến sự ô nhiễm môi trường và lối sống buông thả hưởng thụ, chúng ta há không cần đến sự giúp đỡ của đội ngũ các thầy thuốc được sao? 

Một điểm rất quan trọng trong điều thân đối với các thiền sinh, là vấn đề tọa thiền. Có người chủ trương, thiền là phải áp dụng trong mọi thời mọi lúc, nên xem nhẹ việc tọa thiền. Có người dùng câu nói của Lục Tổ Huệ Năng “Đạo do tâm ngộ chứ không phải do ngồi” hoặc câu chuyện “mài gạch không làm thành gương, như ngồi thiền không thành Phật được” của Tổ Nam Nhạc khai thị cho Mã Tổ Đạo Nhất, để bài bác qui định nghiêm nhặt về thời khóa tọa thiền tại các Thiền viện. Thật ra, đối với người đã ngộ được bản tâm thanh tịnh của chính mình, hàng giây phút sống miên mật với nó, thì đó đã là thiền, không cần ấn định tư thế hoặc thời điểm công phu. Còn đối với những người sơ cơ, nhất là các Phật tử, nhiều gia duyên ràng buộc, sáu căn luôn dính mắc với sáu trần, nếu không có những giờ yên tĩnh tránh duyên, làm sao nhìn rõ những vọng tưởng hư dối từ lâu lôi kéo mình vào vòng sinh tử? 

Tùy theo hoàn cảnh và sức khỏe, chúng ta có thể sắp xếp tọa thiền từ 1 đến 3 lần mỗi ngày. Những chi tiết về phương pháp công phu, chúng ta sẽ khảo sát trong các mục sau. Nói chung, cần chú ý tư thế lúc tọa thiền: Thế ngồi vững chãi và khoan thai, khuôn mặt tươi vui và từ hòa. Suốt thời gian ngồi thiền, thân phải bất động. Đây là cách làm chủ được thân để tiến đến làm chủ tâm. Nếu có điều kiện, nên tổ chức cộng tu. Nhiều bạn đạo cùng tọa thiền, nhờ tâm lực của đại chúng có thể phát sinh một từ trường rất có ích. Khi thân bất động, tâm không dong ruổi theo các pháp cũng không vô ký hay hôn trầm, sẽ dễ dàng đạt được trạng thái nhập tĩnh. Lúc ấy, tất cả chức năng của cơ thể đều hoạt động chậm lại nhưng đều đặn và thông suốt, khí huyết vận hành tốt hơn. Đây là một điều lạ vì thông thường, chúng ta tưởng khi thân hoạt động thì các cơ quan tạng phủ sẽ làm việc tốt hơn lúc thân ngồi bất động. Nhưng ai có công phu đều thấy rõ, khi ngồi đúng phương pháp và có kết quả, một lúc lâu chúng ta sẽ cảm giác được hơi ấm tỏa lan khắp châu thân. Lúc xả thiền, chúng ta thấy khỏe khắn, thoải mái, tinh thần minh mẫn và hăng say làm việc. Điều này giải thích tại sao trong các cơ quan xí nghiệp ở Âu Mỹ và Nhật bản, thậm chí trong các trại giam, người ta tổ chức tọa thiền mỗi ngày trước giờ làm việc. Kết quả là năng suất lao động cao hơn, kỹ luật được tuân thủ tốt và tỉ lệ các phạm nhân trốn trại hoặc tái phạm tội giảm đi đáng kể. 

4- Điều tức

Điều tức là điều tiết hệ hô hấp, biểu hiện trên hơi thở. Sự điều hòa này tế vi hơn ba phần nói ở trên; và chỉ khi điều hòa được những cái thô, lần lần mới có thể ảnh hưởng trên các lĩnh vực vi tế là hơi thở và tâm. 

Hơi thở được chia làm 4 tướng: 

a.- Phong tướng: Hơi thở thô, phát ra âm thanh phì phò, thân cử động theo hơi thở ra vào, người bên cạnh có thể nhận thấy. Đây là tướng không tốt, biểu hiện sự không thông suốt ở đường hô hấp. Thường thấy ở người bị suyễn, viêm phế quản mãn tính và chưa biết phương cách điều tức.

b.- Suyễn tướng: Hơi thở không phát ra âm thanh nhưng có vẻ ngưng trệ, ra vào khó khăn. Nguyên nhân có thể do ăn quá no, suy nhược cơ thể, một số bệnh tim mạch và hô hấp. Hai tướng trạng trên đây không nên có ở thiền sinh, cần tìm nguyên nhân để giải quyết. 

c.- Khí tướng: Hơi thở không phát ra âm thanh, ra vào thông suốt, nhưng chưa đạt được trạng thái tế vi và điều hòa. Đây là loại hình thường thấy nhất, nhưng đối với thiền sinh, khí tướng chưa phải là tướng thở tốt. 

d.- Tức tướng: Đây mới đúng là tướng cần có của hơi thở. Người có tức tướng, lúc thở ra vào không phát ra âm thanh, thông suốt, nhẹ nhàng, điều hòa và dường như có dường như không. Hành giả lúc tọa thiền, chánh niệm trên hơi thở, tức bám sát nhận diện mà không cưỡng ép nó, tự nhiên sẽ thở sâu, chậm lại và nhẹ nhàng. Khi định đã sâu, hơi thở rất êm nhẹ như có như không, người bên cạnh khó thể nhận biết. Lúc hành giả đến được giai đoạn này, tức đến trạng thái cuối cùng của định, có thể bặt luôn hơi thở và giữ nguyên hiện trạng trong thời gian dài mà vẫn sống. 

Theo Trí Khải Đại Sư: “Giữ phong thì tán, giữ suyễn thì kết, giữ khí thì nhọc, giữ tức thì vào định”. Nếu hơi thở theo phong tướng, tâm sẽ tán loạn; theo suyễn tướng thì không khí ra vào bị ngưng trệ, không thông suốt; giữ khí tướng tức còn dùng sức tâm duy trì trên hơi thở, nên gây mệt nhọc nếu tọa thiền lâu. Ở tức tướng nghĩa là vào định, hành giả thấy nhẹ nhàng an lạc nên muốn duy trì mãi trạng thái này, vì không có gì trên đời có thể so sánh được. Thật vậy, chỉ mới ở mức độ Sơ thiền, hành giả đã cảm nhận một sự an lạc bằng 16 lần hơn những khoái cảm của ngũ dục. 

Về phương diện y học, chúng ta biết con người là một hệ thống hoàn chỉnh, và mỗi bộ phận đều có liên hệ hỗ tương với những bộ phận khác trong cơ thể. Đặc biệt là hệ hô hấp, có thể xem là một bộ phận quyết định của sự sống. Khi thở vào, chúng ta đưa dưỡng khí (Oxy) vào phổi, từ đây hệ tuần hoàn sẽ đưa khí này đến nuôi tất cả các tế bào trong cơ thể. Chất thán khí (CO2) thải ra từ quá trình chuyển hóa sẽ được dòng máu chuyển tải đến phổi và thở ra ngoài. Nếu hô hấp ngừng lại, tất cả các bộ phận khác đều ngưng hoạt động, con người sẽ tử vong. Vì thế, điều hòa hơi thở là một vấn đề quan yếu cho cả thân lẫn tâm. Điều tức có kết quả sẽ giúp phòng chống được nhiều bệnh về hô hấp, tim mạch, tiêu hóa; đặc biệt là một liệu pháp tốt ngừa chứng căng thẳng thần kinh (stress) đang chiếm một tỷ lệ khá cao trên thế giới.

5.- Điều tâm

Điều tâm là điều hòa và chế ngự loạn niệm, tức những tư tưởng lăng xăng lộn xộn tiếp diễn mãi không dừng. Khi tâm an định, hành giả vẫn tỉnh táo nhưng không loạn động, yên tĩnh nhưng không vô ký. Lúc này, vỏ não không hoạt động, nhường chỗ cho trung não, nên ý thức lặng nghỉ và trực giác phát sinh. Hành giả cảm nhận một sự khinh an hỉ lạc diệu kỳ, và chính trạng thái này kích thích vị ấy tiếp tục miên mật công phu. Có thể nói, nhập định là một tình trạng toàn bích của tinh thần, giúp tăng cường ký ức và trí thông minh, kiện toàn về tâm-sinh lý, đồng thời có tác dụng tốt lên tất cả các bộ phận khác của cơ thể. Người có công phu thiền tập rất nồng nhiệt với cuộc sống, năng suất lao động cao và trầm tĩnh trước những thử thách trở ngại thường ngày. Họ cảm thấy hạnh phúc dù ở bất cứ hoàn cảnh nào, nên muốn san sẻ niềm hạnh phúc ấy cho mọi người xung quanh. Đây là tiền đề của lòng từ bi - ban vui và cứu khổ. 

Điều tâm là lĩnh vực vi tế nhất và quan trọng nhất đối với một thiền giả. Nhà Thiền nói: “Ngoài tâm cầu Phật là ngoại đạo”. Chúng ta đều biết, lúc Phật thành đạo dưới cội cây Tất-bát-la sau 49 ngày đêm thiền định, Ngài đã thốt lên rằng: “Lạ thay! Tất cả chúng sanh đều có bản tâm thanh tịnh thường nhiên, cớ sao cứ mãi trôi lăn trong vòng sinh tử?”. Và cũng chính vì thấy rõ mọi chúng sanh đều có chánh nhân thành Phật, nên Ngài đã bỏ trên 40 năm trường, vượt hàng muôn dặm để giáo hóa và khai thị cho biết bao hạng người. Theo gương Ngài, chư vị Tổ sư và hàng hàng lớp lớp các bậc cao tăng đã không tiếc công sức, đem ánh sáng chánh pháp soi rọi cho muôn loài, trên bước đường tu Bồ tát hạnh, hành Bồ tát đạo. Chúng ta có diễm phúc mang thân người, lại được thấm nhuần chánh pháp, không thể nào cô phụ công ơn Thầy - Tổ, cô phụ tánh linh của chính mình mà không nỗ lực tu tập. Tu ở đây có nghĩa là nhận ra và sống với bản tâm thanh tịnh của chính mình, cho nên cần nhấn mạnh: Tu là tu tâm, Ngộ là ngộ tâm, Chứng là chứng tâm, và khi thành Phật cũng chỉ là thành tựu bản tâm hằng tri hằng giác ấy. 

Năm lĩnh vực cần điều hòa đã nói trên đây là hành trang cần thiết cho các thiền sinh trên bước đường tu tập, chúng hỗ trợ cho đời sống của chúng ta ngày một tốt đẹp hơn. Ba lĩnh vực đầu (ăn uống, ngủ nghỉ và thân) là áp dụng chung cho mọi người để giữ gìn sức khỏe, phòng tránh một số bệnh tật. Đối với những hành giả tu thiền, hai lĩnh vực hơi thở và tâm là quan trọng bậc nhất, nếu muốn công phu có kết quả và không đi lầm vào ngã rẽ. Phương pháp dụng công để điều hòa tâm và hơi thở, chúng ta sẽ lần lượt khảo sát trong những phần sau. Một điều nên nhớ: chúng ta không thể chỉ tu vài tháng, vài năm mà mong đạt đến quả vị cuối cùng, cho nên tư tưởng mong cầu hay nóng vội đều không đúng. Ngược lại, cũng không phải chờ đến lúc chết hay qua kiếp sau mới tìm được sự an lạc bình ổn nội tâm. Tịnh độ chỉ có ở tại đây và bây giờ. Luôn sống trong chánh niệm, an trú vào giờ phút hiện tại, chúng ta sẽ có được bình an. Nếu không được như vậy, chúng ta phải tự kiểm nghiệm lại mình để khắc phục những thiếu sót, sửa chữa kịp thời những lệch lạc. Thiền sinh luôn cần có thầy và bạn để hướng dẫn và giúp đỡ mình trong công phu, sao cho tất cả đều vững vàng về lý thuyết và hành trì. Điều này cho thấy sự cần thiết của những đạo tràng gồm các Phật tử đồng tu. Những người tự cho mình đã ngộ được bản tâm, có thể một mình tiến tu mà không cần ai giúp đỡ, cần phải xoay lại xem xét một cách thấu đáo và thành thật với chính mình. Người xưa có câu: “Hổ ly sơn hổ bại, Tăng ly chúng Tăng tàn”. Hổ là chúa sơn lâm, lìa khỏi rừng còn thua các loại thú khác. Chúng ta là người tu, nhất là cư sĩ tại gia mỗi ngày đều chịu sự cám dỗ của những thú vui trần thế, có thể nào không nhờ bạn đạo mà vững tiến được sao? 
 

DỪNG BƯỚC ĐI HOANG

Một nhà thơ đã viết: 

“Hỡi Thượng Đế, xin cúi đầu trả lại
Linh hồn tôi đà một kiếp đi hoang”.

Mang số phận kẻ tha hương, một ngày nhìn lại nỗi cô đơn trống vắng của mình, nhà thơ muốn tìm an ủi nơi Thượng Đế. Chỉ mới ý thức mình chịu một kiếp đi hoang mà ông đã thấy đau khổ cùng cực, thì nếu ngẫm lại lời Đức Phật dạy về thân phận con người, chúng ta có những ý nghĩ gì? 

Tất cả chúng sanh đều như gã cùng tử trong Kinh Pháp Hoa. Cha là trưởng giả nhưng con lại lang thang làm kẻ không nhà, chịu nhiều tai ương thống khổ. Mọi người chúng ta, ai cũng có một quê hương thanh bình an lạc, một gia tài đồ sộ tự do sử dụng; nhưng lại quên đi, để rồi trong vô lượng kiếp đắm chìm trong luân hồi sinh tử. Đây là số phận đau thương của con người. 

Chư Phật - Bồ tát đã yên ổn nơi quê hương muôn thuở, nhìn chúng sanh còn lặn hụp trong biển khổ trầm luân, nên khởi lòng đại từ đại bi, phát đại nguyện ra tay tế độ. Chúng ta bây giờ có duyên cùng Phật pháp, được thấm nhuần ơn pháp vũ của các Ngài, cũng nên lên đường trở về quê hương. Muốn thế, trước tiên chúng ta phải biết rõ đường hướng, sau đó trang bị đầy đủ tư lương; để cuộc hành trình, dù xa diệu vợi, nhưng cũng có ngày đưa chúng ta đến đích cuối cùng. 

I- NỘI DUNG VÀ KẾT QUẢ CỦA CHÁNH NIỆM

Trong chữ Hán, Niệm( ) gồm hai phần: trên là chữ  (hiện tại), dưới là chữ Tâm  (lòng dạ, tư tưởng), nguyên nghĩa là đặt tâm vào giờ phút hiện tại. Muốn khẳng định nghĩa này người xưa thêm vào chữ chánh, tức chánh niệm, để phân biệt với thất niệm là tâm dong ruổi theo trần cảnh ngoại duyên.

Như vậy, nội dung thứ nhất của chánh niệm là an trú tâm vào thời điểm tại đây và bây giờ, để nhận rõ những sự vật hiện tượng xảy ra xung quanh ta. Đây là sự thấy biết không qua phân tích, suy luận, so sánh - là hành vi của ý thức, thấu suốt tất cả các pháp trong tận cùng uyên nguyên của chúng. Vì không qua lăng kính phân biệt nhị nguyên, nên sự soi sáng các pháp bằng chánh niệm là cái thấy biết như thật, đúng ý nghĩa của “Như thị tri, như thị kiến” trong Kinh Pháp Hoa, của “Tuệ tri” trong Kinh Niệm Xứ, của “Cái Biết” theo chư vị Tổ Sư Thiền ngày xưa và Thiền phái Trúc Lâm ngày nay. 

Nội dung thứ hai của chánh niệm, là sự dừng lại để trở về. Con người chúng ta thường nhớ nghĩ về quá khứ và mơ mộng đến tương lai. Dù kỷ niệm buồn đau hay vui sướng, chúng ta đều mãi nâng niu ôm ấp nó. Chúng ta cũng hy vọng về một ngày mai tươi sáng hơn hôm nay, và ấp ủ hy vọng ấy như một nguồn an ủi trong cuộc sống. Tâm chúng ta luôn luôn chạy theo những gì đã qua hoặc chưa đến mà quên mất giờ phút hiện tại đang là, không biết rằng mảnh đất thực tại mới là nơi có thể an trú vững chãi. Thực tập chánh niệm là dừng tâm dong ruổi lại, không chạy đuổi theo những bóng dáng không thật ấy nữa mà xoay về chính mình. Mục đích là nhận diện rõ những tâm hành sinh diệt, cùng những biến đổi từ thô đến tế của các bộ phận trong cơ thể. Đây là tinh thần phản quan tự kỷ, giúp chúng ta có một cái nhìn đúng đắn về thân và tâm mình, chỉ là duyên sinh giả hợp, không thực có, không thường còn. Chúng ta sẽ thao thức muốn biết đâu là con người thật xưa nay của mình, đâu là quê hương muôn đời bí mật mà từ lâu mình quên lãng. 

Dù chúng ta theo pháp môn nào, chánh niệm vẫn là nền tảng trong việc tu hành. Trong pháp môn Tịnh Độ, tâm hành giả gắn chặt vào Lục tự Di-Đà đến nhất tâm bất loạn; Mật tông trì câu chú đến Tam mật tương ưng; nhà Thiền áp dụng cách miên mật theo dõi hơi thở hay vọng niệm dấy khởi... Các pháp môn tuy có những phương tiện tu tập khác nhau và không sử dụng cùng một từ ngữ, nhưng tựu trung đều là tinh thần của chánh niệm. Có thể nói, chánh niệm là con đường đúng đắn để trở về cố hương, còn thất niệm là sống kiếp cùng tử không nhà.

- Phật dạy: 

Quá khứ không truy tìm
Tương lai không ước vọng 
An trú trong hiện tại 
Do vậy sắc thù diệu. 

Nếu không truy tìm về quá khứ hay ước vọng về tương lai, tỉnh thức và an trú trong hiện tại, chúng ta không bị trần cảnh chi phối. Sắc diện trở nên tươi nhuận vì đời sống nội tâm sung mãn. An lạc là kết quả đầu tiên khi thực hiện chánh niệm. Vì sao được như thế? - Khi ý thức không phiêu lưu vào thế giới của điên đảo mộng tưởng, dừng tâm lại để nhận định rõ thực tại, chúng ta sẽ thấy mình vô cùng hạnh phúc vì có thể thưởng thức mọi điều hay đẹp của thiên nhiên, vì hoàn cảnh của mình còn tốt hơn bao nhiêu người khác, vì chúng ta là chủ nhân của toàn thể vũ trụ bao la. Chúng ta sẽ rất hồn nhiên đi trong cuộc đời, vượt lên trên tất cả mọi điều thăng trầm, vinh nhục, đắc thất. Chúng ta sẽ thấy giải thoát là tự nhiên và có sẵn ngay trong thế giới phàm tục này; và mọi hành động, mọi cử chỉ của chúng ta đều là những nghi lễ thiêng liêng trong tôn giáo. Chúng ta sẽ có rất nhiều thời giờ để tu, vì chánh niệm có thể thực hiện trong mọi tình huống, mọi hoàn cảnh, vào bất cứ lúc nào và bất cứ ở đâu.

Nhiều người cho rằng, tu Thiền là phải làm ra vẻ đạo mạo khác người, mọi lời nói hành động đều phải chứng tỏ cho mọi người biết mình là thiền giả. Không cần phải giả trang tăng tướng như thế. Có an lạc nội tâm, tự nhiên chúng ta có được phong cách bình thường và lặng lẽ của một người đi trong dòng đời mà không bị sóng đời xô đẩy. Bình thường không phải là tầm thường, đây là sự hồn nhiên và khéo tùy duyên tương ưng với tự tánh. Có an lạc nội tâm, chúng ta sẽ thấy mỗi phút giây là một viên ngọc quí. Trong đời tu, có bao nhiêu phút giây an trú trong thực tại là chúng ta có được bấy nhiêu viên ngọc quí. Như thế, có phải ngay trong hiện đời, chúng ta đã nhiều lần bước từng bước trên đất thất bảo không? Những hình ảnh lung linh huyền diệu trong các kinh điển Đại thừa như nước tám công đức, đất bảy báu, cây bằng vàng ròng..., đã hiển hiện trong thực tế, và Tịnh Độ cũng chính là cõi Ta Bà.

Kinh Pháp Hoa kể về một kẻ cùng tử bỏ cha đi hoang, nhưng người cha lúc nào cũng thương nhớ đứa con hư của mình. Chúng sinh quên Phật, nhưng Phật không bao giờ bỏ chúng sinh. Chúng ta quên mất tự tánh bản lai do chạy theo trần cảnh, sống bằng thức giác, nhưng bản tâm thanh tịnh ấy vẫn hằng hữu nơi mỗi người. Theo trần cảnh quên bản tâm (bối giác hiệp trần) là chúng sinh, đắm chìm trong sinh tử; nếu quay lưng với trần cảnh sống lại với bản tâm (bối trần hiệp giác) là đồng với chư Phật. “Thủy lưu quy đại hải, Nguyệt lạc bất ly thiên”. Nước chảy mãi, cuối cùng cũng về biển cả; trăng dù lặn cũng không ra khỏi bầu trời. Sóng không rời khỏi biển chân như, cũng như trăng không ra được bầu trời tự tánh; như bóng theo hình, như vang theo tiếng. Tự tánh vốn thanh tịnh nhưng bị khách trần làm ô nhiễm, như gương vốn trong và sáng, do bụi bặm bám đầy nên không soi tỏ được mọi vật. Lâu nay chúng ta cứ buông lung tâm ý và nhìn sự vật bằng ý thức phân biệt nhị nguyên, nên không thấy được sự thật tuyệt đối hằng hữu của chính mình và của vạn pháp. Giờ đây, lắng sâu tâm thức, theo dõi từng hành động của thân và từng chuyển biến sinh diệt nơi tâm, vào một thời khắc nào đó, tự nhiên cánh cửa bí mật trong lòng muôn pháp sẽ mở toang. Chúng ta sẽ thấy một cách thấu thể mọi sự mọi vật trong tận cùng nguồn cội của chúng. Chúng ta sẽ biết rõ bộ mặt thật xưa nay của chính mình. Nó không có hình tướng nên không bao giờ sinh diệt, lúc trải rộng thì trùm khắp vũ trụ vô biên, khi thu lại chỉ trên đầu ngọn cỏ. Nó không biết nhưng không có gì là chẳng biết (Bát Nhã vô tri nhi vô bất tri).

Mọi pháp như dòng sông, trôi chảy mãi không ngừng, nhưng chứng ngộ là chứng vào sát-na bất động. Thời điểm chứng ngộ chỉ trong một sát-na nhưng có tính cách vĩnh hằng, nên gọi là “Một niệm muôn  năm”. Nhà Thiền có từ “Sát na tam-muội”. Tam muội là chánh định, chánh định này cũng vĩnh viễn ở trong “sát-na-bất-động-hiện-tại” ấy; và Chánh niệm là phương tiện thù thắng nhất để chúng ta có thể nhảy thẳng vào rồi an thân lập mệnh nơi Sát-na bất động đó. Kinh Phổ Diệu diễn tả sự chứng ngộ của Đức Phật khi sao Mai vừa mọc, một ngày của hơn hai ngàn năm trăm năm trước: “Bỗng nhiên trong một niệm bừng lên, Bồ tát phóng chiếu trí giác vào toàn thể thế gian và chứng đắc giác ngộ tối thượng”.

II- MỘT SỐ ĐIỀU KIỆN TRONG CÔNG PHU

Trước tiên, chúng ta cần hiểu rõ sự quan trọng của một cuộc sống có kỷ cương, có phép tắc, có giới luật, nhất là đối với người xuất gia. Nếu không có kỷ luật tu hành, chúng ta khó khắc phục được dục vọng phiền não. Bởi vì, vọng tưởng ý dục như con trâu điên, có thể dụ dỗ, lôi kéo ta vào đường ma lối quỷ. Nhiều người muốn thực hiện sự trở về, nhưng tập khí ngàn đời cứ đưa đẩy họ vào đường luân lạc, vì không khéo tổ chức một cuộc sống khuôn khổ, nề nếp. Vì thế, lúc sắp nhập Niết-bàn, Đức Phật đã dạy các vị đệ tử phải lấy giới luật làm Thầy. Trong tranh chăn trâu của nhà Thiền, giới luật cũng được tượng trưng bằng sợi dây buộc mũi. 

Một số người hiểu Thiền một cách sai lạc, cho rằng lời dạy “Tùy duyên tiêu nghiệp cũ, Hồn nhiên mặc áo xiêm” hoặc “Đói ăn mệt ngủ” của các Thiền sư có nghĩa là, Thiền chủ trương tự do thoải mái, không cần theo phép tắc lễ nghi. Thật ra, tự do không phải là buông lung phóng dật, muốn làm gì thì làm. Tự do không thể tách rời kỷ cương, đạo lý - dù trong đời sống thường nhật hay trong nhà đạo. Kinh Lăng Nghiêm nói: “Nếu không gìn giữ giới luật, dù đạt được Thiền định, cũng rơi vào lưới ma”. Đối với các vị Tổ sư, do đã nhận ra và hằng sống với Phật tánh của chính mình, nên cái “hồn nhiên”, cái “tùy duyên” ấy phát xuất từ tự tánh và biểu hiện ra hành động. Các Ngài sống một cách tự do tự tại, ngược-xuôi thuận-nghịch gì cũng đều hợp đạo lý. Còn chúng ta, khi chưa hoàn toàn sống được với bản tâm thì không bao giờ quên những giới luật phải gìn giữ, không bao giờ được đồng hóa sự phóng khoáng tự tại của những bậc đã chứng ngộ với sự phóng túng tự do của kẻ phàm phu tục tử. 

Mặt khác, đạo Phật là một tôn giáo nhưng không nặng về thần quyền, mà trả lại cho con người những giá trị vốn có; con người là chủ nhân của vũ trụ và của chính mình. Vì vậy, đạo Phật là đạo tự lực và có tinh thần nhân bản rất cao. Thông thường, gặp chuyện đau khổ hay bất như ý, chúng ta hay đổ lỗi cho người khác, mà quên nhìn lại xem mình có lỗi không. Phật dạy, từ vô lượng kiếp, do thân miệng ý của chúng ta đã tạo biết bao nhiêu nghiệp thiện ác, rồi theo nghiệp thọ sanh, lẩn quẩn mãi trong vòng sinh tử. Những điều gọi là may mắn hay rủi ro, những người gọi là ân hay oán đến với mình, đều chiêu cảm từ nhân mình đã gieo thuở trước. Có nhân, cộng thêm những duyên hỗ trợ, nhất định phải có quả. Lý Nhân-Quả là một chân lý muôn đời, nên người hiểu đạo luôn có tinh thần trách nhiệm và tự lực, không cầu nguyện ơn trên nào ban phước, cũng không bao giờ đổ lỗi cho ai.

Điều kiện thứ ba, không thể thiếu trong việc tu hành, nhất là trong công phu thiền tập, là sự nhiệt tâm tinh cần và ý chí xung thiên. Người tu chúng ta phải luôn thao thức với nỗi hoài nghi: “Tất cả chúng sanh đều có bản tâm thanh tịnh thường nhiên, đó cũng là thực tướng của vũ trụ vạn hữu. Chúng ta làm sao thấu triệt được thực tướng ấy?”. Luôn canh cánh bên lòng câu hỏi ấy để đêm ngày tinh tấn tu hành, không nề khó khăn gian khổ, mới mong có ngày ta tìm được câu trả lời. Thiền sư Linh-Vân mất 30 năm mới ngộ được tự tánh, khi thấy hoa đào nở; Quốc sư Đức Thiều ở núi Thiên Thai, tham vấn qua 54 vị thiện tri thức mà pháp duyên chưa hợp, đến hội Pháp Nhãn, nhờ “giọt nước nguồn Tào” mới hoát nhiên đại ngộ; Thiền sư Huệ Lăng Trường Khánh tới lui trong hội của Ngài Tuyết Phong đến 20 năm, ngồi rách 7 cái bồ đoàn, đến khi cuốn rèm mới tự nhiên tỏ ngộ lý Thiền. Người xưa căn cơ bén nhạy, tu hành thanh tịnh mà còn phải mất bao nhiêu công sức và thời gian như thế. Chúng ta ngày nay đang trong thời mạt pháp, chịu nhiều cám dỗ của những thú vui trần tục, quay cuồng theo nếp sống thác loạn thiên về vật chất, thì nếu không có tâm kiên cố và trường viễn, liệu có thể nào đặt chân đến cửa nhà Thiền? 

III- ÁP DỤNG VÀO ĐỜI SỐNG 

Chánh niệm có thể áp dụng cho tất cả mọi người, ở mọi nơi mọi lúc, khi tĩnh cũng như khi động. Trong bốn oai nghi (đi, đứng, nằm, ngồi), ngoài việc tọa thiền sẽ được đề cập trong phần riêng, chúng ta có thể chánh niệm trên các hình tướng của thân hoặc những vọng tưởng sinh diệt của tâm. Tất cả đều là tinh thần của chữ BIẾT. Biết mà không phân biệt đẹp-xấu, hay-dở, hơn-thua...; đó là cái biết bằng trực giác không qua trung gian suy luận. Ví như tấm gương sáng, có thể phản chiếu tất cả sự vật để trước nó, nhưng không lưu ảnh một vật nào; ánh sáng chánh niệm cũng soi rọi vào tất cả các pháp, từ thô đến tế, từ ngoài vào trong, rõ ràng thường biết nhưng hoàn toàn khách quan, không phân tích so sánh.

Trong lao tác, chánh niệm là làm việc gì chỉ biết việc ấy. Công việc ta làm trong chánh niệm sẽ kỹ lưỡng và có năng suất rất cao. Những tai nạn lao động xảy ra trong các nhà máy thường do công nhân không chú tâm vào việc làm, lúc thao tác trên máy móc mà tâm trí để tận đâu đâu. Đối với những việc làm đòi hỏi sự chính xác và tỉ mỉ, sự tập trung cao độ, thì chánh niệm là điều kiện thiết yếu. Nếu có dịp đến các phòng thư pháp, chúng ta có thể thấy rõ sức định tâm của người viết dường như tuôn trào lên ngọn bút, rồi thể hiện ra trang giấy.

Đối với những cơn đau ở thân, chánh niệm được áp dụng như thế nào? - Đau là phản ứng của cơ thể đối với một kích thích tác hại đến từ bên ngoài hoặc bên trong, là hệ thống báo động cảnh giác cho chúng ta biết có điều gì không ổn. Đây là phản ứng cần thiết để chúng ta tìm cách loại trừ nguyên nhân gây đau; nhưng nếu cơn đau tăng quá sức chịu đựng, có thể gây choáng và đe dọa mạng sống con người. Đau là một phạm trù rất rộng lớn và đa dạng, nhưng cơ chế chung là do một tổn thương trên cơ thể tác động vào các dây thần kinh cảm giác của những tế bào đặc biệt thuộc hệ thần kinh, gọi là Neurone. Các Neurone này có mặt khắp nơi trên da và các bộ phận trên cơ thể, khi bị kích thích, sẽ truyền tín hiệu đau dọc theo dây thần kinh tủy sống đưa lên não. Hệ thần kinh trung ương có vai trò quyết định trong tất cả các hoạt động sinh lý, trong đó có cơn đau. Cho nên, sự lo lắng, sợ sệt quá độ sẽ làm mất thăng bằng nơi hệ thần kinh cao cấp, làm gia tăng cảm giác đau đớn; ngược lại, sự thư giãn, chủ động chấp nhận và nhận diện rõ tiến trình xảy ra của cơn đau sẽ tạo ra những điểm hưng phấn mới trên vỏ não, lấn át được các điểm hưng phấn gây đau có trước. Đây là cơ chế tác dụng của chánh niệm đối với cơn đau.

Mặc khác, chánh niệm đến với cơn đau còn bằng hai tác dụng mà chỉ có các thiền sinh nhiều công phu tu tập mới nhận rõ. Một là tác dụng chuyển hóa, như ánh nắng mặt trời chiếu vào nước đá. Mặt trời tác động thế nào lên nước đá để biến nước từ thể rắn sang thể lỏng? - Mặt trời không làm gì cả, ánh nắng chiếu đến một cách tự nhiên, bất bạo động, và sức nóng trong nắng đã bao trùm cục nước đá, làm nước đá từ từ chuyển thể. Cũng vậy, chúng ta chỉ dùng ánh sáng chánh niệm soi rọi cơn đau từ lúc bắt đầu, tồn tại rồi biến mất; Chánh niệm sẽ bao trùm, nhận diện và cuối cùng chuyển hóa được cơn đau. Tác dụng thứ hai, đối với người đã nhận được bản tâm thanh tịnh của chính mình, tức là “cái biết đau”, chánh niệm soi rõ cơn đau thuộc về thân, không ảnh hưởng đến tánh Biết thường hằng. Đây là cái thấy của Ngài Trần Thái Tông lúc bệnh. Khi Tuệ Trung Thượng Sĩ gửi thư đến hỏi thăm, Ngài viết vào cuối trang hai câu kệ đáp lại: 

Viêm viêm thử khí hãn thông thân,
Hà tằng hoán đắc nương sanh khố.

Dịch: 

Hơi nóng hừng hực toát mồ hôi,
Chiếc khố mẹ sanh chưa từng ướt.

Đối với những phiền não, đau khổ tuyệt vọng ở tâm, chánh niệm có tác dụng chuyển hóa rõ rệt. Trong đời thường, ít nhất một lần chúng ta cảm nhận được niềm an ủi, khi đang buồn bực, đau khổ mà được đến gần bạn thân hay người mình thương yêu, tin cậy. Người ấy không cần nói gì, chỉ cần ngồi cạnh ta, nắm tay ta, ta đã thấy vơi đi, nguôi đi nỗi đau tưởng chừng khó chịu đựng nổi. Chánh niệm ở đây cũng có vai trò tương tự như thế. Điều này có vẻ khó hiểu và khó tin, nhưng nếu đã trải qua nhiều thời gian thực tập chánh niệm, chúng ta sẽ tự kinh nghiệm lấy. Ngoài ra, chúng ta đã từng biết, phiền não khổ đau cũng chỉ là những tâm hành sinh diệt, những vọng tưởng hư dối. Chánh niệm trên vọng tưởng là tinh thần của: “Quán tâm trên tâm” trong Kinh Niệm Xứ, của “Biết vọng không theo” trong Thiền Tông Việt Nam cuối thế kỷ 20. Biết đó là vọng, tự dưng vọng biến mất; ngay khi ấy, tâm liền an.

Thực tập chánh niệm và quán niệm trên thân, tâm, cảnh còn giúp chúng ta ứng phó với mọi tình huống xảy ra trong cuộc sống thường nhật, đặc biệt với 8 gió lợi, suy, hủy, dự, xưng, cơ, khổ, lạc (hưởng lợi lộc, bị hao tốn, bị miệt thị, được khen ngợi, được tôn sùng, bị khinh rẻ, chịu khổ nhọc, được vui sướng). Bằng ánh sáng chánh niệm thấy biết một cách “như thị” về thân, chúng ta nhận rõ nó không có chủ tể, vì nó hoạt động, vận hành các bộ phận ngoài ý muốn của ta; nó là duyên sinh vì do nhiều tế bào hợp lại mà thành; nó luôn biến đổi trong từng giây phút. Do vậy, nó là Vô ngã. Ngã không có thật thì những sở hữu của Ngã (Ngã sở) càng không thật. Từ đó, những vọng chấp đắm luyến về thân-tâm-cảnh đều không còn. Ngay cả trong phút giây cận kề cái chết, chúng ta vẫn thấy an định, tỉnh táo, không tham đắm lưu luyến bất cứ thứ gì trên đời. Đây là tiền đề của sự giải thoát sanh tử.

Như vậy, chúng ta thấy rõ, bất cứ ở đâu và lúc nào, chúng ta cũng thực hiện được chánh niệm. Cách công phu này không hạn cuộc cho đối tượng xuất gia hay tại gia; không phân biệt giới tính, trình độ học vấn và địa vị xã hội; cũng không nhất định phải theo thời khóa, tình hình sức khỏe hoặc công việc hằng ngày. Kết quả công phu cũng không lệ thuộc thời gian lâu hay mau mà tùy vào hiệu quả khi dụng công. Một người tu suốt đời mà luôn thất niệm thì không bằng người chỉ tu vài năm mà thực tập chánh niệm tinh cần. Trong Kinh Niệm Xứ, Đức Phật hạn định thời gian đạt được Thánh quả cho những hành giả thực hiện chánh niệm và quán niệm trên bốn lĩnh vực Thân-Thọ-Tâm-Pháp, dài nhất là 7 năm nhưng ngắn nhất chỉ có 7 ngày. Hai mốc thời gian cách nhau quá xa, chứng tỏ thời gian ấy chỉ có tính cách ước lệ, và tùy thuộc từng người. Nếu chúng ta có nhiệt tâm tu hành, đầy đủ tri kiến như thật, nắm vững pháp tu và ứng dụng có kết quả, thì chỉ cần một thời gian ngắn là thấy cuộc đời mình đã biến chuyển, thăng hoa. Còn nếu không nhiệt thành với đạo, tu hành giải đãi, lúc tiến lúc lùi, thì biết đến bao giờ chúng ta mới xong được việc lớn? 

Quê hương ta không ở một nơi nào xa xôi, cũng không xuất hiện vào một ngày mai vô định. Chúng ta không thể dùng ý thức để tưởng tượng, để nắm bắt, vì quê hương ấy không ở ngoài bản thân ta, không phải là đối tượng nhận thức của ta. Đó chính là con người thật muôn thuở của mình. Chỉ cần dừng lại bước chân chạy đuổi về tương lai hay truy tìm về quá khứ, nhận chân được thực tại vĩnh hằng chúng ta đã an ổn trên đất quê hương. Thiền sư Huyền Giác nói: 

Bất ly đương xứ thường trạm nhiên
Mích tức tri quân bất khả kiến.

Trúc Thiên dịch: 

Tìm kiếm đã hay không thấy được
Mà luôn trước mắt vẫn thường nhiên.

Không lìa chỗ ấy mà thường lặng lẽ; nếu cất công tìm kiếm thì không thể nào thấy được. Nhưng nếu không có công phu đi “tìm” thì cũng chẳng xong. Đây là một điều rất khó khăn và bí hiểm mà mỗi người chúng ta phải khéo thầm nhận lấy !

PHƯƠNG PHÁP
 TỌA THIỀN

Trong tinh thần của quyển sách này, chúng tôi chú trọng trình bày những nguyên tắc căn bản về công phu thiền tập, để các thiền sinh có những bước đầu vững chắc trên đường tu. Những chi tiết về tọa thiền nói riêng và thiền tập trong mọi lĩnh vực nói chung, sẽ được đề cập đến một cách cụ thể trong một quyển sách khác.(*)

Nguyên tắc chung khi tọa thiền là dùng chánh niệm làm căn bản. Từ lúc thực hiện các nghi thức lễ Phật, sau đó chuẩn bị nhập thiền...... cho đến khi xả thiền, chúng ta đều đặt tâm ngay thời điểm hiện tại. Thường chúng ta có thái độ vội vàng khi chuẩn bị, xem lúc tọa thiền mới là lúc tu, mà không hiểu rằng, những hành động sửa soạn cho những giờ ngồi thiền cũng là những nghi lễ thiêng liêng không kém. Cho nên, trong lúc động dụng nói năng, nếu chúng ta có chánh niệm, thì khi tọa thiền chúng ta càng dễ đạt được kết quả tốt. 

Thời khóa công phu không cố định, tùy thuộc hoàn cảnh gia đình và sức khỏe của mỗi thiền sinh. Nói chung, cần sắp xếp giờ tọa thiền vào lúc chúng ta rảnh việc, trong nhà tương đối yên tĩnh, lại không quá khuya. Cũng không nên tọa thiền ngay sau khi ăn no, vì ảnh hưởng đến tiêu hóa và dễ bị hôn trầm. Tại các thiền viện thuộc Thiền phái Trúc Lâm, mỗi ngày tọa thiền 2-3 lần, mỗi lần 1-2 giờ. Quý vị cư sĩ vì bận bịu gia duyên, số giờ và số lần tọa thiền có thể ít hơn, nhưng tối thiểu cũng phải một lần mỗi ngày. 

Chướng ngại trong công phu tọa thiền, đáng kể nhất là hôn trầm và trạo cử. Đối với hôn trầm, ngoài lý do ăn uống nói trên và sức khỏe (thiếu ngủ, quá mệt mỏi do công việc, đau ốm...), còn do chúng ta chưa nắm vững phương pháp tọa thiền. Một số thiền sinh, bình thường không buồn ngủ, thậm chí khi nằm trên giường cũng trằn trọc không ngủ được, nhưng chỉ ngồi thiền một lát là rơi vào vô ký hay hôn trầm. Chúng ta thường gọi là “bị ma ngủ tấn công”. Lúc ấy, nên mở mắt lớn ra và thở mạnh vài hơi, rồi chỉnh thân lại ngay ngắn, tiếp tục tọa thiền. Nếu vẫn còn buồn ngủ, nên đứng dậy đi thiền hành vài vòng hoặc ra rửa mặt cho tỉnh táo. Luôn luôn có quyết tâm, không chịu thua “con ma ngủ”, như thế một thời gian sẽ khắc phục được chướng ngại này. 

Trạo cử gồm khẩu trạo, thân trạo, ý trạo. Khẩu trạo là miệng nói liên tục không ngừng, thân trạo là đứng ngồi không yên, ý trạo là tâm nghĩ ngợi lung tung, hết chuyện này đến chuyện khác. Khi tọa thiền thì miệng không nói nên không có khẩu trạo, nhưng còn thân và ý thì cần phải công phu. Thân có yên thì tâm mới an định. Mọi cảm giác đau tê ở chân tay, nóng bức ngứa ngáy hay khó chịu ở thân... là những khổ thọ. Chánh niệm trên các khổ thọ ấy mà không tìm cách tránh né hay đè bẹp nó, một thời gian các khổ thọ sẽ được chuyển hóa. Lúc tâm an định, chúng ta thấy thời gian qua rất nhanh, các cảm giác khó chịu ở thân sẽ không còn nữa, chứng tỏ có sự liên hệ chặt chẽ giữa thân và tâm. Điều này giải thích tại sao nhiều vị Thiền sư đạt định sâu, những nhu cầu bình thường của cơ thể như ăn ngủ, bài tiết... đều giảm hay mất, nên có thể tọa thiền liên tục vài ngày đến vài mươi ngày. 

I- NHẬP THIỀN

1- Chuẩn bị phương tiện

a- Trang phục: Trang phục cần rộng rãi, thoáng mát, thoải mái. Nếu tọa thiền trong chánh điện, tu sĩ mặc áo dài, cư sĩ nên có áo tràng lam để giữ sự trang nghiêm. Ở nơi lạnh, nên mặc đủ ấm. Nếu trời quá nóng bức, có thể dùng quạt nhưng tránh để gió thổi từ sau lưng ót dễ làm nhiễm cảm.

b- Nơi chốn: Nếu có điều kiện, nên có một nơi tọa thiền riêng biệt để tránh bớt ngoại duyên. Trong thiền phòng, thiết kế một bàn thờ Phật đơn giản nhưng trang nghiêm; không nên bài trí nhiều tranh tượng rườm rà. Nếu không có nơi riêng biệt, chúng ta có thể chọn cho mình một chỗ ngồi vào giờ nào đó trong ngày, sao cho thích hợp hơn cả. Về ánh sáng, không nên để đèn quá nhiều vì dễ sanh loạn tưởng, cũng không quá tối vì dễ gây hôn trầm. 

c- Dụng cụ tọa thiền: gồm có: 

- Một tọa cụ vuông, mỗi cạnh độ 0,6m, trải phía dưới, dùng để lót chân và hai gối khỏi bị đau và lạnh. Có thể lấy vải hay chăn mền xếp gọn lại để thay thế, nếu không có tọa cụ. 

- Một bồ đoàn tròn, đường kính độ 0,2m, bề cao tùy vóc dáng từng người mà thay đổi cho thích hợp. Bồ đoàn không nên mềm quá hay cứng quá. Dùng để kê mông hơi cao cho cột sống lưng được thẳng. 

- Một khăn lông hay gối nhỏ để chêm dưới bàn tay, nếu lòng bàn chân quá lõm. Mục đích để hai bàn tay ở vào vị trí thích hợp cho hai vai được ngang bằng nhau.

Có người chủ trương, ngày xưa đức Phật chỉ dùng cỏ trải làm tọa cụ chứ không có bồ đoàn, nên bây giờ chúng ta cũng nên theo đúng như thế. Thật ra, dụng cụ chỉ là phương tiện hỗ trợ cho tư thế, làm sao cho chúng ta ngồi đúng phương pháp để công phu trong thời gian dài mà không bị chướng ngại hoặc bệnh hoạn sau này. Dụng cụ phải thích hợp với cấu tạo cơ thể của từng người, không nên cứng nhắc theo một khuôn mẫu nhất định. 

2- Tư thế tọa thiền

Có nhiều tư thế, chúng ta có thể lựa chọn sao cho thích hợp với tuổi tác, sức khỏe và vóc dáng của mình. 

a-Kiết già: Còn gọi là Toàn già hay tư thế Hoa sen. Đây là tư thế ưu thắng nhất vì khí huyết dễ lưu thông, thân vững vàng do có ba điểm tựa (xương cùng-cụt và hai đầu gối), nên có thể ngồi lâu được. Thuận chân nào thì gác chân ấy lên trước, nhưng thống nhất thì chân trái gác lên đùi phải, sau đó chân phải gác lên đùi trái. Tư thế này phù hợp với người trẻ, chân dài, các khớp linh động. 

b- Bán già: Gác chân này lên đùi chân kia, tùy bên nào thuận hơn. Chân trái đặt lên trên, gọi là tư thế Hàng ma; chân phải ở trên là tư thế Kiết tường. Tư thế này phù hợp với người mập, chân ngắn, hoặc tập tọa thiền khi đã lớn tuổi nên xương khớp không còn linh hoạt như lúc trẻ. 

c- Các tư thế khác: Đối với người có bệnh ở xương khớp, có thể ngồi xếp bằng bình thường hoặc theo kiểu Miến Điện (xếp bằng nhưng hai bàn chân đều đặt trên tọa cụ). Cũng có thể ngồi trên ghế, hai bàn chân đặt sát mặt đất, xương sống thẳng, không tựa vào lưng ghế. Người Nhật Bản có một tư thế đặc biệt là ngồi trên hai gót chân. Chúng ta không quen thì thấy mỏi nhanh và đau, nhưng nếu quen cũng có thể ngồi được lâu và vững. 

3- Cách nhập thiền

a- Điều thân: Ngồi lên bồ đoàn, sao cho xương cùng đặt ngay giữa bồ đoàn. Nghiêng người qua lại vài lần rồi ngồi theo tư thế tọa thiền thích hợp. Cởi nút áo cổ, nới dây thắt lưng. Chỉnh các nếp áo quần để khỏi cấn chân. Xếp các vạt áo ngay ngắn. 

Bàn tay phải để trên bàn tay trái, kê gối nhỏ dưới bàn tay nếu lòng bàn chân quá trũng. Hai đầu ngón tay cái chạm nhẹ vào nhau. Hai bàn tay đặt lên lòng bàn chân sao cho đầu ngón tay cái nằm ngay chiều rốn. Hai cánh tay không khuỳnh ra cũng không ép sát quá, khuỷu tay vừa chạm vào hông là được.

Thân cúi xuống ngẩng lên 3 lần, lúc đầu mạnh sau nhẹ dần. Chỉnh thân theo các tiêu chuẩn sau đây: 

- Lưng thẳng vừa phải, không ưỡn ngực cũng không cong lưng. Ưỡn quá sẽ tức ngực, quá cúi sẽ dễ sinh hôn trầm và hơi thở không được thông suốt. Tốt nhất là ngồi một cách tự nhiên thoải mái. 

- Chóp mũi hướng ngay rốn và hai đầu ngón tay cái. Hai trái tai đối chiếu thẳng xuống vai. Các mốc này giúp đầu không bị nghiêng, không quá cúi hoặc quá ngẩng lên. 

- Mắt khép độ 2/3, tầm nhìn không quá 0,6-1m từ hai chân. Mắt nhắm hay mở cũng có thể thay đổi tùy người và tùy lúc. Người hay loạn tưởng, hoặc trong phòng ánh sáng hơi chói, bị mỏi hay xốn ở mắt, có thể nhắm mắt lại. Nếu dễ vô ký, hôn trầm, nên mở mắt lớn hơn. 

- Gương mặt tươi, bình thản. 

b- Điều tức: Thở 3 hơi dài, lúc đầu mạnh sau nhẹ dần. Hít vào bằng mũi, tưởng rằng “Không khí trong sạch theo hơi thở tỏa lan khắp châu thân”. Thở ra bằng miệng, tưởng rằng “Bao nhiêu phiền não, cấu uế, bệnh hoạn đều theo hơi thở ra ngoài”. Sau đó, ngậm miệng lại, lưỡi để tự nhiên. Từ đây về sau chỉ hít thở bình thường bằng mũi. 

II- TRỤ THIỀN

Đối với người sơ cơ, nên lần lượt công phu theo 3 phương pháp, xem như ba giai đoạn tu tập: Sổ tức, Tùy tức và Tri vọng. Khi phương pháp này được thực hiện thuần thục, chúng ta mới chuyển sang phương pháp khác. Không nên nóng vội mà đốt giai đoạn, hoặc tự cho mình có căn cơ đặc biệt nên xem thường những giai đoạn đầu tiên. Chúng ta nên nhớ, những phương pháp Sổ tức và Tùy tức, tuy mới nhìn tưởng là đơn giản, nhưng thật sự là căn bản cho toàn bộ quá trình tu tập của chúng ta. Nếu xây nhà mà không có nền móng vững chắc, ngôi nhà không thể bền vững cùng năm tháng, và càng xây cao bao nhiêu thì càng dễ sụp đổ bấy nhiêu. 

1- Sổ tức

Đây là phương pháp đếm hơi thở, có 2 cách: 

- Nhặt: Hít vào đếm 1, thở ra đếm 2, hít vào đếm 3... lần lượt đến 10 rồi trở lại từ 1. 

- Khoan: Hít vào và thở ra đếm 1... lần lượt đến 10 rồi trở lại từ 1. 

Nếu trong lúc đếm mà quên hay lầm số, phải đếm trở lại từ 1. Khi đã đếm thuần thục không lầm, mới chuyển qua giai đoạn kế tiếp. 

2- Tùy tức

Tùy tức là theo dõi hơi thở: Thở vào ta biết mình đang thở vào, thở ra biết mình thở ra; thở vào ngắn biết thở vào ngắn, thở ra ngắn biết thở ra ngắn; thở vào dài biết thở vào dài, thở ra dài biết thở ra dài. Luôn luôn chúng ta ý thức rõ mình đang thở, hơi thở thế nào biết như thế đó, không bắt buộc hơi thở phải theo ý mình. Trong khi theo dõi hơi thở, ta dễ trực nhận mạng sống rất mong manh, chỉ có trong hơi thở; nếu thở ra không hít vào là không còn tồn tại. Khi thân đã mất thì những tư tưởng tình cảm hiện khởi cũng không còn. Quán sâu xa, chúng ta sẽ thấy rõ lý vô thường của thân và tâm. Từ đó hiểu một cách sâu sắc, vô thường là chân lý tuyệt đối đúng cho mọi nơi mọi lúc, từ cá nhân cho đến toàn thể vũ trụ.

Chánh niệm trên hơi thở, công phu của chúng ta sẽ tiến triển theo 3 trình tự: Lúc đầu, có sự liên hệ giữa tâm và hơi thở, vì tâm luôn luôn duyên theo hơi thở không rời. Sau đó, hơi thở trở thành gạch nối giữa thân và tâm, chúng ta cảm giác được sự tươi mát sảng khoái lan tỏa toàn thân. Cuối cùng là trạng thái an định, có sự hợp nhất giữa thân và tâm. Lúc này, hơi thở rất nhẹ, như có như không, nghĩa là thở theo “tức tướng”.

Khi Tùy tức thuần thục, chúng ta bước sang giai đoạn Tri vọng. Tuy nhiên, không phải khi qua giai đoạn này là bỏ luôn Tùy tức. Phương pháp theo dõi hơi thở có thể áp dụng bất cứ lúc nào, nhất là khi vọng tưởng lẫy lừng, hết lớp này nổi lên lớp khác, hoặc lúc chúng ta có nhiều việc phiền toái trong cuộc sống hàng ngày, khiến tọa thiền mà tâm vẫn bất an. Lúc ấy, áp dụng phương pháp Tùy tức sẽ có kết quả tốt. 

3- Tri vọng:

Con người thường cho rằng những tình cảm, ý nghĩ chợt biến chợt hiện trong đầu là tâm của mình. Do chấp tâm ấy là thật nên ai nói hay làm trái ý, chúng ta liền nổi sân hận. Vì thế, phiền não cứ còn mãi không thôi. Bây giờ, nhờ quán chiếu thấy rõ thân tâm này chỉ do duyên sinh chứ không thật có, không phải là mình, chúng ta đã tiến được một bước trên đường đạo.

Khi được Tổ Bồ-Đề Đạt-Ma nhận làm đệ tử, Ngài Thần Quang một hôm thưa cùng Tổ: 

- Tâm con không an, xin Hòa thượng dạy cho con phép an tâm. 
Tổ bảo: 

- Đem tâm ra, ta an cho. 

Ngài Thần Quang sửng sốt, nhưng lời Tổ dạy, đâu dám không vâng theo. Ngài lục tìm tâm giây lâu không thấy, bèn thật thà thưa: 

- Con tìm tâm không được. 

Tổ liền nói: 

- Ta đã an tâm cho ngươi rồi !

Ngay đây, Ngài Thần Quang liền ngộ. Rõ ràng, phương pháp an tâm chỉ đơn giản là nhìn lại chính mình, xem những ý tưởng lăng xăng mà mình cho là “tâm” đó, phát xuất từ đâu và đi về nơi nào. Nhìn thẳng nó, nó liền mất. Do vậy, tâm được an. Tựu trung, chỉ cần biết cái gọi là “tâm” chỉ là vọng tưởng hư dối, không lầm theo nó. Chúng ta không có ý đè nén, dẹp trừ vọng, mà chỉ thắp sáng chánh niệm lên vọng tưởng. Chúng ta cũng không có ý buông vọng, vì ý niệm “buông” đã là một động tác của tâm. Đây là một điều khá tế nhị, chúng ta cần phân biệt rõ để khỏi lầm lẫn trong công phu, giữa “Biết vọng không theo” và “Biết vọng liền buông”. Thực ra “không theo” là một hành vi của ý thức, nhưng không có chủ ý, chỉ biết nó là vọng mà không tác ý gì trên nó. Ngược lại, “Buông” là một hành vi cụ thể, có tác ý, có đối tượng rõ ràng, nên ý niệm “Buông” lại là một vọng tưởng nữa, dù vi tế hơn.

Lời dạy của Lục Tổ Huệ Năng là một căn bản thứ hai cho phương pháp Tri vọng. Nhiều thiền sinh tự hỏi: “Cứ mãi miết thực hành pháp Biết vọng không theo, rồi khi vọng hết, mình còn cái gì? ”. Câu chuyện sau đây là câu trả lời minh bạch: 

Khi tăng chúng biết Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn đã truyền y bát cho cư sĩ Huệ Năng, liền đuổi theo để dành lại. Thượng tọa Huệ Minh theo kịp, thấy y bát để trên bàn thạch, dùng sức cầm lên vẫn không nhúc nhích, biết có điều huyền diệu bên trong, nên thỉnh Ngài ra nói pháp. Ngài từ trong lùm cây bước ra, bảo: 

- Ông đã vì pháp mà đến thì nên dứt sạch các duyên chớ sanh một niệm, tôi sẽ vì ông nói. 

Huệ Minh im lặng giây lâu. Lục Tổ bảo:

- Không nghĩ thiện, không nghĩ ác, chính khi ấy cái gì là bản lai diện mục của Thượng tọa Minh? 

Huệ Minh ngay câu nói đó liền ngộ. 

Câu chuyện này cho thấy, nếu tâm không còn kẹt hai bên (thiện-ác, đúng-sai, hay-dở...), mọi vọng niệm dứt sạch, hoàn toàn rỗng rang lặng lẽ, lúc ấy mình còn lại gì? - Lúc ấy, vẫn còn cái hằng biết, biết nhưng không phân biệt chia chẻ. Nhận ra được điều này, chúng ta bắt đầu chợt cảm nhận về một cái gì đó rất gần nhưng cũng rất xa, một điều rất bí mật nhưng cũng khá rõ ràng. Tùy phước duyên và tùy sự tinh tấn của mỗi người mà lời giải đáp đến nhanh hay chậm. 

Phương pháp Tri vọng có thể chia ra 2 cấp độ, từ thấp đến cao: Pháp biết vọng và Tánh biết vọng. 
a- Pháp biết vọng: Khởi đầu, chúng ta áp dụng Tùy tức để tâm bớt loạn động. Sau đó, chúng ta nhận diện các vọng niệm. Khi vọng khởi lên liền biết, không theo nó, tự nhiên nó biến mất; vọng lặng thì tâm thanh tịnh. Cứ tiếp tục như thế, vọng thưa dần và im bặt. 

Thực hành pháp này, chúng ta còn phân biệt năng và sở: Vọng là sở, người biết vọng là năng. Đây là pháp môn đối trị, còn trong tương đối, nhưng rất cần thiết cho những hành giả còn đang điều phục tâm. Có điều chúng ta nên lưu ý: Thường thì chúng ta chỉ ý thức trên “cái vọng”, nên khi vọng khởi liền biết; nhưng không có ý thức trên “cái không vọng”. Vì thế, chỉ lom lom nhìn từng vọng khởi lên để điểm mặt, như người đấu sĩ trên đấu trường, cứ chờ địch thủ tấn công chiêu nào thì đỡ chiêu nấy rồi thôi, mà không biết phản công lại để dành ưu thế. Như vậy thì biết đến bao giờ mới kết thúc được trận đấu? Nói rõ hơn, chúng ta chỉ biết đợi có vọng, không theo nó, vọng biến mất rồi được an, nghĩa là chỉ có định. Chúng ta không biết an lập ngay cái định để có trí huệ. Lúc không còn vọng niệm, mọi sự vật hiện tượng xảy ra xung quanh, ta đều biết. Biết nhưng không có ý niệm lưỡng phân, nên cái biết ấy không phải là ý thức mà là trí tuệ, đây là cái biết của trực giác. Lúc có sự chiếu soi của trí tuệ, chúng ta phải khéo léo hội nhập vào đó. Tâm an định tức sinh trí huệ - mới nghe tưởng là Định và Huệ riêng rẻ, nhưng thực sự không hai, tức Định tức Huệ. Đây là tinh thần “An tâm tại vọng tình, Định Huệ đồng thời” của Lục Tổ. 

Một vấn đề khác, lúc làm việc nói năng, ta thường thấy ít có vọng tưởng. Nhưng khi tọa thiền, vọng tưởng lăng xăng sinh diệt không ngừng. Thật ra, do lúc tọa thiền, các duyên bên ngoài tạm cắt, chúng ta tỉnh giác theo dõi những tâm hành sinh diệt, nên nhận rõ từng vọng niệm dấy khởi. Nói khác đi, do niệm khởi lên trong vùng ánh sáng của chánh niệm, nên tất cả niệm đều hiện bày rõ ràng. Sức tỉnh giác càng mạnh, mọi ngõ ngách sâu kín của tâm thức càng lộ rõ. 

b- Tánh biết vọng: Khi công phu tăng tiến, một lúc nào đó chúng ta nảy ra một mối nghi: Vọng là đối tượng nhận thức, cái hay biết vọng là chủ thể nhận thức; cả hai đồng thời có mặt khi vọng dấy khởi. Lúc không có vọng, ta ở trong trạng thái lặng lẽ, trạng thái này cũng là một đối tượng nhận thức. Như vậy, vọng và không vọng là hai trạng thái thay đổi luân phiên nhau; còn cái chủ thể nhận thức tức cái biết có vọng và không vọng ấy, thực chất là gì? Cái biết này luôn luôn hiện hữu, không sinh không diệt. Ví như sóng biển, có lúc chìm lúc nổi, lúc to lúc nhỏ, lúc trong lúc đục, nhưng mặt biển vẫn thênh thang và hằng hữu. Ngoài ra, sóng và biển đều cùng bản chất là nước; muốn tìm nước, cứ ngay sóng mà tìm chứ không đợi sóng lặng mới có nước. Sóng biển như vọng tâm, nước biển dụ cho chơn tâm. Vọng và chơn chỉ là hai mặt của một thực thể, do có vọng mới lập bày ra chơn, thật sự chúng không hai không khác. Đây là liễu vọng. Biết được bản chất thật sự của vọng, chúng ta không cần đè nén, dẹp trừ vọng mà ngay vọng nhận được chơn. Không còn phiền não để loại trừ, không có Bồ đề để chứng đắc. Tức vọng tức chơn, phiền não tức Bồ đề, đúng tinh thần Bất nhị của Đại Thừa Phật giáo. 

Thiền tông chủ trương “Kiến tánh thành Phật”; nhưng vì căn cơ chúng sinh phần nhiều thấp kém, nên lại lập bày phương tiện “tiệm tu”. Vì thế, các vị Tổ sư đã chỉ rõ từng cấp độ tiến triển của tâm, như các hình ảnh tượng trưng trong mười bức tranh chăn trâu. Trâu chỉ cho tánh giác hằng hữu nơi mỗi người, bản chất là trâu trắng, nhưng do thức tình vọng tưởng phủ che bao nhiêu đời kiếp, nên mang toàn một màu đen, lại ngang ngạnh chạy ngược chạy xuôi, ăn lúa mạ của ruộng người (chạy theo sáu trần tạo nghiệp). Muốn điều phục trâu, phải dùng dây vàm là giới luật, roi vọt chăn giữ là cái biết vọng; luôn luôn chăm chăm nhìn, theo dõi từng vọng niệm dấy khởi mà không chạy theo nó, đó là chăn trâu. Công phu chăn và thuần hóa con trâu ngông cuồng thật gian nan, khó nhọc và đòi hỏi sự kiên trì, siêng năng, giống như người đã nhận ra tánh giác nhưng còn phải dày công bảo nhậm, cho tự tánh luôn hiển bày, thanh tịnh. Thường xuyên tỉnh giác, bào mòn tập khí như thế, một ngày nào đó tâm sẽ thanh tịnh rỗng rang, lúc cần khởi niệm thì đó là dụng của tự tánh, lúc bình thường lại trở về với thể tánh chân thường. Mọi việc làm của chúng ta tự nhiên khế hợp với tự tánh, dụng công mà không dụng nên hằng dụng, chính là Vô công dụng hạnh của các Bậc Bồ tát. Thiền sư Vĩnh-Gia Huyền-Giác nói: 

Khéo khéo lúc dụng tâm
Khéo khéo không tâm dụng
Không tâm khéo khéo dụng
Thường dụng khéo khéo không. 

Vì không có tâm dụng nên không có năng dụng và sở dụng, nhưng không dung túng vọng tưởng nên hàng ngày vẫn khéo khéo dụng công. Dù thường ngày dụng công nhưng không chủ ý khởi vọng niệm, không trừ vọng tâm, cũng không tâm phân biệt người dụng và đối tượng dụng, nên vẫn khéo khéo không. Đây là điều rất sâu xa khó hiểu, không thể dùng ý thức để đo lường, mà phải tự mình đặt chân đến đoạn-đường-tâm ấy mới thầm hội được.

III- XẢ THIỀN

Xả thiền theo thứ tự ngược lại với lúc nhập thiền: Trước nhất là xả tâm, kế đến là xả hơi thở, sau đó là xả thân. Mọi động tác đều phải từ tốn, nhẹ nhàng, tâm vẫn bám chặt vào từng động tác. Cần tránh những cử chỉ thô tháo, vì tuy gọi là giai đoạn xả thiền, nhưng thực chất ta vẫn luôn có chánh niệm trong mọi thời điểm, nghĩa là đang thiền tập trong tư thế động. Thời gian xả thiền mất khoảng 10-15 phút, tùy theo chúng ta tọa thiền lâu hay mau. Các động tác xoa bóp thân thể rất quan trọng và cần thiết để máu huyết lưu thông tốt, ngừa một số bệnh thấp khớp và thần kinh ngoại biên, hoặc có thể làm giảm đau các khớp đã bị bệnh sẵn. 

Sau đây là trình tự trong giai đoạn xả thiền: 

a- Xả tâm: Đọc thầm bài kệ hồi hướng:
Nguyện đem công đức này
Hướng về khắp tất cả
Đệ tử và chúng sanh 
Đều trọn thành Phật đạo.

b- Xả hơi thở: Thở 3 lần từ nhẹ đến mạnh (ngược với lúc nhập thiền), hít vào bằng mũi và thở ra bằng miệng. Lúc hít vào, tưởng rằng “Máu huyết theo hơi thở lưu thông khắp châu thân”. Thở ra, tưởng rằng “Bao nhiêu phiền não, cấu uế, bệnh hoạn đều theo hơi thở ra ngoài”.

c- Xả thân: Lần lượt làm các động tác sau: 

- Chuyển động hai bả vai, mỗi bên 5 lần, luân phiên nhau.

- Đầu cúi xuống ngước lên 5 lần, xoay qua trái qua phải 5 lần, rồi cúi xuống ngước lên một lần nữa cho quân bình.

- Co duỗi các ngón tay 5 lần.

- Chuyển thân từ nhẹ đến mạnh 5 lần, lần cuối úp hai bàn tay lên đầu gối, ấn mạnh xuống.

- Chà xát hai bàn tay vào nhau cho ấm lên, bắt đầu xoa mặt, tai, gáy và cổ, mỗi nơi 20 lần. Sau đó, dùng mười đầu ngón tay cào nhẹ trên đầu, từ trước ra sau 5 lần. 

- Dùng bàn tay phải xoa từ vai xuống cánh tay trái và bàn tay trái xoa từ nách xuống hông phải, làm đồng thời như vậy trong 5 lần. Kế đến, đổi tay làm ngược lại trong 5 lần. 

- Lòng bàn tay phải đặt lên ngực, lưng bàn tay trái đặt nơi lưng; hai tay đồng thời xoa theo chiều ngang ở 3 vị trí: Thượng tiêu (trước ngực), Trung tiêu (giữa ngực và bụng, tức vùng thượng vị), Hạ tiêu (vùng bụng dưới); mỗi nơi 5 lần. 

- Hai bàn tay chà xát mạnh ở vùng thận, thắt lưng, mông và dọc theo đùi đến đầu gối. Tùy theo sự đau tê nhiều hay ít mà xoa bóp lâu hay mau. Động tác này có thể giúp phòng chống chứng đau dây thần kinh hông (lâu nay gọi nhầm là thần kinh tọa). 

- Chà xát hai bàn tay vào nhau cho nóng rồi áp lên mắt. Có thể chà hai ngón tay giữa hoặc các lớp cơ dưới những ngón tay (nơi thịt gồ lên). Nơi lớp cơ dưới ngón tay út (đối diện với lớp cơ dưới ngón tay cái) là dễ nóng và đặt vào mắt thuận tiện nhất. Làm như vậy 5 lần. 

- Bắt đầu xoa bóp hai chân, lúc này chúng ta vẫn còn ngồi trên bồ đoàn. Tay nắm các đầu ngón chân kéo xả chân để bàn chân đặt xuống tọa cụ. Xoa bóp kỹ hai chân và lòng bàn chân cho đến khi bớt đau tê mới duỗi thẳng hai chân ra. Cúi người xuống, hai cánh tay duỗi thẳng, sao cho các ngón tay chạm vào đầu ngón chân. Cúi xuống ngẩng lên 3 lần. 

- Cuối cùng, bỏ bồ đoàn ra, tiếp tục xoa bóp những chỗ còn đau tê, hoặc những vùng thường ngày mình bị đau nếu có. 

Sau khi xả thiền, nếu cùng cộng tu trong thiền đường, nên ngồi lại, xếp bằng ngay ngắn. Chờ tất cả mọi người hoàn tất việc xả thiền, sẽ cùng đi kinh hành hoặc tụng kinh theo nghi thức thống nhất trong thiền viện. 

IV- THIỀN HÀNH VÀ KINH HÀNH

Đây là một phương pháp thiền tập. Bình thường, mỗi ngày chúng ta cần đi tản bộ khoảng 30 phút - 1 giờ, nhất là đối với những người làm việc văn phòng, ít vận động chân tay hoặc có nếp sống tĩnh tại. Đi bộ cũng là một môn thể dục nhằm phòng được bệnh lỗng xương, một bệnh thường xảy ra ở người lớn tuổi. 

Chúng ta có thể thiền hành ở bất cứ đâu: dọc bờ biển, trên đường vắng, quanh sân chùa, trong phòng hoặc trên sân thượng... Hai tay buông thỏng tự nhiên, đánh đàng xa nhẹ nhàng, chân bước từng bước chẫm rãi. Tâm chú mục vào một cảnh vật nào đó trước mắt nhưng không khởi niệm trên đó, hoặc duyên theo hơi thở hay chánh niệm trên từng bước chân...

Phương pháp kinh hành có những chi tiết khác hơn. Chúng ta thường đi kinh hành trong thiền đường, trong chánh điện, là những nơi tôn nghiêm. Hai tay chắp búp sen hoặc đặt trước bụng, bàn tay này để trên bàn tay kia hay các ngón đan vào nhau. Thân giữ thẳng khi đi, đầu không nghiêng qua ngó lại, mắt nhìn xuống cách khoảng 1m - 1,5m. Tâm không duyên theo các pháp, khi niệm khởi lên liền biết, không theo. Nếu kinh hành với nhiều người, chúng ta nên xếp hàng ngay thẳng, trang nghiêm. Nói chung, cần giữ tinh thần hòa chúng trong mọi nghi thức để có sự đồng bộ và nhịp nhàng.
     


KẾT LUẬN.

Ngày xưa, đời sống con người còn đơn giản, bình dị, xã hội ít xô bồ, bon chen, nên người xuất gia chỉ biết tu học, ít bị tư tưởng và cuộc sống bên ngoài chi phối. Ngày nay, phương tiện giao thông và truyền thông phát triển, những thành tựu khoa học làm đời sống vật chất của con người ngày càng cao. Một số người tu lại quá chú trọng kiến thức thế gian mà quên vai trò quyết định của công phu hành trì. Cho nên, nếu không được ở trong những tu viện nghiêm túc, nếu không khéo tổ chức đời sống tu hành, thì rất khó thăng tiến trên đường đạo. 

Đối với người tại gia, sự điều hòa về vật chất và bình an nội tâm lại càng quan trọng. Nhiều người không hưởng được hạnh phúc và sự bình ổn trong gia đình, nên đến chùa tìm sự nương tựa tinh thần, hoặc làm công tác từ thiện giúp người khốn khổ hơn mình. Đó là những việc thiện lành. Còn có những người không biết đạo lý, tìm vui trong sự hưởng thụ, đắm mình trong trụy lạc để chạy trốn niềm đau tâm hồn. Nhưng liệu họ có thấy hạnh phúc ở những nơi ấy không, hay sau những giờ phút quên lãng trốn tránh, nỗi buồn khổ lại càng đè nặng? “Dục phá thành sầu duy hữu tửu, Túy tự túy đảo sầu tự sầu”. Muốn phá thành sầu, tưởng chỉ có rượu là biện pháp giải quyết, nhưng khi uống đến say vẫn thấy sầu còn nguyên đó. Những người ấy thật rất đáng thương, vì họ không biết rằng, hạnh phúc đích thực chỉ được tìm thấy trên mảnh đất hiện tại, chứ không truy tìm được ở quá khứ hoặc tương lai hay ở nơi nào khác.

Đạo Phật là đạo Giác ngộ và Giải thoát - Giải thoát khỏi phiền não và giải thoát vòng sinh tử luân hồi. Những người con Phật thấm nhuần chánh pháp đều có thể tự tìm thấy hạnh phúc đích thực ngay trong cuộc sống nhiễu nhương. Buổi sáng thức dậy, thấy mình vẫn còn sống và mọi vật như đang đón chào một ngày mới tinh khôi, ta mỉm cười và nhận rõ sự nhiệm mầu trong từng phút giây hiện tại. Bằng Chánh niệm, ta thấy mình đang có hơi thở nhẹ nhàng thông suốt, đang có đôi chân mạnh khỏe để bước đi, đang có đôi mắt sáng để nhìn đời..., và ta thật sự có hạnh phúc. Chúng ta biết mình có phước duyên mới được thân người, lại gặp chánh pháp để tu hành, nên chúng ta biết trân quí từng phút giây của cuộc sống, không làm điều gì tổn hại đến sức khỏe của cơ thể, đến sự bình an của tâm hồn và đến sự trong sạch của môi trường xung quanh.

Thực hiện con đường nội nhiếp, chúng ta có một đời sống tỉnh thức thường trực trên thân và tâm. Đây là tiền đề để khám phá được tự tánh thanh tịnh bản lai của chính mình. Nho giáo có câu: “Tính tương cận, tập tương viễn”. Tự tánh nguyên thủy của con người rất gần gũi nhau, nhưng do huân tập ngoại duyên nên mỗi người mỗi tạo nghiệp khác, đưa đến hoàn cảnh chánh báo và y báo khác nhau. Vì huân tập nên xa cách, nếu trở về tánh bản lai thì sẽ thấy rất gần. Nhận được chân tâm, chúng ta sẽ có sức sống rạt rào và nồng nhiệt với cuộc đời và mọi người. Chúng ta sẽ thấy giải thoát là điều rất tự nhiên và có sẵn ngay trong cuộc đời phàm tục này, chứ không phải ở đâu xa xôi. Rõ ràng là Phật pháp có mặt ở khắp nơi, trong tách trà của Triệu Châu, trong chiếc bánh của Vân Môn, trên ngón tay của Câu Chi và trong mọi công việc thường ngày của chúng ta nữa. Tất cả mọi sự vật đều bình đẳng trong cái nhất như, đều hiện toàn chân pháp tánh, khi ánh sáng Chánh niệm soi rọi một cách thấu thể vào trong lòng muôn pháp. 

Do thấy muôn loài chúng sinh đều bình đẳng, nên chúng ta không quên những chúng sinh đang còn lang thang trong rừng rậm vô minh, đang tạo nghiệp và thọ khổ không có ngày cùng. Chúng ta noi gương các bậc Bồ tát và chư vị Tổ sư, phát đại nguyện tu Bồ tát hạnh, hành Bồ tát đạo, thượng cầu Phật đạo hạ hóa chúng sanh. Có lập đại thệ, phát đại nguyện và hành đại hạnh như thế, chúng ta mới có thể đền đáp trong muôn một ơn sâu dày của Phật-Tổ, mới xứng đáng là đệ tử của Đức Bổn Sư. 

Người gửi bài: Toàn Trung

07-31-2007 05:23:15

c

Nguồn: www.quangduc.com

Về danh mục

ß 清华间谍 nguồn gốc của khổ đau 课程表鼓励孩子的话 佛观音 新学期新展望内容怎么写 hÓng 即刻往生西方 Tây 成绩不好检讨 أبا درج น ท tái sinh ý nghĩa của sự giác ngộ lặng 净地不是问了问了一看 trạng 印顺法师关于大般涅槃经 4 lời khuyên cho người lười tập thể สโตร ส รา คนธรรพ มาเก ด 簡単便利戒名授与水戸 háºu قصص نسونجي Thoát Nhớ ơi khoai lang ngày cũ á Ÿ phần ii tình thiên thu 履职总结 願力的故事 tịnh xá ngọc trung tịnh nghiệp đạo 一念心性是 S a b Địa tạng i ปฏ จจสม ç¼½ç åœ å æ³ Người Sài Gòn nô nức đi ăn chay Ï æåŒ 村上市お墓 佛家说身后是什么意思 Phật ï½ èˆ æ æ ƒ 华藏宗门 メス